Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Ánh sáng nội tâm 1

Ánh sáng nội tâm 1

LỜI NGƯỜI DỊCH
Tập hợp các bài giảng của quý Thiền sư/ Giảng sư
Lý Thu Linh, PD:Diệu Liên
Ngày năm sinh: 31-7-1946
Hiện cư trú tại Việt Nam
Bắt đầu dịch sách từ năm 1997, như một cách để học Phật Pháp...
LỜI NGƯỜI DỊCH
Vấn đề là tâm không thể không động trước bao biến chuyển đang xảy ra quanh mình. Năm, sáu tháng nay, thân được hay bị ở yên trong nhà, tưởng rằng tâm sẽ có cơ hội để ngồi yên, lắng đọng. Nhưng sự thật ngược lại gần 100%, thân thì yên mà tâm cứ phải săn đuổi theo những tin lên xuống, thay màu xanh, đỏ của mấy con vi-rút đang chạy loạn xạ ngoài kia.
Không yên để làm công việc đáng lý phải làm, nên đã hết cả năm mà không dịch được bao nhiêu. Có bạn hỏi thăm tình hình. Có bạn gửi tiền ấn tống trước cả khi mình có thể hình dung sách có ra được không? 
Dầu gì, những điều đó cũng là động lực cho mình. Cũng thấy có chút phấn chấn để hoàn thành công việc.
Cuối cùng cũng sắp có được một quyển sách mỏng, với nhiều bài viết của nhiều tác giả/ thiền sư, không biết có đáp được sự mong đợi của những người bạn thủy chung. Nhưng thôi, có kết quả là tốt rồi. Còn lợi ích đến bao nhiêu, cho ai, thì đành phải để đọc giả tự cảm nhận vậy.
Còn mình, công việc đã xong!.
Xin cảm ơn sự hỗ trợ ấn tống sách của quý mạnh thường quân qua bao năm tháng. Cảm ơn các bạn đạo đã góp phần biên tập, góp ý về sách. Tuy nhiên với sự hiểu biết còn nhiều hạn chế của mình, sẽ không thể tránh khỏi nhiều sơ suất. Mong được quý thiện hữu tri thức, quý tôn sư chỉ dạy thêm. 
Mong là phước báu mà chúng ta đã trong sạch làm đây có thể chia đều cho tất cả. Mong là mọi người sớm có lại cuộc sống bình an thực sự, không còn có mấy con vi-rút bay lởn vởn một cách đầy đe dọa trên đầu.
Đôi khi cũng nên cảm ơn bầy vi-rút. Chúng giúp chúng ta gấp rút hoàn thành những công việc còn dang dở, giúp ta thấy yêu người, quý trọng cuộc sống hơn bao giờ hết.
Mong an lành,
T.Linh
Ltl3107@yahoo.com
12-2021
NGHỆ THUẬT QUÁN SÁT
Tác giả: Sayadaw U Tejaniya
Sayadaw U Tejaniya dạy thiền tại Trung tâm Thiền Shwe Oo Min Dhamma Sukha Forest ở Yangon, Myanmar.
Có lần tôi ngồi thiền trong lúc vừa lắng nghe sư phụ tôi, ngài Sayadaw Shwe Oo, thuyết pháp. Tâm tôi rất lắng đọng, nhưng bỗng nhiên tôi cảm thấy trở nên bức bối. Chuyện đó xảy ra như thế nào? Làm sao tâm sân có thể phát khởi nhanh chóng như thế khi chỉ ít phút trước đây nó rất bình an?
Trong khoảnh khắc đó, tôi ghi nhận một điều rất thú vị: tâm tôi trở nên tò mò muốn biết điều gì đã xảy ra. Nó muốn tự biết mình. Nó muốn biết tại sao nó đã đánh mất trạng thái an tĩnh và trở nên sân. Vì thế nó lùi lại một chút, và bắt đầu đặt câu hỏi. Sự quan tâm đến bản thân lúc đó đã chuyển tâm ra khỏi trạng thái sân. Nó muốn học hỏi và tìm hiểu sự thật, vì thế nó bắt đầu nhẹ nhàng theo dõi tiến trình của sân.
Khi tiếp tục hành thiền, tôi đã có thể quán sát sân phát khởi trong tâm.  Một mặt, tâm đang cố lắng nghe sư phụ tôi nói gì. Mặt khác, một nhóm trẻ con đang ồn ào bên ngoài thiền đường. Tôi muốn chúng dừng lại, và tôi thấy tâm mình đang than phiền về tiếng ồn và than rằng tôi không nghe được bài giảng của sư phụ. Một số cảm xúc mạnh mẽ khởi lên. Tâm quán sát nhìn thấy tất cả mọi thứ đang diễn ra trong tâm.
Bạn có thấy tâm bao quát dường nào ở thời điểm này không? Sau khi nó thấy bản thân qua lại giữa hai điều này được một lúc, nó nhìn thấy sự bất mãn, không hài lòng. Tâm nhận ra nó đang tiếp nhận một thứ âm thanh, đó là âm thanh giọng nói của sư phụ, và được gắn nhãn “tốt”, đáng ưa, trong khi âm thanh từ những người đang nói chuyện, được coi là “xấu”, không đáng ưa.
Ở khoảnh khắc nhận thức này, tâm không ưa thích thứ này hay thứ kia. Nó có thể nghe âm thanh là âm thanh, chứ không mang vào đó sự gán ép là tốt hay xấu. Ở thời điểm đó, tâm đã dừng ý muốn nghe lời nói của sư phụ tôi, và sự bực bội đối với tiếng nói của những người đang nói chuyện. Thay vào đó, tâm giữ vị trí ở giữa, và tiếp tục quán sát với sự thích thú. Tâm đã thấy khổ và buông.
Đó là cách ta hành thiền với sự quan tâm và soi xét mỗi khi có một hay nhiều hơn ba tâm gốc bất thiện (tham, sân và si) phát khởi.
Đức Phật gọi tính chất quán sát quan trọng này của tâm là dhamma vicaya, có nghĩa là cái tâm tự động quán sát thực tại. Đó là cái tâm tự quán sát, tìm hiểu bản thân bằng cách đặt các câu hỏi để khám phá ra điều gì đang xảy ra và tại sao nó xảy ra. Tâm muốn biết bản chất của ba gốc bất thiện tâm.
Thông thường các hành giả chỉ quan tâm đến chánh niệm và chánh tinh tấn mà quên hành dhamma vicaya. Họ quên tìm hiểu, thắc mắc về các trải nghiệm để học hỏi. Nhưng chánh niệm là về cái biết. Bạn phải sử dụng tư duy thiện xảo để quyết định hành xử ra sao; bạn không thể giới hạn pháp hành của mình để luôn tỉnh thức. Điều đó chưa đủ tốt.
Các gốc bất thiện này chế ngự tâm. Chúng rất lão luyện, đầy thiện xảo, và luôn làm theo ý chúng nếu chúng ta lơ là. Nếu ta không thực sự nhận biết chúng, và đối trị bằng trí tuệ, thì chúng sẽ chế ngự tâm.
Sự buông xả đã xảy ra khi tôi vừa lắng nghe sư phụ và khách vãng lai là kết quả của sự hiểu biết thực sự về trạng thái thích và không thích trong tâm. Trí tuệ này phát khởi qua sự thực hành quan sát và tìm hiểu tâm sân trong tôi.
Cũng bằng cách đó, ngay khi bạn nhận ra bất cứ tâm bất thường nào, hãy chú ý đến nó ngay để biết tất cả mọi thứ có thể về nó. Nếu bạn có thể thấy những bất ổn tâm lý vi tế, quán sát xem nó thay đổi thế nào: tăng lên hay giảm xuống? Khi tâm trở nên buông xả và nhạy cảm hơn, nó sẽ nhận ra các phản ứng vì tế dễ dàng hơn.
Hãy luôn coi sự phát khởi của một tâm bất thiện gốc là cơ hội để phân tích bản chất của nó. Hãy thắc mắc, quan tâm! Các tâm bất thiện gốc này khiến bạn cảm thấy thế nào? Ý nghĩ gì khởi lên trong tâm?
Suy nghĩ của bạn ảnh hưởng thế nào đến cảm xúc? Cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến suy nghĩ như thế nào? Thái độ phía sau các suy nghĩ đó là gì? Những điều này thay đổi cách bạn tiếp nhận cái đau như thế nào?
Tâm cần được hưởng dẫn, và dhamma vicaya làm nhiệm vụ đó. Một khi ta đã định hướng cho tâm, nó sẽ tiếp tục đi theo hướng đó. Đó là đặc tính tự nhiên của tâm. Nếu ta để tâm buông lung, không phương hướng, nó sẽ chao đảo.
Lấy một thí dụ nữa là sợ hãi. Nếu có tâm sợ hãi và bạn quyết định khảo sát cảm xúc này, là bạn đã đưa tâm đi đúng hướng. Tuy nhiên, nếu bạn cố gạt bỏ nó đi, là bạn đã hướng tâm đi sai đường.
Hãy kiên trì. Thực hành chậm rãi, cảm nhận những gì đang xảy ra. Cố gắng thâu thập càng nhiều thông tin càng tốt. Đó là công năng của tỉnh thức -thâu thập thông tin. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy có vấn đề cần quan tâm, hãy thăm dò nó. Những gì diễn ra trong tâm lúc đầu khá lộn xộn.
Chúng ta cần tiếp tục quán xét cùng một vấn đề, từ nhiều góc nhìn. Khi sự tỉnh thức của ta trở nên vững chãi, thì sợ hãi sẽ lắng xuống, và ta có thể hiểu vấn đề nào là quan trọng và vấn đề nào là không.
Ta sẽ thấy được sự lợi ích của việc thực hành rõ ràng hơn và hiểu được những điều mình đã học hỏi ở mức độ sâu lắng hơn. Tất cả sẽ góp phần vào việc làm tăng trưởng thêm sự tự tin của ta.
Đừng bao giờ nản chí khi bạn lảng quên tỉnh thức. Mỗi khi bạn nhận ra được mình đã lơ là với tỉnh thức, hãy vui lên. Sự thật là khi bạn nhận ra được mình đã mất tỉnh thức có nghĩa là giờ bạn đang thức tỉnh. Cứ tiếp tục quán sát quy trình của việc đánh mất và tìm lại được tỉnh thức và học hỏi từ đó.
Cuộc sống là sự phản chiếu chất lượng của tâm. Nếu bạn thực sự hiểu tâm mình, bạn sẽ hiểu thế giới. Kiến thức đó bạn có được do sự quán sát và học hỏi. Bạn không cần phải tin vào bất cứ điều gì mà bạn không thể hiểu một cách trí tuệ. Cứ tiếp tục phân tích, tìm hiểu. Cứ tiếp tục học hỏi từ chính kinh nghiệm bản thân của mình.
8.2021
(Chuyển ngữ theo Trích đoạn từ Relax and Be Aware: Mindfulness Meditations for Clarity, Confidence, and Wisdom, tác giả Sayadaw U Tejaniya, do Doug McGill biên tập © 2019, Tricycle Xuân 2020)
QUÁN SÁT TÂM
Tác giả: Sayadaw U Tejaniya
Sayadaw U Tejaniya dạy thiền tại Trung tâm Thiền Shwe Oo Min Dhamma Sukha Forest ở Yangon, Myanmar.
Trước khi bắt đầu hành thiền, chúng ta phải biết cách thực hành.  Chúng ta cần có thông tin chính xác và một sự hiểu biết rõ ràng về việc thực hành để tiếp cận với sự tỉnh thức một cách trí tuệ. Các thông tin này sẽ nằm sâu trong tâm khi bạn hành thiền.
Thiền là sự quán sát và chờ đợi một cách kiên nhẫn với sự hiểu biết và tỉnh thức. Thiền không phải là cố gắng để trải nghiệm những điều bạn đã được nghe hay được đọc về chúng.
Khi hành thiền, cả thân và tâm cần phải được thoải mái.
Bạn không cố gắng để khiến sự việc diễn ra theo cách bạn muốn chúng xuất hiện. Bạn chỉ cố gắng để hiểu điều gì đang xảy ra như nó đang xảy ra.
Bạn phải chấp nhận và quán sát các trải nghiệm dù tốt hay xấu.  Bạn chỉ muốn có những trải nghiệm dễ chịu? Bạn không muốn có chút trải nghiệm khó chịu nào? Điều đó có hợp lý không? Đó có phải là cách của pháp không?
Đừng để tâm suy nghĩ quấy nhiễu bạn. Chúng ta hành thiền đâu phải để ngăn cản sự suy nghĩ mà đúng hơn là để nhận ra sự suy nghĩ bất cứ khi nào nó phát khởi.
Đối tượng của việc chú tâm không thực sự quan trọng: cái tâm đang hoạt động để tỉnh thức mới quan trọng. Nếu sự quán sát được thực hiện với thái độ đúng đắn, thì đối tượng nào cũng tốt.
Chỉ cần chú tâm đến giây phút hiện tại. Đừng chìm sâu trong những suy nghĩ về quá khứ. Đừng để những suy nghĩ về tương lai mang bạn đi quá xa.
(Chuyển ngữ từ OBSERVING MINDS WANT TO KNOW, Tricycle Hè 2008)
ÁNH SÁNG NỘI TÂM
Tác giả: Ajaan Lee Dhammadharo
Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961) là một trong những vị tỳ khưu theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng của Thái Lan bậc nhất. Cuộc đời Ngài ngắn ngủi nhưng đầy biến động. Nổi tiếng là vị thầy đạo hạnh và có khả năng thần thông, Ngài là người đầu tiên đã đem truyền thống tu khổ hạnh ra khỏi những cánh rừng thuộc lưu vực sông Mê-kông, để hòa nhập vào xã hội hiện đại ở ngay trung tâm Thái Lan...
Chúng ta hạnh phúc hay khổ đau, tốt hay xấu, tất cả tùy thuộc vào tâm của mình. Tâm là kẻ điều hành, là thứ quan trọng nhất trong thân. Đó là vì tâm thức kéo dài và trách nhiệm cho tất cả những điều tốt hay xấu mà ta làm. Còn thân, nó không biết gì về khổ hay vui, đau đớn hay dễ chịu, và nó hoàn toàn không chịu trách nhiệm cho những hành động tốt hay xấu của bất cứ ai. Tại sao vậy? Bởi vì thân không bền vững.  Nó trống rỗng.
Nói rằng thân trống rỗng có nghĩa là ngay khi nó không còn hơi thở, bốn trạng thái của đất, nước, gió và lửa tách rời nhau và trở lại trạng thái ban đầu của chúng. Những gì thuộc về trạng thái đất trở về với đất đúng như bản thể của chúng. Những gì thuộc trạng thái nước lại trở về với nước như trạng thái ban đầu của nó. Những gì thuộc đặc tính của gió và lửa trở về với bản chất đầu tiên của chúng. Không có gì về chúng thuộc tính ‘nữ’ hay ‘nam’, ‘tốt’, ‘xấu’. Đó là lý do tại sao chúng ta được dạy:
Hình thể vật chất luôn biến đổi
Thật khó chấp nhận.
Thân vô ngã, trống rỗng, và không dưới quyền điều khiển của ai. Dầu ta có cố gắng cấm nó già đi, cấm nó bệnh, và chết, nó không làm theo ý ta. Nó phải đi theo quy trình của sự sinh và diệt theo đúng bản chất của các yếu tố duyên sinh. Điều này đúng cho tất cả mọi người.  Nhưng ta không thể nói rằng thân hoàn toàn là vô ngã, vì một số yếu tố ở nó là có ngã.  Nói cách khác, ở một mức độ nào đó, ta có thể kiểm soát chúng. Thí dụ, nếu bạn muốn đi bộ, thân sẽ đi bộ. Nếu bạn muốn nằm xuống, nó sẽ nằm xuống. Nếu bạn muốn ăn, nó sẽ ăn. Nếu bạn muốn tắm, nó sẽ đi tắm. Như thế, chứng tỏ thân cũng nằm dưới sự kiểm soát của ta. Vì vậy, thân vừa là anattā vừa là attā.
Dù vậy, cả hai khía cạnh này đều như nhau trong ý nghĩa là chúng trống rỗng và không chịu trách nhiệm về những điều tốt hay xấu mà chúng ta làm. Cho dù bạn làm điều tốt hay xấu, thân không chịu bất kỳ hậu quả tốt, xấu nào. Khi ta chết, nó được hỏa táng và biến thành tro bụi theo cách nào đó. Nó không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc hay khổ đau của bất cứ ai. Khi ta làm điều thiện hay điều ác, mọi kết quả đều đổ vào tâm. Tâm chịu trách nhiệm cho tất cả hành động của ta, và nó cũng là nơi nhận lãnh kết quả. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta phải tẩy trừ uế nhiễm nơi tâm, khiến nó thanh tịnh để dẫn dắt chúng ta đến hạnh phúc trong tương lai.
Phương cách gì giúp chúng ta tẩy uế tâm? Chúng ta tẩy uế tâm bằng sự tịnh hảo nói cách khác, bằng sự phát triển các phẩm chất thiện lành trong tâm thức, thông qua việc thực hành định tâm. Chúng ta cắt đứt tất cả những suy nghĩ về tham, sân và si trong tâm trí, các triền cái như là dục ái, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo cử và hoài nghi. Tất cả những tính chất này là cái làm uế nhiễm tâm. Khi tâm bị uế nhiễm theo cách này, chắc chắn nó sẽ đau khổ. Nó sẽ hướng đến bóng tối vì chính những hành động đó.
Những hành động bất tịnh có thể được chia theo các mức độ tăm tối khác nhau. Một số như bóng tối của đêm, tức là hoàn toàn không có bất kỳ độ sáng nào. Một số có màu tối như mây, tức là chúng xen kẽ giữa tối và sáng, giống như mặt trăng sáng đôi khi bị mây che phủ. Một số có màu tối như sương mù, che khuất tất cả tầm nhìn của chúng ta cho dù ngày hay đêm.
Loại bất thiện xảo thứ ba này là vô minh, hay avijjā. Nó luôn che khuất tâm khiến ta không thể nhận ra đối tượng nào của tâm là quá khứ, là tương lai, hay hiện tại. Đó là lý do tại sao tâm nhảy từ quá khứ, đến hiện tại hay tương lai, khiến nó không thể trụ vững ở bất cứ đâu. Nó không chắc chắn về bất cứ điều gì. Đây là vô minh. Do vô minh sinh tham ái, là gốc của tất cả phiền não và đau khổ.
Để thoát khỏi trạng thái sương mù này, chúng ta phải hành thiền, đoạn trừ những tư tưởng và khái niệm về quá khứ và tương lai bằng cách xem chúng là vô thường, khổ và vô ngã; quán xét tất cả các uẩn của sắc, thọ, tưởng, hành và thức đến mức độ không còn quá khứ, tương lai hay hiện tại. Đó là khi tâm trí được giải thoát khỏi những đám mây và sương mù của các chướng ngại và bước vào vùng sáng.
Trên thế giới, có hai loại người. Một loại có đôi mắt tốt. Họ là những người phát triển được các phẩm chất thiện lành bên trong, vì thế họ có thể nhìn thấy sự sáng chói của thế giới cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, còn có loại người không phát triển các phẩm chất thiện lành. Họ giống như người mù bẩm sinh: dù ánh sáng mặt trời và mặt trăng có thể sáng chói, những người này vẫn ở trong bóng tối - đây là bóng tối trong tâm họ. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta loại bỏ bóng tối trong tâm, giải thoát tâm khỏi bóng tối, như trong câu kinh Pali:
Kaṇhaṁ dhammaṁ vippahāya sukkaṁ bhāvetha paṇḍito, có nghĩa là, "Đã từ bỏ những bất thiện, người trí phát triển tâm sáng sủa". Khi ta phát triển được ánh sáng nội tâm, ta có thể sử dụng ánh sáng đó để chiếu sáng mọi hoạt động của ta. Điều này sẽ mang lại thành công cho ta trong tất cả những gì ta làm. Nhưng nếu ta ở trong bóng tối, giống như người bị mù bẩm sinh, thì những gì ta làm đều khó thành công trọn vẹn. Thí dụ, tai ta có thể nghe Pháp, nhưng tâm vẫn lang thang khắp nơi, thì tâm đó có thể bị che khuất bởi những đám mây và sương mù của các chướng ngại.
Đó là lý do tại sao chúng ta được dạy thực hành thiền định, để trụ tâm vào một đối tượng duy nhất. Hãy tự nhủ rằng những phẩm chất của Đức Phật không xa rời với các phẩm chất của Giáo Pháp, và cũng không xa rời với các phẩm chất của Tăng. Chúng thực sự là một và giống nhau, như câu kinh Pali sau đã dạy:
Buddho dhammo saṅgho cāti nānāhontampi vatthuto
Aññamaññāviyogā va ekībhūtampanatthato
"Mặc dù Phật, Pháp và Tăng có thể là những đối tượng khác nhau, dường như tách biệt với nhau, nhưng trong ý nghĩa chúng thực sự là một".
Vì vậy khi chúng ta đã tạo được tâm kiên định trong sự tỉnh thức, nó chứa các phẩm chất của Phật, Pháp và Tăng, tất cả trong một. Đó là khi sự chú tâm của ta đã phát triển theo chánh đạo.
Vì vậy, sư khuyên quý vị hãy từ bỏ những phẩm chất tâm linh bất thiện và thanh lọc tâm để nó được trong lành, thanh khiết. Rồi  ánh sáng sẽ phát sinh trong tâm quý vị. Bằng cách này, chắc chắn là quý vị sẽ trải nghiệm được sự an bình, hạnh phúc, như đoạn Pali sau đây khẳng định:
Citte saṅkiliṭthe duggati pāṭikaṅkhā.
Citte asaṅkiliṭsugati pāṭ ikaṅkhā. 
“Tâm ô uế, sẽ đưa ta đến chỗ xấu ác. Tâm thanh khiết, sẽ đưa ta đến chỗ an vui”. 
(Chuyển ngữ theo Brightness Within, sách Starting Out Small: Tập hợp các bài pháp thoại dành cho người mới tu thiền, do tỳ khưu Thanissaro chuyển ngữ từ Thái sang Anh, 18 Tháng 5, 1958). Nguồn:
https://www.dhammatalks.org/.../StartingOutSmall-181215.pdf
ĐẠI DỊCH VÀ SỰ AN BÌNH NỘI TÂM
Tác giả: Alex Kakuyo
Alex Kakuyo là một tu sĩ Phật giáo, và là người hướng dẫn phương cách thở (breathwork). Ông từng ở trong quân đội và chiến đầu ở cả Iraq và Afghanistan trước khi tình cờ biết đến Phật giáo...
Thật là một thảm họa khi tôi dự khóa tu thiền lần đầu tiên. Lưng tôi yếu sau nhiều năm ngồi gù lưng trước máy tính và chân tôi không cộng tác với việc ngồi chéo chân trên gối thiền hàng giờ liền. Kết luận, đó không phải là một thời gian thiền định trong an bình mà là một cuộc thử thách, qua đó tôi ngồi đếm ngược thời gian mong chờ lúc tôi có thể tìm được một tư thế ngồi thoải mái hơn.
Nhưng đã có sự thay đổi vào ngày thứ ba. Tôi đã quyết định rằng cho dù sự việc có trở nên tồi tệ như thế nào, tôi sẽ không rời khỏi khóa tu sớm. Tôi cũng chấp nhận thực tế rằng tôi không thể làm gì để khiến cho trải nghiệm này có thể tốt hơn. Vì không thể làm gì hơn, tôi phải chịu đựng cho đến khi khóa tu kết thúc. Nói tóm lại, tôi đã từ bỏ việc tìm cách làm cho tình hình tốt hơn.
Khi đã quyết định như thế, dường như cả thế giới đã mở ra trước mắt tôi. Chân tôi vẫn đau, nhưng tôi vẫn nhận thấy những con sóc chạy qua cửa sổ tu viện. Lưng tôi như thắt gút, nhưng tôi vẫn thưởng thức các món ăn phục vụ cho chúng tôi. Và vào buổi ngồi thiền cuối cùng của khóa tu, tôi đã trải nghiệm được sự bình an nội tâm.
Tôi xem kinh nghiệm đó giống như khi ta theo dõi một trận bóng đá mà không quan tâm ai sẽ thắng. Chúng ta xuýt xoa khi có một pha tạt bóng hỏng, và chúng ta reo hò trong một trận đấu thú vị, nhưng ta không quan tâm đến tỷ số. Ta chỉ thưởng thức trò chơi đó.
Với thời gian, tôi thường xuyên nghĩ về thời điểm đó nhiều hơn.  Tôi đã có rất nhiều dự định cho mùa hè của mình: Tiết kiệm tiền để đi du lịch; lên kế hoạch cho một tour du lịch sách để quảng bá cuốn sách tôi viết; mời khách đến nghỉ đêm ở nhà tôi - một nhiệm vụ khá khó khăn cho một người hướng nội như tôi. Nhưng khi đại dịch và bất ổn xã hội lan rộng khắp đất nước, các kế hoạch của tôi đã rụng như lá mùa thu.
Giờ thì mùa hè đã kết thúc và tất cả hy vọng của tôi đều tan tành.  Thay vì chu du khắp thế giới, tôi đạp xe vòng quanh khu phố của mình. Thay vì đi khắp đất nước để quảng bá quyển sách của mình, tôi đọc sách của các tu sĩ Phật giáo khác, và các bữa dạ tiệc mà tôi đã mong chờ được thay thế bằng các cuộc gọi qua Zoom và các tin nhắn.
Nếu nói rằng tôi không buồn chút nào hết thì là nói dối -một cảm giác bùi ngùi tiếc cho những thứ có thể xảy ra. Nhưng tôi cũng có được sự bình yên; một khoảng lặng dường như giống với cái tôi cảm nhận được ngày nào ở tu viện.
Khi đào sâu thêm cảm giác này, tôi thấy rằng nó không xuất phát từ cảm giác thành tựu, mà từ chính sự ngược lại. Bởi vì tôi đã làm tất cả những gì có thể. Tôi mang khẩu trang, tôi giữ khoảng cách, tôi dự trữ thực phẩm và tuân giữ lệnh giới nghiêm đã được ban ra. Nhưng tất cả đều thất bại. 
Chúng ta đã ở trong cuộc khủng hoảng này tám tháng, trong lúc đúng ra nó phải kết thúc trong hai tuần, và không ai biết khi nào chúng ta mới an toàn. Vì vậy, tôi đã đầu hàng. Tôi đã ngừng chia sẻ về những cơ hội mà tôi bỏ lỡ. Tôi không còn dự tính sẽ làm gì khi các hạn chế được gỡ bỏ và tôi cũng không kiểm tra xem nhà hàng mà tôi yêu thích đã mở cửa lại chưa.
Thay vào đó, tôi thức dậy mỗi buổi sáng với quyết tâm chỉ đơn giản chấp nhận thế giới "như nó là". Việc đó nhắc nhở tôi rằng bất chấp mọi thứ đã xảy ra, và mọi thứ tôi đã đánh mất, thế giới này vẫn tốt tươi. Ánh sáng mặt trời vẫn tràn ngập phòng mỗi buổi sáng. Các cây trồng trong nhà vẫn ngày càng cao hơn, và chú mèo con vẫn lẻn vào phòng tắm để quậy phá giấy vệ sinh.
Tôi đã phải ngừng cố gắng sửa chữa kinh nghiệm tu tập của mình để học hỏi từ nó. Giống như thế, tôi phải ngừng cố gắng khắc phục đại dịch này để sống sót. Thông qua sự thực hành buông xả, đầu hàng về những gì tôi nghĩ thế giới này phải là, tôi có thể nhìn thấy vẻ đẹp của mọi thứ đang là.
Khi ngồi thiền lần đầu tiên, tôi biết rằng đôi khi nỗi khổ của chúng ta nằm ngoài sự kiểm soát của mình. Đôi khi trốn chạy không phải là một khả năng mà chính sự chịu đựng mới là. Và nếu ta sẵn sàng làm điều đó, sự bình an nội tâm là phần thưởng của ta. Chúng ta vẫn có thể trải nghiệm niềm vui giữa những khó khăn.
Khi đại dịch vẫn tiếp tục, chúng ta tiếp tục thấy mình bị kẹt trong  thế giới của khổ đau. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chịu khổ. Dẫu có xảy ra điều gì, ta vẫn có thể giữ nội tâm bình an. Chúng ta chỉ cần buông những gì mà mình không thể kiểm soát và nhận thức rằng ta vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc giữa khổ đau.
9.2021 
(Chuyển ngữ từ Pandemics and Inner Peace, Buddhistdoor Global 2020-10-22) 
VỀ NHÀ
Tác giả: Ajaan Lee Dhammadharo
Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961) là một trong những vị tỳ khưu theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng của Thái Lan bậc nhất. Cuộc đời Ngài ngắn ngủi nhưng đầy biến động. Nổi tiếng là vị thầy đạo hạnh và có khả năng thần thông, Ngài là người đầu tiên đã đem truyền thống tu khổ hạnh ra khỏi những cánh rừng thuộc lưu vực sông Mê-kông, để hòa nhập vào xã hội hiện đại ở ngay trung tâm Thái Lan.  
Nhắm mắt khi ngồi thiền, nhưng chỉ khép hờ mí mắt. Đừng cố gắng nhắm mắt như người đang ngủ. Bạn phải duy trì sự hoạt động của các dây thần kinh mắt. Nếu không bạn dễ ru ngủ mình lắm.
Hãy nghĩ đến đối tượng thiền trong tâm hơi thở vào  hơi thở ra, sau đó hãy nghĩ đến việc mang đối tượng thiền bên ngoài ‘buddho’ vào hơi thở.
Một khi bạn đã có thể tập trung vững vàng trên hơi thở, hãy để hơi thở lan tỏa khắp thân cho đến khi bạn cảm thấy nhẹ nhàng, tự tại. Đây được gọi là duy trì chất lượng chuẩn trong việc thực hành chú tâm.  Giữ cho tâm vững chãi để nó không trượt khỏi hơi thở được gọi là duy trì đúng đối tượng. Chánh niệm vững vàng về từ niệm (buddho) của bạn, không có sự sai sót nào, được gọi là duy trì sự chủ ý thích hợp.  Khi bạn có thể giữ tâm vững chãi trên ba yếu tố đó, bạn có thể nói rằng mình đang thực hành thiền.
Một khi ta đã đem tâm hướng thiện theo cách này, những thứ bất thiện -nivarana, hay chướng ngại - chắc chắn sẽ len vào tâm. Nếu ta định danh các chướng ngại này, thì có năm. Nhưng ở đây chúng ta không nói đến tên chúng; ta chỉ nói chúng là gì: (1) Chướng ngại là những thứ làm ô uế, hư hoại tâm (2). Chúng khiến tâm u ám, tối tăm. (3)  Chúng là các rào cản ngăn không cho tâm trụ vững chãi trên các yếu tố cấu thành thiền định.
Chướng ngại đến từ những mối quan tâm bên ngoài, và các mối quan tâm này phát khởi vì sự quan tâm nội tại yếu kém. Nói rằng các mối quan tâm nội tại yếu có nghĩa là tâm ta không trụ vững chãi trên đối tượng của nó. Giống như khi ta thả cái gàu vào trong thùng nước: Nếu không có thứ gì để giữ chặt nó lại, nó sẽ nghiêng qua, ngả lại. Sự lung lay của tâm là cái tạo ra đường dẫn cho các thứ chướng ngại tràn vào, khiến cho tâm mất thăng bằng.
Chúng ta phải tự biết khi tâm bắt đầu nghiêng ngả, nó có thể nghiêng theo một trong hai cách: (1) nó có thể nghiêng theo những ý nghĩ về quá khứ, các vấn đề vừa xảy ra hai giờ trước đây hay trở về đến tận hơi thở đầu tiên. Những sự phóng tâm như thế có hai ý nghĩa đối với chúng ta: Một là chúng về những việc thế gian - những vấn đề của chúng ta hay của người khác, dù tốt hay xấu - nếu không thì chúng liên quan đến đạo pháp, những việc tốt hay xấu đã xảy ra mà ta biết đến.  (2). Hoặc là tâm ta có thể nghiêng về ý nghĩ trong tương lai, cũng tương tự như trên - những vấn đề của chúng ta hay của người khác, qua cách nhìn thế gian hay đạo pháp, dù tốt hay xấu.
Khi tâm ta bắt đầu nghiêng ngả theo cách này, chúng ta sẽ nhận được một trong hai loại kết quả: hài lòng hay thất vọng, các loại trạng thái đầy dục lạc hoặc đầy tự hoại thân. Vì lý do này, chúng ta phải luôn nắm bắt tâm thức, và mang nó trở về hiện tại để các chướng ngại này không thể len vào.
Ngay như thế tâm cũng không thực sự thăng bằng. Nó có khuynh hướng lung lay ở một mức độ nào đó. Nhưng sự lung lay, chập chờn đó không thực sự sai trái (nếu chúng ta biết cách sử dụng nó; nếu chúng ta không biết cách, thì nó là sai) vì khi tâm lung lay, chập chờn là nó đang tìm một chỗ để trụ vào. Trong Pali, điều đó được gọi là sambhavesin. Vì thế chúng ta được khuyên nên tìm một đề mục thiền để hoạt động như là một chỗ trụ cho tâm, giống như màn ảnh hoạt động như một tấm phản chiếu của hình ảnh để chúng hiện ra rõ ràng. Đây là cách để giữ cho các mối quan tâm bên ngoài không thể tràn vào.
Nói cách khác, chúng ta được dạy hành thiền bằng cách chú tâm vào một nơi, vào hơi thở.  Khi chúng ta quán tưởng đến hơi thở, đó được gọi là vitakka - giống như khi ta nghĩ ‘bud’ thở vào và ‘dho’ thở ra, như ta đang làm đây. Còn khi tâm lung lay, chập chờn, đó là vicara, hay sự quản lý, đánh giá. Khi mang vicara vào bối cảnh này, chúng ta có thể buông một phần của vitakka. Nói cách khác, khi ta dừng niệm ‘buddho’ và sau đó bắt đầu quán sát xem thân bị từng hơi thở vào ra ảnh hưởng như thế nào. Khi hơi thở ra, nó có dễ dàng, tự nhiên? Khi hơi thở vào, nó có dễ chịu? Nếu không, hãy điều chỉnh nó.
Khi hướng dẫn tâm thức theo cách này, chúng ta không phải sử dụng 'buddho'. Hơi thở vào sẽ thẩm thấu và lan rộng khắp cơ thể, cùng với cảm giác chánh niệm và tỉnh táo. Khi chúng ta buông bỏ một phần của vitakka, như khi chúng ta ngừng lặp lại 'buddho', để chỉ có hành động theo dõi hơi thở - hành động đánh giá tăng lên. Sự dao động của tâm thức trở thành một phần của định tâm của chúng ta. Bên ngoài mối quan tâm ngoại vật của ta lắng xuống. 'Lắng xuống’ không có nghĩa là tai chúng ta bị điếc. Lắng xuống có nghĩa là ta không khuấy động tâm thức để nó chạy theo các đối tượng bên ngoài, quá khứ hay tương lai. Chúng ta để nó chỉ ở lại hiện tại.
Khi tâm thức được tập trung theo cách này, nó phát triển sự nhạy cảm và hiểu biết. Sự hiểu biết này không đến từ việc học hỏi hay từ sách vở.  Nó đến từ sự thực hành - giống như khi chúng ta đóng gạch viên.  Lúc bắt đầu, ta chỉ biết trộn đất sét với cát và cách làm những tấm gạch phẳng đơn giản. Nhưng với sự tiếp tục thực hành, ta sẽ biết nhiều hơn: cách làm cho chúng đẹp hơn, cách làm cho chúng cứng hơn, chắc hơn và không bị rạn nứt. Sau đó ta sẽ nghĩ ra cách thêm nhiều màu sắc, hình dạng khác nhau cho gạch. Và khi chúng ta cứ tiếp tục làm ra những tấm gạch tốt hơn, đẹp hơn, thì các đối tượng mà chúng ta làm ra trở thành thầy của chúng ta.
Khi chúng ta chú tâm trên hơi thở cũng thế. Khi tiếp tục quán sát cách hơi thở ra vào, ta dần biết hơi thở vào là thế nào; nó có dễ chịu không; thở vào như thế nào để ta cảm thấy thoải mái; thở ra như thế nào để ta cảm thấy dễ chịu; thở như thế nào thì khiến ta căng thẳng, gồng cứng; cách nào khiến ta cảm thấy mệt - vì hơi thở có bốn cách khác nhau. Đôi khi hơi thở vào dài và ra dài, đôi khi hơi thở vào dài và ra ngắn, đôi khi hơi thở ngắn và ra dài, đôi khi hơi thở vào ngắn và ra ngắn. Vì thế ta cần quán sát từng loại hơi thở để xem chúng đem lại bao nhiêu lợi ích cho tim, phổi và các bộ phận khác trên cơ thể. 
Khi ta tiếp tục theo dõi và đánh giá hơi thở theo cách này, chánh niệm và sự tỉnh thức sẽ phát khởi bên trong ta. Định sẽ khởi, sự hiểu biết sẽ phát khởi, tỉnh thức sẽ phát khởi bên trong chúng ta. Hành giả, người đã phát triển được khả năng này có thể phát triển một thiện xảo là có thể thở mà không dùng đến mũi; hay thở bằng mắt hay tai. Nhưng khi mới bắt đầu, chúng ta phải sử dụng hơi thở qua mũi vì đó là hơi thở dễ nhận biết. Trước tiên chúng ta cần phải học cách quán sát hơi thở thô trước khi ta có thể nhận biết cảm giác của các hơi thở vi tế hơn trong thân.
Nói chung, năng lượng hơi thở trong thân có 5 loại: (1) 'hơi thở tạm thời, như khách' (āgantuka-vāyas) liên tục ra, vào. (2) Năng lượng hơi thở lưu trú trong cơ thể nhưng có thể thấm qua các bộ phận khác nhau (3). Năng lượng hơi thở xoay quanh tại chỗ (4). Năng lượng hơi thở di chuyển và có thể chảy qua lại (5). Năng lượng hơi thở nuôi dưỡng các dây thần kinh và mạch máu trong khắp cơ thể.
Một khi chúng ta đã biết các loại năng lượng hơi thở, cách sử dụng chúng, cách điều chỉnh để chúng phù hợp với cơ thể hơn, là chúng ta đang trở thành chuyên nghiệp. Chúng ta trở nên tường tận hơn với các giác quan của cơ thể. Kết quả sẽ đến: một cảm giác tròn đầy và tự tại tràn ngập châu thân, giống như cây đèn dầu ngấm vào từng sợi chỉ trong lớp phủ của ngọn đèn Coleman, khiến nó phát ra ánh sáng trắng rực rỡ.
Vitakka giống như đổ cát vào cái rây. Vicara thì giống như rây cát.  Đầu tiên khi ta bỏ cát vào cái rây, nó vẫn còn vón cục, thô ráp. Nhưng khi ta cứ tiếp tục rây, thì cát sẽ càng lúc càng nhuyễn cho đến khi ta không còn thấy gì ngoài các thành phần nhuyễn mịn. Cũng thế khi ta trụ tâm trên hơi thở. Ở các giai đoạn đầu, hơi thở vẫn còn thô tháo, nhưng khi ta tiếp tục sử dụng càng lúc càng nhiều vitakka và vicara, hơi thở sẽ trở nên nhẹ cho đến khi nó thấm đẵm đến từng lỗ chân lông.
Oḷārika-rūpa: Tất cả các loại cảm giác thoải mái sẽ xuất hiện -cảm giác nhẹ nhàng, thoáng đãng, êm ái, thoát khỏi đau nhức, v.v... và chúng ta sẽ không cảm thấy gì ngoài sự sảng khoái và an lạc trong sự cảm nhận Pháp (Dhamma), liên tục mát mẻ và thư giãn.
Sukhumāla-rūpa: Cảm giác khoái lạc này sẽ giống như những hạt li ti, như làn sương của các nguyên tử tạo ra không khí nhưng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng dầu ta cảm thấy thoải mái, thư giãn ở thời điểm này, làn sương khoái cảm dâng  tràn cơ thể có thể tạo ra một nơi sinh cho tâm thức, vì vậy không thể nói rằng ta đã vượt qua căng thẳng và đau đớn.
Đây là một trong những hình thức nhận thức mà ta có thể phát triển trong định. Bất cứ ai phát triển được nó sẽ có cảm giác sảng khoái bên trong: một cảm giác nhẹ, giống như bông gòn. Sự nhẹ nhàng này rất dũng mãnh dưới nhiều hình thức. Hīnaṁ vā: Cảm giác thô kệch của cơ thể sẽ biến mất - paītaṁ  vā - và sẽ biến thành một cảm giác tinh tế hơn về cơ thể, tinh tế và đẹp đẽ.
Vẻ đẹp ở đây không phải là loại đến từ nghệ thuật hay trang trí. Thật ra, đó là vẻ đẹp trong ý nghĩa tươi sáng, rõ ràng và mới mẻ. Tạo sự khoan khoái. Êm đềm. An tĩnh. Những phẩm chất này sẽ tạo ra cảm giác hưng phấn trong thân, được gọi là sobhaṇa, một trạng thái say mê, phấn khích tràn đầy mọi bộ phận cơ thể. Các tính chất của đất, nước, lửa và gió trong cơ thể đều cân bằng và đầy đủ. Thân dường như trở nên đẹp đẽ, nhưng xin nhắc lại, đây không phải là vẻ đẹp theo ý nghĩa nghệ thuật. Tất cả những điều này được gọi là paṇīta-rūpa.
Khi cơ thể phát triển đầy đủ và hoàn thiện đến mức này, cả bốn đặc tính cơ bản trở nên trưởng thành và có trách nhiệm trong lĩnh vực của chính mình, và có thể được gọi là mahābhūta-rūpa. Đất chịu trách nhiệm các vấn đề thuộc đất; nước trách nhiệm các vấn đề về nước; gió lo các vấn đề về gió, và lửa lo các vấn đề về lửa. Khi cả bốn đặc tính này trở nên có trách nhiệm và trưởng thành hơn trong các vấn đề của riêng mình, điều này được gọi là oḷārika-rūpa. Các tính chất của không gian và ý thức cũng trở nên trưởng thành. Dường như tất cả mọi thứ đều trở thành người lớn trưởng thành. Bản chất của người lớn đã trưởng thành là khi sống với nhau, họ ít khi cãi cọ hay càu nhàu.  Trẻ con, khi chúng sống với nhau, có khuynh hướng luôn cự cãi nhau.  Vì vậy, khi cả sáu đặc tính này đều trưởng thành, đất sẽ không xung đột với nước, nước sẽ không xung đột với gió, gió sẽ không xung đột với lửa, lửa sẽ không xung đột với không gian, không gian sẽ không xung đột với ý thức. Tất cả sẽ sống trong sự hài hòa và đoàn kết.
Đây là ý nghĩa của ekāyano ayaṁ maggo sattānaṁ visuddhiyā: Đây là con đường thống nhất để thanh lọc chúng sinh. Tất cả bốn tính chất vật lý trở nên trưởng thành theo ý nghĩa thống nhất của cơ thể, bốn trong một. Khi tâm đi vào con đường thống nhất này, nó có thể làm quen với các vấn đề của thân. Nó đến để cảm thấy rằng thân này giống như con; tâm như cha mẹ. Khi cha mẹ thấy rằng con mình đã lớn lên, trưởng thành, họ chắc chắn sẽ cảm thấy tự hào. Và khi họ thấy rằng con họ có thể tự chăm sóc bản thân, họ có thể đặt xuống gánh nặng phải chăm sóc nó. (Tại thời điểm này, không cần phải nói về những trở ngại nữa, bởi vì tâm trí tại thời điểm này đã tập trung vững chắc. Các trở ngại không có cơ hội để lẻn vào).
Khi tâm có thể buông thân theo cách này, ta sẽ cảm thấy sự phát sáng nội tại trong cả thân tâm, một sự phát sáng theo nghĩa của một khoái lạc sâu lắng không giống các dục lạc thế gian - thí dụ, thân sẽ cảm thấy thư giãn, thoải mái, không bị đau nhức hay mệt mỏi - một sự phát sáng rạng rỡ. Đối với tâm thức, nó cảm nhận sự phát sáng của một cảm giác bình an, yên tĩnh và sự phát sáng rạng rỡ bên trong. Ánh sáng êm dịu này là bản chất của giá trị nội tại (puñña). Nó giống như hơi nước bốc lên từ các vật thể lạnh và tụ hội lại tạo thành các đám mây rơi như mưa hoặc bốc lên cao và tan đi. Tương tự, cảm giác êm dịu, mát mẻ này cũng bùng phát thành sương mù rạng rỡ. Các tính chất của đất, nước, gió, lửa, không gian và ý thức đều trở thành mù sương. Đây là nơi 'sự rạng rỡ sáu màu' (chabbaṇṇa-raṅsī) phát sinh.
Cảm giác thân dường như rực sáng, tươi mới như một quả đào chín. Sức mạnh của sự tỏa sáng này được gọi là ánh sáng của Pháp (dhammo padīpo). Khi chúng ta phát triển được đặc tình này, thân vững chãi và tâm tỉnh táo hẳn. Một làn sương rạng rỡ - một sức mạnh - xuất hiện bên trong ta. Sự rạng rỡ này, khi nó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, là nơi mà trực giác giải thoát sẽ xuất hiện: phương tiện để biết tứ diệu đế. Khi trực giác này trở nên mạnh hơn, nó sẽ biến thành tri kiến và ý thức: một tri kiến mà ta chưa học được từ bất cứ nơi nào khác, nhưng đã đạt được từ việc tu tập.
Bất cứ ai có thể làm điều này sẽ thấy rằng tâm trí đạt được những đức tính của Phật, Pháp và Tăng, sẽ đi gội rửa tâm. Một người như vậy có thể nói là đã thật sự được nương trú vào Phật, Pháp và Tăng. Bất cứ ai có thể thực hiện được, dầu chỉ vậy, có khả năng đạt được Thức Tỉnh mà không cần phải đi và làm nhiều việc khác nữa. Nếu ta cẩn thận, quán sát, kiên trì, chánh niệm và sáng suốt, thì ta sẽ có thể mở mắt, mở tai để có thể biết tất cả mọi thứ, mà thậm chí có thể không phải tái sinh để trở lại và thực hành định tâm nữa. Nhưng nếu ta tự mãn -bất cẩn, vô tâm và lười biếng - thì ta sẽ phải quay lại và trải qua quá trình tu tập một lần nữa.
8.2021
(Trích dịch từ Coming Home do  Ṭhānissaro Bhikkhu chuyển ngữ từ Thái sang Anh, 22 tháng 9, 1956). Nguồn: https://www.dhammatalks.org/.../InnerStr.../Section0017.html)
TỰ KỂ CHUYỆN MÌNH
NGÀI AJAHN MAHA BOOWA
Ngài trụ trì thiền viện Baan Taad nằm tại vùng nông thôn gần ngôi làng nơi ngài đã sinh ra và lớn lên. Sau khi rời trường học, ngài đã tới chùa Bodhisomporn ở Udonthani, nơi ngài thọ giới Sāmanera theo Đại đức Chao Khun Dhammachedi. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài được thọ giới Tỳ-kheo và ít lâu sau ra đi tìm vị thầy dạy thiền cho mình. Khi được gặp Ngài Ācariya Mun (Bhuridatta Thera), ngài lập tức biết rằng đó là vị thầy của mình. Ngài học và tu tập dưới sự hướng dẫn của Ācariya Mun trong 9 năm đến khi Ācariya Mun mất ở tuổi 80. Sau đó, ngài tự mình tu tập trên đồi núi, trong rừng Thái Lan. Tiếp đó, ngài đi khắp các vùng trên đất nước Thái Lan, gần như đã qua tất cả các tỉnh. Khi ngài được các nhà hảo tâm dâng cúng mảnh đất gần làng của ngài để xây một thiền viện, ngài không du hành nữa mà sống tại thiền viện đó.[1]  
Mẹ tôi là một người phụ nữ kiên nhẫn và tận tụy tuyệt vời. Bà nói rằng trong mười sáu đứa bà sinh ra, tôi là đứa gây rắc rối nhất khi còn trong bụng mẹ. Lúc thì tôi nằm im như chết, khi thì đạp tứ tung đến nỗi bà nghĩ tôi sắp chết. Càng gần ngày sinh, các trạng thái đó càng trở nên tồi tệ.
Ngay trước khi tôi được sinh ra, cả cha và mẹ tôi đều có một giấc mơ tốt lành. Cha tôi mơ thấy ông nhận được một con dao rất sắc, đầu nhọn, với tay cầm bằng ngà voi và vỏ dao bọc bằng bạc. Cha tôi cảm thấy rất hài lòng.
Mặt khác, mẹ tôi mơ thấy mình nhận được một đôi bông tai vàng rất đẹp đến nỗi bà không thể cưỡng lại sự cám dỗ để đeo chúng vào tai, và tự ngắm nghía mình trong gương. Càng ngắm, bà càng thêm thích thú.
Ông tôi giải mộng rằng hai giấc mơ này có nghĩa là cuộc sống của tôi sẽ đi theo một trong hai thái cực. Nếu chọn đi theo ác nghiệp, tôi sẽ là tên tội phạm đáng sợ nhất trong thời đại của tôi. Tính cách của tôi đáng sợ đến nỗi tôi sẽ trở thành một ông trùm tội phạm táo bạo và hung tợn chưa từng có. Tôi sẽ không bao giờ để cho mình bị bắt sống và bị cầm tù, mà sẽ trốn trong rừng và chiến đấu đến chết với nhà cầm quyền.
Mặt khác, nếu tôi chọn đi theo nghiệp lành, lòng tốt của tôi sẽ không có ai sánh bằng. Chắc chắn tôi sẽ thành người xuất gia và là ruộng phước điền cho mọi người.
Đến tuổi trưởng thành, tôi thấy tất cả các chàng trai đều lập gia đình, nên tôi nghĩ đó cũng là điều tôi muốn. Một ngày nọ, có lão thầy bói đến viếng nhà bạn tôi. Trong lúc trò chuyện, bạn tôi thốt lên rằng anh ta muốn xuất gia làm tu sĩ. Ông lão có vẻ hơi khó chịu, sau đó yêu cầu được xem tay chàng trai.
"Để ta xem chỉ tay của cháu. Xem liệu cháu có thực sự trở thành một nhà tu hành không. Ồ! Nhìn kìa! Chắc chắn cháu không thể nào xuất gia".
"Nhưng cháu thực sự muốn xuất gia!"
"Không đời nào! Cháu sẽ kết hôn trước."
Đột nhiên tôi muốn được hỏi về tương lai của mình, vì tôi hy vọng sẽ kết hôn vào thời điểm đó. Tôi không có ý định xuất gia. Khi tôi xòe tay ra, ông lão nắm lấy nó và kêu lên: "Đây là người sẽ xuất gia!"
"Nhưng tôi muốn lập gia đình."
"Không cách nào! Chỉ tay của người rõ ràng đây. Ngươi sẽ xuất gia.”
Mặt tôi nóng lên vì tôi không có ý định xuất gia, trở thành một nhà sư. Tôi muốn có vợ.
Thật sự rất lạ. Sau đó, bất cứ khi nào tôi nghĩ đến việc kết hôn, thì trở ngại phát sinh để ngăn chặn tôi. Thậm chí sau khi tôi xuất gia, cô gái mà trước đây tôi thích đã đến tìm tôi tại tu viện, nhưng tôi lại vừa chuyển đến một nơi khác. Nếu cô ấy đến sớm hơn, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra...
Lớn lên, tôi cũng không có mong muốn trở thành một nhà sư. Phải mất một thời gian tôi mới tập trung sự chú ý của mình vào đó. Năm hai mươi tuổi, tôi bị bệnh nặng, nặng đến nỗi cha mẹ tôi phải luôn túc trực bên cạnh giường. Các triệu chứng thể chất của tôi rất nghiêm trọng. Đồng thời, quyết định về việc có nên xuất gia hay không đè nặng lên tâm trí tôi. Tôi cảm thấy thần chết đang đến gần. Toàn bộ cuộc sống của tôi dường như đang bấp bênh.
Cha mẹ tôi lo lắng ngồi bên cạnh giường, không dám mở lời. Bình thường mẹ là người hay nói, giờ cũng chỉ biết ngồi khóc. Cuối cùng, cha tôi cũng không cầm được nước mắt. Cả hai đều nghĩ rằng tôi sẽ chết vào đêm đó. Thấy cha mẹ khóc trong tuyệt vọng, tôi đã thực hiện lời nguyện long trọng rằng nếu khỏi bệnh, tôi sẽ vì họ mà đi xuất gia.  Như thể để đáp ứng lại với quyết tâm mãnh liệt của tôi, các triệu chứng của bệnh từ từ giảm, đến sáng hôm sau thì hoàn toàn biến mất. Thay vì chết vào đêm đó như mọi người lo sợ, tôi đã hồi phục hoàn toàn.
Nhưng sau khi hồi phục, cường độ quyết tâm của tôi suy yếu. Lương tâm luôn nhắc nhở tôi về lời hứa xuất gia tôi đã long trọng thệ nguyện, vậy tại sao tôi lại trì hoãn? Nhiều tháng ngày không thể quyết định đã trôi qua, dù tôi luôn ý thức về thất bại của mình trong việc thực hiện lời thệ nguyện. Tại sao tôi vẫn chưa xuất gia? Tôi biết tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện lời hứa. Tôi phải tôn trọng lời hứa với thần chết: được sống nhưng phải xuất gia. Tôi biết không thể tránh né việc đó. Tôi không hề cố gắng tránh né, nhưng tôi cần chất xúc tác. Trong một cuộc trao đổi thẳng thắn với mẹ, tôi đã có sự tác động. Cả mẹ và cha tôi đều mong tôi xuất gia. Cuối cùng, những giọt nước mắt của họ buộc tôi phải quyết định. Một quyết định đánh dấu ngã rẽ cuộc đời tôi.
Cha quá muốn tôi xuất gia đến nỗi ông bắt đầu khóc. Tôi đã giật cả mình khi chứng kiến việc đó. Vì nước mắt cha không dành cho những vấn đề nhỏ. Tôi đã suy nghĩ về những giọt nước mắt của cha suốt ba ngày trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Cuối ngày thứ ba, tôi đến báo với mẹ là tôi sẽ xuất gia, với điều kiện là tôi được quyền cởi bỏ y áo bất cứ khi nào tôi muốn. Tôi khẳng định rõ là tôi sẽ không xuất gia nếu tôi bị cấm hoàn tục. Mẹ tôi là người thông minh. Bà nói nếu tôi muốn hoàn tục ngay sau buổi lễ xuất gia, trước mặt tất cả mọi người tham dự, bà cũng sẽ không phản đối. Chỉ cần một lần nhìn thấy tôi trong tấm y vàng là bà đã hài lòng. Bà chỉ mong chờ có thế. Dĩ nhiên, có ai điên rồ đến độ cởi bỏ y áo ngay trước sự chứng kiến của cả làng. Mẹ tôi đã dễ dàng lừa được  tôi.
Sau khi xuất gia, tôi bắt đầu đọc về cuộc đời của Đức Phật, khiến trong lòng tôi nảy sinh niềm tin mãnh liệt nơi Người. Tôi rất xúc động trước sự đấu tranh để đạt được giác ngộ của Đức Phật, đến nỗi nước mắt lăn dài trên má tôi. Quán tưởng về những thành tựu của Đức Phật khiến tôi thực lòng muốn được giải thoát khỏi đau khổ. Tôi quyết định nghiên cứu giáo lý của Đức Phật một cách nghiêm túc để có thể áp dụng chúng. Tôi long trọng thề nguyện sẽ hoàn thành cấp ba [2] chương trình Pali để thực hiện mục đích đó. Sau đó, tôi dự định sẽ hướng tới pháp hành. Tôi không hề muốn nghiên cứu giáo lý sâu hơn, hay thi để lên cấp bậc cao hơn.
Khi đến Chiang Mai dự khóa thi, tôi tình cờ được biết Trưởng lão Ajaan Mun cũng đã đến Wat Chedi Luang ở Chiang Mai vào thời điểm đó. Biết được tin đó, tôi tràn ngập niềm vui. Sáng hôm sau, khi đi khất thực trở về, tôi được biết ngài hòa thượng cũng đi khất thực và sẽ trở về trên cùng một cung đường. Điều này càng khiến tôi thêm háo hức được gặp ngài. Dầu không được đối mặt, chỉ được thoáng nhìn ngài, tôi cũng sẽ rất hoan hỷ.
Sáng hôm sau, trước khi trưởng lão Ajaan Mun đi khất thực, tôi vội vã đi khất thực sớm hơn, rồi trở về khu lưu trú của mình. Từ nơi đó, tôi luôn dõi mắt theo con đường mà ngài sẽ trở về. Chẳng lâu sau tôi đã nhìn thấy ngài đang đi tới. Khoảnh khắc tôi nhìn thấy ngài, một cảm giác của niềm tin tuyệt đối tràn ngập trong tôi. Tôi có cảm giác đó vì tôi nghĩ rằng mình đã nhìn thấy một vị Arahant, thật không lãng phí một kiếp con người. Dù không ai nói với tôi rằng ngài là một Arahant, nhưng tôi hoàn toàn bị thuyết phục khi nhìn thấy ngài. Ngay lúc ấy, một cảm giác phấn khích khó diễn tả, đột nhiên phát khởi, khiến tôi muốn nổi da gà.
Khi đã hoàn tất các kỳ thi chương trình học Pāli, tôi trở về Bangkok với ý định tìm nơi yên tịnh để thực hành thiền định theo như ý nguyện của mình. Nhưng khi về đến Bangkok, sư phụ của tôi khăng khăng buộc tôi trụ lại chùa. Sư rất muốn tôi tiếp tục chương trình học kinh điển Pāli. Tôi tìm cách thối thác vì tôi cảm thấy cần thực hiện ý nguyện của mình. Tôi đã thề trong mọi hoàn cảnh sẽ không học tiếp hay tham dự bất cứ kỳ thi Pāli cao cấp tiếp theo.
Tánh tôi đề cao sự trung thực. Một khi đã thệ nguyện điều gì, tôi quyết thực hiện điều đó. Ngay cả mạng sống, tôi cũng không coi trọng bằng lời thệ nguyện. Vì vậy, tôi quyết tìm cách thoát khỏi chùa để chuyên tâm hành thiền. May mắn thay, sư phụ tôi được mời đi hoằng pháp xa, thế là tôi có cơ hội rời khỏi Bangkok. Nếu không tôi khó ra đi vì tôi cảm thấy mang nặng ơn thầy. 
Khi bắt đầu thực hành, tôi đã rất nhiệt tâm, tinh cần - vì tánh tôi là thế.  Tôi không giải đãi. Khi đã quyết tâm, tôi phải làm cho bằng được.  Lúc bắt đầu thực hành, trong chiếc túi vải của tôi chỉ có một cuốn sách - Pāṭimokkha. Nhưng tôi quyết phấn đấu để đi hết đạo lộ và thành tựu mỹ mãn. Tôi quyết cống hiến hết mình - dành hết cuộc sống cho lý tưởng đó. Tôi không hy vọng bất cứ điều gì ngoải sự giải thoát khỏi khổ đau. Tôi chắc chắn rằng mình sẽ đạt được giải thoát trong kiếp sống này. Tôi chỉ mong mình sẽ tìm được minh sư để khẳng định với tôi rằng đạo lộ, đạo quả và Niết bàn vẫn còn đó, chờ đợi người hữu duyên. Tôi sẽ dâng hiến cuộc đời mình cho vị thầy đó, cho đạo pháp mà không giữ lại bất cứ điều gì. Nếu điều đó có nghĩa là cái chết, tôi sẽ chết để hành thiền. Tôi sẽ không chết trong sự thối lui nhục nhã. Tâm tôi vững chãi tựa trụ đá.
Tôi trải qua những mùa an cư tiếp theo tại Cakkaraad của tỉnh Nakhon Ratchasima, vì tôi chưa gặp được ngài Ajaan Mun. 
Ngay khi đến đó, tôi bắt đầu tăng tốc nỗ lực của mình, hành thiền cả ngày lẫn đêm; Và không lâu sau tâm tôi đạt được sự tĩnh lặng của samādhi. Tôi không muốn làm gì khác hơn là ngồi thiền và đi kinh hành, vì thế tôi thúc đẩy bản thân cho đến khi thiền định samādhi của tôi thực sự vững chắc.
Khi cuối cùng tôi được gặp Ajaan Mun, ngài đã dạy tôi pháp như thể nó tuôn chảy từ trái tim ông. Ngài không bao giờ sử dụng những từ, "Nó có thể như thế" hoặc "Nó có vẻ như thế này", bởi vì kiến thức của ngài đến trực tiếp từ kinh nghiệm bản thân. Cứ như thể ngài luôn nói: "Ngay đây. Ngay tại đây." Đạo lộ, đạo quả và Nibbāna ở đâu? "Ngay đây. Ngay tại đây." Tôi thực sự bị thuyết phục.  Vì thế, tôi đã long trọng thệ nguyện: Khi nào ngài còn, tôi không bao giờ rời bỏ ngài. Dầu tôi có đi đâu, tôi cũng trở về với ngài. Với quyết tâm đó, tôi đã tăng tốc nỗ lực hơn trong pháp hành.
So sánh bản thân với ngài Ajaan Mun, tôi có thể thấy rằng chúng tôi rất khác nhau. Khi Ajaan Mun quán sát một điều gì đó, ngài hiểu nó một cách thấu đáo, đúng theo mọi góc cạnh của tâm. Ngài không có cái nhìn một chiều, mà luôn có cái nhìn bao quát đầy trí tuệ. Tôi đã học được nhiều bài học như thế khi chung sống với ngài.
Do vậy, việc tu học với ngài Ajaan Mun không chỉ đơn giản là nghiên cứu, học tập giáo Pháp, tôi còn phải thích nghi với các pháp hành của ngài, cho đến độ chúng in sâu vào tâm tưởng, lời nói và hành động của tôi. Được sống với ngài trong một thời gian dài cho phép tôi dần dần nhận biết thói quen, các pháp hành, và lý do hành động của ngài. Tôi an tâm khi ở bên cạnh ngài, vì ngài là Pháp vẹn toàn. Mặt khác, sự có mặt của ngài luôn khiến tôi phải dè chừng và kiềm chế các hành vi.
Khi sống cùng Ajaan Mun, tôi cảm thấy dường như đạo lộ, đạo quả và Niết-bàn đã ở trong tầm tay. Tôi cảm thấy mọi việc mình làm đều tốt đẹp và sẽ mang đến những kết quả hoàn mãn. Nhưng khi tôi rời xa ngài để du hành vào rừng sâu một mình, tất cả mọi thứ đều thay đổi.  Đó là vì tâm tôi còn thiếu căn bản vững chắc, nên nghi hoặc phát sinh.  Khi đó, tôi không biết phải hành xử ra sao, nên tôi chạy về nhờ ngài khuyên giải. Một khi ngài đề xuất hướng giải quyết, vấn đề dường như biến mất ngay tức thì, như thể ngài đã cắt bứt cho tôi. Đôi khi tôi chỉ vừa xa ngài chừng năm hay sáu ngày, là vấn đề phát sinh, làm khó dễ tôi. Nếu không giải quyết được, tôi phải quay về gặp ngài ngay vì tôi cần được khuyên giải ngay tức thì.
Suốt cuộc đời, tôi chưa bao giờ nỗ lực mạnh mẽ như trong mùa an cư thứ mười. Tâm và thân đều căng sức. Từ lúc đó, tôi tiếp tục tiến bộ cho đến khi tâm trí trở nên vững chắc như một tảng đá. Nói cách khác, tôi đã rất thiện xảo trong thiền định đến nỗi tâm tôi không thể bị lay chuyển. Nó cứng như đá. Nhưng rồi, tôi trở nên bám víu vào sự hoàn toàn tĩnh lặng, bình an trong trạng thái thiền định; đến nỗi việc hành thiền của tôi bị mắc kẹt ở mức độ thiền định đó trong suốt năm năm.
I still had not attained. My visions had always prophesied accurately before, but I began to suspect that this one had lied to me. Being somewhat frustrated, I decided to ask a fellow monk who I trusted what he made of the discrepancy. He immediately retorted that I must calculate a full year: from the beginning of the sixteenth rains retreat to the beginning of the seventeenth. Doing that gave me nine more months of my sixteenth year. I was elated by his explanation and got back to work in earnest.
Đến mùa an cư thứ mười sáu của tôi, ngài thiền sư bệnh nặng một thời gian và qua đời ngay cuối mùa an cư đó.  Ajaan Mun luôn gần gũi, truyền cảm hứng và sẵn sàng giải tỏa những nghi ngờ, thắc mắc của tôi về con đường đạo. Sự ra đi của Ajaan Mun với tư cách là người hướng dẫn và cố vấn đã ảnh hưởng sâu sắc đến hy vọng đạt được giác ngộ của tôi. Đã qua rồi những giải pháp dễ dàng mà ngài đã trao tay. Tôi không thể nghĩ có ai khác có thể giúp mình trong các pháp hành. Bây giờ tôi phải hoàn toàn tự lo.
9/2021
(Trích dịch theo https://www.accesstoinsight.org/lib/thai/boowa/index.html)
Chú thích:
[1] Theo lời giới thiệu trong TUỆ PHÁT TRIỂN ĐỊNH, Dịch giả Minh Hạnh, Diệu Hạnh, Thư Viện Hoa Sen.
[2] Có 9 cấp bậc tổng cộng. Khi xong cấp 3, vị sư sẽ được có danh xưng Maaha.
28/12/2021
Nhiều tác giả
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gọi rẫy thiêng liêng như tên buôn, tên vợ, tên chồng Nhà thơ Bùi Minh Vũ vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông s...