Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Cẩm chướng đỏ 1

Cẩm chướng đỏ 1

Chương 1
Mẹ ơi, con gái yêu của mẹ đi học về rồi nè!
Thuyên vừa nói vừa đặt chiếc cặp to đùng xuống chiếc bàn chung của cả nhà, mỉm cười với cô nữ sinh lớp 12 tóc dài óng có đôi mắt ướt trong gương. Ý nghĩ: “Mình cũng… xinh đó chứ!”, khiến Thuyên thoáng đỏ mặt…
- Đói bụng chưa con?
Thuyên giật mình quay lại, nũng nịu:
- Mẹ làm con giật cả mình. Ba chưa về hả mẹ?
- Ừa, bữa nay chắc ba con ăn trưa ở chỗ làm. Mà sao con lại giật mình? - Mẹ vuốt tóc Thuyên - Chà, con gái mẹ biết soi gương làm điệu rồi phải không?
- Mẹ này… - Thuyên lại đỏ bừng mặt.
Mẹ mỉm cười dợm bước vào bếp dọn cơm, chợt dừng lại như nhớ ra điều gì, nhìn Thuyên, nói:
- À, con có thư gởi từ Nha Trang đó. Coi của ai.
Thuyên nghĩ ngay đến người anh họ tên Sang, trong mười ngày Thuyên nghỉ hè ở Nha Trang đã rất thân thiết với Thuyên. Thuyên mừng rỡ xé bì thư. Không phải là anh Sang rồi, chữ của anh Sang, Thuyên biết mà. Vậy thì ai? Thuyên vội vã lật hết lá thư để xem chỗ ký tên. Cái tên đập vào mắt khiến Thuyên không kềm được, ồ lên ngạc nhiên: Huỳnh Thanh Dũng! Trong đầu Thuyên hiện lên gương mặt hơi rám nắng, cương nghị, còn mái tóc thì lại đầy chất lãng tử của người bạn thường đi chung với anh Sang. Một con người hơi có vẻ pha trộn! “Sao anh ta lại gởi thư cho mình?”. Thuyên chưa hết thắc mắc thì mẹ đã gọi vào ăn cơm. Cô nhét lá thư vào trong cặp và đặt vào ngăn tủ.
Trong bữa cơm, mẹ hỏi Thuyên về lá thư, Thuyên không biết trả lời sao, đành nói dối là của anh Sang. Thật ra, Thuyên đang rất hồi hộp. Một người chưa trò chuyện lần nào thì có gì để viết trong thư nhỉ? Thuyên ăn nhanh bữa cơm, giúp mẹ rửa chén rồi chạy vào phòng riêng giở lá thư ra đọc.
Càng đọc, Thuyên càng thấy bồi hồi bởi những lời lẽ của Dũng viết, giọng điệu nghe sao ngọt ngào và êm dịu quá! Những “nhớ nhung”, “lưu luyến” Dũng viết trong thư và hai chữ “love” ở cuối thư đã làm Quỳnh Thuyên muốn vỡ cả lồng ngực. “Chao ôi, anh ta ngỏ ý… thích mình!”. Trái tim bé nhỏ của Thuyên đập vội vã. Cô run rẩy nhét lá thư sâu vào trong cặp như sợ nó sẽ lao ra mà cắp cô bay đi thật xa. Mười ngày, không là ít, cũng chẳng là nhiều, nhưng chưa đủ để cho hai người xa lạ hiểu nhau. Vậy thì tại sao “hắn ta” lại dám…? “Hắn ta” là người thế nào, Thuyên không rõ. Mỗi lần đi chơi với anh Sang và bác Tường đều có “hắn” đi theo, chẳng biết xưng hô thế nào, Thuyên gọi đại là “cậu Dũng”. Anh Sang và bác Tường chỉ cười mà không nói gì. Ra biển ngắm sao, vào quán karaoke với những dãy bàn ngập người hay ngồi trò chuyện trong nhà, Thuyên nhớ trước sau “hắn” chỉ im lặng nhìn Thuyên cười cười. Thuyên cứ vô tư nói chuyện, vô tư đối đáp với anh Sang. Một hôm, nghe mọi người nói tiếp viên nữ bán các quán nước ở đây nếu là người miền Nam sẽ được trả lương rất cao, người ta bảo con gái miền Nam nói tiếng dễ thương! Thuyên nghe mà cứ thấy mắc cười hoài. Bất ngờ, “hắn” nói:
- Đúng rồi, đến giờ Dũng mới biết con gái miền Nam nói chuyện dễ thương nhất đó.
Anh Sang và bác Tường lại nháy nhau cười, Quỳnh Thuyên chẳng để ý là “hắn” có ý nói đến mình. Bây giờ nghĩ lại thật tức cành hông, nhưng có điều cũng… vui vui. Tệ nhất là lần anh Sang chọc, hỏi: “Người yêu của Thuyên sau này phải thế nào?”. Thuyên không đắn đo:
- Người yêu của em hả, đương nhiên là phải hơn em một cái đầu. Nhưng nói trước, nếu yêu thiệt thì phải chờ em tới… 30 tuổi, tới lúc đó em mới lấy chồng à nghen!
Nói rồi lại le lưỡi ra mà cười. Chao ơi, 18 tuổi mà bảo người ta chờ… mười hai năm, chẳng ra làm sao cả! Lúc đó, Thuyên chỉ nghĩ là “người trong nhà” cả nên đùa một chút cho vui. Còn bây giờ, Thuyên tự trách mình thật khờ.
Dũng! Dũng! Dũng! “Hắn” đã khiến Thuyên mất nhiều thời gian suy nghĩ bâng quơ quá rồi. Bực mình, Thuyên mở cửa phòng bước ra ngoài, gặp ngay lúc Trúc Anh vừa đến…
- Dì ơi, có Quỳnh Thuyên ở nhà không dì? - Trúc Anh hỏi mẹ Thuyên.
- Nó ở trong phòng đó con. Không biết sao mà từ trưa đến giờ cứ nằm mãi ở trỏng [1] - Thấy Thuyên vừa bước ra, mẹ quay trở vào bếp - Trúc Anh ở chơi nghe con!
Trúc Anh dạ ran như con nít rồi phồng má lên với Thuyên. Thuyên cười:
- Trúc Anh ngoan quá ta!
- Còn phải nói. Trúc Anh mà!
Vừa nói, tên bạn trai thân thiết từ hồi chập chững biết đi của Thuyên vừa ngồi xuống ghế với lấy trái mận ăn ngon lành. Trúc Anh bây giờ đã lớn phổng, rắn chắc hơn và không còn giống… con gái nữa. Hất mái tóc mỏng ra sau một cách nhẹ nhàng, Trúc Anh hỏi:
- Thuyên làm bài tập toán hết chưa? Có cần học chiều nay không?
- Thuyên chưa làm, nhưng thấy cũng dễ mà. Có gì sao mà Trúc Anh hỏi vậy?
- Chiều nay Trúc Anh đi coi ca nhạc - Trúc Anh rút trong túi ra hai tấm vé - Cho “công nương” một vé, đi hén!
Quỳnh Thuyên vỗ hai tay vào nhau, reo lên:
- Thì ra hồi trưa Trúc Anh về trễ là vì đi mua vé đó hả? Thích há! Chiều nay Thuyên sẽ khao Trúc Anh ăn bắp rang bơ, chịu không?
- Ừa. Nhưng nhớ học bài cho xong đó nghe!
- Biết rồi,”nhũ mẫu” à!
Nghe giọng điệu trêu chọc của cô bạn, Trúc Anh xoay nắm tay ra vẻ như muốn cho Quỳnh Thuyên một trận. Thuyên ngoéo hai ngón tay vào tay áo của Trúc Anh. Hai đứa cùng cười rộ lên. Đó là giao ước hòa bình mà chúng đã cùng “thiết lập” với nhau từ hồi học lớp một.
Thời thơ ấu của mỗi người đều là khoảng thời gian không thể nào quên. Hạnh phúc biết bao khi ta có một người bạn luôn ở bên cạnh ta, cùng chia sẻ buồn vui, cùng nhìn nhau trưởng thành. Trúc Anh là một phần rất quan trọng trong cuộc đời Thuyên. Không phải ruột thịt nhưng tình cảm Trúc Anh dành cho Thuyên còn hơn cả anh em. Vừa là bạn, Trúc Anh vừa là người anh lo lắng cho Thuyên đủ điều. Không bao giờ Trúc Anh để Thuyên buồn hay bị ai ăn hiếp. Thuyên biết mình chịu ơn trời phật vì điều đó. Có lẽ cũng bởi vậy mà Thuyên càng ngày càng thêm yêu lạ lùng những bông cẩm chướng đỏ. Gần như bữa nào tới Thuyên chơi, Trúc Anh cũng thấy nơi bàn học của Thuyên có sẵn một lọ cẩm chướng đỏ lung linh…
Chương 2
Lớp 12 vào học sớm hơn nửa tháng trước ngày khai giảng. Mấy ngày này, mải mê ôn tập cho kỳ thi kiểm tra chất lượng đầu năm nên mọi người dường như quên hẳn chuyện đùa nghịch. Ngôi trường vì thế vẫn im ắng trong tiếng ve sầu.
Sáng nay, thầy hiệu trưởng cho gọi tất cả học sinh giỏi của các môn tập trung để dặn dò việc bắt đầu học lớp bồi dưỡng lại cho kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vào tháng 11 tới. Thuyên thấy phấn chấn quá. Buổi chiều, Thuyên đến lớp thật sớm - cùng với năm bạn nữa - đợi cô giáo đến. Tiết học đầu tiên của lớp Văn 12!
Cạnh phòng Thuyên học là phòng Trúc Anh đang học môn toán. Cho tới lúc này, Thuyên và Trúc Anh là hai học sinh sáng giá nhất trong đội tuyển của trường. Áp lực cũng khá nặng nề cho cả hai đứa.
Đầu tiết học, cô giáo tóm lại các giai đoạn văn học từ trung đại đến 1930-1945. Bất chợt:
- Dạ thưa cô, em… mới vô ạ!
Cô giáo quay ra. Cả lớp cũng ngước lên xem chủ nhân giọng nói lảnh lót ấy là ai. Một cô bạn với gương mặt sáng sủa, đôi mắt một mí nhưng khá dễ thương đang đứng trước cửa lớp. Thuyên nghe tiếng xì xào:
- A, hình như nhỏ này mới chuyển trường, học lớp 12A3. Sao lại vô đây vậy cà?
Cô giáo mỉm cười dịu dàng với cô học sinh mới:
- Em vào đi! Lần sau nhớ đến đúng giờ.
- Dạ!
Cô bạn dạ xong là mở miệng cười toe. Một chiếc răng khểnh lấp lóa. Thuyên há hốc miệng. Thuyên cũng có một chiếc răng khểnh giống như vậy! Cả lớp lại được dịp liến thoắng.
- Im lặng nào! Cô giới thiệu bạn mới: Phan Trang Như, học lớp 12A3. Bạn sẽ cùng học lớp bồi dưỡng văn với chúng ta năm nay. Thành tích môn văn của Như ở trường cũ rất tốt.
Sáu đứa con gái, bây giờ lại thêm một đứa con gái nữa thì cũng chẳng có gì… đáng bàn luận. Nhưng đứa con gái thứ bảy này lại kéo bàn cái sột, để viết xuống đánh bộp, rồi lại ngước lên cười với cô giáo thì thật là không thể không bàn luận được. Một chốc sau, cả lớp không còn xôn xao nữa khi cô giáo chép đề văn lên bảng. Đề bài kiểm tra đầu khóa học chỉ vẻn vẹn bốn chữ: “Cảm xúc mùa hè”. Thuyên cắm cúi viết sau vài phút suy nghĩ. Cảm xúc đến với Thuyên rất nhanh: này là bờ biển dài cát trắng, này là rặng phi lao rì rào… Trong một lúc suy nghĩ tìm ý, Thuyên ngẩng đầu lên, ghé mắt trông người mới tới. Cô bạn đó cũng đang rất tập trung, gương mặt nghiêm túc hẳn, không hề giống chút nào với vẻ nhí nhố lúc đầu. Thuyên bắt được mạch cảm xúc, bắt đầu viết một hơi cho đến hết giờ, không ngước lên lần nào nữa.
- Đoản văn của Quỳnh Thuyên về một mùa hè ở biển rất giàu hình ảnh, pha chút lãng mạn và lời lẽ mạch lạc. Rất tốt! Còn đây, bạn Như đã làm một bài thơ với cảm xúc chân thật. Một mùa hè sum họp của gia đình thật xúc động…
Cô giáo đang sửa bài kiểm tra sau 30 phút ra chơi. Đề chỉ yêu cầu “Cảm xúc mùa hè” nên các em có thể sử dụng bất cứ hình thức nào để thể hiện mình. Cô đánh giá cao cả hai bài làm của Thuyên và Như. Hai em đều có sức viết tốt, hành văn mượt mà hơn các bạn trong lớp!
Cô giáo tiếp tục nhận xét bài làm của các bạn khác nhưng Thuyên không còn chú ý lắng nghe nữa. Thuyên bị bất ngờ vì nhận xét lúc nãy của cô giáo. Một người mới đến lại có điểm ngang với Thuyên! Thuyên bỗng thấy khó chịu. Cảm giác mình là “nhất” bị tước mất. “Nhưng đây chỉ mới là bài viết đầu tiên. Mình sẽ không để chuyện này lặp lại”. Thuyên thầm nghĩ mà mắt thì lại ngó trân trân Trang Như. Không ngờ, Như quay lại nhìn Thuyên, miệng hỏi: “Có gì không?”. Lại còn cong môi lên nữa. Ghét, một con nhỏ đanh đá quá! Thuyên quay đầu nhìn ra… cửa sổ.
Tan buổi học, Trúc Anh từ phòng bên chạy sang đợi Thuyên cùng về. Thuyên chậm rãi bước ra, vẻ không vui:
- Bị cô la hả? - Trúc Anh hỏi.
Thuyên lắc đầu:
- Không có…
Rồi kéo Trúc Anh lại, Thuyên chỉ Như đang chạy nhanh xuống cầu thang, Thuyên nói:
- Người mới đó! Vậy mà bài kiểm tra bằng điểm Thuyên luôn.
- Thiệt hả? Mà ở lớp toán của Trúc Anh, mấy bạn bằng điểm Trúc Anh hoài, có… sao đâu?
- Trúc Anh không hiểu đâu!
Nhìn vẻ bực dọc của Thuyên, Trúc Anh cười. Cậu le lưỡi, véo mũi làm trò để chọc Thuyên. Trúc Anh rất giỏi “vụ” này. Thuyên không nói gì nhưng đã bớt giận dỗi, cô bước đi nhẹ nhàng hơn. Trúc Anh an ủi:
- Thôi, đừng buồn, mới bài đầu tiên mà. Với lại, đòi giỏi hơn người ta hoài là sắp… kiêu ngạo rồi đó nghe!
- Ừa…, Thuyên lại xấu tính rồi… - Thuyên cười hiền, thú nhận.
Trúc Anh nói chẳng sai. Có lẽ Thuyên giận như thế là không đúng! Thuyên nhíu mày băn khoăn. Trúc Anh liền vỗ vỗ hai tay vào nhau, nói lớn:
- Suy nghĩ hoài! Trúc Anh không nói tin này cho Thuyên nghe bây giờ.
- Tin gì vậy? - Thuyên hỏi lại.
- Văn nghệ trường đón mừng khai giảng! Các lớp sẽ thi với nhau sau khai giảng một tuần. Tức là tụi mình còn hai tuần để chuẩn bị. Sao, thích rồi phải không?
Thuyên cười khoe răng khểnh. Đương nhiên là Thuyên rất thích. Văn nghệ là sở trường của Thuyên mà. Thuyên có thể soạn kịch, lại có giọng hát hay nên không có phong trào văn nghệ nào của trường mà Thuyên lại bỏ qua. Thuyên nói nhanh:
- Đóng kịch hoặc chỉ hát thôi sẽ hay hơn hả Trúc Anh?
- Mỗi lớp chỉ có 15 phút thôi, làm ngắn mà lại hay mới ổn được. Để ngày mai đến lớp tụi mình bàn với các bạn xem sao.
- Vậy đi há!
Thuyên nói dứt câu thì cả hai đã đến nhà gởi xe.
Chầm chậm, Thuyên và Trúc Anh đạp xe trên đường, con đường đầy lá bàng rụng và cỏ khô. Mùa thu, những góc phố quen thuộc bỗng trở nên đẹp và thơ mộng hơn đôi chút. Ai bảo miền Nam không có bốn mùa, Thuyên thì cảm thấy mỗi mùa đều trải ra những nét khác nhau rõ rệt. Trúc Anh đạp xe bên cạnh Thuyên, thầm đoán xem cô bạn đã mơ mộng đến tận nơi nào trong buổi chiều thu êm ả này.
- Trúc Anh, đi mua hoa… cúc đi! - Thuyên chợt đề nghị:
- Nhưng… chiều rồi. Mà sao bữa nay lại là hoa cúc, không phải cẩm chướng đỏ nữa sao?
- Tự dưng Thuyên muốn cắm một lọ hoa cúc ở bàn học vào đầu thu quá! Vào tiệm hoa đi… - Thuyên nài.
- Được rồi. Sợ cô “tiểu thư” này quá!
Trúc Anh nhấn pê-đan, quẹo sang góc đường bên trái. Nhìn Thuyên tươi tắn bên những bông hoa cúc, Trúc Anh thấy là lạ. Vậy là cả hai đứa đã 18 rồi ư? Năm tháng có giữ mãi được những phút giây vô tư này?
Đêm văn nghệ trường thật sôi động, nhất là với tụi “nhóc” lớp 10, tuy mới vào trường nhưng chúng chẳng chịu thua ai, các tiết mục đều rất đặc sắc. Thuyên xem mà thấy mê. Cuối cùng, thời điểm dành cho khối 12 đã đến. Thuyên nhẹ nhàng bước lên sân khấu trong bộ áo dài trắng, làm người dẫn chuyện cho một vở kịch ngắn do chính Thuyên viết mang tên “Cẩm chướng đỏ”. Vở kịch với nhiều tình tiết ngợi ca tình bạn trong sáng, cảm động do Trúc Anh, Thiện và Lan diễn. Trong vở kịch có xen đôi chỗ hài làm cho khán giả vừa vui, vừa cảm thấy xốn xang. Kết thúc vở kịch, Thuyên nói: “Tình bạn không phải là một viên kẹo lúc nào cũng ngọt. Tình bạn lại càng không phải là lá xanh chỉ xanh theo mùa. Tình bạn là một hạt muối chia nhau, ngậm vào thấy ngọt, đó là sự sẻ chia, thông cảm đẹp nhất của cuộc đời này”. Những tiếng vỗ tay vang dội sau lời kết của Thuyên làm chính Thuyên xúc động muốn… rơi nước mắt. Nhìn qua, thấy Trúc Anh cũng khịt khịt mũi theo thói quen khi xúc động hoặc ngại ngùng, Thuyên nhoẻn cười. Còn gì phải nói, Thuyên viết về tình bạn của chính mình, trong đó dĩ nhiên có hình ảnh của Trúc Anh, một người bạn tuyệt vời.
Vừa xuống sân khấu, Thuyên đi rửa mặt ngay không quen với lớp phấn kem. Nó làm Thuyên thấy khó chịu và… ngứa không thể tả. Lúc Thuyên trở ra thì màn múa của lớp 12A2 đã xong. Đột nhiên, Thuyên nghe tim mình đánh thót một cái khi một bóng người quen thuộc bước lên sân khấu. Nhỏ Trang Như! Dù đã học chung hai tuần nhưng cả hai vẫn chưa nói chuyện với nhau. Những bạn khác thì đã rất quen với Như, Như hoạt bát và khá dí dỏm. Thuyên không thích con gái nghịch quá, Như lại là chúa nghịch! Bây giờ Như đang rụt rè bước đi trên sân khấu trong bộ đồng phục, với chiếc cặp trên tay, dáng vẻ của một học sinh mới vào trường, trông thật tội, lại có vẻ dễ thương. Và ngay sau đó, Như cất tiếng hát bài Tháng năm học trò thật hay. Qua ba bài hát cùng với sự diễn xuất của các bạn lớp 12A3 trên sân khấu, cả quãng thời gian học cấp III như hiện ra trước mặt mọi người. Cuối cùng, cũng là Trang Như, người học trò lúc đầu bây giờ đang chậm rãi bước trong bộ áo dài công sở và giọng hát trong trẻo của Như lại khiến tất cả im lặng trong bài hát buồn Sân trường kỷ niệm. Một vở nhạc - kịch! Thuyên giật mình, sao Thuyên lại chẳng nghĩ ra? Lớp 12A3 của Trang Như đã biết kết hợp cả giọng hát và sự diễn xuất tạo nên một tiết mục hấp dẫn. Thuyên dần cảm thấy mất tự tin. Những tràng pháo tay lúc nãy dành cho Thuyên không sao so sánh được với lần này.
Thầy Tần đại diện cho Ban giám khảo lên trao giải cho ba lớp đạt giải I, II, III. Bên cạnh Thuyên là cô bé lớp 10, nhưng trước Thuyên lại là Trang Như. Thuyên thua rồi… Giải II trên tay sao nặng quá thế này! Như là ai, ôi, con bé “đanh đá” ấy ở đâu đến “cướp” hết vinh quang của Thuyên. Thuyên giận mình, giận nó!
Tiếng vỗ tay của các bạn đã làm Thuyên sực tỉnh. Thuyên buồn buồn đem quà xuống với lớp. Các bạn trong lớp reo hò, tranh nhau mở quà. Mải vui, mọi người không để ý vẻ trầm tư đột ngột của Thuyên nhưng Trúc Anh nhìn qua là biết ngay. Cậu kéo cô bạn ra băng đá:
- “Cô gái xinh đẹp”, sao cô lại u sầu?
Vừa nói, Trúc Anh lại vừa làm trò. Thuyên phớt tay lên người Trúc Anh một cái, buồn bã:
- Lớp của Như đó, giỏi quá hen! Thuyên dở quá trời. Mà sao Thuyên cứ “bị” nhỏ đó hoài hà - Thuyên sắp khóc - Trúc Anh hổng biết chứ, mấy hôm nay đi học bồi dưỡng, Thuyên thấy chán lắm. Thuyên thấy mình như bị bỏ rơi, các bạn cứ vây lấy Như. Còn bài làm thì chẳng khi nào Thuyên vượt hơn Như được cả.
Trúc Anh nhìn thấy nỗi buồn thật sự của cô bạn thân. Từ trước đến nay, Thuyên đã quen với thành công, Thuyên không nghĩ đến vẫn còn rất nhiều người hơn mình. Nhưng quan trọng vẫn là bản thân mình có biết vươn lên hay không. Trúc Anh hắng giọng:
- Muốn khóc rồi phải không? Thôi, muốn khóc thì khóc… lẹ lên rồi vô liên hoan với lớp, để buồn trong lòng không tốt đâu. Nhưng Trúc Anh, nói nghe nè, tiết mục của mình cũng hay lắm rồi, chỉ là không sinh động bằng của bạn thôi. Quan trọng là Thuyên đã thể hiện được tất cả những gì mình muốn nói. Không phải như thế là quá tuyệt rồi sao? Hơn nữa - Trúc Anh dừng lại một chút rồi dõng dạc - “người ta” có nhỉnh hơn mình lần này thì cũng chẳng ai như Thuyên có được một người bạn “tuyệt vời” là… Trúc Anh đây, đúng không?
Nói rồi, Trúc Anh lại huơ tay, chống nạnh như mình là một tài tử. Thuyên cười méo xệch. Đúng là Thuyên quên rằng mình luôn có Trúc Anh bên cạnh. Ừ, làm sao Như có được một người bạn như thế này? Không đâu, khoản này thì Thuyên hơn Như là cái chắc! Thuyên ngoéo hai ngón tay vào tay áo của Trúc Anh. Nhưng quả thật, Thuyên vẫn còn thấy buồn buồn. Trúc Anh giơ những ngón tay lên, đan lại, mở ra đủ thứ hình rồi hỏi Thuyên “con gì?” hoài khiến Thuyên tít mù, không còn rảnh để nghĩ đến điều khác nữa. Những tiếng cười lại vang lên.
Trong lúc đó, ở góc cầu thang của lớp học, Như vô tình trông thấy dáng vẻ kỳ quặc của Trúc Anh trước mặt Thuyên, cô bạn hiền nhất lớp văn. Như đứng từ xa, một nơi khuất ánh đèn để nhìn họ. “Một cậu bạn lý thú đấy chứ - Như nghĩ - Thuyên sướng thật!”. Rồi Như quay trở vào với lớp mình để bắt đầu cuộc liên hoan. Hôm nay là ngày vui của Như và của cả lớp, mọi người đều vui vẻ. Nhưng, ai biết được trong lòng Như cảm thấy bơ vơ…
Chương 3
Như về đến nhà thì đã hơn 11 giờ khuya, cánh cổng im ỉm đóng. Như không dám bấm chuông, sợ làm ba thức giấc. Nhưng khi Như vừa dựa lưng vào tường thì cánh cổng xịch mở. Như giật mình:
- Mẹ! Mẹ chờ con ở ngoài này hả mẹ?
Mẹ dạo này hốc hác quá. Bà đứng trước mặt Như trong chiếc áo ấm cũ tách biệt với ngôi nhà sang trọng, làm Như cảm thấy thật xót xa.
- Vô đi con! Chắc con lạnh lắm rồi. Đi khẽ thôi, kẻo ba con thức đó!
Bàn tay mẹ khẽ chạm vào Như. Tay mẹ lạnh quá!
- Thôi, mai mốt con chẳng đi thế này nữa đâu. Văn nghệ trường cũng mặc kệ. Để mẹ chờ, con xấu thiệt! Mẹ vô ngủ đi, con khép cổng cho.
Như đẩy mẹ vào nhà, quay ra khép cổng để giấu vội dòng nước mắt sắp trào ra. Mẹ Như lúc nào cũng có dáng vẻ chịu đựng như vậy. Bà yêu chồng, thương con hết mực. Mà ba thì… Như vô tư, mạnh mẽ trước mặt mọi người nhưng mỗi lần nhìn mẹ, Như lại cảm thấy nao lòng.
Mẹ Như đứng nhìn con gái rảo chân bước vào phòng rồi mới nhẹ nhàng nằm xuống chiếc giường nệm đang run lên từng nhịp vì tiếng ngáy và nhịp thở của ba. Bà cảm thấy sợ chiếc giường mới này, cả ngôi nhà sang trọng này nữa. Những thứ này dường như đang kéo vợ chồng bà ra xa nhau hơn. Trằn trọc một lát, bà mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Như đã thay quần áo xong, đứng lặng bên cửa sổ ngắm những vì sao tỏa sáng trên bầu trời. Nhà mới, trường mới, bạn mới, không phải tất cả đều tốt đẹp. Như nhớ con sông ở quê, nhớ hàng dâm bụt trước nhà, nhớ cả những đứa bạn lúc nào cũng nguýt dài với Như. Đến đây từ mùa hè nhưng cho tới giờ, Như vẫn chưa quen được với căn nhà này, những bức tường lạnh giá… Như dễ thích nghi với cuộc sống mới vì bản tính hoạt bát, nhưng trong tâm hồn lại thấy lạc lõng, trống trải. Tất cả cũng chỉ bởi vì những thay đổi của ba. Ba xoay xở thật tài và trở nên giàu có rất nhanh tại đây. Nhưng điều đó làm Như có cảm giác sợ sệt khi đứng trước ba. Như cũng thấy được điều đó trên gương mặt mẹ. Không nói gì, cả hai mẹ con nhìn nhau cùng ao ước ba sẽ trở về như ba trước đây, không phải lúc nào cũng trong bộ complê cứng đờ, nói năng bằng những câu ra lệnh, lại lạnh lùng khi mẹ nấu món ngon. Trước đây ở quê, hai cha con lúc nào cũng đùa nghịch vui vẻ, các trò nghịch ngợm của Như bây giờ cũng là do ba đã bày ra cho Như. Ba cũng hay giúp mẹ làm cơm, rồi xuýt xoa khen ngon dù bát canh đó chỉ có mớ rau tập tàng. Ba lúc đó mới là ba: bình dị, chân thật. Còn bây giờ… Như uể oải buông rèm cửa sổ xuống, Như không muốn nghĩ ngợi nữa. Ngày mai rồi sẽ tươi sáng hơn, khi bình minh lên. Như tin tưởng như vậy và nằm xuống giường, nhắm mắt lại…
Mùa đông dần đến cũng là lúc kỳ thi học sinh giỏi sắp đến. Thuyên đang ôn luyện ráo riết. Lần này Thuyên quyết phải hơn Như.
Trường của Thuyên là trường điểm trong tỉnh nên số học sinh tham gia thi cũng đông nhưng ít khi loại nổi học sinh ở trường chuyên. Đương nhiên rồi. Tuy vậy, cố gắng bao nhiêu thì hy vọng bấy nhiêu. Năm rồi Thuyên được giải tư đồng hạng nên cứ buồn mãi đến bây giờ. Thuyên quyết tâm phải được vào đội tuyển đi thi toàn quốc. Ba mẹ cũng đang trông đợi ở cô con gái yêu văn chương của hai người.
Trong lúc đó, tình cảm của Thuyên cũng dần khác lạ. Thuyên không biết hồi âm lá thư đầu của Dũng như thế nào, nên im lặng đã gần một tháng. Nhưng không hiểu sao, càng nghĩ, Thuyên càng thấy nhớ đến Dũng nhiều. Dũng cũng là một người có vẻ gì đó khá đặc biệt. Một con người trầm tĩnh, luôn nghĩ ngợi, cũng hay hay. “Nếu mình nhận lời anh ta thì sao?”. Ý nghĩ đó thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu Thuyên. Những rung động đầu đời đã đến với Thuyên khiến cho Thuyên cảm thấy hơi sợ khi đối diện với nó. Nhưng quả thật, Thuyên càng ngày càng muốn gặp lại Dũng, muốn xem anh dạo này ra sao. Liệu có khi nào chờ thư của Thuyên lâu quá rồi anh đâm ra buồn bực, chán nản không? Anh có giận Thuyên không?
Dường như hiểu được những điều Thuyên đang nghĩ, vài ngày sau đó, Thuyên lại nhận được thư và cả quà của Dũng. Anh gởi cho Thuyên một quyển sách văn tham khảo dành cho học sinh giỏi với lời động viên thật chân thành. Thì ra anh quan tâm đến Thuyên nhiều như vậy! Thuyên cảm thấy choáng ngợp trong niềm hạnh phúc. Dũng viết rằng lá thư trước có lẽ đã bị thất lạc nên Dũng viết tiếp lá thư này cho Thuyên, lại nhắc đến những câu mà Thuyên đã thuộc lòng. Còn có cả vài dòng nhạc của Trịnh Công Sơn: Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về... Dũng thật là… khôn quá! Lại còn hỏi: “Em có tạo cơ hội cho anh không?”. Thuyên không chần chừ, viết ngay lá thư hồi âm cho Dũng. Chẳng trả lời có, cũng chẳng bảo không, chỉ viết thư một lá thư bình thường. Thuyên nghĩ như thế là tốt hơn cả.
Từ đây, trong cuộc đời Thuyên có thêm một người để quan tâm, là Dũng. Thuyên vừa thích, vừa thấy lo lo. Nhưng vui hơn cả là Thuyên biết Dũng thật sự quan tâm đến mình. Thuyên cũng đang trưởng thành, Thuyên rung động thật lòng. Không biết rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu, Thuyên không muốn nghĩ ngợi chi nhiều, chỉ cảm thấy thật hạnh phúc, thật lạ lùng…
Gặp Trúc Anh ở lớp, Thuyên cứ thấy mắc cỡ và cười hoài. Thuyên muốn có người chia sẻ những cảm xúc lạ lẫm này, nhưng những cô bạn gái thì Thuyên không tin tưởng lắm, còn người Thuyên tin tưởng lại là… con trai! Nếu nói cho Trúc Anh nghe, không biết Trúc Anh có cười Thuyên không nữa. Từ trước đến giờ Thuyên chẳng bao giờ giấu Trúc Anh điều gì, ngay cả chuyện cậu bạn lớp kế bên tặng Thuyên bao nhiêu bông hồng hay anh chàng hàng xóm cứ lẽo đẽo theo Thuyên cho tới cổng nhà chỉ để hỏi mỗi câu “Em mới đi học về hả?”. Nhưng chuyện này khác với những chuyện kia. Thuyên cứ băn khoăn, đôi lúc muốn kéo Trúc Anh ra ngoài để nói, cuối cùng rồi lại thôi… Giá Trúc Anh đừng dời nhà qua tận phường 8 thì sướng quá, như hồi trước hai nhà ở kế bên thì lúc nào muốn nói gì là chạy qua nhà gặp ngay. Còn bây giờ ở lớp, Thuyên thấy ngài ngại.
Sáng nay, Trúc Anh đem đến lớp một mô hình hình không gian mới mà cậu đã làm suốt một tuần nay. Nó bao gồm tất cả các loại hình: chóp, lăng trụ, nón cụt…, mỗi chiều xoay là hiện ra một hình mới. Cả lớp bu quanh nên Trúc Anh cũng chẳng có thời gian để ý đến vẻ thấp thỏm của Thuyên. Gì chứ mô hình này Trúc Anh đã cho Thuyên xem trước rồi, Thuyên lẳng lặng bước ra hành lang. Thuyên nghe tiếng Trúc Anh giỡn ầm ĩ trong lớp. Lúc nào cũng thế, Trúc Anh là cây hài của lớp mà! Chẳng thế mà cậu ta cũng có nhiều người hâm mộ lắm, Thuyên biết hết. Nhưng không bao giờ Trúc Anh kể, Thuyên cũng chẳng trêu. Vừa học giỏi, xinh trai, lại vui tính thì ai mà chẳng thích! Ngay cả Thuyên đôi lúc còn bất ngờ thích thú trước vẻ lém lỉnh, thông minh của Trúc Anh nữa là… Thuyên nhớ, mọi người có lần trêu chọc hai đứa, bảo xứng đôi. Hai đứa lại thường đi chung với nhau, là dịp để các bạn chòng ghẹo. Nhưng rồi mọi chuyện cũng quen dần vì tình bạn của Thuyên và Trúc Anh đâu phải chỉ mới 1 - 2 năm. Hiểu chuyện, nhiều bạn tin, nhiều bạn ngờ vực. Cả hai đứa chỉ cười, mặc ai nghĩ gì thì nghĩ. Hơn nữa, dường như chúng cũng ngầm tự hào về nhau nên chẳng thèm phân bua chi cho mệt.
Tiếng trống bắt đầu giờ học kéo Thuyên quay vào lớp. Thuyên thấy Trúc Anh đang vội vã xếp lại mô hình, trán đầy mồ hôi. Thế mà chỉ vào học được một lát là Trúc Anh chuyền ngay một tờ giấy xuống cho Thuyên. “Có chuyện muốn nói với Trúc Anh phải không? Chiều, 4 giờ ở công viên sông Tiền nhé!” Thuyên bật cười, Trúc Anh vẫn là Trúc Anh, rất hiểu bạn!
4 giờ, Thuyên ra công viên đã gặp Trúc Anh ngồi ở băng đá cạnh kè sông. Thuyên bỗng cảm thấy hết sức ngượng ngùng. Chẳng lẽ Trúc Anh ra đây để chỉ nghe Thuyên nói chuyện đó? Hai đứa ngồi bệt xuống nền xi-măng cạnh bờ sông. Gió thổi lồng lộng. Trúc Anh hát vài câu hòa trong tiếng gió rồi chợt hỏi:
- Thuyên có gì khó nói lắm sao? Thường ngày Thuyên không như vậy.
- Đâu có… - Thuyên giả tảng.
- Thôi, nói đại đi! Bạn bè “cắn chung hạt muối” mà, phải không?
Hai đứa bật cười, nhớ đến lời kết của Thuyên trong vở kịch hôm trước. Thật ra, trong lòng Trúc Anh cũng đang rất băn khoăn. Có điều gì mà Quỳnh Thuyên lại ngại với Trúc Anh chứ? Thuyên ngập ngừng:
- Có người… có người bảo thương Thuyên đó, Trúc Anh. Thuyên thấy lạ lắm, Trúc Anh đừng cười nghe!
Trúc Anh cảm thấy thật buồn trước những lời lẽ đầy khách sáo của cô bạn thân. Trúc Anh nhanh chóng nhận ra mọi chuyện, cậu cười:
- Có gì đâu. Kể cho Trúc Anh nghe đi! Anh ta… tốt chứ?
Thuyên chậm rãi kể cho Trúc Anh nghe về lần đầu tiên gặp Dũng, về lá thư, món quà. Đôi chỗ, Thuyên đỏ mặt lên vì ngượng. Nhưng rồi thói quen kể mọi chuyện với Trúc Anh đã làm Thuyên thoải mái hơn. Trúc Anh im lặng lắng nghe, không ngắt lời, cũng không hỏi gì thêm. Cho đến khi Thuyên dừng lại, Trúc Anh ném một hòn sỏi xuống nước…
Hai đứa im lặng chìm trong suy nghĩ. Trúc Anh không biết nên nói gì với Thuyên, Thuyên lại không biết Trúc Anh đang nghĩ gì, có bực bội không. Nhưng có lý nào Trúc Anh lại thế? Trúc Anh lúc nào cũng thích lắng nghe Thuyên cả.
- Thuyên… cũng thích người ta hả? - Trúc Anh hỏi.
- Thuyên không biết…
Thuyên ngượng nghịu vò vò hai vạt áo. Trúc Anh ném một hòn sỏi nữa.
- Chuyện này… tùy cảm nhận của Thuyên thôi. Nhưng, hãy để tự nhiên sẽ tốt hơn. Và nhớ, điều gì là quan trọng hơn đối với mình thì hãy chọn!
Thuyên ngước lên nhìn Trúc Anh, cảm giác thật lạ. Dường như Trúc Anh đang bị tổn thương. Thuyên véo vào tay áo Trúc Anh, nhìn cậu như muốn nói: “Không đâu! Dù có chuyện gì, Thuyên lúc nào cũng là Thuyên thôi”. Trúc Anh mỉm cười đáp lại. Cậu hiểu, nhưng mọi chuyện đâu đơn giản như ta nghĩ. Những chuyện như thế này sẽ đến, bình thường thôi. Nhưng sao cậu vẫn thấy hụt hẫng…
Ánh đèn công viên bừng sáng. Tối mùa đông yên bình với muôn ngàn vì sao lấp lánh. Có người bảo, mỗi vì sao đại diện cho một linh hồn của con người trên trái đất. Không biết trong giây phút này có bao nhiêu vì sao lụi tàn, bao nhiêu vì sao tỏa sáng. Nhưng đối với Thuyên, những vì sao là những đôi mắt của thiên thần trên bầu trời nhìn xuống thế gian. Nếu chứng kiến được tình cảm đẹp của con người, sao sẽ nhấp nháy. Mới biết tại sao, mỗi lần cùng Trúc Anh ngắm sao, cả hai đứa đều thấy sao đang… nhấp nháy. Thuyên ngước nhìn lên bầu trời:
- Trúc Anh, sao nhấp nháy kìa!
- Ờ…
- Trúc Anh không nói gì cả vậy?
- Nói gì bây giờ? - Trúc Anh chợt thấy mình “vô duyên” quá, liền nói thêm - À, hay là mình thi ném đá đi!
Thuyên reo lên thích thú:
- Được đó!
Đá trong công viên dường như chẳng còn được bao nhiêu sau “trận đấu” giữa Trúc Anh và Thuyên. Những hòn đá lướt hai, ba lần trên sóng rồi mới chịu chìm xuống đáy sông. Thuyên thích lắm vì lần nào Thuyên cũng thắng Trúc Anh ở viên đá cuối cùng. Thuyên biết Trúc Anh nhường mình nhưng vẫn thấy vui bởi dù sao cũng hơn là thấy Trúc Anh ngồi im lặng suy tư. Thuyên không quen nhìn Trúc Anh như vậy. Thuyên cảm thấy hơi hối tiếc khi quyết định kể chuyện Dũng cho Trúc Anh nghe. Thuyên đã sai? Sao Trúc Anh lại thế? Nếu mình là Trúc Anh, mình có buồn không? Chắc có lẽ Thuyên cũng sẽ thấy buồn buồn như Trúc Anh, nhưng rồi cũng quen thôi! Vả lại, Thuyên chỉ nói người ta thích Thuyên thôi, chứ Thuyên cũng còn phân vân lắm…
Trúc Anh bỗng khều tay Thuyên:
- Nè, nghĩ gì vậy cô nhóc? Đi ăn kem không, hôm nay “anh hai” khao.
Vừa nói, Trúc Anh vừa nheo mắt, vỗ tay vô túi áo như bảo: có mang tiền đây! Thuyên tức cười quá, trông bộ dạng thế này mới đúng là Trúc Anh ngày thường. Thuyên “trả đũa” ngay, cô vỗ tay lên vai Trúc Anh, nói:
- Này, “cậu em trai”, “chị” rất sẵn lòng. Đi thôi!
Những tiếng cười vang lên xóa tan đi bao suy nghĩ nặng nề trong lòng hai đứa. Dù thế nào thì những người bạn thân cũng cần nói thật với nhau…
Chương 4
Như đẩy cổng bước vào nhà. Không thấy xe của ba, chắc trưa nay ba lại không về nhà ăn cơm. Như gọi mẹ nhưng không nghe tiếng trả lời. Quái lạ! Thường ngày, chỉ cần nghe tiếng Như mở cổng là mẹ đã ra sắp cơm, đằng này… Như chạy nhanh lên lầu, đến phòng của ba mẹ. Mẹ Như đang ngồi đó, dựa lưng vào tường, hai mắt sưng húp, mặt đầy nét bầm! Nghe tiếng chân Như bước vào phòng, mẹ như sực tỉnh cơn mê, vội quay mặt đi, nhưng đã muộn. Như trông thấy cả rồi.
Như ngồi xuống bên cạnh mẹ, điềm tĩnh hơn bao giờ hết:
- Mẹ! Ba con đánh mẹ, phải không? Con xin lỗi, xin lỗi mà… Mẹ nói con nghe đi!
- Mẹ không sao. Chỉ là mẹ hơi buồn mới khóc thôi. Mẹ sơ ý té cầu thang, sợ ba con về thấy… Mẹ… mẹ…
Mẹ nói dối làm gì, Như biết cả. Sáng nay đi học, thấy mặt ba hầm hầm, Như đã lo rồi. Không ngờ… Chắc mẹ đã hỏi vì sao tối qua ba về trễ, ba bực. Ba đã bảo mẹ không được hỏi ba đi đâu hết. Nhà này chỉ có ba được hỏi thôi, còn tất cả, chỉ việc vâng lời! Như ngồi bệt xuống, bao nhiêu sức lực cố gắng từ đầu đến giờ tiêu tan cả. Như muốn òa khóc thật to cùng mẹ. Như đau lòng quá! Mẹ Như xanh xao như vậy, tiều tụy như vậy cũng vì yêu ba, lo lắng cho ba, giờ còn bị ba đánh! Còn ba, ba ngày xưa đã từng rất dịu dàng, chưa từng một lần nặng lời với mẹ, tại sao ba lại…? Như không biết phải làm gì bây giờ. Còn biết làm gì khi niềm tin mạnh mẽ nhất của Như là ba mà bây giờ… Như không hiểu nổi ba nữa. Như biết dựa vào đâu để bước đi tiếp đây?
Hai mẹ con cứ ngồi dựa tường như vậy cho đến khi tiếng chuông đồng hồ gõ 12 tiếng. Mẹ giật mình, quay sang Như:
- Con chưa ăn cơm? Trời ơi, con đi thay đồ đi, mẹ dọn cơm ra cho.
Rồi bà lau dòng nước mắt đang nhòe trên mặt, đứng vụt dậy, bước nhanh ra cửa. Như nắm tay mẹ giật lại:
- Mẹ, mẹ nói đi! Sao ba đánh mẹ?
- Không phải ba đánh mẹ. Mẹ đã nói là vì…
- Mẹ còn nói dối con làm gì? Té và bị đánh khác nhau chứ! Mẹ ơi, con lớn rồi, mẹ hãy chia sẻ với con đi mẹ!
Nước mắt của mẹ lại muốn tuôn rơi. Bà không thể nào cưỡng lại được ánh mắt sắc bén - giống hệt cha - của con gái. Nó lớn thật rồi. Bà nhỏ nhẹ:
- Ba con không cố ý đánh mẹ đâu, con biết tính ba mà phải không? Tại mẹ hỏi nhiều quá, ba con trong lúc nóng tính nên… Ba con cũng đã xin lỗi mẹ rồi, con đừng buồn ba! Mẹ không sao đâu. Thôi, mẹ đói rồi - Bà vuốt lại mái tóc - Con không đói sao? Thay đồ rồi xuống ăn cơm nghe con.
Dứt lời, bà vỗ nhẹ vào gò má của Như để Như an tâm là bà không sao cả. Dù thế nào chăng nữa thì bà vẫn rất yêu chồng. Cuộc sống gia đình đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Sóng gió rồi cũng sẽ qua, bà tin là gia đình sẽ lại hạnh phúc như xưa. Nhưng còn Như… Như mệt mỏi trở về phòng mình để thay quần áo. Một cảm giác trống trải và sợ hãi ùa đến. Như cảm thấy chơi vơi nhưng Như biết mình không thể khóc, không thể để mẹ lo lắng nữa. Phải biết chịu đựng.
Ăn cơm xong, Như vào phòng học bài. Buổi trưa vắng lặng, Như nghe rõ tiếng lật sách trong phòng của mẹ. Mẹ có thói quen đọc sách khi nghỉ ngơi, nhưng hôm nay tiếng lật sách của mẹ có vẻ ngập ngừng. Như không biết mẹ có thật sự đọc được trang sách nào không? Như học bài cũng chật vật, đầu óc cứ nghĩ miên man. Như thương ba, thương mẹ. Cả gia đình đã dựa vào nhau sống qua những tháng ngày gian khó nơi đất khách quê người. Thế mà khi cuộc sống không còn khó khăn nữa thì lại xảy ra nhiều chuyện hục hặc. Chẳng biết rồi sẽ ra sao, nhưng ước mơ hạnh phúc thì ai lại không có! Như đóng tập lại. Như bỗng muốn đi gội đầu. Bước qua phòng mẹ, ghé mắt vào thấy mẹ đã ngủ, Như rón rén bước xuống phòng tắm lớn ở dưới nhà. Mùi dầu gội quen thuộc và dòng nước mát rượi xoa dịu những căng thẳng trong đầu Như…
Buổi chiều, Như xin phép mẹ đến Câu lạc bộ thanh niên của trường. Như không muốn mẹ ở nhà một mình - với ba - trong lúc này. Nhưng, Như đã được phân công đi dự buổi lễ vui đầu xuân cho lớp. Như không ngờ được chuyện xảy ra.
Mẹ nhìn Như chải lại mái tóc, nói:
- Về sớm nghe con!
- Dạ, bảy giờ là xong rồi mẹ - Như quay lại nhìn mẹ - Mẹ… ở nhà được chứ? Nếu không ổn, con có thể không đi, vì cũng có hai bạn nữa đi cho lớp con rồi.
Mẹ cười, khẽ nghiêng đầu theo dáng điệu trách yêu con:
- Con nói gì vậy, mẹ không trông nhà được sao? - Rồi bà trầm giọng - Con đừng nghĩ ngợi nhiều quá, chúng ta là một gia đình mà.
- Dạ…
Như đáp lí nhí và đi với mẹ ra cổng, khéo léo lách chiếc xe đạp ra ngoài, mỉm cười chào mẹ. Nhấn pê-đan cho xe xuống lòng đường, Như thở hắt ra như để cho bao suy nghĩ nặng nề theo gió bụi đường cuốn đi.
Chưa đến giờ tan ca, đường phố với những dòng xe ồn ào thường nhật. Như đạp xe nhanh hơn cho kịp đến trường lúc năm giờ, sợ lại kẹt xe thì khốn. Như cũng rất sợ nghe tiếng chuông nhà thờ buổi chiều, nó gợi cho Như những ý nghĩ u ám về cuộc đời. Từ lúc biết đến đám tang buồn bã của lão Gôriô trong “Tấn trò đời” của Banzac, Như thường “dị ứng” với tiếng chuông. Gần năm giờ, chuông sắp điểm rồi...
Như dắt xe vào nhà để xe của trường trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang. Chán nản, Như chạy vụt vào hội trường, chen lấn để tìm một chỗ ngồi. Sau vài phút Như yên vị cũng là lúc mọi tiếng ồn lắng xuống, trò chơi bắt đầu. Như nhìn quanh hội trường: một nhóm học sinh lớp 10 đang tò mò nhìn lên sân khấu xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khu dành cho lớp 11 và 12 thì có vẻ thoải mái hơn vì đã quen với sinh hoạt câu lạc bộ từ năm trước. Như trông thấy cánh tay vẫy của hai bạn cùng lớp ngồi ở phía trên, cô mỉm cười chào lại rồi nhìn lên sân khấu. Băng rôn “Chào các bạn!” và hàng chữ “Đố vui: Chơi mà học” nổi rõ trên tấm màn sân khấu, cùng với những chùm bong bóng đủ màu sắc, chiếc vòng quay chọn quà… làm không khí trở nên thật sôi động. Đây cũng là lần đầu tiên Như dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ của ngôi trường mới. Như cảm thấy khá thú vị. Chỉ có điều, trong lòng Như vẫn không ngớt buồn phiền. Như chợt nhìn đồng hồ. Giờ này, chắc ba đã về, mẹ sẽ pha một ly nước chanh hay sinh tố gì đó, rồi mẹ đi dọn cơm. Ba có ăn không, hay lại hầm hầm với mẹ? Mẹ có khóc rồi làm ba bực không? Mẹ Như là một phụ nữ hiền dịu và hơi yếu đuối. Như rất lo cho mẹ…
Tiếng vỗ tay rầm rĩ cùng những tiếng reo hò nồng nhiệt kéo Như trở lại hội trường với cuộc vui đang diễn ra. Như trông thấy một gương mặt rất quen trên sân khấu nhưng chưa kịp nhớ ra là đã gặp ở đâu, đang trả lời rất hay những câu hỏi toán học lắt léo. Cùng người bạn kế bên mình, cả hai chàng đã làm mọi người rất thích thú. Sau khi nhận quà, cả hai còn được rất nhiều bạn chạy lên tặng hoa. Trong số đó, Như trông thấy Thuyên và chợt “à” lên. Thì ra đó là cậu bạn mà Như đã thấy trong đêm văn nghệ khai giảng - một người bạn của Thuyên! Như mỉm cười rồi rút sâu xuống ghế trong một tư thế mỏi mệt. Lớp của Thuyên đã đăng ký trước tiết mục này, một tuần nữa sẽ đến lớp Như…
Thuyên cùng Trúc Anh,Thiện chạy về chỗ ngồi. Cả ba háo hức giở ra xem là những món quà gì. Thiện ồ lên:
- A, của tui có một cây viết xóa với một hộp màu 24 cây nè. Của mày có gì, Trúc Anh?
Thuyên nhanh tay chộp lấy chiếc hộp trong tay Trúc Anh. Một quyển từ điển Anh - Việt nhỏ hiện ra. Thuyên cười:
- Sướng nha!
Trúc Anh vỗ đánh bộp vào tay… Thuyên:
- Sướng không, nhóc?
- Sướng gì? Dở òm hà!
Rồi Thuyên véo vào vai Trúc Anh một cái rõ đau, cho chừa cái tật vỗ vào tay người ta. Thiện nhìn hai người bạn kế bên, lắc đầu:
- Giỡn đã quá hé! Người ta dòm kìa…
Trúc Anh và Thuyên giật mình, ngồi thụp xuống ghế. Trên sân khấu, một bạn nữ đang hát bài Như mây xuống phố. Thuyên rất thích bài này nên im lặng lắng nghe. Tuy giọng hát chưa thật chuẩn nhưng cảm xúc của bài hát đã thật sự được truyền đi. Bạn ấy đã hát bằng những rung động thật sự của mình, không bắt chước ai, Thuyên cảm nhận được điều đó. Trúc Anh chợt thì thầm:
- Sao Thuyên chẳng chịu đăng ký hát thử?
- Thôi, kỳ chết! - Thuyên đỏ mặt lắc đầu.
Tham gia văn nghệ cho lớp thì được. Đăng ký hát một mình, Thuyên nhát lắm. Thuyên hỏi lảng sang chuyện khác:
- Lần sau tới lớp nào “độc tấu” vậy Trúc Anh?
- 12A3.
- 12A3?
Thuyên hỏi lại và chợt nhíu mày. Thuyên nghĩ đến Như. Thật ra, không phải Thuyên ghét Như mà chỉ là cảm thấy thiếu tự tin. Lần đầu tiên trong ngôi trường cấp III yêu mến này, Thuyên bị người khác đánh bại…
- Gần hết giờ rồi, Thuyên đi ăn gì không? - Trúc Anh hỏi.
- Ăn hủ tiếu gõ há! Chịu không?
- Ừ, đi há Thiện?
Thiện quay sang, lắc đầu quầy quậy:
- Không được, tui phải về sớm rồi. Hai bạn đi đi!
- Sao vậy? - Thuyên nhỏ nhẻ.
- Bảy rưỡi “tui” phải đón nhỏ em học Anh văn ở trung tâm.
Nghe Thiện trả lời xong, Thuyên và Trúc Anh nháy mắt với nhau, đồng thanh nói: “Anh trai tốt!”.
Cả ba lại phì cười, Thiện đã quen bị trêu chọc theo kiểu này rồi. Nào là: hiền dễ sợ; con trai ngoan; cù lần lửa… Lúc đầu thấy ngường ngượng, nhưng riết rồi không thèm để ý nữa. Thiện là con trai lớn trong nhà, cha lại thường đi công tác xa nên Thiện phải quán xuyến rất nhiều việc, luôn chăm chỉ, cần cù và ít khi tham gia được hoạt động của trường. Còn nếu được tham gia thì Thiện lại… chăm chỉ, cần cù mà làm tròn nhiệm vụ. Thiện là vậy, hiền lành và chăm chỉ!
Thuyên lại nghĩ, không biết chương trình của lớp 12A3 sẽ như thế nào? Như có đại diện cho lớp không? Ôi, sao lại cứ nghĩ đến nhỏ bạn láu táu ấy chứ, mỗi tuần học chung hai buổi đã thấy nặng đầu rồi, giờ lại còn… Thuyên sửa lại chiếc áo sơ mi cho ngay ngắn để chuẩn bị đứng lên vì Bí thư đoàn trường đang nói lời kết thúc buổi sinh hoạt đầu năm.
Như đợi cho dòng người đông đúc kéo nhau ra khỏi hội trường rồi mới chậm rãi đứng lên. Như không muốn chen lấn, sợ tâm trạng nặng nề lại gây chuyện không vui. Hai tiếng đồng hồ sinh hoạt tập thể không xoa dịu được lòng Như, chỉ càng làm Như mệt thêm vì chịu đựng… Chợt có ai đó lao nhanh, đâm sầm vào Như. Như ngã phịch xuống nền xi măng lạnh, lưng đập nhẹ vào tường. Hành lang tối om vì đèn sân khấu đã tắt! Người đã đụng phải Như rối rít lời xin lỗi. Bỗng nhiên, Như òa khóc… Như không biết tại sao mình lại khóc, không phải vì đau, không phải để trách ai đụng mình… Người Như căng lên như một túi nước, chỉ cần một va chạm nhẹ là vỡ ra! Trong phút chốc, người kia cảm thấy lo sợ thật sự vì tưởng cú va chạm mạnh quá, gây thương tích cho Như. Thêm một ai đó chợt chạy đến.
- Gì vậy Trúc Anh? Kiếm được chìa khóa chưa? Ủa…
Như lặng lẽ lau nước mắt, đứng dậy và nói với hai người bạn đang ngơ ngác:
- Xin lỗi… Tôi… không sao đâu. Không có đau… Bạn đừng lo!
Nói xong, Như bước ra phía có ánh đèn trước sân. Trúc Anh chạy ra, hỏi:
- Bạn… hổng sao thiệt hả?
Ánh sáng đèn làm cả hai nhận ra nhau. Trúc Anh biết Như qua Thuyên, còn Như lại đã tình cờ gặp Trúc Anh vài lần. Nhưng là “biết”, chứ không quen. Như lẳng lặng nhìn cậu bạn kia - cậu bạn diễn trên sân khấu với Trúc Anh lúc nãy. Thiện cũng nhìn Như, ngạc nhiên không thốt được lời nào. Như nhìn qua hai người một lần nữa rồi lắc đầu:
- Không sao!
Như bước đến nhà xe. Như phải về gấp. Còn lại Trúc Anh và Thiện đứng ngơ ngác một hồi, Thiện hỏi:
- Chuyện gì vậy mày? Mày nói rớt chìa khóa xe, vô tìm lại. Thuyên kêu tao chạy vô kiếm tiếp mày, ai dè… mày làm con người ta khóc, kỳ “dzậy”?
Trúc Anh vừa bước đến chỗ ngồi lúc nãy để tìm chìa khóa, vừa nói:
- Tao có biết đâu! Hồi nãy chạy nhanh quá, đụng người ta. Ai dè… khóc quá trời. Tao đớ miệng, chẳng hỏi được tiếng nào.
- Chắc mày đụng người ta đau quá! - Thiện trách.
- A, có rồi! Trúc Anh chợt reo lên.
- Cái gì?
- Chìa khóa đó, còn hỏi. À, mày nói vụ đó hả? Mày không nghe người ta nói là không sao rồi à?
- Vậy sao khóc?
Trúc Anh nhìn Thiện với ánh mắt như lại sắp trêu chọc:
- Hỏi nhiều quá! Mày không đi nhanh để đón em mày à? Đi đi…
- Ừ há!
Thiện chạy nhanh ra nhà xe. Suýt nữa là quên đón em. Tự nhiên lại tò mò đủ thứ… - Thiện tự trách. Cậu dắt xe ra thật nhanh và nhìn Trúc Anh đang loay hoay mở chìa khóa xe, tặc lưỡi:
- Nhanh nhe, tao đi trước! Thuyên chờ mày ngoài cổng nãy giờ.
Nói rồi Thiện phóng xe đi. Trúc Anh đạp xe ra cổng, Thuyên đang ngồi trên yên sau xe đạp với vẻ chán nản vì mãi chờ đợi. Trúc Anh cười huề:
- Sorry [3] nghe. Trúc Anh sẽ đãi Thuyên hai tô một lượt vì chờ lâu hén!
Thuyên liếc xéo Trúc Anh một cái, leo lên yên xe phía trước, đạp xe đi. Thích im lặng vào buổi tối, đón những luồng gió mát mẻ, Trúc Anh vừa đạp xe vừa phân vân nghĩ đến chuyện lúc nãy. Tại sao cô bạn ấy lại khóc?
- Thuyên nè, lúc nãy Trúc Anh thấy bạn của Thuyên khóc đó! - Trúc Anh nói với Thuyên.
- Bạn nào?
- Người bạn mà hôm trước Thuyên nói mới chuyển đến mà kiểm tra bằng điểm Thuyên đó.
- Như à? Trúc Anh thấy Như khóc? Sao vậy?
Trúc Anh gãi gãi sống mũi theo thói quen khi khó nói:
- Không biết nữa. Trúc Anh lỡ đụng bạn ấy, nhẹ thôi hà. Rồi bạn ấy khóc, cuối cùng đứng lên, lầm lũi đi. Chẳng biết có phải vì đau…
Thuyên im lặng suy nghĩ. Theo Thuyên biết, Như không phải là một cô bé yếu ớt đến độ người ta đụng phải một cái là khóc như trẻ con. Vậy thì tại sao? Thật khó hiểu!
Đã hơn bảy giờ mà ba vẫn chưa về. Mẹ Như đang ngồi lặng lẽ bên mâm cơm. Như bước vào, cố nở một nụ cười thật tươi, nói:
- Mẹ ơi, con với mẹ ăn cơm đi! Con đói quá chừng.
Hai mẹ con ngồi ăn trong im lặng, Như liên tục gắp thức ăn cho mẹ vì thấy mẹ cứ và cơm không mãi. Rồi Như say sưa kể cho mẹ nghe về buổi sinh hoạt câu lạc bộ, mặc dù Như đã không hề để tâm đến nó. Như muốn làm mẹ vui, nhưng mẹ chỉ mỉm cười gượng gạo…
Mười giờ. Như giục mẹ:
- Mẹ vào ngủ đi, con thức học bài, sẵn chờ ba luôn. Mẹ thức chi cho mệt.
- Sao học bài khuya quá vậy con?
- Sắp thi giữa học kỳ I mà mẹ!
Như vừa nói vừa đẩy mẹ vào phòng. Mẹ ngoái lại hỏi thêm:
- Bao giờ thi hả con?
- Dạ, thứ hai.
- Hôm nay là thứ sáu rồi… Nhưng đừng học khuya quá, mất sức nghe con!
- Dạ.
Như khép cửa phòng của ba mẹ, ngồi vào bàn học, làm tiếp bài tập buổi trưa con dang dở trong tiếng tích tắc của đồng hồ. Như chờ ba…
Nửa đêm, ba về, đầy mùi bia và thuốc lá. Ông nựng mặt Như:
- Con gái ngoan… Chờ ba hả? Ba đi họp mặt bạn bè… Hà hà, cả một lũ khoe khoang…
Chương 5
Kỳ thi giữa học kỳ I trôi qua suôn sẻ. Một tuần sau, ngôi trường với hàng phượng rợp bóng tiễn hơn 50 học sinh đến địa điểm thi học sinh giỏi.
Thuyên ngồi dựa lưng vào thành xe, định chợp mắt một chút. Thuyên rất dễ say xe. Sáng, ba định đưa Thuyên đi bằng xe riêng nhưng dù hơi mệt, Thuyên vẫn thích đi chung với các bạn hơn. Vả lại, nếu đi xe riêng, thế nào Trúc Anh cũng sẽ chọc quê Thuyên bằng một bộ mặt đáng ghét! Ngồi kế Thuyên, Như đang tíu tít kể chuyện vui với mọi người, chốc chốc lại còn hát hò ỏm tỏi, thật bực! Có một lần, Như quay sang Thuyên bảo cùng hát cho vui, Thuyên ngoảnh mặt đi, nói:
-  Không thích!
Mọi người nhìn Thuyên với vẻ mất vui, Thuyên đành lấp liếm:
- Mình bị khan tiếng rồi.
Thế là mọi người để Thuyên được ngồi lặng yên, không chợp mắt ngủ thì ngắm những hàng cây trôi ngược lại bên đường. May mắn là đoạn đường đến điểm thi không xa lắm, chỉ hơn nửa tiếng là đến nơi, Thuyên không phải chịu đựng quá lâu. Cả đoàn sẽ trọ trong một nhà khách gần trường chuyên của tỉnh. Thuyên cũng đã quen với khung cảnh này, cùng các bạn bước vào cổng nhà khách, nhìn thấy Trúc Anh đang dáo dác tìm. Thuyên khẽ vỗ vai bạn:
- Chào! Kiếm ai vậy ta?
Trúc Anh giật mình quay lại:
- Kiếm… con bé xấu xí này nè!
Nói rồi Trúc Anh giật chiếc túi du lịch nặng nề ra khỏi cánh tay nhỏ nhắn đang oằn xuống của Thuyên. Thoát khỏi chiếc túi, Thuyên vung vẩy hai tay cho đỡ mỏi, chạy đến chỗ thầy Tần để nghe lịch phòng. Lớp Văn ở hai phòng cạnh nhau trên tầng một vì toàn là con gái. Vừa bước lên cầu thang, Thuyên nhìn qua thấy Như đang quảy chiếc ba lô to đùng trên lưng, chen lấn với các bạn để nhanh lên phòng, Thuyên lắc đầu ngán ngẩm. Trúc Anh đi bên cạnh Thuyên, mang hai chiếc túi đầy. Thuyên chợt thấy tội nghiệp bạn, định bảo Trúc Anh trở xuống phòng, để Thuyên tự lên. Nhưng nghĩ tới nào áo ấm, khăn lông, kem chống nắng, thuốc… mà mẹ cố xếp vào túi, Thuyên đã thấy… ớn lạnh. Mẹ lúc nào cũng lo Thuyên ốm dọc đường, xem chừng còn muốn đi theo Thuyên đến tận đây nữa. Mải suy nghĩ, cánh cửa phòng 212 đã hiện ra trước mặt Thuyên. Trúc Anh đặt túi xuống:
- Tới rồi! Thưa cô, cho xin tiền “boa”!
Vừa nói, Trúc Anh vừa xòe tay ra. Thuyên vỗ mạnh vào tay Trúc Anh, nhấc chiếc túi lên, chạy nhanh vào phòng trong tiếng cười. Nhưng vừa tới nơi, Thuyên bỗng sựng lại. Như! Ở chung phòng với Như? Thuyên đang phân vân không biết làm sao, Như đã nhanh miệng nói:
- Bạn để giỏ xuống đó đi! - Như chỉ góc nhỏ cạnh giường - Phòng này có ba đứa mình hà. Phòng kia đủ bốn bạn rồi…
Chẳng biết làm sao hơn, Thuyên đành để chiếc túi xuống, nhìn Vân - bạn ở chung phòng - đang sửa soạn quần áo đi tắm. Vân cười với Thuyên:
- Vân tắm trước nhen! Thuyên với Như chờ chút.
Đợi cho Vân vừa vào phòng tắm, Như cứ thế nằm phịch xuống chiếc giường nệm lớn dành cho cả ba đứa với vẻ mệt mỏi. Thuyên không nói gì, lẳng lặng lôi quần áo ra treo lên móc. Chợt Như ngước mặt lên, nói với Thuyên:
- Tối nay ba đứa mình đi chơi hé!
Thuyên im lặng một chút rồi trả lời nhỏ:
- Không biết nữa. Để ăn chiều rồi tính.
Như không hỏi nữa mà xoay người lại, hát lẩm nhẩm mấy bài hát mà Thuyên cũng đã thuộc làu. Thuyên im lặng tiếp tục công việc của mình. Thuyên muốn nhanh chóng thoát khỏi cảm giác nặng nề này. Đến khi quay sang nhìn Như, Thuyên thấy cô bạn đã… ngủ, hơi thở đều đều. Nhìn gương mặt thanh thản của Như, Thuyên chợt nghĩ đến chuyện Trúc Anh nói hôm trước…
Như là người thế nào?
Buổi tối đến nhanh trong tiếng xe cộ ồn ào. Thuyên ngồi ngắm những tờ lịch bướm treo trên tường. Trên giường, Như và Vân đang chơi bài. Căn phòng chỉ nhỉnh hơn phòng ngủ của Thuyên một chút, hơn được cái là có phòng tắm và một bộ bàn ghế gỗ để tiếp khách. Mùi nước hoa xịt phòng khá dễ chịu.
Thuyên mở túi lấy quyển sách của Dũng tặng và bắt đầu đọc lại từng trang. Có tiếng gõ cửa phòng. Trúc Anh và Thiện đến. Vân ngừng chơi bài, chải tóc rồi nói:
- Vân đến giờ hẹn với dì của Vân rồi. Mấy bạn ở lại chơi nghe!
Thuyên mỉm cười chào Vân, còn Như thì vùng vằng:
- Tưởng ba đứa đi chơi chung chứ, Vân đi một mình hé? Nghỉ chơi bọn mi ra!
Miệng nói, tay làm, Như đẩy Vân ra khỏi cửa, cả hai đứa cười rộ lên. Như trở lại ngồi vào giường và nhìn hai người bạn mới tới. Thuyên lịch sự giới thiệu:
- Vũ Thiện, môn vật lý. Trúc Anh, môn toán. Chung lớp với Thuyên. Còn đây là Như.
Cả ba mỉm cười chào nhau. Như không ngại ngùng gì, nói luôn:
- Tôi gặp hai bạn một lần rồi. Lần đó… mắc cười quá há. Đừng để ý nghe!
Trúc Anh và Thiện chỉ biết cười trừ. Ngồi một lát, Trúc Anh rủ:
- Thôi, tụi mình đi chơi đi! Buổi tối ở trong phòng hoài, buồn chết!
Thuyên gật đầu, nhìn qua Như. Trong tay Như, bộ bài đang bị biến dạng dần.
- Mấy bạn đi đi! Tôi… có hẹn rồi. Chọc Vân cho vui chứ, lát nữa… chú của tôi cũng đến. Có hai bạn rủ Thuyên đi, tôi càng… đỡ lo.
Nói rồi Như toét miệng cười hì hì. Cả Thuyên và Trúc Anh đều ngạc nhiên trước nụ cười của Như. Giống hệt Thuyên: răng khểnh! Chỉ có điều, Như cười tươi hơn, trông thật ngộ! Thuyên khều Trúc Anh hỏi phải làm sao. Không để các bạn suy nghĩ lâu, Như kéo Thuyên đứng dậy, bảo:
- Đi đi cho tôi nhờ. Không biết ai sẽ về trễ hơn đây! - Cười với hai bạn còn lại, Như tiếp: - Mấy bạn đi chơi vui nghe!
Thiện và Trúc Anh không biết nói gì hơn, đành chào cô bạn mới, rồi chạy nhanh xuống cầu thang.
Như trở lại giường, nằm một chút rồi máy móc chải lại mái tóc, khép cửa phòng, đi ra ngoài. Thầy cô đã dặn, Như và các bạn sẽ được tự do đến chín giờ rưỡi, sau đó phải về nghỉ ngơi sớm để có sức cho cuộc thi ngày mai.
Đi chơi về, Trúc Anh vừa nằm xuống giường thì liền bị Thiện kéo dậy:
- Nè, mày quên mua kem đánh răng rồi. Lúc nãy tao đã nhắc…
Trúc Anh ngồi bật lên:
- Ừ hén, tao đi liền. Mới chín giờ, chắc chưa ai ngủ đâu!
Cậu mặc chồng thêm chiếc áo thun và chạy vọt ra ngoài. Đến giữa sân, Trúc Anh nhìn lên phòng của Thuyên, đèn vẫn sáng. Cậu mỉm cười nhớ đến khuôn mặt đầy vẻ thích thú pha lẫn ngạc nhiên của Thuyên trong suốt buổi đi chơi lúc nãy. Giờ này, chắc Thuyên sắp ngủ. Cô nàng quyết tâm cho ngày mai lắm mà!
Ra tới con phố, Trúc Anh lại bị lóa mắt vì ánh đèn của hàng trăm chiếc xe nối đuôi nhau không ngớt. Đây là thời điểm mọi người ra đường dạo chơi sau một ngày làm việc mệt nhọc. Trúc Anh băng qua đường, đi dọc vỉa hè thêm một đoạn nữa để vào tiệm tạp hóa. Trong khi chờ lấy tiền thừa lại, Trúc Anh đưa mắt nhìn quanh quất. Chợt, cậu trông thấy Như bước ra từ một quán kem gần đó và đang đi chậm rãi theo dọc con phố. Dáng vẻ của Như sao lại cô đơn đến vậy? Trúc Anh chợt cảm thấy nao lòng. Cậu lấy tiền và bước nhanh theo Như.
Đi suốt buổi tối, Như đã dạo qua nhà sách, shop quà lưu niệm, cả cửa hàng quần áo… nhưng rồi cũng chán. Không biết phải đi đâu nữa, Như lại trở về con phố này. Một mình, Như cũng chẳng dám lang thang nhiều ở những góc đường xa lạ. Tự thưởng cho mình một ly kem, Như nhìn đồng hồ đoán chắc giờ này Thuyên cũng đã về, Như quyết định dạo một chút nữa. Như thế, Thuyên sẽ không nghi… Không hiểu sao Như lại không muốn đi chơi với ba người bạn ấy, mặc dù Như thấy họ rất cởi mở. Như thấy nặng lòng. Như không thể cứ cười mãi được! Ở đây, Như không có bạn…
- Sao bạn lại lang thang ngoài này?
Một câu hỏi đột ngột vang lên phía sau làm Như hốt hoảng quay lại. Như thở phào, thì ra là Trúc Anh. Gặp Trúc Anh trong cảnh này Như đâm ra lúng túng. Cô kéo ra kéo vào chiếc nhẫn đang đeo trên tay, nói:
- À… tôi đi chơi với chú xong, định đi dạo chút nữa để về ngủ cho ngon.
- Vậy à?
Trúc Anh hỏi giọng ngờ vực và nhìn xoáy vào cô bạn mới quen. Như nói dối! Trúc Anh cười:
- Cho Trúc Anh quá giang một chút, há!
Đi gần hết con phố, cả hai vẫn không nói với nhau câu nào. Như muốn hỏi tại sao Trúc Anh lại ở đây, tại sao lại muốn đi dạo một cách chán ngấy với Như thế này. Nhưng Như chán phải nói nhiều quá rồi, Như im lặng cho đầu óc tưởng tượng của mình tự trả lời chính những câu hỏi tò mò của mình. Còn Trúc Anh, cậu có một tình bạn đẹp và khi gặp Như, cậu cảm giác được nỗi cô đơn trong lòng Như. Như cần một người bạn, nhưng dường như là không có… Lần đầu là khóc, lần này lại lang thang một mình. Trúc Anh thật sự muốn hiểu về cô bạn này.
Cuối cùng, Như phá vỡ bầu im lặng - điều mà Trúc Anh thường làm trước, khi đi với Thuyên:
- Nếu được lựa chọn giữa hạnh phúc và tiền bạc, giàu sang thì người ta sẽ chọn điều gì nhiều nhất hả? Người muốn tỏ ra chín chắn, thì sẽ luôn chọn hạnh phúc, phải không? Nhưng vẫn còn rất nhiều người, họ có đủ độ chín chắn, họ lại cho rằng giàu sang là tấm thảm của hạnh phúc. Ai đúng, ai sai?… Thật ra mà nói, cuộc sống chỉ cần yên bình là tốt rồi.
Như bỗng thấy mình nói toàn chuyện… không đâu ra đâu. Cô chạm nhẹ vào người Trúc Anh, cười:
- Mà tôi đang nói gì vậy Trúc Anh? Bạn đừng giận…
- Có gì đâu, bạn nói đúng mà! Trúc Anh cũng nghĩ như vậy.
- Bạn thi toán phải không? - Như chuyển đề tài - Tự tin chứ? Tôi thì phải cố gắng hết mình.
- Chẳng lẽ, có người lại cố gắng… nửa mình sao?
Như bật cười vì câu hỏi đối lại thật ngộ nghĩnh của Trúc Anh. Cậu ta tiếp:
- Năm nay trường mình thi đông hơn năm rồi. Không biết kết quả sẽ ra sao nhưng có những “nhân tài” như Trúc Anh, Như, Thuyên nè, thì ai chọi lại mình!
Nói xong, Trúc Anh dựng cổ áo thun lên ra vẻ thật oai phong mà miệng lại cười toe. Như cũng vỗ tay lên vai mình và đằng hắng, trông rất điệu nghệ. Sự bỡ ngỡ lúc đầu gần như tan biến hết, chỉ còn lại là một tình bạn thật ấm áp và lời lẽ tự nhiên hơn. Người bạn mới này đã cho Như cảm giác tin tưởng thật sự. Như mở một nụ cười đầy mãn nguyện.
Chương 6
Thuyên xoay xoay cây viết trong tay, tiếp tục than vãn:
- Dở quá trời. Không hiểu sao lúc đó Thuyên lại quên dẫn chứng quan trọng đó chứ! Lại còn hụt giờ ở kết bài. A… Buồn quá đi… 
Thuyên đang nói về bài làm của mình trong kỳ thi hôm trước. Thuyên cứ thấy buồn hoài về một thiếu sót không nên có, mặc dù cô giáo xem dàn ý trong nháp của Thuyên và bảo là đã nắm rất đúng ý của đề bài. Sở dĩ Thuyên buồn cũng là vì dàn bài của Như có một dữ kiện rất tốt để phân tích bài sâu hơn, trong khi Thuyên thì lại quên béng. Thuyên phải tức chứ! Trúc Anh gõ gõ cây thước lên bàn:
- Nè, có chịu làm toán không hả? Học nhóm với tui mà cứ lo chuyện đã rồi hoài. Một dẫn chứng nhỏ không ảnh hưởng quá lớn đối với bài văn “tuyệt bút” của Thuyên đâu! Hơn nữa, có lẽ ý đó cũng có nhiều bạn viết rồi, Thuyên không viết, có khi giám khảo lại… bớt ngán.
Thuyên kéo nét bút cẩn thận, vẽ cho xong hình ê-lip rồi nói:
- Biết rồi, không nói nữa đâu.
- Dữ ác hôn! - Trúc Anh cười.
Cậu trở lại với bài toán mà từ nửa tiếng trước, Thuyên cứ lằng nhằng. Phương trình đường ê-lip, phương trình đường tròn… rối cả lên. Thuyên muốn buông bút vì nhức đầu quá, nhưng phải ráng. Lớp 12, đâu thể đùa được! Trúc Anh giảng say sưa, đôi lúc dừng lại để xem Thuyên còn thắc mắc gì không. Thuyên ngoan ngoãn học cho xong hai tiếng đồng hồ.
Mẹ Thuyên bước vào với hai ly nước và một dĩa bánh quy:
- Hai đứa nghỉ một chút, ăn bánh đi!
Trúc Anh và Thuyên cảm ơn mẹ rồi xếp tập vở lại. Đã gần sáu giờ. Trúc Anh cắn một miếng bánh, hỏi:
- Sao giờ này ba Thuyên chưa về?
- Ba nói hôm nay bận tổng kết nên về trễ một chút.
-  Sáu giờ rưỡi Trúc Anh phải về để kịp ăn cơm với ba mẹ. Hôm nay mẹ làm bò bít tết. Thuyên còn hỏi gì không, môn vật lý?
- Thuyên làm xong rồi.
Thuyên giở cuốn tập vật lý ra đưa cho Trúc Anh xem như để chứng minh lời nói của mình. Nơi cửa sổ, chiếc chuông gió Thuyên treo đôi lúc reo leng keng nghe rất vui tai. Thuyên thường nói với Trúc Anh:
- Đi đến đâu mà nghe tiếng chuông này thì Trúc Anh biết Thuyên ở đó.
Bây giờ, Thuyên đang chun môi thổi mạnh vào nó. Rồi Thuyên chợt hỏi:
- Từ bữa đi thi tới giờ, Trúc Anh có gặp lại Như không?
- Không… - Trúc Anh ngập ngừng:
Thuyên ngồi xuống ghế:
- Không biết quê của Như ở đâu Trúc Anh há? Mà Thuyên thấy Như ngộ lắm, không biết nói sao nữa…
- Thuyên ghét Như lắm hả? - Trúc Anh nheo mắt.
- Không có! Chỉ hơi giữ kẽ thôi.
Thuyên nhớ đến những hôm Như đi học lớp chọn, lúc nào cũng trễ mất vài phút. Có lần học gần hết hai tiết rồi Như mới đến. Thế mà không hiểu sao vẫn cứ học tốt được. Tác phong đi học như vậy, không thể chấp nhận!
- Trúc Anh biết không, có lần Như đi trễ quá, cô giáo la cho một chặp. Trúc Anh biết Như nói sao hông? “Thưa cô, em xin lỗi… Nhưng cô ráng thông cảm giùm em đi cô!”. Ý nói là sẽ tiếp tục đi trễ nữa.
Trúc Anh cười thành tiếng, có vẻ rất thích thú về câu chuyện Thuyên vừa kể. Trúc Anh cho là Như bận chuyện gì đó, chứ ai lại muốn đi học trễ. Thuyên cũng thắc mắc lắm, nhưng không thể hỏi Như. Đối với Thuyên, nội quy nhà trường là không thể sai được. Trúc Anh lại quan tâm đến chuyện khác, cậu hỏi:
- Thuyên có thấy Như thân với ai không?
- Không rõ lắm - Thuyên nói sau một lúc ngẫm nghĩ - Thuyên thấy Như quen biết nhiều, nhưng không thấy có bạn thân thì phải. Như mới chuyển trường mà.
- Sao Thuyên không thử tiếp xúc với Như? Trúc Anh nghĩ Như không xấu đâu.
Thuyên giương mắt nhìn cậu bạn thân đang soạn tập chuẩn bị về. Thuyên biết không phải tự nhiên mà Trúc Anh lại nói như vậy. Thuyên vừa định hỏi thì Trúc Anh đã bước ra cửa phòng:
- Thôi, Trúc Anh về. Sáng mai Thuyên nhớ đem mặt bàn đến lớp giùm Trúc Anh nghe!
Cửa phòng khép lại và Thuyên nghe tiếng Trúc Anh chào mẹ dưới bếp. Thuyên ngồi bệt xuống ghế, nghĩ mông lung…
Tới phường 8, Trúc Anh quẹo xe vào con hẻm nhỏ đầy hoa giấy. Nhà cậu ở đầu hẻm, khá rộng. Cậu cùng ăn tối với ba mẹ rồi lên gác nghỉ ngơi. Trúc Anh không thích xem tivi, cậu luôn mải mê với chiếc máy vi tính mà ba đã mua cho cậu từ mấy năm trước. Chơi games, soạn chương trình… cái gì cũng hấp dẫn. Chỉ mỗi tội, nhìn màn hình rất chóng bị mỏi mắt.
Trúc Anh vẽ loằng ngoằng vài hình trên máy rồi ra lan can ngồi hóng mát. Dưới nhà, ba mẹ đang xem phim Trung Quốc nhiều tập. Thỉnh thoảng, mẹ lại bình phẩm này nọ, ba chỉ cười.
Ai cũng bảo, càng lớn Trúc Anh càng giống ba cái tính không thích tranh cãi với mọi người, cười khoan dung là xong chuyện. Ba cũng là một nhà toán học. Đôi lúc Trúc Anh nghĩ, không biết sau này mình có giống ba bây giờ không nhưng tật ghiền thuốc lá thì Trúc Anh chẳng muốn giống ba chút nào. Trúc Anh phì cười khi nhớ đến lời Thuyên nói:
- Trúc Anh mà lắp cái “ống khói” vào miệng, chắc trông xấu trai lắm. Ai biểu, xấu trai sẵn rồi nên lớn đừng có mà bắt chước người ta hút thuốc nghe hông?!
Lần đó, mọi người bàn luận về chuyện mỗi ngày trên thế giới có bao nhiêu điếu thuốc được châm lên. Quả là một cuộc tranh luận sôi nổi!
Nghĩ đến Thuyên, Trúc Anh cảm thấy gần đây, Thuyên thay đổi nhiều. Thuyên hay ngồi trầm tư suy nghĩ, thả hồn tận đâu đâu và không còn thích kể mọi chuyện cho Trúc Anh nghe nữa. Có lẽ là vì Dũng! Một “anh Dũng” nào đó xa lạ với Trúc Anh nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn đối với Thuyên. Trúc Anh cũng không biết có phải mình quá ích kỷ? Mỗi khi biết Thuyên nghĩ đến Dũng là cậu thấy rất… khó chịu trong lòng. Trúc Anh ước ao rằng, giá như mùa hè đó mình đừng để Thuyên về Nha Trang, để rồi… Có lẽ mọi chuyện đều có duyên cớ của nó, nếu lường trước được mọi điều thì người ta đâu ai phải khổ đau hay hối hận. Trong cùng một thời điểm, những sự gặp gỡ khác nhau sẽ mang đến những kết quả khác nhau, vui hay buồn… “Cuộc sống, có lẽ chỉ cần yên bình là đủ” - Như nói đúng. Lòng Trúc Anh giờ đang không yên bình. Nếu Thuyên có một người bạn thân khác, không phải là mình thì người bạn ấy có buồn như mình? Không biết trong những lá thư đó, Dũng đã viết cho Thuyên những gì mà Thuyên còn thích hơn lời của mình nói nữa. Hơn nữa, Thuyên biết Dũng quá ít, vẻn vẹn chỉ có mươi ngày, còn mình, gần 16 năm rồi…
Trúc Anh triền miên trong những suy nghĩ rối rắm, cậu không biết làm sao để dứt ra, cũng chẳng hiểu vì sao mình lại nghĩ nhiều như vậy. Cậu có cảm giác như đầu mình sắp nổ tung, tự dưng lại thấy tức giận. Chẳng lẽ mình “ghen” với Dũng? Thật điên rồ!
Cố gắng gạt những suy nghĩ kỳ quặc ấy sang một bên, Trúc Anh chợt nghĩ đến Như, một cô bạn cứ luôn đẩy Trúc Anh từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lúc sôi nổi hoạt bát, lúc lại co mình trong một vỏ ốc cô đơn đến thảm hại. Hẳn là Như có nhiều tâm sự nhưng chẳng biết nói cùng ai. Cũng lạ, Thuyên hiền như vậy mà lại có vẻ không thích Như. Có lẽ vì bản tính lạ lùng của cô bạn ấy. Tội tình gì chứ! Trúc Anh thở dài khi tâm trí lại quay về với chuyện của Thuyên. Cậu thật sự không muốn nghĩ nhiều nữa, nhưng…
Có tiếng mẹ gọi. Trúc Anh quay vào phòng.
“Dũng thân mến!”; “Anh Dũng!”; “Dũng thương!”... Ôi, sao tất cả đều có vẻ kỳ quá! Thuyên nghĩ mãi mà không biết nên dùng từ gì ở đầu thư. Chẳng lẽ cứ “Xin chào” hoài, Dũng sẽ chán mất thôi. Dũng viết cho Thuyên bằng những lời xưng hô nghe rất ngọt ngào, Thuyên đọc thì được, chứ còn viết lại cho Dũng như thế, Thuyên không làm được. Mới nghĩ mà Thuyên còn đỏ mặt lên rồi, huống chi… Thuyên cũng không dám khẳng định mối quan hệ của hai người như thế nào, chỉ thấy lòng xao xuyến và hạnh phúc khi nhận thư anh. Thuyên hay nghĩ vẩn vơ và mơ mộng ngày gặp lại nhau, lắm lúc cũng thấy nhơ nhớ… Như vậy có phải là… tình yêu?
Từ lúc Trúc Anh ra về cho đến giờ ăn cơm, Thuyên luôn nghĩ về lời mào đầu trong lá thư viết cho Dũng. Sáng mai Thuyên sẽ gởi đi, kẻo anh chờ lâu rồi lại buồn. Nhưng suy nghĩ mãi không xong, Thuyên cứ ngồi cắn bút hoài. Nhìn đồng hồ, sắp đến giờ ngủ, Thuyên hạ bút: “Chào anh Dũng! Em viết thư cho anh giữa đêm mùa đông tàn, anh có thấy lạnh...”.
Viết đến đâu, Thuyên lại nghĩ đến nét mặt của anh đến đó. Anh có vui nhiều không? Anh có nhớ đến Thuyên nhiều như anh đã viết?
Cũng may, ba mẹ rất tâm lý, không bao giờ cấm đoán chuyện thư từ của Thuyên, vì từ trước đến giờ nhiều người bạn cũng thường viết thư cho Thuyên. Nhưng nhiều lúc, Thuyên cũng hơi sợ. Nếu lỡ ba mẹ đọc được thư Dũng gởi cho Thuyên thì không biết hai người sẽ thế nào? Có ngăn cấm? Ba mẹ hẳn sẽ lo lắng cho việc học của Thuyên, nhưng chuyện học hành có bao giờ Thuyên xao nhãng đâu? Nghĩ vậy, Thuyên thấy an lòng đôi chút. Nhiều lúc Thuyên cũng muốn kể với mẹ, rồi lại thấy sợ sợ. Thuyên nghĩ, khi nào đậu đại học, nói sẽ tiện hơn. Lúc đó chắc ba mẹ sẽ không cấm đoán. Còn bây giờ, Thuyên có cả những tháng ngày bộn bề trước mắt.
Chữ đặc kín một đôi giấy, Thuyên kể về chuyến đi thi học sinh giỏi của mình cho Dũng biết. Thuyên còn lo lắng, sợ không đạt yêu cầu đã đặt ra, bảo anh đừng giận. Trong thư, Thuyên cũng không quên nhắc anh đừng hút thuốc và hỏi đùa xem anh có đang đi cùng với cô gái xinh đẹp nào không. Thuyên còn nói rõ dự định học sư phạm văn của mình nữa. Thuyên muốn trở thành cô giáo, một cô giáo thật dịu dàng.
... Lúc này anh đang làm những gì? Kể cho em nghe với! Bây giờ em rất muốn được ra với biển Nha Trang. Biển đẹp chứ anh? Trong này, bọn em đang gấp rút học tập, năm cuối nên cứ cuống cả lên. Em mong cho những ngày tháng mệt mỏi này nhanh chóng qua đi, em lại được nghe biển hát và thả hồn theo những áng mây bay. Anh có biết biển hát gì không? Hãy ước mơ và chắp thêm đôi cánh. Hãy bay thật xa đón ánh hào quang cuộc đời. Hãy tin tưởng và quý mến người bên cạnh… Em nghe biển hát vậy đó, còn anh? Chắc anh Dũng lại đang cười sự lãng mạn của em phải không? Cấm không được cười nghe, em giận đó! Mà anh Dũng nè, anh có thích đến thăm quê hương em không? Quê em đẹp lắm...…
Chương 7
Giờ sinh hoạt chủ nhiệm đã đến mà không thấy thầy xuống, cả lớp bắt đầu nhốn nháo. Như từ hành lang bước vào, dáng vẻ đạo mạo, tay đẩy đẩy gọng kính tưởng tượng rồi hắng giọng:
- Các em im lặng! Ồn ào như chợ vỡ vậy. Thầy chủ nhiệm đâu?
Không nghe tiếng trả lời, “cô tổng giám thị” bước đến bàn giáo viên, lật lật sổ đầu bài và “phê” bằng… miệng:
- Rắn mất “đầu”. “Mông” chạy lung tung!!!
Những tiếng cười tiếp tục vang lên ầm ĩ khi Như phủi phành phạch vào vạt áo dài, rồi cầm lên săm soi như sợ còn hạt bụi nào vướng lại - đúng là dáng vẻ của cô tổng giám thị trường! Cô có biệt danh là “vua sạch”, lúc nào cũng như muốn đeo khẩu trang bụi. Lớp nào bị cô kiểm tra vệ sinh thì dù có quét sạch đến đâu cũng sẽ bị trừ sạch sành sanh điểm thưởng trong tuần. Cô xem xét từng chân ghế, góc tường để tìm… bụi. Diễn xong vai, Như chạy ào ra dọc hành lang để xem thầy tới chưa. Gặp Trúc Anh đang đi xin điểm đầu bài, Như liến thoắng:
- Nè, “ông bạn”, dạo này vẫn “phát đạt” chứ? Đem sổ đầu bài lại, “cô” sẽ ký cho!
- Không dám, “thưa cô”, “em” nhớ “cô” bị… loạn thị mà, không đeo kính, “cô” vẽ chữ Tàu cho “em” sao? - Trúc Anh đối đáp lại rồi cười khì - Ủa, sao ra đây?
- Thầy chưa vô. Đi nghe…
Nói chưa dứt câu Như đã chạy tọt vào lớp tiếp tục bày trò với các bạn. Trúc Anh không nhịn cười khi thấy Như vẽ lên mặt một cậu bạn những đường ngoằn ngoèo và cả một chú… lợn to đùng giữa trán. Thế mà cậu ta vẫn ngồi yên cho Như vẽ, thật ngộ! Trúc Anh mỉm cười, lắc đầu rồi đi tiếp. Thì ra vẫn có người còn muốn nghịch hơn cả cậu nữa.
Vừa lúc đó, lớp trưởng chạy vào bảo thầy chủ nhiệm bận công tác đột xuất, yêu cầu các bạn trật tự, đến hết giờ mới được ra về. Nhưng chỉ vừa mới nghe thầy bận là cả lớp đã ồ lên với đủ giọng hét, giọng cười ồn ã. Có bạn lên ngồi cả trên bàn giáo viên, gõ thước và bắt đầu “giảng bài”. Một chiếc giày của bạn nữ nào đó bị treo lên giữa bảng. Bọn con trai la oang oang lên rằng chủ nhân phải có hành động chuộc lại, nếu không, giày sẽ… chạy đến lớp khác.
Chủ nhân của chiếc giày “xấu số” ấy là Thúy, một cô bé nhỏ nhắn hiền lành nhất lớp. Thúy đứng lên hỏi xem “kẻ ấy” muốn điều gì.
- Cột áo dài, nhảy lò cò dọc hành lang!
Câu nói vừa thốt lên đã vấp phải tiếng phản đối của hầu hết “giới nữ lưu” ít nói trong lớp. Nhưng tỷ số chỉ gần như một phần ba, không thể chọi lại được! Mười lăm đứa con gái quay sang cầu cứu Như. Như gỡ giày ra, xắn quần, đi chân không đến trước mặt Trí - người vừa thách thức, nói:
- Dọc hành lang thì không được. Như sẽ "cò" giùm, trong lớp thôi, được chứ?
Bàn luận một hồi với phe còn lại, Trí đồng ý với điều kiện Như phải "cò" ba vòng chứ không phải một! Như nhảy lò cò ngang chiếc bảng, được hai vòng bỗng ngả nghiêng chạm vào người Trí. Cả lớp được một trận cười nghiêng ngả. Vừa xong nhiệm vụ, Như quay ngược lại đả cho Trí một đòn:
- Còn bây giờ, tôi có chiếc bóp của Trí. A ha, xem nè…
- Như từ từ mở bóp trong khi phe nữ cản Trí lại. Hình một cô gái, chết nghe! Tiền, chứng minh nhân dân. Mấy bạn muốn coi không?
Tình hình “chiến sự” thay đổi nhanh chóng. Trí nài nỉ Như đừng cho mọi người xem tấm ảnh trong đó. Như ra điều kiện, tranh cãi với mấy tên “mặc áo sơ mi, đóng thùng” một lát. Cuối cùng, Trí bị đưa ra giữa lớp cho mỗi bạn nữ nhéo một cái, còn phải hát mười lần liên tục câu: “Anh muốn sống bên em trọn đời, như núi Chư-prông, đứng bên mặt trời...”. Phải đúng giọng “núi rừng” của ca sĩ Siu Black nữa cơ! Không biết là may hay rủi, Trí chỉ khổ sở hát đến lần thứ tư thì thầy giám thị đã đứng tần ngần trước lớp. Mọi người im thin thít, còn Trí thì cứ say sưa gào thét: “Anh muốn sống bên em trọn đời...”. Đến khi thầy cất giọng ồm ồm:
- Em đang làm gì vậy?
Trí suýt ngã xuống khỏi bục giảng mà ngất đi. Cả lớp không nín được, rúc rích cười. Thầy quắc mắt:
- Lớp trưởng đâu?
- Dạ! - Tân đứng lên.
- Sao em không giữ trật tự lớp? Lát nữa thầy quay lại mà còn tiếp tục ồn thì thầy sẽ báo Ban giám hiệu và thầy chủ nhiệm đó!
- Dạ, em biết rồi ạ!
Nghe tiếng đáp ngoan ngoãn của Tân, thầy giám thị quay đi, nhưng rồi chợt khựng lại, đến bàn giáo viên và phê vài dòng vào sổ đầu bài. Như nghe rõ cả tiếng thở của các bạn. Như chợt muốn phì cười, phải cố lắm mới không phát ra thành tiếng. Nhưng khi thầy vừa quay gót đi thì “những bức tượng đá”… giả tạo lúc nãy bắt đầu… di động liên tục. Hùng chạy nhanh đến bàn giáo viên, đọc to:
- Lớp ồn. Đề nghị giáo viên chủ nhiệm kiểm điểm lại ban cán sự. Ghi chú: Có một “nữ yêu quái” vào nhầm lớp, đang ăn hiếp “những chàng trai xinh đẹp” của chúng ta, đề nghị… “anh thầy” xử lý!
Dĩ nhiên cả lớp đều biết ghi chú đó là lời Hùng thêm vào để nói đến Như nên lớn tiếng cười chờ một đợt “phản công” mới. “Không phụ lòng” các bạn, Hùng vừa đọc xong là bị Như cho ngay một viên phấn giữa trán. Một trận cười lại rộ lên. Vẫn chưa chịu buông tha, Như bám sát gót định cho Hùng vài cái nhéo nhưng, thêm một lần, cứu tinh phái mạnh xuất hiện:
- Lại ồn nữa rồi!
Chỉ nghe tiếng là Như biết ngay thầy giám thị! Như bỗng vô thức phủi phủi hai vạt áo dài rồi quay lại… cười thật hiền với thầy và chạy vọt về chỗ ngồi. Bên kia, Hùng cũng đã yên vị. Lần này, không biết sổ đầu bài có còn chỗ trống để thầy phê vào không…
Dư vị của buổi đùa nghịch buổi sáng vẫn còn đọng lại trong Như, Như cứ tủm tỉm cười hoài. Cũng thấy lo lo, không biết thầy chủ nhiệm sẽ nói gì…
Như kéo tay áo, xem đồng hồ. Thuyên trễ hẹn hơn hai mươi phút rồi, chắc bận chuyện gì đó. Như tiếp tục dựa xe vào tường, chờ đợi. Vừa lúc, Thuyên trờ tới:
- Xin lỗi bạn. Xe Thuyên bị hư dọc đường.
- Không sao đâu. Mình đi!
Thuyên lẳng lặng đạp xe đi trước. Hôm nay, cô giáo dạy lớp chọn văn dặn Như và Thuyên đến nhà cô có chút việc. Vì không biết nhà nên Như hẹn Thuyên đợi ở cổng trường để cùng đi. Thuyên không thấy thoải mái nhưng không thể từ chối Như được.
Ba giờ chiều, nắng vẫn còn gay gắt. Thuyên đưa tay gạt mồ hôi ngang trán. Như cất tiếng:
- Thuyên mệt lắm hả? Nhà cô xa lắm không?
- Cũng gần thôi. Qua hết con đường này, quẹo vô hẻm là tới.
- Thuyên hiền quá hà, chắc trong lớp hổng bao giờ nghịch đâu há! Như thì một ngày không chọc phá ai là không chịu nổi.
Thuyên im lặng cười cười, nghe giọng điệu của Như có vẻ hứng khởi lắm. Thấy Thuyên im lặng, Như tưởng Thuyên muốn nghe mình kể chuyện, liền đem chuyện “nóng hổi” lúc sáng thuật lại một cách vui nhộn. Thuyên bật cười liên tục trước những lời pha trò thêm của Như. Quả thật, Như rất có khiếu hài hước! Thuyên chầm chậm quay qua nhìn cô bạn đang đạp xe bên cạnh - cái nhìn thẳng đầu tiên từ khi biết Như. Như có chiếc mũi thẳng, hơi hếch một tí, mắt ánh lên, sáng trong, đôi má ửng đỏ vì cười nhiều. Như không nhìn lại Thuyên, tiếp tục nói:
- Nếu thầy chủ nhiệm la, chắc cả lớp lại gằm mặt xuống cho coi. Nhưng chỉ một chút là hết hà. Thầy cũng thoải mái lắm! À, lớp Thuyên thì sao?
- Cũng có lúc nghịch ngợm, nhưng chủ yếu là mấy bạn nam thôi. Trúc Anh thường là đầu trò đó!
Thuyên chợt thấy lạ vì giọng điệu khá tự nhiên của mình, nhưng Thuyên mặc kệ, không để ý nữa. Như cũng rất dễ thương. Thuyên dần cảm thấy không còn giữ kẽ với Như, Thuyên trò chuyện vui vẻ hơn. Đến nhà cô giáo, Thuyên đẩy cổng bước vào. Như lóc thóc dắt xe theo và gọi váng lên:
- Cô ơi, tụi em tới rồi!
Từ trong nhà, mùi vani thơm lựng. Cô giáo mặc đồ bộ màu xanh đang ngào mứt chuối. Nghe tiếng cô học trò lí lắc, cô đáp lớn:
- Hai em vào nhà đi!
Cô tắt bếp, chùi tay và bước ra phòng khách. Như láu táu không dễ gì quên mùi thơm tỏa ra lúc nãy.
- Cô đang nấu gì vậy cô? - Như hỏi liền.
Cô giáo nhéo mũi Như, mắng yêu:
- Nấu món ngon đãi hai cô học trò này nè. Em đó, thiệt là nhanh miệng! Chờ một lát, mứt khô, các em phải ráng mà ăn cho hết đó.
- Đừng lo thừa lại cô ơi! – Như cười tươi rói.
Thuyên vuốt vuốt mái tóc cho gọn gàng, thưa cô giáo và ngồi xuống ghế. Nhìn Như không ngớt tíu tít với cô, Thuyên lại ao ước mình được hoạt bát như bạn vậy - điều mà trước đây Thuyên vốn chẳng thích.
- Cô kêu tụi em tới đây có gì không cô? – Như lại hỏi.
- À, tổ Văn và Ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý với ý kiến của cô là sẽ làm trang thơ riêng cho từng lớp trong tháng 12 tới. Cô muốn nhờ hai em tuyên truyền và hướng dẫn cho các bạn trong lớp mở đầu phong trào này. Thật ra, cô cũng biết các em rất bận vì chương trình học dày đặc, nhưng hai em là hai học sinh có vốn văn phong phú của trường. Còn về sau, mọi chuyện sẽ quen dần. Hai em thấy sao?
Khỏi phải nói, cả hai đứa tỏ vẻ thích thú ra mặt. Thế là ba cô trò cùng nhau nghĩ ra đề tài, bàn luận đủ mọi phương pháp viết. Năm cuối, ai cũng muốn để lại chút dấu ấn của mình. Thuyên và Như bàn luận tích cực đến nỗi quên hết cả thời gian, cho đến khi cô vào bếp đem mứt ra đãi thì mới biết là một buổi chiều đã trôi qua. Như xuýt xoa:
- Mứt cô làm ngon quá trời. Mai mốt cô chỉ cho em làm nhen cô!
- Ừ, em cứ đến đi. Cô sẽ không giấu nghề đâu. Chỉ sợ lúc đó em lại than mệt.
Cô giáo cười xòa, nhìn hai cô học trò với ánh mắt chan chứa yêu thương.
Ăn xong, hai đứa chào cô ra về, mặc dù cô giáo cố kêu ở lại để cùng ăn cơm với cô cho vui. Thuyên thấy thật áy náy, nhưng vì chiều nay ba dặn sẽ chở Thuyên đi mua sách nên Thuyên không thể ở lại. Như cũng phải về sớm. Ra tới cổng cô giáo còn nói:
- Lúc rảnh hai em cứ tới chơi thường với cô. Cô chỉ sống có một mình thôi…
Thuyên thấy thương cô quá, ở tuổi cô, người ta đã có chồng con cả rồi. Có lẽ, cô khó chọn “đối tượng!”. Thuyên không biết Như đang nghĩ gì, cô bạn cứ đạp xe tình tang, từ nhà cô giáo ra chưa nói câu nào. Tuy vậy, dường như hiểu được thắc mắc của Thuyên, Như liền nói:
- Cô ở một mình chắc buồn lắm. Mai mốt, tụi mình… kiếm thầy cho cô đi há!
Như nói xong là cười ngay. Thuyên cũng chịu cô bạn này luôn! Chưa để Thuyên kịp tìm lời để đáp lại, Như đã chuyển đề tài:
- Thuyên với Trúc Anh quen thân lắm phải không? Thấy đi chung hoài.
- Bạn từ nhỏ mà. Từ lúc hơn một tuổi thì nhà Trúc Anh chuyển đến gần nhà mình. Sau đó, đến năm lớp 10 Trúc Anh lại chuyển đến nhà của cậu ấy bây giờ. Tụi mình học chung với nhau từ mẫu giáo đến lớp 12 luôn đó!
- Thích quá hén! Hèn gì thấy hai bạn thân thiết ghê. Giá như mình cũng có được một người bạn như vậy…
Thuyên nhìn Như, chợt cảm thấy tội nghiệp bạn vô cùng. Thuyên hỏi:
- Bộ ở trường cũ Như không có bạn sao?
- Nhà mình chuyển đi hoài, ít có bạn thân lắm! Chỉ có thời gian lâu nhất là ở quê, nhưng bạn bè xa rồi cũng quên nhau, lúc đó mình còn nhỏ quá… Mà cũng chẳng sao, đi nhiều nơi, có nhiều bạn lại càng vui, phải không Thuyên?
- Ừ…
Đột nhiên, Thuyên ao ước đoạn đường trở về nhà sẽ dài thêm để Thuyên được nói chuyện nhiều hơn với Như trong cảnh mát dịu của buổi chiều tà. Chỉ có hai đứa thế này, Thuyên mới hiểu nhiều về Như. Thì ra bấy lâu nay, Thuyên đã bỏ rơi một người bạn. Chắc là Như buồn lắm! Không có bạn bè thân thiết, Như sẽ tâm sự với ai? Vậy mà Thuyên lại ghét Như. Sao Thuyên lại ghét Như vậy nhỉ?
Tiếng nói trong trẻo của Như lại vang lên:
- Trời mát thế này, đi ăn kem thì sướng quá! Đi không?
- Đi chứ! - Thuyên đáp.
- Đùa thôi, không phải bạn nói là hẹn với ba, phải về sớm sao? Để dịp khác đi!
Quẹo xe sang góc đường khác, Như giơ ngược bàn tay lại vẫy chào Thuyên. Thuyên bật cười. Cô bạn này, thật là…
Gió thổi tới. Một buổi chiều thật dễ chịu. Thuyên chậm rãi đạp xe về nhà…
10/5/2010
Bùi Đặng Quốc Thiều
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...