Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Còn dấu chân người 1

Còn dấu chân người 1

Chương 1

Những bóng tròn hiện ra, màu rực rỡ như những đồng tiền bằng vàng nằm trên một tấm thảm màu xanh lá cây. Bóng nhảy múa trên mặt, chiếu vào mắt. Hình ảnh nào thế? Ánh sáng của thiên đường hay trò chơi của ma quái? Là thực tại hay chỉ là một khúc phim xảy ra trong ký ức? Cảm giác của một con người tưởng đã không còn. Nhưng không phải. Bây giờ rõ ràng tai đang nghe một tiếng chim hót. Chim hót ở trên đầu, trên mặt - ở đâu đó trên tấm thảm màu xanh kia.

A! Đúng rồi! Chim hót trên cây! Những bóng tròn kia là nắng! Ngày đã bắt đầu trước khi ta thức dậy. Đúng hơn là ta tỉnh dậy. Ngày rực rỡ, ngày hiền lành quá! Ta dần dần tìm lại cảm giác. Tai đã nghe rồi! Mắt đã thấy rồi! Nhưng mũi ngửi được mùi máu khô, ở đâu đây, lẫn trong mùi cỏ ướt. Bây giờ thân thể không còn tê dại nữa, mà đang cảm nhận được sự nhức nhối, ở dưới chân, truyền lên đến vai, và thấu tận óc. Dù không ngóc đầu lên được để nhìn xuống thân thể, nhưng ta đã nhớ ra được rằng nơi bắp chân, máu đã chảy rất nhiều và cảm giác đau nhức cũng từ đó mà có. Nhắm mắt lại, bây giờ quên mất tiếng chim, mà nghe âm vang tiếng chong chóng quay lạch cạch trên đầu, tiếng động cơ làm át lời nói chuyện. Mơ màng, ta thấy cả mây trắng, thấy cả cánh đồng, thấy nhánh sông, thấy rừng cây bên dưới. Chính nơi đó, chiếc trực thăng bị trúng nhiều loạt đạn. Một viên đạn đã xuyên qua bắp chân ta. Rồi nhiều loạt đạn nữa… những bạn bè gục xuống. Cái hình ảnh một người đang huyên thuyên cười nói bỗng trở thành một tấm thân bất động, chợt hiện ra rõ ràng và nghiến nát tâm hồn. Từ con chim sắt oan nghiệt đó, các bạn đã về với đất. Thân chim lảo đảo đâm xuống tấm thảm xanh lá cây. Tiếng động nào vang dội cả khu rừng. Tiếng của thần chết? Tiếng của quỷ dữ? Hay tiếng của cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu khóc vùi bên mộ héo?...

Chỉ một mình ta lết ra khỏi chiếc phi cơ đang rừng rực cháy. Không biết ta còn lết được bao xa, chỉ biết là rất xa, rồi ta ngất đi. Trong rừng cây này có phép lạ hay sao? Phép lạ chỉ ban cho một người. Khi thức dậy người trở thành một cái bóng cô đơn. Chiếc phi cơ đã bị cháy rụi. Bạn bè, anh em, còn đâu! Ta lạnh lẽo hơn một bóng ma. Trước mặt là cây, sau lưng là cây. Xung quanh đều là rừng. Tiếng cười nói từ ban trưa vang vọng từ đỉnh trời, vướng trên lá, tỏa đầy trong nắng xế. Ta nhìn xuống chân. Máu bê bết loang lổ hết một ống quần. Cả gương mặt của ta nữa, chắc khủng khiếp lắm? Không còn biết một nhân danh nào để cầu nguyện.

Chiều đổ xuống. Nắng lui dần sau cây lá. Mới tối hôm qua còn đang sửa soạn để lên đường. Giã từ quận nhỏ, nơi có nhiều tấm lòng quý mến. Sáng sớm còn nhận được những củ khoai mới luộc còn bốc khói. Ban trưa còn xoa mấy cái đầu trọc lóc của lũ trẻ nhỏ ngây ngô, còn chở hộ mấy bạn hàng ra chợ quận trước khi leo lên trực thăng bắt đầu cho một chuyến đi khác. Đời sống đã như vậy, là di chuyển, là sửa soạn, là không ngừng nghỉ. Có những thân mến, những luyến lưu - ở mỗi nơi đã đi qua, nhưng không nghĩ gì hết. Khi bay qua đồng ruộng, qua dòng sông, cũng không nghĩ gì hết. Thế mà bây giờ tất cả đã phải dừng lại. Ta trở thành một con thú lạ lạc trong rừng. Tiếng gọi của ta loãng trong gió chiều, vọng lại thành tiếng cười của bạn bè. Có phải lúc ta cô đơn nhất, là lúc ký ức sống trong ta thật mãnh liệt không? Rồi ta đâm ra sợ hãi chính mình nữa. Tiếng gọi, gọi mãi, đến lúc không còn âm thanh để vang vọng. Khi ấy đêm đã tràn đặc khu rừng. Trước mặt, sau lưng đều là bóng tối. Ở đây, mọi cảm xúc đều ngưng lại, chỉ còn một nỗi tuyệt vọng. Trong bóng tối, ta không còn vẽ được một gương mặt nào của người thân. Nhắm mắt lại thì thấy đầy mây trắng. Và tấm thảm màu xanh hiện ra. Và rừng cây đổ xuống, khép lại…

° ° °

Chim hót nhiều hơn. Tiếng ríu rít làm người mở mắt. Ô, ngày lại bắt đầu rồi. Ngày bắt đầu cho một niềm hy vọng. Khu rừng này không phải là rừng rậm, mà giống như một vườn cây. Cây cỏ cũng hiền hòa quá! Chắc ở đây có người, ít ra cũng có một bác tiều phu.

Đàng kia là hướng đông. Mặt trời cười cợt ở đó. Người lính muốn đứng dậy để đi tới hướng đông, nhưng cái chân nhức quá! Hình ảnh què quặt làm người sợ hãi. Gắng gượng nhấc đầu lên, nhìn xuống chân, người ngạc nhiên thấy ở vết thương, một mảnh vải màu nâu đã buộc chặt nơi đó. Ai đã đi qua đây? Bác tiều phu? Những hướng đạo sinh gan dạ? Một người ở đơn vị bạn? Hay là…? Người hoảng hốt… Có tiếng nói lao xao ở phía thật xa trả lời cho người. Người nén lòng hồi hộp, nằm xuống, nhắm mắt lại, chờ đợi…

- Đây rồi! Ông ấy còn nằm đây.

- Ông ta chưa tỉnh lại.

- Đâu? Đâu?

Tiếng trẻ nhỏ! Tiếng ríu rít như chim. Ai vậy? Những thiên thần trú ngụ trong rừng? Hay những chú nai tơ bị đọa đầy? Người lính vẫn nhắm mắt, và nghe tiếng chân bước lại gần.

- Anh Khánh ơi! Không chừng ông ấy đã chết.

Một giọng nói khác chững chạc hơn:

- Để anh coi.

Người lính nghe một bàn tay sờ lên má mình, và một vật gì đó nặng nặng áp vào ngực mình. Cái đầu của một cậu bé! Mùi tóc khét nắng làm người lính “ách-xì” một cái.

Có tiếng reo vui mừng:

- A! Ông ấy còn sống!

- Suỵt! Dang ra hết. Coi chừng ông ấy có súng.

- Sao biết?

- Kìa! Ông lính mà!

- Nhưng mà ông ấy bị thương. Coi máu còn chảy ri rỉ kìa!

- Ừ nhỉ! Làm sao đây, anh Khánh?

Giọng nói ban nãy lại cất lên:

- Thì… đem ông ấy về.

- Thật không?

- Thật.

Có tiếng vỗ tay và tiếng cười thích thú. Người lính tiêu tan hết những lo sợ. Người muốn kéo dài trò chơi này một lát nữa, nên cứ nằm im, nhắm mắt lại như còn say ngủ.

- Nè, Lương! Sao ổng lại ở đây nhỉ?

- Ai mà biết! Chắc ông ấy mải mê… hái hoa bắt bướm.

- Hic hic, coi kìa! Ông ấy là lính. Chắc ông ấy đánh giặc, rồi chạy vào rừng.

- Nè, Hiền, xem cái mắt ông ấy, cái mũi ông ấy, cái cằm ông ấy, cái tay, cái chân ông ấy… to ghê hở!

- Thì… tại ông ấy là người lớn.

- Không! Ông ấy là người khổng lồ chứ!

- Làm sao anh Khánh vác nổi?

- Thì tụi mình hè nhau khiêng ổng, đứa cái đầu, đứa cái tay, đứa cái chân…

- Không được, chân ông ấy bị thương mà!

Tiếng của Khánh:

- Các em im nào! Để anh nghĩ coi… phải kêu ông ấy dậy đã.

- Chắc ổng kiệt sức rồi…

- Á à! Đã có cách. Các em tới bỏ hết củi xuống, đẩy xe lại đây.

Đám trẻ dường như đã dang xa. Có tiếng cây khô bị ném xuống đất. Rồi có tiếng cót két của một chiếc xe kỳ lạ được đẩy tới gần. Người lính hết kiên nhẫn kéo dài trò chơi, nên mở mắt ra. Gương mặt đầu tiên, người lính đoán là gương mặt của Khánh, cậu bé lớn nhất, độ mười bốn, mười lăm tuổi, mái tóc hơi vàng vàng mầu nắng cháy, dáng người mạnh khỏe, có vẻ đầu đàn lắm. Khánh mở to mắt nhìn người lính, thốt lên:

- Ông ấy đã tỉnh!

Một đám, mươi đứa trẻ, nhỏ hơn Khánh, ùa chạy đến, chen nhau nhìn người lạ. Người bây giờ có thể nhìn tận mắt những thiên thần, những chú nai non. Không rực rỡ, không mịn màng, nhưng sự hiện diện của bầy trẻ nhỏ là dòng suối chảy qua vùng khô hạn. Người lính cười với chúng và gượng ngồi dậy. Nhưng cậu bé Khánh ngăn lại và hỏi:

- Ông! Ông có đau lắm không?

Người lính chớp mắt cảm động:

- Đau. Nhưng anh khát nước lắm.

Nghe được tiếng nói của “người khổng lồ”, đám trẻ nhìn nhau, xì xầm. Một đứa chìa ra một bình nước nhỏ. Khánh đỡ lấy và cúi xuống:

- Ông uống nước đi!

- Cám ơn các em. Các em ở đâu vậy?

Khánh trả lời:

- Chúng em ở gần đây. Đi hết khoảng rừng này là đến rẫy khoai. Đi hết rẫy khoai là đến nhà chúng em.

Người lính vui mừng:

- Gần đây có nhà cửa hở em? Có đông không?

- Dạ… không.

- Thế các em ở với ai?

- Dạ với cha. Ông, … ông uống nước đi.

Người lính uống cạn bình nước. Những đứa bé nhìn nhau, kín đáo cười. Khánh hỏi:

- Ông đói không?

- Đói. Nhưng… anh không ăn hết phần của các em đâu.

Một đứa bé liến thoắng nói:

- Tụi em chỉ có khoai lang với củ mì, anh muốn ăn bao nhiêu cũng được. Nhưng tụi em không có thịt cừu với rượu vang đâu.

Người lính mỉm cười:

- Các em tốt lắm! Phải các em đã băng chân anh lại không?

- Dạ, chính bé Hiền đó anh.

Đứa bé trai tên Hiền nói:

- Tụi em sáng nay đi lượm củi, thấy anh nằm dưới đất, máu ở chân chảy ra. Em xé đại vạt áo cột lại cho anh. Em … đâu có biết băng. Xong rồi tụi em mới rủ nhau đi kêu anh Khánh tới.

- À ra thế.

Người lính nhìn quanh đám trẻ, hơi ngạc nhiên và hỏi:

- Các em … là anh em ruột?

Lũ trẻ nhìn nhau, rồi nhìn người lính, lắc đầu.

- Các em ở với cha mẹ?

Khánh không đáp, mà hỏi:

- Anh muốn về với chúng em không?

- Muốn, muốn chứ! Anh lạc trong rừng này từ chiều hôm qua.

- Sao anh lại lạc vào đây?

- Anh bị rớt phi cơ.

- Anh lái tàu bay hở?

- Không, anh là lính nhảy dù.

- À, em biết rồi. Vậy còn mấy người kia đâu?

- Họ chắc là đã chết hết. Anh lê lết trong rừng rồi ngất xỉu. Sáng thức dậy anh thấy mình ở đây.

- Chắc chân anh đau lắm? Để tụi em chở anh về. Về nhà sẽ có người băng bó lại chân cho anh. Bây giờ…

Cậu bé ngần ngừ, chỉ cho người lính thấy chiếc xe ngộ nghĩnh ở đàng xa:

- Anh đi không được, tụi em chở anh bằng chiếc xe chở củi đó nhé!

- Sao được? Anh nặng lắm đó!

- Anh đừng lo, xe này chúng em đóng lấy để chở củi, chở khoai. Anh xem, chứ làm sao ôm về cho xuể, từ rẫy về làng cũng khá xa.

Người lính sáng mắt lên, hỏi nhanh:

- Em vừa nói “làng” phải không?

- Dạ.

- Làng tên gì?

- Làng “Chim sâu nhỏ”. Anh, anh không chê xe chở củi dơ dáy?

- Đâu có! Được các em cho về nhà, anh vui mừng lắm chứ.

- Vậy anh về với chúng em nhé!

Lũ trẻ đẩy chiếc xe lại. Đó chỉ là một cái thùng gỗ hình chữ nhật, dài độ một thước rưởi, bên dưới gắn bốn bánh xe nhỏ cũ kỹ. Người lính mỉm cười , chợt nghĩ đến phép lạ. Sự việc một kẻ lạc lõng được cứu sống nhờ một bầy trẻ nhỏ, đúng là một phép lạ. Nhưng chúng nó là ai? Con của ai? Không là anh em ruột, nhưng đi với nhau một đàn, lượm củi đào khoai chung, vậy chúng là gì với nhau? Là con của một người cha nhiệm mầu? Hay là thần dân của một xã hội tí hon đầy tình tương ái? Người lính ngỡ như mình đang sống trong một chuyện thần tiên. Người thắc mắc nhưng cảm thấy thú vị lắm. Chỉ một lát nữa thôi, khi vượt khỏi đám rừng rẫy, sẽ biết được lũ trẻ là ai.

Vết thương ở chân và sự ê ẩm khắp người làm người lính không cử động nổi, đành nằm yên để mươi đứa bé khiêng mình lên xe. Bề dài của chiếc xe quá ngắn. Khánh ái ngại nếu người lính phải ngồi. Cậu bé chợt nẩy ra một ý kiến:

- Anh cứ nằm cho khỏe nhé! Hiền, Lương, hai đứa ra phía trước kéo với anh. Hảo và Tú đẩy phía sau. Hai chân của anh ấy dư một chút, thò ra, Thiện với Ái đỡ lấy cho cẩn thận. Còn Lành với Ngoan cũng đỡ phụ vào nghen! Coi chừng cái chân đau của anh ấy đấy!

Một giọng nói trong trẻo cất lên:

- Còn em nữa, em sẽ làm gì?

Khánh ngơ ngác:

- A, còn Hậu nữa. Để xem… em phải thay thế chiếc xe, vác hết củi về làng.

Cậu bé độ chín tuổi, lanh lẹ, nhỏ nhắn, tỏ vẻ nũng nịu:

- Không chịu! Em nhỏ nhất mà!

Khánh cười;

- Anh nói đùa đó! Bé Hậu ôm bình nước rỗng nè, chạy theo tụi anh nghen!

Người lính nằm ngay ngắn trên chiếc xe bằng gỗ, hai chân được bốn đứa bé giữ lấy. Khánh cười:

- Xong rồi, bây giờ tụi em đưa anh về. Ủa, anh … gì nhỉ?

Đến bây giờ người lính sực nhớ ra rằng sự thương mến đã đến trước cả việc biết tên. Người lính đáp:

- Anh là Trúc.

Thằng bé tên Lương che miệng cười:

- Anh tên Trúc, mà anh so với tụi em thật giống người khổng lồ.

Hiền nói:

- Em cứ ngỡ anh là… ông Qui-Li-Ve lạc vào nước tí hon.

Trúc trố mắt nhìn lũ trẻ, vừa ngạc nhiên vừa thú vị. Khánh giục:

- Mau lên! Một, hai, ba!

Chiếc xe được kéo đi chầm chậm. Chín đứa trẻ lấy làm hân hoan lắm. Hôm nay, thay vì chở củi, chúng đã mang một người gặp nạn giữa rừng về đến làng của chúng. Ở đàng sau, chỉ có thằng bé Hậu lon ton, tay ôm bình, chân tung tăng bước. Chiếc xe chạy gập ghềnh trên những đất đá và cành khô, nhưng cũng bỏ xa thằng bé một đỗi. Hậu chợt nhìn xuống chân, và thấy một vật nhỏ lấp lánh dưới nắng vàng. Hậu nhặt lên, nhận ra đó là một cái hộp hình quả tim. Của người lính chăng? Nó mở hộp ra, rồi đậy lại, lắc đầu. Chắc không phải của ông ấy đâu! Thằng bé bắt đầu liên tưởng đến những chuyện thần tiên. Quả tim nhỏ bé và dễ thương quá! Hậu khen thầm như vậy, rồi nhét chiếc hộp vào túi áo, rảo bước đi theo những người kia.

Trời đã gần trưa. Nắng vàng tươi rải đầy trên cây lá. Khu rừng này quả là một nơi hiền dịu. Chắc không hề có bóng thú dữ. Người lính chỉ nghe tiếng chim hót đầy khắp những ngọn cây. Và bên cạnh, tiếng hát líu lo của lũ trẻ cất lên lâng lâng với gió:

- “Nào anh em kéo củi về làng

Đừng lo chi đời sống lầm than

Mặt trời lên lung linh ánh vàng

Anh em sẽ thấy đời bình an.

Nào anh em… nào anh em….”

Bầy trẻ đã quen đường đi trong khu rừng nhỏ nên chỉ độ mười lăm phút sau, chúng đã đưa Trúc ra khỏi rừng. Trúc muốn nhỏm dậy, muốn reo lên, muốn khóc lên, khi nhìn thấy một đám rẫy quang đãng, và ở bên kia rẫy, có bóng những ngôi nhà!

Chương 2

Trời đã gần trưa, mà vẫn còn thấy lành lạnh. Cát Tường khoanh hai tay trước ngực, đứng nhìn ra cửa sổ. Chắc tại vì mình còn ở trong nhà, nên chưa cảm thấy ngoài kia nắng ấm. Trên khoảng đất vuông vắn kia, mấy luống rau đã xanh tươi. Hình như cây cỏ đang thỏa thuê tắm nắng. Con đường dẫn xuống rẫy khoai sáng nay như có một vẻ gì hân hoan là lạ? Hay tại vì tự trong lòng mình có một chút đổi khác? Một linh cảm? Một hoài niệm… Ta không sống bằng linh cảm. Còn hoài niệm, nào có gì? Cuộc sống đã an bày nơi đây tự bao lâu rồi. Tại trời đất, chắc vậy. Sắp Tết? Cát Tường nhè nhẹ thở dài. Ở đây không có Tết. Những vui buồn đã lắng xuống cả rồi. Chỉ có tiếng hát vô tư của trẻ nhỏ không làm ta nghĩ ngợi.

- “Nào anh em, nào anh em…”

Lũ trẻ nhỏ đã về thật. Tiếng hát vọng lên từ dưới chân đồi, loang đầy không gian. Tiếng hát từ muôn thuở làm dịu lòng chi lạ. Hôm nay có củi. Phải ra phụ các em ôm củi vào chất đầy hè. Rồi như bao lần, ta sẽ đứng đó ngắm, và nghĩ đến những bữa cơm ngon.

Cát Tường mở nhẹ cánh cửa gỗ, bước ra ngoài. Đưa một bàn tay lên che nắng, Cát Tường đã thấy mười đứa bé kéo đẩy chiếc xe chở củi quen thuộc. Nhưng không có củi. Vật gì ở trên xe vậy? Cát Tường trố mắt ngạc nhiên. Một người! Cát Tường chạy nhanh đến. Lũ trẻ đã lên đến nơi cùng với chiếc xe. Cát Tường đứng sững, nhìn người lạ nằm trên xe, lắp bắp hỏi:

- Cái gì vậy? Ai đây?

Khánh gạt mấy giọt mồ hôi trên trán, đáp:

- Chị Cát Tường! Chị rửa vết thương cho anh này gấp gấp.

Cát Tường bàng hoàng:

- Sao? Ông ấy bị thương hở?

- Anh ấy bị rớt máy bay, lạc trong rừng, tụi em gặp được. Có một vết lớn nơi chân, còn cả người bị xây xát nhiều lắm.

- Chúa ơi! – Cát Tường kêu lên hoảng hốt – Các em giúp chị đỡ ông ấy vào nhà. Lương, đun một nồi nước . Hiền, chạy lẹ vào sửa cái giường cho ông ấy nằm. Còn các em kia dẹp xe lại, rồi đi báo cho cha hay.

Giọng nói mềm dịu mà đầy quyền uy thốt ra khiến bọn trẻ làm theo răm rắp. Trúc được dìu vào bên trong căn nhà gỗ, nằm lên một chiếc giường bằng tre, kê đầu trên một chiếc gối độn rơm. Cát Tường mở mảnh vải nâu mà bé Hiền đã cột tạm lên vết thương của người lính, rồi lấy kéo cắt một đường dài từ gấu quần đến đầu gối. Vết thương người lính bày ra. Máu lại ri rỉ chảy. Mùi máu khô lẫn mùi bùn đất bết lên đó xông lên nồng nồng. Cát Tường cúi xuống nhìn kỹ, rồi nhìn Trúc, nói:

- Chắc không sao đâu, ông ạ.

Trúc mở to hai mắt, hỏi:

- Sao cô biết?

- Dạ, cháu đã xem kỹ. Đạn chỉ xớt ngang bắp chân thôi.

Trúc mỉm cười:

- Tôi có đến nỗi gì… không cô?

- Ông nói dại! Cháu đã nói thật với ông là không sao đâu.

Trúc cười vui vẻ:

- Chết! Cô xưng “cháu” với tôi à?

Cát Tường cúi đầu:

- Với người lớn, cha cháu dặn là phải xưng hô đàng hoàng lễ phép.

Khánh đang lui cui soạn thuốc, góp tiếng:

- Nhưng anh Trúc đáng là anh của tụi mình chị ơi!

Cát Tường len lén nhìn gương mặt người lính. Đất cát lấm lem trên da thịt, làm sao đoán biết được tuổi tác của người? Nhưng cái giọng nói, giọng nói rất trẻ. Có lẽ Khánh nói đúng, người đáng tuổi anh ta. Cát Tường nói nhỏ:

- Xin anh thứ lỗi cho.

Trúc cười:

- Không sao đâu. Tôi là Trúc.

- Thưa anh Trúc!

- Còn cô?

- Em tên Cát Tường.

- Cô Cát Tường!…

Một sự giới thiệu và chào hỏi rất đơn giản và tự nhiên, nhưng sao bỗng làm Cát Tường nao nao lòng. Và nhè nhẹ, Cát Tường quay đi. Cái gì rưng rưng trên mắt? Cái gì buốt buốt trong tim? Không phải. Chắc là sợi khói bay ngang trời. Chắc là ngọn gió lạc loài len vào vách gỗ…

- Chị ơi! Hộp bông gòn đâu?

Cát Tường giật mình, trả lời:

- Ơ… bông gòn đã hết. Nhưng Khánh đừng lo, để đó cho chị.

Rồi Cát Tường mở hộc tủ, lấy ra một chiếc hộp giấy. Trong hộp có mảnh vải mịn trắng tinh mà Cát Tường định may làm khăn “mù-soa”. Tạm dùng thay cho bông gòn vậy. Cát Tường sắp lọ thuốc đỏ, cuộn băng, xà-phòng và mảnh vải mịn ấy lên một cái nắp hộp thiếc sạch sẽ, đặt lên bàn.

Lương bưng vào một thau nước nóng. Cát Tường đỡ lấy, đặt lên bàn. Nhưng Cát Tường chưa động đến những vật dụng ấy, quay sang hỏi Trúc:

- Thưa anh, chắc là anh đói lắm?

- Vâng, tôi nhịn đói từ trưa hôm qua.

- Anh ăn khoai đỡ đói nhé!

- Cô có gì cho tôi ăn cũng được.

Cát Tường đi lấy cho Trúc một củ khoai lang mới luộc còn nóng. Rồi đứng cạnh bên giường, vừa bóc vỏ khoai, vừa nói:

- Chúng em chỉ có khoai lang với củ mì, không có thịt cừu và rượu vang đâu!

Trúc ngạc nhiên. Cô bé này lại nói một câu y hệt như câu nói của đứa trẻ ban sáng. Không phải là một câu nói mỉa mai, mà lại là một câu nói rất chân thành. Thật ngộ nghĩnh! Hầu như tất cả những đứa bé mà Trúc đã gặp từ lúc tỉnh dậy, sáng nay, đã có chung một mẩu chuyện nào đó, có thịt cừu, có rượu vang. Trúc nhận lấy củ khoai nóng, cảm động:

- Nhưng cho đến chết tôi sẽ nhớ mãi củ khoai này, và bình nước lạnh khi nãy của các em.

Cát Tường rửa tay, rồi chăm chú rửa vết thương nơi chân của Trúc. Mảnh vải mịn được xé ra, thay cho bông gòn, nhúng vào nước nóng và rửa sạch vết thương. Trúc nhăn mặt, kêu lên nho nhỏ. Cát Tường dừng tay, hỏi:

- Anh có đau lắm không?

Trúc nhắm mắt lại, đáp:

- Không…, cô cứ làm đi!

Cảm giác nhức nhối chạy lên tận óc. Sự đau đớn chắc đến thế này là cùng. Trúc mím chặt môi, và nghĩ đến “phép lạ”. Ta đang nằm ở đây, diễm phúc quá! Còn có hy vọng để trở về. Những gương mặt người thân bỗng thấy rất gần gũi. Trúc mở mắt ra, và nhìn thấy gương mặt của Cát Tường đầy vẻ từ bi. Trên vết thương, gương mặt đó cúi xuống. Mái tóc dài cột gọn trên vai, tóc ngắn lòa xòa trên trán. Đôi mắt chăm chú, hai bàn tay nhẹ nhàng rửa sạch vết thương. Cuộn băng trắng đang được mở ra, quấn quanh chân Trúc. Cảm giác bây giờ là sự tê tái – nhưng êm đềm. Cảm giác đó truyền khắp người, và cũng ngọt dịu như vị của củ khoai nóng Trúc đang nhai trong miệng. Cô bé đang nghĩ gì về ta, về một người lính xa lạ bỗng hiện ra trong rừng rẫy? Cô bé có thắc mắc gì không? có e ngại gì không? Chắc là không đâu. Vì gương mặt từ bi kia có vẻ như không cần nghĩ đến những đe dọa, những man trá của cuộc đời. Vậy thì ta cũng không nên thắc mắc gì, e ngại gì. Hãy nghĩ rằng đây là một xã hội tí hon, mà mỗi cá nhân ở đây, là một đơn vị của tình người.

Cát Tường đã băng xong vết thương ở chân, ngẩng lên và hỏi Trúc:

- Bây giờ anh có bớt đau không?

Trúc gật đầu:

- Bớt nhiều lắm, Tôi có ý nghĩ là chân tôi không bị gì cả.

- Nhưng anh sẽ không đi được bình thường, ít nhất là một tuần.

- Rồi làm sao, cô Cát Tường?

Cát Tường chớp mắt, đáp nhẹ:

- Thì anh sẽ cứ ở đây vậy.

- Biết cha của cô có bằng lòng không?

Cát Tường hơi nhíu mày:

- Cha chúng em không bao giờ từ chối giúp đỡ một ai.

Rồi Cát Tường im lặng, nhúng mảnh vải mịn còn lại vào nước, vắt khô, nhẹ nhàng lau những bùn đất trên mặt người lính.

Trúc nhắm mắt lại. Trong sự êm ái còn có chen vào một chút bàng hoàng, vì sự săn sóc của Cát Tường giống như sự săn sóc của một cô em ruột, hơn thế nữa, của một người mẹ. Trúc biết gương mặt lấm lem của mình giờ đã được lau sạch. Khi Cát Tường xức thuốc vào những vết xây xát trên tay Trúc, Trúc hỏi:

- Cô Cát Tường, cho tôi được hỏi một điều…

- Dạ??

- Cô là chị ruột của Khánh?

- Dạ…, không…

Trúc trố mắt:

- Phải? mà lại không? Tôi không hiểu.

Cát Tường bưng thau nước đưa cho Khánh đem ra ngoài. Chỉ còn lại hai người. Cát Tường nói:

- Em là chị của Khánh, của tất cả các em nhỏ ở đây. Nhưng chúng em không phải là ruột thịt.

- Còn cha của cô…?

- Cha của chúng em… là cha chung.

Trúc chống tay xuống chiếu, hơi nhỏm người lên. Trúc như vừa nghe một điều lạ lùng. Ở đây có một người cha nuôi một đàn trẻ không phải ruột rà. Trúc lờ mờ hiểu mọi việc. Cát Tường chỉ tay ra ngoài cửa sổ:

- Qua luống rau mới trồng kia là nhà nguyện. Cha của chúng em đang tĩnh tâm trong ấy. Chắc giờ này người cũng sắp qua đây.

Trúc reo lên:

- A! Tôi hiểu rồi!

Cát Tường hỏi:

- Anh nói sao?

- Tôi thật là tối dạ. Vậy mà tôi cứ tưởng….

- Anh tưởng sao ạ?

Trúc nằm thẳng lại, im lặng. Một lát sau, Trúc nói nhỏ:

- Tôi thật có phước khi được các em ở đây cứu giúp. Tôi có cảm tưởng rằng mình đang sống trong một câu chuyện thần tiên.

Cát Tường cười rất nhẹ:

- Không thần tiên đâu anh. Anh đang ở một nơi rất nghèo, rất thiếu thốn. Đây chỉ là một làng cô nhi, không, đúng ra chỉ là một xóm cô nhi… - Nụ cười biến mất trên

Trong một thoáng yên lặng, Trúc nghe rõ tiếng thở dài của Cát Tường. Cô bé đang dọn dẹp bàn thuốc, cất những vật dụng vào một cái bàn thấp. Qua vai Cát Tường, Trúc nhìn thấy một mảng trời trong xanh ở bên ngoài cửa sổ và một mảng màu lá cây thật tươi của một tàn cây nào rất lạ. Trúc chưa thấy nhà nguyện bởi lúc bắt đầu được lũ trẻ đưa lên con dốc thấp, Trúc chỉ chăm chú nhìn ngôi nhà gỗ với mái phủ đầy lá, mà nơi đó, một người con gái mảnh mai xuất hiện một cách rất bất ngờ.

- Cô Cát Tường!

- Dạ?

- Cha sẽ cho tôi ở lại đây?

- Vâng. Anh sẽ ở lại đây cho đến khi lành hẳn.

- Cả cô cũng bằng lòng chứ?

- Không những em, mà cả làng sẽ rất vui ạ.

Trúc hân hoan:

- Cô làm tôi cảm động quá!

- Chúng em rất vụng về.

- Tôi lại thấy cô rất khéo léo.

Cát Tường xấu hổ:

- Chúng em sống mãi ở đây, ít khi về thành phố. Thỉnh thoảng có người của nhà dòng đến thăm và giúp đỡ tiền bạc. Anh là người khách lạ đầu tiên đến thăm làng.

Trúc cười:

- Khách đến thăm mà bắt chủ nhà phải lăng xăng. Tôi rất mong được đi xem khắp nơi trong làng.

Cát Tường chớp nhanh mắt:

- Vâng, khi nào anh lành bệnh

- Cô sẽ dẫn tôi đi thăm nhé!

- Dạ.

Trúc muốn nói tiếp câu chuyện, bỗng phải lắng tai nghe: Có tiếng xôn xao ở đâu trước sân nhà. Tiếng trẻ nít! Cát Tường cũng nhìn ra phía cửa. Giống như có một sự sắp xếp nào đó, rồi một đứa bé gái xuất hiện, gọi:

- Chị ơi! Đã tới giờ ăn cơm.

Cát Tường nói:

- Đợi cha về. Hay là em đi coi thử cha có bận việc gì không.

- Chắc cha đi thăm rẫy.

- Em sang nhà nguyện đi, thưa với cha về việc có anh Trúc ở đây.

Đứa bé gái len lén nhìn người nằm trên giường, hỏi khẽ:

- Ông đó… phải không chị?

- Ừ, em đi nhanh nhé!

Đứa bé quay lưng đi. Đàng trước sân, tiếng ríu rít chưa yên. Cát Tường bảo Trúc:

- Anh nằm nghỉ. Em phải ra sân một chút.

Rồi Cát Tường ra ngoài, đóng cửa lại. Nằm trên giường, Trúc cố lắng nghe những âm thanh là lạ bên ngoài. Tiếng Cát Tường:

- Các bé im lặng nào, nghe chị đây! Sáng nay các em trai khi đi lượm củi gặp một người bị nạn, đem về làng. Vậy các bé hãy nghe lời chị, ngoan ngoãn, giữ trật tự trong khi có khách nhé!

Tiếng trẻ nhỏ:

- Dạ.

- Các bé xếp hàng đôi, đứng ngay ngắn lại. Nào! Bé đàng sau vịn vai bé đàng trước… Giỏi lắm! Bây giờ các bé hát bài “Mừng khách đến đây” mà chị đã dạy nhé!

Tiếng “dạ” lại vang lên, rồi tiếng hát của độ chừng mười mấy đứa trẻ tiếp theo:

- “Mừng người đến đây thăm chúng em

Tỏ tình thương

Người nào sá gian nan xa xôi

Vượt dặm đường”

Tiếng Cát Tường xúc động:

- Chưa đủ. Các bé hãy hát thêm, theo lời chị, để mừng người khách đặc biệt của chúng mình.

“Người đã đến như Quy-Li-Ve

Giấc ngủ ngon!

Người nào biết vây quanh vây quanh

Bầy tí hon”

Lũ trẻ hát theo. Tiếng hát như gió lành xuyên qua vách gỗ, chui vào tai, âu yếm. Trúc mở to đôi mắt, môi nở một nụ cười hân hoan. A! Phải chăng ta là Gulliver 1, đã lạc loài và đã gặp một nước tí hon? Ta chưa được yết kiến vị vua cao cả, nhưng đã biết rằng những thần dân của xứ này là những trẻ nhỏ rất hiền lành, nhân ái và có trí tưởng tượng thật diệu kỳ. Trúc nhìn ra mảnh trời xanh. Bây giờ ở đó có một đám mây trắng. Chợt như tiếng hát bay lên, đọng lại trên mây. Mây trôi lững lờ… Trúc mơ màng nghe tiếng hát biến thành tiếng chong chóng quạt trên đầu. Ta đang bay phía trên đồng ruộng, qua dòng sông, qua vùng rừng xanh. Nếu không là một kẻ gặp nạn, làm sao ta biết được bên dưới tấm thảm xanh đó là một xóm cô nhi hẻo lánh, nhỏ bé? Ở đó, những trẻ nhỏ đã hiện diện – Hiền, Lương, Khánh, Hậu… và Cát Tường. Chúng em không có thịt cừu với rượu vang, mà chỉ có khoai lang, củ mì, và có cho anh một bình nước lạnh. Thật đáng yêu quá! Trúc muốn ngồi dậy, bước xuống đất, mở cánh cửa kia, ra họp mặt với đàn trẻ nhỏ. Anh là Gulliver đây! Trên bãi biển, Gulliver bị trói chặt cả tay chân, và bị “giải” về kinh thành. Còn anh, anh được các em đón tiếp bằng một chân tình hiếm có. Chiếc xe chở củi của các em đưa anh xuyên qua rừng, băng qua rẫy, lên dốc đồi thấp – quý giá hơn một chiếc kiệu vàng. Củ khoai nóng được Cát Tường bóc vỏ mời còn ngon lành hơn cả thịt cừu mà Gulliver được ăn. Và bình nước lạnh nuốt vào cổ lại còn ấm áp hơn cả rượu vang. Thân ái quá! Tuyệt diệu quá! Trưa hôm qua, sau những loạt đạn oan nghiệt, tiếng cười nói biến thành tiếng than khóc. Trưa hôm nay, tiếng hát bé thơ của các em đang biến thành những giọt lệ vui mừng rớt trong tim anh rồi.

Tiếng hát được dẫn ra xa, xa dần… Chừng như đám trẻ nhỏ ngoài ấy đang được Cát Tường dẫn qua một căn nhà khác để ăn cơm. Trúc nhắm mắt lại, cố tưởng tượng ra quang cảnh của làng. Đây là nhà nguyện. Đây là nhà ăn. Đây là nhà bếp. Kia là phòng ngủ của các em trai. Kia là phòng ngủ của các bé gái….

Tiếng cửa mở nhẹ làm Trúc nhìn ra. Trên khung cửa, một tấm áo đen xuất hiện. Một người tầm thước, tóc bạc hết phân nửa mái đầu, mang một đôi giày màu đen – chỉ chừng ấy, bộ áo, dáng người, mái tóc, nét mặt – đủ cho Trúc đoán người là vị cha chung của Cát Tường và bầy trẻ nhỏ. Người bước vào và đưa tay ngăn lại khi thấy Trúc định ngồi dậy. Trúc lên tiếng:

- Con xin kính chào cha.

- Cha rất mừng khi đón con tại đây. Con cứ nằm nghỉ.

- Thưa cha…

Đôi mắt tỏa ánh nhân từ, người nói rất êm đềm:

- Con đừng e ngại gì hết nhé! Ở đây dưỡng sức một thời gian đi. Cha sẽ giúp con những gì con muốn.

- Vâng, con xin cám ơn cha.

- Khi con khỏe, cha và con sẽ nói chuyện nhiều với nhau. Cứ gọi cha là Cha Đạo.

- Dạ vâng.

Cha Đạo xem xét những vết thương trên người Trúc. Đôi mắt nhân từ hơi nhíu lại.

- Con cần phải nghỉ ngơi. Cần gì, cứ lên tiếng gọi nhé! Ở phòng cạnh đây lúc nào cũng có người.

- Dạ.

- Con đói chưa? Để cha bảo Cát Tường nấu cháo cho con – người đổi giọng hóm hỉnh – khi nào khỏe hẳn, con sẽ được ăn cơm độn khoai sắn như dân làng này đó!

--------------------------------

1

Gulliver là tên của nhân vật trong bộ truyện “Gulliver’s travels” của nhà văn người Ái Nhĩ Lan Jonathan Swift, vào thế kỷ 17-18. Truyện được dịch ra tiếng Việt, rất quen thuộc với học sinh Việt Nam.

Chương 3

Ý thức bắt đầu nhờ tiếng chim hót. Sáng hôm qua cũng vậy, nghe chim hót mới biết những bóng vàng là nắng, tấm thảm xanh là lá cây. Trúc thức dậy sáng nay, trong một cảm giác lạ kỳ chưa hề thấy bao giờ. Thân thể như đau dần hơn, ê ẩm hơn. Nhưng sự nhức nhối ở vết thương không còn. Lẫn lộn trong đó, một chút mát mẻ khoan khoái len vào. Chiếc gối độn rơm, tấm mền cũ, chiếc mùng màu xanh đã bạc màu – là những tiện nghi của xứ tí hon dành cho Trúc. Cánh cửa sổ khép lại. Nhưng qua khe hở, Trúc thấy được màu trời, biết là đã sáng.

Trúc chống tay xuống giường, gượng ngồi dậy. Trúc nhìn xuống chân. Ai đã cởi đôi giày? Thảo nào suốt một đêm mình đã ngủ được một giấc thoải mái. Trúc mỉm cười thú vị. Ở đây mọi cảm nghĩ đều mới mẻ. Buổi sáng bắt đầu như bắt đầu cho ta một cuộc sống mới. Thời gian dừng chân ở quận nhỏ trước kia, sáng thức dậy phải vội vàng lo tập họp. Bây giờ ở đây chỉ nghe thoáng nhẹ tiếng ríu rít của chim chóc gọi nhau đi tìm thức ăn. Đời sống êm đềm thanh thản quá!

- “Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, rèn luyện thể chất chúng con, trau dồi tâm hồn chúng con, giúp chúng con biết yêu mến thiên nhiên và chịu đựng thử thách, để mai sau chúng con trở nên người hữu dụng. A-men”

Trúc lắng nghe. Tiếng trẻ nhỏ vọng lên đều đặn, hình như phát ra từ căn phòng bên cạnh, có lẽ là phòng học. Sau tiếng “A-men”, sự lặng yên trở lại. Trúc đợi nghe tiếng Cát Tường. Nhưng một lát lâu sau vẫn không nghe thấy gì.

Một đứa bé gái nhỏ bước vào. Trúc nhìn kỹ đứa bé, nghĩ ra rằng Trúc chưa gặp nó lần nào. Đứa bé bước thật nhẹ đến bên giường rồi leo lên, hai tay cuốn vắt chiếc mùng lên cao, khá cao đối với thân hình của nó khiến nó phải nhón gót. Trong khi Trúc còn trố mắt ngạc nhiên thì đứa bé leo xuống đất. Trúc nói:

- Này em, cám ơn em lắm.

Đứa bé gái đứng yên nhìn Trúc, gật đầu nhẹ, đôi mắt ngây thơ long lanh. Trúc hỏi:

- Chị Cát Tường đâu em?

Đứa bé chỉ tay ra cửa sổ, không đáp. Trúc bật cười, hỏi:

- Chị ấy vào nhà nguyện hở?

Đứa bé lắc đầu. Trúc càng ngạc nhiên hơn:

- Sao em không nói chuyện với anh?

Một cái lắc đầu tiếp theo nữa. Rồi đứa bé gái bước nhanh đi. Tới ngưỡng cửa, cái bóng nhỏ nhắn dừng lại, vì Cát Tường đã đến.

- A! Nhu Mì, em ở bên này à? Chị tìm em bên phòng học mà không thấy.

Đứa bé gái mang tên Nhu Mì chỉ tay về phía Trúc, rồi nhìn Cát Tường. Cát Tường cười:

- Em cuốn mùng cho ông Quy-Li-Ve đó hở? Giỏi lắm! Về phòng học đi nghen!

Bé Nhu Mì lắc đầu, giơ bàn tay trái ra, rồi dùng ngón trỏ của tay phải vẽ tròn tròn trên lòng bàn tay trái. Cát Tường hiểu, gật đầu:

- À, muốn vẽ hở? Thì… ờ , thì em cứ vẽ.

Nhu Mì nhoẻn miệng cười, rồi quay lại nhìn Trúc. Đôi mắt long lanh như muốn nói điều gì. Đứa bé ra khỏi ngưỡng cửa rồi, Cát Tường đến bên giường Trúc:

- Anh thức dậy lâu chưa?

- Hơi lâu rồi cô Cát Tường ạ. Tôi có nghe các em đọc kinh cầu bên ấy nữa.

- Không phải kinh đâu anh. Đó chỉ là lời tâm niệm đọc buổi sáng.

° ° °

- Bé Nhu Mì có một vẻ khác thường làm tôi thắc mắc quá. Hình như bé không muốn nói chuyện với tôi?

- Với ai cũng thế, anh Trúc ạ. Bé Nhu Mì rất muốn nói chuyện…nhưng…

Trúc biết ngay rằng mình đã đoán không sai. Cát Tường nói nhỏ như muốn để tiếng nói của mình chìm xuống:

- Nhưng bé không nói được.

Cá Tường ngồi xuống một chiếc ghế, nói:

- Bé Nhu Mì cũng quý‎ mến anh, giống như tất cả chúng em ở đây đều quý mến anh. Bé đã tỏ tình cảm của bé bằng công việc vừa rồi đó!

- Nhưng tôi nhận thấy là tôi chưa làm được điều gì cho các bé cả. Sự có mặt của tôi làm các bé bận rộn. Riêng Cát Tường, chắc cô mất rất nhiều thì giờ vì tôi lắm?

- Dạ không... không! Anh nói làm em… không biết phải nói sao. Chúng em quý mến anh như quý mến ông Gulliver..

Trúc cười:

- Cô thích truyện Gulliver?

- Dạ, không những em, mà cả làng đều thích.

Trúc kêu lên thú vị:

- Đến thế à?

- Dạ. Vì em thường đọc cho các bé nghe truyện ông Gulliver lạc vào nước của người tí hon . Mà chúng em ở đây, cũng giống như dân tí hon vậy.

Trúc reo lên:

- Đúng vậy, một xứ thật dễ thương!

Cát Tường bẽn lẽn:

- Đó là chuyện đặt ra để các bé khỏi buồn. Mà cũng vì… em chỉ thích mỗi truyện ông Gulliver mà thôi. Chuyện đó em xem hồi nhỏ.

Cát Tường thở dài:

- Vậy mà các bé tin lắm, thích lắm. Các bé tin rằng sẽ có một ngày ông Gulliver lạc vào xứ của các bé, các bé sẽ trói ông ấy lại, chở về làng.

- Rồi các bé sẽ leo lên mặt, lên mũi ông ấy, bứt tóc ông ấy? Ồ, nhưng các bé đã đối xử với tôi thật tốt. Tôi không bị trói, mà lại được chở về trên một chiếc xe ngộ nghĩnh. Các bé không phá phách mặt mày tôi, mà tôi lại được băng bó, săn sóc như thế này.

Cát Tường cúi đầu im lặng. Trúc gọi:

- Cô Cát Tường!

- Dạ!..

- Tôi phải nói sao để cám ơn các bé và cám ơn riêng cô đây?

Câu nói của người nghe khách sáo quá! Cát Tường chớp mắt, đáp:

- Chúng em chỉ làm theo… theo lời cha Đạo dạy.

- Cha Đạo là một vị vua cao quý.

- Nhờ cha, chúng em mới được như thế này.

- Tôi có cảm tưởng là để tìm hiểu trọn vẹn nơi đây, chắc phải sống ở làng cả năm.

Cát Tường sáng đôi mắt lên:

- Anh cứ ở đây… cả năm nhé!

Trúc cười:

- Đâu được. Tôi phải ra trình diện đơn vị chứ! Chắc lúc này họ đang tìm kiếm chúng tôi. Xem như là tôi đã mất tích.

Trúc xoa nhẹ chân, nơi có những lằn vải băng trắng toát:

- Chắc không thể ở lâu nơi đây.

- Nhưng anh đợi vết thương lành chứ?

Trúc gật đầu, lẩm bẩm:

- Điều quan trọng là phải làm sao liên lạc với đơn vị.

- Chuyện đó anh không lo. Sáng sớm em có gặp cha. Cha bảo rằng vài ngày nữa ông Năm chở gạo về, Cha sẽ nhờ ông Năm lên tỉnh báo với người ta.

- Ông Năm là ai?

- Một người thân tín của cha. Mỗi tháng ông Năm lái xe lên tỉnh mua các thứ cần thiết cho chúng em về trữ ở đây. Hầu như chỉ có ông Năm là người hay liên lạc với bên ngoài.

Trúc nhìn Cát Tường. Lúc này cô bé đang dọn dẹp căn phòng. Vẻ mặt Cát Tường, khi im lặng, trông giống người trong một bức tranh nào đó mà Trúc đã có lần được xem. Mái tóc vẫn được cột gọn sau gáy. Trúc tưởng tượng khi cô bé xõa tóc ra, chắc trên vai sẽ có một dòng suối đen nhánh. Trúc chưa biết tuổi của Cát Tường, cũng như chưa biết gì về cuộc đời của cô. Trúc tự nghĩ những điều thắc mắc ấy nếu hỏi ngay bây giờ chắc sẽ đường đột lắm. Thôi cứ để tự nhiên. Ít ra mình cũng sẽ được trú ngụ ở đây cho đến khi “ông Năm” nào đó trở về.

Bé Nhu Mì lại vào phòng, đem theo một đĩa khoai lang đã bóc vỏ và cắt ra thành từng lát. Cát Tường khen:

- Chà, bé giỏi quá, giành việc làm của chị ha! Sao lại để trên bàn? Bé mang lại mời anh Trúc ăn đi!

Bé Nhu Mì lắc đầu. Cát Tường cười:

- Sao vậy?

Đứa bé chỉ vào Trúc, rồi đưa hai tay ra sau lưng, như người bị trói. Chỉ có Cát Tường hiểu ý.

- À, quên nhỉ! Bé mang lại mời ông “Quy-Li-Ve” ăn đi!

Đôi môi nhỏ xíu hé ra, cười. Trúc nhận một lát khoai, cho vào miệng, và hỏi:

- Bé ăn không?

Nhu Mì lắc đầu, đưa đĩa khoai đến gần hơn cho Trúc. Cát Tường nói thay:

- Các em đã ăn từ sáng sớm. Các em trai xuống rẫy, còn các em gái làm việc nhà, nấu nướng, may vá hoặc tưới rau ngoài kia.

- Còn bé Nhu Mì làm gì?

Nhu Mì lại dùng ngón trỏ của bàn tay phải vẽ tròn tròn, rồi viết lên lòng bàn tay trái. Trúc hỏi:

- Bé viết? Bé vẽ nữa?

Một cái gật đầu, và một nụ cười thích thú kèm theo. Trúc khoe:

- Cô Cát Tường! Tôi đã có thể “tâm sự” với bé Nhu Mì rồi đó!

- Có cần em thông ngôn không?

- Khỏi, khỏi!

- Vậy bé Nhu Mì ở đây nói chuyện với anh, à không, với ông Quy-Li-Ve cho vui nha. Chị ra tưới rau nhé!

Bóng Cát Tường khuất sau khung cửa gỗ. Trúc quay lại nhìn bé Nhu Mì. Đôi mắt cô bé lúc nào cũng như ươn ướt, trông tội tội. Trúc hỏi:

- Sao? Bé Nhu Mì có thích nói chuyện với anh không? Bé thấy anh có giống Quy-Li-Ve không?

Nhu Mì gật đầu. Bé nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, đưa bàn tay thấp xuống đầu gối ra dấu như có những người lùn đang vây quanh bé. Trúc đoán:

- A, Quy-Li-Ve ngủ, rồi thức dậy, thấy có người tí hon ở xung quanh phải không?

Nhu Mì sáng đôi mắt lên, chỉ vào người Trúc, chỉ vết thương của Trúc, rồi chỉ hai bên chân của Trúc, chỉ xuống dưới chân giường. Trúc nhìn theo, thấy đôi giày của mình được đặt ngay ngắn ở đó. Trúc mỉm cười:

- Bé đã cởi giày cho anh phải không?

Bé Nhu Mì gật đầu, nhoẻn miệng cười. Trúc nghe một nỗi gì mang mang trong lòng. Nhìn đôi mắt ươn ướt non dại của bé, Trúc như thấy cả một tâm hồn chân thật, cả một ấu thời buồn tủi. Bé ở đâu đến? Bé là con của ai? Bé nghĩ gì khi thiếu thốn giác quan? Bé có nghe lời tâm niệm mỗi sáng các bạn của bé đọc không? “Lạy Chúa!... xin giúp chúng con chịu đựng thử thách…”, và bé đã chịu đựng cái thử thách suốt đời bé đó!

- Anh no rồi! Bé để dĩa lên bàn đi, rồi ngồi đây, anh nói chuyện tiếp.

Bé Nhu Mì làm theo lời Trúc. Trúc nói:

- Bé thật là ngoan, và… nhu mì giống như tên của bé vậy. Bé mấy tuổi?

Nhu Mì xòe hai bàn tay ra nhìn, rồi giơ bảy ngón lên.

- A, bé bảy tuổi rồi! Bé học được nhiều chưa?

Nhu Mì lắc đầu, rồi chạy nhanh ra cửa. Trúc ngơ ngác nhìn theo. Một phút sau bé Nhu Mì trở lại, tay cầm một tập giấy nhỏ. Bé giở ra từng trang, cho Trúc thấy những nét chữ vụng dại viết trên giấy. Bắt đầu bằng những chữ đơn giản, lần lần về sau bé viết chữ khó hơn. Xen vào đó, có những hình tròn, vuông hay chữ nhật. Bé Nhu Mì vẽ được cả hình mặt trời, hình cái cây, hình bông hoa. Và ở trang gần cuối là hình một đôi giày. Trúc ngạc nhiên hỏi:

- Bé vẽ… đôi giày của anh?

Nhu Mì gật đầu.

- Sao giống hai ống điếu quá vậy?

Đứa bé úp tập giấy lên che mặt, cười mắc cỡ. Rồi trước sự ngạc nhiên của Trúc, bé rút cây bút ngắn từ trong túi áo bà ba, hí hoáy viết phía dưới hình đôi giày:

“Bé sẽ lấy vải may cho anh một đôi dép để anh mang đi dạo”.

Trúc vỗ tay, khoái chí:

- Giỏi quá! Bé Nhu Mì giỏi quá! Cám ơn bé lắm! Nhưng… nhưng… anh mà mang dép bằng vải, đi dạo dưới rẫy, trong rừng, thì… chân anh sẽ làm rách đôi dép xinh xắn của bé liền. Vì chân anh… to và mạnh như chân của ông khổng lồ.

Bé Nhu Mì xấu hổ che mặt bỏ chạy. Trúc gọi theo:

- Bé! Bé!

Bóng dáng nhỏ nhắn biến mất. Trúc nằm dài ra giường, cười một mình, và nhắm mắt lại, tưởng như hai mắt đang được vây kín bởi một màu trời xanh.

Chương 4

- Có ông Quy-Li-Ve ở đây, tụi em phải đào nhiều khoai hơn.

- Đừng lo, của Trời cho, và của do sức mình làm ra, không bao giờ hết.

- Nhưng tụi em đâu có than phiền gì, mà còn vui nữa là. Có anh ấy ở làng mình, tụi em thích ghê!

- Ông Quy-Li-Ve của chúng mình đâu có ăn nhiều ha!

- Anh ấy biết kể chuyện nữa đó.

- Chuyện gì?

- Nhiều lắm. Chuyện anh ấy đến một quận nhỏ, được dân chúng nấu cơm giùm, đi chợ giùm, và … hứa gả con gái cho anh ấy nữa.

Cát Tường bật cười:

- Rồi anh ấy chịu không?

Khánh đun thêm một cây củi vào lò, nói:

- Anh ấy sắp chịu, thì máy bay đến, chở đơn vị của anh ấy đi nơi khác. Híc híc!...

- Rồi sao nữa?

- Rồi máy bay bay ngang rừng, bị địch ở dưới bắn lên. Máy bay rớt, bạn bè của anh ấy chết hết.

- Chuyện đó thì chị biết rồi. À nè Khánh, mấy hôm nay các em vào rừng có thấy gì lạ nữa không?

- Dạ không. Em muốn đi lần theo dấu chân anh Trúc để tìm đến xem chỗ chiếc máy bay bị rớt, nhưng Cha có dặn là không được đi.

- Phải đó! Em đừng đi nghen. Chỗ đó chắc cũng ở sâu bên trong. Em vào đó lỡ có chuyện gì…

Khánh không nói, nhìn vào bếp lửa. Cát Tường lẩm bẩm:

- Gần hết gạo rồi. Chuyến này ông Năm đi lâu quá!

- Chắc ông Năm lên tỉnh gặp người quen.

- Không chắc… Hy vọng kỳ này ông Năm có mua quà cho chúng mình.

- Quà gì chị?

- Chị có dặn ông Năm tìm mua nhiều sách truyện để chị kể cho các bé nghe. Với lại vải hoa để chị may áo cho các bé.

Cát Tường cúi xuống. Tội nghiệp, ông Năm lâu về quá, Nhu Mì vẫn còn mặc áo cũ, các bé vẫn còn mặc áo cũ. Mới đây Cát Tường khám phá ra rằng các bé lớn dần và biết ao ước. Có lẽ các bé chẳng bao giờ nghĩ rằng người ta có khi may áo bằng vải màu sặc sỡ, bằng vải có hoa, nếu không có một hôm nghe Cát Tường kể chuyện về một nàng công chúa xinh đẹp và chiếc áo của nàng. Tội nghiệp! Tuổi nhỏ làm các bé chưa nhớ. Thời gian làm các bé dễ quên. Ở đây màu áo của các bé đồng hóa với màu cây, màu lá, màu đất, màu chiều xám xuống dần dưới chân đồi. Chờ ông Năm về, các bé sẽ có áo hoa.

Cát Tường đứng lên, nói:

- Khánh coi nồi cơm nghen! Chị đi sắp đặt lại nhà cơm. Chiều nay anh Trúc qua đó ăn cơm với tụi mình. Anh ấy đi được tốt rồi. Anh có thể vịn theo bàn ghế, vách tường, không run rẩy như ngày đầu. Chị nói anh ấy cứ ở trong phòng, chị bưng cơm vào, anh ấy không chịu, muốn ăn chung với các bé.

- Thích quá! Coi nào, bữa nay cơm ghế khoai, ăn với tương, rau muống luộc, với lại… hết rồi!

Cát Tường ngẩn ngơ:

- Ủa, hết rồi à? Không được. Vào chuồng gà, coi có cái trứng nào còn sót không.

Khánh cười:

- Sót làm sao được! Thôi kệ, đợi vài ngày nữa ông Năm về, tha hồ ăn cá hộp, thịt hộp.

- Ừ, thôi kệ.

- Ông Quy-Li-Ve của tụi mình đâu có đòi hỏi thức ăn ngon.

Cát Tường chắc lưỡi:

- Chắc khi về nhà, anh ấy còn bằng que tăm.

- Thiên hạ sẽ chê bai xứ tí hon mình quá tệ.

- Tại mình nghèo chứ!

- Nhưng anh Trúc của tụi mình dễ thương gấp mười lần ông Quy-Li-Ve.

Nói quanh quẩn chán, Khánh và Cát Tường nhìn nhau, phì cười. Thường ở đây, mỗi khi gặp nhau lúc ôm củi hay nhóm bếp, nấu ăn, hai chị em nói với nhau những câu chuyện vẩn vơ. Từ ngày có Trúc, những câu chuyện lại xoay quanh người ấy. Một cách không rõ rệt, cả hai cảm thấy sự có mặt của một người khách lạ nơi đây như nắng ấm làm tan chút sương mờ, thế thôi.

Cát Tường vào nhà cơm. Đây chỉ là một gian nhà nhỏ, cạnh nhà bếp. Vách cũng làm bằng ván mỏng, có nhiều khe hở. Mái tôn cũ kỹ đã lủng dột nhiều nơi. Không biết qua Tết này, đến mùa mưa, các bé có được yên thân mỗi khi ăn cơm không? Bốn cái bàn dài với hơn hai mươi cái ghế nhỏ choáng vừa hết gian nhà. Cát Tường thở dài. Không còn cái trứng gà nào sót lại. Chiều nay vẫn ăn cơm với rau muống chấm tương. Không có gì ngon hơn để thết đãi người khách đã khá thân. Nhưng có lẽ người không đòi hỏi gì đâu. Người dễ thương gấp mấy mươi lần Gulliver. Đúng vậy. Điều quan trọng là làm sao tìm cho anh ấy một cái ghế. Anh ấy không thể ngồi trên cái ghế nhỏ xíu bằng tre như các bé được. Phải đi qua nhà nguyện, xin cha Đạo một cái ghế.

Cát Tường vào gian nhà dùng làm phòng ngủ của mình và các bé gái. Buổi chiều, các bé qua hết bên nhà nguyện. Chỉ còn bé Nhu Mì ngồi yên trên giường. Hai mắt mở hé, chứng tỏ bé đang thức. Nhưng quyển vở trên tay thì gấp lại. Cát Tường ngồi xuống cạnh bên bé, rồi giở chiếc gối, lấy ra một bộ quần áo màu lam. Đây là quần áo của ông Quy-Li-Ve, Cát Tường mỉm cười với đôi mắt lười biếng của Nhu Mì. Còn một khuy nút chót phải làm, sau đó…, ừ sau đó sẽ mang qua cho Trúc.

Cát Tường kêu lên ngạc nhiên:

- Ủa! Ai đã khâu cái khuy nút này?

Rồi nhìn qua bé Nhu Mì, thấy đôi mắt bé mở to, bày ra sự thích thú. Nhu Mì chỉ vào mình. Cát Tường nói:

- Bé khâu hả? Giỏi quá! Hồi nào vậy?... A, mới đây thôi?... Anh Quy-Li-Ve sẽ thích lắm.

Nhu Mì đưa bàn tay chỉ vào nơi trái tim của bé, rồi nhắm mắt lại, mỉm cười. Cát Tường hỏi:

- Bé thương anh Trúc lắm phải không?

Nhu Mì đưa hết mười ngón tay ra, tỏ ý thương nhiều, nhiều lắm. Cát Tường vuốt mái tóc mướt mịn của đứa nhỏ, nói khe khẽ:

- Ai cũng mến anh ấy hết. Nếu mà… anh ấy ở lại làng mình luôn, bé thích không?

Nhu Mì gật đầu, Cát Tường tiếp:

- Có bộ quần áo này, anh ấy khỏi phải mặc bộ đồ lính kềnh càng nặng nề. Anh ấy sẽ dần dần lành chân, anh ấy xuống đồi, xuống rẫy với mình, thích nhé! ‎

Nhu Mì gật đầu, rồi mở quyển vở ra, lật đến trang giấy có dòng chữ “Bé sẽ lấy vải may cho anh đôi dép để đi dạo”, đưa cho Cát Tường xem.

- Bé viết được câu này đó à? Chúa ơi! Em tôi học giỏi vô cùng. A, nhưng mà… - Cát Tường vỗ trán, chưng hửng – Bé làm chị sực nhớ…anh Quy-Li-Ve chưa có dép. Chân anh ấy đau, mang giày nặng chịu gì nổi. Mà mang giày vải của bé, anh ấy chỉ ngồi trên giường thôi, không dám bước xuống đất đâu!

Hai chị em nhìn nhau. Ở làng cô nhi này, hiện không biết tìm đâu ra một đôi dép đàn ông, ngoại trừ… ngoại trừ đôi dép của cha Đạo. Cát Tường hoảng hốt ngưng ngay ý nghĩ đó lại, tự cho là vô lễ lắm. Thôi, người khách đã chẳng đòi hỏi gì, chắc mình cũng đừng nên áy náy. Cát Tường ôm bộ quần áo đứng lên, nói với Nhu Mì:

- Bé ở đây, chị đem bộ đồ qua cho anh ấy. Chút nữa anh ấy xuống ăn cơm với chị em mình đó.

° ° °

Trúc đang xem một quyển sổ nhỏ, gấp lại khi thấy Cát Tường vào.

- À, cô Cát Tường.

- Anh đang làm gì đó?

- Tôi lục lại giấy tờ trong túi áo, xem hôm bị nạn có…

- Anh có bị mất mát giấy tờ gì không?

- Ô… không. May quá cô Cát Tường ạ, giấy tờ vẫn ở nguyên trong túi, kể cả… cái này vẫn còn nguyên trên cổ.

Trúc mỉm cười, cầm mảnh kẽm hình chữ nhật có khắc những chữ và số lên ngắm. Cát Tường hỏi:

- Cái gì vậy anh?

- Đây gọi là tấm thẻ bài mà mỗi người lính đều phải đeo trên cổ. Đây là tên tôi. Đây là số quân, đây là loại máu. Khi mình bị thương, người ta nhìn đây biết được mình cần loại máu nào để mà tiếp cứu. Còn khi mình chết, nếu thân xác có bị dập vùi, người ta vẫn biết được gốc tích của mình để đưa tin về nhà.

Cát Tường rùng mình, nhìn Trúc. Những điều vừa nghe được thật là những khám phá mới. Ta cũng biết chiến tranh. Ta cũng biết tang tóc là gì. Nhưng đây mới là lần đầu đối diện với một người lính. Chẳng cần biết cấp bậc. Chẳng cần biết người ở đơn vị nào. Cát Tường chỉ thấy rõ hơn hết, một điều rằng những người chiến đấu là những người chấp nhận những gì rất bi hùng. Cái hình hài mà ta nhìn thấy trước mặt, mà ta đã may áo quần cho đây, biết đâu sau này khi tiếp tục đoạn đời gian nan, sẽ có ngày gửi thẻ bài về cho thân quyến. Cát Tường nhắm mắt lại. Cảm xúc nào làm tái tê ý nghĩ?... Hay cũng lại là sợi khói bay ngang trời? Hay cũng lại là ngọn gió lạc loài len vào vách gỗ?

- Cô Cát Tường! Cô nghĩ gì đó?

Cát Tường giật mình:

- Dạ? Không ạ. Em…

- Những điều tôi nói làm cô nghĩ ngợi hở? Tôi thật vô ý. Bỏ chuyện ấy đi nghen Cát Tường! Bây giờ tôi chỉ còn nhớ một điều là tôi đang sống ở xứ tí hon toàn những người tử tế, dễ mến.

- Chúng em chỉ sợ những thiếu thốn ở đây làm anh khó chịu.

Trúc cười:

- Khó chịu? Ồ không bao giờ. Cô không hiểu được rằng tôi đang sung sướng đâu! Thuở nhỏ tôi cũng thích xem truyện thần tiên vậy. Tôi không tin trên đời có chuyện thần tiên. Nhưng nơi đây là một nơi mà tôi không hề ngờ.

Cát Tường hỏi nhỏ:

- Anh có nhớ gia đình không?

- Có chứ! Nhưng tôi biết là tôi sẽ được về.

- Vâng. Khi nào ông Năm về lại, anh sẽ được ông ấy chở ra tỉnh.

- Tôi biết thế. Tôi cũng nóng lòng lắm. Nhưng nơi đây có một cái gì làm tôi quyến luyến. Tôi chưa biết nhiều về các bé, về làng cô nhi này, về… Cát Tường.

- Khi ăn cơm chung với các bé, anh sẽ biết nhiều hơn. Còn về làng cô nhi này, cũng rất đơn giản. Chúng em, xưa ở trên tỉnh, rồi vì loạn lạc, chúng em tản cư cùng với dân chúng tị nạn. Cha Đạo quyết định dẫn chúng em về định cư ở đây, vừa sống thoải mái gần thiên nhiên , vừa có thể tự lo phần nào miếng ăn.

- Cha không định lên tỉnh lại hay sao?

- Dạ, Cha có nghĩ tới. Nhưng bốn năm rồi, sống ở đây, Cha và chúng em thấy không nơi nào hơn ở đây nữa. Vả lại, ở tỉnh chật vật quá, ít có ai giúp đỡ thường xuyên được. Cha muốn chúng em tự lập, ít ra là về miếng ăn. Có ông Năm làm người chạy đi chạy về, còn cha với chúng em không đi đâu cả. Ở đây yên ổn, không biết gì đến thời cuộc. Chúng em dạy dỗ lẫn nhau, chăm sóc cho nhau.

- Cát Tường làm cô giáo?

- Em chỉ có thể dạy các em đọc, viết và làm toán. Vài năm nữa, chắc Cha phải gửi Khánh lên tỉnh.

- Đúng rồi, Khánh là con trai lớn.

Cát Tường nhìn ra cửa. Chiều đến chầm chậm trên những luống rau. Mặt trời còn để rơi rải những tia nắng úa. Cảm nghĩ hồ như cũng theo đó mà úa vàng. Điều gì buồn buồn theo nắng len vào mắt. Cát Tường đan mười ngón tay vào nhau, yên lặng. Trúc quan sát nét mặt cô bé, và hỏi:

- Còn Cát Tường?

- Dạ? Anh nói sao?

- Cát Tường có muốn về lại tỉnh không?

Cát Tường mở to mắt:

- Dạ? Về tỉnh? Em… chưa nghĩ gì hết.

- Sao vậy?

- Vì… vì em sống với các bé đã sáu năm rồi. Các bé ở đâu, em ở đó. Từ ngày chen chúc trong cô nhi viện chật hẹp đến lúc tung tăng ở đây, chúng em chưa rời nhau bao giờ.

Một điều thật đương nhiên – Cát Tường nghĩ nhanh như vậy rồi nhíu mày, không biết mình buồn hay vui. Tại vì Trúc hỏi, nên điều đương nhiên trở nên có vẻ dị kỳ. Cát Tường nói tiếp:

- Em vào sống ở cô nhi viện của cha Đạo năm mười bốn tuổi. Em là một trường hợp đặc biệt vì thuở đó cô nhi viện của cha Đạo không nhận những đứa trẻ lớn hơn mười tuổi. Em là bà con xa của ông Năm. Gia đình em bị tan nát trong chiến tranh, em không còn ai là người thân. Chỉ có ông Năm quen với Cha nên xin Cha cho em vào sống trong cô nhi viện. Lúc đó Khánh còn nhỏ lắm, mới chín tuổi, còn bé Nhu Mì chỉ mới thôi nôi. Cha nhận em vì em học khá, có thể giúp Cha dạy dỗ chăm sóc các bé. Từ ngày ấy em trở thành con cả của Cha.

Cát Tường nói như trả bài. Hết. Từ ngày ấy, Cát Tường trở thành con cả của cha. Đến bây giờ, và mãi mãi về sau.

Trúc lặng yên, tay đặt trên lớp vải băng. Không gian êm đềm làm Trúc thấy thèm một điếu thuốc lá. Ở đây, mấy ngày giam mình trong căn phòng, chỉ lê ra ngoài thật nhọc mệt mỗi khi thật cần thiết, Trúc cảm thấy mình giống như một đứa bé. Bây giờ nhớ những điếu thuốc tỏa khói trên môi của bạn bè, nhớ những lúc di chuyển bằng GMC, qua những con đường hai bên là ruộng, hoặc qua những cánh rừng cây xanh ngút ngàn. Khói thuốc không đủ làm ấm khoảng không gian lưu chuyển. Nhưng có với nhau điếu thuốc, bạn bè thấy gần nhau hơn, cảm thông nhau hơn về nỗi nhớ gia đình, bạn bè, người yêu. Ở đây, những sự việc bỗng dưng mới mẻ. Mới mẻ giống như ánh nắng lập lòe trong một khu rừng xa lạ. Mới mẻ giống như tiếng ríu rít của trẻ nhỏ bên tai khi mình còn đang nhắm mắt. Trúc nhìn Cát Tường. Cả đến mái tóc của Cát Tường cũng không giống một mái tóc nào mà Trúc đã thấy. Và đôi mắt cũng không giống đôi mắt của người trong một bức tranh nào đó. Tất cả đều mới mẻ. Tất cả đều như bắt đầu cho một khúc đời lạ.

Cát Tường đặt bộ quần áo lên giường, e dè nói:

- Xin anh Trúc nhận cho.

- Chi đó Cát Tường?

- Dạ… của em may và bé Nhu Mì kết nút.

Trúc reo lên:

- Tôi đoán là…

Trúc thích thú cầm bộ quần áo lên, giọng hân hoan:

- Cô lại cho tôi một điều mới mẻ nữa.

- Vì chúng em muốn anh được khỏe khoắn hơn với bộ đồ này.

- Cám ơn, cám ơn cô Cát Tường lắm! Cám ơn bé Nhu Mì nữa.

Trúc thấy mình nhỏ lại, nhỏ lại, như một đứa bé. Đôi mắt Cát Tường long lanh như muốn tỏa hết nỗi vui sướng. Cát Tường nói:

- Chỉ còn một đôi dép…. Chúng em còn thiếu cho anh một đôi dép.

Trúc kêu lên:

- Ấy! Thôi, Cát Tường! Tôi không dám để cô bận rộn vì tôi nữa đâu. Chẳng lẽ cô lại nhường luôn cho tôi đôi dép xinh xắn của cô nữa hay sao?

- Anh phải mang giày, nặng nề lắm!

- Tôi đã quen rồi. Đi chân đất cũng không sao mà.

Nâng niu bộ quần áo trên tay, Trúc nói, giọng cảm động:

- Cát Tường lo lắng cho tôi hơn là một cô em gái lo lắng cho anh. Tôi phải làm gì cho xứng đáng với sự chăm sóc ấy?

Cát Tường nói rất nhỏ:

- Em không mong gì hơn là được anh Trúc xem em như cô em gái. Đã từ lâu rồi, em chỉ làm chị cả.

Rồi không đợi nghe Trúc nói, Cát Tường quay bước, sau khi dặn:

- Chúng em chờ anh ở nhà cơm. Xin phép anh, em xuống sắp chỗ cho các bé.

Cát Tường đi ra sân. Đàng xa, các bé trai bé gái đã đứng thành hàng đôi trước nhà cơm. Cát Tường đưa tay ra hiệu cho bầy trẻ đi vào. Sự trật tự đã quá quen thuộc. Cát Tường đứng nhìn đến khi đứa bé cuối cùng vào cửa, rồi quay trở lại để vào nhà nguyện. Còn phải xin cho Quy-Li-Ve một cái ghế. Khi bước đến khoảng đất trồng rau, Cát Tường nghe tiếng trẻ cất lên từ phía nhà cơm:

- “Là nai đàn nên nhường nhau miếng khoai

Là chim bầy nên chia nhau chén cơm

Giờ cơm đến rồi

Giờ cơm đến rồi….”

Cát Tường mỉm cười. Các em hát để nhắc nhau niềm vui và sự chia xẻ. Hát để yêu mến những bữa ăn thanh đạm Và hát để chờ người khách sắp xuống cùng chia nhau miếng cơm ngon...

Chương 5

Như chim nhỏ được thoát khỏi chiếc lồng, bé Nhu Mì chạy tung tăng trên đường đất. Trúc bước theo phía sau. Qua khoảng đất vuông vắn trồng rau cải, đến một ngôi nhà nhỏ, sơn màu trắng. Ngôi nhà có vẻ trang trọng nhất trong làng. Trúc biết ngay đó là nhà nguyện. Không, phải gọi đó là một giáo đường nho nhỏ, vì trên đỉnh của mái nhà có một cây Thánh giá.

Không có tiếng chuông. Không nghe lời cầu nguyện. Cát Tường vừa mới dẫn đàn trẻ về nhà ngủ. Cái không khí trầm lặng khiến Trúc cảm nhận một tâm trạng lạ lùng chưa từng có. Khi chân bước khó khăn qua những khoảng đất mềm lún, lên đến bậc thềm đầu tiên của giáo đường nhỏ bé, Trúc tưởng như chỉ có nơi đây, sự bình an là trọn vẹn. Bao năm gian nan chưa có lúc ngừng nghỉ, có phải bây giờ mới thực sự bắt đầu? Bắt đầu làm một người mới, bắt đầu sống, bắt đầu cảm nhận, và bắt đầu tất cả mọi ý nghĩ.

Nhu Mì dừng lại ở cửa chờ Trúc. Bàn tay nhỏ xíu đưa ra nắm lấy bàn tay rắn rỏi. Nhu Mì nhìn Trúc, chợt thấy Trúc nhăn mặt và sờ vào chân. Đôi mắt Nhu Mì mở lớn như có ý hỏi: “anh vẫn còn đau phải không?”. Trúc nhìn lại và cười:

- Đau quá! Đất mềm kéo chân anh lại, suý‎t nữa rơi đôi giày.

Nhu Mì cười thích thú, nhìn lại luống đất ướt nhẹp. Những dấu giày của Trúc lún rõ xuống đó. Bé lắc đầu như muốn nói “không sao đâu!” rồi se sẽ dắt tay Trúc bước vào nhà. Khung cảnh mờ tối vì ngoài trời không còn nắng. Mấy cánh cửa sổ lại đóng kín. Chẳng có ai trong nhà nguyện. Trúc nhìn thấy hai dãy ghế sắp xếp đều đặn, thẳng tắp, dẫn đến tượng Đức Chúa Giê-su phơi mình trên Thập giá. Chỉ có thế. Đó là ngôi giáo đường bé nhỏ ở đây.

Nhu Mì đưa tay làm dấu, rồi nhìn Trúc. Trúc bối rối, nhưng rồi cũng bắt chước theo. Lạy Chúa, nơi đây Chúa yêu thương tất cả, kể cả con chưa biết một câu kinh, chưa hề biết làm dấu Thánh giá. Nhu Mì chỉ cho Trúc ngồi xuống một chiếc ghế. Rồi bé cũng ngồi xuống cạnh bên. Trúc không biết nói gì với bé. Hai anh em yên lặng. Trúc nghe cả tiếng thở nhẹ của Nhu Mì. Đôi mắt tội nghiệp mở to, nhìn thẳng phía trước. Chắc bé đang nói bằng những lời câm nín. Trúc cũng nhìn thẳng phía trước. Không nhìn thấy rõ nét mặt của Chúa. Nhưng cái hình hài dán cứng trên cây Thập giá là cả một sự chịu đựng và hy sinh. Trúc cảm thấy lòng bình yên. Trước mặt Chúa, không còn nhớ quá khứ, không còn lo tương lai. Trước mặt Chúa, không ai là người già, cũng không ai là trẻ nhỏ. Trúc thấy mình nhỏ lại bằng bé Nhu Mì không nhớ gì về thời ấu thơ của chính bé.

Cha Đạo xuất hiện từ sau lưng Thập tự giá – và Trúc đoán ngay là ở đó có một căn phòng nhỏ. Cha đem theo một chút ánh sáng của ngọn bạch lạp cắm trên chân đèn bằng gỗ. Ngoài trời đã hết nắng. Trong này cha Đạo đang đặt ngọn đèn lên chiếc bàn nhỏ để ở góc nhà. Cha nhìn xuống dãy ghế, thấy Trúc và Nhu Mì ở đó. Trúc muốn đứng dậy, nhưng cha đang chậm chạp đi xuống. Bây giờ Trúc mới nhận thấy rõ dáng đi của Cha như có vẻ hơi khập khiễng. Vì Cha đã già chăng? Có lẽ đúng. Ngay lúc đầu gặp Cha, Trúc đã thấy mái tóc của Cha bạc hết phân nửa. Không biết cuộc đời đạo hạnh của Cha bắt đầu từ khi nào. Nhưng chắc chắn Cha sẽ tiếp tục cuộc đời ấy cho đến chết. Vì Cha đã chọn làm người cha chung cho một đàn con nhỏ nơi đây rồi.

- Con vào đây, Cha có cái này muốn tặng con.

Trúc đứng lên, ngạc nhiên:

- Thưa Cha, đi đâu ạ?

- Vào phòng của Cha. Cha muốn tặng con tượng Thánh giá, để con đeo vào cổ. Chúa sẽ bảo vệ con.

Cha Đạo đi trước. Trúc quay lại, nói với bé Nhu Mì:

- Ngồi đây nhé! Anh sẽ trở ra ngay. Anh em mình về lại nhà.

Nhu Mì gật đầu. Trúc bước theo cha Đạo. Bước chân cha Đạo khập khiễng. Chân Trúc cũng nhói đau. Qua khỏi chiếc bàn có để ngọn đèn bạch lạp, hai người vòng ra sau lưng Thập tự giá. Cha Đạo đang mở cửa một căn phòng nhỏ: phòng riêng của Cha.

° ° °

Một mình Nhu Mì còn ngồi trên ghế, hai tay khoanh lại trước mặt. Tâm trí non dại như đặc tràn ý‎ nghĩ. Đàng xa kia, ngọn đèn nến trắng như cũng lao chao. Bóng tối xung quanh nhiều hơn ánh sáng.

Nhu Mì nhướng mắt lên. Sau lưng dường như có ai bước vào. Chắc chị Cát Tường qua thăm chừng Cha, hay đón bé và anh Trúc? Ồ không! Tiếng chân của vài người chứ không phải một mình chị Cát Tường. Nhu Mì quay lại. Có hai người lạ đi với Cát Tường vào nhà nguyện. Hai người đàn ông! Nhu Mì đứng phắt dậy. Cát Tường bước nhanh đến, nắm chặt tay Nhu Mì. Bóng tối không che lấp vẻ sợ hãi trên gương mặt Cát Tường. Bóng tối cũng không làm mờ vẻ nóng nảy trên mắt hai người đàn ông. Nhu Mì ngạc nhiên nhìn, đôi mắt mở to như muốn hỏi “cái gì vậy?”. Cát Tường cố giữ nét bình tĩnh, ôm vai Nhu Mì, đứng yên.

Một người cúi xuống nhìn nền nhà, mắt sáng lên khi nhìn thấy dấu giày đinh in trên đó bằng những đất bùn màu nâu đỏ. Cát Tường mím chặt môi, siết chặt vai Nhu Mì bằng đôi tay run rẩy. Dấu giày!!! Trời ơi người đã mang dấu giày đó vào tận nhà nguyện! Ở ngoài kia, trên những luống đất ướt mềm, dấu giày đã in xuống thật rõ ràng. Dấu giày đã làm dấy lên sự nghi ngờ của hai người lạ, sau khi đã khám xét kỹ lưỡng từ phòng ngủ qua nhà cơm, vòng qua nhà bếp, ra đến tận chuồng gà mà không thấy gì hết. Nhưng dấu giày in trên đất nhão đã dẫn họ vào đây. Cát Tường không còn biết nói gì để ngăn cản họ nữa. Ở đây chỉ còn cha tôi – cha Đạo, các ông đã biết. Cha tôi đang cầu nguyện, đừng vào đó làm xao động người. Nhưng dấu giày! Chúa ơi, dấu giày của Trúc!...

- Cha Đạo đâu rồi?

Một trong hai người lạ hỏi to khiến bé Nhu Mì giật mình. Bé trố mắt nhìn Cát Tường, chừng như muốn hỏi thật nhiều về những sự việc xảy ra nãy giờ. Cát Tường nhìn quanh, rồi cố đáp to lên:

- Cha tôi chắc đã ngủ.

- Còn người lính?

- Dạ, người lính nào?

- Cô bé này giả dại, nhưng cô nên biết tụi tôi không phải là con nít.

Cát Tường run giọng:

- Tôi đã nói ở đây chỉ có Cha của chúng tôi.

- Biết rồi, nhưng còn một người nữa.

Hai người đàn ông đẩy Cát Tường và Nhu Mì ra, và xăm xăm đi lên phía tượng Thập tự giá. Bé Nhu Mì ú ớ những âm thanh kinh ngạc. Cát Tường cắn chặt môi đau nhói. Chúa đã bỏ loài người rồi ư?

Kìa, đôi giày đinh đang bước ra trước mặt hai người lạ bằng những bước khập khiễng! Hai người kia đứng khựng lại trước tượng Thập tự giá. Cát Tường nhắm mắt. Nhưng một giọng nói trầm tĩnh cất lên làm Cát Tường giật mình:

- Xin hai qu‎ý khách đứng lại cho.

Giọng của cha Đạo! Cát Tường định thần nhìn lại. Đôi giày kia, cha Đạo đang mang. Cha bước tới. Hai người lạ lui lại. Cha chỉ vào dãy ghế, nói thật điềm đạm:

- Mời hai qu‎ý khách ngồi ở đây. Quý‎ khách cần tĩnh tâm?

Người này nhìn người nọ, lúng túng. Một người nói:

- Xin lỗi cha, chúng tôi vào có hơi đường đột. Nhưng chúng tôi muốn tìm chủ nhân của những dấu giày đinh kia.

- Chính là tôi.

Người nọ kêu lên:

- Cha nói vô lý! Cha là người tu hành, Cha mang giày đó làm gì?

Cát Tường nghe nát cả lòng. Cha ơi! Cha đã đến ngõ cụt. Anh Trúc ơi! Phép lạ không còn có ở đây nữa.

Cha Đạo không lộ vẻ nao núng, chỉ xuống đôi giày:

- Qu‎ý khách muốn biết lý do tôi mang đôi giày này à?

- Phải. Cha hãy nói mau đi.

- Quý khách đừng nóng. Quý khách biết tôi là ai chứ?

- Biết rồi. Cha là cha Đạo, cô bé kia đã khai hết trơn.

- Quý khách biết tôi ở đây chăn một bầy trẻ mồ côi chứ?

- Biết.

- Cha con chúng tôi tự làm vườn rẫy lấy để kiếm thức ăn…

Người kia ngắt lời:

- Cha lập lại lời cô bé kia vô ích. Chúng tôi chỉ muốn biết ai là chủ của đôi giày này.

Cha Đạo thong thả đáp:

- Đôi giày này là của con nuôi của tôi.

Người kia đứng bật dậy:

- Nó đâu?

- Nó chết cách nay bốn năm rồi

Người lạ trợn mắt chưa tin. Cha Đạo vẫn đều giọng:

- Con nuôi của tôi! Vâng, nó đi lính. Nó chết khi tôi mới đem các trẻ mồ côi về đây. Tôi còn giữ được của nó đôi giày này làm di vật.

- Cha cũng xem chúng tôi là con nít. Cha mang đôi giày này để nhớ con nuôi của Cha à?

- Không!

Hai người lạ chịu đựng hết nổi. Nhưng Cha Đạo đang cúi xuống, lặng lẽ mở dây giày. Bàn tay Cha luống cuống không quen. Trái tim Cát Tường thắt lại. Nhu Mì run lẩy bẩy như không đứng vững được. Cha Đạo từ tốn nói:

- Quý khách đã biết tôi là Cha Đạo, tôi ở đây chăn một bầy trẻ nhỏ và tự làm vườn, làm rẫy lấy mà sống. Quý khách phải biết thêm rằng các con tôi còn ngây thơ nhỏ dại, tôi không muốn cho chúng nó phải sợ sệt cái hình ảnh tàn tật này. Nhưng quý khách muốn biết đến tận cùng, thì tôi cũng chẳng giấu làm chi.

Chiếc giày rơi ra khỏi chân Cha Đạo. Cha thản nhiên kéo vạt áo đen lên tận đầu gối, để lộ cho hai người kia thấy chân trái của người là một khúc gỗ màu xám bệch, bắt đầu từ dưới đầu gối và tận cùng bằng một khối hình thuôn dài như một cái bàn chân.

- Đó là lý do thứ nhất để tôi mang đôi giày này. Lý do thứ hai là vì hàng ngày tôi phải ra làm vườn trên đất xốp. Còn mang giày để tưởng nhớ con nuôi tôi… chỉ là cái lý‎ do phụ.

Cha Đạo ngồi xuống một cái ghế, nói một mình:

- Vả lại ở đây, chỉ có tôi và cái nhà thờ nhỏ xíu này. Không có hội thánh, không có con chiên. Tôi chẳng phải lệ thuộc vào một cách ăn mặc nào hết. Tôi chỉ biết có Chúa, và các con tôi.

Một người nói:

- Chúng tôi… xin lỗi Cha.

- Quý‎ khách muốn viếng mộ con nuôi tôi không? Tôi xin dẫn ra vườn.

- Thôi, xin Cha cho chúng tôi kiếu.

Cha Đạo vẫn thản nhiên:

- Ủa! Quý‎ khách chưa cầu nguyện…

Hai người lạ nhìn nhau bối rối. Cha Đạo tiếp:

- Quý‎ khách hãy làm dấu đi.

- Cám ơn Cha. Tối rồi, Cha cho phép chúng tôi về.

Cha Đạo gọi:

- Cát Tường! Con đưa giùm hai ông ra.

° ° °

Hai người đàn ông bước xuống thềm, nhìn lại. Ánh mắt vừa từ bi vừa lạnh lùng của người con gái làm họ chột dạ. Cát Tường đứng lại ở đó, nhìn hai cái bóng chìm vào đêm đen. Rồi quay vào, Cát Tường đóng kín cửa nhà nguyện. Bé Nhu Mì còn đứng im như chưa hết sửng sốt. Cát Tường dẫn bé bước đến gần cha Đạo. Cha đang cởi nốt chiếc giày còn lại. Cát Tường se sẽ quỳ xuống bên chiếc chân gỗ của Cha. Tự nhiên, nước mắt rơi xuống. Cát Tường khóc ngon lành…

Cha Đạo cất tiếng:

- Kìa ! Cát Tường, sao lại khóc, con? Khúc chân của Cha, con đã biết từ lâu rồi mà! Có gì đâu mà con khóc?

Cát Tường muốn nói: “Cha ơi, con thương Cha”, nhưng lời nói nghẹn lại ở cổ họng. Nước mắt chảy trên má, nóng như giọt lệ của bạch lạp. Chừng ngước lên, Cát Tường đã thấy Trúc đứng bên cạnh.

Cha Đạo nhìn Trúc, mỉm cười:

- Con hãy cám ơn Chúa. Chính người đã che chở cho con đó!

Chương 6

Khánh trở về lúc sáng sớm tinh mơ. Gặp Cát Tường, Khánh kể chuyện ngay:

- Chị biết đêm qua em ngủ ở đâu không? Ở trên cành cây. Em xin lỗi chị vì em đi mà không cho chị biết. Lúc hai ông đó từ nhà nguyện đi ra, thấy chẳng có gì lạ hết, em biết là anh Trúc đã thoát nạn. Nhưng em len lén đi theo hai người ấy ra tận gần đường lộ. Em nấp trong bụi cây giả tiếng cú kêu làm hai ông ta sợ hết hồn.

Cát Tường trố mắt:

- Rồi sao nữa?

- Em thấy hai người ra tới đường lớn, chạy nhanh băng qua đám bụi cây bên kia đường, biến mất luôn.

- Rồi tại sao em không về?

- Em nghi hai người này còn trở lại, nên em giăng sợi dây ngang giữa đường mòn, rồi lên cây rình. Cả đêm, em nửa thức nửa ngủ. Nhưng họ không trở lại nữa. Bây giờ chị em mình yên chí lớn.

Cát Tường thở ra. Khánh nhìn dáo dác xung quanh, hỏi:

- Anh Trúc đâu?

- Anh ấy đang viết gì đó ở trong phòng thuốc.

Cát Tường nói giọng bùi ngùi:

- Đêm hôm qua, nếu Cha không lanh trí, chắc anh Trúc không còn ở đây với tụi mình giờ này. Chúa quả thật đã thương xót chúng ta. Kể cả bộ đồ trận của anh ấy cũng không có ở trong phòng.

- Ủa, chứ ở đâu hở chị?

- Bé Hậu đã đem ngâm trong nước tro để hôm sau giặt. Vì vậy khi khám xét ở đàng sau họ tưởng đó là thau nước rửa khoai.

- Híc híc, bé Hậu lóc chóc vậy mà hay.

- Khánh nè, bây giờ phải làm sao biến anh Trúc thành người làng hoàn toàn đi! Tình trạng này chị thấy nguy lắm! Làm sao kiếm cho anh ấy một đôi dép như đôi của Cha.

Khánh chỉ xuống chân mình:

- Anh ấy mang đôi dép này được không?

- Sao được? Chân Khánh nhỏ hơn chân anh ấy! Chỉ cần một vật gì thay cho đôi giày đinh của anh ấy là được.

Khánh reo lên:

- Nếu vậy thì… dễ quá!

- Hả? Khánh nói sao?

- Sao mình không làm cho anh ấy một… đôi guốc, há chị? Có sẵn gỗ trong nhà, để em đẽo ngay một đôi guốc.

Cát Tường mở tròn đôi mắt, nhìn Khánh. Rồi như vui mừng quá, Cát Tường xoa đầu Khánh thật mạnh. Khánh kêu:

- Á! Chị làm gì vậy?

- Ngu quá! Chị ngu quá! Vậy mà nghĩ không ra. Khánh vào làm mau đi! Chị sẽ lấy miếng cao su trong nhà xe của ông Năm làm hai cái quai. Mau đi! Khánh! Quy-Li-Ve sắp có guốc mới để mang!

Bỏ Khánh đứng đó, Cát Tường chạy về phía phòng của Trúc. Cửa khép hờ. Cát Tường đứng khựng lại. Không nên cho Trúc biết trước mà phải dành làm một bất ngờ. Cát Tường nhè nhẹ mở cửa. Ở trên giường, Trúc đang ngồi thẳng, viết say sưa vào quyển sổ nhỏ của Trúc. Cát Tường mỉm cười một mình rồi quay ra. Người đang nghĩ gì vậy? về Cha Đạo, hay về mình? Về đêm hôm rồi thoát nạn? Cát Tường muốn để yên cho người với ý nghĩ đang liên tục. Lạ kỳ quá! Nhìn người viết, sao bỗng dưng hồi hộp? Không, đừng nghĩ gì hết, Cát Tường! Người còn phải nghĩ tới gia đình nữa chứ! Chắc người đang nhớ một người cha, một người mẹ, nhớ một đàn em… Ô hay, người còn có ai nữa không? Có còn ai ngoài gia đình và những bạn bè cùng chiến đấu? Cát Tường chớp mắt nhanh. Sao lại nghe buồn buồn trên mắt, như có khói bay ngang trời? Cát Tường ngồi xuống thềm đá, nhìn ra con dốc thoai thoải dẫn xuống rẫy khoai. Sương tan đã gần hết. Trời cũng lạnh như những buổi sáng trước. Chốc nữa đàn trẻ sẽ dẫn nhau đi xuống dưới rẫy. “Nào anh em, nào anh em…”, những lời hát sẽ cất lên. Sáng hôm nào trẻ nhỏ mang Quy-Li-Ve từ rừng sâu về làng. Cũng ở bậc thềm này ta thấy người lần đầu. Chúa đã mang người đến đây, phải không? Cuộc gặp gỡ bất ngờ và kỳ lạ quá! Chắc Chúa đã muốn vậy và sắp đặt như vậy. Nhưng nghĩ thế để làm gì? Sự hiện diện của anh nơi đây chỉ là tạm bợ. Mây rồi phải lên trời. Chim rồi phải cất cánh. Có khi nào biển chảy vào sông? Nghĩ thế để làm gì? Ta là chị của một bầy trẻ nhỏ, sống ở rừng rẫy bốn năm rồi, chưa có gì đặc biệt xảy ra. Đời hồn nhiên và thoải mái. Có gì để suy nghĩ? Có gì để phải thay đổi? Tự nhiên Cát Tường nghe se sắt lòng. Chỉ vì anh! Sự hiện diện làm Cát Tường suy tư nhiều hơn trước…

Trúc đứng ở ngưỡng cửa, định gọi Cát Tường, nhưng thôi. Vì Trúc bỗng dưng thấy ở Cát Tường một vẻ gì là lạ - chỉ qua mái tóc, chỉ ở vai áo, chỉ ở dáng ngồi cô quạnh nơi bậc thềm. Trúc đã thấy trong những ngày ở đây, một Cát Tường lanh lẹ, một Cát Tường vui tươi, một Cát Tường khéo léo, rất xứng đáng làm chị cả của một bầy nai non. Chưa thấy một Cát Tường trầm ngâm tư lự. Nhưng trước mắt Trúc bây giờ, người con gái ngồi thu mình, tay đặt trên chân, hướng mắt nhìn xuống đường đồi. Dáng ngồi cô đơn. Mái tóc cô đơn. Vai áo buồn buồn. Trong gió sớm mai không lạnh nhưng làm se sắt da, hình ảnh của Cát Tường làm Trúc thấy bồi hồi. Trúc bước xuống thềm. Tiếng giầy làm Cát Tường ngẩng lên. Đôi mắt không che giấu được rằng Cát Tường đang suy nghĩ. Trúc toan nói một câu, nhưng Cát Tường đã lên tiếng trước:

- Anh không ở trong ấy nghỉ? Ra ngoài này gió lạnh…

Trúc cười:

- Lạnh sao Cát Tường ngồi ở đây?

Cát Tường đứng lên, chớp mắt , nói:

- Em quen sáng nào cũng dậy sớm. Các bé vẫn còn ngủ.

- Tôi có cảm tưởng là ở đây, sáng hay trưa, hay chiều, không khí đều trong lành. Tôi cũng thích thức dậy sớm để ra ngoài trời như Cát Tường vậy.

- Nhưng anh chưa được khỏe.

- Không, hôm nay tôi không còn cảm thấy đau nhức gì nữa. Chính hôm qua Cát Tường cũng đã thấy vết thương của tôi rồi.

Cát Tường vui mừng:

- Anh nói thật không?

- Thật. Tôi đã khỏe hẳn.

- Em mừng lắm!

Cát Tường cười hân hoan, Trong đôi mắt như đã tan sương mù. Trúc nói:

- Chúa đã cứu giúp tôi. Cha Đạo, Cát Tường và các bé đã cho tôi những ngày sống thật không ngờ.

Cát Tường xúc động:

- Anh Trúc tin có Chúa?

- Tin chứ! Tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng tôn giáo là niềm hy vọng quý giá nhất của con người. Tôi không theo đạo, nhưng tôi tin có Chúa. Nhất là sau đêm hôm qua, tôi cảm thấy là có Chúa ở cạnh bên tôi, không riêng gì lúc tôi ở trong nhà nguyện, mà kể cả lúc này…

Rồi Trúc lôi sợi dây chuyền bạc trên cổ, chìa ra cho Cát Tường thấy, bên cạnh tấm thẻ bài, là tượng Thập tự giá bằng đồng.

- Cha Đạo đã cho tôi tượng này, tôi sẽ giữ mãi, từ bây giờ…

- Cho đến khi anh rời khỏi làng cô nhi…?

Trúc bâng khuâng:

- Và sau này….khi tôi tiếp tục đi chiến đấu…

- Nhưng trước hết, anh phải về với gia đình.

- Vâng, nghe đến hai chữ gia đình, tôi nao lòng quá. Nghĩ đến lúc tôi bước chân về nhà…

Cát Tường bỗng dưng nghe tim đập mạnh, cúi xuống để che giấu một sự hồi hộp vô cớ, nhưng vẫn chờ nghe. Trúc nói:

- Tôi còn may mắn hơn Cát Tường một chút. Tôi còn mẹ già và mấy đứa em nhỏ.

- Anh có em nhỏ nữa? Anh có mấy người em?

- À, để tôi đếm… Tôi thua Cát Tường một bậc rồi đấy nhé! Cát Tường nhớ rõ một đàn em đông, còn tôi có vài đứa em mà không biết là mấy. Để coi, Lệ, Hạnh, Trinh, Tuấn nè…..

- Vậy là bốn…

- Ấy vậy mà mỗi khi ai hỏi thì tôi lại phải giơ tay ra đếm.

- Các em của anh còn đi học?

- Lệ sắp làm cô Tú, còn bé nhất là Tuấn mới lên trung học.

- Các em của anh chắc ngoan lắm?

- Ngoan nhưng chắc là không ngoan bằng các em của Cát Tường đâu.

Cát Tường cười:

- Anh nói vậy chứ các bé sống ở đây tội nghiệp lắm. Nhất là… thiếu cha mẹ…

- Đã có Cát Tường. Cát Tường còn hơn cả một người mẹ.

- Anh nói vậy… làm em xấu hổ quá! Thôi, anh nói tiếp đi.

- Về chuyện gì? Về gia đình anh, về bạn bè anh, về những gì ở quê anh.

Đôi mắt của Trúc trở nên xa xăm:

- Những gì ở quê tôi…? Quê tôi ở ngoài Bắc lận cơ, mịt mờ lắm, tôi không còn nhớ rõ một điều gì ở đó. Quê hương thứ hai là Sài Gòn, nơi mà gia đình tôi hiện đang sống. Không biết những điều tôi muốn kể có gì đặc biệt chăng?

- Anh Trúc kể đi! Với em, cái gì cũng đặc biệt cả. Em chưa được biết Sài Gòn. Từ nhỏ đến lớn em chỉ mới biết tỉnh em và cái làng cô nhi này.

- Cát Tường ngược lại với Hồng Phước. Hồng Phước chỉ biết Sài Gòn và chưa đi ra khỏi Sài Gòn.

Cát Tường trố mắt:

- Hồng Phước là ai?

Trúc cười:

- À…à… là em nuôi của tôi.

- Anh Trúc có em nuôi nữa? Là con trai hay con gái?

- Là con gái. Hồng Phước bằng cỡ Cát Tường vậy, cũng cao bằng này, cũng mảnh mai như thế này.

- Hồng Phước… cũng mồ côi hở anh?

- Ồ không… Hồng Phước sống với cha mẹ.

- Nhưng sao anh nhận làm em nuôi?

Trúc nhíu mày, bối rối, rồi cười:

- Thì tại vì thế này… ủa, nhưng điều đó có đặc biệt không?

- Với em, cái gì cũng đặc biệt cả.

- À, tại vì… Hồng Phước dễ mến lắm, ngoan ngoãn lắm.

- Hồng Phước có hiền không?

- Có chứ! Nhưng chắc là về tài khéo léo thì thua Cát Tường. Hồng Phước không biết chỉ huy một đàn trẻ như Cát Tường đâu! Còn về băng bó thì chắc còn thua xa. Thế này nữa, bỏ Hồng Phước vào rừng, vào rẫy, chắc cô bé chỉ biết khóc nhè.

Cát Tường cười thích thú:

- Hồng Phước dễ thương quá! Anh nói về cô ấy nữa đi!

Trúc nhìn xuống đường đồi, mắt mơ màng, giọng nói trở nên xa xăm:

- Hồng Phước đi học cùng lớp với Lệ. Trường học của Hồng Phước cũng nho nhỏ, dễ thương như nhà nguyện ở đây vậy. Tóc cô bé dài và hay cột thành hai đuôi, thắt hai sợi nơ vàng. Ngoài giờ học, Hồng Phước cũng thích mặc áo dài vàng nữa. Đi đâu cô cũng mặc áo vàng. Vì thế mọi người gọi cô là “bé áo vàng”.

- Hay quá! “Bé áo vàng”. Anh kể nữa đi!

- Hồng Phước đi học bằng chiếc xe Cady màu vàng. Cây bút, quyển sổ cũng màu vàng.

Cát Tường chớp mắt:

- Như vậy Hồng Phước dễ thương quá! Em chưa gặp, nhưng cũng hình dung ra được rồi! Hồng Phước là… em nuôi của anh Trúc hở?

Trúc cười:

- Ừ.

- Sao… sao hay vậy?

- “Hay” là sao? À, là vì Hồng Phước là… bạn của Lệ.

- Chắc anh thương cô ấy lắm?

- Thương, …thì thương… như em nuôi vậy.

- Hồng Phước có nghe lời anh không?

- Có chứ!

- Có săn sóc anh không?

- Săn sóc? – Trúc ngẫm nghĩ – Hình như có. Nhưng chưa bằng Cát Tường. Phải nói, Cát Tường là ân nhân của tôi, là người đầu tiên băng bó cho tôi.

- Anh Trúc đừng xem em là ân nhân. Em chỉ làm theo lời Cha dạy.

Rồi Cát Tường yên lặng. Nắng như đã đến từ lâu, sao mình không hay biết? Dưới chân đồi, nắng lấp lánh cùng với lá, với cây, với đất. Phía nhà nguyện, nắng làm cây Thập tự trên nóc nhà nổi rõ. Cát Tường cúi xuống, dí mũi dép trên một viên sỏi nhỏ dưới chân. Tự nhiên hết lời để nói. Cát Tường vẫn còn muốn câu chuyện tiếp tục nữa. Nhưng nắng đã lên nhắc nhở rằng các bé đã thức dậy. Quả thật thế, có tiếng xôn xao từ trong nhà ngủ ra đến nhà bếp.

Trúc nói:

- Các bé đã dậy rồi.

- Dạ. Em phải vào để cho các bé đọc lời tâm niệm, rồi ăn cháo.

Khi Cát Tường vào phòng học, đã thấy trẻ nhỏ ngồi yên trên ghế. Những cánh tay vòng lại trước ngực, đặt ngay ngắn trên bàn. Cát Tường đứng yên, nhìn những đôi mắt ngó lên. Như nai đàn, như chim bầy… đợi chị cả gật đầu, những cái miệng mở ra, đọc lời tâm niệm:

- “Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, rèn luyện thể chất chúng con, trau dồi tâm hồn chúng con, giúp chúng con yêu mến thiên nhiên và chịu đựng thử thách, để mai sau chúng con trở nên người hữu dụng. Amen”

- Nào! Bây giờ các em đi ăn sáng. Sáng nay, các bé gái phụ với chị chuyền nước từ hồ ra vườn rau để tưới rau cải và đổ đầy hai lu, một lu trước nhà nguyện và một lu trước phòng thuốc. Còn các em trai theo anh Khánh xuống rẫy khoai, đào khoai chở về nhà. Quên nữa, trưa nay chị sẽ làm thịt hai con gà để ăn mừng Quy-Li-Ve của chúng mình đã bình phục, …tức là hết đau ốm đó!

Đàn trẻ vỗ tay thích thú. Cát Tường nói thêm:

- Còn để dành hai con đến khi ông Năm về, kẻo không có trứng mà ăn.

Cát Tường nhìn ra cửa phòng học, thấy Trúc đứng đó từ bao giờ. Trúc mỉm cười nhìn lũ trẻ. Vài đứa quay ra. Những đôi môi nhỏ nhắn cười đáp lễ. Hôm nay Quy-Li-Ve hiện diện không cần có người dìu đỡ. Người mạnh khỏe, tươi tắn. Cát Tường nháy mắt với bầy trẻ, rồi mở đầu:

- “Mừng người đến đây…”

Những cái miệng cùng mở ra, trong đó có miệng của bé Nhu Mì, không nói được nhưng mở ra để cười. Và bài hát bắt đầu, thật dễ dàng như đã quen thuộc từ lâu:

- “Mừng người đến đây thăm chúng em

Tỏ tình thương

Người nào sá gian nan xa xôi

Vượt dặm đường

Người đã đến như Quy-Li-Ve

Giấc ngủ ngon

Người nào biết vây quanh vây quanh

Bầy tí hon”

Trúc sung sướng vỗ tay. Cát Tường vỗ tay. Rồi lũ trẻ vỗ tay theo. Sớm mai có nắng múa ngoài sân, có trẻ hát trong này. Bài hát mừng người khách, tập đã lâu nhưng chưa hát bao giờ, hôm nay được hát lên để mừng ngày Gulliver bình phục. Thân ái quá! Tuyệt vời quá! Trúc nhìn đàn trẻ, nhìn Cát Tường. Có phải con người này là cả một nguồn hạnh phúc cho những ai được ở gần? Cái hình ảnh một Cát Tường cô đơn, buồn bã, ngồi hiu quạnh trên bậc thềm đá, bỗng chốc mờ đi, Trúc lại thấy trước mắt là một Cát Tường hân hoan, bao dung, sống động giữa bầy trẻ nhỏ.

Sau khi ăn, Cát Tường dẫn lũ trẻ ra sân. Tự động, chúng chia làm hai cánh, một bên trai, một bên gái. Hiền và Lương chạy đi lấy chiếc xe đẩy lại, chiếc xe hôm nào chở “người khổng lồ” từ rừng về. Trúc ngạc nhiên:
- Ủa, Khánh đâu?
Cát Tường đáp:
- Khánh đang ở đàng sau, cậu ta đang… đang…
Trúc cười:
- Lại một điều gì mới mẻ nữa phải không?
- Dạ.
- Vậy thì cho tôi biết với. Tôi đang muốn đi làm rẫy với các em đây!
Cát Tường reo lên:
- Anh Trúc xuống rẫy?
- Chứ sao!
- Ngay bây giờ?
- Ừ, ngay bây giờ.
- Vậy em phải làm mau mới được.
Mặc cho Trúc ngơ ngác, Cát Tường chạy ra phía sau nhà bếp, vừa chạy vừa nói vói lại:
- Tìm cái miếng cao su của ông Năm làm cho anh hai quai guốc. Khánh ơi! Sáng nay anh Trúc xuống rẫy với chúng mình…
 Tân Định, Sài Gòn
Mùa Đông 1974 
Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...