Nguyễn Đức Vân, một "Người xứ Nghệ"
Tôi muốn có hai cách
viết về ba từ “người xứ Nghệ”. Một là viết theo lối thông thường để
chỉ bất cứ ai đã sinh ra, lớn lên, có gốc gác, hoặc đã định cư lâu năm trên đất
Nghệ. Còn một nữa viết hoa đặt trong ngoặc kép: “Người xứ Nghệ” thì dành riêng
cho những người - dĩ nhiên cũng của xứ Nghệ - nhưng có những phẩm chất cao đẹp
và đa dạng được chưng cất, được thăng hoa từ những gì là tinh tuý trong cốt
cách người Nghệ đã thành truyền thống để người Nghệ tự hào và cả nước kính nể.
Còn tôi thì đã chịu ơn dù là gián tiếp hay trực tiếp, vô hình hay hữu hình. Nhớ
lại, ngày mới lên năm, lên sáu, bắt đầu đi học chữ Hán, tập tô mấy chữ “Thiên
tích thông minh/ Thánh phù công dụng” (Trời cho thông minh/ Thánh
giúp nên công) thì tôi đã lần lượt được cha là một vị tú tài khoa Mậu Ngọ
(1894), thầy học, thêm một anh rể tú tài, một anh rể tam trường kể cho nghe
nhiều chuyện về cụ Thượng Cao (Cao Xuân Dục), cụ Tế Nho Lâm (Ðặng Văn Thuỵ) đều
quê Diễn Châu; cụ Thám Ðạt (Nguyễn Ðức Ðạt), cụ Thám Giao (Nguyễn Văn Giao), cụ
Giải San (Phan Bội Châu) đều quê Nam Ðàn; cụ Sơn (Nguyễn Thức Tự) [1],
cụ Tuần Ðinh (Ðinh Văn Chấp), cụ Nghè Nhu (Nguyễn Huy Nhu), ông Nguyễn Cảnh
Ðậu, đều quê Nghi Lộc... Lên 10 tuổi đi học trường Pháp - Việt, tôi lại được
các thầy giáo kể cho nghe chuyện về các tên tuổi thời Tây học như Cao Xuân Huy,
Ðặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Ðức Bính, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Lê
Thiệu Huy... Ðúng là những “Người xứ Nghệ” này ít nhiều đã trở thành môi trường
tâm thức, đã ám ảnh tôi, dìu tôi đi từ tuổi thơ và cho cả đến nay, đã ở tuổi
bát tuần. Quý vị đã gây cho tôi nỗi thèm khát, chỉ mong sao được đôi chút như
quý vị. Và đến đây, nhìn lại cuộc đời của mình, tự thấy phần nào không đến nỗi
phải xấu hổ lắm với tổ tiên, với quê hương, với quý vị là nhờ có chút thèm khát
đó từ thuở ấu thơ. Rồi cũng từ vốn tâm thức quý báu này, tôi đã thích thú đón
đọc mục Người xứ Nghệ, sách Người xứ Nghệ của Tạp
chí Văn hóa Nghệ An mà chính tôi cũng đã có đôi chút góp phần. Và hôm
nay, tôi lại xin tiếp tục với một nhân vật, không ai khác, chính là nhạc phụ
của tôi. Mong được bạn đọc không cho là cha hát con khen, mặc dù tôi vẫn nghĩ:
con không khen cha thì khen ai. Dĩ nhiên phải là cha ra cha. Xin nói ngay, nhạc
phụ của tôi không là giáo sư, tiến sĩ, kể cả cử nhân, tú tài gì cả. Chỉ là
người khi nghỉ hưu, cán sự ba. Nhưng trong nhận thức, trong ấn tượng của tôi,
cụ đáng được coi là một “Người xứ Nghệ” viết hoa, đặt trong ngoặc kép, như tôi
từng quan niệm, cảm phục, chịu ơn. Còn ở mức độ nào thì tùy công luận.
