Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Tục lễ chùa và hái lộc đầu xuân

Tục lễ chùa và hái lộc đầu xuân

Đây là quang cảnh tại một “miếu thờ ở phố” (h.161 - Miếu thờ ở phố). Năm người này như cố tranh thủ lấy một góc nào đó để lạy lấy lạy để. Tại sao vậy?
Vì theo tục lệ khi vừa cúng giao thừa xong thì nhiều người đi lễ chùa, đền, miếu… để xin Phật, Thành, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình suốt năm được an khang cát khánh và được mọi sự như ý.
Việc đi lễ sớm vào đầu năm này không ai mang theo lễ vật vàng hương, vì có bán tại chỗ. Nơi đây, người đông nên phải cố chen nhau để vào lễ trước bàn thờ. Ai không chen vào được thì đứng ngoài khấn vái. Khi trở về, có người cầm theo vài ba nén hương, gọi là hương lộc, để cắm vào bát Táo quân hay bát hương bàn thờ gia tiên ở nhà. Lửa đỏ ở mấy nén hương là của lộc trên, biểu hiện hồng vận, thịnh vượng. Gặp gió, lửa đỏ lóe sáng, lại là điềm tốt được báo trước. Có người không xin hương lộc mà đi quanh vườn nơi làm lễ, bẻ lấy một cành lá, thường là cành đa, cành đề, cành si của các cây cổ thụ xanh tươi, gọi là hái lộc, mang về giắt dưới mái nhà, gian giữa, trước bàn thờ gia tiên.
Ở thôn quê, có nhiều người chọn hướng đi vào ngày đầu năm hơn là tối ba mươi - cái tối như đêm dày như đất lại thường hay có mưa phùn. Chỉ có những hoa cà, hoa cải của ngọn lửa pháo điểm trang cho cái đêm đen như mực ấy mà thôi.
Các cô gái người Thái ở vùng Trung du Bắc Bộ, sau khi cúng tổ tiên xong, họ mang ống hương ra suối lấy nước “dầu niên” về dùng gọi là để lấy hên (may mắn). Trong khi đó, người Nùng mang thùng xuống sông hay suối. Họ đem theo vài ba cây nhang, một xấp tiền vàng để khấn vái tứ phương và đốt trước khi gánh nước về. Đặc biệt họ lại bỏ vào thùng nước một cành hoa, gọi là “gánh nước hoa hồng”.
Theo thông lệ, cứ mỗi nhà hay chọn vị cao tuổi nhất (thường là các cụ bà) để đi lễ chùa và hái lộc. Có nhà cẩn thận - nhất là những nhà tin vào số mệnh - phải biết chọn hướng, xem giờ, xem tuổi. Nếu đi Chùa lễ Phật, các cụ phải xin lộc từ cây cổ thụ già nhất trong khu vực chùa. Nếu không thì cũng phải xin lộc ở cây đa đầu làng. Cây đa là một loài cây sống lâu nên được xem như tượng trưng cho tuổi thọ. Ngoài ra âm Hán Việt là “đa” còn mang nghĩa là nhiều. Do đó lộc của đa cho nhiều tiền còn cho nhiều tuổi thọ và nhiều con cháu… Nhưng hái lộc đa phải hái như thế nào? Tất phải chú tâm để chọn cho được loại cành cây có lá lành sạch, đẹp, không sâu và có búp mới tươi tốt. Hơn nữa cành phải hướng về phương đông. Thường khi các cụ hay dắt theo các cháu gọi là có già trẻ - hai thế hệ hợp nhất trong gia đình hòa thuận, êm ấm.
Tuy nhiên, công việc hái lộc như thế cũng chưa phải là đã đầy đủ mà còn phải đếm được số lá trên cành. Nếu là số lá chẵn mà đi hỏi vợ thì đủ đôi - không phải xa rời nhau. Song số chẵn để đi buôn thì không lợi lộc gì cũng như mong cho được sinh con đẻ cái thì cũng không ứng nghiệm. Cả hai trường hợp này gọi là đã chẵn chòi nên không còn sinh sôi được nữa. Và nếu, số lá lẻ mà búp lá lại nở thì dự đoán là sinh được thị mẹt (con gái).
Kèm theo các hành động có ý thức nói trên là lời niệm chú hai lần câu nói: “Xin lộc lấy may! Xin lộc lấy may!”. 
Lộc đem về giắt dưới mái tranh ngay gian giữa cửa chính và luôn bảo trì như thế cho trọn cả năm. Tuyệt đối ai xin cũng không cho vì cho là mất lộc.
Theo truyền thuyết, xưa kia nhân chuyến du xuân, vua Hùng đã hái một cành lộc đem về cho con cháu với lòng mong ước nhiều điều tốt cho dòng dõi huyết tộc. Dân chúng mô phỏng theo hành động tốt đẹp đó rồi dần thành mỹ tục về sau.
TẠI SAO VÀO NGÀY TẾT, NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN CHÙA HÁI LỘC?
Bởi vì chữ “Lộc” có nghĩa là “tài sản, thịnh vượng, giàu có” về mặt vật chất.
(Một trong ngũ Phúc). Nó cũng đồng âm với từ “Lộc” có nghĩa là “chồi non”.
Ngoài ra, từ Đa, tức cây Đa, lại đồng âm với từ đa nghĩa là nhiều. Do đó hái lộc cây đa là ngầm ao ước được “Đa lộc”. Cả hai từ đồng âm ấy đã tạo ra một ý nghĩa tượng trưng cho đầu óc dị đoan của người Việt Nam. Họ ngầm hiểu: khi hái chồi non của cây đa, người ta sẽ nhặt được rất nhiều “Lộc” trong tay.
Chú thích:
(1) Dịch theo G.PISIER - “Indochine” số 75-76. Ngày12/2/1942. - Trg. 17,18,19.
A. XIN "HƯƠNG LỘC"
Việc hái lộc diễn biến không đơn giản có khi phát sinh phức tạp trong tâm tư - xem xét, chọn lựa, gìn giữ, lo âu… nên tốt hơn là xin “hương lộc”. Nhìn qua “miếu thờ ở phố” h.161, chúng ta có thể hình dung được cảnh mọi người đặt lễ, dâng hoa, đốt hương, khấn vái… Song trong số đó, có thể có người khi cầm hương khấn vái xong sẽ không cắm ngay ở miếu (h.162) (hay ở chùa) mà lại đem về nhà để cắm trên bàn thờ nhà mình hoặc bàn thờ Thổ công. Đấy gọi là xin “hương lộc” để rước ngọn lửa đỏ mà Thần, Thánh, Phật… sẽ luôn âm phù cho mình cuộc sống hạnh phúc, may mắn…
Tục lệ này duy trì và phát triển dài cho đến cuối thế kỷ này khi xã hội vật chất càng cao, người ta (nhất là đám thanh niên nam nữ) càng đi chùa vào các dịp lễ rồi rước một, hai nén hương gọi là cầu tài, cầu phúc. Song cũng có thể họ muốn biểu thị cuộc sống tâm linh đang đòi hỏi sau thời gian dài của chiến tranh đã làm cho hương tàn khói lạnh.
Hình 162: Miếu dưới gốc đa
B. TỤC MUA LỘC MÍA
Xuất phát từ tình trạng “hái lộc” ngày càng trở nên khó khăn - do các cành cây, nhánh cây ngày càng trở nên trơ trụi, vì thế, một tục lệ mới ra đời “mua lộc mía” (1). Đây là những bó cây mía (h.163) được bày bán trên một số đường phố Hà Nội từ Tết. Người mua đem về có thể dựng góc nhà, bên cạnh bàn thờ, rồi chờ ngày hạ nêu xong dùng làm thức ăn tráng miệng. Song có người lại dành ngọn mía để đem trồng làm cây đầu xuân.
Tục này phát sinh không lạ do trước đây ta từng lưu truyền tục đặt hai cây mía bên bàn thờ gia tiên.
Chú thích:
(1) Theo HOÀNG CẢNH - Lộc mía lên ngôi - Hà Nội mới cuối tuần - Trang.6 - 6.3.1999.
Hình 163: Bán tấm mía
C. CƯỚP "LỘC THỔ"
Vượt ra khỏi phạm vi đi lễ chùa, hái lộc hay xin hương lộc đầu năm cùng từng gia đình để tham dự một lễ tục khá thú vị ở làng Lan (xã Liễu Đôi, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Đó là tục cướp Lộc thổ hay Nghinh thổ. Lễ tiến hành vào sáng mùng Một (song có người cho là lúc Giao thừa). Khi ấy các họ trong làng đều đồng loạt nổi chiêng và mỗi họ rước một hòn đất lên đình làng rồi cùng đặt lên án thư để làm lễ tế như tế Thần. Hòn đất này đã được lấy từ đồng ruộng trước đó mấy hôm rồi phơi phóng, bao gói cẩn thận.
Sau đó, các họ mang đất ra giữa sân đình rồi tung lên cao - cho đến khi rơi xuống nếu càng bị vỡ tan tành thì lại càng quý. Ngay khi ấy, cùng mọi người xô nhau vào tranh cướp những mảnh đất vỡ ấy - gọi là cướp “Lộc thổ”. “Lộc thổ” này được mang về rắc vào vườn đất nhà mình với lòng tin:“Ngoài đồng tốt lúa, trong vườn tốt cau”.
Tục lệ trên biểu hiện tinh thần xem những hòn đất trên đồng ruộng quê hương là những hòn đất thiêng do trời đất ban cho, và niệm cầu cho luôn được “phong đăng hoà cốc”. (1) (h.164).
Chú thích:
(1) (Theo Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam - Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi - Nhà xuất bản Văn học Hà Nội - 1995 - tr.20 - 21).
Hình 164: Thu hoạch lúa

22/1/2020  
Nguyễn Mạnh Hùng
Theo https://thanhdiavietnamhoc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...