Giải thơ "Lá trầu" và sáu nhà thơ nữ
Đầu Xuân Mậu Tý 2008, giải thưởng “Lá trầu” dành cho các nhà
thơ nữ lần đầu tiên sẽ được công bố. Khác với những giải thưởng văn học trong
nước lâu nay, “Lá trầu” được một doanh nghiệp tư nhân là Công ty Phát triển
truyền thông Eva khởi xướng và tài trợ thông qua Quỹ “Lời vàng Eva” nhằm tôn
vinh những giá trị nghệ thuật của thơ ca nữ lưu. Không đợi đến khi các tác phẩm
được ra mắt độc giả mới tổ chức thẩm định, bình giá; hoạt động này tiến hành
ngay từ khâu bản thảo để tuyển chọn những tập thơ xứng đáng được bảo trợ xuất bản.
Cách làm đó không chỉ nâng đỡ những sáng tác từ trong vòng im lặng bước ra với
đời sống mà còn tạo điều kiện và thời gian cho những phản hồi của công chúng được
lan toả và lắng nghe.
Dự định ấn hành sáu tập thơ trong năm 2007 được thực hiện ở
nhà xuất bản Phụ Nữ. Các tác phẩm cũng đã được giới thiệu dưới hình thức trình
diễn khá độc đáo và gây ấn tượng. Bây giờ là lúc thầm lặng dõi theo những câu
thơ đầy nữ tính, giữa những ngày xuân, trong khi chờ xướng tên nhà thơ nhận
vương miện.
Từ Bình Định vào đại học báo chí rồi làm phóng viên ở Thành
phố Hồ Chí Minh, Trần Lê Sơn Ý (sinh năm 1977) là một trong hai nhà thơ được chọn
in đợt đầu với tập Cơn ngạt thở tình cờ. Chị tự bạch: “Cách tôi có thể ghi lại
nhanh nhất những hình ảnh nhảy múa trong mình bằng chữ nghĩa là thơ. Tôi thích
sự không chặt chẽ của những sự kiện, thích sự từ trên trời rơi xuống, thích
nhìn mình bị dắt đi không định trước… Và không toan tính, không gò bó, chỉ có
suy tư, hoài niệm, tưởng tượng và cả mơ mộng, tôi viết như thể mình đang ngồi
trên một chuyến xe, nhìn bầu trời trên cao, nhìn hàng cây bên đường và nhìn
mình đầy cảm xúc”.
Ngày rất dài trong thơ Trần Lê Sơn Ý, ngày không vội vã,
không hoang mang nhưng lắm khi ngạt thở - ngạt thở trong không gian chưa bằng
ngạt thở trong tâm hồn, ngạt thở vì một hạnh ngộ bất ngờ hay vì một nỗi lo
không nguyên cớ:
Buổi chiều tan trong
tay
Hôm qua bừng dậy, ừ hôm qua bừng dậy
rạng rỡ tôi, bầm dập chiều
Người lan nhanh như cỏ dại
Tôi bơ phờ, rời rã
Hai bàn tay nhăn nhúm tơi bời…
Những cơn mưa cũng rất dài trong thơ Trần Lê Sơn Ý. Mưa buồn
mà giọng thơ Sơn Ý còn buồn hơn, nhất là khi nhớ về Ny với những cơn mưa ngày
cũ. Chị cũng có những câu thơ khai thác luật tương giao khá nhuần nhuyễn: Những
giấc mơ không đủ màu để sưởi ấm em; Tôi lại nghe nắng ngoài hiên nhỏ giọt; Đôi
mắt em làm tôi nhớ tiếng chuông chùa…
Trần Lê Sơn Ý là người hay hỏi. Chị tự hỏi về những người bên
cạnh “điều gì đang đi cùng họ, cuộc đời, sự hân hoan, nỗi muộn phiền của họ…”.
Chị hỏi về sinh linh bé bỏng trong lòng mình: Con có chuyện trò cùng mẹ những
giấc mơ không? Trong sự co giãn của thể thơ tự do, chị biết tiết chế cảm xúc và
ngôn từ để vươn đến sự hàm súc. Thơ chị mang sắc thái hiện đại, nhưng cái gốc
tình cảm của người thơ vẫn là một khát vọng hạnh phúc thư nhàn bình dị.
Nếu Trần Lê Sơn Ý là người suy nghĩ bằng hình ảnh, thì Từ Huy
(sinh năm 1972) đích thực là người suy nghĩ bằng ngôn từ. “Thơ là ngôn ngữ tự lấy
mình làm cứu cánh”, câu ấy của R. Jakobson có thể vận vào Từ Huy. Là giảng viên
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang làm luận án tiến sĩ ở Đại học Paris 7,
Từ Huy in thơ sau khi đã công bố một số tiểu luận văn học. Cùng với những bài
thơ của Lê Đạt, Dương Tường, Vũ Trọng Quang…, tập Chữ cái của chị là một trong
những thí dụ hiếm hoi về thơ thị giác (visual poetry) tiếng Việt hiện nay. Trên
thế giới, thơ thị giác từng là cuộc chơi say mê của các nhà thơ G. Apollinaire,
J.-M. Junoy, J. Folguera, J. Salvat-Papasseit, A. del Valle, G. de Torre. Ở Việt Nam,
trước đây, Nguyễn Vỹ viết những bài thơ hình quả trám để tả cơn mưa,
hình những giọt sương rơi hay hình cánh cò bay trong hoàng hôn.
Nhưng thơ Từ Huy chủ yếu không phải để nhìn ngắm mà để suy ngẫm.
Chị gieo những ý tưởng trong khuôn khổ hình thức của 19 chữ cái như gieo hạt giống
trong các luống cày vạch sẵn. Hãy đọc bài thơ hiện ra trong hình dáng chữ L:
Tôi ăn gạo từ những cây lúa bà cắt bằng liềm. Thân phận chúng
sẽ không
giống với thân phận của những đồng loại được gặt bằng máy gặt
đập liên
hợp. Mặt trời ăn tôi chín trong những hạt thóc. Mặt trời vùi
sâu dưới ruộng
nước chia làm nhiều ô nhỏ. Mặt trời ủ tôi thành phân bón cho
những mầm lúa
tương lai, chúng sẽ ăn sạch những cây liềm còn lại, cho đến
khi liềm chỉ còn
trong các viện bảo tàng.
Đọc Từ Huy, ta cảm nhận rằng từ có khả năng kiến tạo thế giới.
Từ Huy nói về quan hệ của nhà thơ với thế giới chữ cái mà chị xác lập: “Tôi
không hề có một chỗ nào trong cái vũ trụ từ A đến Z, vì thế mà tôi buộc phải
đưa vũ trụ ấy vào cái không gian nhỏ xíu và hạn hẹp của thân thể tôi cao 1m52
và nặng 45 kg. Nhưng tôi biết tôi không thể cầm tù vũ trụ A-Z ấy, nó không lúc
nào thuộc về tôi, kể cả khi tôi tưởng rằng đã tạo ra nó”. Đôi khi ta lại bắt gặp
cảm giác siêu hình trước những chữ như những thực thể được lắp ghép, một lúc
nào đó tan rã ra và trở thành xa lạ với chính nó. Một sự nghiệp thơ có thể sang
trọng hơn nhờ những bài thơ thị giác, nhưng dành cả một đời thơ cho nó thì
không chừng là một cố gắng quá sức.
Thấm đẫm hương vị Kinh Bắc, thơ Trương Thị Kim Dung (sinh năm
1956) nổi rõ chất truyền thống cả trong cảm xúc, cấu tứ và ngôn ngữ.
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội đã 30 năm, làm báo Phụ Nữ Thủ đô, tác giả Áo
lá sen lại có vẻ như giấu kín những niềm riêng và không đành đi hết cái tôi của
mình. Trong sáu nhà thơ dự giải, chị là người duy nhất còn nhiều hứng thú với lối
vịnh sử, vịnh cảnh và thể thơ lục bát:
Ra Hè tháo khoán trời xanh
Cho Thu mượn sóng long lanh vẽ bùa
Heo may khơi mộng nắng hồ
Gội mình trong tiếng chuông chùa đồng trinh.
Sen nở nhiều trong thơ Kim Dung, sen từ ca dao, truyền thuyết,
sen trong vườn chùa và sen tự tánh của lòng người. Lưu giữ vẻ đẹp của một thời
quá vãng qua cảm hứng về cội nguồn, thơ Kim Dung chứa đựng một nghịch lý này:
dường như hồn thơ trải nghiệm nhất là hồn thơ tinh khiết nhất:
Tháng Tư
mùa hoa loa kèn nở
Tình muộn của Xuân
Tình sớm của Hè
Trinh trắng thơm như thể mình có lỗi
Trên đường dài lốc bụi người qua.
Nhưng biết đâu đó chỉ là một nửa Trương Thị Kim Dung mới được
biểu hiện hoặc là một nửa mà người đọc dễ nhận ra nhất?
Với Phía bên kia cây cầu, Đinh Thị Như Thúy (sinh năm 1965)
là một phát hiện độc đáo của giải “Lá trầu”. Thơ chị không quá nhiều say đắm
trong tình yêu, nhưng đằm chín trong suy tưởng. Như Thúy có ý thức nối kết cảm
xúc và trí tuệ trong thơ, tuy chưa phải bài nào cũng nhuần nhị, nhưng là một cố
gắng đáng trân trọng để đưa thơ đi vào chiều sâu. Có thể thơ chị không có nhiều
“nữ tính” theo lối nghĩ thông thường, nhưng nó dẫn người đọc đến một thế giới
bên kia cây cầu của tâm thức và ngôn ngữ. Trong thơ tự do của Như Thúy, những
tìm tòi hình thức thông qua nhịp điệu đã mở rộng tứ thơ. Chị ý thức rằng “người
làm thơ trước tiên phải có lòng can đảm, bởi thơ ca thường mang đến những hệ luỵ
không ngờ, và phải biết chấp nhận, bởi ánh sáng hay bóng tối của ngôn từ đều có
căn phận của nó”.
Như Thúy là người Huế hiện dạy học ở Krông Pắc, nhưng cả Huế
lẫn Tây Nguyên không để lại nhiều dấu ấn trong thơ chị. Nếu có, đó chẳng qua chỉ
là nguyên cớ để chị nghĩ xa hơn về cõi người. Thơ chị vừa có cái thầm lặng của
văn chương không vọng động, vừa có giọng điệu trầm tư của một người không bàng
quan với thế sự:
có thể dòng chảy cuộc đời tôi
chưa bao giờ cuồng loạn
nhưng tim tôi sóng ngầm luôn cuộn
vì những bông hoa dại
thầm lặng nở trên cỏ ướt
như những mảnh mặt trời.
Trong những ngày cuối năm, hai tập thơ nữa tham dự giải “Lá
trầu” đã được gấp rút ấn hành: Căn phòng, và bóng tối của Lê Mỹ Ý và
Bay lặng im của Trang Thanh. Cả hai đều từng viết văn xuôi, là tác giả của một
số truyện ngắn được dư luận chú ý. Lê Mỹ Ý (sinh năm 1978) dạy Đại học Huế trước
khi làm báo ở Hà Nội, rồi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Người tình nhân trong thơ Mỹ
Ý có lúc còn ít nhiều e thẹn khi bộc lộ mình, cũng có lúc dữ dội mà bí ẩn:
Khi những cánh hoa bắt đầu tàn, anh hôn em
Nụ hôn kéo dài tận bình minh
Giấc mơ chảy xuống chiếc ghế tựa
Những tia chớp vạch từng vệt sáng bên ngoài khung cửa
Báo hiệu ngày giông gió
Băng ngang những đám mây, một ngôi sao vừa qua đời.
Thơ chị tràn đầy hình ảnh thiên nhiên và những ám ảnh tuổi
thơ, ngôn ngữ tả và gợi. Chị có những suy tưởng rất sâu về quê hương miền
Trung: “… thay vì chỉ tồn tại trong ký ức, cát trắng và biển tím quê hương tôi
đã đọng lại trên trang giấy mùi vị mặn nồng của biển khơi cũng như nỗi phiền muộn
nhạt nhòa của hoang mạc cát. Để rồi khi sống giữa ồn ào bụi bặm của các đô thị
phía bắc hay phía nam đất nước, dải đất hẹp miền Trung buồn và nghèo vẫn vây phủ
quanh tôi và trong tôi một vùng khí hậu, một không gian sống chưa bao giờ tan
loãng. Nếu tôi có viết về một cảnh đời, một cuộc tình hay bất kỳ điều gì đi nữa,
tất cả luôn diễn ra trên cái nền ký ức ấy, với khí hậu ấy, không gian ấy (…).
Trong địa tầng ký ức cá nhân, quê hương có thể là một địa danh cụ thể với một
cuốn sử biên niên dày đặc các sự kiện, mà cũng có thể chỉ là một hòa sắc tưởng
tượng, một hòa âm tưởng tượng”. Điều đáng quý nữa ở Lê Mỹ Ý là cảm nhận về tha
nhân trở thành một kinh nghiệm tích cực cho chất liệu của thơ:
Dưới bóng cây tái xám, những người đàn bà vẫn bay
đi gặp gỡ
đêm đêm
Bằng đôi cánh lửa, chiếc roi quất vào bộ ngực lép kẹp của họ
Những bộ ngực lép kẹp vì sức ép đất đai, và lũ lượt vòng hoa
Vì giấc mơ không bao giờ ụ sữa!
Thơ Mỹ Ý sẽ khiến người đọc nhớ lâu khi những hình tượng trở
thành ý tượng:
Con đường không hiểu được vì sao những bàn chân đi qua đều dần
về cái
chết
Mà mình lại sinh ra dưới những bàn chân!
Trang Thanh (sinh năm 1974), tác giả tập truyện ngắn Đá của
trăm năm, đã thể hiện thế giới Bay lặng im bằng một ngôn ngữ thơ
bạo liệt và đắm đuối. Nhà thơ người Nam Định này viết khúc ru những
người đàn bà và tự vẽ ra chân dung mình, không phô trương, cũng không giấu giếm.
Suy ngẫm về cõi yêu, chị viết câu thơ như đóng đinh vào thân phận: Người đàn bà
vùi trinh nguyên vào tro bếp. Người nữ trong thơ chị khiêm nhường một tâm tình
hiến dâng:
Nàng là con sẻ nâu không biết hót
Ăn thóc gạo của mẹ trên đồng
Khoác trên mình bộ lông màu đất
Giấu hòn bi ve trong suốt tình yêu vào kẽ ngón tay
Cho anh
Im lặng
Nhưng chính vì thế mà nàng cũng khao khát nhiều hơn, đòi hỏi
nhiều hơn:
Em chẳng biết tình yêu là gì
Chỉ thấy tình yêu anh dành cho em không đủ
Em lúc nào cũng trầm nhược
Vẽ khuôn mặt tình yêu
ôm
ngủ.
Trang Thanh viết: “Khi ngôn ngữ chạm được tới niềm đau, thơ
khiến tôi bớt hoang mang”. Với một vài dấu hiệu thoáng qua, có lẽ còn quá sớm để
tiên đoán rằng thơ Trang Thanh sẽ chuyển từ thế giới cảm tính sang thế giới nhục
cảm.
Giới thiệu sáu gương mặt thơ từ các miền đất nước, có thể nói
Giải “Lá trầu” là một sự kiện văn học trong năm 2007. Ai trong số đó sẽ đăng
quang với tập thơ xuất sắc nhất?. Mỗi nhà thơ một giọng điệu, sự chọn lựa đặt
lên vai ban giám khảo một nhiệm vụ nặng nề. Điều tôi tin là với bước khởi đầu
này, “Lá trầu” sẽ là cơ duyên cho những tài năng thơ nữ được phát hiện. Và tôi
vụng về nhại một câu thơ tuyệt bút của Lê Đạt, này giàn trầu thơm những
át cơ xanh (*)…
(*) Nguyên văn thơ Lê Đạt: “Giàn trầu già/ khua những át cơ rơi”.
29/3/2008 Huỳnh Như Phương
29/3/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét