Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Tiếng kèn sắc xô

Tiếng kèn sắc xô

Đó là mùa hè 1963. Tôi học lớp 7 tại một vùng quê miền Tây xa xôi. Nơi đây có những kinh rạch chằng chịt và vườn cây sai quả. Việc chèo ghe, cắt lúa, bắt cá thì tôi làm cái rẹt chẳng thua kém ai, còn việc học, tôi thường đội sổ. Trong học bạ tôi, môn học nào thầy cô cũng ghi yếu, từ trên xuống dưới yếu, yếu, kém... Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình yếu kém như vậy. Đầu tôi âm u lắm. Những con Toán, công thức Hóa học, những định lý Vật lý đối với tôi nó xa xăm như sao Hỏa. Tôi cứ tự hỏi học ba cái rắc rối ấy làm gì.
Cái tôi cần là làm sao mỗi ngày bắt được vài ký cá, có tiền xài, kiếm được ít lá khô để chụm bếp. Thế là đủ. Tôi mong nhất là mùa mưa lũ tháng bảy, nhà đừng dột nát. Nước ngập mênh mông, mưa như trút nước, ngồi trong nhà mà như ở ngoài trời thì khổ không biết chừng nào. Mùa lụt ngồi bó gối trên sàn nước, không biết lấy gì nấu cơm, rầu hết sức. Nhà nghèo, không than, không củi, tôi phải chèo ghe đi bứt từng tàu chuối khô về chụm. Ngày nắng ráo còn đỡ, ngày mưa thì đành nhịn đói. Có lẽ vì chỉ lo cái ăn, cái đói nên cái đầu tôi nó ngu chăng.
Suốt  tuổi thơ, tôi chưa bao giờ được  ăn no. Buổi sáng đi học, bà nội bảo, ăn nhiều chi cho nặng bụng, học nó ngu. Bưã tối, bà nội lại bảo, tối đi ngủ, ăn chi cho nặng bụng. Mỗi khi tôi lấy gạo nấu cơm, bà nội bắt đem rá gạo cho nội coi. Dù tôi đã tiết kiệm hết mức, nhưng nội cũng bốc lại một nắm gạo để phòng khi đói. Quanh năm suốt mùa chỉ có rau muống với mắm tôm bảy món. Thường là mắm gói lá chuối hấp nồi cơm. Rất tiện, cơm chín thì mắm cũng chín.Ngày nào ăn sang, bà nội cho thêm quả trứng. Cá câu được, không dám ăn. Nội bắt đem bán hết.
Sáng tinh mơ  tôi đã ra vườn tưới rau. Chiều lại tưới, ngày gánh 400 đôi nước. Mùa lúa thì suốt ngày ngoài đồng, xạ lúa, nhổ cỏ, cấy dặm, bắt cào cào. Công việc không sao làm hết được. Ruộng lúa nhà tôi  chừng sáu xào, bề ngang hẹp, dài 600 mét, nhìn mênh mông, lội bộ chân không từ đầu ruộng tới cuối ruộng cũng đứt hơi. Lúa chín thì còng lưng cắt, rồi gánh về chất thành đống. Sau tết, rãnh rỗi, mỗi ngày lôi ra đập ít bó. Cả việc sàng xảy, phơi lúa, rê lúa, chở lúa đi chà ở nhà máy, chỉ một mình tôi làm. Nhờ thế mới chừng lớp bảy, việc gì tôi cũng rành. Mưa nắng làm cho người tôi đen mun. ánh lên màu n ước phèn ở ruộng. Nếu lấy tay mà cào,  da sẽ trắng bóc như có lớp phấn. Ở lớp, bọn con gái luôn nhìn cái cẳng lội ruộng của tôi mà cười. Tôi thấy nhột nhột.
Tôi không đòi cha mẹ bất cứ cái gì. Cả đến quần áo mặc, một năm cha tôi chỉ may cho một bộ duy nhất, cái quần đùi và chiếc áo sơ mi trắng vải thô để đi học. Ngày thường bà ba đen, quần xà lỏn vải thô. Ăn chắc mặc bền, bà nội tôi thường dạy vậy.
đi chơi. Sáng sáng, ổng cũng đi học như người ta, nhưng cuốn vở nhét vào bụi tre. Trưa về coi bộ ngon lành lắm. Tập vở trắng trợt. Cho đến khi nội biết chuyện thì đã muôn.
Cha tôi không qua khỏi lớp ba. Thế nên ổng không bao giờ dám la rầy tôi chuyện học hành, vì tôi học tới lớp 7 lận, nhờ thế cũng êm bụng. Trước mắt bà nội và cha,  tôi là đứa ngoan, chịu khó làm lụng, chịu khó học hành, biết phận nghèo không đua đòi. Tôi cũng tự hào về mình. Khổ nỗi, mỗi khi đến lớp, tôi lòi cái đuôi dốt ra, mắc cỡ hết sức.
Tôi dốt nhất là môn Nhạc. Giọng của tôi nó khàn khàn, chua chua như nước phèn dưới xình. Mỗi khi xướng âm, cổ tôi thoát ra những âm lơ lớ, ngang ngang, không sao bắt vào âm chuẩn của thầy được. Tôi xướng âm mà nghe như con gì nó kêu. Cả lớp cười bò. Thầy Thành nhăn mặt, lắc đầu. Tôi càng cố gắng lên giọng chừng nào, lớp càng cười chừng ấy. Dầu vậy, thầy Thành vẫn kiên nhẫn tập lại cho tôi hàng chục lần. Tôi chưa thấy ai kiên nhẫn như vậy.
Có lần tôi hỏi thầy:
- Thưa thầy, học nhạc để làm gì ạ?
Thầy nhìn thẳng vào mắt tôi, xem tôi có thể hiểu được những gì thầy sắp nói không. Giọng thầy ấm hơn mọi khi:
- Học nhạc để làm gì à! Em còn nhỏ, thầy khó nói cho em hiểu được. Này nha, lúc nhỏ mẹ ru em bằng gì? Những bài hát ru chứ gì! Âm nhạc đó. Em có thấy khi đưa người chết ra nghĩa địa, người nhà giàu còn thuê cả phường bát âm và ban kèn nữa. Ồn ào và rình rang, nhưng đó là Âm nhạc, nó làm cho đám ma trang trọng hơn. Sống hay chết, con người luôn gắn bó với Âm nhạc. Âm nhạc là linh hồn thanh khiết của cuộc sống, nó có sức mạnh lớn lắm, rồi em sẽ hiểu.
Nghe thầy nói, đầu tôi mơ hồ, vẫn chẳng hiểu học Nhạc để làm gì. Học nhạc, cùng lắm là để hát hò cho vui, âm nhạc làm gì có sức mạnh ghê gớm. Mấy cái anh đờn ca tài tử chỉ ngồi nhậu rồi đờn tưng tưng, có làm được gì! Chắc thầy quan trọng hóa thôi. Ông thầy nào cũng cho môn học của mình là nhất. Tôi chỉ biết một điều là tôi rất khổ sở với môn Nhạc. Bảo tôi xuống đìa bắt cá, hay leo dừa bẻ trái lấy nước uống chơi, tôi làm trong nháy mắt. Việc xướng âm, quả thực là quá sức mình.
Có điều tôi rất thích thầy Thành. Thầy hiền hòa, điềm đạm, vui tính và hào hoa. Dường như thầy cũng dành cho tôi nhiều cảm tình nữa. Đôi mắt thầy rất sáng, nhưng u ẩn. Có một sức mạnh tiềm tàng và một chân trời rất xa trong đôi mắt ấy... Thầy thổi kèn Sắc xô rất hay. Tiếng kèn khỏe và mượt. Làn hơi nhiễn và ngọt. Có khi nó mênh mang như gió cuốn ngoài đồng, lại có khi trầm lắng ầm ì như sóng ngầm mùa nước lũ. Ấy là bây giờ tôi mới nhận ra tiếng kèn của thầy hay như vậy, chứ lúc ấy, tôi cứ ngẩn người ra mà nghe. Tôi rất thích cái dáng nghệ sĩ của thầy. Cái tư thế thầy đứng thổi kèn nó không giống cái dáng tôi lội ruộng cầm cuốc.
Tôi  phục thầy lắm. Vì thầy thổi được cái kèn rất lạ. Cái cổ nó như cổ ngỗng. Mình nó có rất nhiều nút bấm, như nắp ve chai. Miệng kèn loe ra. Đã có lần tôi thò tay vào loa kèn. Bên trong chẳng có gì, vậy mà sao nó kêu được. Kèn đám ma chỉ là cái ống tre nhỏ, miệng loe bằng cái chén, chẳng có nút bấm nào, ai cũng thổi được. Chỉ cần rặn hơi, phùng mang thổi, là nó kêu, dễ ẹc.
Khi thầy thổi kèn, ngón tay thầy thoăn thoắt. Những cái nắp ve chai cứ chập vào rồi nhả ra liên tục. Thanh âm bay khắp đất trời. Tôi không thấy thầy ngắt lấy hơi bao giờ. Cái ấy mới tài! Có lần thầy Thành cho tôi tập thổi. Tay tôi chẳng biết bấm làm sao. Tôi nắm chắc cây kèn, hít một hơi căng lồng ngực, lấy sức thổi. Cái kèn hét lên như ngỗng kêu. Tôi ôm bụng cười, chảy cả nước miếng. Ở thôn quê người ta nuôi ngỗng để trông nhà. Có người  lạ, ngỗng hét lên inh ỏi. Tôi không hiểu sao cái kèn cũng hét được như ngỗng. Thầy Thành bảo, ngày xưa khi thầy mới tập thổi, nó cũng kêu như vậy. Thầy còn bảo, mai mốt thầy sẽ tập cho tôi. Tôi thích lắm. Nhưng nói thực tình, tôi còn mắc lội ruộng.
Tối nay trường tổ chức văn nghệ cuối năm và phát thưởng. Nghe đâu có cả quận trưởng đến dự. Trường tôi nằm ngay mặt lộ, cách dinh quận chừng cây số. Sát bên trường là một con rạch. Con lộ vắt qua rạch chạy về tỉnh. Ngồi trong phòng học, chúng tôi có thể nhìn xuống rạch coi người ta bơi thuyền, bán cá, bán rau. Những ngày nghỉ học, bọn học trò chúng tôi thường đứng trên lộ nhảy xuống cống rạch tắm, rồi bơi ra sông. Ở vùng quê này, bọn học trò coi trường là nhà, coi sông rạch là nguồn vui. Tắm sông là cơm bữa, nhưng tắm một mình không thích. Phải đông, thi nhau nhảy, thi nhau lặn hụp, thi nhau bơi, cả thi nhau mò bắt cá mới thích. Ngồi học nhưng cái đầu chúng tôi ở dưới rạch, cứ bị thầy cô la hoài.
Cả trường nhộn nhịp ngay từ sáng sớm, hàng phố cũng nô nức chờ xem. Ở vùng quê, rất hiếm có  diễn văn nghệ. Người dân quê chẳng có gì vui chơi, nên hễ có gánh hát về, hoặc trường làm văn nghệ là người ta đi coi rất đông.Họ vừa coi văn nghệ vừa hãnh diện vì có con em mình diễn. Cải lương thì quen rồi. Nghe tân nhạc và xem múa nó mới lạ hơn, nó tân thời hơn.
Thầy Thành gọi tôi đến giúp thầy chuẩn bị sân khấu, nối giây điện, căng màn và trang trí. Thầy Thành cắt chữ và những hình ngộ ngộ.Thầy chỉ cho tôi cách dán trên phông màn. Thầy Thành giỏi thật. Cái gì thầy cũng làm được.Thầy tập chương trình văn nghệ cả tuần nay, Thầy làm sân khấu rất đẹp. Thầy sắp xếp bọn học trò diễn văn nghệ đứng ngồi chỗ nào, ăn mặc kiểu gì, diễn xuất làm sao... Cái sân khấu là nơi hấp dẫn nhất.
Tôi phụ thầy, lúc trên sân khấu, lúc xuống phòng thầy lấy thêm đồ trang trí.
Lần đầu tôi được vào phòng riêng của thầy Thành. Đối với bọn con nít chúng tôi, phòng riêng thầy cô là chỗ rất linh thiêng, chỉ được quyền ngó vào thôi. Chỉ những học trò rất cưng, thầy cô mới cho vào. Tôi rất sung sướng.
Đó là căn phòng đơn sơ nhưng gọn ghẽ, ngăn nắp. Có bàn làm việc. Trên bàn có những cuốn sách dày cộm. Trên tường treo chiếc kèn. Một tấm màn che cái giường và chỗ treo quần áo. Phía sau phòng là một mái che, có một cái hỏa lò, một ấm nước, hai cái nồi, chắc nồi nấu cơm và thức ăn. Phía rạch có một bờ đá làm chỗ lên xuống tắm rửa. Ghe bán hàng thường tấp vào đó.
Buổi chiều, tôi thấy có hai phụ huynh chèo ghe, tấp vào bờ đá, rồi lên nhà thầy Thành. Họ xách theo hai giỏ cá. Chân còn dính xình, có lẽ họ mới lội dưới đìa bắt cá. Hôm nay là ngày cuối năm, họ đem tới biếu thầy ăn lấy thảo.
Ở đây, người dân  quý thầy cô lắm. Mùa nào thức ấy. Có khi chục xoài tượng, có khi vài con ếch, có khi cây thuốc rê, có khi con cá lóc to, hoặc quầy chuối. Họ gọi là cây nhà lá vườn. Đám giỗ đám kỵ đều mời thầy. Ngày tết đều cho con tết thầy, dù chỉ là cái bánh chưng hay một đòn bánh tét. Chữ "thầy" với họ còn thiêng liêng lắm". Không thầy đố mày làm nên" ông cha dạy vậy. Họ gửi gắm con em cho thầy. Người dân chân lấm tay bùn chỉ mong con em biết được mặt chữ là đủ.
Khi hai phụ huynh cáo từ, thầy Thành mời họ ở lại coi văn nghệ. Họ đứng nhìn sân khấu, lại nhìn ra sân. Họ lên con lộ nhìn tới nhìn lui. Chập sau, họ chèo ghe đi, họ bảo về cụ bị tối đi coi văn nghệ. Hôm nào có cá lớn sẽ đem biếu thầy. Sau khi họ đi khỏi, thầy Thành bảo tôi:
- Tối nay thầy nhờ em chút việc có được không?
- Dạ, được.
Buổi tối, sân trường đông nghẹt người. Bọn học sinh reo hò bằng thích. Đồng bào các nơi đổ về nô nức. Tiếng chào hỏi, tiếng gọi nhau í ới. Người ta nói chuyện oang oang. Nông dân mà. Người khoe có con diễn tối nay. Người khoe có con lãnh thưởng. Người khoe có nghe nói chương trình đêm nay đủ cả ca múa nhạc, sôm tụ lắm. Cái thích nhất là được ăn, được mặc, được đi chơi sau một ngày lội ruộng mần ăn, ai cũng vui vẻ.
Tôi được thầy Thành phân công kéo màn. Bọn con nít chúng tôi múa hát lung tung cả, nhưng bà con cứ vỗ tay đôm đốp.Cái hấp dẫn của đêm diễn chính là những cái ngây ngô trẻ con của chúng tôi. Đứng bên cánh gà kéo màn, lâu lâu tôi lại thò cổ ra nhìn xuống sân, là để tụi bạn và bà con thấy mặt. Có tiếng la:
- Thằng Tâm kìa.Thằng Tâm! Tâm ơi…
Tôi thụt cổ vào ngay, sướng như điên.
Thầy Thành xoa đầu tôi bảo đừng làm thế, mất trật tự. Trông thầy vừa vui, vừa trang nghiêm. Nhưng mắt thầy rất sáng, nhất là từ lúc có quận trưởng đến. Chắc là diễn cho cấp trên coi làm thầy hãnh diện chăng. Chúng tôi chẳng bận tâm điều ấy. Quận trưởng là cái ông nào, trong đám đông đêm nay, mọi người như nhau, cùng coi văn nghệ, coi chúng tôi diễn. Chúng tôi mới là nhân vật chính. Thầy Thành mới là linh hồn của buổi diễn. Tôi hãnh diện về thầy và làm theo lời thầy.
Gần cuối chương trình, tên quận trưởng lên sân khấu phát biểu ba hoa về thành tích diệt cộng trong trận càn vừa rồi. Sân trường nhốn nháo. Có tiếng chửi thề. Người ta đến đây là để xem văn nghệ, đâu để nghe tuyên truyền.
Tôi thoáng thấy hai phụ huynh hồi chiều đến gần sân khấu. Thầy Thành khều tôi nói nhỏ. Tôi lập tức lẻn ra sau. Không có ai chú ý. Sân trường càng ồn ào hơn. Tên quận trưởng cứ nói, chẳng ai thèm nghe,... Tôi đến bên dao điện, giật cái cầu chì quăng đi. Rồi chuồn ra phía trước lập tức. Sân trường tối thui, phía sân khấu có tiếng nổ lớn.
Có tiếng la của bọn cảnh sát:
- Việt công liệng lựu đạn, nằm xuống.
Chẳng nhìn thấy gì. Sau tiếng nổ, sân trường im ắng quá. Người ta nằm đè lên nhau. Một chập sau mới có tiếng ồn ào.
Người đứng phía ngoài chạy dạt lên con lộ. Tiếng súng lên đạn lách cách và tiếng chân chạy rầm rập. Bọn cảnh sát lo bảo vệ tên quận trưởng. Tiếng xe Deep rồ máy, de nhanh ra lộ vụt đi. Hai ánh chớp sáng ngời, rồi ánh lửa vàng, đỏ rực lên. Hai tiếng nổ liên tiếp, long trời, ở phía cây cầu vắt ngang rạch. Trong khói và lửa đỏ rực ấy, tôi thấy  chiếc xe Deep bị hất tung lên. Có tiếng cảnh sát la:
- Xe quận trưởng trúng mìn rồi… nằm xuống.
Nghe tiếng hô trúng mìn, người ta nằm sát đất, nín thở, chờ đợi những tiếng nổ tiếp theo. Chạy lúc này là ăn đạn. Tiếng súng bắn qua bắn lại trên lộ và phía ruộng.
Bỗng có tiếng kèn Sắc xô trỗi lên từ phía sân khấu. Tiếng kèn rất hùng tráng, bài Giải Phóng Miền Nam. Mọi người ngóc đầu dậy hướng về phía tiếng kèn. Tất cả đều lạ lùng và hồi hộp. Ai biểu diễn văn nghệ giờ này? Có ánh đèn pin quét về phía sân khấu. Ô kìa. Một lá cờ nửa đỏ, nửa xanh và ngôi sao vàng treo trên phông màn sân khấu tự bao giờ. Thầy Thành đang đứng trước lá cờ ấy, thổi hết sức mình. Tiếng kèn vang rất xa. Trông thầy oai phong dũng mãnh làm sao. Đạn bay chíu chíu về phía thầy Thành. Tiếng kèn vẫn thúc giục rộn rã. Lại có ánh chớp và tiếng nổ ở ngoài lộ. Tiếng lựu đạn nổ rất đanh. Có tiếng hô rất quyết liệt: "Xung… phong". Tôi nghe đúng là tiếng của người phụ huynh hồi chiều. Tiếng súng bây giờ giòn giã hơn ở phía ruộng. Bọn cảnh sát dạt ra.
Tiếng kèn im bặt. Tôi nằm nín thơ. Không biết thầy Thành có sao không. Bỗng có bàn tay xoa trên đầu tôi. Tiếng nói rất nhỏ và hân hoan:
- Tâm, em khá lắm. Ở lại học giỏi, thầy đi đây. Thầy sẽ gặp lại em.
Trong bóng đêm nhấp nhoáng, tôi vừa kịp nhận ra dáng thầy Thành, vai có đeo súng, bước chân băng tới trước.Tôi không biết thầy Thành đi đâu. Dường như thầy băng qua con rạch sau trường và lẫn vào đồng ruộng mênh mông. Tôi sung sướng và hồi hộp. Lần đầu tiên giúp thầy được một việc làm thầy vui.
Tiếng súng im hẳn, người ta bò ra lộ, rồi tan vào bóng đêm rất nhanh. Chẳng ai dám lớ ngớ ở dây, sợ ăn đạn  của bọn cảnh sát. Những cuộc tấn công của Việt Cộng lúc này xảy ra luôn, nên người ta cũng không còn lạ lùng mấy nữa.
Sáng hôm sau, người ta đến xem hiện trường rất đông. Sân trường còn vương vãi dép guốc, mũ nón nhưng không có ai bị thương. Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh, sao vàng vẫn còn treo trên sân khấu, xung quanh có nhiều lỗ đạn.
Có tiếng bàn tán:
- Sao Việt Cộng lại tấn công vào nhà trường.
- Tại có thằng quận trưởng ngồi đó. Họ đánh thằng quận trưởng.
- Đánh thằng quận thì đánh vào đồn, vào dinh. Ở đây chết học trò thì sao?. Trung liên nó quạt như vãi thóc.
- Việt Cộng ghê thiệt.
Bây giờ tôi mới biết hai vị phụ huynh đến gặp thầy Thành chiều qua là Việt cộng. Giỏ cá là giỏ đựng mìn. Con cá lớn là tên quận trưởng. Tiếng nổ lớn trên sân khấu chỉ là tiếng pháo đùng để lừa bọn cảnh sát. Trận địa ở trên lộ, chỗ chiếc cầu vắt qua con rạch. Việt cộng gài mìn, phục kích tên quận trưởng. Họ đánh trả trận càn vừa qua. Bọn cảnh sát nói thầy Thành cũng là Việt cộng. Vậy mà tôi không biết. Bây giờ thầy Thành đi đâu?
Ba mươi năm sau tôi mới gặp lại thầy Thành.
Tôi đang đứng trong nghĩa trang tỉnh. Nắng lấp lánh trên lớp lớp ngôi mộ. Tôi tìm thấy mộ thầy Thành ở một góc khuất, một ngôi mộ cũ, không nhang khói. Trên bia mộ, có tấm hình của thầy năm xưa. Hình đã phai nhưng ánh mắt thầy vẫn rực sáng và u ẩn. Thầy đang nhìn thẳng vào tôi như ngày nào, ấm áp và nhân hậu. Tôi không ngờ gặp lại thầy nơi đây. Lưu lạc mấy chục năm, tôi mới có dịp về lại quê cũ. Mắt tôi rưng rưng nhòa lệ.
Bây giờ tôi đã hiểu học nhạc để làm gì, nhưng thầy Thành đã không còn trên cõi đời này nữa. Tôi muốn thổi một giai điệu Sắc xô thật trữ  tình để tâm sự với thầy. Nhưng tiếng kèn của tôi vẫn chỉ là tiếng ngỗng kêu.
Ở ngoài kia ồn ào và nhiều tiếng ngỗng kêu quá, thầy có buồn không?.
5/6/1993
Bùi Công Thuấn
Nguồn: http://www.vannghesongcuulong.org/
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm truyện ngắn

Chùm truyện ngắn SÔNG PHỐ Tôi ở bên bờ sông Phố. Con sông nhỏ khiêm nhường len lỏi chảy giữa mấy giải núi đồi và đồng bằng hẹp của huyện H...