Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Còn dấu chân người 2

Còn dấu chân người 2

Chương 7

Cát Tường bước lên thềm nhà nguyện, đứng ở đó một tí. Trời nắng gắt. Buổi trưa êm ả như muốn bảo mọi vật ngủ đi. Nắng giữa trưa đứng bóng. Cát Tường bâng khuâng nhìn cái bóng nhỏ xíu của mình in trên nền gạch đã loang lở. Không một ý nghĩ nào được bắt đầu. Mà chỉ thấy trong trí một sự trống rỗng - một sự trống rỗng lạ kỳ.

Cát Tường ngồi xuống đó. Tự nhiên nhìn xuống tay, nhìn xuống chân. Bàn tay làm việc với vườn rẫy qua nhiều tháng nhiều năm, dù chưa khô cứng nhưng có nhiều vết buồn bã. Bàn chân chưa quen bước lên xe, đã quên đường đến trường, trông tội nghiệp làm sao! Và áo quần màu nâu, màu đen, màu xám! Ta chưa có vải hoa. Các bé chưa có vải hoa… Ở đây sáng sớm thấy mặt trời lên từ nóc nhà nguyện, chiều thấy bóng tối tràn đến từ rừng xa. Chưa có gì khuấy động, và cũng chẳng có gì để làm náo nhiệt hơn.

Tự nhiên ký ức bùng dậy. Mới đầu, như một tiếng thở dài của người vừa bừng tỉnh giấc ngủ. Rồi cuồn cuộn dâng lên, nức nở như tiếng than van. Chiều nào đó trên sân nhà vắng bóng, ta khóc như chưa hề được khóc. Sáng nào đó trong sân viện cô nhi đông đảo những khuôn mặt nhỏ bé tội nghiệp, ta mở miệng cười như cười nụ đầu tiên. Cười vì xung quanh mình là nai, là chim, mà mình thì lớn quá! Tất cả gọi mình bằng chị. Chị cả! Chị dạy chúng em hát đi! Anh Khánh chẳng biết hát gì hết trơn, có mỗi bài “Em có nuôi một con chó” hát hoài. Mà Cha đâu có nuôi chó. Chúng em ăn cơm còn chưa đủ nữa là! Ha ha, hi hi… Nai với chim cười đùa thật tẻ nhạt, cười đùa như cho quên thân phận. Không được, các em! Đứng thành vòng tròn xung quanh chị đi! Nắm tay nhau, như chim giăng cánh che hết trời. Chị dạy cho mà hát. Không hát bài con chó, con mèo nữa. Nhạc đó không dành cho chúng ta. Lời hát không chép trên giấy. Bài hát chưa có nốt nhạc. Chị nghĩ bằng trí tưởng tượng. Chị viết từ con tim. Nào hát nhé! “Em thương cha em lắm, người cha tóc trắng. Cha em như ánh nắng chiếu ấm đời em. Cha mặc áo màu đen, nhưng tim cha sáng như ánh đèn…”. Mấy chục cái miệng mở ra, mà lời hát như bắt đầu từ trong phổi, trong tim. Cha Đạo đứng trên thềm, bước xuống, vuốt tóc Cát Tường. Đôi mắt Cha xúc động. Con giỏi lắm! Con hiền ngoan lắm! Con có muốn ở lại đây không? Cha chưa bao giờ nhận trẻ lớn như con, vì Cha sợ không đủ phương tiện dạy dỗ. Nhưng con là trường hợp đặc biệt. Con sẽ giúp Cha chăn dắt đàn trẻ này nhé! Con tên gì? Dạ, Cát Tường. Con ở lại đây nhé! Không trả lời được, nước mắt ứa ra. Ta xấu hổ với đàn bé, mà cũng thương cho chính ta nữa. Mấy mươi đôi mắt khờ dại nhìn ta. Chị ở đây đi! Dạy cho em học, dạy cho em hát, nhé chị!...

Cha Đạo đứng trên thềm, bước xuống. Nhưng Cha không vuốt tóc Cát Tường như năm xưa. Cha ngạc nhiên khi thấy đứa con cả của Cha ngồi một mình, để nắng chiếu đầy tóc, đầy lưng.

- Kìa, Cát Tường! Con qua tìm Cha à?

Cát Tường giật mình quay lại, rồi đứng dậy, nói:

- Thưa Cha, không… Nhưng…

- Không, sao con ngồi đây?

Cát Tường ấp úng:

- Nhưng…, thưa Cha, anh Trúc…

- Có chuyện gì vậy con?

- Dạ… sáng nay anh Trúc bảo là anh ấy muốn ra đường lớn một mình.

- Để làm gì?

- Thưa Cha, anh ấy muốn ra đón xe để lên tỉnh trình diện vì quá mười lăm ngày thì đơn vị sẽ thông báo là anh ấy mất tích. Như thế ở Sài Gòn gia đình anh ấy sẽ lo lắng, anh ấy không muốn thế.

Đôi mày trắng của Cha Đạo nhíu lại. Cha nói:

- Ồ! Nhưng Cha ngại quá! Đường sá hình như bị chận ở khúc nào đó, thì làm gì có xe cho Trúc đi. Con thấy không, cả ông Năm cũng chưa về nữa mà!

- Con có nói với anh Trúc như vậy, nhưng anh ấy không yên, cứ lo lắng hoài.

- Vả lại, Trúc đã lưu lạc đến đây, cha con ta đã săn sóc cho Trúc lành lặn, bây giờ để anh ta đi một mình sao đành? Mà chúng ta thì đâu có ai rời khỏi làng được. Con cứ nói với Trúc là hãy đợi vài hôm nữa, ông Năm thế nào cũng về. Cha sẽ nhờ ông Năm đưa Trúc ra tỉnh ngay.

- Dạ.

- Đêm nào Cha cũng nghe tiếng súng, ở xa xa đâu đó. Cha đoán là phía cầu. Chắc vì thế mà cầu bị chận, ông Năm về không được.

Cát Tường nhè nhẹ thở dài. Sự lo sợ đã bắt đầu từ hôm có hai người đàn ông lạ vào nhà nguyện, từ hôm có tiếng súng vang vọng giữa đêm. Nếu vì có giao tranh trên đường đi , hoặc vì sập cầu, hoặc vì một lý do nào khác mà ông Năm không về được, thì chỉ một tuần nữa thôi, Cha Đạo và các con của Cha sẽ phải nhịn cơm. Gạo đã sắp hết. Không những chỉ một vấn đề đó, mà còn nhiều chuyện nữa. Thuốc men cũng thiếu thốn. Hôm nào đưa Trúc về làng, Cát Tường đã phải hy sinh miếng vải mịn định may khăn tay để thay bông gòn rửa vết thương cho Trúc. Các bé nhỏ lại đang chờ có vải hoa để may áo đẹp. Cát Tường cũng chờ có thêm nhiều sách truyện để kể cho các bé nghe. Quá nhiều việc chờ ông Năm về giải quyết, kể cả việc đưa Trúc ra tỉnh để chờ về đơn vị nữa. Nhưng lại cũng điều ấy làm Cát Tường thấy nao nao, bồi hồi kỳ lạ. Mai mốt ông Năm về, chở anh Trúc đi xa, đi luôn. Làm sao biết có ngày gặp lại? Vì mây bao giờ cũng ở trên trời, nếu có rơi xuống thì đã là mưa lũ. Mà anh Trúc là mây. Cát Tường nghĩ quanh quẩn như thế rồi lấy làm buồn bã lắm, nên dù lo lắng sao ông Năm chưa về nhưng cứ như là mong ông Năm khoan về. Cầu hãy bị chận thêm vài ngày. Đường hãy bị kẹt thêm vài ngày.Để anh ấy còn trú ngụ ở đây, sáng xuống rẫy cùng đào khoai, trồng củ mì; trưa thăm luống cải đã che xanh cả khoảng đất; chiều thơ thẩn trước nhà nguyện hay vào đó tĩnh tâm trước mặt Chúa; tối sang phòng học cùng Cát Tường dạy cho các bé. Ở đâu có dấu chân của Trúc, ở đó Cát Tường thấy có sự vui tươi. Cái bóng dáng của Trúc là biểu hiệu cho sự an ổn , vững mạnh. Tại sao người đến, rồi chờ ngày ra đi? Sao người không là mưa mà lại làm mây? Người có biết, ngoài những lúc cùng sinh hoạt vui vẻ, còn lại là những giờ phút dành cho Cát Tường nghĩ ngợi, khắc khoải? Một thứ lo âu nào thật mơ hồ. Một thứ buồn bã nào vồ chụp lấy Cát Tường, mỗi đêm, khiến đôi mắt Cát Tường mỗi sáng soi gương thấy có vết thâm quầng.

- Cát Tường, con có điều gì buồn chăng?

Cha Đạo hỏi làm Cát Tường ngỡ ngàng, vội nói để Cha đừng nghi ngờ:

- Thưa Cha không. Con chỉ qua đây … muốn để thưa với Cha việc đó.

- Cha thấy con có vẻ khác lạ. Có việc gì làm con khó nghĩ không?

- Dạ không thưa Cha. Con vẫn như thường.

Nhưng Cha Đạo vẫn áy náy:

- Nếu con có mệt mỏi, con hãy nghỉ ngơi đi, giao cho Khánh làm bớt. Cha thấy lúc này con làm việc nhiều lắm đó!

- Thưa Cha, con đâu có làm gì nhiều.

Cha Đạo cười:

- Mọi khi con chỉ lo việc ở nhà, bây giờ Cha thấy con còn lo dưới rẫy. Bọn con trai khỏe, chứ con là con gái, đừng ra dang nắng nhiều.

Cát Tường cảm động, muốn nói gì với Cha Đạo, nhưng thôi. Cũng phải công nhận là mình có xuống rẫy hơi nhiều. Nhưng tại vì… à, tại vì có Trúc. Có đôi guốc của Trúc dẫm trên đá, có tiếng cuốc của Trúc đào vỡ đất, có tiếng cười của Trúc vang động giữa trời xanh, là như có sự sống linh hoạt và bền bỉ. Như thế ai mà không náo nức, ai mà đứng yên được ở trên đỉnh đồi?

Cát Tường nói như để Cha Đạo yên lòng:

- Dạ, con sẽ bớt làm việc lại, thưa Cha.

- Công việc mà Cha muốn con đừng xao lãng là dạy các em con học. Còn những công việc khác, con hãy để Khánh lo.

- Dạ.

- Ít nhất, Cha muốn các em con sẽ học bằng với sức học của con ngày trước. Tới chừng đó, Cha sẽ gửi chúng đi học thêm ở các Cha trên tỉnh. Con cũng vậy. Bây giờ thời cuộc chưa yên, mình chấp nhận thế này. Sau này, có điều kiện, con cũng phải tiến lên – Cha Đạo thở dài – Nhưng có lẽ việc ấy hãy còn xa. Hiện giờ Cha vẫn thấy sống gần thiên nhiên, các con phát triển nhiều hơn khi sống chật chội ở thành phố. Sao? Đến nay bé Nhu Mì đã làm được toán nhân chưa?

- Thưa Cha, Nhu Mì học giỏi lắm ạ. Nhờ có anh Trúc thúc đẩy, bé đã làm được cả bốn phép toán. Các em khác cũng học chăm lắm. Chỉ trừ Hậu…

- Hậu làm sao?

- Thưa Cha, Hậu chỉ thích chơi những trò chơi ngoài trời, nó có tính tháo vát nên thích hoạt động tay chân, ít chịu học. Đến nay Hậu vẫn chưa đánh vần trôi chảy.

- Vậy sao? Để Cha rầy nó.

- Con nghĩ chắc không phải bé Hậu tối dạ, mà vì nó thích những việc linh động hơn.

Cha Đạo có vẻ suy nghĩ:

- Như vậy, sau này Cha sẽ cho nó học nghề. Chắc thằng bé đã thích vậy… Nhưng con cũng rán dạy cho nó đọc, viết cho được nhé!

- Dạ.

- Thôi, con trở về nhà đi. Đứng ở đây nắng quá. Chiều Cha sẽ qua gặp Trúc. Giờ này Trúc đang làm gì bên đó?

- Thưa Cha, chắc anh ấy nghỉ.

- Thế à? Thôi con về đi.

- Vâng, thưa Cha con về.

Ở trên trời, có một vầng mây xám mỏng bỗng dưng che ánh nắng. Lúc Cát Tường quay lưng đi, Cha Đạo chợt nhận thấy một điều gì không được vui lắm. Cha định gọi Cát Tường lại, nhưng thôi. Cha tự nghĩ có lẽ cuộc sống bình lặng quá đôi lúc cũng làm con người mất vẻ vui nhộn. Cha đứng trên thềm, nhìn theo cái bóng của Cát Tường xa dần về phía dãy nhà bên kia vườn rau. Ở đó gần, nhưng thấy có vẻ ngăn cách quá! Chợt Cha đưa bàn tay lên, tính nhẩm. Rồi đôi mày cau lại, Cha lẩm bẩm:

- Ủa, sáu năm rồi sao?...

° ° °

Trưa yên vắng làm bước chân Cát Tường chậm lại. Đến trước cửa phòng thuốc – nơi mà hơn một tuần nay dành làm phòng của Trúc – Cát Tường nhẹ đặt tay lên chốt cửa. Chắc Trúc đang thức? Cát Tường gọi khẽ:

- Anh Trúc!

Chưa nghe tiếng trả lời, nhưng cánh cửa đã tự động mở ra vì bên trong không cài móc lại. Căn phòng vắng lặng. Cát Tường ngạc nhiên quá, chạy qua phòng học. Chỉ có bé Nhu Mì đang ngồi vẽ. Cát Tường tìm khắp nơi, vẫn không thấy Trúc đâu. Các bé thì đang ngủ trưa. Khắp sân trước vườn sau, chẳng hề thấy bóng Trúc. Trúc ở đâu? Cát Tường giật mình khi tìm được câu trả lời. Trúc đã ra đường lớn một mình? Trúc đã đi lúc trời trưa vắng vẻ để đừng ai hay biết? Trúc chờ một chiếc xe lam chạy ngang, Trúc vẫy, và xe đưa Trúc về thành phố? Trúc bỏ mọi người nơi đây. Không có gì để tiếc rẻ, để lưu luyến cả, phải không? Cát Tường ngồi xuống bậc thềm đã trở thành của riêng Trúc, ôm mặt khóc. Ô hay! Ta khóc được dễ dàng như thế này ư? Vì sao vậy? Vì thương người quá? Vì bóng dáng người làm không gian rạng rỡ, vì tiếng nói của người làm tỏa ngát niềm vui, vì dấu chân của người làm cảm tình in đậm…

- Cát Tường!

Ai gọi? Đúng rồi, tiếng của người chào ta ngày đầu tiên đến đây bằng chiếc xe chở củi. Tôi là Trúc – Thưa anh Trúc!... Còn cô? Em tên Cát Tường – Cô Cát Tường!... Chỉ có thế, nhưng là lời chào nhau rất đậm đà.

- Cát Tường!

Đúng rồi! Tiếng của người lo âu, sợ nơi đây từ chối sự có mặt của người. Cô Cát Tường! Dạ? Cha cô sẽ cho tôi ở lại đây? Vâng, anh sẽ ở đây đến khi lành hẳn. Cả cô cũng bằng lòng chứ? Không những em, mà cả làng sẽ rất vui… Cô làm tôi cảm động quá!..

- Cát Tường! Sao Cát Tường khóc?

Đúng rồi, giọng của Trúc thật mà! Cát Tường bàng hoàng ngước lên. Trúc đứng trước mặt, rõ ràng như vậy. Đâu phải lời chào hỏi, đâu phải lời lo âu. Mà thật đó, Trúc còn ở đây, Trúc hỏi sao Cát Tường khóc. Tự nhiên điều gì làm Cát Tường ngượng ngùng quá! Anh có thấy rõ những ý nghĩ của mình không?

- Anh Trúc… vẫn còn ở đây hở?

Trúc ngơ ngác:

- Chứ tôi đã đi đâu! Tôi ra lối đường mòn…

- Anh ra đó… để đón xe về hở?

Trúc cuời:

- Không, tôi theo đường Khánh chỉ, để xem cho biết.

Cát Tường tấm tức:

- Anh nói gạt.

- Thật mà! Ủa, nhưng sao Cát Tường khóc? Có ai làm Cát Tường buồn không?

- Dạ…

- Tôi nghĩ, ngoài tôi ra, không ai làm buồn lòng Cát Tường được hết.

- Không, đâu có…

- Tôi là người làm phiền Cát Tường nhiều nhất. Mà lúc nãy tôi lại đi vắng. Vậy thì ai?

Cát Tường xấu hổ đáp:

- Không ai hết. Tại vì… tại vì buồn quá!

Trúc cười lớn:

- Lần đầu tiên nghe Cát Tường nói buồn. Nhưng nè, Cát Tường, nghe tôi nói chuyện này, hết buồn ngay.

Cát Tường lau nước mắt, chờ đợi. Trúc vui vẻ ngồi xuống, cầm một nhánh cây khô vẽ lên đất, nói:

- Này nhé Cát Tường, trưa nay ngủ không được tôi ra đường mòn, đi lần lần tới đường lớn. Nhưng tôi không đón xe đâu. Vả lại, chẳng có một bóng xe nào chạy qua cả. Tôi trở lại, và phát bớt cây cỏ hai bên đường để lối đi sáng sủa hơn. Con đường vào làng thật ra đâu phải là đường mòn.

- Dạ, nhưng tại vì cây cỏ mọc lấn ra đó anh. Xe ông Năm vẫn ra vào được mà!

- Làm rộng con đường ra rồi, tôi nghĩ ra một điều, là làng ta chưa có cổng.

- Hồi trước có, nhưng mưa gió làm mục gãy, Cha bỏ đi đó anh!

- Bây giờ tôi muốn dựng một cái cổng ở chỗ cũ. Hai bên đã có hai cây to. Mình chỉ việc hè nhau lấy gỗ và tre đóng thành cánh cổng gắn vào đó.

- Có sẵn đinh, dây thép ở nhà bếp…

- Chưa hết, có một cái chuông, tôi vừa mới tìm được sau chỗ chất củi.

Cát Tường reo lên:

- Cái chuông gọi ăn cơm của chúng em, lạc mất đã lâu.

- Đúng rồi. Tôi sẽ nối một sợi dây vào chuông, rồi cột nơi cánh cổng. Tiếng chuông vẫn còn dòn dã lắm. Có ai mở cổng, ta ở trong này sẽ nghe chuông “leng keng, leng keng”.

Cát Tường thích thú cười:

- Hay quá! Có cái chuông đó, người lạ có đến, mình sẽ biết trước mà tránh.

- Như hai cái ông hôm nọ?

- Dạ.

Cả hai không hẹn mà cùng im lặng. Rồi chợt Trúc đưa một ngón trỏ lên trước mặt, cười hóm hỉnh:

- Thấy chưa? Tôi đã bảo nghe chuyện làm cổng với lại làm dây chuông là Cát Tường sẽ vui ngay.

Cát Tường bẽn lẽn:

- Sao anh biết?

- Thì tại vì Cát Tường là chị cả. Chị cả của một cái làng thì luôn luôn muốn cho các em mình được yên ổn.

- Anh Trúc nói sai rồi!

Cát Tường cúi xuống, xấu hổ. Nếu mà Trúc biết được rằng chỉ cần sự có mặt của Trúc thôi, Cát Tường sẽ vui lại ngay. Nhưng xấu quá, thẹn quá! Cát Tường muốn trốn ánh mắt của Trúc, cái ánh mắt lạ lùng quá, thu hút quá!

Trúc hỏi:

- Tôi nói sai chỗ nào?

- Em là chị cả của các bé, chứ đâu phải là chị cả của…

Trúc bật cười:

- …của tôi, phải không?

- Dạ.

Rồi lại im lặng. Nhưng Cát Tường muốn nói với Trúc rằng: trước khi anh hiện diện nơi đây, Cát Tường thấy mình là chị cả thật; rồi sau ngày đón nhận người làm người khách bất ngờ, Cát Tường đã dần dần cảm thấy mình nhỏ nhoi, bé mọn, và cần một sự che chở yêu thương nào đó… Không biết!!!

Chương 8

Biết rồi! Cát Tường đã biết rồi! Biết là mình bé mọn, nhỏ nhoi. Biết mình là một đứa con gái chưa một lần sống với tình cảm mới. Nên cần che chở. Nên cần yêu thương. Nhưng không phải sự che chở của Chúa, không phải sự yêu thương của Cha. Mà của anh Trúc. Phải là anh không? Sự gặp gỡ kỳ lạ và huyền diệu. Một bông hoa hồng nở trong khúc đời xanh ngát. Cát Tường đã biết rồi! Cát Tường cần có anh như một an ủi tuyệt vời. Biết như thế, sao không vui mà lại buồn? Sao không cười mà lại khóc?

Trưa hôm nay chỉ một mình trong phòng học, trước chiếc gương nhỏ, Cát Tường khóc như thể bây giờ mới là lần đầu được khóc. Khóc vì thấy tóc, thấy mắt, thấy gương mặt của chính mình. Cát Tường ơi, sao mi lại như thế? Nếu mi còn cha, còn mẹ, còn cắp sách đến trường, biết đâu chừng đã được bạn bè gọi là “cô bé áo xanh, áo hồng, hay áo trắng”… Sao Cát Tường lại ở đây? Một diễm phúc hay một đọa đày?

Kìa, tóc đó cũng mượt lắm, đen lắm! Mắt đó cũng sáng lắm, to lắm! Da kia cũng trắng lắm! Môi kia cũng hồng lắm! Cát Tường, mi là con gái hay là nữ tu? Mi có cần yêu thương, che chở? Hay mi muốn làm chim đại bàng giăng cánh bảo vệ lũ chim non? Điều gì trái ngược quá! Điều mà trước kia mình không bao giờ nghĩ tới, bây giờ lại đâm xoáy vào tim. Tại sao lại có anh, hở Trúc? Anh hiện diện như Gulliver lạc vào nước tí hon. Ở đây chúng em không giam cầm anh, không tước đoạt vật dụng của anh. Mà trái lại, chúng em còn may cho anh quần áo, đẽo cho anh đôi guốc. Anh vui vẻ, anh hiền lành vô hạn. Nhưng có mỗi con tim của Cát Tường, chính anh đã giam cầm mất rồi!

Anh biết gì không? Người thanh niên đang vui cười dưới rẫy khoai ngập nắng kia, biết gì không? Mai mốt cánh chim sẽ bay lên trời, có đem theo gì không? Một chút nhớ, một chút buồn? Rồi thì cuộc đời sẽ tiếp tục như sông, như biển. Cát Tường đã biết việc gì sẽ đến. Sông sẽ cuốn trôi hết những muộn phiền. Biển sẽ hòa tan tất cả nỗi nhớ. Anh sẽ sống đời anh.Cuộc sống tiếp diễn như người ta lật những trang sách. Những trang sắp tới, Cát Tường vẫn ở đây, giữa bầy trẻ nhỏ, bên người Cha chung. Đợi cho trẻ nhỏ chóng lớn. Cầu cho Cha chung lâu già. Còn Cát Tường thì sao? Có tiếp tục hồn nhiên, vui tươi? Hay Cát Tường sẽ là cái bóng cằn cỗi, khắc khoải và ưu phiền? Ôi, tóc đó, mắt đó, mai mốt sẽ là tóc trắng, mắt sâu. Cát Tường ơi! Sao biết mình yêu qu‎ý người mà lại khóc? Sao biết mình cần người mà chẳng vui? Nước mắt lăn xuống má, nhỏ giọt trên tay. Lòng cũng như thế mà se thắt.

Đêm hôm qua Cát Tường mơ thấy mình được về thành phố - một thành phố nào thật xa, thật lạ, và là nơi trú ngụ của Trúc. Có mẹ Trúc, có em Trúc: Lệ, Hạnh, Trinh, Tuấn. Có cô bé áo vàng Hồng Phước. Ai cũng mến Cát Tường và muốn Cát Tường ở lại đó. Trúc cũng năn nỉ Cát Tường ở lại đó. Cát Tường gọi mẹ Trúc bằng mẹ, gọi những người kia là em. Cát Tường được đi học, mặc áo dài trắng. Trúc khen Cát Tường đẹp, nhất là khi mặc áo dài trắng. Cát Tường cài hoa trắng trên đầu. Rồi mùa xuân cũng đến. Trúc tặng cho Cát Tường thật nhiều hoa trắng. Hoa ngợp cả người, cả mặt. Cát Tường chới với như đang bước giữa chân không. Cát Tường ngỡ mình sắp chết, khóc òa trong hoa. Nhưng có Trúc bên cạnh, Trúc an ủi ngọt ngào. Trúc biến những giọt lệ thành những hạt sương, cho rơi xuống những cánh hoa. Âm thanh vỡ ra thành tiếng đàn. Không phải tiếng thánh nhạc đều đặn ở giáo đường, mà là tiếng hân hoan rung lên từ những tâm hồn trẻ trung. Là tình ca. Là tiếng ru cho lòng người náo nức. Rồi Trúc hát, và Cát Tường cũng hát. Không phải bài kéo củi, mà là khúc hát ngọt ngào giúp Cát Tường quên đi nỗi thê lương của một thời thơ ấu.

Giấc mơ chỉ có thế.

Trúc hiện ra ở cửa sổ ngoài phòng học. Trúc ngạc nhiên vô cùng, vì lần thứ hai Trúc trông thấy nước mắt Cát Tường. Gương mặt can đảm, từ bi đang nhòa nhạt lệ. Và cô gái đó, trước mắt Trúc bây giờ, đang trở thành một cọng cỏ yếu đuối, mảnh mai. Trúc bồi hồi, gọi khẽ:

- Cát Tường, có chuyện gì thế?

Cát Tường quay mặt đi. Không che giấu được người, nhưng biết trả lời làm sao? Trúc vòng lại phía cửa lớn, bước vào phòng học. Mấy dãy ghế vắng ngắt, vì đám học trò tất cả đều ra rẫy. Chỉ có mỗi cô giáo đang tấm tức một mình.

Tiếng chân Trúc đến gần, đàng sau lưng, làm Cát Tường bỗng dưng run rẩy. Không phải vì tiếng chân vang động như chân của người khổng lồ. Mà vì Cát Tường đã nhìn Trúc bằng một nhãn quan khác, nên tiếng chân quen thuộc đã biến thành tiếng của hạnh phúc, của nỗi khổ, của một tình cảm nào đó rất thênh thang. Một sự gì khó định nghĩa lắm! Trúc đứng trước mặt. Nụ cười trở nên ái ngại. Trúc hỏi:

- Có chuyện gì vậy, Cát Tường?

Cát Tường lắc đầu,nước mắt lại ứa ra, không cầm giữ được. Trúc hỏi tiếp:

- Bộ Cát Tường phiền tôi chuyện gì?

- Dạ không...

- Hay là tại vì ở đây buồn quá?

- Không...

Cát Tường im bặt. Sao người lại biết rằng ở đây buồn quá? Cát Tường nghĩ như thế rồi nhớ ngay là có lần mình đã nói như vậy. Ở đây buồn quá! Sáng xuống rẫy, chiều trở về, chẳng có gì đáng nói. Mai mốt người ra đi, chắc cũng không luyến tiếc những bữa cơm trộn khoai nuốt nghẹn cổ, nhức óc...

- Cát Tường, lau nước mắt đi, nói cho tôi nghe sao đến nỗi Cát Tường phải khóc.

- Không , không có gì cả. Thỉnh thoảng vẫn vậy. Mỗi khi nhớ ba mẹ, em khóc. Khóc rồi thì thôi, không có gì cả.

- Có thật không? Hay có điều gì Cát Tường muốn giấu?

Chợt nhìn thấy chiếc gương nhỏ đặt trên bàn, Trúc phì cười:

- A! Cát Tường khóc... mà soi gương!...

Cát Tường mắc cỡ chết thôi! Không biết phải giải thích thế nào. Chắc dưới mắt Trúc, ta đang trở thành một cô Mán rừng đáng thương lắm. Trúc cười nhẹ nhàng, nhưng giọng cười khiến Cát Tường lúng túng.

- Anh Trúc đừng nhạo nữa. Cát Tường khóc vì ... vì Cát Tường xấu xí quá!...

Trúc mở to đôi mắt:

- Ai nói vậy?

- Không ai nói, nhưng em biết.

- Tầm bậy nào! Cát Tường đâu có xấu xí.

- Anh nói gạt.

Trúc cười:

- Tôi nói thật. Cát Tường quá bi quan đó. Cát Tường dịu dàng, đáng mến lắm. Cát Tường có nét đẹp quen quen, mà mới lúc ban đầu, tôi cứ tưởng là tôi đã gặp trong một bức tranh nào.

Cát Tường lập lại bằng giọng ngạc nhiên:

- Trong một bức tranh nào...?

Trúc gật đầu:

- Nhưng tôi nhớ ra rồi, không phải trong tranh bình thường, mà Cát Tường biết ở đâu không?

- Ở đâu hở anh?

- Trong hình tượng Đức Mẹ.

Cát Tường kêu lên:

- Chết! Sao lại như thế được?

- Thật mà Cát Tường. Cát Tường có nét đẹp từ bi, giống như Mẹ Maria, mà tôi chưa hề gặp ở một người con gái nào khác. Cát Tường lại có nhiều đức tính quá, nếu các em gái của tôi được ở gần Cát Tường, tôi sẽ khuyên chúng nó tập lấy giống như Cát Tường.

- Anh Trúc nói, làm em “dị” quá!

Trúc nhìn thẳng vào đôi mắt Cát Tường, nói rất êm đềm:

- Nếu Cát Tường không ngại, thì cho tôi được xem Cát Tường như một người em gái, được không?

- Dạ? Anh Trúc nói gì?

- Tôi mong nhận Cát Tường làm em gái.

Giọng Trúc nghe thiết tha quá! Cát Tường chớp mắt:

- Anh... nhận em làm em gái?

- Vâng.

- Em gái... là thế nào?

Hỏi xong, Cát Tường thấy mình ngớ ngẩn, và xấu hổ vô cùng. Trúc cười:

- Thì hai ta xem nhau như anh em một nhà.

Cát Tường bâng khuâng:

- Ở đây... đã là một nhà rồi!

- Cát Tường không chịu hả?

- Đâu có! Chịu chứ! Từ lâu... em đã xem anh Trúc như... một người anh.

- Cám ơn Cát Tường. Riêng tôi, vì cách xưng hô khiến tôi cảm thấy xa cách. Tôi vẫn thấy Cát Tường xứng đáng là chị cả của các bé nhỏ. Tôi chưa hề có ý nghĩ coi Cát Tường ở vai thấp hơn tôi – giọng Trúc trầm xuống – Nhưng trưa nay, lúc đang cuốc đất dưới rẫy, tôi có một ý nghĩ khác. Ở đây đã có một cái gì làm tôi thương mến lắm. Không biết tôi còn được ở lại đây bao lâu nữa? Nhưng chắc khi xa sẽ nhớ lắm. Nhất là Cát Tường... Sao tôi lại không thể thân mật hơn với Cát Tường, mà tôi lại cứ xem Cát Tường như một người rất xa cách?

- Em... có gì đáng để xa cách đâu!

- Không, chỉ vì Cát Tường quá bao dung, khéo léo, làm tôi kính phục.

Giọng Cát Tường ướt sũng:

- Nhưng em không phải là một người cứng rắn. Có lúc em cũng nhận thấy mình yếu ớt. Ở đây, nhiều khi... cũng buồn lắm. Không có ai chia xẻ với em. Em thèm sống trong một mái gia đình. Em thèm có cha, mẹ, có anh chị. Em muốn được nghe những lời an ủi, lo lắng. Sáu năm rồi, em sống không có tình gia đình. Bốn năm nay, em nhận nơi này làm mái nhà lớn. Em thương Cha lắm, thương các bé lắm. Nhưng có nhiều lúc, em thương thân em quá!

- Cát Tường! Anh hiểu...

Giọng của Trúc êm như gió chiều. Nước mắt lại được dịp rơi. Cát Tường cũng không hiểu tại sao mình lại có can đảm khóc sụt sùi trước mặt Trúc. Không còn xấu, không còn thẹn. Tưởng như chỉ có Trúc là người chia xẻ được nỗi buồn.

Giọng Trúc vỗ về, an ủi:

- Vì hiểu thế, nên anh muốn Cát Tường xem anh như người anh của Cát Tường. Anh muốn mỗi khi Cát Tường có điều gì suy nghĩ, bận trí, Cát Tường nói cho anh nghe với.

- Cho đến khi nào? Cho đến khi ông Năm về, hở anh?

Trúc im lặng. Ngoài sân vắng có tiếng chim gọi nhau nghe thật rõ. Trúc sực nhớ rằng dưới rẫy có lũ trẻ nhỏ đang chờ mình.

- Cát Tường! Đừng buồn nữa, xuống rẫy chơi đi!

- Em sắp phải nấu cơm.

- Xuống chơi một lát đi! Ngồi một mình, lại suy nghĩ vẩn vơ.

- Nhưng... mới khóc xong, xấu lắm, “dị” lắm!

Trúc cười:

- Không “dị” đâu! Lau nước mắt đi, để các bé thấy tưởng là chị cả nhớ nhà, các bé bắt chước thì khổ đó!

- Anh Trúc chế nhạo mãi, em cứ tưởng như mình xấu xí lắm.

- Không, trái lại nữa là khác. Anh nghĩ... nếu mà Cát Tường mặc một chiếc áo dài trắng, ôm một chiếc cặp, chắc sẽ đẹp và ngoan như một cô bé học trò.

Cát Tường mỉm cười. Lời nói như một sự khích động lớn lao. Ở trong giấc mơ, Trúc cũng khen Cát Tường đẹp khi mặc áo dài trắng. Tự nhiên Cát Tường nghe dâng lên một niềm ao ước. Ao ước một cuộc sống giản dị và bình thường – sớm có áo trắng tung tăng, chiều có nghe lời mẹ gọi - nhưng thần tiên lắm, ngọt ngào lắm, tưởng như rất khó xảy ra, hay nói đúng hơn là chẳng bao giờ xảy ra nữa.

Tiếng chân trẻ nhỏ dừng lại trước hiên nhà. Tiếng ríu rít trao đổi với nhau khiến Cát Tường đoán là có độ ba, bốn đứa đang ở ngoài cửa. Cát Tường lau vội cho khô những dấu nước mắt, rồi nhón gót nhìn ra thềm. Hiền, Lương và Hậu, ba đứa con trai nhỏ đang ló đầu vào cửa sổ phòng học. Hiền nói:

- Anh Trúc ơi! Sao lâu vậy?

Trúc đáp:

- Thì tại vì anh chờ chị Cát Tường đây này! Chị ấy đang bận… vá chiếc áo…

Hậu hỏi:

- Áo nào hở chị?

Trúc cười:

- Xong rồi, chị ấy cất rồi. Bây giờ thì chị Cát Tường sẽ xuống chơi với các em.

- Cả anh nữa chứ?

- Ừ, thì có anh nữa.

Trúc quay lại nói với Cát Tường:

- Không biết có trò chơi gì đây mà các bé bắt anh phải làm “vai chính”.

Cát Tường ngơ ngác:

- Cái gì vậy?

Hậu đáp nhanh nhẩu:

- Chị cứ xuống rẫy coi thì rõ. Cả đám chờ ở dưới ấy.

Cát Tường nhẹ cốc đầu thằng bé, mắng yêu:

- Bé Hậu này, được cái chơi đùa thì thích nhé, chứ động đến sách vở thì sợ lắm.

- Cho em chơi đi, ngày mai em học bù.

- Ngày mai… ngày mai chẳng bao giờ đến cả.

Hậu cười lấp, nắm tay Cát Tường lôi đi. Cát Tường vừa cười vừa nói:

- Chẳng hiểu gì hết. Các bé làm gì đây?

Trúc đi theo sau với Hiền, Lương. Năm người xuống đường dốc thấp, tới đám rẫy trồng khoai sắn. Đi từ trên, đã thấy ở bên dưới, lũ trẻ nhỏ đứng thành một đoàn. Chúng reo hò khi thấy Trúc và Cát Tường. Khánh chạy đến, nói ngay:

- Rồi, đã đông đủ tất cả, chúng ta bắt đầu chơi.

Cát Tường hỏi:

- Bé Nhu Mì đâu?

Từ đám đông, bé Nhu Mì chạy ra, giơ một tay lên khỏi đầu. Đôi môi mọng đỏ tươi tắn hơn mọi ngày, đang mấp máy như muốn nói: “Em đây!” Lần đầu tiên bé xuống rẫy vui cùng các bạn. Vì ai thế? Vì một trò chơi nào sắp bày ra đây làm nôn nao lòng bé?

Trúc đứng thẳng người, nói:

- Bây giờ Khánh cho biết trò chơi đi!

- Trò chơi rất giản dị: em muốn anh Trúc làm ông Quy-Li-Ve. Ông Quy-Li-Ve là thuyền trưởng của một chiếc chiến hạm.

Hiền la lên:

- Không phải! Ông ấy là một tên cướp biển.

Cát Tường nói:

- Các em quên rồi à? Quy-Li-Ve là một y sĩ làm việc trên các tàu biển.

Khánh cười:

- A đúng rồi. Quy-Li-Ve là y sĩ. Ông ta bị đắm tàu và trôi dạt trên biển. Ông ngất đi. Đến lúc tỉnh dậy ông thấy mình bị trói chân tay, và vây quanh ông là những người nhỏ tí xíu. Đó là người của nước tí hon “Chim Chích”.

Trúc ngơ ngác:

- Nhưng trò chơi gì đây?

- Khoan. Để em thuật chuyện cho có đầu có đuôi. Mấy người dân của nước “Chim Chích” sợ ông Quy-Li-Ve lắm, giống như mình sợ người khổng lồ vậy, nên họ trói ông ấy thật chặt. Họ còn bắn những mũi tên tí hon vô người ông ấy nữa.

Hậu tiếp lời:

- Nhưng đến khi Quy-Li-Ve tỉnh dậy, người tí hon thấy ông ấy hiền lành, nên vác những thúng thịt cừu tới cho ông ăn, đem rượu vang cho ông uống, rồi… rồi….

Khánh:

- Rồi họ đóng một cái xe vừa với thân hình của Quy-Li-Ve để chở ông ấy về kinh thành.

Đám trẻ đồng loạt vỗ tay. Trúc đứng lặng người, nửa bàng hoàng nửa sung sướng. Chừng như câu chuyện Gulliver đều được những đứa trẻ ở đây thuộc lòng. Cái câu chuyện được viết ra bởi một nhà văn người Ái Nhĩ Lan mà thuở nhỏ Trúc đọc không mấy thích, giờ trở nên sống động dạt dào. Vì nhân vật đó bây giờ là Trúc. Từ một tai nạn, Trúc đã làm một kẻ lạc loài. Giữa cánh rừng thưa nghe tiếng trẻ ríu rít, nghe tiếng xe cót két đẩy tới, đưa mình về làng nhỏ. Có những điều mình cho là chỉ có trong trí tưởng tượng, lại xảy đến cho chính mình. Và cái làng cô nhi “Chim sâu nhỏ” này, là một sự thật trên đất nước của mình.

Trúc nói, với giọng xúc động, khi tiếng vỗ tay đã dứt:

- Anh hiểu rồi! Bây giờ anh sẵn sàng làm theo ý muốn của các em. Trò chơi gì đây?

Khánh nói:

- Gần nửa tháng nay anh Trúc sống ở xứ tí hon, đến một hôm dân chúng muốn mở tiệc đãi anh. Nhưng đặc biệt, dân chúng chỉ đem đến cho anh những gì mà anh yêu cầu. Trò chơi là như vậy. Bây giờ, Quy-Li-Ve đứng giữa, chúng em chia làm hai nhóm. Hễ Quy-Li-Ve bảo thích thứ gì, mọi người sẽ thi nhau đi tìm cho anh thứ nấy. Bên nào đếm được nhiều món hơn, sẽ được bên bị thua cõng đi một vòng.

Đám trẻ vỗ tay thích thú. Khánh nói tiếp:

- Em dẫn đầu một phe, chị Cát Tường một phe.

Lũ trẻ nhỏ giành nhau chia phe. Nhu Mì chạy lại với Cát Tường. Trúc đứng một mình ở giữa. Xong xuôi. Khánh nói lớn:

- Chuẩn bị nhé! Anh Trúc, ủa quên, Quy-Li-Ve cứ truyền lệnh, chúng em đã sửa soạn đủ. Nhưng anh không được đòi hỏi những thứ mà nước tí hon không thể có nghen!

Trúc đồng ý, suy nghĩ và nói:

- Bây giờ Quy-Li-Ve đang đói. Anh muốn có một củ khoai mới luộc.

Lũ trẻ tranh nhau đem khoai tới. Phe của Khánh đến trước. Trúc nhận củ khoai, rồi nói:

- Ăn no rồi, anh muốn có… nước uống.

Chỉ có một bình nước của phe Cát Tường đem lại. Trúc dốc ngược cái bình : không có một giọt nước. Phe của Khánh la hò phản đối. Trúc cười:

- Nhưng có cái bình tượng trưng là được rồi. Bây giờ… Quy-Li-Ve muốn có một cái mũ con trai.

Cái mũ của bé Hảo được lấy xuống. Lũ trẻ lại reo hò cổ võ. Trúc nói ngay:

- Một cái áo con trai.

Khánh cởi áo của mình vứt nhanh cho Trúc.

- Một cái kẹp tóc.

Mấy đứa bé gái vội vã gỡ kẹp xuống. Trúc nhận chiếc kẹp của Diệu rồi nói tiếp:

- Một chiếc dép… đứt quai.

Thế là có một màn tìm kiếm dưới chân của nhau. Rốt cuộc chỉ có Lương đem đến cho Trúc chiếc dép xơ xác của cậu bé. Cát Tường và Khánh cùng la lớn thúc giục phe của mình:

- Cố lên!

- Cố lên!

- Phải lẹ tay mới được nghen các em!

Trúc đứng yên suy nghĩ. Hết nghĩ ra được thứ gì để đòi hỏi. Ở hai bên, đám trẻ cứ chờ đợi, hồi hộp. Sau nửa phút, Trúc hô to:

- Quy-Li-Ve… muốn có một bông hoa.

Đám trẻ hơi lúng túng vì cứ chuẩn bị những thứ trên người mình, bây giờ phải chạy ra đi tìm bông hoa. Những hoa dại bị hái và đem tới cho Trúc. Trúc nói tiếp:

- Một cây củi.

Lũ trẻ hè nhau chạy tới cuối rẫy. Khi cây củi nhanh nhẹn nhất được trao cho Trúc, Trúc nói ngay:

- Một xe chở củi.

Lũ trẻ lại xô đẩy nhau chạy lên dốc. Trúc cười vang theo với chúng, và nhìn theo những bước chân chạy vội vàng. Phía đó, Trúc đã thấy, chiếc áo đen của Cha Đạo hiện rõ trên nền trắng của trời chiều. Cha đang mỉm cười nhìn bọn trẻ chơi đùa như chưa bao giờ được vui vẻ như vậy.

Chiếc xe được lũ trẻ đẩy chạy xuống dốc. Khi đến nơi, chúng giành nhau phần thắng. Trúc phải giảng hòa:

- Món này xem như huề đi, vì cả hai phe đều có công. Bây giờ…

Lũ trẻ sắp xếp lại hàng ngũ, chờ đợi. Trúc vỗ trán suy nghĩ, rồi:

- Một sợi tóc thật dài.

Cát Tường bứt nhanh một sợi tóc của mình, chạy đến đưa cho Trúc. Lũ trẻ reo hò ầm ĩ. Trúc cầm lấy sợi tóc rồi la lớn:

- Thôi! Quy-Li-Ve xin cám ơn dân chúng xứ tí hon. Ở đây cái gì cũng có, thật là sung sướng. Nếu mà anh đòi hỏi thêm nữa thì tội lắm. Bây giờ để anh đếm nhé! Chiếc xe kể như của chung rồi, không kể. Còn lại… xem nào, phe của Khánh thắng rồi!

Tiếng trẻ nhỏ xôn xao:

- Phe chị Cát Tường phải cõng.

- Không! Không! Bên này nhiều con gái, ít con trai, làm sao cõng nổi bên đó?

- Rán chịu, phải cõng! Phải cõng!...

- Không chịu! Chiếc xe là của phe này lấy trước.

Cát Tường can:

- Đừng cãi vã, các bé! Hồi nãy bé nào chạm tay vào xe củi trước nhất?

- Chị Thương.

- Vậy là phe ta có công trước. Xem như huề.

Khánh la lên:

- Không chịu. Nếu vậy anh Trúc muốn một thứ nữa đi!

Trúc cười:

- Anh hết ý rồi! Bây giờ… để coi, anh cần… à, để anh cần người nhé! Anh cần một người… một người…

Một giọng nói tinh nghịch con trai cất lên:

- Một người… vợ!

Lũ trẻ ré lên cười. Nhưng bé Nhu Mì đã bất thình lình nắm tay Cát Tường kéo chạy đến phía Trúc. Trúc còn đứng ngơ ngác, trong khi lũ trẻ vỗ tay reo cười vang dội, mà Cát Tường thì xấu hổ nóng bừng cả mặt. Cát Tường giật tay ra khỏi tay bé Nhu Mì chạy băng lên dốc. Ở đàng sau, tiếng gọi của đám trẻ nghe xôn xao như tiếng rượt đuổi. Ở phía trước, bóng áo của Cha Đạo như cũng tươi tắn lên với nụ cười của Cha. Xung quanh ai cũng cười vui. Cát Tường thì muốn trốn cho biến mất. Nỗi gì kỳ lạ quá, lâng lâng quá! Cát Tường chạy đến nhà, ngồi xuống bậc thềm, và kìa, Trúc đang dẫn đàn trẻ đi lên dốc. Những tiếng cười cứ chạy ùa đến hồ như làn gió. Lẫn trong tiếng cười, có những âm thanh nào là lạ. Cát Tường lắng tai nghe. Âm thanh nghe xa xa, nhưng dồn dập lắm, tựa như tiếng thúc giục trước đây mỗi khi ăn cơm. Leng keng… leng keng… leng keng… Cát Tường đứng bật dậy. Tiếng chuông rõ dần. Tiếng chuông từ ngoài cổng. Ai đã đến?

Cha Đạo cũng đã nghe. Trúc và đàn trẻ vừa lên đến nơi cũng đã nghe. Không ai bảo ai, tất cả đều ùa ra phía cổng rào mới được Trúc dựng xong. Và đồng loạt, những đứa trẻ reo lên:

- Ông Năm về! Ông Năm về!

Chương 9

Đôi mắt của bé Hậu như ríu lại, nhưng hai ngón tay giả vờ chống lên trán mở hai mí cho khỏi sụp xuống. Cát Tường vừa ngao ngán vừa muốn phì cười vì vẻ mặt tội nghiệp của cậu bé.

- Bé Hậu! Hễ chơi thì thích lắm, mà học thì gục lên gục xuống. Mới ăn cơm xong mà em tưởng đã khuya lắm rồi à?

Cậu bé gắng đè nén cơn buồn ngủ, lắc đầu:

- Dạ đâu có! Em…

- Em lười biếng phải không? Nhìn Nhu Mì kìa. Nó đã biết đọc trước cả em nữa. Mai mốt Nhu Mì lớn, nó viết văn. Còn em, em làm gì?

Hậu cúi đầu nhìn vào trang vở. Cát Tường nói như giận:

- Nếu em cứ lười biếng, Cha sẽ gửi em lên tỉnh cho em học nghề đó.

Câu nói làm Hậu tỉnh hẳn cơn buồn ngủ. Cậu bé tỏ vẻ hoảng hốt, đôi mắt long lanh:

- Em không đi đâu!

- Sao vậy?

- Em muốn sống ở đây.

- Vậy thì em gắng học nhé!

- Dạ.

Cát Tường viết một chữ vào trang vở trắng tinh, nói như nói cho mình nghe:

- Em ngoan lắm! Mai mốt em biết đọc trôi chảy rồi, chị dạy em viết thành câu, dạy em làm toán nữa. Chị dạy đến khi nào chị hết biết dạy gì. Lúc đó có thể Cha dẫn chị em mình lên tỉnh. Còn nhớ nơi ấy không? Chắc quên rồi hở? Ở tỉnh vui lắm. Chừng đó các bé đã lớn hết. Cha dẫn chị em mình đi Sài Gòn. Chị cũng thích đi học thêm nữa. Chị thích mặc áo dài trắng, không phải áo này…

Nhìn thấy Hậu đang chờ đợi, Cát Tường chỉ vào chữ của mình, nói:

- Chữ này là chữ “truyền”, không phải chữ “thuyền”, Hậu đừng đọc lộn nữa nhé! Bây giờ em hãy viết cho chị một hàng chữ “truyền”.

Muốn cho thằng bé biết áp dụng, Cát Tường tìm một chữ có phụ âm tương tự để viết vào. Cát Tường mỉm cười, nắn nót viết chữ “Trúc” ở hàng kế tiếp.

- Chị đi ra ngoài một tí. Em ở đây viết nhé, xong rồi thì đi ngủ.

Hậu cầm cây bút lên, lẩm nhẩm đọc:

- “Tê- e- rờ- u- tru… truyền” ! Biết rồi! “truyền”, không phải “thuyền”. Còn chữ này ngắn hơn, chắc dễ hơn, nhưng… đọc làm sao đây? Nhu Mì, chữ gì đây?

Nhu Mì đang vẽ, ngừng tay nhìn qua. Hậu hỏi:

- “Tê- e- rờ- u- tru…” rồi “xê” gì? Đọc làm sao?

Nhu Mì lắc đầu, cầm viết, viết lên một tờ giấy, chữ “Trúc”, tưởng như mình đang đọc ra tiếng cho Hậu nghe. Cậu bé nhăn nhó:

- Nè! Nhu Mì! Sao mà học khó quá đi! Hậu tập đọc hoài chẳng nên thân.

Nhu Mì cười, lật vở của mình ra, chỉ vào những bài toán, như khoe. Hậu trầm trồ:

- Nhu Mì giỏi quá! Mai mốt Hậu cũng làm toán giỏi như Nhu Mì vậy. A, Nhu Mì nhái Hậu phải không? Tại vì… Hậu buồn ngủ quá đi chứ bộ. Mà Nhu Mì buồn ngủ chưa? Sao không theo mấy người kia đi ngủ đi?

Nhu Mì lắc đầu, chỉ vào hình vẽ của mình. Hậu nói:

- Thích vẽ lắm hở? Hậu cũng vậy…. Nhưng Hậu thích trồng cây hơn. Ở dưới rẫy, Hậu có gieo một cây cam, ở một chỗ bí mật, không cho ai biết đâu! Không biết chừng nào nó sẽ lớn hở? Chắc chắn có trái mà! Chừng đó Hậu sẽ cho Nhu Mì ăn cam nghen!

Cậu bé quên mất công việc phải làm.

° ° °

Ở phòng thuốc, Cát Tường gặp ông Năm. Ông đang soạn chiếc va-li lớn, lấy ra một xấp vải hoa:

- Của bé Nhu Mì phải không ông Năm?

- Không. Của cháu đó!

- Của cháu?

Cát Tường ướm ngay vào người. Đủ may một chiếc áo dài. Nhưng mình đâu có biết may áo dài! Cát Tường ngơ ngẩn… Ông Năm đem ra một lô vải khác, nói:

- Cái này mới là của các cháu gái. Còn mấy xấp này là của con trai.

- A! Thích quá! Các bé sẽ mừng lắm. Cháu cứ hứa hoài mà chẳng có gì cho các bé. Tại vì đợi ông Năm đó! Ông Năm đi lâu quá chừng!

- Thì đó, cháu đã nghe ông Năm kể rồi. Cầu bị phá, trên tỉnh thì đánh nhau. Ở trên đó ông Năm ăn ngủ không yên. Ông Năm cứ sợ là ở đây cũng lộn xộn như vậy.

Cát Tường nói rất hồn nhiên:

- Chúa che chở tất cả mà ông Năm.

Nói xong, Cát Tường lại tung xấp vải hoa quàng lên người, hỏi:

- Ông Năm, đẹp không?

- Xinh lắm! Ông Năm biết thế nào cháu cũng sẽ thích.

- Cám ơn ông Năm nhiều. Ủa, còn sách truyện cổ tích đâu ông Năm?

- Ông Năm không kịp mua.

- Sao vậy?

- Ông Năm nghe yên yên một cái là ông Năm lật đật đi mua mấy thứ thiết yếu rồi về ngay, không kịp mua sách truyện. Còn vải vóc này là ông Năm mua trước.

- Vậy là cháu cứ phải bịa chuyện mà kể nữa.

Ông Năm cười:

- Ai chứ Cát Tường thì đâu có lo. Cháu có tài kể chuyện, đặt bài hát, không ai bằng. Ông Năm nhớ nhất là chuyện Quy-Li-Ve nè.

- Chuyện đó của người khác viết ra mà ông Năm, không phải Cát Tường đặt.

Rồi Cát Tường lại liên tưởng đến Trúc. Giờ này Trúc còn ở bên nhà nguyện, chắc đang hàn huyên với Cha Đạo về chuyến đi sắp tới. Một chuyến đi như mọi chuyến giã từ của anh, giã từ một nơi nào đó mà anh đã đi qua. Cát Tường xếp tấm vải hoa lại, nhè nhẹ thở dài. Anh có bao nhiêu chuyến đi như vậy trong cuộc đời rồi. Dù là một quận nhỏ, một buôn nghèo hẻo lánh, hay một làng cô nhi nhỏ như ở đây, cũng thế thôi. Tất cả chỉ là nơi tạm trú cho bước chân bận rộn. Những cuộc giã từ sẽ giống như nhau, dù cuộc giã từ đó bắt đầu bằng lúc anh lên một chiếc quân xa, một chiếc phi cơ hay chiếc xe già lão của ông Năm, cũng vậy thôi. Những cảm nghĩ của anh, nếu có, cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Một chút luyến tiếc, một chút nhớ, rồi chắc cũng qua…. Nhưng đã có nơi nào anh dừng chân lại, có một Cát Tường như ở đây? Có nơi nào vương vấn theo anh một mối thương mến dạt dào như nơi đây? Chắc cũng có, nhưng chắc cũng không. Đâu có nghe anh nhắc gì đến một cô gái ở quận nhỏ, một cô gái ở buôn nghèo. Vậy thì tên Cát Tường, mai mốt cũng bị quên như người ta quên tựa một bài hát cũ. Ô, lại một điều làm tim nhói đau, làm mắt buồn buồn. Nhưng có trách anh được không, khi mà anh vẫn còn mang nhiều món nợ? Mai mốt tấm thân đó lại dấn vào gió bụi, vào nắng mưa, với mảnh thẻ bài kim khí còn đeo trên cổ…

- Cát Tường à!

- Dạ ông Năm kêu cháu?

- Nghĩ gì mà thừ người ra đó? Kỳ này ông Năm có mua nhiều thịt, vậy ngày mai cháu có quyền làm thịt hai con gà còn lại nghen!

- Dạ, ngày mai cháu sẽ đãi ông Năm ăn ngon, tại vì ông Năm còn phải đi lên tỉnh nữa.

- Ông Năm sẽ về ngay, sau khi đưa cậu Trúc tới trình diện đơn vị.

Cát Tường chớp mắt, nói:

- Ông Năm, nhớ mua truyện.

- Ừ, ông Năm không quên nữa đâu. Mà này, sao cháu buồn vậy, Cát Tường?

- Dạ, đâu có gì buồn, ông Năm!

Nói thế rồi Cát Tường quay mặt đi, như sợ một giọt nước rơi vào làm tràn ly nước đầy. Đừng ai hỏi han gì về nỗi buồn, vì sẽ làm nước mắt chảy ra đấy! Cát Tường uể oải đứng lên. Chưa bao giờ thấy mình rời rạc như thế này. Vì ngọn gió độc của mùa màng? Vì sự chờ đợi một cuộc chia tay chắc chắn phải đến?

- Cháu về phòng nghen ông Năm! Đêm nay ông Năm ngủ với anh Trúc ha! Để cháu sửa giường lại.

Cát Tường trải chiếc chiếu thẳng ra, và đặt chiếc gối lên đó. Chiếc gối của ông Năm, bây giờ phải trả về cho ông Năm. Còn Trúc… Cát Tường cau mày, ngẫm nghĩ… Không lẽ bắt Khánh phải nhường gối cho Trúc? Hay là… thôi, ta lại đem chiếc gối của mình sang đây cho Trúc vậy. Chẳng còn bao nhiêu ngày nữa, người đã xa lìa nơi đây rồi.

- Thưa ông Năm cháu về.

- Ừ cháu về ngủ đi! Ông Năm cũng ngủ sớm. Mệt quá! Cháu cứ khép cửa lại. Ông Năm chờ cậu Trúc.

Cát Tường bước ra, khép cửa hờ. Ánh sáng bị ngăn lại sau cánh cửa. Bước xuống thềm, Cát Tường nghe gió lành lạnh – gió của những ngày cuối năm. Gió thổi không biết từ đâu, phía đường cái, dưới rừng rẫy hay từ nhà nguyện? Nhưng một nỗi gì vây quanh nghe lạnh quá! Cát Tường nhìn qua phòng học. Ánh đèn đã tắt tự bao giờ. Có lẽ Hậu và Nhu Mì cũng đã thôi không học nữa. Cảnh vắng lặng khiến Cát Tường rùng mình. Kỳ lạ quá! Một nơi từ bao lâu hằng yên ổn, thế mà hôm nay mình lại thấy sợ. Cát Tường bước nhanh về phía nhà nguyện. Ở đó còn thấy ánh đèn.

° ° °

- Ai đó?

Tiếng Cha Đạo hỏi vọng ra khi bước chân của Cát Tường dừng lại trên thềm. Cha đã già nhưng quả thật tai Cha rất thính. Cát Tường lên tiếng:

- Thưa Cha, Cát Tường đây ạ!

- Vô đi con!

Cánh cửa mở ra. Cát Tường bước vào nhà nguyện. Ánh sáng lung linh của bạch lạp đủ cho thấy Cha Đạo và Trúc ngồi ở hai chiếc ghế ngay trước tượng Thập tự giá. Cát Tường rón rén đi tới.

- Con chưa ngủ à?

- Thưa Cha, chưa ạ.

- Còn ông Năm?

- Dạ ông Năm đã ngủ. Con sắp chỗ cho ông Năm rồi.

Cha Đạo chỉ một chiếc ghế, bảo:

- Cát Tường, con ngồi ở đây đi!

- Thưa Cha, Cha đang nói chuyện với anh Trúc, cho con ngồi ở dưới kia.

Trúc nói:

- Không, Cát Tường cứ ngồi đây. Cha và anh muốn nói với Cát Tường một chuyện.

Cát Tường ngồi xuống. Yên lặng một lúc, rồi Cha Đạo mở lời:

- Cha và anh Trúc vừa mới nói về chuyện anh Trúc sắp lên tỉnh với ông Năm. Ngày mai thì gấp quá, ông Năm còn phải nghỉ ngơi nữa. Vì vậy anh Trúc định là ngày mốt.

- Dạ.

Cát Tường dạ, rồi cúi mặt. Ngày mốt! Chỉ hai chữ mà làm se thắt lòng. Việc gì đến sẽ đến, mà sao vẫn thấy mắt cay cay? Cát Tường muốn giấu mặt đi như ban chiều muốn biến mất trên đỉnh đồi.

- Cát Tường, con sao vậy?

Không nghe trả lời, Cha Đạo lại hỏi:

- Con khóc à?

- Thưa Cha… không…

Nhưng lời nói nghẹn ngào chẳng che giấu được. Cha Đạo vẫn ôn tồn:

- Con nghe nè, Cát Tường! Ngày mốt anh Trúc đi, anh ấy vừa mới đề nghị với Cha một chuyện. Nhưng Cha bảo rằng việc này phải tùy ở con quyết định.

Cát Tường không nghĩ đến việc che giấu mấy giọt nước mắt vừa mới tuôn ra, ngước mặt lên, ngạc nhiên:

- Thưa Cha, việc gì ạ?

- Trúc đề nghị Cha cho con lên Sài Gòn.

Cát Tường mở lớn đôi mắt nhìn Cha Đạo, rồi nhìn Trúc, tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, âm thanh còn in lại trong óc rõ ràng lắm.

- Cha biết việc này khá đột ngột đối với con. Với Cha cũng vậy. Nhưng nghĩ cho cùng thì không có gì lạ lùng cả. Cha để tùy ý con.

Cát Tường ngỡ ngàng nhìn Trúc. Trúc nói:

- Anh mới thưa với Cha là anh muốn nhận Cát Tường làm em nuôi thật sự của gia đình anh. Cha đã bằng lòng. Nếu Cát Tường cũng chịu, thì ngày mốt, Cát Tường sẽ theo ông Năm và anh lên tỉnh.

Cát Tường bàng hoàng:

- Ngày mốt? Ngày mốt sao?

Cha Đạo nói:

- Cha định thế này: ông Năm chở hai con lên tỉnh. Trúc thì trình diện ở đơn vị, còn Cát Tường theo ông Năm đến nhà dòng, các Cha sẽ lo cho con một nơi ở tại nhà của người quen. Khi nào Trúc có thể về Sài Gòn được, con sẽ được các Cha đưa về Sài Gòn, đến tận nhà của Trúc. Nếu một khi con yên nơi yên chỗ rồi, các Cha sẽ trở về.

Cát Tường xúc động:

- Cha… lo cho con nhiều quá! Nhưng con biết làm gì khi lên Sài Gòn?

- Con sẽ đi học. Cha viết thư gửi gắm con cho nhà dòng.

Trúc tiếp lời:

- Khi Cát Tường đã vào ở nhà anh rồi, anh sẽ lo cho Cát Tường tất cả. Mẹ anh thương anh lắm. Mẹ và các em anh chắc chắn sẽ yêu mến Cát Tường

Cha Đạo hỏi:

- Đó là phần Cha và anh Trúc lo, mới bàn với nhau thôi. Còn ý kiến của con ra sao, con hãy nói cho Cha nghe.

- Thưa Cha…

Cát Tường muốn khóc quá! Giờ phút này không biết là mình sung sướng hay buồn khổ. Mình sắp lìa xa nơi này sao? Mình sắp tham dự vào một cuộc sống mới mẻ sao? Mình sẽ được hưởng những hạnh phúc đơn giản mà tưởng khó xảy ra với mình – sớm có áo trắng tung tăng, chiều có nghe lời mẹ gọi. Nhưng còn một điều nữa, to lớn hơn, hạnh phúc hơn, đó là được gần con người mà mình yêu thương. Có ai không mơ ước một điều như thế? Có ai nỡ khước từ một dịp như thế? Cát Tường ngỡ như đang nhìn thấy qua làn nước che mờ đôi mắt, một cảnh sống rộn ràng vui tươi ở thành phố xinh đẹp của Trúc, mà một cô gái như mình chưa hề đặt chân đến, cũng chưa dám mơ tưởng đến.

- Cát Tường, con nghĩ thế nào?

- Thưa Cha, con … con rất… mừng…

Cha Đạo và Trúc nhìn nhau cười. Cát Tường rưng rưng:

- Nhưng… xa các em…

- Cha biết, con sẽ nhớ, sẽ buồn. Nhưng nghe lời Cha đi, rồi con sẽ quen với đời sống mới. Con dù sao cũng đã lớn. Cha muốn con được sống bình thường như những người con gái khác. Hiểu Cha không?

- Dạ, con hiểu. Nhưng ai sẽ săn sóc các em?

- Đã có Khánh. Còn Diệu và Thương nữa, chúng nó cũng đều lớn cả. Con đi trước, khi nào tình hình sáng sủa hơn, Cha sẽ đem các em về thành thị.

Cát Tường nhìn Cha Đạo, muốn nói một lời nào đó. Nhưng bóng tối làm cạn khô ý nghĩ, sự vắng yên làm ngưng đọng cảm giác. Trong đôi mắt của Cha Đạo, đêm xuống đã vô cùng.

Chương 10

- Khi đến Sài Gòn chị sẽ tìm mua ngay một thứ rất đặc biệt của xứ đó, chị gửi cho ông Năm để ông Năm đem về cho bé. Chị sẽ mua nhiều sách truyện nữa chứ! Anh Khánh sẽ kể cho các bé nghe. Chị Diệu kể cũng hay nữa. Bé thích nghe ai? Hay là chị Thương? Chị sẽ viết thư cho bé, gửi cho nhà dòng, rồi khi nào ông Năm lên tỉnh mua sắm hàng tháng, ông Năm đem về, bé chịu không? Chịu đi nhé!

Cát Tường cầm bàn tay của Nhu Mì áp vào má mình. Nhu Mì vẫn nhìn không chớp trang giấy đang vẽ dở dang một ngọn đèn cầy. Đôi mi mắt như ẩn giấu một nỗi buồn, nhưng chiếc miệng đang cố gắng cười một nụ. Cát Tường thì thầm như nói cho chính mình nghe:

- Chị đi với ông Năm, với anh Trúc. Ông Năm đưa anh Trúc tới chỗ có đơn vị của anh ấy rồi đưa chị đến nhà dòng. Nhớ không, nơi mà Cha có một lần cho tụi mình đến thăm đó! Chắc bé không nhớ đâu, lúc đó bé mới ba tuổi, nhỏ xíu hà. Không hiểu gì hết hở? Chị nói chuyện khác nhé! Anh Trúc thương chị lắm, muốn chị về ở trong gia đình anh ấy. Sao kỳ vậy hở? Chị cũng không biết nữa. Chị thương anh ấy…

Đôi mi ngây thơ tự dưng chớp nhanh, Nhu Mì vẽ lên trang giấy một giọt nến chảy xuống. Một sự việc không liên quan gì đến thực tế nhưng cũng làm Cát Tường nghe nao nao trong lòng. Cát Tường càng nói khẽ hơn:

- Chị thương anh ấy, Nhu Mì ạ! Thương… không giống như thương bé Nhu Mì đâu! Bé hiểu không? Khác nhau thế này nè: thương bé, hay thương các bé, hay thương Cha, mỗi khi nhìn thấy người đó mình muốn đến nói chuyện thật nhiều, hỏi han thật nhiều. Còn… thương anh Trúc, mỗi khi thấy anh ấy… mình lại muốn bỏ chạy. A, mà chỉ cần nghĩ đến thôi, mình cũng đã thấy kỳ lạ trong lòng. Bé hiểu gì không? Khó hiểu quá hở? Khó cắt nghĩa quá! Thôi, bỏ chuyện ấy đi. Bé hãy vẽ cho xong.

Giọt nến đã chảy đến tận chân đèn, không lan ra, mà đứng yên ở đó. Hai con mắt bé Nhu Mì trở thành hai vũng nến lạnh. Tờ giấy bị gấp lại làm đôi. Bé Nhu Mì buồn bã đứng dậy, rời bàn học đi ra ngoài. Cát Tường bước theo. Ở ngưỡng cửa, hai chị em đứng lại. Không biết lời gì để nói. Cát Tường biết là sẽ buồn như thế này. Nhưng có làm gì hơn? Vì ngày mai, không còn thấy các bé, không còn thấy cha Đạo. Ngày mai bước chân đi, như bước chân ra đời. Lâu nay Cát Tường sống như nhà tu. Mặc dù chưa thuộc làu kinh sách, chưa phải khoác áo đen, nhưng tình cảm khô gọn có khác gì nhà tu. Ngày mai bước chân ra đời! Một điều thật nôn nao mà cũng thật buồn bã, vì biết khi đó không còn thấy lại các em thơ. Nhưng ta đã đến lúc được lựa chọn. Giữa một cuộc sống vốn đã bình lặng và một món quà mới lạ, ta phải lựa chọn. Chúa đã cho mình cái quyền được quyết định cho cuộc đời mình. Và cũng chính vì Chúa đã đem đến cho con – người ấy – món quà đầy tình thân. Chúa đã sắp đặt mà! Nếu không, sao lại cho người sống sót, sao lại khiến đàn trẻ đem người về, sao lại cho người thoát hiểm trong một đêm tối, sao lại cho người muốn nhận con vào gia đình người? Cám ơn rừng xanh. Cám ơn chiếc xe chở củi và đàn em nhỏ. Cám ơn Cha Đạo. Cám ơn Trời Đất huyền vi. Con đã thấy, trên mặt đất này, chẳng một ai bị bỏ rơi, dầu kẻ đó là con, sống ẩn giấu sau chiếc màn bằng cây lá.

Chiều đổ xuống từ phía rẫy khoai. Nắng vương vãi trên từng cọng cỏ. Không gian đang giành giật giữa màu vàng với màu xám. Lúc này Cát Tường mới nhận thấy một điều, là cảnh vật lúc nào cũng vui vẻ. Vui vẻ cả những lúc bóng tối đã bao phủ cả làng cô nhi. Thật thế, phải nhớ rằng xung quanh làng cô nhi - hay cái xóm cô nhi bé nhỏ này - còn có nhà cửa, có dân cư, dù chẳng thấy nhau nhưng mà có đó. Cũng như đêm đến là để chờ một sáng. Vì vậy, có phải đời lặng yên bao lâu nay là sửa soạn cho một chuyến đi ngày mai? Ôi! Chuyến đi! Vô vàn niềm cảm xúc chan hòa trong tim... Đêm hãy xuống mau, chờ mai sáng lên đường.

Khánh đến từ nhà cơm, nói:

- Chị Cát Tường, các bé đã tụ tập đủ. Chị với bé Nhu Mì qua ăn cơm luôn. Anh Trúc có ăn không?

- Anh Trúc còn ở bên nhà nguyện. Các em ăn trước với chị.

Quay sang Nhu Mì, Cát Tường nói:

- Đi, bé!

Nhận thấy vẻ ủ dột trên mặt Nhu Mì, Cát Tường ái ngại hỏi:

- Sao vậy? Không muốn đi với chị hả? Giận chị chuyện gì đây?

Nhu Mì lấy ngón trỏ phải vẽ lên lòng bàn tay trái. Cát Tường hỏi:

- Bé muốn vẽ nữa? Hay muốn viết. Đi ăn cái đã. Tối nay chị sẽ thức nhiều với bé. Còn bây giờ, chị muốn bé ăn món cơm thịt gà chị nấu chiều nay. Ngon lắm.

Ba chị em vào nhà cơm. Đàn trẻ đã ngồi yên trên ghế. Bước vào phòng, gặp ngay đôi mắt của Hậu nhìn Cát Tường không chớp. Một sự gì là lạ trong cái nhìn ấy. Cát Tường tự hỏi như thế rồi giải thích được ngay. Bởi vì những đôi mắt của Hiền, của Lương, của Ngoan, của Diệu, của tất cả… đều có vẻ là lạ. Nghĩ thế rồi Cát Tường tự cười mình. Chắc tại chính mình đã thấy lạ nên cái gì xung quanh cũng mang vẻ khác thường. Chờ cho Nhu Mì vào chỗ, Cát Tường nói lớn:

- Chiều nay các bé ăn món cơm gà của chị nấu. Sáng mai chị đi lên tỉnh, không còn ở đây nữa, các bé đã biết rồi. Vậy các bé ăn cơm đi, rồi chị em mình chơi trò chơi với nhau.

Trẻ nhỏ xôn xao hỏi:

- Anh Trúc đâu, chị? Quy-Li-Ve đâu?

- Anh ấy ở bên nhà nguyện, nói chuyện với Cha.

- Ông Năm đâu?

- Ông Năm chưa ăn bây giờ. Ông còn đang sửa xe để sáng mai đi. Các bé hãy ăn với chị.

Những đôi mắt nhìn nhau, rồi nhìn lên Cát Tường. Những hòn bi phản chiếu một sự chờ đợi. Rồi không thấy Cát Tường nói gì cả, những cái miệng tự động mở ra, hát:

- “Là nai đàn nên nhường nhau miếng cơm

Là chim bầy nên chia nhau miếng khoai

Giờ cơm đến rồi

Giờ cơm đến rồi….”

Lời hát ngân ra làm Cát Tường ngơ ngẩn: mình đã quên không bắt giọng và bắt nhịp cho các bé hát, nên chúng phải tự động cất tiếng. Những lời hát hỗn độn, không hòa hợp. Rồi sau đó, những mái đầu cúi xuống trên bát cơm nóng.

Bữa ăn qua nhanh, rồi nai đàn tụ tập trước sân, đứng thành hàng đôi. Cát Tường muốn nghĩ ra một trò chơi mới để vui với đàn trẻ. Nhưng cũng những đôi mắt là lạ ấy khiến Cát Tường bâng khuâng. Muốn biết các bé nghĩ gì từ lúc nghe Cát Tường sẽ đi. Tin loan ra vào bữa ăn trưa, do Cha Đạo nói. Trước mặt Cha khi đó, những gương mặt không dám biểu lộ gì. Nhưng buổi chiều nay, có một nỗi gì đè nặng không khí của bữa cơm. Chính Khánh, người ăn khỏe nhất, hôm nay cũng chỉ ăn có một chén. Có một sự ngầm đồng ý với nhau, là không nói gì hết - ở những đôi mắt kia, Cát Tường đã đọc được. Nhưng tại sao phải như thế? Nói đi các bé! Nói một điều gì đi, tỉ như: chị hãy mua truyện cổ tích gửi về cho anh Khánh kể… Sao những gương mặt linh hoạt kia đang trở thành nghiêm nghị, xa lạ với nhau? Ôi, một sự thay đổi lạ lùng quá! Chị không muốn thế.

- Các bé hãy nghe này! Chị dặn một chuyện: Chiều nay, tối nay, chị em mình chơi với nhau. Các bé muốn chơi trò gì chị cũng chìu hết. Mai sáng chị đi sớm lắm. Các bé cứ ngủ nhé, đừng thức dậy Cha rầy.

Cát Tường dừng lại, nhìn một loạt bầy trẻ. Cũng một sự im lặng kỳ lạ trải ra khiến không khí có vẻ căng thẳng.

- Chị sẽ về thăm các bé khi bãi trường. Chị sẽ tìm mua nhiều sách truyện gửi về cho Khánh, Diệu và Thương kể cho các em nghe. Chị sẽ…

Cát Tường im bặt. Sự im lặng của các bé đồng nghĩa với sự buồn bã. Nắng tắt hết trên ngàn cây lá. Một bầy chim lả tả bay về phía bên kia nóc nhà nguyện. Vài đứa trẻ ngơ ngẩn nhìn theo…

- Chị muốn chiều hôm nay, các bé hát cùng với chị tất cả những bài hát mà chị đã dạy. Nhớ không? Đầu tiên là bài “Cha em”, các bé hát nào, “Em thương Cha em lắm, người cha tóc trắng…”

Hai mươi hai cái miệng, hai mươi hai giọng hát cất lên. “Cha em như ánh nắng, chiếu ấm đời em. Cha mặc áo màu đen, nhưng tim Cha sáng hơn ánh đèn…” Cát Tường nhắm mắt lại, hồ như trong bóng tối thấy rõ được thời ấu thơ. Thời yên ấm đó chấm dứt khi con tim biết khóc gào những lời nức nở. Rồi Cha đến. Trên sân vuông vắn của viện cô nhi nhỏ bé, Cha hỏi: “Con muốn ở lại đây không?”…. Sáu năm trôi qua, đời sống là một trang giấy viết đều đặn như nét chữ của Nhu Mì. Rồi Cha hỏi: “Hiểu Cha không? Cha muốn con được sống bình thường như những người con gái khác”.

- Nhớ gì không các em? Sáng sáng anh Khánh dẫn các em đi lượm củi. Có bài hát gì nào? “Nào anh em kéo củi về làng….”

“Nào anh em, nào anh em….” Tiếng hát ở trên sân, mà như vang đến từ cuối rẫy. Mãi mãi không quên nghen các em! “Mặt trời lên lung linh ánh vàng. Dưới mặt trời , ta sẽ thấy đời bằng an”. Vì hôm đó, người đã đến – Quy-Li-Ve của chúng ta. Người mạnh mẽ, người khoan hòa và dịu ngọt lắm. Hát mừng người nhé! “Người đã đến như Quy-Li-Ve, giấc ngủ ngon. Người nào biết vây quanh, vây quanh, bầy tí hon…” Biết gì không? Từ lúc có người, bao nhiêu sự đổi khác đã xảy ra trong lòng chị. Cái dáng người ngồi, dáng người đi, dáng người cúi mình trên luống đất, dáng người cuốc xới dưới rẫy khoai, dáng người trầm mặc trong nhà nguyện… tất cả đều gây động như hình ảnh người mệt lả nằm trên chiếc xe chở củi. Biết gì không? Đó là hình ảnh của một người rất thân mến, tự thuở nào, hay chỉ bắt đầu hôm đó? Lẩm cẩm quá! Xa vời quá! Ngày mai chị bước chân ra đời, thật thế. Chị sẽ đơn độc lắm, nhưng chỉ một thời gian thôi, rồi sẽ mãi mãi bên người… Tiếng hát chấm dứt rồi nhưng tâm trí Cát Tường còn lâng lâng.

- Các bé nghe này! Từ ngày mai, các bé phải nghe lời anh Khánh như nghe lời chị vậy nhé! Buổi sáng khi anh Khánh dẫn các em trai xuống rẫy, các em gái phụ chị Diệu tưới rau, hay giúp chị Thương nấu cơm. Mỗi bữa phải nhớ mang cơm qua cho Cha trước, ông Năm cũng vậy. Ba ngày phải lau chùi nhà nguyện một lần. Phòng ngủ, phòng học, nhà cơm phải thường xuyên quét dọn sạch sẽ. Cần thưa việc gì cứ đến với Cha, nhưng tránh đừng xáo trộn giờ Cha tĩnh tâm. Phải khuyên nhủ nhau, đừng gây gỗ xích mích...

- Dạ.

Lũ trẻ thật ngoan! Cát Tường nghĩ thế, rồi tiếp:

- Xem nào… À, sáng thức dậy nhớ đọc lời tâm niệm trước khi ăn điểm tâm. Tối phải ngủ sớm. Chị giao tủ thuốc cho Thương. Bé nào bệnh phải nói ngay. Trợt té hay đứt tay phải nhớ xức thuốc.

- Dạ! Dạ!

Cát Tường ngẫm nghĩ… Những điều căn dặn đã quá tỉ mỉ, chắc như vậy cũng đủ rồi. Chỉ còn thiếu những điều như… ăn phải nhai, ngủ phải nhắm mắt nữa thôi.

- Bây giờ, các bé nghe nè! Chị em mình chơi một trò chơi. Các bé muốn chơi gì?

- Mèo bắt chuột.

- Chuyền vòng.

- Bỏ khăn.

- …

Chờ cho trẻ bớt xôn xao, Cát Tường nói:

- Ta chơi bỏ khăn vậy. Đợi chị một lát, chị vào phòng thuốc lấy cái khăn.

- Nhanh lên nghen chị. Bỏ khăn khăn bỏ khăn chuyền, ba cô bốn cậu đi tìm cái khăn.

Để lũ trẻ nhỏ đứng đó, Cát Tường chạy nhanh đi. Ở trong phòng thuốc, lúc một mình lui cui tìm mảnh giẻ làm khăn, Cát Tường nghe tiếng động sau lưng. Bé Hậu rụt rè đến bên cạnh. Cát Tường hỏi:

- Chi đó Hậu?

- Dạ… chị ơi….

- Em cần gì không?

Và nhìn lại, Cát Tường bắt gặp ánh mắt là lạ của thằng bé Hậu giống như lúc ở nhà cơm.

- Có chuyện gì đó Hậu? Em cứ nói đi!

- Chị…

- Sao em?

- Em nói… chị đừng rầy em nghen!

- Hả?.... Ừ, chị không rầy đâu. Nhưng có chuyện gì?

- Em… em muốn nhờ chị đưa giùm cho anh Trúc cái này. Chị nói với anh ấy là không phải em cố ý lấy cất giữ, mà tại vì… em không biết đọc chữ…

Cát Tường không hiểu:

- Mà cái gì vậy?

Bé Hậu ấp úng:

- Cái hộp…, em lượm được ở bìa rừng, chỗ anh Trúc nằm ngất đi. Hôm ấy, các anh kéo anh Trúc đi trước, em theo sau, lượm được cái hộp này. Em thấy nó đẹp, nhưng em không biết là của anh ấy, nên em cất đi.

- Rồi tại sao bây giờ…

- Chị ơi, hôm qua chị dạy em, em đánh vần được chữ “Trúc”, em mới biết. Trên hộp này có tên anh ấy. Chị đừng la em nghen! Tại … em dốt…

Cát Tường bật cười:

- A, chị hiểu rồi. Đó, chị khuyên em hoài, phải học đi, chứ có chữ “truyền” đọc cũng không ra, chữ “trúc” đọc cũng không ra. Đâu, đưa chị xem, cái hộp gì vậy?

Bé Hậu lấy một vật nhỏ trong túi áo ra, nhưng chưa chịu đưa, nói:

- Chị nhớ nói anh ấy đừng giận em nghen!

- Anh ấy không giận đâu. Đưa cho chị đi.

Hậu đưa cho Cát Tường một cái hộp nhỏ hình trái tim, rồi chạy ra ngoài. Cát Tường lẩm bẩm:

- Của anh Trúc!

Thật thế, trên nắp hộp có khắc tên của Trúc. Cát Tường mỉm cười, rồi mở hộp ra. Trong trái tim nhỏ nhắn ấy chỉ vỏn vẹn có tấm ảnh của một người con gái. Một khuôn mặt hiền ngoan nổi bật lên với màu áo vàng. Ở góc phải của tấm ảnh, hai chữ “Hồng Phước” được viết thật nhỏ. Khi Cát Tường chạm đến, chút keo dán lâu ngày tróc ra, làm bức ảnh lệch đi. Cát Tường lật sau lưng tấm ảnh, và đọc được một dòng chữ viết…

Chiếc hộp được đóng lại. Và trái tim nhỏ nhắn dễ thương ấy được Cát Tường nâng niu bằng bàn tay run rẩy, áp vào ngực, nơi đó có con tim của mình đang muốn khóc òa.

Chương 11

Bước thật nhẹ vào căn phòng, Trúc nhìn thật kỹ một lần cuối những gương mặt thân quen. Ánh đèn mờ nhạt không làm Trúc thấy rõ từng đứa, nhưng Trúc không muốn đem ánh sáng vào làm thức giấc lũ trẻ. Trúc nhìn qua những chiếc mùng sậm màu, ở đó thấy lại những đôi mắt, những bàn tay, mà suốt những ngày qua đã đem đến cho mình tiếng cười. Sự việc đó xảy ra thật, nhưng quả giống chiêm bao. Đây là một làng cô nhi, như mọi làng cô nhi, nhưng phải chăng cũng là một xứ sở gồm những thần dân nhỏ biết yêu thương và biết cho nụ cười. Là xứ tí hon. Là nước “Chim Chích”. Còn ta là Gulliver. Ở đây ta được hưởng tràn trề những đãi ngộ. Không phải thịt cừu, rượu vang, mà cơm ghế khoai và nước lạnh. Không phải chiếc giường vương giả, mà tấm mền cũ, chiếc gối độn rơm. Nhưng tất cả đó là ân sủng của đấng thiêng liêng đã ban cho.

Những đôi mắt nhắm kín. Những bàn tay đặt ngoan ngoãn trên gối, trên mền. Thôi, giã từ nhé, nước tí hon đáng ỵêu! Những ngày sắp tới anh sẽ sống lại cuộc đời của anh. Chắc lại tiếp nối bước chân bận rộn. Nhưng cái hân hoan to lớn nhất là được gặp lại người thân, nhìn lại những khuôn mặt mà cách nay nửa tháng – khi nằm trong khu rừng nhỏ, anh đã tưởng như không còn bao giờ gặp lại. Là mẹ thân yêu, là các em thương mến, là Hồng Phước với màu áo vàng rực rỡ. Là phố phường vui vẻ tấp nập. Là bạn bè anh, những người còn sống.

Một đôi mắt mở lớn nhìn Trúc. Đôi mắt của bé Nhu Mì. Nhưng cái miệng xinh xinh như là biếng cười. Nhu Mì thức giấc tự lúc nào, ngồi trên giường. Trúc cúi xuống, nhìn đứa bé xuyên qua lớp mùng vải. Trong đôi mắt chứa chan những điều buồn bã tội nghiệp. Tự nhiên một niềm xúc động ùa đến thật mạnh mẽ, Trúc nói nhỏ:

- Bé không ngủ tiếp đi?

Nhu Mì lắc đầu. Trúc nói:

- Anh đi, nha bé!

Đứa bé gật đầu.

- Bé viết gì cho anh đi!

Một cái lắc đầu nữa. Đôi mắt Nhu Mì nhíu lại như không muốn nói thêm một điều gì. Trúc nhìn đứa bé thật lâu. Sự im lặng làm không khí trĩu xuống. Và cho đến khi có tiếng ông Năm gọi khẽ:

- Cậu Trúc! Xe đã sẵn sàng, cậu ra đi!

Trúc đành phải quay ra.

° ° °

Cha Đạo ân cần nắm lấy bàn tay Trúc, nói:

- Cha chúc con gặp được vạn sự lành.

Và vuốt mái tóc Cát Tường, Cha cười nhẹ:

- Còn Cát Tường đây, Cha xin gửi gắm cho gia đình con. Cha mong nó sẽ hưởng được mọi thứ tình thương mà nó mong ước.

Rồi chừng như nhận thấy câu nói của mình có vẻ khách sáo quá, Cha Đạo mỉm cười yên lặng, nhìn Trúc và Cát Tường vào xe.

Cát Tường run run nói:

- Thưa Cha…

- Chi con?

Giọng nói trở nên ướt sũng:

- Con…

- Ừ, con đi bình an. Nhớ viết thư cho Cha.

- Dạ… Nhưng mà, thưa Cha…

Cát Tường nghẹn ngào. Trúc đang nói với Cha Đạo những lời tri ân và từ giã, nhưng Cát Tường nghe không rõ tiếng nào.

Ông Năm mở máy xe. Tiếng máy làm xao động không khí yên tĩnh của buổi sớm mai. Cái bóng áo đen của Cha Đạo quyện đầy khói, trắng mờ như mái tóc. Cát Tường quay đầu nhìn về phía nhà ngủ. Xem kìa!!! Tiếng máy xe rộn ràng đó đã khiến một cánh cửa sổ mở ra, hai ba cái đầu trẻ thơ xuất hiện. Có một nét hốt hoảng in trên gương mặt dại khờ. Rồi từ hai khung cửa, những bước chân cuống quít chạy ra. Đám trẻ nhỏ chạy theo xe ông Năm, vừa vẫy , vừa ríu rít lời chào từ giã. Cát Tường bấu bàn tay vào kính cửa, mà người cứng ngắc như tượng đá, trong khi Trúc đưa tay vẫy chào với bầy trẻ. Cát Tường thấy cánh cổng lùi lại sau lưng. Có tiếng chuông leng keng… leng keng… Rồi Cát Tường bỗng như nghe trong tiếng chuông đó, có vang vọng tiếng cười vui của những người được gặp gỡ. Ở đâu đây có nỗi mừng tủi của những kẻ thương yêu nhau. Mà trên đám cỏ xanh có một cội cây cô độc, trong những tiếng reo vui có lẫn một nốt nhạc buồn.

Con đường nhỏ dẫn ra lộ lớn ngắn dần, ngắn dần… Đến lúc thấy trước mắt là cái mặt đường quang đãng, khá phẳng phiu, Cát Tường nhỏm người dậy. Bây giờ mới thật sự hốt hoảng. Cát Tường kêu lên:

- Ông Năm! Ông Năm!

- Cái gì đó?

- Ngừng lại! Ông Năm ơi, ngừng lại!

Ông Năm thắng xe ngay. Két!!! Cả Trúc và ông Năm đều ngạc nhiên. Ông Năm hỏi:

- Chuyện gì vậy, Cát Tường?

Cát Tường mở cửa xe, bước xuống đường. Trúc lo lắng:

- Cát Tường, sao thế?

Cát Tường nói thảng thốt:

- Cho em về! Ông Năm, cho cháu trở vào!

Ông Năm ngơ ngác:

- Kìa, sao lạ vậy cháu?

Đôi mắt Cát Tường đỏ hoe. Cát Tường nói cứng ngắc:

- Ông Năm đưa anh Trúc đi tiếp đi, cho cháu ở lại.

Rồi Cát Tường quay mặt. Trúc xuống xe, đến bên Cát Tường, hỏi vội:

- Cát Tường, nói cho anh nghe, có chuyện gì?

Cát Tường đứng dưới một tàn cây. Cả hai gương mặt đều chìm vào bóng mát – không, là bóng tối, bởi vì mặt trời buồn bã còn chưa muốn chiếu sáng. Nhưng trong bóng tối ấy, đột nhiên Trúc đã nhìn thấy được Cát Tường – một Cát Tường không giống như Cát Tường những ngày qua. Đó là sự linh cảm, nhưng Trúc chắc chắn sự linh cảm của mình đúng.

Trong bóng tối chỉ có đôi mắt hiện rõ, long lanh. Và giọng nói như phát ra từ hai đáy nước đó:

- Em phải ở lại. Em đã thấy rồi, em không thể sống thiếu Cha Đạo…

- Cát Tường!???

- Em không thể sống thiếu bé Nhu Mì, thiếu Khánh, thiếu Hậu….

- Nhưng anh muốn…

- Cám ơn anh. Em đã bỏ một dịp để được sống bình thường. Nhưng… ở đây, em có đầy đủ…

Cát Tường nghẹn lời. Rồi lấy trong túi ra chiếc hộp hình trái tim, Cát Tường đưa cho Trúc:

- Bé Hậu nhờ em đưa lại cho anh và xin lỗi anh giùm. Vì bé không đọc được chữ nên lượm được vật này mà không biết của anh để trả lại. Đây không phải… là lý do khiến em ở lại, mà nó chỉ giúp cho em có đủ lý do … để ở lại mà thôi. Em phải ở lại vì… vì em thương Cha, thương các bé của em…

Trúc bồi hồi:

- Cát Tường đã nghĩ kỹ chưa?

- Cả đêm hôm qua em đã không ngủ. Như vậy anh đừng lo là em quyết định vội vàng. Có điều… em đã đi theo với anh được một quãng đường, và em thấy rõ là… em không thể đi thêm được nữa.

- Anh có làm gì để buồn lòng Cát Tường không?

- Không, không bao giờ.

- Anh không yên tâm chút nào.

- Em luôn luôn giữ với anh một lòng quý mến.

Trúc cầm lấy chiếc hộp, và nhận thấy hai bàn tay của Cát Tường run run. Đúng là một Cát Tường bé nhỏ, yếu đuối và đa cảm – con người đó, đôi mắt đó, mái tóc đó, cái dáng mảnh mai hiền hậu đó… Chúa ơi! Nếu điều linh cảm của con là đúng, thì con là người có lỗi phải không? Thời gian mười mấy ngày trú ngụ ở làng cô nhi chưa đủ để con cảm nhận một điều tế nhị, nhưng phải chăng đã đủ nuôi dưỡng một tình yêu kín đáo và thánh khiết của một người con gái?

Trúc cất chiếc hộp vào túi áo. Cát Tường cúi đầu xuống, mái tóc che mất hai vực nước long lanh. Nhưng ở trên cành, bỗng có tiếng của một con chim muốn dậy sớm bắt sâu. Tiếng chim làm Cát Tường nôn nóng trở về. Vì ở đó, nơi trú ngụ yêu mến của mình, những con chim nhỏ chắc cũng đang bắt sâu cho một ngày mới mẻ.

- Anh Trúc đi bình yên. Em phải trở lại.

Hai bàn tay giá lạnh của Cát Tường bỗng ấm lên, vì bàn tay rắn chắc của Trúc đang nắm lấy.

- Anh xin lỗi Cát Tường, nếu anh đã làm gì cho Cát Tường buồn.

- Không. Em đã nói là không bao giờ.

Cát Tường cố giữ nét mặt thật bình tĩnh để Trúc yên lòng. Ông Năm đứng yên ở đàng xa, lắc đầu.

Trúc thở dài:

- Cha Đạo đã gửi gắm Cát Tường cho anh. Cát Tường đổi ý như vậy, anh rất áy náy.

- Em sẽ nói cho Cha nghe ý nghĩ của em. Anh Trúc hãy đi, chẳng còn thì giờ nữa đâu!

Cát Tường rút bàn tay ra khỏi bàn tay Trúc, nói lớn với ông Năm:

- Ông Năm đi đi! Nhớ mau về, mua cho cháu nhiều sách truyện.

Mặt trời đang ló những tia mắt đầu tiên. Sau hướng đó, người sẽ tiếp tục bước chân. Cát Tường quay lưng, bước đi như chính mình không điều khiển được. Không dám ngó lại nhìn người đang vào xe. Nhưng ở sau lưng, tiếng máy nổ rộn ràng. Và khói, khói ùa tới, quyện lấy đôi chân mình, mênh mông….

Chương 12

Đường đất ngắn còn hai bước, và đã đến cổng rào.

Cát Tường đứng dừng lại ở đó, hai bàn tay chắp vào nhau, đặt lên cánh cổng ghép bằng đủ thứ cây gỗ. Nắng dội tràn hai vai. Trên cây, chim đang hát giùm những lời thương thân. Mà sao hai mắt khô cứng, thần trí đặc quánh lại như không còn ý nghĩ.

Chỉ cần mở cánh cổng này, những tiếng chuông leng keng sẽ vang lên, ít nhất cũng lan đến phòng học, để trẻ nhỏ biết rằng có người đến, có người trở về. Nhưng kìa! Hai mắt Cát Tường mở lớn, nhìn thấy sợi dây buông thõng trên cánh cửa rào. Không còn có chiếc chuông, ai đã cắt đi? Cánh cổng mở, nhưng không có tiếng leng keng… leng keng… Không gian lạnh ngắt. Những mái nhà hờ hững. Những lối đi im lìm. Mới ban nãy khi tiếng xe nổ dòn dã, đám trẻ thơ ùa ra từ nhà ngủ, những bàn chân tí hon cuống quít, những bàn tay nhỏ bé vẫy đưa. Mình trở lại, chắc các bé không ngờ. Có lẽ giờ này sắp bắt đầu ăn sáng. Cát Tường ngơ ngác bước qua luống đất ướt. Đám bắp cải đã vừa lớn. Đám lá hành đã vừa cao. Những năm sống ở đây bình thản quá, mình chưa có một hôm nào ngồi tưởng tượng một trận mưa bão vô tình làm nát úa cỏ hoa. Mà đến nay thì đã thấy, chỉ những dấu chân trên thềm kia – dấu chân êm ái và hiền hòa biết bao – đã làm cho cõi lòng bé nhỏ của mình có những vết hằn sâu đậm. Ôi! Người đã đến, như Quy-Li-Ve, giấc ngủ ngon; người nào biết vây quanh người, là cảm tình của ta, là đôi mắt của ta. Tội nghiệp ta quá, tội nghiệp người quá – những kẻ không gặp nhau ở một môi trường thuận tiện, ở một thời gian tốt lành. Có Chúa không? Sao Chúa đã đem người đến rồi để người đi? Có Chúa không???...

Cửa nhà nguyện đã mở! Hai dãy ghế dài hun hút. Có một người, một vị thần, hay một nhà hiền triết, ở đầu xa lắc đó. Người không phải đang ban tình yêu cho thiên hạ ư? Ta thấy rồi, Người đang vui vẻ dang tay trên Thập Tự Giá. Đinh đóng trên da thịt Người. Máu đổ từ huyết quản của Người. Là Chúa đó! Là câu trả lời cho con đầy đủ nhất, phải không?

Cát Tường run run bước tới, qua từng hàng ghế. Trước mặt Thập Tự Giá, cái hình hài thân quen đang lặng im như một chiếc bóng. Tấm áo đen cũng bạc màu như đất. Mái tóc trắng là hình ảnh cô quạnh nhất đời. Và đôi mắt, khi người quay lại, không phải là hai giếng khô hạn, mà đang rơm rớm lệ.

- Thưa Cha…

- Sao con trở lại? Con quên thứ gì à?

- Thưa Cha, không.

- Chứ sao vậy? Trúc đâu?

- Anh ấy đi với ông Năm rồi. Con muốn thế. Con muốn… ở lại đây.

- Tại sao?

- Vì con không muốn xa Cha… xa các bé…

Nói xong câu ấy, Cát Tường cảm thấy mình dối trá, bật khóc nức nở. Thật lòng ta như như thế chăng? Không muốn xa Cha, xa các bé, sao ta bằng lòng về một thành phố lạ? Thương cái làng cô nhi này, sao ta bằng lòng yêu qu‎ý người hơn? Khi đi đã là mâu thuẫn, khi về lại càng mâu thuẫn hơn. Ta đã tự lừa dối chính ta khi nói “vì thương Cha, vì thương các bé”.

Cha Đạo thở dài:

- Nhưng con đi, đâu có nghĩa là con không thương Cha và các em con đâu! Chính Cha, vì thấy con đã lớn, nên Cha muốn con có đủ những điều kiện để sống thật với điều mong ước của con.

- Con không mong ước gì cả.

- Con đừng giấu giếm với Cha. Cát Tường, con yêu Trúc phải không?

Cát Tường bàng hoàng mở lớn mắt nhìn Cha Đạo. Điều gì quen thuộc quá, nhưng lạ lùng quá! Con yêu Trúc phải không? Cha Đạo hỏi một câu không ngờ. Cha nào biết câu hỏi đó có tác dụng như một cơn sóng làm nước mắt ào ạt chảy thêm. Con yêu Trúc phải không? Con có bao giờ nghĩ như vậy đâu! Hay chính con đã cảm thấy như vậy rồi, ngay từ lúc người được đưa về làng, từ dưới chân đồi nhỏ?

Cát Tường sụt sùi:

- Thưa Cha, xin Cha đừng bắt con phải nói ra những điều tồi tệ.

Cha Đạo lắc đầu:

- Yêu thương là tồi tệ à? Không, chính sự giấu giếm với Cha và giấu giếm chính con mới là tồi tệ.

Cát Tường nói như kể lể với mình:

- Anh Trúc chỉ muốn nhận con làm một đứa em. Anh ấy thương và lo cho con thật lòng, con biết vậy. Nhưng, tình cảm của con đối với anh ấy thì khác. Nếu chỉ thương anh ấy như thương một người anh, con… con… đã không rời nơi này để đi.

- Cha đã đoán như vậy.

- Nhưng thưa Cha, anh ấy đã có một người… một người yêu. Là Hồng Phước. Chiều hôm qua bé Hậu đưa cho con một chiếc hộp, trong ấy có ảnh của Hồng Phước và một dòng chữ đủ nói lên tất cả.

- Chiếc hộp ở đâu mà Hậu có?

- Dạ… ở bìa rừng, bé Hậu nhặt được từ hôm đưa Trúc về.

- Sao nó không đưa cho Trúc ngay hôm đó?

- Thưa Cha, Hậu không đọc được chữ, nên lúc ấy không biết là của anh Trúc.

Cha Đạo gật đầu:

- Cha hiểu rồi. Nhưng con đã đọc được dòng chữ gì?

Cát Tường cắn môi, nghẹn ngào:

- Xin Cha cho phép con không nói ra. Dòng chữ của một người yêu viết cho một người yêu… Con đã đưa trả cho anh Trúc ban nãy.

Cha Đạo thở dài:

- Những lần nói chuyện với Trúc, Cha thường hỏi Trúc “có ai chưa?”, anh ta chỉ cười. Cha hiểu rồi, khi chưa thì người ta sẽ đáp là chưa, còn khi người ta cười… A! Tâm lý bọn thanh niên, thật là…

- Con xin Cha tha lỗi cho con, vì con đã trở lại. Con biết như thế là làm buồn lòng Cha và anh Trúc, làm buồn… cả chính con. Nhưng Cha ơi! Con yếu đuối, tầm thường, con đã làm thế vì hình ảnh của Hồng Phước…

- Con không có lỗi. Cha thương con không hết, giận con sao được? Cha muốn con – và các con – có được một cuộc sống bình thường như mọi người, nên từ lâu Cha hằng chờ đợi có dịp gửi gắm con cho một nơi nào mà chính con cũng ưa thích. Vì mong muốn như vậy, nên Cha không hề bắt buộc con, các con, phải sống như Cha, ép mình theo một đời đạo hạnh.

Cát Tường bàng hoàng ngước nhìn Cha Đạo. Ôi, trong đôi mắt già nua đang rơm rớm lệ kia, có phải đã chứa đựng cả tình thương bát ngát của Chúa? Cha đâu có bắt chúng con học thuộc lòng kinh sách, hay phải sống như các nhà tu. Vì Cha còn muốn có một ngày Cha gửi chúng con về đời. Nhưng Cha ơi, con đã thấy, cái hạnh phúc cá nhân, tuy hân hoan lắm nhưng dễ tan vỡ lắm! Cha không ép con sống đời đạo hạnh, nhưng khi con rời bỏ nơi này, không làm một cánh tay của Cha nữa, chắc Cha cũng buồn lắm. Chính đôi mắt của Cha, bao năm khô khan, hôm nay long lanh lệ, đã nói với con đầy đủ.

Có tiếng ai gọi trước cửa nhà nguyện. Cha Đạo nhìn ra, rồi dời bước. Cát Tường còn ngồi im trên ghế. Nước mắt đã khô ở trên má. Cái cảm giác của một người-trở-lại mang mang ở trong lòng. Ta trở lại, chỉ vì chiếc hộp, chỉ vì tấm ảnh của Hồng Phước, cô bé áo vàng. Chỉ vì một dòng chữ yêu thương của một người-yêu viết cho một người-yêu. Chỉ vì con tim của ta bị tổn thương bởi chính ta. Ngoài ra, không vì lẽ gì hết. Không vì Cha Đạo, không vì các bé. Không vì lòng thương nhớ lưu luyến nơi này. Có phải như vậy không? Bây giờ thời gian bị chận lại ngoài cửa, không gian trở lại tĩnh yên như những buổi ta đem cơm vào cho Cha, ta đã nhìn thấy rõ ràng con người của ta, bé mọn, nhỏ nhoi, yếu đuối và tầm thường. Chúa ơi! Con chưa sống được một đời đạo hạnh. Có phải ở thời gian này, ở không gian này, Chúa muốn con nhìn thấy rõ Chúa? Vâng, con đã thấy rồi! Ở trước mặt con, trên cây Thập Tự Giá, hình như có những giọt máu của Chúa nhỏ ra, sáng ngời như nước mắt.

Cát Tường vùng đứng dậy, đi qua những hàng ghế, mở cửa nhà nguyện. Ánh nắng ùa vào làm nền nhà rực rỡ. Cát Tường nhìn thấy Cha Đạo đang bước nhanh qua khoảng sân đất mềm. Phía trước Cha là bé Ngoan. Bước chân của Cha khập khiễng vội vã nhưng không đi mau bằng đôi chân của đứa trẻ. Cái chân của Cha! Cái chân gỗ! Cái chân của một thời trả giá cho cuộc đời vị tha, đạo hạnh, trả giá cho một con tim bác ái. Cái chân nhắc nhở cho một đêm ở làng cô nhi này, cái chân cứu người thương binh, đêm đã trở thành một kỷ niệm se lòng…

Có việc gì ở đó? Giờ này các em ta đang ăn sáng, hay bắt đầu xuống rẫy? Có việc gì? Có việc gì? Cát Tường tự hỏi rồi hoảng hốt chạy theo hai cái bóng phía trước. Cha Đạo và bé Ngoan đã đi vào nhà cơm. Cát Tường chạy theo đến nơi. Rồi tự nhiên tim đập thật mạnh. Cát Tường khựng chân lại. Các bé có biết chị đã về đến không? Từ ngoài đường lớn vào đây là cả một không gian xa cách. Từ sáng tinh mơ khi mặt trời còn rúc đầu sau mây đến lúc này là cả một quãng thay đổi lớn của cuộc đời. Cái con người nào cũng vậy, hầu như có những khoảnh khắc cách nhau mươi- mười lăm phút là cả hai con người khác biệt. Các em biết vậy không? Cát Tường bồi hồi bước lên thềm nhà. Sau khung cửa sổ, những mái đầu lô nhô bên nhau. Là nai đàn. Là chim bầy. Nhưng đàn nai hỗn độn, bầy chim xao xác. Khánh đang đứng trước mặt Cha Đạo, phân trần:

- Thưa Cha, sáng nay Hiền, Lương và Hảo đòi nghỉ, không đi đào khoai.

- Tại sao vậy?

- Các em đó nói là khoai còn đủ ăn ngày hôm nay. Con muốn hỏi ý Cha có bằng lòng không.

- Việc đó tùy ở con sắp xếp chứ! Cha nhớ là Cát Tường đã giao cho con phần đào khoai và lượm củi.

- Thưa Cha, còn bé Hậu nữa, bé Hậu cũng xin qua phòng học để tập viết ạ.

Cha Đạo trố mắt:

- Hôm nay thằng bé siêng vậy?

- Con có bảo là làm việc xong, trưa sẽ học, Hậu không chịu.

Có tiếng bé Hậu:

- Em chưa thuộc bài. Em phải học, nếu không thì Cha bắt em lên tỉnh học nghề.

Cha Đạo cười:

- Ai nói với con vậy?

- Dạ, chị Cát Tường.

- Nhưng con cũng phải làm việc để phụ giúp anh Khánh, nghe không?

- Thưa Cha, con nghe. Nhưng… Cha đừng bắt con lên tỉnh.

- Sao? Con không thích lên tỉnh à?

- Dạ không. Lên tỉnh không vui. Con chỉ thích ở đây hà!

Trái tim Cát Tường thắt lại. Ở trong kia, Cha Đạo lại cất tiếng:

- Còn chuyện gì nữa không?

Khánh đáp:

- Thưa Cha, còn ạ. Nhiều bé áo đã rách, xin may áo khác.

- Đã có vải của ông Năm mua về.

Tiếng của Thương:

- Thưa Cha, con biết may, nhưng không biết cắt. Chị Cát Tường chưa dạy con cắt áo.

Khánh hỏi:

- Diệu đâu rồi?

- Diệu bị cháo đổ phỏng tay.

Cha Đạo lo lắng:

- Đâu? Diệu đâu? Đã xức thuốc gì chưa?

- Thưa Cha, con đây!

Cát Tường hốt hoảng nhìn thấy Diệu bước đến, cánh tay băng trắng toát. Cát Tường giật mình, thốt lên:

- Không được! Tay phỏng không được băng kín mít như vậy.

Chim đầu đàn xuất hiện ở cửa phòng, làm bầy chim nhốn nháo. Mấy mươi cái miệng mở ra, ríu rít những tiếng vui mừng:

- Chị Cát Tường!

- A! Chị Cát Tường về!

- Chị không đi nữa sao?

Cát Tường xúc động:

- Chị không đi. Không đi đâu hết.

- A! Thích quá! Thích quá!

- Nghe chị bảo đây! Sáng nay Khánh vẫn dắt các em trai xuống rẫy, đào thêm khoai để trưa nay chị làm bánh. Thương giúp chị tưới rau. Chị sẽ cắt áo quần cho các em. Hậu được nghỉ một bữa để tập viết. Còn Diệu, đưa cánh tay đây! Phỏng không bao giờ băng cột chặt như thế này.

Phút chốc, sự an ổn đã trở lại trong bầy chim xao xác. Vì sự có mặt của Cát Tường như lấp đầy một chỗ trống lớn lao. Khi ra đi tưởng mọi việc sẽ tiếp tục dù không có mình, lúc trở lại mới thấy rằng sự rời bỏ cái tổ chim thân ái này là một lầm lỗi vĩ đại. Cát Tường nhìn Cha Đạo. Ở trong đôi mắt già nua như đang rưng rưng sóng. Cha mỉm cười. Rồi Cha quay gót. Đôi chân khập khiễng. Áo màu đen. Tóc pha màu ngày tháng. Cát Tường cũng muốn nói “Cha ơi, con thương Cha…” như đêm nào có hai kẻ lạ mặt. Nhưng thôi, hãy để yên như vậy. Chắc Cha cũng biết trong lòng ta có những ý nghĩ gì rồi.

Cát Tường quay lại, hỏi:

- Các bé đã đọc lời tâm niệm chưa? Ăn sáng chưa?

Khánh đáp:

- Chưa ạ. Lúc Diệu mới bị phỏng, em bảo Ngoan qua mời Cha liền.

- Vậy các bé đọc đi! Trễ rồi, còn phải làm việc nữa.

Đàn trẻ ngồi vào bàn, trước bữa điểm tâm nóng hổi. Mấy mươi cái miệng mở ra, vui vẻ đọc:

- Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, rèn luyện thể chất chúng con,…

Cát Tường nhíu mày, suy nghĩ. Có một cái gì thiếu vắng ở đây chăng? Hình như trong sự náo động thiếu một sự lặng yên. Hình như trong tiếng trẻ nhỏ đọc đều đều kia, thiếu một lời câm nín. Là thế nào? Cát Tường đảo mắt nhìn tất cả những khuôn mặt. Khi tiếng “A-men” vừa dứt, Cát Tường hỏi ngay:

- Nhu Mì đâu?

Không đợi nghe trả lời, Cát Tường ra lệnh:

- Các em tiếp tục ăn đi! Chị ra kiếm Nhu Mì.

Rồi bước nhanh ra cửa, Cát Tường chạy qua phòng ngủ. Không có Nhu Mì ở đó. Nhưng ở trên giường của Nhu Mì, quyển vở mở ra để hỏng hờ trên gối. Cát Tường cầm lên, thấy ở hai trang liên tiếp, Nhu Mì đã vẽ thật nhiều đèn nến – những ngọn nến nhỏ bé, mong manh như dáng nhỏ của Nhu Mì. Chiều hôm qua, Nhu Mì cũng đã vẽ như vậy. Nhưng niềm vui quá to lớn khiến Cát Tường không thấy lệ của nến lan quanh chân đèn. Bây giờ, nước mắt của Cát Tường đang rơi xuống hai trang giấy mỏng, tưởng như đông đặc lại thành sáp, tưởng như có âm vang thành tiếng chuông kêu. Cát Tường ôm quyển vở vào ngực, bàng hoàng bước ra cửa. Ở phía đó, phía mặt trời lên đó, nơi mà sáng hôm nào tiếng xe cót két hân hoan đưa người về, cái ngọn đèn nến cô độc nhỏ bé đang thất thểu đi lên. Mà Cát Tường thì hiện ra sáng chói dưới nắng. Những bước chân cuống quít chạy đến với nhau. Leng keng… Leng keng…! Tiếng chuông rung lên như từ một bản thánh ca, như từ một góc nhà thờ. Tiếng chuông từ trong giọt lệ. Tiếng chuông ở trong bàn tay của Nhu Mì!...

Nhu Mì nhé, chị đã biết bé đi đâu. Chị đã biết bé nghĩ gì. Chị chẳng đi nữa. Chị ở lại đây. Chỉ có kẻ dại khờ mới từ bỏ những thân tình hiện có. Chị chẳng muốn làm nữ tu, chẳng muốn làm thiên thần, mà chỉ muốn làm chị cả, của nai đàn, của chim bầy. Thế thôi! Chị ở lại đây, làng cô nhi chiến tranh, dấu tích có thật của chiến tranh, mà ở đây, mỗi một người chúng ta là một dấu tích đó! Cái chân của Cha Đạo, sự có mặt của em, nỗi buồn của chị… tất cả đều là dấu tích. Dấu tích chua xót. Dấu tích se lòng. Nhưng chỉ có ở đây, sáng mới thấy mặt trời lên từ rừng rẫy, chiều mới thấy bóng tối về từ đỉnh nóc nhà nguyện. Chỉ có ở đây, ta mới cất tiếng hát được những lời ca thoải mái. Mai mốt, khi các em lớn lên, khi Cha cho chúng ta về tỉnh thị, chị vẫn ở bên các em. Nhu Mì muốn vậy không? Hãy nói đi, nói bằng lời của nến. Và hãy đưa cho chị cái chuông đang nằm trong bàn tay bé nhỏ. Chị treo trở lại trên cánh cổng rào. Mai mốt còn nghe tiếng leng keng báo hiệu ông Năm về. Còn người, Quy-Li-Ve, chẳng trở lại đâu! Còn chị, đã trở lại rồi! Quy-Li-Ve, người đã đến, và đã đi, để giúp chị thấy chị nhỏ nhoi và thấy chị rộng lớn. Thế thôi!

Bước qua luống đất này đi! Đất còn mềm, còn ướt. Dấu giày của ai đó còn lún xuống như khắc vào lòng, đau đớn. Ở trên thềm nhà nguyện, dấu đất còn để lại, là những cung nhạc ngàn đời không phai. Nhu Mì hở! Kỷ niệm người để lại, nói không hết đâu! Kỷ niệm sẽ chói lòa mỗi khi bé ra cổng, mỗi khi bé ra sân, mỗi khi bé xuống rẫy, mỗi khi bé vào rừng. Ngồi ở đây đi, thềm nhà nguyện đã vắng. Khóc với chị đi, bé thơ ngây chỉ nói chuyện bằng nước mắt và nụ cười. Hai chị em cùng khóc. Khóc cho thấy nhớ một khuôn mặt, một mái tóc, một dáng người thân mến. Khóc cho nước mắt rơi. Rơi thay cho mưa. Rơi xuống thềm nhà, làm xóa mất dấu chân….
Tân Định, Sài Gòn
Mùa Đông 1974
Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...