Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Hải Thượng Lãn Ông là biệt hiệu mà hậu thế gán cho Lê Hữu Trác (1720 - 1791). Tuy là người tinh thông y học, dịch lý, văn chương, nhưng ông được biết đến nhiều hơn với vai trò lang y.

Tiểu sử
Lê Hữu Trác vốn có tên cúng cơm là Huân, biểu tự Cận Như, bút hiệu Quế Hiên, Thảo Am, Lãn Ông, biệt hiệu cậu Chiêu Bảy, sinh ngày 11 tháng 12 năm Canh Tý (1720) tại xóm Văn Xá, hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (đặc biệt là từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với ở quê mẹ thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con thứ bảy của tiến sĩ Lê Hữu Mưu và phu nhân Bùi Thị Thưởng.
Dòng tộc ông vốn có truyền thống khoa bảng; ông nội, bác, chú (Lê Hữu Kiều), anh và em họ đều đỗ Tiến sĩ và làm quan to. Thân sinh của ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư (năm Kỷ Mùi 1739). Khi ấy, Lê Hữu Trác mới 20 tuổi, ông phải rời kinh thành về quê nhà, vừa trông nom gia đình vừa chăm chỉ đèn sách, mong nối nghiệp gia đình, lấy đường khoa cử để tiến thân. Nhưng xã hội bấy giờ rối ren, các phong trào nông dân nổi dậy khắp nơi. Chỉ một năm sau (1740), ông bắt đầu nghiên cứu thêm binh thư và võ nghệ, "nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình" (Tựa "Tâm lĩnh"). Chẳng bao lâu sau, ông nhận ra xã hội thối nát, chiến tranh chỉ tàn phá và mang bao đau thương, làm ông chán nản muốn ra khỏi quân đội, nên đã nhiều lần từ chối sự đề bạt. Đến năm 1746, nhân khi người anh ở Hương Sơn mất, ông liền viện cớ về nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh, để xin ra khỏi quân đội, thực sự "bẻ tên cởi giáp" theo đuổi chí hướng mới.
Nghề thuốc
Lê Hữu Trác bị bệnh từ lúc ở trong quân ngũ, giải ngũ về phải gánh vác công việc vất vả "trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu" (Lời tựa "Tâm lĩnh"), lại sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi, sau mắc cảm nặng, chạy chữa tới hai năm mà không khỏi. Sau nhờ lương y Trần Độc, người Nghệ An là bậc lão nho, học rộng biết nhiều nhưng thi không đỗ, trở về học thuốc, nhiệt tình chữa khỏi.
Trong thời gian hơn một năm chữa bệnh, nhân khi rảnh rỗi ông thường đọc "Phùng thị cẩm nang" và hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc thấy lạ, bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh học rộng, ông mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học, nhận ra nghề y không chỉ lợi ích cho mình mà có thể giúp người đời, nên ông quyết chí học thuốc.
Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu "Hải Thượng Lãn ông". Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xã Bầu Thượng quê mẹ. "Lãn ông" nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích gắn bó.
Mùa thu năm Bính Tý (1756), Lê Hữu Trác ra kinh đô mong tìm thầy để học thêm vì ông thấy y lý mênh mông nhưng không gặp được thầy giỏi, ông đành bỏ tiền mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn "từ khước sự giao du, đóng cửa để đọc sách" (Tựa "Tâm lĩnh"), vừa học tập và chữa bệnh. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu.
Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ "Y tôn tâm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách phản ảnh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải Thượng Lãn ông.
Lai kinh
Ngày 12 tháng giêng năm Cảnh Hưng 43 (1782), ông nhận được lệnh chúa triệu về kinh. Lúc này ông đã 62 tuổi, sức yếu lại quyết chí xa lánh công danh, nhưng do theo đuổi nghiệp y đã mấy chục năm mà bộ "Tâm lĩnh" chưa in được, "không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết, nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được" ("Thượng kinh ký sự"), ông hy vọng lần đi ra kinh đô có thể thực hiện việc in bộ sách. Vì vậy ông nhận chiếu chỉ của chúa Trịnh, từ giã gia đình, học trò rời Hương Sơn lên đường.
Ra kinh vào phủ chúa xem mạch và kê đơn cho thế tử Trịnh Cán, ông được Trịnh Sâm khen "hiểu sâu y lý" ban thưởng cho ông 20 xuất lính hầu, và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại. Nhưng ông giả ốm không vào chầu, sau lại viện cớ tuổi già mắt hoa, tai điếc thường ốm yếu để được trọ ở ngoài. Bọn ngự y ghen tỵ với Lãn ông không chịu chữa theo đơn của ông, nên thế tử không khỏi, ông biết thế nhưng không hề thắc mắc với bọn thầy thuốc thiếu lương tâm này, mặt nữa ông không thật nhiệt tình chữa, kết quả để sớm thoát khỏi vòng cương tỏa của quyền thần, danh lợi.
Thời gian ở kinh đô, ông nhiều lần xin về thăm cố hương Hải Dương, nhưng mãi đến tháng 9 năm 1782, sau chúa Trịnh mới cho phép ông về. Không lâu sau, ông lại có lệnh triệu về kinh vì Trịnh Sâm ốm nặng. Về kinh ông chữa cho Trịnh Sâm khỏi và cũng miễn cưỡng chữa tiếp cho Trịnh Cán. Trịnh Sâm lại trọng thưởng cho ông. Ông bắt buộc phải nhận nhưng bụng nghĩ: "Mình tuy không phải đã bỏ quên việc ẩn cư, nhưng nay hãy tạm nhận phần thưởng rồi sau vứt đi cũng được" ("Thượng kinh ký sự").
Sau khi Trịnh Sâm chết vì bệnh lâu ngày sức yếu, Trịnh Cán lên thay, nhưng Trịnh Cán cũng ốm dai dẳng nên "khí lực khô kiệt", khó lòng khỏe được. Do nóng lòng trở về Hương Sơn, nhân có người tiến cử một lương y mới, Lê Hữu Trác liền lấy cớ người nhà ốm nặng rời kinh, ông rất vui mừng. Ngày 2 tháng 11 (năm 1782) Lãn ông về đến Hương Sơn.
Soạn sách
Năm 1783 ông viết xong tập "Thượng kinh ký sự" bằng chữ Hán tả quang cảnh ở kinh đô, cuộc sống xa hoa trong phủ chúa Trịnh và quyền uy, thế lực của nhà chúa - những điều Lê Hữu Trác mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, viết thêm (tập Vân khí bí điển, năm 1786) để hoàn chỉnh bộ "Tâm lĩnh". Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.
Ông qua đời vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở khe nước cạnh chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn.
Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học
Nguồn: Hải Thượng Lãn Ông. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/.
Thiên tình sử đầy xúc động
Chuyện kể rằng, khi Lê Hữu Trác còn trẻ và vẫn sống ở quê nhà Liêu Xá, cha ông là tiến sỹ Lê Hữu Mưu có hứa hôn cho ông với một người con gái quan đồng triều.
Các thủ tục dạm hỏi đã hoàn tất, chỉ đợi ngày cưới là nên duyên chồng vợ. Nhưng tuổi trẻ mê công danh, hai người hứa hẹn sau này công thành doanh toại mới tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên, một loạt biến cố lớn đã xảy ra trong đời ông. Cha qua đời, mẹ vì tránh loạn phải dời vào sống với hai người anh trai (tên là Lê Hữu Tán và Lê Hữu Đề) lúc đó đang làm quan ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Nhà tưởng niệm Lê Hữu Trác
Thời buổi loạn lạc, ông xếp bút nghiên để theo nghiệp binh đao, bôn tẩu khắp nơi, giúp triều đình đàn áp những cuộc khởi nghĩa nông dân. Sau, chán cảnh "nồi da xáo thịt", ông tính chuyện về quê vui thú điền viên thì tin dữ từ Hương Sơn đưa đến.
