Người hát nhạc Trịnh ở hai bờ đại dương
Năm giờ chiều 29/4/1975, chiếc tàu kén nhỏ có tên Song
An chở gần 30 người lao từ cảng Khánh Hội, Sài Gòn, theo sông Lòng Tàu về hướng
Vũng Tàu trong tiếng đạn pháo.
Một phụ nữ trẻ, đôi mắt to và đen, lưng địu bé gái khoảng 3
tuổi chen chúc trên tàu. Đường bộ Sài Gòn - Vũng Tàu đã bị cắt. Hai bên
sông, những cột khói đen cào rách bầu trời. Tiếng một kho đạn phát nổ, chiếc
tàu hải quân bị mắc kẹt trên sông, người nhao nhác.
Hơn 6 giờ tối, chiếc canô ra tới biển Bà Rịa, hòa vào một
vùng đầy thuyền to, thuyền nhỏ. Những người ra phía biển lần lượt được các xà
lan, chiến hạm lớn của Mỹ đậu sẵn ngoài khơi vớt lên.
Người mẹ trẻ được chuyển lên tàu USNS Sgt. Andrew Miller.
Bình thường, con tàu chiến của quân đội Mỹ chỉ chứa tối đa 1.500 lính. Nhưng
hôm đó, "hàng hóa" nó nhận được là gần 7.000 người trong cơn hoảng loạn.
"Lúc đó, đạn pháo ở đất liền bắn ra ngoài khơi. Cũng không biết là ai bắn
ai, chúng tôi cũng chẳng biết là lên tàu Mỹ, chẳng biết đi đâu. Chỉ nghĩ, phải
tìm tới chỗ nào không có đạn pháo", người mẹ trẻ kể lại.
Tàu USNS Sgt. Andrew Miller rời khỏi Vũng Tàu, Việt Nam
chiều
ngày 29/4/1975. Ảnh: Tư liệu Hải quân Mỹ.
Gần 7.000 con người đứng, ngồi san sát ở mọi khoảng hở trên
boong và hầm tàu, không chỗ nằm, không nước tắm. Người Mỹ nấu cơm nát, trộn với
cá hộp. Người phát cơm đi từ đầu này đến đầu kia con tàu là hết một ngày. Vì thế,
suất ăn mỗi ngày chỉ được một nắm cơm.
Người mẹ trẻ không ăn gì trong hơn bốn ngày đó. Hành lý của
cô không một đồng bạc, không quần áo, chỉ có đứa con gái nhỏ và một chiếc túi vải,
bên trong chứa thư tình, hai tập nhạc Da vàng và Như cánh vạc
bay của Trịnh Công Sơn. "Vì cái túi đó lúc nào cũng bên cạnh mình nên
khi người ta bảo 'đi' là ôm con và quơ cái túi".
Sau bốn ngày trên biển, tàu Miller cập bến Philippines. Đoàn
người tị nạn được chia ra. Nhóm của người phụ nữ được đưa tới đảo Wake. Từ đó,
một con tàu khác chở họ đến trại tị nạn ở California sau gần một tháng.
Miller, cùng với hàng chục tàu thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã
vận chuyển một trong những đoàn di cư chiến cuộc lớn nhất lịch sử loài người.
Các tàu Mỹ đã vớt hơn 60 ngàn người ở Vũng Tàu ngày cuối tháng tư năm ấy.
Hành trình của tàu Miller đã vạch đường cắt ngang cuộc đời của
giọng hát được mến mộ bậc nhất Sài Gòn: ca sĩ Khánh Ly - bà chủ phòng trà Khánh
Ly, số 12-14, đường Tự Do.
Hơn 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, trên bản tin đầu tiên của Đài
phát thanh Sài Gòn sau thống nhất, Tổng thống Dương Văn Minh với giọng miền
Nam đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trung tá Bùi Văn Tùng với giọng Bắc đọc
lời tiếp nhận đầu hàng.
Chiến tranh kết thúc.
Lúc ấy, tàu Miller đang trên đường đến Philippines. Khánh Ly
đã ở ngoài khơi, cô không nghe đài. Lâu lắm sau này, khi đã ở Mỹ, cô mới nhớ lại
"thấy mình như cục đá"; thực sự thấm cái mất mát, càng về sau càng
sâu, mới biết mình đã đi khỏi Sài Gòn, khỏi quê cha.
Khánh Ly không hề biết ở Sài Gòn, Trịnh Công Sơn nghe tin cô
đã chết trên biển. Ông viết cho riêng cô bài "Rơi lệ ru người".
Chỉ mới năm ngày trước, sáng 24/4, ông Sơn sang chỗ cô chơi.
Họ ngồi bên nhau nhìn đường phố Sài Gòn, không hề nghĩ chuyện gì sẽ đến. Ông đến
phòng trà của cô, như vẫn thế, bên ly cà phê, điếu thuốc, không nói gì nhiều. Ở
cuộc hội thoại cuối, cô hỏi: "Anh có đi không? - "Người ta bảo anh
nên đi, Mai có đi với anh không?"- "Có lẽ em không có đi, nếu anh có
tiền cho em một ngàn đi" - "Anh không có tiền. Gia đình hết tiền rồi".
Rồi họ ngồi cả tiếng đồng hồ, nhìn ra đường. Mọi người qua lại
đông hơn bình thường, nhưng chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có một cuộc đổi dời
lớn của lịch sử. Càng không ai ngờ, đó chính là phút giây chia biệt, xa tận bên
kia địa cầu.Trịnh Công Sơn và Khánh Ly (tên thật Nguyễn Lệ Mai)
trước năm
1975. Ảnh tư liệu
Đầu tháng tư, tình hình Sài Gòn vẫn bình yên. Thành phố chỉ bắt
đầu lộn xộn sau vài bản tin trên đài phát thanh. Một số tư liệu mô tả lúc ấy
"quân bắc Việt đang tiến về Sài Gòn với tốc độ một ngày bằng 20 năm".
Từ khoảng trung tuần tháng tư, chiến tranh bắt đầu dữ dội.
Nhà ông Sơn ở đường Phạm Ngọc Thạch, căn nhà được các em mua cho ông hồi năm
70. Còn mẹ con Khánh Ly ở phòng trà ca nhạc bà mở từ năm 72. Phòng trà gần như
đóng cửa luôn.
Dù là ngày nào, ông tới, cứ tới. Hỏi nhau vài câu, "anh
à", "em à". Hai anh em ngồi nhìn ra đường, chẳng ai nói với ai lời
nào, cũng không hề nhắc đến chuyện đất nước, chiến cuộc. Ông cũng không hỏi cô
ra làm sao.
Cô thầm nghĩ, mình ở trên đất nước của mình, đánh nhau mình
cũng chịu thôi, thành ra người ta sao thì mình vậy. Nhưng cô không nói. Xong rồi
ông đứng dậy: "Anh về".
Sau này, hàng trăm lần, người ta hỏi "có kỷ niệm gì với
nhạc sĩ họ Trịnh". "Nó chỉ là như thế", cô nói, "đó là khoảng
thời gian hạnh phúc nhất. Còn những niềm đau mình chôn trong tim, để nó nằm im
trong đó".
Thời gian hạnh phúc ấy là giai đoạn 1967 đến trước 1975,
Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn cùng nhau đi qua một hành trình rực rỡ của tân nhạc
Việt Nam.
"Tôi là Trịnh Công Sơn", người đàn ông mảnh khảnh,
mặc sơ mi trắng, quần tây vải kaki màu vàng, đi giày tây, tóc cắt gọn gàng, vầng
trán cao và cặp kính tròn ở hàng ghế gần cửa hộp đêm đứng dậy, tự giới thiệu và
bắt tay ca sĩ.
Đó là một đêm mưa năm 1964 ở Đà Lạt. Ca sĩ vừa hát xong, xuống
sân khấu định ra ngoài cửa hút thuốc. Nụ cười tươi với chiếc răng khểnh, thầy
giáo 25 tuổi chào cô bằng giọng Huế. Khánh Ly cúi đầu chào. Cô gái 19 tuổi
không có cảm xúc gì, cũng không biết Trịnh Công Sơn là ai, ở đâu đến.
Trịnh Công Sơn khi đó đang dạy học ở B’lao, đã công bố Ướt
mi nhưng không mấy ai biết tới. Cuối tuần, ông hay cùng họa sĩ Đinh Cường
lên Đà Lạt nghe hát.
Tulipe Rouge là vũ trường duy nhất ở Đà Lạt, cạnh Nhà thờ
Chánh toà, Bưu điện và Đài phát thanh thành phố, gần quán cà phê Myosotis.
Tháng 11 năm 1962, Khánh Ly từ Sài Gòn nhận lời bà chủ vũ trường lên đây hát với
giá 2.500 đồng một tháng, cũng để thoát khỏi cuộc sống khó khăn của một ca sĩ
vô danh.Khánh Ly năm 20 tuổi. Ảnh tư liệu
Đà Lạt ít người, yên tĩnh, mát mẻ và sạch sẽ. Cứ cuối tuần,
ông ở Bảo Lộc lên, họ gặp nhau ở cà phê Tùng. Sơn gọi cô bằng tên thật, Lệ Mai.
Sơn hát cho Lệ Mai nghe nhạc của anh. Đầu tiên là Mưa hồng, Dấu chân
địa đàng. Hầu hết các bài hát ấy, Lệ Mai nghe lần đầu đã "bị chinh phục
hoàn toàn". Cô thấy hay nên bắt chước hát theo. Nhạc sĩ trẻ mời cô về Sài
Gòn biểu diễn. Mai từ chối.
Anh em hát hò vui chơi được một năm thì bặt tin. Mai không
tìm, không hỏi. Nhạc sĩ cũng không hỏi, không tìm. Tưởng thế là thôi.
Ở Đà Lạt, rồi ở Nha Trang vài tháng, Lệ Mai mang hai con về lại
Sài Gòn năm 1967, nương nhờ bà nội cô ở đường Phan Thanh Giản. Một hôm, đang đi
bộ trên đường Lê Thánh Tôn, tự nhiên cô nghe tiếng Huế: "Mai, Mai".
Ông Sơn đang ngồi cùng nhóm bạn ở bờ tường bên kia đường, gọi với theo cô gái
tóc ngắn.
"Tới hát với anh", ông nói.
Gọi là "quán Văn" chứ nó không phải cái quán, chỉ
là bốn cái cọc đội thêm mái lá trên bãi đất sau Đại học Văn khoa Sài Gòn, do
nhóm sinh viên Khai hóa dựng lên.
Lệ Mai chưa bao giờ mặc áo dài, và cũng chẳng có tiền may.
Hôm đầu tiên hát với ông Sơn, cô mang bộ đồ mượn em gái. Một bộ đồ tây, áo trắng,
sơ-vin trong váy bó màu hồng phấn. Tóc ngắn, giày cao gót màu đen, không phấn
son.
Cô đến bãi đất như đã hẹn, thấy hàng nghìn sinh viên, thanh
niên đã ngồi kín. Cô run quá, thường ngày hát trong hộp đêm, đông lắm cũng chỉ
tới trăm người. Bảy giờ tối, người ta giới thiệu, đại ý tối nay có một nhạc sĩ
muốn hát cho mọi người nghe. Trịnh Công Sơn ôm ghi ta hát Mưa hồng và
vài bài nữa. Rồi ông nói: "Đây là ca sĩ Khánh Ly đến từ Đà Lạt". Lệ
Mai bước vào cái chòi, đứng cạnh nhạc sĩ trẻ đệm đàn. Hát chưa hết bài thứ nhất,
chân cô run, đứng không vững. Cô bỏ giày ra, vịn vào vai người đệm guitar. Ông
hất tay ra: "Đứng hát cho đàng hoàng". Từ lúc đó, cô cầm cái micro
bóp - phải bóp vào mới bắt tiếng - hát liền một mạch hơn chục bài, trong đó có
bài Diễm xưa, không mệt, không nghỉ. Pháo tay cất lên không ngớt.Khánh Ly và Trịnh Công Sơn hát tại
Sài Gòn năm 1967. Ảnh
tư liệu
Khi khán giả về hết, chỉ còn Lệ Mai, nhạc sĩ và mấy người bạn.
Họ ngồi trên bãi đất hát cho đến sáng. Thành phố tắt đèn đường, ai mới về nhà
đó.
Chỉ một đêm ấy, người Sài Gòn bắt đầu nhắc đến Diễm xưa,
Khánh Ly, Trịnh Công Sơn. Còn trước đó gần chục năm, Khánh Ly đã hát, Trịnh
Công Sơn đã sáng tác, không mấy người biết tới. Sau đêm quán Văn, cô và nhạc sĩ
gặp nhau gần như mỗi đêm và cùng đàn hát. Các buổi "Hát cho đồng bào tôi
nghe" được tổ chức miễn phí hàng tuần ở sân trường đại học, nơi công cộng,
trong công viên, một bãi cỏ, hè đường, bất cứ chỗ nào, không cần sân khấu, âm
thanh ánh sáng. Trịnh Công Sơn thường hát mở đầu vài bài, rồi vài bản song ca
giữa hai người, sau đó tới Khánh Ly hát nhạc Trịnh với tiếng đệm guitar thùng của
nhạc sĩ. Sinh viên, học sinh, công chức, lính tráng, người lớn người nhỏ, tất cả
ngồi bệt dưới đất nghe họ hát.
"Bàn tay gầy guộc, những ngón tay dài, thắp cho tôi một
đôi cánh, xỏ vào chân tôi đôi hài bảy dặm", sau này cô miêu tả lại trong hồi
ký. "Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến
tranh. Hay nhất", Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng kể lại khi trả lời phỏng vấn.
Trong hồi ký của mình, Khánh Ly viết: "Chúng tôi, những
người bạn nghèo, đến với nhau, gắn bó không ngờ. Gia đình anh giàu, gia đình
Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang cũng giàu. Nhưng cá nhân chúng tôi đều nghèo.
Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một ly cà phê cùng uống. Chia nhau
nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất. Tình bạn, tình anh em nảy mầm
ở đó.
Quán Văn, cái tên dễ nhớ và dễ thương, mọc lên chơ vơ giữa
lòng Sài Gòn trăm ngàn màu sắc. Những tấm ván ép hư bể, được ghép lại, nhỏ hơn
cái bếp ở đây, chỉ dành làm chỗ pha cà phê. Mọi người tới tùy tiện tìm chỗ ngồi
trên cái nền xi măng bỏ trống ngổn ngang gạch vụn và cỏ dại. Đó là nơi gặp gỡ đẹp
đẽ nhất của một thời tôi còn trẻ. Chúng tôi không hề biết ngoài đời có gì vui.
Chúng tôi không cần thiết biết vì niềm vui đã có. Rất đơn sơ mà thắm thiết
không rời. Đến với nhau qua sự run rủi của định mệnh. Không thề thốt, không hứa
hẹn. Đến và ngồi với nhau. Một lần rồi thì có nghĩa là mãi mãi".
Khánh Ly thú nhận, đó cũng là thời nghèo nhất của cô,
"nghèo gì mà nghèo dữ, may một cái áo là chuyện không tưởng". Đến tận
cuối năm 1967, bà nội mới có tiền may cho cô chiếc áo dài đầu tiên màu xanh cổ
vịt. Chiếc áo đó, cô mặc đi hát ở các sân trường, "chỉ mặc đi mặc lại mỗi
chiếc đó, không mặc váy nữa".
Họ hát hàng đêm cho đồng bào nhưng không có ai trả tiền, cô
cũng chẳng bao giờ hỏi về tiền. Các em nuôi nhạc sĩ, bà nội nuôi mẹ con cô. Lệ
Mai hàng ngày lẽo đẽo đi theo ông Sơn ngồi với bạn bè, nói chuyện, tập nhạc.
Ông bảo hát thì cô hát theo. Còn không, cô ngồi "hóng chuyện". Bạn bè,
dù không ai hỏi, nhưng ai cũng thấy sự có mặt của Mai là hiển nhiên. Lúc đói, họ
ăn bất cứ chỗ nào, những tiệm ăn nhỏ. Ông ăn cái gì cũng chia cho Mai một nửa.
Chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không ai kể lể, không cần biết đến ngày mai,
không cần biết tới ai mà chỉ cảm thấy mình "thực là hạnh phúc, cảm thấy
mình sống vì được hát".
"Nếu không có những ngày tháng đó thì cũng không có khoảng
thời gian sau này", Khánh Ly kể lại vào tháng 9/2019, tại Sài Gòn,
"đó là thời đẹp nhất, bây giờ dù có bạc bạc tỷ tỷ cũng không thể nào mua lại
được".
Từ 1967 đến 1975, tất cả các sáng tác của Trịnh Công Sơn đều
đến với công chúng qua tiếng hát Khánh Ly. Họ đi hát ở các đại học được một
năm, 1968, ông về Huế. Khánh Ly chính thức đi hát ở các phòng trà. Cô ra Huế
thăm ông ba lần. Ông cũng gặp cô tập nhạc mỗi khi về Sài Gòn.
Năm 1970, chiến tranh lan rộng, Trịnh Công Sơn viết nhiều
ca khúc phản chiến cho Khánh Ly hát tại vũ trường, thâu băng đĩa.
Năm 1972, cô mở phòng trà Khánh Ly trên đường Tự Do. Dù
không còn đi hát cho công chúng, họ vẫn thường xuyên gặp gỡ và tập nhạc, cho đến
biến cố tháng 4/1975. Mẹ con Khánh Ly tị nạn và định cư tại Cerritos,
California, Mỹ.
Số phận bắt Sơn và Lệ Mai xa nhau. Nhưng họ giữ kết nối trong
tư cách nhạc sĩ và ca sĩ, giữa hai bờ đại dương.
Sau 1975, nhạc Trịnh bị cấm ở Việt Nam song Khánh Ly vẫn tiếp
tục hát ở ngoại quốc. Qua một số Việt kiều, cô nhận được một số bản giấy viết
tay, trong đó có Em còn nhớ hay em đã quên, Một ngày tôi chọn một niềm
vui và Nhớ mùa thu Hà Nội.
Những năm 80, họ bắt đầu liên lạc qua thư. Năm 1988, ca sĩ và
nhạc sĩ gặp mặt lần đầu sau 13 năm chia cách, khi cô lưu diễn ở châu Âu và nhạc
sĩ tình cờ cũng ở đó. Họ gọi điện cho nhau. Câu đầu tiên cô nói:
- Anh à?
- Em à?
- Đang ở đâu? Vẫn khỏe?
Song lúc ấy rất khó để gặp nhau, bởi họ là người của
"hai phía" khác nhau. Nhạc sĩ khóc: "Anh đi nửa vòng trái đất mà
chẳng lẽ anh em mình không gặp được nhau, mà nếu bây giờ không gặp thì bao giờ
mới gặp?". Nghe thế, cô nghĩ "thây kệ, mặc ai muốn nói gì thì
nói". Đó chỉ là một cuộc gặp ngắn, cũng là lần đầu tiên và duy nhất cô thấy
Trịnh Công Sơn khóc.
Năm 1992, họ gặp lại ở Canada, Trịnh Công Sơn qua đó chữa bệnh
sau khi mẹ ông mất. Khánh Ly bay từ Mỹ sang. Ông đưa cho cô bản Rơi lệ ru
người. Cũng lần đó, ông Sơn hỏi bà: "Bạn bè ngoại quốc rủ anh ở lại thì em
nghĩ anh có nên ở lại không?". Cô đã trả lời, đại ý chỉ có thể sống và chết
ở Việt Nam.Khánh Ly tái ngộ Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn năm 1997,
cũng là
lần cuối họ gặp nhau. Ảnh: Dương Minh Long
Đến năm 1997, Khánh Ly được mời về Việt Nam để thu âm cho
phim "Tiếng hát của sự đoàn tụ" của đài NHK, hai người lần đầu tái ngộ
tại Sài Gòn sau cuộc chiến.
Dù chịu nhiều tai tiếng nhiều năm tại cả cộng đồng hải ngoại
và trong nước, ca sĩ cuối cùng đã không chọn quay lưng về một phía. Nhiều
lần, bà nói được hát trên quê hương luôn là ước mơ trong trái tim
mình, mong muốn trở về, "được kết thúc ở nơi khởi đầu".
Và năm 2014, lần đầu tiên đứng trước hơn 3.000 khán giả Hà Nội
tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, ca sĩ nói, trở về Hà Nội - quê
cha và nơi mình sinh ra - hát "là điều không tưởng", "mình
đã đánh mất quá nhiều, chỉ khi hát, mới thấy mình như có lại tất cả".
Công chúng coi Khánh Ly là chứng nhân quan trọng, là một phần
lịch sử Việt Nam cận đại. Nhưng với ca sĩ, tất cả những người cùng thời với
mình đều là chứng nhân lịch sử, "vì nó vốn đã thế, không thể khác".
Người ta rời cố hương đâu phải vì họ muốn thế.Khánh Ly tại Sài Gòn tháng 9/2019. Ảnh: Thành Nguyễn
Cô viết trong hồi ký: "rất nhiều lần, trên tàu bay, tôi
bị hỏi: mày ở đâu đến? Lúc đầu, tôi hùng dũng trả lời: Tao từ Việt Nam. Nếu tôi
nói tôi là người Mỹ. Cũng đúng thôi. Vì tôi đang mang quốc tịch Mỹ".
"Tôi có thể quên nhiều điều, tôi có thể quên tất cả để chỉ nhớ về những
con đường của Sài Gòn - nơi tôi đã ở và đã từ đó ra đi", bà viết,
"1975. Giá mà lúc đó có ai bảo tôi rằng, mày sắp bị bứt lìa ra khỏi nơi chốn
này, mãi mãi và mãi mãi. Sức mấy mà tôi tin. Làm sao có chuyện đó xảy ra cho được.
Nhiều năm sau đó, tôi vẫn khư khư mãi cái ý đó. Chỉ là một cơn mộng. Đêm sẽ qua
và khi ngày đến, tôi vẫn mở cánh cửa nhà tôi, căn số 12-14 đường Tự Do. Tôi sẽ
đi xuống nhà từ phòng tôi, bằng cái cầu thang xoáy trôn ốc sắt sơn đen. Ngay đầu
cầu thang là nơi mỗi đêm tôi ngồi trong bóng tối nói chuyện điện thoại".Khánh Ly trong cuộc phỏng vấn với VnExpress
tại Sài Gòn tháng
1/2020. Ảnh: Thành Nguyễn
Năm 1997, Khánh Ly về Sài Gòn thăm nhạc sĩ. Đó là tháng hai,
cô biết ông rất yếu. "Anh em vẫn nói với nhau những chuyện bình thường.
Tôi muốn hỏi về việc gì đó thì ông nói, ‘để chờ anh ra viện đã’. Tự dưng lúc
đó, tôi cảm nhận được ông sắp xa mình", cô kể. Vừa đặt chân về Mỹ, cô nghe
tin ông vào Chợ Rẫy tái khám, bệnh viện giữ lại luôn. Cũng vào tháng tư, ông mất.
Nhưng chẳng bao giờ cô nghĩ Trịnh Công Sơn ở xa, "khi một người đã ở trong
tim mình thì họ sẽ ở đó mãi mãi thôi". "Có điều gì dường như niềm tuyệt
vọng", không phải tuyệt vọng, chỉ dường như. "Như một lời chia
tay", không phải chia tay, giống thế thôi.
Hơn 30 năm sau 1975, về cuộc chiến, Khánh Ly viết: "Tôi
thù ghét chiến tranh, tôi nguyền rủa chiến tranh. Tôi không chấp nhận bất cứ lý
do gì khiến cho những người yêu thương nhau phải mất nhau, trong đó có tôi.
Song tôi chẳng làm được gì và tôi chỉ biết khóc".
Chúng ta có thể làm được gì để cuộc chiến, mà theo Time "đã
vẽ lại bản đồ thế giới", không chỉ dừng lại ở sự thống nhất đôi bờ Hiền
Lương? Những con người hai đầu đại dương, hoặc từng ở bất cứ phía nào, liệu có
sẵn lòng vun đắp cho sự thống nhất trong lòng người?.
Bài: Hồng Phúc - Đức Hoàng
Ảnh: Thành Nguyễn và tư liệu
Theo https://vnexpress.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét