Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

Những người đàn bà lừng danh trong lịch sử 3

Những người đàn bà 
lừng danh trong lịch sử 3

20.– JANE SEYMOUR, VỢ CỦA HENRY VIII
NGƯỜI VỢ HIỀN LÀNH NHẤT LẠI CHẾT SỚM

ANNE BOLEYN bị chặt đầu xong thì ngày hôm sau Henry VIII vội vàng cưới người vợ thứ ba, Jane Seymour. Lúc bấy giờ ông đã 42 tuổi, và không hề có một chút ân hận. Hơn nữa, nhà Vua cho rằng giết Anne Boleyn tức là rửa được vết nhơ của Ngai Vàng, tránh được cho Vua một hiểm họa lớn lao.
Bây giờ ông cần yên tĩnh, và chính Jane Seymour là người đàn bà thuần hậu và yên tĩnh ấy. Bà Hoàng hậu thứ ba này không đẹp, nét mặt lại khờ khạo, chẳng biết làm gì cả, nhưng được cái nhu mì, nhẫn lại, triệt để tuân theo ý Vua, cho nên Vua bằng lòng. Ngày 12.10.1537, Jane Seymour lại sinh cho Vua một đứa con trai mà Vua hằng mong ước, tên là Edouard. Mười năm sau, hoàng tử Edouard lên nối ngôi cha lấy hiên hiệu là Edouard VI, nhưng chỉ được 6 năm rồi chết vì bịnh ho lao.
Hoàng hậu Jane Seymour sinh con được 12 ngày thì từ trần, ngày 24.10.1537. Thế là người vợ thứ ba hiền lành nhất, chỉ ở với Vua được hơn một năm.
Henry VIII đau đớn vô cùng, vội vàng kiếm người vợ khác để an ủi cho cuộc đời bạc phước của mình.

21.– ANNE DE CLÈVE, VỢ CỦA HENRY VIII
NGƯỜI VỢ THỨ TƯ CŨNG BỊ "CHO VỀ VƯỜN" NỐT
HENRY VIII đã 42 tuổi. Cả Âu-châu đã đồn đãi ông là một ông Vua “sát thê”. Ba Hoàng hậu: một bà bỏ trốn, một bà bị chặt đầu, một bà chết yểu. Ông quyết định lập lại gia đình và chọn một người vợ thật vừa ý. Nghe Đại Sứ ở Ý báo cáo rằng công chúa Christine de Milan đẹp lắm và ngoan lắm, Vua phái người đến cầu hôn. Nhưng công chúa trả lời: “Nếu tôi có hai cái đầu, thì tôi xin sẵn sàng dâng lên Vua Henry VIII một cái”. Nàng công chúa tỏ ý sợ qua làm Hoàng hậu nước Anh sẽ bị Vua Henry VIII chặt đầu như Anne Boleyn, nên công chúa vội vàng thối thác.
Thủ tướng Thomas Cromwell đề nghị một người đàn bà khác: ANNE DE CLÈVE, em gái của quận công de Clève, nước Đức, là người có uy tín rất lớn đối với tình hình nội trị của Đức quốc.
Nghe Thomas Cromwell khen Anne de Clève là một giai nhân tuyệt diễm, Vua Henry VIII phái họa sĩ Holbein sang Đức để vẽ chân dung của nàng đem về cho Vua xem. Sự thật Anne de Clève là một người nhan sắc rất tầm thường, vô duyên, mặt mũi xấu xí, tay chân cục mịch. Đôi mắt hí, nước da tái mét, mặt rỗ, mũi kỳ lân, điệu bộ như đàn ông, cử chỉ thô kệch như một kẻ tôi tớ. Nhưng họa sĩ Holbein ăn tiền hối lộ, vẽ dung nhan của công nương de Clève như một mỹ nhân yêu kiều khả ái.
Vua Henry VIII xem hình vẽ, hoàn toàn ưng thuận. Lập tức nhà Vua sai sứ sang Đức để rước vị hôn thê.
Anne de Clève sang Anh, được vị Hồng y giáo chủ của giáo phái Anh quốc là Cramner, đại diện Anh hoàng, cùng với năm vị Giám mục, ra bến tầu để chào đón Tân Hoàng hậu, một buổi chiều tháng Giêng năm 1540.
Nhưng than ôi, đến khi Anne de Clève được đưa về cung điện để diện kiến cùng Vua, thì Henry VIII cau mày, thất vọng. Vị hôn-thê xấu quá, chẳng giống một tí nào với bức vẽ của họa sĩ Holbein. Nhà Vua tỏ vẻ bất bình và khinh ghét. Vua tức giận bảo với Thủ tướng Thomas Cromwell: “Cù lần lắm! Cô nương cù lần lắm! Người ta lừa gạt trẫm, trẫm không lấy cái con quỷ ấy đâu!”
Thủ tướng Cromwell muốn tìm cách bênh vực Anne de Clève, nhưng Henry VIII nhăn mặt bảo:
- Các người phỉnh gạt trẫm. Không đời nào Trẫm chịu lấy con ngựa cái của nước Đức ấy đâu.
Vua bỏ đi. Lúc Anne de Clève chưa đến và Vua còn chờ đợi nàng, thì Vua có để sẵn một chiếc áo măng-tô đắt giá bằng zibeline định để tặng Tân Hoàng hậu. Nhưng khi Vua thấy mặt Anne de Clève rồi, Vua bỏ đi, và đem cất luôn chiếc áo măng tô, không cho cô nàng nữa.
Sự từ chối của Anh-Hoàng không cưới Anne de Clève sau khi đã ưng thuận rước nàng về Anh quốc là một hành động xấc xược và vụng về, có thể gây ra nhiều rắc rối ngoại giao giữa nước Anh và các nước Âu châu theo giáo phái Luther.
Vua Henry VIII đành phải nghe lời Thủ tướng Thomas Cromwell, tuy trong lòng ông rất tức giận Thủ tướng là người đã mưu mô đề cử Anne de Clève làm Tân Hoàng hậu.
Hôn lễ được Vua chấp thuận và cử hành ba ngày sau khi Anne de Clève đến London, nhưng Vua ra lệnh làm đám cưới rất sơ sài, cấm tất cả các cuộc liên hoan, bãi bỏ mọi sự đón rước linh đình, và không cho chuông nhà thờ reo báo tin mừng.
5 tháng sau, Vua ly dị với Anne, cho nàng một số tiền và hai lâu đài ở Richmod, bắt nàng đến trú ẩn nơi ấy.
Còn Thủ tướng Cromwell, thì Vua truyền lệnh bắt giam trong tháp London vì tội phản bội, bị xử chặt đầu ngày 28 tháng 7 năm 1540.

22.– CATHERINE HOWARD, VỢ CỦA HENRY VIII
MỘT HOA HỒNG KHÔNG GAI
Vua ra lệnh xử chém Thủ tướng Cromwell ngày 28.7.1540, và ngay hôm ấy Vua cưới luôn cô vợ thứ năm: Catherine Howard, 18 tuổi, sau khi mời Hoàng hậu Anne de Clève, nàng Công-Chúa Đức bạc phước vô duyên, phải đi xa thủ đô Anh không bao giờ trở lại.
Catherine Howard đẹp hơn Anne de Clève, thùy mị và duyên dáng hơn, ngây thơ, dịu hiền, tính nết không chê vào đâu được. Nàng là trưởng nữ một gia đình thế phiệt có uy tín và thế lực trong Triều đình và được tuyển chọn vào Cung để hầu Hoàng hậu Anne de Clève. Lần đầu tiên Vua Henry VIII trông thấy Catherine trong một dạ hội, nhà Vua mê ngay và đêm ấy Catherine cũng ngoan ngoãn tuân theo mệnh lệnh của Vua, rất dễ dàng, không chống cự. Sự thật Catherine không có tham vọng làm Hoàng hậu. Được vinh hạnh làm tình nhân của Vua, nàng cũng đã sung sướng rồi. Nhưng sau một đêm đắm đuối bên hương vị ngào ngạt của cô gái đương tơ, nhà Vua đã say mê nàng, và nhất định tôn nàng lên ngôi Hoàng hậu. Vua đê mê khẽ bảo với quần thần: “Nàng là một hoa hồng không có gai”.
Sau đêm ấy, Vua tống cổ Hoàng hậu Anne de Clève, người con gái xấu xí đã làm cho Vua thất vọng, và đem chặt đầu Thủ tướng Cromwell, người đã lừa gạt Vua, rồi làm lễ thành hôn với Catherine.
Lúc bấy giờ, tóc Vua đã bạc, bụng Vua đã phệ, chân Vua bị ung thư, Vua quyết định Catherine sẽ là người vợ cuối cùng và chắc rằng Hoàng hậu thứ năm sẽ là người bạn lòng yêu quí nhất của Vua trong những ngày tàn tạ.
Nhưng dân chúng Anh đã gọi Henry VIII là “Râu Xanh” theo một truyện tích thuở xưa của Pháp như sau đây. Có một hung-chúa đã chặt cổ liên tiếp sáu người vợ sau khi đã thỏa mãn dục tình với mỗi người. Người ta gọi tên chàng là Râu Xanh (Barbe-Bleue) vì chàng có một bộ râu xanh, và mặt chàng hung ác ghê tởm. Cắt cổ xong sáu người vợ, chàng treo sáu xác chết còn đẫm máu trong một căn buồng kín trong lâu đài của chàng. Đến người vợ thứ bảy, sau khi thoả mãn dục tình, chàng trao cho nàng chìa khóa căn buồng và bảo: “Tao cấm mầy không được mở cửa căn buồng bí mật của tao. Nếu mầy mở tao sẽ giết mầy.” Xong rồi chàng đi vào rừng. Chàng vừa ra khỏi nhà, thì người vợ lấy chìa khóa mở cửa buồng xem có gì ở trong. Vừa trông thấy sáu xác chết đàn bà treo lủng lẳng đầy máu và không có đầu, nàng kinh hoảng đánh rơi chìa khóa xuống một vũng máu và té xỉu. Nàng vội vàng ngồi dậy chạy ra ngoài và khóa cửa buồng lại, nhưng máu dính vào chìa khóa nàng rửa mãi không sạch. Nàng biết thế nào cũng sẽ bị chúa Râu Xanh giết, liền bảo cô em gái của nàng là Anne leo lên cái tháp cao ngó xuống cánh đồng mênh mông xem hai người anh của nàng đã đến hay chưa. Vì nàng biết hôm ấy hai người anh của nàng, hai chàng kỵ mã làm Ngự lâm pháo thủ, sẽ đến thăm nàng. Nhưng Anne đứng trên tháp cao nhìn tứ phía chẳng thấy bóng hai người anh đến. Chốc chốc nàng hỏi: “Anne ơi, em ơi, em không thấy có gì đến ư ?” thì Anne đáp: “Em chỉ thấy nắng bụi mịt mù và cỏ xanh um”. Chàng Râu Xanh chợt về, thấy chìa khóa dính máu liền hăm he giết vợ. Nhưng cùng lúc ấy hai người anh của nàng cũng phi ngựa đến nơi. Chàng Râu Xanh cầm gươm đang sắp chặt cổ vợ thì hai chàng kỵ mã nhảy xổ tới chém đầu hung chúa...
Ấy là chuyện cổ tích Pháp. Dân chúng Anh gọi Vua Henry VIII của họ là “Râu Xanh” kể cũng không oan. Vì ông đã chặt đầu một người vợ, hai người bị đuổi đi, một người chết yểu, rồi đến người vợ thứ năm, Catherine Howard, cũng sẽ bị chặt đầu, sau 15 tháng sống chung tràn trề hạnh phúc. Trong tuần trăng mật ngắn ngủi ấy, nhà Vua cưng Catherine hơn hết những cô vợ trước. Có nàng, Vua tự thấy trẻ lại, và đêm ngày truy hoan trong cuộc tình duyên đắm say thơ mộng. Cho đến đỗi nhà Vua bỏ bê cả việc nước, không thèm đoái nhìn tới mặc dầu trong lúc ấy Charles Quint, Hoàng đế Đức và François I, Vua nước Pháp, đang tranh giành nhau làm bá chủ Âu châu. Tân Hoàng hậu nước Anh được Vua đưa đi thăm các tỉnh miền Bắc, với một đoàn tùy tùng trên bốn ngàn người, có cả bộ binh và pháo binh. Vì yêu mê Catherine, Henry VIII muốn nàng được tôn trọng đặc biệt và tất cả các cuộc đón rước Vua và Hoàng hậu đều được tổ chức tưng bừng trọng thể.
15 tháng! Vâng, tất cả giấc mộng huy hoàng ấy chỉ kéo dài được 15 tháng thôi. Bỗng một hôm, một kẻ nịnh thần thù ghét Catherine tâu với Vua rằng Catherine trước kia chỉ là một cô gái lăng loàn, thường chung chạ với nhiều bọn trai, và nhất là với người anh họ, Tom Culpeper, hiện làm quan cận vệ của Vua.
Giám-mục Thiên chúa giáo của Giáo-Hội Anh quốc là Cramner, được phe thù địch ganh ghét Catherine trao cho nhiệm vụ tố cáo các “tội ác” của Catherine: nào là lúc 16 tuổi nàng đã “mèo chuột” với một nhạc sư tên là Manox, nào là Catherine có bùa yêu làm mê hoặc nhà Vua, nàng là một con mẹ phù thủy ghê tởm. v.v...
Nghe những lời buộc tội nặng nề với những “bằng chứng” phần nhiều, là bịa đặt, hoặc thêu dệt, Vua Henry VIII nổi giận đùng đùng la hét lên: “Thế thì nó là con chó! Con chó cái đi kiếm đực! Trẫm sẽ tự tay trẫm chặt cổ nó. Trầm truyền lịnh hãy bắt con đĩ ấy với tất cả mấy thằng tình của nó, đem ra tra tấn cực kỳ nghiêm khắc, rồi báo tin cho trẫm biết.”
Henry VIII chỉ vì mù quáng nghe lời những nịnh thần và những kẻ vì quyền lợi cá nhân, bè đảng, mà tố cáo Catherine, cũng vì ghen vô cớ với cô vợ trẻ đẹp, mà ra lệnh cho toà án kết nàng vào tội tử hình.
Catherine Howard, Hoàng hậu Anh quốc, vợ thứ năm của Anh hoàng Henry VIII, bị lên đoạn đầu đài sau một phiên tòa theo lịnh Vua. Nàng vừa đặt đầu lên miếng gỗ thì một lão đao-thủ-phủ mặc quần áo đỏ cầm đao chặt xuống một lát, đầu nàng bay xuống đất, máu tóe lên trời.
Nàng chưa được 20 tuổi.

23.– CATHERINE PARR, VỢ CỦA HENRY VIII
NÀNG LẠI SUÝT BỊ CHẾT CHÉM...
Đôi mắt to, cái mũi to, lông mày rậm, bà Hoàng hậu thứ sáu đã góa một chồng lúc 16 tuổi, đến 30 tuổi lại góa một lần thứ hai.
Năm 1533, bà tái giá với Henry VIII. Lần này, nhà Vua đã chán ngán về cái tiếng đồn “Râu Xanh” của toàn dân gán cho ông, ông nhất định sống yên ổn để dưỡng tuổi già với bà vợ cuối cùng. Bà nầy hết sức chiều chuộng Vua, và dĩ vãng, cũng như hiện tại, không tố cáo nàng một tội ác nào được. Nhà Vua cũng hoàn toàn thỏa mãn với người vợ lớn tuổi đã có nhiều kinh nghiệm.
Bỗng một hôm, trong một cuộc đàm luận về tôn giáo, nhà Vua nói về Thánh Thể của Chúa thì Catherine mỉm cười, tỏ ý không tin. Tức thì, hôm sau, có kẻ đâm thọc với Vua,: “Hoàng hậu phải là một kẻ tà đạo mới có ý chống báng giáo điều của Chúa”.
Henry VIII ngẫm nghĩ gật đầu: “Ừ, tà đạo... tà đạo... phải bắt giam Hoàng hậu để tra tấn... rồi chặt đầu...”
Nhưng Catherine Paar khóc lóc quỳ xuống van lơn Vua: “Thần thiếp chỉ muốn học hỏi nơi triết lý cao siêu của Hoàng thượng...”
Lúc bấy giờ nhà Vua đã ốm yếu, bị bại, không đi được, rồi một đêm, gần 1 giờ sáng, gương mặt Vua bỗng đổi ra màu tím bầm. Vua trợn mắt, trào máu miệng, chết không trối được một lời.

24.– SISSI, Nữ hoàng Áo Quốc
Chắc đa số bạn đọc, nhất là bạn trẻ, đều có xem phim Sissi mà vai công chúa, do Romy Schneider đóng, đã làm cho các bạn say mê suốt mấy tiếng đồng hồ.
Sissi chính là tên của Hoàng hậu Elisabeth d'Autriche, nổi tiếng trong Lịch sử, một giai nhân Tây phương mà đời sống cho đến cái chết, do một định mệnh lạ lùng sắp đặt từ thuở bé. Danh từ “Hoàng hậu của Cô Đơn” (L'Impératrice de la Solitude) mà nhà văn Maurice Barrès đặt cho bà, có thể gồm cả ý nghĩa chua chát, bi thương của một số kiếp tài hoa đáng lẽ được rất nhiều hạnh phúc, mà chỉ toàn là đau khổ âm thầm.
Con gái út trong gia đình có ba trào gái của Cựu Vương Maximilien I và nữ Quận chúa Ludowika, xứ Bavière, nước Đức, công chúa Sissi ra đời năm 1837, đúng vào đêm Noel, cùng một giờ với Chúa Giáng sinh. Nàng đẹp như một nàng tiên giáng thế.
Lúc bé, tính tình của Sissi đã giống hệt cha, Vua Maximilien, một tâm hồn nghệ sĩ, một hiệp khách hào hoa phong nhã, rất ưa thơ mộng, hơn là một ông Vua trị quốc. Ông thích làm thơ, đánh nhạc, và có mở một tao đàn gồm 14 chàng nhạc sĩ, cả ngày họa đờn, ngâm thơ. Ông rất ham mê du lịch, khi thì sang Ai Cập để xem Kim tự tháp của Vua Chéop, khi thì đi Ý, đi Thụy sĩ, đi Syrie, Tiểu Á Tế Á. Mỗi lần du lịch về, ông tả cho công chúa nghe những thắng cảnh hùng tráng, kể cho nàng nghe những sự tích huyền ảo mê ly...
Công chúa Sissi say sưa nghe cha kể chuyện, và hồn thơ nẩy nở, rạt rào, ngay từ lúc hãy còn là một cô bé ngây thơ. Năm 1852, Sissi mới 15 tuổi, đã yêu một bá tước cũng hay thơ... thẩn như nàng. Tình yêu mới chớm nở, thì người yêu bị chết tình lình. Sissi làm bài thơ sau đây mà nàng cẩn thận chép trong nhật ký:
Ô vous, sombres yeux!
Je vous ai tant contemplés      
Que votre image dorénavant
Ne sortira plus de mon coeur.
Jeune et frais amour
Resplendissant comme le mois de Mai!
L’automne est venu
Et tout est déjà fini!
(Than ôi, đôi mắt đầy bóng tối!
ta đã nhìn ngươi biết bao nhiêu lần.
Từ nay cầu xin hình ảnh của ngươi
không rời trái tim ta nữa.
Tình yêu tuổi trẻ thắm tươi,
rực rỡ như trời tháng Năm
Mùa thu đã đến,
tất cả đã hết rồi!)
Cô công chúa 15 tuổi đã khóc mùa thu, đã khóc tình yêu chết yểu trong mùa Thu! Nghe vang lên tiếng chuông nhà Thờ tiễn hồn người bạc mệnh, làm xáo động hồn thơ, công chúa ghi những cảm xúc ấy trên trang giấy học trò:
La sort est en jeté
Richard, hélas, n’est plus!
Le glas sonne, seigneur!
Seigneur! Ayez pitié de moi!
(Thôi số kiếp đành phải thế,
Richard anh ơi! từ nay anh không còn
Tiếng chuông vĩnh biệt rền vang! Chúa ơi!
Chúa ơi! Xin Chúa thương con!)
Trong lúc nhớ nhung, Sissi lại làm thơ, chép vào nhật ký:
J’ai trop longtemps fixé
Mon regard sur ton visage
Et me voici toute éblouie
Par le rayonnement de ta beauté!
Quand le premier rayon de soleil!
Me salue au matin,
Je lui demande toujours
S’il vient de t’embrasser?
Et chaque nuit je prie
Le clair de lune d’or
De te dire en secret
Que je t’aime…
(Đã lâu lắm, từ muôn thuở,
Em nhìn mãi gương mặt anh,
Đến đỗi bây giờ em đẹp rực rỡ,
Nhờ hào quang diễm tuyệt của anh.
Lúc tia nắng mới hừng,
Chào em buổi mai sớm,
Thì em hỏi âu yếm:
Phải ánh nắng vừa mới hôn anh?
Và mỗi đêm em vẫn nhắn.
Ánh trăng tỏ vàng,
Bảo thầm với anh,
Rằng em yêu anh…
Tôi nói thật, tôi chưa được đọc của một cô em nào 15 tuổi mà có giọng thơ thành thực hồn nhiên và cảm động như thế.
Thế rồi một buổi chiều mùa xuân năm 1854 mọi người đều rộn rịp… quấn quít chung quanh Néné, tức công chúa Hélène, cô gái lớn nhất trong gia đình. Vừa được tin của một vị tướng quan của Triều đình Vienne thân thuộc với gia đình, cho biết: Hoàng đế xứ Autriche, François Joseph, 24 tuổi, muốn cưới công chúa Hélène, tôn làm Hoàng hậu. Đồng thời, một vị quan hầu cận của Hoàng đế phi ngựa đến trao bức thư của Hoàng đế báo tin ngày hôm sau Ngài sẽ đến lâu đài Possenhofen của Maximilien để thăm Cựu-Vương và quận chúa Ludowika, và làm lễ đính hôn với công chúa Hélène.
Được tin, cả nhà vui mừng rộn rịp, đặt mọi nghi lễ để ngày mai đón tiếp vị Hoàng đế trẻ tuổi. Sissi, cô gái út, nữ thi sĩ mơ mộng và tinh nghịch nhất nhà, cứ theo trêu ghẹo người chị cả sắp lên ngôi Hoàng hậu. Công chúa Hélène, đôi má đỏ bừng, sung sướng quá không nói gì được, chỉ hôn lên mái tóc óng ánh vàng gợn sóng của cô em gái chưa đầy 17 tuổi.
Quận chúa Ludowika, mẹ hiền lành âu yếm, lo tập cho Hélène cách thức quỳ gối làm lễ chào Hoàng đế như thế nào, nói với Hoàng đế như thế nào, cho đúng nghi lễ Triều đình. Bà sửa soạn lại đầu tóc của công chúa và gọi thợ may danh tiếng nhất ở Bavière đến may gấp trong đêm ấy một chiếc áo đẹp nhất, để sáng hôm sau Hélène mặc đón vị “Hoàng tử đẹp trai”.
Nên biết rằng Hoàng đế François Joseph và Hélène là hai anh em bạn dì, mẹ của Hoàng đế và mẹ Hélène là chị em ruột. Nhưng François Joseph đã xin với Đức Giáo Hoàng La Mã cho phép cuộc hôn nhân trái luật ấy.
Sáng hôm sau, lâu đài Possenhofen kết hoa kết lá tưng bừng náo nhiệt, kẻ hầu người hạ ra vô tấp nập. Mọi người hồi hộp chờ Hoàng đế.
10 giờ, công chúa Hélène còn đứng soi gương, đánh lại tí phấn trên đôi má hồng đào, thì nghe tiếng vó ngựa rộn rịp nhịp nhàng mỗi lúc mỗi gần Possenhofen. Vị Hoàng đế trẻ tuổi, đi xe tứ mã, có một đoàn lính kỵ mã chạy theo hộ vệ… Nhưng thay vì chạy thẳng vào sân, xe của Hoàng đế ngừng nơi cổng. Có lẽ thấy cảnh vườn rộng lớn, xinh đẹp, cỏ cây đầy bóng mát, hoa nở muôn màu như một bồng lai tiên cảnh, Hoàng đế đi một mình dạo chơi xem vườn, chưa vào lâu đài vội.
Tôn trọng sở thích bất ngờ của vị Hoàng đế trẻ tuổi, Cựu-Vương Maximilien và quận chúa Ludowika vẫn đứng chờ trước bao lơn, không muốn quấy rầy vị chàng rể oai nghi… mơ mộng…
Ngài bước chậm rãi, ngó say mê hai con bạch nga bơi yểu điệu, duyên dáng trên mặt nước hồ xanh… Bỗng Ngài trông thấy một thiếu nữ mặc toàn trắng, đẹp rực rỡ, đôi mắt xanh đầy ánh sáng, tóc vàng óng ánh chảy xuống đến hai bên vai, nhởn nhơ với gió…
Ai đấy nhỉ?
Không phải công chúa Hélène, vì Hoàng đế đã biết mặt Hélène, nàng cao lớn hơn, và 22 tuổi.
Thiếu nữ thần tiên đi trên cỏ xanh, chỉ mới độ 15, 16 tuổi, có hai con chó bergers đủng đỉnh đi cạnh nàng. Bỗng nàng chạy đến bá ngay cổ Hoàng đế, và cười dòn tan. Với giọng nói tinh nghịch và trong như pha lê, nàng bảo:
- Chào Hoàng đế! Chị Hélène của em đang chờ anh trong phòng!
François Joseph bật cười. Ngài đổi ý kiến ngay tức thì, nở nụ cười say mê, nhìn Sissi:
- Không! Anh sẽ cưới em. Hoàng hậu sẽ là em!
Rồi Hoàng đế nắm tay Sissi đi vào trước mặt Cựu-Vương Maximilien và quận chúa Ludowika, khẽ nghiêng đầu bảo:
- Trẫm xin làm lễ đính hôn với công chúa Sissi.
Mọi người đều trố mắt ngạc nhiên. Nhưng Hoàng đế muốn, là Trời muốn.
Ngày 4.3-1854 hợp đồng giá thú được ký giữa Hoàng đế François Joseph 24 tuổi, và Công chúa Sissi, 17 tuổi.
Ngày 20-4, trước khi từ giã lâu đài Possenhofen để đi kinh đô Vienne thành hôn với François Joseph, Sissi viết trong nhật ký 6 câu thơ:
Adieu, demeure sillencieuse!
Adieu, vieux château,
Et mes premiers rêves d’amour!
Vous saluerez encore la mois de Mai
Mais aujourd’hui je vous dis adieu, chérie,
Je vais être si loin de vous!
(Vĩnh biệt, ngôi nhà yên tĩnh.
Vĩnh biệt, lâu đài xưa,
Và những giấc mơ ái tình đầu tiên của ta!
Các người sẽ còn chào tháng Năm
Nhưng nay ta chào các ngươi,
Ta sắp ra đi xa lắc xa lơ!)
Công chúa đi xe lục mã với đông đủ các chị em của nàng, cả cô Hélène, người chị này đáng lẽ được gả cho Hoàng đế. Hélène vẫn vui vẻ khuyên bảo em nên chiều chuộng Hoàng đế và trung thành với tình yêu của Hoàng đế.
Đến Munich, một đám đông dân chúng đón chào Hoàng hậu tương lai của xứ Autriche. Một chàng thi sĩ dâng tặng nàng hai câu thơ:
Rose de Bavière à peine éclose
Nous vous saluons sur les rives du Danube!
(Hỡi Hoa Hồng của đất Bavière vừa mới nở,
Chúng tôi chào Hoa trên bờ sông Danube!)
Nàng đến đâu cũng được toàn dân chúng đón chào bằng những tiếng “Hoan hô Elisabeth! Hoan hô Elisabeth!”
Đến lâu đài Schoenbrun, một bà mạng phụ của Triều đình dâng lên nàng một tấm chương trình được in rất đẹp, bằng tiếng Đức:
“Zeremoniel be idem offentlichen Einzug ihrer koniglichen Hoheit, der durchlauchtigsten Prinzessin Elisabeth”. (Nghi lễ chính thức đón tiếp Công chúa Elisabeth tại Vienne)
Ngày 24-4-1854, lúc 7 giờ tối, tại nhà Thờ Augustins, Công chúa Elisabeth làm lễ thành hôn với Hoàng đế François Joseph.
Đức Hồng-Y Giáo-chủ Rauscheri đọc mấy lời khen ngợi:
“Từ hồ Constance đến biên giới Siebenburger, 38 triệu thần dân Autriche đặt hoàn toàn tin tưởng nơi Hoàng đế François Joseph và Hoàng hậu Elisabeth, và thân kính chào hai Ngài. Cầu chúc hai Ngài hoàn toàn trìu mến nhau như một đôi tình nhân trốn trên một hòn đảo giữa những bão tố, một hòn đảo mọc đầy Hoa Hồng và Hoa Tím…”
Hôn lễ cử hành xong, 21 tiếng súng đại bác nổ rền trời, mở màn cho các cuộc liên hoan chào mừng Hoàng hậu Sissi. Trở về Schoenbrun, Hoàng hậu và Hoàng đế ra đứng trên bao lơn hàng giờ để chào, dân chúng nhiệt liệt hoan hô hai người.
Sau bữa tiệc rất long trọng dùng toàn đĩa muỗng bằng vàng y, Hoàng đế và Hoàng hậu lên tọa vị trên Ngai để tiếp nhận những lời chúc mừng nồng nhiệt của các Hoàng thân, Công chúa, các quan Đại thần, của Ngoại giao đoàn, và của các phái đoàn dân chúng.
Một giờ khuya, các nghi lễ đã xong, quan khách ra về. Mười hai tên lính cận vệ cầm những cây đèn nến to tướng, tiễn đưa Hoàng hậu Elisabeth về Loan phòng với Hoàng đế.
Bỗng giữa đêm tân hôn tưng bừng xinh đẹp ấy, một trận giông tố ào ào nổi dậy làm sụp đổ bao nhiêu nhà cửa, tung bay các mái ngói, đổ gẫy các cây cối, để thành phố bị tàn phá tơi bời.
Câu chuyện thần tiên của cô Công chúa Noel mới bắt đầu đến đây đã gần như chấm dứt!
Công chúa Sissi lúc 17 tuổi đã có tâm hồn nghệ sĩ, do truyền thống của cha, đến khi làm Hoàng Hậu Elisabeth của Autriche, cũng không bỏ được cái nghiệp chướng phiêu lưu thơ mộng. Chả thế mà Hoàng hậu bảo khắc hình con chim Hải Âu (La Mouette d’Ocean) trên con dấu của bà, để tượng trưng cho cuộc đời của bà phiêu linh đây đó, thích bay cao, xa đất gần mây, ưa hòa mình trong bão táp!
Ở Triều đình Vienne, bà đã tỏ ra một tâm hồn độc lập, luôn luôn muốn thoát ly ra khỏi khuôn khổ tầm thường như một con chim bị nhốt trong lồng vàng cứ muốn tung lồng bay ra mà chỉ đập cánh vào song.
Đã thế, nàng lại còn bị một bà mẹ chồng khủng khiếp, bà nữ Quận chúa Sophie, luôn luôn rất khắc nghiệt đối với các nghi lễ Triều đình. Hoàng hậu Elisabeth, với tính dễ dãi, với tâm hồn thơ mộng, cứ bị bà rầy la mãi, và bị những lời đàm tiếu, phê phán có ác ý, của phần đông các bà mạng phụ, phu nhân. Nhưng nàng bất chấp.
Một hôm có đại tiệc trong Hoàng cung, Elisabeth chủ tọa. Nàng cởi phăng đôi găng ra để ăn thong thả. Toàn thể quan khách đều vô cùng ngạc nhiên. Ngay lúc đó, bà mẹ chồng, nữ Quận chúa Sophie, truyền lịnh cho một nữ tỳ đến tâu khẽ với Hoàng hậu rằng theo phép xã giao thông thường cũng như nghi lễ bắt buộc ở Triều đình thì Hoàng hậu phải luôn luôn mang găng suốt trong các bữa đại tiệc. Tức thì Elisabeth trả lời: “Ta không mang găng, và cái thông lệ đó từ nay sẽ bỏ”. Bà mẹ chồng hết sức tức giận nhưng không làm gì được.
Hoàng hậu thường đi dạo phố buôn bán đông đúc của kinh đô Vienne một mình với một nữ tỳ. Một hôm nàng mua đồ lặt vặt trong một tiệm buôn ở đường Karterstrasse, một đường phố bình dân nhất. Dân chúng bu lại đông nghẹt để xem và hoan hô nàng. Cảnh sát làm phúc trình. Bà mẹ chồng biết được, rầy nàng một cách mỉa mai:
- Hoàng hậu ở kinh đô Vienne mà cũng tưởng như ở miền núi quê mùa của Hoàng hậu hay sao?
Elisabeth đáp lại liền:
- Thưa Quận chúa, đâu cũng là đất nước của Autriche, và cũng là nhân dân của xứ Autriche.
Nàng rất thương dân nghèo. Nàng thường đi viếng các viện mồ côi, các bệnh viện, không sợ các bịnh truyền nhiễm, các nhà thương điên. Nàng rửa chân cho các bà già nghèo khổ.
Một dịp năm mới, nàng xin Hoàng đế một cuộc phóng thích lớn lao các tù nhân. Hoàng đế và mẹ phản đổi. Nàng phải khóc lóc và dùng hết lý lẽ để yêu cầu Hoàng đế một cuộc đại ân xá phạm nhân. Sau cùng bởi cảm kích lòng yêu nước yêu dân và tình bác ái, nhân đạo của nàng nên Hoàng đế phải nghe theo nàng, ký sắc lệnh tha hàng nghìn tội nhân.
Sau khi sanh được hai gái, hai Công chúa kiều diễm, bốn năm sau hôn lễ ngày 21-8-1858. Elisabeth mới sanh một Hoàng nam đặt tên là Rodolphe.
Sinh cậu con trai này rất khó khăn, Elisabeth suýt chết. Không ngờ Hoàng tử Rodolphe sau này khi lớn lên, sẽ tự tử với người yêu Vetsara, gây ra thảm kịch Mayerling mà các nhà sử sách thường nhắc đến.
Nhờ bác sĩ giỏi cứu mạng sau khi sinh Rodolphe, Elisabeth muốn thoát ly triều đình, liền xin phép Hoàng đế được đi du lịch các nơi. Sự thật, nàng muốn đi xa để thỏa mãn tính ưa phiêu lưu của nàng, và nhất là để tránh xa bà mẹ chồng quá khắc khổ.
Bây giờ người ta gọi nàng là “Hoàng hậu phiêu du” (I’Impéatrice errante).
“Hoàng hậu phiêu du” không phải đi du lịch để hưởng thú nhàn hạ, xem các thắng cảnh, mà chính là để quên những buồn bực ở Triều đình, xa lánh bà mẹ chồng cay nghiệt, hủ lậu, không thích hợp với tính tình cởi mở, hòa nhã, và nhất là nghệ sĩ tính của Hoàng hậu. Hơn nữa, chính nàng đã thổ lộ tâm sự với cả Hoàng đế rằng nàng muốn “quên cảnh sống rực rỡ xa hoa của Cung điện” mà chính nàng không ưa. Ở Vienne, bà Hoàng-Thái-hậu Sophie nhảy đong đỏng lên khi được báo cáo của đại sứ Autriche ở Pháp gởi về méc với bà và Hoàng đế rằng Hoàng hậu Elisabeth ở Paris đi xe ô tô-buýt như một kẻ thường dân. Ở Ai Cập, nàng tìm đến sa mạc, rồi đi lang thang trong sa mạc, giữa cơn nắng cháy, cho đến khi nào khát nước quá và mỏi chân nàng mới quay về. Nàng không cần ai phê bình, chỉ trích, vì nàng như con chim Hải âu bay lượn quá cao, không có mũi tên nào bắn trúng vào nàng được. Đi ngoài phố, nàng không muốn cho ai biết mặt, luôn luôn che chiếc dù hoặc cái quạt, để tránh những cặp mắt tò mò có thể khám phá ra nàng là Hoàng hậu Elisabeth của đế quốc Autriche.
Trong lịch sử Đông Tây, ít có một vị Hoàng hậu nào như thế. Một hôm, sau khi dạo lang thang trên bờ sông Seine để hóng gió, trò chuyện với các người đi dạo mát như nàng mà không biết nàng là ai, lúc trở về lâu đài tráng lệ của nàng thì được tin ông Jules Grévy, Tổng Thống Pháp đến thăm. Tổng Thống Grévy không quen với nghi lễ Vua chúa, tỏ vẻ ngượng nghịu, thì nàng tìm cách trò chuyện rất tự nhiên như một người bạn, bỏ hết các tục lệ phiền phức của Triều đình, khiến ông Tổng Thống Pháp càng kinh ngạc và càng kính trọng nàng như một vị Thần nữ. Có hôm ở Côte d’Azur, nàng đi dạo chơi xem các vườn hoa, mà cũng không cho ai biết tên, theo tính quen của nàng. Nàng vào xem vường hồng rất đẹp của một bà triệu phú, phu nhân của một cựu Đại sứ Autriche. Bà này hách dịch đuổi nàng ra, tưởng một kẻ lạ giả vờ xem hoa để hái trộm hoa. Nàng mỉm cười, xin lỗi rồi ra đi. Tối hôm đó, có người cho con-mẹ “đại sứ” kia biết người thiếu phụ xem hoa lúc sáng chính là Hoàng hậu Elisabeth. Con-mẻ hoảng hốt, vội vàng đi xe song mã đến biệt điện của nàng để tạ tội. Hoàng hậu Elisabeth vẫn tươi cười tiếp đón con-mẻ, không hề tỏ một chút nào giận dỗi. Hoàng đế François Josheph nghe quan hầu thuật lại câu chuyện trên kia, phì cười bảo: “May phúc cho Hoàng hậu không bị con mẹ phù thủy ấy lấy roi quất cho một trận đòn!”.
Có lần khác nàng ở Paris, Hoàng đế nghe tin vị Tổng Thống mới của nước Pháp là Sadi Carnot bị ám sát, Ngài biên thư khuyên Hoàng hậu nên coi đó như một bài học, và cần phải thận trọng, giữ gìn. Nhưng nàng không cần, và mỗi khi trông thấy bóng dáng những viên thanh tra mật thám có phận sự phải theo dõi nàng để che chở tính mạng của nàng, thì nàng tìm cách lẻn đi chỗ khác. Nàng muốn đi chơi tự do, đừng có ai theo dòm ngó, coi chừng nàng như một đứa con nít.
Một hôm, nàng đến thăm thành phố Hambourg của Đức. Thấy một lâu đài đẹp quá, nàng muốn vào xem. Đang đi chiếc xe ngựa bình dân nàng bảo xe quẹo vào sân, bị người lính gác cổng chận lại, nhất định không cho vào. Thấy nàng cứ năn nỉ cho vào xem một lát rồi ra ngay, người lính gắt gỏng:
- Đã bảo cấm người ngoài, không được vào! Đây là Biệt điện nghỉ mát của Hoàng đế nước Đức, chứ không phải một tàng cổ viện.
Bấy giờ nàng mới thỏ thẻ với người lính:
- Tôi là Hoàng hậu Elisabeth, nước Autriche.
Người lính không tin, tưởng là một con mẹ điên bèn cười xòa lên rồi gọi viên Đại úy chỉ huy ở trong trại, với giọng khôi hài:
- Thưa Đại úy, có một bà khách lạ thật đẹp muốn xin phép vào thăm biệt điện.
Viên Đại úy từ trong trại nói vọng ra:
- Không cho vào!
Người lính nói tiếp:
- Người đẹp ấy tự xưng là Hoàng hậu Elisabeth nước Autriche!
Viên đại úy nghe nói có người đẹp, liền ra cổng xem. Té ra ông biết mặt Hoàng hậu Elisabeth, vội vàng đứng thẳng người chào, và hô lên:
- Hoàng hậu Autriche!
Người lính gác cũng hoảng hốt đứng nghiêm, bồng súng chào, và cả trại lính đều cầm súng chạy ra sân sắp hàng chào.
Nàng được đại úy kính cẩn đưa đi xem khắp biệt điện. Nàng rất thỏa mãn, và lúc ra về nàng hốt tất cả tiền ở trong bóp đưa tặng đại úy và anh em binh sĩ. Thật là một giai thoại hi hữu.
58 tuổi, Hoàng hậu Elisabeth vẫn còn tươi đẹp. Có lẽ nhờ một phương pháp do Công chúa Diane ở Poitiers truyền lại và nàng áp dụng rất siêng năng, là mỗi buổi sáng sớm, nàng cưỡi ngựa, cho ngựa chạy nhanh trong một tiếng đồng hồ. Nhờ khí trời có sương, có tia nắng mặt trời mới mọc, mặt nàng ửng hồng lên và cơ thể khỏe mạnh phi thường. Nàng bảo sương sớm trong ánh nắng bình minh có tính chất cải tử hoàn đồng còn hơn là nước suối của nữ thần Jouvence. Hằng ngày nàng chỉ uống sữa tươi và ăn trái cây. Nàng xa lánh các buổi tiệc và chỗ đông người, chỉ ưa đi du lịch, phiêu lưu giữa những cảnh đẹp thiên nhiên và làm thơ. Nàng thường bảo:
- Tôi chỉ có ba người yêu: Núi, Bể và Hiu quạnh.
Nàng chỉ khâm phục một thi sĩ: Henry Heine. Nàng bảo:
- Henry Heine là Thần Thơ.
Nhưng, ai có đọc kỹ những bài thơ của Henry Heine mới cảm thấy một định mệnh lạ thường, bởi Henry Heine là một nhà thơ của Định Mệnh! Và bởi Hoàng hậu Elisabeth là một người đàn bà của Định Mệnh. Đó là cái ảm ảnh của đời nàng. Trong gia đình của nàng, đã có bao nhiêu người bị bất-đắc kỳ tử! Hình như Elisabeth tìm trốn tránh những bóng ma, mà cứ gặp những bóng ma! Này nhé: chị ruột của nàng, là nữ công tước d’Alencon bị chết cháy trong hội chợ Bazar de la Charité, cháu ruột của nàng, nữ Công tước Mathilde, một cô bé mới có mười hai tuổi cũng bị chết cháy, vì bị cha cấm hút thuốc, một hôm cô em hút lén, bị cha bắt gặp, vội vàng giấu điếu thuốc đang cháy trong túi áo, bỗng lửa cháy áo rồi gặp gió cháy bùng lên, khiến cô bé mắc cỡ không dám cởi áo, bị chết thiêu luôn.
Người anh họ của Elisabeth, là vui Louis II ở Bavière, cũng một thi sĩ, bị chết chìm trong một hồ nước trong xanh, giữa những đàn bạch nga đang bơi lội, và ông cũng say mê bơi lội theo đàn nga trắng… Sau cùng là con trai của nàng, thái tử Rodolphe tự tử bên cạnh người yêu Vetsara ở Mayerling.
Thế rồi, một hôm... ngày 10.9.1898, một tin sét đánh từ Genève loan đi khắp Âu Châu: Hoàng hậu Elisabeth d’Autriche bị ám sát!
Mới nghe, không một người nào tin được. Hoàng đế François Joseph bị ám sát hụt mấy lần thì người ta còn hiểu được nguyên nhân, chứ Hoàng hậu Elisabeth bị ám sát, thì thật là chuyện phi lý.
Thủ phạm, bị bắt ngay được tên là Luccheni, một tên vô chính phủ, người Ý, sinh ở Paris năm 1873, bị tra hỏi, đã khai ngay:
- Phải giết chết những kẻ làm lớn trên thế giới này!
Hắn là thằng điên. Đáng lẽ hắn chờ cơ hội giết một vị Vua Chúa nào đó, nhưng định mệnh quá oái oăm lại xui hắn gặp một Hoàng hậu và định mệnh quá tàn nhẫn xui Hoàng hậu Elisabeth đúng chiều hôm đó, đi chơi lang thang trên bờ hồ Genève, đang tìm vần thơ, lại gặp một thằng khùng có tâm địa sát nhân. Vô cớ, hắn cầm con dao chạy tới đâm ngay vào ngực Hoàng hậu Elisabeth…
Nàng tắc thở trên bờ hồ thơ mộng...

25.– VICTORIA, Nữ hoàng Anh Quốc
NỮ HOÀNG Anh Quốc hiện nay, Elisabeth II, là cháu ba đời của một vị Nữ-hoàng lớn nhất trong Lịch sử nước Anh từ xưa đến nay: Victoria. Sinh năm 1819, chết năm 1909 (thọ 90 tuổi), bà lên ngôi từ năm 18 tuổi (1837), một tay bà cai trị Đế quốc Anh trong 64 năm, đã làm cho nước Anh từ một nước yếu đuối, ít mở mang, trở nên một cường quốc hùng cường nhất của thế giới từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, được toàn thể nhân dân Anh nhiệt liệt sùng bái, và cả thế giới kính phục.
Không phải như Nữ hoàng Catherine II của nước Nga, hay như Từ Hi Hoàng thái hậu của Trung quốc, mà đời tư bừa bãi về tình duyên dù sao cũng để lại một vết nhơ trong lịch sử của họ, Nữ hoàng Victoria đã nêu một gương xán lạn về tài hoa cũng như đức hạnh trên cả hai phương diện chính trị và gia đình: trung thành với tổ quốc và dân tộc Anh như thế nào, bà cũng thủy chung với chồng bà như thế ấy, chứng tỏ một vị Nữ chúa oai nghiêm, và hiền hòa, một người vợ âu yếm, một người mẹ gương mẫu, một bậc phụ nữ tài giỏi vào bậc nhất trong Lịch sử nước Anh và Lịch sử nhân loại.
18 TUỔI LÊN NGÔI
Không ai ngờ một cô công chúa từ nhỏ tới giờ chỉ biết chúi mũi vào sách học, bỗng dưng được lên ngôi Vua, đã tỏ ra một thái độ bình tĩnh và oai nghi như công chúa Victoria.
Ngày 20 tháng 6 năm 1837, hồi 5 giờ sáng, công chúa còn đang ngủ trong lâu đài Kensington, thì giáo chủ ở Canterbury và viên Thị Vệ Đại thần của Anh triều đến gõ cửa. Mẹ của công chúa là nữ Công tước Kent vội vàng đánh thức con gái dậy. Nàng điềm nhiên khoác tạm chiếc áo dài, và thong thả đi một mình ra phòng khách.
Viên Thị Vệ Đại thần quỳ xuống trước mặt Công chúa và kính cẩn báo tin để nàng biết theo Hiến pháo Anh, từ giờ phút này nàng là Nữ hoàng của Anh quốc. Nàng mỉm cười duyên dáng gật đầu, không nói một lời. Cô Công chúa 18 tuổi không ngạc nhiên, không tỏ vẻ vui mừng, không sợ sệt.
Đúng 11 giờ, thủ tướng Melbourne đến đón Nàng tới chủ tọa Hội đồng chánh phủ đầu tiên của nàng. Tất cả Triều đình hồi hộp đợi chờ, bỗng hai cánh cửa mở rộng, lính thị vệ hô to: “Nữ-hoàng”, toàn thể các vì Tổng trưởng, Đại tướng, Đô đốc đều đứng dậy: từ ngoài cửa bước vào một thiếu nữ, thướt tha, mảnh khảnh, để tang cho cha, đi mạnh dạn, điềm nhiên, đến ngồi trên Ngai Vàng. Với một giọng thật rõ ràng, thật chững chạc, và êm đềm duyên dáng, nàng đọc bài huấn từ đầu tiên để khai mạc Hội đồng chánh phủ.
Xong, vẫn nét mặt điềm tĩnh và dịu hiền không thay đổi, vị Nữ-Hoàng trẻ tuổi chào mọi người, và bước ra về giữa những cặp mắt ngạc nhiên và kính phục của tất cả các nhân vật chánh phủ.
Ngoài đường, dân chúng vỗ tay reo mừng ầm ĩ, và bài quốc thiều “cầu Chúa cứu Nữ-hoàng!” - God save the Queen - được hát lên vang dậy cả kinh thành London và khắp nước Anh.
Về tới cung điện, vừa gặp mẹ, nàng hỏi:
- Má ơi, hôm nay con đã thật là Nữ-hoàng nước Anh rồi phải không?
- Con đã thấy rõ rồi.
- Thế thì má hãy để con ngồi một mình trong một tiếng đồng hồ.
Ai cũng biết từ lúc nhỏ đến bây giờ, Công chúa Victoria luôn luôn ở bên cạnh mẹ. Lúc học, lúc chơi, lúc ăn, lúc nghỉ, đều có mẹ kèm một bên. Nữ Công tước Kent săn sóc cho con gái từng ly từng tí, nhất là về trí dục và đức dục. Nhưng bây giờ công chúa đã thành ra Nữ hoàng, cử chỉ đầu tiên của nàng là tỏ cho mẹ và mọi người thấy rõ rằng nàng sẽ là một vị Nữ hoàng cương quyết, thông minh, không chịu ảnh hưởng của ai hết, chỉ biết quyền lợi của nước của dân, và danh dự và bổn phận của một vị Quốc trưởng. Sau khi suy nghĩ một tiếng đồng hồ, nàng truyền lịnh đưa mẹ sang ở một lâu đài khác để nàng ở một mình trong Điện. Nàng muốn vị Nữ hoàng phải tự mình quyết định mọi việc quan trọng trong nước, không nên có mẹ, hoặc người nào khác ở bên cạnh và bầy biểu nọ kia.
Mới 18 tuổi, vừa lên ngôi, Nữ hoàng Victoria đã có ý thức rõ rệt về trách nhiệm nặng nề của mình đối với quốc gia và dân tộc, trước mặt thế giới.
Bà mẹ đã nuôi và dạy nàng từ nhỏ đến lớn, bây giờ đã hết nhiệm vụ và không được xen vào việc nước. Đối với ông bác ruột của nàng là Vua Léopold của nước Belgique, nàng cũng có thái độ cương quyết như thế. Và sau này, ngay đối với chồng, người chồng rất yêu là Albert, Nữ hoàng Victoria cùng không bao giờ để cho xen vào việc triều chính.
Và cô gái 18 tuổi ấy một mình đã nắm vững vận mệnh của đại cường quốc Anh trong 64 năm trời.
VỢ CỦA MÌNH ĐÂY, ALBERT!
Ba năm đầu từ khi lên ngôi, Nữ hoàng Victoria chưa muốn lấy chồng. Tuy lúc bấy giờ nàng đã có một người yêu trong đám các người anh họ của nàng, là hoàng tử Albert, con ông bác ruột, Léopold, Vua nước Belgique, nhưng nàng không nghĩ đến chuyện hôn nhân. Nàng yêu Albert nhất trên đời, và hồi 17 tuổi, nàng đã chép trong nhật ký: “Ta yêu anh Albert nhiều lắm, nhiều lắm, nhiều hơn hết thảy các người anh họ khác, Albert đẹp quá, đẹp quá, với đôi mắt xanh xanh, đôi môi ngon lành, hai hàm răng trắng nõn, trắng nõn.”
Nhưng khi lên ngôi rồi, Victoria do dự chưa muốn lấy chồng. Nàng muốn một mình đóng vai Nữ hoàng trong một thời gian hoàn toàn tự chủ, không bị một thế lực nào, hay một ảnh hưởng nào làm sai lạc nhiệm vụ khó khăn và quan trọng của nàng.
Đã nhiều lần, nàng đã tỏ cho vị Thủ tướng lão thành của chính phủ thấy ý chí cương quyết của nàng muốn làm theo ý mình, miễn là không trái với Hiến Pháp và không hại đến quyền lợi của quốc gia.
Nhưng được ba năm, chính phủ, dân chúng, triều đình, ai nấy cũng yêu cầu Nữ hoàng lo việc gia thất.
Năm 1840, nàng bằng lòng kết hôn với hoàng tử Albert, người anh họ của dòng dõi Saxe - Cobourg ở Đức. Albert là một chàng trai giàu tình cảm nhưng nghiêm khắc, thích đời sống gia đình, ưa âm nhạc, thích giao du với các văn nghệ sĩ tài hoa, nhưng lại ghét đàn bà và nhất là những đàn bà hay làm dáng hoặc lẳng lơ. Có những đêm đại hội, Nữ hoàng khiêu vũ cho đến sáng, còn Albert thì 10 giờ tối đã nằm ngủ trên ghế tràng-kỷ trong Điện. Albert muốn tham dự việc nước, nhưng Nữ hoàng Victoria cho biết rằng Hiến pháp của Anh quốc không cho phép điều đó, và nàng cứ để chàng ở ngoài rìa việc chính trị.
Thỉnh thoảng, Albert thấy cần nói với vợ một đôi ý nghĩ của chàng về một vấn đề quan trọng, Nữ hoàng mỉm cười âu yếm bá cổ chồng, vuốt ve chồng và lẩm bẩm những câu: “Mình đáng yêu lắm… em yêu mình lắm… mình cưng của em…”. Như thế, tức là Nữ hoàng thích nói chuyện yêu đương và hạnh phúc gia đình với chồng hơn là nói chuyện chính trị. Albert hiểu ý vợ, đành làm thinh vậy. Ai cũng biết Nữ hoàng yêu chồng say mê, và đối xử với chồng hoàn toàn là một người vợ dịu hiền tùng phục, trung thành và tận tụy. Một hôm Albert giận vợ, bỏ vào phòng riêng, đóng chặt cửa. Nữ hoàng Victoria cũng tức giận chạy theo, gõ cửa. Trong phòng, Albert hỏi:
- Ai đấy?
Victoria đáp:
- Mở cửa cho Nữ hoàng nước Anh.
Albert không thèm mở, làm thinh. Một lúc lâu, Victoria lại gõ cửa. Lại có tiếng Albert hỏi:
- Ai đấy ?
- Vợ của mình đây, Albert! Mở của cho em.
Bấy giờ Albert mới mở cửa cho vợ. Victoria phục người chồng cương quyết, liền ôm lấy chồng, hôn lấy hôn để rồi xin lỗi chàng. Từ đó về sau, Nữ hoàng Victoria thỉnh thoảng nghe lời chồng về một vài vấn đề quan trọng khó giải quyết. Trong tập nhật ký của bà, bà có ghi: “Albert rất quý báu của ta, Albert là không ai so sánh được…”.
Ở gần chồng, nhận thấy Albert là một người đàn ông thông thái, hiểu biết sâu rộng, tính tình lãng mạn nhưng cao thượng, vị Nữ hoàng trẻ tuổi càng ngày càng yêu chồng, tỏ ra một cô vợ rất hiền lành và rất quý trọng chồng. Không những bây giờ bà đã để ông Hoàng Albert tham gia vào Quốc chánh, bà lại còn nghe lời Albert triệt để trong tất cả mọi việc, hoàn toàn tùng phục ông về mọi phương diện Quốc gia, Quốc tế và gia đình. Đến đỗi triều đình và dân chúng Anh quốc, cũng như các nhà ngoại giao trên thế giới đều ngạc nhiên rằng trước kia Nữ hoàng Victoria rất cương quyết, nhiều khi độc tài, mà từ khi lấy chồng được một năm bà đã hoàn toàn thay đổi, trở nên một người vợ rất ngoan ngoãn, hiền lành, quý trọng và phục tùng phu quân triệt để.
Những ngày rảnh công việc, bà cỡi ngựa đi dạo chơi với Albert trên cánh đồng quê. Bà hỏi ông những điều bà không biết về các môn khoa học, văn học, lịch sử, và ông trả lời cho bà nghe thông suốt mọi vấn đề. Cứ mỗi lần đi dạo như thế, là Nữ hoàng Victoria được nghe phu quân Albert nói cho biết cây này tên là cây gì, nó sống cách nào, hoa và trái của nó như thế nào, nó chịu những khí hậu nào, nó được dùng làm gì, đời sống của loài ong như thế nào, của loài kiến như thế nào, ai đã xây dựng lâu đài kia, tiểu sử của nhân vật ấy như thế nào, đây là quê hương của một thi sĩ tên gì, ở thế kỷ nào, và ông đọc cho bà nghe vài đoạn thơ hay của thi sĩ.
Nhờ vậy mà Nữ hoàng Victoria học hỏi thêm được rất nhiều về văn hóa.
Trong các đám tiệc lớn, các Đại sứ và Lãnh sự ngoại quốc cũng như các vị Bộ trưởng chính phủ rất đỗi kinh ngạc được nghe Nữ hoàng Victoria nói chuyện thông suốt về nhiều vấn đề lịch sử, khoa học, văn học, địa dư của thế giới tự cổ chí kim. Họ cũng biết vị giáo sư thông thái của bà không ai khác hơn là ông Hoàng Albert.
Mùa đông trời rét buốt, không đi chơi được thì Nữ hoàng Victoria ở nhà ngồi thêu những tấm thảm, đan những áo len, và trong lúc ấy chồng bà đọc cho bà nghe lịch sử Hiến pháp của các quốc gia hùng cường trên thế giới. Ông vừa đọc, vừa giảng, so sánh với Hiến pháp nước Anh, và rút kinh nghiệm lịch sử trong việc chính trị, để cho bà hiểu và theo đó mà cai trị nước Anh.
Trước kia Nữ hoàng Victoria còn trẻ tuổi, ham khiêu vũ và đi xem hát, nhưng từ một năm sau khi sống chung với ông Hoàng Albert, nhiễm theo tính chồng, bà chỉ ở trong cung điện với ông, lo việc gia đình, săn sóc con cái, đánh đờn cho ông nghe, hoặc nghe ông giảng giải các vấn đề quan trọng.
Trong tập nhật ký của bà, Nữ hoàng Victoria có chép: “Cảm ơn Chúa! Cuộc đời của tôi bây giờ thay đổi hẳn. Bên cạnh Albert, tôi mới hiểu thế nào là chân hạnh phúc!”
Ông Hoàng Albert yêu vợ, chiều vợ, mà cũng có nhiều lần tỏ ra cương quyết với vợ để tránh cho bà vợ của ông một vài hành động sai lầm mà một người đàn bà, dù người ấy là Nữ hoàng nước Anh, thường tự mình không thấy rõ cái nguy hại về sau. Nữ hoàng Victoria luôn luôn vâng lời chồng. Trong quyển hồi ký của bà, bà có thú nhận rằng: “Nhờ ta vâng lời Albert mà tránh được các hành vi vụng về. À! Nếu không có Albert thì ta đã lầm lỗi biết bao nhiêu điều dại dột có hại cho vận mệnh Đế quốc Anh!”
Ông hoàng Albert rất thận trọng trong mỗi cử chỉ, điềm đạm trước mọi biến cố, và chu đáo giúp đỡ rất nhiều cho Nữ hoàng Victoria. Các nhà Sử học Anh quốc đều công nhận điều ấy.
Mỗi buổi sáng, ông dậy thật sớm, ngồi bàn làm việc một mình trong yên tĩnh, không muốn có ai quấy rầy. Trên bàn thắp một ngọn đèn xanh, cây đèn rất tiện mà ông mua bên Đức. Ông ghi chép các giấy tờ xem xét các bản báo cáo của các Bộ, đặt ra các sắc lệnh. Đến 8 giờ, Nữ hoàng ngủ dậy, vội vàng đến văn phòng coi công việc của chồng làm, vâng lời chồng về mọi vấn đề, âu yếm hôn chồng để cảm ơn, rồi ký tất cả các lệnh do chồng đã làm sẵn. Xong rồi hai vợ chồng vào phòng ăn điểm tâm.
Albert làm tất cả các việc của vợ. Ông lo từng chi tiết về công việc lưỡng viện, các Bảo tàng viện, về quân đội, về các trường đại học, trung học, tiểu học, các Hàn lâm viện Khoa học, các tổ chức kỹ nghệ, thương mãi, lao động, nông nghiệp cho đến cả các vấn đề lặt vặt về tiền công của thợ, và các loại phân để bón ruộng lúa mì...
Nữ hoàng Victoria sung sướng, thường tuyên bố với mọi người: “Xưa nay không có một người vợ nào có được một ông chồng như Albert. Các đô thị, các thôn quê ở nước Anh vào ở khắp đế quốc Anh, đâu đâu cũng có dấu vết bàn tay tài hoa của Albert và trí óc vĩ đại của Albert...”
Mấy nhà báo ở Luân Đôn đã phải viết, nửa thật nửa khôi hài: “Albert là Vua nước Anh!”.
Mà thật thế, nhờ có ông Hoàng Albert, mà nước Anh dưới thời đại Nữ hoàng Victoria đã trở nên một đế quốc hùng cường nhất và có uy tín nhất trên thế giới. Dân chúng Anh hoàn toàn ngưỡng phục và tôn sùng vị Nữ hoàng hiền lành của họ mà họ nhiệt liệt hoan hô trong mọi trường hợp. Vì họ được hưởng một đời sống sung sướng, đầy đủ, tự do, thỏa mãn về tinh thần và vật chất. Đối với ông Hoàng Albert, họ rất tôn trọng, và trong nước không hề có một phe đảng nào chống đối lại chính sách của Nữ hoàng Victoria và của chồng bà.
Nhưng vì ông làm việc quá sức, để giúp đỡ vợ cai trị một đế quốc cường thịnh rộng lớn, nên ông trở nên yếu sức, và mau già. Ông đã sói trán, rụng tóc và lưng khòm. Nữ hoàng lại càng ngày càng mập hơn, vui tươi hơn, con cái càng đông đúc, quốc gia hùng cường thịnh đạt.
Nhưng ông Hoàng Albert vẫn có tính nghệ sĩ. Ông hay chán đời. Một hôm ông bảo vợ: “Mình à, tôi tin chắc chắn rằng nếu tôi đau nặng, tôi sẽ để cho đau rồi chết, chứ tôi không tranh đấu để sống.” Nữ hoàng âu yếm hôn chồng và đáp: “Em sẽ tranh đấu để cho mình sống.”
Một hôm, năm 1861, ông bị bịnh thương hàn trầm trọng. Các bác sĩ danh tiếng nhất lo chữa nhưng bịnh tình không thuyên giảm. Nữ hoàng ngồi luôn bên cạnh chồng, đọc tiểu thuyết cho ông nghe khuây khỏa và đánh đàn cho ông vui. Bà vẫn lạc quan tin rằng chồng bà không thể nào chết được. Ông mới 42 tuổi. Nhưng hôm sau, bà đang chủ tọa Hội đồng Nội các thì có quan cận vệ chạy đến cho biết ông Hoàng Albert vừa trút hơi thở cuối cùng.
Vừa nghe tin, Nữ hoàng hét lên một tiếng kinh hoàng, như một con thú bị nạn, và ngã gục xuống ghế chết giấc. Người ta phải cấp cứu thật lâu bà mới hồi tỉnh được.
MỘT BÀ VỢ GÓA TRUNG THÀNH ĐẾN CHẾT
Nữ hoàng Victoria góa chồng, còn sống được 40 năm nữa. Một mình bà đảm đương việc cai trị nước Anh cho đến 82 tuổi, băng hà năm 1901.
Suốt 40 năm góa bụa, Nữ hoàng Victoria vẫn một mực trung thành với kỷ niệm của chồng, không một ngày nào, giờ nào bà quên được hình ảnh của người yêu. Suốt 40 năm, các gian phòng trong Cung điện Buckingham từ hồi ông Hoàng Albert còn sống sắp đặt thế nào, bà để y nguyên như thế, không thay đổi một chiếc bàn, hay một lọ hoa. Cứ mỗi buổi sáng, mỗi buổi trưa, mỗi buổi chiều, và suốt 40 năm như thế, không một ngày nào quên lãng, đến bữa ăn là bà truyền lịnh phải đặt trên bàn ăn, ngay chỗ Albert thường ngồi trước mặt bà, những đĩa, muỗng, dao, nĩa, và khăn ăn, y như Albert còn sống. Sáng dậy, đến giờ Albert rửa mặt thường lệ, bà bắt phải pha nước nóng trong lavabo và mỗi bữa tối pha nước nóng trong phòng tắm vào đúng giờ chồng tắm như lúc ông còn sống. Trước khi đi ngủ, bà lấy bộ áo quần ngủ của chồng, sắp trên giường, như có ông hoàng Albert nằm thật bên cạnh bà.
Vua nước Belgique, có lần sang London viếng Nữ hoàng Victoria, có yêu cầu Nữ hoàng hoãn giờ tiếp kiến 10 phút. Nhưng Nữ hoàng không đồng ý. Bà nói thẳng với Vua Belgique: “Tôi xin nhắc lại để Ngài hiểu cho rằng tôi triệt để tuân theo tất cả tập tục, giờ phút nghi lễ, cách thức sinh hoạt hàng ngày trong triều đình và trong cung điện do chồng tôi đã sắp đặt: tôi coi đó là lẽ sống của tôi, quyết định của tôi, tất cả những gì chồng tôi đã muốn, đã làm, đã bảo, nay mặc dầu chồng tôi không còn nữa nhưng tôi vẫn còn tuân theo. Không có uy quyền nào của nhân gian có thể yêu cầu tôi thay đổi một mảy may nào những cái gì chồng tôi đã muốn.”
Giờ phút nào nhắc đến chồng bà, bà cũng nói với các nữ quan hầu cận: “Albert yêu quý của ta... Hôm nay hoa hồng nở đẹp quá, à, nếu Albert yêu quý của ta còn sống... Hôm nay bát canh này chú bếp nấu ngon quá, à, nếu Albert của ta còn... Trời hôm nay bắt đầu đổ tuyết rồi, à nếu Albert yêu quý của ta còn...” v.v...
Luôn luôn bà nhắc nhớ đến “Albert yêu quý” của bà, và suốt 40 năm góa chồng, Nữ hoàng cứ như thấy chồng còn sống bên cạnh bà... cho đến đỗi tấm kiếng soi mặt của bà đã cũ quá rồi, đã vàng khè và đã lu mờ, vị quan hầu xin cho đổi tấm kiếng mới. Nữ hoàng trừng mắt bảo: “Không, không. Ngươi không biết rằng tấm kiếng này, Albert yêu quí của ta đã cùng soi mỗi ngày với ta ư?”
Năm Nữ hoàng Victoria được 80 tuổi, dân chúng muốn tổ chức rất long trọng lễ mừng đại-thọ của bà, kéo nhau đến trước sân điện Buckingham, đông nghẹt có hàng mấy trăm ngàn người, vỗ tay hoan hô bà suốt mấy tiếng đồng hồ không ngớt, người ta thấy Nữ hoàng đứng trên bao lơn, khóc ròng rã. Toàn dân cảm động lại hô to lên lời chúc tụng và hát vang lên bài Quốc thiều “Chúa cứu Nữ hoàng!”.
Nữ hoàng Victoria thăng hà năm 1901, thọ 82 tuổi.

26.– MATA HARI
“Nàng Vũ Nữ Đỏ”
NỮ GIÁN ĐIỆP LỪNG DANH NHẤT THẾ GIỚI TRONG TRẬN ĐẠI CHIẾN 1914-1918. Làm trinh thám một lượt cho cả Nga, Đức, Hòa-Lan, Ý, Pháp, Anh... Tình nhân của hầu hết các Quốc-Trưởng, Đại-sứ và Tướng-lãnh Âu-Châu, trong hồi Đại-chiến. Sắc đẹp huyền bí lạ lùng của MATA-HARI đã làm đảo lộn cả cuộc diện Âu-Châu hồi đầu Thế-kỷ XX.
Không ai ngờ một nàng vũ nữ bí mật (sự thực thì không bí mật gì hết, chỉ tại nàng đổi tên và giấu nơi sinh trưởng, để cho ai nấy đều lầm tưởng rằng nàng là một mỹ nhân của đảo Java!), mà cả chiến cuộc Âu-Châu hồi đệ nhất thế chiến 1914–1918 đã bị biến đổi rất nhiều! Hầu hết các tướng lĩnh, các Đại-sứ, các Quốc-Trưởng Nga, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hòa-Lan, đều bị nàng lừa rất tài tình, chỉ tại vì họ say mê đôi mắt đẹp huyền bí lạ lùng của người tuyệt thế giai nhân ấy!
Mata-Hari chỉ là một vũ nữ, gần như một con điếm. Trước tòa án quân sự, nàng cũng nhận rằng nàng chỉ là một cô gái làng chơi. Ấy thế mà cả vận mệnh Âu-Châu và thế-giới hồi đầu thế kỷ XX, gần như ở trong tay nàng! Mata-Hari thật là một người đàn bà phi thường vậy.
Nàng bị Tòa-án Quân-sự Pháp xử bắn ngày 15-10-1917, cái chết bi thảm khiến cho muôn vạn người khóc trên Thế giới, muôn nghìn người ca ngợi, hầu hết các báo đều bênh vực cho nàng. Đến nay đã nửa thế kỷ tính ra đã có trên 140 quyển sách viết về “những bí mật của đời sống và cái chết của Mata-Hari”, và nhiều cuốn phim.
Ai cũng còn nhớ năm 1955, một cuốn phim nhan đề là “con gái của Mata-Hari” đã được quay tại Hollywood mà Greta Garbo đóng vai chính, làm Mata-Hari, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt...
Đây, tôi xin kể về “những bí mật của đời sống và cái chết của Mata-Hari.”
ÔNG HIỆU TRƯỞNG MÊ CÔ NỮ SINH... CÔ HỌC TRÒ PHẢI THÔI HỌC, Ở NHÀ ĐỌC TIỂU THUYẾT TÌNH
Xem bức hình in trên đây, ai cũng tưởng rằng Mata-Hari là một cô gái Ấn-độ, hay là Indonesia, nghĩa là một nữ đệ tử huyền bí của Ấn-độ giáo (Hindouisme) với những vũ điệu uốn éo, lả-lơi, trước tượng thần Civa. Chính nàng cũng tuyên bố với mọi người như thế, để cố giữ lấy tính cách “huyền bí” của nàng. Nhưng sự thật không phải thế. Điều tra tận nguồn gốc, người ta đã biết rằng Mata-Hari chỉ là cái tên hấp-dẫn do nàng bịa đặt ra từ khi nàng cũng bắt đầu bày ra một “vũ điệu thiêng liêng” và trở thành một vũ nữ có tiếng tăm ở Holland. Nàng thật là người Holland, và tên thật của nàng là Margaretha geertruida zelle, sinh ngày 7 tháng 8 năm 1876, tại Leeuwarden, một quận nhỏ của xứ Holland (Hòa-Lan), ở phía Bắc nước Belque và nước Pháp. Cha nàng là Adam zelle, có cửa hàng bán mũ, cũng nổi danh ở địa phương vì có bộ râu xồm xoàm, đen thui, và tính nết khả ố, cả quận ai cũng ghét. Vợ ông là bà Antje, khi sinh đứa con gái kia ra, thì được hàng xóm láng giềng ai nấy đều vui mừng khen ngợi vì đứa bé xinh đẹp quá. Cô Mụ bảo ngay: “Con nhỏ này lớn lên sẽ đẹp nhất thế giới, và tóc đen”.
Cô mụ nói đúng. Mới 12 tuổi, Margaretha đã lớn như cô gái 16 tuổi, sắc đẹp lộng-lẫy, và đôi mắt, nhất là đôi mắt... huyền bí âm u. Đôi mắt người Âu-Châu mà lại hơi xếch lên hai bên khóe như mắt người Á-Đông, lại to lớn, tròng con ngươi đen nhánh, nhìn ai như thôi miên, muốn hút người ta.
Cô bé mới 12 tuổi mà ra đường ai cũng phải nhìn, nhất là đàn ông, đi khỏi rồi còn quay lại trầm trồ: “Con nhỏ ngộ quá há!”
Cô 14 tuổi, thì người cha vỡ nợ, cửa tiệm bị tịch biên, mẹ cô buồn rầu chết, năm 1891. Margaretha vừa thi đỗ Trung-học, mồ côi mẹ, cha bị sạt nghiệp, gia tài không còn một đồng xu, được ông chú đem về nuôi cho đi học trường Sư-phạm, định cho sau nầy làm cô giáo.
Ông Hiệu-Trưởng trường Sư-phạm thấy cô nữ sinh đẹp quá đâm ra mê tít. Ông không để cho cô học hành gì được cả. Cứ mỗi buổi sáng, ông gọi cô lên văn phòng, đọc cho cô nghe những bài thơ của ông làm để tặng đôi mắt đẹp huyền bí của cô, với nào là đôi môi đầy men yêu đương của cô, nào là mái tóc huyền của cô, đen như một đêm mùa hè, nào là nước da của cô màu trời mơ, dịu-dàng man-mác... Cô nữ sinh Margaretha cứ cười ngất, không biết trả lời sao cả.
Cái trò lăng nhăng ấy kéo dài trong hai tháng. Margaretha chê ông Hiệu-Trưởng làm thơ dở-ẹc, không cảm động tý nào cả. Về nhà cô lại méc với chú thím, và nhất định thôi học. Ông chú và bà thím chiều cô, để cô hoàn toàn tự-do. Margaretha ở nhà chuyên môn đọc tiểu-thuyết ái tình để giết thì giờ.
MẤY DÒNG RAO VẶT "KIẾM VỢ" CỦA MỘT ĐẠI ÚY TRONG TỜ BÁO LÁ CẢI CỦA ÔNG CHÚ, LÀ ĐẦU DÂY MỐI NHỢ
Ông chú của cô có một tờ báo tên là “Tin mỗi ngày”, một tờ báo sống dở chết dở, xuất bản tại thủ-đô La Haye. Một hôm Margaretha đọc trong báo ấy mấy dòng rao vặt ở mục “Hôn nhân” như sau đây:
“Đại-úy ở đạo quân Viễn Chinh của Anh-hoàng tại Ấn-Độ, về nghỉ phép ở Holland, muốn tìm một thiếu phụ trẻ, đẹp, duyên dáng, để kết hôn. Hoàn toàn kín đáo. Hộp thơ số...”
Cô nữ sinh mơ màng suy nghĩ. Một Đại-úy, hẳn đã lớn tuổi rồi, nhưng không sao. Một Đại-úy của Quân-đội Anh-Hoàng tại Ấn-Độ, chắc là oai lắm. Ấn-Độ là một xứ xa lạ ở tít Á-Đông. Margaretha tưởng tượng nếu được đi du lịch đến các xứ nầy với một người yêu làm Đại-úy trong Quân đội Viễn chinh Anh-Hoàng, thì thật là một cuộc phiêu lưu ái tình thích thú lắm. Cô nữ sinh liền hăng hái lấy giấy bút viết thư cho viên Đại-úy không quen biết, và kèm theo bức ảnh.
Trước khi biết kết thúc vụ nầy như thế nào, ta nên biết rõ về Đại-úy. Tên là Rudolf Mac Leod, người Anh, Đại-úy thuộc về dòng dõi một quí tộc có danh tiếng trong Lịch sử xứ Scotland, một vùng ở phía Bắc England. Ông nhập ngũ trong quân đội Anh-Hoàng từ hồi 22 tuổi. 17 năm ở bên Ấn-Độ, bây giờ ông đã 39 tuổi, mới được nghỉ phép một tháng. Về Anh-quốc ông biết tin sắp được thuyên chuyển qua Java, trên quần đảo Indonesia, thuộc địa Holland, ông bèn sang chơi bên Holland, với ý định kiếm một người vợ đẹp của xứ nầy để đem theo qua Java. Vì ít giao du với phụ nữ nên ông định đăng mấy dòng “kiếm vợ” trên mặt báo “Tin tức mỗi ngày”. 40 tuổi, nhưng người ông rất khỏe mạnh, mặc y phục Đại-úy coi oai lắm, lại có một bộ râu lún phún trên bờ môi, trông ra vẻ: một gã rất đa tình. Đăng quảng cáo xong, Đại-úy Mac Leod đợi một tuần lễ, nhận được 16 bức thư phúc đáp. Trong số đó, ông thấy có ảnh một nữ sinh tên là Margaretha Zelle, ở thủ đô La Haye là đẹp hơn cả, và đẹp lạ lùng, khiến ông mê ngay. Nhưng ông viết thư trả lời:
- Hỡi người đẹp không quen biết ơi, cô 18 tuổi mà than ôi, tôi đã 40 rồi, có thể yêu nhau được không?
Margaretha viết thư đáp:
- Chả cần tuổi tác! Có thể yêu nhau.
Đại úy Mac Leod lại viết:
- Tiếc quá, tôi đang bị sốt nặng lắm! Không thể nào gặp cô được trong lúc nầy.
Margaretha trả lời: “Chả cần sốt rét! Cho tôi biết địa chỉ, tôi đến thăm ông”. Cô nhận được phúc đáp liền: “Chả cần địa chỉ. Tôi chờ cô trước cửa Bảo tàng viện Amsterdam”. Thế là ngày chủ nhật 24-3-1895, Đại-úy Mac Leod mày râu nhẵn nhụi, nhung phục bảnh bao, đứng trước cửa Bảo tàng viện, hồi hộp mong đợi người đẹp không quen.
Margaretha đến. Trước sắc đẹp rực rỡ huyền bí như một vị nữ thần Ấn-Độ, chàng trai Đại-úy sung sướng quá, mê ly quá, choáng váng mặt mày, muốn quỳ thụp xuống chân nàng. Cô nữ sinh 18 tuổi duyên dáng mỉm cười:
- Chào Đại-úy.
Chàng lính quýnh lẩm bẩm trong mồm:
- Chào... chào... Margaretha...
Tiếng sét đã đánh xoẹt vào hai trái tim xúc động...
Cuộc gặp gỡ hẳn là thú vị lắm, nên ngay hôm sau cô nữ sinh Margaretha Zelle viết thư cho chàng Đại-úy, đã ký là “Cô vợ bé nhỏ tương lai của anh, yêu anh vô kể”. Sáu ngày sau, ngày 30-3-1895, hai người đính hôn. Họ viết thư cho nhau mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Mãi đến cuối tháng Ba, nàng vẫn còn ký tên là “Cô vợ bé nhỏ trong tương lai của anh”. Cuối tháng Tư, sau bốn ngày chúa nhật ôm ấp nhau thật gắn bó, Margaretha viết thư, bỏ hẳn chữ “tương lai” chỉ còn lại: “cô vợ bé nhỏ của anh” và tăng cường thêm mấy danh từ xưng hô mới: “người yêu riêng của em”.
Viên Đại-úy sung sướng nhất trên đời. Mặc dầu chị ông cản trở, bảo: “Sao chị xem con nhỏ ấy lẳng lơ quá”, mặc dầu các bạn thân của ông cũng bảo: “Margaretha còn con nít quá, sợ bồng bột lúc đầu, sau này nó sẽ cắm sừng cho anh!”. Đại-úy Mac Leod nhất định cưới cô nữ sinh về làm vợ. Lễ cưới được tổ chức long trọng ngày 11 tháng 7 năm 1895, 6 tháng sau cái quảng cáo “tìm vợ” đăng trong tờ báo “Tin tức mỗi ngày”.
Cặp vợ chồng mới cưới về ở tạm nhà bà chị của chàng, Louise Leod. Nhưng hai tháng sau, chàng đã bắt đầu thấy “cô vợ bé nhỏ” của chàng hãy còn khờ khạo, và nhỏng nhẻo quá. Tiền lương của ông Đại-úy không có bao nhiêu mà Bà Đại-úy cứ đòi sắm găng mới, giày mới, nón mới, áo mới, thế rồi ông Đại-úy nổi quạu, công kích cô vợ trẻ. Mac Leod là người trí thức yêu chuộng văn chương, âm nhạc, còn Margaretha thì tối ngày chỉ lo phấn sáp và diện bảnh, rủ chồng đi ăn tiệm, đi khiêu vũ và đi coi hát.
Mac Leod bực mình nhưng rán chiều cô vợ đẹp.
Ngày 23 tháng 4 năm 1896 Margaretha đã lừng danh là người đàn bà đẹp nhất Amsterdam, được vào yết kiến Nữ Hoàng Wilhelmine ở xứ Holland. Nữ-hoàng cũng phải khâm phục nhan sắc diễm lệ tuyệt-trần của bà Đại-úy Mac Leod. Cả Triều đình Holland đều tấm tắc khen ngợi Đại-úy đã có diễm phúc cưới được người vợ tuyệt-thế giai nhân.
Thế rồi ngày 1-5-1897, Đại-úy đem cô vợ trẻ đẹp và đứa con trai đầu lòng mới sinh, tên là Norman, lên tàu Princes Amalia đi qua Indonesia quần-đảo, ở Đông-Nam-Á. Đầu tháng 6 hai vợ chồng ở tại thủ-đô Batavia rồi vài ngày sau Đại úy đổi đi đóng ở Wilhem I, một đồn binh hẻo lánh ở Trung bộ Java.
Đến đây Margaretha không có gì giải trí, đâm ra buồn chán. Phong cảnh rất nên thơ, nhưng Margaretha đâu có biết thưởng thức thiên nhiên, sơn thủy hữu tình đối với nàng chẳng có ý nghĩa gì cả. Cả ngày nàng chỉ ngồi trước tủ kính, bôi son trét phấn và lo trau dồi sắc đẹp, không ngó ngàng gì đến việc gia đình và con cái.
Rudolf Mac Leod được lên chức Thiếu-tá và đổi đến Hải-cảng Malang. Margaretha được đến nơi đây, lấy làm thích thú lắm. Malang, cũng như Nhatrang một hải-cảng lớn, có đủ tiện nghi của một thành phố tân-tiến, đủ các trò giải trí, các nhân vật cao cấp, các tiệm khiêu vũ, các nhà hát. Tháng 5 năm 1898, Margaretha lại sinh đứa con gái tên là Louise Jeanne. Hạnh-phúc gia-đình của viên Thiếu-tá Rudolf hình như được xây đắp vững bền hơn. Nhưng đó chỉ là bề ngoài mà thôi. Nhan sắc diễm tuyệt của bà Thiếu-tá trẻ tuổi, ham diện, ham chơi, là nguyên nhân của sự gãy đổ sau nầy.
Tháng 9, nhân ngày lễ mừng Nữ-hoàng Wilhelmine lên ngôi, hai viên Trung-úy đẹp trai có soạn một vở kịch mà họ mời bà Thiếu-tá đóng vai chính là vai Hoàng-hậu Đêm ca-vũ nhạc kịch do quân đội tổ-chức được thành công rực rỡ là nhờ bà Thiếu-tá kiều diễm chủ tọa. Các tướng-lãnh, các sĩ-quan, các nhân-vật cao-cấp của chính-phủ bao vây chung quanh bà Thiếu-tá và không ngớt ngợi khen bà, hoan hô bà một cách nồng nhiệt. Ai nấy đều đua nhau nịnh bợ bà để được bà trao tặng một nụ cười...
Thiếu-tá Rudolf hãnh-diện có người vợ được thiên hạ tâng bốc lên mây xanh như thế, nhưng dần dần ông nhận thấy nàng trao đổi nhiều liếc mắt tình tứ với các viên sĩ-quan khác, nhiều nụ cười đầy hứa hẹn với các chàng trai trẻ... Ông đâm ra ghen tức, mỗi ngày mỗi ghen... ghen dữ tợn, ghen ghê gớm, ghen ồn ào náo động cả thành phố Malang...
Ông liền xin di chuyển đến Medan (đảo Sumatra) một nơi đìu hiu vắng vẻ... cũng như Pleiku, Kontum vậy! Margaretha nhất định không đi theo chồng.
Thiếu tá Rudolf đành đi một mình để cô vợ trẻ đẹp “Hoàng hậu Java” ở lại Malang.
Lúc đầu, nàng còn trả lời những bức thư yêu nhớ của chồng si-tình, dần dần nàng lạnh nhạt, không thèm viết thư, không thèm hỏi han thăm viếng nữa. Hai đứa con của nàng, nàng cũng bỏ bê, ốm yếu xanh xao, không ngó ngàng đến. Thiếu-tá hoàn toàn thất vọng, sinh ra oán ghét và sau cùng quyết định ly-dị. Nhưng nàng không chịu ly-dị.
Ngày 27-6-1899, đứa con trai lớn, Norman, bị con đầy tớ mọi thuốc chết.
Thiếu-tá đau khổ đến cực điểm, khóc lóc thê thảm và van xin Margaretha bằng lòng ly-dị để cho chàng thoát khỏi tình thế tuyệt vọng. Nhưng bà thiếu-tá trẻ đẹp duyên dáng lắc đầu: “Tôi không muốn ly-dị, vì tôi đợi anh chết để tôi được lĩnh tiền trợ cấp của quả-phụ”!
Tức mình, Thiếu-tá nắm đầu tóc của vợ lôi kéo nàng ra đường và lấy roi cá đuối đánh nàng bầm tím cả thân thể. Chàng còn rút súng ra chỉa vào mặt nàng: “Mầy không chịu ly dị thì tao bắn mầy chết ngay bây giờ”!
Cả thành phố đều xôn xao về vụ gia-đình của Margaretha Zelle và Thiếu-tá Rudolf.
Ngày 30-8-1902, tòa án Amsterdam xử cho vợ chồng ly-dị, Thiếu-tá Rudolf lấy ngay người vợ khác, còn Margaretha Zelle, “Hoàng-hậu Java” về ở với cha, tại thủ-đô La Haye.
Năm 1903, nàng đổi tên là Mata-Hari, sang Paris làm nghề vũ-nữ.
MATA HARI, NÀNG VŨ NỮ ĐỎ, BẮT ĐẦU LÀM MÊ HOẶC CÁC GIỚI NGOẠI GIAO QUỐC TẾ Ở PARIS
Ở Paris, Mata-Hari tự xưng là một vũ-nữ của đảo Java, chuyên môn múa các vũ khúc Ấn-Độ theo các sự tích huyền bí của Thần Vichnou. Ai cũng lầm tưởng rằng Mata-Hari không phải là người phụ-nữ Âu-châu, vì sắc đẹp của nàng và lối khiêu vũ của nàng y hệt như người Ấn-Độ và ai cũng tin rằng tuy Mata-Hari quê ở đảo Java của quần đảo Indonesia nhưng nàng tuyên bố rằng nàng vẫn theo tục lệ ca-vũ huyền bí của Ấn-Độ-giáo từ đời Thượng-cổ, trước thời kỳ Phật giáo nữa.
Lần đầu tiên trong một buổi dạ hội ở tòa Đại-sứ Chili tại thủ-đô Pháp, Mata-Hari ra mắt các giới ngoại giao quốc-tế, khiến cho toàn thể khán giả đều vô cùng xúc động. Trước khi giới thiệu Mata-Hari, một ông già người Ấn-Độ râu tóc bạc phơ, tuyên bố mấy lời sau đây (theo lời thuật lại của một nhà Văn-sĩ Mỹ có dự buổi trình diễn ấy):
- Thưa các Ngài, tôi xin phép giảng giải sơ qua ý nghĩa của vũ-khúc mà nàng Mata-Hari, người đẹp của Java, sắp trình diễn nơi đây. Đây là sự tích nàng công chúa Anuba biết ở dưới đáy biển Ấn-Độ có một cái vỏ hến đựng một viên ngọc đen giống như viên ngọc huyền nạm trên chiếc gươm thần của Mescheb. Công chúa Anuba muốn có viên ngọc đen ấy, bèn tìm cách quyến rũ anh lưới chài Amry để xúi anh xuống dưới đáy bể mò lấy viên ngọc quí cho nàng. Người thuyền chài hoảng hốt, nói với công chúa rằng việc nàng muốn đó rất là điên rồ, vì cái vỏ hến có viên ngọc kia do một con ác quỹ dữ tợn đang gìn giữ, ai đến gần sẽ bị nó vồ nuốt vô bụng. Nhưng công-chúa nhất định muốn có viên ngọc quí. Nàng nũng nịu, làm tất cả các điệu bộ khiêu gợi, với cặp mặt sáng rực như lửa, cám dỗ anh thuyền chài cho đến say mê nàng. Anh lặn xuống đáy biển để rồi một lúc sau trở lên, đem được viên ngọc cho Công-chúa Anuba, nhưng thân thể anh đã bị con ác quỹ cào cấu bấu xé đã nát thịt tan xương, đầy cả máu me...
- Công chúa không cần nhìn cái xác gần chết của anh thuyền chài. Nàng chỉ nâng niu viên ngọc đen dính máu, ôm nó lên ngực, lên môi và múa hát mê ly... ảo huyền... trước ngọn đèn thần của tượng thần Vichnou... Nàng Mata-Hari sẽ đóng vai Công chúa Anuba, nàng đẹp một sắc đẹp huyền-ảo đê-mê như nàng Urwaci, trong sạch như nàng Damayanti từ trong đền thần Sakuntala hiện ra trước người thuyền chài...
Ông già Ấn-Độ vừa nói đến đây, thì tất cả đèn trong phòng đều tắt hết, chỉ còn sáng rực rỡ một ngọn đuốc cháy hoe trên vũ đài mờ ảo... Một nữ thần xuất hiện, với một sắc đẹp huyền bí lạ thường, gần như khỏa thân: đây là Mata-Hari hiện thân Công-chúa Anuba... Nàng múa qua múa lại, uốn éo thân thể nõn-nà, uyển chuyển những đường cong tuyệt-mỹ... Làm cho gần 200 khán giả, đại diện của toàn thể các nước trên Thế giới... hồi hộp... im lặng, nín thở... Như bị thôi miên, bị mê man trong giấc mộng huyền mơ...
Suốt hai tiếng đồng hồ, cả vũ-trụ lạ lùng huyền linh, say sưa nàng Vũ nữ Ấn-Độ của Mata-Hari...
Mata-Hari! Mata-Hari! Sáng hôm sau các báo ở Paris đều đăng hình ảnh nàng và viết bài tường thuật đêm ảo tượng ở tòa Đại-sứ Chi-li, với những lời khen tặng, ca-ngợi đặc biệt nàng “Vũ nữ đỏ” “Vũ nữ máu” “Vũ nữ thần tiên” có một không hai trên thế giới, vô tiền khoáng hậu tự cổ chí kim...
Chỉ có hai tiếng đồng hồ và một vũ khúc, mà tiếng tăm của nàng Mata-Hari bỗng dưng nổi dậy cả kinh thành Paris, vang lừng khắp các Thủ-đô Âu-Mỹ.
Sau mỗi buổi trình diễn ca vũ như thế, nàng được hàng trăm nghìn người say đắm ước mơ. Các nhà triệu phú, các nhân vật thượng lưu quốc tế ở Paris tranh nhau mời nàng dự tiệc và khiêu vũ, kẻ đón người đưa tấp nập.
Người ta tò mò hỏi nàng là người quê quán ở đâu, thì nàng giấu lai lịch thật của nàng, mà bịa đặt cho có vẻ ly kỳ bí mật như sau đây:
- Em sinh ở miền Nam xứ India, trên bờ biển Malabar, nơi một thành phố thiêng liêng tên là Jaffuapatam. Gia đình em thuộc về hạng quí tộc Brahmanes. Thân sinh của em, Suprachetty, vì có tâm hồn thanh cao và bác ái, nên được dân chúng tôn thờ là Assirvadam, có nghĩa là “Được Thượng Đế yêu thương”. Thân Mẫu của em là một vị Nữ tu sĩ tinh khiết ở đền Kanda Swany, chết hồi 14 tuổi, ngay hôm sinh em ra đời. Các vị tu sĩ làm lễ hỏa táng cho Mẹ em xong, rồi họ nuôi em trong đền và đặt tên em là Mata-Hari, có nghĩa là “Con côi của Bình-minh”. Đến khi em biết đi được một bước, họ nhốt em trong một hầm kín ở dưới đất, trong đền Siva, để tập cho em điệu múa trong các lễ tế thần, theo như Thần-Mẫu em đã múa. Múa xong em được đi lên chơi trên vườn chùa, và hái những cánh hoa lài để tếch thành những vòng hoa thơm trắng đem trang trí điện thờ Thần. Đến khi em 14 tuổi, đã đến tuổi dậy thì, một đêm xuân, Satky pudja, vị nữ tu-sĩ cai quản đền Siva, làm lễ thành hôn cho em với thần Siva, và chỉ giáo cho em các nghi thức huyền ảo của ái tình và tín ngưỡng...
Nói đến đây, Mata-Hari bỗng run khắp cơ thể, như bị thần Siva nhập vào thể xác, và đứng dậy múa. Những điệu múa lả-lơi, uyển-chuyển, làm nổi bật bộ ngực tuyệt đẹp của nàng, với những đường cong uốn éo, mềm mại, của tấm thân nửa kín nửa hở, đầy khêu gợi.
Những người nghe Mata-Hari kể chuyện như thế phần đông là các ông Hàn-lâm-Viện, các nhà học giả, các-ông Tổng-trưởng, Đại-sứ. Họ hỏi nàng: “Thế nào là nghi-thức ái-tình trong đêm xuân Satky-pudja ở đền Kanda Swany ?” thì nàng bịa đặt ra bằng lời nói huyền bí, bằng cử chỉ ly-kỳ ảo tưởng, các nghi thức lạ-lùng mà từ xưa đến nay không ai được biết.
Dưới ánh sáng chói lọi của muôn nghìn ngọn đèn màu, với hơi rượu ngà-ngà say, với những mùi thơm ngào-ngạt của các nước hoa lạ của Arabie làm ngây ngất toàn thể cử-tọa, Mata-Hari vận y-phục nghi-lễ vô cùng lộng lẫy, chỉ che sơ sài đôi tuyết-lê đầy đặn nở nang, và một tấm voan mỏng đeo đầy hột kim cương che dưới bụng, để hở rốn, và hở cả bắp đùi, cả đôi ống chân ngà trắng nõn, nàng vừa giảng giải từng điệu bộ, vừa uốn éo múa lại múa qua, ưỡn lên ưỡn xuống, nghiêng ngả, xoay tròn, đưa ra trước mắt mọi người cả những nét đẹp khêu gợi, đê-mê, của một thân thể lõa lồ, đầy nhựa sống lên men của nhục dục.
Rồi bỗng dưng, trong lúc nàng đang như chìm đắm trong vũ-điệu mê ly, các ngọn đèn đều tắt, chỉ còn mờ ảo, một ánh sáng huyền mơ, một điệu đàn thần linh, xa xăm, trổi dậy. Trên vòm trời (của sân khấu) ba ngôi sao xuất hiện. Một tu-sĩ râu tóc bạc phơ, chống gậy từ trong bước ra, dừng bước nhìn trời. Từ ba ngôi sao sáng rực, hiện ra ba vị Nữ thần... Tiếng đàn ầm ĩ, rên rỉ, kéo dài trong đêm mơ, réo rắc như dây tơ, như náo nức, như thổn thức, như rạo rực trong hương mơ... Vũ-nữ Mata-Hari thổi một tiếng sáo vi-vu, âm-u... tức thì từ trong rừng thẳm bò ra một con rắn thần... Rắn thần bò đến nàng, trườn lên mình nàng, quấn vào ngực nàng, rồi cùng với nàng say sưa trong điệu vũ mê-hồn...
Cảnh tượng ly-kỳ bí ẩn ấy khiến cho toàn thể khán giả đều hồi hộp, say sưa, như hoàn toàn bị thôi miên bởi sắc đẹp, bởi điệu múa, bởi không khí huyền kỳ bao bọc nàng vũ nữ của Kanda Swany.
Trong thời gian không lâu, từ địa vị người vợ của Thiếu-tá bị chồng bỏ, thất-nghiệp, bơ-vơ, nghèo-nàn, Mata-Hari đã bỗng dưng trở nên một vũ nữ danh tiếng, được muôn nghìn người yêu mê. Một ông Tổng-Trưởng, một ông Hoàng-tử ngoại-quốc, và một ông Đại-sứ, là những tình nhân gắn bó nhất của nàng. Bây giờ nàng ở một lâu đài nguy nga tráng lệ trên đại lộ Champs Élysées, một Đại-lộ sang trọng nhất của Paris. Nàng có xe hơi, có tài xế riêng, có bồi bếp. Y-phục nàng rực rỡ như bà Hoàng-Hậu. Thân thể nàng đeo đầy những kim-cương, ngọc thạch. Nàng tiêu xài tiền bạc như nhà triệu phú, sắm sửa xa hoa, ăn chơi phung phí. Lúc bấy giờ có ai dám nghi ngờ Mata-Hari là một nữ gián điệp của một nước nào đâu! Ấy thế mà theo bản cáo trạng của tòa-án quân-sự Paris mùa thu năm 1917, thì chính lúc bấy giờ Mata-Hari cũng là tình nhân của thái-tử nước Đức, Frédéric Guillaume, con của Hoàng-đế Guillaume II, của quận công Brunswick, và của Đô-trưởng kinh-thành Berlin.
Mata-Hari nhìn nhận rằng tất cả những nhân vật to-lớn ấy là tình nhân của nàng, nhưng không bao giờ nàng làm gián điệp cho ai. Có thể trong thời kỳ chiến tranh (1914-1918) họ lợi dụng lòng thành thật của nàng, lừa gạt nàng để nàng vô-tình thổ lộ những bí mật quân sự mà nàng biết được do những người yêu của nàng nói cho nàng nghe, chứ thật nàng không có ý làm gián điệp cho ai cả. Tuy nhiên, cũng vì tình nhân của nàng là các nhân vật cao cấp đủ các nước tụ họp ở Paris, Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Ý, Nga, Holland, nên người nước nào cũng lợi dụng những cuộc giao duyên rộng rãi của nàng để dọ thám người nước khác. Vì vậy nếu Mata-Hari quả thật là Nữ gián điệp, thì nàng đã vô tình làm Nữ gián điệp mà chính nàng không hề biết đến. Mata-Hari chỉ muốn hưởng trọn vẹn đời sống xa-hoa mỹ-lệ mà thôi. Nàng đã viết trong nhật-ký của nàng một đoạn văn như sau đây: “Ta sẽ chết như tất cả mọi vật trên đời đều phải chết. Trong khi chờ đợi Tử-Thần, ta phải sống những phút sống đầy đủ, tốt đẹp, vẻ vang. Thà rằng sống trên quả Đất một cuộc đời ngắn ngủi nhưng rực-rỡ, tưng bừng, còn hơn là kéo mãi một tuổi già không đẹp đẽ”.
Vì vậy, Mata-Hari không có lý tưởng về đời sống tinh-thần, nàng cũng không cần đeo đuổi một mục đích gì cao cả. Chỉ yêu để sống, sống để yêu, và hạnh phúc đối với một nàng vũ nữ lừng danh quốc tế như nàng, là ăn, là chơi, trang điểm, múa hát say sưa. Chính vì lẽ đó mà nàng luôn luôn sẵn sàng bán xác thịt của nàng với giá rất đắt, để cho được hưởng đầy đủ các lạc thú khoái trá mê ly. Chứ nàng không nghĩ đến việc làm nghề nữ gián điệp cho một quốc gia nào, không phản bội một người yêu nào, bởi vì tất cả những người yêu của nàng đều cung cấp cho nàng đầy đủ đời sống xa hoa vật chất.
Nhan-sắc cực kỳ lộng-lẫy, huyền ảo của Mata-Hari đã quyến rủ một số đông các nhân-vật cao cấp các nước địch-thủ với nhau trong Thế-giới Đại-chiến, những vị lãnh-đạo trong các chính-phủ, các Tổng hành dinh quân đội. Nhưng nàng mặc kệ: sự quyến rũ của đôi mắt đẹp huyền bí của nàng đâu phải là một tội lỗi. Tại vì người ta mê nàng, đeo đuổi theo nàng, chứ nàng có lợi dụng nhan sắc của mình để phản bội ai đâu!
Nhiều người tình nhân của nàng Mata-Hari đều quả quyết trước tòa-án quân sự rằng nàng vô tội. Các nhà chính khách ngoại giao quan-trọng như Junoy, Thượng nghị Viện Espagne, Claven Moore, Thượng nghị Viện Anh, nhà triệu phú Mỹ Craward, Quận-công Basile của Pháp, Đại-tướng Bá-tước Von Durt, bạn thân của Hoàng-đế Đức Guillaume II, Đại sứ Ginoceli của nước Ý v.v... đều binh vực cho Mata-Hari.
Có điều chắc chắn là trong thời gian chiến tranh, nàng đi du lịch nhiều nơi. Khắp Âu-châu nước nào nàng cũng tới, thủ-đô và thành phố lớn nào nàng cũng có ghé đến và ở một thời gian. Nhưng nàng quả quyết rằng nàng không hề làm gián điệp cho ai cả.
Đại-tá Massard, thẩm phán Tòa-án quân sự Pháp, tra hỏi nàng:
- Cô có chơi thân với ông giám-đốc sở Trinh-thám Đức, phải không?
- Có. Ông là tình nhân của tôi. Và tôi cũng chơi thân với ông giám-đốc Trinh-thám Pháp, ông nầy cũng là tình nhân của tôi.
- Ông giám-đốc Trinh thám Đức có tặng cô số tiền là 300.000 đồng Đức kim?
- Có. Đó là tiền ông cho tôi vì ông có ngủ với tôi nhiều đêm. Cũng như các ông khác cho tôi nhiều tiền để trả những ân huệ riêng của tôi. Chứ không phải tiền thuê tôi làm gián điệp.
- Cô có quen thân với đại-tá Nga, Marov?
- Có. Đại-tá Marov ở Tổng-hành-dinh Nga cũng là tình nhân của tôi. Thiếu-tướng giám đốc Đệ nhị phòng của Pháp cũng là tình nhân của tôi. Ông Tổng trưởng Chiến-tranh của Pháp cũng là tình nhân của tôi...
Nghe Mata-Hari kể một dọc những tình nhân của nàng, ai nấy đều ngán cả. Mà đúng thế, những nhân vật nàng kể tên đều đã giao du mật thiết với nàng, cho nên hồi tháng 9, năm 1917, nàng bị mấy sĩ-quan Pháp tố-cáo là nữ gián-điệp, tất cả các Tổng-hành-dinh Âu-Mỹ đều kinh ngạc, không ai tin cả.
Nhưng theo các giấy tờ đã tịch thu được tại nhà nàng thì các vị thẩm-phán quân sự đều quả quyết nàng là nữ gián-điệp. Nguy hơn nữa, chính tại nàng mà quân đội Pháp đã bị thua nhiều trận lớn ở các mặt trận phía Bắc. Nàng đã cho người Đức biết trước các cuộc vận quân của Pháp, do những tin tức bí mật của các sĩ-quan ở Tổng-hành-dinh Pháp nói cho nàng hay. Đó là bản cáo trạng tố cáo Mata-Hari, nhưng Mata-Hari thì quả quyết là không đúng. Một vài sĩ-quan Pháp ganh ghét nàng cố tình làm hại nàng đó thôi.
Dù sao, mùa thu 1917, Mata-Hari bị tòa án quân sự Pháp kết án tử hình. Theo bản cáo-trạng, thì Mata-Hari làm nữ gián-điệp cho cả mấy nước Nga, Đức, Pháp, Ý, Anh, Holland, nhưng nàng đối với nước Pháp nguy hại hơn cả nên ngày 13-2-1917 nàng bị bắt. Ngày 24 và 25-7 nàng bị ra tòa và cuối cùng bị xử bắn.
Mặc dầu nhiều vị luật sư danh tiếng như Clunet và nhiều nhân chứng quan trọng, các nhà báo, nhà văn họa sĩ, Tổng trưởng, Đại-sứ, Sĩ-quan, Nghị-sĩ, Thủ-tướng, cố hết sức bào chữa cho nàng mà không được.
Sáng ngày thứ Hai 15-10-1917, Mata-Hari, một hoa hậu của Thế giới, có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đã chết một cách oanh liệt, không khóc. Nàng không xin không sợ, kiêu hãnh với một nụ cười tình tứ trên môi, trước một loạt súng của 12 người lính Pháp dưới sự chỉ huy của Đại-tá Semprou. Chính Đại-tá rưng rưng ngấn lệ sau khi truyền lịnh bắn người đẹp của muôn thuở.
Có sách chép rằng Mata-Hari vừa gục xuống vũng máu thì có một tên kỵ-mã cấp tốc phi ngựa tới pháp trường Vincennes đưa giấy ân xá của Tổng-thống Poincaré... Nhưng Mata-Hari không còn nữa!.

27.– EVA PÉRON, VỢ TỔNG THỐNG ARGENTINA
Một cô gái 17 tuổi, mồ-côi cha, thất-nghiệp, đi lang thang trong thủ đô kiếm việc làm.
Tên cô là Maria Eva Duarte, sinh ngày 7 tháng 5 năm 1919 trong xóm Los Toldos ở vùng ngoại-ô bình dân của Buenos-Aires, thủ-đô xứ Cộng-Hòa Argentine, Nam-Mỹ. Cha cô là một người thường dân, lấy một cô vợ trẻ không làm giấy giá thú, sinh được năm người con gái. Maria Eva Duarte là gái út. Mẹ cô sinh cô được mấy hôm thì người cha chết. Gia-đình nghèo túng, bà liền dọn đến ở một quận nhỏ gần thủ-đô. Nhờ mẹ cần kiệm, cô gái lớn được đi học, rồi làm công chức ở sở Bưu-điện. Bà dành dụm tiền, mở một nhà nội trú nuôi cơm tháng cho học-trò. Nhờ vậy mà bà gả được hai cô con gái cho hai cậu học-trò ở gác trọ nhà bà.
Maria Eva bấy giờ đã 16 tuổi, còn đi học, tính tình ranh mãnh nhất nhà. Bà mẹ cũng có ý định hễ có một cậu học-trò nào ở trọ nhà bà mà tỏ ý thương cô bé, thì bà sẽ gả nốt cô gái út cho người ta. Nhưng Eva không thích thế. Mặc dầu nhỏ tuổi, cô đã có ý tự lập, không muốn ỷ lại vào mẹ và chị, cũng không muốn lấy chồng học-trò. Có một viên sĩ-quan còn trẻ tuổi, ăn cơm tháng nhà bà, muốn ve-vãn Eva, bà mẹ bằng lòng. Nhưng cô nữ sinh 16 tuổi trề môi bảo mẹ: “Con không thèm làm vợ sĩ-quan. Một là con lấy chồng làm đại-tướng, hai là con lấy tài-tử ciné”. Mẹ cô ép gả cô cho viên sĩ-quan. Tức mình, cô bỏ nhà trốn lên Thủ-đô.
Trong túi không có được một đồng xu, Eva đi lang thang kiếm việc làm. Cô đến gõ cửa từng nhà để xin việc. Cô bằng lòng làm cả đứa ở. Với giọng nói cương quyết nhưng dễ thương, cô bảo: “Rửa chén bát, quét nhà, giặt đồ, hoặc làm thư-ký, đánh máy chữ, bán hàng, cháu làm được cả”. Nhưng ai cũng lắc đầu không nhận. Eva không thất vọng.
Nhân có cuộc thi tuyển ba cô điện thoại viên vào sở Bưu-điện, cô làm đơn ứng thí và thi đậu. Nhưng làm được mấy tháng cô chán nản bỏ việc để đi đóng ciné. Eva có sắc đẹp ăn-ảnh, nhưng vì không biết “chiều chuộng” đạo diễn, nên cô chỉ được đóng vai phụ trong một vài phim không có tiếng tăm. Cô muốn đóng với tài-tử lừng danh, nhưng đạo-diễn không cho. Cô tức giận bỏ đi. Đài phát thanh Belgrano cần dùng một nữ xướng ngôn viên, cô đến xin, nhờ nói năng tự nhiên và giọng tốt, cô được thâu nhận vào làm. Cô vừa được 17 tuổi.
MỘT CUỘC ĐỘNG ĐẤT LỚN LAO Ở TỈNH SAN JUAN, VÀ MỘT TIẾNG SÉT ĐÁNH VÀO TRÁI TIM ÔNG TỈNH TRƯỞNG
Eva làm nữ xướng ngôn viên đài Phát thanh Belgrano cho đến khi 25 tuổi, vẫn chưa chịu lấy chồng. Bao nhiêu người muốn yêu cô, cô không yêu. Hỏi cưới, cô không nhận. Người ta bảo: “Eva khó tánh quá nhỉ!”. Cô mỉm cười đáp: “Chưa gặp người yêu, chưa phải lúc yêu!”.
Mấy cô bạn gái chế nhạo Eva: “Chà! Làm cao dữ! Định chờ đến mấy chục tuổi mới lấy chồng?” Eva mỉm cười đáp:
- Chưa biết!
- Muốn kén ông chồng như thế nào đấy?
- Chưa biết!
Không phải cô gái 25 tuổi muốn làm cao. Lương xướng-ngôn-viên của cô mỗi tháng chỉ một ngàn rưỡi đồng, vừa cho cô tự túc, gọi là để sống cuộc đời bình dị, nghèo nàn, tạm bợ thế thôi. Nhan sắc tuyệt đẹp, tính tình rất vui vẻ, lịch-thiệp, nhưng không có người đàn ông nào lọt được vào mắt xanh của cô. Đôi mắt xanh màu da trời đã làm cho bao nhiêu người mê mệt, nhưng Eva vẫn thờ ơ, chưa thấy lòng rung động vì tình yêu...
Bỗng dưng một buổi sáng năm 1944, cả xứ Argentine và khắp thế giới xúc động vì một tin kinh khủng: thành phố San Juan bị một trận động đất ghê gớm, trong giây phút có trên mấy ngàn người chết! Và mấy chục ngàn người không có nhà ở. Nhà cửa lâu đài, sụp đổ ngổn ngang, cả thành phố bị tiêu diệt gần hết. Tỉnh trưởng San Juan, là một Đại-tá tên là Juan Péron, tức tốc lên phi cơ bay về thủ đô để cầu cứu với chính phủ.
Ông được phép kêu gọi thế giới giúp đỡ tiền của và dụng cụ để cấp cứu tai nạn. Ông đi thẳng đến Đài Phát thanh, hỏi ông Giám-đốc:
Tôi cần một cô xướng ngôn viên có giọng nói thật tốt và thật cảm động để đọc lời kêu gọi của tôi.
Ông Giám-đốc trả lời liền:
- Thưa Đại tá, chúng tôi có cô Maria Eva Duarte.
Ông Giám-đốc cho gọi Eva đến trình diện với Đại tá, Eva và Juan Péron gặp nhau, bỗng dưng như có tiếng sét đánh xẹt vào hai trái tim. Bốn mắt chạm nhau, thông cảm nhau ngay trong phút đầu tiên.
Péron trao cho Eva một tờ giấy, và bảo:
- Cô hiểu tôi muốn gì chứ? Tiếng nói của cô sẽ là tiếng lòng của tôi, truyền ra trên các làn sóng điện, để cứu mấy vạn người đang quằn quại đau thương ở San Juan. Tôi tin hoàn toàn nơi cô.
Eva khẽ gật đầu, cầm tờ giấy đến trước máy phát thanh, đọc. Péron nghe hết từ đầu đến cuối. Giọng nói của Eva vô cùng cảm động, tha thiết, hồi hộp, đau thương, khiến chính ông là tác giả cũng phải rưng rưng ứa hai dòng lệ. Eva đọc xong, đọc lại một lần nữa, cảm động hơn nữa.
Xong, tay còn run run, cô trả tờ giấy lại cho Đại tá. Péron xúc động quá, nắm bàn tay Eva, khẽ bảo:
- Cảm ơn cô Eva, Dân chúng San Juan xin cảm ơn cô.
Chiều hôm ấy, ông mời Maria Eva Duarte đi dùng bữa với ông tại Le Tigre, một tiệm ăn thơ mộng nhất ở thủ đô Buenos-Aires. Trong câu chuyện thân mật giữa hai người, Đại tá Juan Peron thú thật:
- Tôi có vợ, những đã ly dị từ lâu. Còn cô?
- Tôi chưa có chồng.
- Cô bao nhiêu tuổi?
- 25. Còn ông?
- 49.
Hai người nhìn nhau, mỉm cười, im lặng. Hai tia mắt đã phối hợp êm đềm và chặt chẽ cuộc tình duyên bất ngờ của hai số kiếp.
Từ hôm ấy, chiều nào người ta cũng thấy chiếc xe hơi của Đại-tá Péron đến đậu trước cổng Đài Phát thanh Belgrano để đón cô Eva.
Nhờ sự tận tâm cứu vãn tai nạn San Juan và sự tuyên truyền khôn khéo của Eva, Đại-tá Péron được uy tín lớn đối với dân chúng và chính phủ. Ông được gọi về Thủ-đô, làm Phó Tổng-Thống, kiêm Bộ-trưởng Bộ Lao-động và Bộ Quốc-Phòng. Eva vẫn còn làm xướng ngôn viên ở Đài phát thanh để cổ động dân chúng ủng hộ Péron.
Hình như đôi tình nhân đã sắp đặt với nhau một kế hoạch tuyên truyền khéo léo để Péron được nhân dân ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng-Thống sắp tới, tháng Hai năm 1946.
Ở Đài Phát thanh, Eva luôn luôn lợi dụng các câu hỏi để cổ động cho người yêu, và đề cao những tác phong chính trị và xã hội của ông.
Mấy cô bạn gái của Eva biết rõ cuộc ái-ân say mê của nàng với Đại-tá Péron, nhưng vẫn nhạo báng nàng, vờ như không biết.
- Thế nào chị Eva, chừng nào chị lấy chống đấy?
Eva vẫn mỉm cười như xưa:
- Chưa biết.
- Chị muốn kén người chồng như thế nào?
- Chưa biết.
MỘT MÌNH NÀNG CHỈ HUY 50.000 NGƯỜI DÂN ĐÓI RÁCH "KHÔNG CÓ ÁO SƠ MI", CHIẾM DINH TỔNG THỐNG...
Giữa lúc uy thế của Péron đang tăng cường nhờ sự cổ động rất khôn lanh của Eva, thì một vị Trung-tướng, tên là Avalos, ganh-ghét Péron, liền nổi loạn, gây một cuộc đảo chính, ngày 12 tháng 10 năm 1945. Mục-đích cuộc đảo chính là bắt Péron bỏ tù, và đuổi Eva Duarte ra khỏi Đài phát thanh. Cuộc đảo chính của Evalos thành công và Péron bị đày ra đảo Martin Garcia. Eva cũng bị viên Giám-Đốc Đài phát thanh đuổi ra khỏi sở. Nàng cười gằng, hỏi viên Giám-Đốc:
- Vì lý do gì, ông đuổi tôi?
Viên Giám-Đốc, mặt lạnh như chì, chỉ trả lời:
- Lịnh của Chính-phủ.
Nàng chỉ ngón tay vào mặt ông:
- Được rồi. Tôi sẽ trở lại đây, rồi ông sẽ biết tôi!
Về đến nhà, nàng gục đầu xuống gối khóc nức nở, Péron đã bị bắt, và bị đưa đi đày, không kịp tin cho nàng hay, nàng cũng không kịp đến gặp mặt người yêu. Nàng mở bóp lấy tấm ảnh của Péron, ôm ấp vào ngực, rồi đưa lên môi hôn. Nàng hôn say mê bóng người yêu xa vắng, mỉm cười nhìn bóng, và khẽ bảo với bóng:
- Em sẽ trả thù cho mình... Em sẽ trả thù cho chúng ta!
Nàng vui mừng nhớ lại lễ thành hôn của Péron và nàng đã tổ chức bí mật tại làng Magdaléna, chỉ ba hôm trước khi người yêu bị bắt đi đày. Bây giờ nàng là vợ chính thức của Péron và nàng đã đổi tên là Evita Péron, nhưng trong chính phủ chưa ai biết. Nàng và chồng muốn tạm giấu lễ thành hôn ấy là để tiện cho công việc hoạt động bí mật của nàng trong cuộc bầu cử Tổng-Thống sắp tới.
Nhưng nàng sung sướng tưởng mình đang có thai, té ra không phải. Evita chép trong nhật ký: “Thượng đế chưa muốn cho ta có con vội trong lúc ta còn phấn đấu quyết liệt cho người yêu trở về với ta. Nhưng ta và chàng sẽ sung sướng xiết bao nếu khi chàng lên ghế Tổng-Thống ta sẽ tặng chàng một đứa con yêu quý!”
Bây giờ mặc dầu người yêu của Evita là một tên tù bị lưu đày ra một hòn cù lao giữa biển, nàng vẫn cương quyết tranh đấu cho chàng sẽ được trở về và đắc cử Tổng-thống. Nàng tin tưởng như thế, vì nàng hiểu rõ tình hình chính trị và xã hội của nước Cộng Hòa Argentine đang khao khát một biến đổi cho đời sống của nhân dân được tốt đẹp hơn.
Nàng bắt đầu đi vận động. Nàng khéo hô hào, kêu gọi những lớp bình dân thiếu ăn thiếu mặc, mà nàng gọi là descamisados “những kẻ không có áo sơ-mi”. Chỉ 5 ngày sau hôm Đại-tá Péron bị bắt đi đày, một mình Evita vận động trong thủ-đô Buenos-Aires được 50.000 người “không có áo sơ-mi”, do chính nàng làm lãnh tụ, chỉ một cuộc biểu tình khổng lồ trước dinh Tổng-thống, ngày 17 tháng 10-1945, và đi diễn khắp trong thành phố giăng biểu ngữ và la to một khẩu hiệu duy nhất: “Chúng tôi muốn Péron về!”
Đoàn người “không có áo sơ-mi” hung hăng kéo vào chiếm dinh Tổng-thống, và cương quyết đòi cho được Péron về để tranh cử Tổng-thống. Chính-phủ hoảng sợ, và muốn tránh cuộc nổi loạn của dân chúng, vội vàng cho người ra cù lao rước Đại-tá Péron về.
Evita đã thắng rất vẻ vang được giai đoạn đầu, và chính quyền đã bắt đầu kinh sợ nàng. Nhưng còn ba tháng nữa mới đến ngày bầu cử Tổng-thống mới. Một hôm Evita đến Đài phát thanh báo với viên Giám-đốc Yankevitch:
- Trước hết, ông phải trả đủ số tiền lương của tôi từ hôm ông đuổi tôi vô cớ, để tôi thất nghiệp cho đến nay. Rồi ông giao tất cả các cơ-quan của Đài phát thanh cho tôi sử dụng, để vận động cuộc tranh cử Tổng-thống cho Đại-tá Péron.
Viên Giám-đốc còn ngoan cố, hỏi khinh khỉnh:
- Cô lấy quyền gì đòi hỏi vô lý như thế?
Evita rút trong bóp ra tờ hôn thú của nàng đã ký với Péron còn mới tinh, chìa ra trước mặt viên Giám-đốc:
- Ngó vào đây nầy, đồ ngốc!
Yankevitch là một người Nga nhập quốc tịch Argentine, trố mắt nhìn tờ giấy giá thú của Evita Péron, rồi hoảng hồn, cúi đầu, khúm núm:
- Tôi xin bà Đại-tá tha lỗi cho tôi. Và xin bà cứ tự tiện sử dụng đài phát thanh từ hôm nay. Tôi xin sẵn sàng ủng hộ Bà và Đại-tá Péron.
Ngày 24 tháng 2 năm sau, 1946, Péron được đại đa số phiếu bầu lên làm Tổng-Thống. Thế là Eva Duarte, cô gái nhà nghèo mồ côi cha, ở ngoại ô kinh thành, thất nghiệp, đi lang thang xin việc hồi 10 năm trước không ai dùng, nay đã nghiễm nhiên thành Bà Tổng-Thống Eva Péron, lừng danh cả Thế-giới!
NHƯ NÀNG KIỀU SAU KHI LẤY TỪ HẢI...
JUAN PÉRON được bầu cử lên làm Tổng-Thống xứ Cộng-Hòa Argentine, liền mua tặng vợ một chiếc áo ấm bằng lông thú trị giá 5 triệu đồng, và các đồ nữ trang trên 5 triệu, để tạ ơn nàng đã vận động đám dân nghèo, đa số quần chúng “không có áo sơ-mi” bỏ phiếu cho ông đắc cử. Eva, lúc bấy giờ đã nghiễm nhiên làm Bà Tổng-Thống “đệ nhất phu-nhân” trong nước, không chịu ngồi không để hưởng cái địa vị cao sang tột bực ấy. Nàng quyết làm sao cho tiếng tăm của nàng được lừng lẫy thế-giới, được làm chúa tể cả nước, làm lãnh tụ thật sự của 17 triệu dân Argentine. Nàng dựa vào đám dân nghèo, làm đầu cơ chính-trị để củng cố địa vị của Péron và của nàng. Nàng lập ra một đảng cần-lao, gọi là Descamisados (Những kẻ không có áo sơ-mi) quy tụ tất cả những người bình dân lao-động, nhất là phụ-nữ, mà nàng cho tăng lương và biếu quà bánh, vuốt-ve o-bế họ. Một mặt, nàng dùng chánh-sách mị-dân đối với lao-động để họ ủng-hộ nàng, một mặt nàng trả thù lại tất cả những kẻ đã đối xử với nàng không tốt trong lúc nàng chưa “lên chưn”. Cũng như nàng Kiều sau khi được Từ-Hải lấy làm vợ, lập tức lấy ân báo ân, lấy oán báo oán, Evita Péron cũng dựa vào uy quyền của chồng, đuổi hết những nhân viên Đài phát thanh, bắt đầu từ viên Giám-Đốc đã khinh miệt nàng. Nàng giải tán các hãng sản xuất ciné đã cho nàng đóng các vai phụ. Nàng bỏ tù những kẻ đã làm trái ý nàng, hoặc đã ganh ghét nàng về những vấn đề cá nhân vụn vặt. Nàng lấy quyền thế tranh giành các mối lợi lớn, chiếm độc quyền các kinh doanh, xây dựng cho nàng một tư bổn hàng mấy trăm triệu. Nàng là cột trụ trong các hội buôn kết-xù, như hội Alésa mà đại-diện là nhà tỷ phú Miguel Miranda, hội Hàng Không và Xuất nhập cảng mà đại diện là kỹ sư Dodero và vợ của y là Betty, đôi bạn thân nhất của cặp vợ chồng Péron. Nàng gởi tiền nơi các ngân hàng Thụy-sĩ, xây cất lâu đài nhà cửa ở hai xứ Brésil và Uruguay.
Nàng đem người em trai của nàng là Juancito vào làm Chánh văn phòng của Tổng thống Péron. Chị của nàng là Elisa, một nữ công chức thường của ty Bưu điện, được nàng cho làm Tỉnh trưởng tỉnh Uunin. Hai người chồng của hai người chị khác được làm Tổng Giám-đốc các sở. Một tình nhân của mẹ nàng, là Enrique Nicolin, nhân viên Bưu điện, được lên làm Tổng Giám đốc Bưu chính và Viễn thông.
Người ta kể chuyện một hôm người em trai của nàng, là Juancito, Chánh văn phòng của Péron, ngồi ăn trong một nhà hàng lớn với một cô nhân tình làm đào hát mà chàng ta vừa tặng một chiếc xe hơi Mỹ. Trong lúc nói chuyện, cô tình nhân vui miệng nói một lời mỉa mai Eva Péron. Tức thì chàng đứng dậy, đi thẳng ra sân nhà hàng châm lửa đốt luôn chiếc xe hơi Mỹ.
EVA PERON RA ỨNG CỬ PHÓ TỔNG THỐNG
Hai năm sau khi Juan Péron lên làm Tổng thống Cộng Hòa Argentine, Eva đi du lịch Âu châu, định để gây thêm uy tín. Lúc bấy giờ cả thế giới đã khét tiếng Eva, một thiếu phụ trẻ đẹp, mà oai quyền lớn lao và hung dữ ở xứ Cộng Hòa Argentine, vợ của một vị Tổng thống độc tài chuyên chế. Cuộc du lịch ngoại giao của nàng năm 1948 đã làm xôn xao dư luận Âu-Mỹ. Trước hết nàng định đến viếng nước Espagne (Y Pha Nho) vì được Đại tướng Franco, quốc trưởng xứ nầy, mời nàng qua để tặng nàng một huy chương đặc biệt. Nàng cho chở trên chiếc phi cơ riêng của nàng mấy chục thùng nữ trang, đầy ngập những áo và nữ trang quí giá mà nàng đặt mua ở kinh đô Buénos Aires. Tổng cộng các hóa đơn gởi đến dinh Tổng thống còn nặng hơn ngân sách hàng năm của bộ Quốc phòng Argentine!
Tổng thống Péron thấy vậy bèn la rầy vợ, và yêu cầu nàng trả lại bớt đồ nữ trang cho các tiệm kim hoàn, chỉ giữ lại một số vừa phải thôi. Eva không nghe, nhất định đem theo tất cả, và cũng không trả tiền các hóa đơn.
Tháng 11, 1948, nàng sang viếng nước Pháp, đem theo 40 va-li, áo, nón, giày, và nữ trang, trên mỗi va li đều có đề tên nàng thật lớn bằng chữ đỏ. Nàng được Tổng-Thống Pháp Vincent Auriol mời ở điện Rambouillet. Trước khi từ giã Paris, nàng có mua sắm các đồ nữ trang quý giá và các kiểu áo đẹp nhất của hai nhà may danh tiếng Fath và Dior, trị giá tất cả 20 triệu quan. Đến nước Ý, Eva Péron được Tổng-thống Ý, Alcide de Gaspéri, tặng một chiếc Alfa-Roméo, và một con chó sói bằng cẩm thạch mà ông sai người mang ra để trong phi cơ riêng của nàng trong đêm trước khi nàng từ biệt La-Mã. Nàng có đến viếng Giáo Hoàng Pie XII và nàng đi trễ 20 phút, vì đến phút chót trước giờ hẹn, nàng muốn đến một tiệm kim hoàn lớn nhất ở Rome mua một hột kim cương đẹp nhất, đắt tiền nhất, đeo trước ngực để vào yết kiến Giáo-Hoàng. Eva Péron mặc đồ đen, nhưng nàng để tóc xõa xuống đến dây nịt, và hột kim cương chói lọi sáng ngời trên ngực, khiến cho Pie XII cũng phải khó chịu. Lúc về Argentine, nàng gởi tặng Đức Giáo-hoàng mười chiếc tàu chở đầy lúa mì. Nàng muốn sang nước Anh để được Nữ-Hoàng Elisabeth đón tiếp, nhưng lúc nàng đến nước Pháp, Elisabeth chỉ gởi điện tín chào mà không mời nàng sang viếng nước Anh.
Eva, một cô gái nghèo thất nghiệp xưa kia, rất hãnh diện trong cuộc du lịch nầy với tư cách vợ ông Tổng-Thống Cộng Hòa Argentine. Nhưng sự Nữ-hoàng Elisabeth của Anh quốc không muốn tiếp nàng, và cả Tổng-Thống Hoa-Kỳ cũng không mời nàng đến Washington, làm cho nàng ốt nhột và xấu hổ với dân chúng Argentine. Vì thế, khi nàng về nước, nàng quyết vận động làm Phó Tổng-Thống để được chính thức sang viếng nước Anh và nước Mỹ.
Nàng đã làm Bộ-trưởng Bộ Lao-Động, và tìm cách mua chuộc cảm tình của quần chúng cần-lao để đến kỳ bầu cử Phó Tổng-Thống họ sẽ bỏ phiếu cho nàng. Nàng tăng lương cho thợ thuyền 40%, cho công-chức Bưu-điện 70%, mặc dầu nền kinh-tế của Cộng-hòa Argentine đang bị khủng hoảng. Nàng lập ra các viện tế bần, đặt tên là viện Evita Péron (Evita là tên nàng mới đặt từ khi nàng lấy Juan Péron), các tổ chức xã-hội để cứu giúp phụ-nữ, các hợp-tác-xã phụ-nữ, v.v... Không phải vì nàng thương xót kẻ nghèo, nhưng chỉ có mục đích đầu cơ chính-trị, để mong sau nầy phe Descamisados sẽ ủng hộ nàng lên làm Phó Tổng-Thống, rồi sẽ kế vị chồng mà lên chức Tổng-Thống. Ngày lễ Noel, nàng phân phát cho nhi đồng 5 triệu đồ chơi, từ con pu-pê đến chiếc xe máy, và biếu cho cha mẹ các em 4 triệu chai “pane dulce”, là thứ nước cam của Argentine. Nàng tổ chức một trận đá bóng tròn cho thiếu niên cần lao và tặng 1.500.000. Những số tiền kết xù như thế, đâu có phải của riêng nàng. Chính là tiền công quỹ mà nàng bắt buộc Quốc-Hội Cộng Hòa Argentine chấp thuận lấy trong ngân sách ra, để cho viện Evita Péron nhân danh “Tổng-Thống phu nhân” tặng các nhi đồng và phụ nữ cần lao.
Nhưng mặc dầu nàng khôn khéo sắp đặt, tổ chức các cơ quan để ủng hộ tham vọng của nàng, đến kỳ bầu cử Phó Tổng-Thống nàng ghi tên ra ứng cử, nhưng bị thất bại nặng nề. Nàng định tổ-chức một cuộc mít-tin khổng lồ để diễn thuyết, và cổ động cho nàng, nàng cho các trường nghỉ học, các sở nghỉ việc, để người đi nghe cho đông, nhưng không hiểu sao, chỉ có 250.000 người, hầu hết là các cô các bà bị bắt buộc phải đi dự cuộc biểu tình. Còn đàn ông, và các bạn cần lao đều không đến dự. Quân-đội Cộng-Hòa Argentine thì nhiệt liệt phản đối việc Eva Péron ra ứng cử Phó Tổng-Thống. Họ cho rằng nếu Tổng-Thống chết thì tự nhiên, theo Hiến-pháp, phó Tổng-Thống sẽ lên thay thế chức Tổng-Thống và sẽ là Tổng-Tư-lệnh Quân-đội.
Vì vậy, cuộc tranh cử Phó Tổng-Thống của Eva Péron bị thất bại chua chát. Muốn cứu vớt danh dự, nàng tuyên bố với báo chí: “Xét kỹ lại, vì tôi chưa đến 30 tuổi là tuổi bắt buộc để tranh cử chức Phó Tổng-Thống nên tôi rút lui”.
LÊN VOI, RỒI XUỐNG CHÓ
Tháng 8 năm 1951, Eva Péron ốm nặng. Các báo đăng tin rằng ngày 6 tháng 11, một Bác sĩ Mỹ có danh tiếng về khoa ung thư, George T. Peck, được Tổng Thống Péron mời đến chữa bệnh cho Tổng Thống phu nhân. Nhưng Eva bị ung thư dạ dày khá nặng, càng ngày càng ốm yếu sụt xuống còn 35 cân, không có thuốc nào cứu chữa được.
Ngày 4-8-1952, Eva từ trần.
Theo lệnh của Tổng-Thống Juan Péron, xứ Cộng-Hòa Argentine phải để quốc tang cho Tổng-Thống phu-nhân. Một số phụ-nữ truy tôn nàng lên bậc “Nữ Thánh Evita”, nhưng Gia-tô-giáo phản đối.
Thi hài của nàng mặc áo lụa trắng, được tẩm nước hoa nằm trong hòm kiến đặt ở Bộ Lao Động, và thợ thuyền của đảng Cần lao Descamisados phải túc trực hầu hạ trong 360 ngày, chờ xây xong lăng tẩm của nàng mới cử hành đám táng. Mỗi buổi sáng, đúng 8 giờ, toàn thể dân chúng phải đứng im lặng mặc niệm trong 15 phút, bất cứ nắng mưa. Đàn ông đều phải đeo cà-vạt đen, và băng đen nơi cánh tay. Trước các cửa ngỏ, từng nhà một, phải thắp nến, và trên các vách tường công sở, tư sở, tư gia, đều phải vẽ hình Eva Péron để truy niệm. Tại công trường Mayo, ở trung ương Thủ-đô Buenos-Aires, tòa Đô chánh có dựng lên một bức hình lớn nhất.
Chính phủ đúc nhiều pho tượng của nàng, dựng lên nhiều nơi. Nhà Bưu-điện ngưng bán các loại tem, đợi một loại tem mới có in hình Eva Péron, sẽ phát hành trong toàn quốc. Trong Lịch-sử thế-giới, chưa có nước nào, và chưa có lần nào, một người đàn bà chết mà được chính-phủ trọng vọng và truy tôn đến thế.
Nhưng được bao lâu?
Chỉ mấy năm sau thôi, cách mạng nổ bùng do cuộc đảo chánh bất ngờ của Quân đội Cộng-hòa Argentine. Tổng-thống Juan Péron bị lật đổ, chạy trốn sang một xứ láng giềng. Phe quân nhân đảo chính lập chính phủ mới. Tức thì hôm sau, tất cả các pho tượng của Eva Péron bị dân chúng hạ bệ, nằm ngổn ngang trên các đường phố đầy ngập những bức ảnh Eva Péron bị xé vứt lung tung. Những vết tích gì của Eva Péron đều bị xóa bỏ hết.
Tổng-thống Juan Péron chạy trốn với một cô nữ-sinh rất đẹp, tình nhân của ông, mới thi đỗ tú-tài.
Ông chạy trốn, không kịp đem theo vàng bạc châu báu và 16 chiếc xe hơi Hoa kỳ của riêng ông và của Eva!...

28.– SVETLANA
Sau khi Lénine chết, tháng 1 năm 1924, Đại hội Cộng sản Liên Nga họp để cử người thay thế vị lãnh tụ tối cao của Cộng sản Đệ tam Quốc Tế. Bà Kroupskaia, quả phụ của Lénine, yêu cầu đọc bản di chúc chính trị của chồng bà để cho toàn thể Đại hội nghe.
Trong bản di chúc, Lénine nhấn mạnh sự cần thiết phải tách rời Staline ra khỏi ghế Tổng bí thư đảng và “thay thế vào chức vị đó một đồng chí khác, trung tín hơn, và không có lợi dụng uy quyền để phục vụ cá nhân”.
Trong quyển hồi ký “Với Staline ở Kremlin”, viên cựu thư ký của Staline, là Bajanov có ghi một đoạn như sau đây:
“... Nhìn gương mặt tái mét của Staline thật là đáng thương. Ngồi trên dãy ghế chủ tịch đoàn, đầu cúi gằm xuống, đôi mắt nhắm lại có vẻ như đang tập trung ý nghĩ để đối phó, ông lặng thinh, nhưng người ta thấy rõ thần kinh hệ của ông đang bị căng thẳng phi thường.
May mắn cho ông, giữa không khí im lặng nặng nề của phòng họp, đồng chí Zinoviev đứng dậy tuyên bố nhân danh chủ tịch phái đoàn Leningrad, duy trì Staline ở lại chức vụ Tổng bí thư đảng. Thế là Zinoviev cứu được Staline. Lúc bấy giờ cầu chì công tơ điện của Kremlin bị hư, phòng Saint André nơi nhóm họp Đại hội bị chìm trong tối. Người ta thắp mấy ngọn đèn nến. Nhờ không khí lu mờ, nửa tối nửa sáng đó, Staline mới có can đảm đứng dậy, nói:
- Tôi xin Đại hội thi hành di chúc của Ilitch. Tôi xin từ chức.
Nhưng đó chỉ là một thủ đoạn, có lẽ đã sắp đặt trước, cho nên Zinoviev đứng dậy, nói rống lên:
- Đại hội đã thông qua vấn đề này rồi. Không cần bàn cãi nữa.
Staline liền nói tiếp:
- Nếu thế thì tôi xin tuân theo quyết định của Đại hội.
Công-tơ điện đã được sửa chữa, đèn điện lại được bật lên, sáng trưng phòng họp. Staline mỉm cười, vui mừng được đa số đồng chí chấp thuận cho ông giữ nguyên chức vụ cũ...”
Không bao lâu, nắm được trọn vẹn chính quyền trong tay, Staline thủ tiêu dần dần các đồng chí cũ đã giúp ông. Zinoviev cũng bị thanh toán luôn, và Staline trở nên một nhà chính trị độc tài tàn bạo và thâm hiểm nhất của nhân loại tự cổ chí kim, ngồi trên đầu trên cổ một dân tộc Một-trăm-sáu-mươi-lăm triệu người.
Không quá 10 năm, Djugachvili Staline, con của một thợ đóng giày ở Georgie, đã được Cộng Sản Đệ Tạm Quốc Tế suy tôn là “vị cha thiên tài của các dân tộc” (Le Père génial des Peuples).
BÀ VỢ THỨ NHẤT: EKATERINA SVANIDZÉ
Người này giúp cho ông rất nhiều trong những năm ông còn nghèo và chưa có chức vị gì. Quê mùa, không có học thức, nhưng rất tận tụy, lo cho chồng, và có với ông được một con trai, Iacha. Ông bỏ bê người con này, giao phó cho mẹ ông, bà Ekaterina Dougachvili mà ông thường gọi bằng tên tắt là Kéké. Iacha, năm 1943, bị quân Đức bắt làm tù binh và bị bắn chết trong trại giam.
Bà Svanidzé chết vì bịnh năm 1909, trước khi Cách mạng cộng sản thành công.
NGƯỜI VỢ THỨ HAI: NADEJDA ALLILOUEVA
Bà này là cựu nữ sinh viên Y khoa đã đỗ bằng bác sĩ, nhỏ hơn ông 27 tuổi. Lấy nhau không cưới hỏi, bà ở với ông được hai người con: một gái là cô Svetlana và một trai, Bazile.
Ông đã ở địa vị tối cao của Đảng và của chánh phủ, được bà vợ trẻ rất tận tâm săn sóc, yêu thương. Nhưng tính tình tự do, khoáng đạt vì do ảnh hưởng văn nghệ, bà vẫn ghê tởm chánh sách sát máu, mật vụ, G.P.U, M.V.D., của ông chồng độc tài quá tàn bạo. Bà cảm thấy rõ ràng dân chúng sợ hãi chồng bà hơn là thương mến, tôn sùng.
Không thích ở điện Kremlin với Staline, bà thường trực ở Datcha (biệt thự) Gorinka, cách thủ đô Moscou 45 kí-lô-mét. Datcha này rất sang trọng, lộng lẫy, có vườn rộng, có hồ tắm tân tiến, có bồi bếp, vú em, hầu hạ như một bà Hoàng. Staline cũng thường về đây nghỉ ngơi, sống đời vương giả không kém một vị Hoàng đế của thời Nga phong kiến. Nhưng hai vợ chồng cãi lộn luôn vì bất đồng tư tưởng chính trị. Bà thích tự do, ông thích độc tài. Thấy hai người con của ông, Svetlana và Bazile thường chứng kiến những cuộc cãi cọ, có nhiều khi xô xát giữa ông và bà, ông nổi giận tống hai người con về bên ngoại.
Ông lại truyền lệnh cho Iagoda, trưởng phòng mật vụ của ông dò xét hành động của bà. Thế rồi một hôm, ngày 5.10.1932, người ta thấy bà Nadejdo Alliloueva (gọi tắt là Nadia) đến điện Kremlin, gọi điện thoại nói chuyện với ông chồng. Staline đang làm việc ở văn phòng Trung Ương Đảng bộ, gần đấy. Không ai nghe rõ câu chuyện cãi cọ giữa hai ông bà như thế nào, chỉ biết rằng 15 phút sau đó bà rút súng lục trong bóp ra, tự bắn hai phát vào ngực, ngã gục xuống chết liền trong vũng máu.
Staline tỏ vẻ ân hận về cái chết của cô vợ trẻ, nhưng truyền lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ phải giấu nhẹm cái tin bi kịch này. Hơn một tháng sau, ngày 8.11.1932, đài phát thanh Moscou mới được phép loan tin “bà chết vì bị bịnh nặng”.
Nữ bác sĩ Rosenfeld, bạn thân của bà, phản đối cái tin đó, và nói cho nhiều người biết rằng bà Alliloueva không bị bịnh gì cả, chính bà đã tự tử bằng súng lục để phản đối chính sách tàn bạo dã man của Staline. Thế là hai hôm sau, bà bác sĩ Rosenfeld bị mật vụ bắt và đày đi Sibérie.
NGƯỜI VỢ THỨ BA: ROSA KAGANOVICH
Bà này cũng trẻ, đẹp và lấy Staline cũng không có làm lễ cưới hỏi. Bà nguyên là một nữ công nhân làm việc ở nhà máy sợi Tadikestan. Staline đi kinh lý, thăm nhà máy, trông thấy cô gái duyên dáng 17 tuổi đang trông nom một máy dệt.
Ông truyền lệnh đưa cô vợ về làm vợ. Rosa tỏ ra một tay nội trợ rất thành thạo, về xã giao cũng khôn khéo vô cùng. Một tuần hai lần, cô tổ chức những cuộc tiếp tân và các dạ hội khiêu vũ rất đông đảo và hào hứng với sự tham gia vui vẻ của Staline.
Datcha (biệt điện) Gorinka trở thành nơi gặp gỡ của tất cả Ngoại giao đoàn, Sứ thần ngoại quốc và các nhân vật cao cấp của “nhà nước Nga xô” cùng các phu nhân của họ.
Nhưng Staline vẫn tiếp tục chính sách khủng bố tàn ác của chế độ độc tài cộng sản.
Tháng 12.1934, Kirov, một đồng chí cao cấp của Staline, bị ám sát. Kế tiếp 3.000 cán bộ cấp cao khác bị bắt vì “phản cách mạng”. Tháng 9.1940, Staline trao quyền mật vụ cho Béria...
Đến lượt bà Rosa Kaganovich, phu nhân thứ ba, cũng bị tình nghi “phản động”. Nhưng Rosa, thấy gương của bà vợ thứ hai, liền tuyên bố ly dị và biến mất. Năm 1941, không ai thấy bóng dáng của bà vợ trẻ đẹp, thông minh, lịch thiệp và duyên dáng kia đâu cả. Có dư luận đồn rằng bà bị mật vụ của Staline thủ tiêu. Mãi sau này, khi Staline chết rồi và bị Krouchev hạ bệ, Rosa mới xuất đầu lộ diện...
Té ra năm 1941, bà đã trốn đến vùng Oural bao la rừng núi và nơi đây bà đã bí mật kết hôn với một bác sĩ ở bệnh viện Sverdlovsk...
Tháng 10.1939, Staline sắp sửa làm lễ ăn mừng 60 tuổi, thì xảy ra vụ cô con gái cưng của ông. Cả Moscou, trong chính phủ, trong Đảng, cũng như trong ngoại giao đoàn, ai cũng biết rằng Staline rất quyến luyến cô con gái lớn độc nhất của ông. Svetlana được chiều chuộng hết sức. Ông mời một bà giáo sư Pháp ở Paris và một bà giáo sư Anh ở London sang Moscou để dậy cô học Pháp ngữ và Anh ngữ. Bây giờ Svetlana nói và rất thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức. Cô giao thiệp với nhiều bạn trai ở Đại học Moscou, trong đám này có sinh viên Mark Friedmann, người Đức, được cô yêu say mê. Cả hai đều là “đoàn viên thanh niên cộng sản”.
Svetlana nói cho cha biết lòng cô quyết định thành hôn với ý trung nhân. Staline cau mày, làm thinh. Hôm sau, cậu tình nhân đau khổ bị Tổng giám đốc Mật vụ, Béria, gọi đến văn phòng, và được đưa lên xe lửa đầy đi tuốt xuống tỉnh Magadan, trên bờ biển Thái bình Dương của hải phận Nga.
Được tin, Svetlana hăm dọa tìm cách đi theo người yêu. Thế rồi nàng biến mất, Staline, lần đầu tiên ngồi trong điện Kremlin, hai tay ôm mặt khóc nức nở. Ông truyền lịnh cho Béria phải tìm cho được con gái ông trong 24 tiếng đồng hồ, và cứ mỗi giờ, bất cứ ngày đêm, phải báo cáo cho ông biết kết quả cuộc lùng kiếm ấy.
Béria tìm được nàng trong nhà một cô bạn gái của nàng ở ngoại ô Moscou. Lập tức nàng được đưa về điện Kremlin. Bị ông bố làm dữ, cô con gái đành phải hứa với ông là không kết hôn với Mark Fiedmann, nhưng cô đòi phải tức khắc đưa chàng về Moscou và để chàng tiếp tục học ở Đại học. Staline chấp nhận và Friedmann được trả về Đại học.
Rốt cuộc rồi, năm 1945, Svetlana cũng... lấy cho được người yêu.
Em trai của Svetlana, Bazile phục vụ trong Quân đội, được làm Đại tá Không quân Nga năm 1945, Chuẩn tướng năm 1948, Thiếu tướng năm 1952. Nhưng chàng cứ ở luôn trong trại với đồng đội, không thích về ở với cha.
Một thời gian được hưởng tình yêu trọn vẹn, nhưng không có con, Svetlana và Friedmann gây lộn với nhau về vấn đề gia đình rồi cũng ly dị.
Svetlana lấy một người chồng thứ hai là một sĩ quan, rồi người chồng thứ ba là một lãnh tụ thanh niên cộng sản Ấn độ, tên là Singh, sinh viên ở Moscou. Không được bao lâu, Singh chết vì bịnh lao.
Đầu năm 1967, Svetlana xin phép chính phủ Sô-viết cho nàng đem xác của người chồng về Ấn Độ để làm lễ hỏa thiêu cho chàng và rắc tro chàng xuống Hằng Hà (Gange) theo phong tục Ấn độ.
Chính phủ Sô-viết chấp thuận, và nàng đi máy bay, chở cốt của Singh về New Delhi.
Nhưng nàng trốn luôn không về Nga nữa, để đi tìm Tự do ở tòa Đại Sứ Mỹ.
Tránh rắc rối về ngoại giao với Nga sô, Chính phủ Mỹ không chấp thuận lời yêu cầu của con gái Staline.
Svetlana phải đến tạm trú tại vùng Cherland, Thụy Sĩ, chờ cơ hội thuận tiện.
Hiện nay, Svetlana đã ở luôn Hoa Kỳ, nhập tịch dân Mỹ và viết sách tố cáo chế độ độc tài cộng sản...

29.– ANASTASIA, Công chúa Nga
Trên mười quyển sách đã viết ra từ năm 1921 đến 1963, và trên 30 nhân chứng được mời ra trước tòa án Hambourg ngày 15-5-1961, một phim xi-nê “Anastasia” do Juliette Greco đóng vai chính xuất hiện trên màn ảnh thế giới năm 1955, chỉ vì một công chúa nước Nga 17 tuổi mà ai cũng tưởng đã bị giết chết rồi nhưng bỗng dưng “sống lại”. Vụ Anastasia đã làm sôi nổi dư luận quốc tế hồi Tiền Chiến, và sau Đệ Nhị Thế Chiến, lại được bùng lên, khiến cho mọi người thắc mắc phân vân.
Muốn hiểu rõ sự bí mật ly kỳ này, tôi mời bạn trở lui lại Lịch sử nước Nga trước đây khoảng 50 năm.
1917, Đệ Nhất Thế chiến đã kéo dài 3 năm, quân Nga bại trận. Thừa dịp ấy, ngày 12-3-1917, dân chúng Nga nổi dậy sau khi không chịu đựng được nữa những áp bức dồn dập bằng vũ lực và chính trị hà khắc của Nga Hoàng. Công việc đầu tiên của Đảng cách mạng lên cầm quyền là bắt Hoàng đế Nicolas II và toàn thể gia đình của ông đem giam tại Tsarkoié-Seio. 5 tháng sau, đoàn tù nhân ấy bị dời đến Tobolsk, và tháng 5 năm 1918 sau khi chính phủ cách mạng ký hiệp ước ngưng chiến ở Brest-Litovsk với Đức, nhà Vua và Hoàng gia lại bị dời một lần nữa đến Ekaterinembourg, nơi đây tất cả đều bị nhốt dưới một cái hầm trong nhà Thống chế Ipatief.
Thế rồi, đêm 16 tháng 7, gần 1 giờ khuya, bỗng dưng bọn lính gác tù dưới quyền chỉ huy của Yourovski, mở cửa hầm xông vào ngục. Yourovski là viên cảnh sát trưởng rất trung thành với Hoàng đế trước kia, lúc Nga hoàng còn quyền thế, bây giờ chính y cầm súng tiến tới trước mặt Nicolas II, chĩa súng vào ngực ông và bảo:
- Ta được tin bè đảng của mi âm mưu cứu thoát mi ra khỏi ngục tù, nên ta phải bắn mi chết.
Vừa dứt lời, Yourovski nổ cò, pan! pan! Pan! Nga hoàng ngã gục xuống chết ngay tại chỗ không kịp nói một lời. Rồi đến Hoàng hậu Alexandra cùng một lượt với thái tử và 4 công chúa: Olga, Tatiana, Marie, Anastasia đều ngã xuống dưới những loạt súng. Một nàng hầu tên là Demidova, bác sĩ Botkine, thầy thuốc riêng của Hoàng gia, và hai tên cận vệ trung tín cũng bị giết luôn. Tất cả 11 xác chết nằm ngổn ngang trên các vũng máu.
1 giờ khuya, bọn lính vứt những xác ấy trên một chiếc xe cam nhông nhà binh, chở đến một khu rừng gần đó và tưới benzine lên để đốt. Xong họ đổ hết cả đống tro lẫn xương xuống một cái giếng hoang.
Nicolas II, vị Hoàng đế độc tài cuối cùng của nước Nga, và tất cả gia quyến, Hoàng hậu và 5 người con, đều bị chết một cách khủng khiếp như thế dưới những miệng súng mà trước kia chính ông đã dùng để đàn áp dân Nga. Dòng họ Romanov đã trả nợ cho Lịch sử trong cuộc thanh toán đẫm máu ấy.
Không ngờ...
Hai năm sau, một tin vặt đăng vài dòng trong các tờ báo hàng ngày ở Berlin, kinh đô nước Đức, mà không ai để ý, lại là khởi điểm của một vụ bí mật độc nhất vô nhị trong Lịch sử, làm xôn xao cả hoàn cầu.
Đêm 17.2.1920, một đêm rét buốt mùa Đông ở Berlin, đường phố vắng tanh, một người lính cảnh sát đứng gác cầu Bendler trên con sông Landwehr, bỗng huýt còi liên tiếp ba bốn hồi và người ta nghe tiếng giầy chạy đọp đọp trên cầu. Người ta tưởng cảnh sát đuổi bắt một kẻ bất lương. Nhưng y nhảy xuống sông mặc dầu nước lạnh cóng người, và vớt lên một thiếu nữ chán đời vừa thừa lúc đêm hôm vắng vẻ đã nhảy xuống sông tự tử. Viên cảnh sát gọi xe chở nàng đến một bót gần đấy. Các người lính gác tại đây vội vàng mượn đồ đàn bà thay cho nàng, lấy ba bốn chiếc mền đắp cho nàng và đốt thêm lò sưởi để cho nàng ấm... Một lúc nàng tỉnh lại, ngơ ngác nhìn ông cò và mấy người lính. Nàng đẹp lắm, trạc 19 tuổi, đôi mắt long lanh, nhưng gương mặt hốc hác, đầy nét đau khổ.
Cảnh sát hỏi nàng tên họ là chi, ở đâu, tại sao tử tự, nhưng nàng không nói. Họ lục soát trong quần áo nàng, không có thẻ căn cước, không có đồ vật gì chứng tỏ tên tuổi, địa chỉ và nghề nghiệp của nàng. Hỏi mấy lần, nàng cũng không trả lời, không thốt một câu nào cả. Mãi đến sáng, nàng vẫn im lặng. Cảnh sát đành phải chở nàng vào nhà thương Elisabeth. Hai vị bác sĩ hỏi nàng là ai, nàng vẫn không trả lời. Đôi mắt nàng ngơ ngác như người lạc lõng. Ngày 27, bác sĩ cho biết là “người thiếu nữ vô danh” thường có những cơn khóc thầm vô cùng ảo não. Nếu thả nàng ra, chắc thế nào nàng cũng sẽ trở lại bờ sông để nhảy xuống nước tự tử.
Ngày 30.9, người ta chở nàng đến nhà thương điên Dalldorf. Nơi đây bác sĩ chuyên về các bệnh thần kinh khám nàng và cho biết là nàng chạc từ 26 đến 30 tuổi, và không phải một người mất trí. Sự thực, như các bạn đã biết, nàng mới có 19 tuổi, mà vì quá đau khổ nên trông gương mặt đã già. Bác sĩ dỗ dành hỏi gì nàng cũng không nói. Nàng không mở miệng thốt một lời nào với ai cả. Người ta đành để nàng ở luôn trong nhà thương điên Dalldorf, mặc dầu nàng không có triệu chứng gì là điên cả. Suốt thời gian ở bệnh viện, “nàng vô danh” có những cử chỉ và cốt cách của một người quý phái, đứng đắn, lịch sự với tất cả mọi người, nhưng ít khi nói chuyện, và lúc nào cũng buồn rầu, đau khổ mà không hề kể tâm sự cho ai nghe. Những bà Xơ trông nom bệnh viện tìm cách quen thân với nàng gần hai năm trời, cũng không biết được tên họ nàng là gì, quê quán ở đâu, làm nghề nghiệp gì, và tại sao nhảy xuống sông tự tử? Không ai khám phá được những bí mật của “nàng vô danh” ấy.
Sự ngẫu nhiên khiến trong số bệnh nhân ở nhà thương Elisabeth có một cô tên là Marie Kolart Peuthert cùng ở chung trạm IV, phòng B, với nàng. Cô này trước kia làm thợ may ở Nga. Một hôm cuối tháng 10.1921, bà Xơ y tá cho cô mượn một tờ báo Đức: Berliner Illustrerte Zeitung. Cô Peuthert vui mừng mở ra xem, gặp một trang đăng hình 3 cô công chúa Nga. Dưới hình in mấy dòng sau đây:
“Một trong những bức hình cuối cùng của ba công chúa Nga chụp trong lúc bị giam. Bên trái là công chúa Anastasia mà người ta đồn rằng đã may mắn thoát chết trong cuộc tàn sát gia quyến Nga hoàng, và nghe đâu hiện nay công chúa đang trốn tránh ở Paris”.
Cô Peuthert trao trang hình ấy cho “nàng vô danh” xem, nàng vẫn điềm nhiên không thổ lộ một phản ứng nào cả. Nhưng cô thợ may cười bảo:
- Em biết chị là ai rồi.
“Nàng vô danh” vội vàng lấy tay bịt miệng cô, và khẽ bảo:
- Đừng nói! Đừng nói!
Nhưng cô Peuthert không thể im được. Xem “nàng vô danh” giống hệt như người trong ảnh, cô quả quyết rằng con người bí mật này chính là Công Chúa Anastasia, con gái thứ tư của Nga hoàng Nicolas II, đã do một sự may mắn ly kỳ nào đó mà thoát khỏi những viên đạn của bọn lính sát nhân đêm 17.7.1918.
Hình chụp mấy ngày trước đêm Nga hoàng và toàn thể gia quyến bị tàn sát, lúc đó công cháu Anastasia 16 tuổi. Đến nay, 3 năm qua, nàng 19 tuổi, và đúng là cái bộ dạng một cô gái 19 tuổi của “người bí mật vô danh”. Xem ảnh, xem người, cô Peuthert tin chắc chắn đây là công chúa Anastasia mặc dầu cô gái bí mật vội vàng đính chính là không phải.
Tin này đồn ra rất nhanh chóng, và các báo chí khắp thế giới đều đặt ra câu hỏi: “Có phải công chúa Anastasia còn sống sót đó không? Cô gái vô danh ở bệnh viện Elisabeth, Berlin, có đúng là công cháu Anastasia đó không?”
Do cô thợ may người Nga Marie Peuthert khám phá và loan tin ra, “vụ bí mật Anastasia” bắt đầu làm xôn xao dư luận thế-giới từ đây.
TÂM SỰ CỦA NÀNG CÔNG CHÚA
Cô Peuthert không còn nghi ngờ gì nữa. Ngày 20-1-1922, cô lành bệnh, được ra khỏi nhà thương Elisabeth. Vài tuần sau cô tìm gặp đại úy Schwabe, người Nga đi cư ngụ tại nhà thờ Thiên Chúa của người Nga ở thủ đô Berlin. Đại úy trước kia đã chỉ huy tiểu đoàn phòng vệ Hoàng-thái-hậu Nga. Cô kể rõ cho đại úy nghe về vụ cô gái vô danh ở nhà thương Dalldorf giống hệt với ảnh công chúa Anastasia, và cô quả quyết rằng đích thị nàng là công chúa Anastasia. Đại úy vô cùng cảm xúc, vội vàng đi ngay đến Dalldorf, ngày 8.3, để tìm gặp nàng. Sau khi thấy mặt, đại úy cũng nhìn nhận đúng là công chúa Anastasia.
Hai hôm sau, đại úy Shwabe dắt theo bốn người Nga di cư khác trong đó có hai mẹ con bà Zénaide Tolstoi. Vừa trông thấy mấy người này vào, “cô vô danh” lấy tay che mặt để họ đừng nhìn thấy mình. Nhưng rồi bà Tolstoi dịu dàng hỏi thăm, tìm những lời lẽ ngọt ngào, gợi lòng ái quốc, cốt để xem nàng có thổ lộ chút tâm sự gì không và xem có phải nàng là Công chúa Anastasia không. Nhưng nàng không trả lời, chỉ ôm mặt khóc, khóc nức nở, và không nói gì hơn.
Ra về sau khi thăm viếng nàng, hai mẹ con bà Tolstoi lại tuyên bố rằng... nàng chính là Công chúa Tatiana cô gái thứ hai, chứ không phải là cô Công chúa út, Anastasia. Rồi từ đó, ngày nào cũng có các cựu võ quan, cựu bộ trưởng và ngoại giao Nga di cư ở Đức, toàn những người đã từng ra vô Cung điện và từng biết mặt các công chúa Nga, bây giờ đến thăm nàng tại nhà thương Dalldorf và đều công nhận đúng là công chúa Anastasia. Hơn nữa, Bá tước Kleist, cựu Đô trưởng Moscou, xin phép được đón “cô gái vô danh” về nhà ông để ông nuôi dưỡng. Và ngày 22.3.1922, nàng từ giã bệnh viện về ở nhà Bá tước.
Dần dần, nhờ sự khéo léo, bá tước Kleist dò hỏi lâu ngày, nàng thú nhận nàng là công chúa Anastasia... Coi Bá tước như người thân tín, nàng kể lại cuộc phiêu lưu của nàng như sau đây:
- Ở dưới hầm giam trong nhà Thống soái Ipatieff ở Ekaterinenbourg, khi bọn lính nã súng vào tàn sát cả gia đình tôi, thì tôi liền núp sau lưng chị hai tôi là Tatiana. Chị Tatiana bị trúng đạn chết ngay tức khắc. Còn tôi thì cũng bị thương nặng ngã nằm bất tỉnh bên cạnh xác chị tôi, nhưng tôi chưa chết. Khi tôi hồi tỉnh được thì tôi thấy tôi nằm trong nhà một người lính. Người này đã cứu tôi, và tên là Alexandre Tschaikovski. Hắn ta đưa tôi đến Bucarest, nhưng hắn đã lợi dụng hoàn cảnh của tôi mà hãm hiếp tôi. Tôi có thai và cuối năm 1918 tôi sinh một thằng con trai, đặt tên Alexis. Ngày 18.1.1919, tôi bị bắt buộc phải làm lễ thành hôn với tên lính Alexandre Tschaikovski. Tháng 8 năm ấy hắn đánh nhau với người ta ngoài đường phố ở Bucarest và ngày sau thì chết. Sau khi hắn chết, tôi định lên Berlin để tìm dì tôi là Công chúa Irène de Prusse. Nhưng khi đến thủ đô Đức, tự nhiên tôi cảm thấy hoàn cảnh hiện tại của tôi quá ô nhục đau khổ, tôi không còn mặt mũi nào để đến thăm dì tôi. Vì dù sao tôi cũng là một Công chúa Nga, lại phải đi lấy một tên lính quèn, thì còn chi là danh dự? Vả lại cả gia đình tôi cũng chết hết rồi, tôi còn sống đây, nhưng trong người mang đầy thương tích, tôi bị bể cả hàm răng, tôi còn sống sót làm chi? Buồn quá tôi đi lang thang trên bờ sông, sẵn lúc vắng vẻ, tôi nhìn nước sông lặng lẽ trôi, tôi muốn nhảy xuống sông cho đời tôi trôi đi như dòng nước... Thế là tôi không do dự nữa... Nhưng người cảnh sát đứng đâu trong bóng tối, trông thấy, lại nhảy xuống nước vớt tôi lên...
Nói đến đây, nàng khóc sướt mướt.
NHƯNG NÀNG CÓ PHẢI THẬT LÀ CÔNG CHÚA ANASTASIA KHÔNG?
Thế giới hiện còn chia ra hai phe: một quả quyết PHẢI, một nhất định KHÔNG?
Vụ án lạ lùng nhất của thế kỷ, xử tại Hamburg năm 1961, vẫn không giải quyết được hai câu hỏi trên kia.
Các báo chí Âu châu đua nhau phanh phui vụ “bí mật Anastasia” và mạnh ai nấy đi khám phá tận nơi tận gốc.
Theo những cuộc điều tra của nhiều người thì có lẽ những tiết lộ của “nàng Tschaikovski” (vợ của người lính Tschaikovski, theo lời cô ấy khai) là đúng với sự thật. Công chúa Anastasia, cô gái út của Nga hoàng, có lẽ đã thoát chết được nhờ một sự may mắn phi thường. Theo cô thuật lại, thì trong những người lính ôm 11 xác chết bỏ lên xe nhà binh để chở đi đốt, có một người là Tschaikovski thấy xác cô còn nóng và còn thở, liền đem giấu riêng một nơi và trên xe chỉ còn 10 xác chết đem đi đốt mà thôi. Trong đêm tối khủng khiếp, không ai để ý đến sự biến mất một cái xác, và khi xe nhà binh chở đống xác đến ven rừng, mấy người lính chỉ lo đốt cho mau cháy thành tro để rồi họ đổ đống tro xuống một cái giếng sâu, rồi lấp đất lại. Không ai ngờ có một cái xác đã thoát khỏi cuộc thủ tiêu khủng khiếp vội vàng ấy.
Người lính Tschaikovski thừa lúc đêm khuya lộn xộn đã giấu được cái “xác” còn sống của Công chúa Anastasia, lẻn đem được cái xác ấy về tận quê quán của y ở Bucarest, thủ đô xứ Roumanie. Nơi đây y đã săn sóc cho nàng và thừa một lúc nàng mê man bất tỉnh, y lấy nàng có chửa.
Tất cả những lời thú của nàng như trên kia, và trường hợp nàng tự tử, thái độ của nàng từ lúc được người cảnh sát vớt lên cho đến suốt thời kỳ nàng ở bệnh viện Dalldorf, đều là những yếu tố để cho một số đông người, nhất là trong thân tộc của nàng, các ông Hoàng bà Chúa của nước Nga, di cư ở Đức, ở Mỹ, và những cựu sĩ quan của Nga hoàng, tin chắc rằng nàng chính là công chúa Anastasia.
Nhưng trái lại, có một số đông người khác cũng trong thân tộc của nàng, nhất là công chúa Irène de Prusse, dì của Anastasia, ở Berlin, lại quả quyết rằng nàng chỉ là một kẻ đàn bà giả mạo, chứ Công chúa Anastasia chính thức đã chết rồi, và không thể sống được.
Câu chuyện ly kỳ nhất, là phe nhìn nhận và phe không nhìn nhận đều có những bằng cớ đích xác, thật khó mà phân biệt phải trái, và chính những sự kiện trái ngược ấy đã được phơi bầy ra trước Tòa án Hamburg ở Đức ngày 15.5.1961 chỉ làm cho vụ bí mật Anastasia càng bí mật thêm mà thôi.
CUỘC ĐỜI PHIÊU LƯU CỦA CÔNG CHÚA ANASTASIA
Ở Việt Nam các báo không nói đến vụ án ly kỳ này, cho nên chỉ những người có theo dõi các báo chí Tây phương mới biết mà thôi, tuy nó đã làm sôi dư luận quốc tế, nhất là từ 1950 đến 1961.
Nay chúng ta hãy trở lui lại thời gian ấy và dò theo những bước phiêu lưu của “cô gái vô danh” kia từ lúc Bá tước Kleist đến nhà thương Dalldorf xin rước nàng về ở nhà ông ngày 22.3.1922. Các bạn đã biết rằng Bá tước Kleist tin chắc cô gái vô danh chính là Công chúa Anastasia. Ở nhà Bá tước Kleist ít lâu, nàng bỏ đi đến ở nhà ông Grunberg, cựu thanh tra cảnh sát Nga, di cư ở Đức. Rồi nàng bị bịnh lao, vào nhà thương Westend, một thời gian ra ở lại nhà Bá tước Kleist. Tháng giêng 1925 nàng trở lại ở nhà Grunberg. Bệnh lao tái phát, nàng vào bệnh viện La Vierge, được một phụ nữ Nga săn sóc chu đáo, bà Rathlef. Năm 1929, bà này có viết và xuất bản một quyển sách dày, nhan đề là “Anastasia? Enquête sur la survivance de la plus jeune des filles du Tsar Nicolas II” (điều tra về sự sống sót của cô con gái trẻ đẹp nhất của Nga hoàng Nicolas đệ Nhị) để chứng minh một cách chắc chắn rằng “cô gái vô danh” kia là công chúa Anastasia, mà bây giờ trong lý lịch chính thức gọi là “bà Tschaikovski”, vợ góa của người lính Ba Lan đã cứu nàng.
Cuối năm 1929, một công chúa trong hoàng tộc Nga, di cư sang Mỹ từ lâu và lấy chồng Mỹ, là công chúa Xenia, một trong những người dì của Anastasia, lấy tên chồng là Mrs. Leeds, mời nàng sang Mỹ ở với công chúa. Không muốn để nàng mang mãi cái tên khó đọc “Bà Tschaikovski” và để tránh cái nhục làm quả phụ một người lính Ba Lan, công chúa Xenia đặt cho nàng cái tên Mỹ là Anderson. Đến năm 1931, “Bà Anderson” từ giã nước Mỹ, trở về Đức, ở trong một bệnh viện bài lao. Và từ đấy, các báo Âu Mỹ gọi nàng là Bà Anderson.
Hiện bà vẫn còn ở nước Đức, trong một khu rừng núi hoang vu gọi là Forêt-Noire, trong một ngôi nhà nhỏ giữa bốn bức tường cao có hàng rào dây kẽm gai bao bọc chung quanh, với sự bảo trợ của một Hoàng thân Đức, Prince de Saxe Altenburg, và sự săn sóc thường xuyên của bà Bá tước Von Heydebrand ở hầu hạ công chúa.
TRƯỚC TÒA ÁN HAMBURG (15.5.1961)
Người đàn bà nay đã trên 60 tuổi với cả một dĩ vãng phiêu bạt trầm luân trong 45 năm, mà không ai biết tên thật là gì, kẻ gọi là Bà Tschaikovski (theo tên Nga), người gọi Bà Anderson (theo tên Mỹ), kẻ bảo là công chúa Anastasia, người bảo là không phải. Công chúa đã chán nản đến nỗi tìm đi ẩn trú trong một khu rừng hoang, lại bị gọi ra trước một phiên tòa để nghe người ta xử về lý lịch của mình!
Phiên tòa ở một thành phố Đức, nhưng hầu như là một phiên tòa quốc tế vì có rất đông các báo chí khắp thế giới đến dự. Thật là một vụ kiện hi hữu trong Lịch sử. Ai kiện? - Chính là một số các ông Hoàng bà Chúa của cựu trào Nga hoàng Nicolas II, dòng họ Romanoff hiện ở Danemark và ở Đức, kiện người đàn bà vô danh kia không phải là Công chúa Anastasia! Và ai kiện lại? Cũng chính là một số ông Hoàng bà Chúa khác của dòng họ Nga hoàng, cương quyết nhìn nhận đấy là Công chúa Anastasia!
Còn chính đương sự, với ba bốn cái tên giả tạo khác nhau, cả tên Nga lẫn tên Mỹ, lại cứ im lặng: nàng không trả lời PHẢI, nàng không trả lời rằng KHÔNG.
Trước kia nàng đã thú nhận nàng là công chúa Anastasia, nhưng bây giờ nàng không cần cãi vã nữa. Ai bảo phải, nàng cũng ừ, ai bảo nàng không phải, nàng cũng... ừ!
Hồ sơ Anastasia phô bầy giữa Tòa án Hamburg rất nhiều, không thể kể hết ra đây từng chi tiết, chỉ biết Toà án đã đưa ra nhiều lý do để chứng minh rằng:
“Bà Anderson-Tschaikovski không phải là Công chúa Anastasia”.
Tại sao Tòa án xét xử như vậy?
Chỉ vì một lý do quan trọng nhất là bà có tiết lộ rằng hồi Đại chiến 1914-1918, quận chúa de Hesse của nước Đức là anh của Hoàng hậu Nga, có bí mật đi qua Ôga để lén lút vận động đình chiến. Quận chúa de Hesse ra tòa phản đối kịch liệt rằng hồi đó ông không hề có qua Nga lần nào cả.
Về điểm này, các người bênh vực cho Công chúa Anastasia quả quyết rằng hồi 1916, Quận chúa de Hesse có bí mật sang Nga để vận động đình chiến riêng, nhưng việc đó được giấu kín vì sợ mang tiếng là phản bội với các Đồng minh của Đức, và đó là một hành động hèn nhát của Quận chúa giữa lúc chiến tranh. Do đó mà Quận chúa de Hesse là người hăng hái nhất ra tòa để phủ nhận “Bà Anderson” là công chúa Anastasia. Đây là vấn đề danh dự của nước Đức đối với lịch sử Âu châu.
Và chính là điểm rất quan trọng trong vụ án Anastasia. Bà Anderson đã vô tình đưa ra một việc bí mật trong Thế chiến 1914-1918, không ngờ việc ấy có liên hệ đến danh dự của nước Đức và riêng danh dự của Quận chúa de Hesse.
Một lý do thứ hai, là người ta biết rằng Nga-Hoàng có gởi tại ngân hàng Anh quốc một số tiền kếch xù, từ 10 đến 20 triệu roubles. Nếu “Bà Anderson” được Tòa án chứng nhận là công chúa Anastasia thì nàng là con gái chính thức của Nga hoàng, sẽ là người được hưởng cái gia tài vĩ đại kia. Vì thế nên hai người dì của nàng là Công chúa Irène và Công chúa Olga ra tòa cương quyết phủ nhận nàng là Anastasia. Chỉ vì vấn đề quyền lợi cá nhân. Họ muốn đừng có Anastasia để cả gia quyến của họ được chia nhau gia tài của Nicolas II!
Dư luận cho rằng các vị quan tòa Hamburg đã bị áp lực của Quận chúa de Hesse vì vấn đề chính trị, và của các bà Chúa ông Hoàng của dòng họ Romanoff vì vấn đề quyền lợi chung quanh gia tài to lớn của Nga hoàng còn gởi ở ngân hàng Anh, nên đã tuyên bố một bản án bất công và sai lầm.
Kết cuộc Tòa xử: đối với Pháp luật, Anderson-Tschaikovski không phải là Công chúa Anastasia. Nhưng dư luận thì chính là công chúa Anastasia đã bị gia tộc của dòng họ Romanoff không nhìn nhận.
Vì một gia tài trên 20 triệu đồng rúp, và vì một hành động thầm lén của một ông Hoàng nước Đức muốn ém nhẹm không cho tiết lộ việc làm hèn nhát của ông trong Lịch sử.

30.– MARIE CURIE
Nhà nữ bác học đã khám phá ra RADIUM
(Thân mến tặng riêng các bạn Nữ sinh viên trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn đã yêu cầu tôi viết bài viết này).
Nguyễn Vỹ
CÔ NỮ SINH NGHÈO
Mùa thu năm 1891, các cậu sinh-viên Đại-học-đường Sorbonne hay thầm thì chỉ chỏ một cô nữ-sinh trẻ và đẹp, màu tóc ánh vàng, ở trong lớp vừa ra, sau giờ Vật-lý-học.
- Con bé nào đấy nhỉ ?
- Một nữ sinh viên ngoại quốc. Cái tên khó đọc bỏ xừ... Nhưng luôn luôn đứng đầu lớp.
- Tên gì ?
- Marya Sklodowska.
Nam sinh viên khác, cũng như sinh viên có các quốc tịch khác, ở Đại-học-đường Sorbonne chỉ “ngán” cô gái ngoại quốc nào đấy, thế thôi. Chứ cô ta cũng chưa có thành tích gì để cho các cậu Cử-nhân Khoa-học tương lai phải đặc biệt chú ý đến. Ở một trường Đại học rạng danh cả thế giới như trường Sorbonne, muốn cho thiên hạ đặc biệt lưu ý tới thì ít nhất cũng phải có một thiên tài gì xuất chúng mới được.
Cô Marya Sklodowska trông người thì đẹp thướt tha, duyên dáng, tuy không bao giờ “làm dáng” như các cô nữ sinh khác, nhưng có vẻ nhút nhát, ít giao thiệp với ai, ít ưa trò chuyện vớ vẩn. Đến giờ học, cô có mặt tại trường, rồi mãn lớp là cô về thẳng nhà, không khi nào đi chơi lang thang ngoài phố. Năm ấy cô 24 tuổi, một số nam sinh viên, học kém cô và ganh ghét cô, bảo cô là “làm phách” muốn “lập dị”, muốn làm ra vẻ “ta đây”. Nhưng cô không trả lời, chỉ chăm học, học mãi.
Một cô bạn gái người Pháp, quen thân với Marya, và học cùng lớp, méc lại cho tụi sinh viên con trai biết rõ lai lịch và đời sống cha Marya như sau đây:
Marya Sklodowska (trong gia đình thường gọi là Mania) là người quê quán ở Polonia (Ba-Lan), sinh ngày 7-11-1867. Gia đình cô nghèo, tuy ông thân-sinh làm giáo sư Vật-lý và Toán tại một trường Trung học ở Polonia, mẹ làm giáo viên Tiểu học. Cô có một người anh và ba người chị. Cô là em út. Ông thân sinh học thông cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Nga.
Nhờ vậy mà cô Marya cũng được cha chỉ bảo cho nhiều về văn hóa các nước ấy, và cô cũng có học thêm Pháp và Anh ngữ.
Năm 1883, cô 16 tuổi, đỗ tú tài Toán học và được thưởng một chiếc mề đay vàng vì cô đỗ đầu.
Nhưng mẹ cô chết sớm, cô phải nghỉ học. cô về quê nghỉ một năm, và nhất định quên hết các môn học ở nhà trường. Cô viết thư cho các bạn, có câu sau đây: “Tôi quên hẳn hình-học và đại-số-học, cho đến đỗi tôi không thể tưởng tượng rằng trong trường có dạy hai môn đó!”.
Cô nghỉ dưỡng sức được một năm, thì ông thân sinh của cô đến hạn hưu trí. Tiền lương hưu trí không đủ nuôi gia đình, người con trai Josef, và ba cô con gái Bronia, Hela và Marya đều phải đi kiếm việc làm.
Marya đi dạy tư. Nhưng trong trí óc cô vẫn nuôi một lý tưởng. Cô vẫn đeo đuổi một mục đích khoa học. 16 tuổi, mới thi đỗ tú tài, cô đã bảo: “Chỉ có khoa học là tiến bộ!”. Cô không theo đạo Thiên-chúa, Cô cho rằng những hiện tượng cụ thể và những sự kiện thực tế là quan trọng mà thôi. Thân sinh của cô, ông giáo sư vật lý học, gây ảnh hưởng cho cô rất sâu đậm trong khi giảng giải cho cô về những phát minh khoa học của Louis Pasteur, của Claude Bernard và triết-học duy lý “Philosophie rationnelle” của Darwin. 18 tuổi, cô dạy tư tại nhà một ông luật sư Varsovie, một ông già trên 60 tuổi, góa vợ, mà có 6 cô con gái, và nuôi trong nhà những 5 đứa đầy tớ gái không làm việc gì cả, chỉ ăn rồi giỡn chơi với ông. Ông luật sư già lại muốn tằng tịu với cô giáo mới tới. Cô liền bỏ chỗ dạy tư lộn xộn này, đi tìm chỗ khác. Một ông chủ đồn điền mời cô về dạy cho con ông ở một trại chăn nuôi miền thôn quê. Cô thích nơi này lắm, và tránh xa thành phố, được tĩnh mịch để cô học thêm. Con gái lớn của ông chủ, tên là Bronko, 18 tuổi, thương cô lắm, và mở rộng lớp học để cho cô dạy thêm học trò trong làng. 3 tháng sau, lớp học của cô có được 18 học sinh. Cô dạy mỗi ngày 2 giờ, thứ Tư và thứ Bẩy 5 giờ. Cô quyết dạy cho được nhiều tiền, để dành tiền sau này đi học thi cử nhân. Dạy bận rộn như thế, cô Marya vẫn còn thì giờ để học. Trong thời gian này, cô nghiền ngẫm ba quyển sách: Vật-lý-học cao-đẳng của Daniell, xã-hội học của Spencer (bằng Pháp văn), Giải-phẫu-học và Sinh-vật-học của Bert (bằng tiếng Nga). Cô đang dạy học vui vẻ, yên tĩnh và chăm chỉ nghiên cứu các sách trên kia, thì đến mùa Hè, người con trai lớn của ông chủ, học ở thủ đô, về nghỉ hè. Chàng cùng lứa với cô, 19 tuổi, thấy cô đẹp và học giỏi, đâm ra mê cô và cưới cô làm vợ. Nhưng ông thân sinh của chàng không bằng lòng, bảo: “Con nhà giàu không lấy vợ nghèo”.
Cô giáo dậy tư, lặng lẽ xách va li ra đi. Cô trở về với cha già. Ông cụ vừa xin được một chỗ làm: giám đốc viện Cải Huấn Thiếu-nhi, được món tiền lương khá. Nhờ đó, cô Marya Sklodowska được ở nhà lo việc gia đình cho cha, khỏi phải đi kiếm việc làm thêm ở ngoài. Cô ở nhà mãi đến năm 1891, cô 24 tuổi, dành dụm được số tiền nho nhỏ, xin cha cho sang Paris để tiếp tục học nữa. Cô mua vé xe lửa hạng tư, sang Pháp một mình với một chiếc vali nhỏ đựng y phục và ba va-li sách vở. Đến kinh đô nước Pháp, cô liền tới Trường Đại học Sorbonne, ghi tên vào ban Toán-Lý-Hóa.
Mỗi tháng ông cụ chỉ gởi cho 40 đồng rúp, nghĩa là 90 đồng francs, để cô trả nào là tiền phòng, tiền trọ, tiền ăn, tiền mua sách vở, nào là tiền đóng học phí ở Đại học, giữa Kinh đô Paris.
Vì vậy, cô Marya phải hết sức tiện tặn. Trong quyển sổ nhật ký của cô, cô đã chép chương trình hoạt động của cô như sau đây: “Không đi chơi - không đi xem hát - không đi dự các cuộc vui của bạn bè”.
Cô chỉ học và nghiên cứu các sách Khoa học của Pháp. Mùa đông, trời lạnh thấu xương, cô không có than để đốt lò sưởi. Đôi khi có than thì cô lại đãng trí, quên đốt lò sưởi, vì đang chăm chỉ ngồi bàn viết những công-thức-đại-số và những phương trình.
Năm 1893, cô 26 tuổi, đỗ cử-nhân Vật-lý-học và đỗ thủ-khoa. Năm sau, 1894, cô lại đỗ cử-nhân Toán, cũng chiếm giải thủ-khoa luôn! Sinh viên Đại học Sorbonne lại càng “ngán” cô thiếu nữ Polonia.
Bấy giờ ông cụ chưa gởi tiền sang kịp, cô Tú Marya chỉ còn vài đồng francs trong túi, đành ăn bánh mì trét bơ và uống nước trà cho đỡ đói, suốt ba tuần lễ như thế, trước ngày thi.
Thi đậu xong rồi cô mới nhận được tiền của cha, trừ các món tiền nhà, tiền than, tiền sách, tiền giặt ủi, còn lại vừa đủ cho cô ăn một bữa tiệc mừng đặc biệt, gồm có vỏn vẹn: 2 quả trứng gà, 1 bánh chocolate và 1 trái pôm.
LẤY CHỒNG: ÔNG GIÁO SƯ CỦA CÔ
Trong nhật ký của cô nữa sinh viên Marya Sklodowska cô ghi hai câu rất lý thú: “Nhất định không yêu ai. Nhất định không lấy chồng”.
Cô nói thật đấy. Nhưng cô nói thật trong lúc cô chưa gặp sự thật đó thôi. Sự thật hiển hiện ra dưới hình dáng một ông giáo sư dạy trường đại học Sorbonne - ông giáo sư của cô - tên là Pierre Curie. Ông này là một bậc kỳ tài của Khoa học, tuy chưa có tiếng tăm gì bao nhiêu. Ông sinh ngày 15.5.1859. Hồi ông 35 tuổi, ông đã viết vài quyển sách nghiên cứu về Khoa học, và suốt ngày ông vẫn cặm cụi thí nghiệm về các loại tinh thể (cristaux). Người đẫy đà, vầng trán cao, râu quai nón. Nét mặt, tuy vậy, vẫn là hiền lành, đôi mắt mơ màng, nhìn suốt vào sự vật chung quanh.
35 tuổi, ông chưa có vợ. Ông gặp cô thủ khoa Marya Sklodowska tại nhà giáo sư Kowalski, người cùng quê hương với cô. Ông khen cô, cô cảm ơn, rồi hai người nói chuyện với nhau say mê về vật lý học... Ông muốn đến thăm cô tại nhà riêng của cô. Cô mời ông đến căn phòng cô ở trọ. Căn phòng một nữ sinh viên nghèo, chẳng có gì cả ngoài các đống sách to tướng, đầy cả phòng, và các chai lớn, chai bé, đựng các chất hóa học của một nhà thì nghiệm. Ông bảo: “Cô có đầy đủ khả năng của một bậc Vĩ-Nhân”.
Sự giao thiệp mỗi ngày một thân mật, từ tình Thầy-Trò biến ra tình Bạn, rồi từ tình Bạn biến ra tình Yêu... Một năm sau, ngày 26 tháng 7 năm 1895 ông giáo sư Vật lý học Pierre Curie, 36 tuổi, làm lễ thành hôn với cô Cử nhân vật-lý-học Marya Sklodowska, 28 tuổi. Từ đây, cô Marya thành ra bà Marie Curie.
TUẦN TRĂNG MẬT CỦA CẶP VỢ CHỒNG NHÀ BÁC HỌC
Không hiểu tại sao, ở xã hội nào cũng vậy, và ở thời đại nào cũng vậy, trừ những tường hợp đặc biệt, hầu hết những người được trời phó thác cho đôi chút tài hoa đều phải chịu cảnh nghèo nàn, thiếu hụt về vật chất trong một thời gian khá lâu.
Ông giáo sư Vật lý Pierre Curie cưới cô thủ khoa Marya Sklodowska xong rồi, trong túi cả hai người không còn một đồng xu. Nhờ các món quà cưới khá đắt tiền do các bạn hữu tặng mừng, hai vợ chồng đem bán lấy tiền mua được hai chiếc xe máy (xe đạp) để đi du lịch hưởng tuần trăng mật. Với hai chiếc xe đạp kiểu 1895, đôi tân hôn đã bắt đầu có danh tiếng mà đâu được diễm phúc đi du lịch vòng quanh thế giới! Hay là sang Venise, Florence, Naples, Barcelone, Genève! Cặp tình nhân của khoa học chỉ khom lưng đạp xe máy đi dạo chơi từ sáng tới tối trên các nẻo đường xa châu thành Paris. Người ta thường gặp hai người âu yếm ngồi ăn bữa cơm trưa dưới bóng mát thanh tịnh của một cây cao trên bãi cỏ, nơi đồng quê. Họ ăn những gì? - Vài ổ bánh mì với một hộp fromage, vài trái cam, vài trái pôm. Tối đến, người ta thường thấy đôi vợ chồng (chàng 36 nàng 28) thuê một quán trọ nghèo nàn ở dọc đường, để ấp ủ tình yêu say đắm. Không ai ngờ rằng vợ chồng tài hoa sắp trở nên hai bậc vĩ nhân của thế giới, hai nhà Đại Bác học của Thế kỷ Hai-mươi, đã tạo được hạnh phúc yêu đương của họ với và đồng francs giá thuê phòng ngủ mỗi đêm, và hai chiếc xe đạp cùi, đạp mỗi ngày lang thang trong nắng, gió...
Đi “du lịch hôn thú” được một tuần lễ, hòa toàn thơ mộng rồi hai vợ chồng trở về Paris, thuê một căn nhà chật hẹp, có 3 phòng, ở số 24 đường La Glacière, giữa một khu vườn có cây cao, bóng mát. Căn nhà nghèo nàn, thiếu cả tiện nghi, nhưng hai vợ chồng định dùng nó làm một cái ổ của Khoa học. Chỉ có một tủ sách lớn có hàng nghìn quyển, và một cái bàn bằng gỗ trắng để làm việc, một chiếc ghế của chồng, một chiếc ghế của vợ. Trên bàn một đống sách vật-lý-học, một cái đèn dầu lửa, một bình hoa. Thế thôi! Không có phòng khách. Không có chiếc ghế thứ ba cho khách ngồi. Mỗi buổi sáng cô vợ Marie Curie đốt lò lửa, đặt cái soong lên bếp nấu thịt, rồi khóa cửa đi với chồng đến trường Đại-học Khoa-học, nơi đây ông dạy học, bà thì làm việc tại phòng thí-nghiệm của Học-đường. Trong một tiếng đồng hồ rồi bà đạp xe máy chạy về nhà thì soong thịt cũng vừa chín... Bà bắc soong lên nấu một món khác, bỏ đấy cho nó chín, để lên phòng làm việc, nghiên cứu các sách khoa học.
Đời sống hàng ngày của cặp vợ chồng Pierre và Marie Curie trong năm đầu sống chung với nhau là như thế.
ĐỨA CON GÁI ĐẺ THIẾU THÁNG: NỮ BÁC HỌC TƯƠNG LAI, NOBEL 1935
Năm 1897, hơn 1 năm sau, bà Marie Curie có thai. Có thai được tám tháng, mà hai vợ chồng cao hứng hay đó là cái điên khùng của nhà bác học rủ nhau đạp xe máy đi chơi đến hải-cảng Brest, cách Prris trên 660 ki-lô-mét! Bà quả quyết rằng đi như thế thì bà khỏe lắm, chẳng biết mệt tý nào. Ông chồng cũng ngây thơ (cái ngây thơ của các bậc thiên tài) tưởng đâu vợ mình là con gái của ông Trời, khác hơn người thường. Nhưng đi được nửa đường, bà thấy trong mình khó chịu, hai vợ chồng lại đạp xe máy quay về đến Paris ngày 12.9.1897. Ngay hôm ấy bà đau bụng rồi sinh ra một đứa con gái, đặt tên là Irène Curie, một em bé rất đẹp. Tuy bà đẻ thiếu tháng, nhưng không ngờ Irène cũng là một bậc thiên tài! Irène về sau cũng trở thành một nhà nữ bác học lừng danh thế giới như mẹ, và cũng được giải thưởng quốc tế Nobel về Hóa học, năm 1935.
Phần thì chăm chỉ tìm tòi về Vật-lý-học, phần thì lo việc nhà cửa, bếp núc, bây giờ lại sinh ra đứa con gái đầu lòng, bà Marie Curie vẫn một mình đảm đương hết mọi việc, đầy đủ bổn phận và tình yêu với chồng, với con.
Chính bà và chồng bà cũng không ngờ rằng trong căn nhà chật hẹp, và trong căn phòng thí nghiệm bé nhỏ của bà, giữa bao nhiêu là công việc nội trợ bê bối như thế, mà bà đã nhẫn nại bền chí, đi đến được một phát minh mới lại và quan trọng nhất của Khoa học hiện đại! Nhà bác học Buffon nói: “Thiên tài là kết-cấu của một sự bền chí lâu dài”, thật là đúng vậy!
KHÁM PHÁ RA CHẤT RADIUM
Lấy chồng được 2 năm, và sinh xong cô bé Irène, thì bà Marie Curie đã có bằng cấp Cử-nhân Toán và Vật lý học, và một giải thưởng của Hàn Lâm Viện Khoa Học nhờ một phát minh về các tính chất từ lực của thép trụng (Propriétés magnétiques de I'acier trempé.)
Bà vừa nuôi con, nào làm tắm rửa con trong chậu giặt đồ, thay tã cho con, cho con bú, vừa lo ngày hai bữa cho hai vợ chồng (ông đi dạy suốt ngày), bà vẫn có thì giờ ngồi yên tĩnh trong thư viện và phòng thí-nghiệm của bà, để soạn đề tài Luận-án Tiến sĩ.
Tình cờ bà đọc lại bài luận-án của nhà Vật lý học Henry Becquerel vừa mới đậu tiến-sĩ hồi năm trước. Sau khi nhà bác học Đức, Roentgen (giả Nobel Vật-lý-học 1901), đã khám phá được Quang tuyến X, nhà bác học Henry Poincaré có ý nghĩ thử tìm xem các vật có huỳnh-quang (fluorescents) có phát tiết ra những tia sáng giống như quang tuyến không. Henry Becquerel cũng nghiên cứu về đề tài ấy, và đã phát minh ra một hiện-tượng mới lạ: những chất muối của một loại “kim khí hiếm có”, gọi là Uranium, tự nhiên phát-tiết ra những quang tuyến có tính chất khác thường mà từ trước chưa có nhà bác học nào biết đến. Nếu ở trong phòng tối, đặt dưới quang-tuyến của Uranium một tấm kiếng ảnh (plaque photographique) bọc giấy ảnh ở ngoài, thì quang-tuyến kia sẽ xuyên qua giấy ảnh làm cho giấy ảnh mờ đi, và ấn vào tấm kiếng ảnh làm cho tấm kiếng hóa đen. Henry Becquerel chỉ thí-nghiệm và tình bầy hiện-tượng quang-tuyến Uranium như trên, mà không hiểu nguyên nhân vì sao quang tuyến Uranium lại ăn vào tấm kiếng ảnh.
Bà Marie Curie và chồng bà suy nghĩ rất nhiều về hiện tượng trên kia. Hai vợ chồng bàn luận với nhau mãi, và thí nghiệm trên đủ các chất hóa-học để tìm cho ra nguồn gốc điện lực của quang tuyến Uranium. Ông vẫn đi dậy học, chỉ buổi tối mới rảnh rang đôi chút để hợp tác với bà trong việc nghiên cứu. Bà thì rất nhẫn nại, thí-nghiệm, tìm tòi trên tất cả các chất hóa-học và bà khám phá ra một chất mới, bà gọi là THORIUM, cũng phát tiết ra quang tuyến như Uranium. Trong lúc bà còn tìm nguyên nhân vật-lý-học của sự phát tiết quang tuyến kia, bà đặt cho nó một danh từ mới: phóng xạ (radio-activité). Ấy là danh từ mà tất cả các nhà bác học ngày nay đều dùng, và đã mở màn cho trạng-thái mới nhất của Khoa học: tính chất phóng xạ của một số kim khí.
Thí nghiệm mãi, bà Marie Curie lại nhận xét một hiện-tượng khác, là có vài loại kim khí phóng xạ rất mạnh tuy rằng các loại này chứa đựng rất ít chất Uranium, hoặc Thonium. Như thế, bà kết luận rằng quang độ phóng xạ (les degrés de radioactivité) mạnh hay yếu không phải do chất Uranium, hay Thonium trong kim khí có nhiều hay ít. Hay là có một chất phóng xạ nào khác hơn là chất Uranium chăng ?
Theo bà phát minh ra được, thì chất mới, còn bí mật này, phóng xạ đến hai triệu lần mạnh hơn chất Uranium.
Ngày 12.4.1898, giáo sư Lippmann trình bầy tại Hàn Lâm Viện Khoa học Pháp một kết quả đầu tiên của công tác thí nghiệm của bà Marie Curie như sau đây:
“Hai hợp chất của Uranium là Pechblende và Chalcolothe có tính chất phóng xạ mạnh hơn là chất Uranium”.
Tháng 7 năm 1898, bà Marie Curie báo tin đã khám phá ra được trong hợp chất pechblende, một nguyên tố mới. Bà lấy tên quê hương của bà là Polonia (Ba Lan) để đặt tên cho chất phóng xạ mới ấy, là Polomium.
Ngày 26.12.1898, cách nhau trong khoảng mấy tháng hai ông bà Marie và Pierre Curie vui mừng trình bày tại Hàn Lâm Viện Khoa học việc hai ông bà đã phát minh ra được trong chất Pechblende, một nguyên tố hóa học thứ hai, có tính chất PHÓNG XẠ vô cùng mạnh mẽ. Hai ông bà đặt tên cho nguyên tố mới lạ ấy là RADIUM.
Sự phát sinh hai chất RADIUM và POLONIUM của Marie và Pierre Curie bỗng dưng làm đảo lộn tất cả các lý thuyết hóa học mà các nhà bác học thế giới đã tin tưởng từ bao nhiêu thế kỷ.
THIÊN TÀI KHOA HỌC CỦA CÔ VỢ 29 TUỔI
Những người tài giỏi bao giờ cũng có kẻ tiểu nhân ghen ghét, dèm pha và tìm cách phủ nhận giá trị của thiên tài. Hai vợ chồng Marie Curie không tránh khỏi định-luật rất thường ấy. Trong lúc đa số các nhà bác học thế giới đang ngạc nhiên và thán phục về sự khám phá vô cùng quan trọng của bà Marie Curie và chồng bà, thì có một số nhà Hóa học vẫn chưa công nhận kết quả vĩ đại ấy. Vì họ cho rằng Marie và Pierre Curie chỉ mới thuyết trình về sự hiện hữu của chất Radium trong lý thuyết mà thôi, nhưng về thực tế chất Raddium mới lạ ấy vẫn chưa xuất hiện ra, chưa ai trông thấy nó, chưa rờ mó được nó, chưa biết nó như thế nào, trọng lực nguyên tử (poids atomique) của nó là bao nhiêu. Có vài nhà bác học lại chỉ trích bà Marie Curie là bịa đặt ra một chất hóa học không có, với những ức-thuyết sai lầm, trái với những phương thức hóa học đã có từ trước tới nay. Có những kẻ ngu xuẩn còn dám cho rằng chất Radium do Marie và Pierre Curie phát minh ra trong lý thuyết chỉ là một “quái thai” của một cặp vợ chồng gàn, háo danh, lập dị.
Pierre Curie hơi chán nản, vì ông mệt mỏi quá rồi. Nhưng bà Marie Curie nhất định phải tìm cho có chất Radium thực tế để đưa cho người ta thấy chất Radium mới lạ mà từ xưa đến nay chưa ai biết chưa ai nói đến, mà bây giờ, lần đầu tiên, bà Marie Curie, một nữ bác học trẻ tuổi, dám quả quyết là bà vừa khám phá được theo những thí-nghiệm của bà về nguồn gốc phóng xạ của một vài loại kim khí.
Bà tin tưởng rằng nếu bà có một số lượng kim khí pechblende khá nhiều, bà sẽ nấu ra và lọc ra được chất radium. Nhưng vợ chồng bà rất nghèo, tiền lương dạy học ở Đại-học không đủ chi dụng trong gia đình (bấy giờ lại phải nuôi một chị ở), thì tiền đâu mà mua kim khí pechblende rất quí giá, để bà nấu và lọc lấy chất Radium?
May quá, Chính phủ Autriche có một mỏ Pechblende ở Saint Joachimsthal (Jachymov) trong tỉnh Bohême. Chính phủ khai thác mỏ này để lọc lấy chất Uranium và các chất muối Urane dùng trong kỹ nghệ thủy tinh, còn cặn bã thì bỏ đi. Bà Marie cho rằng chính trong cặn bã Pechblende còn nguyên vẹn chất radium mà không ai biết. Bà hỏi mua thứ bã đó. Nhờ một nhà bác học nước Autriche cổ động giùm, chính phủ Vienne bằng lòng biếu không cho bà Marie Curie một tạ bã Pechblende. Bà chỉ tốn tiền chuyên chở mà thôi.
Bà Marie Curie vui mừng được có đủ nguyên liệu cần thiết nhưng bà lại lo về nỗi không có 1 căn phòng để nấu nguyên liệu ấy và lọc ra lấy chất Radium. Nhà bà chật chội quá. Hai vợ chồng mới yêu cầu viện Đại học Vật-lý-học cho ông bà mượn tạm một căn phòng bỏ không trong khu trường đại học, để dùng làm nơi thí nghiệm. Ông viện trưởng bằng lòng. Đây là một phòng hoang vắng, trước kia trường Đại-học Y-khoa có lần mượn làm phòng mổ xẻ nhưng sau họ bỏ không ai dùng đến nữa. Trong phòng dơ bẩn, có một chiếc bảng đen gãy nát vứt trong xó, vài chiếc bàn nhà bếp gãy chân, chất đống cạnh nơi cửa và mấy lò nấu bếp lâu ngày không dùng đã hư hỏng, vứt bừa bãi giữa nhà. Nền xi măng đã vỡ nát nhiều nơi. Sinh viên khoa học đồn với nhau rằng ở phòng này có ma. Họ ít muốn bén mảng tới đây làm chi, vì họ không thích làm bạn với ma. Mái nhà dột ba bốn chỗ, Bà Marie Curie phải kê lại các bàn thí nghiệm để tránh chỗ dột.
Ông bà vui mừng được ông viện trưởng để cho trọn quyền sử dụng căn phòng hoang phế ấy. Lập tức bà Marie Curie cho chở về đấy một tạ bã Pechblende của chính phủ Autriche biếu bà và bà đặt ống, mua than củi và các thứ vật dùng để nấu nguyên liệu quí báu kia, nguyên liệu cặn bã ai cũng coi là đồ vô dụng, vứt đi.
Trong nhật ký của bà, có chép mấy đoạn sau đây về cách làm việc của bà trong căn phòng thí nghiệm suốt 4 năm đằng đẵng:
“...Chính trong cái chái dột nát và khổ cực này, chồng và tôi đã trải qua những năm sung sướng nhất trong đời sống của chúng tôi, những năm hoàn toàn hy sinh cho Khoa học. Nhiều khi tôi phải đứng suốt cả một ngày để khuấy trộn nồi kim khí sôi sùng sục bằng một cây sắt to lớn gần bằng tôi. Đến đêm, tôi mệt nhoài người, tay chân bủn rủn như muốn rụng rời ra cả...
... Chúng tôi không có tiền, không có kẻ phụ giúp công việc thật là khó khăn, bề bộn, chỉ có hai vợ chồng cố gắng, tự đảm đương lấy hết. Chúng tôi phải sáng tạo ra từ con số không...
... Có khi tôi phải nấu một lượt đến 20 kí lô nguyên liệu. Công việc ghê gớm là phải lôi kéo một thùng nguyên liệu ấy đến lò, trút nó vào chảo gang, nấu cho nó thật sôi, rồi cầm một thanh sắt dài to tướng để khuấy, khuấy mãi...”.
Cả thế giới không ai có thể tưởng tượng được sức làm việc kinh khủng của nhà nữ bác học trẻ tuổi ấy, với một trí óc thông minh vĩ đại, một ý chí cương quyết phi thường, một đức tính kiên nhẫn siêu-phàm.
Đến đỗi chồng của bà, nhà bác học Pierre Curie, cũng đã nhiều lần chán nản, lụt chí, muốn bỏ trôi công việc, đợi khi nào có đủ điều kiện thuận tiện sẽ tiếp tục thí nghiệm, nhưng bà nhất quyết đeo đuổi đến cùng. Bốn năm như thế!
Vâng, bốn năm, từ 1898 đến 1902, mà Marie Curie say mê bên lò thí nghiệm, quyết nấu mãi một tạ cặn bã pechblende của người ta vứt bỏ, để lọc lấy chất Radium kỳ lạ phi thường, mà bà đã khám phá ra trong lý thuyết, mà một số nhà bác học khác không tin là có.
Và bà đã thành công. Sau 45 tháng thí nghiệm, tìm tòi, bà đã lọc ra được 1 Décigramme de Radium nguyên chất, trọng lượng nguyên tử là 244 6.
Các nhà bác học thế giới đã được mục kích rõ ràng kết quả vĩ đại và thực tế do bà Marie Curie đã khám phá ra. Toàn thể các nhà khoa học quốc tế đều xác nhận chất mới lại, với trọng lượng nguyên tử 224.
TÍNH CHẤT PHÓNG XẠ KHÔNG NGỜ CỦA RADIUM… VÀ GIẢI NOBEL 1903
Nhiều người cho rằng chỉ có một mình bà Marie Curie đã có công lao phát minh ra chất Radium. Ông chồng bà chỉ giúp sức phần nào thôi, không quan trọng mấy. Nhưng sự thật thì ông Pierre Curie đã giúp rất nhiều vào việc tìm kiếm của bà. Chính bà đã có ý nghĩ đầu tiên về Radium, bà đã kiên nhẫn tiến tới kỹ thuật phát minh ra chất mới rất quan trọng ấy, nhưng ông cũng đã giúp bà nhiều về phần khoa học thuần túy, phần lý-thuyết và các phương tiện đo lường đúng cân đúng lượng. Chất Radium đã xuất hiện được, là nhờ sự cộng tác chặt chẽ và có hiệu quả của hai ông bà Pierre và Marie Curie.
Cặp vợ chồng bác học đã xác-định những tính chất bất ngờ của Radium như sau đây:
- Radium chiếu qua một lớp giấy mầu đen bọc ngoài một tấm kiếng ảnh, làm cho tấm kiếng ảnh (plaque photographique) bị nám đen hết.
- Các chai bằng thủy tinh đựng radium, bị biến ra mầu tím.
- Giấy và các vật liệu bằng cellulose, đựng radium, bị tan ra thành bụi.
- Radium chiếu ánh sáng rực rỡ trong đêm tối.
- Nhiều thể-chất như kim cương, nhờ có radium mà phát ra ánh sáng lân tinh (do đó người ta có thể phân biệt được kim cương thật và giả).
Và đây là tính chất quan trọng hơn cả, nguồn gốc của nhiều sự phát minh và áp dụng ghê gớm khác về khoa học, là tính chất “truyền nhiễm” của Radium: các vật dụng, áo quần, không khí bị dính radium, đều cũng phóng xạ như nó.
Hy sinh cho Khoa học, chính Pierre và Marie Curie là những nạn nhân của khoa học, những vật hy sinh cho chất phóng xạ nguy hiểm của Radium! Pierre Curie bắt đầu thấy nhiều vết cháy trên da, cháy thâm xuống dưới làn da nữa. Marie Curie thì bị mấy đầu ngón tay muốn thối hết. Và cả hai bị chất phóng-xạ của radium ăn vào trong máu, làm chậm sinh nở các hồng-huyết-cầu...
Tháng 6 năm 1903, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh quốc mời ông bà Pierre và Marie sang diễn thuyết tại London. Các giới bác học và trí thức Anh nô nức đón mừng hai vị “cha mẹ đẻ của radium”. Marie Curie được trọng vọng đặc biệt hơn: hàng muôn vạn cặp mắt của dân chúng thủ đô Anh kinh ngạc và ngưỡng phục trước người đàn bà bác học kỳ tài, độc nhất trên thế giới, từ cổ chí kim!
Tháng 11 năm 1903, Hàn lâm viện London tặng hai ông bà huân chương quý giá nhất: mề đay Davy.
Kế đến ngày 10 tháng 10.1903, Hàn lâm viện Khoa học Stockholm, của xứ Suède (Thụy Điển), tuyên bố tặng một nửa giải thưởng Nobel cho nhà bác Becquerel, và một nửa cho hai ông bà Curie, về vụ phát minh ra tính chất phóng xạ của radium.
Nửa giải Nobel của ông bà Curie được 70.000 francs. Nhờ số tiền thưởng quốc tế này mà hai ông bà trả được nhiều món nợ, và nghỉ dậy học ở viện Đại học, để ở nhà chuyên về công việc nghiên-cứu.
Danh tiếng ông bà lừng lẫy khắp thế giới... Thư từ, điện tín các nơi gởi tấp nập đến Paris, nơi căn phòng dột nát, trụ sở của công cuộc thí-nghiệm, để chúc mừng và hoan hô hai bậc vĩ nhân mới của nhân loại. Một nhà triệu phú Mỹ ở Chicago viết thư xin bà Marie Curie cho phép y lấy tên bà đặt tên cho con ngựa đua mà y cưng nhất trong đời!
Năm 1904, bà Marie Curie có thai. Ngày 6.12.1904, bà lại sinh ra một đứa bé gái thứ hai, đặt tên là Eve Curie.
Hai tháng sau kỳ khai hoa nở nhụy, bà lại trở về phòng thí nghiệm của bà, nơi đây hai vợ chồng đóng cửa làm việc cả ngày trong thanh tịnh. Cả hai đều tránh các cuộc tiếp xúc với khách thập phương mộ tài đến viếng thăm. Ít muốn giao thiệp với người ngoài, ít đi dự các tiệc tùng, chỉ trốn tránh trong nhà, như hai người ẩn dật.
Ngày 3 tháng 7 năm 1905, ông Pierre Curie được mời vào Hàn Lâm Viện Khoa học Pháp. Xin ghi rằng trước đây 3 năm, ngày 9.6.1902, nhiều bạn thân của ông đã giới thiệu ông ứng cử vào Hàn Lâm viện khoa học, nhưng các cụ Hàn lâm ganh ghét danh tiếng của Pierre Curie, lại bỏ phiếu cho người tranh cử với ông là Amagat, một giáo sư vô danh. Ông này được đắc cử, còn Pierre Curie bị các cụ cho ra rìa.
Năm 1905, các cụ bị báo chí Pháp và ngoại quốc chỉ trích kịch liệt nên các cụ phải bầu cử nhà bác học đã được giải Nobel vào Hàn Lâm viện.
Thế mà trong số 68 vị Hàn Lâm Khoa Học, vẫn còn có 22 vị bỏ phiếu cho người tranh cử đối lập của Pierre Curie, là ông Gernez, một giáo sư không có thành tích, không có tiếng tăm cũng như ông Amagat trúng cử năm 1902 vậy!
Thế mới biết, dù trên lĩnh vực Khoa-học, lòng đố kỵ và tính ganh ghét bần tiện của con người vẫn chưa nhượng bộ cho tinh thần cao cả.
Một năm sau, ngày 19.4.1906, hồi 2 giờ 30 chiều, ông Pierre Curie ở trong một buổi tiệc tại viện Khoa học ra về, bị trời mưa tầm tã. Ông đi bộ, bước vội vàng trên lề đường Dauphine. Nhưng ông đãng trí, băng qua đường trong lúc một chiếc xe ngựa từ sau vụt tới. Con ngựa nhảy xồm lên, hất ông ngã lăn xuống đường nhựa, và đạp lên người ông mà cứ chạy tới. Trong giây phút hiểm nguy, một chiếc xe cam-nhông bị mưa làm mờ kiếng từ sau vùn vụt chạy tới, đè cả một sức nặng 6 tấn lên trên người ông. Cái đầu nhà bác học bị bể nát, bắn ra những mảnh óc và những tia máu đỏ ngòm trôi chảy trong nước mưa...
ĐAU ĐỚN MÀ BÌNH TĨNH
Được tin do mấy người bạn chạy về báo cho biết là ông Pierre Curie bị chết vì tai nạn xe hơi, bà Marie Curie hốt hoảng, hỏi dồn dập:
- Pierre chết? Chết? Chết thật sao?
Một hung họa bất ngờ bỗng dưng cướp mất người chồng yêu quý và người cộng sự duy nhất của nhà nữ bác học trẻ tuổi.
Pierre chết, là cả cuộc đời của bà từ đây sẽ hoàn toàn đơn độc, quạnh hiu. Bà thấy rõ rằng bà đang là nạn nhân của một định mệnh khắt khe tàn ác, mà bà đành chịu vậy, vì bà bất lực, kêu khóc cũng chẳng được nào!
Bà dặn người ta:
- Nhờ quý ông làm ơn đưa hộ xác nhà tôi về đây cho tôi.
Cặp mắt bà ngơ ngác như kẻ mất hồn nhưng bà vẫn cố giữ điềm tĩnh, không ồn ào náo động. Bà gửi đứa con gái lớn, Irène, nhờ một bà bạn trông nom hộ để bà lo việc tống táng cho chồng. Xong bà ra ngồi trên chiếc ghế đá ngoài vườn, đau đớn, câm lặng, không khóc than, không cử động, đợi người ta đem xác chồng bà về.
Một nhà bác học, đệ tử của ông bà đến sở cảnh sát nhận lãnh Pierre về, đặt xác ông trên một chiếc xe ba bánh của bịnh viện. Chiếc xe vào cổng nhà bà, nặng nề, chậm chạp, bi ai, tiếng bánh xe kêu kẽo kẹt trên nẻo đường đầy sỏi đá. Người ta vừa đặt ông nằm ở giữa nhà, thì bà Marie chạy đến ôm lấy xác chồng, bà không cầm được hai ngấn lệ âm thầm chảy tuôn tuôn trên đôi má. Bà hôn trên mặt ông, trên má ông, trên thân mình ông, trên hai bàn tay ông. Sợ bà xỉu, người ta vội vực bà sang phòng bên cạnh, nhưng bà chạy trở qua, bám chặt lấy xác chồng cho đến khi liệm ông trong quan tài. Sau đám tang ông Pierre Curie, bà được chính phủ Pháp tặng một số tiền trợ cấp lớn, nhưng bà từ chối:
- Tôi không muốn tiền trợ cấp, vì tôi còn trẻ, tôi còn làm việc được để nuôi sống thân tôi và hai đứa con gái của tôi.
Ngày 13.5.1906, toàn thể hội đồng giáo sư Đại học Khoa học đồng thanh cử bà Marie Curie làm giảng viên Đại học đường thay thế ông Pierre Curie. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử giáo giới một người đàn bà được đề cử vào ghế giáo sư Đại học Khoa học.
Sáng ngày thứ năm 5.11.1906 là ngày bà khai giảng lớp học đầu tiên, thiên hạ nghe danh bà, đều nô nức đến nghe bà dạy. Các nhà báo đều chụp hình, các nhà trí thức, các bà quí phái, các nhà ngoại giao khắp các nước trên thế giới, đều chen lấn nhau vào trường Đại học Khoa học để dự thính cho kỳ được bài giảng của bà quả phụ lừng danh ấy.
Bà Marie Curie giảng về “Lý thuyết về Ions trong các loại hơi”. Sự thực không phải người ta chen chúc đến để nghe hiểu về ions là gì, lý thuyết thế nào – nhưng người ta đến để xem mặt nhà nữ bác học thứ nhất của nước Pháp và của thế giới, lần đầu tiên dạy tại trường Đại học Sorbonne.
Người ta đến, vì tính tò mò, vì lòng ngưỡng phục một nữ lưu tài ba lỗi lạc, một bậc vĩ nhân của Thế kỷ 20.
1 giờ 30 phút bắt đầu giảng, mà thiên hạ đã đến trường Sorbonne từ hồi 12 giờ để dành chỗ. 1 giờ, giảng đường đã chật ních. Ngay những nhân vật có giấy mời cũng không còn chỗ ngồi, phải đứng. Đúng 1 giờ 30 phút, tiếng trò chuyện xì xầm bỗng im phăng phắc, người ta chỉ chỏ nhau, và toàn thể đều đứng lên, vỗ tay dậy phòng: “Bà Marie đến kìa!”
Người ta hồi hộp chờ đợi xem bà sẽ cảm ơn Ông Tổng Trưởng Quốc gia Giáo dục như thế nào (ông này chủ tọa buổi khai giảng), bà sẽ khen chồng bà như thế nào, vì theo thủ tục, một vị giáo sư thay thế cho vị giáo sư đã qua đời, trước khi khai giảng, phải nói mấy lời khen tặng vị giáo sư quá cố.
Bà Marie Curie đứng trước bàn giáo sư đầy những máy móc khoa học về môn vật lý của chồng bà dạy. Bà rất cảm động, nhưng bình tĩnh khẽ cúi đầu để cảm ơn cử tọa. Bà chờ cho tràng pháo tay chấm dứt. Thay vì lời mở đầu cảm ơn ông Tổng trưởng, thay vì nói những lời khen ngợi ông Pierre Curie, bà nhìn thẳng vào đám thính giả, và cất tiếng thánh thót nói:
“Lorsqu’on envisage les progrès qui on été accomplis en physique depuis une dizaine d’années, on est surpris du mouvement qui s’est produit dans nos idées sur l’électricité et la matière...”
(Khi người ta kiểm điểm những tiến bộ đã thực hiện được trong khoa Vật lý học từ mười năm nay, người ta phải ngạc nhiên thấy sự biến chuyển trong trí óc của chúng ta về điện lực và thể chất...).
Sài Gòn, tháng 4-1969
Nguyễn Vỹ
Theo https://docs.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...