Einstein - Ý tưởng
Dưới đây là một số ý tưởng từ kho tàng ý tưởng của Einstein, được trình bày trong quyển EINSTEIN của Nguyễn Xuân Xanh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
Để đạt tới cái lớn lao đích thực của con người, chỉ có một con đường: kinh qua trường học của đau khổ. Einstein, Briefe, tr. 83
Từ “Aufruf zum Widerstand gegen den drohenden Kulturvervall”(bài diễn văn trước hội trường Robert Royal Hall tại London,tháng 10 năm 1933), trong Aus meinen späten Jahren,
tr.16
Sự kiểm soát mà một nhà nước áp dụng lên hệ thống giáo dục có
thể dẫn đến sự nô lệ hoá của các công dân của nó.
Thông điệp tháng 11. 1939 đến hội nghị của Hiệp hội Giáo dục
New
Jersey, cảnh báo sự lợi dụng trường học bởi các đảng
phái chính trị.
Einstein, Frieden, tr.322
Sự quan tâm đến những việc chính trị cho các đầu óc còn non
trẻ là quá sớm.
Moszkowski, Einstein, tr. 76
Nếu các ủy ban hay các hội đồng nhà trường bắt đầu can thiệp
vào sự chọn lựa sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy thì việc học thật sự sẽ
bị giết chết.
Bucky, Einstein, tr.182.
Sự làm nhục, cũng như sự trấn áp về tinh thần bỡi những thầy
tự kỷ và thiếu hiểu biết, sẽ gây ra những tác hại nặng nề không xoá được trong
tâm hồn trẻ thơ, thường có ảnh hưởng tai hoạ lên cả cuộc đời sau này.
Aus meinen späten Jahren, tr.206
Tôi không hề bị say sóng bởi biển cả, mà bởi con người. Tôi sợ
rằng khoa học chỉ đứng nhìn một cách bất lực trước cái tai họa này thôi.
Einstein sagt, 131
Giá trị thật của một con người được xác định trước nhất bởi
chừng mực và ý nghĩa mà nó đã giành được sự giải phóng khỏi cái tôi của chính
nó.
Mein Weltbild, tr.10
Có hai cái vô hạn: vũ trụ và sự ngu dốt của con người. Nhưng
với vũ trụ tôi không chắc chắn lắm.
Wünschmann 20.
Chúng ta phải ý thức rằng phần thú tính của “bản chất con người”
là kẻ thù, phần tư duy của nó là bạn của chúng ta.
Trong “Operation crossroads”, Princeton 28.5.1946
Verehrte An- und Abwesende!
Ít người có khả năng nói lên được một cách bình thản ý kiến
khác với những thành kiến của môi trường xung quanh; phần lớn thậm chí không có
khả năng có được những ý kiến như thế.
Từ “Aphorismen für Leo Baeck”
Mein Weltbild, tr. 105
Mỗi người nên phê phán theo sự phán đoán của chính
mình, theo cái gì mình tự đọc, chứ không theo cái gì người khác nói.
Từ “Von der Freiheit der Lehre” 1931
Mein Weltbild, tr. 22
Luôn luôn tôi từ chối xem bất cứ một điều gì là đúng, chỉ vì
những người am hiểu dạy bảo thế, hay cũng vì tất cả mọi người đều chấp nhận nó.
Mỗi nhận thức tôi đều phải chinh phục nó. Tất cả tôi phải suy nghĩ toàn diện, từ
gốc rễ, không thành kiến.
Melcher, Einstein, tr.58
Lúc đó hiện ra một con người có ý chí đam mê, có thông minh
và dũng cảm, với tư cách là đại biểu của lối tư duy theo lý tính, đứng đương đầu
với đám người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhân dân và sự bàng quang của những
nhà giáo dục trong chiếc áo thầy tu hay giáo sư để chiếm đoạt và bảo vệ
quyền bính của họ. (…)
Rất có thể rằng, sự tê liệt của trí thức bởi truyền thống độc
tài và khe khắc của thời đại đen tối trong thế kỷ thứ mười bảy đã được giảm đi
nhiều đến mức độ, những trói buột của một truyền thống trí thức lỗi thời không
còn đứng vững nữa với thời gian, có hay không có Galilê.
Trong Galilei, Dialog, tr.VII*
Để có thể trở thành một thành viên ngoan ngoãn của một đàn cừu
thì người ta trước hết phải là một con cừu đã.
Từ “Aphorismen für Leo Baeck”
Mein Weltbild, trang 105
Người ta sinh vào một đàn trâu và phải vui mừng nếu chưa bị dẫm
đạp chết trước tuổi.
Từ thư gửi cho Cornelius Lanczos ngày 9.6. 1952
Einstein, Briefe, tr.69
Những nhân cách không phải hình thành bởi cái gì họ nghe và
nói, mà bằng lao động và hành động.
Từ “Allgemeines über Erziehung” 1936
Aus meinen spätern Jahren, tr. 23
Tuy người ta có thể tiêu diệt một con người tự do trong nội
tâm và có lương tâm nhưng không thể biến anh ta thành một kẻ nô lệ hay một công
cụ mù quáng được.
Trong bài “Über die moralische Pflicht der Wissenschaftler”
Aus meinen späten Jahren, tr.59
Nếu bạn muốn sống một cuộc đời hạnh phúc, hãy gắn nó với một
mục tiêu, đừng với con người và đồ vật.
Einstein sagt, tr. 127
Mỗi sở hữu đều là một cục đá ở dưới chân. Không có gì tôi
không từ bỏ được, bất cứ lúc nào.
Helle-Dunkle Zeit, tr.37
Nhân vật không quan trọng, mà là tác phẩm của họ trong việc
phục vụ cộng đồng.
Nhân kỷ niệm sinh nhật 50 năm của ông, 1929. Lời chúc mừng
và quà biếu từ khắp nơi trên thế giới được gửi tới.
Einstein, Frieden, 114
Chỉ cuộc đời sống để phục vụ người khác là một cuộc đời đáng
sống.
Einstein trả lời cho một cuộc thăm dò
ý kiến của New York Times 1932
Seelig, Genie, tr.310
Cái gì mà mỗi con người có thể làm được là chỉ cần làm một tấm
gương trong sạch và hãy có can đảm để đại diện một cách nghiêm túc những niềm
tin đạo đức trong một xã hội đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ. Từ lâu tôi đã phấn đấu
hành xử như thế (khi thành công khi không).
Einstein-Born, Briefwechsel, tr.203
Tôi tin chắc rằng không tài sản nào trên thế giới có thể đưa
nhân loại đi xa hơn, cho dù từ bàn tay của một người thật tận tụy với mục đích.
Chỉ có tấm gương của các nhân cách vĩ đại và trong sáng mới có thể đưa đến những
suy nghĩ và hành động cao cả. Tiền bạc chỉ thu hút cái vị kỷ và luôn dẫn tới sự
lạm dụng không cưỡng lại được.
Einstein in Bern, tr. 136
Cho nên tôi tin rằng những con người như Khổng tử, Đức Phật,
Chúa Jesu và Gandhi đã góp phần mài sắc tinh thần đạo đức của con người hơn là
khoa học từng làm được. Họ (con người) có thể ý thức sự tác hại sức khoẻ của
hút thuốc và rồi vẫn là kẻ hút thuốc dây chuyền. Cũng như thế đối với tất cả những
động lực xấu xa và đầu độc cho cuộc sống.
Tôi không cần nhấn mạnh rằng tôi quý trọng và đánh giá cao thế
nào mọi nổ lực hướng đến chân lý và hiểu biết. Nhưng tôi không tin rằng sự thâm
thủng những giá trị đạo đức và luân lý có thể được bù đắp bằng những nổ lực thuần
trí thức.
Trả lời cho một thành viên của cty luật sư ở California ngày
16.5.1951
Einstein, Frieden, trang 553
Những diễn biến chính trị lớn của thời đại chúng ta là làm
chán nản đến độ người ta cảm thấy hoàn toàn cô đơn trong thế hệ của chính mình.
Nó như thể con người đã mất đi lòng nhiệt thành cho công lý và nhân phẩm và
không đánh giá được nữa những gì các thế hệ tốt hơn đã giành được bằng tinh thần
hy sinh vô vàn. Nền tảng của tất cả giá trị con người là đạo đức. Nhìn thấy điều
đó rõ ràng trong thời kỳ sơ khai là cái vĩ đại duy nhất của thánh Moses của
chúng ta. Hãy nhìn những con người hôm nay kia!
Thư của Einstein cho Maja ngày 13.8.1931. Einstein lúc này ở
Princeton và đang chiến đấu với thuyết trường unified của ông, về những quan ngại
của ông đối với sự phát triển của thuyết lượng tử. Đồng thời ông cũng không
quên được những gì đang diễn ra trên thế giới.
Einstein, Briefe, tr.17
Trong sự náo nhiệt của thường nhật, cái nhìn của chúng ta bị
làm mờ đi bởi những ham muốn và đam mê, và rồi tiếng nói của lẽ phải và công bằng
hầu như không còn ai nghe thấy trong tiếng ồn rối loạn của cuộc chiến đấu của mọi
người chống lại mọi người.
Từ bài “Moses Maimonides” năm 1935,
Aus meinen späten Jahren, tr.237
Có một vấn đề là, với một dân số tăng đáng kể theo thời gian,
con số những người nổi bật tính bình quân trên đầu người lại giảm đi...
Bucky, Einstein, tr.211
Cũng như trong thời của Mach, một quan điểm duy vật-giáo điều
thống trị một cách tai hại thì trong thời chúng ta một quan điểm duy chủ
quan-thực chứng luận quá đáng cũng thống trị một cách như thế. Người ta xem đòi
hỏi phải nắm bắt thiên nhiên như một thực tại khách quan là một thành kiến lỗi
thời. Con người dễ bị ảnh hưởng hơn cả con ngựa, và mỗi một thời bị thống trị bởi
một mốt nhưng họ cũng không nhận ra mặt mũi số đông những tên bạo chúa thống trị
của mình. Thật là ghê tởm trong thời hiện tại, khi không có một tia sáng nào
còn sót lại. Những tên hề gian ác một bên và sự sự ích kỷ ương hèn bên kia…
Seelig, Genie, tr. 363.
Ở đâu mà thế giới thôi là sân khấu của hy vọng, mong ước và
ham muốn cá nhân, ở đâu chúng ta đối diện với thế giới với tư cách là những con
người tự do của tạo hoá để chiêm ngưỡng, tìm hiểu, và quan sát, ở đó chúng ta
bước vào vương quốc của nghệ thuật và khoa học.
Trả lời editor của một tạp chí nghệ thuật
hiện đại Đức ngày 27.1.1921
The Human Side, tr. 37
Dĩ nhiên tôi không xem là một con người khoa học những ai nếu
chỉ học để ứng dụng các công cụ và phương pháp xem ra là "khoa học",
trực tiếp hay gián tiếp. Chỉ những người được gọi là người khoa học khi nếp tư
duy khoa học thực sự sống trong họ.
Từ bài “Zur Erniedrigung des wissenschaftlichen Menschen”
Mein Weltbild, tr.172
Đừng ai nghĩ rằng bằng lý thuyết này hay kia tác phẩm vĩ đại
của Newton có thể bị thay thế theo đúng nghĩa. Những ý tưởng lớn và sáng sủa của
ông sẽ vẫn giữ được ý nghĩa nổi bật của chúng như nền tảng của cả sự hình thành
khái niệm hiện đại của chúng ta trong lãnh vực triết học tự nhiên.
Từ bài “Geometrie und Erfahrung”
Mein Weltbilld, tr.131
Phước lành cho kẻ sống trong đời luôn giúp đỡ người khác,
không biết sợ hãi, và xa lạ với mọi cái hiếu thắng và hận thù! Được tạc từ loại
gổ như thế, những mẫu người lý tưởng mới đem lại được cho nhân loại niềm an ủi
trong những hoàn cảnh đau khổ tự gây ra.
Trong bài “Aphorismen für Leo Baeck”
Mein Weltbild, tr. 105
Hai điều cần thiết cho loại lao động của chúng ta: sự kiên nhẫn
không mệt mỏi và sự sẵn sàng dám bỏ đi cái mà người ta đã đầu tư nhiều thời
gian và công sức vào đó.
Helle Zeit - Dunkle Zeit, tr. 70
Mọi khoa học chỉ là một sự tinh tế hóa của tư duy trong đời
thường.
Từ bài “Physik und Realität”
Aus meinen späten Jahren, tr. 63
Sự lớn lao trong khoa học thực chất là một vấn đề cá tính.
Quan trọng là: không làm một sự thỏa hiệp sai lầm.
Helle-Dunkle Zeit, tr. 72
Người ta đã thành công rồi, nếu buộc được thiên nhiên lè lưỡi
ra.
Helle-Dunkle Zeit, tr.73
Sự giới hạn các nhận thức khoa học vào một nhóm nhỏ người làm
suy yếu tinh thần triết học của một dân tộc và dẫn đến sự nghèo nàn tinh thần của
nó.
Từ “Lời nói đầu” 1948 trong Barnett, Einstein
Niềm tin chính trị của chúng ta tuy có thể khác nhau như thế
nào, song trong một điểm tôi biết tôi thống nhất với Ngài: chúng ta cả hai đều
thấy và yêu tài sản cao quý nhất của chúng ta nằm trong tinh hoa của sự phát
triển trí tuệ châu Âu. Chúng dựa lên tự do của lòng tin và giáo dục, trên
nguyên lý rằng ước muốn tìm chân lý phải được đặt lên trước mọi ước muốn khác.
Chỉ trên cơ sở này mà nền văn hoá của chúng ta đã có thể hình thành tại Hy lạp
và ăn mừng sự hồi sinh của nó tại Ý vào thời Phục Hưng. Tài sản cao quý nhất
này đã được trả giá bằng máu hy sinh của những con người trong sáng và vĩ đại để
theo ý nguyện của họ nước Ý hôm nay vẫn còn được yêu mến và ngưỡng mộ.
Trong “Faschismus und Wissenschaft”
Mein Weltbild, tr. 20/21
Cái vĩ đại, cao cả đến từ nhân cách cô đơn, dù đó là một tác
phẩm nghệ thuật hay một công trình khoa học quan trọng. Nền văn hoá châu Âu đã
chứng kiến sự vươn lên quan trọng nhất khỏi tình trạng trì trệ dai dẳng nặng nề
khi thời Phục hưng đã đem lại cho cá nhân những khả năng để phát triển một cách
tự do.
Từ bài “Toleranz” của Einstein viết năm 1934 cho một tạp chí ở
Mỹ.
Tạp chí đó có những đề nghị sửa đổi mà Einstein không đồng ý.
Bài được lấy về không phổ biến.
Einstein, Briefe, tr.86
Trong thực tế, lý tưởng về nhân loại của Châu Âu dường như mật
thiết gắn liền với việc tự do phát biểu ý kiến, với quyền tự quyết ý chí của cá
nhân một cách tự do trong mức độ nào đó, với nỗ lực tư duy một cách khách quan
mà không lưu tâm đến tính lợi ích đơn thuần, cũng như tạo thuận lợi cho việc đa
dạng hóa về tinh thần và sở thích.
Những yêu cầu này làm nên bản chất của tinh thần châu Âu (…). Đây là những nguyên lý cơ bản của quan niệm về cuộc đời, là những điểm xuất
phát mà người ta chỉ có thể từ cảm nhận đồng tình hay phủ nhận. Tôi biết rằng
tôi chấp nhận chúng với tất cả tâm hồn và tôi thấy không chịu thể nổi khi phải
thuộc về một cộng đồng phủ nhận chúng một cách hệ thống (…).
Không có một mục đích cao cả nào, dưới mắt tôi, mà sự thực hiện
của nó lại có thể được biện minh bỡi những phương pháp không nhân phẩm. Bạo lực
tuy có thể dọn dẹp những chướng ngại trên đường nhưng nó không bao giời tỏ ra
sáng tạo cả.
Từ “Über die Prinzipien der individuellen Freiheit” (1934)
Aus meinen späten Jahren, tr.173, 174
Nếu ai có cái hạnh phúc khám phá được một điều gì hệ trọng,
cuộc đời của người đó sẽ không bao giờ trở lại như cũ sau đó.
Lanczos, Einstein, tr.124
Hãy nhìn sâu vào thiên nhiên, thì con sẽ hiểu mọi thứ tốt
hơn.
Nói với Margot sau khi em gái Maja qua đời 1951
Einstein sagt, tr.192
Bây giờ anh ta (Besso) ra đi khỏi thế giới lạ lùng này một
chút sớm hơn tôi. Điều đó không có nghĩa gì. Đối với chúng tôi, những nhà vật
lý có niềm tin, thì sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ có ý
nghĩa của một ảo tưởng, mặc dù là một ảo tưởng dai dẳng.
Trong thư chia buồn gửi cho gia đình Besso, khi người bạn
mất ngày 15.3.1955, chỉ hơn một tháng trước Einstein.
Einstein and Religion, tr.161
Ai chỉ đọc báo, hay xa hơn là sách của các tác giả đương thời,
đối với tôi giống như một người bị cận thị nặng nhưng lại từ chối đeo kính. Người
đó hoàn toàn bị lệ thuộc vào thành kiến và khuynh hướng thời trang, bởi vì người
ấy không bao giờ thấy hay nghe bất cứ cái gì khác cả. Những suy nghĩ của một
con người chỉ biết mình và không được gợi ý bởi những ý tưởng và kinh nghiệm của
người khác, trong trường hợp thuận lợi nhất cũng chỉ là nghèo nàn và buồn tẻ.
Trong thời gian một thế kỷ mới có vài người được khai sáng để
có được một sự hiểu biết toả sáng, phong cách và khẩu vị. Những gì chứa đựng
trong các tác phẩm của họ là những tài sản quý giá nhất của nhân loại. Chúng ta
do đó cám ơn một vài nhà văn của thời cổ đại đã giúp cho con người trong thời
trung cổ giải phóng mình ra khỏi sự mê tín và thiếu hiểu biết, những cái đã làm
cho cuộc đời họ tăm tối hơn năm trăm năm. Không có gì cần thiết hơn là việc khắc
phục tính phô trương của con người tân thời chủ nghĩa của hiện tại!
French, Einstein, tr. 323
Người ta có thể biến đổi plutonium dễ hơn là biến đổi thần ác
trong con người.
Schlipp, Einstein, tr. 487
Tôi nhìn với nhiều sự đáng tiếc, rằng Chúa đã trừng phạt rất
nhiều những đứa con của Ngài về những sự ngu dại thừa hơn thiếu của chúng mà rồi
chỉ có chính Ngài mới bị trách nhiệm mà thôi.
Einstein sagt, tr.173
Tất cả những ai nên cảm thấy xấu hổ nếu họ chỉ sử dụng những
sự kỳ diệu của khoa học và kỹ thuật mà không hề nghĩ ngợi và hiểu biết về chúng
nhiều hơn là con bò hiểu biết về khoa học của thực vật mà nó gậm một cách sung
sướng.
Fischer, Einstein für die Westentasche, tr.10
Tôi hiểu một chính quyền thực sự tốt, dân chủ là một chính
quyền để cho con người có đủ quyền tự do đồng thời bảo đảm cho họ đầy đủ sự an
toàn chống lại sự lạm dụng tự do.
Seelig, Genie, tr.406
Lý tưởng chính trị của tôi là dân chủ. Mỗi người cần được tôn
trọng như con người và không nên thần thánh hóa ai. Một sự mĩa mai của số mệnh
là, những người khác đã cho tôi quá nhiều sự ngưỡng mộ và tôn vinh, mà không phải
do lỗi tôi hay vì tôi xứng đáng… Một chế độ chuyên chính dựa trên bạo lực theo
tôi sẽ thoái hóa trong một thời gian ngắn. Bởi vì bạo lực luôn quến theo những
cái kém phẩm chất về mặt đạo đức, và, theo tôi đó là một định luật, những tên bạo
chúa thiên tài được kế nghiệp bởi những kẻ bịp bợm. Vì lẽ ấy, tôi luôn luôn là
đối thủ nhiệt thành của những chế độ như thế, như chúng ta ngày nay chứng kiến ở
Ý và Nga.
Trong “Wie ich die Welt sehe”, 1930
Mein Weltbild, tr.7-10
Quyền lực của nhà nước đối với công dân của nó đã không ngừng
tăng trong những thế kỷ qua, ngay cả trong những nước mà ở đó quyền lực này
không bị biến thể thành chuyên chế tàn bạo.
Einstein, Frieden, tr.495
Kinh tế kế hoạch không hẳn là chủ nghĩa xã hội. Kinh tế kế hoạch
có thể đi liền với một sự nô lệ hoá toàn diện của cá nhân. Chủ nghĩa xã hội phải
đối mặt với một vấn đề chính trị-xã hội không dễ giải quyết: Làm sao, trong một
sự tập trung rộng lớn quyền lực chính trị và kinh tế, ngăn ngừa được việc bộ
máy quan liêu quá lớn lao, quá phình lên, đến nỗi cá nhân teo lại về chính trị
và, với nó, cái đối trọng dân chủ trước quyền lực của bộ máy quan liêu cũng teo
theo luôn?
Từ bài “Tại sao chủ nghĩa xã hội?”
Aus meinen späten Jahren, tr.195.
Hãy không làm gì trái với lương tâm, ngay cả khi nhà nước đòi
hỏi.
Trong Schipp, Einstein, tr. 484
Đừng để tình cảm lành mạnh bị giết chết bởi những nguyên tắc
cứng nhắc.
Seelig, Genie, tr. 406
Tôi tin vào Thượng đế của Spinoza, được biểu lộ trong sự hài
hoà có quy luật của sự tồn tại, chứ không tin vào một Thượng đế bận tâm với số
phận và hành động của con người.
Schöpfer und Rebell, tr.114
Tôi không thể tưởng tượng được một Thượng đế ở dạng con người,
ảnh hưởng trực tiếp các hành động của từng người, hay ngồi toà phán xử các sinh
linh của mình… Tính tín ngưỡng của tôi là sự ngưỡng mộ khiêm nhường trước tinh
thần vô vàn vượt trội, thể hiện trong một ít những gì chúng ta có khả năng nhận
thức được bằng sự hiểu biết yếu ớt của chúng ta về thực tại.
The Human Side, tr.142
NÓI VỚI TUỔI TRẺ
Tuổi trẻ, bạn có biết bạn không phải là tuổi trẻ đầu tiên
thèm khát một cuộc sống đầy cái đẹp và tự do? Tuổi trẻ, bạn có biết rằng tất cả
tổ tiên của bạn cũng giống như bạn, và đã rơi vào lo âu và hận thù?
Bạn cũng biết rằng những ước vọng nóng bỏng nhất chỉ có thể
được thực hiện khi bạn thành công trong việc giành lấy tình yêu và hiểu biết
cho con người, động vật, cỏ cây và các vì sao, khi mỗi niềm vui là niềm vui của
bạn và mỗi sự đau khổ là đau khổ của bạn? Hãy mở mắt, trái tim và vòng tay của
bạn và tránh đi chất độc mà các tổ tiên trong lịch sử đã tham lam uống phải. Được
như thế thì quả đất sẽ là quê hương của bạn và tất cả những sáng tạo và hoạt động
của bạn sẽ mang lại phúc lành.
Einstein có một nhà nghỉ tại Caputh, Berlin, có nhiều khách
đến thăm. Cô bé gái láng giềng có một quyển sổ gia phả. Năm 1932 cô xin
Einstein viết lưu niệm. Einstein đã đáp lại. Năm sau căn nhà nghỉ mát này bị
Nazi tịch thu. Einstein, Briefe, tr.3 |
Thư cho Max Born ngày 17.1.55 nói về cuộc khủng hoảng của tự
do công dân tại Mỹ. Thầy giáo, nhà nghiên cứu nếu dám nói những ý kiến chính
trị mình tự do sẽ có nguy cơ bị ủy ban của McCarthy thẩm vấn và có thể bị mất
việc. Einstein-Born, Briefwechsel, tr. 307 |
Từ “Aufruf zum Widerstand gegen den drohenden Kulturverfall” (1933)
Aus meinen späten Jahren, tr 15.
Khoan dung là sự hiểu biết nhân ái về tính chất, quan điểm và hành động của những cá nhân khác, những người xa lạ với thói quen, niềm tin và sở thích của ta. Khoan dung do đó không phải là sự thờ ơ trước hành động và cảm nhận của người khác; phải có sự hiểu biết và nhạy cảm trong đó (…)
Loại khoan dung quan trọng nhất vì thế là sự khoan dung của xã hội và nhà nước đối với cá nhân. Nhà nước dĩ nhiên là cần thiết, để bảo đảm cho cá nhân sự an toàn cho sự phát triển của nó, nhưng nếu nhà nước trở thành chính yếu, và từng cá nhân trở thành công cụ mù quáng của nó, thì những giá trị tinh túy hơn sẽ mất đi. Như ghềnh đá trước hết phải dạn dày sương gió để cây có thể mọc trên đó, cũng như miếng đất canh tác trước nhất phải được làm xốp đi, để nó có thể tạo nên sự mầu mỡ, thì tất cả những thành tựu giá trị chỉ đâm chồi từ một xã hội con người, khi nó đủ thông thoáng để tạo điều kiện cho từng con người sự phát triển tự do cho những khả năng của nó.
Từ bài “Toleranz” của Einstein viết năm 1934 cho một tạp chí ở Mỹ.
Tạp chí đó có những đề nghị sửa đổi mà Einstein không đồng ý.
Bài được lấy về không phổ biến.
Einstein, Briefe, tr.86
ĐỘNG CƠ CỦA NGHIÊN CỨU
(Motive des Forschens)
Trước nhất tôi tin với Schopenhauer rằng một trong những động cơ mạnh nhất để đưa con người đến nghệ thuật và khoa học là sự chạy trốn khỏi cuộc sống thường nhật với sự thô bạo đau đớn và sự buồn tẻ thảm thương của nó, khỏi các trói buộc của những ham muốn thay nhau bất tận của mình. Nó đưa tâm hồn nhạy cảm hơn ra khỏi cuộc sống cá nhân để đi vào thế giới của quan sát và nhận thức, chính cái động cơ này có thể so sánh với sự thèm khát đã cuốn hút không cưỡng được người thành phố ra khỏi môi trường náo nhiệt hỗn độn của anh ta để đi lên miền núi cao, để ánh mắt mình bay lượn trong cõi không khí yên tĩnh và trong lành, và để thả mình theo các nét tĩnh mịch như đã được tạo ra cho sự vĩnh cửu.
Trích từ bài phát biểu trong sinh nhật 60 tuổi của Max Planck
Mein Weltbild, tr. 108
Con người không phải là cái máy và sẽ khô héo đi khi không có cơ hội để tự xây dựng mình và tự do để tự phán đoán.
Carl Seelig, Einstein, tr.24
TÍNH TÍN NGƯỠNG VŨ TRỤ (1)
(Cosmic religiosity)
Cái đẹp nhất, sâu xa nhất mà con người có thể trải nghiệm được là cái cảm giác của sự huyền bí. Nó là gốc rễ của tôn giáo cũng như tất cả những nỗ lực vươn lên trong nghệ thuật và khoa học. Ai đã không trải nghiệm điều này thì đối với tôi, nếu không phải là một người đã chết cũng là một người mù. Để cảm nhận rằng đằng sau cái có thể trải nghiệm được có ẩn chứa một điều không đạt tới được đối với trí tuệ của chúng ta mà vẻ đẹp và tính cao cả của nó chỉ đến với chúng ta một cách gián tiếp và trong ánh sáng yếu ớt, đó là tính tín ngưỡng. Trong nghĩa này tôi là người có tín ngưỡng. Tôi cảm thấy sung sướng khi linh cảm được những điều bí ẩn này một cách ngạc nhiên, và khi tôi cố gắng vẽ được bằng tinh thần một bức tranh thô của cấu trúc cao cả này của tạo hoá trong sự khiêm tốn.
Trong Einstein, Genie, Visionär, Legende, tr.213/214
hoặc trong Herneck, Einstein, tr.100
TÍNH TÍN NGƯỠNG VŨ TRỤ (2)
Ai chỉ biết các hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu từ những ảnh hưởng thực tiễn của chúng sẽ dễ đi đến một quan niệm sai lệch về trạng thái tinh thần của những vĩ nhân, những người vốn bị người đương thời xung quanh hoài nghi nhưng đã chỉ ra con đường cho những người cùng tư tưởng sống rãi rác trên các miền của thế giới và xuyên qua nhiều thế kỷ. Chỉ có ai cống hiến đời mình cho những mục đích tương tự mới có được một quan niệm sinh động về cái gì đã đem lại hồn và sức mạnh cho những bậc vĩ nhân này, mặc cho vô số thất bại nhưng vẫn trung thành với mục đích của họ. Đó chính là tính tín ngưỡng vũ trụ, cái đã cho những sức sống đó. Một người đương thời đã nói không phải không có lý rằng, những nhà nghiên cứu nghiêm túc trong thời đại phổ biến tính vật chất chủ nghĩa của chúng ta chính là những kẻ duy nhất có tính tín ngưỡng sâu xa.
Từ “Religion und Wissenschaft”
Mein Weltbild, tr.17/18
TÍNH TÍN NGƯỠNG VŨ TRỤ (3)
Ông có thể gọi như thế. Hãy thử và thâm nhập những bí ẩn của vũ trụ với những phương tiện giới hạn của chúng ta, bạn sẽ thấy, đàng sau những chuỗi móc xích có thể nhận ra được, còn có cái gì tinh tế, không thể hiểu thấu đáo, không thể giải thích được. Sự tôn kính trước sức mạnh này, ngoài những cái chúng ta có thể hiểu được, đó là tôn giáo của tôi. Trong chừng mực này, thực tế, tôi là người có tín ngưỡng.
Trả lời của Einstein năm 1927 khi được hỏi có
phải ông là người có tín ngưỡng sâu xa không.
Trong Einstein and Religion, tr.39/40
Nói về tinh thần gây cảm hứng trong các nghiên cứu khoa học, tôi cho rằng tất cả những tư biện (suy đoán) tinh tế hơn trong lãnh vực khoa học đều bắt nguồn từ một cảm giác tín ngưỡng, và không có một cảm giác như thế, chúng sẽ không đơm hoa kết trái.
Einstein trả lời, khi năm 1930 được J. Murphy và J.W. Navin hỏi có phải khoa học hiện đại có thể cung cấp “trợ giúp tâm linh và cảm hứng mà tôn giáo có tổ chức dường như không khả năng cung cấp được”
Einstein and Religion, tr.32.
Cá nhân cảm nhận sự vô nghĩa của các ham muốn và mục tiêu con người, sự cao cả và trật tự kỳ diệu, biểu lộ trong thiên nhiên cũng như trong thế giới ý tưởng. Nó cảm nhận sự tồn tại cá nhân như một loại nhà tù và muốn cảm nhận được toàn bộ sự tồn tại như cái gì thống nhất và có ý nghĩa. Những sự khởi đầu của tính tôn giáo vũ trụ đã có ở giai đoạn phát triển sớm, chẳng hạn trong một số thánh ca của David, cũng như ở một vài nhà tiên tri. Nhân tố mạnh mẽ hơn nhiều của tính tôn giáo vũ trụ được chứa đựng trong Phật giáo, như các tác phẩm tuyệt đẹp của Schopenhauer chúng đã dạy chúng ta. - Những thiên tài có tính tín ngưỡng của tất cả mọi thời đại được đặc trưng bởi tính tín ngưỡng vũ trụ này, cái không hề biết một giáo điều hay một thượng đế nào được nghĩ ra theo hình ảnh của con người. Cho nên cũng không thể có nhà thờ, mà nội dung giáo huấn chủ yếu được xây dựng trên tính tín ngưỡng vũ trụ. Cho nên chúng ta tìm thấy chính trong những kẻ dị giáo của mọi thời đại những người thấm nhuần xâu sa tính tín ngưỡng vũ trụ này, những người mà đối với những người đương thời là những kẻ vô thần, đôi khi cũng là những vị thánh. Nhìn từ gốc độ này, những người như Demokrit, Franziskus von Assisi và Spinoza gần gủi với nhau. (1930)
Mein Weltbild, tr.16
TÍNH TÍN NGƯỠNG VŨ TRỤ (4)
Như vậy là có thể hiểu được, rằng nhà thờ từ muôn thuở chống lại khoa học và truy nã những môn đệ của nó. Mặt khác tôi cho rằng, tính tín ngưỡng vũ trụ là động lực mạnh nhất và cao cả nhất của nghiên cứu khoa học. Chỉ ai có thể hiểu được những cố gắng khổng lồ, và nhất là sự hy sinh, mà nếu không có, những sự sáng tạo ý tưởng khoa học khai phá không thể đạt tới được, thì mới có thể đo lường được sức mạnh của cảm xúc, từ đó chứ không phải từ đậu khác, công việc lao động, vượt ra khỏi đời sống thực dụng, có thể bắt nguồn. Một niềm tin sâu đậm như thế nào vào lý tính (tính hợp lý) của kiến trúc vũ trụ, và sự khao khát như thế nào để hiểu dù chỉ một sự phản chiếu nhỏ bé của cái lý tính lộ ra trong thế giới này, phải có mạnh mẽ trong Kepler và Newton, để họ có thể hoạt động âm thầm nhiều năm để tháo gỡ được các nguyên lý của cơ học thiên thể! (1930)
Mein Weltbild, tr.17
Càng hiểu tốt hơn sự hoạt động của vũ trụ, người ta càng đến gần Thượng đế hơn.
Einstein sagt, tr.175
Tôi cũng không phải là một “người tư duy tự do” (free-thinker) trong nghĩa thường của từ này vì tôi thấy nó chủ yếu là một thái độ phản kháng ngang ngạnh chống lại sự mê tín ngây thơ. Tình cảm tôn giáo của tôi nằm ở chỗ tôi thấm nhuần ý thức vể sự yếu kém của khả năng tư duy con người để hiểu được sâu xa sự hài hoà của vũ trụ mà chúng ta nổ lực diễn tả như “các định luật của thiên nhiên”. Chính cái ý thức và thái độ khiêm nhường này là những cái tôi thấy thiếu ở nếp nghĩ của những người tư duy tự do. (1952)
Einstein and Religion, tr.121/122
Tôi không phải là một người vô thần, và tôi không nghĩ tôi có
thể gọi mình là một người phiếm thần luận. Chúng ta ví như một đứa trẻ nhỏ bé
bước vào một thư viện khổng lồ chứa đầy sách bằng nhiều ngôn ngữ. Đứa trẻ biết
rằng có một người nào đó đã viết những cuốn sách này. Nhưng nó không biết như
thế nào. Nó không hiểu các ngôn ngữ đã được sử dụng để viết các quyển sách đó.
Đứa trẻ ngờ một trật tự huyền bí chứa trong sự sắp xếp các quyển sách, nhưng
không biết trật tự đó là gì. Đối với tôi, đó là thái độ của một con người thậm
chí thông minh nhất trước Thượng đế. Chúng ta thấy vũ trụ được sắp xếp kỳ diệu
và tuân thủ một số định luật nhất định, nhưng chỉ hiểu được một cách mơ hồ những
định luật này. Trí tuệ có hạn của chúng ta không thể hiểu được lực huyền bí làm
chuyển động các thiên hà (hoặc: cấu trúc của vũ trụ, constellations).
Trong Einstein and Religion, tr.48.
Người ta tâng bốc tôi bao lâu tôi không làm gì khó chịu đối với
họ. Khi tôi phục vụ những mục tiêu bất lợi cho họ thì họ sẽ chuyển ngay qua đả
kích và vu khống để bảo vệ quyền lợi của họ.Từ “Drei Briefe an Friendensfreunde”,
Mein Weltbild, tr. 54
Tôi bị nhiều chú chó sủa, những chú được cho ăn để canh giữ sự
ngu dốt, và dị đoan, có lợi cho những người chủ thủ lợi. Tiếp theo là có những
kẻ vô thần cuồng tín mà thái độ không dung nạp của họ là cùng loại với thái độ
không dung nạp của những kẻ cuồng tín tôn giáo, chúng có cùng một nguồn gốc. Họ
giống như những kẻ nô lệ vẫn cảm thấy sức nặng của gông cùm của mình, cái mà họ
đã vứt bỏ sau cuộc chiến đấu gian khổ. Họ là những sản phẩm của tạo hóa, những
người mà - trong sự hằn học chống lại “thuốc phiện truyền thống của nhân dân” -
không thể chịu được âm nhạc thanh tao của vũ trụ. Kỳ quan của thiên nhiên không
vì thế mà nhỏ đi bởi người ta không đo được nó bằng những tiêu chuẩn của đạo lý
và mục tiêu con người. (1941)
Năm 1940 có một buổi hội thảo về thần học được tổ chức tại
TP New York, với số thính giả lên đến trên 500 người, Einstein là một
trong ít người không phải là nhà thần học được mời tham dự. Bài tham luận
với tiêu đề “Khoa học và Tôn giáo” của ông được đọc trước hội nghị. Sau
đó có rất nhiều người viết thư phản đối Einstein mạnh mẽ về cái gọi
là “Einstein chối từ Thượng đế”, suy diễn từ câu nói “Tôi không thể tưởng tượng
được một Thượng đế ở dạng con người” của Einstein.
|
Tuy người ta có thể tiêu diệt một con người tự do trong nội
tâm và có lương tâm nhưng không thể biến anh ta thành nô lệ hay một công cụ mù
quáng.
Từ bài “Zur Erniedrigung des wissenschaftlichen
Menschen”
Mein Weltbild, tr. 171
Con quỷ đã chuẩn bị khắp nơi để chúng ta phải bị trừng phạt
cho những cái mà chúng ta thưởng thức trong cuộc đời…Einstein nói như thế khi than phiền về chế độ ăn kiêng của
ông do bác sĩ cho. Khi người đối thoại của ông hỏi tại sao không phải Thượng
đế trừng phạt mà là Con quỷ, Einstein trả lời “Đâu là sự khác biệt? Người
thì mang dấu cộng, kẻ thì mang dấu trừ. Đó là tất cả về sự khác biệt.”Kuznecov, Einstein, tr. 323
Một công thức có tốt gì nếu nó không ngăn cản được con người giết hại lẫn
nhau?
One hundred authors for Einstein, tr.14.
Tôi biết từ kinh nghiệm làm sao để trở nên mạnh khỏe: hãy sống
như cỏ cây một thời gian, sống yên tĩnh và tươi vui.
Einstein-Born, Briefwechsel, tr. 127
Cả triết học chẳng phải được viết bằng mật hay sao? Nó trông tuyệt
vời nếu người ta nhìn lần đầu tiên, nhưng khi nhìn lần thứ hai thì tất cả đều
biến mất. Chỉ còn lại cái bã.
Einstein sagt, tr.186
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét