Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Nhớ Tuổi đá buồn

 Nhớ Tuổi đá buồn

Trong buổi dạ tiệc ra mắt tuyển tập Nhớ Huế số 15 tại nhà hàng Seafood World tối hai mươi bảy Tết, chúa nhật 18 tháng 1 năm 2004, thuộc quận Cam California, ban vũ Xuân Xanh trình diễn một điệu vũ rất dễ thương theo bài nhạc Tuổi Đá Buồn của Trịnh Công Sơn. Những cô gái xuân thì mảnh mai trong chiếc áo dài trang nhã, lả lướt nhún nhẩy theo âm thanh rậm rực phập phềnh. Mái tóc óng mượt bồng bềnh trôi trên đôi bờ vai gầy nặng trĩu ánh đèn màu sân khấu, thể hiện một cái gì âu yếm thân thương. Trinh trắng hồn nhiên dịu hiền khép nép, những con chim oanh đang ôm ấp tuổi hồng. Nghe nhạc mới, nhìn những vóc dáng diễm kiều múa lượn, hình ảnh người xưa như chợt hiện về.
Gót chân son nho nhỏ. Tà áo trắng thướt tha. Chiếc cặp sách đong đưa theo nhịp bước. Môi hồng mắt biếc. Vành nón lá nghiêng nghiêng. Một chút bâng khuâng thấy tâm hồn xao xuyến. Gió sông Hương mát rượi. Chuông Quốc Học ngân xa. Trống Đồng Khánh hiền hòa. Ta lang thang mấy độ. Thương quá đi thôi con đường Nguyễn Trường Tộ. Theo gió Hương Giang, mây trốn trong tà áo trắng dễ thương. Một chút quen quen như tình cây muối mến lề đường. Đi lêu bêu rồi đặt bày thơ với thẩn. Vòng tay ôm trống vắng như khúc đường Nguyễn Trường Tộ thiếu cây. Thiếu một khúc thôi, chứ khi vượt qua hai ngôi trường Đồng Khánh và Quốc Học kề cạnh bên nhau, những cây muối già nua thấp thấp trước trường Cán Sự Điều Dưỡng, qua đồn Công Binh, lên đến Tòa Tổng Giám Mục bên chân cầu Phủ Cam thầm lặng. Trên lầu hai cư xá, giờ tan trường nhìn sang Tòa Giám Mục cầu xin Chúa ngôi ba cho con gặp được người có dáng kiều thơm bằng lòng đưa con về xóm đạo Phú Cam. Lạy Chúa rất nhân từ, con sẽ vác thánh giá theo người trong mộng. Hàng đêm đọc kinh, nhìn ảnh tượng thánh gia nên mắt em dịu hiền đẹp như đôi mắt mẹ Maria. Tay em lần chuỗi hạt nên mềm nhuyễn như em vẫn thường nhấn phím ngà của đàn dương cầm trưởng giả. Ta tội lỗi nên van xin ông Thánh Đá tức ông Thánh Phêrô cho đời ta được phép có người tình. Thánh Đá cứ lặng thinh, ta buồn câm như đá! Phú Cam xóm Đá có Thánh Đá vác chìa khóa giữ cửa Thiên Đàng. Đời lang thang nên tình đi hoang mới thấy buồn cho cuộc đời sỏi đá. Buồn đến độ mọc rêu. Rêu hay mọc trên đá. Một ngày trôi qua, đá buồn thêm một ngày. Một tháng trôi qua, đá buồn thêm một tháng. Thời gian trôi làm tuổi đá thêm buồn. Buồn chứ không tủi hờn sầu muộn. Thời gian buồn nhất trong tuần là chiều chúa nhật. Khoảng sân trước cư xá được rải sỏi, ồn ào lạo xạo vì những bước chân em. Sáng thứ bảy em còn đi học, ôm cặp đi ngang mắt nhìn thẳng hướng nhà trường. Lúc tan trường, em lùa gió sông Hương, gây xào xạc trong mấy cành lá muối. Chúa nhật buồn thiu, cái lạnh tê tê ẩm ẩm của mùa đông xứ Huế có lúc cũng căng da. Cơn mưa tháng chạp trong bầu trời xám thấp. Đường chiều chúa nhật rộn rã dép lốp xe đen với áo lụa vàng gây hứng khởi cho người nhạc sĩ nên có một phòng cho người ở ké trong cư xá chợt buồn tênh. Không biết Trịnh Công Sơn sáng tác bài Tuổi Đá Buồn khi đang còn ở trong căn nhà dưới chân dốc Bến Ngự số 40 đường Phan Chu Trinh hay đã qua cư xá Nguyễn Trường Tộ đối diện tòa Tổng Giám Mục Huế. Mưa làm ướt đá. Đá ẩm sinh rêu. Đời rong rêu sỏi đá đã nhiều. Chút mộng ước theo triền chiều xuống thấp. Trong thầm lặng ta nhớ thương mái tóc, rất mượt mà rất gấm vóc nhung tơ. Trên lầu cao ta đứng ngóng đúng giờ: chờ xem con chim se sẻ thả thơ trên sỏi đá. Thiệt là vui chi lạ, khi nhìn thấy người quen. Lá cây muối rơi lên trên lối nhỏ. Em đi dưới đó, ta ngắm trên đây. Lòng những muốn hành lang sà xuống thấp. Để ta được cận kề nói khẽ vào tai. Hoặc tình cờ em ngước mắt nhìn lên. Ôi thân thương đôi mắt nhung đen, chứa tất cả khung trời mộng ước. Ơi Chút Tí lạ quen vẫn thường hay “mặc nính” chiếc áo dài của mẹ hay của chị mà thấy lỏng le thủng thỉnh thùng thình! Sơn ơi Sơn, thôi ngừng tay một chút. Ra mà coi cái con bé áo vàng. Người chi mô ngổ ngáo ngang tàng, nhưng càng ngắm thấy càng xinh, càng “chảu lảy”. Mẹ Sơn gọi, giọng thanh tao biết mấy. Áo lụa vàng em cắt ngắn hai tay, còn vạt áo cũng hớt lên cho gọn. Áo cắt xong khỏi cần luôn đột, có rộng thùng thình thì mặc kệ người ta. Đôi dép lốp xe trông thiệt mặn mà, làm nổi bật làn da chân trắng bóc, quả là bất cần đời người con gái Phú Cam xóm Đá. Thấy dáng em qua, lòng buồn chi lạ. Buồn vì ta không biết viết nhạc làm thơ. Cứ ngẩn người ra ôm tiếng dại khờ, rồi ấm ức đêm dài đi ngủ muộn. Nghe lá muối rơi, nỗi buồn gió cuốn. Ông hàng xóm hiền lành và danh tiếng, nhưng ta vì sợ mang lấy hai chữ “theo đuôi” nên không muốn làm quen. Tiếng đàn ghi ta khảy giữa đêm đen. Từng nốt lẻ, đều đều, thủng thẳng. Mấy ngón tay cong nhấn phím, miệng lẩm nhẩm đặt lời. Trịnh Công Sơn soạn nhạc theo từng hơi thuốc lá. Mẹ của Trịnh Công Sơn thanh nhã. Muốn Sơn quen với cô bé áo vàng, chỉ xuất hiện vào những chiều chúa nhật! Em là gái con nhà danh gia vọng tộc. Ta là thằng ốm đói nhà quê! Lo học sói đầu để hàng năm có giấy hoãn dịch về, tối tối phải dạy kèm kiếm thêm tiền uống cà phê mua thuốc lá. Còn cứ  mơ mộng lở ra bài làm không đủ điểm, có ngày bị đôn quân vô thao trường Thủ Đức đổ mồ hôi! Ta công danh chưa có, trong khi Sơn đã được cả nước biết tên. Cô bé áo vàng mạ muốn Sơn quen… Ta biết phận, lặng lẽ trên hành lang ngắm xuống. Từ thứ hai cho tới thứ bảy, ta thuộc lòng giờ giấc em qua. Áo trắng như nhau tha thướt ngọc ngà, từng toán nhỏ khoan thai chuyển bước, ta vẫn nhận ra em từ đàng xa mút mắt. Ta biết tên em cho dù em cố lấy cặp che ngang bảng tên mang trên ngực. Bảng tên thêu màu tím thân thương, màu thống hối hoa sầu đông thơm ngát. Màu dành cho học sinh lớp đệ nhất của trường Đồng Khánh, tức là lớp mười hai thuộc hàng chị cả. Màu tương tư hoài niệm đơn côi. Màu e ấp theo nhau tiếng thở dài rất khẽ. Tuổi đá buồn long lanh ngấn lệ, từ tủi hờn vô cớ bâng khuâng… Em có ba màu áo: Trắng đen vàng và thiếu mất màu xanh. Nắng chiều chúa nhật mong manh, chỉ có áo lụa vàng làm mẹ của Sơn lưu ý. Da trắng nõn nà trong áo lụa kiêu sa, càng nổi bật vì cách cắt may khác lạ. Áo trắng trinh nguyên, áo đen đài các. Cùng một buổi chiều em thay ba màu áo luân phiên. Em chuyển dời khuấy động giấc cô miên. Ta cảm tạ vì em mà mất ngủ. Trước cư xá cũng có mấy cây me nhỏ, hoa trắng tròn chùm nụ cọng li ti, trái dẹp xanh nâu buông rũ lưa thưa. Cành khẳng khiu chịu đựng lúc trời mưa, lá đổi màu xong rơi từng phiến nhỏ. Xưa thật là xưa: Từ trên hành lang, phía sau khung cửa sổ, Trịnh Công Sơn thường hay ngó xuống đường. Dáng một người rất xa lạ thân thương, ngày hai buổi thường đi ngang cư xá. Bên kia sông Phủ Cam là xuân hồng cát hạ, phía bên này cư xá là nhã nhạc xa xưa. Âm điệu cung thương đến thật bất ngờ… Một chút gió, một chút mưa, một chút đong đưa dưới chân tháp cổ. Đứng ở bên nầy, mơ qua Thiên Mụ. Quên chiếc cầu Phủ Cam, nhắc chi căn nhà cũ cũ cạnh bờ sông… Cây trứng cá trước sân, chín những quả hồng… Hàng phượng vỹ âm thầm rực rỡ. Căng tràn nỗi nhớ, chất ngất hương xưa. Ờ, thương yêu nói mấy cho vừa… Con đường nhựa, gót chân chim theo gió sông Hương vờn mây trắng. Êm đềm trống vắng. Diễm đi về mang chút nắng sang sông. Khiến cho Sỏi ở bên này mà lòng cứ hướng qua bên kia xóm Đá. Khúc hát trong veo cao vút tầng trời. Dư âm chất ngất những lời xót xa. Chờ bóng em qua trong cơn mưa bụi. Mưa thật buồn tơi tả tâm can. Chới với cách ngăn lầu sân cư xá. Mưa gió đầy trời mờ khuất chân dung. Bão Giáp Thìn quay cuồng thác loạn, nên các trường đều cho học sinh về. Gió trên đường phần phật ngăn cản lối em đi. Hạt nước tạt những trái phượng già vương vãi. Mưa quá là mưa nên em không lại. Suốt cả buổi chiều thiếu bước chân em. Trời xám đêm đen, anh tê mắt đợi. Hun hút mịt mù vắng ánh sao rơi. Em hiện hữu cuối chân trời mộng tưởng, ta xin em nhẹ chuyển bước về. Đường ướt nước, lá me trôi mấy phiến. Chiều hôm qua vừa thấy Diễm trong mưa, hôm nay Diễm đã xa xưa ngăn cách. Đám sỏi buồn tí tách hạt mưa rơi. Có lúc hành lang chứa thật đông người và phòng Sơn tràn đầy tiếng nhạc, nhưng hoang vu và quay quắt tràn trề. Khách của Sơn bao gồm nhiều thành phần, nhiều thế hệ. Từ học sinh măng sữa, đến các bậc trưởng thượng quyền uy. Thân tình nhất có lẽ là ca sĩ Khánh Ly,… Kể lần xuống cho đến ông Quân Trấn Trưởng, thường mời Sơn đi kéo ghế quán Cô Ba! Ta vẫn tự hào ta mãi là ta! Đến bây giờ ta chưa hề biết Diễm. Diễm của Sơn là Diễm của ngày xưa. Sau Tết Mậu Thân lại có thêm cô bé áo vàng nghịch sỏi, tuổi đá buồn đến độ đê mê.
Nhà văn Nhất Huy dạy môn Pháp Văn ở trường quận Hương Điền, học Văn Khoa theo ban Việt Hán. Anh Nhất Huy với ta là bạn. Cùng các anh Đăng, Đức, Quý, Cam và Văn lập “Hội Trà”. Tất cả hội viên đều thuộc lớp Việt Hán gốc Sư Phạm. Mỗi tháng họp một lần vào sáng chúa nhật. Địa điểm luân phiên thay đổi từng nhà. Ngồi cùng nhau uống trà ăn bánh ngọt, bàn chuyện văn chương. Xuân 1970, một hôm trong buổi họp, anh Nhất Huy cho cả hội biết là anh có ý định mở một quán cà phê thuần túy văn nghệ, không xen chính trị như quán cà phê của Tổng Hội Sinh Viên. Tất cả hội viên đều tán thành và sẵn sàng giúp sức. Địa điểm được chọn nằm trên góc đường Nguyễn Biểu và Nguyễn Hiệu, phía trong cửa Đông Ba, gần ngã tư Âm Hồn. Quán lấy tên là cà phê Doanh Doanh. Người đến uống sẽ là những Lệnh Hồ Xung hào hiệp. Thuê được khoảnh vườn bên hông nhà và gian nhà bếp có nền đúc xi măng, mái lợp tôn và ba bức vách. Quán lộ thiên, bàn ghế bằng gỗ thông xếp quanh các gốc cây và một phía hè nhà. Bếp dùng làm nơi pha cà phê và nước trà cùng các thức giải khát. Các nữ sinh viên phụ trách bưng ly! Gần nửa năm sắp xếp. Quán khai trương trước khi trường khai giảng. Thời gian đầu, khách đông nghẹt. Đủ mọi thành phần của các phân khoa và các trường trung học. Có khi ngồi ra cả ngoài đường. Một số lớn sinh viên không thuộc “Hội Trà” vào giúp sức. Không khí thật thoải mái vui tươi. Cô bé áo vàng mang đôi dép Bình Trị Thiên cũng đến uống. Vài tuần sau khi mở quán, anh Nhất Huy báo là tối thứ bảy, quán Doanh Doanh sẽ có hai người khách quý: Thế Uyên và Trịnh Công Sơn! Toàn thể “Hội Trà” gồm bảy hội viên. Đi theo Thế Uyên và Trịnh Công Sơn còn có thêm một anh nữa. Ba cái bàn kê liên tiếp cho đủ chỗ mười người. Nhóm Thế Uyên và Trịnh Công Sơn đến vào chập tối. Thân mật yên vui. Tuy giữ kín nhưng quán cũng đầy người đến dự để vừa uống cà phê vừa nghe các anh Sơn, anh Thế Uyên nói chuyện. Thế Uyên khen cà phê ngon và than phiền lon bia Hamm’s của Mỹ mà mấy anh uống trên lầu Ngọ Môn hồi chiều mang vị đắng quê hương! Nghe lời anh Thế Uyên, ta thấy thương vua Minh Mạng chưa hề được uống bia. Kế đó là anh Trịnh Công Sơn kể chuyện vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên và Phương làm nhà trên mấy cây thông ở đâu đó trên thành phố Đà Lạt. Lên xuống dùng thang dây cuốn thả nhùng nhằng. Anh Sơn kể xong, anh Thế Uyên tặng sách. Ta được anh tặng cuốn khảo luận: Nghĩ trong một xã hội tan rã. Cuốn sách này ta trân trọng giữ kỹ cho đến khi bị ăn cắp trong mùa hè đỏ lửa 1972. Trịnh Công Sơn nói là vừa sáng tác được mấy bài, nhưng không hát vì bị ho từ hôm trước. Thế Uyên phê bình việc làm của ông Hồ Chí Minh với những cuộc tổng tiến công vào miền Nam Việt Nam. Anh Nhất Huy khéo léo lái sang chuyện khác. Đêm càng khuya càng mát. Gió thu lùa lá cây xào xạc trên đầu. Khói thuốc trắng, ánh đèn mầu mờ ảo. Anh Thế Uyên đề nghị Trịnh Công Sơn là người mới có đủ thẩm quyền yêu cầu Khánh Ly lúc lên sân khấu nên mặc lại bộ bà ba đen, đi chân đất như những lần trình diễn trước kia. Người đi theo Uyên-Sơn góp vui hát điệu hò ba que… chim nhạn. Suốt buổi mạn đàm, ta ngồi im từ đầu đến cuối, không phê bình hay ý kiến này kia. Trên Ngọ Môn cổ kính, chiều thứ bảy chứ không phải chiều chúa nhật, mấy người phong lưu cùng nhau thoải mái uống bia lon, xong nhẹ trách sao vị bia đăng đắng! Bàn ghế gỗ của quán làm bằng thùng chứa đạn, bây chừ ngồi thưởng thức ly cà phê ngoại hạng của Doanh Doanh, rít sướng tê lừ đầu lưỡi vị thuốc lá Capstan đế quốc, nghĩ càng thấy thương cho gói Bastos xanh nội hóa nặng mùi! Ta lặng lẽ nhìn những người nô lệ. Trịnh Công Sơn có vầng trán thông minh. Nói năng nhỏ nhẹ, dùng nhiều tiếng “mình” và những từ “dễ sợ”. “Tối hôm qua mình ho dễ sợ!”, “Thức viết mấy tông thiệt dễ sợ mình luôn!…” Chút râu râu lám nhám bóng đèn vườn. Đôi kính cận to to sáng trắng! Da Thế Uyên rám nắng. Chiếc răng cửa hơi vênh. Khuôn mặt trông giống Duy Lam trên đài truyền hình quân đội. Nghe người ta đồn rằng nhà văn Duy Lam thường duyệt xét hồ sơ động viên hoãn dịch cho vùng quân khu một, xong chuyển trình lên Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm ký tên. Ta ngồi đây, ốc sên chưa bò trên cổ áo, dấu hiệu alpha của lon chuẩn úy, có nghĩa là chưa bị vào quân trường học cách giết người xong ra chỉ huy ba mươi ông lính. Hàng năm vẫn nạp đơn chờ lãnh tấm giấy triển hạn nhập ngũ màu vàng nhạt in chữ xanh đóng khuôn dấu đỏ chữ ký mực đen ấn định ngày hết hạn, nếu không được hoãn dịch tiếp thì phải trình diện nhập ngũ theo luật lệ hiện hành. Ta được hoãn dịch vì lý do học vấn, nhưng sau đó ta thấy rằng không chắc chắn nên mới nạp đơn xin hoãn dịch theo lý do gia cảnh, điều thứ năm “thanh niên độc nhất còn lại trong gia đình có anh đang tại ngũ”. Giấy hoãn dịch từ màu vàng nhạt chuyển sang màu trắng. Sau khi tốt nghiệp Sư Phạm, được hoãn dịch vì lý do công vụ, giấy cũng cùng màu. Lên Pleiku dạy trường Nữ trung học Pleime cho đến ngày tan hàng bể dĩa. Thế Uyên nói năng điềm đạm, thoải mái chứ không ức chế như ta đã nghĩ sau khi đọc cuốn “Tiền Đồn”. Có lẽ vì vừa được biệt phái về ngành giáo dục hay cá tính xưa nay vẫn vậy. Thế Uyên giờ này đang ở Mỹ, còn Trịnh Công Sơn đi về thăm sỏi đá đã lâu. Lần ta gặp Trịnh Công Sơn ở quán Doanh Doanh là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Còn tất cả những gì ta biết về Sơn đều do những người chung quanh nói lại. Hoặc nghe được từ nơi hành lang qua những lời thì thầm oang oang của một vài người quen biết với ông hàng xóm hiền lành là Trịnh Công Sơn trong khi ta giả cách đến thăm người bạn tu xuất họ Trương, nhưng thực ra là với mục đích muốn ngắm dáng em đi ngang cư xá. 
Ba mươi mấy năm qua, ba mươi mấy năm đá buồn không nói. Buổi họp hàng năm dành cho Ngày Nhớ Huế, số người tham dự  càng lúc càng thưa, thiếu vắng dần những khuôn mặt của ngày xưa tháng cũ. Năm nay, ta được xếp ngồi cùng bàn với vợ chồng anh họa sĩ Vi Vi, người đã từng theo học ở trường Pellerin thuở trước. Chị Diễm Châu TNQG đa tài, thường đi show và đang lo tờ Phụ Nữ Thời Nay Hải Ngoại tại thành phố San Bernardino, cách quận Cam cả trăm cây số. Hôm nay thật vui vì chương trình đặc biệt. Vui hơn nữa là được dịp làm quen với vợ chồng Vi Vi, người họa sĩ mà ta rất thích từ cái hồi đọc báo Tuổi Hoa hơn bốn mươi năm trước. Anh Vi Vi đội mũ bê rê đen làm ta nhớ đến anh Nhất Huy. Vốn người mảnh khảnh nên khi gió chuyển mùa, anh Nhất Huy thường bị ta trêu là cần phải đội thêm mũ bê rê cho ấm áp, mặc dù anh vẫn thường đội mũ quanh năm. Đôi mắt sáng của Vi Vi có tia nhìn tiết ra những cái gì êm êm khó tả của một tâm hồn nghệ sĩ, thoáng chút long lanh như ánh mắt Trịnh Công Sơn nhìn ta khi Thế Uyên trao tặng ta cuốn sách. Cuối bữa tiệc, anh Vi Vi tặng ta tờ Phụ Nữ Thời Nay Hải Ngoại số Thu Đông 2003. Ta chợt nhận ra các nghệ sĩ thường có ánh mắt thật quen thật lạ thân mật hững hờ xa xăm gần gũi giông giống như nhau. Qua tia nhìn khi đón nhận tác phẩm anh trao, ta hứa là sẽ gởi bài viết về tình yêu ngày đó… Thứ tình yêu ta chưa có bao giờ… Thôi thì cứ y như người ươm mộng, thấy quanh mình một số những em mơ… Bất chợt qua vũ khúc giúp vui cho dạ tiệc tâm tình làm dậy niềm hoài cổ. Các nữ vũ công có cô nói không rành tiếng Việt, hát bài Tuổi Đá Buồn trong âm hưởng tây phương. Chẳng cần biết các cô khi cất tiếng ca đã hiểu được bao nhiêu ý nhạc. Vũ khúc thành công. Trong phút xúc động bồi hồi lòng thầm khen ngợi toàn ban vũ có tâm hồn hướng về quê mẹ. Một chút tình quê hương nơi nước ngoài. Thỉnh thoảng ta cũng viết góp nhớ vài bài, cẩn thận rất ít dùng mấy danh từ ta hay tôi này nọ. Nhưng giờ đây man man niềm nhớ, Ta và Em cùng chuyện sỏi đá loanh quanh trùng hợp như một việc tình cờ. Chỉ năm ba trang ngắn ngủi mà hai tiếng ta và em đã được lập đi lập lại đến mấy mươi lần. Chẳng qua là bài Phú Cam Xóm Đá trong tuyển tập Nhớ Huế số 15 cần thêm vài hàng tâm sự, điều mà tác giả trước khi gởi đi, đã chỉ nhắc qua bằng vài lời thăm hỏi vô duyên.
 29/7/2020
Thân Trọng Tuấn
Theo https://huynhthuckhangluongvancan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...