Phương thức lựa chọn và thể hiện
hiện thực lịch sử trong tiểu
thuyết
của Nguyễn Xuân Khánh
Nguyễn Xuân Khánh và tiểu thuyết lịch sử
của ông đã tạo nên bước đột phá táo bạo về cách viết, về tư duy tự sự lịch sử.
Bằng những tìm tòi thể nghiệm nhiều cách kết cấu mới, vận dụng các thủ pháp của
kỹ thuật viết hiện đại, ông đã mở ra những dạng thức mới cho tiểu thuyết lịch sử.
Một trong những điểm nhấn góp phần làm nên thành công vang dội cho các sáng tác
của ông đó là phương thức lựa chọn và thể hiện hiện thực lịch sử rất sáng tạo
và độc đáo.
1. Đặt vấn đề
Có thể nói, trong dòng văn học Việt Nam đầu
thế kỷ XXI, đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh và tiểu
thuyết lịch sử của ông có một vị trí không thể thay thế. Tác phẩm của ông không
chỉ mở rộng đề tài, chủ đề theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống,
đời tư thế sự, đời sống văn hóa tâm linh, mà qua đó, quan niệm về một số vấn đề
thể loại và lịch sử cũng mang những màu sắc thẩm mĩ mới. Lịch sử trong tiểu
thuyết lúc này trở thành lịch sử trong cảm nhận cá nhân, được nhà văn nhìn nhận
bằng cái nhìn triết học và thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại.
Nhiều sự thể nghiệm độc đáo về cấu trúc
tiểu thuyết, phương thức trần thuật… đã mang lại những thành tựu bước đầu cho
thể loại tiểu thuyết lịch sử.
2. Phương thức lựa chọn giai đoạn, thời điểm lịch sử
2.1. Lựa chọn thời điểm lịch sử đầy biến
động và phức tạp của dân tộc với những vấn đề lịch sử hệ trọng, những nhân
vật lịch sử “có vấn đề”
Viết về quá khứ, công việc của nhà viết
tiểu thuyết lịch sử là làm sống lại lịch sử bằng việc khám phá những vấn đề còn
bí ẩn, khuất lấp, lý giải lịch sử từ số phận cá nhân và tìm ra sợi dây liên hệ
giữa quá khứ với đời sống hiện tại. Lẽ cố nhiên, nhà văn phải dựa trên một
phông nền, một khung cảnh lịch sử nhất định, dù đó chỉ là phương tiện, là cái
“đinh” để treo những bức tranh mà thôi. Vấn đề đặt ra cho các nhà tiểu thuyết
là sẽ lựa chọn giai đoạn lịch sử nào? Và thời điểm lịch sử ấy có ý nghĩa như thế
nào trong việc thể hiện ý đồ của tác giả cũng như trong giá trị nối kết với hiện
tại? Đây có thể coi là bước đầu tiên trong công việc viết tiểu thuyết lịch sử,
thể hiện sâu sắc vai trò chủ quan, cá tính sáng tạo của nhà văn. Hơn thế nữa,
việc lựa chọn này còn phụ thuộc khá nhiều vào cảm thức lịch sử cũng như những sứ
mệnh mà xã hội đã trao cho nhà văn và các tác phẩm của họ.
Một trong những cảm thức chủ đạo của tiểu
thuyết lịch sử Việt Nam giai đoạn trước 1986 là ngợi ca truyền thống yêu nước của
dân tộc, tôn vinh những anh hùng đã được lưu danh trong sử sách. Cảm thức ấy đã
chi phối phương thức lựa chọn đề tài của các tiểu thuyết gia. Các tác giả trong
giai đoạn này như Thái Vũ (Cờ nghĩa Ba Đình), Hà Ân (Tổ quốc kêu gọi), Chu
Thiên (Bóng nước Hồ Qươm), Nguyên Hồng (Núi rừng Yên Thế), Nguyễn Huy
Tưởng (Sống mãi với thủ đô)… thường viết về những thời điểm vinh
quang, chói sáng của lịch sử, khắc họa vẻ đẹp bi hùng, bi tráng của nhân vật,
từ đó phục dựng toàn cảnh bức tranh về đời sống xã hội, gợi lên không khí hào
hùng của thời đại, khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, lòng yêu nước nơi độc giả
đương thời. Cảm thức này còn được phát huy ở một số tác giả sáng tác sau 1986
như Hoàng Quốc Hải, Hoàng Công Khanh, Ngô Văn Phú… nhưng lại trên một tâm thế,
tinh thần hoàn toàn mới.
Khác với các tiểu thuyết gia giai đoạn
trước và một số tác giả cùng thời, Nguyễn Xuân Khánh trong tác phẩm của mình lại
chọn những thời điểm lịch sử đầy biến động, phức tạp để tái hiện và luận giải.
Với Hồ Quý Ly, là giai đoạn cuối Trần đầu Hồ thế kỷ XIV, XV, còn
trong Mẫu thượng ngàn, là bối cảnh xã hội Việt Nam với điểm nhấn là cuộc sống
và những người dân ở một làng quê bán sơn địa Bắc Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong lịch sử, đây là những thời điểm được ghi nhận có nhiều sự kiện trọng
đại liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Cuối nhà Trần, với sự khủng hoảng toàn
diện do sự suy thoái của tầng lớp cầm quyền, triều đình suy tàn, phân hóa
nghiêm trọng, cùng lúc là thiên tai, địch họa, giặc giã nổi lên khắp nơi, xã hội
biến suy sâu sắc. Trong khi đó, cái họa phương Bắc và cái nạn phương Nam như một
mối đe dọa treo lơ lửng trên đầu người dân. Viết về nhà Trần, một trong những
triều đại hưng thịnh nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam, Nguyễn Xuân Khánh
không chọn những thời điểm vàng son, chói lọi, cũng không chọn để tôn vinh những
nhân vật anh hùng, hào kiệt mà ông lại lựa chọn thời điểm suy tàn, biến động
nhất của một triều đại. Nhiệm vụ của nhà văn lúc này là phải nhìn xoáy sâu vào
những cơn sóng khủng hoảng để truy tìm, suy ngẫm và giải mã những vấn đề trong
quá khứ, ráo riết tìm lời giải đáp cho các câu hỏi thiết thực của hiện tại. Ông
đã lựa chọn Hồ Quý Ly, một nhân vật lịch sử gai góc, “có vấn đề”, với những
tranh luận trái chiều về vai trò, vị trí của ông trong lịch sử dân tộc để thể
hiện những luận giải về lịch sử của mình. Nhân vật tư tưởng này đã được xây dựng
từ nhiều góc độ, một nhà cải cách táo bạo, một người đa mưu túc trí, một biểu
tượng của khát vọng quyền lực, một con người của những mối quan hệ đời tư, thế
sự. Bi kịch của ông hóa thành bi kịch của đất nước, bi kịch đổi mới bằng mọi
giá, bất chấp sự quay lưng hững hờ phản đối của nhân dân. Cách nhìn của Nguyễn
Xuân Khánh về Hồ Quý Ly và công cuộc canh tân đất nước có tính phản biện, đối
thoại lại cách nhìn của sử sách chính thống và kinh nghiệm cộng đồng.
Mẫu thượng ngàn lấy bối cảnh làng
quê Cổ Đình với những biến động xã hội khi Pháp dần từng bước bình định và đặt
ách đô hộ ở Việt Nam. Trong lúc đạo Phật suy tàn, đạo Khổng bị gạt bỏ, đạo
Thiên Chúa du nhập đang tìm chỗ đứng, đạo Mẫu trở thành niềm tin và sức mạnh
tâm linh gắn kết, nuôi dưỡng sức mạnh cộng đồng. Nhiều sự kiện lịch sử đã được
nhà văn nhắc đến như hai lần đánh chiếm thành Hà Nội của thực dân Pháp (1873 và
1882), các cuộc khởi nghĩa của nông dân và chí sĩ yêu nước, cùng với đó là những
gương mặt, những nhân vật làm nên lịch sử thời điểm ấy. Tuy nhiên, việc
tái hiện các sự kiện ấy không phải chủ đích của nhà văn. Nó chỉ mang nhiệm vụ
là tạo dựng một không khí lịch sử để nhân vật sống và suy tư. Nguyễn Xuân Khánh
“không tái hiện quá trình thuộc địa hóa như một thực tại lịch sử mà tìm cách
minh định thực tại ấy, mọi hành động đã được thay thế bằng những ưu tư về sự
chinh phục” [4]. Nhà văn tập trung chú ý cho những suy ngẫm, tiếng nói cá nhân
của cả hai bên chinh phục và cộng đồng bị chinh phục nhằm diễn giải về quá khứ.
Ông đã khéo léo lồng vào các câu chuyện huyền thoại, huyền tích, dã sử không chỉ
nhằm tạo lực từ trường hấp dẫn người đọc, mà quan trọng hơn, thông qua những
câu chuyện hư hư thực thực đó, tác giả muốn luận bàn về một vấn đề muôn thuở của
đất nước, đó là cội nguồn bản sắc và sức sống văn hóa Việt và làm sao để giữ
gìn, phát huy bản sắc dân tộc trong sự xung đột, xâm lấn của văn hóa phương Tây
buổi giao thời. Lúc này, cái khung lịch sử đã được sử dụng như phương tiện cấu
tạo tiểu thuyết, và sau đó thì tiểu thuyết lại là phương tiện để tác giả thể hiện
những tư duy, biện minh và dự phóng cho chủ đề trên lịch sử. [5]
2.2. Lựa chọn khám phá, phân tích các sự
kiện lịch sử tiêu biểu
Lựa chọn các sự kiện lịch sử để chiếm
lĩnh và tái hiện không phải là một công việc ngẫu nhiên đối với mỗi nhà tiểu
thuyết lịch sử. Đó thực sự là một công việc nghiêm túc, đòi hỏi sự cẩn trọng,
công phu, thể hiện những suy tư cá nhân và tìm tòi sáng tạo của mỗi nhà văn.
Qua việc lựa chọn khám phá, phân tích các biến cố lịch sử tiêu biểu, tiểu
thuyết gia đã thể hiện rất rõ mục đích, ý đồ nghệ thuật của mình. Trước năm
1986, trong các sáng tác của Nguyễn Tử Siêu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, những
sự kiện lịch sử lớn như Hội nghị Diên Hồng, cuộc hội quân ở bến Bình Than, những
trận đánh lẫy lừng như Đông Bộ Đầu, Vân Đồn, Bạch Đằng, Chương Dương, Vạn Kiếp…
đã được tái hiện với một niềm tự hào, một lòng ngưỡng mộ nhằm đánh thức tinh thần
yêu nước, chống ngoại xâm của người dân Việt. Sau năm 1986, trong các sáng tác
của Hoàng Quốc Hải, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao, Nguyễn Xuân Khánh… một
lần nữa, quá khứ lại được phục hiện và soi ngắm dưới nhiều giác độ.
Đặt lịch sử trước nhiều khả năng khác
nhau, Nguyễn Xuân Khánh đã lựa chọn những sự kiện lịch sử tiêu biểu với nhiều
kiến giải mang đậm dấu ấn cá nhân nhà văn. Trong Hồ Quý Ly, nhà văn đã lựa
chọn tái hiện nhiều biến cố lịch sử quan trọng như cuộc chiến tranh Chiêm
Thành, cuộc nổi loạn của Phạm Sư Ôn, sự thay ngôi đổi vị của các vị vua cuối
nhà Trần, và đặc biệt là cuộc cải cách gây nhiều tranh cãi của Hồ Quý Ly… Rõ
ràng, đây không đơn thuần là sự liệt kê biên niên sử hay sự xuất hiện ngẫu
nhiên, rời rạc của các sự kiện mà tất cả đều hướng vào và xoay quanh chủ đề, tư
tưởng trọng tâm của tác phẩm. Đây là những sự kiện, chi tiết “sống” được nhà
văn lựa chọn trong vô vàn các sự kiện đã xảy ra ở thời điểm lịch sử này. Thông
qua việc lựa chọn các sự kiện lịch sử tiêu biểu này, nhà văn muốn khắc sâu vào
sự khủng hoảng, bế tắc của nhà Trần, từ đó đưa ra một tình thế phải “thay
máu” để chấn hưng đất nước, đồng thời đối thoại, “tranh luận” với lịch sử và
con người hiện tại về ý nghĩa “thời thế” của nhân vật Hồ Quý Ly trong bối cảnh
xã hội lúc bấy giờ.
Trong Mẫu thượng ngàn, mặc dù các sự
kiện và hành động lịch sử xuất hiện rất ít nhưng lại là những sự kiện mang đầy
cảm quan cá nhân của nhà văn. Sự kiện hai lần đánh thành Hà Nội của Pháp năm
1873 và năm 1882, sự kiện đàn áp người Công giáo dưới thời vua Tự Đức, lịch sử
xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội, cuộc chiến của người Pháp với quân khởi nghĩa nông
dân, với quân Cờ Đen… đều được tái hiện chân thực và sinh động. Đó là cuộc hành
trình gian nan đi tìm những sự kiện “biết nói” của tác giả. Song trên hết, qua
những câu chuyện đời thường mà huyền diệu ở ngôi làng Cổ Đình nhỏ bé, Nguyễn
Xuân Khánh đã thể hiện số phận của cộng đồng trong mỗi con người cũng như khát
vọng “vượt thoát” với niềm tin nguyên thủy về sức mạnh và sự màu nhiệm của Mẫu.
Điều đó thể hiện tư duy lịch sử sắc sảo, tính triết luận và chiều sâu nhân bản
làm nên giá trị cho các tác phẩm.
2.3. Lựa chọn và khám phá hằng số lịch sử
từ điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và tinh thần nhân bản
Chưa bao giờ, sự đòi hỏi khả năng nắm bắt
cái hằng số lịch sử và văn hóa trên tinh thần nhân bản, triết học lịch sử lại
trở nên ráo riết với người viết tiểu thuyết lịch sử như vậy. Những tác phẩm của
Nam Dao (Đất trời, Gió lửa), Nguyễn Mộng Giác (Sông Côn mùa lũ), Võ Thị Hảo
(Giàn thiêu), Trần Thu Hằng (Đàn đáy), đặc biệt là Nguyễn Xuân Khánh… không chỉ
dừng lại ở việc tái hiện, luận giải các sự kiện, biến cố lịch sử, từ đó, khám
phá tấn bi kịch của những số phận cá nhân trong cơn biến thiên của lịch sử, giải
mã những hệ lụy lịch sử, mà còn kiếm tìm những giá trị cội nguồn bản sắc văn
hóa dân tộc.