Người anh trai đột ngột qua đời để lại mẹ già, con côi không ai chăm sóc và ông phải vào đó gấp. Cũng tiện sự kiện này, Lê Hữu Trác đã từ quan để vào Hương Sơn chịu tang anh và chăm sóc mẹ. Nhưng, thu xếp thế nào với người con gái đã hứa hôn tại quê nhà, con gái quan đồng triều mới là chuyện nan giải của đại danh y này.
Thời bấy giờ, vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh là vùng đất nghèo, dân sống đa phần rất khổ cực, thêm vào thời tiết lại khắc nghiệt. Trong khi, người vợ sắp cưới lại con nhà quan lại, quen sống trong yên ấm. Nay, nếu người con gái đó, vì nghĩa mà theo ông đi, cuộc sống chắc khổ sở vô cùng, chi bằng từ hôn để nàng tìm người đàn ông khác tốt hơn. Nghĩ vậy, người thanh niên Lê Hữu Trác bèn mang trầu cau sang trả lại, viện cớ phải vào Hương Sơn chịu tang anh. Câu chuyện tình yêu thuở trẻ cứ thế rơi dần vào quên lãng. Người con gái ngày xưa cũng chìm theo những năm tháng miệt mài học thuốc.
40 năm sau, tại Thăng Long, ông gặp lại người con gái của mình trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Điều này, được chính Lê Hữu Trác ghi lại trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự. Ông viết: "Một ngày kia, có hai lão ni đến chỗ tôi ngụ, nói rằng: Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hoá. Thế rồi, một lão ni tự giới thiệu mình là trụ trì chùa núi An Tử, còn lão ni kia thì giới thiệu mình là con gái quan tả thừa ty Sơn Nam, quê ở Huê Cầu. Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ".
Sau khi nghe địa danh mà người ni kia xưng, lại nhìn khuôn mặt thấy quen thân, ông ngờ rằng đó là "người xưa" của mình. Nhờ người điều tra, đại danh y thấy, đúng đó là người con gái mà năm xưa mình trả lễ. Tưởng rằng, sau khi trả lễ, người con gái đó sẽ tìm một nơi tốt hơn để gửi gắm, nhưng không ngờ lại nương thân nơi cửa Phật. Ông cũng nghe nói, người con gái đó được rất nhiều người hỏi, xin cưới làm vợ nhưng bà đều từ chối. Để tránh tai tiếng cho gia đình, bà đã xin vào chùa Huê Cầu (không rõ chùa này hiện nay ở đâu) làm ni. Nghe tin như vậy, Lê Hữu Trác vội vàng đi tìm "người xưa" để hỏi rõ mọi chuyện.
Ông viết trong tác phẩm của mình như sau: "Tôi nghe biết vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: Vì ta bất cẩn trong việc này. Có thuỷ mà không có chung, khiến cho người mang hận, mà ta mang tiếng là người bạc bẽo. Ta bối rối không biết cách nào để gỡ cái mối ra, mới vội vàng đến Huê Cầu mà tìm hiểu sự việc". Khi gặp lại, hỏi rõ nguyên do thì bà nói rằng: "Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình (coi như) đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ".
Hối hận vì những điều mình làm, nay thấy "người cũ" làm ni, ông xin tặng một ngôi chùa vừa để trả ân, vừa để chuộc lỗi nhưng bà từ chối, rồi khóc mà nói rằng: "Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, đâu có dám trách ai... Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh linh lạc vậy". Người cũ chỉ xin... một cỗ quan tài.
Người con gái mà chàng trai Lê Hữu Trác từ hôn đã không đi lấy chồng mà ở vậy để lưu giữ một mối tình dang dở, cho thấy một tấm lòng chung thủy hiếm có. Lúc bấy giờ, thấy người chồng tương lai mang trả lại trầu cau thì nàng nào có hiểu cơ sự bên trong, chỉ âm thầm đau khổ vì duyên phận bẽ bàng.
Thế nhưng, chàng trai Lê Hữu Trác thì sao? Ông nhanh chóng quên mối tình sắp đặt của cha mẹ để vui duyên mới hay là cũng ở vậy để giữ mối tình đó? Điều này không ai rõ, nhưng có một vài chi tiết khá thú vị. Thứ nhất, nếu quên người con gái đó, chắc hẳn ông không thể nhớ ra sau hơn 40 năm xa cách. Thế nhưng, ông lại "giật mình như tỉnh cơn mê" khi lần đầu gặp bà. Thứ nữa là tranh cãi quanh việc Lê Hữu Trác có lấy vợ hay không?
Gia phả của dòng họ Lê Hữu làng Liêu Xá chép rằng, ông có cả thảy 2 người vợ và 6 người con. Ông Lê Hữu Quang, người trông giữ nhà thờ Lê Hữu Trác tại làng Liêu Xá cho biết: "Tôi cho rằng, đại danh y Lê Hữu Trác không lấy vợ. Tất nhiên hiện nay có hai thuyết phổ biến là ông lấy vợ sau khi vào định cư ở Hương Sơn, Hà Tĩnh và thuyết nữa là ông không lấy vợ. Tôi nghiêng nhiều về thuyết ông không lấy vợ hơn, vì có những bằng chứng khá thuyết phục.
Thứ nhất là cả gia phả của họ Lê Hữu ở Liêu Xá và ở Hương Sơn đều không chép cụ thể về con cái của ông. Trong khi đó chi của hai người anh lại được chép rất tỉ mỉ cho tới tận ngày nay. Như vậy, nếu nói rằng ông có con thì chắc chắn các thế hệ sau phải được chép vào gia phả chứ.
Duy nhất chỉ thấy chép được tên 6 người con của ông mà thôi, nhưng ngoài cái tên không còn tư liệu, ghi chép gì khác nữa. Khả năng cao nhất, trong trường hợp này là ông không lấy vợ, hoặc lấy vợ không có con. Bằng chứng thứ 2 là đại danh y Lê Hữu Trác là người rất nổi tiếng trong lịch sử, không những được sử sách chép lại mà ông còn để lại những tác phẩm cho đời sau. Thế nhưng, theo tra cứu của nhiều người trong dòng họ, chúng tôi cũng không tìm thấy đoạn nào viết về gia đình ông. Đây là hai nguyên nhân chính khiến tôi cho rằng, ông không lấy vợ".
Tuy nhiên, ông Quang cũng không lý giải được nguyên nhân vì sao Lê Hữu Trác không lấy vợ. "Tôi không biết có phải liên quan tới mối tình thời trẻ hay không, nhưng chắc chắn phải có nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này có lẽ sẽ mãi là bí mật của lịch sử" - ông Quang nói.
Chuyện cũng kể rằng, khi gặp lại "người cũ" sau hơn 40 năm xa cách, ông có hỏi bà có cần gì không thì bà trả lời rằng: "Chúng ta vì duyên cách trở mà không đến được với nhau, nhưng dù sao cũng là nghĩa vợ chồng. Khi chết đi, tôi không cầu gì, chỉ xin ông một cỗ quan tài để sau này khi xuống hoàng tuyền cũng không phải tủi hờn vì duyên phận quá bạc bẽo". Ông nghe xong cảm động không nói nên lời. Từ đó, hai người thường xuyên qua lại khá thân thiết.
Nguồn: Tiến Huy. Thiên tình sử của thần y Lê Hữu Trác http://www.vtc.vn/
Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu
LTS: Nhân sự kiện Bộ Y tế tổ chức khánh thành chùa Tượng Sơn và bàn giao tổng thể công trình tu bổ tôn tạo khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh, lễ dâng hương tưởng niệm 222 năm ngày mất cụ Hải Thượng và trao giải Hải Thượng Lãn Ông ngày 23/2/2013 (nhằm ngày 14 tháng Giêng năm Quý Tỵ). Báo SK&ĐS trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá Nguyễn Trung Thực - nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia mang tên Lê Hữu Trác, người đã 9 năm tham gia vào việc xây dựng khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là con trai thứ 7 của một gia đình danh gia vọng tộc, sinh cùng thời với nhiều bậc hiền tài, danh nhân của đất nước như Nguyễn Du, Lê Quý Đôn… Lê Hữu Trác sinh ngày 12/11 năm Giáp Thìn - 1724 tại quê cha là thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Tuổi học trò, Lê Hữu Trác vốn là một nho sinh nổi tiếng học giỏi, kiến thức sâu rộng, thông tường địa lý, y lý, thiên văn; tuy nhiên, con đường học hành thi cử của người cũng lắm gian nan, lận đận. Là anh em con thúc bá cùng trường lớp với Lê Quý Đôn; năm 20 tuổi, Lê Hữu Trác thi đỗ tam trường; 26 tuổi, người từ bỏ chốn kinh thành, trở về quê ngoại cùng các anh phụng dưỡng mẹ già tại làng Bàu Thượng, xã Tịnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Sơn Quang, trấn Nghệ An (nay là thôn Bàu Thượng, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ông đã mất tại đây vào Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1791), hưởng thọ 67 tuổi; cũng có tài liệu dẫn ông sinh ngày 12/1/1720 - mất ngày 15 tháng Giêng năm 1791, hưởng thọ 71 tuổi.
Truyền thuyết kể: Bà Đăng Phùng Hầu (mẹ đẻ bà Bùi Thị Thưởng là thân mẫu đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác) kế thất tã hữu điển quận công Bùi tướng công đã tác thành, lập ra chùa với tên chữ Tượng Sơn tự để làm nơi tu niệm; đến lúc qua đời, mộ bà được an táng giữa đỉnh núi Seo Tượng ngay phía sau chùa Hiện Hữu.
Dòng họ Lê Hữu ở Hương Sơn đã cùng với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, anh trai Lê Hữu Tán và mẫu thân bà Bùi Thị Thưởng hoàn tất công cuộc xây dựng chùa với mục đích dưỡng tâm thờ Phật, đồng thời cũng là để quy y phụng thời liệt tổ nội ngoại họ Lê Hữu và họ Bùi có tổ gốc ở huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Đời Tự Đức, năm thứ 23 từ tháng 5 năm Canh Thìn 1880 đến tháng 10 năm Tân Tỵ 1881, sau 46 năm, chùa được thiền sư Thích Quảng Vận trùng tu lần thứ 2. Cũng vào những năm này (1760 - 1786), Hải Thượng Lãn Ông đã dành phần lớn thời gian lưu lại chùa mở phòng mạch chữa bệnh cho dân, chủ yếu là dân nghèo làng vạn chài mưu sinh bằng nghề đánh cá dọc sông Ngàn Phố, phần thì dành thời gian để hoàn chỉnh bộ Bách khoa Tùng thư: “Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập với 66 quyển bằng chữ Hán nôm về y học. Vào những năm cuối đời từ 1780 - 1791, cũng vẫn tại mảnh đất thiêng của chùa, ngài đã biên soạn bổ sung thêm các cuốn “Y Trung quan kiện” (1780), “Y Hải cầu nguyện”, “Thượng kinh ký sự” (1783), “Vận khí bí điển” (1786).
Thiền sư Phổ Quang, thiền sư Quảng Vận không những đã có công lớn 2 lần trùng tu kể từ ngày bà Tham đốc quận công tác thành, khởi dựng chùa mà còn làm cho đạo tràng phát triển, thiện tín tôn sùng, tiếng tăm thanh thế chùa được lan truyền khắp vùng xứ Nghệ, xứng đáng với bức hoành phi treo giữa chính điện “Vô thượng y vương”, có nghĩa là: ông tổ ngành y tại chùa này chỉ có một.
Sau 9 năm, chùa vắng bóng sư trụ trì (1928 - 1937). Để củng cố đạo tâm, duy trì chính pháp, ngày Rằm tháng 7/1937, dòng họ Lê Hữu của Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn đã khai đàn 3 ngày đại lễ cầu siêu độ cho gia tiên, đồng thời thỉnh cầu sư thầy Thích Thanh Đặng từ chùa Đá - Vinh lên chủ trì; được một thời gian, sư thầy lại phải trở về vì sư cụ chùa Đá viên tịch. Năm 1940, dòng họ Lê Hữu lại thỉnh sư thầy Tịnh Minh lên trụ trì, tại đây, thầy đã thu nạp một đệ tử là Tâm Châu thế danh Phan Công Bình cho đi Học viện Phật giáo Huế tu nghiệp 2 năm.
Năm 1946, Hòa thượng Thích Kim Chương viên tịch, thầy Tịnh Minh lại phải về trụ trì chùa Diệc Cổ; thầy có nhờ 2 ni sư Đàm Minh, Đàm Thành ở chùa Số 4 - Vinh lên thay.
Tiết thu năm Mậu Tý 1948, tăng gia và cư sĩ Hương Sơn tổ chức 1 tháng an cự do Thượng tọa Thích Mật Thể (đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập) làm giáo thọ và cũng kể từ thời gian này, dòng họ Lê Hữu đã nhường ngôi chùa cho tăng gia Nghệ Tĩnh làm Tùng Lâm viện.
Từ 1950, chùa không còn sư trụ trì, việc quản lý trông coi chùa đều do các đệ tử có tâm hướng phật và chính quyền địa phương đảm nhiệm.
Đầu xuân 1952, có cuộc hợp tự; toàn bộ nhà cửa, tượng phật, đồ thờ cúng chùa Quát được hạ giải, di dời quy về một mối với chùa Tượng Sơn; chính quyền địa phương đã cho xây dựng thêm nhà thập bát để lưu giữ các bài vị, di ảnh mà thân chủ quanh vùng có nguyện vọng kỳ tiến gửi vào chùa.
Ngày 21/7/1994, Nhà nước cấp bằng chứng nhận “Chùa Tượng Sơn là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia”. Sau đó ít năm, tháng 4 năm Đinh Sửu 1997, đệ tử Thích Tâm Châu thế danh Nguyễn Công Bình (Hội đạo tràng Hương Sơn vẫn thường gọi là thầy) - một nhân chứng đã gắn bó với chùa nhiều năm từ 1942 - đã cùng với dòng họ Lê Hữu, dòng họ Bùi di dời mộ bà Tham đốc quận công vào khuôn viên vườn tháp mộ của chùa, tổ khảo bán thế xuất gia thế danh Lê Hữu Cát đời thứ 13 dòng họ Lê Hữu khi ngài viên tịch được an táng ở chùa Nhàn nay cũng được di dời về bên cạnh mộ bà Tham đốc.

Mộ Hải Thượng Lãn Ông được Bộ Y tế đầu tư tôn tạo.

Ngày 17/7/2010, Viện Bỏng Quốc gia mang tên đại danh y Lê Hữu Trác được Bộ Y tế giao cho làm chủ đầu tư khởi công đại trùng tu chùa Tượng Sơn lần thứ 3. Ý tưởng thiết kế về kiến trúc căn bản lấy nguyên mẫu thời kỳ trùng tu lần thứ 2 (năm 1881) do thiền sư Thích Quảng Vận xây dựng như hướng chùa, nhà thượng điện, nhà tổ... phát triển mở rộng khu vườn tháp, tường bao, cổng tam quan, lầu Quan âm, lầu hóa sớ, bãi đỗ xe, hệ thống điện, nước, bia dẫn tích, đường dạo, đường ôtô chạy xung quanh chùa, bổ sung thêm một số loại cây thâm niên quý hiếm như ngọc lan, cây thị, cau vua, nhãn, vải… để mảnh đất thiêng Tượng Sơn tự, một “già lam” mãi hưng thịnh, bốn mùa lại có đủ hoa thơm, trái ngọt.
27/2/2013
Nguồn: Nguyễn Trung Thực. Dấu ấn Ðại danh y 
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với chùa Tượng Sơn. 
http://suckhoedoisong.vn/. 
Theo https://hahoangkiem.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...