Những người đàn bà
lừng danh trong lịch sử 2
8.– MESSALINE
MỘT VỤ ÁM SÁT
Không ai ngờ rằng Claude, một người khù khờ và nhút nhát, sẽ
làm Hoàng-đế La-Mã. Chế độ độc tài khát máu của Tiên-đế Caligula đã gây cho dân
chúng biết bao nhiêu uất hận căm thù. Nhưng việc dĩ nhiên (…)
(…) của nàng. Claude có một cô cháu gái khác tên là Julie bị
Caligula đày đi xa. Vừa lên ngôi, Claude gọi Julie về. Nhưng Messaline không bằng
lòng. Biết rằng chồng bà dễ bị phụ nữ quyến rũ, nhất là các cô cháu gái loại
Julie, (Messaline cũng chả phải một cô cháu gái đấy ư ?) Nàng liền bắt đày
Julie lần thứ hai đi thật xa, cùng một lượt với nhà Triết-học Senèque. Ông này
bị bọn nịnh thần đâm thọc và vu khống là chống tân Hoàng đế và Hoàng hậu. Tuy
nhiên, sau một thời gian ngắn, do áp lực từ giới trí thức, Senèque được trả tự
do và được trở về La Mã. Còn Julie thì có đi mà không có về.
Một cháu gái thứ hai của Hoàng đế Claude, cũng tên là Julie,
cũng bị Hoàng hậu Messaline tống cổ đi đến một nơi xa biền biệt, không còn hy vọng
trở về La Mã. Hoàng đế Claude không dám hé môi phàn nàn một tiếng. Claude sợ nhất
là những giấc chiêm bao hãi-hùng và những điềm dữ. Từ hôm mục kích vụ Caligula
bị ám sát, Claude cứ lo sợ chính mình cũng sẽ bị ám sát. Ông nằm chiêm bao thường
thấy bọn sát nhân bao vây rình rập ông. Ông đâm ra nghi kỵ mọi người và mọi vật
chung quanh ông. Trước khi đi ngủ, ông bắt lính xem xét kỹ tấm nệm, xem có ai
giấu khí giới trong đó không. Bữa ăn nào ông cũng bắt tụi nấu bếp phải nếm trước
các món ăn trước mắt ông.
Messaline lợi dụng tính sợ sệt và đa nghi của Claude để lủng
đoạn tinh thần ông và thực hiện những mưu mô thâm độc của nàng.
Nàng muốn cưỡng bách ông cụ già Appius Silanus ngủ với nàng,
nhưng Silanus không chịu. Vì ông cụ là cha ghẻ của Hoàng đế Claude, nghĩa là
cha chồng của nàng. Là Hoàng hậu, nàng không bằng lòng để ai cưỡng lại lệnh
nàng, mặc dầu ai đó là ông cha chồng. Cho nên nàng quyết hại Silanus. Không khó
gì. Nàng âm mưu với Narcisse, bí thư của Claude. Một đêm khuya, nàng đang ở
trong phòng của Claude thì Narcisse gõ cửa xin gặp Hoàng đế, để báo cho Hoàng đế
“một tin rất quan trọng”.
Cửa mở, Narcisse chạy ngay vào, nói với Claude đang nằm trên
giường:
- Tâu Hoàng-đế, tôi vừa nằm chiêm bao thấy Silanus ám sát
Ngài. Tôi sợ quá, chạy đến đây báo tin cho Ngài rõ để Ngài đề phòng.
Claude tái mặt, tay chân run lập-cập, đồng thời Messaline giả
vờ hoảng-hốt nhìn Narcisse:
- Thế nào ? Sao lạ thế nhỉ ? Liên tiếp mấy đêm nay ta cũng nằm
thấy điềm chiêm bao khủng khiếp đó. Thế là nghĩa làm sao ?
Nghe cả hai người cùng một lúc báo một cái tin giống hệt
nhau, Claude thất thần, liền truyền lệnh cấp tốc:
- Phải thủ tiêu Silanus nội trong đêm nay!
Thế là Silanus liền bị giết trong đêm đó. Sáng hôm sau, giữa
phiên nhóm của Thượng-nghị-viện, Claude tuyên bố:
- Trẫm cảm ơn các thần dân tuyệt đối trung thành với Trẫm,
lúc nào cũng lo gìn giữ tính mạng của Trẫm, dù là trong lúc họ đang ngủ mê.
BAN NGÀY LÀM HOÀNG-HẬU, BAN ĐÊM LÀM GÁI ĐIẾM
Nhiều đêm, Messaline cởi y phục Hoàng hậu bỏ lại giường, mặc
vào y phục của phụ-nữ bình dân, rồi lẻn ra khỏi Cung điện. Hoàng hậu đến các nhà
chứa gái điếm danh tiếng ở ngoại ô, để ngủ với khách làng chơi, chơi cho thỏa
mãn nhục dục. Mỗi lần nàng phải “nhảy dù” như thế, nàng lấy tên là Lycisca và
đeo nơi ngực một trái tim vàng. Khách làng chơi chỉ biết Lycisca là một gái điếm
hạng sang, gái tiền rất đắt, chứ không biết đó chính là Hoàng hậu! Tạm thỏa mãn
được phần nào với người khách thứ nhất, nàng lấy tiền xong, lại ngủ với người
khách thứ hai, thứ ba, cho đến ba bốn giờ sáng mới trở về Cung điện.
Nơi đây, nàng phớt tỉnh, đóng lại vai trò rất khéo léo của một
người vợ yêu chồng, một vị Hoàng hậu oai-nghiêm, và một... bà mẹ hiền trong gia
đình.
Con quỷ cái này có hai đứa con rất dễ thương: Britannicus và
Octavie. Britannicus được sinh ra hai mươi ngày sau khi cha chàng là Claude lên
ngôi Hoàng đế. Một chàng trai rất thông minh, nhưng không được mập mạnh lắm.
Năm 46 sau Thiên-Chúa giáng sinh, nhân dịp một đại lễ Nhi-đồng
ở La-Mã, Britannicus phải tham gia các cuộc chơi đánh giặc của trẻ con, theo tục
lệ cổ truyền của La-Mã, bắt chước cổ tục của Hy Lạp. Tất cả con nít từ 5, 6 tuổi
đến 10, 11 tuổi từ con Vua đến con thường dân, đều phải tập luyện các môn bắn
ná, cỡi ngựa ra trận, đấu kiếm, v.v... Xong các môn biểu diễn, có cuộc thi Kỵ
binh trước khi bế mạc Đại Hội Nhi Đồng La Mã.
Cuộc thi Kỵ binh thường chia thành hai đại đội kỵ mã từ 5 đến
10 tuổi. Đội thứ nhất được giao cho Britannicus làm chỉ-huy-trưởng. Chỉ-huy đội
thứ nhì là Néron, 9 tuổi, con trai của Agrippine.
Bà Agrippine này là tình địch ghê gớm nhất của Hoàng hậu.
Ở Triều đình La-Mã, ai cũng biết rằng Agrippine, một cô cháu
gái có nhiều tham vọng nhất của Hoàng-đế Claude, gọi Claude bằng bác ruột, vẫn
thường hăm dọa rằng nàng sẽ cướp chồng và cướp cả ngôi Hoàng hậu của Messaline.
Khôn khéo và nhẫn nại, Agrippine chờ hoàn cảnh thuận lợi để thực hành tham vọng
của nàng. Agrippine không phải hạng gái yếu hèn như cô cháu gái Julie của
Claude mà đã bị Messaline ghen, đày đi xa khỏi La-Mã. Messaline thù Agrippine lắm,
nhưng không đám làm gì chống lại nàng, hoặc hại nàng, vì Agrippine có cả một
đám quý phái có thế lực trong Triều đình làm hậu thuẫn.
Néron là con của Agrippine với người chồng trước Domitius.
Ngay từ thiếu thời, Néron đã là đứa con nít xấu xí, hung dữ, nhưng khỏe mạnh
phi thường. Lớn hơn Britannicus 4 tuổi, con trai của Agrippine mạnh bằng hai
con trai của Messaline, thái tử La-Mã. Trong cuộc Đại Hội Nhi-đồng, ngoài sự
tranh tài và tranh sức của hai cậu bé được giao quyền chỉ huy hai đoàn kỵ mã
thiếu nhi, còn có sự cạnh tranh ảnh hưởng và uy tín của hai người mẹ thù địch.
Sự cạnh tranh này mới thật là ghê-gớm.
Người ta đồn rằng trước ngày thi đua hai đoàn ngựa, Messaline
đã thuê người lẻn vào phòng ngủ của Néron, định bóp cổ chú bé cho chết quách,
nhưng có một con rồng che chở cho Néron khỏi chết và xua đuổi bọn sát nhân đi.
Sách sử La-Mã thuật chuyện này và phê bình rằng đó có lẽ chỉ là một lối tuyên
truyền của Agrippine để đập mạnh vào óc tưởng tượng của dân chúng: một bên là
âm mưu tội ác của Messaline, một bên là đứa trẻ có Thần linh che chở.
Rốt cuộc, Néron thắng vẻ vang. Chiếc xe song mã do Néron cầm
cương ngựa đã chạy trước quá xa chiếc xe của Britannicus. Sự thắng lợi của
Néron chính là sự thắng lợi của Agrippine.
MỘT CON QUỶ CÁI TRONG LỊCH SỬ LA MÃ
Hai nhà sử học Juvénal và Tacite có thuật lại vụ Messaline mê
chú kép hát Mnester.
Mnester nổi tiếng về các trò hề làm cho khán giả cười, và được
dân chúng La-Mã thích lắm. Messaline muốn tình tự với chàng, vì chỉ muốn lấy
chàng làm của riêng, không cho ai giành giựt. Nhưng anh hề không dám, vì làm
tình-nhân của bà Hoàng-hậu, lỡ Hoàng đế biết thì cứ cầm chắc là sẽ mất cái đầu,
chứ không còn là chuyện khôi hài nữa. Nhưng Messaline quyết lấy cho kỳ được
chàng hề Mnester. Để cho hắn ta khỏi còn lo sợ hậu họa, Messaline bảo với
Claude:
- Hoàng-thượng hãy triệu kép hát Mnester vào Cung cho em hỏi
chuyện.
Claude cười hỏi:
- Bộ Hoàng-hậu mê nó rồi hả?
- Em đâu đã nói chuyện với hắn lần nào mà mê hắn? Em muốn
xem tại sao dân chúng La Mã mê hắn. Hoàng thượng truyền lệnh cho hắn vào Cung gấp
cho em nhé!
- Gấp là ngày nào, và mấy giờ mới được chứ?
- Nội ngày hôm nay.
- Được rồi.
- Nhưng Mnester sợ Hoàng-thượng chém đầu nó. Vậy em muốn rằng
Hoàng thượng gọi nó vào chầu, rồi chính Hoàng-thượng truyền lịnh cho nó vào
cung Hoàng-hậu ngay.
Claude làm theo đúng ý muốn của Messaline. Mnester vào Cung do
lệnh của Hoàng đế. Từ hôm đó, ngày nào, đêm nào, Mnester cũng được vào Cung của
Hoàng hậu. Messaline mê chú tình nhân kép hát đến nỗi nàng truyền lịnh phải dựng
một pho tượng của chú hề nổi danh, nơi tất cả các ngã tư trong thành phố.
Hề Mnester có một cô tình nhân thực thọ, tên là Sabina cũng nổi
tiếng trong đám “ăn chơi”. Muốn làm hại cô này và cũng muốn nhân dịp này cưỡng
đoạt luôn một gia tài đồ-sộ của một người bạn thân và trung thành nhất của
Claude, tên là Valerius Asiaticus, Messaline bầy ra một việc hoàn toàn vu khống.
Nàng đặt chuyện nói với Claude rằng Sabina đã có chồng là
Cornélius Scipion mà còn ngoại tình với Asiaticus. Vì vậy, cả hai đều phải ra
tòa về tội ngoại tình và đồng lõa.
Trước vành móng ngựa, Asiaticus chỉ thở ra một câu:
- Thà chết vì chính-trị của Tibère, hay vì những cơn thịnh lộ
của Caius César, còn vinh dự hơn là chết vì những thủ đoạn vu khống của một
người đàn bà!
Nói xong, Asiaticus, bạn thân nhất và trung thành nhất của
Hoàng-đế Claude, lấy dao cắt gân chết rất can đảm, trước mặt Quan Tòa.
Còn Sabina thì uất ức quá, vào trong bồn tắm của nàng mà tự
vận. Thế là Messaline thanh toán được Sabina để giữ lấy chú hề Mnester làm của
riêng. Gia tài kếch-xù của Asiaticus cũng bị Messaline tiếm đoạt, trong số đó
có cái vườn của Lucullus là tuyệt đẹp và đắt tiền hơn cả.
Messaline chuyên quyền đến tích cực, không một ai dám khuyên
răn, cản trở, chống đối. Hầu hết những quan lại cao cấp, công chức, tướng tá,
hoặc sĩ quan hầu cận được ra vô tự do trong Triều đình của Hoàng đế Claude, mà
có thân thể mập mạnh, dẻo dai, gân guốc, rủi ro bị Hoàng hậu ghé cặp mắt xanh tới,
cặp mắt mầu xanh rờn-rợn như mắt mèo, đều lo sợ sẽ bị làm “công tác” cho Hoàng
hậu, để Hoàng hậu được thỏa-mãn xác thịt.
Nhưng Hoàng hậu lúc nào cũng thấy ngứa ngáy thèm thuồng, chẳng
bao giờ được thỏa mãn cả. Sử sách chép rằng có nhiều người đàn ông tuy đẹp
trai, khỏe khoắn, nhưng không đủ sức cung phụng Hoàng hậu, liền bị Hoàng hậu tức
giận cho uống thuốc độc chết tốt sau khi ôm ấp lăn-lộn trên nệm hoa. Trong số nạn
nhân “bất lực” bị Messaline cho về chầu Diêm-chúa một cách bí mật tàn nhẫn và
mau lẹ, có cả hai ông Thượng-nghị-viện có tên tuổi nơi nghị trường: Justus
Catonius và Vinius.
Thế rồi năm 47, hai tướng lãnh âm mưu nổi loạn, Scriboniacus
và Viniciacus. Có một đạo quân hùng hổ dưới quyền chỉ huy của nhị vị Tướng
quân. Họ định ám sát Claude, rồi sẽ thanh toán luôn Messaline. Nhưng cuối cùng
một số quân sĩ không tuân lệnh đó, việc âm mưu bị đổ bể, hai ông tướng phải tự
tử.
Từ vụ đảo-chính hụt ấy, Messaline càng thi hành chánh sách độc
tài cực kỳ tàn bạo. Nàng khủng bố cả đám quan liêu quí phái ở Triều đình, đàn
áp thẳng tay, khiến cho những kẻ nào còn muốn sống đều phải cụp xương sống làm
đôi trước mặt Messaline.
Tuổi càng lớn, dâm dục của nàng càng khó thỏa mãn được, nàng
bày đặt ra những hành phạt khủng khiếp không khác gì các cảnh hoang đường dưới
địa ngục, để cho nàng chứng kiến: quăng nạn nhân trong đống lửa đang cháy phừng
phực, bắt trói tay chân của nạn nhân vào một cây trụ để cho bọn nô lệ thay nhau
đánh đập toàn thân bằng đủ thứ roi, roi cá đuối, roi da thú, roi dây cói,
v.v... Tội gì? Tội chống lại mệnh lệnh của Hoàng hậu.
Các nhà lao La-Mã đều vang dội đêm ngày những tiếng kêu la
rên siết không thể nào tả được.
Polype, một tình-nhân trung thành nhất của Messaline, khuyên
can nàng, liền bị nàng sai người ám sát ngay sau khi nằm với nàng trên giường,
vừa bước xuống đất, ra ngoài.
Trong Lịch sử nhân loại, những người đàn bà khao khát về dục
tình, dù như Võ-Hậu của Trung-Quốc, Catherine II của Nga, Lucrèce Borgia của La
Mã, cũng không thể nào so sánh kịp Messaline.
Nhưng việc gì rồi cũng có một kết cuộc. Một con quỷ cái như
thế cũng phải có ngày đền tội ác ghê tởm của nó. Giờ phút giải phóng của nhân
dân La Mã đã đến sau bao nhiêu tai họa kế tiếp do kẻ ác phụ gây ra.
Vị cứu tinh xuất hiện, là một chàng trẻ rất đẹp trai tên là
Silius. Trông thấy chàng, Hoàng hậu Messaline mê tít ngay. Nàng si Silius cho đến
nỗi nàng bảo sẵn sàng hy sinh tất cả những người đàn ông khác còn được nàng yêu
chuộng, như chú hề Mnester. Silius đã có vợ, tên là Julia Silana. Nhưng
Messaline hăm dọa sẽ giết Silana nếu cản trở mệnh lệnh của nàng.
Silana khiếp sợ, đành câm miệng, rút lui trong bóng tối.
Messaline công khai lấy Silius, tặng cho chàng không biết bao nhiêu là vàng bạc,
châu báu. Ba tháng sau Messaline quyết định làm lễ thành hôn chính thức với
chàng.
Trước hết, nàng tự tôn lên tước vị Augusta, Hoàng-hậu Tối-Cao
của La Mã, nắm trọn quyền trị quốc. Nhưng dù sao, Hoàng đế Claude, chồng của
nàng, hãy còn tại vị, nàng phải đợi ngày Claude đi kinh lý miền Ostie để chủ tọa
một Đại Lễ Thần Linh ở đấy.
Đây phải nói đến một sự ngu ngốc không thể tưởng tượng được của
Claude, Hoàng đế chính thức của La Mã. Việc hôn nhân giữa Messaline và Silius
không phải lén lút gì. Trái lại, Messaline có cho chồng biết đàng hoàng, và ông
chồng Hoàng đế ấy cũng đã bóp bụng mà tán thành. Tại sao lạ vậy ? Tại vì một
mưu mô quỷ quyệt của Messaline! Biết tính Claude rất lo sợ bị ám sát, bị tai nạn,
và rất dị đoan, mê tín những điềm chiêm bao kinh hãi, những lời phù-thủy, Hoàng
hậu Messaline hăm-dọa Claude như sau đây:
- Em nằm chiêm bao thấy cả thành phố La Mã nổi dậy giết
Hoàng-đế... Sợ quá, em vội vàng đi tìm thầy phù-thủy và các chiêm tinh gia danh
tiếng. Tất cả đều báo em phải làm một giấy giá thú giả mạo với chàng Silius,
em phải giả vờ nhận hắn làm chồng em. Hoàng-đế phải tự tay ký tên chấp nhận cuộc
hôn nhân đó, và đóng ấn vào giấy giá thú giả mạo đó, thì Hoàng-đế mới khỏi bị
ám sát và tránh được các điềm hung dữ trong chiêm bao. Hoàng đế cứ yên lòng, chỉ
là giấy hôn thú giả mạo thôi, em bắt buộc phải làm như thế và mong Hoàng-đế vui
lòng chấp nhận như thế. Chỉ vì tính mệnh của Hoàng đế đang bị lâm nguy, đang bị
bọn quỷ sứ có sừng ở Âm-phủ theo phá. Nếu Hoàng-đế bằng lòng như em sắp đặt thì
bọn quỷ-sứ tưởng Silius là Hoàng-đế chồng của em, và chúng sẽ giết chết Silius,
chớ không giết Hoàng-đế. Đó là mưu mô bí mật giữa Hoàng đế với em để đánh lừa
lũ quỷ Lucifer và Sa-tăng. Có thế, tính mạng của Hoàng-đế mới được chu toàn.
- Còn thằng Silius thì sao? Claude ngẩn ngơ hỏi.
- Em phỉnh nó ký tên vào giấy giá thú với em, nó đã chịu rồi.
Em giấu kín, không cho nó biết vụ chiêm bao của em, và vụ quỷ-sứ Lucifer sẽ giết
hại nó. Em phải mưu mô dùng Silius làm con vật hy sinh để cứu tính mệnh của
Hoàng-đế. Ngài có hiểu em không? Có yêu em không?
-Ừ, Hoàng hậu muốn sao cũng được.
Thế là Claude nghe lời Messaline, liền hạ bút xuống ký tên
vào giấy giá thú và đóng kèm ấn đỏ một bên, chấp nhận cuộc hôn nhân “chính thức”
giữa Hoàng hậu Messaline, vợ của ông, với chàng Silius, một thanh niên đẹp trai
của La Mã.
Ký xong giấy, Claude yên lòng đi Ostie, không còn sợ Quỷ sứ
xúi dân chúng ám sát nữa! Lịch-sử thế-giới từ xưa đến nay thật không có ông Vua
nào ngu ngốc đến thế.
Vắng Claude, Messaline liền tổ-chức lễ cưới vô cùng long-trọng
với Silius ngay trong Cung điện Hoàng đế. Cùng những công bộc trung thành với
nàng, những kẻ hầu hạ, tôi tới, những bọn nịnh thần vì thấy Claude đần độn
quá, chắc không ở ngôi được lâu nên họ bám vào Messaline. Nàng mở yến tiệc linh
đình, thết đãi Triều thần có hàng nghìn người tham dự, chúc mừng, y như đám cưới
thật của Hoàng hậu. Thôi thì ăn uống say sưa, tưng bừng hoan lạc, đờn ca nhẩy
múa nhộn cả kinh đô. Nàng còn có ý định sẽ tôn Silius lên ngôi Hoàng-đế, sau
khi tìm cách thủ-tiêu Claude.
Nhưng một nhóm người trung thành với Claude quyết định đi gặp
Vua, nói rõ hết câu chuyện cho Vua nghe và bàn việc ám hại Messaline. Ba người
hăng hái đi tìm Hoàng đế là Narcisse, Callistus, và Pallas. Nói chuyện đám cưới
cho Vua nghe, Vua bảo:
- Chuyện Hoàng hậu làm, Trẫm đã biết rồi. Trẫm đã bằng lòng
ký giấy chấp nhận cuộc hôn thú, vì đó chỉ là giấy giả mạo để đánh lừa bọn quỷ
Satan muốn ám hại Trẫm đó thôi.
Nghe Hoàng đế nói, ba nhà mưu sĩ bật ngửa ra. Callistus và
Pallas thấy việc âm mưu bại lộ, liền rút lui để khỏi bị Messaline lấy đầu.
Nhưng Narcisse quyết hành động một mình.
Theo đúng kế hoạch đã định, ông có thuê hai con điếm và dắt
theo với ông, Calpurnie và Cléopatre. Hai ả chạy đến níu áo Hoàng đế, la hét ầm
ỹ, bảo Hoàng đế đã lấy hai ả có thai. Claude tái mặt, chưa hiểu chuyện chi
nhưng đã run cầm cập. Ông chỉ sợ các quan và dân chúng đòi truất ngôi vì hành động
bỉ ổi kia, dù là chuyện hoàn toàn vu khống.
Nhưng Narcisse giả vờ can thiệp. Ông đánh hai con điếm nói
láo, và tâu cho Hoàng đế biết tất cả mưu mẹo của Hoàng hậu, và chính hai con điếm
này cũng là mưu của Hoàng hậu muốn làm nhục Hoàng đế, để Hoàng đế bị truất
ngôi, Hoàng hậu sẽ lên kế vị và sẽ tôn Silius lên ngai vàng.
Claude tức giận quá, nghe lời Narcisse quyết đem quân sĩ trở
về La Mã gấp rút để trừng phạt Messaline và bè lũ nịnh thần đồng lõa với nàng.
Trong khi đó, ở Kinh đô, Messaline đang say sưa yến tiệc với
người yêu mới... Bỗng có tin Claude hồi kinh. Ai nấy sợ hoảng vội vàng chạy tán
loạn hết. Nhưng đám lính hộ vệ Hoàng đế phi ngựa về trước đã ùa vào thành, chận
bắt tất cả những người dự tiệc.
Silius bị tử hình tức khắc. Những ai từ trước đến giờ liên lạc
với Messaline, có cảm tình với Messaline, đều bị giết hết. Traulus Montanus, một
cậu thanh niên đẹp trai, bị Messaline bắt đem vào ngủ một đêm, bây giờ có người
khai ra, cũng bị chém đầu.
Sau khi chứng kiến cuộc đền nợ máu của hàng trăm người trong
giây phút, Claude vào trong phòng tiệc, ăn uống ngon lành, phớt tỉnh. Narcisse
hỏi:
- Tâu Hoàng thượng, còn Messaline thì sao?
- Để sáng mai hẳn hay.
Narcisse biết tính sợ vợ và ngu ngốc của Claude. Nếu để đêm
nay Messaline năn nỉ ỉ-ôi với chồng, thế nào Claude cũng nghe lời nàng và chắc
chắn sáng ngày mai, Narcisse sẽ mất đầu. Biết trước như vậy, ông làm thinh bỏ
ra ngoài. Gặp một chú lính hộ vệ trung thành của Vua, ông bảo:
- Tụi mầy vào phòng của Messaline, giết nó ngay bây giờ.
Không được trễ một phút! Lịnh của Hoàng đế!
Messaline đã trốn ra vườn của Lucullus, nằm lăn xuống đất. Mẹ
nàng, Lepida, ngồi cạnh khuyên nàng nên tử tự. Bốn người lính hộ vệ đang đi kiếm
nàng, chưa kịp đâm nàng thì nàng đã lấy dao găm tự thọc vào cổ họng. Máu phọt
ra đỏ lòm.
Claude đang ngồi ăn. Lính chạy vào báo tin:
- Tâu Hoàng đế, Messaline đã tắt thở!
Claude không nói một câu. Ăn phớt tỉnh, ngồi ăn no nê, xong
ông bảo viên Quan hầu:
- Cho Trẫm một ly nước uống.
9.– ĐẮT KỶTHẾ KỶ XII trước J.C, vào khoảng những năm 1166 đến 1134,
nghĩa là cách đây trên 3090 năm, bên Tàu có Thọ-Tân Hoàng-đế là ông Vua cuối
cùng của nhà Thương, trong Sử thường gọi là Vua Trụ. Ông là người rất thông
minh, lại có tài hùng biện. Các quan Triều-thần tâu sơ qua một việc gì là ông
hiểu thấu triệt vấn đề, và hành động rất mau lẹ. Ông làm điều chi quấy, có ai
can gián, ông lấy lý lẽ để bào chữa rất trôi chảy, thuyết phục được mọi người
và ai cũng cho ông là có lý. Nhà Vua lại có sức mạnh phi-thường. Sử xưa chép rằng
tay không ông vật ngã một lần 9 con trâu, bưng nổi cột nhà, làm gãy cả xà
chính. Sức mạnh của Vua Trụ không kém gì Hạng Võ, và không thua gì Hercule
trong thần thoại Hy-Lạp.
Nước Tàu lúc bấy giờ đã văn-minh phồn-thịnh. Những ông Vua cuối
cùng của Triều-đại nhà Thương, Võ-Ất, Thái-Đinh, Đế-Ất, Thọ-Tân, đều ăn chơi
xa-xỉ, yến tiệc linh đình, và xa hoa dâm đãng. Vua Trụ lại rất tàn bạo, không
khác gì Hoàng đế Néron của La-Mã.
Và, cũng như Néron, Vua Trụ đã mất nước và bị giết chết rất
thảm hại, chỉ vì một người đàn bà!
CÔ GÁI NHÀ HỌ TÔ LÀM SỤP CẢ MỘT TRIỀU ĐẠI TRUNG QUỐC
Muốn tâng công với Vua Trụ, một tiểu tướng họ Tô đem đứa con
gái út tên là Đắt-Kỷ dâng cho Hoàng đế. Đắt-Kỷ có một nhan sắc lộng lẫy, sắc sảo,
ăn đứt tất cả các phi-tần cung nữ mà Vua Trụ đã sai người đi tìm kiếm khắp nước
đem về nuôi trong cung điện để thỏa thích dục tình.
Từ ngày có Đắt-Kỷ, nhà Vua chê ghét hết các cung tần, bỏ bê cả
việc nước, ngày đêm chỉ say mê bên cạnh Đắt-Kỷ mà thôi. Nàng khéo chìu Vua,
khéo tâng bốc nịnh bợ, khéo mơn trớn vuốt ve. Với đôi bàn tay ngọc, với một nụ
cười, đôi khóe mắt, nàng làm cho Vua Trụ vương như ngây như dại, cả uy quyền bạo
ngược của Chúa tể đều để cho một tay nàng sai khiến.
Miệt mài trong cuộc truy hoan, đắm say tửu sắc, Vua Trụ chấp
nhận tất cả những gì Đắt-Kỷ làm, và Đắt-Kỷ có bàn định những việc chi, nhà Vua
cũng gật đầu cười: “Phải! Phải!” Nàng tâu xin với Vua bổ nhậm hai người anh của
nàng. Tô-Địch và Tô-Thành, làm chức quan Đại-trào để thao túng mọi việc
chính-trị trong nước. Vua Trụ gật đầu: “Được! Được!” Tô-Địch là một tay tàn bạo
khét tiếng, dựa uy-thế của em gái và của Vua mà làm biết bao nhiêu chuyện hà-lạm
trong nước và khắc khổ nhân dân. Người ta đã đặt cho y biệt hiệu là Ác Lai.
Đắt-Kỷ thấy Vua Trụ thích chuyện dâm dục, bèn truyền lịch cho
nhạc sư tên là Quyên đặt ra một bản nhạc dâm ô. Theo Sử Tàu, thì bản nhạc nầy
trổi lên là ai nghe cũng phải nẩy lòng dâm dật. Nhưng Đắt-Kỷ vẫn chưa bằng
lòng, còn muốn thấy một điệu múa làm cho xúc động cả tâm thần Vua Trụ, và bày
ra vũ khúc “Bắc-lý”.
Nghe lời Đắt-Kỷ, Vua Trụ cho xây “Lộc-đài” rộng ba dặm, cao một
ngàn thước, bắt dân đóng Thuế thật nặng, để bỏ tiền vào đấy cho đầy kho. Lại cất
kho “Cự-kiều” rất lớn để chứa đầy thóc lúa.
Vua lập ra “Khuyển-đài” ở chốn Sa-Khưu để nuôi hàng trăm
nghìn chó, ngựa, cọp, beo, khỉ, để cho Đắt-Kỷ săn bán, dựng hí-trường để cho
nhân dân ca hát cho Đắt-Kỷ nghe. Nàng bắt đào một cái ao rộng 25 dặm để chứa rượu,
rồi mỗi lần bảo 300 người chu mỏ hụp xuống ao uống như trâu ngựa để nàng xem.
Nàng bắt trai gái cởi truồng múa hát suốt đêm trong vườn Thượng-uyển trong lúc
nhạc công thổi nhạc dâm-ô, và Vua Trụ ngồi trên lầu uống rượu với nàng nhìn xuống
cười thỏa thích.
Kẻ phạm tội bất tuân lệnh của nàng, thì bị trói tay, dẫn đến
trước mặt đông đủ bá quan. Vua Trụ nghe theo lời Đắt-Kỷ, sai lính chất một đống
củi to lớn, đốt cho cháy đỏ phừng, bắt ngang trên lửa một cây cầu bằng đồng bôi
mỡ, rồi khiến tội nhân phải leo lên đi trên cầu. Bị cháy nóng và mỡ trơn, tội
nhân phỏng chân té nhào xuống lửa, thì Đắt-Kỷ khoái chí cười ngất. Vua Trụ
cũng cười sặc sụa, khiến các quan triều thần ai cũng phải cười để được lòng
Vua và Hoàng-hậu.
Theo Sử Tàu chép lại, thì Vua Trụ nghe lời nàng Đắt-Kỷ mà giết
người đến nỗi say máu và ăn cả thịt người nữa. Một vị chư-hầu, tên là Cừu đem
con gái đẹp đến dâng Vua Trụ. Đắt-Kỷ ghen, bảo Vua Trụ giết đi, và giết cả
Cừu-hầu, lấy thịt làm mắm. Ngạc-hầu đem lời can gián, Vua Trụ bắt giết luôn Ngạc-hầu,
lấy thịt làm nem.
Cổ-Công-Đản (tức là Chu-Văn-Vương) là bậc hiền triết, có đạo-đức,
từ-tâm, làm chức Tây-Bá bị Vua Trụ bắt bỏ tù ở Dữu-Lý. Người con trai trưởng của
Văn-Vương là Bá-Ấp-Khảo đến thăm cha, bị Vua Trụ giết làm thịt nấu canh, và đem
canh đãi Văn-Vương. Văn-Vương không biết, cứ ăn. Vua Trụ liền nói: “Ta nghe
Tây-Bá là bực Thánh-nhân mà nay ăn thịt của con thì đâu phải là Thánh nhân cà!”
Đắt-Kỷ thích chí cười rầm lên.
Chính sách và hành động của Vua Trụ và của nàng Đắt-Kỷ khiến
cho những người can trực trong Triều đình phẫn-uất. Dân chúng muốn nổi loạn.
Hai phần ba thiên hạ là theo nhà Chu. Ba vị đại thần là Vi-Tử, Cơ-Tử, và Tỷ-Can
liền khuyên răn Vua, nhưng Vua không nghe. Tỷ-Can là chú ruột của Vua, rất oán
ghét Đắt-Kỷ. Đắt-Kỷ quyết trả thù cho hả giận. Một hôm, Đắt-Kỷ bị đau bụng
(nàng có chứng bịnh đau bụng kinh niên). Nàng nói với Vua Trụ:
- Thầy thuốc bảo rằng bịnh của thiếp chỉ có lấy trái tim của
Tỷ-Can sắc thuốc uống là khỏi hẳn, vì Tỷ-Can là bậc Thánh-nhân, mà trái tim của
Thánh-nhân có bảy lỗ, khác với người phàm.
Vua trụ nghe theo lời của Đắt-Kỷ, truyền đòi Tỷ-Can để mổ bụng
lấy trái tim làm thuốc cho nàng uống.
Truyền-ký huyễn-hoặc lại kể thêm rằng trước khi Tỷ-Can ra
đi, thầy của Tỷ-Can có tu phép tiên cho Tỷ-Can một lá bùa và dặn Tỷ-Can: chừng
nào họ mổ lấy trái tim xong, Tỷ-Can đắp cái bùa lên chỗ mổ, và lúc ra về ai hỏi
gì cũng đừng nói, thì khỏi chết. Tỷ-Can đến, Đắt-Kỷ truyền lịnh mổ bụng lấy
trái tim xong rồi, ông đắp lá bùa lên vết mổ và thản nhiên ra về. Giữa đường, Tỷ-Can
gặp một cô gái bưng thúng rau muống (Theo truyền ký thì Đắt-Kỷ vốn là loài Hồ-ly-tinh
hóa ra người con gái ấy) chận đường Tỷ-Can, hỏi: “Ông có mua rau vô tâm không
?” Cọng rau muống không có ruột, nên gọi là rau “vô tâm”, và có ý ngạo Tỷ-Can
đã bị mổ tim rồi, trong ruột trống rỗng như cọng rau muống. Tỷ-Can làm thinh,
nhất định không nói một lời, theo lời dặn của thầy. Nhưng cô gái bán rau muống
cứ đi theo hỏi mãi, Tỷ-Can tức giận không thể làm thinh được nữa, mắng một câu
thì tự nhiên ông ngã gục chết liền.
Chính sách tàn-bạo và khốc-liệt của Vua Trụ vì nghe theo Đắt-Kỷ,
đã gây ra oán giận khắp dân gian. Giặc dậy nơi nơi, các nước chư-hầu đua nhau
khởi nghĩa. Con trai của Văn-Vương là Cơ-Phát, làm chức Tây-Bá, (sau lên ngôi
là Chu-Võ-Vương), hội 100 nước chư hầu tại bến Mạnh-Tân, tuyên bố tội-trạng của
Vua Trụ và Đắt-Kỷ, cử Lã-Vọng làm nguyên soái, kéo quân đi diệt trừ kẻ hôn
quân. Hai ông Bá Di, Thúc-Tề gò cương ngựa lại can, Võ-Vương không nghe và quyết
tiến binh.
Vua Trụ thua chạy vào Lộc-Đài, rồi bận áo đeo đầy những ngọc
ngà châu báu, nhảy vào lửa chết. Võ-Vương chiến thắng cầm cây Đại Bạch-Kỳ vào
thẳng thành tới chỗ Vua Trụ chết, chỉ còn cái xác cháy. Ngài lấy gươm vàng chém
đầu Trụ, treo lên chót cây cờ trắng và giết luôn Đắt-Kỷ.
Thế là Triều-đại nhà Thương bền được 661 năm, đến đời Vua Trụ,
chỉ vì say mê một con ác phụ mà bị sụp đổ thảm hại, trong máu và lửa.
Đến nay đã trên 3.000 năm, cái tên gớm ghiếc của Đắt-Kỷ trong
Lịch sử Trung-Hoa vẫn còn người ta nhắc tới, cũng như Poppée, cũng như
Agrippine, của thời Néron ở La Mã, để làm gương cho những người đàn bà hậu thế.
10.– DƯƠNG QUÝ PHIVua Đường-Huyền-Tôn, cũng gọi là Đường-Minh-Hoàng (Người Tàu
và người Âu-châu gọi là T’ang Hiuan-Tsong, 713-756 sau J.C.) ngồi trước lầu Trầm-Hương
thấy mấy khóm hoa mẫu đơn lấy giống từ Giang-Nam về trồng trong vườn Nam-Uyển
có bốn màu, đỏ thẩm, đỏ tươi, hồng, trắng, đều nở hết một lượt đẹp quá. Vua liền
cho mời Dương-Quý-Phi (Tàu và người Âu-châu gọi là Yang Kouei-Pei), và mở tiệc
vui mừng để cùng người yêu uống rượu xem hoa. Ban nhạc của Vua trổi khúc du
dương để chầu Vua và Quý-Phi. Nhưng Huyền-Tôn bảo: “Thưởng hoa mẫu đơn mà nghe
nhạc của các ngươi thì nhàm tai của Quý-Phi. Hãy lập tức đi triệu quan Hàn-lâm
Lý-thái-Bạch đến đây làm thơ để ngâm cho Quý-Phi của ta nghe! Mau lên!”. Nhạc
trưởng Quý-Niên cùng mấy người lính hầu vội vàng chạy đến nhà thi sĩ Lý-Bạch,
nhưng không có ông ở nhà. Đi tìm khắp kinh đô Tràng-An, có người bảo thấy quan
Hàn-lâm đang ngồi trong một tiệm rượu. Quý-Niên chạy tới nơi thì thi-sĩ họ Lý
say li bì, đang nằm ngủ trong quán. Mấy người lay gọi mãi ông không dậy. Không
biết làm sao, vì Vua bảo đi gọi Lý-Bạch đến thì làm thế nào cũng phải đưa Lý-Bạch
vào chầu Vua, nếu không thì có tội, hai người lính phải khiêng ông lên lưng ngựa
và quất ngựa chạy về lầu Trầm-Hương. Vua bảo đặt Lý-Bạch nằm trên chiếc chiếu
hoa ngay trước thềm, nơi Vua và Dương Quý-Phi đang ngồi uống rượu. Thi-sĩ họ Lý
vẫn ngủ như chết, ngáy khò khò, sặc mùi rượu. Quý-Phi tâu: “Thần thiếp nghe
người ta nói rằng lấy nước lạnh đắp lên mặt người say rượu là tỉnh ngay”. Vua
Huyền-Tôn liền truyền cung nữ làm theo lời của Quý-Phi. Một lát Lý-Bạch tỉnh rượu,
lóp ngóp ngồi dậy. Trông thấy Vua, ông quỳ xuống tâu: “Kẻ hạ thần thật đáng tội,
cúi xin Bệ hạ rộng lượng dung tha”. Vua bảo: “Hôm nay Trẫm cùng Quý-Phi ngắm
hoa mẫu đơn, vậy khanh làm bài thơ để phổ nhạc cho Quý Phi nghe”. Lý Bạch cầm
bút thảo luôn một hơi ba bài thơ, chữ đẹp như rồng bay, phụng múa, đề là
“Thanh-Bình tam chương” dâng lên Vua ngự lãm. Vua đưa Quý Phi ngâm:
I.
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Nhược phi Quần-ngọc sơn đầu kiến.
Hội hướng diêu đài nguyệt hạ phùng.
II.
Nhất chi nùng diệm lộ ngưng hương,
Vân vũ Vu sơn uổng đoạn trường.
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự,
Khả liên phi yến ỷ tân trang.
III.
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan.
Thường đắc quân vương đới tiêu khan.
Giải thích xuân phong vô hạn hận,
Trầm hương đình bắc ỷ lan can.
Xin tạm dịch:
I/
Áo tợ làn mây, mặt tợ hoa,
Ngoài hiên gió thoảng giọt sương sa.
Phải người đã hiện nơi Quần-ngọc.
Hay khách Diên-đài bóng nguyệt-nga!
II/
Sương đượm cành tươi bát ngát thơm,
Ngậm ngùi thần nữ chốn Vu-sơn!
Xót xa Phi Yến trong cung Hán.
Thử hỏi bằng ai chút phấn son?
III/
Hương trời sắc nước khéo hòa hai,
Cười mím, quân vương ngắm nghía hoài.
Đừng dựa hiên Trầm hình dáng ngọc,
Gió xuân tiêu tán hận trần ai!
Dương Quý Phi và Vua Huyền-Tôn cùng nhau khen ngợi thi tài của
quan Hàn-lâm Lý-Bạch và Vua truyền lệnh cho ban nhạc phổ nhạc ngay cả ba bài Thanh-Bình
để Quý-Phi nghe. Quý-Phi phục tài của Lý Bạch, liền rót một ly rượu bồ đào đưa
tận tay tặng thưởng thi-nhân.
Nhưng Quý-Phi là ai, mà được vị Đại Hoàng-đế của nhà Đường sủng
ái, chìu chuộng đến như thế ? Nàng đẹp như thế nào đến đỗi một bậc Thi-Bá nổi
danh khắp thiên hạ cũng phải tuân lịnh Vua, mà làm thơ ca ngợi nàng?
Chúng ta hãy tìm xem lý-lịch của kẻ giai nhân lừng lẫy tiếng
tăm nầy và ảnh hưởng của nàng đối với Vua Huyền-Tôn và cả Triều đại nhà Đường
tai hại như thế nào.
Nụ cười hoa nở hơn xưa,
Sáu cung son phấn đều thua mặt nàng...
Bạch-cư-Dị
(Thi-sĩ đời Đường)
Có một sự kiện không tốt tý nào mà vài quyển sách Sử của Tàu
không nói đến hoặc nói sai lạc rằng Dương-Quý-Phi đang ở nhà với chú ruột, và mặc
áo đạo sĩ, thì được tiến cử vào làm cung phi, gần một năm sau nhà Vua mới tôn
lên ngôi Hoàng-Hậu. Sự thật thì Dương-Quý-Phi, tên thật là Thái-Châu, đã là vợ
của Thọ-Mạo-vương, một trong những Hoàng-tử con của Vua.
Thái-Châu ở với Thọ-Mạo-Vương gần được một năm, rồi Vua Huyền-Tôn
trông thấy nàng đẹp quá, mới cướp nàng dâu về làm Cung phi, và đày Thọ-Mạo-Vương
đi xa.
Cha nàng là Dương-Huyền-Diệm, làm một chức quan nhỏ ở Thục-Châu.
Nàng mồ côi từ thuở còn bé, ở nhà làm con nuôi cho người chú là Dương-Huyền-Kiểu
cũng làm quan ở Hà-Nam. Nhờ sắc đẹp và trí óc thông minh, nàng có học khá, biết
làm thơ, đánh đàn, nàng được Thọ-Mạo-Vương, con của Đường-Huyền-Tôn, cưới về
làm vợ. Lúc bấy giờ Vua Huyền-Tôn đang yêu chuộng nhất là nàng Võ-Huệ-Phi. Vì
nàng mà Vua truất phế Hoàng-Hậu, để đưa nàng lên thay thế. Đến năm thứ 24, Huệ-Phi
chết, nhà Vua thương tiếc vô cùng, trong số trên 3000 cung phi chẳng có cô nào
được lọt long nhãn cả. Một hôm vừa (...) Chàng đi rảo một vòng để xem cảnh tượng kinh hoàng bi thảm ấy.
Bỗng dưng, chàng nhìn thấy Dương-Quý-Phi, vội vàng cúi xuống
ôm lấy người ngọc. Chàng kêu lên:
- Dương-Quý-Phi!... Dương-Quý-Phi!... Dương-Quý-Phi!...
Xác giai nhân đã lạnh ngắt như băng giá. Nhưng khi An-Lộc-Sơn
kề mũi trên đôi má của nàng còn hơi ưng ửng một chút màu hồng, chàng còn nghe một
hơi thở yếu ớt. Chàng vui mừng gọi to lên:
- Dương-Quý-Phi!... Dương-Quý-Phi!... Dương-Quý-Phi!...
Người ngọc còn hé mắt được một chút xíu, đôi mắt đã đục ngầu,
rồi nhắm riết lại. Nàng đã hoàn toàn tắt thở.
An Lộc Sơn ôm xác chết của Dương-Quý-Phi khóc nức nở...
Theo dương lịch, hôm đó là ngày 18 tháng 7 năm 756. Chiếu
theo sử Việt-Nam ta thì khoảng 30 năm sau Vua Mai-Hắc-Đế, dưới thời Bắc thuộc
thứ ba, “Annam đô hộ phủ”.
Vua Huyền-Tôn di cư sang đất Thục, sau đó con Vua là Tức-Tôn
khôi phục lại sơn-hà. An-Lộc-Sơn bị con là Khánh-Tự giết, một bộ tướng là Sử-tử-Minh
lại giết Khánh-Tự mà quy hàng nhà Đường.
Vua Đường-Huyền-Tôn trở về Kinh đô cũ, Tràng-An. Nhớ
Dương-Quý-Phi quá, ngày đêm không ăn không ngủ được, nhà Vua bèn sai họa sĩ vẽ
lại hình Dương-Quý-Phi để treo trong Cung-điện. Sớm, tối, nhà Vua chỉ ngồi nhìn
hình người yêu mà khóc sướt mướt, không còn gì an ủi được nữa mối hận nghìn thu
ấy.
Thi sĩ Bạch-cư-Dị, đời Đường, có làm bài “Trường Hận ca” thương
xót cuộc tình duyên đau đớn của Đường-Huyền-Tôn, và... có lẽ của cả An-Lộc-Sơn:
Thiên trường, địa cửu, hữu thời tận,
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ!...
(Trời tan, đất vỡ có ngày.
Muôn đời, muôn kiếp, hận nầy khôn nguôi!)
11.– VŨ HẬUĐọc Lịch sử của Vũ-Hậu, Trung quốc đời Đường, có thể so sánh
bà với Agrippine, vợ của Vua Claude, mẹ của Néron Hoàng đế La Mã 600 năm trước.
Tuy khác thời đại, khác phong thổ; nhưng cùng một giống đàn bà sắc nước hương
trời, thông minh tuyệt bực, xảo quyệt gớm ghê, tàn bạo vô cùng, dâm ô thái quá,
không ai kém ai!
NGƯỜI ĐẸP TRONG NHÀ TU
Cô gái 14 tuổi, ở Hứa Châu, tên là Không, nhờ sắc đẹp kiều diễm
mà được tuyển vào Cung Vua Đường Thái Tôn, không phải là một thôn nữ “quê mùa”
nhút nhát. Được Vua Thái Tôn yêu chuộng, cô bé đã tìm cách chiếm trái tim của
Hoàng-Đế, để được thỏa mãn một tham vọng lớn lao: làm “mẫu nghi thiên hạ”.
Nàng Cung phi tuy nhỏ tuổi nhất trong đám mấy trăm Cung Phi, nhưng tự biết rằng
nàng đẹp hơn tất cả, khôn ngoan hơn tất cả, và được nhà Vua yêu quý hơn cả.
Nàng vẫn ngắm nghé Ngai Vàng, nhẫn nại chờ đợi, tự nghĩ rằng không sớm thì muộn
nàng cũng sẽ lên ngôi Hoàng hậu.
Trong lúc được Hoàng đế cưng yêu và được hầu hạ bên Long sàn,
Vũ-phi đã để ý đến người con trai của Vua, Thái tử Lý Trị, vị Hoàng-đế tương
lai sẽ nối ngôi Cha. Thái-tử Lý Trị mỗi lần đến thăm Vua cha, cũng đã bị đôi
mắt đa tình của Vũ-phi thu hút, và nụ cười kín đáo đầy hứa hẹn của nàng đã làm
cho vị Hoàng-tử thanh niên, nhỏ hơn nàng 5 tuổi, say mê, âm thầm mơ ước...
Năm 649, Vua Đường Thái Tôn băng hà, thọ 53 tuổi. Vũ-phi kêu
khóc rất thảm thương, mặc áo tang, bịt khăn tang, sửa soạn vào nhà tu cùng với
tất cả các cung nữ khác, theo tục lệ trong Cung thời bấy giờ.
Thái tử Lý Trị lên nối ngôi Hoàng-đế lấy niên hiệu là Đường-Cao-Tôn.
Trước khi vào nhà tu, Vũ-phi đến cáo biệt Tân Hoàng-đế. Đường-Cao-Tôn
nhìn người đẹp mặc tang phục càng đẹp thêm, mầu áo trắng càng làm nổi bật đôi
má hồng và làn tóc buông rủ xuống hai vai, huyền mơ, ảo não. Nàng khóc nức nở.
Cao Tôn thương xót vô cùng, cảm động không cầm được lệ ngọc.
Vua bảo:
- Vũ phi vào chùa, Trẫm sẽ thường tới thăm.
Vũ phi cúi đầu lạy tạ Cao Tôn, và lui gót. Đôi mắt nàng tràn
trề châu lệ.
Vũ phi đã 27 tuổi. Cao Tôn 22 tuổi, nét mặt thông minh nhưng
còn ngây thơ, dáng điệu e ấp, tính tình còn yếu đuối.
Cao Tôn giữ đúng lời hứa, thường ngự đến nhà tu để thăm người
đẹp đang đau khổ. Mỗi lần Hoàng-đế vào phòng tu của Vũ-phi, các cửa phòng đều
đóng kín, để Hoàng-đế an ủi giai nhân.
An-ủi được một tháng thì Vũ phi bẽn lẽn:
- Muôn tâu Hoàng-thượng tiện nữ đã có... thai.
Nàng lại khóc thút thít:
- Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao bây giờ đây? Không lẽ Phi ở trong
nhà tu mà lại có thai ư? Tiện phi đã có thai thì ở trong nhà tu sao được nữa?
Đường-Cao-Tôn mỉm cười:
- Trẫm sẽ cho đem kiệu đến rước phi về ở trong cung với Trẫm.
Trong cung đã có Vương Hoàng hậu, vợ chính thức của Vua. Cao
Tôn liền dỗ dành Hoàng hậu:
- Hoàng hậu ở với trẫm mười năm chưa có con. Trẫm muốn đón Vũ
phi về cung để chờ ngày sinh Hoàng Nam. Hoàng hậu cứ yên tâm. Theo thường lệ,
Vũ phi sinh con rồi thế nào Hoàng hậu cũng sẽ có thai.
Vương Hoàng hậu cũng còn trẻ, tính tình lại dịu lành, từ tốn,
không nổi ghen mà cũng không dám cãi lại lệnh Vua. Cao Tôn vui mừng sai thị tỳ
khiêng kiệu rồng đến nhà tu ở chùa Sư Nữ, đón rước Vũ phi hồi cung. Vũ phi hết
lòng hết sức chiều chuộng Vương Hoàng hậu và thường nói với Hoàng hậu những lời
tha thiết tri ân Hoàng hậu đã có lòng độ lượng tha tội cho thứ phi. Nàng rất
khiêm nhường, lễ phép, không dám có một cử chỉ gì làm phiền lòng Hoàng hậu.
Đối với Cao Tôn, nàng vẫn có những nụ cười tình tứ duyên
dáng, luôn luôn quỳ lụy, tôn kính và yêu đương, để dần dần chiếm trọn cả trái
tim của nhà Vua trẻ tuổi.
Nàng lại bỏ bạc vàng ra để mua chuộc các kẻ thị tỳ, người hầu
hạ, binh lính và các quan cận thần của Vua.
Nàng ở cữ, sinh một công chúa. Vũ phi thất vọng: nàng vẫn cầu
nguyện sinh Hoàng nam để con nàng được nối ngôi thiên tử, và để nàng dễ thực hiện
cái mộng lên ngôi Hoàng hậu. Nhưng nàng chỉ thất vọng âm thầm, bề ngoài vẫn làm
bộ vui mừng, sung sướng, báo hỷ tín cho Hoàng đế và Hoàng hậu. Nàng đang sắp đặt
mưu mô...
Vương Hoàng hậu báo tin sẽ đến thăm con. Hoàng hậu đến, Vũ
phi mừng rỡ chỉ con trong nôi, để Hoàng hậu ẵm con lên hôn hít, nâng niu. Vũ
phi làm dấu hiệu đuổi hết các nữ tỳ ra ngoài, và nàng viện cớ là đi rửa tay, để
Hoàng hậu ở trong phòng một mình với hài nhi. Một lúc lâu nàng trở vào, Hoàng hậu
trao con cho nàng, để nàng đặt lại vào nôi. Hoàng hậu trò chuyện một
lúc rồi ra về.
Vương Hoàng hậu vừa ra ngoài, thì Vũ phi liền bóp cổ đứa con
cho nó chết. Xong, nàng lấy mền đắp lại, để cái xác hài nhi nằm nguyên trong
nôi.
Vua Cao Tôn đến. Bước vào phòng, vị Hoàng đế trẻ tuổi lần đầu
tiên được diễm phúc làm cha, tươi cười hỏi Vũ phi:
- Công chúa của trẫm đâu nào ?
Vũ phi cũng vẫn làm bộ vui mừng, đưa Vua đến gần nôi con.
Nàng giở chiếc mền ra, toan ôm con lên cho Vua xem. Nhưng hài nhi chỉ là cái
xác, lạnh ngắt, mặt mũi bầm tím, nơi cổ lại có dấu tay ai đã bóp chết. Vũ phi
hét lên:
- Trời ơi! Ai độc ác bóp cổ con tôi chết thế này?
Nàng giả vờ té xỉu xuống bên nôi, tay ôm xác con, kêu khóc ầm
ĩ.
Vua Cao Tôn gọi các thị tỳ ra hỏi. Tất cả đều nói: lúc nãy
có Hoàng hậu đến ôm công chúa. Rồi từ lúc Hoàng hậu ra về, các thị tỳ không đến
xem công chúa, tưởng rằng công chúa vẫn ngủ trong nôi. Còn Vũ phi thì đi tắm rửa,
chỉ có Hoàng hậu ở trong phòng một mình.
Thôi, thế là đúng rồi, Hoàng hậu là thủ phạm. Hoàng hậu
không có con, thấy Vũ phi sinh được công chúa, Hoàng hậu ghen ghét, bóp cổ cho
công chúa chết! Chứ còn ai dám phạm tội ác như thế được?
Vũ phi la khóc rùm lên, và than van thảm thiết:
- Công chúa là con của Trời phật ban cho Hoàng đế, là huyết mạch
của Hoàng đế, mà Hoàng hậu nỡ đang tay ám hại con tôi ư?
Hoàng đế nổi giận, tin chắc vương Hoàng hậu là thủ phạm, liền
sai thị tỳ đi mời Hoàng hậu đến ngay lập tức. Vụ này làm xôn xao trong cung điện,
gây ra phẫn uất cả Triều đình, ai cũng kết tội vương Hoàng hậu là bất nhân thất
đức, ghen tuông đến nỗi phạm một tội ác dã man như thế. Vương Hoàng hậu nhất định
kêu oan, nhưng ai mà tin được nữa? Chứng cớ rành rành ra đó, ai mà dám bóp cổ
công chúa mới oe oe ra chào đời được vài hôm? Ai, nếu không phải là Hoàng hậu
vì ghen nên mất cả lương tâm?
Vua Cao Tôn truyền lệnh đem Vương Hoàng hậu ra pháp trường xử
chém.
Nhưng bấy giờ Vũ phi lại khóc lóc, xin Hoàng đế mở lượng hải
hà mà tha tội cho Hoàng hậu: chẳng qua vì ghen với Vũ phi mà thôi, chứ lẽ nào
Hoàng hậu lại có thể độc ác với hài nhi vô tội ư?
Vũ phi cầu khẩn xin tha, vì nàng tâu rằng nàng thương Hoàng hậu
lắm. Nàng tôn kính và quý mến Hoàng hậu lắm...
Vua Cao Tôn nể lời Vũ phi, tha tội cho Hoàng hậu nhưng Vua vẫn
hầm hầm tức giận người đàn bà độc ác.
Vua cúi xuống đỡ Vũ phi dậy và an ủi nàng...
Mưu mô tự tay giết chết con để vu oán cho vương Hoàng hậu,
Vũ phi đã thành công, nhưng người đàn bà xảo quyệt kia còn có kế hoạch nguy hiểm
hơn nữa vừa để bưng bít hành vi tội ác của mình, vừa thực hiện tham vọng cao
xa. Nàng giả vờ khóc lóc xin Hoàng đế rộng lượng tha thứ cho Vương Hoàng hậu,
nhưng nàng lại âm thầm sắp đặt một mưu mô khác để thanh toán tình địch của
mình, một cách kín đáo hơn và khéo léo hơn.
Một hôm, bỗng dưng Vua đau một chứng bịnh kỳ lạ, cứ nhói nơi
ngực, như thể có ai cầm dao đâm vào ngực Vua. Các vị Ngự y được mời đến cấp tốc
để xem bịnh cho Hoàng đế, đều không hiểu là bịnh gì.
LÊN NGÔI HOÀNG HẬU
Chợt có kẻ tìm thấy dưới gối của vương Hoàng hậu một chiếc
bùa vẽ hình Vua, có đóng một cái đinh xuyên qua ngực. Chiếc bùa được đem trình
lên Vua, có đóng một cái đinh xuyên qua ngực. Chiếc bùa được đem trình lên Vua,
trước mặt bá quan văn võ trong buổi Đại triều. Vua hằm hằm căm giận, lập tức
truyền lệnh đem Vương Hoàng hậu ra pháp trường xử trảm, vì chứng cớ đã rành
rành ra đó. Nếu Hoàng hậu không cố tình ám hại Vua thì tại sao có chiếc bùa kia
ở ngay dưới gối bà? Mặc dầu có hai vị lão thần, là Phong-huyền-Linh và Đỗ-như-Hối
cương quyết bào chữa cho Hoàng hậu, nhà Vua nhất định không nghe. Huyền-Linh
dõng dạc nói:
- Muôn tâu Hoàng thượng, không có bằng chứng để kết tội
Hoàng hậu.
Vua nổi giận chỉ ngay cái bùa:
- Chứng cớ đấy!
Đỗ-như-Hối kính cẩn:
- Muôn tâu Bệ hạ, biết đâu có kẻ khác đem bùa kia giấu dưới gối
Hoàng hậu để vu khống, và cố tâm làm hại Hoàng hậu chăng ?
Vua trợn mắt hỏi:
- Kẻ khác là ai vậy ?
Nhưng nào ai dám tố cáo ai!
Vũ Hậu núp sau màn nghe rõ hết, lặng lẽ chờ Vua.
Lúc Vua vào hậu cung, Vũ Hậu quỳ xuống khóc:
- Muôn tâu Hoàng đế, kẻ đàn bà tội ác ếm bùa để hại thánh thể,
chứng cớ đã rõ ràng. Nhưng cúi xin Hoàng đế mở lượng khoan hồng, tha cho hắn tội
chết. Chỉ nên truất ngôi Hoàng hậu, và giam hắn dưới hầm kín chịu tội chung
thân. Còn hai vị lão thần Phong-huyền-Linh và Đỗ-như-Hối, tuy đã có công giúp
nước dưới thời tiên-đế, nhưng ngày nay lại phản Hoàng đế, bênh vực cho mụ đàn
bà kia thì nếu Hoàng đế còn tin dùng ắt là một hại lớn trong Triều đình, hậu quả
không biết đâu mà lường được.
Nhà Vua nghe lời Vũ Hậu, liền đầy hai vị trung thần đi hai
tỉnh xa. Đồng thời, Vũ Hậu được Vua tôn lên ngôi Hoàng hậu, thay thế cho Vương
hậu bị truất phế. Lễ tôn Hoàng hậu năm 655, được cử hành rất trọng thể, Vũ hậu
lúc bấy giờ đã 32 tuổi, mặc chiếc áo gấm xanh thêu những con phụng bay, hai
cánh xòe ra, sắc mầu rực rỡ. Nàng đội chiếc mão bằng vàng nạm đầy kim cương, ngọc
thạch. Vũ hậu thiết triều để cho văn võ bá quan cung bái.
Trong lúc ấy, cựu Hoàng hậu bị còng chân còng tay, giam hãm
trong một hầm đá, chật hẹp, tối om, đào sâu dưới đất ngay dưới nền cung điện.
Cửa ngục chỉ chừa một lỗ nhỏ vừa đủ để ngày hai buổi lính đút vào một nắm cơm
cho ăn.
Một buổi chiều, thừa dịp Vũ Hậu ngự du ngoài thành, Vua Cao
Tôn không khỏi nhớ người vợ xưa hiền lành, duyên dáng, lén xuống ngục tối thăm
bà. Trông thấy Vương hậu, ốm tong ốm teo, đầu tóc rũ rượi, mặt mày xanh mét, chỉ
còn như cái xác không hồn, nhà Vua hối hận, rưng rưng hai ngấn lệ. Vua nắm tay
bà, hứa sẽ thả bà ra.
Nhưng khi Vua vừa ở dưới hầm ngục lên thì có nữ tỳ của Vũ Hậu
đến mời Vua sang cung. Vua không ngờ rằng Vũ Hậu có nuôi nhiều thám tử. Nàng đi
dạo chơi vừa về đã có chúng tâu lại rõ ràng việc Vua lén xuống ngục tối thăm
Vương hậu.
Vũ hậu hỏi Vua:
- Trong lúc thiếp đi chơi vắng, chẳng hay Bệ-Hạ làm chi?
- Trẫm ở trong cung xem sách.
- Bệ-Hạ có ngự xuống ngục tối thăm kẻ nữ phạm nhân kia không
?
- Không.
Vũ hậu lặng lẽ, không hỏi gì nữa. Nhưng nàng sai lính xuống hầm
lôi Vương hậu ra đánh một trăm roi. Xong, nàng truyền lịnh chặt hai tay hai
chân bà, rồi ngâm bà trong một thùng rượu. Hôm sau bà chết, trong Cung điện
không còn ai dám nhắc đến tên bà nữa.
Thấy Vua Cao Tôn hèn nhát, khiếp sợ nàng, Vũ Hậu mỗi ngày mỗi
lộng quyền, nhất là từ năm 660. Nàng độc đoán đối với Vua, tàn ác với các Hoàng
thân trong tôn thất nhà Đường, khắc nghiệt với bá quan văn võ. Nàng không bằng
lòng người nào, liền đày người ấy ra khỏi Trường An, kinh đô nhà Đường, hoặc buộc
người ta phải uống thuốc độc, hay thắt cổ tự tử. Ai cưỡng lại, nàng bắt chém
ngay. Vợ và con gái của những vị quan vô phúc ấy đều bị bắt vào cung để làm tôi
tớ cho nàng. Vua Cao Tôn biết những gia đình nầy oan ức vô tội, nhưng nhà Vua
đã để cho Vũ Hậu cướp hết cả quyền hành, đâu còn dám bênh vực, che chở cho ai.
Hơn nữa, nàng cấm tuyệt các cung nữ không được đến gần Vua, sợ rằng sẽ có một
nàng quý phi mới chiếm được lòng Vua rồi sẽ hại nàng và thay thế nàng. Nàng nhất
quyết giữ độc quyền ngôi Hoàng hậu để một mình tự do lung lạc trong Cung cấm
nhà Đường.
THI SĨ LẠC TÂN VƯƠNG
Hàn Quận-chúa là chị ruột của Vũ Hậu. Nàng đẹp hơn Vũ hậu nhiều,
và hiền lành dịu dàng hơn. Hàn Quận-chúa được Vua yêu chuộng và có thai, sinh
được một Hoàng-nam. Bỗng dưng, một hôm, Hàn Quận-chúa vừa ăn cơm xong thấy đau
bụng dữ dội rồi lăn ra chết, sùi bọt mép.. Vũ hậu vờ vĩnh thương tiếc chị, khóc
lóc rất là thê thảm.
Hàn Quận-chúa cũng đã có một người con gái lớn, Vệ công tước,
rất đẹp, thường ra vào Cung điện. Một hôm giai nhân ăn cơm xong cũng đau bụng rồi
chết, y như trường hợp của mẹ. Vũ hậu cũng thương xót cô cháu bất đắc kỳ tử, và
khóc la thảm thiết vô cùng.
Thấy cảnh trong Cung điện như thế, Vua Cao Tôn buồn rầu, sinh
bịnh hoạn. Nhà Vua âm thầm đau khổ, đâu dám tỏ tâm sự cùng ai. Chỉ có một hôm,
viên tể tướng hỏi nhỏ nhà Vua:
- Tâu Bệ Hạ, thần trộm xem như dạo này ngọc thể bất an...
Vua gật đầu, nói thầm:
- Trẫm buồn vì Vũ Hậu lạm quyền, giết hại bao người vô tội.
- Tâu Bệ Hạ, nếu Bệ Hạ truất ngôi Vũ Hậu, ắt triều chính sẽ
yên.
- Trẫm cũng đã nghĩ như thế. Vậy khanh viết sắc lệnh đưa Trẫm
xem. Nhưng khanh phải giữ bí mật, rất bí mật đấy nhé!
- Thần xin tuân lệnh.
Không biết làm sao thám tử của Vũ hậu lại biết được vụ âm mưu
“đảo chánh” này, và tố cáo với nàng. Hôm sau, Vua Cao Tôn ngồi trên ngai vàng,
đang xem tờ sắc lệnh thì Vũ Hậu chợt bước vào. Nàng tiến đến Vua:
- Hoàng thượng đang ngự lãm giấy gì thế?
Vua hốt hoảng, vội giấu tờ sắc lệnh trong áo. Nhưng Vũ Hậu
đòi xem cho kỳ được. Hoàng đế sợ run lên, không dám giấu tờ giấy bí mật nữa,
trao cho Vũ Hậu và bảo:
- Đây chỉ là bản dự thảo sắc lệnh chớ không phải sắc lệnh.
- Ai viết đây? Hoàng thượng cho thiếp biết được chăng?
Nhìn thấy nét mặt giận giữ của Vũ Hậu, Vua Cao Tôn liền ấp
úng trả lời:
- Phó Tể... tể tướng viết đấy.
Vũ Hậu liền gọi quân hầu bắt Phó Tể tướng đem ra chém đầu
ngay giữa chợ, và bắt vợ con vào cung làm tôi tớ cho nàng...
Chính sách bạo tàn kinh khủng của Vũ Hậu khiến cho trong triều
đình, ngoài dân gian ai nấy đều khiếp đởm uy quyền của nàng. Duy có một người
nhất định không sợ, và quyết tâm chờ đợi cơ hội để nổi dậy cuộc đảo chính. Người
ấy là một thi sĩ, một trong nhóm thi nhân “Tứ Kiệt” có danh tiếng nhất ở thời bấy
giờ: Lạc Tân Vương (Lo Pin Wang).
Lạc-tân-Vương, tác giả bài thơ bất hủ: “Dịch thủy tống biệt”,
đã có lời phê bình Vũ Hậu như sau đây, ngay sau lúc nàng âm mưu vu cáo cho
Vương Hoàng hậu bóp cổ chết con nàng:
Mày cong như râu bướm,
Nhan sắc chịu nhường ai!
Vu cáo người, không gớm,
Che mặt sau cánh tay!
Mê hoặc Vua hôm sớm,
Hồ-ly-tinh, ghê thay!
(N.V dịch)
Lúc bấy giờ, có thể nói rằng nhà thơ Lạc-tân-Vương hầu như là
người duy nhất không biết sợ uy quyền của Vũ Hậu. Nhưng không sợ cũng không làm
gì được người đàn bà hiểm độc ấy. Chính trưởng nam của nàng là Thái tử Lý Hoằng,
một hôm không tuân lịnh của nàng, liền bị chết ngay sau khi ăm cơm trúng thuốc
độc.
Nàng giết con trai trưởng như thế, rồi cho con trai thứ, là
Hoàng tử Lý Hiền, lên làm Thái tử, Lý Hiền vẫn nơm nớp lo sợ, xin ra ở riêng
ngoài thành. Không bao lâu, Lý Hiền lại bị mẹ tình nghi là có ý phản loạn, và bị
đày ra quan ải. Nơi đây, Lý Hiền chết một cách hoàn toàn bí mật, do lịnh của Vũ
Hậu.
Vua Đường Cao Tông, phần bị buồn phiền, loạn trí, phần lo cho
uy thế của nhà Đường suy sụp, càng ngày càng đau nặng. Năm 683, Vua mắc chứng bệnh
phong huyễn, đầu lại bị sưng lên, đôi mắt gần mù. Các vị Ngự y dùng khoa châm
cứu để chữa bịnh cho Vua..., Vũ Hậu lúc bấy giờ đã có thâm ý để cho Vua chết,
bèn nổi giận la mắng ngự y:
- Sao các ngươi dám lấy tay sờ mó trên long nhan của Hoàng đế
? Tội các ngươi đáng chết chém!
Nhưng nhà Vua cứ để các ngự y châm cứu thử xem, may ra hết bịnh.
Không ngờ nhờ môn châm cứu ấy mà đôi mắt Vua khỏi mù, đầu Vua hết sưng. Vũ Hậu
giả vờ reo mừng hoan hỉ, vội vàng lấy một trăm thước lụa ban thưởng các ông thầy
thuốc. Nhưng một tháng sau tự nhiên bịnh Vua tái phát một cách vô cùng bí mật,
và ngày 27 tháng 12 năm 683, Vua Đường cao Tôn băng hà... cũng một cách bí mật
vậy.
Tuân lịnh của Vũ Hậu, Triều thần tôn Hoàng tử thứ ba, là Lý
Triết lên ngôi, lấy niên hiệu Trung Tôn Hoàng đế.
Sự thật, thì Trung Tôn làm Vua để lấy vì đó thôi, chứ tất cả
quyền hành đều ở trong tay Vũ Hậu.
Trung Tôn lên làm Vua cũng chẳng được bao lâu, liền bị Vũ Hậu
truất ngôi, đầy đi tỉnh xa. Hoàng tử thứ tư, Lý Đản, lên thay thế, nhưng cũng bị
Vũ Hậu giam trong cung cấm không cho tiếp xúc với Triều-đình.
Tháng 9 năm 690, Vũ Hậu lại truất phế thái tử Đản, rồi nàng tự
xưng là Vũ Tắc Thiên Hoàng đế (Wou Tsotien).
THI SĨ CẦM ĐẦU CUỘC ĐẢO CHÍNH... HỤT
Đời chính trị của Vũ Hậu thật là đầy tội ác. Không ai ngờ rằng
một bà Hoàng hậu có thể giết chồng, giết con để cướp ngôi thiên tử, và thi hành
một chính sách độc tài bạo ngược, ngồi trên đầu trên cổ một nước Tầu đang cường
thịnh, và rộng mênh mông dưới thời nhà Đường. Nước Tầu của Vũ Hậu còn rộng hơn
Trung Quốc ngày nay: phía Bắc gồm cả Cao Ly, Mãn Châu, phía Tây đến biên giới
Thổ nhĩ Kỳ, phía Tây Nam bao cả Tây Tạng, phía Nam chiếm cả Giao Chỉ (Bắc Việt
bây giờ). Hơn nữa một châu Á trên mấy trăm triệu người, đều phải cúi đầu khom
lưng làm nô lệ cho một người đàn bà chuyên chế bậc nhất trong Lịch sử nhân loại.
Về đời tư, Vũ Hậu cũng là một người đàn bà dâm ô số 1. Bà đã
gần 70 tuổi, nhưng trong Cung điện của bà chỉ chứa toàn những bọn trai tráng từ
29 đến 35 tuổi, các ông thầy chùa còn trẻ măng, để thỏa mãn nhục dục của bà. Những
chàng thanh niên ấy đều phải đánh phấn, thoa son, và tranh nhau làm duyên dáng
để được Nữ Hoàng chiếu cố đến. Mỗi đem, bốn năm cậu phải luân phiên nhau hầu hạ
bà, kế tiếp nhau từ canh một đến canh năm. Trong số đó, có hai anh em họ
Tchang, 21 và 20 tuổi, là được Vũ tắc Thiên sủng ái hơn cả.
Nhà Đường có rất nhiều thi sĩ có tài và có tiếng. Nhưng vẫn
có một số các nhà Thơ tầm thường chỉ ca tụng Vũ Hậu, để được Vũ Hậu ban cho ân
huệ. Cũng như dưới các chế độ độc tài phong kiến, luôn luôn có một bọn “văn
nhân”, “thi sĩ”, chuyên môn nịnh bợ uy quyền cầu mong các vị thánh chúa ban thưởng
bạc vàng, địa vị. Bọn đó thường có khi vỗ ngực tự xưng là Thi Hào, Thi Bá, làm
Thơ viết sách để tâng bốc nhà Vua, lập hội lập đàn để suy tôn thánh thượng. Bọn
văn-nô đó, từ Cổ chí Kim, ở xứ nào cũng có cả.
Nhưng vẫn có một số thi nhân chân chính, đứng hẳn ra ngoài,
nhất định không hùa theo. Nhà thơ quyết liệt chống lại Vũ Hậu chính là Lạc-tân-Vương,
một thi sĩ có thiên tài, có chí khí, có lòng yêu nước yêu dân, thương xót người
đồng loại bị kẻ phụ nữ chuyên quyền áp bức. Thi sĩ cầm đầu một nhóm người cách
mạng, trong đó có Từ-Kính-Nghiệp và các con cháu Cựu hoàng Đường-cao-Tôn, nổi dậy
ở Dương Châu. Thi sĩ tự tay viết tờ hịch kể tội Vũ Hậu. Trong hịch có câu:
“Ngôn do tại nhĩ, trùng khởi vong tâm. Nhất phần chí thổ vị
can, lục xích chí cô hà tại?” (Lời nói “của tiên đế” còn văng vẳng bên tai,
lòng trung quân há dễ quên được ư? Một nấm đất chưa khô (Vua Cao Tôn vừa băng
hà), mà đứa con mồ côi sáu thước kia đâu? (hoàng tử Đản bị giam cầm).
Tờ hịch này gây ra cảm xúc mạnh mẽ trong nhân gian, đến cả Vũ
Hậu xem cũng phải giật mình. Nhưng cuộc đảo chính thất bại, Từ-Kính-Nghiệp bị
chặt đầu, bọn quân lính của Vũ Hậu dâng thủ cấp lên bà rồi đem bêu ra ngoài chợ.
Lại một lần nữa, Vũ Hậu thắng thế. Uy quyền càng thêm mạnh. Thi sĩ Lạc-tân-Vương
buồn lòng, vào trú trong chùa Linh Ẩn, cạo đầu đi tu, sau làm Hòa thượng. Số
người trí thức và bình dân theo Nghĩa quân bị bắt bớ, tù tội, giết chóc vô số
kể.
CUỘC ĐẢO CHÍNH THỨ BA VÀ CÁI CHẾT BUỒN THẢM CỦA VŨ HẬU
Nhưng mọi việc đều kết cuộc theo lòng Trời. Vũ Hậu củng cố
Ngai vàng được 15 năm, bằng xác chết, bằng căm thù, bằng oán hận của toàn dân.
Bà đã 80 tuổi. Thể xác đã mòn mỏi, tinh thần kiệt quệ, các kẻ
tôi tớ trung thành với bà đều dần dần xa lánh, hoặc bị giết chết một cách thê
thảm. Quân lính cũng chán nản vì chính sách tham tàn bạo ngược của một người
đàn bà khát máu, không còn muốn ủng hộ chính sách của Vũ Hậu nữa. Một buổi sáng
tinh sương, đầu tháng giêng năm 705, một bọn lính cầm dáo mác ùa vào cung điện
giết chết hết bọn trai tráng trong “A-phòng”, và chặt đầu hai anh em chàng
Tchang cưng nhất của bà. Chính tể tướng Trương Gián Chi chỉ huy cuộc đảo chính
này, Vũ Hậu nằm trong buồng, nghe tiếng kêu la kinh hãi, vội vàng chạy ra. Gặp
Trương-gián-Chi, bà hỏi:
- Chuyện chi thế, Tể-tướng?
Một tên lính kề gươm vào cổ bà, nhưng Tể-tướng khoát tay bảo:
- Đừng giết hắn.
Tể-tướng buộc Vũ Hậu phế-vị tức khắc, và bỏ nhà Chu, khôi phục
nhà Đường, tái lập Lư-lăng-Vương lên ngôi (Đường-trung-Tôn), bắt giam Vũ Hậu
trong ngục (22 tháng 5 năm 705).
Cuộc đảo chính thành công, và cả sự nghiệp bạo tàn dâm loạn của
Vũ Hậu trong hăm mấy năm trời bị sụp đổ trong nháy mắt.
Vũ Hậu chết âm thầm, lạnh lẽo trong ngục thất, vài tháng sau.
Bà thọ được 81 tuổi. Có sách nói là 83 tuổi. Người ta chôn xác bà Vũ tắc Thiên
Hoàng đế như một kẻ ăn mày, không một ai thương tiếc.
SAU VŨ HẬU, ĐẾN VI HẬU...
Chuyện Vũ Hậu đến đây đã chấm dứt. Nhưng rồi Đường trung Tôn
lên nối ngôi, cũng lại bị một thiếu phụ là Vi Hậu chuyên quyền.
Trung Tôn là một nhà Vua quá hiền lành, yếu ớt, cả ngày chỉ
thích xem Kinh Phật, để cho Vi Hậu lộng quyền trong cung cấm.
Dưới thời Vũ Hậu, có ông Sư Trần-huyền-Trang (Yi-Tsing) người
ở Hồ Bắc, năm 671 đi theo đường biển, ghé Sumatra, sang Tích Lan và Ấn Độ học
Kinh. 24 năm sau Thầy trở về Tàu (năm 695), thỉnh về trên 650 quyển Kinh, bộ
kinh Tam Tạng, và dịch ra Hoa ngữ. Vua Trung-Tôn mời thầy vào cung để dậy Kinh
Phật, hoặc chính Vua thân hành đến chùa để dịch Kinh Tam Tạng với Thầy. Vua mê
học Phật, bỏ bê việc nước cho Vi Hậu.
Vi Hậu lại là một người đàn bà dâm dục không kém gì Vũ Hậu,
không kém gì Messaline của La-Mã thuở xưa. Vi Hậu gả con là công chúa Trường-Lạc
cho Vũ-sùng-Huấn, con trai của Vũ tam Tư (Wo San Sseu). Ông nầy lợi dụng tình
nghĩa suôi gia, thường ra vào tự do nơi Cung điện rồi tư thông với Vi Hậu
(Wei). Thái tử Trọng Tuấn, là con riêng của Vua Trang Tôn, lập mưu giết Vũ tam
Tư và Vi hậu, không ngờ cuộc âm mưu bị bại lộ, thái tử Trọng Tuấn bị giết. Vi Hậu
bỏ thuốc giết luôn chồng (3 tháng 7 năm 710) để một mình rảnh tay cai trị.
Nhưng đêm 25 tháng 7, Hoàng tử Long Cơ đem binh vào cung, giết Vi Hậu và cả gia
đình họ Vũ. Quân lính cắm thủ cấp của Vi Hậu trên lưỡi mác đem bêu ra giữa chợ,
bỏ mặc cho dân chúng lấy xuống chà đạp, và quăng xuống hồ.
Thái tử Long Cơ tôn cha là Tương-Vương lên ngôi, lấy niên hiệu
là Đường Duệ Tôn (Jouei-Tsong)
Duệ Tôn ở ngôi chỉ hai năm, rồi tự ý thoái vị làm Thái thượng
hoàng, nhường ngôi cho Thái-tử Long-Cơ ngày 8 tháng 9 năm 712. Long Cơ lên nối
nghiệp Đế, lấy niên hiệu là Đường Huyền Tôn (Hiuan-Tsong), tức là Vua Đường
Minh Hoàng (712-759).
Đường Huyền Tôn nổi danh trong Lịch sử là một vị Hoàng đế vĩ
đại, một đấng minh quân của thời Thịnh-Đường, thời-đại Lý thái Bạch và Đỗ Phủ.
Nhưng về sau trong nước ông cũng có loạn An Lộc Sơn chỉ vì một nụ cười đổ nước
nghiêng thành của một giai nhân khác, là Dương Quý Phi (Yan Kouei Fei)...
12.– TỪ HI THÁI HẬUĐây là lịch-sử một người đàn bà khắc-nghiệt và tàn bạo nhất của
nước Tàu ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế-kỷ XX. Bàn tay ngọc của bà nắm cả quyền
sinh tử của một Đế-quốc phong kiến, rộng một nửa Châu Á, gồm trên 400 triệu
dân. Cuộc đời dâm đãng của bà mãi cho đến 80 tuổi vẫn còn làm kinh ngạc cả thế-giới,
và trên địa hát chính-trị một mình bà nắm đầu cả một triều đại Mãn-Thanh, mà bà
làm cho run sợ, trong 5 năm chuyên quyền độc-đoán, đương đầu với 6 cường quốc:
Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Nhật.
Hai nhà văn lừng danh nhất của nước Tàu, Lương-khải-Siêu và
Khang-hữu-Vi, khuyên bà, bà không nghe. Một tay gian hùng bậc nhất ở triều
đình, Viên-thế-Khải sợ bà như sợ cọp. Ngồi trên ngai vàng, và dẫm chưn lên hàng
triệu xác chết. Thế mà cả nước Tàu chẳng ai dám làm gì bà. 83 tuổi bà chết, nước
Tàu bỗng dưng không có chủ, rơi vào nội loạn, đổ nát tan tành...
TRÊN NGỰC CÓ HÌNH CÒN HỔ
Mới ra chào đời 3 hôm, cô bé Lan-Nhi đã được một ông thầy xem
tướng bảo: “nơi ngực có hình con hổ, đó là điềm quý tướng, về sau khi lớn lên
được tiến cung làm Chúa tể thiên hạ”.
Cha mẹ của Lan-Nhi thuộc dòng thế gia lệnh tộc được trọng vọng
nhất ở Mãn-Châu. Tuy vóc vạc bé nhỏ nhưng bẩm chất cứng cỏi, đứa bé đã thường
thích tắm gội bằng nước lạnh và phơi truồng trước gió mùa giá rét.
Vào thời ấy ly loạn tràn lan khắp xứ Trung-Hoa. Hai nước Pháp
và Anh dùng võ lực uy hiếp Chính-phủ của Hoàng-đế nhà Thanh buộc phải mở rộng
các thương cảng cho ngoại-quốc thông thương, bồi thường chiến phí và nhượng
Hương-Cảng cho người Anh làm tô-giới. Toàn dân sôi sục căm hờn, nhất là đối với
các giáo sĩ và những nhà doanh thương ngoại-quốc.
Một người tên là Hồng-Tú-Toàn đứng lên cầm đầu một đám
nghĩa-quân, và xưng hiệu “Thái-bình Thiên-quốc” nổi lên chống lại triều đình
Mãn-Thanh. Người theo rất đông, thế giặc mạnh như vũ-bão, sắp tới tỉnh của cha
Lan-Nhi trấn nhậm, ông cùng gia-quyến lo chạy trốn trước, bỏ cả nhiệm vụ. Về
sau bị triều đình khép tội, bắt cầm ngục. Ông sầu muộn nên phát bệnh chết trong
khám.
Từ đó Lan-Nhi và mẹ lưu lạc đó đây, sau cùng vì đói khổ quá
nên Lan-Nhi phải bán mình vào nhà một trọc phú ở Quảng đông. Bị hành hạ khổ sở
đủ điều, tuy vậy nàng cố nhẫn-nhục chịu đựng.
Khi Hoàng-Đế Đạo-Quang băng hà, Vua Hàm-Phong lên nối ngôi
Thiên-Tử và giáng chiếu tuyển chọn cung nữ. Theo tục-lệ triều Mãn-Thanh, cung nữ
được tuyển trong hàng quí tộc và hoàng-phái. Lan-Nhi vốn dòng quí phái nên nàng
quyết định ghi tên ứng thí.
Trước ngày lễ tuyển phi, quan Thái phó tới dạy cho Lan-Nhi những
cách đi đứng, lễ nghi và đối đáp theo tục lệ trong Cung.
Lúc nàng đến trình diện trước ban giám khảo, nàng đã làm cho
toàn ban chấm thi phải lấy làm lạ về tài ứng đối trôi chảy và dáng dấp yêu kiều
của nàng. Kế đó phải chịu một phen lựa kín đáo về thân thể do những bà giám khảo
xem xét kỹ-lưỡng trong căn phòng vắng vẻ.
Những thiếu-nữ được trúng tuyển sẽ được trình diện trước
Hoàng-đế và Ngài sẽ chọn những người mà Ngài ưa thích nhất. Số phận của đám người
ấy sẽ được định đoạt trong giờ phút chót nầy. Trong khi chờ đợi Ngự giá trong
vườn Thượng-uyển, đám thiếu nữ ấy bị bọn thái-giám lên mặt hống hách, nên khép
nép sợ hãi. Duy có Lan-Nhi vẫn nghiễm nhiên như thường. Nàng đợi lúc xe giá đến
gần, liền lên giọng chỉ trích bọn Nội-giám kia, cốt làm cho nhà Vua lưu ý đến
mình. Thật quả như dự đoán của nàng, Vua Hàm-Phong ngạc nhiên về sự dạn-dĩ ấy,
và đăm đăm nhìn sắc đẹp lộng-lẫy của nàng, liền chấm cho nàng được trúng tuyển.
Ngồi trên chiếc kiệu hoa rực rỡ ánh vàng có các phó quan theo hầu thẳng tiến
vào Cung điện, Lan-Nhi đã thỏa giấc mộng phi tần từ bấy lâu ôm ấp.
NGỒI BÊN CHÂN VUA
Sau buổi tiến Cung, Lan-Nhi từ địa vị một Cung nữ tầm thường
không bao lâu làm cho mọi người phải chú ý. Dùng tài ăn nói bặt thiệp, khéo chiều
chuộng, nàng đã làm đẹp lòng Hoàng-hậu Từ-An, vợ chánh-thức của Hoàng-đế. Về phần
Vua Hàm-Phong, Ngài không khỏi đắm say vì sắc diễm kiều và giọng nói dịu dàng của
quý-phi, đào tơ mơn mởn, đến nỗi khuya sớm không rời.
Sau một thời gian tạm yên loạn “Thái-bình” của Hồng-Tú-Toàn lại
nổ bùng ghê-gớm hơn bao giờ hết. Loạn quân vây hãm Nam-kinh và uy hiếp cả Bắc
kinh. Quân triều phải liều thân ngăn trở mới chận được bước tiến vũ bão của
quân phiến loạn. Trong khi ấy Lan-Nhi khéo chia xẻ nỗi lo âu phiền muộn của
nhà Vua bằng cách khuyên lơn và dự bàn tới việc nước. Nàng âu-yếm ngồi dưới
chân Vua, đọc các sớ tâu từ xa gởi về, và đàm đạo cùng Vua về cách giải quyết
những vấn đề rắc rối. Trong những trường hợp nầy, nàng Cung-phi yêu dấu của Vua
đã tỏ ra thông minh phi thường.
Thời vận đã đến kịp lúc giúp cho nàng sớm toại nguyện, vì sau
đó không lâu, nàng sanh được một Hoàng-nam đúng vào chỗ mong ước của Vua
Hàm-Phong, vì Hoàng-hậu Từ-An không có con, Lan-Nhi liền được đưa lên chức
Tây-phi.
Sau khi được lòng nhà Vua sủng ái, nàng càng ráo riết hoạt động
để kéo những kẻ quyền uy trong Triều về phe mình, trong số ấy có cả các vị Đại-tướng
và những bậc Vương hầu. Trong lúc Lan Nhi củng cố địa vị bên trong thì bên
ngoài những cuộc đổ máu vẫn tiếp diễn mãi không ngừng.
Lợi dụng cảnh hỗn độn trong nước, Triều đình bất lực, người
Anh và người Pháp bèn thừa cuộc tàn sát giáo-sĩ, tuyên chiến với Trung-Hoa, chiếm
lấy Quảng-Đông, rồi tiến thẳng tới Bắc Kinh. Quân Triều vỡ tan trước lực lượng
hùng hậu của đối phương. Nhà Vua nhất định dời đô về Nhiệt-Hà, cách Bắc-Kinh
125 dặm ở về mạn Bắc Vạn-lý Trường thành.
Đấy là năm 1860, môt thời-kỳ u-ám thảm thê nhứt trong lịch-sử
Trung-Hoa. Quân Đồng-Minh Anh, Pháp cướp bóc châu ngọc, phóng hỏa thiêu hủy
Cung điện, tiếng kêu khóc vang rền một phương trời, khói bốc mù mịt lan rộng
hàng trăm dặm.
Hơn nữa, loạn “Thái bình” đoạt lấy Nam-Kinh, tín đồ Hồi-giáo
nổi loạn phá Đại-lý. Biết thế chống cự không lại, Thanh Triều phải chịu cầu hòa
và ký hòa-ước với Anh Pháp. Theo bản ký kết thì ngoài khoảng bồi thường quân
phí, Triều đình còn phải cắt đất nhường các đô-thị lớn cho Anh và Pháp làm tô
giới và người ngoại quốc được tự do thông thương trong nước.
Hoàng-Đế Hàm-Phong vừa thất vọng vừa đau ốm. Triều thần đổ tội
cho Tây-phi đã mê hoặc quân vương. Bất đắc dĩ nhà Vua phải triều theo ý của quần
thần, hạ chỉ buộc Tây-phi phải tử-tiết sau khi Vua băng hà. Nhưng ngọc-tỉ (ấn
Vua) không cánh đã bay đâu mất, khi người ta kiếm để đóng vào tờ sắc chỉ nói
trên.
CẦM ĐẦU MỘT NƯỚC
Ngày 25-8-1861 Vua băng hà, thọ được 30 tuổi. Chiếc ấn Vua bỗng
nhiên lại thấy xuất hiện trong tay vị thân vương Quảng, bác ruột của Vua, và là
một trong những tình nhơn tin cậy nhứt của Tây-phi. Hành động trước tiên của
nàng là tiêu diệt bọn Đại Thần trước kia đã tố cáo nàng, khiến các quan đều khiếp
vía.
Tây-phi đưa đứa con trai mới 5 tuổi lên ngôi, đặt hiệu là Đồng-Trị
Hoàng-Đế, và tự phong cho mình làm Thái-hậu hiệu là Từ-Hi. Nàng mới có 27 tuổi.
Vì Đồng-Trị còn nhỏ, nên Từ-Hi Thái-Hậu cầm quyền nhiếp chính, coi sóc tất cả
việc nước. Quảng, ông bác chồng và là tình nhân của nàng, được nàng tôn làm Phụ-chánh
Đại-thần, nhưng nàng không cho dự việc nước. Từ đó về sau nàng càng lộng quyền,
trở nên bạo tàn, kiêu xa thái thậm. Nàng đem tất cả quân lực vào việc dẹp loạn
“Thái-bình”, đoạt lại được Phúc-châu và phá tan quân giặc trong những năm về
sau.
Từ khi Cung điện bị phá hủy, Triều đình dời tới một khu cấm ở
giữa Bắc-Kinh, chung quanh có những bức tường đá, bên trong có hồ sen, có ao cá
vàng, có những vườn hoa mẫu đơn, những khu rừng con con trồng toàn kỳ-hoa dị thảo.
Nàng truyền lịnh đàn ông không được hớt tóc, và ăn mặc chải chuốt, đàn bà không
được trang điểm. Những đứa trẻ sanh trong thời kỳ có tang của đức Vua đều bị
coi là con hoang vì mẹ cha chúng đã phạm vào luật thanh kiết.
Sau thời kỳ tang chế, mọi người đều nẩy nở bao niềm hy-vọng
trong tâm khảm, chỉ riêng có Hoàng-Đế Đồng-Trị lúc ấy được 12 tuổi. Tuy là con
ruột của Từ-Hi Thái-Hậu, được nối nghiệp Đế-Vương, nhưng nhà Vua thiếu-niên cảm
thấy mình ở nơi Cung điện nguy-nga mà không khác gì bị giam hãm chốn lao tù.
Ngày ngày hoàng-đế phải dậy từ buổi sớm tinh sương, ngự trên ngai vàng và nghe
những bản sớ tâu dài dằng dặc mà Ngài chẳng hiểu tí nào cả. Mỗi cử động của
Ngài đều phải tuân theo một kỷ-luật khắc-nghiệt. Mẹ là Từ-Hi Thái-Hậu, chỉ luôn
luôn nói tới quyền lợi và bổn phận, không hề có một cử chỉ gì bộc lộ lòng trìu
mến thương yêu con. Dần dần Ngài đâm ra oán ghét con người khô khan, hách dịch
và vô nhân đạo ấy, trong lòng vị ấu quân nảy sinh ra ý tưởng thoát ly ra khỏi sự
kềm chế của bà.
Năm Ngài lên 17 tuổi, Triều đình chọn được 7 thiếu nữ con nhà
quí-tộc để cho Ngài chọn lựa Hoàng-Hậu. Thay vì nghe theo lời Từ-Hi Thái-Hậu,
buộc phải chọn nàng Thân-Bình, hoàng-đế lại chọn thiếu nữ A-Lư-Đức, có sắc đẹp
lộng lẫy vừa lòng Ngài. Từ-Hi quắc mắt nhìn con, cố nén một tiếng kêu căm hờn.
Từ đó giữa Từ-Hi Thái-Hậu và Hoàng-Hậu mới sinh ra mối tư
thù.
Thoạt tiên, Thái-hậu tìm cách chia rẽ Vua và Hoàng-hậu, viện
cớ “quốc gia hữu sự không nên nịch sắc” kỳ thật là sợ Hoàng-hậu có thai thì
ngôi vị và quyền uy của mình sẽ bị gãy đổ. Nơi phòng Vua bị bọn hoạn quan canh
phòng không cho Hoàng-hậu đến thường, một mặt khác Thái-hậu ngầm đưa các cung tần
đến cho con đắm chìm trụy lạc, càng ngày càng sa đọa trong nhục dục, để đừng
còn tưởng nhớ đến Hoàng-hậu nữa. Nhà Vua gặp cảnh chia ly với người yêu, đâm ra
thất vọng, chơi bời phóng đãng, tiêu mòn sức lực trong cảnh mê ly bất kể ngày
đêm. Không bao lâu, nhà Vua vướng bệnh nặng, ngự y khám xong cho thấy Ngài mắc
bệnh phong tình.
Dầu có lời ngăn cấm của Từ-Hi Thái-Hậu, khi nghe tin chồng hấp
hối, Hoàng-hậu cũng xông đại vào chốn long sàng. Nhà Vua dù kiệt sức cũng cố thảo
bức di chúc, ra lịnh sau khi Ngài băng hà, Triều đình phải bắt giam Từ-Hi
Thái-Hậu. Tin ấy đến tai Thái-Hậu, bà tức tốc đến nơi bắt nhà Vua phải đưa
di-chúc ra, Đồng Trị sợ hãi không dám cãi lịnh. Từ-Hi xem xong liền kề vào ngọn
bạch lạp, đốt cháy vèo.
Canh hai đêm ấy, nhà Vua vì quá khiếp đảm nên băng hà
(12-1-1875) Ngài mới hưởng thọ được 19 tuổi.
Tang lễ cử hành xong, Từ-Hi Thái-Hậu liền lập một người cháu
mới được 4 tuổi lên ngôi, tức là Vua Quang-Tự. Về sau nghe tin con dâu có mang
và nếu sanh con trai thì ngôi báu phải trả về đứa bé và chức Thái-hậu cũng mất
hết uy-quyền, vì phải thuộc về Hoàng-Hậu. Sau vài hôm tính kế, Từ-Hi Thái-hậu
cho vời Hoàng-hậu và thân phụ nàng vào cung, đem hết lý lẽ nền luân lý chuyên
chế giảng giải cho cha con Hoàng-hậu hiểu rõ ràng vì quyền lợi của quốc gia, mà
không thể để cho đứa bé được ra đời vì nó đã vướng phải bịnh di truyền của cha
nó, điều nầy có thể làm nhục nhã cho quốc thể ngàn đời. Chỉ có cách hy sinh thì
danh-dự của Hoàng-hậu, của Hoàng-Đế vừa băng hà, và quốc thể của Thanh triều mới
có thể cứu vãn được.
Cố nén dòng lệ đau thương tủi hờn, Hoàng-Hậu A-Lư-Đức vì lòng
trung trinh, xem phận sự nặng hơn tánh mạng, kết liễu đời mình và luôn cả bào
thai đang nằm trong bụng bằng chén độc dược, sau khi chồng chết được 70 ngày.
NHỮNG CHÀNG TRAI TRẺ ĐẸP TRONG CUNG CẤM
Vững tin vào uy quyền của mình, Từ-Hi Thái-Hậu càng ngày càng
xa-xí kiêu căng, xây thêm Cung điện, bày đủ cuộc vui. Nhưng trong cung còn có
Từ-An Thái-hậu là vợ của Vua Hàm-Phong.
Muốn diệt trừ luôn bà nầy để được một mình hoàn-toàn tự-do, Từ-Hi
hăm bắt giam bà Từ-An. Bà nầy liền lấy trong tay áo ra một đạo sắc chỉ của
Hoàng-Đế quá cố để lại trao cho Từ-Hi xem. Trong bản chỉ ấy, Vua Hàm-Phong bảo
rằng: “Từ-Hi là một người đàn bà dẫy đầy tham vọng và chuyên chế, nên Ngài
trao cho Từ-An Thái-Hậu trọn quyền bắt giam Từ-Hi để xét xử, nếu thấy cần cho
quyền lợi của Triều đình”.
Thế mà Từ-An không bao giờ dùng đến quyền hành ấy. Để tỏ lòng
cao thượng của mình, Từ-An Thái Hậu liền đốt mảnh giấy trước sự kinh ngạc của
Từ-Hi Thái-Hậu.
Từ-Hi tỏ vẻ cảm động và cảm ơn Từ-An và cử chỉ đẹp-đẽ ấy. Muốn
tỏ tình thân mật, sau khi về Cung, Từ-Hi sai thái-giám mang biếu Từ-An một chiếc
bánh do chính tay bà gói, Từ-An vui vẻ ăn chiếc bánh ấy, và bị trúng độc chết
ngay trong đêm đó.
Hôm sau, anh ruột của Từ-An Thái-Hậu đến trước cửa Ngọ môn đầu-cáo
kẻ đã đầu độc em gái của ông, và kêu nài điều tra về cái chết bất ngờ ấy. Nhưng
chẳng ai dám nghe những lời kêu thống thiết của ông! Ông kêu mãi đến nỗi khan cả
cổ, khóc hết hơi và cuối cùng kiệt sức, đâm ra cuồng trí, xé quần áo và chết
trong cơn mê sảng...
Kể từ đó, Từ-Hi Thái-Hậu tự do say đắm thú vui riêng và chọn
những thanh niên trai tráng từ 16 đến 20 tuổi, vui thú trăng-hoa. Những chàng
trai trẻ may-mắn ấy đều bị Thái-Hậu cho thủ-tiêu một cách âm thầm bí mật, sau một
thời-gian ân-ái.
Cuộc đời dâm đãng của Từ-Hi Thái-Hậu là cả một trường hợp
hi-hữu trong lịch-sử. Cho đến 80 tuổi, Từ-Hi Thái-Hậu vẫn còn sức lực, da thịt
của bà con tươi thắm như hồi còn 40 tuổi. Luôn luôn trong phòng Thái-Hậu, có rất
nhiều chậu hoa quí, và một bầy chó, một bầy mèo. Tiếp các bà Phu-nhân vợ các Đại-sứ
Ngoại-quốc, Từ-Hi Thái-Hậu đưa họ đi dạo trong vườn Ngự-uyển, và luôn luôn bà
đi khỏe hơn họ. Bà nhảy ngang qua những dòng suối uốn quanh, bà leo lên các gò
đá lởm chởm, bà đi bách bộ hằng hai ba giờ không thấy mỏi. Một hôm, trong một
cuộc tiếp tân, giữa đám đông các bà vợ của các ông Đại-sứ Anh, Pháp, Mỹ, Đức,
Ý, bà cười nói với bà Đại-sứ Pháp như sau đây:
“Quí bà cứ phàn nàn rằng phụ-nữ mình mau già. Đó là bởi tại
chồng của các bà quên bà, và tình nhân của bà bỏ rơi bà...”.
Bà Stéphen Pichon, vợ của viên Đại-sứ Pháp, nghe Từ-Hi Thái-Hậu
nói như thế, bà trố mắt nhìn Thái-Hậu, hoàn toàn kinh ngạc. Trong lúc đó, các
bà Đại-sứ Mỹ, Anh, Đức, Ý, Nga cười ngất, và cũng theo phép xã giao phải trầm
trồ khen ngợi Thái-Hậu.
Câu chuyện bất hủ nầy được truyền sang Âu-châu, làm tài liệu
lịch-sử và ngoại-giao vô cùng thú vị cho các nhà báo thời bấy giờ. Đến đỗi một
tờ báo bệ vệ, già cổ lỗ nhất của Anh quốc, tờ Time, cũng không khỏi không đăng
mấy dòng tỏ lời khâm phục sức khỏe dẻo dai hiếm có của Thái-Hậu Trung-Hoa!
CUNG NỮ NGỌC TRÂN LÀM THƠ THẤT TÌNH BÊN CÂY TÁO
Từ-Hi Thái-Hậu xuống lịnh tuyển vợ cho Vua Quang-Tự, nhưng bà
không khỏi ngạc nhiên khi nghe Bộ Lễ trình chỉ có vỏn vẹn hai cô thiếu-nữ ứng cử.
Nguyên nhân sự thờ ơ ấy chỉ vì những quan nhà Thanh không muốn
cho các con gái họ vào Cung điện của bà Từ-Hi là nơi luôn luôn xẩy ra những
chuyện ám sát hoặc đầu độc vì quyền lợi hoặc chính trị. Bà Từ-Hi tức giận truyền
chỉ cho vời 8 thiếu nữ, con của các quan mà Bà cho là đủ điều kiện để tham dự
cuộc tuyển lựa làm Hoàng-Hậu.
Tới ngày chọn lựa, những thiếu nữ nói trên được đưa vào một
gian phòng, cực kỳ lộng-lẫy. Từ-Hi Thái-Hậu ngự trên ngai vàng, nét mặt lạnh
lùng đôi mắt sắc như dao. Hoàng-Đế Quang-Tự, cháu bà khép nép đứng bên trái.
Đoàn hoa khôi trang diện vô cùng diễm lệ lần lượt diễn qua trước mặt Thái-Hậu
và Hoàng-Đế, mỗi nàng cầm nơi tay một phiến bài có ghi rõ ràng tên tuổi, gia thế,
chức vị của mẹ cha, quê quán. Thái-Hậu trao cho Hoàng-Đế một cây vương trượng,
để lúc Hoàng-Đế ưng-ý nàng nào thì Ngài sẽ trao cây vương-trượng cho nàng đó cầm.
Say sưa vì sắc đẹp yêu kiều một nàng trong bọn, Vua Quang-Tự
toan trao cây vương trượng cho nàng nhưng bất ngờ Từ-Hi Thái-Hậu gằn mạnh một
tiếng chỉ cho nhà Vua một thiếu nữ khác, con gái của một người anh họ của
Thái-Hậu, Hoàng-Đế lấy làm phẫn uất nhưng không dám trái lịnh, đành chọn vị
Hoàng hậu không vừa ý mình. Người thiếu nữ được vì Vua trẻ tuổi để ý, buồn bã
ra về, lòng vô cùng chán ngán vì thất vọng. Không thể chống lại niềm tủi nhục
đau hờn, sau khi tắm gội tinh khiết, nàng kết liễu cuộc đời bạc phước của mình
bằng một giải lụa màu trinh trắng.
Vua Quang-Tự nghe tin ấy buồn bã vô cùng. Ngài nhất định
không yêu Hoàng-Hậu do Thái-Hậu ép buộc gán cho Ngài, Ngài đi tìm an ủi trong
cánh tay một nàng cung-nữ, xinh đẹp, dịu dàng, có học thức tên là Ngọc-Trân. Do
theo những lời khuyên nhủ của Ngọc Trân, Hoàng đế nhất quyết ban hành những sự
cải cách chống lại quyền uy tàn ác của Thái-Hậu. Để theo kịp liệt cường về mọi
mặt, Ngài cho dịch sách vở Âu-châu ra tiếng Trung-quốc và tạo lập những đoàn
hùng binh võ trang theo kỹ-thuật Tây-phương. Thái-Hậu ngoài mặt giữ vẻ thản
nhiên, nhưng thâm tâm vô cùng căm tức.
Một hôm Hoàng-đế ra lịnh cho vị Đại-thần Viên-Thế-Khải bắt Từ-Hi
Thái-Hậu hạ ngục, nhưng Viên-Thế-Khải tuy rập đầu tuân lệnh Vua, nhưng lại sợ
Thái-Hậu, nên đem mọi việc kể lại cho Thái-Hậu rõ.
Ngày hôm sau, vào lối 8 giờ sáng khi Hoàng-đế lâm triều như
thường lệ, một sắc lệnh của Thái-Hậu dạy đoàn quân Ngự-lâm bắt giữ nhà Vua và
sau đó đem giam Vua ở Doanh-đài, trong Hoàng-thành, ròng rã mấy năm!
Cung nữ Ngọc-Trân là người yêu của Vua cũng bị giam vào lãnh
cung, không một ai được phép thăm viếng. Ngày ngày nàng ngồi dưới một gốc cây
táo trong sân cung, tự tay thảo hằng bao nhiêu bài thơ tình lâm ly não ruột mà
không bao giờ được đến tay quân vương. Hè qua Thu lại, rồi đến Đông về, muôn
ngàn cỏ hoa rời cành nơi cung cấm, nàng cung nữ đáng thương kia cũng chết lần
mòn trong giá lạnh.
Cây táo mà dân chúng gọi là “Cây táo Ngọc-Trân” hiện nay vẫn
còn, và hàng năm cũng trổ hoa sớm hơn những cây táo khác, hình như còn phảng phất
hồn thiêng của Ngọc-Trân cung nữ.
Sau đó, Từ-Hi Thái-Hậu phải đương đầu với bao nhiêu chuyện rối
rắm về chính trị. Các địa phương đã trở thành những quốc gia thực sự ở trong nước.
Quân Nga chiếm Lữ-Thuận, người Đức đánh luôn Thanh-Đảo. Đối với người
Tây-phương, nước Tàu là miếng mồi béo bổ cần được phân chia gấp. Đứng trước cơ
nguy rõ rệt ấy, toàn dân Trung-Hoa cực kỳ phẫn uất nên gây ra loạn.
Quyền-Phỉ (les Boxeurs) vùng dậy khắp nơi. Bọn nầy vấn khăn đỏ
tự xưng không chung đội trời với người Tây phương.
Họ tàn sát Nam-tước Von Ketteler, sứ thần Đức quốc và tấn
công các sứ quán ngoại quốc, bao vây, công hãm các khu nhượng địa, non ba tháng
trời mới có viện binh tiếp cứu.
Trong giai đoạn nầy Từ-Hi Thái-hậu trải qua những giờ phút
kinh hoàng và do dự. Ngài thừa rõ nếu quân nội loạn đắc thắng thì Ngài sẽ bị
chúng hạ bệ. Lúc cuộc chiến đấu sắp tàn. Ngài e người ngoại quốc sẽ tìm Vua
Quang-Tự để ký hòa ước, vì vậy Ngài truyền đến Doanh-đài mở cửa ngục rước
Hoàng-Đế về và cùng nhà Vua đào tẩu. Vua Quang-Tự từ khi nghe tin Ngọc-Trân đã
chết thì như kẻ không hồn, tha hồ cho bọn thị vệ lôi kéo. Một buổi sáng mùa
Đông lạnh lẽo, nhà Vua co ro trên một chiếc kiệu phủ rèm kín. Từ-Hi Thái-Hậu cải
trang làm một cô gái quê, các cung tần thị vệ đi xe ngựa, giã từ kinh kỳ, trốn
ra cửa Bắc.
Trong lúc ấy đoàn quân ngoại quốc chiến thắng, say sưa, bạo
tàn, hãm hiếp, đốt nhà cướp của, cảnh điêu tàn hiện rõ khắp nơi nơi!..
HOÀNG HÔN CỦA NỮ CHÚA
Sau đó không lâu, Hòa ước Bắc kinh được ký kết để chấm dứt cuộc
lưu vong của Hoàng-gia. Lẽ dĩ nhiên triều đình Trung-Hoa phải nhận hết phần lỗi,
chịu bồi thường chiến phí và cắt đất nhượng địa thêm nữa. Dù vậy Từ-Hi Thái-Hậu
vẫn mãn nguyện vì được an toàn trở về ngôi báu. Trái lại toàn dân còn uất ức và
ngấm ngầm hoạt động để gây mầm cách mạng về sau nầy.
Nhà Vua đã mất hết ý nghĩa về đời sống quanh mình và ngày đêm
nằm bên bàn đèn thuốc phiện để tiêu sầu. Thái-Hậu mặc tình chuyên chế. Đến năm
80 tuổi mà sắc diện bà vẫn tươi trẻ như một thiếu phụ ngoài 40, một điều mà mọi
người không khỏi lấy làm lạ.
Vào khoảng hạ tuần tháng 11, năm 1908, sau khi dự yến nơi
Cung điện, Từ-Hi phát bịnh. Trong khi ấy, Vua Quang-Tự cũng vướng bịnh nặng và
trút hơi thở cuối cùng, miệng còn lẩm bẩm tên người yêu.
Thái-Hậu thấy cần gấp rút chọn người kế vị, Ngài chọn Phổ-Nghi,
chắt của Ngài, lên ngôi vị. Hoàng-Đế mới nầy mới có 2 tuổi và lấy niên hiệu là
Tuyên-Thống. Từ-Hi Thái-Hậu băng hà ngày 15 tháng 11 năm 1908. Trong những năm
chót, bà đã lo xây dựng nơi yên giấc ngàn thu của mình, và sau khi an táng vẫn
có hoạn quan ngày đêm canh giữ mộ phần.
Dưới Triều đại của Từ-Hi Thái-Hậu, nước Trung-Hoa chịu không
biết bao nhiêu là thảm bại nhục nhã. Đó cũng vì chế độ tàn bạo u-mê của bà. Mỗi
lần thảm bại càng nung sôi chất chứa lòng uất hận của toàn dân.
Các Văn-sĩ Trung-quốc như Lương-Khải-Siêu sau khi bôn tẩu ra
ngoại quốc khỏi bàn tay rướm máu của nhà Thanh có viết nên sách “Trung quốc sỉ”,
lời văn hùng hồn, bi tráng, giọng thành thực thiết tha hài tội Tây Thái-Hậu (tức
là Từ-Hi) và chính sách tồi tệ của bà đã đưa Trung-hoa vào con đường vong quốc.
Từ-Hi Thái-Hậu chết rồi, dân tộc Trung-Hoa bừng tỉnh dậy lật đổ Thanh triều.
Nhưng than ôi, cuộc cách-mạng của Tôn-Văn cũng không làm sao
cứu vãn được Trung-Hoa, vì một người đàn bà của Triều-đại Mãn-Thanh đã làm cho
nước Tàu mục nát, đổ gãy tan tành!.
13.– CATHERINE II
NỮ HOÀNG ĐẾ NGA QUỐCCÓ CHỒNG CHÍN NĂM CÒN TRINH TIẾT
Cũng như Từ Hi Thái Hậu của Tầu, Catherine Đệ Nhị, Nữ Hoàng
Hoàng-đế của nước Nga (1729-1796) là một bực phụ nữ lừng danh trong Lịch sử thế
giới. Người Nga đã tôn bà là Catherine Đại Đế (Catherine la Grande). Khác hơn
bà Từ Hi tàn bạo và chính trị vụng về, Catherine II là một vị nữ hoàng sáng suốt,
cai trị rất khéo, điều khiển việc nước rất thông minh. Nhờ bà mà Đế quốc Nga hồi
thế kỷ XVIII đã mở mang phồn thịnh, và gây được uy tín lớn lao với các cường
quốc trên thế giới, ai cũng kính nể, và được dân chúng Nga tôn sùng, yêu mến.
Nhưng Catherine II lại cũng nổi tiếng là một người đàn bà đa
dâm. Về phương diện tình dục, Catherine của nước Nga không kém gì Từ Hi Hoàng
Thái hậu của nhà Mãn Thanh Trung Quốc hồi Thế kỷ XIX.
Các nhà sử học trên thế giới đã viết rất nhiều sách về thời đại
Catherine Đại đế của Đế quốc Nga. Nhưng tất cả đều khen ngợi bà và kính phục
bà, tuy đời tư của nữ hoàng vĩ đại này đã chứa đầy những thiên tình sử ly kỳ,
quái gở. Ngoài những tình nhân có tên tuổi trong Lịch sử: Soltikof, Orloff,
Potemkine, nhất là Potemkine, – Poniutowsky, Landekoi (một họa sĩ 48 tuổi),
Zoubov (một tên lưu manh 24 tuổi), còn vô số những tình nhân qua đường, tạm bợ
một vài tháng, như anh thợ rèn Zavadovski, anh binh nhì Zorick, chàng thám tử
Arkarow, anh da đen Yermoloff, Namonov, v.v... và v.v.... không biết mấy trăm
người! Tuy vậy, Catherine Đệ II vẫn để lại trong Sử sách danh tiếng lẫy lừng của
một vị Đại Hoàng đế của nước Nga hồi thế kỷ XVIII. Dân chúng Nga vẫn gọi bà là
“Bà mẹ yêu quý của chúng ta”.
Sinh năm 1729 ở Allemagne (Đức), tên thật của bà là Sophie
Zerbst, con gái một vị Hoàng thân nhỏ và nghèo. Năm 15 tuổi Sophie được Nữ
Hoàng nước Nga lúc bấy giờ là Elizabeth gọi sang Nga để gả cho cháu ruột của bà
là Thái tử Pierre Ulrich, 17 tuổi.
Thái tử Pierre là một thanh niên vừa ốm yếu, vừa đần độn, lại
hay say rượu, hoang đường, tính tình đê tiện, ít trí khôn. Tuy còn trẻ tuổi,
nhưng chàng không chịu học hành gì cả, chỉ thích cỡi ngựa đi chơi lang thang cả
ngày với mấy sĩ quan hầu cận.
Hôn lễ được cử hành long trọng ngày 21 tháng 8 năm 1744 tại
thủ đô nước Nga.
Nhưng Thái tử Quận công Pierre hoàn toàn bất lực về sinh lý,
mà nữ quận chúa Sophie, vợ của chàng thì lại rất đẹp, và rất đa tình. Mới có
15 tuổi, Sophie đã ưa trang sức, làm dáng, cả ngày chỉ xức dầu thơm, nước hoa,
bà cười rỡn với các ông Hoàng và các quận công trai trẻ trong cung, bạn thân của
chồng. Tuy vậy, suốt chín năm đằng đẵng, Sophie vẫn trung thành với Thái tử
Pierre, và cả trong Triều và ngoài dân chúng Kinh đô Saint-Pétersbourg không một
ai ngờ rằng sau chín năm thành hôn với Thái tử, nữ quận chúa Sophie vẫn còn
trinh tiết nguyên vẹn!
Thật là một chuyện hi hữu trên đời. Không có người chồng nào
cưới một cô vợ trẻ và đẹp tuyệt trần như Sophie mà chín năm trời không hề rờ mó
đến vợ! Sự thật, Thái tử Pierre không phải là một chàng điên khùng, hay không
biết ái tình là gì. Nhưng chàng thanh niên 26 tuổi vẫn giấu kín không cho ai biết
chàng bị một cái tật ở nơi bí hiểm không cho phép chàng làm tròn bổn phận
thiên nhiên của người đàn ông đối với vợ. Tội nghiệp cho quận chúa Sophie kiều
diễm, mang tiếng là vợ chính thức của Thái tử, Hoàng hậu tương lai của Đại đế
quốc Nga, mà phải chịu âm thần đơn độc, nhịn suốt chín năm lạnh lẽo, chưa hề được
hưởng cái lạc thú mê ly, say-sưa tuyệt diệu của ái-tình, như tất cả những người
vợ khác.
May sao, nhờ một Bác sĩ danh tiếng, tên là Boerhave, có tài
cao thuật khéo, đã dùng dao kéo giải phẫu để cởi mở cho Thái tử cái cục nợ thắc
mắc đã làm bít lối lưu thông cho dòng men sinh lực.
Bác sĩ Boerhave được Hoàng hậu Elizabeth, cô ruột của Thái tử,
ban tặng một viên ngọc kim cương to bằng ngón chân cái để thưởng công ơn quý
báu của nhà đại y khoa.
Hoàng gia Nga và cả Triều đình đều vui mừng vì nhờ biến cố
quan trọng ấy mà từ giờ Thái tử Pierre sắp lên ngôi sẽ có thể làm đầy đủ bổn phận
sinh lý của một người chồng. Ngai vàng của đại Đế quốc sẽ chắc chắn có người kế
vị để nối dòng nối dõi về sau.
Thế rồi vợ của Thái tử, Nữ Quận chúa Sophie, quả nhiên có chửa.
Nhưng ai nấy đều ngạc nhiên. Sao Nữ Quận chúa có chửa mau
chóng vậy nhỉ ? Sau chín năm trinh tiết còn nguyên vẹn vì chồng bất lực, bây giờ
Thái tử vừa được bác sĩ khai thông cho đường sinh dục mới được 4 tháng mà Nữ Quận
chúa đã sinh ra được một đứa con trai rồi!
Thái tử Pierre nhất định không tin rằng đứa con trai kia là
con của chàng.
Thì có người chồng ngu ngốc nào tin được rằng vợ mình mới có
chửa với mình hơn bốn tháng đã sinh đẻ ? Thì đây, cái bí mật đã tiết lộ liền, đứa
con trai ra đời ngày 20.9.1754, tốt đẹp, kháu kỉnh, rất khoẻ mạnh, nhưng...
không giống Thái-tử chút nào cả!
Một đứa con ngoại tình! Cả trong Triều, ai mà không biết chuyện
Nữ Quận-chúa Sophie có một tình nhân để thay thế chồng trong lúc người chồng
còn bệnh hoạn, ốm yếu, không có khả năng sinh lý để làm đầy đủ bổn phận đàn
ông.
Chính trong quyển Nhật-ký của nàng, Quận chúa Sophie cũng
nhìn nhận rằng người tình vụng trộm ấy là Soltykoff, một vị thượng quan trong
Triều. Dù muốn dù không, đứa con trai kia cũng phải chính thức là con của
Thái-tử. Người ta đặt tên cho vị Hoàng-Nam bất ngờ ấy là Paul Petrovitch (sau sẽ
lên ngôi tức là Hoàng-đế Paul 1er).
CUỘC ĐẢO CHÍNH TRONG TRÁI TIM QUẬN CHÚA, VÀ TRÊN NGAI VÀNG NƯỚC
NGA
Ngày 24-12-1761, Hoàng-Hậu Elizabeth băng hà, thái tử Pierre
lên nối ngôi, lấy hiệu là Hoàng-đế Pierre III. Bấy giờ ông đã 35 tuổi, Nữ quận
chúa Sophie được Triều đình tôn làm Hoàng-Hậu Catherine.
Một thời gian không lâu, Triều đình và dân chúng nhận thấy rõ
ràng Pierre Đệ-Tam không xứng đáng là một vị Hoàng đế của Nga, một đại Đế-quốc
nằm giữa Âu châu và Á châu, diện tích rộng lớn 22 triệu ki-lô-mét vuông, dân số
gần 170 triệu người. Pierre III chủ trương chính sách thân thiện với Allemagne
(Đức quốc) là thù địch của Nga, ông lại gây nhiều điều bất bình trong Quân-đội,
và trong hầu hết các giới nhân dân. Ông ban bố nhiều sắc lệnh độc đoán, tăng
thuế nặng nề, và ăn chơi xa xỉ. Ông đem một cô tình nhân là Vorontsof, người xấu
xí, ăn nói tục tĩu, tính nết cộc cằn, về ở trong cung với ông. Ông muốn tôn
nàng lên làm Hoàng-Hậu, và không giấu giếm ý định hủy bỏ giấy hôn thú với
Hoàng-Hậu Catherine và bắt giam Catherine trong nhà tù kín. Nhưng ý định của
Hoàng-đế chưa thực hiện được thì bỗng dưng xẩy ra một cuộc đảo chính bất ngờ,
và khôn khéo, làm kinh ngạc cả thế giới, mà người chỉ huy là Hoàng-Hậu
Catherine.
Không ai tưởng tượng được rằng Catherine, một người đàn bà hiền
lành, rất khả ái, mới có 33 tuổi, đã có những thủ đoạn chính trị tài tình đến
thế.
Catherine có một người tình, một vị quan cao cấp trong triều,
tên là Gregor Orlov, anh ruột của đại úy Alexis Orlov trong Quân-đội Nga
Hoàng.
Tháng 6 năm 1762, Hoàng đến Pierre III với nàng Cung phi
Vorontsor đi nghỉ mát ở hải cảng Oranienbaum, bỏ Hoàng hậu Catherine ở lâu đài
Peterhof, cách thủ đô không xa.
5 giờ ngày 9 tháng 7, Hoàng hậu Catherine đang ngủ ngon giấc
thì có tiếng gõ cửa. Hoàng-Hậu tỉnh dậy, lắng tai nghe rồi điềm nhiên hỏi:
- Đại úy Orlov?
Tiếng ngoài cửa đáp:
- Dạ phải, đã đến giờ rồi, xin rước Hoàng hậu lên xe.
- Chờ ta mặc đồ.
Hoàng hậu Catherine mặc nhung phục Đại-tá Ngự lâm quân, mở cửa
hỏi Đại úy Orlov:
- Đã sẵn sàng cả rồi chứ?
- Tâu Hoàng hậu, xong cả. Chiều hôm qua, chúng tôi đã phao
tin trong các trại lính ở thủ đô rằng Hoàng đế đã bắt giam Hoàng hậu rồi, và
quân đội phải cứu Hoàng hậu.
Catherine gật đầu, rồi lên chiếc xe song mã trực chỉ về thủ
đô Saint Pétersbourg, cách đó ba chục ki-lô-mét. Trời mới mờ mờ sáng, đường cái
vắng teo, sương mù bao phủ cảnh vật chung quanh. Hoàng hậu ngồi lặng lẽ trong
xe, mắt đăm đăm nhìn về phía trước, mong chóng đến Kinh đô. Bảy giờ rưỡi sáng,
mặt trời vừa mọc, thì chiếc xe song mã chở Catherine đã đến Saint Pétersbourg.
Hoàng-hậu bảo đại úy Orlov đánh xe thẳng đến trại lính Ismailovski. Đến cổng
trại, đại úy nhẩy xuống xe, hô to khẩu hiệu:
- Catherine vạn tuế!
Toàn thể binh sĩ vừa mới ngủ dậy, đổ xô ra sân trại, ngạc
nhiên trông thấy Hoàng hậu Catherine đẹp rực rỡ và oai nghiêm lạ thường trong bộ
nhung phục Đại tá Ngự lâm quân. Theo mệnh lệnh của Catherine nên đánh đòn tâm
lý, thừa lúc binh sĩ say mê sắc đẹp lẫm liệt của Catherine, đại úy Orlov rút
gươm sáng quắc, giơ lên cao và hô to:
- Catherine vạn tuế! Catherine vạn tuế!
Thế là toàn thể binh sĩ trại Ismailovski bỗng dưng hào hùng
hô theo:
- Catherine vạn tuế!
Đại úy Orlov lại hô to:
- Chúng ta tuyên thệ trung thành với Nữ hoàng Catherine!
Toàn thể binh sĩ hô theo:
- Chúng tôi tuyên thệ trung thành với Nữ Hoàng Catherine!
- Hoàng đế Catherine vạn vạn tuế!
- Hoàng đế Catherine vạn vạn tuế!
Catherine vừa duyên dáng, vừa oai nghi, đứng dậy mỉm cười
chào binh sĩ. Binh sĩ càng nhiệt liệt hoan hô. Cuộc đảo chính khai diễn bằng một
nụ cười mỹ nhân trong bộ nhung phục oai-nghiêm.
Một sĩ quan dắt đến một con ngựa trắng tuyệt đẹp, để
Catherine cỡi. Catherine lên ngồi chễm chệ trên yên ngựa, đi đến nhà thờ Kazan
để làm lễ. Binh sĩ trại Ismailovski có đội nhạc đi dẫn đầu, ào ạt đi theo. Một
số dân chúng bỗng nghe, chưa hiểu rõ chuyện gì, cũng hân hoan đưa vị Hoàng hậu
trẻ đẹp đến nhà thờ. Các trại lính khác trong Kinh đô thấy vậy cũng tuyên bố ủng
hộ Catherine, và buổi trưa hôm đó, nhờ tuyên truyền khôn khéo, toàn thể thủ đô
Saint-Pétersbourg đều náo nhiệt “Hoan hô Hoàng đế Catherine II lên nối ngôi!”
và “Đả đảo Pierre III!”.
Cuộc đảo chính của Catherine thành công mau chóng là nhờ ba yếu
tố: nhờ chế độ độc tài của Nga hoàng Pierre III đã làm cho nhân dân bị đàn áp,
đau khổ, và oán thù nhưng không dám nói ra, nay có người cầm đầu khôn khéo và
can đảm nên họ ùa theo. Nhờ cuộc bố trí và tuyên truyền tâm lý trong quân đội
và quần chúng, do Nữ hoàng khéo sắp đặt, khéo vận dụng thời gian, và lôi cuốn
được quần chúng trong hoàn cảnh phấn khởi và đột-ngột. Dĩ nhiên là cũng nhờ sắc
đẹp của Nữ hoàng Catherine rực rỡ, oai nghiêm trong bộ nhung phục Đại tá Ngự
lâm quân.
Vua Pierre III lúc bấy giờ đang hú hí với nàng cung phi
Vorontsor ở thành phố nghỉ mát Oranienbaum, chưa hay biết biến cố bất ngờ đang
xẩy ra ở thủ đô Saint-Pétersbourg.
Cuộc đảo chính của Hoàng hậu Catherine đã thành công tốt đẹp
chỉ trong một buổi sáng, mà Hoàng đế Pierre III không được một tin tức gì cả.
Hài hước nhất, là ngay buổi sáng ấy, ở tại Oranienbaum, Pierre III nghe lời
nàng cung phi yêu quí, sắp sửa ký sắc lệnh ly dị Hoàng hậu Catherine, bắt giam
bà trong một nhà tù kín, và tôn nàng cung phi lên chức Hoàng hậu.
Buổi trưa ở thủ đô dân chúng treo cờ hoan hô Nữ hoàng
Catherine Đệ Nhị, tân Hoàng đế, thì năm giờ chiều Catherine vẫn mặc nhung phục
Đại tá Ngự lâm quân cỡi con bạch mã đi đầu đoàn quân mấy ngàn người, và cả dân
chúng hăng hái đi theo, trực chỉ đến thành phố Oranienbaum, nơi Hoàng đế Pierre
III đang nghỉ mát.
Tất cả đều đi bộ, như một cuộc đi chơi mát xa mười cây số. Dọc
đường, quân đội và dân chúng vẫn hô to liên tiếp hai khẩu hiệu:
- Đả đảo Pierre III! Hoan hô Hoàng đế Catherine Đệ Nhị!
Đoàn người lữ hành vừa đi vừa ca hát, thật là vui vẻ, dưới một
vòm trời đã tối đen, lấp lánh muôn vạn ngôi sao. Catherine Đệ Nhị mặc nhung phục
ngồi trên lưng ngựa trắng, đi dẫn đầu, được coi như là vị Nữ thần của tuổi trẻ
và của Chiến thắng...
Ở Oranienbaum, mãi đến gần tối Hoàng đế Pierre III mới hay
tin cuộc đảo chính, và được người thân tín báo cho hay là Hoàng hậu Catherine
đang kéo quân đến Oranienbaum. Nhà Vua liền cấp tốc đến trại lính Thủy quân ở
Cronstadl, hô hào hải quân chống cự đoàn “quân phiến loạn”. Nhưng hải quân cũng
đang thù ghét chính sách độc tài của Nga hoàng, nên sửa soạn đón tiếp Catherine
và không tuân lệnh Hoàng đế nữa. Pierre III thất vọng và sợ hoảng, phải vội
vàng quay về Oranienbaum, phái một vị Đại thần đi đón đường Catherine để điều
đình. Nhưng Catherine bảo:
- Ngươi về tâu lại với Hoàng đế hãy ký giấy thoái vị, thì sẽ
giữ được tính mệnh.
Pierre III sợ chết, lập tức ký giấy thoái vị. 8 giờ tối,
Catherine tới Oranienbaum, được dân chúng đốt đèn đốt đuốc ra tận ngoại ô đón
tiếp, hoan hô nhiệt liệt.
Hoàng đế đến xin tiếp kiến nhưng Hoàng hậu không tiếp. Hoàng
hậu truyền lịnh cho một toán lính giải Pierre đến giam giữ tại một biệt thự ở
giữa đồng quê Ropscha. Ông khóc lóc, năn nỉ quân lính cho ông đem theo ba món đồ
mà ông quí nhất: một cây đờn violon, một con khỉ và cung phi Vorontsor. Nhưng
quân lính không cho ông mang theo một món nào cả.
Cuộc đảo chính trong trái tim của Hoàng hậu Catherine và trên
ngai vàng của Đại Đế-quốc Nga, đã thành công vẻ vang, tốt đẹp, không rơi một giọt
máu.
Catherine trở về thủ đô Saint Pétersbourg được toàn thể dân
chúng và quân đội đón tiếp nồng nhiệt.
Bà lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Hoàng đế Catherine Đệ Nhị,
và cai trị ba mươi bốn năm, cho đến khi băng hà (tháng 11 năm 1796), thọ được
67 tuổi.
Trong Lịch sử thế giới, khi nói đến Nữ Hoàng-đế Catherine Đệ
Nhị, là người ta nghĩ đến một người đàn bà “kinh khủng” mà tên tuổi không những
nổi bật lên trên một thời đại, lại còn chói rạng cả mấy thế hệ sau. Dĩ nhiên là
Lịch sử chỉ chú trọng đến địa vị lẫm liệt của một phụ nữ trên trường chính trị
quốc tế, và ảnh hưởng lớn lao của bà đối với đời sống của một quốc gia rộng
mênh mông trên 22 triệu kí-lô-mét vuông, và một khối thần dân trên 170 triệu
người tôn kính bà và trung thành với bà trong nửa thế kỷ.
Một bực phụ nữ kỳ tài như thế hẳn là có một đời tư cũng phi
thường, độc đáo, vượt lên trên tất cả mọi thích nghi của con người và của xã hội.
Riêng đời sống tình cảm của Catherine II cũng đã chứng tỏ một
cá tính sôi nổi đặc biệt. Tôi đã so sánh bà với Từ-Hi Hoàng Thái-hậu của nước
Tàu, về phương diện tình dục. Cả hai đều để lại trong lịch sử nhân loại cái
gương tiêu biểu của người đàn bà làm chúa tể đàn ông.
Catherine II đã tổng hợp trong số kiếp của bà vừa nhan sắc và
tài hoa, vừa tình cảm dồi dào và tự chủ, kịch liệt và diệu hòa, oai nghi và trụy
lạc.
I.– HOÀNG THÂN ORLOV
Lên ngôi Hoàng-đế vừa được bảy hôm thì Catherine được tin chồng
bị ám sát đã chết. Nhưng dân chúng Nga và các nước trên thế giới đều không ngạc
nhiên tí nào khi nghe lời hiệu triệu sau đây của Nga hoàng Catherine:
“Ta lên ngôi nước Nga được bảy hôm thì được tin Cựu Hoàng
Pierre III bị bịnh trĩ và bịnh đau bụng kinh niên tái phát. Lo lắng theo bổn
phận một người Gia-tô giáo. Ta đã lập tức truyền lịnh săn sóc thuốc men cần
thiết cho Cựu Hoàng. Nhưng, ta rất buồn phiền được tin chiều hôm qua, rằng Chúa
đã dứt đời sống của Cựu Hoàng. Ta đã ra lệnh đưa linh-cữu của Ngài đến an táng
trong nhà thờ Nevski.
Với tư cách là Nữ Hoàng-đế và là Quốc mẫu của Đế quốc Nga, ta
mời tất cả thần dân trung thành của Ta, hãy gác bỏ chuyện cũ mà lo tống táng
cho Cựu Hoàng, thiết tha cầu nguyện Chúa cứu vớt linh hồn của Ngài và tin tưởng
rằng cái chết đột ngột này là một quyết định của Đấng cao cả và chỉ có Chúa là
sắp đặt vận mệnh của tổ quốc chúng ta theo những đường lối mà chỉ có ý muốn
thiêng liêng của Chúa là biết được mà thôi.
Thủ đô Petersbourg, tháng 7 năm 1762
CATHERINE"
Người ta không ngạc nhiên mặc dầu dư luận trong dân chúng và
cả thế giới đều biết rõ rằng tuy Cựu hoàng Pierre III chết vì bị ám sát chứ
không phải vì bịnh trĩ hay bịnh đau bụng, nhưng Catherine II hoàn toàn không
dính líu gì với vụ ám sát ấy. Chính bà rất buồn phiền vì cái chết quá đột ngột
của chồng.
Khi đại úy Orlov đến báo tin ấy, bà rất đỗi ngạc nhiên và đau
đớn. Bà òa khóc nức nở trước mặt Thủ tướng Panine, bà té xỉu xuống ghế, rồi bảo:
“Thôi rồi! Lịch sử sau này sẽ không bao giờ tha thứ cho Ta vì cái tội ác mà
chính ta không phải là thủ phạm!”
Nhưng, bà cũng che đậy dùm cho người vì quá yêu bà mà đã ra
tay sát hại Cựu Hoàng. Người yêu thủ phạm ấy chẳng phải một bí mật đối với ai cả:
ai mà chẳng biết người đàn ông say mê Nữ hoàng lúc bấy giờ là Hoàng thân Orlov? Hoàng thân đã sai em ruột, là đại úy Orlov, giết Pierre III giữa một bữa ăn,
để ông được rảnh tay tư tình với Nữ hoàng. Chính ông đã sắp đặt tất cả với người
em trong vụ đảo chính vừa rồi để đưa Catherine lên ngôi Hoàng đế, và ai cũng biết
ông có tham vọng muốn làm chồng chính thức của Nữ hoàng.
Nhưng Hoàng thân Orlov tưởng lầm rằng Catherine II là một người
đàn bà tầm thường. Nếu bà tầm thường thì cuộc đảo chính vừa rồi đã không thành
công. Đó là một cuộc đảo chính lạ thường, rất lãng mạn, mặc dầu nhờ sự giúp sức
của hai anh em Orlov và một nhóm người trung thành với bà, nhưng phải là một
người đàn bà có trí, có dũng, có tài hoa đặc biệt, mới chỉ huy được một biến cố
quan trọng như thế làm đảo lộn cả Lịch sử của đại đế quốc Nga, trong mấy tiếng
đồng hồ, không rơi một giọt máu. Vì thân phận của bà bị đe dọa, bị sỉ nhục, vì
chính sách suy đồi và tàn bạo độc tài của chồng bà, vì vận mệnh và tương lai của
nước Nga, nên bà đã gây ra cuộc đảo chính. Nhưng khi nghe chồng bà bị người yêu
ám sát thì bà tức giận, đau khổ, lương tâm bị cắn rứt vì một tội ác mà bà không
có chủ mưu. Tuy vậy, nghĩ đến công ơn của Hoàng thân Orlov đã giúp bà thành
công trong vụ đảo chính, bà lại lấy oai quyền của Nữ Hoàng đế mà che đậy dùm tội
ác của người yêu đã vì bà mà ám hại Cựu Hoàng. Lịch sử đã sáng suốt phê phán
thái độ của Catherine, và vẫn kính phục bà ở điểm đó. Tha thứ cho Orlov nhưng
bà không yêu chàng nữa. Trong quyển nhật ký của bà viết toàn bằng Pháp văn (bà
lại là bạn thân của thi hào Voltaire của Pháp), Catherine có ghi rõ những ý
nghĩ thầm kín của bà, ý nghĩ của một người vợ đau đớn vì chồng chết, của một
người tình tha thứ nhưng tức giận người yêu thủ phạm, và của một vị Nữ Hoàng đế
đặt danh dự của mình và của Tổ quốc lên trên tình yêu.
Orlov có tham vọng lớn lao, muốn chính thức làm lễ thành hôn
với Nữ Hoàng. Catherine không trả lời, và phái ông đi Moscow để trừ bệnh dịch
chuột đang tàn sát thảm hại nhân dân thành phố ấy.
2.– VASSILTCHIKOV
3.– TỂ TƯỚNG POTEMKINE
Trong Triều đình, ít người ưa Hoàng thân Orlov, vì tính hách
dịch, phách lối, tự cao, tự phụ. Nhưng người ta ưa Potemkine. Chàng là ai? Buổi
sáng sớm xảy ra cuộc đảo chính năm 1762, trong sân trại Ismailovski, các bạn
còn nhớ có một viên Trung úy hăng hái dắt một con tuấn mã tuyệt đẹp đến để
Catherine cỡi cho oai. Xong chàng quỳ xuống để suy tôn vị Nữ Hoàng diễm lệ, mà
chàng đã thầm mê sắc đẹp. Viên Trung úy ấy tên là Potemkine. Cử chỉ của chàng
được Catherine để ý và sau khi lên ngôi Hoàng đế, bà tặng chàng 10.000 Nga kim,
đeo thêm cho chàng một lon, cho chàng đi học thêm các lớp Đại học, rồi chàng
thi đỗ, được Nữ Hoàng gọi về triều, thăng lên chức Trung tá. Catherine gởi gấm
chàng cho đại tướng Roumiantsov. Lúc bấy giờ có chiến tranh giữa Turquie và
Nga. Đại úy Potemkine cầm quân ra trận được chiến công rực rỡ và được lên chức
Thiếu tướng. Được Đại tướng phái chàng về kinh đô để tường trình về chiến sự.
Potemkine vừa đến Pétersbourg thì được biết Nữ Hoàng đang có một tình nhân mới
tên là Vassiltsikov. Potemkine buồn rầu, chán nản, liền từ giã kinh đô để đi
tu. Chàng vào trong nhà tu kín Nevski, và chép trong nhật ký như sau đây:
“Trời ơi! Yêu làm chi cho đau khổ, yêu Nàng mà ta đâu dám thổ
lộ cho Nàng hay! Nàng không thể là của ta! Trời mọi rợ, trời ban cho Nàng một sắc
đẹp diễm kiều chi vậy? Trời ban cho Nàng một cốt cách oai nghiêm vĩ đại chi rứa? Tại sao lại Trời muốn phải là Nàng, chỉ có Nàng, là ta mới có thể yêu được?
Chỉ có Nàng mà cái tên thiêng liêng sẽ không bao giờ thốt ra được khỏi miệng
ta, và hình ảnh khỏi tim ta”.
Catherine được tin Thiếu tướng Potemkine thất vọng, đi tu, liền
bảo với nữ Bá tước Bruce: “Không, Trẫm không muốn chàng Thiếu tướng anh dũng
kia sẽ trở thành một ông cố đạo”.
Nữ Hoàng liền sai nữ Bá tước đến nhà tu khuyên chàng và bảo
chàng nên trở ra chiến trường để đánh quân thù của đất nước.
Thiếu tướng Potemkine lập tức vâng lệnh Nữ hoàng, cởi áo thầy
tu bỏ lại nhà thờ, và phi ngựa ra chiến địa. Sau một chiến công oanh liệt trên
trận tuyến Hắc-Hải, được binh sĩ nhiệt liệt hoan hô, Potemkine được Nữ Hoàng ký
sắc lệnh thăng lên chức Trung tướng. Chàng lật đật nhảy lên lưng ngựa phi về
kinh đô để tạ ơn Thánh Chúa.
Nữ Hoàng đế Catherine II mở rộng hai cánh tay ngọc ngà ra
đón vị anh hùng.
Cùng hôm ấy, Nữ Hoàng đuổi tình nhân cũ ra khỏi cung điện.
Vassiltchikov cuốn gói ra đi ngày 18.3.1774. Và cũng hôm ấy, bà vợ của Đại tướng
Roumiantsov là thượng cấp của Potemkine, viết thư cho chồng ở mặt trận:
“Em khuyên mình, từ nay các giấy tờ báo cáo gởi về Nữ Hoàng đế,
nên gởi thẳng cho Potemkine”.
Bà Đại tướng khuyên chồng như thế, là khôn ngoan. Vì từ hôm ấy,
Potemkine được ở luôn trong Cung điện ở cái phòng mà Vassiltchikov vừa từ giã
ra đi. Trung tướng Potemkine được nhận là người yêu chính thức của Nữ Hoàng đế.
Potemkine không đẹp trai, nhưng Catherine thường bảo với các quan hầu cận: “Potemkine
là người đàn ông đẹp nhất của nước Nga”. Potemkine lại có tật ưa cắn móng tay,
Catherine cũng âu yếm phê bình: “Potemkine là người cắn móng tay vĩ đại nhất của
nước Nga”.
Nghĩ cũng buồn cười! Khi người đàn bà yêu say mê, cả
vũ trụ đều bé nhỏ hơn người yêu của mình.
Trong cung, bà thường gọi Potemkine bằng những danh từ sau
đây:
“Người yêu của ta… Người bạn quí của ta… Trái tim nhỏ của ta…
Tâm hồn của ta… Cưng của ta... Con pu pê cưng của ta… Đồ chơi yêu dấu của ta…”
Bà cũng dùng những danh từ thú vật để gọi chàng:
“Con chim bồ câu yêu quí… con Trĩ bằng vàng… Con Gà Cồ bằng
vàng… Con Công… con chó tu-tu cưng… Con cọp cưng… Con sư tử đực trong rừng thẳm…
con chó sói và con chim của em…”
Có khi Nữ Hoàng Catherine yêu Potemkine quá, không còn biết gọi
chàng bằng gì nữa, thì bà lại gọi:
“Hột nút áo của em… Viên kẹo của em!...”
Hoặc là:
“Sắc đẹp cẩm thạch của Trẫm… Người yêu của Trẫm mà không có
Vua Chúa nào đẹp bằng… Hỡi người đàn ông đẹp nhất của ta… Trên đất này không có
người đàn ông nào đẹp bằng mình, giỏi bằng mình…”
Trong quyển nhật ký của Nữ Hoàng Catherine II, và trong các
quyển hồi ký của các Cung nữ, các quan hầu cận, ghi chép lại cuộc tình duyên của
Nữ Hoàng Catherine II với Potemkine, đều đầy dẫy những danh từ và những câu lý
thú, phi thường như thế.
Tuy chưa chính thức làm lễ thành hôn (có đôi nhà Sử học quả
quyết đã làm lễ thành hôn lén hồi cuối năm 1774, nhưng không có bằng cớ đích
xác. Nữ Hoàng Catherine vẫn đôi khi gọi chàng là “chồng yêu quí của ta… chồng
cưng của ta. Em yêu mình và sẽ yêu mình vĩnh viễn… em là vợ trung thành vĩnh viễn
của mình v.v…”
4- ZAVADOVSKI
5- ZOPICK
6- MAMONOV
7- YERMOLOF
8- ARKAROV
9- LANDSKOV
10- ZOUBOV
v.v…
v.v… và v.v…
Tình yêu trung thành vĩnh viễn... được hai năm (1774-1776)!!. Sự đòi hỏi về tình dục của Catherine mỗi ngày mỗi hăng, mỗi mạnh, mà Potemkine
mỗi ngày mỗi yếu về sinh lý, và do đó tình yêu thiết tha của Nữ Hoàng cũng giảm
bớt nhiều phần.
Tuy tình yêu tinh thần vẫn nguyên vẹn cho đến mãn đời bà,
nhưng tình yêu về thể xác không còn được thỏa mãn nữa, và Potemkine cũng tự cảm
thấy mình không còn đầy đủ khả năng để cung phụng những nhu cầu quá bồng bột,
quá mãnh liệt của Nữ Hoàng đế.
Catherine ký sắc lệnh thăng Trung tướng Potemkine lên làm Hội
đồng Tư vấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự, Hoàng thân Bá tước Đại tướng tư lệnh,
và được bổ nhiệm làm Thống Đốc các tỉnh miền Nam, đóng đô ở Novgorod. Từ đây về
sau Potemkine vẫn triệt để trung thành với Nữ Hoàng, phụng sự chính sách cai trị
của bà rất đắc lực. Thỉnh thoảng, ông trở về kinh đô, đến thăm Nữ Hoàng và ở một
lầu đài nguy nga trong Cung điện, có đường luồn kín đáo đi thông qua phòng ngủ
của bà. Tuy không còn là người yêu chính thức của Catherine II, nhưng Potemkine
vẫn giữ vẹn toàn tình xưa nghĩa cũ, và bà vẫn coi như ông là người quý nhất
trong đời bà. Bà vẫn bàn bạc với Potemkine, và hỏi ý kiến ông về mọi việc Quốc
chính, từ vấn đề quan trọng về ngoại giao, về chiến tranh, cho đến việc lặt vặt
trong Cung điện và trong đời sống riêng của bà. Đối với dân chúng, với Triều
đình, với thế giới, Potemkine vẫn tỏ ra là một người thần dân luôn luôn tôn
kính vị Nữ Hoàng đế của nước Nga.
Catherine vừa có một cậu tình nhân trẻ tuổi hơn bà nhiều lắm,
tên là Zavadovski. Cậu này cũng được vào ở trong cung điện, nơi phòng cũ của
Potemkine và của các tình nhân trước. Nhưng Zavadovski chỉ ở được vài tháng rồi
bị đuổi. Một người đàn ông khác, tên là Zorick, được vào cung thay thế. Zorick
cũng chỉ ở được một tháng rồi bị người khác đổi phiên, tên là Mamonov. Từ đây Nữ
Hoàng Catherine cứ thay đổi tình nhân như thay áo sơ-mi. Kế tiếp người này đến
người khác, toàn là hạng người vô giá trị, từ một tên gián điệp (Arkarov) đến một
họa sĩ tầm thường. Họa sĩ tên là Landskov, mới có 18 tuổi, đẹp trai, nhưng nét
vẽ không đẹp tí nào, mà Nữ Hoàng Catherine đã 60 tuổi. Bà vẫn hết sức chiều chuộng
Landskov và cũng yêu chàng cho đến đỗi chàng thanh niên quá yếu sức, mắc bệnh
ho lao, rồi chết trong tay nữ Hoàng.
Sau Landskov, Catherine II lại yêu một chàng lưu manh, 17 tuổi,
cũng đẹp trai, tên là Platon Zoubov.
Năm 1796, Catherine II đã 67 tuổi. Bà đã chia sớt tình yêu với
Zoubov cho đến khi chàng 24 tuổi. Trong 7 năm, Zoubov đã gây ra nhiều điều tai
hại trong Cung điện, vì trẻ tuổi mà tự phụ, thiếu học thức, lại ngang tàng hách
dịch. Cả triều đình đều chán ghét và khinh khi chàng. Con trai của Catherine,
là Thái tử Paul, hết sức can gián mẹ mà không được.
Ngày 16-11-1796, Nữ Hoàng Catherine II đau nặng. Bà đang ngồi
viết thư tự nhiên chảy mồ hôi, mặt mày xanh rờn và kêu đau bụng. Zoubov chạy tới
thì Nữ Hoàng vừa té xỉu. Bà chỉ lẩm bẩm vài tiếng không rõ, rồi tắt thở trong
tay người tình nhân cuối cùng, mà Lịch sử cũng không biết là người thứ mấy!.
14.– Những người yêu của NAPOLÉON I: DÉSIRÉE CLARYNAPOLÉON Bonaparte (1769-1821), chàng sĩ quan bé nhỏ trong đội
Pháo binh của Cách mạng Pháp hồi 26 tuổi, đến năm 35 tuổi (1804) được dân chúng
tôn lên làm Hoàng đế của người Pháp, quả thật là một bậc kỳ tài trong Lịch sử
thế giới. Và cũng như hầu hết những bậc vĩ-nhân trên thế-giới, Napoléon có rất
nhiều người yêu, và rất nhiều vợ. Những chuyện tình-duyên của ông đã được Sử
Sách nói đến không ngớt, nhắc đi nhắc lại mãi, mà các thế hệ loài người đọc đến
lúc nào cũng thấy thích thú say mê. Những bà vợ trẻ và đẹp của Napoléon I, đã
được dùng làm đề tài cho hàng nghìn hàng vạn sách báo trên thế giới đủ các thứ
tiếng, trải qua đời này đời khác vẫn còn quyến rủ trí óc tò mò, học hỏi, của
các lớp người. Trước khi nói đến những bà vợ có danh tiếng nhất của Napoléon I:
Joséphine, Walewska, Marie Louise... chúng ta không nên bỏ qua vị hôn-thê đầu
tiên của ông, từ một cô hàng vải nhút nhát ở Marseille trở nên một bà Hoàng hậu
oai nghi của xứ Suède: Désirée Clary.
Cô con gái út của ông chủ hàng vải chỉ được hân hạnh lọt vào
cặp mắt xanh của Napoléon trong lúc ban sơ, khi ông này hãy con là một Thiếu úy
pháo quân vừa ở đảo Corse qua. Nhưng từ đấy nàng đã bước vào Lịch sử dưới tia
sáng chói lọi của ngôi sao Hoàng-Đế đang xuất hiện trên trời Âu.
Người anh cả của Napoléon Bonaparte là Joseph Bonaparte đã kết
hôn với người chị cả của Désirée. Cô Julie không đẹp, nhưng hiền lành dễ
thương.
Thấy Napoléon bê bối, mèo mỡ lung tung, Joseph quyết định lập
gia thất cho em, và một hôm đưa chàng đến chơi nhà mẹ vợ.
Napoléon mặc y phục lôi thôi lếch thếch. Tóc để dài phủ lấp
hai bên tai. Quần áo nhà binh thì nhèo nát, cũ kỹ, da mặt thì xanh dờn, khuôn mặt
dài và nhọn như lưỡi dao, trông không có vẻ đẹp trai tý nào cả. Điệu bộ thì
nóng nảy, cương quyết, bộ mặt oai vệ, tuy vẫn lịch thiệp và nhã nhặn.
Nơi phòng khách của gia đình Clary, Désirée ngồi tiếp chuyện
với Napoléon. Ngay giây phút đầu tiên, thái độ, cử chỉ, ngôn ngữ, và cặp mắt, cặp
mắt sáng rực của chàng, đã làm cho trái tim Désirée đê mê, xao động.
Bẽn lẽn, rụt rè, nàng chưa dám thổ lộ tâm tình với chàng,
nhưng sau khi chàng ra về, nàng nhõng nhẽo thú thật cùng chị: “Napoléon là một
người khác thường... Em yêu chàng rồi đó, chị ạ... Em bắt đền chị đó...”. Julie
mỉm cười:
- Sao em lại bắt đền chị?
- Ai bảo chị giới thiệu chàng cho em!
Ngày hôm sau, Napoléon đến, gặp Désirée ngoài vườn. Trông thấy
chàng, Désirée đỏ ửng đôi má. Chàng nắm tay nàng, hỏi vội vã:
- Thế nào? Em muốn kết hôn với anh không?
Désirée thẹn chưa trả lời. Napoléon hối thúc:
- Sao em ? Nói nhanh lên cho anh nghe... Anh nóng lòng muốn
biết em nghĩ như thế nào. Em muốn làm vợ anh không ?
Désirée nhút nhát, cúi mặt xuống, mỉm cười không nói ra lời,
tay trái cứ mân mê một cành lá. Napoléon lại thúc giục:
- Sao em? Em yêu anh hay không yêu anh? Anh, thì anh yêu em
rồi đó... Em thì sao? Nói mau lên.
Nàng ngước mắt lên âu yếm nhìn chàng. Không cần dài dòng văn
tự, khách sáo vô ích, Napoléon kéo Désirée vào lòng, ôm ghì lấy nàng, đè môi
lên môi nàng và hôn say sưa, hôn thật lâu, thật lâu, rồi buông ra, tủm tỉm cười
nhìn nàng, hỏi:
- Em là vị hôn thê của anh nhá?
Désirée sung sướng gật đầu, và siết chặt bàn tay người yêu.
Napoléon nhờ thắng trận Toulon, vừa được đặc biệt thăng chức
Thiếu tướng, và nhận được lịnh của bộ Tổng Tham Mưu gọi lên Paris gấp.
Chàng đến người yêu để tạm từ giã và căn dặn:
- Anh lên Paris xem như thế nào, rồi anh về ngay để cưới em.
Em chờ anh nhé?
- Vâng, em chờ anh.
Napoléon ở luôn trên thủ đô.
Désirée Clary, buồn, nhớ, khóc, viết thư:
“... Anh ơi. Anh giữ gìn sức khỏe quý báu của anh nhé. Sức khỏe
của anh chính là sức khỏe của em, vì không có anh chắc là em không sống được.
Anh nhớ lời thệ ước trăm năm mà anh đã trao cho em. Em, thì em trung thành với
lời hứa...”
Napoléon trả lời thư cũng tha thiết yêu đương. Chàng xin ảnh
của Désirée, và gởi ảnh tặng nàng.
Nhưng người anh cả gia đình, là Etienne Clary, không thích
Napoléon lắm. Ngắm bộ tịch của chàng, Etienne đã có lần bảo với Désirée:
- Tao tưởng rằng gia đình mình có một thằng Bonaparte cũng đủ
rồi. Chị mầy lấy Joseph thì được, chứ mầy muốn lấy Napoléon nữa, tao thấy không
nên. Thằng đó không có tương lai đâu.
Kế đó, bà Clary, mẹ của Désirée đưa nàng sang du lịch bên Ý,
thành phố Gênes. Désirée hơi chán nản, phần thì thấy gia đình không sốt sắng về
việc nàng đính hôn với Napoléon, phần thì người yêu ở luôn trên Paris, đường sá
xa xôi, thư từ bất tiện, giữa lúc nước Pháp đang trải qua một cuộc cách mạng lớn,
tình thế lộn xộn, Désirée dần dần lười viết thư cho “vị hôn phu”.
Napoléon ở Paris vẫn nhớ Désirée, và viết cho anh cả, Joseph,
ở Marseille: “Anh à, sao dạo này Désirée không viết thư cho tôi nữa?”.
Có lần, chàng chán nản, viết cho Joseph: “Cuộc đời là một giấc
mộng thoáng qua.”
Thấy anh có hạnh phúc với Julie, chàng đã thốt ra một câu: “Cái
anh Joseph khỉ thế mà sung sướng!” “- Qu’il est heureux, ce coquin de Joseph!”
Bặt tin Désirée lâu quá, Napoléon nhắn hỏi anh cả: “Désirée
còn sống hay đã chết ?”
Désirée thật ra vẫn một lòng yêu nhớ vị hôn phu. Nàng lại biết
rằng Napoléon có số đào hoa, và ở Paris chàng vẫn vui thích với mấy cô thiếu nữ
và mấy bà góa chồng còn trẻ đẹp. Nàng bỗng nổi ghen, gởi cho chàng một bức thư:
“Lâu lắm, anh chả viết cho em một chữ. Sao thế, anh? Anh có
biết rằng ở đây em buồn lắm, chán lắm không? Dù non sông cách trở, em vẫn một
lòng nhớ anh. Cuộc đời của em vẫn là của anh. Vừa rồi một người bạn của anh
Joseph có đến Gênes, và gặp em. Y cho biết ở Paris người ta chơi bời vui thích
lắm... Em mong rằng cuộc sống phồn hoa náo nhiệt ở thủ đô không thể khiến anh
chóng quên con bé quê mùa ở Marselle, vợ chưa cưới của anh. Y gặp anh cặp tay
đi chơi mát với bà T… trong khu rừng Boulogne, nhưng em nghĩ có lẽ nào anh lại
quên hôm đi dạo mát của hai đứa mình trên bến Marseille ?”
Désirée không ngờ một điều là Napoléon đang nổi tiếng như cồn,
nhờ chiến công của chàng trong ngày lịch sử 13 Vendémiaire... Napoléon được
chính phủ cách mạng đặc biệt lưu ý, và được các giới chính khách Paris tâng bốc,
đề cao, như một vị anh hùng. Chàng cũng đang say mê một quả phụ đẹp lộng lẫy, lớn
hơn chàng 12 tuổi, và cũng yêu chàng tha thiết, bà Joséphine de Beauharnais.
Bà này là vợ của đại tướng Beauharnais đã tử trận, và là bạn
thân của các nhân vật cao cấp, nhất là của Barras, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng.
So sánh Joséphine với Désirée Clary, Napoléon thấy hai người
khác nhau như một trời một vực.
Thế rồi, không bao lâu, Napoléon chính thức kết hôn với
Joséphine...
Napoléon kết hôn với Joséphine vì ái tình, nhưng cũng vì tham
vọng. Địa vị của Joséphine, một quả phụ giàu sang ở thủ đô, với sắc đẹp lộng lẫy
và quý phái quyến rủ Napoléon hơn là một cô gái ở tỉnh, dầu cô này hiền lành chất
phác hơn. Viên Thiếu tướng trẻ tuổi, đang mơ chuyện cao xa, hy vọng nhờ
Joséphine vận động với Chủ tịch chính phủ Cách mạng, Barras, bạn thân của nàng,
để cho chàng được lên Trung tướng Tư lệnh Bộ đội Viễn chinh Pháp sang đánh giặc
ở Italie. Và chàng được toại nguyện.
Nghe tin Napoléon đã thành hôn với Joséphine, Désirée Clary gởi
cho vị hôn-phu bạc tình một bức thư ngây thơ cảm-động sau đây:
“Anh đã cưới vợ thật rồi ư? Thôi thế là Désirée đau khổ này
không còn hy vọng gì được yêu anh nữa, được nhớ anh nữa! Từ nay, em chỉ còn một
chút an ủi, là biết rằng anh sẽ tin chắc nơi mối tình chung thủy của em: chung
thủy với anh, rồi chết. Em sẽ cho anh thấy rằng em sẽ trung thành mãi với lời
thề-nguyện... Giữa lúc anh đang tận hưởng hạnh phúc, em mong rằng anh đừng quên
Désirée. Anh nên thương hại cho số phận của nó...”
Được thư này, Napoléon thành thực hối hận và đau xót lắm. Ông
biết rằng Désirée vẫn yêu ông tha thiết, nhưng vì hoàn cảnh chính trị, khi ông
chọn lựa Joséphine, ông đành chịu vậy, không thể trở lại với người yêu cũ.
Nhưng ông quyết thế nào cũng nâng đỡ Désirée. Ông tự hứa sẽ xây dựng cho
Désirée một tương lai rực rỡ, sẽ đưa nàng lên một địa vị xứng đáng, sẽ giới thiệu
nàng cho một vị tướng sĩ có danh vọng. Ông liền sắp đặt gả Désirée cho Thiếu tướng
Dophot, trẻ tuổi, đẹp trai, chỉ huy dưới quyền của ông. Hai bên đã ưng thuận
nhau rồi. Désirée sắp sửa làm lễ thành hôn với vị hôn phu mới, thì, rủi thay
cho số phận của nàng, Duphot bị tử trận ngày 28-12-1797.
Désirée khóc suốt mấy tháng, bỏ ăn bỏ ngủ.
Lúc bấy giờ, nhờ Napoléon mà anh ruột của ông là Joseph
Bonaparte được làm Đại sứ Pháp ở Tòa Thánh Roma (La Mã) bên cạnh Giáo Hoàng
Pie VI. Vợ của Joseph, Julie Clary, là chị ruột của Désirée. Ở nhờ anh rể và
chị ruột, Désirée được an ủi, vỗ về, và làm quen với nhiều nhân vật thân cận của
tòa Đại sứ. Joseph giới thiệu với cô em vợ (đáng lẽ cũng là em dâu) một viên
Thiếu tướng khác, bạn thân của ông là Bernadotte.
Thiếu tướng Bernadotte lớn hơn Napoléon 5 tuổi. Trước kia ở
dưới quyền của Napoléon, sau làm Đại sứ Pháp ở Vienne, Bernadotte nổi tiếng là
một vị quan cương quyết và cứng rắn, thường chống chọi Napoléon. Désirée chưa
được quen biết Bernadotte nhiều, nhưng đang lúc buồn rầu thất vọng, được anh rể
và chị giới thiệu là nàng nhận lời ngay. Hôn lễ cử hành ngày 18.8.1798 tại
Paris, do Joseph là anh của Napoléon, và Lucien là em, làm chứng. Được tin này,
Napoléon hối tiếc chứ không vui mừng, vì bây giờ ông mới nhận thấy Joséphine có
tính nết lẳng lơ, không đứng đắn chân thật bằng Désirée Clary. Ghen và buồn,
ông chỉ gởi về Joseph một câu chúc mừng cho Désirée ngắn ngủn như sau: “Tôi
chúc Désirée có hạnh phúc với Bernadotte.” Désirée hiểu ngầm rằng Napoléon vẫn
còn yêu mình.
Napoléon lên chức Đại tướng, với những chiến công oanh liệt ở
Italie, ở Egypte... Cả Âu châu, Phi châu, Cận đông, đã bắt đầu ghê sợ vị anh
hùng của Cách Mạng Pháp, đem quân đến đâu là thắng đến đó, và thắng những trận
vang lừng nhất trong Lịch sử.
Bernadotte ganh ghét bậc anh tài được lừng danh bốn bể, và
tìm cách làm hại Napoléon. Nhưng Désirée Clary, cô vợ trẻ, đẹp, ngoan ngoãn của
ông, dùng lời lẽ dịu hiền khuyên lơn và can gián, không cho ông hành động một điều
gì có thể cản trở sự nghiệp và thanh danh của người yêu cũ.
Ở Egypte về, Napoléon gây cuộc đảo chính, rồi được tôn lên
ngôi Hoàng đế nước Pháp. Bernadotte căm giận hết sức, nhưng nghe lời vợ, ông
cũng không phản đối, để mặc Napoléon tha hồ làm mưa làm gió, chuyển động tất cả
các ngai vàng Âu châu.
Một năm sau lễ thành hôn, Désirée sanh được con trai. Chiều
theo ý vợ, Bernadotte xin Napoléon làm cha đỡ đầu cho đứa nhỏ. Napoléon vui vẻ
nhận lời ngay, và đặt tên cho con trai đầu lòng của Désirée là Oscar, lấy tên một
nhân vật của thi sĩ Ossian mà Napoléon mến phục. Hơn nữa, lên ngôi Hoàng đế
xong, Napoléon liền tặng cho vợ chồng Bernadotte (nói tặng cho Désirée thì đúng
hơn) một lâu đài tráng lệ đáng giá 400.000 quan, và thăng chức Bernadotte lên
làm Thống Chế.
Désirée Clary sung sướng và hãnh diện được Napoléon cất nhắc,
từ một cô hàng vải ở tỉnh lên làm bà Thống Chế ở thủ đô, và được Hoàng đế luôn
luôn săn sóc đến. Tuy vậy Désirée không thích ra vào Cung điện của Napoléon vì
nàng vẫn ganh ghét Hoàng hậu Joséphine. Hễ ai nhắc đến tên Joséphine, thì
Désirée bĩu môi nói: “Cái con mẹ già ấy chỉ làm khổ Hoàng đế”.
Năm 1805, Thống chế Bernadotte được lịnh chỉ huy một quân
đoàn ở Austerlitz. Chiến công của Bernadotte không được rực rỡ lắm, nhưng
Napoléon cũng ban thưởng ông, và tặng ông chức Hoàng tước Vương quốc Ponte
Corvo.
Năm 1810, Hoàng đế Napoléon ký sắc lệnh bổ Thống chế
Bernadotte làm Phó vương ở Rome, với lương tháng hai triệu Pháp kim. Bernadotte
cùng vợ sắp sửa đi nhậm chức mới thì có một việc lạ lùng xẩy ra.
Vua Charles XIII nước Suède, Bắc Âu, già sắp chết, không có
con trai nối ngôi, gởi thư xin Napoléon Hoàng đế cho ông một người kế vị. Quốc
hội Suède cũng đồng thanh gởi lời cầu khẩn ấy. Napoléon liền cử Bernadotte lên
ngôi Vua Suède. Trong thâm tâm của ông, ông muốn cho Désirée Clary, người yêu
cũ, được chức Hoàng hậu. Thế là ngày 20.5.1810, nhờ uy quyền của Napoléon,
Bernadotte kế vị Vua Charles XIII, và Désirée Clary làm Hoàng hậu nước Suède.
Tiễn Bernadotte và Désirée ra đi, Napoléon còn tặng cho hai vợ-chồng
một triệu Pháp kim, và phong chức tước cho người anh ruột của Désirée ở
Marseille.
Désirée chỉ ở Stockholm, thủ đô Suède, một thời gian ngắn, rồi
trở về Paris. Nơi đây, Hoàng hậu Désirée có người chị ruột là Julie, vợ của
Joseph, cũng được Napoléon cho làm Hoàng hậu xứ Espagne.
Désirée chỉ thích ở Paris ăn chơi thỏa thích. Mãi đến năm
1823, Hoàng hậu mới chịu đến Stockholm để dự lễ cưới của Thái tử Oscar, con
trai trưởng của bà. Rồi từ đó, bà ở luôn xứ Suède.
Năm 1844, Bernadotte chết, Thái tử Oscar liền kế vị. Hoàng
thái hậu Désirée còn sống 15 năm nữa, thọ được 80 tuổi.
Bà vẫn nhắc đến Napoléon mãi mãi, và mỗi lần bà lấy ra khoe với
mọi người những bức thư tình cũ kỹ của chàng Trung úy Napoléon Bonaparte gởi
cho bà ở Marseille hồi còn 18 tuổi thì đôi mắt bà sáng rực hẳn lên, nét mặt bà
hồng hào lên, bà nở nụ cười hãnh diện, cất giọng nói đê mê:
- Tôi không bao giờ quên rằng tôi là mối tình đầu tiên của
Napoléon, và mối tình trong sạch nhất của Hoàng đế.
Vua nước Suède hiện nay là Gustave V, là cháu ba đời của
Hoàng hậu Désirée Clary và Quốc vương Bernadotte, do Napoléon đặt lên ngai vàng
xứ ấy, từ năm 1810.
15. – Vợ nhất của NAPOLÉON I: JOSÉPHINENgười ta đã viết rất nhiều, quá nhiều về cuộc tình duyên của
Napoléon 1er với Joséphine de Beauharnais. Bởi lẽ Napoléon là một nhân vật kỳ
tài của Lịch sử, một bậc vĩ nhân không những của nước Pháp mà của cả thế giới,
có thể so sánh với các vị Hoàng đế lớn nhất của La Mã và Hy Lạp thời xưa:
César, Alexandre. Lẽ thứ hai, cuộc đời của Joséphine, từ lúc còn là một quả phụ
nghèo, bị nợ nần, bị khinh khi của một viên Tử-tước bị tòa án cách mạng xử
chém, cho đến khi kết hôn gượng gạo với đại tướng Napoléon Bonaparte, rồi được
tôn lên làm Hoàng hậu oai nghi nhất của nước Pháp, sau cùng bị Hoàng đế ly dị...
Cả cuộc đời sôi nổi của bà được toàn thể các quốc gia Âu châu theo rõi từng giờ,
từng phút, như một vì sao sáng rực trên vòm trời Tây phương, bên cạnh ngôi sao
chói lọi của Napoléon, đầu thế kỷ XIX.
Tựu trung, nhiều nhà sử học Âu Mỹ đã tiểu thuyết hóa cuộc tình
duyên ấy, kéo dài 13 năm, từ 1796 đến 1809, thêu dệt nhiều câu chuyện quá nên
thơ, không đúng với thực tế.
Joséphine là một cô đầm lai da đen ở Martinique, một cù lao
thuộc Pháp trên biển Antilles, cùng một giẫy với đảo Cuba. Nhờ máu lai đó mà
nàng được một sắc đẹp mơ màng duyên dáng lạ. Nhiều quyển Sử thuật lại rằng lúc
nàng còn nhỏ và ở với mẹ trên hòn cù lao, một hôm một mụ phù thủy da đen xem tướng
con bé đầm lai, bảo nó: “Mầy lớn lên sẽ làm Hoàng hậu”. Chính Joséphine cũng có
lần kể câu chuyện này cho Napoléon nghe.
Sang Pháp bị ép gả cho Thiếu tướng Tử tước de Beauharnais,
nàng sinh được một trai, Eugène, và một gái, Hortense. Gặp phong trào cách mạng
Pháp nổi dậy làm đảo lộn hệ thống chính trị và xã hội lúc bấy giờ, chồng nàng bị
lên đoạn đầu đài, nàng cũng bị giam trong tù một thời gian.
Sau khi được tha, nàng giao thiệp thân mật với các bà vợ của
các vị lãnh tụ cách mạng Pháp, nhất là bà Tallien.
Nơi biệt thự bà này, lần đầu tiên Bonaparte được giới thiệu với
bà quả phụ Joséphine. Chàng mới 26 tuổi, được đóng lon trung tướng. Nàng 34 tuổi,
đã nổi danh là người đàn bà đẹp nhất ở Paris.
Bonaparte tuy đã nổi tiếng là vị anh hùng dũng cảm, nhưng
nghèo mạt. Người thì lùn, lại gầy yếu, tóc xõa xuống đến vai, chàng mặc bộ quân
phục bị rách vá đôi nơi, tay cầm cái mũ cũ xì mà chàng còn giữ mãi từ hồi
chàng thắng trận oanh liệt chống quân Anh trên hải càng Toulon. Da mặt vàng khè
càng làm cho xấu thêm gương mặt lưỡi cày, lộ ra hai quai hàm vuông. Chỉ có cặp
mắt xám xanh là có mãnh lực lạ thường: ông nổi giận ai, thì nó lóe ánh sáng ra,
ông nhìn ai thì nó đâm vào tròng con ngươi của người ta. Lần đầu tiên ông ngó
Joséphine: bà quả phụ hoa khôi của Paris lớn hơn ông 7 tuổi mà tự nhiên cảm thấy
mình bẽn lẽn, sợ sệt như cô gái 13.
Joséphine lúc bấy giờ lại là người yêu của Barras, một lãnh
tụ có uy tín nhất của chánh phủ cách mạng. Một hôm Tallien, Chủ tịch Hội Đồng
Pháp ước (Convention), mở tiệc long trọng, Bonaparte tới dự tiệc với bộ nhung
phục cũ mặc mỗi ngày, giữa đám đông quan khách áo quần rực rỡ xa hoa. Chàng
trung tướng trẻ tuổi đến gần Tallien phu nhân, mỉm cười nói với bà:
- Nhờ bà bảo Bộ Chiến Tranh phải cho tôi mấy thước nỉ mới,
để tôi may một bộ đồ.
Bà Tallien cười, hứa sẽ vận động với Bộ Chiến Tranh. Vừa lúc
bà Joséphine đi ngang qua, nghe câu chuyện, đứng lại hỏi Bonaparte:
- Thưa Trung tướng, mấy bà bạn của tôi khen trung tướng xem
chỉ tay, bói vận mạng hay lắm, có đúng thế không ạ ?
Bonaparte cười:
- Đúng.
Joséphine chìa tay ra nhờ Bonaparte coi dùm. Bonaparte nắm lấy
ngón tay của bà, xem qua rồi nói quả quyết:
- Bà là ngôi sao đang lên giữa vòm trời.
Joséphine thích trí, cười ngặt nghẹo:
- Một bà phù thủy đã bảo tôi sẽ làm Hoàng hậu...
- Bà sẽ là Hoàng hậu.
- Nếu tôi là Hoàng hậu, ai sẽ là Hoàng đế
Vị trung tướng áo vá, liền có nét mặt nghiêm trang, trả lời:
- Nước Pháp đang chờ người ấy!
Nhưng đối với Joséphine, đó chỉ là câu chuyện làm quà. Nàng
không tin bà phù thủy da đen ở đảo Martinique, cũng như nàng cho rằng Bonaparte
khéo nịnh đầm. Bonaparte đâu có hiểu rõ hiện tình của nàng trong lúc này: nàng
bị Barras đối xử lạnh nhạt và Barras biết nàng có nhiều tình nhân, tính nàng
quá lãng mạn, không trung thành với ai cả. Barras không chu cấp tiền bạc cho
nàng sống xa hoa nữa, nàng bị người yêu chán ghét, lại bị nợ nần bao vây, hối
thúc, khiến nàng buồn rầu, lo sợ cho tương lai không có gì bảo đảm.
Ngay lúc đó, Bonaparte say mê sắc đẹp của nàng, cầu khẩn kết
hôn. Barras được cơ hội may mắn để dứt khoát nợ tình, liền khuyên bảo Joséphine
nên nhận lời làm hôn thú với Bonaparte. Joséphine tính toán lợi hại, rồi đề nghị
với Barras:
- Nếu anh cho Bonaparte làm Tư lệnh bộ đội viễn chinh Ý, như
Bonaparte đã ngỏ lời cầu xin anh, thì em sẽ bằng lòng.
- Được rồi, em bằng lòng lấy Bonaparte, thì anh ký sắc lệnh
cho Bonaparte làm Tư lệnh Bộ đội Viễn chinh Ý.
Đám cưới được tổ chức vội vàng, và làm thỏa mãn cả ba người:
Barras được dứt bỏ Joséphine mà chàng đã chán ghét, Bonaparte được một người vợ
đẹp nhất thủ đô, Joséphine được người chồng mới, cung cấp cho tiền bạc để trả nợ
và tiêu xài phủ phê.
Hôn lễ định cử hành ngày 9.3.1796, hồi 9 giờ đêm. Vì sáng sớm
hôm sau, Bonaparte phải đem quân đi đánh trận, với tư cách Tư Lệnh Bộ đội Viễn
chinh Ý.
Hôn lễ cũng thật là buồn cười, quái gở. Trong phòng khánh tiết
của Quận Nhì, liu hiu vài ngọn đèn dầu (lúc bấy giờ chưa có đèn điện),
Joséphine với hai người chứng, Tallien và Barras, ngồi chờ Bonaparte từ lúc 9
giờ. Mãi quá 10 giờ chàng mới tới. Chàng nói vài lời xin lỗi người yêu, rồi đi
thẳng đến viên xã trưởng Leclerc, vỗ vai y, bảo:
- Nhanh lên, ông xã! Cho hai đứa tôi cưới mau lên!
Xã trưởng vội đọc các điều luật hôn phối và tên họ cùng ngày
sinh tháng đẻ của người chồng và người vợ. Barras và Tallien mỉm cười nghe tờ đọc
khai sinh của Joséphine rút bớt 5 tuổi, còn 29 tuổi, và khai sinh của Bonaparte
làm tăng thêm 6 tuổi, thành 32 tuổi.
Sự thực thì Joséphine 34 tuổi, Bonaparte 26!
Cưới xong, 10 giờ 30, Bonaparte đưa Joséphine về biệt thự của
nàng, ở đường Chantereine. 5 giờ sáng hôm sau, chàng kéo đại đội binh mã tiến
vào miền Nam để vượt qua Ý. Có điện tín cấp báo cho vị Tư lệnh hay rằng đại
quân hai nước Autriche và Piémont sắp sửa tấn công vào biên giới miền Nam.
JOSEPHINE, NGƯỜI VỢ PHẢN BỘI
Sách tầu có câu: “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”,
tình người con gái càng dài, chí khí kẻ anh hùng càng ngắn. Câu này không nói
đúng với trường hợp Bonaparte và Joséphine một tý nào. Bonaparte sang Ý, chiến
thắng nhiều trận liên tiếp, nhiều trận oanh liệt, nhờ đó uy danh của nước Pháp
cách mạng, và uy danh riêng của Bonaparte được vang lừng khắp cả Âu-châu. Đại tướng
Bonaparte được chính phủ và nhân dân Pháp nhiệt liệt hoan hô, trọng vọng, tôn
sùng. Ấy thế, mà ở Paris, xa chồng, Joséphine chỉ lo ăn chơi xa xỉ và ngoại
tình... lung tung. Bonaparte ở bên Ý cứ tưởng là ở nhà Joséphine yêu nhớ mình,
chờ đợi mình, hãnh diện vì mình.
Sự thật hoàn toàn trái hẳn. Mỉa mai đau đớn thay! Trong lúc
Bonaparte kéo một đại đội dân quân cách mạng Pháp, chân không mang giầy, bụng
không có bánh, chỉ nhờ tài thao lược của ông mà đánh tan tành được quân Sardes,
quân Autrichiens, và ào ạt kéo vào thành phố Milan giữa hai hàng rào dân chúng
hoan hô dậy trời dậy đất, tôn sùng Bonaparte là bậc cứu tinh của nước Ý, thì ở
Paris, Joséphine ngủ với người đàn ông này chán rồi ngủ với người đàn ông khác,
chẳng tưởng nhớ gì đến chồng cả.
Giữa làn chiến thắng đang đưa ông lên cao trên mấy bực vinh
quang, ông vẫn thất vọng, âm thầm đau khổ. Ông gởi thư liên tiếp hết lá thư này
đến lá thư khác, cầu xin Joséphine một chút tình yêu, đợi Joséphine một lời
thương nhớ tha thiết, kêu gọi Joséphine đến với ông, nhưng ông chờ mãi
Joséphine chẳng có một câu trả lời. Joséphine chỉ biết lợi dụng danh vọng của
Bonaparte để hãnh diện với bọn tướng tá ở Paris, để tận hưởng những cuộc vui
ích kỷ về vật chất, về xác thịt, với chính những sĩ quan do chồng phái cấp tốc
về Paris để đem thư và đem quà về tặng nàng. Nàng ngoại tình với Murat, với cả
trung úy Hippolyte Charles, một kẻ hầu cận của Bonaparte. Ông kêu gọi Joséphine
sang Ý, nàng không sang, viện cớ là “ốm”, là “mệt”, là “có thai”. Nhưng sự thực,
Joséphine không có thai, không mệt, không ốm. Bonaparte cứ tin lời vợ, viết thư
rất cảm động về hỏi thăm vợ:
“Em đau ư ? Được tin em đau, đêm ngày anh lo lắng, anh ăn
không ngon, anh ngủ không yên, anh chẳng thiết gì nữa cả. Ôi Tổ quốc mà chi! Ôi
danh vọng mà chi! Chẳng có tình yêu của em thì chẳng có gì nữa cả!
Vợ yêu quý, đáng tôn thờ của anh ơi! Sao anh nặng tình với em
thế! Anh chờ thư em, anh mong lá thư yêu dấu của Hoàng hậu lòng anh! Nếu không
vì Tổ Quốc, không vì nhiệm vụ, thì anh đã bỏ tất cả để chạy về Paris, để quỳ
bên chân em, hôn chân em!...”
Joséphine xem thư, cười xòa:
- Cái anh chàng Bonaparte nầy thật là lố bịch!
Ở Ý, Bonaparte thắng hết trận này đến trận khác: Castiglione,
Arcole, Rivoli... liên tiếp thu hoạch những chiến thắng vẻ vang làm rung động cả
Âu châu. Viên đại tướng trẻ tuổi phất lá cờ cách mạng Pháp rực rỡ ba màu hiên
ngang dưới vòm trời Italie. Nhưng sau mỗi cuộc hành quân, say sưa oanh liệt, có
ai ngờ Bonaparte ngồi một mình trong trại, viết những giòng thư não nùng như
sau đây cho vợ:
“Sao em có thể quên được kẻ yêu em nồng nàn tha thiết thế, hả
em ? Ba ngày không có thư em, sự vắng em là đau khổ vô biên... Xa em, anh không
sống được, em ơi! Hạnh phúc của anh là ở gần Joséphine...”
Nhưng bao nhiêu thư đi mà không có thư về. Sau cùng, Bonaparte
đe dọa nếu Joséphine không sang Ý với ông, ông sẽ bỏ rơi quân đội, bỏ rơi cả những
chiến thắng, để trở về Paris. Hoảng hột, Barras, chủ tịch chính phủ, phải mời
Joséphine đến để năn nỉ bà đi thăm chồng, và Joseph Bonaparte, anh ruột của
Napoléon, cũng rầy la người em dâu, bắt buộc nàng phải lên đường tức khắc.
Joséphine gượng gạo ra đi, nhưng “đã quen mất nết đi rồi”,
nàng vẫn không quên dẫn theo trung úy Hippolyte Charles, kề kề bên cạnh, người
tình nhân đã cùng nàng chăn gối trong những ngày vắng đức lang quân. Thế mà khi
nàng đến Milan, Bonaparte reo mừng đón tiếp nàng, quên hết cả buồn phiền, hết cả
ghen tuông, đưa nàng đến ngự trị trong lâu đài Serbelloni. Chàng vui mừng sung
sướng, ôm lấy nàng, hôn lấy hôn để, nâng niu âu yếm, rồi nghĩ đến nhiệm vụ đối
với Tổ Quốc, chàng lại để nàng đó, lên ngựa chạy ra chiến trường chỉ huy chiến
cuộc.
Được ít lâu, Joséphine lại trở về Paris, Bonaparte lại nhớ
thương, viết thư liên tiếp hàng ngày, và hàng ngày mong chờ tin nhận. Nàng vẫn
thờ ơ, lãnh đạm, thỉnh thoảng mới trả lời một vài giòng.
Bonaparte luôn luôn với giọng hiền lành, nỉ non oán trách:
“Em tệ lắm, nỡ lòng nào phản bội một người chồng khốn khổ, một
người yêu thiết tha. Nếu không có Joséphine yêu quí của anh, nếu anh không tin
chắc rằng em yêu anh thì trên trái đất này anh còn gì nữa đâu? Thì anh sẽ làm
sao?”
Và cuối thư, Bonaparte có một câu tuyệt đẹp sau đây:
“Thôi chào em, Joséphine yêu quí! Một đêm gần đây, anh sẽ rầm
rầm rộ rộ xô cửa vào phòng em như một người ghen, thế rồi anh sẽ nằm trong hai
cánh tay của em.” (Adieu, adorable Joséphine! Une de ces nuits, les portes
s’ouvriront avec fracas, comme un jaloux, et me voilà dans tes bras).
Quá yêu vợ, và đau khổ vì bị vợ phản bội, nhưng Napoléon
Bonaparte không phải là một người đàn ông bị lụy vì đàn bà. Chiến thắng anh
dũng ở Italie (1797), Bonaparte lập nước cộng hòa đầu tiên ở Ý rồi trở về Pháp,
được chánh phủ cách mạng giao phó một nhiệm vụ mới vẻ vang hơn nữa. Vì ngoài
Bonaparte không còn vị tướng lãnh nào đảm đương nổi: cuộc viễn chinh sang Egypte
(Ai cập) 26-5-1978, để đánh lại kẻ thù duy nhất là Anh quốc. Napoléon Bonaparte
từ giã vợ ra đi, cầm đầu một đạo quân 36.000 người đã lừng danh là đạo quân
hùng dũng nhất ở Âu châu. Ông còn đem theo một phái đoàn văn hóa gồm các nhà
Văn sĩ, Thi sĩ, Khoa học, với mục đích là đem cả Văn hóa Pháp đi truyền bá xứ
người.
Ở Egypte, Bonaparte cũng chiến thắng oanh liệt như ở Italie.
Ông đánh tan các đạo quân của Anh, của Egypte, của Turquie, làm bá chủ Địa
Trung Hải, và rúng động cả một vùng Tiểu Á.
Nhưng ông cũng được tin tức từ Pháp gởi sang cho biết là
Joséphine ở Paris vẫn ham chơi bời, xài phí xa hoa, và gần như công khai ăn ở với
viên trung úy Charles Hippolyte.
Napoléon Bonaparte giận dữ lắm. Xong nhiệm vụ ông trở về
Paris, quyết định ly dị vợ. Được tin Bonaparte hồi hương, Joséphine hoảng hốt,
cảm thấy rõ lần này người chồng quá hiền lành âu yếm kia sẽ không còn tha thứ
những tội lỗi của nàng được nữa.
Joséphine vội vàng từ bỏ tình nhân, để đi đón chồng. Nàng muốn
gặp Bonaparte trước khi ông về tới Paris, và sẽ dùng các lời nói yêu đương tha
thiết, các cử chỉ nũng nịu, dịu dàng, để mong chàng yêu thương trở lại.
Nhưng rủi ro cho nàng, nàng đi đón chồng trên đường Bourgogne
trong lúc Bonaparte về ngả Bourbonnais. Joséphine đến thành phố Lyon mới biết
là mình đã đi lộn đường.
Bonaparte về tới Paris ba ngày rồi mà Joséphine còn lạc lối ở
các tỉnh miền Nam, chưa trở về kịp. Trong lúc Bonaparte hầm hầm giận giữ, và nhất
định khi gặp Joséphine ông sẽ gây một trận lôi đình rồi xé bỏ hôn thú, không
thèm nhìn mặt con mẹ đàn bà ấy nữa, thì ba cô em gái của ông và cả gia đình ông
lại mét với ông tất cả những việc làm xấu xa bỉ ổi của Joséphine trong lúc vắng
ông. Bonaparte không còn nghi ngờ gì nữa về những tội lỗi tầy đình của người vợ
tệ lậu, vô liêm sỉ, và quyết định đuổi bà ra khỏi nhà. Ông đã truyền lịnh lấy tất
cả áo xống và đồ đạc của bà, vứt bỏ nơi nhà người gác-dan.
Nghe tiếng Joséphine về đến cổng, và sắp vào nhà, ông đóng cửa,
không tiếp vợ. Joséphine sợ xanh mặt, khóc kêu thảm thiết, và năn nỉ ông tha lỗi.
Nhưng Bonaparte nhất định không mở cửa. Bà phải chạy đi gọi cô con gái của bà
là Hortense và người con trai là Eugène đến van xin, Bonaparte tuy là cha ghẻ
nhưng vẫn thương hai người này.
Thấy cả ba người kêu xin, ông động lòng thương xót,
liền mở cửa cho ba mẹ con vào. Joséphine quì xuống chân ông, khóc
lóc, tỏ vẻ hối hận những lầm lỗi đã qua, và xin chịu tội.
Bonaparte tha thứ ngay. Và từ hôm ấy Joséphine mới hoàn toàn
hối cải, đem hết lòng yêu kính chồng, giữ một dạ trung thành với Napoléon cho đến
già, đến chết.
Ngày 9 tháng 11 năm 1799, Bonaparte gây cuộc đảo chính, lên
nắm chính quyền, thì chính Joséphine đã hăng hái giúp một phần trong sự thành
công của ông, nhờ những cuộc vận động khôn khéo của bà trong các chính giới. Ngày
18 tháng 5 năm 1804, Napoléon được dân chúng tôn lên ngôi Hoàng đế. Ông không
ngần ngại phong cho bà chức Hoàng hậu của nước Pháp.
HOÀNG HẬU KHÔNG CÓ CON
Lịch sử công nhận rằng Joséphine rất xứng đáng với địa vị mới
của bà. Bà yêu quý và tôn thờ Hoàng đế Napoléon với một lòng trung thành tuyệt
đối, không còn lãng mạn bừa bãi như trước nữa. Hai người con riêng của bà đều
được Napoléon xây dựng cho những địa vị cao quý. Hortense được Hoàng đế gả cho
người em út của Ngài là Louis Bonaparte, ông này được Ngài đặt lên ngôi Vua
Hòa-Lan, và nhờ đó mà Hortense được làm Hoàng hậu xứ Hòa Lan. Con trai của
Joséphine, là Eugène de Beauharnais cũng được Napoléon cho làm Vua nước Italie.
Cũng như tất cả các anh em trai và ba cô em gái của Napoléon đều được Ngài cho làm
Vua rải rác khắp các ngai vàng ở Tây Âu, và triều đại Napoléon là một biến cố vẻ
vang nhất của Lịch sử nước Pháp và Lịch sử Tây phương.
Nhưng Napoléon cần một hoàng nam để nối giòng mà Joséphine lấy
ông không có con. Mặc dầu Joséphine uống đủ các thứ thuốc và nhờ các vị lương y
danh tiếng nhất của Âu châu điều trị, bà vẫn không có thai, và không hy vọng
sinh một hoàng tử để kế nghiệp Napoléon. Lúc đầu bà còn đổ thừa cho chồng vì
chính bà lấy đời chồng trước đã sinh được hai người con, một trai, một gái.
Hoàng đế Napoléon thấy thế cũng hơi tin vợ và tự mình ngờ vực khả năng sinh sản
của mình. Nhưng tức giận, ông muốn thí nghiệm với một người đàn bà khác để
xem cái lỗi tuyệt tự về ai. Một hôm, sau khi Napoléon thắng trận Austerlitz trở
về kinh đô, Hoàng hậu Caroline là em gái của ông, vợ của Murat, Vua xứ Naples,
và là người thù ghét Joséphine hơn ai hết, giới thiệu với Hoàng đế một cô gái
18 tuổi, hầu cận của bà, trong một buổi tiệc. Cô gái tên là Eléonore Danuelle,
được Hoàng hậu Caroline truyền vào cung của bà để đọc sách cho bà nghe. Khỏi
nói, ai cũng biết rằng Eléonore có sắc đẹp vô cùng quyến rũ, và còn trinh tiết,
tính nết rất thuần hậu. Trông thấy Eléonore, Napoléon ưa ngay, và truyền lệnh
đưa nàng vào cung điện của Ngài. Tháng sau, nàng có thai, và tháng 12 năm 1806,
nàng sinh được đứa con trai giống Napoléon như đúc. Napoléon liền bảo với
Joséphine:
- Em thấy không? Anh lấy Eléonore có con đấy! Em còn đổ lỗi
cho anh nữa thôi?
Từ đấy, Joséphine hết sức buồn rầu chỉ lo sợ Napoléon bỏ rơi
mình để tôn người khác lên ngôi Hoàng hậu.
Khi Eléonore sinh con trai, quan hầu cận đòi hỏi Hoàng đế đặt
tên hoàng nam là gì. Napoléon không do dự bảo:
- Lấy một nửa cái tên của Trẫm đặt tên cho con Trẫm.
Thế là người con trai đầu lòng của Napoléon được mang tên
là Léon...
Napoléon rất buồn phiền vì nỗi không có con trai chính thức để
nối giòng. Tuy bấy giờ Joséphine đã ăn năn hoàn toàn, và rất yêu quý ông, tôn
thờ ông, chiều chuộng ông đủ các cách, ông vẫn buồn rầu và bà đã lớn tuổi rồi,
không sinh sản được nữa. Napoléon vẫn thiết tha yêu quí vợ như trước, nhưng
trái ngược lại với mấy năm trước trong lúc Joséphine đã trở thành triệt để thủy
chung với chồng, giữ đúng đắn địa vị một Hoàng hậu của nước Pháp “mẫu nghi
thiên hạ” thì Napoléon lại “mèo chuột” lung tung. Đây là thời kỳ Hoàng đế đem
gieo rải tình yêu khắp các bà các cô nổi tiếng là đẹp nhất ở Paris: bà Fourès,
bà Grassini, cô George, bà de Vaudey, bà Duchâtel, bà Gazzini, cô Guillebeau,
cô Danuelle...
Bất ngờ cô này có thai với Hoàng đế, sinh con trai được
Napoléon đặt tên là Léon. Joséphine liền mưu mô vận động để chồng nhìn nhận
Léon là Hoàng tử chính thức. Mưu mô như thế vì bà nghĩ rằng nếu Napoléon có con
chính thức rồi thì sẽ không nghĩ đến việc ly dị bà để cưới người vợ khác. Bề
nào cô Danuelle, vì địa vị thấp kém cũng không thể lên ngôi Hoàng hậu được, thì
tức nhiên ngôi Hoàng hậu của bà sẽ còn vững mãi.
Napoléon suýt nghe lời Joséphine và đã có ý định nhìn nhận,
nhưng những người thân cận nhất của ông là Murat và Duroc can gián ông: “Làm
như thế sẽ mất uy tín của Hoàng đế”. Napoléon bỏ ngay ý định và đặt lại vấn đề
ly dị Joséphine để cưới một người vợ khác, tôn làm Hoàng hậu.
Người vợ khác là ai? Cả Âu châu đều tưởng rằng có lẽ Nữ bá
tước Marie Walewska sẽ thay thế Joséphine.
Trong chương sau, tôi sẽ nói rõ về cuộc tình duyên lý thú của
Napoléon và mỹ nhân này, người xứ Ba Lan.
Đây chỉ xin nói tóm tắt rằng trong lúc Napoléon có ý định ly
dị Joséphine, thì trong một trường hợp ly kỳ, ông gặp nữ Bá tước Marie
Walewska...
NGƯỜI CON TRAI NGOẠI HÔN THỨ NHÌ CỦA NAPOLÉON
Cuộc gặp gỡ này ngẫu nhiên thành một biến cố quan trọng
trong Lịch sử nước Pháp và Âu châu, và riêng trong Lịch sử của Hoàng đế
Napoléon: do đó mà Napoléon quyết định ly dị Joséphine, để tái hôn với người vợ
khác.
Napoléon đem binh sang đánh nước Đức, và kéo đoàn quân thắng
trận vào kinh đô Varsovie của xứ Poland (Ba Lan). Lúc bấy giờ xứ này đang bị
ba vị Hoàng đế của ba cường quốc trung Âu: Đức, Nga, Autriche, chia xẻ tan tành
và chiếm cứ mỗi người một khu vực. Nghe tin Napoléon thắng trận và kéo quân
vào Varsovie, một thiếu phụ ái quốc của Poland liền chạy ra đường đón vị Hoàng
đế anh hùng của Pháp quốc để cầu cứu, nhờ ông này bắt buộc ba cường quốc xâm
lăng kia trao trả Ba Lan cho dân tộc Ba Lan. Thiếu phụ ấy tên là Marie Walewska,
nữ bá tước Ba Lan.
Nàng đẹp vô ngần. Nhan sắc trẻ trung và duyên dáng của nàng
quyến rũ tức khắc vị Hoàng đế của nước Pháp. Chính phủ vong quốc Ba Lan thấy thế,
liền khuyên nữ bá tước hy sinh tấm thân trong ngọc trắng ngà của nàng cho
Napoléon để mong được giải phóng quê hương. Marie Walewska bằng lòng hiến thân
cho vị anh hùng đang làm chúa tể cả Âu châu, để cứu tổ quốc. Nàng liền ly dị
chồng là bá tước Colonna Walewska, một nhà tỷ phú đại kinh doanh, nhưng già cả,
bệnh hoạn, bên cạnh ông này nàng đã sống cuộc đời buồn phiền, vô vị.
Lúc đầu Napoléon coi Marie Walewska chẳng qua như một món đồ
chơi quí giá của xứ Ba Lan cống hiến tận tay ông thế thôi. Bậc mỹ nhân ái quốc
kia lúc đầu chỉ coi Hoàng đế nước Pháp như một kẻ bạo chúa mà nàng phải ngậm hờn
nuốt nhục, hiếu tấm thân nghìn vàng hòng xin cho tổ quốc của nàng được thu hồi
độc lập. Không dè chàng mê vì sắc, nàng phục vì tài, trai anh hùng gái thuyền
quyên đã lưu luyến cùng nhau trong giờ tao ngộ. Nàng có thai, rồi ở luôn bên cạnh
chàng. Napoléon giữ lời hứa, nhưng một phần nào thôi. Ông đã hứa với nữ bá tước
sẽ giải phóng tổ quốc của bà khỏi ách nô lệ của Đức, Nga và Autriche. Thì đây,
ông đã bắt buộc Hoàng đế nước Đức trả lại một phần đất Ba Lan, Hoàng đế nước
Nga cũng phải trả lại một phần, ông lập thành vương quốc Varsovie, khởi điểm của
quốc gia Ba Lan, trao cho thống chế Poniatowski của Ba Lan làm tổng tư lệnh.
Nữ bá tước Marie Walewska sinh được cho Napoléon một cậu con
trai. Đứa con ngoại hôn thứ hai này ra đời, càng khiến Napoléon cương quyết ly
dị Joséphine. Bây giờ ông biết chắc chắn rằng ông có thể có hoàng tử nối ngôi,
và ông phải từ bỏ Joséphine vì lý do chính trị.
Tháng 11 năm 1809, ông trở về Paris, nói cho Joséphine biết
rõ quyết định của ông. Joséphine khóc lóc, van xin, kêu gào lòng thương xót của
ông, nhưng ông bảo:
- Chính trị không có trái tim, chỉ có đầu óc mà thôi. (La
politique n’a pas de coeur, elle n’a que de la tête).
Napoléon vẫn thấy rằng vợ chồng ăn ở với nhau đã 13 năm trường,
nàng vẫn rất yêu kính ông, chiều chuộng ông, hoàn toàn là một người vợ hiền
lành, kiểu mẫu, bây giờ ông xa cách bà, thật là một việc xót xa mến tiếc
trong lòng ông. Nhưng việc quốc gia đại sự, cả tương lai của triều đại Napoléon
mà ông đã xây dựng, cả chiếc ngai vàng mà ông đã chiếm được, cả lịch sử của nước
Pháp đã trao phó trong tay ông ; đều nặng hơn tình nghĩa phu thê.
Joséphine đứt từng đoạn ruột, khi nghe Napoléon thuyết phục
bà phải hy sinh ngôi Hoàng hậu. Nhưng thấy rằng bà không thể nào chống cự được
ý định của Hoàng đế, bà phải chịu vậy...
Thế là cuộc ly dị Joséphine được loan truyền cho dân chúng
rõ.
VẪN GIỮ CHỨC HOÀNG HẬU
Đúng 9 giờ tối ngày 15-12-1809, nghi lễ ly dị được khởi hành
trong cung điện Hoàng đế, trước mặt đông đủ tất cả hoàng tộc, và toàn thể nhân
viên cao cấp, văn võ bá quan, cùng các Vua chư hầu khắp nơi được triệu về.
Đồng hồ treo trên tường vừa điểm chín tiếng. Cửa chính điện từ
từ mở hai cánh rộng ra...
Hoàng thái hậu đi trước, rồi đến các Vua và các Hoàng hậu
trong Hoàng gia: Louis, Jérôme, Murat, Eugène, Julie, Hortense, Catherine,
Pauline, Caroline, kẻ trước người sau, theo thứ tự nghi lễ, thong thả bước vào.
Napoléon và Joséphine đón chào. Napoléon ra dấu cho ai nấy an tọa. Hoàng hậu
Joséphine mặc áo trắng, không đeo một món nữ trang nào, trừ một rẻo ruban quấn
trên mái tóc. Gương mặt bà xanh rờn vì cảm xúc mạnh, nhưng bà cố giữ nét bình
tĩnh. Hoàng đế Napoléon mặc nhung phục Đại tá Ngự-lâm quân, đôi mắt Ngài u uất,
nhìn đăm đăm khoảng không, như trầm ngâm nghĩ ngợi.
Bỗng Ngài đứng dậy, lấy một tờ giấy, đọc bằng giọng dịu dàng
và thanh thoát.
Cả cung điện đều im lặng nghe tiếng Ngài tuyên bố vang lên,
như sau đây:
- Trẫm đã mất hết hy vọng có con với Hoàng hậu Joséphine. Vì
thế, trẫm phải hy sinh tình yêu thương tha thiết của trái tim và chỉ nghe tiếng
gọi của quyền lợi quốc gia. Chúa chứng minh cho lòng đau đớn xót xa của trẫm
khi phải quyết định việc này. Nhưng không có một hy sinh nào mà trẫm không có
can đảm chịu đựng một khi ai cũng nhận thấy rằng hy sinh ấy có lợi cho nước
Pháp... Trẫm rất khen ngợi lòng luyến ái diệu hiền của người vợ yêu quí của trẫm.
Trẫm muốn nàng cứ giữ chức vị Hoàng hậu, nhất là nàng đừng bao giờ nghi ngờ cảm
tình chân thật của Trẫm, và luôn luôn coi Trẫm như người bạn tốt nhất và thân
yêu nhất của nàng vậy.
Napoléon ngồi xuống. Đến lượt Joséphine đứng dậy, đọc những lời
tuyên bố rất văn hoa, đẹp đẽ, do tự tay bà viết lấy:
- Thiếp xin phép đấng Phu quân uy nghiêm và thân ái của Thiếp
cho Thiếp được tuyên bố rằng, vì Thiếp không còn có hy vọng sinh con cho Hoàng
đế để phụng sự những nhu cầu chính trị của Ngài và quyền lợi của nước Pháp, nên
thiếp xin vui lòng chứng tỏ với Hoàng đế tấm lòng tận tụy trung thành và luyến
ái của thiếp...
Vừa đọc đến đây, Joséphine nghẹn ngào, té xỉu xuống ghế. Quan
cận vệ Regnault d’Angéli phải lấy tờ giấy cầm đọc tiếp.
- Thiếp đã nhờ rất nhiều tấm lòng quảng đại yêu đương của
Hoàng đế. Ngài đã tôn thiếp lên ngôi Hoàng hậu, và trên ngai vàng cao vút kia
thiếp luôn luôn được nhân dân Pháp tỏ lòng hân hoan ưu ái... Sự thủ tiêu hôn
thú hôm nay sẽ không thay đổi chút nào những tình cảm chứa chan trong lòng thiếp.
Thiếp sẽ luôn luôn là người bạn thân yêu của Hoàng đế. Ngài và thiếp, chúng tôi
đều vẻ vang với sự hy sinh mà chúng tôi đã chịu đựng vì quyền lợi tối cao của Tổ
Quốc và nhân dân.
Vị cận vệ vừa đọc xong, Napoléon bước đến Joséphine và cảm động
xiết tay bà. Giây phút vô cùng cảm động. Người ta thấy Hoàng thái hậu, mẹ của
Napoléon, chùi một ngấn lệ. Hai cô em gái khó tính nhất của Napoléon, thù ghét
Joséphine nhiều nhất, là hai Hoàng hậu Pauline và Caroline, cũng rưng rưng nước
mắt. Hoàng hậu Hortense, con gái riêng của Joséphine, đưa hai tay che mặt để òa
khóc lên.
Vị bộ trưởng Combacérès lập biên bản buổi ly dị. Napoléon hạ
bút ký liền. Joséphine ký tên bà ngay ở dưới tên ông.
Đến lượt bà Hoàng thái hậu ký run run, rồi đến lần lượt Vua
và các Hoàng hậu khác của triều đại Napoléon...
Joséphine từ giã để về cung, nhưng được mấy bước thì bà té xỉu
xuống cầu thang. Người ta đã ôm xốc bà lên, đưa bà về.
Tuy bị ly dị, nhưng Joséphine vẫn dược Napoléon ban cho ba
lâu đài nguy nga, tiền lương mỗi năm ba triệu đồng, và ông trả hết tất cả những
món nợ phung phí của bà cũng lên đến mấy triệu. Ngoài ra, ông vẫn để cho bà giữ
chức Hoàng hậu... hưu trí.
Sáu năm sống ẩn dật ở biệt điện Malmaison, Joséphine sống cuộc
đời yên tĩnh, nhưng không thiếu xa hoa lộng lẫy, được dân chúng Pháp kính phục
và các Vua chúa trên thế giới cũng quý mến như xưa. Ngay khi Napoléon thất thế,
bị đày ra đảo Elbe, Hoàng đế Alexandre của nước Nga và Vua nước Đức kéo quân
vào Paris, cũng đến thăm bà.
Bà bị đau phổi, tạ thế ngày 29-5-1914 tại Malmaison.
16.– Những người yêu của NAPOLEON I: Nữ Bá Tước WALEWSKABÁN MÌNH CHUỘC NƯỚC
Ngày 1-1-1807, toàn thể dân chúng xứ Pologne đều nô nức đợi
chờ... Vâng, họ chỉ còn biết đợi chờ thôi, vì họ đã hoàn toàn chiến bại, và đau
khổ xót xa nhìn thấy Tổ quốc thân yêu của họ đã bị xâm lăng và chia xẻ lần thứ
ba trong Lịch sử. Ba địch thủ ghê gớm nhất ở Trung Âu, ba Hoàng đế tàn bạo của
Nga, Đức và Autriche đã thông đồng với nhau dùng võ lực để cướp đất Pologne và
chia mỗi người một khu vực: Russie lãnh phần Lithuanie và Ukraine, Autriche lấy
Cracovie, Varsovie, Lublin, Prusse (Đức) lấy hết một vùng từ sông Oder đến sông
Niemen. Quốc gia Pologne bị tiêu diệt hẳn không còn gì nữa cả. Vua Stanislas
đã phải thoái vị, rồi chết năm 1797. Còn vị anh hùng kháng chiến của nhân dân,
là Kosciuszko cũng đã bị quân Nga bắt bỏ tù ở Saint Pétersbourg, sau mấy năm
chiến đấu tuyệt vọng.
Dân tộc Pologne anh hùng khí khái, bây giờ đành phải nuốt nước
mắt, cam phận vong nô, chịu kiếp tôi đòi, còn phương tiện nào nổi dậy được nữa
để khôi phục giang sơn?
Một tiếng oán hận ngậm ngùi cay đắng đã nức lên dưới ngòi
bút của một thi nhân, như tiếng khóc của non sông: Finis Poloniae! (Pologne đã
tận số rồi!)
Bỗng ngày 1.1.1807, cả xứ Pologne ngồi nhỏm dậy vui mừng,
nghe ngóng, đợi chờ... Ngài sắp đến đấy chăng ? Phải, chính là Ngài đến đây! Tiếng
vó ngựa của Ngài bước đi, hùng dũng, nhịp nhàng với tiếng giầy của đại đội
đang dẫm trên cương thổ Pologne, vang động cả vòm trời Âu châu, làm cho các
ngai vàng rung rinh chuyển động... Ngài đến để đánh Hoàng đế Alexandre của Nga,
đánh Hoàng đế François của Autriche, đánh Vua Frédéric của Đức, để sửa đổi lại
cục diện của Âu châu. Phải, chỉ có Ngài, Hoàng đế Napoléon Đệ nhất, anh hùng của
nước Pháp cách mạng, là nhân dân Pologne có hy vọng kêu xin giải phóng cho Tổ
quốc của họ mà thôi. Cho nên sáng hôm 1.1.1807, nghe tin Napoléon đang kéo đại
đội binh mã sang Pologne, vừa đến thành phố Bronie trên đường tiến đến thủ đô
Varsovie, thì dân chúng vui mừng ào ạt kéo đến đấy để hoan hô Napoléon. Đàn
ông, đàn bà, con nít, ông già, bà lão, cả một dân tộc vong quốc, bị Russie,
Autriche Prusse, cướp mất cả đất đai, đứng đông nghẹt hai bên đường, vừa trông
thấy Napoléon cỡi con bạch mã oai nghiêm tiến vào kinh đô, muôn nghìn cái miệng
đều hô to lên một câu: “Hoàng đế muôn năm! Hoàng đế muôn năm!”
Một thiếu phụ rất trẻ và rất đẹp từ trong đám đông dân chúng,
nhảy ra, vội vàng quỳ bên chân ngựa của Napoléon, ngước mặt nhìn lên ông với
hai giòng nước mắt chảy ràn rụa trên má. Nàng kêu gào:
- Bệ hạ đến đây, nhân dân Pologne vui mừng đón tiếp, tôn Ngài
như một vị Chúa, xin Ngài thương xót truyền lệnh cho những kẻ xâm lăng hãy trả
lại Tổ quốc của chúng tôi cho chúng tôi!
Napoléon cảm động quá, liền sai quân thị-vệ cấp tốc đi kiếm một
bó hoa. Ông trao bó hoa tặng giai nhân, với một nụ cười, và bảo:
- Trẫm muốn gặp bà tại kinh thành Varsovie.
Mỹ nhân cung kính cúi đầu cảm tạ.
Người thiếu phụ kiều diễm ấy, được vinh dự nhận bó hoa của
Napoléon trao tặng, chính là Nữ Bá Tước De Walewska.
Mầu tóc vàng rực rỡ như ánh thái dương, đôi mắt xanh như màu
da trời, hình vóc thướt tha duyên dáng, nhưng nữ bá tước de Walewska luôn luôn
đội nón màu đen với một tấm voan đen phủ hai bên, từ ngày tổ quốc Pologne của
bà bị diệt vong.
Nhũ danh là Marie Laczinska, bà là con gái một gia đình
nghèo, nhưng đã lừng danh vì nhan sắc sầu mơ diễm ảo. Bà mới 16 tuổi, cha mẹ
đã gả bà cho một ông Bá tước, già 74 tuổi, tên là Colonna de Walewice-Walewski,
nhưng là triệu phú. Bà sống cạnh người chồng này, chẳng biết yêu đương hạnh
phúc là gì. Tuy còn trẻ tuổi, và vẫn được đồng bào của bà rất mến phục vì lòng
nhiệt tâm ái quốc của bà. Bà đã khóc ròng rã từ khi nước Pologne bị hai Hoàng đế
nước Russie, nước Atriche và Vua xứ Prusse dùng vũ lực đến cướp lấy và chia xẻ
thành ba mảnh để mỗi nước chiếm lấy một khu vực sáp nhập vào đất đai của họ...
Hôm gặp Napoléon, Nữ bá tước de Walewska đã 19 tuổi,
Napoléon 36 tuổi.
Napoléon đến Varsovie, ba hôm sau có buổi đại hội, Nữ bá tước
de Walewska được mời đến dự. Hoàng đế Pháp mê sắc đẹp của bà đến đỗi giữa lúc
các quan khách đang khiêu vũ, nhịp nhàng theo nhịp điệu du dương, thì Napoléon
viết trên một mảnh giấy mấy giòng tán tỉnh vụng về sau dây, đưa quan thị-vệ đến
trao tận tay Nữ bá tước:
“Giữa phòng tiệc đông đảo, ta chỉ nhìn thấy bà, ta chỉ để ý đến
bà, ta chỉ ngắm nghía bà. Bà trả lời gấp cho N. biết cảm tình thế nào, ta nóng
lòng đợi thư hồi âm”.
Nữ Bá Tước Walewska xem giấy chỉ mỉm cười nhã nhặn mà không
trả lời. Tuy rằng bà rất tôn sùng Hoàng đế Napoléon, rất khâm phục bậc anh hùng
tài hoa siêu việt, nhưng dù sao bà vẫn là một phụ nữ có đôi chút lòng tự ái, lẽ
nào nhất kiến vi kiến, Hoàng đế buông lời chọc ghẹo mà bà đã ưng thuận ngay ư
?
Ba lần, Napoléon sai người đến thuyết phục giai nhân, ba lần
nàng mỉm cười, từ chối.
Napoléon không giận. Nhưng hôm sau, hôm sau nữa, hôm sau nữa,
liên tiếp ba hôm như thế, Hoàng đế cứ viết thư gửi đến Nữ Bá Tước tán tỉnh bà,
khen ngợi bà, tỏ tình tha thiết yêu thương. Giai nhân cương quyết từ chối, viện
lẽ nàng đã có chồng. Nàng không thể dâng trái tim của nàng và hiến tấm thân của
nàng cho Hoàng đế được.
Napoléon buồn rầu, bực tức, có khi nổi giận, hăm he dọa nạt,
có khi lại xuống nước, làm lành, năn nỉ... ỉ ôi.
Thái độ trung trực và cương quyết của bà càng làm tăng phẩm
giá của Nữ Bá Tước de Walewska. Nhưng chính phủ lâm thời vong quốc của Pologne,
biết rõ cuộc tình duyên trắc trở của Napoléon, liền viết thư sau đây gởi Nữ Bá
Tước Walewska:
“Hồi xưa nàng Esther ưng thuận làm vợ Vua Assuérus của nước
Perse, đâu phải vì tình yêu mà chỉ vì lòng ái quốc nhiệt thành của nàng muốn cứu
dân tộc Juifs khỏi bị diệt vong. Và Esther đã tìm được hạnh phúc và hãnh diện
vì đã cứu được Quốc gia của nàng.
Thưa bà, chúng tôi cũng mong ước thấy bà được hạnh phúc ấy và
hãnh diện ấy.
Chúng tôi xin phép nhắc bà một câu nói bất hủ của Fénelon, một
nhà triết học lừng danh, nột văn hào Pháp, một tu sĩ có đức độ cao siêu. Ông đã
nói: “Les hommes qui ont toute autorité en public, ne peuvent, par leurs
délibérations, établir aucun lien effectif si les femmes ne les aident à
l’exécuter” (Những người đàn ông dù có đủ cả uy quyền đối với công chúng, cũng
không thể, với những cuộc đàm thoại xây dựng được một liên hệ cụ thể nào, nếu
không có những người đàn bà giúp họ thực hành công tác ấy).”
Nữ bá tước de Walewska suy nghĩ rất nhiều về bức thư đó của
những nhà ái quốc Pologne. Đã vậy, hầu hết những bạn hữu thân tín của nàng, cả
dư luận của dân chúng, cho đến cả nhà Đại thi sĩ danh tiếng nhất của Pologne thời
bấy giờ là Mickiewicz cũng khuyên bảo nàng: “Hoàng đế Napoléon là một bậc vĩ
nhân của lịch sử. Chỉ có Ngài là giải phóng được Tổ quốc chúng ta, nếu Ngài muốn.
vậy Nữ bá tước nên vì nước mà quên mình. Phu nhân hy sinh tấm thân nghìn vàng
cho Napoléon, chính là hy sinh cho Tổ quốc vậy!”
Hy sinh như nàng Esther đã hy sinh cho Hoàng đế Assuérus
chăng. Nghe theo tiếng gọi của tình yêu Hoàng đế, tức là nghe theo lời khuyên bảo
của nhà tu sĩ Fénelon và nhà thi hào Mickiewicz chăng?
Gần một tuần lễ, Nữ bá tước de Walewska băn khoăn thắc mắc
vì vấn đề tâm sự, tiến thối lưỡng nan... Yêu Napoléon?... Khỏi yêu Napoléon?
Hy sinh vì ái tình? Hy sinh vì Tổ quốc?
Sáu đêm trường nàng trằn trọc không ngủ...
Napoléon cũng thế! Ban ngày Hoàng đế lo sửa soạn chiến tranh,
một mình Ngài điều binh khiển tướng để phải đương đầu với một nước Russie to lớn
hùng cường, một nước Autriche cũng anh dũng, một nước Prusse đang hăng hái quyết
chiến để giữ gìn lãnh thổ. Nhưng ban đêm, Ngài nằm thao thức, buồn rầu vì người
đẹp của Pologne không hề nhượng bộ.
Ngài ngồi dậy, viết bức thư cuối cùng sau đây để hôm
sau, sáng ngày thứ bảy, sai quan thị vệ trao đến mỹ nhân:
“Phu nhân sao không làm thỏa mãn nhu cầu tha thiết của một
trái tim say mê chỉ muốn chạy đến ôm lấy chân ai mà tỏ tình yêu dấu ? Ta chỉ tiếc,
vì lòng ước muốn của ta vô bờ bến, nhưng nhiệm vụ của ta cũng quá nặng nề, nên
ta không làm sao đến cạnh phu nhân để tỏ hết nỗi lòng! Đến đây! Ai ơi, đến đây
với ta! Ta sẽ càng mến thương tổ quốc của em nhiều hơn nếu em thương hại trái
tim đang đau khổ của ta!”.
Nữ bá tước đã trằn trọc sáu đêm, với hình ảnh chói lọi của
Napoléon mà nàng tôn kính, mà nàng vẫn do dự không dám ôm ấp vào lòng.
Bỗng sáng ngày thứ bảy, vừa ngủ dậy, nàng nhận được bức thư
tha thiết chân thành của ai kia...
Nàng xúc động quá, ngồi lặng lẽ xuống ghế, nhắm mắt mơ
màng... Nàng mới có 19 tuổi. Bỗng nữ bá tước tài hoa son trẻ bừng mắt đứng dậy,
tươi cười nói với quan thị vệ:
- Nhờ ông về tâu lên Hoàng đế, chốc nữa tôi sẽ xin đến hầu
chuyện với Ngài về số phận của Quê Hương tôi.
Một lát sau, Napoléon đang chăm chú nghiên cứu các địa điểm
chiến trường trên một bản đồ lớn trải trên mặt bàn, nữ công tước Walewska bước
vào. Nàng mặc áo đen, đội nón đen phủ tấm voan đen để tang cho tổ quốc. Nàng quỳ
bên chân Napoléon tha thiết van lơn:
- Tâu Hoàng thượng, đây không phải là Nữ bá tước de Walewska,
mà đây là xứ Pologne đến quì bên chân Ngài. Xin Ngài hứa cho một lời châu ngọc:
xứ Pologne chỉ ngưỡng vọng lên Ngài, nhờ Ngài giải phóng cho quê hương tôi khỏi
bị làm nô lệ! Chúng tôi mong được vinh dự tôn Hoàng thượng làm bậc ân nhân cứu
dân tộc Pologne!
Napoléon mỉm cười, nâng đỡ Nữ bá tước dậy, mời nàng ngồi:
- Tôi hứa với phu nhân, tôi sẽ giải phóng cho Pologne.
Nữ bá tước liền đứng dậy:
- Tâu Hoàng đế, Hoàng đế có cho phép tôi đêm nay trở
lại dâng Hoàng đế tấm lòng tri ân không bờ bến của tôi?
- Đêm nay ta chờ phu nhân.
Nữ bá tước kính cẩn chào, đi ra.
8 giờ tối, Napoléon vẫn còn đứng trước bản đồ, sắp
đặt chiến thuật dàn trận trên sông Danube. Nữ bá tước bước vào, lần
này bà mặc áo hồng rực rỡ. Napoléon cười hỏi:
- Bây giờ là Nữ bá tước đến, hay là xứ Pologne đến?
Walewska mỉm cười duyên dáng:
- Tâu Hoàng đế, đây là người yêu của Ngài đến!
- Thế thì bây giờ đến lượt anh quỳ bên chân em.
Nói xong, Napoléon quì bên chân nàng hôn lên chân nàng,
và lẩm bẩm ba tiếng thông thường mà tất cả những người yêu đều nói,
bất cứ là vị Hoàng đế hay chú thuyền chài:
- Anh yêu em!
Walewska âu yếm cúi xuống đỡ Napoléon dậy, không ngờ
Hoàng đế kéo tay bà xuống, đè bà nằm luôn trên đất, không kịp đưa
nhau lên giường nệm hoa...
WALEWSKA SAY MÊ NAPOLÉON
Vì tổ quốc, với sự đồng lõa của tất cả một dân
tộc đang tha thiết hy vọng nơi nàng, Nữ bá tước Marie de Walewska, một
mỹ nhân 19 tuổi, đã hiến cả tấm thân nghìn vàng của nàng cho
Napoléon.
Nhưng, kỳ diệu thay, Marie vừa rơi trong tay vị anh hùng
trong một phút say mê, thì lúc tỉnh lại nàng cảm thấy không thể nào
rời xa chàng được nữa. Người đàn ông đã chiếm được trái tim của
nàng và xác thịt của nàng. Bây giờ đây không phải là Hoàng đế
Napoléon, mà là người yêu của nàng. Để đáp lại sự hy sinh tuyệt
đích của Marie, chàng đã tặng cho nàng một tuyệt thú say sưa, tràn
trề hạnh phúc. Nàng sung sướng thú thật với Napoléon: “Em mê anh mất
rồi!”.
Napoléon ôm ghì đầu nàng, cái đầu nhỏ nhắn, xinh
xắn, ngào ngạt hương xuân, áp vào ngực chàng và âu yếm bảo:
- Từ nay em ở luôn bên cạnh anh nhé?
Marie đê mê rung động, khẽ đáp:
- Vâng.
Đêm ấy là mồng 7 tháng 1 năm 1807. Cuộc tình duyên của
Marie de Walewska đã thành ra một việc chánh thức, gần như một quốc
sự. Napoléon công khai giới thiệu nàng là người “vợ Ba Lan” của ông.
Các nhà ái quốc Pologne chứa chan hy vọng. Họ biết rằng Hoàng đế
nước Pháp và Nữ bá tước Marie đã thành thật gắn bó cùng nhau, thì
chỉ có cô vợ trẻ đẹp ấy là có thể van xin ông giữ lời hứa giải
phóng cho xứ Pologne.
Lịch sử đã chứng nhận rằng vì yêu Marie de Walewska
mà Napoléon đã thực hiện được lời hứa ấy một phần nào, lời hứa
ái tình và danh dự. Ông bắt buộc Hoàng đế Alexandre của nước Russie
và Vua Prusse trả lại cho Pologne những lãnh thổ mà Russie và Prusse đã
xâm chiếm. Ông đã tạo ra một khu vực Pologne độc lập, gọi là Grand Duché de
Varsovie và lập một bộ đội Pologne trao cho Thống chế của Pologne là Poniatowski
làm Tổng tư lệnh. Ngần ấy cũng đủ cho nhân dân xứ Pologne biết ơn Napoléon, và
Marie de Walewska yêu ông mỗi ngày mỗi tha thiết say mê hơn. Một buổi tối,
Napoléon có chút ít thì giờ rảnh, ngồi bàn cặm cụi đặt một bài hát cho quân đội
của ông. Marie de Walewska thương ông làm việc quá nhiều, nằm giường khẽ gọi
ông:
- Bỏ đấy, mình ạ, đừng thèm làm công việc nhỏ mọn. Lại đây nằm
với em!
Napoléon vứt bút, xé tờ giấy mà trên đó ông đã ghi được vài
câu hát, và đến giường nằm với người yêu.
Trong thời gian một tháng ở Varsovie, Napoléon và Marie de
Walewska đã sống những ngày yêu đương đầy ngập hạnh phúc.
Ngày 7.2.1807, Napoléon kéo đại đội binh mã đến nghinh chiến
với quân đội Russe tại Eylau. Marie đến Vienne để chờ đợi tin tức. Chiều tối,
sau khi tiếng súng đã thưa dần, và quân Pháp đã thắng trận, Napoléon lấy một miếng
giấy đặt trên mặt trống, viết vội vài giòng sau đây, gởi về cho Marie:
“Bạn diệu hiền của anh ơi, khi em đọc thư này, chắc em đã
nghe tin về chiến cuộc rồi. Trận giặc đã kéo dài hai ngày và hôm nay quân ta đã
toàn thắng. Con tim của anh vẫn quanh quẩn bên em. Yêu anh nhé, em Marie hiền
lành ngoan ngoãn của anh! Và tin nơi tình yêu của N.”
Viết xong bức thư tình cho Marie de Walewska, Hoàng đế lại viết
tiếp luôn bức thư tình khác gởi cho bà vợ Joséphine ở Paris cũng đang chờ đợi
ông…
Nhưng ông không về với Joséphine. Thắng trận xong Napoléon ở
lại nơi lâu đài Finekettein để cho quân đội nghỉ ngơi trong mùa lạnh. Suốt 3
tháng ở nơi đây, Walewska và Napoléon sống một tuần trăng mật say sưa nhất
trong đời ông. Trước mặt bá quan và các vị đại sứ ngoại quốc, các vì Vua chúa
Âu châu, Marie de Walewska được coi như một vị Hoàng hậu. Ngoài những giờ tiếp
khách, Hoàng đế và cô vợ trẻ tuổi âu yếm với nhau như một đôi uyên ương say mê
khắng khít chỉ biết hưởng hạnh phúc của tình yêu.
Tháng 6-1807, Napoléon lại đại thắng quân Nga trên sông
Niémen. Hoàng đế Alexandre bắt buộc phải ký hòa ước tại Tilsit. Quân đội
Napoléon ca khúc khải hoàn trở về Pháp. Marie de Walewska buồn bã, sợ phải từ
giã Napoléon, nhưng ông muốn nàng theo ông về Paris. Ông để nàng ở một lâu đài
tráng lệ, và mỗi ngày ông đều đến thăm nàng, với mối tình chung thủy.
Năm 1809, Napoléon lại sang đánh giặc ở Autriche. Walewska
cũng theo ông, như hình với bóng. Ông sắp đặt cho nàng ở một cung điện nguy nga
tại Vienne, và yêu quý nàng như cặp vợ chồng mới cưới. Rồi nàng có thai…
Napoléon hết sức vui mừng, và bây giờ ông có chứng cớ chắc chắn
rằng ông có con trai để nối giòng. Cưới Joséphine về mấy năm không có con, đó
là lỗi tại Joséphine không sinh sản được nữa, chứ nhất định không phải tại
ông.
Cũng năm ấy, Napoléon ly dị với Joséphine và năm sau, 1810
hoàn cảnh chính trị của nước Pháp xúi giục ông cưới Công chúa Marie Louise, con
gái của Hoàng đế nước Autriche, về làm Hoàng hậu chính thức của nước Pháp.
Đáng lẽ Napoléon cưới Marie de Walewska, nhưng theo ý kiến
chung của Triều đình, Hoàng đế nước Pháp kết hôn với con gái Hoàng đế Autriche,
sẽ có ảnh hưởng tốt hơn cho hòa bình của Âu châu và củng cố đế quốc Pháp thêm vững
chắc hơn.
Mặc dầu chính thức lấy Công chúa Marie Louise làm Hoàng hậu,
Napoléon vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu tha thiết với Marie de Walewska. Năm 1810,
Marie sinh được con trai, đặt tên là Alexandre Walewska. Napoléon ban cho người
con ngoại tình này chức vị Bá tước. Năm 1811, Hoàng hậu Marie Louise cũng sinh
con trai được tôn làm Quốc vương La Mã (Roi de Rome).
Nếu đừng có chiến tranh đảo lộn tình hình Âu châu một lần nữa
thì Triều đại Napoléon được vững bền, vẻ vang biết mấy!
“PAPA - HOÀNG ĐẾ”
Nhưng trong lúc ai cũng tưởng rằng uy thế của Napoléon đang
thời lẫm liệt nhất, thì định mệnh của ông lại xoay chiều ngược lại. Ngôi sao của
vị César của nước Pháp bắt đầu lu mờ.
Sau một chiến trận kinh khủng mà một mình phải chống bốn địch
thủ ghê gớm: Anh, Đức, Nga, Autriche, ông bị đại bại, và bắt buộc phải thoái vị
ngôi Hoàng đế. Ngày 21.4.1814, ông bị bốn nước đồng minh Âu châu đẩy qua cù lao
Elbe, giữa Địa Trung Hải.
Sáu trăm binh sĩ và hai vị Thống chế trung thành nhất với
ông, theo ra hầu hạ ông nơi hoang đảo.
Hoàng hậu Marie Louise cũng hứa sẽ đem con ra ở với ông.
Nhưng vị anh hùng thất thế không ngờ bị bà vợ bỏ rơi, không một lời thương nhớ.
Marie Louise đem Quốc vương La Mã về ở với Hoàng-đế Autriche,
là bố vợ và cũng là thù địch của Napoléon. Napoléon chờ đợi đêm ngày, biệt vô
âm tín…
Trong lúc ông đang tức giận Marie Louise thì được tin Nữ Bá
tước Marie de Walewska, “cô vợ Polonaise” trẻ đẹp và diệu hiền của ông, ẵm con
trai bốn tuổi ra thăm ông. Nàng đi một chiếc tầu buồm nho nhỏ, ra đến đảo Elbe
vào lúc trời tối mù mịt, đêm 1.9.1814. Napoléon ở nhà, đợi chờ từ lúc hoàng
hôn. Chờ mãi chưa thấy nàng đến, ông sốt ruột đi bách bộ băng qua một khu rừng
hoang vắng để đi đón nàng. Gặp nàng giữa rừng, ông ôm chầm lấy người yêu, bảo:
- Anh chờ em lâu lắm!
Đứa con trai bốn tuổi của nàng ẵm trong tay, Alexandre
Walewska, bỗng cất tiếng ngây thơ, chào ông:
- Bonjour Papa Empereur! (con chào papa Hoàng đế).
Napoléon phì cười, cõng con lên lưng, và dắt vợ vào một chòi
hoang giữa rừng, ngủ luôn nơi đây…
Trong tất cả những người vợ và người yêu của Napoléon, Marie
de Walewska là người hiền lành nhất, yêu ông nhiều nhất, và trung thành với ông
nhất.
Tuy nàng lo ngại rằng Hoàng hậu Marie Louise có thể ra đảo
Elbe để ở với Napoléon – và hai bà không ưa nhau – nhưng nàng cũng van lơn
Hoàng đế:
- Em đến đây dâng cả đời em cho anh. Em chỉ xin anh một túp
nhà nho nhỏ, ở một xó nào kín đáo cũng được, xa anh cũng được, miễn là khi nào
anh gọi đến em, thì có em sẵn sàng chạy đến anh ngay!
Napoléon xiêu lòng, nhưng lúc bấy giờ ông đang âm mưu cuộc
thoát ly để trở về nước Pháp, giành lại ngôi báu. Ông khẽ bảo nàng:
- Không được đâu em ạ. Em phải về ngay.
Maire de Walewska đứt từng đoạn ruột, nhưng yêu chồng, chiều
chồng, tuân lịnh chồng, đành phải âm thầm đau xót từ giã phu quân. Đứa con trai
bốn tuổi lại bắt tay cha, với giọng nói ngây thơ cảm động:
- Bonjour Papa – Empereur.
Napoléon chạy vào cái chòi hoang ngồi khóc nức nở. Tám ngày
liền, ông rầu rĩ, nằm luôn trong chòi, không ló mặt ra.
Bốn tháng sau, ngày chủ nhật, 26.2.1815, Napoléon kéo 600 người
lính trung thành của ông và hai vị Thống chế xuống tàu, vượt biển, đổ bộ lên đất
Pháp. Con Chim Đại Bàng lại bay vụt về Paris được toàn thể quân đội và dân
chúng hoan hô dậy trời dậy đất. Napoléon trở lại ngôi Hoàng đế…
Nhưng hai năm sau, 1817, Marie de Walewska đau nặng, trút hơi
thở cuối cùng, miệng còn lẫm bẫm ba tiếng:
- Napoléon!... Je t’aime! (Napoléon… em yêu anh!).
Chú thích:
5. Người con này nhập Pháp tịch, sau làm Tổng trưởng Ngoại giao của Hoàng đế Napoléon III, cháu ruột của Napoléon I.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét