Cuộc chơi 2
Tổ ấm
Căn hộ bên cạnh đón người chủ mới. Mới sáng sớm cả lũ đã bị
đánh thức bởi tiếng ồn ĩ của các thứ đồ đạc va vào nhau. Ngân càu nhàu trong
chăn "Một ngày bắt đầu bằng thế này thì thật tệ". Hạnh vùng dậy, đứng
ở cửa lé mắt dòm sang cũng chỉ thấy cái lưng áo jean bạc phếch lượn qua lượn lại
nhịp nhàng. Được một lúc thì ngán, quay vào nhận xét "Chắc lại thêm một gã
độc thân dở hơi đấy". Nhâm ngáp dài "Thì có ảnh hưởng gì đến hòa bình
thế giới". Hạnh bậm môi vẻ hơi tự ái "Em nói thế chứ có ý gì
đâu".
Ngân, Hạnh lục tục mặc đồ, chào Nhâm ồn ĩ rồi đi làm. Nhâm vẩn
vơ ngồi xếp chăn màn, tự nhiên thấy lòng trống trải lạ lùng. Cô vội vã trang điểm,
vội vã phóng ra đường hòa mình vào dòng lũ người đang diễn hành qua để bỏ cảm
giác cô độc đeo bám Nhâm từ ngày Hưng bỏ đi. Lúc đi ngang qua hộ mới, Nhâm bình
thản nhìn vào, chiếc giỏ trong tay muốn rớt xuống khi Nhâm nhận ra mái tóc bù
xù của Hưng ở sau song cửa. Nhâm dừng lại tim đập thảng thốt "Anh
Hưng". Không động tĩnh gì, Nhâm níu song cửa ứa nước mắt. Cái đầu từ từ
quay lại, khi nhìn thấy Nhâm, đôi mắt sau cặp kiếng nhướng cao cao vẻ ngạc
nhiên, đồng thời miệng nở nụ cười hiền hậu. Nhâm lùi lại thất vọng, lí nhí
"Xin lỗi anh". Cái đầu gục gặc chào, một món tóc xõa xuống vầng trán
phẳng như thạch cao. Nhâm cúi gầm mặt, bỏ đi như chạy, suýt va phải bà cụ Mận
đi chợ sớm về.
Suốt ngày ở công ty, Nhâm như người mất hồn. Lân len qua hỏi
"Nhâm hôm nay sao thế?". "Mệt quá". Nhâm nói dối và cảm thấy
mình mệt thật, chỉ muốn nằm xuống ngủ thiếp đi một giấc. Nhâm xoay người, nhìn
ra cửa sổ. Đường phố sau còn mưa loang loáng nước như ánh bạc. Cuối chân trời
chiếc cầu vồng vắt ngang qua đường, nhỏ xuống vài giọt nắng trong veo. Lòng
Nhâm cũng dịu trở lại. Cô thâm thì "Mày hèn lắm Nhâm ạ. Mày không dám tin
rằng anh ta bỏ mày đi. Bao nhiêu năm rồi hóa ra mày vẫn chờ đợi. Thật tệ".
Đường phố lên đèn. Nhâm đi lang thang không mục đích. Cuối
cùng cô ghé vào một hàng phố khuya. Người vợ trẻ đang cho con bú. Anh chồng
thái bánh phở, nhìn Nhâm cười ngây thơ "Hôm nay chị làm về muộn".
"Vâng công việc nhiều lắm". "Chị sướng thiệt - chị vợ góp chuyện,
chứ như vợ chồng em buôn bán cực nhọc mà chẳng đủ ăn". Nhâm chua chát nghĩ
"Nhưng anh chị hạnh phúc là đủ rồi. Còn tôi về sớm để làm gì. Chẳng ai đợi
chờ ở nhà cả".
Đã hơn mười giờ đêm đường phố vẫn còn tấp nập. Gió đùa lên má
Nhâm nhồn nhọt, về đến cổng Nhâm dừng sững lại, lắng tai nghe ngóng, vẳng trong
gió tiếng đàn violon da diết. Mọi thứ quanh Nhâm đặc quánh lại, chìm dần xuống.
Chỉ còn tiếng đàn bay bổng lên cao. Một lúc thì tan vào những vì sao, biến mất.
Nhâm chép miệng tiếc rẻ. Cô chậm chạp mở cửa phòng. Ngân, Hạnh ngủ chăn quấn tận
cằm vẻ rất vô tư. Nhâm lơ mơ ngủ lại nghe tiếng đàn vẳng đến, có vẻ buồn hơn.
Nhâm nhăn mặt. Tiếng đàn kéo Nhâm trôi tuột về phía sau, đến khoảng sáu bảy tuổi
thì dừng lại. Nhâm thấy mình bé hạt tiêu lúc lắc đi giữa vườn hoa của cha. Đến
cuối vườn Nhâm lớn bổng thành Nhâm của mấy năm trước. Hưng cúi
xuống hôn Nhâm. Buổi sớm hôm ấy thật đẹp. Đụng vào chỗ nào
cũng sợ những màu sương lung linh vỡ tan mất.
Nhâm bước ra balcon. Tiếng đàn rõ hơn, nghe được cả tiếng những
sợi crain chạm vào dây đàn. Cánh cửa nhà người hàng xóm mở toang cho dòng nhạc
chảy ùa ra ngoài. Nhâm tò mò nhìn vào. Dưới ánh đèn mù mờ người đàn ông đang
say mê kéo đàn, mắt môi đều mím chặt, Nhâm cảm giác anh ta đang ở nơi khác, xa
hẳn cái thế giới ồn ào này, xa hẳn Nhâm. Cô khẽ lùi lại, va phải cánh cửa đánh
rầm. Bên kia tiếng đàn vẫn vi vút không một chút giật mình.
Ba đứa ngồi vây quanh bàn đánh bài, hạt dưa vãi tung tóe.
Nhâm vô tình bảo "Anh ta là nghệ sĩ đấy". Hạnh cười, để lộ đồng điếu ở
khóe miệng "Nghệ sĩ thì lãng mạn đa tình. Khiếp". "Lại nghèo nữa".
Ngân chen vào, nhún vai chán chường. Nhâm gắt "Mấy cái con này, nói năng
phải giữ miệng chứ". "Phải lòng rồi à chị Nhâm". Hai đứa nhìn
Nhâm thăm dò "Phải gió đấy". Nhâm cau mày. Chúng nó cười khúc khích
"Anh ta tên Lam. Tên Lam chị Nhâm ạ". Hạnh quàng vai Nhâm mặt nghiêm
nghị "Nhưng em không muốn. Chị sẽ khổ mất thôi. Anh ta sống khép kín như một
con sên". Nhâm nhéo má Hạnh cười xòa "Tử vi nói chị lấy chồng giàu và
sung sướng lắm".
Bây giờ dù bận cách mấy Nhâm cũng ráng về nhà trước mười giờ
khuya, bắc ghế ra balcon, chờ đợi tiếng đàn của anh cất lên. Nhâm luôn cảm thấy
một thứ tình cảm ấm áp tràn lên trong lòng, bám vào bất cứ chỗ nào tiếng đàn
bay qua. Cô thấy gần anh kỳ lạ.
Nhưng chỉ có thế. Sáng ra họ như hai người lạ. Gặp nhau khẽ gật
đầu chào. Nhâm không chủ động bắt chuyện và Lam cũng lặng lẽ đi qua. Nhâm tự ái
nghĩ anh ta làm cao thế, đã là gì mà làm ra vẻ kênh kiệu thế. Rồi buồn rầu nhận
ra chính cái vẻ lạnh lùng khinh bạc ấy càng làm Nhâm thêm yêu tiếng đàn của
anh. Nhâm đang rơi vào cái hố tình cảm đơn phương mà không cưỡng lại được.
° ° °
Đêm ba mươi Tết, cũng có bàn thờ nghi ngút khói, cũng có chậu
mai treo lủng lẳng những bức thiệp xanh đỏ nhưng phòng vắng hoe. Hạnh, Ngân về
quê từ 28 Tết. Nhâm ngồi một mình không biết làm gì. Chỉ thấy chao ôi là buồn,
là cô quạnh. Thời gian vẫn cứ trôi vùn vụt. Nhâm cũng không thể sống hồn nhiên
như Hạnh, Ngân mãi được. Nhâm muốn mơ ước một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Thứ
hạnh phúc Nhâm bị lấy cắp từ năm mười ba tuổi.
Đồng hồ điểm mười một tiếng. Nhâm bước ra balcon. Một năm nữa
sắp trôi qua. Nhâm đã được gì mất gì trong những ngày đều đặn buổi sáng đến
công sở làm, buổi chiều về nhà thui thủi một mình? Nhâm co người vì lạnh. Tiếng
đàn violon lại cất lên, buồn bã. Nó rên rỉ như tiếng thở than của một con chim
cô độc. Năm mới xuân, niềm vui... nhưng nó vẫn cô đơn. Nó là con chim lẻ bạn
nên cô đơn. Nhâm ấp tay lên ngực, nhắm chặt mắt. Có ai động khẽ vào vai Nhâm.
Cô quay lại, Lam đứng nhìn cô, nụ cười hồn hậu như lần đầu gặp Nhâm. Anh không
nói tiếng nào, lẳng lặng cầm tay Nhâm dắt vào nhà, đặt Nhâm ngồi lên chiếc ghế
nhỏ kê bên ô cửa. Nhâm nhìn quanh. Căn phòng giản dị cắm đầy hoa hồng và lộn xộn
sách vở. Tường vàng ố treo bề bộn tranh và vài mặt nạ dữ tợn. Căn phòng của người
đàn ông độc thân. Lam rót rượu mời Nhâm, vẫn nhất định không nói tiếng nào. Mắt
nhìn Nhâm dịu dàng. Nhâm uống má đỏ bừng. Cô đề nghị "Anh tiếp đi", mắt
đăm đắm nhìn cây đàn.
Anh chơi nhạc. Những bông hoa như ngừng thở. Con chim lẻ bạn
run rẩy hót. Nhâm nghe lòng tê buốt. Anh dừng đàn cúi xuống nhìn Nhâm. Nhâm bảo
"Buồn quá". Mắt anh cũng buồn rười rượi. Nhâm đề nghị "Anh đừng
đàn bài buồn. Năm mới phải vui lên". Anh cau mày khó hiểu. Rồi như sực tỉnh
anh chuyển sang một bản vui nhộn. Trước mắt Nhâm hiện ra cánh đồng đầy hoa như
những chiếc chuông vàng óng phát ra từ những giọt sương trong veo bám đầy trên
cánh đồng. Tiếng bọn trẻ con cười vang khắp phố. Bất giác Nhâm cũng bật cười.
Anh ngồi xuống bên Nhâm, tay chống cằm tư lự. Nhâm hỏi
"Sao anh chẳng bao giờ nói với em một tiếng nào". Anh im lặng, chìm đắm
trong thế giới riêng cua mình, thế giới xa lạ mà Nhâm cảm tưởng mình không đặt
chân vào được. Nhâm rướn người khó thở, lồng ngực như vỡ tung "Anh ghét em
anh cũng phải nói cái gì đi chứ". Anh đăm đăm nhìn mặt Nhâm, nắm tay Nhâm
thật chặt và chìa ra tờ giấy nhỏ "Xin lỗi Nhâm, tôi không thể nói được sau
một lần giải phẫu".
Bàn tay Nhâm lạnh buốt. Sóng trào lên rồi nghẹn đắng ở cổ.
Anh ấy đã bị câm. Một giọt nước nhỏ xuống từ mắt anh. Nhâm sững sờ đưa tay hứng
lấy giọt nước không cầm được nước mắt vì thương anh và thương mình quá thể. Lam
cầm bút viết "Tôi quý Nhâm ngay từ lần đầu gặp mặt. Nhưng tôi rất sợ sự
thương hại". Cô muốn đứng dậy và đi ra cửa. Cô không biết mình có đủ can đảm
để sông một cuộc sống câm lặng thế này không. Thật lòng cô muốn đi ra cửa để
hít một ít gió trời cho nhẹ nhõm bớt. Nhưng sau cùng chỉ nói "Em yêu
anh". Nhâm tin là anh nghe rõ được lời cô.
Một làn gió mát rượi thổi vào căn phòng đẩy hai người ra
ngoài balcon. Vài phút nữa là đến giao thừa. Đường vắng hoe. Ai cũng phải về với
tổ ấm của mình. Đôi mắt anh nhìn Nhâm như thầm thì, rồi tụi mình cũng sẽ có tổ ấm
để về và yêu thương phải không em?
Về quê
Buổi sáng trời còn nắng ráo. Một màu nắng hanh hao vàng vắt
ngang qua những ngọn cây như tơ lụa. Mây mù kéo sầm sập. Sương tuôn ra từ mọi
ngõ ngách như khói thuốc làm nhòa cả con đường nhỏ phủ đầy cỏ dại dẫn từ chợ về
nhà. Một lúc mưa bắt đầu rơi, từng hột lớn đâm vào người lạnh buốt. Nhìn quanh
quẩn bãi chợ đã vắng hoe.
Cái rét ập xuống rất nhanh. Hơi lạnh luồn qua tường, phả vào
người làm ông phải mặc thêm chiếc áo bông dày sụ. Ông bỏ hút, nhướng cặp mắt lờ
đờ nhìn tấm trướng đang vẽ dở. Rồi tuồng không thấy gì, ông chửi đổng một tiếng.
Bà lẹt quẹt đi lên, mò mẫm thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ. Bà chép miệng đánh
chẹp "Còn có vài ngày nữa là Tết. Sao không thấy tin tức của thằng Phên
ông nhỉ?". Ông nhăn mặt, gắt "Nhắc gì đến cái giống ấy. Nó còn nhớ ai
ở cái nhà này nữa mà nhắc". "Thì tôi nhớ, tôi nhắc...". Giọng bà
nghẹn lại. Ông ngó thấy bà tồi tội, thấy mình cáu vô lý nên giọng chùng xuống
"Ừ, dù gì cũng hơn hai, ba năm trời nó chưa về nhà. Tết nhất đến
nơi".
Nụ tất tả đặt gánh hàng ngoài hiên đi vào nhà, loay hoay mãi
mới tìm được chiếc ghế con để ngồi. Cô khẽ khàng lên tiếng "Hai bác đã chuẩn
bị Tết xong chưa?". Bà móm mém "Tết nào chẳng thế, tiền đâu mà sắm
cho nhiều hở con". "Dưng mà đợi lúc thằng Phên về - Bà hớn hở hẳn lên
- Mình thịt luôn con lợn, làm nốt bầy gà sau chuồng là cũng đủ ông nhỉ?".
Ông lầm bầm "Vớ vẩn". Nhưng trong bụng thầm tính "Mình còn có
hai chai rượu nếp Bắc Hà, bao thuốc ba số 5 con Nụ mới cho hôm trước. Thôi thì
cũng ráng để dành, hai cha con ngồi hàn huyên tâm sự có hơi cay mới thấm".
Nghĩ đến đây miệng ông ngoặc ra nụ cười độ lượng, cái đầu méo mó lơm xơm mấy sợi
bạc gục gặc đắc ý. Nụ lục thúng lôi ra lỉnh kỉnh các loại gói "Con mua được
ít bánh kẹo ở cửa hàng, biếu hai bác dùng Tết". Ông gạt phắt "Mày làm
có tiền đâu mà bày vẽ thế". "Từ ngày cha mẹ con mất - Mắt Nụ rơm rớm
- Hai bác coi con như con trong nhà. Con muốn thế chứ có bày vẽ gì đâu".
Bà ngồi lẩn mẩn gỡ cuộn tóc rối nhìn Nụ thở dài. Thấy Nụ hệt như bà ngày xưa,
nhỏ bé và nghèo khó, ngồi đúng cái góc đó, lưng xây ra cửa. Sau là quãng đời
làm dâu đầu tắt mặt tối vì nhà chồng nghèo, bố mẹ chồng lại ác nghiệt. Được cái
ông thương bà nhiều hơn bà mong ước. Chuyến này cưới Nụ về cho Phên, bà phải
làm to, thật to mới bõ. Bà bảo có vẻ chẳng ăn nhập gì với câu chuyện "Ừ,
con ạ, ở đời cái tình người là quý nhất".
Trời tối sập. Phía cuối chân trời một vùng ánh sáng hất lên lạnh
buốt, nổi rõ những dãy núi lô nhô như răng cưa. Nụ đứng dậy xin phép về, sau
khi dặn "Chừng anh Phên về hai bác nhớ báo tin cho con biết nhé". Cô
cười, nụ cười rạng rỡ cả căn nhà gỗ tre tồi tàn.
Xuống hết dốc người Nụ đã nóng ran trở lại. Cô cúi mặt, mỉm
cười. Tưởng tượng hôm Phên về, cũng vào một đêm lạnh thế này. Phên đi bên cô.
Tay của anh mới ấm làm sao. Cây ven đường nở bừng hoa. Tiếng sỏi lạo xạo dưới chân
trở thành bản nhạc dịu dàng. Rồi như ngày còn bé, Phên bảo "Phên sẽ xuống
xuôi làm giàu rồi đưa Nụ, đưa cha mẹ xuống ở cùng luôn nhỉ". Chao, thế mà
đã trôi qua hai năm kể từ ngày Phên đi. Bao mùa chợ tình trôi qua mà không thấy
Phên quay về. Tin thư của Phên nhạt dần, thưa dần như lá cuối mùa, nhưng Nụ vẫn
chờ.
° ° °
Sáng sớm tất cả bị dìm trong màn sương dầy đặc. Con dốc nhỏ
hun hút thỉnh thoảng mới thấy những chiếc váy Mèo sặc sỡ ướt sũng nước bồng bềnh
qua lại. Họ tới giao củi cho nhà Kinh và cất tiếng hát, đệm thêm tiếng hí của bầy
ngựa xa xa.
Có tiếng còi vang trong nương. Ông vội vàng chạy ra cửa nhưng
chiếc xe đã lao đi mất hút để lại hơi khói khét lẹt. Ông chậm chạp quay vào. Bà
hỏi với ra "Ai thế ông?". Ông im lặng, hút thuốc lào đánh roẹt, lại
hí hoáy vẽ tiếp bức trướng xanh đỏ đầy mệt mỏi.
Một lát thằng bé con hàng xóm chạy xồng xộc vào cổng, inh ỏi
"Ông bà ơi, chú Phên về. Hình như là chú Phên về. Chú béo ù, đi cái xe con
đẹp lắm". Ông luýnh quýnh làm đổ lọ mực tàu lên bức trướng, giọng khàn đặc
"Thằng Phên về, bà nó ơi". Ngoài cửa tối sầm lại. Một người đàn ông bệ
vệ, tóc húi cao, da bợt bạt với hai quầng thâm vòng quanh mắt đầy vẻ u uất, mỏi
mệt. Ông run rẩy "A, con", trộm nghĩ nó già đi mau quá. Cuộc sống dưới
Kinh đã làm nó thay đổi đi nhiều quá. Bà nắm chặt tay Phên, khóc ròng. Phên thả
phịch túi xách xuống đất, buông thõng "Suýt nữa quên đường về. Đường ở đây
xấu tệ, không thể nào đánh xe vào được - Anh ta nhìn quanh quất, mũi nhăn lại -
Có cái mùi gì ấy nhỉ?". "Mùi đất ẩm - Bà vội thanh minh - Thì cứ từ
xưa đến nay trời mưa dầm là mùi ẩm mốc lại bốc lên mà". Ông lại hút thuốc
đánh sọc, chạnh lòng, cái thằng sao lâu ngày về thăm nhà nó chẳng hỏi thăm bố mẹ
một câu, chỉ toàn vòng vèo ba chuyện ruồi bu phát sốt ruột.
Phên lôi ra mấy hộp bánh ngoại, cao giọng "Con biếu ông
bà. Không phải của thường đâu. Ở đây hiếm lắm đấy". Rồi đưa cho bà hai xấp
vải "Cái này bà mang ra huyện mà may. Mặc mãi mấy cái bộ xậm xẹt này người
ta cười cho". Bà ngượng nghịu "Mẹ mặc thế quen. Hay để mẹ tặng con Nụ".
"Ai cơ?". "Con Nụ ấy mà. Còn những thứ này để cúng xong mẹ chia
mỗi người một ít lấy thảo". "Tùy ông bà thôi". Phên nhấp một ngụm
chè súc miệng òng ọc rồi phun tóe ra góc nhà. Xong lại chiêu thêm một ngụm nữa,
vươn người khoan khoái "Chà, đang ở nơi nóng nực về đây sướng thật, cứ như
đi nghỉ mát. Ông bà ạ. Con mới ở Sài Gòn ra. Khiếp, cứ như đổ lửa. Con phải đi
công tác xoành xoạch, chẳng còn tí thì giờ nào. Đợt này lên đây con phải xoay
vài cái hợp đồng. Xong ngày kia lại vù vào Sài Gòn - Anh ta cười vô tư - sống
bây giờ mệt lắm, ông bà ạ". "Thế con không ăn Tết với cha mẹ
à?". Bà hốt hoảng. "Ngày rộng tháng dài, lúc khác bà ạ".
Một cậu thanh niên lơn tơn đi vào, áo dạ quần jean lù xù như
một con gấu. Anh ta cúi gập người ở cửa "Chào hai bác ạ. Anh ạ, em đã báo
xong phòng rồi. Chỗ lý tưởng, nhìn ra bạt ngàn đồi hoa đào. Trời này mà có em
gái bên cạnh thì tuyệt". Anh ta cười, mắt híp tịt. Phên giới thiệu
"Đây là cậu lái xe của con. Nhà mình chật tối nay tụi con ra ở khách sạn
cho thoải mái. Ông bà thông cảm". Cậu lái xe lum khum bắt tay ông. Bàn tay
lạnh ngắt và ướt nhượt làm ông rùng mình. Bà tỏ vẻ buồn, vân vê gấu áo "Tối
nay ăn cơm ở nhà nhé. Mẹ có mấy con gà...". "Để trưa mai bà ạ. Tối
nay mời ông bà ra nhà hàng với chúng con". Giọng anh ta tự nhiên ề à khó nghe.
"Không dám, cám ơn anh - Ông nói mát - Nhà chúng tôi nghèo, cơm cà cơm muối
quen rồi. Chứ nhà hàng thì chúng tôi không dám". Bà suỵt khẽ. Ông trừng mắt
nhìn bà, chùm râu dưới cằm run run. Bà biết ông sắp nổi trận lôi đình nên gắng
vui vẻ. "Ừ, thế cũng được. Thôi hai anh muốn đi đâu thì đi. Lâu ngày về
thăm quê dẫn nhau đi xem cho biết. Anh tên gì nhỉ?". "Dạ Hướng".
"À, Hứng". Hai người đứng dậy, kéo lục tục ra cửa. Đến giữa chừng sực
nhớ ra, anh con trai quay lại vẻ quan tâm "Sức khỏe ông bà dạo này thế nào
ạ?". "Vẫn thế con ạ". Bà đỡ lời ông ngồi lặng ngắt, lòng tê tái.
Rồi không chịu đựng nổi ông giơ chân đá hộp mực lăn lông lốc trên đất, cấm cẳn
"Hừ, con với cái". Từ hai khóe mắt ông nước rỉ ra đục ngầu.
Hôm sau bà nhắn Nụ lên sớm. Suốt buổi sáng hai bác cháu tíu
tít đi chợ, vặt lông gà, đến giữa trưa thì xong. Nụ ngồi ngẩng mặt, hình dung
buổi gặp sắp tới. Ai cũng bảo với Nụ Phên giờ khác lắm, nhưng Nụ không tin. Nụ
vẫn nghĩ anh như xưa, nghĩa là vẫn cao gầy, mắt buồn, da môi tươi tắn như con
gái. Có tiếng ồn ào ngoài cửa, Nụ quay lại. Hai người đàn ông bước vào mặt hớn
hở. Người to mập nhìn Nụ đăm đăm. Nụ hỏi "Anh Phên không nhận ra Nụ
à?" rồi chạy ù xuống bếp, dúi đầu vào vai bà "Bác à, anh Phên anh ấy
khác thật". Phên xuống theo, cười "Cô Nụ dạo này xinh thế" và lại
lững thững đi lên. Nụ cúi gằm mặt, ngạc nhiên thấy lòng mình sao yên lặng quá,
không còn vẻ gì sung sướng hay hồi hộp như cảnh hai người yêu lâu ngày gặp
nhau.
Bữa ăn diễn ra lặng ngắt. Phên, Hướng lôi ra chai rượu
Hennessy, bảo uống rượu này quen, chứ thứ khác thì lạt miệng. Mình ông nốc rượu
Bắc Hà, mặt quặm lại không nói được tiếng nào. Đến giữa bữa ăn, bà gợi ý
"Thế anh Phên đã tính chuyện vợ con chưa?". Nụ cúi mặt, không uống rượu
mà mặt nóng hồng như má đào. Phên nhướng mắt, tợp một ngụm rượu "Chà nhắc
đến chuyện này mới nhớ. Khoảng hai tháng sau, con sẽ cưới vợ. Vợ con là con gái
rượu của thủ trưởng con. Ông bà cứ yên tâm là đẹp người tốt nết". Chai rượu
trên tay ông run bắn. Bà ngượng nghịu không dám nhìn sang Nụ. Cô vẫn ngồi rất bình
thản gắp thức ăn, ngỡ ngàng vì sao lòng mình dửng dưng không đau đớn lắm. Cô bảo
"Em chúc mừng anh". Cô ngẩng nhìn Phên, mắt đen láy, hiểu rằng người
như Phên không thể phù hợp với cô được. Ông gắt "Mày không coi bố mẹ mày
ra gì à?". Anh con trai trợn mắt ngạc nhiên "Sao lại không, thì đến
ngày cưới con sẽ thỉnh hai cụ về dưới xóm xuôi dự đám cưới của con chứ sao. Ông
bà thật lạ". Ông xỏ chân đánh bạch, lẹt xẹt bỏ vào buồng sau khi bảo
"Tao không có thằng con như thế". Ông nằm rên hừ hừ cứ như người phải
gió, làm bà xót cả ruột.
Cuối buổi Phên đề nghị "Chúng tôi đưa Nụ về nhé". Nụ
cười "Thôi cảm ơn hai anh. Mình em về được rồi. Em quen đường". Cô
vào buồng, cầm tay ông an ủi "Bác nghỉ đi, đừng nghĩ ngợi gì". Ông
than "Số tôi vô phước không cưới được cô về làm dâu. Tôi ngàn lần xin lỗi
cô". "Kìa bác - Nụ cười - Dù sao bác cũng như cha con". Nụ đi xuống
dốc, bóng nghiêng nghiêng buồn và đơn độc.
Xe về xuôi sớm. Anh con trai đứng lẩn vẩn ở vườn bảo "Chỗ
này xây nhà nghỉ thì tuyệt". Xong vào nhà nhận xét "Đất này bán được
khối tiền". Anh ta nặng nề đặt tay lên vai bà "Cha đâu?".
"Ông bị ốm nằm trong kia". Phên đưa phong bì cho bà "Mẹ cầm lấy
chăm sóc cho cha, con bận, ít về thăm nhà được". Bà khóc "Sao con
không vào thăm ông ấy?". Phên nhún vai "Con ngại lắm" và lùi lũi
đi ra cổng. Ông tỉnh dậy thấy gói tiền đầu giường liền hỏi của ai. Bà đáp
"Của con, nó đi rồi". Ông vùng dậy, vơ lấy cây gậy đầu giường rồi tập
tễnh đi "Để tôi ra trả lại nó. Mình nghèo hèn nhưng không cần của ôi thiu
này". Ông đi chúi nhũi về phía trước như sắp ngã. Sương mù đặc quánh. Con
đường vắng hoe, chỉ còn những cánh đào hồng rực rơi xuống vai ông nhẹ nhàng.
Ba mươi Tết, bà làm mâm cơm cúng tổ tiên. Trời lạnh nứt da nứt
thịt, khói nhang cũng không làm không khí ấm lên chút nào. Ông ăn mặc chỉnh tề,
ngồi thừ ở ghế. Bà tới gần nhỏ nhẹ "Thôi ông ạ, nước mắt chảy xuôi chứ bao
giờ chảy ngược". Ông lắc đầu "Con tôi nó không như thế". Ông cầm
ba cây nhang, chậm chạp đứng lên, mắt nhìn dõi ở đâu xa lắm "Tôi biết khấn
gì bây giờ?". Bà đưa vạt áo thấm nước mắt "Khấn thế nào cũng được ông
ạ".
Ông trịnh trọng cúi đầu trước bàn thờ. Trong không khí tĩnh lặng,
tiếng ông trầm trầm vang lên "Con là Ngô văn Liếp, cầu xin tổ tiên phù hộ,
độ trì cho con con là Ngô văn Phên đang làm ăn xa gặp nhiều tốt đẹp. Mọi bất hạnh
khổ đau xin chỉ mình con gánh chịu".
Ngoài vườn, từng cơn gió vẫn bứt vô số những nụ đào, lá đào
còn tươi nguyên xuống mặt đất rắn cứng vì lạnh. Chẳng mấy chốc, dưới gốc cây đã
phủ kín xác đào, chìm dần trong màn sương dày mênh mông...
Chợ hoa
Có tiếng kẹt cửa khẽ. Hơi lạnh phả vào đỉnh đầu buôn buốt.
Tôi kéo chăn trùm hết lên đầu như một con cún. Tiếng mợ Nhân nhỏ nhẹ "Út
ơi, dậy con. Bốn giơ rưỡi rồi". Tôi làu bàu "Còn sớm chán. Con ngại lắm".
Mợ xốc bổng tôi dậy: "Con bé này, hẹn người ta rủ đi xem chợ hoa mà giờ
này còn nằm đây. Chị Huế đứng đợi ngoài cửa kia mà". "Chết - tôi bừng
tỉnh - Hôm nay Chủ nhật hả mợ?". Mợ ngán ngẩm lắc đầu đi ra phòng khách.
Tiếng mợ phân trần ồn ã: "Em nó mới ra chưa quen lạnh nên ngại dậy sớm.
Cháu thông cảm đợi em nó một chút". "Vâng ạ". Tiếng chị Thanh nhẹ
như tiếng chuông.
Tôi mặc một áo thun cao cổ, một áo dài tay, hai áo len, một
chiếc áo dạ dài đến gối lại thêm khăn len quấn đùm đụp quanh mặt mà vẫn thấy lạnh.
Chị nhìn tôi cười rũ "Ôi trông em như một con gấu bông ấy". Tôi ngỏn
ngoẻn cười. Ngó lại thấy chị chỉ khoác một chiếc áo len mỏng. Tôi ngạc nhiên:
"Chị không sợ lạnh à?". Chị so vai: "Còn nhiều thứ khác đáng sợ
hơn. Đùa thôi, chị con nhà nông mặc thế là ấm lắm".
Nhưng chị không phải là con nhà nông. Chị họ Lê, dòng dõi vua
chúa, cùng nhánh họ với bà Lê Ngọc Hân. Ông cố ngoại của chị giàu có nhất nhì
Hà Thành, nhà cửa chiếm hết một vùng đất lớn sát chợ Hàng Da bây giờ. Dạo trước,
ba chị làm tổng giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn nào đó, nhà chị giàu bạc
vạn. Chị sống đời sống của một bà hoàng với những cái đuôi nhũng nhẵng theo
sau. Người ta có được chiếc xe đạp Diamăng đã quý, chị có hẳn xe Cub, thậm chí
xe ô tô đưa đón. Người ta dè xẻn từng đồng ăn sáng để đóng tiền học, chị có cả
bạc triệu để chỉ thuần mua sắm. Nhưng sự đời lúc lên voi khi xuống chó. Công ty
vỡ nợ, ba chị vào tù. Ngôi nhà lớn trên phố Đường Thành bị mất. của cải bán tống
bán tháo lấy tiền cho ông được miễn giảm nhưng vô ích. Bốn mẹ con chị chuyển về
ở ngôi nhà ẩm thấp và bé bằng hộp diêm trên đường Bưởi. Nhà cứ thế sa sút dần.
Mỗi lần tôi ra Hà Nội lại thấy chị hanh hao đi nhiều.
Chị gò lưng chở tôi trên chiếc xe đạp không còn phân biệt màu
sắc, mỗi lần nhấn bàn đạp lại rít ken két. Chị bảo "Vui nhỉ, lại được cả
nhạc để nghe". Tôi ôm chặt eo lưng chị: "Em nặng thế này chị chở nổi
không?". "Thừa, chị còn thồ được cả sáu bảy chục cân gạo nữa là em.
Em xem chị gầy, nhưng hôm nào cũng được tập thể dục nên dai sức lắm". Ừ,
tôi quên mất. Chị bây giờ khác. Bỏ học, chị nhảy từ bà quý phái xuống bà lam lũ
một cách dễ dàng, không đau đớn. Buôn thúng bán bưng thêm tiền chợ bây giờ đã
là nghề của chị rồi.
"Đến chưa chị?" - Tôi nhấp nhổm. "Còn đoạn nữa".
Gần đến đê gió càng thổi mạnh. Cái loại gió từ sông sao mà buốt giá, cứ thuôn
thuốn vào người ta làm nổi đủ các loại da gà da vịt. Chị bảo "Ngày xưa chị
cũng hay lên đây. Đó là thói quen duy nhất còn giữ lại được kể từ...". Chị
ngừng lời, thắng xe đánh két: "Tới rồi" và nhảy xuống đất. Tôi ngơ
ngác nhìn lên đê, chỉ thấy lố nhố những đám người xám xịt, khăn quấn kín mặt,
nón lá sùm sụp trên đầu. "Em có thấy gì đâu?". "Ngốc ạ, đi theo
chị thì thấy". Chúng tôi lúc lắc trèo lên đê.
Được một quãng tôi đã lạc vào xứ sở thần tiên. Xung quanh bạt
ngàn hoa. Buổi sớm, những cánh hoa còn e ấp, mơn mởn tươi. Trong màu xám của trời
và đất, của những khối người bán lao xao, màu hoa căng rực lên. Người ta quây
thành từng mẹt hồng nhung lớn, từng rổ cúc đại đóa và violet tím thẫm xen kẽ với
các loại hoa vườn rồi chuyền tay nhau, đặt lên những chiếc xe thồ hoặc gánh về
thành phố. Tiếng nói lao nhao, tiếng cười giòn giã rơi qua màn sương mỏng ướp đầy
hương, chảy xuống dòng sông mờ mịt hơi lạnh. Tôi không thể hình dung được một
vài giờ nữa, những tiếng cười sẽ biến thành những tiếng thở mệt nhọc trên khắp
đường phố Hà Nội.
Tôi bảo: "Đẹp quá chị ạ". Chị cười, dẫn tôi đi dọc
các hàng hoa: "Đẹp cũng chỉ để ngắm thôi mà". "Nhưng có ích chứ
chị". "Người ta xấu đẹp gì muốn sống có ích thì cũng dễ dàng
thôi". Chị nói "Em có vẻ không tin". Mấy bà ngồi sắp hoa vào
thúng nhìn chị Huế, bỏm bẻm: "A, cô Huế. Lại dẫn khách Sài Goòng đi chơi
à?". "Vâng". Chị quay sang giải thích: "Mấy người bạn chị ở
trong kia ra thế nào cũng phải lên đây". Tôi tiếc rẻ: "Đáng lẽ phải
mang bảng vẽ lên đây". Chị xoa đầu tôi: "Còn ở đây dài ngày, lo
gì". Chị nhìn tôi thăm dò "Lại đằng nhà bạn chị chơi nhá".
Nhà bạn chị Huế nằm sát mé sông. Một quán nước lợp bằng mái
tranh với mấy bộ bàn ghế gỗ đen kịt, vài lọ kẹo lạc và một bà già mặt đầy nếp
nhăn, lần mò ngồi đan một chiếc khăn quàng lớn màu mận chín. Chị chào:
"Bác ạ" và kéo tuột tôi và trong. Căn phòng tối lờ mờ, chỉ toàn mùi ẩm
và mùi sơn dầu. Giọng người đàn ông ồm ồm cất lên: "Huế à?". Ngọn đèn
vàng bật sáng soi rõ người đàn ông ngồi sau bàn đội chiếc mũ len với cục bông đỏ
chót trên đinh như một anh hề. Một người đàn ông với chiếc miệng cười duyên
dáng chìa chiếc răng khểnh sau bộ râu quai nón rậm rịt. Xung quanh tường, treo
dày đặc tranh. Chị Huế giới thiệu: "Đây là em cửa Huế ở trong kia
ra". "Rất hân hạnh". Anh chìa tay mời tôi ngồi. Trên tường, có
những bức tranh khá đẹp. Cái lớn nhất độ khoảng sáu ô gạch hoa ghép lại. Anh
phân trần: "Mình chẳng có đủ màu để vẽ". Tôi trịnh trọng: "Cái
khó mới ló cái tài". Tôi cảm giác tất cả các bức tranh anh vẽ đều có một
tông màu hơi u ám. Tôi thích nhất bức anh vẽ cô thiêu nữ ngồi tựa cửa sổ, mắt đầy
nước. Hai bàn tay thon dài đặt trên đùi như sắp cử động. Khuôn mặt bị chìm một
nửa trong bóng tối rất quen thuộc. "Đây là bức tươi nhất của phòng
tranh". Tôi nhận xét. "Em thấy rất quen". Anh cũng đồng ý:
"Anh và chị Huế cũng thích nó nhất", miệng mỉm cười ý nhị.
Anh quay lại chị Huế: "Sao lâu không thấy Huế lên chơi.
Bà cụ nhắc mãi". Chị che miệng cười: "Chỉ bà cụ thôi à?". Anh lảng
"Huế này, hồi bữa có mấy thằng Tây đòi mua bức tranh này nhưng anh không
bán. Mấy bức khác trả rẻ nhưng mình túng nên đành phải bán". "Anh đã
ra triển lãm riêng chưa?" - Tôi chen ngang: "Chưa có tiền đâu
em".
Tôi lẩm nhẩm: "Tiền là tiên là Phật. Là sức mạnh tuổi trẻ".
Gớm thật, bây giờ muốn làm việc gì lớn cũng phải có tiền.
Chị Huế đứng dậy: "Thôi Huế về đây". Anh nhìn chị
đau đáu "Sớm thế?". Chị gằm mặt: "Còn phải chở hàng nữa chứ?".
"Anh quên mất". Anh chìa tay cho tôi bắt. Tay anh ấm và mềm mại. Mắt
anh cũng buồn như mắt chị Huế.
Anh bảo: "Anh không ra tiễn nhé". Chị lặng lẽ gật đầu,
lặng lẽ cầm tay anh và lặng lẽ bước ra ngoài. Chúng tôi vòng xuống đê. Những
gánh hàng hoa đã tan. Trên đường vương vãi những bông hoa giập hết lá nom thật
thảm. Một vầng mặt trời trắng nhạt như chiếc bánh tráng treo lơ lửng trên nền
trời đã hơi ấm hồng lên một chút.
Tôi bảo: "Anh ấy nhìn hay nhỉ". Chị vẫn cắm cúi đạp.
Nhìn điệu e ấp cửa chị, thật không thể là bạn thường. Tôi lại nói to: "Chị
với ảnh nhìn đẹp đôi lắm". "Anh ấy bị liệt sau một tai nạn. Không có
tiền nên không giải phẫu được" - Chị nói khẽ. Còn tôi nghĩ mình nghe lầm
nên hỏi lại: "Ai tai nạn cơ?". "Anh Nguyên. Không có tiền mời
bác sĩ giỏi. Không có tiền thuốc thang. Bây giờ chỉ ngồi một chỗ. Anh ấy tài lắm".
Tôi thấy nhột nhạt nơi cổ. Tôi ôm chặt chị an ủi: "Thuận
vợ chuận chồng tát biển đông cũng cạn chị ạ". Chị quàng tay ra sau, siết
lưng tôi: "Vớ vẩn. Ôi con bé này vớ vẩn quá đi mất". Tôi nghe giọng
chị nói đến khúc cuối thì nghẹn đi mất.
Tỏi đi thực tế hai tháng trên Tây Bắc. Cùng với mấy đứa bạn
lang thang khắp Sapa, Bắc Hà, quên bẵng mất ở Sài Gòn mình có một ngôi nhà ấm
cúng với ba mẹ và người yêu đang chờ mình. Ngày tháng ở đây mù sương nhưng lại
là những mảng màu đậm không thể quên được trên bảng màu vốn lợt nhợt của tôi.
Buổi trưa về đến Hà Nội tôi phóng thẳng đến nhà chị Huế. Cửa
đóng then cài. Đợi mãi mới thấy thằng em chị Huế ra mở cửa, mũi đỏ tây như quả
nhót vì lạnh, khệ nệ xách cái làn to. Nó thông báo: "Chị Huế đi lấy chồng
từ đâu tháng rồi, chị ạ". Tôi tái mặt: "Sao nhanh thế?".
"Em không biết". Nó hục hặc ho: "Bây giờ em phải vào bệnh viện với
mẹ em". Nó leo vụt lên chiếc xe đạp cũ kỹ chị Huế thường đi thồ gạo, nhón
người đạp xe đi mất, không kịp để tôi hỏi câu gì.
Mợ Nhân kể: "Con Huế tới đây đưa thiệp cưới cứ khóc
ròng. Khổ thân, nó lấy chồng để trả nợ cho ông bà già, chớ có yêu đương gì.
Nghe bảo nó yêu thằng nào dưới bến sông...". "Vâng, con biết".
"Con biết à?" - Mắt mợ sáng lên. Tội nghiệp, bản năng người phụ nữ
trong mợ lúc nào cũng mạnh mẽ. Bắt gặp ánh mắt của tôi, mợ lúng túng: "Thì
tao cũng chỉ hỏi cho biết". "Chị ấy ở đâu hả mợ". "Sài Gòn.
Nhà này, phố này. Con vào tìm chắc gặp được nó".
Tôi lóc cóc đạp xe ra bến sông. Trời Hà Nội đã ấm hơn. Cây cối
cũng bớt xanh hơn. Thật tình Hà Nội chỉ đáng đam mê khi mùa đông tới. Nhưng mùa
đông đã qua rồi. Nước mắt tôi tự nhiên nhòe nhoẹt chảy. Trên đê vắng hoe. Chiều,
nắng vắt những dải vàng nhạt trên vệ cỏ, đi lên những cánh hoa bị bầm giập từ
sáng. Thỉnh thoảng mới có một người gánh hàng đi qua, mắt cắm xuống đất, chân
nhoi nhói đi không để ý gì đến xung quanh.
Tôi xuống quán nhà anh Nguyên. Bà cụ vẫn ngồi đan chiếc khăn
len to tướng màu mận chín dù đã hết mùa đông. Trong quán nồng mùi thuốc lào. Một
ông già ngồi tựa cột, đầu lắc lư theo điệu nhạc ông tưởng tượng trong đầu. Tôi
hỏi: "Anh Nguyên có nhà không ạ?". Bà đáp: "Ra bến sông rồi",
không ngẩng đầu lên. Tôi ra bến, thấy anh ngôi trên xe lăn, mặt quay ra hướng
nam. Tôi vui vẻ "Chào đồng nghiệp". Anh quay lại. Suýt nữa tôi không
nhận ra anh. Bộ râu quai nón được cạo gọt cẩn thận, để lộ khuôn mặt hình trái
xoan. Tính theo tướng số, con trai như thế là không hợp cách. Mắt anh rạng rỡ
nhưng một ánh mây đen đã vội vàng bay tới bao phủ. "A, chào em. Đi thực tế
có vui không?". "Vui chứ". Tôi liếng thoắng kể chuyện, cười đùa.
Chỉ sợ dừng lại một chút là tôi hoặc anh sẽ bật khóc lên mất.
Chúng tôi trở về nhà. Tranh trong phòng anh đã hạ xuống xếp đầy
một góc. Trên tường chỉ còn treo bức chân dung người thiếu nữ với đường nét
quen thuộc mà vì bóng tối lờ nhờ không làm tôi nhận ra ai được. Anh bảo:
"Chị Huế đấy". Tôi chúi đầu lại gần. Lúc này tôi mới nhận ra. Chị Huế
thật. Nhận ra cả những vầng ánh sáng hạnh phúc tỏa ra từ đôi mắt đẫm ướt của chị,
từ nụ cười mủm mỉm của chị. "Chị Huế đi rồi nhưng chị ấy không xa
anh" - Anh tâm sự - "Chị ấy là một cô gái tuyệt vời. Anh phục và yêu
chị ấy". "Em cũng vậy". Tôi nói thế và tự hỏi, có bao giờ tôi
dám hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để làm một việc có ích không? Im lặng một
lát tôi bảo: "Chị ấy cũng yêu anh. Còn em, em rất phục anh". Tôi thấy
lòng mình trào lên một cảm giác khó tả, chạy lên mũi cay xè.
Tôi đạp xe chậm rãi trên đê, chỉ sợ cán phải những bông rớt
trên đường. Màn đêm đã buông xuống, nhấp nháy những vì sao như những chiếc đinh
bằng kim cương. Ven sông lờ mờ những vạt cải trổ hoa vàng. Tôi rùng mình vì
gió, nhủ thầm, mai tôi phải lên đây thật sớm, như hôm nào chị đã dẫn tôi đi, và
mua một bó violette mang vào tặng chị. Chị sẽ ôm nó vào lòng, sẽ mỉm cười tư lự,
mắt đẫm ướt như bức tranh treo ở nhà anh Nguyên. Rồi chị sẽ bảo: "Chị hạnh
phúc lắm em ạ. Mọi thứ đến như giấc mơ đẹp đã qua chỉ còn là kỷ niệm. Bây giờ
mình phải sống vì hiện tại và tương lai phải không em?".
Hệt như tôi giờ đây, những ngày tháng vừa qua đã đang trôi dần
vào kỷ niệm.
Mùa cải
Bà định thôi sẽ không chờ chồng nữa. Mưa rơi mịt mù, gió hiu
hắt thổi qua bờ sông quất vào người bà lạnh cóng như có ai tha hồ lấy kim chích
vào da thịt. Bà xăn quần đội nón tất lả lao vào mưa. Con đường đê dài mãi ra.
Gánh hàng trên vai nặng trĩu xuống. Bà bấm chân xuống bùn nhoi nhói. Xung quanh
bà mờ mịt mưa. Những cánh đồng sắt lại như những miếng thiếc bạc, một lúc thì tối
sầm lại không màu sắc. Bà rạp mình về trước, vai lệch hẳn sang một bên vì gánh
nặng. Tưởng chừng như hễ thêm vài phút nữa bà sẽ ngã quay ra đất. Nhưng bà vẫn
bước đi, đều đặn, nhỏ bé giữa trời đất đầy nước.
Buổi tối con gái bà đề nghị "Má để hàng đó mai con đi
bán cho. Mưa gió vầy má ôm làm sao". Bà lắc đầu nguây nguẩy. "Mưa gió
thế này thì thấm gì. Ngày xưa...". Bà chậm chạp đưa tay lên lau mắt. Con
gái ghẹo "Má lại đòi kể chuyện ngày xưa rồi". Bà không nói, chỉ thở
dài. Nhìn mấy đứa con gái của bà mà thở dài. Chúng nó chẳng hiểu được. Ngày mai
sẽ có chuyến tàu về ngang cái quán của bà. Nhỡ đâu, ờ mà nhỡ đâu thật, ông ấy sẽ
trở về. Ông mặc bộ bà ba nâu, dáng lòng khòng như in khắc trên nền trời xám.
Ông ấy sẽ vẩn vơ nói một câu nào đó và cười. Nụ cười làm tim bà nhoi nhói.
Bà mặc thêm áo, mò mẫm ra ngoài. Đêm trăng nhả từng dòng ánh
sáng tái xanh trên những vườn cải trổ bông. Màu cải vàng làm lòng bà ấm lại,
kéo bà trôi tuột về phía sau. Bà thấy mình rơi vào cái hố của nhớ nhung một
cách thật êm dịu.
° ° °
Một tuần nữa Cải lấy chồng. Người đàn ông đó chưa một lần
giáp mặt. Không thể hình dung ông ta mập ốm thế nào. Cải thấy lòng nguội tanh.
Chỉ thi thoảng mới buồn vương vít khi nhìn những ngồng cải ra hoa vàng rực...
Ngọ rủ Cải ra ngoài sông lúng búng: "Có thật Cải đi lấy chồng
không?". Cải đùa "Không lấy chồng thì lấy gì?". Ngọ cúi gầm mặt:
"Cải yêu ông ấy thật à?", Cải trả lời "Ừ yêu thật", lội bì
bõm ra giữa sông. Nước vồ vào chân Cải lạnh buốt. Cải tự hỏi: "Mình có yêu
thật không?". Cải lấy tay khỏa nước lên mặt. Lúc ngẩng lên đã thấy Ngọ đi
đâu mất.
Sáng sớm Cải về nhà chồng. Mùa đông sương mù phủ kín cánh đồng.
Bên dưới chân lép nhép. Người đàn ông dáng cao gầy, khuôn mặt chữ điền chìa bàn
tay ấm cho Cải, trìu mến "Em đi cẩn thận". Cải ngượng đỏ mặt, tay ôm
bó cải vàng run run, tự cười thầm cái anh chàng sắp làm chồng Cải, làm như Cải
bé con lắm và yếu ớt lắm. Xe mới đi được một quãng, Cải đã ngả đầu vào vai chồng,
liu thiu ngủ mất.
Nhà chồng Cải xếp vào hàng địa chủ, nhưng giàu lên nhờ chính
sức lao động của mình. Cải về, đương nhiên trờ thành một lao động chính. Sớm
tinh mơ đã phải lo nấu cơm đun nước cho thợ. Cả ngày làm mệt ngoài đồng, tối mịt
mới về đến nhà. Lại nấu cơm đun nước cho buổi tối. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại
những công việc như vậy, nhiều lúc Cải thấy mình sẽ không thể nào chịu đựng nổi.
Tận sâu thẳm trong lòng, cái mơ ước thời còn ờ nhà bố mẹ, được học hành đến nơi
đến chốn. Đêm đêm lại đem sách Kiều ra ngâm huy tập làm thơ phú dưới ngọn đèn lồng
màu đỏ treo ở đâu lối. Ngày ấy Cải vẫn là cô tiểu thơ con nhà giàu.
Về đây Cải thôi không mơ mộng nữa. Kiếp mẹ chồng, em chồng
nàng dâu cột chân Cải lại. Cải lặng lẽ giữa căn nhà gỗ năm gian, giữa tiếng cười
đùa của những người phụ nữ khác. Cảái luôn đặt một ranh giới giữa mình với họ
và chưa bao giờ chủ động vượt qua nó. Cải biết mình chỉ là cô gái hiền lành và
yếu đuối.
Chồng Cải chuyển về làm trên tỉnh lỵ, tuần ghé về nhà đôi ba
lần. Cải thương chồng, không muốn chồng biết những xích mích ở nhà. Không muốn
chồng thấy những giọt nước mắt của mình. Cải ráng gượng vui, mặt đầy hạnh phúc.
Mỗi lần về nhà cha mẹ, Cải thấy mình như lột xác. Cải ngồi
vào cái bàn nhỏ thơm mùi mực tàu, lần giở những trang Kiều in trên giấy lụa và
những bài thơ cũ của mình, miệng mỉm cười bâng quơ. Mẹ Cải hỏi: "Con sống
dễ dàng không?". Cải dối: "Sẽ không có chỗ nào tốt hơn thế đâu mẹ ạ".
Mẹ cầm tay Cải, lần mò những vết chai trên tay con gái, rớt nước mắt: "Phận
đàn bà. Thôi ráng con ạ". Ngọ đưa Cải đi qua những cánh đồng. Mùa này hoa
cải đã tàn hết, trơ những chiếc lá già úa. Ngọ hỏi dò: "Cải có hạnh phúc
không?". "Có, nhiều lắm - Cải đánh lảng - Sao Ngọ không lấy vợ
đi?". Ngọ nhìn Cải đăm đăm: "Quê chồng Cải có trồng cải không?".
"Không, chỉ trồng lúa, trồng vừng. Mà đất cằn lắm". Cải ngẩng mặt, tự
nhiên nhớ chồng đến thẫn thờ cả người. Đến ngày thứ hai, Cải lại muốn trở về
căn nhà gỗ năm gian âm u và lạnh lẽo đó, một ngày lại bắt đầu và kết thúc bằng
công việc nấu cơm. Con gái là con người ta.
Cải sinh đứa con đầu lòng không đúng như mong đợi của mọi người.
Đứa con gái vừa lọt lòng tóc đã xoăn tít, hai mắt xếch ngược. Bà mẹ nhận xét:
"Cô bé này bướng bỉnh lắm đấy". Chồng Cải an ủi: "Đứa thứ hai là
con trai cũng được". Nhưng đứa thứ hai, đứa thứ ba vẫn là con gái, da trắng
tóc xoăn giống mẹ như đúc. Ông bố chồng suốt ngày cứ ngật ngừ bên bàn đèn, tỉnh
dậy lại đòi kiếm bằng được thằng cháu đích tôn. Bà mẹ chồng dồn hết việc lên
vai con dâu, tất tả vòng từ chùa này sang miếu nọ để cầu xin đứa cháu thừa tự.
Mấy cô em đi lấy chồng ở làng bên về thăm nhà lại xúm vào khuyên mẹ: "Má
à, nói anh Hai phải lấy vợ khác mới có con đích tôn. Cả nhà mình có mỗi ảnh
không lẽ giờ đành tuyệt tự", mặc kệ Cải đang sàng gạo gần sát bên. Cải
nghe, nghẹn uất mà không nói được tiếng nào. Lòng như muối xát. Đêm về ôm các
con vào lòng, nước mắt Cải chảy nhòe nhoẹt. Con gái hỏi: "Sao mấy o ghét
má con mình vậy?", Cải gạt phắt: "Nói bậy, làm răng mà ghét má con
mình. Mấy con ngoan, o mới thương". Đứa lớn hậm hực "Con ghét họ. Họ
mắng chửi má con mình hoài", Cải đưa tay bụm miệng con, nước mắt lại tứa
ra. Vừa tội mình vừa thương con mà không biết làm gì được.
Chồng Cải thoát ly theo kháng chiến làm cách mạng, biền biệt
không về. Thư gửi về nhà thưa và lạt dần. Lá thư cuối cùng Cải nhận được, không
phải của chồng mà của Ngọ, báo tin chồng Cải vừa có được đứa con trai với một
người đàn bà thành thị nào đó, xinh đẹp và quý phái, cả nhà mở tiệc ăn mừng. Đứa
con gái lớn lén bỏ ớt bột vào canh và nhịn ăn cả ngày, Cải dọn dẹp xong xuôi đã
nửa đêm, tay chân rã rời. Trăng tỏa hơi lạnh ngắt. Lòng Cải hoang vắng và trống
rỗng. Cả đến nước mắt cũng không còn để khóc khi biết đứa con lớn đã bỏ nhà đi.
° ° °
Hơi lạnh làm bà thấy chóng mặt. Bà quay trở vào nhà, vỗ chân
trèo lên giường. Con gái hỏi: "Má đi đâu vậy?". "Ra thăm vườn cải".
Im một lúc con gái lại cựa quậy mình trong chăn "Chị Cải viết thư bảo cuối
tuần này về thăm má con mình". "Nó còn viết gì không con?". Con
gái quay sang ôm chặt bà, hơi thở phả vào cổ bà ấm sực. Không nghe tiếng con trả
lời, bà đoán chắc nó đã ngủ. Cha bố cô, bà chép miệng, lớn bằng này mà vẫn vô
tâm vô tính. Song lại nghĩ, con gái như vậy mới không khổ thân được. Lũ con gái
bà bây giờ giỏi giang và mạnh mẽ hơn bà hồi ấy nhiều. Bà kéo chăn lên ngực,
nhìn ra ngoài trời dấp dính những con sao đục lừ, thấy khó ngủ quá.
° ° °
Bố chồng Cải nghiện ngày càng nặng, vặt vẹo như một xác ve. Đồ
đạc, ruộng vườn bán dần. Căn nhà gỗ mờ mịt khói thuốc phiện. Năm 1955 xảy ra cải
cách ruộng đất, nhà chồng Cải bị đấu tố dù chưa bao giờ bóc lột ai một cái gì.
Bố mẹ chồng bị treo giữa sân đình đầy nắng, lẫn lộn với khoảng hàng chục người
nữa. Ông cụ cứ gào lên ông ổng: "Con trai tao đi làm cách mạng. Tao có tội
tình gì mà đấu tao". Cải chạy vạy khắp nơi nhưng cũng không gỡ được. Số ruộng
đất còn lại bị tịch thu. Căn nhà gỗ dán niêm phong. Cải ôm con nhìn cha mẹ chồng
như hai tàu lá héo lại khóc ròng. Vừa lúc ấy có thư ở trên về, phong thanh là
thư chồng Cải. Mọi chuyện đã êm xuôi nhưng ông cụ vì mất sức đã trở bệnh nặng.
Người ăn kẻ ở tản mát đi hết. Một mình Cải trụ lại nhà chồng. Sáng sáng Cải
quày quả gánh hàng vượt mười cây số cho kịp buổi chợ. Hai đứa con gái đến mùa lại
đi mót lúa mót vừng ở nhà người ta mang về cho mẹ. Tất cả đều như muối bỏ bể. Cải
phải dậy sớm hơn và về muộn hơn mới bán hết được hàng trong thời kỳ khó khăn.
Vài tháng sau cha chồng mất trong một lần vật vã lên cơn vì thiếu thuốc. Chồng
Cải về dẫn theo vợ con, đến thắp nhang ở bàn thờ, phân trần: "Việc cơ quan
bận rộn lắm má ạ. Con thu xếp mãi mới về được. Coi như là xong bữa phép của
năm". Bà cụ không nói một lời, mắt nhìn xa xăm. Hai dòng nước mắt chảy dài
như được ép ra từ những nếp nhăn chằng chịt. Cải đứng dựa cột, đau đớn nhìn chồng
mình đã là của người khác. Hai đứa con gái nhất định không chịu nhận bố, giữ rịt
lấy áo mẹ.
Nhập nhoạng tối, họ lại lên xe về thành phố. Bà cụ nắm bàn
tay xanh xao của Cải ngại ngùng: "Má xin lỗi con. Má chỉ có con là con dâu
duy nhất". Cải khóc: "Thôi má đừng nói nữa. Má có lỗi chi đâu mà xin
lỗi con". Ngắm những nếp nhăn trên mặt mẹ chồng, bao nhiêu ai oán trong
lòng Cải vơi đi hết, nhường chỗ cho niềm thương cảm.
Thêm một vài năm vật đổi sao dời. Má chồng mất, Cải giao nhà
lại cho mấy em chồng, dẫn con về quê cũ. Cha mẹ Cải cũng đã mất, khói nhang lạnh
lẽo. Cải lau khô nước mắt, bắt đầu một cuộc sống mới, chỉ có mẹ với con. Ngọ thỉnh
thoảng lui tới, ngồi chỗ cái bàn nhỏ ngày xưa hai đứa thường ngồi đọc Kiều, ngẩn
ngơ nhìn ra ngoài trời vàng rực hoa cải, xong lại lặng lẽ về. Con gái bảo:
"Sao má không thích chú Ngọ. Con thấy thương chú quá". Cải khoặn mặt
"Nói bậy!". Cải vẫn đang chờ chồng mà không ai biết ngoài Ngọ.
Đứa con gái thứ đi lấy chồng, đám cưới vào một ngày hanh hao
nắng ráo rất đẹp. Nhìn con hạnh phúc bên chồng, lòng Cải lại ngậm ngùi. Con gái
lớn bao nhiêu năm xa cách trở về, thành đạt và sung sướng. Nó gục đầu vào lòng
Cải và hệt như xưa, nó vừa khóc vừa nói: "Má quên ba đi. Ổng có xứng đáng
với má đâu mà má chờ".
Nhưng Cải không thể nào quên được buổi sáng mờ sương. Người
đàn ông mảnh dẻ với khuôn mặt chữ điền đã chìa bàn tay ấm áp dẫn Cải qua những
vườn cải vàng rực, mang theo tình yêu của Cải đi mãi. Cũng không thể nào quên
được thằng bé xinh đẹp bị đẩy đến trước mặt Cải và ấp úng: "Con chào má lớn".
Thằng bé mới đáng yêu làm sao và giống như tạc người đàn ông ấy. Bây giờ thì bà
định thôi không chờ chồng nữa, cũng không chờ đợi một cái gì.
Tết đến, không có pháo, không khí lặng lặng như ngày thường.
Bà lẩn vẩn đi giữa những vườn cải trổ lá xanh ngắt. Con gái hớt hải chạy ra gọi
bà: "Má ơi có người lạ tới kiếm má".
Trên bàn bày đầy quà. Một người đàn ông to béo đứng xây lưng
ra cửa. Bà giả giọng ho, rón rén như bước vào nhà người lạ. Người đó quay lại
nhìn bà đăm đăm: "Cải còn nhận ra tôi không?". Bà chụp lấy cây cột
nhà, chỉ muốn xỉu xuống. Mặt đất chòng chành hất bà xuống lại đẩy ngược bà lên.
Bà kéo ghế, gượng lời: "Vâng, thưa ông. Nhưng thật ông khác quá".
"Còn bà thì vẫn như xưa". Ông lấy tay lau mắt kính. Bà nhận ra ông đã
già, quá già rồi. Những túi mỡ nằm nặng trịch trên mặt. Nếu không giọng nói chắc
bà cũng không thể nhận ra ông được.
"Nhà tôi mất đã hơn ba năm. Thằng Út đi lao động bên Đức,
ở luôn bên ấy. Tôi muốn... - Ông ngừng lời, diễn đạt khó nhọc - Cả đời Cải cực
khổ. Tôi muốn đưa Cải ra thành phố. Hai vợ chồng già với nhau...". Bà giật
mình vì thấy chuyện chờ đợi từ lâu giờ mình dửng dưng như đang nghe chuyện người
khác. Cảm giác choáng váng đã trôi qua. Bà thấy tỉnh táo. Một nỗi buồn lạnh
lùng xâm chiếm trong lòng. Bà thở dài "Thôi ông ạ, tôi già rồi còn đi đâu
nữa. Sống thế này là tôi hạnh phúc. Chỉ tội con Út. Ông cho nó lên trên ấy ăn học.
Bố con ở với nhau". Bà đi nằm, thao thức đến sáng, mắt chong chong nhìn đốm
thuốc đầu giường ông cháy suốt đêm.
Sáng sớm, hai cha con đáp tàu ra thành phố. Bà lùi lũi trở về
nhà, sau khi dỗ dành con hết nước mắt. Đến chiều trời trở lạnh, mưa phùn rét
căm căm. Ông ngồi co ro trong áo trấn thủ, tay mân mê tách trà nóng. Bà nhìn ông,
hiểu ra tuổi già đã đến gần hai người từ lâu, trên mái tóc hoa râm và những
chân chim ở khóe mắt. Bà hỏi khẽ khàng: "Sao giờ này anh Ngọ vẫn chưa lấy
vợ?". "Cải biết mà - Ông cười buồn bã - lại sắp thêm một mùa cải nữa
rồi, Cải ạ". Bà đưa mắt mơ màng nhìn ra xa, những nếp nhăn giãn ra vô tư lự:
"Vâng, sắp đến mùa hoa cải rồi. Anh có nhớ ngày xưa anh đi trộm hoa cải về
cho tôi cắm đầy nhà bị các cụ mắng không?". "À, đấy là chuyện ngày
xưa. Chứ còn bây giờ...".
Bà nhìn ông cười hiền hậu. "Thời gian thêm bao nhiêu điều
thay đổi, anh Ngọ nhỉ?". Nhưng có một điều bà biết chắc chắn rằng, từ bây
giờ bà thôi sẽ không đợi chồng nữa. Chắc chắn là sẽ không bao giờ nữa.
Bạn
Khi tan vỡ những giấc mơ, người ta thường làm gì?
Chẳng làm gì cả. Người ta vẫn sống và tiếp tục yêu đời. Đó là
bài vỡ lòng đầu tiên tôi học được khi biết mình thực sự bước vào cuộc sống.
Tôi phụ mẹ gói ghém quần áo vào chiếc va-li to đùng. Nhân ngồi
cặm cụi đổ màu vào hũ ya-ua, sốt ruột hỏi "Thế này đã đủ chưa?".
"Chưa - Tôi lắc thử hũ - Đổ thật đây vào mới được". Nhân thở dài cái
sượt, lại còng lưng xuống làm tiếp. Tôi an ủi "Thôi lát mình dẫn đi cà phê
hén. Chịu hén". Nhân cười, môi dưới trề ra ngộ nghĩnh.
Xếp xong đồ đạc đã tám giờ tối. Tôi chở Nhân ra quán, vòng
vèo qua những con đường nhỏ đầy bụi rậm. Ngày thường, quán loe ngoe khách. Để đỡ
tốn điện, bà giáo già tắt hết đèn xanh đỏ, chỉ chừa lại mấy bóng néon xanh lè ở
bếp và quầy thu tiền. Trăng ngả xuống vườn hít thật sâu vào ngực mùi hoa mận
chua chua. Nhân bảo "Thanh thanh chứ". "Không - Tôi cãi - Thật
là chua. Trái cây này ăn chua nên hoa cũng chua lắm".
Nhân im lặng. Nhân biết tôi hay gàn nên bao giờ cũng nhường
nhịn. Nhân khác anh. Vì thế đến giờ này, đã bao nhiêu năm trôi qua, Nhân vẫn chỉ
là bạn. Tôi cảm thấy muốn khóc. Nhân an ủi "Thôi đừng buồn, đừng buồn nữa.
Chuyến này đi ráng giữ sức khỏe, ngoài đó giờ lạnh lắm". Tôi nhủ trong bụng,
thấm gì, trong này giờ còn lạnh hơn gấp mấy lần.
Cuối cùng tàu đã chuyển bánh. Để lại phía sau gương mặt hiền
dịu của mẹ, nụ cười hồn nhiên của Nhân. Vài giọt nước mưa bắn qua thành cửa, chạm
vào má tôi lạnh buốt. Tôi nhắm mắt, lùi sát vào góc giường, chẳng còn vướng bận
gì nữa. Mọi người trong khoang liu thiu ngủ. Càng lao vào đêm tiếng xập xình
càng nặng nề. Tôi thò đầu ra ngoài, mặc gió lạnh táp vào mặt. Một vài vì sao
trôi tuột về phía sau, nhấp nháy như những con đom đóm. Anh hiện ra bảo "Mắt
em cũng có hai vì sao kìa!".
Nhưng bây giờ hai vì sao ấy đã bay dần sang mắt của người con
gái khác.
° ° °
Xe đến gần đỉnh dốc thì tắt máy. Bác tài nài nỉ "Các bác
xuống đẩy xe giúp tôi". Mọi người lục tục kéo xuống, bám vào đuôi xe, gân
cốt thi nhau nổi lên. Trời lạnh nhưng mồ hôi vã ra như tắm. Đến giữa chừng xe nổ
máy vọt thẳng lên dốc. Mọi người ngán ngẩm thở dài, lại lọ mọ bò lên.
Tôi dán mắt vào ô cửa, người nảy tưng tưng như phi nước đại.
May mắn vì tôi bị lèn quá chặt nếu không chí ít tôi đã có vài cục bướu trên đầu
và mông bị bầm đen thui. Lâu lâu tôi phải lé mắt lên trên canh chừng đống bắp cải,
giỏ đệm máng trên đầu. Tưởng chừng một vài phút nữa nó sẽ đổ ào xuống, nhận tôi
vào mớ đồ đạc hỗn loạn. Bà to béo bên cạnh đã bắt đầu ngủ, ngả hẳn người về
phía tôi ép tôi không sao thở được, thi thoảng miệng lại tóp tép nhai. Tôi cựa
một cái thật mạnh, vẫn không thấy động tĩnh gì. Trong bụng thầm tức mấy đứa bạn
yêu quý đã giới thiệu với tôi rằng, Sapa đẹp lắm, đầy mây và gió. Sương phủ mịt
mờ như mình đang đi vào chốn thần tiên. Đôi khi lại có những con chim lạc bầy lẻ
bạn đâm sầm vào người mà không hay biết. Và hoa cỏ dại mọc thành những cánh đồng
ngút tầm mắt. Rốt cuộc nãy giờ tôi đi mãi, cũng chỉ thấy toàn đá với sỏi, cục
nào cục nấy bự bằng trái bưởi và vài bụi cây dại loe ngoe. Tôi lầm bầm "Khỉ
thật, thế mà bảo sương mù quanh năm". Thằng bé ngồi trước mặt tôi, không,
chính xác là ngồi dưới chân tôi, trên một bao hàng to gấp đôi nó, đội trên đầu
một chiếc mũ mèo với hoa văn rất khéo, cười tủm tỉm "Ở Sapa kia chị".
"Thế đây không phải Sapa à?". - Tôi hốt hoảng "Lầm rồi chị ơi.
Đây là đường lên Bắc Hà". "Vô lý - Tôi gân cổ cãi - Tôi lên xe đi
Sapa mà". Thằng bé nhăn mặt, tay mân mê khúc cây khô "Tôi ở đây cả đời
phải biết hơn chị chớ". Tôi xịu mặt. Thôi chết rồi, lúc mới xuống tàu tôi
ngái ngủ, gặp thằng lơ xe mời chào, tôi cứ tống phứa đồ lên mà không để ý. Bây
giờ lên Bắc Hà không thư giới thiệu, không người quen, biết ở đâu được. Miệng
tôi nhoành ra, mắt rơm rớm. Thằng bé hỏi "Chị sao vậy?". "Tôi
không có nhà người quen trên này". Nó im lặng, trán cau cau "Chị sợ
khổ không?". "Tất nhiên là không?". "Vậy về nhà tôi, ở xã
Thái Zàng Phu". "Quan trọng là có đẹp không?". - Tôi tò mò.
"Với tôi - Thằng bé buông giọng chắc nịch - Thì chẳng có chỗ nào
hơn".
Đường lên nhà nó không chênh vênh khó đi như tôi đã từng đọc
trong sách. Chỉ ngoằn ngoèo và đầy dốc. Nó lầm lũi đi trước mặt tôi, lưng thồ
bao hàng nặng. Tôi đeo bảng vẽ, ba lô, túi xách lỉnh kỉnh lết theo không kịp,
đành ngồi xuống vệ cỏ thở dốc. Một lát thấy nó quay lại mặt tươi tỉnh "Để
tôi mang phụ chị". Chưa kịp trả lời nó đã giựt phắt bảng vẽ, túi xách của
tôi đeo lên người và hăm hở đi. "Đến rồi". Nó chỉ một khối trắng lờ mờ
trước mặt. Tiến lại gần tôi cảm thấy choáng váng. Xung quanh tôi bạt ngàn hoa mận.
Dưới ánh nắng những cánh hoa trở nên trong veo và mướt mát. Từng đợt gió nhẹ thổi
qua cuốn đi bao nhiêu cánh hoa mận, bám đầy lên vai lên đầu tôi. Nếu có Nhân ở
đây thế nào Nhân cũng bảo "Trông bạn như một con bươm bướm ấy". Nhân
lúc nào cũng có những nhận xét ngộ nghĩnh.
"Nhà tôi đây". Nó kéo cánh cổng nứa. Một con chó
đen trũi, lông dựng ngược vì bám đất bẩn, xồ ra nhặng xị. Nó đánh suỵt, tay huơ
lia lịa "Nào, Yuến, khách quý đây!". Con chó cụp vội cái đuôi xơ xác,
lảng vào góc nhà, từ đó nhìn ra lom lom. Nó mời tôi vào. Mùi đất ẩm và mùi mốc
xộc lên như muốn hất tôi ra ngoài. Có tiếng rên khẽ, cùng tiếng cót két của tấm
lót sàn. Thằng bé bảo "Bà tôi đấy. Chỉ có hai bà cháu ở với nhau".
"Thế bố mẹ đâu? Cậu tên gì nhỉ?". "Lên. Cha tôi lấy vợ khác. Mẹ
tôi lấy chồng khác. Mỗi người đều có gia đình riêng của mình. Tôi cũng vậy".
Nó nói bằng giọng tỉnh rụi. Tôi thấy nghẹn ở cổ. Hóa ra ở đâu, những chuyện thế
này cũng có thể xảy ra được.
Nó lui cui nhóm bếp. Trời đã đổ sụp xuống, âm u lạnh lẽo. Một
vầng sáng phá tan bóng tối dày đặc trong nhà, trườn dần lên tường. Nó bảo
"Chị đợi nhé, tôi nấu cơm". "Thôi tối nay mình ăn mì". Tôi
lôi ra đủ các loại đồ khô trong túi. Bà nó đã lò mò dậy, mắt mũi lèm nhèm. Tôi
thưa "Bà ạ!". Bà vẫn nhìn tôi kinh ngạc. Thằng bé bảo "Bà tôi bị
điếc. Mà không hiểu cái tiếng Kinh cũng như bị điếc thôi".
Nó húp nước mì xì xụp, xong ngẩng lên thở "Ngon quá! Lần
đầu tôi mới được ăn ngon thế". Nó lau mặt cho bà, dắt bà đi ngủ rôi thu dọn
chỗ ngủ cho tôi, tần tảo đến tội nghiệp "Chị đi ngủ sớm nhé? - Nó thổi lửa
- Quanh đây cũng có nhà. Có tivi, có điện, nhà tôi nghèo, chẳng có gì cả",
"Ở đâu nghèo cũng thế thôi". Tôi ngả lưng xuống gân cốt kêu răng rắc.
Nó bỏ ra cửa ngồi, cất giọng hát một bài hát Mèo rất buồn. Tôi gạ "Dịch
cho tôi nghe đi". "Để bữa nào đã. Chị ngủ sớm mai tôi dẫn đi vẽ".
"Nhưng mà...". Chưa nói xong câu, tôi đã lơ mơ ngủ mất.
Sáng sớm nó đắt tôi đi qua những cánh đồng hoa dại vàng rực.
Sương bám vào gấu quần ướt sũng. Gió thổi bên tai vi vút như nhạc sáo. Xa mờ những
dãy núi lam nhạt vẫn còn ngái ngủ sau lớp chăn bông. Dòng suối nhỏ ngậm sương,
lặng lẽ như đóng băng. Ven suối người ta trồng cả mận và đào. Màu trắng và hồng
đan xen nhau, đẹp như bức tranh Hồng Lâu Mộng của chàng Giả nàng Lâm. Nhìn tôi
thẫn thờ, nó có vẻ buồn "Chị không thấy đẹp à?". "Đẹp quá đi chứ!
Nhưng nhiều khi đẹp quá lại không vẽ thành tranh được". Tôi nhìn quanh,
"Ở đây có xóm nhà tranh nào không nhỉ?". "Đầy. Nhưng lợp bằng
rơm là chính". "Thật tuyệt". Tôi reo lên hồn nhiên.
Nó dẫn tôi đi tiếp. Đến chỗ có mấy nhà tranh thập thò sau vườn
hoa, tôi đề nghị "Dừng đây được rồi". Trong khi tôi vẽ, nó nằm bên cạnh,
chân vắt chữ ngũ, mắt lim dim nhìn trời xanh. Ánh nắng trên mặt nó thật đẹp.
Tôi hỏi "Lên, xã này tên gì?". "Thái Zàng Phu". "A, thế
giống tên xã mình à?". "Thì là nó đấy". Nó cười hóm hỉnh.
"Sao thấy lạ". "Nhà mình kia". Nó chỉ ngôi nhà nhỏ nằm xập
xệ giữa mấy mô đất cao "Tại hôm qua vừa lúc tối chị chưa kịp nhận ra thôi
mà". Nó nhìn tranh tôi rồi cười rũ "Ủa sao chị vẽ cái này?".
"Sao? Xấu à?" - Tôi xị mặt. "Không. Nhưng đó là nhà vệ sinh
mà". "Thật à - Tôi chữa ngượng - Nhưng mình thấy vẽ nó đẹp lắm".
Chiều xuống rất nhanh. Một chốc bầu trời đã hồng rực rồi chuyển
sang màu tím nhạt. Sao nở hoa chi chít, quây quanh nhụy trăng no tròn. Chúng
tôi ngồi bên bếp lửa nấu nước, ngả lưng vào tấm phên. Nó hỏi "Chị chắc học
giỏi, biết nhiều cái chữ lắm?". "Ừ, không tồi. Nếu nói về chữ - Tôi tự
hào - Còn toán thì chưa chắc". Nó có vẻ đang lắng nghe tiếng động ở đâu đó
ngoài ngôi nhà này. "Chị biết không - Nó tiếp lời - Tôi rất thích học
nhưng chẳng có thì giờ, chẳng có tiền. Phải đi làm suốt". Nó im lặng
"Hay chị dạy cho tôi biết vài chữ nhé". "Được thôi. Bắt đầu từ
ngày mai. Bây giờ thì mình buồn ngủ quá đi mất". Tôi cuộn tròn người, nghe
tiếng lục bục của nồi nước đang sôi, nhớ nhà quay quắt. Gương mặt anh chạy
loáng qua rồi biến mất.
Tôi dạy cho Lên được đến chữ cái thứ hai mươi ba thì đã đến
lúc phải về. Ngoài vườn mận đào đang trổ trái, những trái no xanh bằng đầu ngón
tay phủ đầy một lớp lông tơ óng bạc. Năm nay mùa đến sớm hơn năm ngoái. Lên ngồi
thổi kèn lá. Một lúc sau thì hát, giọng trong và khỏe. Nó quay sang hỏi tôi
"Muốn biết lời Kinh không?". Tôi gật gù. Nó khẽ khàng đọc "Em là
con gái của mẹ Sông. Anh là con trai của cha Núi. Anh đi tìm em qua bao nhiêu
mùa trăng. Qua bao mùa đào nở, anh vẫn ngồi đây chờ em". Tôi nhớ đến anh,
mắt tự nhiên nhòe ướt. "Trên đời này có thật là có những chàng trai như vậy
không?". "Có đấy. Ở Thái Zàng Phu mình nhiều lắm. Qua bao mùa trăng
anh vẫn ngồi đây chờ em...". Nó nghiêng đầu nhìn tôi như muốn hỏi điều gì
đó. Rồi khẽ thở dài "Ngủ đi. Mai phải ra đón xe sớm".
Tôi trở mình không ngủ được.
"Lên này, không biết viết biết đọc mà sao nói tiếng Kinh
giỏi thế?".
"Nghe người ta nói mình thích mình học. Dễ mà".
"Thế sau này Lên có nhớ mình không?".
Không thấy trả lời. Tôi nghĩ chắc là nó đã ngủ rồi.
Nhân ra đón tôi. Mới gần hai tháng, Nhân đã có vẻ khác. Cao lớn
và chững chạc ra nhiều. Nhân nắm tay tôi thật chặt "Sao ốm thế?".
"Nhưng mình rất khỏe. Còn Nhân thì sao?". "Không có người cãi
nhau, nhớ bạn quá". Tôi ngồi sau lưng Nhân, nghênh ngang nhìn phố phường.
Tiếng nhạc từ mấy nhà hàng vẳng ra xập xình. Nhân hỏi khẽ "Đã hết buồn
chưa?". "Nhân ơi, có một bài hát thế này, anh đi tìm em qua bao nhiêu
mùa trăng. Qua bao mùa đào nở, anh vẫn ngồi đây chờ em. Người con gái đó hạnh
phúc thật". "Thì chúng ta cũng thế thôi". Tiếng Nhân chìm lẫn
trong tiếng các loại động cơ ầm ĩ.
Buổi tối, tôi ngồi giở lại đống tranh sau chuyến đi thực tế.
Bao nhiêu làng quê, hình bóng mọi người đi qua. Nó hiện ra, bàn tay nó thô
nhám, nụ cười của nó tươi rạng rỡ. Tiếng khèn lá dặt dìu qua vườn mận trắng
xóa, biến thành tấm toile hồng vắt ngang vườn đào, rồi lại rơi xuống đất theo
những cánh hoa lấp lóa nắng. Tôi khẽ mỉm cười. Tôi thấy lòng mình thật nhẹ
nhàng và yêu đời.
Tôi lại cười thêm một lần nữa.
Quả thật khi tan vỡ những giấc mơ, như giấc mơ về tình yêu chẳng
hạn, người ta chẳng nên làm gì cả, ngoại trừ phải sống, làm việc và tiếp tục
yêu đời hơn.
Nhà trọ
Không khí đặc quánh. Trời phồng dộp lên rồi vỡ ra vài giọt nước
bám bụi đen sì, chảy chậm chạp trên thành lan can bằng gỗ mốc xỉn. Mọi người
đâm bổ ra đường, cố hít vào ngực như là một thứ khí sền sệt để giảm bớt sự ngột
ngạt. Nhưng vô hiệu. Trời vẫn bỏng dộp và cây cối héo rũ.
Ba tôi từ công sở về, mặt mày hốc hác. Ông ngồi tựa lưng vào
cánh cửa, đầu gục xuống. Mẹ mon men lại gần, giọng sợ hãi "Có chuyện gì thế?".
"Giảm biên chế". Mẹ ngơ ngác "Sao bảo chỉ còn vài năm nữa ông
nghỉ hưu?". Ba ngẩng lên, thiểu não "Thế chúng nó mới đểu. Thằng Hiền
bảo công ty làm ăn thua lỗ vì cơ câu tổ chức nhân sự. Phải thay đổi - Ba ứa nước
mắt - Mình tung nó lên. Bây giờ rõ thằng ăn cháo đái bát". Tôi giật mình.
Chỉ mới một ngày, mặt ba già sọm. Những nếp nhăn chảy ngoằn ngoèo không phương
hướng trên mặt. Ba đã già rồi, và đôi khi lầm lẫn nữa. Tôi bảo "Con thấy
ba nghỉ được rồi, thời buổi này bọn trẻ lanh chân lẹ mắt lên nắm quyền mới được".
"Nhưng tao nhiều kinh nghiệm". Ba nhắm nhẳn. Tôi cười "Kinh nghiệm
nhưng vi tính, tiếng Anh, giao thiệp không có ba cạnh tranh nổi với ai".
Ba nổi cáu "Mày thì biết gì", những mạch máu chạy trên trán ông giãn
ra như sắp đứt. Mẹ suỵt khẽ "Thì con nó cũng chỉ muốn ông nghỉ ngơi".
"Nghỉ ngơi gì - Ba thở dài - Biết lấy gì sống đây? Đang đi đường bằng tự
nhiên bước hụt xuống hố. Bà bảo không đau sao được" và ông nặng nề đứng dậy,
bỏ vào nhà.
Chị Nhân bày cơm ra bàn, hỏi khẽ "Cãi nhau à?".
"Không, Ba nghỉ làm rồi". Chị Nhân để nghiêng tô canh, nước tràn ra
bàn. Tôi cười "Bình tĩnh. Chứ kiểu này về làm dâu là tiêu rồi". Chị
ngỏn ngoẻn cười "Em thấy anh Hiền thế nào?". "Ai? - Tôi trố mắt
- Lão Hiền vừa cho ba nghỉ việc đấy". Mặt chị Nhân tái xanh. Hai mắt thất
thần nhìn ra ngoài cửa sổ vần vụ mây mà không sao mưa nổi. "Làm sao bây giờ?".
"Thì cứ yêu đi đã - Tôi nháy mắt - Đợi ba nguôi tính sau" và tôi cố sửa
lại vẻ mặt nghiêm túc, ảm đạm.
Bữa cơm trôi qua nhạt thếch. Chị Nhân không nuốt nổi chén
cơm, cứ len lén nhìn ba mẹ. Tôi đá chân chị "Chị Nhân ơi, ăn nhanh đi
chơi". Ba ra lệnh "Mai hai chị em lên gác. Tầng dưới cho thuê bớt mới
đủ sống". Tôi nhăn nhó "Nhưng chật lắm" và hì hục dắt xe chạy ra
đường. Những cơn gió hiếm hoi thổi tốc vào mặt làm tôi quên hết mọi chuyện.
Hai chị em chuyển lên gác. Căn phòng bé xíu, ẩm mốc và ngột
ngạt. Phía bên trái có cánh cửa sổ phủ mây và trông sang một mái tôn đầy phân
mèo. Buổi tối gió hiu hiu thổi, một thứ mùi lờm lợm bốc lên không sao chịu được.
Lâu lắm nó mới được mở ra, sau khi xịt nước hoa đầy phòng.
Nhà dưới ba mẹ ngăn ra làm đôi. Đằng trước vừa làm phòng
khách vừa làm phòng ngủ của ông bà và một cái bếp bé tí xíu, phía sau còn hai
phòng nhỏ kê một cái giường và một cái bàn cũ kỹ bằng gỗ, một cánh cửa cũng bằng
gỗ thông ra con hẻm khác. Tất cả cùng sử dụng chung công trình phụ đặt dưới
chân cầu thang. Ban đầu mẹ định lắp máy lạnh cho nước ngoài thuê, nhưng tính đi
tính lại thế nào mẹ bảo để thế cũng lời. Ba ừ hử, bỏ mặc mọi chuyện cho mẹ. Ba
lãnh đạm và lẩn thẩn với tất cả.
Người đầu tiên đến thuê nhà là một phụ nữ còn trẻ dẫn theo
hai đứa bé giống nhau như đúc. Cô không đẹp nhưng có duyên. Cái duyên ngầm càng
nhìn lâu càng đắm đuối. Nhập vai trò của một cô thư ký phải luôn cặp bồ với những
ông chủ cỡ bự, cô xách theo lỉnh kỉnh đồ đạc, bày đầy nhà và nhìn tôi cười
"Cháu xem cô còn trẻ thế này mà bận bịu quá". Tôi lơ láo nhìn trên trần
nhà bám muội than đen sì "Thế chú ấy đâu?". Cô ngẩn ngơ không trả lời.
Tôi lí nhí "Cháu không biết nên mới hỏi", chỉ muốn chui tọt xuống kẽ
đất. Vừa may chị Nhân chạy sang dặn "Ba mẹ đi chơi. Sáu giờ rồi, chị cũng
phải đi đây". Hôm nay chị Nhân rất đẹp. Chị diện váy trắng, tóc xõa loăn
xoăn kiểu cách trên khuôn mặt buồn dịu. Tôi ghẹo "Đi chơi với anh Hiền à?
Không sợ ba mẹ biết à?". Chị im lặng cắm cúi bước đi. Cô Diệu lắc đầu bảo
"Chị cháu khổ vì tình, lụy vì tình. Đàn bà thế không sướng được. Nhất là
tâm". "Thế còn cháu?". Cô nắm chặt tay tôi, mắt ánh lên những
tia ma quái "Cháu thì khác. Cháu mạnh mẽ hơn chị cháu nhiều". Cô thở
dài "Mà con gái thế nào thì cũng khổ".
Hai đứa bé con đã lăn ra ngủ vùi. Tôi khen "Hai đứa chắc
giống bố". Cô bỏ nốt túi xách vào gậm bàn "Ừ, mỗi người một
nét", giọng lạnh tanh. Tôi về nhà thấy nhà vắng vẻ và buồn như nhà trọ
không người thuê. Tôi mở cửa. Lại một mùi chua lòm bốc lên hầm hập.
Mẹ đẩy cửa vào, hai bàn tay nổi đầy gân xanh mết chặt vào
nhau. Mẹ nhìn tấm ảnh nue của cô gái treo đầu giường vẻ khó chịu nhưng rút cục
không phê phán như mọi hôm, mà chỉ hỏi giọng lo lắng "Con có hay nói chuyện
với chị không? Ba con giờ giở tính, mẹ không lo lắng gì cho hai con cả. Lại còn
chuyện buôn bán". Tôi cười "Tụi con lớn rồi mẹ ạ", trong bụng
nghĩ thầm, mẹ lúc nào cũng thế, có lo lắng gì đâu ngoài chuyện phiền trách
chúng con. "Dạo này chị mày hay về muộn thế - Mẹ mơ màng - Hồi xưa đi chơi
chín giờ về mẹ đã bị bà ngoại rầy. Bây giờ tự do quá dễ hư". "Cũng
còn tùy - Tôi dúi đầu vào ngực mẹ - Mẹ đâu phải là bà ngoại. Mà tụi con là con
gái ngoan". Mẹ gật gù "Ừ, mẹ mong thế. Con gái xảy chân ra đường bao
nhiêu là cạm bẫy". Mẹ xuống nhà. Căn phòng yên trở lại. Chiếc quạt máy chạy
lè xè như đuổi ruồi. Một con mèo đi lang thang trên mái tôn kêu gào thảm thiết.
Chị Nhân về, mồ hôi ướt đẫm. Chị bảo "Mệt quá" và đổ
vật xuống giường. Mắt mãi khép lờ đờ. Tự nhiên tôi thấy chị giống như một con
mèo hoang. Con mèo hoang trắng muốt. Chị hé mắt "Em ngủ khuya thế?".
"Em chờ chị". "Lần sau cứ ngủ trước đi. Chị đi cổng nhà chị Diệu,
ba mẹ không biết đâu". "Mẹ vừa ở đây. Mẹ đang lo - Tôi cười - Thế nào
nhỉ. Con gái ra đường xảy chân bao nhiêu cạm bẫy". Chị nghiêm nét mặt vẻ bồn
chồn dữ. Rồi quay mặt vào tường "Ngủ đi", vẻ đầy bí ẩn. Đôi vai gầy nảy
lên một cái. Tôi hỏi "Có chuyện gì thế?". "Yêu đương. Mày con
nít không biết đâu". "Chị lầm rồi. Con nít bây giờ kinh lắm. Chuyện
gì cũng giỏi cả". "Vậy à - Chị vật vã - Chữ trinh có đáng ngàn vàng
không?". "Có chứ". Tôi quả quyết. Quay sang đã thấy chị ngủ mất,
hơi thở thật hình yên.
Bạn trai của cô Diệu rất nhiều nhưng tuyệt nhiên không thấy bố
của hai đứa bé. Gặng hỏi cô cũng chỉ bảo đang làm ăn xa. Cô với hai đứa bé sống
phần nhiều là nhờ vào những người bạn tốt bụng. Nhiều hôm cô đi đến khuya mới về,
tôi lại sang trông con cho cô. Hai đứa bé như hai con búp bê nhưng ngớ ngẩn.
Chúng không biết nói, biết cười. Cô bảo "Cô sống đến giờ là vì hai đứa. Chứ
đời cô bầm dập, chẳng còn tương lai". Tôi vuốt mái tóc óng mượt của cô
"Sao lại không? Cháu thấy cô như thế này bao nhiêu bạn bè là hạnh
phúc". Cô cười lúc lắc mình không nói, mặt bỗng dưng hóp lại như mặt bà
già.
Khoảng tháng sau, cô Diệu bàn với mẹ tôi để nhà cho thêm một
người khách thuê. Cô ở ngoài, người đó ở trong. Đó là một người đàn ông đứng tuổi,
một họa sĩ nghiệp dư. Ông ta đến mang theo các loại khung và giá vẽ, những bức
tranh ngoằng nguỵt khó hiểu, bốn chiếc lò gốm xanh đậy kín nắp và một con mèo
mun ăn nhiều nhưng gầy giơ xương.
Tôi dẫn hai đứa bé vào phòng ông, lặng lẽ xem ông vẽ. Ông hỏi
"Mẹ chúng nó đâu?". "Đi làm rồi ạ". Ông gật gù "Một
người đàn bà rất tốt". "Cháu cũng nghĩ thế". Tôi ru hai đứa ngủ.
Ngồi hết giờ này đến giờ khác xem ông phết lên toile những mảng màu đỏ ối hoặc
tăm tối mà sau cùng được chú thích bằng một dòng chữ nhỏ "Ký ức chiến
tranh", nghiêng ngả như những bóng người lội dưới bom. Cho đến khi chị
Nhân về, mẹ của bọn trẻ về tôi mới lồm cồm bò lên lầu.
Chị Nhân vẫn chơi với anh Hiền, dù đôi khi lương tâm cắn rứt,
hạnh phúc lung lay khổ sở. Tôi nhắc khéo "Coi chừng ba mẹ biết". Chị
bĩu môi "Ba mẹ vô tư lắm, không biết đâu". Chị treo áo vào tù.
"Sau này có con chị sẽ quan tâm đến nó, nhưng theo cách khác".
"Là sao?". "Là không dạy dỗ suông thế này". Chị nhún vai bất
cần và lơ mơ ngủ mất. Tôi nằm mãi mà không ngủ được. Không hiểu giờ này mẹ con
cô Diệu đã ngủ chưa. Ông họa sĩ đáng mến đang làm gì bên bốn chiếc lọ màu ngọc
bích đậy kín bưng. Họ đang làm gì khi đêm chậm rãi trôi qua?
° ° °
Cơm dọn ra mà không ai ăn nổi. Hôm nay ba mẹ từ nhà dì về, mặt
mày hớt hải. Vừa bước vào nhà ba đã hỏi chị Nhân về chưa. Tôi lắc đầu "Chị
Nhân chiều nay đi ăn cơm với bạn bè". Ông nghiến răng "Với thằng Hiền
phải không?". Tôi hốt hoảng "Con không biết". "Thế mà tôi
biết, hai đứa chúng nó đi trước mặt tao, tình tứ lắm". Mẹ rụt rè "Thì
khoan đã. Ông cứ nhặng xị cả lên con nó sợ". Ba vò đầu bứt tóc "Lửa
cháy đến nơi mà bà còn bảo khoan. Làm sao tôi khoan được".
Khoảng mười giờ chị Nhân về, hát nho nhỏ từ cổng. Mẹ nhắc
khéo: "Vui vẻ nhỉ? Sao không đi đến hết đêm đi". Chị ngơ ngác. Tôi
thò tay kéo áo chị: "Lộ rồi!". Ba gầm gừ: "Mày bỏ nó đi, cái thằng
đấy không đáng xách dép cho mày. Nó hại cha mày chưa đủ, định đi hại cả mày
luôn à?". Chị nức nở: "Nhưng anh ấy đàng hoàng, yêu con thiệt lòng.
Chuyện của ba, anh ấy bảo vì công ty không còn công việc đó nữa. Mà ba cũng đã
già". "Nó nói láo. Nó sợ tao cản trở việc làm ăn phi pháp của nó - Ba
xuống giọng - Thôi con ạ. Nghe ba còn bao nhiêu đám khác". Tôi can:
"Ba ơi, chuyện tình yêu khó nói, khó dứt ra lắm". Trong bụng hoang
mang không biết có nên bênh chị Nhân không. Anh chị cũng tội nhưng đứng về phía
ba có thằng con rể từng hất cẳng mình như thế cũng kỳ. Mà trong sách báo không
có trường hợp nào như vậy cả. Tôi dáo dác. Chị Nhân nhìn tôi biết ơn. Ba hầm
hè: "Nhưng tao cấm - Mày đừng có mang nó về giày xéo nhà này". Chị
Nhân òa khóc, gào to "Nhưng con và anh ấy yêu nhau. Ba không có quyền".
"Tao có quyền là ba mày". Ba ôm ngực ho sù sụ, mặt tái nhợt. Mẹ hốt
hoảng: "Đưa ba vào giường mau". Ba uống mấy viên thuốc an thần, vật
vã một lúc mới ngủ được. Tôi nghe mẹ thì thào và giọng chị Nhân nghẹt cứng
"Ba mẹ cứ yên tâm" và tiếng hít mũi đánh rẹt.
° ° °
Tôi bỏ sang nhà ông họa sĩ, nằm lên chiếc di-van bọc nhung đỏ,
nước mắt chảy ướt đẫm gối. Ông hỏi "Sao thế cháu?". "Chuyện tình
yêu. Người ta hay khổ vì chuyện tình yêu". Tôi cảm thấy khó thở khi kể mọi
chuyện cho ông nghe. Ông khẽ vuốt tóc tôi: "Ngốc quá. Chưa có gì là nghiêm
trọng cả cô bé ạ". Tôi nhổm dậy: "Thế khi nào mới là nghiêm trọng?".
"Khi không còn ai ở bên mình nữa, lo lắng cho mình nữa". Mặt ông cau
lại. Một giọt nước to tướng chạy xuống má ông. Tôi rụt rè: "Chú khóc
à?". "Lại đây tôi cho cô xem". Ông chỉ bốn chiếc hình gốm đặt
trên cao: "Gia đình của tôi đấy. Họ chết vì bom Mỹ. Từ lâu rồi, một người
vợ và ba đứa con. Tôi tưởng là tôi sẽ không sống nổi nhưng cô thấy đấy, tôi vẫn
đang ngồi cạnh cô đây, đang cầm tay cô đây. Cái ấy rồi cũng sẽ qua hết. Cô Nhân
cô ấy vẫn còn hạnh phúc". Ngừng một lát, ông thì thầm "Tôi yêu họ".
"Sao chú không thờ?". "Ở đây - Ông đưa tay lên ngực - Lúc nào
cũng ở đây thì cần gì phải thờ". Tôi bối rối "Cháu xin lỗi vì đã nhắc
đến chuyện buồn của chú". "Không, đã thành sẹo rồi. Mà tôi cũng muốn
cô biết. Cô thật đáng mến". Ông đưa tay kéo con mèo gầy lại gần và dịu
dàng vuốt cổ nó. Tôi thấy khung cảnh này thật quen thuộc, đáng yêu. Bên cạnh
ông tôi thấy mình hạnh phúc và yên bình. Tôi khoan khoái duỗi người, đoán chắc
chị Nhân sẽ không bỏ anh Hiền được. Tôi mỉm cười với ông "Nếu chú cô đơn
chú cứ nói chuyện với cháu. Nhé!". Ông gật đầu và cũng cười. Nụ cười làm mặt
ông sáng lên rạng rỡ.
° ° °
Vân tới chơi mang theo cơn mưa đầu mùa ướt mượt. Từ ngày vào
đại học, hai đứa ít gặp nhau hẳn. Bạn bè, bài vở kỷ niệm cũng ít khi giở ra ngắm
nghía.
Chúng tôi leo lên gác. Căn phòng tối mù, thoảng mùi mưa vọng
qua ô cửa. Vân hỏi "Đã yêu chưa?". Tôi ngập ngừng "Chắc là
đã". Vân rú lên "Người thế nào?". "Tuyệt lắm".
"Già hay trẻ?". "Hưu rồi". "Có giàu không?".
"Không, nếu không nói là rất nghèo". Vân ngạc nhiên "Con điên. Vậy
mà cũng yêu". "Thì sao? Tao thấy hợp". Tôi ngồi thần mặt, phân
vân không biết có hợp thật không. Hay chỉ ảo tưởng. Mà như thế buồn lắm. Bỗng
nhiên chỉ muốn chạy xuống căn phòng nhỏ có cái chụp đèn màu hồng, con mèo mun gầy
gò và bên giá vẽ, một người đàn ông ngồi hiền lành. Mái tóc thưa và mỏng ép sát
vào da đầu. Hai túi thịt ở mắt kéo xuống làm mặt ông đầy vẻ đau khổ và từng trải.
Tôi yêu vẻ từng trải ấy, sự dịu dàng ấy từ những ngón tay thô của ông. Những thứ
mà tụi con trai bây giờ không có, chỉ hời hợt và nhạt phèo. Mà ông thì có tất cả.
Tôi yêu ông ấy vì tất cả.
Váy áo của chị Nhân ướt sũng, dính vào da thịt. Màu đỏ in
thành những vệt nhỏ ở sau váy. Tôi bảo "Đi chơi với bồ mà tênh hênh thế
kia. Mỗi lần thế chị nên mặc váy đen thì hơn". "Không - Chị rơm rớm
nước mắt - Chữ trinh đáng giá ngàn vàng". Tôi sững người, cổ họng đau buốt
"Sao chị vội vàng thế?".
Đêm ấy hai chị em không ngủ. Mưa tạnh từ lâu. Những con mèo lại
đi tuần hành trên mái nhà, gọi nhau thảm thiết, cả hai cùng thức nhưng không thể
nói với nhau một tiếng nào. Mắt tôi bỏng rát. Tôi đi xuống nhà. Căn phòng của
ông vẫn còn sáng đèn. Tôi đến vừa lúc ông đang nấu mì. Tôi nhìn ông tồi tội
"Để chau nấu cho". Ông ngượng nghịu "Tôi vừa lên cơn sốt. Cảm
xoàng thôi nhưng mệt". Ông nằm xuống, hơi thở khò khè "Chiến tranh
không chấm dứt được". "Thôi, đừng nghĩ nữa. Chú ngủ một chút
đi". Tôi cầm tay ông cho đến khi ông thiếp đi. Một cái gì nhồn nhợt sau
gáy. Tôi quay lại. Những hình đàn bà và trẻ con lơ đãng nhìn tôi. Những miệng
cười và ánh mắt lạnh buốt. Họ đang đến từ quá khứ đầy sẹo của ông và ở lại căn
phòng này vĩnh viễn. Họ muốn tôi đi. Họ không muốn có tôi ở đây. Cái con bé của
hiện tại và tương lai nhộn nhịp, bon chen.
Cô Diệu gởi hai đứa con về quê. Cô cũng đi đâu đó, hai ba
ngày mới về một lần. Căn phòng vắng hơn, bụi phủ mờ trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ.
Tôi cảm thấy mình đang rơi xuống vực thẳm tình cảm không lối thoát. Tôi tìm
cách bỏ ra khỏi nhà vào bất cứ lúc nào để quên ông nhưng không được. Vân đèo
tôi đi lang thang "Đừng ủ rũ nữa. Đã lỡ yêu thì tiến tới. Nhưng tao thấy
mày dở quá. Lão ấy không có gì chấm được". Tôi cau mày "Tao chẳng chấm
gì cả". "Nhưng mày học hành tụt dốc rồi". "Mặc kệ". Một
chiếc Dream chạy qua văng bùn tung tóe. Vân chửi "Mẹ kiếp. Vênh thế".
Tôi thoáng thấy bóng cô Diệu ngồi đằng sau, đầy tình tứ. Tôi giục "Chạy
mau lên. Người quen". Vân cho xe rà sát chiếc Dream. Tôi gọi "Cô Diệu".
Cô quay lại. Người đàn ông quay lại. Cả hai đều tràn trề hạnh phúc. Tôi há hốc
mồm. Anh ta không hề biết tôi. Cái anh chàng chị Nhân yêu đắm đuối. Cái anh
chàng Hiền tôi đã dùng đủ mọi lý lẽ để bảo vệ cho tình yêu trong sáng của họ.
Anh ta vẫn nhăn nhố cười, vòng tay qua eo lưng cô Diệu siết chặt. Tôi kéo áo
Vân "Quẹo phải". "Sao?". Vân ngơ ngác. "Thằng bồ của
chị tao". Tôi cúi gầm mặt, cố không nghe tiếng cô Diệu gọi. "Nó không
biết tao". "Sao mày không chửi nó?". Vân hậm hực. "Thôi kệ,
mình là người có học". Nước mắt chảy xuống má tôi bỏng rát.
Tôi ngồi trước mặt cô Diệu. Tôi bảo "Cô ạ, anh Hiền là bạn
trai của chị Nhân". Cô Diệu tái mặt, lắp bắp "Cô không biết. Cô xin lỗi".
Tôi khóc "Cô biết nhưng cô vẫn thích thế". "Không. Cô gặp anh ấy
ở một bar rượu. Anh Hiền có kể về người yêu của anh ấy cho cô nghe. Nhưng cô
không biết là Nhân. Cô chỉ là bạn". Tôi nhìn cô căm thù "Cô nói dối".
"Không - Cô bật khóc - Cô đến đó đón khách". Hai bàn tay cô run bắn,
giọng lạc hẳn "Cô đón khách. Và gặp anh Hiền cùng mấy người bạn. Như là những
người khách qua đường. Còn cô Nhân ăn đời ở kiếp...". Tôi sợ hãi cắt ngang
"Cô làm thế lâu chưa?". "Lâu rồi, trước khi đến đây, giờ thành
quen". Tôi bỏ vê. Tôi gặp chị Nhân ở cầu thang, người sực nước hoa. Chị ôm
chặt tôi vui vẻ thông báo "Chị hạnh phúc quá. Hôm nay anh Hiền cầu hôn chị".
Tôi lách người ra gắt "Chị có biết anh Hiền hay đi chơi gái không?".
"Anh ấy có xin phép chị - Chị tỏ vẻ ngạc nhiên - Công việc làm ăn cần phải
thế. Nhiều lúc cũng buồn nhưng chị hiểu anh ấy chỉ yêu chị". "Thế lại
khác". Một cái gì vỡ ra tê buốt ở ngực. Thất vọng và mệt mỏi. Nỗi trống
trái quàng kín làm tôi không sao cử động nổi.
Sáng sớm mẹ vào phòng. Mẹ đưa cho tôi một phong bì và bảo
"Của chị Diệu. Chị ấy vừa dọn nhà đi". Bức thư vẻn vẹn vài chữ
"Cháu đã biết cô là ai nên cô phải đi. Cô biết cháu sẽ khinh cô lắm. Nhưng
cuộc sống không phải là cái bánh để sẵn trên đĩa. Ai đói thì lấy xuống mà ăn.
Cháu đừng cho Nhân biết gì hết. Ngàn lần xin lỗi cháu vì cháu là một cô bé đáng
yêu. Diệu". Chị Nhân chồm người qua "Chị viết gì thế?". "À,
chào hỏi lung tung ấy mà". Tôi xếp tập vở vào cặp, bỗng nhớ da diết hai
con bé con xinh như hai con búp bê nhưng không biết nói, biết cười, vẫn ăn uống
và lớn lên như thổi.
Tôi chậm chạp bước xuống thang, miệng nhẩm theo nhịp chân bước
"Yêu, không yêu. Nói, không nói...". Bậc cuối cùng, không nói. Nhưng
tôi đã quyết định tự thoát khỏi mình.
Tôi đẩy cửa. Ông đang ở trân, mặc chiếc quần đùi vải rút màu
trắng nom rất trẻ trung. Trên giá bốn chiếc bình gốm hôm nay được phủ một tấm vải
hoa màu xám nhạt. Ông khẽ giật mình "A, bé". Tôi ngồi xuống chiếc
di-van. Đã hai ngày rồi con mèo mun gầy guộc bỏ nhà đi mất. Vài hạt cơm khô còn
vương vãi chỗ đĩa ăn, cùng một bầy kiến lổm nhổm. Tôi kết luận "Căn phòng
thiếu bàn tay phụ nữ". Ông đề nghị, lần đầu tiên sau nhiều ngày quen biết
"Cô ngồi mẫu cho tôi nhé". Ông lấy toile đặt lên giá. Tôi im lặng. Một
lúc. tôi lí nhí "Sao chú không lấy vợ, không ai sống mãi với quá khứ được".
Ông nhìn tôi không nói. Tôi nhắc lại cầu khẩn "Chú lấy vợ đi". Ông cười
"Ai thèm yêu tôi". "Có". Tôi tiến lại gần ông, tay chân lạnh
buốt. Ngực đánh trống liên hồi. Tôi đưa tay vuốt nhẹ bùi vai vẫn còn săn chắc của
ông, cảm nhận cái rùng mình rất khẽ "Có người yêu chú lắm". Trong đầu
thoáng qua một ý nghĩ "Anh ấy chưa già. Chưa già như mọi người tưởng".
Tôi quỳ xuống, úp mặt vào hai bàn tay đầy mùi sơn dầu của ông. Ông nâng tôi dậy,
ghì chặt vào lòng. Khi nút áo cuối cùng tung ra, ngực tôi đau buốt. Tôi nhắm chặt
mắt. Chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Mẹ ơi, khi yêu trên đời chẳng còn gì là có
lý cả. Mọi giáo huấn của mẹ chui tọt qua tai con mất rồi.
Ông chợt lùi phắt lại. Cái hôn bay lơ lửng trong gió và lọt
thỏm xuống sàn nhà. Ông run rẩy "Em còn trẻ quá, tôi thì già rồi".
"Có sao đâu". "Dư luận. Tương lai. Em phải học hành và lấy một tấm
chồng cho ra hồn. Còn ba mẹ em nữa". "Em yêu anh". Người nào đó
trong tôi thét lên "Dư luận không cho phép - Ông tuyệt vọng - Em phải giữ
cho em". Tôi cắn chặt môi "Anh hèn lắm". Tôi cẩn thận gài lại từng
nứt áo "Chú hèn lắm". Đầu tôi vỡ tung. Thất vọng và đau đớn. Tôi chỉ
muốn chết quách đi cùng những ảo tưởng tình yêu xinh đẹp mà tôi dành cho ông.
Nhưng sau cùng tôi đã không chết. Tôi lặng lẽ rời khỏi căn phòng và bốn chiếc
bình gốm xanh màu ngọc bích lỉnh kỉnh các loại mặt đàn bà, trẻ con lạnh buốt.
Tôi nghĩ chắc mẹ hài lòng tôi. Một con bé trinh trắng ít đi chơi và về nhà đúng
giờ vào bất cứ lúc nào.
° ° °
Mẹ cằn nhằn: "Nhà này không hợp hướng. Không cho thuê được.
Ai đến rồi cũng đi". Tôi bỏ chạy xuống nhà sau. Cánh cửa mở toang hoác. Đồ
đạc đã dọn đi, chỏng chơ chiếc giường và chiếc bàn gỗ cũ mèm. Một bức tranh lật
úp vào tường. Tôi giở ra. Một bức tranh vẽ tôi của đêm trước, ngây thơ và đau đớn.
Bên dưới đề "Em còn trẻ con lắm" với chữ ký loằng ngoằng. Tôi nặng nề
mang nó lên lầu, treo ở đầu giường như để thờ phụng mối tình đầu rất đẹp của
mình.
Tôi lao vào học để quên. Chiều tối lại cùng vài đứa bạn kéo
nhau vào quán cà phê. Tôi thấy nhẹ nhõm và trẻ trung, cái bầu không khí này tôi
đã bỏ quên một thời gian rất lâu. Tôi ngắm anh chàng có chiếc răng khểnh non tơ
đang ba hoa chích chòe ở góc kia, thấy cũng dễ thương và đáng yêu hơn trước đây
tôi nghĩ. Tự nhiên thầm cảm ơn ông. Vì ông đã giữ lại cho tôi những giây phút
bình yên và trong sáng thế này.
Hai chị em vẫn ở trên gác. Ba mẹ tiếp tục tìm người thuê nhà,
tiếp tục sống bên lề của hai đứa con. Chị Nhân mất dạng, khuya mới mò về, hạnh
phúc chấp chới trên mắt. Ngôi nhà trở thành cái nhà trọ, cho chính mỗi người chủ
của nó. Một cái nhà trọ khi mọi mối quan hệ gắn với nhau lỏng lẻo.
Đêm đêm những con mèo lại tuần hành trên mái tôn, gọi nhau da
diết. Trong đám đó chắc đã có thêm chú mèo mun gầy guộc bỏ nhà đi từ lúc nào
đó, lâu lắm rồi. Như những kỷ niệm buồn cũng đã bỏ đi xa.
Bí ẩn những giấc mơ
Tôi là đứa bé hay nằm mộng. Bất kể chuyện gì diễn ra ban nqày
đều chui tọt vào giâc ngủ, thiên biến vạn hóa thành đủ các câu chuyện ly kỳ. Tỷ
như đọc xong "Hoàng tử bé" cửa Exupéry ngay lập tức đã xuất hiện những
con ma không đầu đi vòng quanh giường vào tối khuya. Chúng đánh đu tòng teng
trên những thanh cửa sổ, gõ vào chiếc chuông gió inh ỏi. Rồi nhoáng một cái
trèo lên đầu giường mở lễ hội trong sự câm lặng kinh dị. Hoặc khi bị thằng bạn,
mặt đầy ghét cáu bẩn, thẳng thừng từ chối không cho liếm thử chiếc kẹo nó giữ
khư khư trên tay, đêm về trong cơn tức giận và thèm muốn tôi mơ thấy mình ngồi
lút trong lùm cây kẹo. Thằng bạn đi vòng quanh ỉ eo xin, mũi dãi lòng ròng. Tôi
ngồi trên cây cười hô hố. Một con gián béo quay xuất hiện (tôi vốn rất căm thù
cái loài bẩn thỉu này), phun gió phì phì và quắp thằng bé tội nghiệp biến khỏi
giấc mơ.
Ba tôi cho rằng đó là những giấc mơ bình thường của một đứa
trẻ bình thường. Nó chỉ có ý nghĩa nếu tôi là con trai. Nói chung thì không có
gì đáng phàn nàn hay ca ngợi. Nhưng mẹ tôi thì khác. Bà kể lể với tất cả mọi
người những giấc mơ ngộ nghĩnh của tôi. Thêu dệt thêm vài chi tiết kiểu con gà
trống rụng một cái lông thành con gà mái rụng tiệt cả lông. Phải công nhận mẹ
tôi có năng khiếu kể chuyện tuyệt vời, đến nỗi vừa nghe xong các bà hàng xóm đã
phải thốt lên: "Con chị quả có trí tưởng tượng phong phú". Một bà
tiên đoán "Chắc chắn nó sẽ trở thành nhà văn lớn. Ít nhất cũng được như bà
Quỳnh Dao". "Ồ vâng, quả có thể thật - Mẹ thành thật đồng ý, vẻ mặt đầy
chua xót - Nhưng như thế thì đời cháu sẽ khổ lắm. Con gái thành công quá hóa đa
truân". Mẹ làm như tôi đã viết được vài tác phẩm vĩ đại rồi.
Bà tôi lại khác nữa. Bà không quan tâm gì hết ngoài chơi đề.
Mỗi buổi sáng sớm bà vào phòng tôi, đứng chặn ngay đầu giường và hỏi "Đêm
qua cháu nằm mơ thấy gì, cháu yêu?". Bà vểnh tai chăm chú, miệng há hốc đến
nỗi có lần hàm răng giả của bà đã rơi đánh cộc xuống sàn. Xong bà lén giở một
cuốn sách dầy cộp, giương mục kỉnh kiếm số hạp đánh đề. Của đáng tội, số lần
trúng quá ít ỏi nhưng bà bảo như thế đã quá đủ để cho tôi là nhà tiên tri cho
bà. Bà thường cho tôi một que kem cùng bao nhiêu kẹo tùy thích. Càng đánh đề bà
càng hăng.
Một lần tôi nằm mơ thấy con cá bị đóng hộp treo lủng lẳng
trên nóc chùa, hai chú tiểu ra đứng giữa sân nam mô ầm ĩ cả lên mà không mang
con cá xuống được. Bà dò ra số 95 và đánh một mẻ lớn. Chuyến này tôm cá của bà
nhiều vô số kể. Bà mời đông đủ bạn bè hàng xóm sang dự tiệc, dắt tôi đi giới
thiệu với mọi người như tôi là vị thần hộ mệnh của bà.
Trước khi lên giường bà còn ghé vào dặn nhỏ "Cháu ráng nằm
mơ nhé. Bà đã hứa với ba mày là chỉ một lần này nữa thôi". Nhưng quái lạ,
sau khi ăn uống no say, lần đầu tiên trong đời, tôi làm một mạch đến sáng mà
không mơ màng gì. Thật ra cũng có nhưng mọi thứ lùng nhùng không rõ ràng như bị
nhét vào cái túi đen khổng lồ. Tôi tỉnh giấc, hốt hoảng nhận ra nguồn cung cấp
kẹo và kem của mình đang có nguy cơ bị đe dọa nên ráng tìm cách dọ dẫm lại giấc
ngủ. Bà vào, mặt hớn hở "Cháu ngủ ngon không? Cháu nằm mơ thấy gì, cháu
yêu?". Tôi làu nhàu tuyệt vọng "Cháu đi trong đêm. Đêm tối thui không
thấy gì hết" Mắt bà hấp háy tiếc rẻ "Trong cuốn này không có những giấc
mộng như thế".
Cả tuần sau tôi cũng chỉ nằm mơ như vậy. Có nghĩa là lại thấy
mọi thứ lùng nhùng trong túi đêm mờ mịt. Bà thất vọng ra mặt. Tòi nói liều
"Bà đánh thử hai con 0 với con 1. Hình như cháu có thấy một cây gậy".
"Gậy à? Vậy là được rồi". Bà dồn hết vốn liếng đặt vào con số lân cuối
cùng của bà và chờ đợi.
Buổi chiều tôi đi học về. Ba mẹ ngồi râu rĩ ở cửa. Còn bà
khóc rầm rì trong buồng. Mẹ thông báo "Bà mất hết tiền rồi". Ba giải
thích thêm, giọng nhát gừng "vì đánh đề", lắc đầu ngán ngẩm. "À,
vì cây gậy, vì đánh đề". Tôi lẩm nhẩm tưởng phát khóc lên được vì kẹo và
kem đã thật sự không cánh mà bay khỏi cuộc sống của tôi.
Một thời gian sau dì Út bảo lãnh bà sang Mỹ. Hôm bà đi vận
chiếc áo dài nhung đen, cổ đeo dây chuyền sang trọng. Bà gọi tôi lại và cho tôi
cuốn sách dầy, vẻ mặt bí ẩn "Cháu cầm lấy đi. Mơ là điều kỳ thú. Cháu hoàn
toàn có thể trở thành nhà tiên tri". Đó là cuốn sách gáy đen, trên nền
vàng nổi bật dòng chữ đỏ rực "Bí ẩn của những giấc mơ" với những hình
vẽ loằng nhoằng kỳ dị. Nhưng tịnh từ đấy tôi chẳng nằm mơ thấy gì nữa.
Tôi lấy mối tình thứ ba và sinh được một thằng con trai nghịch
như quỷ sứ. Tôi không trở thành nhà văn cũng không biến thành nhà tiên tri. Ban
ngày tôi lãnh đạo một nhóm bốn người trong phòng kỹ thuật với đủ mọi cảm xúc hỷ
nộ, ái, ố. Tối về quản lý hai bố con ở nhà mệt phờ. Mẹ bảo đúng thật. Con gái
thành công sớm (theo ý mọi người tôi là người thành đạt và tôi, tất nhiên không
muốn phản đối điều đó) thật cực khổ. Được tiếng chứ không được miếng. Lương hai
vợ chồng góp lại đủ dè dặt ngày hai bữa. Tôi luôn ở trong trạng thái đứng trên
bờ vực thiếu trước hụt sau. Cũng may tôi đã bỏ thói quen thèm kẹo và kem từ khi
chấm dứt mối tình thứ nhất. Tôi chỉ thấy mệt chết đi được. Đặt lưng xuống là ngủ
say tít. Cuốn sách bà tặng thành ra vô dụng, vất vưởng đâu đó không ai hay biết.
Đùng một cái tôi được nằm mộng. Căn nhà chúng tôi đang ở rùng
rình sụp xuống thành đống gạch vụn, bụi bay mờ mịt. Tôi đi chơi về thấy cảnh
hoang tàn đổ nát lăn ra khóc lóc thảm thiết. Trời bỗng nhiên đổ trận mưa lớn,
vùi tôi vào dòng nước đến ngột thở. Tôi vùng dậy, vẫn còn thút thít khóc. Chồng
tôi giật mình thức giấc "Em sao thế?". Tôi lồm cồm bò dậy "Em đi
tìm cuốn Bí ẩn của những giấc mơ". Chồng tôi càu nhàu "Em điên
à? Có biết mấy giờ rồi không?". Tôi nhìn đồng hồ: Ba giờ sáng. Thì có
nghĩa gì. Quan trọng là không biết cuốn sách đang chết dí ở đâu.
Tôi bới tung sách báo. Mãi mới tìm ra nó bám đầy bụi nằm lẫn
giữa đống tài liệu khoa học của hai vợ chồng. Tôi hồi hộp giở. Không có đoạn
nhà sụp, gạch vỡ. Cái ông Michael Halbert này có trí tưởng nghèo nàn quá mức.
Sau cùng tôi cũng tìm ra được đoạn người bị chết ngột trong nước báo điềm gì.
Tôi lay vai chồng "Anh, trong này người ta ghi sắp có tài lộc, buôn bán
phát tài nè anh". "Thì sao cơ?", Anh ú ớ "Mình sẽ cho thuê
nhà". "Cái gì?". Anh trợn tròn mắt "Tội nghiệp ông chồng
yêu quý của em. Em vừa mới nghĩ ra: Mình sẽ cho thuê nhà". "Hay ho thật,
nhất là đang đêm thế này". Tôi cười sung sướng "Mình sẽ có thật nhiều
tiền anh ạ!". Tôi ngoẹo đầu ngủ mất, mặc kệ mối tình thứ ba đã tỉnh như
sáo, loay hoay muốn hỏi chuyện cho ra nhẽ.
Công việc sửa nhà đã hoàn tất trong khi nợ nần chồng chất. Ba
người ngủ dồn chung trong một chiếc hộp gỗ treo lơ lửng giữa nhà, cùng sử dụng
một chiếc hộp khác với tất cả thức năng: phòng khách, nhà bếp, phòng làm việc...
Hai phòng phía sau được trang hoàng, thông cửa thành căn hộ độc thân, thậm chí
cho hai vợ chồng trẻ thuê là vừa xinh. Bạn bè nhận xét "Đang mùa Tết, Việt
kiều về nhiều, giá trọ tăng. Sáu, bảy trăm cho hộ này là ít". Tôi hoàn
toàn tin tưởng đánh giá của họ, những người dư thừa kinh nghiệm. Trong cơn sốt
nhà cửa, họ đã trở thành ông chủ bà chủ buôn bán bất động sản và cho thuê nhà.
Thậm chí có người nhường hết cả nhà cho thuê, còn bản thân gia đình lại túc tắc
kéo nhau đi thuê một căn hộ khác bé hơn, rẻ tiền hơn. Họ giàu lên một cách
nhanh chóng. Và tôi... Đêm đêm tôi lại tiếp tục mơ mình bơi lội lóp ngóp trong
dòng nước xiết.
Người đầu tiên đến thuê nhà lượn đúng ba vòng và hếch mũi lên
trời phán "Ở đây ồn quá". Tôi bình tĩnh nói với ông ta rằng chỉ bây
giờ, chứ buổi tối người ta thôi không làm việc, ở đây cực kỳ an ninh, yên tĩnh,
mà ông cũng chỉ về nhà vào buổi tối thôi. Ông ta lại trề môi chê "Hẻm bé
quá". Tôi gân cổ bào chữa, như thế tắc đường lớn, người ta ngại vô hẻm đi
tắt, mình đỡ phải nghe đủ các loại động cơ gầm rú. Ông ta bật cười "Cô
chào hàng rất tuyệt. Nhưng xin lỗi, nó không phải là nhà tôi tìm".
Người thứ hai do chồng tôi dẫn về. Một phụ nữ mặn mòi có đôi
mắt lá răm đa tình, vừa mới ly dị chồng. Điều quan trọng hơn, cô ta từng là cái
gì đó không bình thường trong quá khứ của chồng tôi. Sau bữa cơm, cô ta bắt đầu
đề cập vấn đề. Tôi trả lời "Hai trăm đô chị chịu?". Tôi nói rất
nghiêm túc đến nỗi mặt chồng tôi bắt đầu đỏ lên vì ngượng. Còn cô ta ra sức giải
thích với tôi rằng đó là cái giá khó chấp nhận được. Tôi mỉm cười lễ độ, trong
bụng thầm nghĩ "Còn tôi thì không thể chấp nhận cô được, cô bé ạ".
Thêm một vài người khách nữa đến rồi đi như là bay. Tôi bắt đầu
cảm thấy căm thù cái trò "Bí ẩn của những giấc mơ" và cũng bắt đầu
tuyệt vọng vì tiền chợ phải bớt đi để trả nợ đều đều mà vẫn vắng hoe. Tôi vừa
bàn với chồng, đã thế mình cứ sang ở bớt bên ấy cho nó sướng, cho nó đỡ tức,
thì ông ta xuất hiện. Phục phịch như một con gà lôi. Da bì bì bóng mỡ. Mắt chột
mắt tỏ đều ti hí như mắt lươn và hách dịch. Một lão già đáng ghét và cái bụng
phệ rệt nhưng lại là vì cứu tinh của gia đình chúng tôi khi lão chịu tám trăm
ngàn với lời khen "Ồn ào, tốt! Hẻm chật khó vào, tốt. Nói chung là tốt. Chỉ
cần anh chị đừng xía vào công việc của tôi". Tôi tức nghẹn họng nhưng vẫn
đành vâng vâng dạ dạ. Chồng tôi bảo "Anh nghi lắm, em coi chừng lão là người
gian". Tôi gạt phắt, chê anh yếu bóng vía nhưng bụng đã hơi lo. Để ý thấy
có rất nhiều cô gái lui tới chỗ lão, có hôm ở lại và bật nhạc ầm ĩ thâu đêm. Mỗi
lần vậy thằng con tôi lại bỏ bài vở, nhảy nhót giậm giựt thật không chịu được.
Tôi đâm hoảng đã mấy lần nổi máu như bà mẹ trong chuyện ngày xưa mà mẹ tôi hay
kể, ba lần chuyển nhà vì sợ mầm non bị đầu độc. Nhưng mỗi ngày nhìn mâm cơm
ngày càng nhiều chất đạm, hai vợ chồng đành an ủi nhau, thịt cá bao giờ cũng
làm tăng thêm trí thông minh của loài người, nhất là với đứa bé vốn chỉ quen ăn
độn các thứ rau như con tôi. Thôi để trả xong nợ tôi tính tiếp cũng chưa muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét