Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Tập bút ký của một nhà khoa học nữ

Tập bút ký của một nhà khoa học nữ

Đi... và tìm trong đất có thể được xem là tập bút ký của một nhà khoa học nữ. Ở đây có bút ký là kết quả của một chuyến đi điền dã khảo cổ học và có bút ký thực sự mang tính văn học và giàu chất văn.     
Đốí với một người ngoại đạo về khảo cổ học như tôi, đọc cuốn sách này chẳng khác nào tham dự một cuộc du khảo đến những vùng đất với những vẻ đẹp bí ẩn mà trước đây mình chỉ hiểu biết một cách mơ hồ.      
Cũng như những tour guide có kinh nghiệm, Nguyễn Thị Hậu đã dẫn dắt du khách-bạn đọc vào những bảo tàng thiên nhiên và lịch sử đầy trữ lượng văn hóa bằng con đường văn học. Trước khi đưa chúng ta đến với những bài viết giàu yếu tố sử liệu và những phát hiện khảo cổ học vốn là thế mạnh của ngòì bút Nguyễn Thị Hậu, tác giả đã “khuyến mãi” người đọc bằng những bút ký mang chất trữ tình. Nếu ví những bài Đường đến Siem Riep - Angkor, Đất và người Bến Tre, Lưu vực Đồng Nai - một vùng văn hóa cổ, Đô thị Sài Gòn nhìn từ khảo cổ học, Văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ… như những gian bảo tàng tương đối hoành tráng cần phải khảo sát một cách kỹ lưỡng, thì những bài Nơi tôi gửi lại tuổi thơ, Paris mùa thu tím, Đà Lạt mùa vắng dã quỳ… như là những bức tranh phác thảo trong phòng triển lãm hội họa, tuy thoáng nhìn qua nhưng đã để lại nhiều dư vị.     
Như những món khai vị bao giờ cũng được bày ra trước trong bữa tiệc, những bài viết in ở đầu tập sách này gieo trong chúng ta niềm ngạc nhiên khi bắt gặp không chỉ cảm hứng của tác giả mà còn những chi tiết văn học về thiên nhiên và con người ở những miền đất chị đã đi qua. Hãy nghe Nguyễn Thị Hậu tả cái giờ phút từ biệt Paris sau một chuyến công tác ngắn ngày: “Tiễn tôi ra phi trường là bầu trời xanh trong vắt của một sáng cuối thu, hàng cây cổ thụ dọc theo các đại lộ, những tán lá đã ngả vàng rực rỡ… Nhưng níu giữ trái tim tôi ở lại Paris là làn sương tím những buổi chiều nhạt nhòa, sắc tím nao nao của thảm violet bên cạnh Viện Bảo tàng…”    
Nghề khảo cổ học đòi hỏi sự chính xác gần như khoa học tự nhiên. Niên đại của các cổ vật, chẳng hạn, phải được giám định một cách nghiêm nhặt. Nhưng cuộc đời và tâm hồn con người thì lại thường lung linh, mờ ảo. Ngòi bút của Nguyễn Thị Hậu đã kết hợp được hai điều đó: khi này thì chi tiết và cụ thể đến độ tỉ mỉ; và khi khác thì để cho cảm xúc tuôn trào qua các chứng liệu và sự kiện.     
Bởi vì khảo cổ học đi tìm dấu tích của lịch sử mà cũng là dấu tích của con người. Người đi… và tìm trong đất không thể như một con robot, như một cái máy do thám lạnh lùng. Trần Quốc Vượng là tấm gương nổi bật về một nhà khoa học có trái tim nóng hổi nhịp đập. Trong nhiều bài viết về ông, tôi đặc biệt thích bài của Hoàng Phủ Ngọc Tường và bài của Nguyễn Thị Hậu. Với nhạy cảm của một người phụ nữ, ngòi bút của chị đã chạm đến phần sâu kín ẩn đằng sau một con người lúc nào cũng nói cười rôm rả, lúc nào cũng có bạn bè và đệ tử vây quanh, nhưng cho đến phút cuối cuộc đời, có lẽ vẫn là một người rất mực cô đơn: “Học Thầy đã lâu, lại ở xa Thầy, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần gặp Thấy, tôi luôn luôn cảm nhận nỗi cô đơn của Thầy ngày một đầy hơn. Dường như trên con đường khoa học gập ghềnh vạn dặm, trên những nẻo đường đời quanh co đầy bất trắc, Thầy đã không có lấy một người bạn đồng hành, dù quanh thầy bao giờ cũng tấp nập những người, ồn ào và náo nhiệt…”. Ở bên kia thế giới, đọc được những dòng này, có lẽ Trần Quốc Vượng cũng mỉm cười vì có người tri kỷ.     
Quá khứ của một dân tộc đôi khi cũng như tuổi thơ của một con người. Nguyễn Thị Hậu viết về lịch sử một vùng đất cũng cảm động như viết về tuổi thơ của chị. Mà tuổi thơ của một con người cũng có thể phản ánh một phần lịch sử, như giọt nước phản chiếu đại dương. Đọc những gì tác giả viết về kỷ niệm với cha mình là nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch, ta hiểu được vẻ đẹp và nét u buồn của một thời đã xa; “Mấy tháng trời nhớ ba tôi không khóc, vậy mà chiều đó khi nhìn thấy ông còng lưng đạp xe đi, tấm khăn dù “chiến lợi phẩm” bay phất phơ trong giá lạnh chiều đông, tôi đã khóc lặng lẽ bên cây gạo trên bờ đê, nơi mà tôi thường ra đứng ngóng chờ ba má”.      
Tác giả cuốn sách này không giấu niềm tự hào là người nữ duy nhất trong khoá sinh viên sử học đầu tiên ở miền Nam sau 1975 đã chọn ngành khảo cổ học. Theo chỗ tôi biết, những năm gần đây, số thí sinh thi vào khoa Sử ngày càng giảm, số sinh viên theo ngành khảo cổ lại càng hiếm hoi, trong đó nữ sinh viên đã thành của quý. Vì đây là một ngành khó, nếu không muốn nói là một trong những ngành khó nhất của khối khoa học xã hội và nhân văn. Dấn thân váo đó là chấp nhận những công việc nặng nề, những chuyến đi gian khổ, những thao tác tỉ mỉ mà nếu không có một niềm say mê và một kiến văn cần thiết, người ta khó lòng theo đuổi đến cùng.       
Nguyễn Thị Hậu đã làm nghề ngót 30 năm, chắc là chị không còn đường rút lui được nữa!. Đọc những gì chị viết về trữ lượng khảo cổ ở Đồng Nai, Cần Giờ, rồi mở rộng ra cả vùng đồng bằng Nam Bộ, mới biết là không chỉ chính chị đã chọn khảo cổ học, mà hình như cả khảo cổ học cũng đã chọn chị. Đọc những trang viết mà tác giả diễn đạt những vấn đề khoa học hết sức giản dị, mạch lạc, tôi như một người làm nghề văn dự “giờ ngoại khoá” về khảo cổ học. Tuy nhiên, cái giờ ngoại khóa đó đã thổi vào  trong tôi hơi ấm của lịch sử và gợi lên nhiều suy nghĩ về mối quan hệ gắn bó giữa văn học với không gian văn hóa của vùng đất nơi mình lập nghiệp. 
Tháng 9/2007
 Huỳnh Như Phương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lần mừng thọ ấy của ông tôi  Không biết có tự bao giờ, song từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy ở làng tôi có lệ những người bắt đầu bước vào tu...