Cụ tên là Nguyễn Ðức Vân, sinh năm 1900, mất năm 1974. Quê làng Cẩm Trường, nay
là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc. Xuất thân dòng họ Nguyễn Ðức là một dòng họ
nổi tiếng có truyền thống yêu nước, hiếu học, có nhiều khoa bảng cả trước lẫn
nay, đặc biệt là rất giàu năng khiếu văn chương [2].
Ông nội là Nguyễn Ðức Tân, đậu cử nhân, làm quan chức Hành Tẩu, từng tích cực
hưởng ứng Cần Vương, có công lao lớn với dân làng, được dân làng lập đền thờ
sống (sinh từ). Cha là Nguyễn Ðức Công (tức Hoàng Trọng Mậu) có tài “văn chương
trác lạc” (lời khen của Phan Bội Châu), từng đậu đầu xứ (do đó có tên là Ðầu Xứ
Công), nhưng đã bỏ chốn khoa trường, dấn thân cứu nước, trở thành một nhà cách
mạng rạng danh trong phong trào Ðông Du, Việt Nam Quang phục Hội, được vua Duy
Tân trong khi âm mưu khởi nghĩa mật phong Tổng Tư lệnh nghĩa quân. Bị thực dân
Anh bắt giao cho thực dân Pháp đem về nước kết án xử bắn cùng một lúc và chôn
chung một hố với người đồng hương, đồng chí là Nguyễn Thức Ðường (tức Trần Hữu
Lực). Ðã để lại bài thơ "Cảm tác" và câu đối tuyệt mệnh vào loại hay
nhất trong văn chương yêu nước Việt Nam cổ kim:
Từ biệt quê nhà chẳng nhớ năm
Ngổn ngang tâm sự rối tơ tằm
Ðoái trông Kiếm Nhị [3] buồn
tanh sắc,
Mơ tưởng Hồng Lam [4] lạnh
ngắt tăm.
Chết quách đã đành không đất sạch,
Sống về cũng chỉ một trời căm.
Ðêm đêm mộng hoá thành thân cuốc,
Ngậm máu đi về khóc cõi Nam
("Cảm tác" - Nguyên văn chữ Hán)
Ái quốc hà cô, duy hữu tinh thần lưu bất tử
Xuất sự vị tiệp, thả tương tâm sự ký lai sinh
(Yêu nước tội gì? Duy có tinh thần là chẳng chết
Ra quân chưa thắng, xin đem tâm sự gửi mai sau)
Cụ Nguyễn Ðức Công có bốn con trai. Nguyễn Ðức Vân là con thứ hai. Thuở nhỏ,
Nguyễn Ðức Vân học chữ Hán và trường tiểu học. Nhưng rồi gặp gia cảnh: cha bỏ
nhà đi cứu nước và bị bắn, mẹ bị bắt giam, anh trai cũng qua đời trong phong
trào Ðội Quyên - Ðội Phấn, gia sản bị tịch thu lần này lượt khác, nên phải nghỉ
học, ở nhà làm ruộng, nhường phần học cho em út. Làm ruộng và tự học Hán văn,
Pháp văn. Riêng Pháp văn, đã thuộc trầm Từ điển Pháp - Việt của
Trương Vĩnh Ký và về sau đã có lúc viết báo tiếng Pháp ít nhiều. Nguyễn Ðức Vân
là người có trí nhớ vào loại hiếm. Năm 1925, lãnh tụ cách mạng Phan Bội Châu bị
thực dân Pháp bắt về giam lỏng ở Huế sau khi định thủ tiêu kín không xong, kết
án chung thân cũng không xong. Nguyễn Ðức Vân với tinh thần “cừu gia tử đệ”
(con em gia đình có thù với giặc) đã vào sống hầu cụ Phan một thời gian ở Bến
Ngự [5] -
Khoảng 1937, cùng hai em trai: Nguyễn Ðức Tịnh [6] từng
là Bí thư Tỉnh ủy Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội của Thừa Thiên - Huế (1926)
sau 7 năm đi tù về và em út là Nguyễn Ðức Bính [7] từng
tham gia Đảng Tân Việt, ra Hà Nội làm báo Thời vụ cùng Ngô Tất
Tố. Năm 1944, phong trào Việt Minh phát triển vào đất Nghệ, Nguyễn Ðức Vân cùng
Nguyễn Ðức Tịnh đều có mặt trong phong trào. Do đó, Cách mạng tháng Tám 1945
thành công, em là Tỉnh ủy viên kiêm ủy viên ủy ban nhân dân tỉnh. Còn anh là
Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Phúc Lộc (bấy giờ bao gồm 4 xã Nghi Trung, Nghi
Liên, Nghi Diên, Nghi Vạn) huyện Nghi Lộc hiện nay. Sau vài năm được điều lên
làm ủy viên ủy ban kháng chiến hành chính huyện Nghi Lộc, cuối năm 1959 chuyển
ra công tác tại bộ phận Hán Nôm của Ban Cổ Cận thuộc Viện Văn học vừa được
thành lập. Năm 1965, nghỉ hưu. Lý lịch trích ngang của nhạc phụ tôi khiêm
nhường là vậy. Tại tổ Hán Nôm của Viện Văn học, bên cạnh những vị đại khoa, cụ
Nghè Triển, các phó bảng: Phan Võ, Hà Văn Mạo và các học giả là những ông trùm
văn hoá như Cao Xuân Huy, Ðặng Thai Mai, nhạc phụ tôi luôn tự nhận là người
thiểu học, khiếm học. Nhưng thực tế, nếu tôi không lầm thì cụ lại là người có
thành tích sưu tầm, dịch thuật Hán Nôm nhiều nhất. Bấy giờ, có nhóm dịch
thuật Hồng lâu mộng do cụ phó bảng Bùi Kỷ làm trưởng nhóm,
nhưng vừa khởi công chút ít thì cụ Bùi Kỷ qua đời. Công việc do đó gặp khó khăn
bởi các vị khoa bảng tham gia dịch thuật tuy là bậc thầy về kinh truyện, nhưng
lại không mấy thông thạo ngoại thư [8],
nhất là với ngôn ngữ của bộ tiểu thuyết đồ sộ Hồng lâu mộng. Cụ Vân
đã hầu đỡ các cụ trong việc khắc phục khó khăn ngoài phần dịch riêng của mình.
Khi đem in, nhà xuất bản có ý định ghi tên cụ Vân là người hiệu đính. Nhưng cụ
nhất định từ chối với lời lẽ: tôi chỉ là phận học trò các cụ, đâu dám, làm thế
là hỗn. Cụ Vân đã cùng cụ Nguyễn Khắc Hạnh dịch Kim Vân Kiều truyện của
Thanh Tâm Tài Nhân, cùng ông Kiều Thu Hoạch dịch Hoàng Lê nhất thống
chí của Ngô Gia Văn phái. Ngoài ra, cụ đã dịch Tuỳ Viên thi
thoại của Viên Mai, Dân ca Trung Quốc, Trung Quốc tư tưởng sử của
Dương Vinh Quốc, Vân Nang tiểu sử của Phạm Ðình Dục, Quốc
triều đình đối sách, Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Ðức, Thơ
văn Nguyễn Trung Ngạn, Thơ văn Tự Ðức, Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn... có loại đã
in, có loại chưa in. Cùng cụ Nguyễn Sĩ Lâm và ông Nguyễn Văn Hoàn chú
giải Truyện Kiều. Phương Lựu (tức GS.TSKH Bùi Văn Ba) trong
sách Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam đã khẳng định vai trò
của Cụ Vân là người “dẫn đầu” việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu quan niệm
văn chương của Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Ðịch Cát, Lý Văn Phức, Phan Thanh Giản,
Nhữ Bá Sĩ, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Miên Thẩm, Phạm
Phú Thứ, Bùi Văn Dị, Ngô Dưỡng Hạo, Lê Hữu Kiều, Lý Tử Tấn, Lê Quý Ðôn, Bùi Huy
Bích, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Vịnh...
Riêng đối với thơ văn Lý Trần thì quả thật nhạc phụ Nguyễn Ðức Vân của tôi đã
có vai trò chủ công mà bạn đọc hôm nay dễ thường không biết. Bộ sách Thơ
văn Lý Trần do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in ấn, phát hành hiện đã
có ba tập với khổ trang lớn. Tập I dày 631 trang trong đó có 136 đơn vị văn bản
được sưu tầm dịch thuật. Tập II (Quyển thượng) dày 968 trang, trong đó có 363
đơn vị văn bản được sưu tầm, dịch thuật. Tập III dày 822 trang trong đó có 415
đơn vị tác phẩm được sưu tầm, dịch thuật. “Lời nói đầu” bộ sách Thơ Văn
Lý Trần - tập I, xuất bản năm 1977 đã ghi rõ:
“Hơn 10 năm qua, kể từ sau ngày thành lập, Viện Văn học đã để ý, tìm hiểu
văn học của thời đại Lý Trần. Năm 1960, tổ Hán Nôm của Viện được giao nhiệm vụ
sưu tập và phiên dịch ra tiếng Việt toàn bộ thơ văn từ đời Hồ trở về trước
trong các sách vở chữ Hán còn lưu trữ tại các thư viện và trong một số tài liệu
bi ký còn nằm rải rác ở các đình chùa trên miền Bắc. Các đồng chí Nguyễn Ðức
Vân, Ðào Phương Bình, cán bộ trong tổ đã trực tiếp tiến hành công việc đó. Nhờ
nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, lại có sự giúp đỡ tận tình của những anh em khác
trong tổ, nên công việc đã tiến hành tương đối thuận lợi, mỗi năm, khối lượng
thơ văn tập hợp được ngày một phong phú dần. Ðến năm 1965 thì việc sưu tầm cũng
như việc phiên dịch bước đầu đã hoàn thành”.
Vậy mà trong bộ sách đồ sộ 3 tập, dày 2421 trang in khổ lớn, bao gồm 914 đơn vị
văn bản này, phần cụ Vân chỉ là 034 đơn vị rưỡi, trong đó tập I là 09 rưỡi trên
136, tập II (Quyển thượng) là 06 trên 363, tập III là 19 trên 415. Trong 3 tập,
hai tập I và III in trước thì còn có tên cụ Vân trong nhóm biên soạn. Nhưng đến
tập II (Quyển thượng) in sau vào năm 1989 (lúc này cụ Vân đã qua đời 15 năm)
thì không còn tên trong nhóm biên soạn nữa.
Hiện tượng này là gì giữa cõi đời này? Ðể bạn đọc biết rõ có công bằng với cụ
Vân hay không, tôi xin nói thêm đôi điều. Trong thời gian từ 1960 đến 1965,
cùng với người cộng sự của mình là bác Ðào Phương Bình “hoàn thành bước đầu”
việc sưu tầm cũng như việc phiên dịch ra tiếng Việt “toàn bộ thơ văn từ đời Hồ
trở về trước”, riêng về cụ Vân thì trong mấy năm đó, ngoài chuyện gắn bó với
các thư viện, đặc biệt là Thư viện Khoa học (vốn là Thư viện Viễn đông Bác cổ),
với một chiếc xe đạp cọc cạch, đã đi hết chùa này đình khác ở nhiều nơi trên
miền Bắc để sưu tầm, sao chép những gì liên quan đến thơ văn Lý Trần. Và nhiều
ngày chủ nhật, đã từ nội thành ra nhà tôi lúc này còn thuộc ngoại thành, để vừa
thăm con cháu vừa tranh thủ làm việc dịch thuật. Ngày cụ nghỉ hưu, tôi có hỏi
thì cụ cho biết, với công trình Thơ văn Lý Trần, phần cụ làm được
là khoảng 600 đơn vị văn bản, phần bác Ðào Phương Bình là khoảng 100 đơn vị văn
bản. Cả hai con số này cộng lại, đúng là tương ứng với mấy chữ “bước đầu đã
hoàn thành” của “Lời nói đầu” bộ sách đã dẫn trên đây. Trong gia đình cụ chúng
tôi, con trai trưởng là nhà văn Nguyễn Ðức Ðàn (nay đã quá cố), từng là Tổng
biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Viết văn
Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và thế
giới có nhiều thành tựu, “một nhà văn hoá xuất sắc” (lời của
nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin Nguyễn Khoa Ðiềm ghi trong sổ
tang), là thành viên từ ngày đầu thành lập Viện Văn học, từng là Bí thư chi bộ
của Viện Văn học; con trai út là nhà thơ Anh Ngọc, từng giúp cha chữa chính tả
trong nhiều bản dịch chữ Hán [9] ;
và tôi, con rể, vốn gắn bó gần một đời với văn học Trung Cận đại Việt Nam,
trong đó có Hán Nôm...; chúng tôi không phải không biết những gì đã xẩy ra với
người thân của mình chung quanh công trình Thơ văn Lý Trần. Nhưng
nghĩ đến ông cụ là người hiền lành, độ lượng đến mức suốt đời chưa biết nhăn
trán là gì, chưa nói nặng với ai, kể cả với con cháu trong nhà, nên chúng tôi chỉ
nhếch mép cười và nói vui với nhau: trò đời là thế, và người xưa chẳng đã nói
chuyện “Vua nước Sở mất cung, người nước Sở được” đó sao! Riêng tôi, còn có sự
ám ảnh của lời sách Nho mà thân phụ tôi từng truyền dạy cho từ thuở lên năm lên
sáu: “Dĩ đức báo oán”, kể cả câu châm ngôn của người Pháp mà nhà trường Pháp -
Việt cũng truyền dạy: “Rendre le bien pour le mal” (lấy cái tốt đối lại với cái
xấu). Dĩ nhiên, trong việc này, tôi đã bị một vài bạn biết chuyện khuyên mãi
không nghe nên chê trách, thậm chí còn mắng là hèn, là nhu nhược, không dám đấu
tranh. Biết vậy, nhưng đến nay, vẫn chưa làm sao được.
Cuối cùng, tôi lại một lần nữa muốn nói rằng: nhạc phụ của tôi - cụ Nguyễn Ðức
Vân - chẳng có chức danh gì. Chỉ là một cán sự bậc ba nghỉ hưu. Còn phải mấy
chục năm nữa mới qua bậc 4, bậc 5, bậc 6, chuyên viên 1, 2, 3... để may gì sánh
được ai đó. Tuy thế, đương thời, khi cụ tôi còn là cán bộ của Viện Văn học thì
chính Viện trưởng - học giả Ðặng Thai Mai, sư phụ của tôi, đã nói với tôi: “Ông
Vân của chú là người trung hậu, làm việc nghiêm túc và giỏi”. Còn học giả Cao
Xuân Huy (hồi ở cùng nhà với tôi) thì cũng hai lần nói với tôi: “Anh có một
nhạc phụ tuyệt vời. Chẳng bằng cấp gì cả mà xem ra cử, tú cũng khó bằng”. Tiếp
nữa, sau này cụ tôi qua đời, sách Văn hoá tổng hợp do tướng
Trần Ðộ lúc còn là Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương làm chủ biên xuất bản
năm 1989, tập I sách Tác gia Nghệ Tĩnh, nhà xuất bản Nghệ Tĩnh -
1990 đều viết về nhà Hán học Nguyễn Ðức Vân. Ðài truyền hình Hà Nội ngày
24/7/1995 ở mục “Ngày này năm xưa” cũng nói đến ngày mất của “nhà Hán học
Nguyễn Ðức Vân”. Gần đây nhất, năm 2003, Ðài Truyền hình Việt Nam cũng dựng
phim chân dung Dịch giả Nguyễn Ðức Vân khá đầy đặn.
Thì ra cuộc đời vẫn có luật bù trừ!
Riêng tôi thì trước sau, còn muốn được xếp nhạc phụ của mình vào danh sách
“Người xứ Nghệ” viết hoa, đặt trong ngoặc kép. Bởi cái rốn của cụ tôi vẫn để
lại trên đất Nghệ. Bởi cụ là một người hiền trong những người hiền của xứ Nghệ.
Bởi cụ là một học trò trong những học trò xứ Nghệ đã có quyết tâm vượt nghèo,
vượt khó, say mê tự học để trở thành một người có ích cho đời. Bởi cụ là một
bậc chân Nho trong những bậc chân Nho của xứ Nghệ. Tôi còn muốn nói cụ là một
người quân tử trong những người quân tử của xứ Nghệ. Ðã hơn một lần, tôi viết đây
đó rằng: đời tôi có một hạnh phúc lớn là có hai người cha: thân phụ và nhạc phụ
có nhân cách tuyệt trần đã dắt tôi đi giữa cõi hồng trần. Riêng với vị nhạc phụ
thì tôi đã thay mặt con cháu trong gia đình viết đôi câu đối bằng chữ Hán khắc
vào bia đá tại mộ cụ là:
Ðạo đức thanh cao tôn tử niệm
Văn chương uyên bác thế nhân tôn
(Tạm dịch: Ðạo đức thanh cao con cháu nhớ, Văn chương uyên bác mọi
người tôn). Và nữa, những dòng chữ giữa xuân Mậu Tý (2008) này xin được coi
là nén nhang thơm dâng lên vị nhạc phụ trăm quý ngàn yêu trong tiết thanh minh.
Chú thích:
[1]Cha tôi (1866 - 1954) là học trò cụ Sơn và sau
đó lại thông gia với cụ. Chị cả tôi là con dâu cụ, chị út tôi là cháu dâu (nội)
cụ. Hai chị là con mẹ cả của tôi.
[2]Xem: Văn
thơ họ Nguyễn Ðức - NXB Văn hóa Thông tin 2000
[3]Hồ
Hoàn Kiếm, Sông Nhị Hà: biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội
[4]Hồng
Lam: Núi Hồng Lĩnh, Sông Lam: biểu tượng của Xứ Nghệ, quê hương của tác giả
[5]Xem: Ông
già Bến Ngự. NXB Thuận Hóa - 1987
[6]Nguyễn
Ðức Tịnh là tác giả của sách Lão Tử (nhờ Ngô Tất Tố đứng tên)
và sách Luận lý. Cũng thuộc loại trầm Tự điển Pháp Việt của
Trương Vĩnh Ký. Sau Cách mạng tháng Tám, là chiến sĩ thi đua toàn quốc I
(1951).
[7]Nguyễn
Ðức Bính: Một nhà giáo, một nhà báo nổi tiếng và có tài văn chương. Có sách văn
học sử liệt ông vào hàng những người viết tiếng Pháp hay nhất Ðông Dương thời
Pháp thuộc.
[8]Ngoại
thư: thuật ngữ chỉ loại văn chương ngoài kinh điển Nho gia như văn tiểu thuyết,
văn báo chí.
[9]Cụ
Vân quê Nghi Lộc - Nghệ An - là nơi "cà có đuôi, cá có cuống", phát
âm không phân biệt "sắc", "hỏi" và "ngã",
"nặng".
14/10/2008 Nguyễn Đình ChúNguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 124
14/10/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét