Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Cuộc đời tranh đấu của Gandhi - Đời Thánh Cam Địa 3

Cuộc đời tranh đấu của Gandhi
Đời Thánh Cam Địa 3

Chương 19
THẢM KỊCH TRÊN BỜ BIỂN
Bản tâm Cam-Địa chưa muốn đi ngay đến chỗ quyết liệt cùng người Anh, song ông đã hứa cùng Đảng là thời hạn cảnh cáo qua, mà người Anh chưa chịu nhượng bộ, thì ông sẽ công nhận làm người thừa hành trung tín của phong trào độc lập.
Khi thi sĩ Tagore tới thăm ông. Vào khoảng trung tuần tháng giêng và hỏi ông đã quyết định gì chưa, thì ông thú thực là ông chưa nhận thấy «một tia sáng nào trong sự tối tăm u-ám bao phủ quanh ông».
Nhưng đến cuối tháng, trong số Young India ngày 27-2, Cam-Địa chỉ trích những sự bất công của khoảng thuế muối. Trong số sau, Cam-Địa nghiên cứu về những hình phạt đã chỉ định trong đạo luật ban hành thuế đó. Và ngày 2 tháng 3 năm 1930 thì gửi cho Phó Vương Anh một bức thư dài báo trước rằng phong trào bất hợp tác sẽ phát khởi trong 9 ngày.
Ngày quyết liệt đã tới. Hàng chục phóng viên ngoại quốc đã chầu chực sẵn trong khu Asharam theo gót Cam-Địa từng bước để chờ xem ông hành động ra sao. Hàng ngàn dân chúng đã túc trực sẵn quanh khu. Và mỗi ngày, điện tín khuyến khích tự bốn phương thế giới bay đến tới tấp như bươm bướm. Giáo sĩ Jonh Hayes Holmes điện cho Cam-Địa: «Cầu xin Thượng-Đế che chở ông!»
Ngày 12 tháng 3, sau khi cầu nguyện, Cam-Địa chống gậy dẫn đầu 70 đồ đệ, cả nam lẫn nữ, từ giã Saharmati nhắm phía Nam thẳng tiến. Trong 24 ngày liền, ông đi được 200 dặm, tới đâu cũng được hàng ngàn vạn dân chúng quỳ sẵn ở dọc đường để đón tiếp. Chốc chốc, ông lại dừng bước, hội họp dân chúng khuyên nhủ mọi người, dùng vải nội hóa, chừa rượu và thuốc phiện, và nhất là khi nhận được hiệu lệnh ông thì nhất tề phản kháng không nộp thuế muối cho chính phủ. Bấy giờ ông đã 61 tuổi. Ông đi tới đâu thì các hương chức trong làng trả lại chức vụ cho người Anh, và thanh niên trai tráng thì theo nhập vào đoàn lữ hành, ngày 5 tháng 4, Cam-Địa tới ven biển thì đoàn 70 lữ khách buổi đầu đã thành một đạo quân « không bạo động » hàng chục chục ngàn người.
Suốt đêm hôm mồng 5, cả đoàn người cầu nguyện và đến sáng sớm thì họ theo Cam-Địa ra bãi biển. Ông lội xuống nước rồi trở lên bãi, mang theo một vốc muối mà sóng biển đã để lại ven bờ. Bà Saroyini Saidou đứng cạnh ông liền hô lớn: «Hoan hô người giải phóng»
Thế là ông đã tự ý phạm vào đạo luật muối của chính-phủ. xử phạt những ngưới nào có một hạt muối bằng bất cứ cách gì ngoài cách mua của chính-phủ. Cam-Địa tuyên bố rằng muối, cũng như nước không phải là của riêng ai mà đòi giữ độc quyền được. Đối với người dân quê xứ nóng, làm việc quần quật dưới ánh nắng thiêu đốt, mồ hội nhễ nhại, ruột gan khô héo thì hạt muối cũng cần như bát nước vậy. Sao người Anh lại nhẫn tâm… làm giầu riêng cho mình? Cam-Địa quả đã là một nhà dàn cảnh đại tài. Đi bộ ròng rã suốt 24 ngày, khiến cho cả thế giới và cả nước hướng cả về hành động của mình, tự hỏi không biết ông làm chi đây? Đôi lúc đi qua nơi nào, ông đều nói với dân chúng tụ họp bên đường:
«Xin các bạn hãy chú ý tới hiệu lệnh tôi ra cho toàn thể đồng bào khắp nước».
Thì đây, hiệu lệnh đã ban ra, trong một cử chỉ tượng trưng hùng-hào : người Ấn sử dụng thổ-sản thiên nhiên Trời phú cho đất mình. Luật pháp người Anh ngăn cấm làm sao cho nổi? Và cử chỉ ấy đã làm được toàn dân từ kẻ quê mùa dốt nát cho đến những đối thủ chính-trị siêu quần nhất của ông, cảm thấy sôi nổi trong lòng mình sức sống mãnh liệt của đất nước. Soubhas Chandra Bose người đối lập của ông đã phải kêu lên một tiếng thán phục, mà ví «cuộc lữ hành đi vớt muối» của ông với cuộc «trẩy binh anh dũng của Nã-Phá-Luân từ đảo Elbe về nơi cố quốc».
Sau khi Cam-Địa đã phát lệnh tẩy chay luật muối, thì phong-trào bùng lên như bão táp dọc một giải bờ biển từ vịnh Persique tới vịnh Bengale. Tất cả dân chúng các làng duyên hải đều mỗi người cầm một cái xoong ra biển lấy muối. Bắt hàng ngàn người cũng vô hiệu. Ramdas, con thứ ba của Thánh ở Ashram. Lãnh tụ Malaviya và một số lãnh-tụ ôn-hòa khác cũng bỏ nghị viện theo về phong-trào phản-kháng. Lính bắt đầu hành hung, song dân chúng cắn răng chịu đánh nhưng không bỏ dúm muối vừa vét được. Lắm người bị lính đánh nát cả tay mà cũng không bỏ. Trong các đô thị, những đảng viên Đảng Quốc-Hội công nhiên bán muối của chính-phủ ngoài phố. Kẻ này vào tù đã có kẻ khác theo.
Tại Delhi, chính lãnh-tụ Malaviya thân đứng bán muối không nộp thuế cho dân chúng tụ họp quanh ông. Cảnh binh tấn công xưởng làm muối của Đảng Quốc-hội đặt ngay trong trụ sở của Đảng Bombay. 60 ngàn người sắp hàng cho lính bắt. Tại Ahmedabad, Đảng bán muối cho 10 ngàn người. Người nghèo thì Đảng biếu không. Kẻ giàu muốn mua bao nhiêu thì trả. Nắm muối Cam-Địa đem từ bờ biển về đem bán đấu giá thu được một ngàn 6 trăm roupies. Yaouaharial Nehru bị xử 5 tháng tù. Thị-Trưởng thành phố Calcutta hội họp dân chúng để hô hào tẩy chay hàng ngoại quốc cũng bị xử 6 tháng tù.
Dân chúng bắt đầu canh phòng trước những tiệm bán rượu cùng những tiệm bán vải ngoại quốc không cho ai vào mua. Cảnh binh đàn áp mỗi lúc thêm dữ dội. Từ các nghị-sĩ tại hội-đồng lập pháp cho đến các học-sinh, ai nấy đều làm muối và bán muối. Tại Karachi, lính bắn vào đám biểu tình: hai người chết. Mahadev Desai, bí thư của Cam-Địa viết rằng:
«Các lãnh tụ, các viên chức, các thân hào ở Bihar đã bị bắt cả rồi. Bihar không còn người cầm đầu. Phong-trào đã hoàn toàn thắng lợi».
Các nơi bán muối mọc ra như nấm không sao đóng cửa nổi. Đảng Quốc-hội phát không những tờ cáo bạch dạy cách làm muối rất giản tiện. Một số đông thành phố tự động tổng bãi công bãi thị để phản đối các vụ bát bớ những lãnh tụ Đảng Quốc-Hội. Tại Patna, một đám đông hàng mấy ngàn người ra khỏi thành phố để đi tới một nơi làm muối. Cảnh binh chặn các ngả đường không cho đi. Dân chúng ngủ ngay trên đường và ở các ruộng lân cận 40 giờ đồng hồ liền. Lính ra lệnh cho Rayendra Prassad bây giờ cũng có mặt trong dân chúng phải giải tán ngay đám đông. Ông không chịu. Lính bèn dọa cho kỵ binh đàn áp. Dân chúng mặc. Ngựa đến thì họ nằm giải cả xuống đường. Ngựa sợ lùi bước. Lính đành phải đem xe cam nhông đến tải người vào nhà giam. Tức thì đã có những nhóm khác thế vào các người bị bắt. Trong các làng, dân chúng tự làm lấy muối mà dùng. Người Anh bắt các thân hào lập lại trật tự thì họ từ chức. Chủ tịch Hội-nghị lập pháp toàn quốc là Vithalbhai Patel cũng đệ đơn từ chức. Tại Karachi. 60 ngàn người ra bể làm muối. Họ đông quá vây dọc cả lính. Lính đành chịu không dám bắt một người nào.
Bấy giờ phó vương Anh đã bắt tới 60 ngàn tù chính-tri. Các nhà giam chật ních không còn chỗ. Ông bèn quyết định cho bắt Cam-Địa. Đêm hôm 4 tháng 5 lính sộc vào khu Ashram của Thánh, điệu ông vào ngục. Ông rất sung sướng được vào tù. Họ đối đãi với ông rất tử tế. Mỗi ngày lại đem dê vào vắt sữa để ông uống.
Trước ngày ông bị bắt, ông có gửi thư cho Phó Vương Anh báo trước rằng ông sẽ tới xưởng làm muối ở Dharasana. Sau khi ông bị bắt các đồng chí ông cứ tiếp tục cuộc hành trình.
Bà Saroyini Naidou, nhà nữ thi sĩ kiêm cách mạng gia cầm đầu 2 ngàn 500 người tình nguyện đi tới địa điểm ở phía Bắc Bombay. Bà đã dặn trước rằng cả bọn sẽ bị đánh đập tàn nhẫn song đừng ai kháng cự.
Phái viên của hãng Thông Tấn United Press bấy giờ cũng đi theo bọn biểu tình và tả rõ tấn kịch nầy ra sao. Theo Manilal Cam-Địa dẫn đầu, họ lầm lũi tiến đến gần những nồi nấu muối của Chính-phủ, có chăng thép gai bao bọc và 400 lính cảnh sát bảo vệ. Cứ từng tốp một họ sắp hàng tiến lên, bất kể đến những lời hô đứng lại của lính, để nhận trên đầu những tay thước giáng xuống nặng nề. Họ không kêu, không đỡ, im lặng ngã gục. Một tốp khác lại tiến lên. Lính đánh chán thì thúc tay thước vào bụng cùng vào hạ bộ người biểu tình. Đẫy họ vướt xuống hào sâu cũng thế. Cứ hết toàn này đến toán khác lên cho mà đánh. Bà Naidon và Manilal Cam-Địa thì bị bắt. Đến 11 giờ rưởi sáng thì đã có 320 người bị thương khiêng vào bệnh viện và hai người chết vì thương tích quá nặng. Bên ngoài, bọn người tình nguyện cứ vào cho mà đánh. Một nhóm khác mấy nghìn người đã lên đường tiếp vào đám biểu tình đang giơ đầu ra nhận gậy.
Tới giờ phút ấy, là nước Ấn đã lấy lại được tự do rồi. Dẫu rằng trên lập trường giấy tờ luật pháp, chưa có gì thay đổi, song từ nay người Âu Châu không còn tự nhận được là mình đem lại cho các dân tộc khác mầu da những quan niệm cao siêu của đời sống nữa.
Năm 1930, Cam-Địa đã thực hiện được cùng một lúc hai điều lớn lao: ông đã tỏ cho người Anh biết rằng họ đang tàn nhẫn bóc lột người Ấn, và ông đã tỏ cho người Ấn biết rằng, nếu họ muốn, họ có thể dễ dàng ngẩng cổ, vươn lưng mà rũ bỏ chiếc gông đang đè nặng trên vai họ.
Người Anh dùng gậy bịt sắt và báng súng mà bỏ vào đầu, thúc bụng người Ấn, song người Ấn không lùi. Họ để cho mà đánh, không kháng cự cũng không thèm van lạy. Đánh chán là phải chịu khoanh tay mặc cho họ muốn làm chi thì làm. Chỉ điều ấy cũng đủ làm cho người Anh bó tay, và người Ấn trở nên mạnh mẽ, vô-địch trên đất nước họ.
Bấy giờ tin Cam-Địa bắt đã lan khắp Ấn như một làn thuốc súng bén dưới que diêm. Loạn khắp nơi. Dân chúng nhất định không chịu đóng thuế. Nguồn lợi của thuộc địa sút kém một cách đáng lo ngại. Thị trấn kỹ nghệ Cholapour cạnh tỉnh Bombay tước súng của Cảnh binh và tuyên bố Độc Lập. Ở Péchouar, cảnh binh đành phải nhượng tỉnh cho một tổ-chức tôn giáo «Đảng áo đỏ» một chi nhánh của phong trào kháng chiến tiêu cực. Mãi 3 hôm sau, quân đội đến mới lấy lại được thành phố. Nhưng một đội lính bản xứ trong quân đội ngũ Anh lại làm reo nhất quyết không chịu bắn vào dân Hồi.
Các nhà đương cục Anh biết rằng nếu không tha Cam-Địa thì phong trào người Ấn không biết sẽ phát triển tới đâu. Họ bèn nhờ phóng viên báo Daily Herald vào ngục làm trung gian hỏi dò những yêu sách của Cam-Địa. Ông nói những điều kiện của một cuộc hội thảo luận giữa ông và người Anh. Ông đòi trước hết người Anh phải cho ông được gặp những lãnh tụ Quốc-Hội đã bị giam để trao đổi ý kiến. Sau hai ngày thảo luận với Matilal và Yaouaharla Nehru cùng Sayed Mahmoud và bà Naidou cùng Vallabhbhai Patel, Cam-Địa tuyên bố rằng quan điểm của ông cùng quan điểm của chính-phủ Anh khác xa nhau, vậy không thể thảo luận được. Phải chờ đến khi Thủ-Tướng Anh là Ramsay Mac Donald công nhận nguyên tắc thuận cho các đại biểu Đảng Quốc-Hội dự Hội-nghị Bàn tròn lần thứ hai tới ông mới chịu thảo luận cùng phó vương Irwin. Khi ấy ông đã được tha cùng với hai cha con Nehru và hai chục lãnh tụ khác.
Cuộc thảo luận kết thúc bằng thỏa ước ký ngày 5 tháng 3. Ông đã rứt được của người Anh lời long trọng tuyên bố công nhận nguyên tắc Độc lập của dân tộc Ấn. Đối với ông thế là đủ, vì ông đã lập được một căn bản vững chắc để làm thế tiến trong những cuộc đàm luận về sau. Song chính thực ra, thắng lợi ấy chỉ có giá trị một nguyên tắc mà thể thức áp dụng sẽ ấn định sau. Còn hiện tại, nền tự trị chưa được hứa hẹn chứ đừng nói là ban bố. Chỉ có các đại biểu Đảng Quốc-Hội sẽ được tham gia Hội-nghị Bàn Tròn lần thứ hai này, cùng là những chính-trị phạm sẽ được tha, và nghề làm muối được tự do theo đuổi.
Sau khi đó, toàn thể Đảng Quốc-hội chấp thuận quyết-nghị cử Cam-Địa làm đại-biểu của Đảng trong Hội-nghị Bàn Tròn tới.
Ngày 29 tháng 8, ông xuống tầu ở Bombay. Một số đồng chí theo ông sang Anh. Lúc tầu nhổ neo, ông ngỏ cho họ biết theo ý ông, lần này đi, khó lòng thâu đoạt được thắng lợi nào trở về. Nhưng ông đã có ý định lợi dụng Hội-nghị Bàn Tròn để làm cho Thế giới biết thêm và hiểu thêm, và do đó có cảm tình nồng nhiệt hơn với dân tộc Ấn.
Cam-Địa ở Anh từ ngày 12 tháng 9 tới ngày mồng 5 tháng chạp. Ông ở tại nhà người bạn quen, vừa là đệ tử của ông, mãi tận Kingsley Hall, cách trung tâm thành phố gần 5 dậm đường. Nhưng ông cũng đặt một nơi làm việc tại một căn phòng nhỏ số nhà 88 phố Knights bridge. Trong khu phố, ông gây được cảm tình mật thiết của người Anh. Các thợ thuyền gặp ông trên đường tới nhà máy buổi sáng đều chào ông kính cẩn. Các bà nội trợ, các em nhỏ thường được ông đứng lại hỏi han vui vẻ. Trẻ gọi ông là «Bác Cam-Địa». Có đứa thấy ông quấn phá thì gọi mãi: «Ông Cam-Địa ơi! quần ông đâu mà ông mặc váy» làm ông cười mãi không thôi. Phóng viên các báo thi nhau kể những truyện kỳ thú về ông. Một tờ kể lại một ngày kia ông đã phủ phục rất cung kính để đón tiếp Thái-tử Anh. Lúc gặp những viên đó, ông liền cười mà cải chính:
«Ông bạn ơi! tất cả những điều ông kể đó tỏ ra ông giầu trí tưởng tượng lắm. Song, tôi cần cải chính rằng tôi có thể quỳ gối trước một kẻ cùng dân hạ tiện nhất trong nước tôi, để sớm hối cái tội đồng bào tôi đã hạnh hạ y trải bao thế hệ; nhưng còn quỳ gối trước mặt thái-tử Anh thì thực quả không bao giờ, ngay đến Quốc-Vương Anh nữa chứ đừng nói Thái-tử không thôi. Bởi lẽ rất dản dị là Thái-Từ Anh là tượng trưng của cái uy quyền hỗn xược mà người Ấn đang muốn trút bỏ».
Cam-Địa được mời đến Hoàng Cung để dùng trà với Vua và Hoàng Hậu. Cả nước Anh xôn xao chờ đợi xem ông ăn mặc ra sao, ông vận phá, đi dép gài, quàng một chiếc khăn san, và đeo lủng lẳng đồng hồ ở đầu một sợi dây mắc qua thắt lưng. Có người hỏi: «Ông mặc thế không thấy lạnh sao?» Ông trả lời: «Nhà Vua mặc nhiều áo, thế cũng đủ ấm lây sang tôi».
Khi ông đến chơi nhà Cựu Thủ-Tướng Anh trong thời chiến-tranh là David Lloyd George thì không ai bảo ai, các tôi tớ kẻ hầu người hạ trong nhà đều nhất tề ra lạy chào ông. Ông rất lấy làm cảm động.
Charlie Chaplin cũng muốn đến thăm ông. Ông vốn không thích trò chiếu ảnh, từ chối không muốn tiếp, nhất là hề Charlot lại là một tài tử giầu có và sang trọng bậc nhất thế giới. Song nghe nói Charlot xuất thân tại một gia đình hàn tiện ở vùng ngoại ô kinh thành, ông có cảm tình ngay bèn mời đến chơi. Câu hỏi trước tiên của Chaplin là quan điểm của Thánh đối với máy móc ra sao. Có lẽ hai người hiểu nhau lắm, nên cùng nhau cười đùa thân mật. Phải chăng vì câu chuyện hôm ấy mà sau này Charlot thực hiện một cuốn phim chế giễu cuộc đời quá ư máy móc đó chăng?
Tại Luân-Đôn, Cam-Địa còn gặp cả nhà kịch-sĩ trứ danh Bernard Shaw, Lord Itwin, tướng Smits, các giáo sĩ ở Canturbery và hàng trăm nhân vật khác.
Smits nhắc lại chuyện cũ ở Nam-Phi: «Tôi chưa bao giờ gây cho ông những sự phiền nhiễu như ông đã gây cho tôi vậy». Cam-Địa cười mà xin lỗi: «Tôi không ngờ lại đến nỗi thế».
Trong 48 ngày ở Anh, ông gắng sức giải thích quan điểm của ông về nền độc lập mà người Ấn mong muốn.
Cam-Địa chú trọng vào mục-đích làm cho người Anh hiểu thấu và cảm mến người dân Ấn, hơn là bàn cãi với chính-phủ Anh trong Hội-nghị Bàn tròn. Và trong phạm vi ấy ông đã hoàn toàn mãn nguyện. Đi đến đâu, ông cũng chinh phục được lòng mến phục của mọi người, vì đức tính giản dị và niềm nở của ông, nụ cười tươi tắn của ông, cùng là những tư tưởng bác ái cao siêu phản ánh ra lời nói. Chính-phủ Anh cử hai viên thám tử làm hộ vệ cho ông. Hai viên này vẫn thường được cắt đi bảo vệ cho các vua chúa, hoặc nhân vật quan trọng ngoại quốc trong thời gian họ trú ngụ tại Anh. Trái với thói thường hách dịch của những người bao giờ cũng làm như không biết đến sự hiện diện của những người phận sự phải theo gót mình, Cam-Địa rất niềm nở và thân mật với hai người vệ sĩ của ông. Ông đến thăm cả gia-đình họ nữa. Và khi ông về thì mời cả họ sang Ấn chơi với ông.
Hàng ngày ông vẫn phải đi dự đều Hội-nghị Bàn tròn. Mục đích của hội-nghị này là ấn-định một biện pháp «sẽ ban hành ở Ấn». Hội-nghị đã đi đến thất-bại, bởi lẽ đã làm tăng những sự xung đột giữa người Ấn cùng người Hồi, và do đó, gây ra những kết quả tai-hại vô chừng.
Phái đoàn Ấn thuộc Anh có đủ các đại diện các nghề nghiệp cùng các đoàn thể tôn giáo. Người nào cũng đòi cho mình một thể thức bầu cử riêng, một số nghề nhất định tại các hội-nghị lập pháp, v.v… Các nhà cầm quyền Anh đã nâng đỡ cho những khuynh hướng chia rẽ vậy.
Ngay trong hội-nghị, sự xung đột giữa người Ấn và người Hồi đã phát hiện rồi.
Đại biểu Hồi nói rằng Ấn và Hồi bất đồng ý-kiến bởi vì họ theo hai tôn giáo khác nhau, và thờ những vị Thần khác nhau. Đại biểu Ấn vừa đáp lại rằng Ấn và Hồi đều thờ cùng một Đấng Thượng-Đế, thì đại-biểu Hồi vắn tắt trả lời:
«Không. Vì Thượng-Đế của tôi thiên về chính-sách bầu cử riêng biệt, còn Thượng-Đế của vị đại biểu Ấn đây lại ngả về chính-sách bầu cử chung».
Cam-Địa tuyên bố phản đối mọi cuộc bầu cử riêng biệt. Trong một xứ Ấn tự trị, chỉ có người Ấn chứ không có phân biệt nghề nghiệp cùng tôn giáo chi hết.
Bây giờ lại thêm có đại biểu giai cấp Tiện dân cũng được người Anh cho dự Hội-nghị Bàn-tròn. Ông ta cũng đòi một chính-sách bầu cử riêng biệt hoặc ít nhất cũng một số ghế đã định trước ở các hội-nghị lập pháp.
Thực là mỉa mai đối với Cam-Địa, với cái mộng tưởng quy hợp tất cả người Ấn, người Hồi, lẫn các giai cấp cùng định vào một khối dân tộc duy nhất trong đó tất cả mọi người đều là người Ấn-Độ, chứ không có phân biệt người Ấn, người Hồi hay người Bà-La-Môn, người tiện dân chi cả. Ông đã khản cổ kêu gào người Ấn và người Hồi hãy trở lại tình thân mật trong cuộc tranh đấu chung ngày xưa. Ông đã chịu những cơn bão táp phản kháng của giai cấp ông đã bênh vực những người cùng dân bị Xã-hội khinh rẻ một cách bất công. Vậy mà ngày nay, trong giờ phút quyết liệt mà số phận của Tổ Quốc đang ấn định, thì họ lại mắc mưu chia rẽ mà quên hẳn nghĩa lớn, bo bo giữ lấy lợi riêng.
Bởi thế cho nên Hội-nghị Bàn-tròn thất bại. Vì người Anh chủ tâm bám vững vào đất Ấn, chưa chịu nhả.
Chương 20
VINH VÀ NHỤC
CAM ĐỊA về tới Ấn thì thấy niềm hứng khởi của dân chúng, so với hồi vừa thắng được nhà cầm quyền Anh với cuộc «hành trình Muối» nay không còn nữa.
Vì bấy giờ chính-trị Anh đã xoay chiều và chịu ảnh hưởng của một đảng-viên Bảo-thủ giữ ghế Ấn-Độ-Vụ là Sir Samuel Hoare. Bởi thế cho nên, hai hôm mới đây, Nehru cùng Cherouani bị bắt ở Bombay. Đồng thời để đối phó với một phong-trào không đóng thuế rộng lớn đang tiếp diễn ở các tỉnh biên-giới miền Bắc, các nhà cầm-quyền địa-phương đã dùng nhiều phương sách bất hợp pháp, như tịch thu nhà cửa, tiền gửi nhà nhà Băng, bắt bớ các người tình nghi, khóa miệng báo chí, bãi bỏ các tòa án thường để thay bằng những tòa án quân-sự, giải tán các đảng chính-trị, cấm đoán tụ họp, biểu-tình, v.v…
Ngày sau hôm về tới Ấn, Cam-Địa điện cho Phó Vương Anh để phản-đối về những biện-pháp nói trên và yêu cầu được gặp ông để thảo luận.
Ngày mồng 3 tháng giêng, Cam-Địa tuyên-cáo cùng quốc dân rằng Chính-phủ Anh ở Ấn đã không chịu thảo luận gì với ông.
Ngày hôm sau thì ông bị bắt. Mới mấy tuần trước, ông là thượng khách của Anh Hoàng tại điện Buchingham, bây giờ ông cũng lại là «thượng khách» của Anh Hoàng, nhưng lần này ở ngục Yéravda.
Nhà cầm-quyền Anh quyết tâm diệt phong-trào Quốc-hội. Phần lớn các lãnh-tụ đều bị bắt. Các tổ-chức trung-ương cùng chi nhánh của Đảng bị giải tán. Tháng hai năm ấy, 17.800 người bị bắt vì lý do chính-trị.
Vallababhai Patel và Mahadev Desai cũng bị hạ ngục. Cam-Địa đòi được giam cùng với hai người bạn trên, và hàng ngày ông cùng họ đàm luận rất mật thiết.
Cam-Địa hàng ngày đọc kỹ các báo, giặt quần áo và dệt cửi. Ban đêm ông ngắm trăng sao mà suy ngẫm. Ông đọc rất nhiều sách nhất là các tác giả Uptin Sinclair, Gocthe và Kingsley. Ông tiếp tục viết một cuốn sách nhỏ nói về tính chất của Thượng-Đế và đạo làm người.
Theo Cam-Địa bổn phận trước tiên của người sùng bái Đấng Thượng-đế phải là tôn-trọng sự thật, vì sự thực, là Thượng-đế đó. Đây là điều mà ông hàng nhắc lại trăm ngàn lần không biết chán. Ông nói:
«Sự thật phải xuất hiện một cách rõ ràng trong tư tưởng chúng ta, cũng như trong những điều ta nói, ta viết những hành-động của ta».
Sự Thật cùng với Thượng-Đế và nhân đạo chỉ là một. Chính là ở Sự Thật, mà thuyết không bạo động đã nẩy nở. Ông nhận Sự Thật chỉ là một, song mỗi người, mỗi dân tộc nhìn Sự Thật với con mắt khác nhau. Điều đó không đáng chê trách nhất là người đi tìm Sự Thật mà chỉ định hủy diệt những người nào không cùng nhìn sự Sự Thật với một con mắt như của mình. Làm sao mà thực hiện được sự cảm thông với Thượng-Đế nếu người ta chỉ biết giết chóc và khinh mạn? Trong khi ấy thì không bạo động, không những giữ được sự bình lặng của tâm hồn cùng sự ôn hòa của cử chỉ, mà còn là ngụ một lòng yêu thương nhân loại sâu xa; vì thế mà xua đuổi được những tư tưởng thấp hèn, lòng dối trá và ghen ghét.
Muốn khỏi trái đạo làm người, ngoài lòng sùng kính Sự Thật và ghê tởm bạo lực, còn cần phải giữ mình cho thanh sạch. Khi trai gái trao đổi tình yêu, thì ngoài hai người họ ra, còn có gì quan trọng hơn đối với họ?
«Hai ta trước đã, muốn trời muốn quỷ gì thì cũng hãy đợi xong đã… Những người như thế thì đạt sao được tới đỉnh ngọn của Tình yêu Nhân loại?»
Vậy thì những người đã nên chồng vợ có vì thú vui vật chất mà không còn lòng yêu nhân loại không? Không. Vì tình chăn gối nếu chỉ có công dụng để gìn giữ giống nòi thì không có gì đáng trách. Bởi thế, nên đừng tìm ở cái phận sự thiên nhiên đó một thú vui thái quá. Sự khoái lạc ngăn cản người ta khó đạt được tới Thượng-Đế cùng là tình nhân loại.
Cam-Địa còn nhấn mạnh vào sự phù phiếm của tiền bạc cùng là mọi danh vọng, địa vị trên đời này. Bởi vậy, lo sợ cho tương lai tức là không tin tưởng ở Thượng-Đế. Khi ta lo dành dụm tiền bạc nói là để gây dựng cho con cái sau này, thì ta đã tỏ ra không tin tưởng ở khả năng của chúng, cùng là lòng thương của Thượng-Đế đối với chúng. Ngoài ra, tha thiết với giàu sang danh vọng, tức là sợ hãi hiện tại cũng như tương lai. Sợ, tức là gian dối. Người chính đạo không bao giờ sợ sệt. Bởi vậy, ông mới khuyên người ta đừng nên lấy cắp tiền bạc cùng vật dụng của nhau. Tức là đừng nên quá chú trọng vào quyền tư hữu. Ông nói:
«Một nền văn minh chân chính không có nghĩa là làm nẩy nở thêm nhu cầu, mà lại dạy cho loài người học cách chế ngự và giảm bớt nhu cầu đi».
Trong khi ở trong ngục thất, Thánh Cam-Địa hành ngày suy ngẩm về đạo làm người, thì bên ngoài dân chúng xôn xao lo sợ.
Ở trong nhà giam, Cam-Địa được tin là bản hiến pháp mới sắp ban hành cho Ấn sẽ chứa đủ những điều mà ông công kích như việc bầu cử riêng biệt không những cho mọi khối Ấn Hồi, mà còn cho mọi giai-cấp. Cả giai-cấp tiện dân cũng được quyền bầu cử một số đại biểu riêng của mình tại các viện lập pháp trung ương và địa phương. Ông bèn viết cho Sir Samuel Hoare một bức thư tỏ rõ rằng chế độ ấy sẽ cáo chung vĩnh-viễn sự duy nhất của dân tộc Ấn. và làm cho dân tộc Ấn muôn đời chia rẽ hèn yếu.
Viên bộ trưởng Ấn-Độ-Vụ trả lời ông rằng chưa có điều gì quyết định, và khi nào quyết định thì người ta sã chú ý tới điều thỉnh nguyện của ông.
Nhưng ngày 17 tháng 8 năm 1932 thì Thủ Tướng Ramsay Mac Donald công bố quyết nghị áp dụng các cuộc bầu cử riêng biệt cho dân Ấn.
Ngày hôm sau, ông viết cho Mac Donald một bức thư thống thiết nói rằng từ nay 20 tháng 9 tới trở đi, ông sẽ tuyệt thực cho đến chết để phản kháng quyết nghị bất công đó.
Trong bức thư trả lời Thủ tướng Anh lấy làm ngạc nhiên là xưa nay ông vẫn tranh đấu cho tiện dân Ấn được đối đãi ngang hàng với người Ấn tự do, cớ sao nay ông lại phản đối một chính sách thực hiện nguyện vọng đó bằng cách trao quyền bầu cử cho người tiện dân?
Bấy giờ các bạn hữu cùng đệ tử của ông thấy đều nhơn nhắc Nehru, lúc ấy cũng đang bị bắt giam, rất đỗi lo buồn là vì không còn trông thấy mặt ông thầy thân yêu nữa.
Nhưng khi được tin bên ngoài dân tình sôi nổi vì cuộc tuyệt thực của Cam-Địa, ông lại thấy lòng tràn ngập một niềm tin tưởng sâu xa. Ông viết:
«Có ai ngờ được con người bé nhỏ nằm khèo trong buồng giam tăm tối đó lại có pháp thuật diệu kỳ. Chỉ một ngón tay đặt lên sợi dây tình cảm của loài người, là ông đã gây nên một cơn giông-tố dài ghê trong quần chúng, khiến cho địch thủ phải táng đởm kinh hồn».
Ngày 13 tháng 9, khi Cam-Địa công bố cho dân Ấn hay là ông sẽ nhịn ăn cho đến chết để phản đối những đạo luật bầu cử mới, thì người ta được chứng kiến một việc mà chưa ai từng thấy xẩy ra bao trên đất Ấn.
Người Anh đặt ra chế độ bầu cử riêng biệt để nâng đỡ người Hồi và người cùng dân Ấn chống lại người Ấn. Vậy mà đến khi được tin Cam-Địa tuyệt thực, thì chính người Hồi và người tiện-dân lại vì lòng yêu ông mà tự ý xin bỏ chế độ bầu riêng. Kiến nghị cùng thỉnh nguyện bay như bươm bướm tới phủ phó vương cùng là Hộ Ấn vụ, xin bải bỏ Hiến pháp cùng cùng là trả tự do cho thánh Cam-Địa.
Ngày 20 tới, khi Cam-Địa bắt đầu nhịn ăn trong ngục, thì bên ngoài, toàn thể dân Ấn cũng thấy dân chúng đọc kinh cầu xin Thượng-Đế che trở cho vị lãnh tụ thân yêu của dân tộc. Ngày ấy, nhà đại thi sĩ Rabindranath Tagore hội họp các môn đồ và lên tiếng:
«Ngày hôm nay, một tấm màn bi thảm vừa buông xuống toàn cõi Ấn. Dân chúng đang sống những phút lo âu lịch sử. Ông Thánh của chúng ta, người đã suốt đời phụng sự dân tộc Ấn, nay đang bắt đầu thực hiện sự hy sinh cuối cùng mà ông đã hứa, là hiến đời ông cho hạnh phúc cùng tự do của dân chúng».
Rồi ông cắt nghĩa rằng Cam-Địa nguyện một thân mình chết đi để ngăn cản không cho người Anh thực hiện ác ý của họ là gây sự chia rẽ trong đại gia đình của Xã hội Ấn. Vì ông chủ trương không bao giờ bạo động, nên ông không làm thế nào hơn là nhịn ăn để cảm hóa người Anh.
Cam-Địa được đặt nằm trên một tấm giường sắt nhỏ kê ngoài sân nhà ngục, dưới bóng một cây muỗm nhỏ. Bà Naidou được đưa đến phục dịch bên giường ông. Hai lãnh tụ Patel và Mahadev túc trực liền bên cạnh.
Bên ngoài, các lãnh tụ hội họp liên tiếp mấy hôm tại nhà Birla House để tìm cách cứu Thánh khỏi tay Thần Chết.
Ngày 23 tháng 9, Thánh nhịn ăn được 4 ngày thì các bác-sĩ thấy ông đã yếu lắm rồi, tim không còn nữa. Ông có thể tắt hơi bất thần.
Các bạn hữu của Cam-Địa ở Anh cố gắng vận động cho Chính-phủ Anh chấp thỏa hiệp Poona mà do đó phái tiện-dân đã chịu nhượng-bộ để hợp-tác với Cam-Địa song lại vướng phải ngày chủ nhật, Chính-phủ nghỉ. Mãi đến chiều tối Mac Donald mới về, thấy thế, ông liền hội họp mấy tổng-trưởng khác nghiên cứu bản thỏa hiệp đệ-trình thâu đêm hôm chủ nhật.
Trong khi ấy thì Cam-Địa đã ngắc ngoải. Ông đã chỉ cho bà vợ mấy thứ vật dụng riêng ông đưa bà giữ làm kỷ-niệm. Ông đã cấm khẩu. Sáng thứ hai thì Tagore tức tốc từ Calcutta đến, đem theo quyển thơ của mình và bình cho Cam-Địa nghe để giúp ông giữ được tinh thần tỉnh táo.
Mấy giờ sau, thì có điện của Luân-Đôn đánh về New Delhi báo tin Chính-phủ Anh đã chấp thuận bản thỏa hiệp Poona, Thế là Cam-Địa đã toại nguyện 5 giờ 15 phút chiều hôm đó, trước mặt đông đủ bạn hữu và đệ tử, ông nhấp môi vào cốc nước cam do bà vợ dâng lên.
Cuộc bãi thực lần này của Cam-Địa chứng tỏ rằng cảm tình của toàn khối mấy trăm triệu dân Ấn đối với ông mật thiết xiết bao. Đối với họ, ông là một bực Thánh, một linh hồn cao cả, một biến thân của Thượng Đế. Họ để ông chết sao được? Cho nên đến lúc ông nhất định tuyệt thực để về trời, là họ thấy tất cả những xây dựng của loài người, nào luật pháp, nào chương trình, nào hiến pháp, nào bầu cử, có ý nghĩa chi đâu. Muôn người như một, ai cũng chỉ còn ý tưởng độc nhất là làm sao cứu sống Thánh. Mối tình của dân tộc Ấn đối với Thánh Cam-Địa cũng thiêng liêng cao cả như mối tình một người mẹ đang đứng trước nòi con ốm. Có thể làm gì được để cứu thoát đứa con yêu khỏi móng vuốt Tử Thần, mà họ chẳng làm?
Chương 21
THÁNH CAM ĐỊA VÀ CÁC VẤN ĐỀ XàHỘI
Thánh Cam-Địa quan-niệm các vấn đề xã-hội như những hoạt động căn bản của một quốc gia, trên mọi chương-trình chính-trị mà ông cho là những việc phụ.
Ông tin rằng muốn nâng cao mực sống – vật chất cũng như tinh thần – của người dân, thì phải lập nên những tổ-chức xã-hội chuyên chú riêng vào từng ngành hoạt động, và gồm rất nhiều phần tử tình nguyện đắc lực.
Năm 1933, nằm trong nhà giam, Cam-Địa lập một hội cứu tế, để giúp đỡ kẻ Tiện Dân; và ông phát hành tờ báo Haryien (Tiện Dân) để thay thế cho tờ Young India bị Chính-phủ Anh đình bản.
Cũng năm ấy ông đem khu trại Ashram mà ông đã dựng nên cấp cho một nhóm Tiện dân để làm phương-kế sinh-nhai, rồi đem các đồ đệ đến ở tỉnh Quarda, miền trung Ấn-độ. Ngày 7 tháng 11 năm ấy, ông từ Quarda khởi một cuộc hành trình 10 tháng để đi thăm các khu tiện dân.
Do những cuộc đi thăm dân tình đó, ông thấy rằng nguồn sinh hoạt của Ấn là ở các làng xóm thôn quê chứ không phải ở các nơi đô thị. Vì thế, ông viết:
«Nếu chúng ta giải-phóng được các miền quê khỏi nạn nghèo đói, thì chúng ta sẽ đoạt được nền tự trị cho dân tộc».
Đừng nên nhầm là Cam-Địa tán dương sự nghèo khó khinh rẻ sự giầu mạnh đâu. Ông chỉ khuyên người ta phụng sự dân chúng một cách hoàn toàn vô tư, không vụ lợi. Và ông nhắc luôn luôn mọi người rằng với cái khí hậu và những nguồn lợi thiên nhiên phong phú nước Ấn sẵn có, nếu dân chúng đừng phung phí tài sản cùng nghị lực, thì chắc chắn dân Ấn sẽ trở nên dân tộc đầy đủ sung sướng vào bậc nhất thế giới.
Về vấn đề quân phân sản nghiệp, ông công nhận quyền tư hữu song ông bắt buộc các chủ đất phải tham gia một cách thiết thực vào công cuộc khai phá trồng-trọt. Chủ điền phải coi tá điền như một kẻ thân tín, mình nhờ cậy trông nom hộ đất đai.
Ông nhắc cho công nhân, nông dân hay thợ thuyền - biết sức mạnh của họ. Họ chỉ cần biết nói một tiếng «không» (tức là bất hợp tác) là tức khắc phái chủ phải điều đình. Vậy người thợ có quyền làm reo cũng như người tá điền có quyền từ chối không nộp hoa lợi.
Tuy nhiên, ông phản đối thuyết cộng sản ở chỗ thuyết này cho rằng tình trạng đấu tranh không thể được giữ phái chủ và phái thợ. Theo ông, sự hợp tác thân mật giữa hai phái là điều có thể thực hiện.
Năm 1943, và lần thứ hai vào năm 1945, Cam-Địa kêu gọi các nhà đại tư-bản Ấn hưởng ứng «Chương trình kiến-thiết» của ông. Ông nói:
«Muốn thiết lập một thể chế ôn hòa, không dùng bạo lực, thì trước hết phải lấp bằng cái hố sâu đang chia rẽ những nhà triệu phú và hàng triệu đồng bào cùng khốn của họ. Trong một xứ Ấn-Độ tự-do, mà người nghèo cùng được hưởng đầy đủ quyền lợi, bình đẳng với người giàu, không thế nào còn để tồn tại cái quang cảnh trái ngược giữa các tòa lâu đài ở Tân-Đề-Ly và những túp lều lụp xụp của đám bình dân. Nếu các bạn không tự ý đem của cải thừa thãi của mình mà san sẻ cho đồng bào đói rách, thì một ngày kia bạn cũng mất không của cải đó trong một cuộc cách mạng đẫm máu mà thôi!»
Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông hoàn toàn vô hiệu lực.
Vậy nếu không làm cách nào chia được của cải của người giàu cho người nghèo, thì ông tìm cách san sẻ bớt những quyền hành người giàu nhờ của cải mà có, cho người nghèo vậy.
Ông muốn truất độc quyền kinh tế ở tay người giàu, song không muốn trao quyền đó cho Chính-phủ. Ông hy vọng rằng các nhà máy sản-xuất hóa-phẩm cần thiết sẽ thuộc quyền tư-hữu của các làng. Và nhiệm vụ của chính-quyền là kiểm-soát và quân phân cho công bình những hóa-phẩm chế ra.
Có người hỏi ông: ''Trong nước Ấn tự-do tương lai, ông sẽ quan-niệm thì chương-trình cải-thiện đời sống của nông dân ra sao?''
Ông trả lời: ''Dân quê sẽ chiếm lấy đất cát. Vì đất là của họ''.
Lại hỏi: ''Những các địa chủ có quyền đòi một sự đến bồi nào không?''
Ông trả lời: ''Không! Vì Chính-phủ làm gì có tiền mà đền cho họ. Còn dân quê thì lẽ dĩ nhiên là không có gì rồi''.
Cam-Địa không cho rằng người ta chỉ sung-sướng khi nào thỏa-mãn được hết thẩy những nhu cầu phức-tạp mà đời sống văn-minh gây ra cho loài người đâu. Ông không công nhận sự tự-do kiếm lời. Trong số Haryien ngày 9 tháng 10 năm 1937, ông viết:
«Một nền kinh-tế chỉ dạy người ta thi nhau kiếm lời là một khoa học sai lầm và tai hại vô ngần. Vì lẽ này tất nhiên phải làm giàu trên sự thua thiệt của kẻ kém vế trên trường kinh-tế».
Ông cảnh cáo những người sống cuộc đời vật chất quá đầy đủ với những tủ lạnh, ô tô, nhà lầu…:
''Đế-quốc La-mã ngày xưa đã bắt đầu suy bại về tinh thần, sau khi thừa thãi ê chề của cải vật chất''.
Ông quan-niệm một nước hoàn toàn tự-do như là một quốc-gia trong đó người dân được hưởng đầy đủ nền tự-do tinh-thần cũng như tự-do cá-nhân. Ông cho là nước nào mà dân chúng ngu muội bị kẻ cầm quyền chăn dẫn, như đàn cừu theo cái gậy của người chăn chiên, thì nước đó chẳng có chi là dân chủ. Tuy nhiên, nếu được hưởng quyền lợi thì người dân cũng phải có bổn phận : đó là sự tuân theo kỷ-luật. Lẽ dĩ nhiên, đó là cái kỷ-luật tự buộc mình phải tuân theo lẽ phải, lương tâm, chứ không phải là nhà cầm quyền bắt sao nghe vậy. Ông khuyên mọi người chúng ta phải nên thận trọng, vì nếu tự mình không ghép được mình vào kỷ luật, thì nhà cầm quyền sẽ bắt buộc mình phải theo, như thế còn gì là nền dân chủ nữa?
Nhưng dân chủ đối với ông còn có một nghĩa nữa. Dân chủ, đúng nghĩa ra, là ý muốn của số đông. Nhưng nếu đa số quyết định không phải đạo, thì người dân tự-do có quyền nghe theo tiếng nói của lương tâm mình mà không tuân lệnh.
Xem thế đủ biết Cam-Địa không phải là người mở đường cho chủ-nghĩa cộng-sản, cũng như ông không có cảm tình gì với chủ-nghĩa ấy.
Ngay từ ngày 24 tháng một năm 1921, chúng ta đã chẳng từng nghe thấy ông đoán quyết rằng dân tộc Ấn không muốn theo cộng-sản đó sao? Ông đã viết:
«Không phải tất cả mọi người cộng-sản đều xấu đâu, cũng như không phải tất cả mọi đảng viên Đảng Quốc-Hội đều tốt đẹp. Tôi không có ác cảm riêng gì đối với các đảng viên Cộng-sản; tôi không tán-thành lý thuyết của họ chỉ có thôi».
Ngày 11 tháng 12 năm 1924, ông viết rằng:
«Tôi chưa hiểu chủ-nghĩa Bon-sô-vích. Và tôi cũng không hiểu lâu nay chủ-nghĩa đó có đem hạnh-phúc lại cho dân tộc Nga không. Song có điều tôi biết rõ, và chỉ điều ấy cũng làm tôi không thể có cảm tình được với chủ nghĩa Cộng-sản, là phương châm bạo động mà họ chủ xướng, cùng là thuyết vô thần của họ. Dù mục đích theo đuổi có cao siêu đến đâu chăng nữa, tôi cũng không công nhận sự bạo-động phương châm tranh-đấu».
Tuy nhiên tư-tưởng xã-hội của Cam-Địa thiên về lý-tưởng hơn là thiên về tính-cách tranh-đấu khoa-học.
Quan-niệm của Cam-Địa về tôn-giáo thực là rộng-rãi. Ông theo đạo cổ-truyền song ông cảm-phục tất cả những điều hay lẽ phải mà các tôn giáo khác dạy người ta. Năm 1942, một ký-giả ngoại quốc tới thăm ông: thấy trên vách đất trần trụi chỉ treo một bức hình thô sơ vẽ Chúa Giê-Su với câu ghi chú: «Người là sự yên ổn của chúng ta». Ký giả lấy làm lạ, thì Cam-Địa giải thích rằng ông là tín đồ công-giáo, cũng như tín đồ Phật-giáo, Hồi-giáo, Tân-giáo, v.v… Ông viết:
''Tất cả mọi sự tín ngưỡng đều có điều siêu việt cũng như có chỗ sai lầm. Chúng ta đừng nên nhắm mắt trước chỗ lầm đó, mà cho rằng đạo giáo của ta hoàn toàn hơn các đạo khác. Bổn phận của chúng ta là phải góp thêm vào sự tín ngưỡng cổ truyền, những điều hay chúng ta học được ở các tôn giáo khác, như thế cho lý tưởng ta noi theo được sáng lạng rõ ràng hơn''.
Vì thế, cho nên, sau đạo Phật, ông yêu nhất là Gia Tô Giáo. Ông nhận thấy một lòng yêu thương nhân loại không bờ bến ở mọi khúc hát, mọi câu kinh. Cho nên họ gắng sức thuyết phục ông theo đạo Gia tô, nhưng vô hiệu. Còn ông thì không bao giờ ngỏ ý muốn thuyết một người gia-tô nào cải giáo theo đạo ông bao giờ.
Chương 22
SỨC MẠNH CỦA TINH THẦN
Đảng Quốc-Hội thắng thế trong những cuộc bầu cử năm 1936 và 1937, và số đảng viên trong toàn quốc từ 3.102.430 lên đến 4.478.720 đầu năm 1939. Trong khi ấy thì Cam-Địa đã cảm thấy chiến tranh sắp tới. Ông cho rằng cuộc chiến tranh lần này sẽ tàn khốc gấp bội cuộc chiến tranh trước. Nhưng, mặc dầu chính sách không dùng bạo lực ngăn cản ông không được tham gia vào cuộc đâm chém, cũng như lần trước. Ông sẽ phải đầu lòng mà đứng vào hàng ngũ người Anh, vì bổn-phận không cho phép ông được bỏ những người ông chung sống trên lãnh thổ của Đế-quốc Anh.
Ngày mồng 1 tháng 9 năm ấy, quân đội Quốc-xã tiến vào Ba-Lan. Tức thì Anh Quốc khai chiến với Hitler; và nước Ấn lại một phen nữa bị lôi cuốn vào vòng chiến, mà không được hỏi qua ý kiến một lời. Các lãnh tụ quốc-gia Ấn rất làm phật ý. Tuy nhiên, ngay sau hôm tuyên chiến thì Cam-Địa được Phó vương Anh, đánh điện mời đến hội kiến ở Simla. Trong cuộc hội kiến, Cam-Địa công nhận là ông không có cảm tình gì với thuyết quốc-xã của Hitler, mà theo ông chỉ là tượng trưng của sức mạnh bạo tàn sai khiến bởi một khối óc khoa-học tinh-vi ma quái. Và ông long trọng hứa với Phó vương An rằng ông sẽ không gây ra sự gì phiền nhiễu cho Chính phủ Anh ở Ấn nữa. Tuy nhiên ông không thể cam đoan sẽ xông vào vòng chiến. một khi lãnh thổ Ấn bị quân thù đe dọa.
Những Đảng Quốc Hội thì lại sẵn sàng giúp người Anh trong sự cố gắng chiến tranh, nếu những yêu sách họ đưa ra sẽ được Anh chấp nhận. Ngày 14 tháng 9 năm 1939, ban Chấp ủy của Đảng công bố một bản tuyên ngôn kết án dã tâm gây chiến của các nước độc tài, song cũng chê trách các nước dân chủ Tây phương đã bỏ mặc cho bạo lực hoành hành trong những vụ tương tự ở Mãn-Châu, ở Y-Pha-Nho và ở Tiệp. Và dân tộc Ấn còn muốn rằng các nước dân chủ Tây phương hãy tự mình ruồng bỏ, chính sách đế quốc của mình trước đi đã, rồi hãy nói đến cuộc tranh giải-phóng, kẻo các dân tộc hãy còn bị trị phải tự hỏi rằng quả thực đó là một cuộc chiến tranh giải phóng hay chỉ là một cuộc tranh giành? Dân tộc Ấn đợi các cường quốc Tây phương định rõ thái độ về điểm đó đã rồi mới đứng vào hàng ngũ tự do.
Cam-Địa không tán thành chính sách «có đi có lại» của Đảng Nhưng vừa vặn Phó vương Anh trả lời các lãnh tụ Quốc Hội rằng một nền tự trị quá sớm sẽ có hại cho người Ấn hơn là có lợi, vậy để đến khi chiến tranh chấm dứt sẽ bàn, nên các lãnh tụ nêu trên quyết định bất hợp-tác với người Anh. Thế là Cam-Địa thấy Đảng Quốc-Hội vì sự ngẫu nhiên mà quay trở về chính sách của ông vậy.
Giông tố càng ngày dữ dội ở phía trời Tây: Hitler lần lượt xâm lấn Na-Uy, nuốt Đan-Mạch, Hòa-Lan, Bỉ, cùng đánh quỵ nước Pháp, tất cả, trong vòng không đầy một tháng. Tình trạng nước Anh không có gì là khả quan. «Tại sao lúc này ta không mở phong trào tẩy chay người Anh?» Đó là quan điểm của một số lãnh tụ chính trị mỗi lúc lại đông. Cam-Địa trả lời, khuyên dân Ấn hãy bình tĩnh đợi chờ vì giờ độc lập đã điểm tới nơi. Sắp đến lúc mà người Anh cầu đến sự giúp đỡ của dân tộc Ấn rồi. Bởi thế ông gắng sức hô hào dân chúng. nhất là khi tin nước Pháp thua đã là làm cho mọi người xôn xao náo động, xô đẩy đè bẹp nhau trước các nhà băng để rút tiền về.
Trước sự biến chuyển của tình thế, ban chấp-hành Đảng Quốc-Hội lại họp ở Quarda ngày 21 tháng 6 năm 1940, và tuyên bố rằng dân tộc Ấn sẽ đứng vào hàng ngũ các các nước dân chủ trong cuộc chiến tranh hiện tại, nếu người Anh chịu trả lại nền Độc-lập cho Ấn, và trao lại quyền hành cho một chính phủ trung ương bổn xứ.
Nhưng bấy giờ, W. Churchill đang làm Thủ Tướng Anh, ông nhất quyết không chịu trả độc lập cho người Ấn. Tại sao? Vì «không đời nào ông lại chịu chính tay mình làm tan rã Đế Quốc Anh». Một mặt khác theo nguyên tắc dân tộc tự quyết, nước Anh không thể để cho Đảng Quốc-Hội của người Ấn cai trị các khối dân số người Hồi ở Ấn, nếu không có sự thỏa thuận của những khối này.
Đảng Quốc-Hội liền tố cáo người Anh cố tình lợi dụng sự bất hòa giữa hai tôn giáo để làm lợi-khí ngăn cản bước tiến của dân tộc Ấn trên đường độc-lập.
Trong khi ấy thì chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ.
Ngày 7 tháng chạp, Nhật-bản đánh úp Trân-Châu-Cảng. Hôm sau, quân đội Thiên hoàng chiếm đóng Thượng-Hải. Rồi từ các căn cứ dọc biên thùy Thái-Lan, người Nhật một mặt xuống đánh Mã Lai của Anh, một mặt tiến vào Miến-Điện. Ngoài biển thì hạm đội Nhật đã phá vỡ một lúc hai chiếc hạm tối tân của Anh là chiếc Repulse và chiếc Prince of Wales, làm cho lực lượng thủy quân của Anh tại Á-Đông suy sụp không sao ngóc đầu dậy được nữa.
Tháng chạp 1941, Nhật chiếm Hương Cảng. Tháng hai năm sau. Tân-Gia-Ba đầu hàng. Tháng ba, chiếm đóng toàn thể Nam-Dương Quần Đảo. Rangoon, kinh đô Miến Diện bị hạ ngày 6 tháng 3. Trên đất Bắc Phi thì tướng quốc xã Rommel đuổi các chiến xa thập ngoặc đến tận cửa ngõ Ai Cập. Nhiều quan sát viên quân sự đã nói đến một cuộc gặp gỡ của quân Đức và quân Nhật trên đất Ấn. Chưa bao giờ số phận chiến tranh tỏ ra bi thảm với Đồng Minh như đầu xuân năm ấy.
Dư luận Mỹ rất phàn nàn về thái độ dửng-dưng của dân tộc Ấn trước sự sụp đổ chỉ còn tính ngày giờ của Anh. Song đã có thời kỳ sống dưới ách thực dân của Anh, họ hiểu rõ người Ấn muốn gì, mặc dầu Anh cố tình bưng bít. Bởi thế Tổng Thống Roosevelt liền phái Đại Tá Louis Johnson tới Ấn để liệu chiều thu xếp một sự thỏa thuận giữa Phó vương Anh và các lãnh tụ Ấn. Ông lại khuyên Churchuill hãy nhượng bộ cho dân tộc Ấn một vài khoản căn bản để an lòng dân. Tưởng-Giới-Thạch đồng minh với Anh Mỹ, cũng bênh vực những nguyện-vọng chính đáng của người Ấn.
Bị ép bốn bề, mãi Churchill mới chịu phái Sir Stafford Cripps sang Ấn. Tới nơi ngày 22-3-1942, đến ngày 25 thì ông bắt đầu cuộc thăm dò ý kiến các lãnh tụ Ấn. Sir Stafford Cripps gặp Cam Địa. Ngày 27, ông đưa cho Cam Địa xem những nhượng khoản của Chính-phủ Anh đối với dân Ấn. Xem xong, Thánh hỏi Sir Stafford Cripps :
«Chỉ có vậy thôi ư? Nếu quả thật đó là tất cả những điều khoản ông định cho người Ấn thì tôi khuyên ông nên đáp ngay chuyến máy bay tối về Anh, kẻo ông ở thêm cũng vô hiệu mà thôi».
Rồi ông cáo biệt trở về khu dệt cửi của ông.
Ngày 9 tháng 4 đến lượt Đảng Quốc hội bác bỏ chương trình Cripps. Rồi tiếp đến các Đảng khác, không một ai chịu chấp thuận chương trình này hết.
Ngày 12 tháng 4. Sir Stafford Cripps trở về Anh.
Tại sao chương tình Cripps không được dân Ấn chấp nhận? Vì chương trình đó công nhận nguyên-tắc giao-phó cho một hội nghị lập hiến toàn đại biểu người Ấn thảo một hiến pháp cho nước Ấn trong tương lai. Song lại buộc phải dành 1 phần 3 thành phần hội nghị cho đại biểu các tiểu bang. Lẽ dĩ nhiên, các đại biểu đó sẽ do các tiểu vương chọn lọc theo ý muốn của người Anh. Một mặt khác, tỉnh nào cũng chấp thuận bản hiến pháp thảo ra, cũng được quyền tự do gia nhập hay không Liên-Bang Ấn. Kết quả chương trình đó có thể là sự phân chia nước Ấn ra làm nhiều nước Ấn khác nhau: một nước Ấn của người Ấn, một nước Ấn của người Hồi, một nước Ấn của người Sikh, lại một nước Ấn riêng của các tiểu vương tức là của người Anh, v.v…
Bởi những lẽ đó, dân Ấn không thể chấp nhận được đề nghị của chính phủ Anh mặc dầu Sir Stafford Cripps cố gắng để đi tới một sự thỏa thuận.
Sir Stafford Cripps là một chính sách thuộc đảng Lao-động Anh. Ông tỏ ra một trí óc rộng rãi. Ông bèn tự ý sửa đổi vài khoản trong bản đề-án trên, cốt để cho người Ấn chấp nhận hơn. Song mới điện về hỏi ý kiến Churchill, thì ông đã được lệnh tức tốc trở về Anh, ngày 12 tháng 4, như ta đã biết.
Giữa năm 1942, tình trạng nước Ấn gần như tuyệt vọng. Quân đội Thiên-Hoàng đã tiến đến biên thùy phía đông Ấn-Độ. Người Ấn nghiến răng vì thấy họa xâm lăng đã đến cửa ngõ nước nhà, mà vẫn phải bó tay phó mặc quân thù sắp giày xéo lên mảnh đất của ông cha để lại.
Càng xét về sau mới càng thấy rằng giá trong vòng những năm 1941, 1943, 1944, người Anh đừng dùng-dằng tiếc rẻ mà trả lại độc lập cho người Ấn ngay, thì làm gì có những vụ tương tàn thê thảm năm 1947 sau đây. Bởi vì ngày nào mà quân đội đồng minh còn đóng trên đất Ấn, thì thực quyền vẫn được giữ vững trong tay người Anh.
Như thế, không những không xẩy ra biến động mà cũng không khỏi lo chuyện người Ấn cầu hòa riêng với Nhật.
Vì các lãnh tụ Quốc Hội như Nehru, Azad, và Rayagolatchari đều một mặt mong chờ cái phút được có một chính phủ quốc gia, để còn sốt sắng tham-gia vào chiến sự bên cạnh Đồng-Minh. Họ đều là những người cương quyết chống-lại phong-trào phát-xít.
Ngoài ra chương-trình của người Anh lại còn có kết quả tai hại là trong dân chúng Ấn, đã thấy nẩy nở ra một khuynh hướng ác cảm rõ rệt với người Anh, và thiện cảm với những võ công oanh-liệt của người Nhật. Bởi các lãnh tụ Ấn lo sợ rằng nếu dân chúng không được toại nguyện trong sự mong đợi ở người Anh, rồi đây họ sẽ quay sang phía địch thủ của người Anh. Trong bản quyết nghị của Ủy ban chấp hành của Đảng họp tại Quarda, các lãnh tụ yêu cầu người Anh hãy xét lại thái độ của mình, nếu không thì Đảng Quốc Hội sẽ bất đắc dĩ phải phát động trong dân một phong trào bất hợp tác đặt dưới sự hướng dẫn của Thánh Cam-Địa.
Trong phiên đại hội đồng nhóm ngày 7 và 8-8, Đảng chấp thuận bản nghị quyết Quardar của ban chấp hành song thay đổi lại là nếu người Anh không đếm xỉa đến nguyện vọng của dân tộc Ấn thì Đảng sẽ dùng mọi phương sách để phản kháng «dù là phải sử dụng đến võ khí», hay là chỉ phát động một phong trào bất hợp-tác trong dân chúng.
Kết quả của quyết-định nẩy lửa đó là ngay đêm hôm ấy, Nehru, Cam Địa, cùng một số lãnh tụ khác bị bắt giam. Song riêng đối với Thánh thì người Anh xử rất dè dặt. Họ không giam ông vào ngục chỉ đưa ông đến an-trí tại một tòa biệt thự nguy-nga của Aga khan, gần Poona. Họ lại có nhã ý cho phép bà vợ ông và các đồ đệ như bà Naidou, Mahadev Desai và Pyarelal Nagyar được giam cùng một nơi với ông. Ba bác sĩ Souchila Nagyar cũng xin theo và nơi an-trí để trông nom sức khỏe cho Cam Địa.
Đáp lại cuộc đàn-áp của người Anh, dân chúng nổi loạn tức thì và nhiều công sở bị đốt cháy, cột giây thép bị nhổ, đường xe lửa bị bóc, viên chức Anh bị hành hung. Các lãnh tụ Đảng Quốc hội Ấn rút lui vào bóng tối để tổ chức ngấm ngầm cuộc kháng chiến. Tại nhiều khu thị trấn, làng xã, dân chúng đuổi người Anh đi mà lập nên những cơ quan hành chính mới để tự trị.
Cam Địa cũng tố cáo Chính phủ của Phó vương đã xuyên-tạc những việc xẩy ra. Chính phủ bắt giam ông về tội không chịu ngỏ lời mạt sát những vụ bạo động của dân chúng. Song ở trong tù, và chỉ được nghe một tiếng chuông - tiếng chuông của nhà cầm quyền thôi - thì ông dựa vào đâu mà mạt sát những việc chính mắt ông không trông thấy? Bởi thế ông nhất quyết nhịn ăn để phản đối thái độ độc tài của chính phủ. Và ông ta nhắc lại, yêu cầu Cam Địa hay tuyên bố phản đối phong trào phản kháng đang lan-tràn khắp nước bấy giờ.
Cuộc tuyệt thực của Cam Địa bắt đầu ngày 10 tháng 2 năm 1942. Ảnh hưởng đầu tiên là mấy lãnh tụ Đảng Quốc-Hội đối lập với Nehru - nghĩa là chủ-trương hợp-tác với người Anh - cũng xin từ chức, ra khỏi Hợp-đồng Hành-chính của Phó vương, để phản đối những lợi buộc tội của Chính-phủ đã khiến Cam Địa phải tuyệt thực mà minh oan.
11 ngày sau, thì Cam Địa đã yếu lắm rồi. Các thầy thuốc Anh định tiêm chất bổ vào máu Thánh, xong các thầy thuốc Ấn không chịu. Họ trung thành với ý muốn của Thánh không chịu để chích thuốc vào Người.
Ngày 9 thứ 14 thì mạch ông trầm hẳn lại và chỉ còn nhỏ như sợi chỉ. Bà vợ quỳ bên giường ông mà khóc. Bà tưởng ông sắp về trời.
Đến ngày mồng 2 thì ông uống một tách nước cam đỏ bà vợ dâng lên. Ông khóc mà cảm tạ các thầy thuốc đã phải khó nhọc săn sóc ông mấy tuần đằng đẵng. Khi ông bắt đầu ăn, thì sức ông hồi lại dần dần. 1.
Nhưng chưa được bao lâu thì ông chịu liên tiếp hai cái tang đau đớn : thoạt tiên là người cộng sự thân tín nhất của ông là Mahadev Desai từ trần sau một cơn đau tim; xong rồi đến bà vợ ông, mất ngày 22 tháng chạp.
6 tuần sau khi bà Kastourbai mất thì ông ốm nặng. Ông bị sốt rét. Đến khi khỏi thì sức vóc tàn yếu đến nỗi Chính-phủ Anh phải trả lại tự-do cho ông để khỏi mang trách nhiệm về sự bất trắc xẩy ra trong khi ông bị giam cầm.
Lần này là lần chót ông bị giam trong các nơi tù ngục của người Anh. Tính cả thẩy ông đã qua 2.089 ngày trong các nhà giam ở Ấn và 249 ngày trong các nhà giam ở Nam-Phi.
Được tha, ông tới tĩnh dưỡng ở Youhon, gần bờ biển, trong biệt thự của một phú thương giữa đám đồ đệ ông.
Hàng ngày, ngồi trên hàng hiên mắt nhìn sóng đùa trên bãi, và tai nghe tiếng gió hát ở ngàn thông, ông bắt chước người xưa lấy sự im lặng hoàn toàn làm phương thuốc di-dưỡng tinh thần cùng thể xác. Các viên thầy thuốc trông nom sức khỏe cho ông, cùng các môn đồ quấn quít ông. đều im lặng theo. Thoạt đầu, suốt ngày ông không cất tiếng. Vài tuần sau, chỉ nói chuyện từ 4 giờ chiều cho đến 8 giờ tối, là giờ mọi người hội họp để cầu kinh.
Nhưng chỉ trong vòng ít ngày sau, là ông lại vùi đầu vào công việc.
Chương 23
HUYNH ĐỆ TƯƠNG TÀN
Anh Quốc sắp tới giờ vinh quang chiến thắng. Song, tới năm 1945, thì các nhà chính khách Anh dù thâm tâm không muốn, song cũng không nhận thấy Ấn-Độ đã hầu như thoát ly khỏi bàn tay chính quốc rồi. Lần này dân tộc Ấn sẽ nổi lên quyết liệt. Và nước Anh đã bị rã rời vì năm 5 chiến đấu tự thấy không còn hơi sức đâu mà theo đuổi một cuộc viễn chinh lâu dài và khó nhọc nữa. Những trận thất bại liên tiếp tại các khu chiến đấu xa chính quốc như tại Hy-Lạp, tại Thổ, tại Cận Đông, tại Đông Nam-Á, và tại Bắc-Phi đã chứng tỏ sự toàn thắng không phải là công lệ dĩ nhiên đối với con sư-tử Hồng-mao.
Đó là luồng tư tưởng đang làm bận bịu trí óc vị Phó vương thứ mười chín của Anh tại Ấn, là đại tướng Wavell một chiến sĩ kiêm thi sĩ, lại cũng là một «người» với tâm hồn ngay thẳng, hồn nhiên và rộng rãi của chính đảng từ ấy. Ba năm lui binh liên tiếp trước danh tướng quốc xã Rommel - mà ông không ngớt khen ngợi tài dũng lực rồi về sau lại chứng kiến sự thất bại của viên hổ tướng này trước đoàn quân thứ 8 của tướng Montgomery, tất cả những sự phù sinh của thế tục ấy đã làm ông suy nghĩ nhiều, và chán chường quyền thế, lợi lộc và danh vị nhỏ nhen. Quyền lợi tối cao danh dự của một Đế Quốc mà trên đó mặt trời không bao giờ lặn, không còn ảnh hưởng gì đối với cái triết lý bình thản và cao xa, mà 5 năm cầm quyền khuynh thiên hạ, và danh vọng tột bực Phó vương đã dạy cho ông nhìn thấy cuộc thế đổi thay. Bởi vậy, người Ấn đã may mắn có được ở ông không phải là một chính khách với tâm hồn quay quắt, mà là một bậc anh hùng thẳng thắn công nhận quyền sống của một dân tộc, và không nề hà đem hết khả năng ra giúp đỡ dân tộc đó đạt tới nguyện vọng sâu xa.
Tháng 3 năm 1945, Wavell về Anh để trình bày quan điểm của mình về việc giải phóng người Ấn.
Ông ở lại Luân Đôn gần 2 tháng. Bấy giờ cục diện chiến tranh đã rõ rệt, và không còn lo sợ ở tương lai, người dấn Anh đã sẵn sàng mời Churchill rút lui, để Đảng Lao Động lên thay thế, ngõ hầu họ chóng thoát nạn với những hạn chế của chiến tranh, mà quay trở về cuộc sống đầy đủ bảo đảm xã hội, hồi chưa tác chiến. Cho nên cũng may thêm cho người Ấn, là địa vị Wavel vì thế càng thêm vững chắc.
Ngày 14 tháng 6, thì Phó vương cũng công bố cho dân Ấn biết kế hoạch giải phóng mà ông mới đem từ Luân Đôn về. Ngày hôm ấy, ông trả lại tự do cho Maou Iana Aboul Kalam Azad, chủ tịch đảng Quốc Hội, Yaouaharlal Nehru bị giam từ ngày 9-8-1942, và nhiều lãnh tụ khác nữa. Ông mời cả họ đến Simla - cùng với Cam-Địa nữa - để thảo luận về kế hoạch Wavel.
Theo kế hoạch đó thì Hội Đồng Hành Chính bên cạnh Phó vương chỉ còn 2 người Anh, là Chính Phó Vương và một viên Tổng tư lệnh quân đội Anh. Còn thì toàn thể đều là người Ấn. Vậy tức là người Ấn sẽ giữ các ghế ngoại giao, tài chính, cảnh sát, v.v… Phó vương vẫn giữ quyền trọn người vào các ghế trên đây, song ông phải trọn trong những nhân vật các đảng phái Ấn đề cử lên. Mặc dầu những nhượng khoản rộng rãi đó, chương trình Wavel cũng thất bại, vì thái độ bất hợp tác của Yinnah.
Yinnah muốn rằng các tổng trưởng người Hồi trong Hội Đồng Hành Chính của Phó vương phải do ông định, với danh nghĩa Chủ tịch Liên đoàn Hồi Giáo. Song dầu Liên Đoàn này đã phát triển trong hồi chiến tranh để ngày nay trở nên một lực lượng chính trị khá mạnh, Yinnah cũng không thể vì thế mà đòi đại diện được hết thẩy người Hồi trong nước Ấn. Chẳng hạn còn những nhân vật danh tiếng khác như Azad, bấy giờ là Chủ tịch Đảng Quốc Hội, Khir Hyat Khan, v.v…
Giữa lúc ấy thì chiến tranh chấm dứt ở Âu-Châu, và ngày 26 tháng 7, Đảng Lao Động đánh đổ Đảng Bảo Thủ : Clément Attlee ngồi vào ghế Churchill ở chân Thủ Tướng việc đầu tiên của Chính phủ Lao Động là thực hiện lời hứa giải phóng Ấn-Độ. Wavell được mời về Luân-Đôn để nghiên cứu những phương sách mới.
Trở về Ấn, Wavell gắng sức lập một Hội Đồng Hành-Chính với sự tham dự của tất cả các lực lượng chính trị Ấn ; và ông triệu tập một nghị hội để thảo một Hiến pháp cho nước Ấn tương lai. Một mặt khác, để chuộc lòng tin cẩn của dân, ông thả thêm nhiều đảng viện Đảng Quốc Hội nữa, và xử một cách rất nhân nhượng mấy tướng lĩnh người Ấn đã làm phản theo Nhật ngày xưa.
Những cuộc tuyển cử vào Hội nghị lập hiến không đi đến đâu, vì Đảng Quốc Hội chiếm hết phần nửa các ghế và Liên Đoàn Hồi Giáo phần nửa ghế khác. Thế là hai bên đều mạnh.
Và không sao thỏa hiệp được cùng nhau.
Tình hình càng ngày càng căng thẳng.
Để giải quyết tình thế, Thủ Tướng Attlee phái sang Ấn một phái đoàn Chính phủ gồm Lord P. Lawrence, bộ trưởng Ấn Độ Vụ, Sir Stafford Cripps tổng trưởng thương mại và Albert V.Alexander để nghiên cứu về thể thức giải phóng Ấn Độ.
Phái đoàn tới New Delhi ngày 24 tháng 3 và tiếp xúc ngay với các lãnh tụ Ấn, Cam-Địa cùng dự các cuộc thảo luận. Sau mấy tuần ròng rã không đi tới kết quả nào cụ thể, phái đoàn yêu cầu Đảng Quốc Hội và Liên Đoàn Hội Giáo mỗi bên gửi 4 đại biểu đến Simla để họp bàn. Nehru và Yinnah vẫn không sao đi tới được một thảo hiệp. Cuối cùng Cam-Địa yêu cầu phái đoàn đề nghị một chương trình thỏa hiệp hai bên vậy.
Phái đoàn xem xét tình thế ra sao?
Nhận xét rằng tại miền Tây Bắc xứ Pakistan, thiểu số dân Ấn lên tới 37.90% dân số, tại miền Đông Bắc thiểu số đó lên tới 48.31%. Trong khi đó thì có 20 triệu người Hồi trên đất Ấn. Vậy yêu sách của Liên Đoàn Hồi Giáo đối lập một nước Pakistan độc lập không giải quyết nổi vấn đề dân tộc thiểu số.
Chỉ có cách là lập một xứ Pakistan nhỏ có riêng dân Hồi ; như thế không những Liên Đoàn Hồi Giáo không chịu, mà còn phải cắt đôi tỉnh Pundjab, Bengale và Assam để chia cho 2 nước. Nhưng tỉnh Pundjab, và tỉnh Bengale lại là những nơi dân cư có tính cách duy nhất bởi một nền lịch sử và tín ngưỡng chung. Vậy sự chia rẽ như thế không hợp lẽ phải.
Ngoài ra nếu chia đôi xứ Pundjab thì lại xẻ người Sikh thành 2 mảnh, điều mà họ sẽ không chịu, vì từ xưa họ vẫn sống ở khắp cả tỉnh Pundjab, cả phía Bắc lẫn phía Nam:
«Lại còn nỗi nước Pakistan sẽ gồm 2 mảnh cách nhau bởi một khoảng đất rộng 700 dặm, trong đó có rất nhiều sông ngòi đường lối giao thông. Khoảng đất đó thuộc Ấn tức là số phận thông thường giữa hai phần nước Pakistan hoàn trong tay người Ấn vậy».
«Cho nên phái đoàn kết luận - không nên chia nước Ấn ra làm 2 nước riêng biệt Ấn Hồi» và đề nghị: «giữ nguyên nước Ấn thống nhất, với những tiểu bang cùng một chính phủ liên bang coi sóc về ngoại giao, quốc phòng và giao thông. Trong mỗi hội đồng lập pháp, hễ những vấn đề quan trọng liên quan đến các quyền lợi thuộc phe nào thì phải có đa số đại biểu phe đó tán thành, mới được đem áp dụng».
Trong khi chờ đợi, phái đoàn báo tin rằng Lord Wavel sẽ lập một chính-phủ lâm-thời.
Ngày 21 tháng 5, Yinnah công kích đề-nghị của phái-đoàn và đòi phải lập một nước Hồi độc lập. Tuy nhiên, ngày 4 tháng 6, Liên-Đoàn Hồi-Giáo cùng chấp nhận quan-điểm của phái-đoàn.
Bây giờ chỉ còn Đảng Quốc-Hội thỏa-thuận là xong. Nhưng Đảng không tỏ bầy ý kiến gì hết. Ngày 16-6, Phó-vương Wavel tuyên bố rằng cả hai Đảng đều không chịu lập chung một chính-phủ lâm thời vậy ông đứng ra lập vậy, và ông chọn 14 người Ấn để trao phó cho các vụ bổ trưởng trong Hội-Đồng Hành-Chính của Phó-Vương.
Bây giờ Đảng Quốc-Hội phải giải quyết 2 câu hỏi: Có tham-gia vào Chính-Phủ lâm-thời không? Có cử người vào Hội-nghị Lập-Hiến để thảo-luận hiến-pháp cho nước Ấn tương lai không?
Đảng từ chối không tham dự Chính phủ Lâm thời, vì Wavel theo lời yêu cầu của Yinnah không bằng lòng cho Đảng Quốc-Hội đặt một đảng viên người Hồi của mình vào một ghế bộ trưởng người Hồi.
Vậy ngày 12-8-1946, Wavel ủy cho Nehru lập chính phủ. Ông tìm gặp Yinnah và đưa ra một số ghế mới tham dự. Yinnah từ chối. Nehru liền lập một chính phủ gồm 6 đảng viên Quốc Hội trong đó có một người Tiện dân, và 6 nhân viên khác: 1 người Công giáo, 1 người Sikh, 1 người Parsi và 2 người Hồi không có chân trong Liên Đoàn Hồi Giáo.
Vinnah liền phát động phong-trào đả kích. Ngày 2 tháng 9, Nehru thành Thủ-Tướng đầu tiên của Ấn. Trong khi ấy Cam-Địa hàng ngày vẫn ở cùng người tiện dân. Ông viết cho Nehru một bức thư giãi bầy bổn phận của người cầm quyền. Ông nhấn mạnh mãi vào chỗ người Hồi là anh em của chúng ta. Họ đánh ta thì ta chịu, họ sẽ hồi tâm mà yêu ta, chứ đừng nên dùng bạo lực mà trả lời bạo lực.
Nhưng Yinnah lại khiêu khích nữa: ông lấy ngày 9 tháng 9 - ngày tấn phong chính phủ mới - làm ngày quốc táng. Dân Hồi treo cờ đen. Và hôm sau, tại Bombay, rồi lan đến xứ Pundjab, xứ Bengale, xứ Bihar. Liên đoàn Hồi giáo tuyên bố tẩy chay Quốc hội lập hiến.
Sau Wavel dàn xếp mãi Yinnah mới chịu dự vào chính phủ mới, Ông cử vào chính phủ 4 người Hồi trong Liên Đoàn, và 1 người Tiện dân đối lập Cam-Địa. Nhưng không vì thế mà cuộc tranh chấp chấm dứt. Các bộ trưởng Hồi lớn tiếng tố cáo chính phủ Nehru không có tính cách liên hiệp Ấn Hồi. Thế là sự chia rẽ xuất hiện trong cơ quan hành chính tối cao đầu tiên nước Ấn.
Mỗi ngày Cam-Địa lại hô hào sự kết hợp giữa 2 đoàn thể Ấn Hồi. Ông nói:
«Có kẻ thấy người Ấn trả thù được cho những đồng bào bị giết thì lấy làm sung sướng. Tôi xin nói rằng tôi còn sung sướng hơn nếu thấy người Ấn biết để cho người Hồi giết chết mà không tìm cách báo thù».
Bấy giờ, lại các làng xóm xa xôi miền Noakhal, và miền Tipper xứ Bengale, người Hồi luôn luôn giết hại người Ấn một cách dã man. Cam-Địa liền đích thân đến để giàn xếp. Ông lấy làm buồn rầu vô cùng khi đi qua những nơi làng xóm bỏ hoang và cháy dở, vì dân chúng đã lang bạt đi những nơi đâu không rõ.
Ông đến Noakhali, miền mà dân Hồi thường giết chóc, hiếp đáp đàn bà con gái người Ấn. Ông thấy nhà cửa tan hoang, các đền đài bị phá phách đổ nát hết. Dân cư thưa thớt, nét kinh hoảng còn in trên mặt. Ông kêu lên: «Tôi sẽ ở đây một năm, và nếu cần, đến tận khi ta chết, để dập tắt hết mọi thù oán này».
Nhưng ông ở chưa ấm chỗ thì tại tỉnh Bihar, nơi có 5 triệu người Hồi sống lẻ loi giữa 31 triệu người Ấn, một phong trào báo thù các cuộc giết hại ở Noakhali bùng lên, Báo chí kích thích dân Ấn hãy đem máu «rửa máu»: Hơn 10 ngàn người Hồi bị giết. Nhà cửa bị cướp phá không biết bao nhiêu mà kể.
Tin đó làm Cam-Địa rất đỗi buồn phiền. Ông lại quyết định nhịn ăn để rửa tội cho đồng bào. Nehru và Patel phải hết sức khuyên can. Họ nói trong lúc nước nhà sắp sửa tan hoang vì nạn anh em giết lẫn nhau, dân tộc cần phải được Thánh bảo trọng mình vàng để khuyên can dìu dắt. Rồi họ lên máy bay tới ngày Bihar.
Những điều trông thấy làm Nehru bội phần uất giận. Ông ra lệnh cho người Ấn phải thôi ngay mọi sự báo động nếu không ông sẽ cho «phi cơ dội bom cho chết hết xong đời». Lời đó đến tai Cam-Địa. Ông lắc đầu:
«Sao lại dọa ném bom để giết dân. Đó là phương pháp xưa kia người Anh vẫn dùng Huy động binh lính để đàn áp dân chúng, tức là hủy diệt nền tự do của dân Ấn».
Nehru nhất quyết ở lại Bihar cho đến khi nào tình hình yên hẳn.
Còn Cam-Địa thì sau khi nghỉ ngơi mãi, ông bỏ ý định tuyệt thực ở Bihar, mà lên đường thẳng tới Noakhali. Đó là một nơi hẻo lánh và bực nhất ở các tỉnh miền Tây Bắc. Chỉ có lối đi bằng thuyền chứ thứ xe bò công dụng nhất của người Ấn cũng không thể vào được. Dân cư gồm hơn 2 triệu dân mà 80 phần trăm là người Hồi Giáo. Sự cuồng tín căng thẳng dọc đường chỗ nào cũng thấy làng xóm bị đốt cháy, xác người bị giết ngổn ngang. Tới Naokhali, ông đuổi hết mọi tả hữu sang ở làng bên cạnh. Ông muốn một mình tiếp xúc với những người Hồi hung hãn. Trong cuộc hành trình ở Naokhali, ông mang gót cả thẩy tới 49 làng, mỗi nơi ông ở 2, 3 hôm, nói chuyện thân mật cùng các người Hồi, cầu kinh cùng với họ rồi lại chân đất lên đường đi sang làng khác. Nhiều khi họ rắc gai góc mảnh chai trên đường ông đi, ông cứ mặc, chân đất rẫm lên mà đi. Ông coi sự đau đớn xác thịt không thấm gì khi linh hồn ông đang chín đầy cả một bầu trời yêu thương đối với những kẻ mà ông không trách móc gì, bởi ông biết họ đã bị các lãnh-tụ chính-trị bất lương xô đẩy vào con đường lầm lạc.
Cam-Địa cùng các đồ-đệ gặp những khó khăn ghê gớm trên con đường cảm hóa của người Hồi. Thoạt tiên, họ quý mến ông, đến rất đông nghe ông khuyên dạy và đọc kinh. Song những kẻ cầm đầu họ thấy thế liền công-kích Cam-Địa là xâm phạm đến lòng tín-ngưỡng của dân họ. Song đâu phải? Vì nếu đang buổi họp mà đến giờ cầu nguyện của người Hồi thì ông lại tạm nghỉ mà giục giã họ quay ra phía đền mà cầu nguyện.
Cứ thế mà chân dẫm đất, tay ôm khung cửi, ông đi lang thang hết làng nọ đến xóm kia. Các báo thuật rằng ông làm việc tới 20 giờ mỗi ngày, và như thế hàng 6, 7 ngày liền. Không lúc nào ông được nghỉ, vì hễ hết đoạn đường mệt nhọc, tới một nơi có dân cư nào, thì người ta lại tụ họp đông đảo quanh ông để hỏi han, chất vấn hay là nhờ ông giải hộ những nỗi khó khăn. Đây là vài câu đối thoại ghi chép được ở ở dọc đường.
Có người hỏi: «Theo ý ông, nguyên do những cuộc chém giết giữa người Ấn và người Hồi là bởi đâu?»
Ông đáp: «Bởi sự ngu dốt của đôi bên».
Lại hỏi: «Một phụ nữ bị hiếp lại phải có thái-độ thế nào? Có bắt buộc phải tự vẫn không?»
Ông đáp: «Chịu đựng để không đi đến mục-đích gì không phải là quan-niệm của tôi. Phải tự vẫn để vẹn toàn danh tiết».
Lại một nơi khác, có một sinh-viên hỏi ông: «Có phải Thiên-chúa-Giáo và Hồi-giáo là những đạo tiến hóa mà Ấn-Độ giáo là đạo thoái hóa phải không?»
Ông trả lời: «Không. Không có sự tiến hóa rõ rệt trong mỗi đạo giáo khiến ta có thể nhận thấy rõ ràng. Vì nếu các tôn giáo quả có tiến hóa thực, thì cõi thế này đã chẳng phải là nơi mà loài người đã từng chém giết nhau».
Lại hỏi: «Nếu Thượng Đế chỉ có một, thì sao không thể chỉ là một tôn giáo thờ Người thôi?»
Đáp: «Một cây muôn lá. Cũng như trên thế giới, biết bao nhiêu đạo. Song đạo nào mà chẳng bắt nguồn gốc ở Trời!»
Ngày 2 tháng 3 năm 1947, Cam-Địa rời Noakhali để trở về Bihar. Ông hẹn sẽ còn quay lại. Vì ở đấy, ông còn một sứ mạng chưa làm trọn vẹn, là nối lại tình anh em giữa người Ấn và người Hồi tại đó.
Chương 24
CÕI GIÀ XÂY DỰNG
Ngày 22 tháng 3 năm 1947, Lord Louis Mountbatten, vị Phó vương cuối cùng của Anh tới New Delhi. Ông được trao phó một nhiệm vụ lớn lao là giải quyết xong việc tranh chấp Ấn Hồi trước ngày cuối cùng năm 1948 là hạn chót mà người Anh tự cho để rút khỏi đất Ấn, trao lại quyền hành cho người Ấn.
Ngay 24 giờ sau, Yinnah công bố rầm rộ rằng nước Ấn phải chia làm đôi, nếu không thì «thảm họa sẽ gieo rắc trên đất nước này»
Ngày 31 tháng 3. Phó vương Mountbatten gặp Cam-Địa trong một cuộc thảo luận kéo giài 2 giờ 1 khắc Cam-Địa không nhường bỏ một phần nào trong việc giữ vững nước Ấn duy nhất, không chia xẻ. Cho đến khi ông chết, ông vẫn không công nhận việc chia nước Ấn thành 2 nước Ấn Hồi. Song, mặc dầu ông vẫn là vị cố vấn mà các lãnh tụ Đảng Quốc Hội muôn phần sùng kính, quyết định không phải ở ông mà là ở Đảng.
Còn Yinnah thì sau khi cân nhắc đắn đo, đành phải chịu nhận nguyên tắc chia đôi hai tỉnh Pundjab và Bengale, để được hưởng sự quân phân Ấn Độ thành 2 nước Ấn riêng biệt.
Nehru với Đảng Quốc Hội thì không còn cách nào hơn là chịu nhận xứ Pakistan vậy. Thà rằng chịu phân ly, còn hơn là nội chiến.
Cam-Địa vẫn cố gắng chống lại sự phân nước Ấn. Ông đề nghị Mountbatten cứ việc rút quân về nước, để mặc Đảng Quốc Hội cai trị nước Ấn ; hoặc giả nếu không thể được thì hãy ở lại Ấn cai trị cho dân Ấn suốt trong thời kỳ nhiễu loạn này.
Song Phó vương Anh không muốn nhận trách nhiệm gây nội chiến cho đất Ấn, ông bèn đệ dự án về Luân-Đôn, tức thì Chính-phủ Anh chấp nhận luôn.
Tới ngày 15 tháng 5 năm 1947 thì nước Anh long trọng tuyên-ngôn cho nước Ấn độc-lập.
Cam-Địa không tới dự những buổi lể của ngày Độc-lập. Ông buồn vì thấy 32 năm tranh đấu không đưa tới kết quả mong muốn là làm cho loài người yêu nhau như anh em ruột thịt một nhà. Mới hay còn là người cùng một nòi giống, cùng một màu da, mà còn tranh dành, ghen ghét lẫn nhau như thế, huống hồ là nếu họ sống sau những biên thùy xa lạ.
Bởi vậy, nền Độc-lập mà người Anh long trọng phô trương đây chỉ là cái xác không hồn. Một hình thức, không hơn không kém. Nơi nào mà người Anh ngự tọa ngày trước, thì nay họ đi, người Ấn ngồi vào. Lá cờ ba sắc phấp phới bay trên nơi phủ Phó vương thay cho lá cờ Đế Quốc Hồng Mao. Còn nếu khơi sâu tình trạng đó thì sẽ thấy gì? Nơi đây đáng lẽ phải thay linh hồn Tổ Quốc thì người ta chỉ đọc được những lý tưởng tôn giáo phân lý. Nơi đây, đáng lẽ là tình nhân loại thiết tha, thì người ta chỉ nhất được mầm chia rẽ. Và chính giữa lúc các chính khách Ấn Hồi chúc tụng lẫn nhau, và cùng nhau tỏ tình thân thiện, thì khắp các nơi trong nước, đồng bào họ nổi loạn giết hại lẫn nhau không một niềm thương xót.
Bởi thế, ngày 15 tháng 8 ấy, Cam-Địa không ở Tân Đề Ly dự tuyên ngôn Độc lập mà vẫn ở lỳ tại Calcutta để chống nhau với loạn. Ông nhịn ăn và cầu kinh suốt ngày. Ông không nói một lời nào với quốc dân trong dịp này. Chính phủ mời ông về kinh dự lễ, ông cũng khước từ. Giữa sự vui mừng của toàn thể, lòng ông giá lạnh như băng. Tổ Quốc yêu dấu đã đoạt lại tự do, nhưng sao không những không vui, ông còn thấy trong lòng thấm đượm một nỗi buồn nản xót xa. Đó là vì tới buổi chiều tà của cõi đời rồi, mà ông vẫn không đạt được điều ước nguyện.
Những tư tưởng bác ái mà suốt 30 năm nay, ông gieo rắc trong lòng những kẻ mến yêu cảm phục ông; nay không những đã chẳng trở hoa mang trái, mà còn biến thể ra những linh khiến thấp hèn.
Những nỗi buồn đó chỉ thoáng qua. Cái thế giới lý tưởng ông hì hục xây dựng từ 30 năm nay đã đổ vỡ, thì phần sự của ông là phải cúi khom tấm lưng già cả, thu nhặt từng mảnh rơi vương vãi, để rồi lại kiên nhẫn mà hàn gắn lại lành lặn như xưa.
Vì thế ông mới tìm đến ở nhà Hồi Giáo này, một túp lều mà đất chưa thấm hết máu đỏ chan hòa, và không khí còn khét nặc mùi cháy dở. Gia đình người Hồi ở trong đó cảm mến ông. Ông ăn chung với họ, và cùng họ cầu kinh. «Ở đây, có một tình thương yêu thành thực». Ông viết thế. Niềm vui ông tìm thấy bên cạnh đám người cùng khổ này, còn thấm thía gấp mấy lần cuộc lễ mừng buổi bình minh của dân tộc, tại Tân Đề Ly.
Những kẻ bị thảm họa tương tàn làm cho gia đình tan nát, ngày ngày đến với ông, và ông dịu dàng an ủi họ. Ông tự thấy cõi lòng dịu lại bởi phận sự mới ông vừa tìm thấy: đó là bắt đầu làm lại cái công việc ông đã làm từ 30 năm nay, là làm dịu bớt số phận của những kẻ khốn cùng, truyền bá lòng nhân, và làm cho mọi người yêu thương đồng loại của mình như anh em ruột thịt một nhà.
Chương 25
CAM-ĐỊA MUỐN CHẾT
Ngày 2 tháng 10 năm 1947, Thánh Cam-Địa ăn lễ 78 tuổi. Nhân dịp đó, bà Moubatten và nhiều nhà ngoại giao các nước đến chúc mừng Người. Hàng núi điện tín đánh đến xem không xuể. Những kẻ giầu có thì giúp tiền. Bọn người tản cư thì gửi hoa. Thánh liền bảo:
«Những lời chúc tụng và những quà biếu này đưa tới đâu? Có lẽ các ngài gửi những lời phân ưu đến cho tôi thì hay hơn. Lòng tôi nặng trĩu những u-buồn, thắc mắc. Bây giờ lời nói của tôi không còn âm vang nữa… Tôi chán sống từ lâu rồi, không bao giờ tôi muốn sống qua trăm tuổi. Tôi không thể nào sống được để nhìn thấy không khí thấm đượm một mầu chết chóc, sát hại và thù hằn nhau…»
Thánh Cam-Địa chưa đến nỗi yếu quá, nhưng Thánh đã thất vọng:
«Tôi cầu xin Thượng-Đế cho tôi được thoát khỏi cái bể Trầm-Luân đầy nước mắt chúng sinh này còn hơn là bắt tôi phải chứng kiến những cuộc tương tàn gây ra bởi lòng man mọi của người đời mà tôi không-có cách gì cứu vãn… Nhưng Thượng-Đế thương tôi, thì Thượng-Đế chỉ cho tôi sống một chút nữa thôi».
Tuy thế Cam-Địa vẫn hoạt động. Ngài gắng sức cứu khổ cứu nạn cho tất cả mọi người. Lúc đó trời sắp rét. Ngài kêu gọi dân chúng lấy lòng nhân giúp chăn chiếu và đồ ăn thức dụng cho cả người Ấn lẫn người Hồi, nạn nhân của cuộc nội chiến.
Tỉnh Pundjab là vựa thóc của Ấn-Độ. Cuộc nội chiến đã biến tỉnh đó thành ra một nơi hoang dã, mùa màng bị thiêu sạch ra tro. Ấn-Độ rên xiết trong nạn đói rét.
Thánh Cam-Địa muốn đến ngay tỉnh Pundjab, nhưng Đề-Ly vẫn chưa bình trị được. Một khách thương người Hồi tưởng là cuộc xích mích đã dàn xếp xong rồi, mở cửa sắt ra để bán hàng. Vừa khi đó thì có một hòn đạn bay đến làm cho y chết gục.
Có một buổi chiều kia, Cam-Địa tìm đến nhà ngục trung ương ở Đề-Ly và chủ-tọa một cuộc Cứu-tế cho ba ngàn phạm nhân.
Thánh nói với bọn phạm nhân rằng: «Chính tôi cùng là một phạm nhân đây, nhưng tôi được tạm tha».
Rồi Thánh tiếp: «Đáng lý ra thì các nhà tù ở Ấn-Độ phải giống những nhà gì? Tất cả phạm nhân đều phải được coi như những người bệnh, săn sóc chăm nom tử tế».
Đoạn Thánh kết luận mong muốn được thấy tất cả phạm nhân. Bất luận Ấn, Hồi hay Sikhs đều sống thuận hòa với nhau như là anh em một nhà.
Hàng ngày, Thánh Cam-Địa đi đến thăm những người tản cư. Họ kể cho Thánh nghe những hành động dã man mà đứt ruột. Có một người đàn ông cầm chân một đứa trẻ quay lông lốc rồi đập đầu nó vào tường. Hai người khác dơ hai chân một đứa trẻ lên rồi xé đôi người đứa bé ra. Có một đám đông người Hồi tấn công một làng nọ; dân làng chống cự khá lâu, họ xin hàng; đàn bà, con gái run như cầy sấy đứng nếp vào nhau bên bờ một cái giếng sâu. Bọn người Hồi vùng ra bắt họ, một người đàn bà nhẩy xuống giếng; một người khác cũng nhẩy theo; trong bốn phút đồng hồ có bẩy mươi ba người đàn bà con gái cùng nhẩy tùm xuống giếng.
Sợ bị khủng bố, những người Hồi sống trong Liên Bang Ấn-Độ phải trốn tránh vào trong vùng Pakistan. Cũng sợ bị khủng bố, những người Ấn và người miền Pakistan trốn tránh vào từng vùng Liên Bang Ấn. Đâu đâu cũng sôi lên một không khí căm hờn, giết chóc. Có hàng triệu dân chúng tản cư. Giữa đám người đói rách thê thảm đó, hiện ra một người bé nhỏ ở trần, quấn một cái phá trắng ở ngang hông, Thánh nói: «Cứ lấy oán trả oán, cứ lấy cái chết trả thù cái chết, thì Ấn-Độ phải đi tới chỗ diệt vong».
Trong khi đó thì những cuộc tương tàn, khủng bố vẫn diễn ra ở Đề-Li mỗi ngày một ác liệt thêm. Trong những buổi ban đầu, 137 nhà tù bị tàn phá. Một ít nhà tù đó được sửa sang lại và biến thành những cái đền Ấn-Độ có tượng thần. Cam-Địa cho những vụ mạo-phạm giáo đường đó «như có nhơ khó rửa sạch cho tinh-thần dân tốc Ấn và Sikhs».
Tuy vậy, Thánh vẫn mong mỏi rằng Ấn Độ rồi sẽ vượt qua được cái «trò ma» và Ấn-Độ sẽ đạt tới cái trình-độ đạo-đức rất cao sau bao nhiêu phen đã được huấn-luyện trong những phong-trào bất-hợp-tác.
Chương 26
LẦN TUYỆT THỰC CUỐI CÙNG
CALCUTTA trở lại an ninh. Những cuộc tương tàn thảm khốc ở Đề-Li đã dịu và chỉ thu lại những vụ khủng bố thưa thớt không quan-trọng.
Ngày 13 tháng Giêng 1948, Cam-Địa tuyệt thực một lần cuối và việc đó đã khắc vào trí não của Ấn-Độ một hình ảnh đạo-đức vô biên, vô lượng.
Nguyên là những vụ tương tàn ở Đề-Li tuy đã kết liễu rồi, nhưng các tỉnh thành khi trước phì nhiều, trù mật là thế, bây giờ, tuy gọi là tạm yên những vẫn không có an ninh an toàn. Người ta không thể đi tới Đề-Li một cách vững dạ, yên ổn. Thánh Cam-Địa lấy thế làm chán nản lắm. Mà Thánh lại muốn đi Pakistan để cứu tế những người Ấn và người Sikhs; nhưng đi thế nào được, nếu những người Hồi ở Đề-li vẫn chưa được bồi thường? «Tôi chán nản quá lắm».
Thánh lại tuyệt thực. Lần này thì tuyệt thực hoàn toàn, tuyệt thực cho đến chết thì thôi. Thánh không hỏi ý-kiến ông Nehru hay Patel mà cũng không hỏi ý-kiến của các viên thầy thuốc. Đến khi người ta trách Thánh sao lại tuyệt thực vội vàng như thế, trong khi tình thế đã khả quan hơn, thì Thánh trả lời rằng chờ đợi đã lâu, Thánh sốt ruột lắm rồi. Vụ tuyệt thực này có mục-đích là «Kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người», người Ấn và người Hồi trong toàn thể liên bang Ấn Độ cũng như những người Hồi ở Pakistan.
''Nếu tất cả những đoàn thể đó hay là một ít đoàn thể có tán thành ý-kiến của tôi, sống với nhau hòa nhã như anh em ruột thịt, tôi sẽ được toại nguyện''.
Luôn luôn, Thánh Cam-Địa chỉ lo những vụ biến loạn, tương tàn lại nổi lên to ở Đề-Li. Nếu bến loạn lại nổi lên ở đó, Ấn-Độ sẽ bị nạn đao binh, trên toàn thể lãnh-thổ, mà nếu Ấn-Độ có chiến-tranh thì nhất định là hòa-bình thế-giới sẽ tiêu tán vậy. Có nhiều người Ấn-Độ bị ám sát ở Karachi, Kinh-đô Pakistan, và còn nhiều vụ ám sát nổi lên ở những nơi khác trong vùng Hồi. Thánh Cam-Địa tính đốt ngón tay cảm thấy một tai nạn gớm ghê; một cảnh tương tàn thảm khốc nữa chẳng chóng thì chầy cũng sẽ diễn ra. Ở Đề-Li, những người tản cư đuổi người Hồi ra khỏi nhà họ và họ tuyên bố ước ao được thấy người Hồi bị xua đuổi ra khỏi tỉnh! Thánh Cam-Địa bảo:
''Cơn giông tố đã gầm lên ở trong lòng người ta, thế nào rồi cũng phát xuất ra bên ngoài. Thánh biết chắc Thánh có thể chết được. Ngài báo cho bạn hữu biết rằng họ không cần phải tìm đến tòa nhà Birla để cản trở Thánh làm gì, mà họ cũng chả cần phải băn khoăn, thắc mắc. Thì giờ để thắc mắc lo âu cho Người, các bạn của Người nên lo cho nội tâm mình thì hơn vì giờ khắc này là giờ khắc mọi người kiểm-điểm lại lòng mình''.
Hôm tuyệt thực thứ nhất, có người viết vào một tờ giấy đệ lên hỏi Thánh rằng trong vụ tuyệt thực này của Thánh, ai là người đáng chê-trách, đáng kết tội. Thánh trả lời rằng:
''Chả có ai có tội cả, chả ai đáng chê trách cả. Nhưng nếu người Ấn, người Sikhs vẫn cứ cương quyết xua đuổi người Hồi giáo khỏi Đề-Li, họ sẽ phản tổ quốc Ấn-Độ, phản tôn giáo Ấn-Độ, và tôi lấy thế làm đau đớn lắm''.
Ngày thứ hai tuyệt thực, các viên thầy thuốc ngăn cản Cam-Địa đừng đến nơi cầu nguyện nhưng Cam-Địa vẫn đến để nói chuyện với các tín đồ sau khi họ đã cầu nguyện xong rồi:
''Tôi không bao giờ lại có ý mong rằng cuộc tuyệt thực của tôi sẽ kết liễu một cách chóng vánh. Đừng nên để ý đến tôi cũng như đừng nên để ý đến nguyện-vọng của tôi có thực hiện được hay không và cuộc tuyệt thực của tôi có kết liễu không. Tôi sẽ chờ đợi thật lâu, lâu bao nhiêu cũng được, nhưng tôi sẽ bất mãn vô cùng nếu tôi thấy rằng dân chúng hành động chỉ là vì để cứu sống tôi''.
Trong cuộc tuyệt thực này, Cam-Địa không chịu để cho các viên thầy thuốc xem xét. «Tôi đặt tính mệnh tôi vào trong tay Thượng-Đế». Nhưng Bác-sĩ Gilder, một bác-sĩ chuyên môn về tim ở Bombay bảo rằng thầy thuốc muốn yết một bản thông cáo hàng nếu Thánh không để cho các thầy thuốc khám xét thì không thể nào biết sự thật được. Thánh Cam-Địa đành phải ưng thuận. Tuy vậy, thân thể ngài kém lắm. Sức giảm dần dần sút hẳn cân đi trông thấy.
Hồi hai giờ rưỡi sáng ngày thứ ba, Thánh đòi tắm nước nóng. Nằm ở trong thùng tắm, Thánh đọc cho Pyaérélal một bản thỉnh cầu xin với chính-phủ Liên-Bang Ấn trả cho chính-phủ Pakistan một số tiền bồi thường là 550 triệu ru-pi. Đó là phần của Pakistan trong số vốn ở Ấn-Độ trước khi phân chia; nhà cầm quyền ở Tân-Đề-Li, dùng-dằng chưa chịu trả; và Thánh yêu cầu phải trả ngay. Trong khi đọc bản thỉnh cầu đó, Thánh Cam-Địa xây xẩm mặt mày, Pyaérélal phải vực Ngài ở trong thùng tắm ra. Ngài sụt cân nữa và yếu hẳn.
Chính-phủ Liên-bang Ấn ưng thuận trả số tiền 550 triệu ru-pi.
Hôm sau, Thánh nằm trên một cái giường kê ở cửa tòa nhà Birla. Suốt ngày Thánh nằm cuộn tròn người lại, hai chân co lên bụng, hai bàn tay khép vào ngực. Đầu và thân thể Ngài chùm trong một tấm vải trắng. Mắt nhắm, hình như ngủ mà hình như lịm dần đi.
Một đoàn người trùng-trùng điệp-điệp đi diễu ở bên ngoài. Người Ấn và người ngoại quốc đi diễu đó không thể ngăn được lòng thương cảm; họ cầu nguyện và chắp tay vái lạy Ngài tuy là họ không được trông thấy Ngài đâu.
Trước buổi cầu nguyện 5 giờ chiều, Thánh thức tỉnh nhưng không thể đến nơi cầu nguyện để nói chuyện được với đồng bào nữa. Người ta phải lắp máy phóng thanh để Thánh có thể cứ ngồi trên giường mà nói chuyện. Giọng Thánh đã yếu lắm, Thánh nói không được nhiều.
Đến ngày thứ tư thì mạch trầm hẳn. Moulana Aboul Kalam Azad thỉnh cầu Thánh dùng một tí nước chanh vắt nhưng Thánh không ưng chịu. Thầy thuốc báo cho Thánh biết rằng Thánh không đi tiểu tiện nữa và dầu Thánh có sống được nữa cũng thành ra tàn tật. Thánh không để ý đến điều đó, Ngài nói:
''Hôm nay là ngày thứ tư tôi tuyệt thực nhưng chưa bao giờ tôi thấy dễ chịu như hôm nay. Vị lãnh đạo duy nhất của tôi là Thượng-Đế, Thượng-Đế bất diệt, Thượng-Đế chí linh thiêng. Nếu Thượng-Đế xét ra cần đến cái thân thể còm cõi của tôi, thì Ngài sẽ giữ gìn tôi mặc dầu có những lời quyết đoán của các ông thầy thuốc. Tính mệnh của tôi ở trong tay Ngài. Vả chăng, xin các bạn tin rằng tôi không hề sợ cái chết, tôi không hề sợ một cố tật nếu Thượng-Đế cho tôi sống sót. Nhưng tôi muốn thấy rằng những lời kêu gọi của tôi phải dược anh em đồng bào nghe theo đoàn kết với nhau, cũng như nếu đồng bào xét ra còn cần đến tôi''.
Ngày 17 tháng Giêng, Thánh Cam-Địa nôn khan, và có vẻ trằn trọc lắm. Tuy vậy, Ngài cũng ngủ được bốn tiếng đồng hồ. Ông Nehru trông thấy Thánh như thế bưng mặt khóc. Thánh tỉnh lại và sai Pyaérélal đi thăm dò tin tức xem người Hồi đã về nhà về cửa bình yên chưa. Hàng ngàn hàng vạn bức điện tín ở khắp mọi nơi trong nước được đánh đến để hỏi thăm sức khỏe của Thánh.
Nguyên là từ hôm 13, từ hồi 11 giờ trưa, thấy Thánh bắt đầu tuyệt thực, nhiều tổ chức trong nước và từng nhóm người các giới, các người tản cư ở Đề-Li hội họp nhau lại ở nhà bác sĩ Rayendra Prasad, vị tân chủ tịch Quốc-Hội để cố gắng tìm một phương pháp đi tới hòa bình, chấm dứt chiến-tranh nội bộ. Nhưng đối với một sự thỏa hiệp như thế mà chỉ lấy chữ ký của những phần tử tương phản không, không đủ, mà Thánh cũng không lấy thế làm ưng ý. Cần phải có những sự cam kết cụ-thể, mà đã cam kết chắc chắn là phải thi hành. Nếu có ai không thi hành thì Thánh Cam-Địa sẽ biết dễ dàng lắm và rất mau, mà nếu để cho có sự ấy đến thì nhất định là Thánh sẽ tuyệt thực cho đến chết. Vì trách nhiệm lớn lao, quan trọng như thế nên có một ít đại biểu trù trừ và rút lui để bàn bạc với nhau.
Vậy, đến sáng hôm 18 tháng Giêng, mọi người ký vào trong bản cam kết và hơn một trăm đại-biểu đi từ nhà ông Prasad đến tòa Birla. Hai ông Nehru và Azad đã ngồi sẵn ở đó. Người ta còn thấy cả ông chánh mật thám Đề-Li và người giúp việc thân tín của ông ta ; mấy người này cũng ký tên vào trong bản cam kết.
Prasad khai mạc Hội-Đồng.
Thoạt tiên, ông nói về vụ tuyệt thực của Thánh Cam-Địa và nói rõ tại sao họ lại phải cam kết với nhau như vậy. Những lời cam kết này là một lời hứa trịnh trọng mà cũng là một chương-trình hành động nữa:
''Chúng tôi cam kết bảo vệ tính mệnh, tài sản và tôn giáo của những người Hồi giáo và chúng tôi xin hứa rằng những biến động xẩy ra ở Đề-Li sẽ không xẩy ra nữa''.
Thánh Cam-Địa nằm lắng tai nghe và gật đầu tỏ vẻ bằng lòng:
''Ngoài ra, chúng tôi xin đoan chắc với Thánh Cam-Địa của chúng tôi, lễ Kouya Qoutaboud-Din-Mazar sẽ cử hành như thường lệ (Lễ này là một lễ rất trọng thể của người Hồi giáo). Người Hồi có thể đi lại Souzimandi Karol Bagh, Pahargany và nhiều thị-trấn khác, y như thể ngày xưa. Những ngôi đền của người Hồi mà hiện người Ấn và người Sikhs chiếm đóng phải trả lại cho người Hồi. Những người Hồi tản cư có thể trở lại và làm ăn buôn bán bình thường. Chính-phủ Liên Bang Ấn sẽ chị trách nhiệm an ninh của người Hồi''.
Đoạn xong mấy điều khoản trong bản cam-kết, Prasad thỉnh cầu Thánh Cam-Địa đình chỉ vụ tuyệt thực, và vì vậy, Thánh thấy dễ chịu hơn.
Thánh Cam-Địa tỏ vẻ vui mừng, nhưng vãn không được mãn nguyện vì tại sao người Ấn và người Hồi chỉ mới bắt tay hòa bình vỡi nhau ở mỗi tỉnh Đề-Li thôi. Thánh muốn cho tất cả Ấn-Độ đều ngừng nội chiến, bất cứ chỗ nào ở trên đất Ấn người Hồi, người Sikhs và người Ấn cũng đều thương yêu nhau như anh em một nhà.
Nói đến đây thì Thánh ngất lịm đi, nước mắt Ngài ràn rụa trên gò mà. Bao nhiêu người đứng ở chung quanh đó thở dài não nuột, nhiều người lau nước mắt.
Đến khi tỉnh lại thì giọng nói của ngài yếu quá lắm, không ai còn nghe rõ nữa. Nữ bác sĩ Souchila Naygar phải đứng nhắc to lên từng câu ngắn của Ngài cho mọi người nghe. Cam-Địa hỏi mọi người tề tựu ở đấy là họ thành thực thương yêu nhau, thành thực ngừng chiến hay là họ đánh lừa Thánh để cứu sống Thánh. Có thật là họ đảm bảo với Thánh về nền hòa bình ở Đề-Li không? Thánh có thể tự do đi về Pakistan để thuyết pháp về hòa bình không?
Sau khi mọi lời cam kết cẩn thận một lần nữa Thánh ngồi dậy, trầm mặc và im lặng. Mọi người nín thở để đợi chờ. Sau mãi Thánh mới tuyên bố câu mà mọi người mong đợi: Thánh sẽ thôi tuyệt thực!
Trong tòa Birla vang lên những câu hát cầu chúc bằng đủ các thứ tiếng. Đoạn Maoulana Azad dâng lên Thánh một cốc nước cam. Thánh uống chầm chậm rồi nói:
''Nếu những lời cam kết kia được thực hiện, tôi cũng muốn sống nốt cuộc đời thừa của tôi để phụng sự nhân loại''.
Chương 27
VỀ TRỜI
Ngày thứ hai, sau vụ tuyệt thực cuối cùng, Thánh Cam-Địa được các đệ-tử dìu đến nơi cầu nguyện. Trong bản thuyết pháp rất nhỏ nhẹ của Ngài. Ngài thuật lại rằng có một viên chức Ấn trong tổ chức R.S.S bài trừ Hồi Giáo phản đối về bản cam kết mang lại hòa bình ở Đề-Li. Thánh Cam-Địa tỏ ý thương người đó và đoán chắc người viên chức ấy thế nào sau này  ''cũng sẽ nghĩ lại''.
Hôm sau, người ta dìu Thánh đến nơi cầu nguyện. Thánh tỏ ý mong mỏi sẽ được chóng bình phục để đi Pakistan kiện toàn sứ mệnh phục hồi nền hòa bình ở đó.
Trong khi Thánh Cam-Địa thuyết pháp, có một tiếng nổ dữ dội. Thánh hỏi: ''Cái gì đấy?''
–  ''Chúng tôi cũng không được biết''.
Thính giả xôn xao. Thánh lại bảo:
''Các bạn chẳng nên bận tâm vào tiếng động đó làm gì. Hãy nghe tôi đây!''
Tiếng nổ đó là một tiếng lựu đạn mà người ta ném vào chỗ Thánh ngự, từ một khoảng vườn hàng xóm.
Ngày hôm sau nữa, Thánh đi bộ một mình tới nơi cầu nguyện. Dọc đường, Ngài nói chuyện với các đệ tử rằng có nhiều người thấy Ngài bình tĩnh trước tiếng nổ vang động có tỏ ý khen Ngài, Ngài bảo rằng Ngài chả có điều gì mà đáng khen. Ngài tưởng là người ta tập quân sự ở gần đấy :
''Nếu ví dụ mà tôi bị chết vì tiếng nổ đó mà miệng tôi vẫn mỉm cười, không oán hận gì thủ phạm vụ đó thì họa chăng là tôi mới đáng khen. Đừng ai nên khinh khi người trẻ tuổi lầm đường lạc lối ném trái lựu đạn kia. Ý hẳn rằng anh ta cho rằng tôi là kẻ thù của Ấn-Độ, của Ấn-giáo''.
Sau, Thánh lại tiếp:
''Tội nghiệp cho người thanh niên! Y có biết rằng những người không đồng ý ý tưởng với y đâu phải là những người xấu''.
Thánh yêu cầu những bạn đồng chí của y nên khuyên bảo y, đừng giữ cái tính cách bạo động như thế nữa:
''Bạo động không phải một phương sách để cứu vớt nước Ấn-Độ. Muốn cứu Ấn-Độ thì phải theo đường lối của tôi''.
Dân Sikhs đến thăm Thánh cam đoan rằng người thanh niên quá khích ném bom kia không phải là đồng bào của họ. Cam-Địa bảo:
''Cái đó có quan hệ gì đâu? Y là người Sikhs, người Hồi, hay người Ấn thì có quan hệ gì? Dù là người nào đi nữa tôi cũng chỉ mong cho người ta được khá hơn lên''.
Ngay lúc người thanh niên đó ném lựu đạn xong thì bị bắt. Một người đàn bà túm được hắn và giải hắn về ty Cảnh sát. Thánh khen ngợi người đàn bà ấy can đảm và tự thân xin với sở Cảnh sát đừng đánh đập chàng thanh-niên đó. Trái lại, Thánh yêu cầu sở Cảnh sát nên đối đãi với y rất nhân-đức để dụ hắn về đường ngay và giảng giải cho y những ý tưởng tốt đẹp, những hành-động tốt. Các đệ tử của Ngài cũng phải cư-xử tử-tế với y, phải thương xót y chứ không được thù hằn, tức tối y.
Người thanh niên ấy tên là Mandal Lal. Y là một dân tản cư vùng Pundjab và ở nhờ trong một ngôi đền ở Đề-Li. Trong phiên xử án, y nói với tòa như sau:
''Tôi đã được nhìn tận mắt nhiều việc bỉ ổi, kinh tởm ở Pakistan. Tôi đã được nhìn thấy người ta bắn chết đồng bào Ấn của tôi trong những tỉnh Pundjab và Đề-Li''.
Mandal Lal là một đảng viên trong tổ chức thanh niên bạo động có nhiệm vụ mưu sát thánh Cam-Địa. Quả lựu đạn y ném không có kết quả, y bị bắt, các bạn y thấy thế cử một người khác đến làm nhiệm vụ. Chàng thanh niên sau này là chủ bút một tờ báo tuần viết bằng chữ Ấn, Tờ Mahasabha ở tỉnh Poona, vùng Maratha, dưới quyền cai trị của Tilak. Y tên là Nathouram Vinayak Godse. Y là con cái một nhà khá giả.
Chính-phủ Ấn bắt được y và tất cả đảng viên của tổ chức quá khích đó. Tất cả tám người trẻ tuổi. Tòa xử đến 6 tháng trời mới xong. Mandal Lal thì khai rằng y vẫn kính trọng Thánh ''nhưng tức vì Thánh bênh vực người Hồi, Thánh bắt chính-phủ Ấn phải trả cho người Hồi số tiền 550 triệu ru-pi''. Chính Godse cũng uất ức về điều đó, Y nói:
''Tôi băn khoăn nghĩ ngợi và tôi lấy làm khổ tâm vô cùng về những vụ người Hồi khủng bố giết chóc người Ấn. Tôi khổ tâm về tương lai của nước Ấn và tôi thường nghĩ nếu Ấn-Độ cứ bùng nhùng với Hồi giáo ở bên ngoài và Thánh Cam-Địa ở bên trong thì tương lai Ấn-Độ ra thế nào… Vì thế tôi quyết hạ Thánh Cam-Địa''.
Mặc dầu lời khai của Godse, tòa cũng xử Godse phải chết treo.

Như trên đã nói, trong buổi cầu nguyện cuối cùng của Cam-Địa, Godse đứng ở hàng thứ nhất, vừa trông thấy Thánh, hắn kính cẩn vái Ngài. Thánh chắp tay đáp lễ mỉm cười. Godse bước ra, đứng chắn lối đi của Thánh. Bà cháu gái Thánh dãn Godse ra. Godse đứng thẳng, và tay hắn bấm cò súng. Thánh ngã xuống đất, miệng lẩm bẩm khẽ ''Trời ơi!'', và mất.

20/1/2022
Louis Fischer
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những dị biệt giúp câu chuyện chuyển động Nhà văn Nhật Bản đương đại Haruki Murakami chia sẻ cách ông tạo ra những nhân vật hư cấu, và t...