Trung thành với các sự kiện lịch sử, tái
hiện chân thật bức tranh thời đại, với Nguyễn Xuân Khánh, đó không phải là mục
đích cứu cánh. Cái đích cuối cùng của nhà văn là truy tìm, giải mã những chân
lý có tính phổ quát, soi rọi quá khứ bằng cái nhìn và tinh thần hiện đại, từ đó
soi sáng và tìm ra những bài học cho hiện tại. Bằng nghệ thuật tái hiện sinh động
quá khứ, nhà văn trong Hồ Quý Ly đã vẽ nên bức tranh đẹp về Thăng Long ngàn năm
văn hiến, ở đó có những địa danh cổ nổi tiếng, những cảnh sinh hoạt dân dã, những
lễ hội dân gian truyền thống, những phong tục tập quán còn giữ vẻ đẹp nguyên thủy…
Đó là phần hồn nước, cái linh khí của đất trời được hội tụ, hòa quyện trong tâm
hồn mỗi con người Việt. Hơn thế nữa, với những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm
như cách tân hay bảo thủ, cách tân như thế nào, vai trò và cách hành xử của trí
thức trước thời cuộc, vấn đề đổi mới với quyền lực, đổi mới như thế nào để phù
hợp với thời thế, nhân tâm, số phận, bi kịch những cá nhân, cộng đồng trong cơn
cuồng nộ của lịch sử…, tác giả khiến người đọc hôm nay phải trăn trở, suy ngẫm,
nối kết quá khứ với thực tại tình hình đổi mới đất nước. Từ những nhận thức
sâu sắc về sức lan tỏa tiềm tàng của nguyên lý tín Mẫu trong đời sống văn hóa
Việt, Nguyễn Xuân Khánh trong Mẫu thượng ngàn đã làm một cuộc hành
trình thám hiểm, lý giải cội nguồn bản sắc văn hóa Việt qua tín ngưỡng thờ Mẫu
đậm chất bản địa. Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm này, đông đúc nhất và
cũng đẹp nhất, hay nhất, đậm nhất, mê nhất vẫn là những nhân vật nữ. Tác giả tô
đậm vẻ đẹp đó ở làn da và đôi vú, biểu tượng thiêng liêng cho
thiên chức tái tạo, sinh sôi và duy trì nòi giống. Vẻ đẹp tự nhiên phồn thực phồn
sinh ấy không chỉ mang lại sức cám dỗ, gợi tình mạnh mẽ mà còn ẩn chứa sức mạnh
có thể thức tỉnh, cảm hóa, cứu rỗi, thanh lọc tâm hồn con người trong cùng cộng
đồng và cả bên kia “chiến tuyến”. Bởi một chân lý vừa giản dị vừa linh thiêng
đã ăn sâu vào tâm thức Việt là “người đàn bà là Mẫu, là Mẹ. Người đàn bà là đất
xứ sở. Người đàn bà là văn hiến” [6, tr.806].
3. Phương thức thể hiện lịch sử và luận giải những vấn đề lịch
sử, văn hóa
3.1. Vấn đề cải cách, đổi mới
Chủ đề chính của Hồ Quý Ly được
Nguyễn Xuân Khánh khẳng định ngắn gọn là: “Vấn đề của tôi là giữa đổi mới và bảo
thủ chứ không phải là kể lại lịch sử”. Để hiện thực hóa chủ đề ấy, tác giả đã
tái hiện những sự kiện lịch sử để làm rõ tình thế phải đổi mới và đặc biệt xây
dựng hình tượng Hồ Quý Ly mang biểu tượng của khát vọng và bi kịch đổi mới. Là
con người nhạy cảm, mưu trí, Hồ Quý Ly đã nhìn rõ được tình thế buộc phải “thay
máu” nếu không muốn đất nước rơi vào sự suy thoái, sụp đổ hoàn toàn. Với ý chí
và khát khao đổi mới, ông đã mạnh dạn đề xuất những cải cách lớn và toàn diện về
mọi mặt từ chính trị, hành chính, pháp chế, an ninh - quốc phòng, đến kinh tế -
tài chính, xã hội, văn hóa, giáo dục… Nhưng nhà canh tân lại phải đối mặt với
những thách thức không nhỏ từ sự chống đối của phe bảo thủ, từ sự quay lưng của
kẻ sĩ, từ sự từ ngỡ ngàng dẫn đến thái độ ngoảnh mặt của người dân. Hồ Quý Ly
nhận ra rằng, muốn đạt được mục đích của mình cần phải nắm trong tay quyền lực
tối thượng để có thể “hô mưa gọi gió”. Từ đó, ông bị cuốn vào những âm mưu, thủ
đoạn chính trị, gạt phăng mọi lực cản để “thoán ngôi đoạt vị”, bất chấp lòng
người không quy thuận. Là con người mang bi kịch “bị lịch sử chọn”, Hồ Quý Ly ý
thức được rằng nếu sự nghiệp cải cách của ông thành công thì đất nước sẽ thoát
khỏi vực thẳm tối tăm, sẽ quay trở lại con đường hưng thịnh và ông sẽ được lịch
sử lưu lại tiếng thơm muôn đời, còn nếu thất bại, ông hiểu cái giá phải trả là
sự phán xét nghiệt ngã của lịch sử và lòng người. Thế nhưng, sự thất bại dẫn đến
bi kịch của ông là một điều tất yếu, khi mà để đạt được mục đích, nhà cải cách
đã không khước từ bất kỳ một thủ đoạn nào. Và quan trọng hơn, những cách tân của
ông quá quyết liệt và nóng vội, đi ngược với lợi ích của nhân dân, vì vậy, lòng
dân không ủng hộ. Nguyễn Xuân Khánh đã dũng cảm vượt qua rào cản của lịch sử và
kinh nghiệm cộng đồng, đặt lại những vấn đề vô cùng nóng bỏng của thời đại, làm
cuộc đối thoại về số phận cá nhân con người, từ đó đặt ra những bài học
thiết thực cho hiện tại.
3.2. Vấn đề hành xử trước những thời khắc,
bước ngoặt của lịch sử
Đứng trước những bước ngoặt của lịch sử,
những người can dự trực tiếp hay gián tiếp vào lịch sử sẽ hành xử như thế nào
cũng là một trong những vấn đề Nguyễn Xuân Khánh quan tâm luận giải trong tác
phẩm của mình. Con người ý thức được rằng: “Lịch sử là cái tồn tại, là tiến
trình liên tục của các thay đổi và nó trực tiếp can thiệp vào cuộc đời mỗi con
người” [3, tr.449]. Sự lựa chọn này không chỉ mang lại sự thành bại của chính họ
mà nhiều khi đem đến những hệ lụy lớn lao cho nhiều thế hệ. Đó cũng là cách mà
nhà văn đối thoại, luận bàn với lịch sử.
Đọc Hồ Quý Ly, chúng ta luôn có cảm
giác mỗi nhân vật luôn đứng trước những ngã rẽ của số phận. Họ buộc phải lựa chọn
con đường đi, dấn thân và chấp nhận trả giá cho sự lựa chọn ấy. Trước sự rối
ren, suy tàn của triều đại, cùng những ý chí tham vọng điên cuồng của Hồ Quý
Ly, nhiều tôn thất nhà Trần lựa chọn con đường thông đồng với giặc (Trần Nguyên
Diệu đầu hàng quân Chiêm, Trần Nguyên Uyên, Trần Nguyên Dận, Trần Nguyên Đĩnh,
Trần Tôn, Trần Khang (sau này trở thành vua bù nhìn Trần Thiêm Bình) chạy theo
quân Minh…). Họ đã phải trả cái giá quá đắt cho hành động bán nước của mình,
không chỉ bằng cái chết mà còn tiếng xấu muôn đời trong sử sách. Trước sự đảo
điên của thời “thiên túy”, một số trí thức, nhân cách lớn lại trốn chạy hiện thực,
lui về ở ẩn như Trần Nguyên Đán, Chu Văn An… hay đành nhắm mắt làm ngơ giả
câm giả điếc để che mắt kẻ thù địch (Trần Sư Hiền). Thượng tướng Trần Khát
Chân, một ngôi sao rực rỡ trên chính trường Đại Việt, xuất hiện trong hoàn cảnh
vừa vinh quang vừa khắc nghiệt của đất nước. Bị lịch sử chọn lựa để đứng đầu
phái tôn thất thủ cựu trong canh bài chính trị với phe canh tân, càng ngày ông
càng bị hút vào dòng xoáy của lịch sử với những ý nghĩ, toan tính, hành động
“không trùng khít với bản thân” (M. Bakhtin). Còn những kẻ sĩ chân chính như
Đoàn Xuân Lôi, Sử Văn Hoa, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy để giữ phẩm tiết, bảo
vệ sự thật và giữ gìn hồn cốt dân tộc.
Trong Mẫu thượng ngàn, mục đích của
Nguyễn Xuân Khánh không phải là tạo ra một tình thế lịch sử để nhân vật lựa chọn
mà ông muốn khám phá, giải mã chiều sâu cội nguồn bản sắc văn hóa Việt, cái làm
nên niềm tin, sức mạnh cho mỗi hành động trong con người. Tuy vậy, trong sự
giao tranh văn hóa Đông Tây, việc con người trở về với Đạo Mẫu, gắn kết với tín
ngưỡng, lễ hội dân gian cũng thể hiện một lối hành xử trong tâm linh nhằm giữ
gìn truyền thống lâu đời, khước từ và khẳng định sức sống bất diệt trước những
cuộc xâm lăng của văn hóa nước ngoài. Nếm trải những thất bại hàng loạt trong
các cuộc khởi nghĩa chống Pháp, cụ Tú Cao và cụ Đồ Tiết, đại diện lớp nhà Nho
xưa, đã nhận ra sự bất lực của chính thế hệ các ông, để rồi tìm về với đạo Mẫu
như một sự giải thoát. Bên cạnh đó, thấp thoáng trong tác phẩm, người đọc đã cảm
nhận được những lí tưởng sống qua việc lựa chọn con đường đi của nhiều
nhân vật (Trịnh Huyền, Tuấn, Huy…). Trong đó, Tuấn và Huy đại diện cho lớp trí
thức mới, trẻ trung, sống có hoài bão, đang dấn thân đeo đuổi những mục đích
cao cả. Tác phẩm khép lại bằng những cuộc ra đi và những cuộc trở về báo hiệu
cho sự đổi thay trong cuộc sống vốn chưa bao giờ bình lặng của người dân Cổ
Đình…
3.3. Truy tìm, giải mã cội nguồn bản sắc
văn hóa dân tộc Việt
Truy tìm, giải mã cội nguồn bản sắc văn
hóa Việt là một trong những điều suy tư, trăn trở của Nguyễn Xuân Khánh. Có thể
nói cảm thức và suy tư về tinh thần dân tộc, bản sắc văn hóa trực tiếp chi phối
khung diễn ngôn nghệ thuật của tác giả. Nói về vận nước, trong Hồ Quý Ly,
nhà văn đã luận giải con đường chính đạo qua suy nghĩ của Sử Văn Hoa: “… đức vua
Nhân Tôn chính là người đã điều hòa được âm dương, vì người có tầm nhìn rộng lớn.
Núi sông cũng có âm dương; một đất nước cũng có âm dương: Phật giáo và Nho
giáo” [7, tr.459]. Nếu Nho giáo là phần dương của núi sông thì Phật giáo là “phần
âm của hồn dân Việt”. Đó là “phần linh thiêng, phần chìm, phần lặng lẽ và thâm
thúy của núi sông” [7, tr.459]. Coi hồn nước là giá trị sâu thẳm, linh thiêng
trong tâm thức người dân Việt, Nguyễn Xuân Khánh luôn đi tìm ẩn số và luận giải
hằng số lịch sử - văn hóa tạo thành diễn ngôn về dân tộc - lịch sử - văn hóa
xuyên suốt trong tư duy nghệ thuật. Tư tưởng này tiếp tục được thi triển
trong Mẫu thượng ngàn. Khi đọc tác phẩm này, Nguyên Ngọc đã nhận xét: “Văn
hóa Việt, bản sắc văn hóa Việt là vấn đề, là câu hỏi đã được nêu ra và được
hàng trăm, nếu không nói hàng nghìn nhà nghiên cứu tìm cách lý giải từ rất lâu.
Nguyễn Xuân Khánh là nhà tiểu thuyết, anh cũng có câu trả lời của mình không phải
bằng lý lẽ uyên bác mà bằng một cuốn tiểu thuyết sinh động, Mẫu thượng
ngàn”.
Cùng với nỗ lực tìm kiếm và phục dựng
không gian tinh thần, Nguyễn Xuân Khánh đã tái hiện lại không gian văn hóa, tín
ngưỡng đặc sắc của người Việt như tín ngưỡng thờ cúng bách thần và tín ngưỡng
linh vật (Thần Cây và Thần Cẩu), các lễ hội dân gian, tín ngưỡng phồn thực…
Nhưng trên hết, Đạo Mẫu trong lòng tín ngưỡng sơ khai đẫm màu phồn thực phồn
sinh, vừa hồn hậu vừa màu nhiệm, mới là chiếc chìa khóa dẫn người đọc bước vào
thế giới huyền thoại của tác phẩm. Câu chuyện huyền thoại/ giải huyền thoại ông
Đùng bà Đà gắn với tín ngưỡng phồn thực có nguồn gốc lâu đời trong đời sống cộng
đồng người Việt xưa cũng đã được phục dựng hết sức sinh động và giàu ý nghĩa. Về
mặt chất liệu, huyền thoại về ông Đùng, bà Đà trong Mẫu thượng Ngàn chứa
đựng những lớp huyền thoại và các hành vi thế tục phản huyền thoại. Nhà văn đã
làm mới huyền thoại bằng cách thế tục hóa câu chuyện và giải thiêng các nhân vật
[1]. Lễ hội ông Đùng bà Đà là ngày vui hiếm có của người dân quanh năm cơ cực,
là nơi cố kết cộng đồng cùng sống lại ký ức về nhân vật huyền thoại, thực hiện
tín ngưỡng phồn thực trong niềm hân hoan tột cùng. Nó hấp dẫn người tham dự bởi
sự tự do và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Gắn với phần đạo là phần đời - tục
“trải ổ” được mọi người mong ngóng, chờ đợi. Sự cố kết làm nên sức mạnh của cộng
đồng chính là niềm tin sâu sắc về sự tồn tại, hiện hữu của Mẫu. Người dân Cổ
Đình từ trong tâm thức nhận thức cảm nhận được sức mạnh của Mẫu là một điều gì
đó vừa gần gũi vừa thiêng liêng: “Mẫu là hồn của đất. Mẫu là cơm gạo ta ăn, cho
hoa trái bốn mùa tươi tốt. Những bài hát văn đều ca tụng công ơn. Mẫu dạy chim
hót, dạy công múa quạt, dạy voi kép gỗ, dạy hùm thiêng canh giữ núi rừng, dạy
con người biết xót thương…” [7, tr.421]. Rõ ràng, Đạo Mẫu có một ý nghĩa vô
cùng quan trọng trong đời sống, tâm thức cộng đồng (“Đã là người ta, con ơi, ai
chẳng là con của Mẫu”). Đó sự an ủi, xoa dịu, sự cứu rỗi những số phận bất hạnh,
những cuộc đời nghiệt ngã của người đàn bà thôn quê (bà tổ cô, Mùi, bà ba Váy,
Nhụ, Hoa…). Chính sự thanh tẩy cao quý trong vòng tay của Mẫu khiến con người
trở nên tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn, mạnh mẽ hơn… Phải chăng, sự bao dung,
tình yêu thương, che chở của Mẫu trở thành sức mạnh trường tồn của văn hóa Việt?
3.4. Vấn đề thân phận và bi kịch con
người trong dòng chảy lịch sử
Milan Kundera, nhà tiểu thuyết Pháp gốc
Tiệp đã nêu lên sự khác biệt cơ bản giữa khoa học lịch sử và tiểu thuyết lịch sử
chính là những “sự cố” bên trong con người: “Khoa chép sử viết lại lịch sử của
xã hội, chứ không phải con người. Vì vậy, những sự kiện được nói đến trong các
tiểu thuyết của tôi thường bị khoa chép sử bỏ quên” [8, tr.45]. Trong tiểu thuyết,
lịch sử lúc này là sự ngưng tụ của chiều sâu nội tâm và số phận con người trong
dòng chảy của nó, hay nói như Vương Trí Nhàn, lịch sử mang một “gương mặt người”.
Tái hiện lại những năm tháng cuối cùng của
triều đại Trần, Nguyễn Xuân Khánh đã khám phá thân phận vương giả trong lẽ
thịnh suy của thời đại. Từ ông vua già Nghệ Tông đến ông vua trẻ Thuận Tông đều
là những kẻ “bị làm vua” và chịu chung số phận của quy luật lịch sử (Hồ Quý Ly).
Không có ý chí làm vua, song cha con ông không thể có sự lựa chọn nào khác, vì
lợi ích và sự tồn vong của triều đại. Đến lúc chết, hai cha con ông vẫn không
thôi day dứt: “Nhân từ ư? Thương dân ư? Những đức hạnh tốt đẹp đó hỏi trên đời
này có ông vua nào hơn được cha con ông? Thế mà tại sao, tại sao nước Đại Việt
này vẫn đói khát, loạn lạc? tại sao cơ đồ của tổ tiên ông vẫn ngả nghiêng?” [6,
tr.159].
Số phận người phụ nữ trong cơn bão tố
của thời cuộc cũng là vấn đề khiến Nguyễn Xuân Khánh trăn trở. Bi kịch của
họ không bao giờ đồng hành với vẻ đẹp đáng yêu, thánh thiện, trong trẻo, giàu đức
hi sinh, vị tha. Huy Ninh, Thánh Ngẫu, Quỳnh Hoa, Thanh Mai (Hồ Quý Ly), những
người phụ nữ với ước vọng bình yên trong tình yêu và hạnh phúc gia đình, nhưng
họ lại bị lôi vào vòng xoáy của những toan tính, âm mưu tranh giành quyền lực của
các phe phái. Thân phận của họ được ví như cánh chim mong manh trong cơn giông
bão của cuộc đời. Long đong, lận đận, những con người nhỏ bé này chỉ biết cách
tìm về với Mẫu để được xoa dịu bớt những nhọc nhằn, bất hạnh trong cuộc sống:
“chỉ có Mẫu mới an ủi được họ, mới giải tỏa cho họ khỏi những cay cực, những ẩn
ức của thế gian” [7, tr.696].
Ưu tư về thân phận người trí thức trong mối
xung đột của thời cuộc, Nguyễn Xuân Khánh trong tác phẩm của mình đã khắc họa
hình ảnh của những lớp người trí thức dám dấn thân cho lý tưởng, mục đích sống
của mình. Họ có thể là những kẻ sĩ như Đoàn Xuân Lôi, Sử Văn Hoa, Phạm Sinh, là
những nhà nho hết thời như cụ Đồ Tiết, ông Cử Khiêm, ông Phó bảng Vũ Xuân Huy,
cụ Tú Cao, hay những trí thức mới Tây học như Tuấn, Huy… Tất thảy họ bị cuốn
vào ván bài quyền lực nghiệt ngã mà phần thắng bao giờ cũng nằm trong tay kẻ có
sức mạnh, nắm quyền lực. Mặc dù chịu chung tấn bi kịch của số phận, nhưng họ
chính là những con người dũng cảm đã dám đặt cọc bằng máu cho con đường đi của
dân tộc sau này.
Khám phá, suy tư về số phận nhân dân,
Nguyễn Xuân Khánh trong tiểu thuyết của mình đã không quên số phận của những
đám đông nhỏ bé, vô danh trong sự xoay vần của lịch sử. Từ những người dân chốn
kinh thành trong những ngày gió lửa của chiến tranh, trong cơn bão tranh giành
quyền lực, đến những người dân trong làng Cổ Đình xa xôi, heo hút, đều bị cuốn
vào vòng xoáy khốc liệt của thời cuộc. Nói về sứ mệnh của nhà văn, Nguyễn Xuân
Khánh cho rằng: “Người làm văn chương phải có tài, nhạy cảm, biết rung động, biết
nói lên phần vô thức của dân tộc, chạm vào đúng sợi tơ đàn ẩn ngầm của từng số
phận con người và dân tộc mình”1. Lắng nghe từ những số phận ấy, nhà văn giúp
người đọc nhận ra gương mặt, tiếng nói của lịch sử. Gần gũi, bình dị nhưng mỗi
cuộc đời, mỗi số phận lại mang một chiều sâu của triết học nhân sinh - lịch sử
sâu sắc.
4. Thể nghiệm phương thức tư duy và tự sự lịch sử độc đáo, mới
lạ
Với Nguyễn Xuân Khánh, người đọc bắt gặp
sự phá cách, sáng tạo độc đáo ở phương diện tổ chức văn bản trần thuật. Nhà văn
đã không ngần ngại sử dụng đan xen người kể chuyện ngôi thứ ba và người kể chuyện
ngôi thứ nhất, cùng với việc tạo dựng nhiều điểm nhìn và sự dịch chuyển điểm
nhìn trần thuật trong sáng tác của mình. Dĩ nhiên, phương thức này không phải
là điều gì mới lạ trong tiểu thuyết lịch sử thế giới, nhưng ở Việt Nam lại rất
hiếm hoi. Trên thế giới, nhiều nhà văn tên tuổi đã sử dụng thành công loại hình
người kể chuyện này, như Sơn Táp (Nữ hoàng, Hoàng đế và giai nhân), Mạc Ngôn (Đàn
hương hình, Nobel văn chương 2012), Kertész Imre (Không số phận, Nobel văn
chương 2002), Orhan Pamuk (Tên tôi là Đỏ, Nobel văn chương 2006), Jonathan
Little (Những kẻ thiện tâm, Goncourt 2006)… Còn ở Việt Nam, theo thống kê của
chúng tôi trong số gần 200 tiểu thuyết lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XX đến
nay, số lượng tác phẩm sử dụng người kể chuyện ngôi thứ nhất chiếm tỷ lệ vô
cùng ít ỏi, ngoài Nguyễn Xuân Khánh, mới đây còn có Bùi Anh Tấn (Nguyễn Trãi,
phần 1: Oan khuất). Sự xuất hiện của Hồ Quý Ly và Mẫu thượng
ngàn như một sự thể nghiệm vô cùng độc đáo đem lại những hiệu quả thẩm
mỹ to lớn trong tư duy tự sự lịch sử của nhà văn.
Những thành tố tổ chức mô thức văn bản trần
thuật trong hai tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh cũng có nhiều sáng tạo và đổi
mới thú vị. Từ không gian trần thuật, nơi kết tinh của chiều sâu văn hóa tâm
linh và tâm tưởng đến sự xáo trộn, đan xen, đồng hiện nhiều loại thời gian đã
trở thành một phương thức chuyển tải linh hoạt và sâu sắc hiện thực bên ngoài
và sức nặng tư tưởng bên trong. Không chọn tái hiện thời gian theo trục tuyến
tính như nhiều nhà văn trước và cùng thời, bằng các thủ pháp xử lý thời gian
như hồi cố, dự thuật, thay đổi nhịp điệu trần thuật, tác giả đã tạo ra độ “vênh
lệch” giữa thời gian niên biểu và thời gian trần thuật trong truyện. Về mặt
ngôn ngữ, Nguyễn Xuân Khánh đã sáng tạo ra lớp ngôn ngữ mang mang đậm dấu ấn
văn hóa và hơi thở thời đại. Ở đó, có sự hài hòa giữa lớp ngôn ngữ cô đọng súc
tích, khách quan của lịch sử và lớp ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm của tiểu
thuyết. Đặc biệt, trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, ngôn ngữ giàu màu sắc
triết luận, đối thoại, có một ý nghĩa rất lớn trong cảm thức lịch sử của nhà
văn. Bên cạnh đó, nghệ thuật tổ chức kết cấu trần thuật cũng là một thể nghiệm
vô cùng mới lạ của nhà văn. Không sử dụng lối kết cấu truyền thống theo trật tự
thời gian tuyến tính biên niên sử và dấu mốc trong cuộc đời nhân vật, Nguyễn
Xuân Khánh đã thể nghiệm rất thành công nhiều lối kết cấu rất mới lạ, mang dấu ấn
sự tìm tòi và ý thức làm mới thể loại của cá nhân nhà văn với kết cấu theo
tâm lí nhân vật, kết cấu thể thủ vĩ ngâm (Hồ Quý Ly), theo trục đối xứng (Mẫu
thượng ngàn)…
5. Kết luận
Với những tìm tòi, thể nghiệm độc đáo tư
duy tự sự lịch sử trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Xuân Khánh đã mang đến món
ăn tinh thần thú vị cho người đọc. Từ cảm thức lịch sử đến việc lựa chọn và thể
hiện hiện thực lịch sử, ông đã cho thấy tài năng, bản lĩnh và sức sáng tạo
vô biên của mình. Làm mới những gì đã có bằng tài năng, tâm huyết, vốn sống,
cùng với sự nghiêm túc, cần mẫn, Nguyễn Xuân Khánh đã làm nên một cuộc cách tân
táo bạo trong thể loại tiểu thuyết lịch sử. Nếu Milan Kundera “Hiểu biết là đạo
đức duy nhất của tiểu thuyết” thì Nguyễn Xuân Khánh và tác phẩm của ông đã thực
hiện trọn vẹn và sâu sắc “lẽ sống duy nhất” đó của thể loại này.
Chú thích:
1. Trả lời phỏng vấn Báo Tuổi trẻ ngày 23-7-2006.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị An (2007), “Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian
trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn”, Nghiên cứu Văn học, (6),
tr.27-47, Hà Nội.
2. M.Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm
Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội.
3. Trương Đăng Dung (2008), “Tiểu thuyết lịch sử trong quan
niệm mỹ học của G.Lucacs” in trong Tuyển tập các bài viết về tiểu thuyết ở Việt
Nam thế kỷ XX, Nguyễn Văn Tùng biên soạn, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Đoàn Ánh Dương (2010), “Tự sự hậu thực dân: Lịch sử và huyền
thoại trong Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh”, Tạp chí Nghiên cứu Văn
học, (9), tr.107-121, Hà Nội.
5. Nguyễn Mộng Giác, Nam Dao (2002), “Thảo luận về tiểu thuyết
lịch sử”, Văn học Cali (197), Tạp chí Da Màu (2008).
6. Nguyễn Xuân Khánh (2006), Hồ Quý Ly, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
7. Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ,
Hà Nội.
8. M. Kundera (1998), Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu
thuyết và Những di chúc bị phản bội), Nguyên Ngọc dịch, Nxb Văn hóa Thông tin,
Hà Nội.
15/7/2020
Nguyễn Văn Hùng
Nguồn: Tạp chí Khoa học ĐHSP
TP.HCM, số 44, năm 2013
Theo https://thanhdiavietnamhoc.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét