Cuộc đời tranh đấu của Gandhi
Đời Thánh Cam Địa 2
Chương 10
NHỮNG NGÀY Ở ẤN
Hai ngày trước khi Cam-Địa cùng bà vợ và Kallenbach đặt chân
lên đất Anh, thì cuộc chiến-tranh 1914-1918 bùng nổ. Cam-Địa liền họp một đội cứu
thương tình-nguyện đầu quân trong hàng ngũ Anh. Hơn tám chục sinh viên Ấn lúc ấy
đang theo học ở Anh cũng đầu quân theo Cam-Địa.
Cuộc chiến-tranh xẩy ra làm ông rất buồn phiền, vì nỗi ông phải
tham-gia cuộc chiến-đấu - dù là ông không cầm súng - một điều mà ông không muốn.
Ông thường nói:
''Chẳng cứ gì phải bắn giết mới là phạm lỗi. Ngay giúp đỡ việc
săn sóc những người bị thương trên trận tuyến cũng là trái đạo rồi, vì như thế
tức là tham dự cuộc chiến-tranh''.
Bạn hữu ông lấy làm lạ là đã thế tại sao ông còn tình nguyện
đầu quân?
''Vì'' - ông trả lời - ''Tôi sống
dưới sự bảo-hộ của nước Anh. Ngay chính tôi cũng còn không hành-động gì để phá
nước Anh, thì vì lẽ gì tôi lại mong cho nước Anh bị hủy diệt?''
Ông lại luận-lý rằng lúc bình thời bạn đã hợp tác với người
Anh, thì lương tâm bạn không cho phép bạn phản bội người Anh trong cơn nguy khốn.
Tại sao trước kia bạn lại đóng thuế cho người Anh để họ có tiền đúc súng đạn mà
đánh nhau? Tại sao trước bạn vẫn răm rắp tuân theo luật lệ của những kẻ
chỉ nuôi dưỡng sức mạnh để gây hấn? Nếu bạn có can-đảm bất hợp-tác với
người Anh từ trước, thì bây giờ bạn mới có quyền phó mặc người Anh với số phận
họ. Nếu không thì bạn có bổn phận phải giúp đỡ họ trong lúc nguy nan.
Đầu năm 1915, Cam-Địa mắc bệnh sưng màng phổi phải trở về Ấn
để tĩnh-dưỡng. Ông cùng bà vợ tới Bombay ngày mồng 9 tháng giêng.
Tại Ấn, ông in cuốn sách đầu tiên là cuốn Hind Swarai. Sách
đó nhắc lại những cuộc tranh-luận giữa Cam-Địa và bọn người quốc-gia Ấn ở
Luân-đôn. Ông thường nói rằng:
''Nếu chúng ta đối xử với người Anh một cách công-bằng
và hợp lý, thì ngày giải-phóng nước Ấn chúng ta càng sớm đến. Trái lại, nếu ta
coi họ như thù-nghịch, thì ngày đó chưa biết bao giờ''.
Cam-Địa lại viết:
«Một số người Anh cho rằng họ đã chinh phục được nước Ấn
làm thuộc địa, và họ có quyền dùng võ lực bảo vệ quyền lợi của họ trên đất Ấn.
Nói như thế là sai. Không thể dùng võ lực mà giữ được đất Ấn trong quyền sở-hữu
của mình. Ai giữ đất Ấn trong tay người Anh? Chính là chúng ta vậy. Chúng
ta thích những sự tiện lợi của nền văn-minh máy móc người Anh đem đến. Chúng ta
ham lợi mà buôn bán với họ. Chúng ta tranh dành cãi cọ nhau, khiến họ có thể lợi
dụng được tình trạng chia rẽ ấy. Cái gì đã giữ nước Ấn trong vòng nô-lệ ngoại
bang? Đó là tính uỷ-mị của các bạn không thể thoát ly được những quyến rũ
của nền văn-minh hiện tại».
Cũng có nhiều người không đồng ý với Cam-Địa về sự tai hại nền
văn-minh máy móc. Trong cuốn Hind Swarai có mấy đoạn kể lại những cuộc tranh luận
giữa họ và Cam-Địa. Thí dụ năm 1924 có người hỏi phải chăng Cam-Địa kết án tất
cả mọi máy móc không phân biệt ? Ông trả lời:
«Không khi nào! Vì chính ngay thân thể của chúng
ta chẳng là một thứ máy móc với những bộ phận tinh vi đó sao? Cái guồng quay
tơ cũng là một cái máy tinh xảo. Tôi không bao giờ phản đối máy móc. Tôi chỉ phản
đối cách người ta sử dụng máy móc bây giờ mà thôi. Chẳng hạn, bây giờ nhiều
máy móc chỉ có công dụng là làm lợi khí giúp cho một số ít tư bản làm giầu trên
lưng hàng triệu đồng bào khốn khổ của họ mà thôi. Ngoài trường hợp đó, thiếu gì
máy móc có ích lợi cho ta. Nhưng mà muốn làm được những chiếc máy nhỏ đó,
cần phải có những nhà máy lớn. Lẽ dĩ nhiên tôi rất thích những nhà máy đó,
vì nó làm ra những đồ vật có ích».
Xem như thế thì rõ Cam-Địa không phải là kẻ thù của toàn thể
các máy móc. Ông chỉ nhắc ta hãy nên thận trọng đừng quá tin tưởng ở những sự kỳ
diệu của khoa học, kẻo lợi thì ít mà hại thì nhiều, rồi ra có ngày lại như kẻ tập
làm phù-thủy, làm xổng những sức mạnh tàn phá vô hình, mà chính tay mình thả ra
cũng không sao chế-ngự hoặc thu hồi lại được. Cam-Địa chỉ ưa chuộng máy móc khi
nào máy móc là thứ đồ dùng để phụng sự thể chất, để cho đời sống vật chất được
dễ-dàng tiện-lợi hơn. Còn nếu để cho ảnh hưởng của máy móc chi phối cả đến đời
sống tinh thần, thì đó thực là một sự dại dột rất đáng chê trách. Vì thế nên
ông tự kiêu là những dân-tộc Đông-phương có một nền văn-minh thuần tuý hơn nền
văn-minh Thái-Tây. Ông không cho là người Anh và người Ấn không thể sống chung
với nhau được:
«Việc gì phải đuổi họ khỏi đất Ấn? Ở với chúng
ta, họ có lợi. Họ hấp thụ dần được đạo sống thanh cao mà nền giáo-lý
Đông-phương khuyên dạy».
Người ta bẻ ông: «Điều đó chưa bao giờ thực-hiện
được trong lịch-sử nhân-loại».
Ông trả lời: «Nếu vì chưa bao giờ thấy thực-hiện
một điều trong lịch-sử mà bảo rằng điều đó không thể nào thực hiện được, thì thực
là quá khinh giá-trị của con người».
Nhiều người không thể hiểu được ý-nghĩa sự độc-lập mà Cam-Địa
mong muốn. Họ cho là muốn dành độc-lập, phải đánh đuổi kẻ ngoại địch ngự-trị
trên đất mình.
Cam-Địa bẻ rằng: «Nếu bảo là dân-tộc kia được
sống sung-sướng, chỉ vì họ tự cai trị lấy nhau, thì thực là nói mò».
Có sự gì thay đổi trong đời sống của người dân, nếu kẻ cầm-quyền
người bản-quốc cũng có thái-độ áp-bức chẳng khác người ngoại-quốc trước
kia?
Tuy không tán thành nền văn-minh Thái Tây, Cam-Địa cũng không
ruồng bỏ hẳn mọi sản phẩm của nền văn-minh ấy.
Trong một bữa tiệc ở Madras, tháng 4 năm 1915 ông hô hào ủng-hộ
phong trào đầu quân giúp Anh đánh Đức. Ông khen ngợi lòng yêu chuộng tự do của
người Anh. Ông nhận rằng trong đế quốc Anh, người dân nào cũng có quyền được hoạt
động trong một phạm-vi rộng rãi theo quan-điểm và lý-tưởng riêng của mình. Bài
diễn văn đó không được dư luận tán thưởng. Từ trước, trong con mắt người dân Ấn,
Cam-Địa vẫn được coi là vị anh hùng đã dẫn đầu cuộc tranh đấu ở Nam-Phi, đã chế
ngự được tướng Smuts, kẻ thù của dân Ấn. Những người ái-quốc Ấn đều hy-vọng ở
ông một nhà lãnh-tụ tương lai của phong-trào giải-phóng. Nhất là từ khi giáo sư
Gohhale chết, thì cả nước đều hướng về ông. Thái độ dè dặt của ông làm họ thất
vọng.
Vậy mà chính Cam-Địa sau này lại là người lãnh đạo cho
phong-trào độc-lập ở Ấn.
Đó là chuyện sau. Hãy nói bây giờ thì gia-đình Cam-Địa cùng
nhiều gia-đình các bạn đồng chí của ông, đã rời khỏi Nam-phi về Ấn. Nhóm đồng
chí trước kia ở Phoenix, bây giờ tụ họp ở Chantinikétan, tại một trường học
xứ Bengale, thuộc miền đông Ấn-độ. Trường đó có đặc điểm là được nâng đỡ bởi
nhà thi sĩ Rabindranath Tagore, người đã giật giải Nobel về văn thơ năm 1913.
Cam-Địa và Tagore sống cùng một thời, và cùng là những người
chủ-xướng phong-trào phục-hưng Ấn-độ hồi đầu thế thứ 20. Nhưng Cam-Địa là đồng
lúa phì nhiêu, mà Tagore là vườn hồng sáng-lạn. Cam-Địa là bàn tay xây dựng,
mà Tagore là người ca ngợi trước năm châu những sự kỳ-ảo của nền văn-hoá Ấn. Cam-Địa
gầy bé quắt queo, vì thân thể bị đoạ-đầy bởi những tuần chay liên-tiếp. Trái lại,
Tagore, thì yêu chuộng sự xa-hoa và có dáng-điệu phong-nhã hào hùng của một nhà
thơ quý-phái. Nhưng cả hai đều cùng nhau thông cảm bởi một lòng yêu nước và một
lòng nhân ái sâu xa. Tagore đã khóc mà ví tổ quốc như một kẻ đi tìm ở những đống
rác-rưởi các nước vất ra, một vài thức đồ đáng cứu-vãn khỏi sự mục-nát dơ-bẩn.
Và ông cầu-nguyện cho tất cả các dân-tộc trên thế-giới này hoà-hợp với nhau
trong một tình thương vô tận.
Tagore và Cam-Địa, hai bậc vĩ-nhân của Ấn-độ trong nửa thế kỷ
đầu ngày nay, đối với nhau bao giờ cũng một lòng sùng-kính. Chính Tagore là người
đầu tiên suy-tôn Cam-Địa làm Thánh (Mahâtmâ). Ông nói: «Đó là
một tâm hồn cao-thượng ẩn trong manh áo rách». Cam-Địa thì tôn
Tagore là «người chiến-sĩ tiền-phong». Nhưng hai ông vẫn thường đối-lập
nhau ráo-riết trên trường tranh-luận. Cam-Địa muốn dùng quá-khứ để xây-dựng
tương-lai. Theo ông, các tôn-giáo, các thần-thoại đều là những gia-tài quý-báu
của một thủa xưa thuần-túy. Ông thường suy-luận ở đấy mà tìm đường lối hành-động
cho tương-lai. Trái lại, Tagore say-sưa với hiện-tại. Ông ưa thích những tư-tưởng
mới lạ của Tây-phương. Ông ham chuộng những tiện nghi của nền văn-minh cơ-khí.
Cam-Địa tằn-tiện dè-sẻn. Tagore hoang-phí xa-hoa. Trong một bức thư viết cho
Tagore, Cam-Địa đòi hỏi cho «trăm triệu sinh-linh đang sống quằn-quại
trong đau khổ, những lời thơ rắn-rỏi mang lại cho họ sức sống và niềm hy-vọng». Nhưng
lời thơ của Tagore chỉ là một điệu nhạc trầm bổng du-dương. Ở Chantinikétan,
môn đệ của nhà thơ hàng ngày chỉ múa hát và hái hoa để cho cuộc đời thêm tươi đẹp.
Trong khi ấy thì Cam-Địa đang chú ý tìm một nơi nào khuất-tịch,
thích hợp cho sự làm việc, để đem gia-đình cùng những người cộng-sự thân tín về
ở cùng. Bấy giờ ông cũng không có trụ sở nhất định để đặt văn phòng thầy kiện.
Nay đây mai đó, ông thường vắng mặt ở gia-đình. Một ngày kia, có người ngoại quốc
hỏi ông: «Gia-đình vẫn mạnh?» Ông trả lời:
«Tất cả người Ấn đều là gia-đình tôi».
Sau ông tìm được một khoảng đất ở bờ sông Sabarmeti, ngay bên
kia thành phố Ahmédabad. Chính ở trên bãi cát lầy ẩm đó, giữa những người nghèo
khó ở chui rúc chốn ngoại-ô, Cam-Địa luyện dần sức mạnh của tâm hồn để trở nên
người lãnh-đạo tối cao của dân-tộc Ấn.
Thành phố Ahmédabad là một thành phố giầu về kỹ-nghệ dệt. Gần
đó lại có hải-cảng Bombay trù-phú.
Các nhà kỹ-nghệ giúp Cam-Địa tiền để lấy khu nhà Satyagraha
Ashram làm nơi truyền giáo.
Cam-Địa ở một gian phòng kích thước chỉ vừa bằng một buồng
giam. Chỉ có một chiếc cửa sổ nhỏ ở tít trên cao, trông xuống một cái sân thượng
nhỏ. Ngoài những năm tù, Cam-Địa tự hãm mình trong căn phòng đó cả thẩy 16 năm
trường. Ông còn tự hành hạ mình hơn nữa. Ban ngày nắng hè thiêu đốt thì ông
khiêng bàn ra giữa sân làm việc. Những đêm lạnh lẽo nhất ông cũng ngủ ngoài trời.
Tự hãm mình như thế, Cam-Địa đã theo gương những thầy tu
đời cổ. Những người này, khi đã lập lời nguyền thì tìm đến một nơi xa hẻo lánh,
ngày ngày ngồi trầm-tư mặc-tưởng, và tìm đủ mọi cách hành hạ thể xác để chóng đến
ngày siêu thoát. Nhưng khác với các thầy tu thời cổ, Cam-Địa không tự huỷ hoại
thân thể để tìm cái chết, Ông hành hạ thể xác để tinh thần được mạnh mẽ hơn. Vả
lại ông cần sống để thực-hiện cái công cuộc vĩ đại ông đang theo đuổi là giải-phóng
tổ-quốc. Vì thế, nên ông cho phép các môn đệ nắn bóp thân thể ; Ông ăn ngủ
điều hòa, ông đi lại để gân cốt được co dãn. Suốt đời không bao giờ ông ốm đau
nặng. Nếu không phải là người có sức khỏe dẻo dai như ông, thì không thể nào
tuyệt thực luôn để yêu sách như ông, mà không hề bị ảnh hưởng đến cơ-thể. Ông
đã sống đến 78 tuổi, mà vẫn giữ được trí óc minh mẫn và sức làm việc bền bỉ như
hồi còn trẻ.
Một bức ảnh chụp hồi bấy giờ cho ta thấy ông ngồi trên một
cái bục cao, đang diễn thuyết trước một cử tọa người Ấn phần nhiều vận âu-phục.
Ông để mình trần, chỉ quấn một chiếc phá bằng vải trắng. Ông vẫn thường khuyên
các môn đệ bắt chước mình ở trần như thế; sẽ lấy được lòng tin của dân
quê dễ dàng hơn là những bộ âu phục sang-trọng.
Nhưng bọn người nghe ông hồi ấy có bao giờ nghĩ đến dân
quê? Họ chỉ chăm lo làm sao thuyết phục được cho người Anh huỷ bỏ chế-độ
thuộc địa hay ít nhất cũng nới rộng chế-độ đó phần nào. Mà giao-thiệp với người
Anh, thì phải ăn mặc sao cho nền-mã, phải nói tiếng Anh cho thạo, viết tiếng
Anh cho chỉnh. Vậy mà Cam-Địa lại khuyên họ ở trần, bỏ tiếng Anh để học nói thổ-âm.
Theo Cam-Địa phong-trào giải-phóng phải lấy nơi thôn dã làm căn bản. Vì hơn 90
phần trăm người Ấn là dân quê. Nếu không làm cho họ thoát sự tối tăm ngu độn,
lười biếng, thì ví dù có giải phóng được họ khỏi cùm xích người Anh cũng là vô
ích mà thôi. Liệu sau khi người Anh đi khỏi Ấn-độ, thì số phận năm sáu mươi triệu
người bần-cố có thay đổi gì không, hay là họ vẫn bị các giai cấp khác ghét và
xua đuổi như thường? Phong-trào giải-phóng có mục đích nào cao hơn là chỉ
chăm lo thay thế người Ấn vào người Anh ở những chức vị hữu quyền?
Ảnh-hưởng những lối giảng dạy của Cam-Địa thực là to tát. Mọi
người dần dần mở mắt. Họ không còn tiếc nhớ những thời oanh liệt xưa kia của tổ-quốc.
Họ tranh đấu trong thực tại. Nhờ Cam-Địa, họ tin-tưởng ở sức mạnh của dân tộc.
Cam-Địa nói cho họ biết rằng không phải bây giờ là lần đầu tổ quốc bị chà đạp dưới
gót ngoại bang. Tự nghìn xưa, dân tộc Ấn đã bị chinh phục nhiều lần, xong lần
nào kẻ xâm lăng cũng bị thu hút và đồng hoá bởi sức sống mãnh liệt, và những đức
tính vững bền của người Ấn.
Cam-Địa cũng không tán thành một cuộc cách mạng bằng võ lực.
Song ông còn đi xa hơn nữa ông không chịu hợp-tác với người Anh. Ông không muốn
cho Tổ-quốc phải hỏi gì ở người Tây-phương. Ông không cần hưởng những xây dựng
người Anh đã thực hiện được cho nước ông. Ông chủ trương tái tạo đời sống tinh
thần của dân-tộc trước đã. Khi ấy, trước cái giá trị không thể chối cãi của những
người đứng lên đòi lại những quyền lợi tối cao của mình, người ngoại quốc không
vì lẽ gì mà từ chối không trả.
Chương 11
NHỮNG ĐỨA CON YÊU CỦA THƯỢNG ĐẾ
YASUAHARLAL Nehrou nói rằng nước Ấn-độ là cả một sự pha trộn
giữa những cái gì cao quý nhất và những cái gì ghê tởm nhất. Những cái gì ghê tởm
đây chỉ những người bần cố ở giai cấp hạ tiện nhất trong bậc thang xã-hội Ấn.
Trong đời tranh đấu của Cam-Địa, ông đã tốn bao nhiêu tâm cơ
để xoá nhòa trong trí óc đồng bào ông, cái thành-kiến bất công của xã-hội đối với
những kẻ chỉ đáng thương chứ không đáng bỉ.
Từ đâu có sự phân chia giữa các hạng người, trong xã-hội Ấn?
Ta phải cắt nghĩa bằng lịch-sử. Sáu bẩy nghìn năm về trước, ở vùng Caucase, giữa
biển Caspienne và Hắc hải, vẫn có một dân tộc gọi là người Aryens. Hai ba nghìn
năm trước Thiên-chúa Giáng-sinh, một chi nhánh của dân tộc đó tràn về phía Nam
và dừng lại ở phía Bắc Ấn-độ. Sự phân chia giai cấp giữa kẻ thắng và kẻ bại đã
có từ đó. Người Aryens tự phụ về mầu da trắng của mình nên khinh rẻ những thổ-dân
có mầu da sẫm. Họ dùng thổ-dân để làm những công việc nhọc như cầy ruộng, chăm
nom gia-súc. Ngoài giai-cấp chủ và giai-cấp đầy tớ, còn giai cấp những nông dân
tự do Vaisylas và giai-cấp thợ thuyền lao-động gọi là gia-cấp Sondras.
Nhưng chính người Aryens với nhau cũng dần dần phân biệt kẻ
sang người hèn.
Trước hết, một bên là vua và quần-thần, cùng tướng sĩ,
binh-lính, và gia-đình họ họp thành giai-cấp những người Kchatryias hay là giai
cấp chiến-sĩ; một bên là các thầy tu, chuyên về việc cúng lễ, giảng đạo,
viết kinh đó là giai-cấp Brahmanes. Thoạt tiên thì người Brahmanes phải phụng-sự
người Kchatryias. Nhưng về sau nhờ sức mạnh của tôn giáo, và của trí-tuệ, họ đã
vượt người Kchatryias mà trở nên giai-cấp thượng đẳng của xã-hội Ấn.
Một lý do khác của sự phân chia đẳng-cấp giữa người Aryens với
nhau là ảnh hưởng những cuộc hôn nhân giữa người Aryens và thổ dân. Do sự phối
hợp ấy, nẩy nở một nòi giống mới.
Tuỳ theo phong tục từng nơi, bọn lai này được chấp nhận vào
giai-cấp thượng đẳng hay bị liệt xuống những giai cấp dưới. Cũng có nơi, không
giai cấp nào chịu nhận họ, thành ra có tới hàng triệu người Ấn sống bấp-bênh,
không bấu víu vào hệ thống xã-hội nào.
Khi bọn người chinh phục đến thì một số đông thổ-dân trốn
tránh lên núi hay vào rừng sâu. Đến khi người Aryens đã an tọa ở những làng mạc
họ xây dựng nên hay là chiếm-đoạt được, thì thổ-dân mới dám mon men về bán cho
họ những giỏ đan hoặc một vài thứ đồ dùng khác. Lâu dần, người Aryens sai phái
họ làm những việc nặng nhọc bẩn thỉu không ai muốn mó tay vào, như chôn cất người
chết, vứt bỏ những xác súc vật, cùng dọn-dẹp chuồng nuôi súc vật, lau cọ nhà
tiêu, v.v… Do đó, nẩy sinh một giai-cấp hạ tầng, là giai-cấp những người bần-cố.
Muốn thoát khỏi số phận dành cho mình, người tiện dân chỉ có
cách là cải giáo mà theo đạo Gia-tô hay đạo Hồi-Hồi. Tuy nhiên, chỉ có ít người
theo phương sách đó, còn thì đa số, vào khoảng năm sáu mươi triệu người thích ở
lại giai-cấp của mình, mặc dầu bị khinh rẻ và xua đuổi như những kẻ mắc bệnh dịch
tễ. Tại sao?
Vì họ tin tưởng rằng cuộc đời khổ nhục họ đang sống chỉ là một
hình phạt họ phải chịu, để chuộc lại những ngày lầm lỗi họ đã phạm trong kiếp sống
trước của tiền nhân. Nếu họ can đảm chịu đựng thì kiếp sau họ sẽ được thác sinh
vào một giai-cấp cao hơn. Trái lại, nếu họ trốn tránh thì sau này có thể bị đầu
thai làm súc vật. Ý nghĩ ấy khiến họ nhẫn nhục cam chịu số phận, và cũng bởi thế
họ vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Thế nào là một kẻ tiện dân? Họ không được đụng vào một
vật gì mà một người ở giai-cấp trên đã cầm đến. Vì thế mà họ không được đặt gót
tới những đền đài, nhà cửa cho chí đến cả những cửa hiệu của người Ấn. Trong mỗi
làng, người ta dành cho bọn tiện dân khu đất nào thấp nhất và bẩn thỉu nhất. Ở
các thành phố, họ bị dồn vào một khu riêng biệt có tường vây kín. Người Ấn nào
không may mà chạm phải một kẻ tiện dân thì thế nào cũng phải tắm rửa, chay tịnh
và làm lễ tẩy uế. Nhiều nơi người ta sợ cả đến cái bóng người tiện dân in trên
mặt đường. Họ tin rằng chạm vào cái bóng đó cũng bị nhơ-nhớp chẳng khác gì va
phải một tiện dân bằng xương bằng thịt.
Cam-Địa cố gắng chống lại những thành kiến bất công đó.
Tháng 5 năm 1918, ông tới dự một cuộc mít-tinh họp tại Bombay
để tìm cách giúp đỡ những người tiện dân cùng khốn. Trước khi lên diễn đàn, ông
lớn tiếng nói: «Ở đây có ai thuộc về giai-cấp tiện-dân đến không»?
Không ai giơ tay. Ông bèn không nói nữa, vì cho là cuộc hội họp không có ích lợi
gì, nếu không có chính vai chủ động tới dự.
Bấy giờ có một gia-đình tiện-dân đến khu nhà Ashram của Cam-Địa
xin trú-ngụ. Ông không ngần ngại mà thâu nạp họ.
Một luồng dư luận nổi lên phản đối cử-chỉ ấy.
Những phú thương người Ấn vẫn trợ-cấp cho Cam-Địa cho là sự
hiện diện của gia-đình tiện dân ấy trong khu Ashram làm ô-uế cả nơi thánh thất
tôn nghiêm. Họ không gửi tiền nữa. Đến cuối tháng thì một môn đệ Cam-Địa giữ
chân thủ-quỹ trình với ông rằng tiền đã cạn, và hỏi ông lấy gì để sống tháng
sau?
Ông điềm nhiên trả lời: «Thì chúng ta vào sống
chung với những người, tiện-dân vậy».
Một buổi sáng kia, Cam-Địa tiếp một vị khách đến thăm khu
truyền giáo của ông bằng xe hơi. Khách hỏi ông có cần tiền chăng? thì ông
đáp « Tôi cần lắm ». Khách liền chìa ra một bó bạc lớn, rồi chào ông
mà đi. Ông không biết vị khách hảo tâm đó là ai, vì ông nhớ mang máng hình như
chỉ gặp khách có một lần tại nơi nào. Cam-Địa đếm được cả thẩy mười ba ngàn
roupies. Số tiền đó đã giúp ông nuôi sống các môn đồ đủ ăn một năm ròng.
Nhưng không phải vì đã yên bề tài-chính mà mọi điều phiền nhiễu
sẽ chấm dứt đối với Cam-Địa. Các phụ nữ, trong số đó có cả bà Kastourbai, không
bằng lòng sống lẫn lộn với kẻ đàn bà tiện dân. Cam-Địa làm cách gì để thuyết phục
được bà vợ? Ông hỏi bà rằng liệu một thiếu phụ con nhà dòng dõi như bà có
thể vì điều bất hoà ấy mà rỗi chồng trở về sống với bố mẹ đẻ không? Bà đuối
lý không thể trả lời được. Vả chăng bây giờ bà không còn giám cãi ông như ngày
xưa. Ông đã được suy tôn làm Thánh rồi kia mà. Cho nên bà hậm-hực nhưng không
giám tỏ ra, đành nhịn không dám nói gì về cái gia-đình tiện dân ông đón về nữa.
Ít lâu sau, Cam-Địa báo cho mọi người biết là ông đã nhận con
bé Lakchmi (con người tiện dân) làm con nuôi. Như thế bà Kastourbai thành ra mẹ
một đứa trẻ dòng giống tiện dân vậy. Ông thường nói :
«Tôi không muốn sau khi chết, lại tái sinh làm kiếp
khác. Song nếu có phải đầu thai lần nữa, thì tôi ước mong được sinh vào kiếp tiện
dân, để được cùng những kẻ khốn khổ ấy chia sẻ nỗi vui buồn, ngõ hầu làm dịu bớt
được phần nào cái số phận nặng nề mà thành kiến xã-hội bất công đã dành cho họ,
và gắng công tranh-đấu để giải-phóng họ ra khỏi nơi tối-tăm u-ám».
Người Ấn ở các giai-cấp trên nói đến chữ tiện dân với một niềm
khinh-bỉ vô hạn. Cam-Địa cũng lại tự mình nêu gương trước. Để gọi những kẻ tiện
dân, ông dùng một danh từ thân mến là «những người con yêu của Thượng-Đế».
Tờ tuần báo ông xuất bản, ông cũng đặt tên «con yêu của Thượng-Đế».
Lâu dần, dân chúng bắt chước ông mà gọi những kẻ trước kia họ khinh bỉ bằng
danh-từ luyến-ái ấy.
Nhưng đa số những người quá mang sâu thành kiến phân chia
giai-cấp đã hết sức phản-đối tấm lòng nhân-ái của ông đối với những kẻ khốn
cùng. Ông đã gặp ở họ những địch thủ gay gắt nhất trên trường tranh-đấu
chính-trị về sau. Song hầu hết quảng đại quần chúng, không ai là không luyến-ái
con người mà họ tôn sùng như bậc Thánh. Họ đòi ông phải ban phúc cho họ. Họ
ngăn đón giữ ông lại để hôn chân ông. Có kẻ nằm rạp xuống đất để cung kính đặt
môi lên vết chân để lại trên làn bụi. Họ không còn phẫn-nộ về việc ông đem một
gia-đình tiện dân về cung dưỡng nữa. Họ coi con bé Lakchmi như con đẻ ông. Thoạt
tiên, đến hầu ông, sau khi về, họ còn làm lễ tẩy uế thân thể, vì sợ bị nhây nhớp
bởi sự lân cận với cái gia-đình tiện dân ông nuôi bên cạnh. Về sau, quen dần, họ
bỏ cái tục-lệ kỳ quái ấy đi. Và hàng chục ngàn người Ấn ở những giai-cấp sang
trọng đã giám đến gần những kẻ tiện dân, trong những bận đến hầu ông, mà không
sợ bị lây bẩn ra người. Cuối cùng thì nhiều người theo gương ông nuôi hẳn ngay
những kẻ tiện dân trong nhà, để sai phái.
Ngoài ra hoàn-cảnh xã-hội bấy giờ cũng không còn cho phép người
ta xa lánh triệt để những kẻ tiện dân nữa.
Nhưng vẫn còn những tâm hồn thiển-cận cố bo-bo giữ vững
thành-kiến hẹp hòi. Cho nên Cam-Địa vẫn phải ra công hô-hào, khuyến-dụ cho mọi
người hiểu rõ rằng không gì dã-man bằng sự «coi đồng-bào của mình rẻ hơn
súc vật».
Ông kinh tởm thái-độ đó đến nỗi thốt ra rằng: «Nếu
quả thực tôn-giáo của chúng ta bắt chúng ta không được coi kẻ tiện dân như người,
thì thà rằng tôi ruồng bỏ đạo của tôi».
Muốn hiểu Cam-Địa phẫn nộ đến bực nào khi thốt ra lời ấy,
chúng ta đừng nên quên rằng tôn giáo đối với người Ấn rất là quan-trọng. Tôn
giáo của người Ấn ảnh hưởng đến cả mọi cử chỉ thường ngày. Trong nhà, ngoài ruộng,
trong các trường học, cho chí đến cả những cửa hàng buôn bán, đâu đâu cũng thấy
thần tượng, ban thờ. Các môn học ở nhà trường, sử-ký, địa dư, kinh-tế các ngành
văn-hóa đều mang dấu hiệu của tôn giáo cổ truyền. Sự thấm nhuần của tôn giáo đó
xâu xa trong dân chúng đến nỗi những cố gắng của các đạo về sau, như Phật-giáo,
đạo Djainisme để cải-cách lại sự tin tưởng cổ-truyền, của dân Ấn đều thất bại.
Chẳng hạn dù theo đạo Phật, người Ấn vẫn còn làm ngơ cho tục-lệ sát-sinh để tế
thần. Có nơi thì ngoài Phật ra, còn thờ đến hàng chục ông Thần khác nhau. Có
người không dám giết đến con sâu cái kiến, ngắt đến một nụ hoa, một chiếc lá.
Có kẻ lại đem sinh vật vào đền chích huyết cúng Thần. Một nhà triết-học Ấn đã
viết rằng :
«Tôn-giáo của chúng ta không có những lễ-nghi nào nhất
định, và không có lấy một kinh sách nào có thể dùng làm căn bản».
Bởi thế, theo Cam-Địa, việc xa lánh bọn tiện dân không phải
là một cấm điều bất di dịch. Tại sao người ta không bỏ được tục-lệ ấy? Đạo
giáo cổ truyền của chẳng là một tôn-giáo mềm mỏng chế biến được đó sao?
Lòng nhân của Cam-Địa không cho phép ông làm ngơ trước sự hành-hạ mà giai-cấp
tiện dân phải chịu.
Có người đã nói rằng triết-lý của Ấn-độ-giáo là «Sống»
và mặc cho người khác «sống tự do». Bởi thế, ta mới thấy hiện-tượng
lạ lùng là trong xã-hội Ấn, từ ngàn xưa tồn tại cho đến bây giờ, sự cách-biệt
hoàn-toàn hai giai-cấp khác nhau. Ngay mỗi giai-cấp cũng thường chia ra nhiều
chi-nhánh, và giữa các chi-nhánh, thường truyền đến 1, 5 đời mà không có một sự
giao-thiệp nào-chứ đừng nói sự pha trộn hôn nhân.
Nguyện-vọng của Cam-Địa và thế-hệ ông là kết-hợp những khối
biệt lập thành một quốc gia thống-nhất.
Chương 12
ÁO VẢI NHUỘM MÀU CHÀM
Tháng chạp năm 1916, Cam-Địa tới Lucknow để dự đại hội thường
niên của Đảng Quốc-hội Ấn. 2301 đảng viên tới họp.
Giữa hai phiên nhóm, một hôm Cam-Địa thấy một kẻ ăn mặc quê
mùa tiến tới bảo ông: «Tôi là Raykoumar Choukla, quê ở Champaran.
Và tôi muốn trở xứ sở». Cam-Địa chưa gặp người đó bao giờ, và cũng
không biết Champaran ở đâu. Hỏi ra mới rõ, đó là một thị trấn hẻo-lánh xa xôi, ở
mãi những ngọn đồi thoải dốc dưới chân núi Hy-mã Lạp-Sơn, gần xứ Népal.
Raykoumar, là một trong những người tá điền lĩnh canh ruộng
các điền chủ người Anh lập nghiệp ở tỉnh đó. Nhân đang kháng-cự lại sự áp bức của
chủ điền, họ phái Raykoumar tới Lucknow để giãi bày tình cảnh họ trước đại hội
toàn quốc Đảng Quốc-Hội. Có người khuyên Raykoumar đến xin Cam-Địa can-thiệp.
Anh ta bèn y lời.
Cam-Địa trả lời là hiện nay ông chưa thể nhận giúp y được, vì
ông đã định trước nhật-kỳ đi thăm nhiều nơi khác trên đất Ấn. Choakla không chịu
rời ông ra, cứ theo gót hết tỉnh này sang tỉnh khác mà năn nỉ cầu xin. Đến lúc
Cam-Địa trở về nhà ở gần Ahmédabad thì Choukla cũng theo về. Y kiên-nhẫn chầu
chực dưới thềm ông hàng mấy tuần ròng rã.
Y nói: «Tôi không dám xin Thánh giúp ngay,
song xin Thánh định cho một nhật kỳ».
Cảm động vì lòng thành và đức nhẫn-nại của người nông-dân xứ
Champaran, ông bảo: «Hiện tại đã hẹn có mặt ở Calcutta ngày ấy
tháng ấy, ngươi đến tìm ta ở Calcutta vào khoảng thời gian đó, rồi dẫn ta
theo ngươi».
Mấy tháng qua. Tới kỳ hẹn, Cam-Địa đến Calcutta thì đã thấy
Choukla chực sẵn ở nơi ước định. Anh ta chờ Cam-Địa xong xuôi công việc, rồi dẫn
ông lên đường đi Patna, kinh-đô xứ Bihar.
Nhưng Cam-Địa muốn qua Mouzzafarpour một thị-trấn ở gần
Champaran trước đã, để xem xét tình trạng tại chỗ. Tin ông tới loan-truyền đi
khắp vùng. Từ Monzzafarpour, từ Champaran, dân chúng đổ đến như nước để chào mừng
ông. Những viên thầy cãi ở Monzzafarpour, đã từng nhiều phen bênh vực cho bọn
nông dân ở Champaran trước Tòa-án vội vã trình bầy rành rẽ để ông hay nội dung
cuộc tranh chấp giữa bọn tá điền và điền chủ xử Bihar. Họ lại cho ông biết cả
những số tiền các nông dân trong vùng đã trả công cho họ.
Cam-Địa trách họ sao lấy công quá nặng đối với những người
dân quê nghèo túng. Ông nói:
«Tôi cho rằng từ nay ta đừng nên đem những việc này ra
Tòa-án. Tòa không phân xử được đâu. Một khi dân quê đã bị áp bức và đe dọa đến
nỗi sợ sệt như bây giờ, thì Tòa-án làm sao bênh-vực nổi họ trước cường quyền được.
Chỉ có cách giúp đỡ họ làm cho họ hết sợ hãi mà thôi».
Bấy giờ phần lớn đất cát cầy cấy được ở Champaran đều đã quân
phân thành từng lô thuộc quyền sở-hữu của những điền chủ người Anh đã mua hoặc
xin được của nhà nước mà thuê người Ấn làm canh. Các đồn-điền phần nhiều trồng
chàm. Các chủ điền bắt buộc những tá điền của họ phải dành ra một diện tích là
15 phần trăm đất để trồng chàm, và phải nộp cho họ tất cả hoa mầu thu được về
giống cây này. Sự thỏa thuận giữa hai bên đã được ghi vào những bản giao kèo
dài hạn.
Song hồi ấy, được tin người Đức mới tìm ra được một
phương-pháp chế thuốc nhuộm chàm hóa học, các chủ điền người Anh thấy trồng
chàm không còn lợi nữa, bèn hủy cái khoản trồng chàm trong các bản giao
kèo; song lại bắt ép một cách vô lý những kẻ tá điền vô tội phải trả cho
họ một khoản bồi-thường để bù vào số chàm thôi không trồng, tức là thôi không
thu nữa.
Một số tá điền người Ấn cũng ưng chịu, vì họ cho là càng may
đỡ phải phí đất để trồng một thứ hoa lợi mà họ không được hưởng. Nhưng một số
khác nhất định không chịu, và họ nhờ luật-sư binh vực. Đồng thời nhiều người đã
trả khoản bồi-thường rồi, nay vỡ lẽ ra sự tráo-trở của người Anh, cũng làm đơn
kiện đòi trả lại tiền.
Chính giữa lúc ấy thì Cam-Địa đến Champaran.
Ông muốn nghe đủ mọi tiếng chuông trước khi quyết-định thái-độ.
Ông đến thăm viên thư ký của Hiệp-hội các địa chủ người Anh, song viên này
không tiếp. Y trả lời là không thể chỉ bảo điều gì có liên quan đến Hiệp-Hội
cho một người ở xứ khác đến như Cam-Địa. Ông bèn xin yết-kiến vị ủy-viên người
Anh ở tỉnh Tirhout mà lãnh vực thân gồm cả trấn Champaran, song viên chức này
chửi rủa ông một cách thô-bỉ, và hạ lệnh cho ông phải rời ngay khỏi Tirhout.
Cam-Địa thản nhiên như không. Ông đi Motihara, tức là tỉnh-lỵ
của trấn Champaran, có nhiều viên luật sư đi theo ông. Quần chúng tụ-hội đông đặc
sân ga để chào đón ông. Ông ngừng lại tại một tòa nhà trong phố, và tiếp tục
các cuộc thăm dò dư-luận, cùng quan sát tình hình. Có người cho ông biết một
nông-dân đã bị hành hung dã man ở một làng bên. Ông quyết định đến tận nơi xem
xét câu chuyện. Sáng hôm sau, ông cưỡi voi sang làng đó, nhưng chưa đến nơi thì
một nhân viên cảnh sát đuổi theo kịp và mời ông lên xe hắn ta quay trở lại.
Viên cảnh sát dẫn ông về nhà rồi trao cho ông một công lệnh bắt buộc ông phải rời
Motihara ngay tức khắc. Ông điềm nhiên ký nhận, và viết rõ ràng vào phiếu nhận,
rằng ông quyết không tuân theo lệnh đó. Bởi thế, ông phải ra tòa ngay sáng hôm
sau.
Tin đó khuấy lộn thị-xã Motihara như một chảo dầu sôi. Nông
dân các miền quê lân cận kéo đến đông như kiến cỏ. Các phố đen nghịt những người.
Họ tự động mà đến. Là dân cư một miền núi hẻm, đường xa, cách biệt với đời sống
văn-minh, họ chưa từng đọc báo, và bởi thế cũng không biết cả đến cuộc đắc thắng
vinh quang của Cam-Địa ở Nam-phi. Họ chỉ nghe nói là có một vị thánh nhân từ miền
Nam lặn lội lên đây để bênh-vực họ, mà đang bị người Anh bắt bớ giam cầm. Lòng
ái quốc bỗng nhiên sôi nổi, và muôn người như một, không ai bảo ai, họ cũng tìm
đến bên cạnh vị cao nhân mà họ tôn sùng cảm-mến. Bỗng chốc, họ tự thấy trong
lòng bừng cháy một nguồn lửa mới-họ ngẩng cao đầu, mắm môi, vỗ ngực. Mắt tung
ánh lửa, họ không còn là người dân quê yếu hèn chất-phác, quỳ gối uốn lưng trước
roi vọt của kẻ ngoại xâm. Trong khoảnh khắc, họ đã trở lại bản-ngã của con dân
một nước tự-do, đã từng mang trong tay gia-tài cổ-kính của một nền văn-minh thuần-túy.
Gandhi đã thành công trong dự định của ông, là giúp cho những người miền thôn
dã, mà bộ ngực thở hút khí trời trong sạch ít nhất cũng to lớn gấp đôi thân
hình bọn chủ điền bét rượu, rũ bỏ được sự sợ hãi vô lý từ trước vẫn làm họ co
rúm trước giọng nói nạt nộ và tròng mắt vọ của bọn da trắng tráo-trưng.
Trước đám đông quyết liệt đó, bọn cầm quyền bắt đầu lo sợ.
Trong cái biển người xáo động như giông bão đó, họ hiểu rằng tính mạng họ không
đầy một dúm. Chỉ còn phương-sách cầu-cứu Cam-Địa giúp đỡ. Đầy một vẻ kẻ cả ông
đối đáp với họ một cách ôn tồn lễ phép. Ông nói với đám người biểu tình mấy
câu. Tức thì cái biển người đang xôn xao, bỗng im lặng như mặt hồ đứng gió. Rồi
họ giải tán rất có trật tự, đâu về nơi đấy.
Các nhà đương-cục địa phương rất phân-vân. Họ đành ra lệnh
cho công-tố-viện hoãn việc truy-tố Cam-Địa lại, ý chừng để chờ hỏi ý kiến nhà cầm
quyền trung ương.
Cam-Địa cực lực phản-đối việc đình xử ấy. Ông cho công-bố một
bản tuyên ngôn, trong đó ông nhận tội bất tuân thượng lệnh, và đòi được đem xử
ngay. Ông tuyên bố với tòa án rằng ông đang đứng trong trường hợp bị lôi kéo giữa
hai bổn phận tương phản: một đằng thì ông không muốn xâm phạm vào luật-lệ
của nhà cầm quyền, e nêu gương xấu cho đồng bào ông, một đằng khác, ông tự nhận
thấy có phận sự thiêng liêng phải tiếp-tục cuộc tranh đấu mà lương tâm ông,
cũng như lòng yêu nước thương nòi, cùng lòng bác-ái, đã bắt buộc ông phải theo
đuổi đến cùng. Bởi thế, ông đành trái lệnh nhà đương cục bắt ông rời khỏi nơi
tranh đấu, không phải vì ông khinh-mạn chính-quyền mà chỉ vì ông tuân theo một
hiệu-lệnh nghiêm-ngặt hơn mọi luật lệ của loài người, là tiếng nói của
lương-tâm. Nhưng đã phạm luật thì ông yêu cầu được trừng trị theo luật pháp, để
trọng sự công-bình, và khỏi nêu gương xấu cho người sau.
Tòa án chưa tìm được giải-pháp nào thỏa đáng, bèn ngỏ ý sẵn-sàng
hoãn tuyên án cho ông trong hai giờ đồng hồ, nếu ông chịu nộp một khoản tiền ký
quỹ. Ông không chịu. Tòa đành thả ông ra vậy. Sau hai giờ nghị luận, Tòa
tuyên-bố hoãn đến một ngày chưa định về sau, mới tuyên án. Trong khi chờ đợi, Tòa
cho phép Cam-Địa được tự do, không phải câu thúc thân thể.
Bấy giờ những nhà luật sư cùng biện hộ có danh như Rayendra
Prasad (sau này làm Tổng thống nước cộng hòa Ấn-độ), Bryi Kichon Babou, Maoulas
Mazharoul Houg, v.v… từ Bihar đều tìm đến quây quần tụ họp bên cạnh Cam-Địa để
bầy mưu tính kế.
Cam-Địa hỏi họ rằng họ sẽ áp dụng phương sách gì để giải nỗi
bất công cho những kẻ tá điền trấn Champaran đang phải chịu. Các luật gia xin
hãy họp nhau để thảo luận, rồi sẽ trả lời. Cuộc hợp bàn rất ngắn ngủi. Ai nấy đều
đồng ý rằng:
«Cam-Địa là người ngoại cuộc, mà vì tình nhân loại, còn
can đảm ngồi tù để bênh vực những dân quê cùng khốn, huống chi chúng ta đây, là
những người đã nhận nhiệm-vụ bênh-vực quyền lợi của họ, lại không biết theo
Cam-Địa mà tranh-đấu sao? Vậy, không thể hèn nhát bỏ về để trốn tránh phận
sự. Chúng ta sẽ cùng vào tù với Cam-Địa, để ủng hộ cho sự tranh đấu của
ông».
Sau đó, cả bọn trở về nhà Cam-Địa, và báo cho ông biết quyết
nghị của toàn thể. Ông vui mừng nói: «Thế là chúng ta giải quyết
xong việc Champaran rồi!» Đoạn, ông lấy giấy bút, chia cả nhóm ra
thành từng đôi một, và ghi sẵn thứ tự mỗi đôi sẽ theo đó mà hành động, mục đích
làm cho các nhà cầm quyền bắt buộc phải tống mình vào tù.
Nhưng mấy hôm sau, thì Cam-Địa nhận được giấy của Tòa án báo
cho ông biết rằng viên phó Tổng-Trấn tỉnh Bihar đã quyết định xếp việc lôi thôi
của ông lại. Vậy ông đã hoàn toàn được trả tự do. Thế là lần đầu tiên
phong-trào tranh-đấu bằng sự bất hợp tác đã thắng thế tại Ấn-độ.
Đến tháng sáu, Cam-Địa được triệu đến dinh phó Tổng-Trấn. Trước
khi lên đường, ông hội họp các bạn đồng-chí lại để ấn-định chương trình khởi
phát phong trào bất hợp-tác, nếu ông bị giữ, không được trở lại.
Cam-Địa được viên phó Tổng-Trấn tiếp kiến cả thẩy bốn lần.
Sau những cuộc thảo luận đó, viên quan này lập một ủy-ban điều-tra chính thức để
điều tra về trường hợp các tá điền người Ấn. Ủy ban này gồm toàn người Anh, một
phần là chủ điền, một phần là viên-chức trong Phủ Tổng-Trấn. Chỉ riêng có Cam-Địa
là đại diện độc nhất của quyền lợi người Ấn.
Cuộc điều tra kéo dài gần một năm trời mới kết liễu. Trước những
bằng chứng không thể chối cãi, ủy ban phải công nhận là lỗi về phần những nhà địa
chủ người Anh. Lẽ dĩ nhiên họ sẽ phải hoàn lại những số tiền họ đã thu một cách
bất công của bọn tá điền. Họ lo lắng hỏi Cam-Địa: «Chúng tôi phải
trả lại bao nhiêu?»
Theo nguyên-tắc thì phải hoàn y nguyên số thu, chưa kể tiền lời.
Song họ đã ngạc nhiên xiết bao, khi thấy Cam-Địa chỉ đòi 50 phần trăm họ xin bớt
một nửa, tức là hoàn lại 25 phần trăm số đã thu. Họ càng ngạc nhiên khi thấy
Cam-Địa cũng ưng chịu không khó khăn gì. Sau Cam-Địa giải nghĩa rằng đối với
người dân quê, sự thắng lợi quan trọng không phải ở chỗ họ lấy được đủ hay thiếu
số tiền đã nộp, mà ở chỗ những người thuê họ đã tự hủy hoại cái uy-tín làm chủ
của mình. Thực vậy, sự gian lận của bọn chủ đất bị phơi bầy ra ánh sáng, không
làm vinh-dự cho họ chút nào. Thêm vào sự xấu-xa đó, bọn chủ còn tỏ ra mình chẳng
còn là những ông thánh sống uy-quyền nghiêng trời lệch đất nữa. Từ trước họ vẫn
hành-động bất cần cả luật-pháp, thì nay, họ đã phải vào khuôn phép. Người dân
quê cảm thấy rằng hãy còn có những tấm lòng bác-ái dù xa-xôi khuất nẻo nơi đâu,
mà hễ nghe tiếng kêu thương của những người lâm nạn, cũng tức khắc tìm đến, để
ra tay cứu vớt.
Những việc xẩy ra mấy năm sau đã kết thúc một cách hoàn-mỹ
công cuộc giải-phóng mà Cam-Địa đã reo mầm ở miền núi Champaran. Có lẽ vì
sự khai khẩn không được phát đạt như trước, nên những điền-chủ người Anh đã trả
lại đất cho Chính-phủ. Nhà cầm quyền không còn cách gì hơn là lại trả đất cho
những chủ cũ của nó, tức là những nông-phu người Ấn.
Giai đoạn Champaran là những khúc quanh quyết-liệt trong đời
tranh-đấu của Cam-Địa. Ông đã thấy bản ngã cá-nhân của mình nẩy nở trong sự
toàn vẹn của sức mạnh tinh-thần. Ông đã nói:
«Tất cả những công chuyện tôi làm ở Champaran chẳng có
chi là lạ. Tôi đã bảo mãi rằng người Anh không thể nào ra lệnh, mà bắt được người
Ấn ở trên đất Ấn phải tuân theo».
Vụ Champaran còn cho ta thấy đường lối tranh-đấu của Cam-Địa đặc-biệt
ở chỗ thiết-thực. Ông diễn-thuyết đấy, viết báo, in sách đấy, song mỗi bận
tranh-đấu là ông phải thân đứng ngay vào hàng ngũ và số phận của những người
ông định bênh-vực. Ông sống đời sống thường ngày của họ. Ông truyền hơi nóng của
lòng tin tưởng, óc lạc-quan, chí phấn-đấu của ông cho những trái tim đã khô héo
và giá lạnh vì đau khổ dạn-dầy; và với một lòng kiên-nhẫn vững bền hơn
bàn thạch, ông chờ đợi cho đến một ngày kia, sự sống hiện tại làm cho những tâm
hồn đã chết từ lâu, bỗng nhiên rung động hồi-sinh, thoạt tiên còn e-ấp như cánh
bướm run rẩy trước gió xuân, rồi bừng nở đón rước cuộc đời mới, như một mầm non
tràn-trề nhựa sống.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà ông bỏ lãng phương diện
tinh-thần của công cuộc tranh-đấu. Chúng ta đã thấy trong vụ Champaran ông
không chú ý đến số tiền bồi thường, chỉ quan tâm đến ảnh-hưởng của sự đắc thắng
trong công cuộc tái-tạo lại bản-ngã người dân quê Ấn-độ. Họ yếu. Ông muốn làm họ
khỏe. Họ rụt-rè e-sợ. Ông muốn làm cho họ trở nên những người mới, mạnh dạn, tự
do, đầy lòng tự-tin, những người đủ sức mạnh tinh-thần để tự kiềm-chế nổi những
bản-ngã yếu mềm của xác thịt, ngõ hầu vượt được những trở ngại lớn lao đó, mà mạnh
tiến trên con đường giải-phóng và xây-dựng quốc-gia. Tóm lại, quan-niệm giải-phóng
của Cam-Địa xây trên một căn-bản trái ngược hẳn những quan-điểm thông thường của
con người luận-lý. Độc-lập là gì? Ai chẳng trả lời là người bản quốc, chứ
không phải người ngoại quốc, lãnh trách-nhiệm dìu-dắt dân chúng nước mình. Bởi
thế, kết-luận hợp lý nhất là muốn độc-lập phải đánh đuổi kẻ ngoại xâm đang ngự-trị
ở chỗ đáng lẽ phải dành cho người bản-quốc. Lầm to. Cam-Địa nói : Lý-luận
thế là bỏ quên điểm chính, mà chỉ nói đến điểm phụ. Dựa vào quốc tính người cầm
quyền, mà giải nghĩa hai chữ độc-lập, là nhầm sự độc-lập với hình-thức của sự độc-lập.
Mà đứng về phương-diện hình-thức nữa, chưa chắc lời giải đó đã đúng. Ở một nước
độc tài chẳng hạn liệu có sự độc-lập không? Hay là dân chúng chỉ là những
nô-lệ của một nền luật-pháp khắt-khe, ban hành theo ý muốn tối cao của một
cá-nhân?
Không! ý nghĩa chân-chính của những danh-từ «giải-phóng»
và «độc-lập» không phải như người ta thường nghĩ. Linh hồn đất nước
tức là chất tinh-túy do muôn ngàn bản ngã của tất cả con dân trong nước hòa-hợp
mà cấu tạo thành. Vậy hay, hay dở phải xét từ gốc. Độc-lập như ta rõ, là một
tình-trạng siêu-thoát trong như nước, nhẹ như không khí, sạch như băng, và sáng
láng như đỉnh trời xanh một buổi không mây. Độc-lập là tinh-thần đã thoát-ly được
tất cả những tư-tưởng xấu xa hay không chính đáng, đồng thời phải rũ bỏ được mọi
sự yếu mềm nhờ đó mà ảnh-hưởng ngoại-vật có thể chi-phối, hay ít nhất làm trở
ngại được đời sống của tinh thần. Xem thế thì biết nếu muôn dân, ai nấy đều
cùng một tư-tưởng chăm lo tu thân luyện tính làm sao cho cái bản-ngã thiện của
con người thoát-ly được mọi ràng buộc về tinh-thần cũng như về thể-chất mà nẩy
nở được đến chỗ tuyệt mỹ, thì kết quả dĩ nhiên của sự hòa hợp giữa muôn triệu nền
độc lập cá nhân đó, sẽ là một sự độc-lập duy nhất, sự độc-lập của quốc-gia.
Chúng ta đã giải nghĩa được thế nào là một nền độc-lập
chân-chính. Bây giờ ta phải nói đến phương-pháp nhờ đó mà đã tiến tới cái
tình-trạng siêu-thoát của mỗi cá nhân, hay của quốc-gia, mà ta gọi là độc-lập.
Phương-pháp đó chỉ là một sự tập luyện không ngừng của mỗi người chúng ta để chế-ngự
thể-xác, và khuyếch-trương tinh-thần. Hễ giải-phóng được cá nhân, thì kết-quả
dĩ nhiên của sự giải-phóng đoàn thể là sự giải-phóng của quốc-gia. Tóm lại,
phương-châm hành-động là cố gắng, cố gắng mãi để đạt tới một nền đạo-lý
cao-siêu.
Chúng ta hiểu tại sao Cam-Địa chỉ hướng về nền văn-minh cổ-truyền
của Á-đông mà tìm tòi suy-nghiệm những phương-châm của đạo sống. Ông thẳng thắn
khước từ nền văn-minh Thái-Tây mà ông cho là quá ư máy móc, nghĩa là đời sống của
người Thái-Tây, về phương-diện vật chất quen thói sử dụng những tiện-nghi của
cơ-khí, nên về phương-diện tinh-thần, khối óc cùng trái tim thường bị chi-phối
bởi ảnh-hưởng của cơ khí, và sự phát-triển thiên về lý-trí hơn là thiên về
lương-tâm.
Trở lại vấn đề thay đổi những người cầm quyền ngoại quốc bằng
những người cầm quyền bản quốc, mà Cam-Địa cho là một vấn-đề hình-thức và phụ
thuộc hơn là một vấn đề chủ yếu, chúng ta nhận thấy ông không quan tâm tới lắm,
vì theo ý ông, kết quả dĩ nhiên không thể tránh được là một khi dân tộc đã tiến
tới cái trình-độ siêu-thoát đã nói trên, nghĩa là đã tự do tạo được một sức mạnh
tinh-thần tuyệt-đối, thì ví dù dân Ấn có ở trần, dẫm đất, không một tấc sắt
trong tay chăng nữa, người Anh cũng phải bỏ xứ Ấn-độ mà đi.
Thí dụ họ có cố bám chăng nữa, thử hỏi giải-quyết phong-trào
bất hợp-tác toàn thể bằng phương-sách gì?
Làm ra luật-lệ, chỉ cốt để cho người ta theo, để cứu-vãn một
nền trật-tự do mình đặt ra. Vì thế mới có những hình phạt hoặc xâm-phạm vào túi
tiền, hoặc xâm-phạm vào thân thể kẻ không tuân theo luật, để đe dọa họ không được
làm trái những lề lối mình đã ấn định. Nhưng đối với kẻ không sợ mất tiền, vì
đã tu-luyện hủy-diệt được lòng tham cùng tính tư hữu, và cũng chẳng để ý đến những
hình phạt xâm-phạm vào thân-thể, vì đã kiềm-chế được những sự mềm yếu của thể
xác đến nỗi coi thường cả sự tra-tấn hành-hạ lẫn sự câu thúc, thử hỏi đối với
những kẻ ấy, không phải là một hai người, hay một nhóm người, mà là cả mấy trăm
triệu người một lúc, thì khi ấy những đạo luật của kẻ trị nhậm long-trọng
ban-hành, có thoát khỏi số phận dĩ nhiên của mấy trang giấy lộn không?
Về kinh-tế, lại càng dễ dàng hơn nữa. Kẻ mạnh đi chiếm đất mục
đích không ngoài việc lập một thị trường thuộc quyền sở hữu của mình mà buôn rẻ
bán đắt để làm giầu, hoặc việc sử dụng nhân công rất rẻ để dùng vào những việc
khai thác có lời. Kẻ địch bán đắt mà mình vẫn tranh nhau mua, là vì mình chưa hủy
diệt được thói xa-hoa, tự phụ, ỷ vào quyền cao chức trọng hay tiền nhiều. Nếu
muôn người như một, ai cũng khinh rẻ những sự phù-phiếm, mà chỉ nghĩ đến công-dụng
của thứ đồ hàng, thì ta dệt lấy vải mà mặc, cấy lấy thóc mà ăn, đan lấy dép mà
đi, đóng lấy đồ mà dùng, mở trường ra mà dạy riêng lẫn nhau, chẳng cần lấy mảnh
bằng của người ngoại quốc mà phải học tiếng nước họ, thì lẽ dĩ nhiên là vải
vóc, xe hơi cùng những vật dụng khác ế chất hàng đống, bán rẻ cũng không ai
mua, tất phải khấn mà vất xuống biển cho khỏi tốn phí tiền mang về nước. Các
nhân công nếu cũng biết bảo nhau mà tẩy chay hết mọi sự mời mọc quyến rũ của
các chủ mỏ, chủ đồn-điền, nếu biết đùm bọc lấy nhau cùng thân quyến, mà chia sẻ
cho nhau mỗi người một ít, sống tạm qua những ngày khó khăn, thì bọn tư-bản ngoại
quốc tất phải sớm cuốn gói theo gót bọn nhà buôn về nước.
Tóm lại, theo Cam-Địa, chỉ một phong-trào bất hợp-tác cũng đủ
giải-phóng được nước nhà. Song đó là lý-thuyết. Về thực-tế, tất nhiên không thể
áp-dụng được trước khi dân chúng đã tự luyện được một sức mạnh tinh thần rất
cao. Nhưng mới chỉ áp-dụng trong phạm-vi nhỏ hẹp của một vài địa phương với sự
tham-gia của một nhóm đồng chí cùng môn-đệ, mà phong trào bất hợp-tác đã gây ra
không thiếu sự khó khăn nào cho nhà cầm quyền người Anh thì thử hỏi công-dụng
xác-thực của một phong-trào toàn thể sẽ to tát đến đâu?
Bởi vậy, Cam-Địa cho sự nóng nẩy của các phần-tử quốc gia
trong Đảng Quốc-Hội là không thích-hợp với tình-trạng nước Ấn. Ông chủ-trương
phải đi một cách kiên-nhẫn, từng giai-đoạn một. Việc trước tiên ông muốn làm là
gây cho mọi người, nhất là người dân quê mà tổng số chiếm 90 phần trăm dân số
toàn quốc, một lẽ sống mới, một niềm tư-tưởng mới, những phương-châm hoạt-động
mới.
Thời gian đã xác-nhận quan-niệm của ông là đúng. Phong-trào
hoạt động tích-cực đã bị tan rã trong máu, sau một cuộc đàn áp không thương tiếc
của bọn người Anh. Trái lại, thắng lợi ở Champaran tỏ rõ người ta có thể tay
không mà thắng địch, ấy là chỉ riêng với ý chí đoàn kết.
Ông chú trọng luyện-tập sức mạnh của tinh thần tới bực từ chối
cả sự giúp đỡ, tuy nhiên rất thành thực, của một bạn đồng chí người Anh. Ngay
khi ông lao mình vào cuộc kháng Anh ở Champaran, thì một người Anh đệ-tử thuyết
hòa-bình, là ông Charles Freer Andrews, bạn trung thành của ông, tìm gặp ông để
tình nguyện theo giúp. Sự có mặt của một người Anh trong hàng ngũ phản kháng có
thể làm dễ dàng nhiều cho cuộc tranh-đấu. Các đồng chí của Cam-Địa có ý muốn chấp
nhận sự cộng tác của Andrews, song ông không nghe. Ông nói:
«Các bạn cho rằng trong cuộc tranh đấu này, có một người
Anh trong hàng ngũ thì lợi hơn phải không? Tôi không nghĩ thế. Ý muốn của
các bạn chứng tỏ rằng sức mạnh tinh thần của các bạn chưa được vững chắc. Hãy
nghĩ rằng hoạt động của chúng ta đây là để phụng sự chính-nghĩa, để noi theo một
lý tưởng cao siêu là lý tưởng nhân đạo bác-ái. Thế chưa đủ hay sao mà các bạn
phải cầu một người Anh?»
Chương 13
TUYỆT THỰC LẦN THỨ NHẤT
Sau khi tranh-đấu cho nông dân xứ Champaran những sự đền bồi
xứng đáng mà họ có quyền được hưởng, Cam-Địa đang định ở nán lại ít lâu giúp họ
thành lập trường học, mở nhà thương, thì có tin ở Ahmedabad nhắn ông về ngay bởi
có sự lôi thôi giữa các chủ và thợ kỹ-nghệ dệt.
Bấy giờ thợ thuyền trong thành phố Ahmédabad đang đòi tăng
lương, vì số lương hiện tại của họ quá ít ỏi đối với số giờ làm. Họ lại yêu
sách được hưởng những điều kiện xứng đáng hơn. Cam-Địa công nhận là mực sống của
họ quả nhiên kém thực.
Cam-Địa là bạn thân của Ambalal Sarabbai, một kỹ nghệ gia giầu
lớn về nghề dệt, và là một bậc đàn anh rất được tin cẩn của các chủ xưởng dệt
trong thành Ahmédabad. Bởi thế, thoạt tiên ông hãy khuyên các chủ nhà máy nên
công-nhận nguyên-tắc nhờ một ủy ban trọng-tài phân-giải. Họ từ chối. Ông liền đứng
về phe thợ và hô hào họ bãi công. Họ y theo, và ủy cho ông lãnh-đạo phong-trào.
Cam-Địa bắt các thợ phải long-trọng cam-kết là bất cứ khi nào
hễ chủ chịu tăng lương, hoặc chịu đem việc xích mích ra trước một ủy ban trọng
tài, họ mới tiếp tục đi làm. Hàng ngày, ông hội họp họ trên bờ sông Sabarmati,
dưới bóng xum xuê của một gốc đề cổ thụ. Hàng ngàn người quây quần chung quanh
ông. Ông khuyên họ bao giờ cũng phải giữ thái-độ bình-tĩnh, và sẵn sàng đi làm
nếu bọn chủ nhượng bộ. Sau mỗi cuộc mít-tinh, thợ thuyền lại sắp hàng đi diễu
qua các phố với những lá cờ cùng biểu ngữ trưng khẩu hiểu: «Hãy giữ
lời hứa».
Trong khi ấy, Cam-Địa vẫn liên lạc với phái chủ, vì ông không
bỏ ý định thuyết phục họ nhận một cuộc trọng tài. Nhưng họ không đổi ý.
Cuộc đình công kéo dài. Thợ thuyền đã bắt đầu nản chí. Số người
đến dự những buổi họp dưới gốc đa càng ngày càng thưa thớt. Tại nhiều xưởng dệt,
một số nhân công không chịu gia-nhập phong-trào bãi công lén-lút đi làm với một
số lương kém sút. Trong đám thợ bãi công đã thấy xôn-xao. Cam-Địa bắt đầu lo
không biết họ sẽ nóng máu làm liều, gây ra sự đổ máu, hay làm nhụt hết ý chí
tranh-đấu mà hàng-phục bọn chủ để cầu xin lại được đi làm.
Bấy giờ một ý tưởng đến với Cam-Địa. Một sáng kia, trước mặt
đủ số thợ dệt bãi công quây quần xung quanh gốc đa ông ngồi, ông ngỏ với họ ý
chí cương-quyết sẽ nhịn ăn đến chết, nếu họ không chịu giữ lời đã hứa là tiếp-tục
cuộc tranh-đấu cho đến khi thắng lợi.
Từ trước tới nay, Cam-Địa cũng nhiều lần nhịn ăn, song
chỉ là vào những tuần chay, hoặc những khi ông ăn khem với mục-đích giữ vệ-sinh
bộ máy tiêu hóa. Lần này là lần đầu ông tuyệt thực để đạt một yêu-sách.
Ông tuyệt thực chỉ cốt để buộc những thợ bãi công phải giữ lời
hứa, tức là không được bạo-động, cũng như không được bỏ dở cuộc tranh-đấu trước
khi toàn thắng. Song chính phái chủ lo-lắng trước tiên.
Khi họ tới vấn-an ông thì ông khuyên họ không nên bận tâm tới
sức khỏe của ông; ông tuyệt thực vì thợ chứ không phải vì họ. Vả lại, ông
đã tự đứng vào hàng ngũ những thợ bãi công, nên ông chỉ muốn được coi như một
người thợ, tức là một người trong phái địch. Mặc dầu những lời lẽ ấy, đối với
các nhà kỹ-nghệ thành Ahmedabad, bao giờ cũng là bậc cao nhân, vị Thánh mà họ
tôn-sùng, nên ba ngày sau, họ ưng thuận giao việc xích-mích cho một ủy-ban trọng
tài hòa-giải. Cuộc đình-công dứt sau khi kéo dài hai mươi mốt ngày.
Ý định của Cam-Địa là nhịn ăn để ép buộc bọn thợ đình-công giữ
trọn vẹn lời thề nguyền. Ông không muốn cho cuộc đình công thất bại vì e sự thất
bại đó sẽ làm nản lòng nhụt chí những người tranh-đấu về sau. Vả lại ông rất
ghét những linh hồn thấp hèn yếu đuối chưa hoạt-động bao lâu đã mang ý tưởng
hàng phục. Ông có cảm tình nồng nhiệt với những kẻ nghèo kẻ yếu song ông muốn
cho họ phải chống lại nỗi khó khăn với một thái-độ phản-kháng tuy hòa-nhã nhưng
không kém phần cương-quyết. Tuy nhiên, nói ví dụ ông về phe chủ nữa, trong trường
hợp này ông cũng tuyệt thực. Ông rất hài lòng là cả đôi bên chủ và thợ đều nghe
theo lời ông khuyên bảo mà thỏa-thuận giải-quyết vụ xích-mích bằng một cuộc trọng
tài. Nguyên tắc hòa giải là một điểm chính trong đạo xử thế ông thường giảng dạy.
Ông cực lực phản-đối việc dùng bạo lực cùng sự áp-bức làm lợi khí tranh-đấu, bất
kỳ dưới hình thức nào.
Ông nói: «Tôi tuyệt thực để cảm-hóa những người
yêu quý tôi sửa mình cho phải đạo». và ông tiếp «Tuy nhiên, bạn
không thể tuyệt thực để làm động lòng một kẻ cầm quyền bạo ngược».
Những chủ nhà máy ở Ahmédabad không giám trái ý Gandhi vì họ
quý ông, không muốn ông hủy hoại thân thể. Vả lại được chứng kiến sự hy-sinh
cao quý của ông và họ tự lấy làm xấu hổ về lòng vụ lợi của mình. Nếu Gandhi tuyệt
thực để yêu sách một quyền lợi riêng, chắc chắn ông không thể đánh mạnh vào
trái tim người ngoài như thế. Chính ông cũng công nhận rằng ông có thể tuyệt thực
để cảm-hóa một người thân từ bỏ một thói xấu, song không thể dùng cách ấy để bắt
buộc người ta phải cho mình thừa hưởng gia-tài.
Ảnh hưởng của Gandhi còn tồn-tại trong trí nhớ những thợ thuyền
cùng chủ nhà máy ở Ahmédabad. Năm 1918, một ký giả đi qua Ahmédabad còn thấy thủ
tục hòa-giải bằng trọng tài vẫn được áp dụng để giải-quyết những vụ tranh-chấp
giữa chủ và thợ dệt trong phạm vi nghề-nghiệp.
Chương 14
LỊCH SỬ MỘT NỀN THỐNG TRỊ
Suốt 30 năm ròng rã, từ 1948 đến 1918, Thánh Cam-Địa ba
lần tranh-đấu gắt-gao: Chống lại chính bản-ngã ông, chống lại các đồng-bào
ông, và chống lại nền thống-trị của Đế-Quốc Anh trên đất Ấn.
Nói đến cách đối xử của người Anh với dân bản quốc, thì không
một người Ấn mang chút tâm-huyết nào mà không chau mày nghiến răng. Sự hống-hách
của người Anh khó dùng lời mà tả được. Xã-hội Ấn chia ra 4 giai-cấp, thì người
Anh tự đặt mình vào một giai-cấp thứ năm, một giai-cấp riêng biệt, thượng đẳng,
ngất-ngưởng ở cao tít trên giai-cấp Bà-la-Môn gồm những gia-đình quý tộc của Ấn.
Xã-hội Ấn có hạng tiện-dân mà ai cũng khinh-khi và ghê tởm, thì đối với người
Anh, tất cả mọi người Ấn, từ vị vương-hầu quý-tộc cho tới kẻ cùng dân hạ tiện,
tất cả không phân biệt, đều là những hạng tiện dân đáng khinh bỉ mà họ không
thèm tiếp-xúc.
Hãy tưởng tượng nhà cửa của mình, mà một kẻ côn đồ tự nhiên
chiếm đoạt, tịch-thu đồ đạc của mình để dùng riêng với tư-cách chủ-nhân-ông, đã
liệt mình xuống hàng tôi tớ để hách-dịch sai bảo lại còn ỏe-họe chê bai đến điều,
trông thấy mình thì bẩn mắt, chạm phải mình thì bẩn tay và tiếp xúc với mình
thì danh dự bị xúc-phạm; hãy tưởng tượng như thế thì biết thứ tình-cảm của
người Ấn đối với người Anh là tình-cảm gì, và sẽ hiểu tại sao mãi đến bây giờ,
sau khi đã thu hồi được nền độc-lập hoàn-toàn, người Ấn vẫn còn giữ một mối
ác-cảm xâu xa và một lòng nghi-kỵ không gì gột rửa nổi, đối với mọi tàn-tích của
chính-sách đế-quốc, bất luận dưới hình-thức nào.
Người Ấn vốn là một dân tộc kiêu ngạo với nền văn minh cổ-kính
của mình. Óc phân chia giai-cấp ở họ cũng mạnh hơn ở mọi dân tộc khác. Bởi thế
nên trong tất cả những nguyên nhân va chạm giữa hai dân tộc, nguyên nhân sâu xa
nhất là tính hách-dịch của người Anh, luôn luôn tự-kiêu tự-đại với nền văn-minh
của mình, với màu da của mình. Họ có những hành vi hình như cố ý nhắc nhở người
Ấn rằng chỉ có người da trắng mới xứng đáng được sống tự do dưới ánh mặt trời.
Bị thương tổn lòng tự ái, người Ấn lại càng mài dũa ý-chí độc-lập của mình.
Đó là tình-trạng cuộc sống chung giữa hai dân-tộc Anh Ấn. Mối
ác-cảm người Ấn đối với Anh sâu-xa đến nỗi ví thử người Anh có đem lại cho họ
tiền rừng bạc bể, cùng ruộng sôi sông mật chăng nữa, họ cũng chẳng động tâm. Vì
vết thương thầm kín ở tận trong thâm tâm, trong tận cùng tủy não một vài sự tiện
lợi vật-chất thí bỏ cho, như đường xe hỏa, viện tế-bần, trường học, nhà thương,
v.v… băng bó sao nổi. Về phần người Anh, họ cũng thừa hiểu rằng họ không được
lòng mến chuộng của dân Ấn. Càng bực hơn nữa là mỗi khi họ tìm cách làm thân với
người Ấn - lẽ dĩ nhiên là vì chính-trị chứ chẳng phải thực lòng - thì người Ấn
lại lảng tránh. Bàn tay chìa ra, không được tiếp nhận, thu lại mới bẽ làm
sao!
Bởi vậy, người Anh rất e ngại sự phát-triển của phong-trào Quốc-Gia
Ấn. Trong 89 năm thống-trị ở Ấn, chính-sách của Anh phản-chiếu rõ-rệt nỗi
phân-vân lo ngại của các nhà cầm quyền vừa hứa xong đã tìm cách thoái thác. Nhiều
lần dân Ấn có cảm-tưởng như bị mắc lừa bởi những điều hứa hẹn bâng quơ.
Muốn cai-trị được dễ-dàng cái khối dân số khổng lồ mấy trăm
triệu người đó, người Anh đã dùng chính sách chia mà trị. Họ lần lượt nâng đỡ
người Hồi để kìm hãm người Ấn, và chia bán đảo Ấn-Độ - trừ miền đất phì-nhiêu
nhất, gọi là Ấn-Độ thuộc Anh, cai trị trực-tiếp bởi người Anh - ra làm nhiều tiểu
bang nhỏ, về hình thức, thuộc quyền các tiểu vương cai trị, song kỳ thực thì dưới
quyền kiểm soát tối cao của người Anh. Đầu thế kỷ thứ 20, số tiểu vương bù nhìn
ấy có tới 550 vị. Tất cả hoạt động của người Anh ở khu vực «Ấn-Độ thuộc Ấn»
chỉ dồn vào việc giật dây các ông vua bù nhìn đó. Họ rất có quyền lực đối với
người dân, và rất giàu mạnh, vì người Anh thả lỏng cho họ tha hồ vơ vét, nhưng
lại rất trung-thành đối với người Anh.
Chính giáo sư Rushbrook Williams là người thường làm trung-gian
giữa các tiểu bang, và vì thế rất am hiểu tình hình các nơi đó, đã phải thốt ra
lời nhận xét sau đây:
«Khó lòng có thể xẩy ra một vụ nổi loạn toàn thể chống
Anh ở Ấn-Độ, vì lòng trung thành của các tiểu vương đối với người Anh không ai
nghi-kỵ được».
Chính-sách kinh-tế của người Anh ở Ấn cũng ác liệt không kém
chính-sách cai-trị. Đúng lý ra, thì người Anh phải nâng đỡ nếu không thì cũng để
cho nền kỹ-nghệ bản xứ tự-do phát triển để xứ thuộc địa có thể dần dần trưởng
thành về kinh-tế ngõ hầu rời khỏi chính quốc mà sống tự lập được một mình.
Nhưng người Anh lại hết sức hạn chế khả năng kinh-tế của Ấn-Độ, bóp chết các
ngành kinh-tế bản xứ để dành độc quyền trên thị-trường cho các hóa phẩm chính
quốc, cấm đoán việc đóng tầu và mở mang kỹ-nghệ hàng hải. Về giáo dục, thì loại
hẳn ra ngoài chương-trình những môn học thiết dụng, có thể đào-tạo được những kỹ-sư
và thợ thuyền chuyên-môn bản xứ sau này sẽ giúp ích cho nước họ.
Các sự thực-hiện của người Anh ở Ấn – những món quà quý báu của
nền văn-minh, mà các đế quốc thường tự hãnh-diện là đã làm trọn sứ mệnh khai
hóa của mình mà ban cho dân bản xứ hưởng thụ cũng - chẳng nhiều nhặn gì cho lắm.
Vài con số sau đây chứng tỏ sự chênh lệch giữa cái tình-trạng được ghi trong những
bản tường trình tràng giang đại hải để kể công với thế giới, và tình-trạng thật
sự.
Năm 1939, Ấn-độ, với một số dân đông gấp ba lần dân số Mỹ Quốc
và một diện-tích chỉ bằng 2 phần 3 diện-tích nước này, chỉ có 41.134 dặm đường
sắt; trái lại Hoa-Kỳ có những 395.589 dặm. Năm 1935, Ấn-Độ sản-xuất được
2.500 triệu kilowatts điện lực, trong khi Hoa-Kỳ sản-xuất được 98.464.000.000
kilowatts.
Tình trạng thấp kém của một xứ trù phú như Ấn-Độ lỗi tại
ai? Lẽ dĩ nhiên là người Anh phải chịu phần lớn trách nhiệm. Song nếu quy
cả tội vào đầu họ thì cũng hơi oan uổng cho họ. Chúng ta đã biết rằng người Ấn
không bao giờ chịu hợp-tác hết sức với người Anh. Nhưng đến khi kiểm điểm kết
quả, thì họ lại quên hẳn những sự trở ngại họ đã gây ra cho nhà cầm quyền, mà
phê-bình chính-sách của người Anh với một con mắt hết sức gắt gao, soi mói.
Các nhà đương cục người Anh hết sức khó chịu vì thái-độ ấy.
Tính tự cao tự đại của họ bị tổn thương bởi bất cứ một lời phê-bình nào. Họ trả
lời sẵng giọng. Thế là cái hố ác cảm giữa kẻ trị và người bị trị lại khơi sâu
thêm một nấc. Đến cuối thế kỷ thứ 19 sự phẫn uất âm-ỉ trong lòng người Ấn bùng
lên dưới hình thức nhiều vụ khủng bố ở Bengale và ở mấy nơi khác. Đã có khủng
bố, tất phải có sự bắt bớ tiễu trừ tiếp theo. Hoạt động khủng bố và hoạt động
chống khủng bố, cái này kéo theo cái kia, rồi cứ thế bùng lên với một cái đà
đáng sợ. Về phía người Anh, một nhóm đòi đè bẹp phong-trào phản đối của người Ấn
dưới máu, sắt, và lửa; nhóm đối lập thì muốn an lòng dân bằng những thực
hiện cải cách thích hợp. Về phía người Ấn, Đảng Quốc-Hội tức là đại diện của
phong-trào độc-lập, cũng bị lôi kéo giữa hai khuynh-hướng tương tự. Đáng lẽ phải
tìm cách nâng đỡ những khuynh-hướng ôn hòa của cả đôi bên, thì các nhà cầm quyền
người Anh lại dại dột đổ dầu vào lửa. Cuối thế-kỷ thứ 19, một võ quan cao cấp
và cũng là một thực dân kỳ-cựu ở Ấn-Độ, đã tuyên bố như sau :
«Chính bởi vì chúng ta hiểu rõ sứ mạng của người da trắng
đối với các dân tộc khác màu-da, nên chúng ta mới chinh phục và thống-trị xứ Ấn-Độ
này. Một người dân bản xứ, dù thông minh, can đảm và văn minh đến đâu chăng nữa,
và mặc dầu được chúng ta đặc biệt để ý và khen thưởng đến đâu chăng nữa, cũng
không thể nào được coi như ngang hàng với các viên chức người Anh».
Những lời tuyên-bố vụng về đó chỉ có kết quả là làm suy yếu
những khuynh-hướng ôn hòa đang cố gắng kìm hãm tình thế không cho tiến triển
nhanh đến sự đổ vỡ. Bấy giờ những phần tử ôn hòa Ấn gồm các nhà luật sư, các ký
giả, và các nhà tư bản vẫn còn nắm giữ được đảng Quốc-Hội, song có phải tất cả
mọi người ái quốc đều ở trong Đảng Quốc-Hội cả đâu. Đã có những đứa trẻ còn thấp
lách-chách đã dám thủ bom đi liệng vào lính Anh. Các thanh niên tây học, đã tốt
nghiệp ở Oxford hay Cambridge, cũng ruồng bỏ nền văn hóa mà họ vừa hấp thu được,
để gia nhập những hàng ngũ xung phong của phong trào Độc-lập; với khẩu hiệu:
«Đông là Đông» mà «Tây là Tây». Không thể có sự gặp
nhau giữa Đông và Tây, vì người Tây Phương nhất quyết đòi làm chủ nhân ông một
cách vô lý, còn người Đông Phương thì không đời nào chịu hạ mình đi làm đày tớ
những kẻ ấy.
Trong cuốn sách tự thuật đời mình, nhan đề là «Trên đường
giải-phóng», Yaouaharlal Nehru viết rằng hồi ấy (năm 1907), ông vừa 17 tuổi
và mới tốt nghiệp ở trường Trung-Học Harrow ra để vào trường Cao-Đẳng
Cambridge. Ông nhận rằng, cũng như tất cả mọi sinh-viên du học ở Anh, ông có
gia nhập phong trào quốc gia dưới màu sắc quá khích của nhà lãnh tụ Tilak.
Bal Gangadhar Tilak đã đóng một vai trò quan trọng trong
phong trào Độc-Lập Ấn, và trong quãng đời hoạt động chính-trị của Cam-Địa.
Tilak thuộc giai cấp Bà-la-Môn, dòng quý tộc, sinh trưởng ở
Poona. Năm 1897, ông bị nhà chức-trách Anh buộc cho tội đã xui giục một thanh
niên Bà-la-Môn ám sát một viên chức người Anh, giữa hôm cử hành lễ thọ Nữ Vương
Victoria. Bị kết án 2 năm tù, và được tha trước kỳ hạn, ông trở về tiếp-tục
công cuộc điều-khiển phong-trào tôn giáo kháng Anh.
Bấy giờ, nhiều việc quan trọng mới xẩy ra, thổi một luồng gió
mới về đất Ấn, khiến cho ngọn lửa ái quốc đang cháy âm-ỉ trong người dân Ấn bỗng
được quạt bốc lên cao. Trong nước thì những sự cải-cách của người Anh không đem
lại kết quả mong muốn: toàn thể phong-trào quốc gia, dù quá khích hay ôn
hòa đều bị chê là không đủ rộng rãi. Bên ngoài thì nước Nhật vừa đánh bại nước
Nga ở eo Tsushima; tin đó kích-thích mãnh-liệt lòng yêu nước của người Ấn.
Lần đầu tiên trong lịch sử cận kim, người da vàng đã ghi tiếp được một chiến thắng
oai hùng vào trang sử dầy đặc những võ công lừng lẫy thủa xưa, khi mà Âu-châu
quỳ gối một cách thấp hèn trước vó ngựa của những người chinh-phục da vàng từ
phương Đông tràn tới, và của những người chinh-phục Ả-Rập từ bờ biển Địa-Trung-Hải
đánh thốc lên.
Kế cận biên thùy phía Tây Ấn-độ, thế giới Hồi giáo cũng đang
sôi sùng sục với sự nổi dậy của phong trào Thanh-Niên Thổ, và chân trời bắt đầu
nặng trĩu những đám mây đe dọa đối với người Anh.
Năm 1904, Phó Vương Ấn-Độ là Lord Curzon quyết định phân tỉnh
Bengale ra làm đôi. Vị Phó vương này tuy đầy thiện chí, song không đủ tài năng
và trí lực để quán xuyến được tình thế. Bởi vậy ông ta không nhận xét được thấu
đáo phong-trào phản kháng đang cháy ngùn-ngụt hay âm-ỉ khắp mọi nơi, đến nỗi đi
phải một nước cờ vụng là lại áp dụng chính-sách cổ truyền «chia mà trị»
đối với dân chúng tỉnh Bengale. Nhất là lại vụng thêm ở chỗ chia ra 2 khối Ấn-Hồi
riêng biệt, khiến cho một phong-trào tôn-giáo lại ghép thêm vào phong-trào
chính-trị để phản kháng.
Các phần-tử ái quốc ở Bengale trả miếng bằng sự khủng bố. Các
vụ ám sát mỗi ngày một nhiều. Ở miền núi quê hương Tilak, nhà lãnh tụ này ngày
đêm hô-hào, kích-thích những thanh-niên vạm vỡ và cương quyết, để biến đổi họ
thành từng đội xung phong cuồng tín. Các lãnh-tụ quốc gia hô hào dân chúng ở
hai tỉnh mới xứ Bengale tẩy chay hàng Anh. Và chính trong vụ tẩy chay hàng hóa
đó mà Cam-Địa cùng Tilak trở nên những đối thủ công-kích nhau kịch liệt.
Cam-Địa chủ trương giữ vững thái-độ ôn hòa. Tilak đòi bạo động.
Cam-Địa kêu gọi sự hợp tác giữa người Ấn và người Hồi. Tilak bênh-vực quyền-lợi
của người Ấn. Cam-Địa chú trọng đến phương-pháp hành động hơn là kết quả.
Tilak, trái lại, tin tưởng rằng chỉ có mục-đích là trọng.
Năm 1911, Tân vương nước Anh là George V cùng Hoàng Hậu qua
thăm Ấn-Độ. Để an lòng dân, vua Anh tuyên bố hủy bỏ việc chia đôi tỉnh Bengale,
và cho thiên đô nước Ấn về Delhi. Song hoạt động khủng bố cũng không vì thế mà
giảm bớt.
Tilak lúc ấy đã bị buộc tội là xui dân khởi loạn và đang chịu
án tù ở Mandalay, nhưng các đồ-đệ của ông ta vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 1912,
Phó Vương Ấn-Độ là Lord Hardinge bị một trái bom suýt chết.
Khi cuộc thế giới đại chiến thứ nhất bắt đầu thì những sự biến
động giảm bớt nhiều. Nhiều người Ấn đầu quân trong hàng ngũ Anh. Hơn nửa triệu
người Ấn chiến đấu dưới bóng cờ Anh trên khắp các mặt trận Pháp, Bỉ, Cận Đông
và nhiều nơi khác.
Bấy giờ Tilak đã được tạm tha. Cam-Địa từ Nam-Phi, qua Anh,
đáp tầu về. Ông sốt sắng đi các làng tuyển lính tình nguyện giúp Anh. Năm 1916,
nhân việc dân Ái-Nhĩ-Lan khởi nghĩa, Tilak lại bắt đầu hoạt động ráo riết. Ông
thu hút được rất nhiều chính-khách tên tuổi theo mình, như bà Annie, Besant,
Sir C.P. Ramasouami Aiyer và Yinnah.
Nhưng sự hy sinh của người Ấn ở bãi chiến trường đã cảm hóa
được phần nào các nhà cầm quyền Anh. Ngày 20 tháng 8 năm 1917, viên Bộ-Trưởng Ấn-Độ
sự vụ là Edwin S. Montagu tuyên bố trước Hạ Nghị-Viện rằng Chính-phủ đang dự định
cho phép người Ấn tham dự một cách chặt chẽ hơn vào tất cả mọi ngành cai trị,
cùng là cho họ được hưởng những thực hiện dân chủ, để họ có thể lần lần đi tới
sự tự trị.
Coi đó là một lời hứa hẹn đáng tin cẩn, người Ấn nán lòng chờ
đợi.
Tháng 8 năm 1918, chiến-tranh chấm dứt. Và đến tháng giêng
năm 1919 thì các cuộc biến động lại bắt đầu.
Tại sao?
Vì lời hứa của viên Bộ-Trưởng Ấn-Độ sự vụ, đã tiêu tan như
mây khói không để lại một chút dấu vết.
Người Ấn cảm thấy những dòng máu họ rỏ khắp năm mặt trận để
gìn giữ cho của cải người Anh được toàn vẹn, đã hoàn toàn là một sự phí phạm.
Tilak đã bị bắt lại ngay sau chiến-tranh chấm dứt. Bà Besant
cũng thế. Hai anh em Chaoukat và Mohammed Ali, lãnh tụ Hồi cũng bị giam suốt thời
hạn chiến-tranh. Khắp Ấn-Độ, những tòa án đặc biệt được thành lập để xử kín
chính-trị phạm. Một số lớn báo chí bị đóng cửa hoặc khóa miệng bởi chế-độ kiểm
duyệt nhà binh. Những cuộc đàn áp trên đây chỉ làm cho dân chúng thêm phẫn nộ,
vì họ cho rằng những tự do bị thu hồi hay hạn chế trong thời chiến-tranh, thì
nay phải trả lại cho họ chứ?
Nhất là khi một ủy ban đặc biệt cầm đầu bởi một viên chức cao
cấp vừa ở Anh tới để xem xét về hoạt động tư-pháp ở Ấn quyết nghị nên giữ
nguyên những sự hạn chế tự do trong thời chiến tranh thì Đảng Quốc-Hội
công-kích kịch liệt quyết-nghị nói trên. Tháng 2 năm 1919, khi bản dự luật hạn
chế các quyền tự do căn bản được thảo luận trước Hội-Đồng Lập Pháp thì các đại
biểu Anh giữ đa số ở Hội-Đồng, đã chấp thuận ngay, không kể đến sự phản kháng của
các đại biểu Ấn, trong số đó có Cam-Địa.
Ngày 18-3-1919, đạo luật Rowlat được ban bố trong dân chúng.
Người ta tự hỏi: «Đây là nền tự trị mà người Anh
hứa hẹn đó chăng?»
Và dân chúng ngảnh về phía Cam-Địa, chờ đợi một mệnh-lệnh.
Ngay hôm sau, ông hô hào dân chúng mở cuộc tổng bãi thị bãi công
trong toàn cõi. Ngày ấy, các hiệu đều đóng cửa, công chức không đi làm, thợ
thuyền bỏ xưởng, các chợ không bán thức ăn, tầu xe không chạy, tại các bến tầu,
phu không bốc hàng lên tầu, mà cũng không bốc hàng xuống.
Đó là miếng đòn đầu tiên Cam-Địa đánh vào Chính-Phủ Anh, mở đầu
cho một cuộc tranh-đấu 28 năm. Khi cuộc tranh-đấu chấm dứt, thì chế độ của người
Anh ở Ấn cũng đổ sụp, cùng với tiếng cồng cuối cùng.
Chương 15
CÔNG TRƯỜNG ĐẪM MÁU
Dân chúng, cũng như người Anh, đều hiểu rõ tính cách quan trọng
của mỗi cuộc tổng đình công bãi thị như Cam-Địa đang hô hào. Ý kiến của Cam-Địa
trong khoảnh-khắc lan tràn khắp đất Ấn. Dân chúng ưa những cuộc biểu tình, vì
cái cảm giác được ủng hộ bởi hàng trăm triệu người, trong lúc này đang cùng
mình tranh đấu cho một lý tưởng chung, đem lại cho mỗi người lòng tin tưởng
mãnh liệt ở cái sức mạnh thần bí đang lên men, để rồi bộc phát ra, hòa hợp với
muôn ngàn sức mạnh khác thành một sức mạnh gì ghê gớm xô đẩy những đám quần
chúng cồn lên như sóng biển, tưởng chừng nếu một mệnh lệnh được phát ra, thì một
cái thác lũ ấy đổ vào đâu, ắt là thành quách, hay súng đạn gươm dao cũng bị
băng đi mất tích.
Người Anh không những sợ hãi cái biển người cuồng dại ấy, mà
còn sợ cả đến bộ mặt ôn hòa của những cuộc phản kháng cộng đồng. Có ai đi qua
những thành-phố Ấn trong thời tranh đấu của Cam-Địa mới biết là lòng dân, một
khi đã muốn, có thể thúc đẩy được từng đoàn người thản nhiên ca hát mà đi vào
luồng đạn, hay là khiến được cả một bức màn bao trùm từng đô thị dưới bầu không
khí im lìm chết chóc.
Cuộc tổng đình công bãi thị làm tê liệt hết thẩy mọi hoạt động
kinh-tế ; những thành-phố chết chứng tỏ người Ấn biết nghe theo tiếng gọi
của Tổ-Quốc họ, mà tẩy chay hết thẩy những cái gì họ cho là có liên lạc với bọn
người thống-trị. Nhưng muốn cho cái sức mạnh tiềm-tàng trong tinh thần họ bột
phát được ra ngoài, cần phải giúp cho họ tìm thấy lòng tự tin. Điều-kiện đó,
Cam-Địa đã mang lại cho họ. Cũng như ở Champaran, ông đã giúp cho bọn tá điền
lĩnh hội được khả-năng tinh thần của họ, mà rũ bỏ được nỗi sợ hãi vô lý của họ
trước người Anh.
Trước tiên, Cam-Địa hãy sửa soạn dư-luận. Ông kêu gọi Phó
Vương Anh nhận định chân ý nghĩa của phong-trào bất hợp-tác ông sắp phát động.
Cuộc tranh đấu của ông không ngoài mục đích giúp thêm một viên gạch vào công
trình sửa đổi lại quan-điểm chính-trị, cùng là dẫn linh hồn từ con đường sai lạc
đã vào lầm, trở về với bản ngã toàn thiện của con người, khi khởi thủy. Ông lại
gửi cho Tổng-Thống Woodrow Wilson, lúc đó đang ở Ba-Lê, một cuốn giác thư giải
bầy quan điểm của ông về việc sử dụng cái sức mạnh tinh thần nẩy nở ở nền đạo
lý. Lúc bấy giờ, một điều mà bản Tuyên-Ngôn của Hội Quốc Liên nhấn mạnh là sử dụng
bạo lực để chống lại một sự bất công chỉ là phương tiện vạn bất-đắc-dĩ, khi nào
mà tất cả những sức mạnh tinh thần mà ta kêu gọi đều đã hoàn toàn thất-bại. Ông
không đồng ý với quan-điểm ấy. Ông viết :
«Chúng tôi hy-vọng là cuộc tranh đấu sắp tới của chúng
tôi sẽ chứng tỏ được rằng bạo lực không thể nào coi được là cùng một công dụng
với sức mạnh tinh thần, một sức mạnh không bao giờ bị thất bại».
Có người tỏ ý lo ngại rằng phong trào phản kháng mà Cam-Địa
chủ xướng sẽ giúp cho mầm Cộng sản dễ bề nẩy nở. (Bấy giờ các nước Á-Châu đang
hướng về cuộc cách-mạng Bon-sơ-vích vừa bùng nổ ở Nga trước đấy 2 năm). Trong một
bài diễn văn đọc tại Madras ngày 30-3-1919, Cam-Địa trả lời :
«Không khi nào, trái lại, chính phong trào bất hợp tác
mới thực là khí giới kiến hiệu nhất để chống lại sự bành trướng của họa Cộng
sản. Chủ nghĩa Bon-sơ-vích là sản-phẩm dĩ nhiên của nền văn-minh vật-chất hiện
đại quá thiên về vật-chất, chủ-nghĩa đó đã mắc lỗi lầm là nêu cao sự tiến bộ vật
chất, làm chủ đích, mà không hiểu gì về cứu cánh của sự sống… Tôi cam đoan rằng
nếu chúng ta không biết đặt tinh thần lên trên vật chất, tự do và bác ái lên
trên sức mạnh bạo tàn, thì chỉ trong ít năm nữa, chúng ta sẽ thấy chủ-nghĩa
Bon-sơ-vích tự do hoành hành trên giải đất vốn ham chuộng đạo lý như nước Ấn-Độ».
Cuộc tổng bãi công bãi thị, màn đầu của phong trào tiêu-cực để
kháng, được áp-dụng ngày 30 tháng 3 ở Delhi, và ngày 6 tháng 4 ở Bombay cùng
nhiều thành phố khác. «Hoàn toàn thắng lợi ở Bombay». Ông báo tin
thế. Và ông tiếp thêm:
«Sức cố gắng toàn thể của đồng bào khắp trong nước thực
là một cảnh tượng cảm động».
Tuy nhiên, ở Delhi cuộc tổng bãi công bãi thị gây nên nhiều
chuyện đổ máu. Xứ Pundjab gồm hàng mấy triệu dân Hồi, dân Ấn, dân Sikhs, những
chuyện xích mích về tôn-giáo, ấp-ủ từ trước, nay được dịp nổ tung trong bầu
không khí căng thẳng bởi cuộc bãi công.
Tiếng súng đã lác đác nổ, thì các nhà lãnh-tụ lo ngại bèn mời
Cam-Địa tức tốc tới Delhi. Nhưng Cam-Địa chưa kịp vào đến xứ Pundjab thì ngày
9-4, người Anh đã chờ sẵn để bắt ông ở biên-giới, và đem ông về Bombay mới thả.
Tinh thần dân chúng đang bị kích thích mạnh vì không khí cuộc bãi công, thì họ
được tin Cam-Địa bị bắt. Thế là như một bầu nước đun sôi nổ tung, loạn nổi lên ở
Bombay và ở Ahmédabad.
Ngày 11 tháng 4, Cam-Địa quở trách các đồng-chí coi khu
Bombay. Ông nói:
«Chúng ta đã ném đá vào các cửa hàng. Chúng ta đã bắt
buộc xe điện phải đỗ, và đã vứt các chướng ngại vật ra phố để ngăn trở người đi
lại. Như thế, không thích hợp với phong-trào tranh-đấu thụ-động. Chúng ta đã
yêu sách nhà chức-trách phải trả tự do cho 50 người bị bắt vì can tội
hành-hung, phá-phách. Nhưng đáng lý ra thì chúng ta phải tự bắt lấy mình. Xin
tha cho những kẻ bị phạt đáng tội là trái với cấm điều trong tôn-giáo. Nếu các
bạn tự xét không thể trông nom được cho phong-trào tranh-đấu khỏi bị vẩn đục bởi
những hành-vi hung-bạo, thì có lẽ rồi tôi phải chấm dứt cuộc tranh-đấu để khỏi
làm sai lạc cả ý nghĩa của nó đi. Vừa đây tôi còn được tin nhiều người Anh bị
hành-hung. Có lẽ đã có người vì thương tích quá nặng mà bỏ mình rồi. Nếu quả thực
thế, thì đó là một đòn chí tử đánh vào phong-trào tranh-đấu của chúng ta rồi. Đối
với tôi, người Anh cũng chẳng khác gì đồng bào của tôi vậy».
Ngày 14-4, Cam-Địa diễn-thuyết trước một cử tọa đông-đảo hội
họp trong khu nhà Ashram của ông trên bờ sông Sabarmati. Dân thành phố
Ahmédabad cũng có nhiều hành-vi bạo-ngược ngày nổi-loạn, nên Cam-Địa rất buồn
phiền. Ông nói:
«Thà rằng tôi bị một nhát kiếm đâm suốt ngực còn
hơn là tôi được những tin này».
Sau đó, Cam-Địa đi Nadiad, thị trấn của xã Khéda, cách
Ahmédabad 29 dậm, nơi mà trước kia ông khản cổ hô hào trai tráng đi lính cho
Anh mà chẳng ai hưởng ứng. Ông thấy rằng ngay ở các tỉnh nhỏ cũng xẩy ra chuyện
lưu huyết. Chán nản, ông tuyên bố trước cử-tọa ở Nadiad rằng tất cả phong-trào
tiêu-cực tranh-đấu hiện tại chỉ là một sự «lầm lỗi» khổng lồ mà ông
không tính đến. Ngày 18-4, ông ra lệnh bãi bỏ phong-trào bất hợp-tác.
Cam-Địa không bao giờ hối hận là đã ngay thẳng thú nhận một
điều lỗi. Điều lầm lỗi ông tự cáo, là chưa luyện tập cho dân chúng quen tuân
theo luật-lệ đã thả ra cho họ đi phá luật-lệ. Ông lại nói:
«Tôi chỉ tiếc là đã vì khinh thường sự quan-trọng của
những khuynh-hướng xấu, nên phát động phong-trào dân chúng quá sớm khiến phải bỏ
dở ; bây giờ tôi muốn nghỉ một thời gian để nhận định lại tình thế, hầu tìm
cách giải quyết».
Giữa lúc ấy, thì ở tỉnh Pundjab, dân chúng xôn xao đến cực độ.
Cuộc tổng bãi công bãi thị ngày 30 tháng 3 được dân chúng áp-dụng hoàn-toàn tại
Amritsar. Không còn một hoạt-động nào trong thành phố. Công chúng giữ thái-độ rất
đứng-đắn, không một cuộc va chạm nào với cảnh binh. Ngày 6-5 Aritsar lại bãi thị
bãi công lần thứ hai. Cũng không xẩy ra việc gì đáng tiếc: bọn người Âu vẫn
đi lại tự do trong các phố mà không sợ bị hành-hung.
Nhưng đến ngày 9-4, khi dân chúng được tin chính-phủ Pundjab
trục xuất khỏi địa hạt tỉnh hai lãnh tụ đảng Quốc-Hội ở địa phương, là các bác
sĩ Saïfouddine và Satyapal, thì loạn tức khắc xẩy ra. Dân chúng phát điên, sục
khắp các phố để tìm giết bọn da trắng. Hai viên giám-đốc và phó giám-đốc của
nhà ngân hàng Anh National Bank bị đánh cho đến chết. Viên giám-đốc nhà Nhân
Hàng Alliance Bank rút súng bắn vào dân chúng cũng bị giết chết luôn. Nhiều người
Anh khác bị đánh chết ở các phố.
Hai ngày sau, chính-phủ Pundjab thỏa thuận với một viên võ
quan Anh là Thiếu-Tướng Edward Harry Dyer mới từ Youllounder tới về những biện,
pháp đối phó với quần chúng. Viên quan này công bố một bản hiệu lệnh cấm ngặt mọi
cuộc hội họp, biểu tình trong thành phố. Lệnh này giao cho Cảnh binh bố cáo cho
dân chúng biết, song theo những điều nhận xét của ủy ban điều tra sau này, thì
cơ-quan cảnh sát đã không quảng bá đi khắp mọi nơi, không hiểu vì không kịp,
hay vì sơ-suất, hay vì có hậu ý gì. Chỉ biết đến ngày 13-4 thì dân chúng lại tụ
họp, như lệ thường, thành cuộc mít-tinh lớn ở công-trường Yallianoualla Bagh.
Đó là một bãi đất bỏ không, bốn bên đều quây tường cao, chỉ có một vài lối vào
nhỏ hẹp.
Khi tướng Dyer được tin báo có cuộc mít-tinh ở Yallianoualla
thì y đem quân tới ngay. Y đem cả xe thiết giáp theo. Đến nơi, y cũng
không hạ lệnh giải tán quần chúng. Y cho chịt hết tất cả các ngả đường cùng các
lối vào công trường, rồi xua hết dân chúng trong bãi vào một khoảng đất trũng,
để cho quân lính vây bọc trên cao mà bắn loạn xạ vào đám đông. thế là hàng chục
ngàn người quây quần trong đó không thể ẩn núp hay chạy trốn ra ngoài được,
đành để cho bọn lính Anh bắn như bắn bia. Kết quả cuộc đàn áp của quân lính là
1516 người dân vừa chết vừa bị thương.
Hình như Dyer còn chưa vừa lòng. Trước Ủy-ban điều-tra, y
khai rằng nếu những lối vào công trường Yllianonalla không quá hẹp thì y còn
cho xe thiết giáp vào để dùng liên-thanh mà bắn dân chúng.
Sau khi đàn áp y kéo quân đi ngay, không thèm đoái hoài gì đến
những người bị thương nằm rên rỉ trên vũng máu. Y còn đổ cho người Ấn định làm
loạn để đánh đổ Chính-phủ thuộc địa. Thế cũng chưa hết. Mấy hôm sau, muốn báo
thù cho một người Anh bị giết trong vụ biến loạn ngày 10-2, y cho vây các phố
mà người Anh bị giết rồi hạ lệnh cho tất cả mọi người Ấn, dù có nhà cửa trong
phố cũng mặc, hễ đi qua phố đó thì phải bò như chó. Y lại trồng một cái cột kỷ
niệm vào chỗ người Anh bị giết, và hạ lệnh rằng bất cứ một người Ấn nào gặp một
viên võ quan Anh ở đâu mà không xuống xe, xuống ngựa, hay không bỏ mũ, cụp ô mà
chào lạy thì sẽ bị trói vào cột ấy để đánh bằng roi da trước công chúng.
Cuộc tàn sát ở công trường Yallianoualla Bagh, và nhất là
thái độ báo thù hèn hạ của bọn võ biền, đã làm cho Cam-Địa phải suy nghĩ tìm một
phương-pháp quần chúng tranh đấu nào không để cho người Anh vin vào cớ giữ trật
tự mà bắn giết được dân-cư vô tội. Do đó, ông nghĩ ra một phong-trào là
phong-trào hô-hào dân chúng bất hợp-tác với người Anh.
Chương 16
MỘT PHƯƠNG PHÁP TRANH ĐẤU MỚI: PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG BẤT HỢP TÁC
Người ta có thể nói làm chính-trị là tìm cách để nắm
chính-quyền. Muốn nắm được chính quyền, phải tìm cách làm suy yếu hay lật đổ kẻ
nào đang giữ chính quyền. Trước kia, ở Nam-Phi, Cam-Địa không làm chính-trị, vì
ông không có ý định làm suy yếu hay lật đổ Smuts. Ông chỉ theo đuổi một mục
tiêu tinh thần là buộc nhà cầm quyền Nam-Phi phải trả lại cho kiều dân Ấn chững
quyền lợi chính đáng của họ, mà chính-phủ Nam-Phi đã tước đi một cách bất công.
Bây giờ, quan niệm tranh-đấu của ông đã thiên về chính-trị
hơn. Ông công nhận mục-tiêu của Đảng Quốc-hội là thay thế Chính-phủ hiện tại ở Ấn-Độ
bằng một chính-phủ hoàn toàn bản xứ, nghĩa là thay hết những người cầm quyền
Anh bằng người cầm quyền Ấn, nhưng không vì thế mà Ấn-Độ đòi thoát-ly khỏi khối
Đế-quốc Anh. Tóm lại, người Ấn hồi bấy giờ đòi tự-trị chứ chưa đòi độc-lập.
Năm 1920, Cam-Địa được bầu làm Chủ-tịch Phong-trào Vận-động Tự-trị.
Nhưng suốt đời, ông vẫn không thành một chính-trị gia với những
đức tính, những thủ-đoạn cần thiết mà ta thấy ở hầu hết mọi nhà chính-trị lão
thành. Làm chính-trị, tức là tiên đoán… Điều này thì ông có. Chúng ta đã thấy
ông sáng suốt biết bao, khi ông phản đối khuynh-hướng bạo động của Tilak, mà
ông quyết là chỉ đưa đến kết quả tai hại. Tấn thảm-kịch ở Amritsar đã chứng tỏ
lời tiên đoán của ông.
Nhiều người công-kích ông không chịu lợi dụng những lúc địch
thủ bị suy yếu mà áp bức họ phải chấp thuận những yêu sách của mình. Điều đó quả
có đúng, song ta nên nhớ là Cam-Địa không chú trọng đến sự thắng-lợi không mà
thôi, ông muốn thắng một cách ngay thẳng và cao-thượng. Một người quân-tử không
bao giờ đánh kẻ địch đã ngã.
Giờ vinh-quang của Cam-Địa đã điểm khi ông đi thăm tỉnh
Pundjab, sau vụ tàn sát ở Yallianoulla. Tới đâu ông cũng được dân chúng hoan hô
nhiệt liệt. Hàng triệu người xô đẩy nhau để tới chiêm ngưỡng ông, mỗi khi nghe
tiếng ông đến tỉnh nào. Ông đã thành tượng trưng của phong-trào dân tộc quyết-tâm
chống lại chính-sách độc ác của người Anh.
Tại Pundjab, không tin hẳn ở lòng vô tư của ủy-ban điều-tra
Anh, ông giúp lãnh-tụ Quốc-hội địa-phương là Motilal Nehru mở một cuộc điều-tra
riêng về vụ tàn sát Yallianoualla. Khắp trên đất Ấn, không ai còn nghi ngờ về
những sự thực mà bản phúc-trình của đảng Quốc-hội đem ra ánh sáng, vì tên ông
ký cùng với những nhân viên điều-tra ở dưới.
Rời xứ Pundjab, Cam-Địa tới Delhi để dự một cuộc hội họp
của phong trào ủng hộ quốc-vương Thổ-nhĩ-kỳ, bấy giờ vừa thua trận bên cạnh các
nước Trung-Âu. Ngồi trên bục cao, ông ngắm nhìn buổi họp sôi nổi dưới mắt, và
đăm-chiêu ngẫm nghĩ. Một tia sáng vụt lóe trong trí não ông. Ông đã tìm thấy đường
lối tranh-đấu mới. Đến lượt ông lên tiếng, thì cử tọa đang ồn ào bỗng nhiên im
lặng để nghe ông buông rơi gọn lỏn một khẩu-hiệu tranh-đấu gồm 3 tiếng
là: «Bất hợp-tác». Người Ấn không thể chống lại người Anh về
phương-diện này, mà còn hợp-tác với họ về phương-diện kia thì không thể được. Tẩy
chay hàng hóa của người Anh chưa đủ, còn phải tẩy chay các học đường, các tòa
án, các công sở, tư sở, các huy-chương khen tặng của người Anh ; tóm lại,
bất hợp-tác trong tất cả mọi ngành.
Phong-trào bất hợp-tác vì không có tính cách tranh đấu tích cực,
như hội họp và kích thích dân chúng công nhiên kháng Anh, nên không thể gây ra
sự đổ máu được. Cùng lắm, chỉ tù tội hay bị hành hạ lén lút trong ngục thất thì
có nghĩa gì đối với những kẻ đã coi thường danh lợi, và tinh thần khả dĩ đủ vững
bền để coi khinh sự đau đớn của phần xác. Ngoài ra, theo Cam-Địa, dân chúng tập
luyện tự kiểm-soát lấy mình tức là sửa soạn cho nền tự trị mai sau vậy.
Phong-trào bất hợp-tác mà Cam-Địa đe-dọa chính-phủ Anh đây chỉ
là một phương sách bất đắc-dĩ. Ông hy vọng rằng người Anh sẽ nhượng bộ
phong-trào Hồi-giáo cho xong đi, chứ ông không chủ trương bỏ hết mọi liên lạc
giữa người Ấn và người Anh.
Vì thế cho nên mấy tháng sau, vừa gặp dịp Quốc-vương Anh ban
hành chương trình cải cách Montagu-Chelmoford, ông cho là thế cũng đủ để làm dịu
bớt dư luận dân chúng, và tuy ông biết rằng những sự cải cách mới chẳng có gì lợi
cho người Ấn, ông cũng hô hào đồng bào ông chấp nhận, để lấy sự thắng lợi này
làm căn cứ mà tiến tới thắng lợi khắc.
Chương-trình Montagu-Chelmoford định rằng từ nay Ấn sẽ có một
chính-phủ liên-bang, để tự cai trị lấy mình, không phải bẩm báo gì về Luân-Đôn
nữa. Nhưng người Ấn không có quyền gì trong cái chính-phủ trung-ương ấy. Còn về
các chính-phủ địa phương thì người Ấn được giữ vài bộ không quan trọng như
canh-nông, kỹ-nghệ, giáo-dục, y-tế, v.v… nhưng tài-chính và công-an thì lại
hoàn toàn trong tay viên toàn-quyền địa-phương, và viên này có thể hủy bỏ bất cứ
một quyết nghị nào của hành-pháp-viện hay của lập-pháp-viện Ấn địa-phương.
Sự tham-gia của người bản xứ vào các cơ quan hành chính cũng
có tăng thêm đấy, song phàm những người hiểu biết, ai cũng cho là chương-trình
trên đây chỉ nêu lên những danh từ suông để che lấp một chính sách không khác
xa gì chính-sách trực trị.
Vì tán thành chương-trình cải-cách trên đây, Cam-Địa đã bị những
phần tử thanh niên ái quốc phản đối kịch liệt. Họ không quên những lời hứa hẹn
của Chính-phủ Anh năm 1916 trước Hạ-nghị-viện. Họ muốn một nền tự trị thực sự,
chứ không như miếng bánh vẽ bầy ra trước mắt họ bây giờ. Ngoài ra, người Hồi
cũng bất mãn. Họ thấy rõ người Anh không có ý định nới tay cho Thổ-nhĩ-Kỳ. Lại
thêm tướng Kyer, người đã giết hại và làm nhục dân Ấn không những không bị trừng
phạt, lại còn được dư luận chính quốc ngợi khen và tặng thưởng, khiến cho người
ta cảm thấy ủy-ban điều-tra Hunt cũng chỉ là một trò ru ngủ.
Vì thế cho nên ba tháng sau, khi Chính-phủ Anh nhất quyết gác
bỏ lời thỉnh nguyện của hơn trăm triệu dân Hồi, mà bắt Thổ-nhĩ-kỳ phải ký một bản
hòa ước cực kỳ khắc nghiệt, đồng thời lại không giải quyết nổi nạn khan thực phẩm,
khiến hàng triệu người Ấn lâm vào cảnh đói, thì những lời ôn hòa của Cam-Địa
không còn hiệu lực gì nữa, và ông bị lôi cuốn theo phong trào phản kháng của
dân chúng. Ngày mồng 1 tháng 8 năm 1920, ông phát động phong-trào bất hợp-tác.
Bấy giờ Tilak vừa mất, ông trở nên người cầm đầu độc nhất của
Đảng Quốc-hội. Ngày 9 tháng 9 năm ấy, Đảng quyết-nghị ủng-hộ cuộc tranh-đấu của
dân chúng, và tuyên-bố lấy sự đạt tới nền tự trị làm mục đích tối cao, dù phải
thoát-ly khỏi Đế-quốc Anh cũng không quản ngại.
Đại hội thường niên của Đảng họp ở Nagpuor chấp thuận một quyết-nghị
do Cam-Địa đưa ra, mục đích cải-tổ lại Đảng thành một tổ-chức có tính cách bình
dân hơn, để lôi cuốn đại chúng vào phong-trào. Từ trước tới nay, Đảng chỉ là một
Tòa nhà sang trọng, trong đó chỉ có một số trí thức cùng phú thương có quyền ngự
tọa, còn dân chúng ít khi được bén gót tới. Bởi vậy, công cuộc của đảng Quốc-hội
chưa có bề sâu cần thiết. Không ăn rễ trong những tầng lớp phong-phú của dân
chúng, Đảng làm sao có được nguồn sinh lực dồi dào để theo đuổi một cuộc trường-kỳ
tranh-đấu.
Lời khuyên nhủ của Cam-Địa có hiệu lực tức khắc. Trong những
kỳ đại hội ở Calcutta mà Nugpour, trong hàng ngũ đảng viên chỉ còn thấy lác đác
ít người bận Âu-phục, còn thì đa số đã trở về với cách phục sức cổ truyền. Cuộc
bàn cãi cũng không mấy khi còn dùng tiếng Anh. Đại-biểu các giai-cấp trung lưu
nhiều hơn mọi năm. Những đảng viên quý tộc hay phú hộ dù bị lấn át cũng không lấy
làm phật ý: họ rất kính phục ông đã gây được ở dân chúng một sức mạnh họ
chưa từng thấy bao giờ.
Điều đó không có gì khó giải. Cam-Địa thuộc về giai-cấp trung
lưu. Ông dễ gần dân chúng hơn các vị lãnh tụ khác của Đảng Quốc-Hội. Dân chúng
lâu dần coi ông như một người trong giai-cấp họ. Ngoài sự tôn sùng, họ còn luyến
ái ông như ruột thịt. Họ nghe ông vì họ yêu ông, không muốn ông buồn phiền. Còn
các lãnh tụ cùng ông chỉ dẫn phong trào thì ai cũng phải kính phục sức hoạt động
không ngừng, đức tính yêu đời cùng lòng tin tưởng vô biên của ông ở chính mình
và ở nơi dân chúng.
Trong một quốc gia đã bị kẻ ngoại xâm tước hết quyền hành
chính trị, ông tượng trưng cho sức mạnh quần chúng, tượng trưng của hoài bão Tự-do.
Dân chúng tôn sùng ông như Trời như Thánh.
Danh từ «bất hợp tác» mới mẻ và giản-dị đã đập mạnh
vào trí não dân. Dân chúng đã chán những luận điệu tràng giang đại hải, những
danh từ bí hiểm, những cuộc cãi vã không đâu. Trái lại họ hiểu Cam-Địa muốn
khuyên họ làm gì. Khi tự ý từ bỏ hết mọi tiện nghi, danh lợi, họ cảm thấy điều
họ làm đây là tự ý hy sinh giúp nước, chứ không phải đã bị ai lợi dụng để làm
bước tiến thân.
Cam-Địa rất tin tưởng ở khả năng tranh-đấu của người dân, một
khi họ muốn. Trong kỳ đại-hội ở Nagpour, ông đoan quyết với đại biểu các địa
phương là nếu dân chúng biết áp dụng phong-trào bất hợp-tác, trong vòng kỷ luật,
khiến cho người Anh không còn cớ gì đàn áp, thì chỉ trong một năm, sẽ lấy lại
được quyền tự trị. Ông nói một cách thiết-tha, đến nỗi ai nấy đều có cảm tưởng
rằng nếu không gia nhập phong trào, thì sẽ mang suốt đời cái trách-nhiệm đã làm
chậm giờ giải-phóng của quốc-gia. Tự mình nêu gương trước, Cam-Địa gửi trả
Phó-vương Ấn-Độ hai tấm huy-chương cùng là tấm bài vàng mà Chính-phủ Anh tặng
ông để khen thưởng công cuộc nhân đạo ông đã thực hiện ở Nam-Phi. Một số lớn
người Ấn trả lại văn bằng, chức sắc. Motilal-Nehru, một trạng sư danh tiếng,
cũng tự ý đóng cửa văn phòng, không quản thiệt hại, vì không muốn biện luận trước
các toà án Anh.
Con ông là Yaouaharla, C.R.Das, trạng sư ở Calcutta,
Vallabhbhai Petel cùng hàng ngàn luật sư khác cũng thề không bước chân vào những
Toà-án của người Anh nữa.
Vô số sinh-viên bỏ học, dù phần lớn đang học những trường
chuyên nghiệp. Họ đã hy-sinh cả nghề nghiệp sau này. Nhưng người Ấn mở trường
riêng để dạy lẫn cho nhau học. Tilak chết chưa bao lâu, thì một Cao-đẳng học-hiệu
mang tên ông đã mở cửa đón tiếp hết thảy những sinh-viên vừa tẩy chay các học
đường Anh. Kẻ giầu, người nghèo thi nhau giúp tiền vào công cuộc ấy.
Đồng thời những người đang theo đuổi các nghề nghiệp tự do ở
tỉnh thành cũng bỏ nghề, trở về sống lẫn lộn với dân quê, tập sống lầm than như
họ, và dạy lại họ những điều hiểu biết của mình. Mỗi người là một cán-bộ
tuyên-truyền không tiếc sức. Người dân quê chất-phác không đi sâu vào lý-thuyết,
nhưng họ ưa cuộc sống mới lạ, từ nay không đóng thuế, và nhất là không uống rượu
để khỏi làm giầu cho túi tiền người Anh, và khỏi làm suy yếu giống nòi.
Về phần Cam-Địa, ông cũng đi khắp mọi nơi hang cùng ngõ hẻm
đem tới cho dân quê những lời nồng nhiệt cùng tấm lòng tin-tưởng vô biên của
ông. Mỗi ngày, hàng vạn người chẳng quản nắng mưa, im lặng-tụ họp quanh ông để
cố nghe cho được một lời ông nói. Hồi ấy làm gì có máy phóng thanh. Song mắt họ
chỉ cần in kỹ hình ảnh của ông, là cái nụ cười nhân hậu của ông sẽ mãi mãi phảng
phất bên mình họ, truyền nhập cho họ đức tính yêu đời, lòng hy vọng và gan chịu
đựng không hề than thở. Những người bị đám đông dồn ra xa, tuy không trông rõ
dung nhan ông, song trí óc họ cũng đã thâu nhận được luồng tư tưởng của ông. Vì
ông là một bậc Thánh kia mà? Ví dù ông có là một bức thần-tượng bất-động
chăng nữa, họ cũng còn đến được gần ông với một lòng tin kia mà! Huống hồ
chính ông lại không quản ngại nắng mưa, lầm lũi đến tận nơi xóm thôn hẻo lánh của
họ, mà an ủi vỗ về, hơn nữa, dạy cho họ một đạo sống cao-siêu sẽ giải thoát họ
khỏi kiếp trâu ngựa kéo dài từ đời này sang kiếp khác. Bẩy tháng trời đằng đẵng,
ông đi khắp nước, trên đoàn tàu đầy than bụi, chốc chốc lại phải dừng bánh để
cho hàng đoàn người đông như kiến cỏ bám quanh các toa, trèo lên nóc, chui qua
cửa sổ để vào nhìn mặt Thánh, hôn chân Thánh. Có nơi, dân chúng nằm ngang đường
sắt để buộc Thánh phải dừng gót lại, cho họ được chiêm ngưỡng dung nhan. Có
hôm, giữa nửa đêm, tiếng bánh xe hãm ghê rợn trên đường sắt đánh thức Cam-Địa dậy
thì ông nghe thấy muôn vạn tiếng hô. Chưa hiểu việc gì xẩy ra, ông vừa ló đầu
khỏi cửa toa thì cả đám đông đang ồn-ào hỗn-độn ấy bỗng im lặng, và quỳ xuống
trước mặt Thánh. Có tiếng nức nở của những người không cầm được lòng cảm
xúc.
Suốt bẩy tháng trời vất vả nay đây mai đó mà mỗi ngày Thánh
chỉ dùng 3 bữa cơm, mỗi bữa một tách sữa dê, ba khoanh bánh khô, 2 trái cam và
chừng vài chục quả nho.
Bạn đồng hành của Thánh là Mohammed Ali, lãnh tụ Hồi. Tới
đâu, hai ông cũng hô hào rằng muốn giải phóng nước nhà, trước hết hãy tập giải-phóng
mình khỏi những tục lệ của người Anh đã. Các ông khuyên dân chúng nên bỏ tục-lệ
mặc Âu-phục như người Anh. Mọi người vỗ tay tán thưởng, thì Cam-Địa yêu cầu cử
toạ hãy thực hành ngay ý định mà trút hết quần áo tây vứt ra để ông tiêu huỷ.
Chỉ nháy mắt, áo quần, giầy mũ, bít-tất, quần đùi, cà-vạt đã chất thành đống
cao như núi. Cam-Địa thân vứt vào đống tàn tích ấy một que diêm. Rồi trong khi
ngọn lửa lem lém thiêu hoá những thứ hàng len dạ ấy, Cam-Địa khuyên nhủ mọi người
hãy tỏ ý định tự-lập, tự-cường, mà bỏ hết bất cứ một thứ hàng ngoại quốc nào
trong việc ăn mặc. Các bạn hãy tự dệt lấy vải, tự may lấy áo mà mặc! Ông
cũng đã dệt thạo rồi. Mọi người hãy theo ông, mỗi ngày bỏ ra nửa giờ trước bữa
ăn, để tập dệt. Chỉ ít lâu sau, nơi nào ông đi qua thì không còn bóng dáng người
Ấn nào vận Âu-phục. Lâu dần, không ai dám đến trước mắt ông với bộ quần áo người
Âu nữa.
Nhưng trong khi đi hô hào người Ấn tẩy chay hàng Anh, ông
không quên mục-đích thiết-thực đang theo đuổi là tuyên-truyền sâu rộng ảnh hưởng
của Đảng Quốc-hội vào mọi tầng lớp dân chúng, nhất là nông dân. Đi đến đâu, ông
cũng hội họp những người tiếng tăm trong vùng, giảng giải cho họ sự cần-thiết
phải lập những chi-nhánh địa-phương, để hoạt-động theo mệnh lệnh từ Trung-ương
phát ra, để phong-trào tiến hành một cách duy nhất và lâu dài. Ông tuyển những
thiếu niên hăng hái từ 13 đến 19 tuổi, cho ăn mặc y phục ngắn đồng mầu, họp
thành từng tốp, kỷ luật nghiêm minh để giữ gìn trật-tự trong các cuộc hội họp
dân chúng. Ông vẽ cho chúng một huy hiệu: lá cờ của Đảng Quốc-hội, trung
tâm mang hình một khung dệt. Đồng thời, ông vẫn viết báo tuyên-truyền. Dù ở nơi
nào cũng thế, mỗi tuần ông theo lệ viết hai bài, một bằng tiếng Anh, một bằng
tiếng Ấn, để đăng trong hai tờ tạp chí ông xuất-bản, là tờ India, viết bằng
Anh-văn, và tờ Navayivan, viết bằng tiếng bản xứ. Hai tờ báo đó, xuất bản năm
1919, là những cơ quan riêng, ông dùng để truyền-bá tư-tưởng.
Bấy giờ, năm đã hầu tàn, mà nền tự-trị ông hứa cùng quốc dân
chưa thấy dấu hiệu gì chứng tỏ là thực hiện tới nơi.
Một buổi chiều tháng chín, Cam-Địa đang cùng người bạn tranh
đấu là Mohammed Ali tới nơi hội họp dân chúng, thì một tốp cảnh-sát Anh bắt
Mohammed Ali điệu đi. Mấy hôm sau, người anh nhà lãnh-tụ Hồi-Hồi là Chaoukat
cũng bị bắt nốt. Cả hai đều bị tuyên án 2 năm tù, vì tội hô hào dân Hồi-giáo tẩy
chay việc đi lính cho Anh.
Tại sao người Anh cho bắt anh em Ali? Vì lúc bấy giờ ở
miền duyên hải xứ Ma-La-Bà, dân Hồi bản xứ đang ra mặt chống lại chính-phủ địa
phương Anh, và người Anh thì xui bẩy người Ấn chống lại người Hồi, nên giữa Ấn
và Hồi đã xẩy ra nhiều vụ xung đột. Hai anh em nhà lãnh tụ Hồi đang định thân đến
hoà giải hai dân tộc, để họ khỏi mắc mưu người Anh mà đánh lẫn nhau khiến bỏ
lãng cả công cuộc chung đang theo đuổi, thì người Anh cho bắt anh em Ali để
ngăn trở không cho họ đến Ma-La-Bà.
Những việc xẩy ra làm Cam-Địa rất lo âu, vì ông cho rằng nếu
hai dân tộc Ấn và Hồi mà chia rẽ, thì không sao chống lại được với người Anh. Để
lãng quên, ông đặt hết tâm trí vào công cuộc thúc đẩy dân chúng tẩy chay hàng
ngoại hoá. Việc đó trở nên một ám ảnh với ông. Ông muốn rằng trong sự ăn mặc,
người Ấn chỉ dùng toàn đồ nội hoá may lối cổ truyền. Nêu gương trước tiên, ông
trút bộ quần áo vải thô ông còn mặc, để khoác một tấm phá độc nhất bằng vải thô
dệt lấy, quần ngang hông; Rồi ông ở trần, đầu không mũ, vác trên vai một
cái đẫy đựng bút mực giấy má, chuỗi tràng hạt, vài thứ đồ cần dùng cùng vài món
lương khô. Cứ thế ông đi lang thang cổ võ cho phong trào bất hợp tác. Ông vui vẻ
tự ví với kẻ ăn xin, tay chống gậy, vai vác bị, lê gót trên đường.
Cách phục sức của ông làm cho các đồ đệ vừa tức cười vừa giận.
Nhưng nào ông có chú ý. Ông quấn phá đến Bombay dự cuộc hội họp sôi nổi của các
lãnh tụ chính trị toàn cõi, để ấn định phương-sách đối phó với Anh. Ngày 5
tháng 10, Uỷ-ban chấp hành Đảng Quốc-hội quyết nghị rằng:
«Bổn phận mỗi người Ấn, dù quân nhân hay tư nhân, là phải
tức khắc thôi hợp tác với người Anh để về tìm cách khác sinh nhai».
Đó là một lời kêu gọi đào ngũ không hơn, không kém. Chính anh
em Ali cũng bị bắt vì những lời tương tự.
Thi hành luôn điều quyết định, các lãnh-tụ Đảng Quốc-hội trả
lại chức tước cho người Anh rồi ai về địa phận người ấy, cầm đầu phong-trào
không hợp-tác.
Giữa lúc tinh thần đôi bên cùng căng thẳng, thì Thái tử Anh
sang Ấn. Nhà cầm quyền người Anh bẽ bàng tức giận, về nỗi dân Ấn không chịu
tham dự cuộc đón tiếp. Không có một bóng dân trên con đường Thái tử đi qua. Họ
rút vào trong nhà đóng cửa kín mít. Các cửa hiệu không bán hàng. Chợ không họp.
Tại Bombay, những người Ấn xu nịnh, chờ nghênh đón Thái-tử Anh, bị dân chúng
đánh dừ tử. Cam-Địa khản tiếng kêu gào dân chúng bình tĩnh đừng đổ máu. Ông nhịn
ăn cho đến khi những cuộc bạo động chấm dứt mới thôi.
Chính-phủ người Anh bấy giờ nhất quyết ra tay hành động.
C.R.Das, Motilal Nehru, Laypat Rai và hàng trăm đảng viên cao cấp khác của đảng
Quốc-hội bị đem đi an trí. Tháng chạp năm 1921, Đảng Quốc-hội nhóm đại hội thường
niên ở Ahméhabad trước những hàng ghế thưa thớt. Tính đến hôm ấy, 20 ngàn đảng
viên đã bị cầm tù vì tội bất hợp tác, hay là xui dân làm phản. Khoá ấy Cam-Địa
được bầu làm Uỷ-viên chấp hành độc nhất của Đảng.
Tới tháng sau, thêm 10 ngàn người Ấn bị tống giam về tội
chính trị. Tại nhiều tỉnh, người cầm đầu phong trào đã bị bắt mà dân quê vẫn tiếp
tục không nộp thuế. Công chức Ấn bỏ việc không kể xiết.
Chính phủ tức thì tăng thêm sự đàn áp. Cam-Địa cực lực phản đối
những vụ bắt bớ giam cầm.
Thế là dân chúng lại trải qua một năm 1921 với những sự khổ cực
vô biên, mà chưa thấy bóng hình nền tự-trị. Lại thêm sự chia rẽ đã phát hiện
trong hàng ngũ Đảng Quốc-hội. Khuynh-hướng bạo-động dần dần lấn bước. Người ta
ra mặt chế riễu đường lối tranh-đấu của Thánh. Họ cười Thánh hãy còn mải thú
vui dệt vải, và chỉ chăm lo vào việc ăn uống tiết-độ thế nào cho bộ máy
tiêu-hoá được khoẻ mạnh. Nghi ngờ sự hiệu quả của những cuộc khẩu chiến cùng
bút chiến của Thánh, họ đòi phải thay chính-sách, vì thái-độ ôn hÒA không đưa đến
đâu. Cam-Địa cố can ngăn.
Ông nói: «Người bất hợp-tác còn can-đảm hơn
người bạo-động nhiều», hoặc «Người Ấn còn nhiều sứ-mệnh
cao cả khác phải theo đuổi, chứ đâu chỉ có mục-đích trừng-trị những kẻ độc-ác
trên đất này?»
Ông còn viết: «Bản ngã con người là sự
ôn-hòa mực thước, còn hung-bạo chỉ là bản năng của con vật. Nếu bắt buộc
phải dùng đến khí giới, thì ví dù chúng ta có thắng chăng nữa, lòng tôi cũng
không thỏa nguyện. Tôn-giáo không dạy ta ghét bỏ người ngoại quốc. Tôi còn để
lòng nhân lên trên lòng yêu nước của tôi».
Xem thế, ông thực đã trái hẳn với những người yêu nước thiển
cận.
Muốn hiểu Cam-Địa đức độ là dường nào, ta đừng quên rằng nếu
người Anh giữ trong tay Công-an và quân-đội, thì Cam-Địa lại có một thứ khí-giới
ghê gớm hơn nữa, là hơn ba trăm triệu người, lòng tức giận đang sủi như chảo dầu
sôi, chỉ một hiệu lệnh phát ra là lao đầu vào vòng chiến. Liệu một nhóm người
Anh trong cái bể lửa ấy sẽ chống cự được bao lâu?
Cũng như Cam-Địa, Reading, Phó-vương Ấn là người đã tự tạo lấy
đời mình. Lăn lộn đã nhiều, nên kiến-thức ông rộng-rãi, chứ không bo bo một mớ thành-kiến
lạc-hậu như những nhà cầm quyền trước. Sinh ra trong một gia đình nghèo người
Do-Thái, ông ta đã từ một chân bồi tầu lên đến chức Tổng-trưởng, rồi Phó-vương,
trong triều đình Anh, mà hoàn toàn chỉ nhờ vào sức vóc của đôi tay và khối óc.
Bởi thế, các viên thuộc quan người Anh đã ngạc nhiên xiết bao
khi thấy ông mời Cam-Địa gặp ông để trao đổi ý kiến.
Mọi người có ý không muốn cho Cam-Địa gặp Phó-vương, e rằng
ông có thể bị Reading lung-lạc chăng? Nhưng ông không ngần ngại.
«Chúng ta có thể chống lại những biện-pháp, những
chính-sách, nhưng không bao giờ nên công-kích cá-nhân. Chúng ta đã phải là những
người gương mẫu chưa mà dám khắt-khe suy xét người ngoài? Nhất là lý do
hành-động của người, dân ta đã biết?» Ông trả lời họ thế.
Reading từ lúc mới sang nhậm chức, vẫn ước ao có dịp được gặp
Cam-Địa, mà ông cho rằng: «Có lẽ là một tay kiệt liệt lắm».
Gặp Cam-Địa rồi, ông viết cho con:
«Cha đã gặp Cam-Địa cả thảy 6 lần. Bề ngoài ông không
có gì là đặc biệt. Ông ta đến, chỉ vận… độc một chiếc phá bằng vải thô quấn
ngang người, và đội một chiếc mũ dệt bằng tay, còn thì mình để trần và chân dẫm
đất. Nhưng đến khi ông ta nói, thì khác hẳn. Ông ta dùng tiếng Anh rất đúng mẹo,
và cân nhắc từng câu từng chữ ý nhị vô cùng. Ý kiến tỏ bầy có vẻ rất thành thực.
Nhất là khi bàn về những vấn đề tôn-giáo, ông ta tin tưởng một cách gần như cuồng
dại rằng phong-trào bất hợp-tác cùng với bác-ái của quần chúng chắc chắn sẽ giải-phóng
được nước Ấn. Những ý kiến về tôn-giáo và luân-lý của ông rất siêu-việt, song
cha không hiểu cách thức ông ta sẽ áp dụng vào việc tranh-đấu chánh trị ra
sao? Chúng ta đã đàm đạo với nhau một cách rất cởi mở. Cam-Địa tỏ ra có lễ-độ
lắm, và dáng-dấp quả là con người lịch-sự».
Reading không hiểu đường lối chính-trị của Cam-Địa, điều đó
không có chi là lạ. Thánh Cam-Địa bầy giải với Phó-vương những phương sách
ông sẽ dùng để thắng người Anh:
«Phong-trào chúng tôi đang theo đuổi - lời Cam-Địa - là
một phong-trào tôn-giáo, có mục-đích tẩy-trừ ở người Ấn tất cả những sự thoái
hoá đáng khinh, như sự lọc lừa, khủng-bố và cái tâm-lý kém hèn của dân quê trước
người da trắng».
Vậy Cam-Địa quy hết khả-năng tranh-đấu của dân tộc vào công
cuộc cải-tạo tinh-thần; Việc xua đuổi người Anh đi không còn là mục-phiêu
tối-cao nữa vì tự nó sẽ xẩy đến một khi dân tộc Ấn thực hiện được cuộc cách-mạng
tinh-thần. Bởi thế, người Ấn sẽ từ chối không hợp-tác với người Anh, song sẽ
tránh không dùng bạo-lực.
Nhiều người Ấn không tán thành chính-sách của Cam-Địa, song họ
phục ông và quý ông, lại phải công nhận ảnh-hưởng lớn lao của ông trên quần
chúng, nên đành khuất-phục trước ý kiến ông. Song, họ lấy làm lạ là tại sao ông
chưa ra lệnh phát-động phong-trào bất hợp-tác trên toàn cõi? Ngày 4 tháng
11 năm 1921, ban chấp-ủy Đảng Quốc-hội chẳng đã chấp-thuận một bản kiến-nghị
yêu cầu áp-dụng một phương-sách tương tự đó sao? Nhưng Cam-Địa buộc các
lãnh-tụ phải cam đoan không được hành-động gì trước khi có sự thoả thuận của
ông.
Cam-Địa định thí-nghiệm phong-trào bất hợp-tác toàn thể ở từng
vùng một. Ông chọn vùng Bardoli, một quận độ 87.000 dân, ở gần Bombay. Trước hết,
ông muốn tự mình chỉ-huy và kiểm-soát được phong trào vì e rời mình ra thì lại
xẩy những sự bạo động đáng tiếc. Ngày 1 tháng 2 năm 1922, ông báo cho Reading
biết trước ngày phong-trào sẽ nổi.
Tại sao ông chỉ quy hẹp phong-trào vào một vùng nhỏ bé như
Bardoli?
Vì Cam-Địa tin tưởng rằng phong-trào bất hợp tác sẽ thắng nếu
được chỉ huy và coi sóc cẩn thận, chứ quy mô của phong-trào chỉ là điều phụ.
Phong-trào chỉ làm cho người Anh lo sợ, nếu có một sự thuần nhất đặc biệt, phản-chiếu
ý chí đoàn-kết của dân chúng. Ngoài ra, dù chỉ có 100 ngàn người tham dự
phong-trào, liệu người Anh có dám giết hết 100 ngàn người một lúc, hoặc có đủ
nhà lao để giam hết lại chăng?
Vả lại, mục đích cuộc tranh đấu của Cam-Địa đâu phải là đánh
quỵ Đế quốc Anh. Ông biết rằng muốn đạt mục đích ấy, phải dùng đến máu và sắt,
tức là làm khổ dân Ấn một cách vô ích. Lại còn tai hại về sau nữa. Lẽ dĩ nhiên
bên nào cũng phải đưa ra những kẻ cầm đầu quyết liệt, nghĩa là không bận tâm về
những ý tưởng danh-dự và nhân-đạo, và không ngần ngại áp-dụng những phương-sách
vô nhân-đạo. Như thế, dù bên nào thắng, cả hai dân tộc và cả thế giới đều phải
chịu một sự thiệt hại thảm khốc vô cùng.
Bởi thế Cam-Địa chọn quận Bardoli làm trung tâm thí-nghiệm để
tỏ cho người Anh biết rằng họ không thể vì cớ bất hợp tác mà bắn giết những dân
cư hiền lành, lương-thiện, biết trọng kỷ-luật như dân Bardoli. Bao giờ Cam-Địa
cũng muốn dẫn-dụ địch, đánh vào lương tâm cùng tình cảm họ. Ông không thích trông
thấy cảnh máu chảy thịt rơi giữa hai địch thủ.
Vậy Bardoli đã sẵn sàng phát động phong-trào vào nhật kỳ đã định,
thì việc xẩy ra làm đảo lộn cả chương trình hành động của Cam-Địa. Ngày 5 tháng
2, tại Chaouri Chaoura, cách Bardoli 800 dặm, máu lại chảy giữa người Anh và
người Ấn. Cam-Địa thuật lại việc đó trong tờ Young India ngày 16 tháng 2 :
«Dân chúng đang đi rước trong thành phố thì bất chợt cảnh
sát ngăn những kẻ chậm chạp chưa theo kịp đám đông lại mà hành hung. Họ kêu cứu
rầm rĩ. Dân chúng tức thì quay lại. Bọn cảnh sát Anh liền nổ súng. Dân phát
điên, cứ tiến bừa lên. Hết đạn, lính trốn vào Tòa Thị-sảnh. Dân đốt nhà Thị-sảnh.
Lính bị hun, chạy ra người nào thì bắt giết người đó, và dân chúng ném xác vào
đống lửa».
Cam-Địa rất dỗi buồn phiền về cuộc đổ máu. Ông kêu lớn:
«Không một lý do gì có thể rửa sạch vết nhơ trong lương
tâm dân chúng đã đang tâm giết một nhóm người không còn khí giới».
Theo ông, đó là một điềm gở cho phong-trào sắp phát động.
Ông liền ra lệnh bãi bỏ phong-trào bất hợp-tác ở
Bardoli:
«Thà rằng bị chê cười hèn nhát, cũng còn hơn là phạm
vào lời chúng ta đã thề nguyện với lương tâm là không bao giờ làm trái đạo Trời».
Mấy nhân viên Ủy-ban Chấp hành Đảng không đồng ý với ông, Ông
cũng nhất định với họ rằng sự đảo lộn bất ngờ đó rất hại cho uy-tín của Đảng,
song ông tin rằng ông đã làm phải, trên lập-trường tôn-giáo. Theo ông, vụ
Chaouri Chaoura đã cho ta thấy rõ con đường mà Ấn-Độ sẽ theo (nghĩa là con đường
bạo động), nếu ta huy động những khối lớn dân chúng mà chưa đủ phương sách ngăn
ngừa những phần tử vô trách nhiệm lẩn lút trong đám đông xui bẩy quần chúng làm
điều tai hại. Đảng Quốc-hội có bổn phận hãy tự dạy dỗ mình dạy dỗ quần chúng
trước đã.
«Riêng tôi - Cam-Địa - tôi phải nhịn ăn để sám hối những
điều xảy ra mà tôi đã không biết liệu định, ngăn ngừa nổi. Tôi cần phải thanh sạch
trong mình để lập được cho linh hồn những sợi dây cảm thông với linh hồn
quần chúng, ngõ hầu linh cảm được mọi điều biến đổi trong linh hồn đó để liệu
trước mà ngăn ngừa».
Giữa lúc ấy, bên phía người Anh, cũng có sự bất đồng ý kiến
giữa các nhà cầm quyền về việc đối phó với phong trào bất hợp tác sắp phát động
tại Bardoli. Nhiều người đòi bắt giam ngay Cam-Địa vì họ cho rằng sự bất hợp
tác chỉ là mưu gian che đậy một vụ nổi loạn toàn thể. Nhưng Phó-vương Ấn thận
trọng hơn. Những bài diễn văn nẩy lửa của Cam-Địa chưa làm ông quan tâm. Ông đợi
khi nào Cam-Địa hành động, nghĩa là khởi phong trào bất hợp tác, mới liệu định;
Nhưng ông không vì thế mà tỏ ra kém cương quyết. Ông tuyên bố là nếu cần, ông sẽ
sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc bắt Cam-Địa.
Tuy nhiên, dưới áp lực của viên Bộ-trưởng Ấn-Độ vụ, Reading
đành phải hạ lệnh bắt Cam-Địa. Cam-Địa vui vẻ theo nhân viên Cảnh sát vào nhà
ngục tỉnh Sabarmati. Về phần Lord Reading, ông cũng được yên lòng vì không thấy
dân chúng tỏ phản động lực gì về việc Cam-Địa bị bắt. Thực ra, về phương diện
chính-trị, Cam-Địa đã hớ khi bãi bỏ phong trào bất hợp tác ở Bardoli. Ông đã hạ
khí giới để cho người Anh được tự do bắt mình. Nhưng đã từ lâu ông biết thế nào
cũng có ngày này, nên ông đã sửa soạn dân chúng trong nhiều bài báo. Ông khuyên
họ nên nhẫn nại. Trong số báo ngày 9 tháng 3 của tờ Young India, ông viết:
«Những suối máu chính-phủ khơi ra không làm tôi sợ hãi,
nhưng tôi sẽ buồn phiền biết bao, nếu dân chúng vì cảm tình với tôi mà nổi loạn
chống lại chính-phủ. Tôi không muốn thấy dân chúng mất bình tĩnh chỉ vì tôi bị
bắt».
Ra trước Tòa án, ông bị buộc tội đã viết 3 bài báo xúi gục
dân chúng nổi loạn. Vì thế ông S. G. Banker, chủ nhà in, người ấn loát tờ Young
India, cũng bị buộc tội đồng lõa với Cam-Địa. Phiên tòa cực kỳ sôi nổi. Quân
lính được lệnh canh phòng nghiêm mật khắp nơi. Sau khi đọc bản cáo trạng, quan
Tòa hỏi Cam-Địa có muốn tuyên bố gì không? Ông bèn đứng lên dõng dạc tố
cáo lại những người vừa buộc tội ông. Ông nói rõ nguyên do làm sao đặng là một
công dân trung thành, đầy lòng tin tưởng ở tình thân Anh-Ấn mà đến nỗi phải chủ
trương bỏ hết mọi sự hợp tác với người Anh. Ông nhắc lại những hành vi của người
Anh ở Nam-Phi. Hành vi đó đã làm ông phải nghĩ. Phải chăng chỉ vì ông là người Ấn
nên không được hưởng một quyền lợi nào của người dân tự do chăng?
Tuy nhiên, không vì thế mà ông thôi hợp tác với người Anh,
hai lần ông tình nguyện đầu quân và mộ lính cho Anh. Ông tin tưởng rằng làm như
vậy sẽ cảm hóa được lòng người Anh, khiến họ sẽ tự ý cởi mở gông cùm cho đồng
bào ông vậy. Song từ năm 1919 trở đi thì luôn luôn có sự đụng chạm giữa hai dân
tộc. Tại sao? Vì người Anh càng ngày càng có cử chỉ khinh miệt người Ấn
nào là vụ tàn sát ở Yallianoualla, nào là những đạo luật phản dân chủ Rowlatt,
nào là cách báo thù hèn nhát của Dyer, v.v… Tuy nhiên, ông vẫn cố tin tưởng ở sự
thức tỉnh của lương tâm người Anh, một ngày sẽ tới. Vì thế ông mới khuyên dân
chúng chấp nhận các đạo luật cải cách Montagu Chelmoford. Nhưng ông đã tốn công
vô ích. Và nay ông đã phải đi tới kết luận là sự hợp tác với người Anh chỉ đem
lại cho dân tộc Ấn những mầm thất vọng sâu cay, người đã làm cho Ấn suy nhược,
đến nỗi một xứ đất đai rộng lớn phì nhiêu, dân cư chăm chỉ hiền lành như Ấn mà
mỗi năm phải hiến cho Thần Đói hàng triệu sinh linh. Những việc người Anh đã
làm tại Ấn là những tội phạm đối với nhân loại. Rồi ông tiếp:
«Tôi vinh dự vì được kết án về tội đã viết những bài
báo đó. Và tôi nhắc lại rằng tôi nhận hết tội lỗi, cái tội đã đoan quyết với
dân tộc tôi rằng sự bất hợp tác với kẻ ác còn là một bổn phận ngặt nghèo hơn là
hợp tác với người ngay».
Kết luận, ông đòi được xử với tất cả nghiêm ngặt của luật
pháp.
Sau khi ông ngồi xuống thì thẩm phán Anh đứng lên, nghiêng
mình về phía ông mà nói:
«Mặc dầu luật pháp không biết phân biệt cá nhân những kẻ
tội phạm, tôi cũng xin nói với ông rằng tôi không thể nào không nhận thấy ông
đã được hàng triệu đồng bào ông coi như một nhà ái quốc nồng nhiệt, và một vị
lãnh đạo siêu quần. Và chính những người không đồng quan điểm với ông như chúng
tôi đây, cũng phải nhìn nhận rằng ông đã phụng sự những tư tưởng cao siêu, và
đã có một quan niệm trác việt về đạo nhân sinh».
Rồi ông tuyên án phạt Cam-Địa 6 năm tù giam. Ông Banke, ấn
loát tờ Young India, cũng bị phạt 1 năm tù và một ngàn đồng Roupies tiền vạ.
Sau khi nghe tuyên án, Thánh Cam-Địa đứng dậy, và nói rằng
ông rất vui mừng thấy pháp-luật người Anh đối với ông ôn hòa đến thế, Ông lại
trân trọng cảm ơn thái độ hòa nhã của quan Tòa.
Khi các viên thẩm phán rời khỏi phòng án, thì dân chúng đổ xô
lại phục dưới chân ông. Có người bíu gấu áo ông mà khóc nức nở. Sau khi an ủi mọi
người, ông theo lính gác xuống nhà giam, trên môi vẫn không rứt nụ cười hiền hậu.
Vì ông coi thường sự giam cầm. Ông còn yêu thích nhà giam là
đàng khác nữa. Tù tội là một trong những căn bản nền móng của thuyết bất hợp
tác. Ông thường nói:
«Chúng ta hãy yêu cầu mở rộng cửa nhà giam, để chúng ta
bước vào với tất cả tấm lòng hân hoan của chàng trai vén rèm bước vào buồng cưới.
Nhà giam chính là nơi mà dân tộc chúng ta hun đúc rèn luyện ý chí để đấu
tranh».
Cho nên người Anh càng làm tù ông bao nhiêu, ông càng vỗ đùi
khoái chí bấy nhiêu.
Chương 17
BỆNH NÃO VÀ TUYỆT THỰC
Đêm hôm 12 tháng giêng năm 1924, Thánh Cam-Địa được chở
từ nhà ngục Yeravda đến nhà thương Sasseon của thành phố Paona. Các thầy thuốc
xem thấy ông mắc bệnh đau ruột thừa, và cần phải mổ ngay thì mới sống được.
Người ta chỉ còn nhờ các nhà giải-phẫu Ấn ở Bombay đến mổ cho
ông. vì nhà đương cuộc Anh tỵ hiềm, không muốn để cho Anh mổ, e xẩy việc thì
gây sự nghi ngờ trong trí óc quần chúng Ấn. Song vì bệnh cấp quá nên viên thầy
thuốc Anh là Đại-tá Maddock nhận trách nhiệm mổ lấy cho ông vậy.
Trong khi đang mổ, thì trời nổi cơn giông bão, các đèn đều tắt.
Còn chiếc đèn bấm, thì dùng một lúc lại hết điện. Về sau, phải nhờ đến ánh sáng
một cây đèn bão, thầy thuốc mới làm xong được nhiệm vụ.
Cuộc cấp cứu đã có kết quả hoàn-toàn mỹ-mãn, và Cam-Địa nhiệt-thành
cảm tạ viên thầy thuốc Anh đã cứu sống ông. Song vì ông yếu quá, nên vết mổ
thành nhọt, mãi mới hàn khỏi, nên Chính-phủ Anh quyết-định tha ông, để khỏi
mang trách nhiệm làm chết ông trong nhà giam.
Được trả trự do, Cam-Địa liền chọn một nơi bờ biển mát mẻ
quang-đãng gần Bombay để làm nơi tĩnh dưỡng. Ở đây, ông vui chơi đàm-đạo cùng
các đồng chí và các đồ-đệ quây quần tụ họp quanh ông. Từ xưa, ông vẫn thích nghề
làm thuốc. Nay đang dưỡng bệnh, lại gặp lúc rỗi rãi, ông bèn đứng ra làm thầy
lang chữa bệnh cho các đệ-tử ốm-yếu. Ông bắt họ đắp nước lạnh dán cao, và ăn những
món kiêng khem kỳ cục. Những người ốm, và cả ông nữa, đều thấy sức lực trở lại
dần dần, có lẽ không phải vì thuốc, mà là vì được ở nơi thoáng khí, tinh-thần sảng
khoái bởi sự nói cười vui vẻ.
Ông lại dần dà trở về con đường tranh-đấu. Các lãnh-tụ Đảng
Quốc-hội như C. R. Das và Matilal Nehru thường đến Yenhere luôn để thảo-luận với
ông về tình hình trong thời gian 22 tháng ông vắng mặt. Bấy giờ tình thân mật
giữa người Ấn và người Hồi, mà Cam-Địa đặt tất cả hy-vọng tương-lai, nay đã trở
nên tình thù ghét. Trước kia, phong-trào nâng đỡ ngôi Thổ-nhĩ-kỳ làm hai bên kết,
song phong-trào ấy đã tận chung bởi tay Mustapha Kemal Pacha đã bãi bỏ quốc-vương
để làm người chủ mới của nước Thổ-nhĩ-kỳ. Kemal là một chính khách rất khôn
ngoan. Ông phát động phong-trào duy-tân, để đế-quốc Thổ-nhĩ-kỳ thành một nước cộng-hòa
tân-tiến theo kiểu mẫu các nước Tây-phương. Quốc-vương Thổ đã mất ngôi, thì
phong trào cũng có ngôi-báu Thổ-nhĩ-kỳ cũng mất lý do tồn-tại. Và khi
phong-trào đó thở hơi cuối cùng, thì sự liên kết giữa người Ấn và người Hồi
cũng suy yếu dần, và không bao lâu thì sự tranh chấp cổ truyền giữa hai
tôn-giáo lại bắt đầu xuất hiện.
Một mặt khác, phong-trào bất hợp-tác cũng tàn lực mất rồi. Một
nhóm luật-sư đã công nhiên mở cửa văn phòng của họ. Có kẻ lại tiếc là bị thiệt
hại quá nhiều trong thời kỳ tự ý bỏ khách, về quê. Hàng trăm học sinh nam nữ
ngày ngày trở lại xin tái nhập học đường. Ngay chính các đảng viên Đảng Quốc-hội,
những người chủ xướng phong-trào, cũng tỏ vẻ muốn trở lại những ghế đại-biểu của
của họ ở các hội đồng hành chính hay lập pháp, để có thể phá rối một cách công
nhiên những đề án của chính-phủ đưa ra bàn cãi.
Bởi thế, cuối năm 1922, Das và Metilal Nehru khởi xướng một
phong-trào chính-trị mới khác phong trào bất hợp-tác ở chỗ đòi hỏi chính-phủ
Anh phải ban hành ngay nền tự-trị ở Ấn. Bị đặt trước sự đã rồi, Cam-Địa phải thỏa-thuận
cùng với các lãnh-tụ nói trên về sự dung hòa các quan-điểm hành-động và bất-động.
Ông không muốn trong hàng ngũ Đảng Quốc-hội có sự chia rẽ giữa những người bênh
vực những quan-điểm khác nhau.
Nhưng Cam-Địa vẫn tin tưởng ở phong-trào bất hợp-tác. Trong
báo Young India, ông vẫn khuyên dân chúng tẩy chay các trường học, các tòa án,
các công sở, cùng các sự khen thưởng của người Anh. Song đồ đệ ông không còn
hăng hái như xưa. Xa ông, chí khí họ đã nhụt. Mọi sự hy-sinh trở nên đau khổ.
Trái lại, đường lối của phái Tự-trị do Matilal Nehru và C. R. Das cầm đầu có vẻ
quyến rũ hơn nhiều. Họ được tự do tranh cử vào các hội-đồng. Họ được công nhiên
bàn cãi và chỉ trích các đề án Chính-phủ đưa ra.
Thấy các lãnh-tụ chính-trị ra khỏi con đường đã cùng nhau thỏa-thuận,
ông tự thấy không còn giúp ích được gì cho cuộc tranh-đấu hiện tại nữa, và ông
quyết định tạm lánh khỏi trường chính-trị mấy năm để rảnh thì giờ ra dụ dân
chúng tự hoán cải đời sống tinh thần, ngõ hầu đúc luyện được cái sức mạnh mà quốc
gia trông đợi ở họ. Theo ông, hễ dân tộc Ấn mà trở nên mạnh mẽ mạnh mẽ vì những
đức tính trong sạch thanh cao chứ không phải vì lực lượng vật chất thì tức khắc
người Anh phải cởi mở cho họ tiến ra ánh sáng Tự-do.
Cam-Địa còn gắng sức hàn gắn lại tinh-thần đã rạn vỡ giữa hai
dân tộc Ấn, Hồi. Tất cả số tạp-chí Young India ngày 29 tháng 5 ngày 1924 của
ông dành cho vấn đề khẩn trọng đó.
Dưới nhan đề: «Tại sao có tình trạng căng thẳng
giữa hai dân tộc Ấn, Hồi? Làm cách nào giải được sự hiểu lầm?», ông
lần lượt trình bày những điều người Ấn trách ở người Hồi, và những điều trách
móc của người Hồi đối với người Ấn. Rồi ông nhắc độc giả chú ý tới những cuộc
xô xát giữa hai dân tộc. Ông cho là bởi dân chúng xa lìa phong-trào bất hợp-tác
nên mới xẩy ra các việc đó. Phong-trào bất hợp-tác là sợi dây buộc giữa hai dân
tộc. Nếu rứt bỏ nó đi thì làm chi mà chẳng sinh ra mâu-thuẫn. Tình trạng hiện tại
là một triệu chứng tỏ rõ cho ta biết hễ xa phong-trào bất hợp tác dân chúng trở
lại với bản ngã bạo động rồi. Rồi ông hỏi; làm cách gì để dân chúng trở lại
với lòng tin tưởng ở phong trào bất hợp tác? Và trả lời: Cứ hành động
rồi sẽ tin. Dân chúng cứ bất hợp tác đi rồi sẽ thấy ngọn lửa thiêng của lòng
tin tưởng lại nhóm cháy trong lòng.
Bài báo của Cam-Địa dài 6.000 chữ, và chứa chấp tất cả lòng
ông, Ông tin ở tình thân mật thiên nhiên của hai dân tộc đối với nhau. Họ không
thể nào ghét bỏ nhau mãi được. Tại sao? Bởi vì họ cùng là người cả, mà giữa
loài người và loài người, thì ghét nhau làm sao được. Chúng ta không thể giết nổi
được một loài sinh vật nào, dù nhỏ bé đến đâu, thì ghét sao được người đồng loại
của mình.
Tiếp tục xét nhận những điều có thể gây xích mích giữa hai
bên, ông nhận thấy điều lỗi ở phía người Ấn nhiều hơn là ở phía người Hồi. Hai
nguyên nhân mâu thuẫn lớn nhất là việc giết bò và vấn đề âm nhạc. Ông viết:
«Vẫn biết bò là một loài vật mà tôn giáo bắt buộc chúng
ta (người Ấn) phải tôn thờ. song tôi thiết nghĩ can chi chỉ một việc người Hồi
giết thịt một con bò cũng làm chúng ta điên cuồng sôi nổi? Các bạn chẳng
hàng ngày thấy người Anh giết bò ăn thịt đó sao? Và sao các bạn không phản
kháng? Như thế đủ hiểu lấy điều giết thịt một loài mục súc làm điều thù
ghét dân Hồi, thì thực các bạn đã ngã vào sự phi lý. Vả chăng, bạn thấy ở các
vùng quê ta, hàng đàn bò thả rông, không người chăm nom, trông thực thảm
thương? Bạn sùng kính chúng mà lại để chúng đói đến thế ư? Rồi bạn
lại đem bán cho người Anh giết thịt, thì có khác chi bạn sát sinh chúng bởi
chính tay mình?»
Còn về vấn đề rước sách thì ông lấy làm công phẫn về nỗi người
Ấn cứ nhè buổi trưa, trong lúc người Hồi làm lễ cầu nguyện Thánh Allah ở đền,
là cố ý rước qua, đàn sáo chiêng trống inh ỏi, gây sự ngăn trở cho những người
đang thành niệm.
Nhưng có điều ông quên, hay không muốn nói đến là những
nguyên do kinh tế của vấn đề. Bấy giờ, cùng với sự trỗi dậy của mấy chục triệu
người Hồi ở Thổ, dưới sự thúc đẩy của tướng Mustapha Kemal, khắp miền Nam-Á, một
phong trào Hồi-giáo đang bành trướng, mục đích từ bỏ cuộc đời du mục trên các
bãi sa-mạc héo hon, tìm lối len chân vào các tỉnh thành để làm ăn buôn bán, hay
kiếm một chức vụ trong các công sở địa phương.
Chúng ta đừng nên quên rằng ở một xứ kinh tế phôi thai như Ấn,
những chức vụ công được coi như những địa vị đem lại quyền thế cùng bảo đảm
tương lai cho người giữ chức. Lẽ dĩ nhiên người Ấn không ưa gì sự cạnh tranh chớm
nở của người Hồi. Lại thêm, và đó là sự thực. họ có một trình độ học thức cao
hơn người Hồi, nên thường được ưu thế trong việc tuyển chọn người vào công sở.
Chính Cam-Địa cũng công nhận rằng người Ấn phải được coi
trọng hơn người Hồi trong phạm vi này. Ông nói:
«Muốn làm trọn các nhiệm vụ người dân trông cậy ở họ,
các ngành hành chính phải do những người tài năng học thức đảm đương. Không có
thể có sự nâng đỡ riêng tây, hay sự mặc cả phân chia trong việc tuyển bổ công
chức. Nếu chúng ta cần 5 kỹ sư lành nghề, chúng ta không thể lấy ở mỗi phái một
người, để làm vừa lòng toàn thể. Chúng ta có thể lấy cả 5 người Hồi, nếu trong
số người Ấn và người Parsi không có ai tài giỏi».
Ngoài ra, ở cái xứ mà ánh nắng thiêu đốt kích thích mọi tâm
trí đến cực điểm, nhất là những thành phố lớn như Bombay, Calcutta mà hàng triệu
người chen chúc trong mọi kẽ ngách, chỉ bé cũng đủ xé ra to. Xem những vụ biến
động luôn luôn xảy ra trong mấy năm vừa đây, thì ta rõ ảnh hưởng của khí hậu
cùng với lòng bực dọc do sự sinh sống khó khăn đã biến mỗi đô-thị Ấn thành một
chảo dầu sôi.
Đã quyết định tìm đủ mọi phương sách để giải quyết tình trạng
bất hòa giữa hai dân tộc Ấn và Hồi, ông liền nhịn ăn luôn 21 hôm.
Ông biết rằng nhịn như thế không khác gì tự vẫn. Vì năm nay
ông đã 55 tuổi rồi. Ông vừa khỏi vết mổ trong người. Và mấy chục năm trời làm
việc không tiếc sức, nay dấu hiệu mệt mỏi đã in trên nét mặt khổ hạnh của ông.
Và tinh thần ông cũng chẳng được yên vui.
Tháng 6 vừa qua, khi đa số đảng viên nghiêng về thuyết tích cực
hành động, mà gác bỏ những lời ôn hòa ông khuyên nhủ, ông đã mủi lòng khóc ngay
tại hội-nghị trước mặt họ. Những vụ đổ máu liên tiếp giữa người Ấn và người Hồi
càng làm ông thêm buồn phiền. Ông biết rằng lần này tuyệt thực, ông không còn
hơi sức đâu chống với Thần Chết được nữa. Và mặc dầu ông không muốn chết - chết
làm sao được khi ông còn bỏ dở bao nhiêu việc phải làm - ông cũng phải cực lòng
nhìn nhận rằng bổn phận của ông là phải hy-sinh hết thẩy cho nhân loại mà ông
yêu quý.
Bởi vậy, ngày 18 tháng 9 năm 1924, ông nhất quyết nhịn ăn đủ
21 ngày để hòa giải người Ấn và người Hồi.
Vốn tính thực-tế, ông dàn cảnh thực là khéo léo. Ông nhịn ăn
ngay tại nhà một đồng chí người Hồi là Mohammed Ali, em ruột lãnh tụ Chaoukat
Ali. Mohammed Ali cũng như ông, là một trong những lãnh-tụ nồng-nhiệt nhất bênh
vực tình thân-ái giữa người Ấn và người Hồi. Cam-Địa đã viết rằng tình-trạng hiện
nay phần lớn do ở lỗi của người Ấn, song trong thâm tâm ông, ông tin rằng chính
những người Hồi cũng chẳng rộng rãi gì hơn các đồng bào ông. Ông thấy có bổn phận
phải cảm hóa cả người Ấn lẫn người Hồi để họ có thể cởi mở cỏi lòng để đón chào
những tư tưởng rộng rãi cao siêu hơn là lòng tự ái hay danh lợi thường ngày.
Khi bắt đầu tuyệt thực, ông có nói mấy lời tâm huyết sau
đây:
«Từ trước tới nay, cả người Ấn lẫn người Hồi đều không
thèm đếm xỉa đến những lời tôi kêu gọi họ hãy dẹp bỏ bất bình để cùng nhau
sát cánh chiến đấu cho lý tưởng chung. Bởi vậy, tôi nhất quyết nhịn ăn 21
hôm, bắt đầu từ hôm nay. Tôi sẽ chỉ uống nước lạnh hay nước muối. Tôi tha thiết
cầu xin các lãnh tụ hãy gặp nhau, và nhường nhịn lẫn nhau để sớm chấm dứt cuộc
tranh chấp, để tránh một tội ác đối với tôn giáo và đối với toàn thể nhân loại.
Chúng ta đã xua đuổi Thượng-Đế khỏi trái tim ta. Vậy ta hãy mở rộng tấm lòng
thành kính đón ngài trở lại, để dọn bóng soi đường cho những bước đi lầm lỗi của
chúng ta».
Mười hai ngày sau khi tuyệt thực, Cam-Địa trao mấy lời ông gượng
viết sau đây cho báo chí:
«Từ trước tới nay, chúng ta đã chịu bao nhẫn nhục đau
thương để tranh đấu, hòng cảm hóa tấm lòng người Anh đang cầm vận mệnh Tổ quốc
chúng ta. Chúng ta đã thất bại. Thì nay, chúng ta hãy cố gắng để tự cảm hóa
mình. Trước khi đòi hỏi Tự-do, chúng ta hãy tự hỏi lòng đã đủ cao thượng chưa,
hiểu biết lẫn nhau để gợi lẫn ở nhau tấm lòng tin cẩn mà nếu thiếu thì loài người
chỉ là những thú vật gầm ghè làm hại lẫn nhau».
Ngày thứ 20, ông đọc tội nguyện sau đây:
«Không bao lâu nữa, tôi sẽ từ giã cái thế giới bình lặng
của tâm hồn để trở lại cuộc xâu xé. Càng nghĩ tới, tôi càng thất vọng. Tôi tự cảm
thấy đến lúc phải bó tay. Chỉ có Đức-Thượng-Đế là có thể ban phép cảm hóa được
người đời thôi. Hỡi Đấng cao xa, hãy làm tôi trở nên vật hữu dụng của người và
cho tôi linh cảm được ý của người, ngỏ hầu tìm được phương-châm hành động, Thế
nhân thực là nhỏ bé. Vị vương anh dũng kia, đã làm rung động cõi Âu-châu dưới
gót ngựa của mình, mà một sáng đã thấy đang sống số phận kẻ tù đồ trên hoang đảo.
Đó là ý muốn của Trời. Ta hãy lấy đó làm gương sáng, mà đừng bỏ thái độ nhún
nhường tự hạ».
Tối hôm đó, theo lời một người thân cận, Thánh Cam-Địa rất tỉnh
táo và vui vẻ. Thánh nằm trên tấm ghế ngựa kê trên sân thượng, lúc ấy sáng
loáng ánh trăng. Chung quanh quây quần bạn bè thân tín. Họ cúi đầu lâm râm cầu
nguyện. Rồi từng người một, im lặng lui ra để Thánh nằm một mình, y nguyện tại
chỗ.
Ngày thứ 21, và là ngày cuối cùng của thời gian tuyệt thực:
«Gần 4 giờ sáng, chúng tôi được đánh thức dậy để cầu
kinh - vẫn lời người thân tín - trăng đã lặn, và trời tối sầm. Gió rét căm căm.
Thánh nằm một mình trong tấm chiên ấm áp. Tôi hỏi người có được an giấc
chăng?»
Thánh trả lời: «An lắm». Chúng tôi sung sướng
thấy tiếng Thánh đã mạnh mẽ chứ không yếu ớt như sáng qua. Buổi cầu kinh sáng
hôm đó vô cùng cảm động. Lúc cuộc tuyệt thực chấm dứt, nghĩa là đúng 12 giờ
trưa, Thánh gọi chúng tôi lại quanh giường. Người bảo:
«Ta muốn bạn Iman (một người Hồi) đọc cho ta nghe một
đoạn kinh Coran. Rồi bạn Andrews hát cho ta nghe một bản Thánh Ca, bản mà ta vẫn
thường ưa thích. Sau rốt, Vinoba sẽ đọc kinh Oupanichads và bạn Balkrichna hát
bản Vaichnava…»
Đúng ngọ thì trước mặt đông đủ các lãnh tụ chính trị Ấn và Hồi,
cùng mọi người trong nhà, từ các vị thầy thuốc cho đến các gia nhân, Thánh
Cam-Địa cất giọng khuyên nhủ mọi người. Tiếng người yếu quá đến nỗi chỉ ai quỳ
sát bên giường mới nghe thoảng được đôi lời. Thánh muốn rằng mọi người hãy hy
sinh hết thảy cho lý tưởng nhân đạo, dù phải dâng cả tính mạng cũng chẳng nề
hà. Các lãnh tụ Hồi cảm động nhắc lại những lời họ đã hứa cùng Người. Rồi ai nấy
đều hát khúc Thánh ca xưng tụng tình nhân loại. Cuối cùng thì bác sĩ Ansari đem
lại một tách nước cam tươi. Khi Thánh nhấp môi vào miệng tách nước cam tươi.
Khi Thánh nhấp môi vào miệng tách thì mọi người biết rằng tuần 21 ngày tuyệt thực
của Người đã chấm dứt.
Chương 18
MỘT NĂM LẶNG TIẾNG
Cuối năm 1924, tình trạng nước Ấn cũng giống như tình trạng
thông thường của mọi nước sau cuộc chiến-tranh. Thời tranh-đấu sôi nổi đã qua,
và người Ấn thả mình trôi theo những thú vui cùng danh lợi dễ dàng. Cuộc tuyệt
thực thực 21 ngày cũng không đem lại kết quả khả quan. Các nhà lãnh-tụ dẫu
đầy thiện chí, song cuộc xung đột vẫn âm-ỉ giữa hai khối Ấn, Hồi.
Đối với Cam-Địa, tình trạng đó không thuận tiện cho một cuộc
thảo luận với người Anh. Ông bèn quay về một chương trình cũng cố lực lượng
tinh thần của dân chúng, hòng dùng đến về sau. Ông vẫn chủ trương hòa giải Ấn,
Hồi, giải-phóng giai-cấp triện-dân và cổ-võ phong-trào nội-hóa.
Ông vẫn không tán thành việc tham dự vào các hội đồng chấp-hành
hay lập-pháp địa-phương. Ông thường nói:
«Nếu tự-trị sẽ đến, khi nào tất cả chúng ta đều có đủ
khả năng chống lại cường quyền».
Ông cũng biết là phái trí thức ái-quốc Ấn dù mến chuộng ông
song không đồng ý cùng ông về đường lối tranh-đấu. Ông không lấy thế làm phật
ý. Ông chỉ nói:
«Tôi nhận xét thế thôi. Để tỏ rằng sức cảm hóa đồng bào
của tôi chỉ có hạn».
Ông chê phái trí-thức hay chia bè phái. Vì họ tranh-đấu cho họ,
để nắm được quyền-binh, hơn là tranh-đấu cho dân chúng. Ông thường nói:
«Họ hoạt-động từ trên xuống dưới. Tôi hoạt-động từ dưới
lên trên».
Ông lại trách họ không chịu ủng hộ phong-trào cổ động dùng
hàng nội hóa của ông:
«Họ không hiểu rằng đó là một dây liên lạc vô hình
nhưng độc nhất vô song sẽ làm cho đại chúng cảm thông được với họ».
Một nhà tôn-giáo Mỹ một hôm hỏi ông điều gì thường làm ông lo
lắng nhất cho tương-lai dân tộc? Ông trả lời: «Lòng
khô-khan vụ lợi của những người trí-thức».
Nhưng ông vẫn nuôi ý tưởng cảm hóa được phái trí thức Ấn, một
ngày kia. Ông cho rằng chỗ của ông không phải là ở địa vị lãnh tụ Đảng Quốc-hội.
Ông không muốn đánh vào lý trí của họ. Ông muốn đi thẳng vào trái tim của họ,
mà ông đã cảm hóa được hồi năm 1915 và 1919. Bởi thế ông từ chức lãnh đạo chính
trị của phong trào giải phóng.
Người ta muốn giữ ông ở lại, lấy cớ rằng rời bỏ trường chính
trị thì ông không còn uy tín mạnh mẽ trong dân chúng nữa, vì ông không có lập
trường hoạt động. Ông trả lời:
«Uy tín đâu có thể tìm cách gây được, và tự do giữ được?
Nếu lấy được lòng dân, thì uy tín khắc đến với mình, và khi ấy thì không phải
giữ, cũng tồn tại với mình mãi mãi».
Thực vậy, ông không hoạt động gì về chính trị mà uy tín ông
vang dậy khắp cõi Ấn. Suốt năm 1925, ông đi khắp nước, lặn lội tìm đến những
nơi xa xôi hẻo lánh nhất để tiếp xúc với dân chúng. Nhưng lần này các đồ đệ ông
nhất định không chịu để ông đi xe hỏa hạng cuối như ông muốn nữa. Họ ép ông lên
toa hạng nhì. Ông cũng bằng lòng, không phải vì chỗ ngồi rộng rãi mát mẻ hơn,
mà là vì trên toa hạng nhì ông có đủ chỗ ngồi viết lách; Vì rằng, dù ở
nơi nào, hàng tuần ông vẫn không quên gửi bài về đăng trên mấy tờ tạp chí của
ông. Đi tới đâu, ông cũng bị hàng trăm ngàn người vây bọc chào đón tưng bừng.
Ông than phiền là không lúc nào được dân chúng để yên, dù là khi tắm rửa. Chân
tay ông xây xát vì dân chúng ôm lấy mà hôn. Ông phải bôi thuốc mỡ vào ống chân,
Toàn thể một bộ lạc ở miền núi kia muốn xin ông cho một bức chân dung để tôn thờ
làm tượng. Ông cho sự sùng bái ấy là thừa : «Tôi có phải ông Thánh
đâu?» Nhưng dù ông muốn nói thế nào, dân chúng cũng coi ông như hiện
thân của Đức Phật, của Thượng-Đế như thần Krichna. Từ những nơi làng mạc xa
xôi, ở tận cùng những bãi cát khô khan, hay thẳm trong núi tuyết băng che phủ
dân chúng ùn ùn kéo tới để sùng niệm ông như sùng niệm một vị Thánh giáng phàm.
Nhiều khi, phải khó nhọc mới đưa được ông ra khỏi đám đông, vì sợ ông bị công
chúng xô đẩy nhau mà dẫm chết.
Noi về việc cổ động canh cửi thì nhiều người cho đó là một sự
ám ảnh đối với Cam-Địa. Ông cho việc canh cửi là hoạt động cổ truyền của người Ấn.
Nước Ấn từ xưa vẫn sống đầy đủ về nghề trồng bông và dệt vải. Không ai thiếu ăn
thiếu mặc. Vậy mà từ ngày văn minh vật chất xuất hiện trên đất Ấn, cùng với sự
hiện diện của người Anh, thì nghề nghiệp của ông cha hình như bị dân gian sao
nhãng. Mỗi năm, hàng vạn người chết đói, là vì người Ấn đã bỏ phí mất nguồn lợi
thiên nhiên của mình.
Phái trí thức nhiều người chế giễu phong trào chấn hưng nghề
dệt của Cam-Địa. Họ cho rằng vải dệt bằng tay thô thiển, mặc sao cho tiện. Có kẻ
lại cho rằng vải đó chỉ nên dùng làm vải liệm.
Tuy công dụng của phong trào dệt cửi không có kết quả kinh tế
rõ rệt, song ai cũng phải nhận rằng nhờ phong trào dệt mà Cam-Địa thức tỉnh được
người dân Ấn. Có mặc những thứ vải thô do chính tay họ dệt nên, họ mới nhận thức
được giá trị của những vật chính tay mình gây nên; Đồng thời, họ sẽ công
phẫn trước sự xa hoa phí phạm của những kẻ bám vào người Anh mà cầu bả vinh hoa
phú-quý. Họ sẽ biết so sánh sự bần hàn hiện tại của người cùng dân Ấn với những
lầu ngọc nhà vàng của bọn phong kiến, hiểu rằng tất cả những sự phù phiếm, mà
trước đây họ nhìn ngắm với con mắt thèm thuồng kính phục, kỳ thực chỉ là loài
ma quái đâm chồi nẩy rễ trên xương máu của đám dân đen.
Tất cả những sự hoạt động liên miên đó làm cho Cam-Địa ngày
thêm suy yếu. Mỗi ngày ông họp dân chúng tại bốn, năm nơi khác nhau. Ông tiếp tất
cả những người bốn phương kéo đến để hỏi han ông, từ những vấn đề chính trị lớn
lao cho đến công chuyện riêng tây. Ông thức hàng đêm trắng để trả lời thư từ điện
văn gửi đến chất thành từng đống. Lại thêm dầu dãi nắng mưa, khiến ông càng
thêm mình hạc vác ve. Vậy mà đến tháng một năm 1925, ông còn nhịn ăn một tuần nữa.
Dân chúng lo âu, thường tự hỏi tại sao ông còn huỷ hoại thêm
thân thể? Ông trả lời:
«Đồng bào đừng nên quá chú trọng vào những tuần nhịn ăn
của tôi. Đối với tôi. sự nhịn ăn khiến cho tôi rũ sạch chất phàm, thanh sạch
lâng lâng mà nhìn thấu đào vào tới ngách sâu thẳm của linh hồn. Sự nhịn ăn làm
cho mắt nhờ đó trông rõ thâm tâm, cũng như đôi mắt thật cho tôi được trông thấy
cảnh vật bên ngoài vậy».
Ông lại so sánh người nhịn ăn với những nhà leo núi:
«Họ tìm cách leo lên đỉnh Hy-mã-lạp-sơn. Tôi tìm cách
đưa linh hồn lên những thượng tầng trong sạch thanh cao, để vượt khỏi hàng rào
của thể chất».
Đến tháng chạp năm 1925 thì Cam-Địa mãn khóa Chủ-tịch đảng Quốc-hội.
Ông bèn trao phó lại gia tài chính-trị cho bà Saroyini Naidu, một chính khách
kiêm một nữ thi sĩ tài hoa. Rồi ông nguyện trong suốt năm tới sẽ không đả động
một tí gì đến mọi vấn đề chính trị. Ông sẽ rút lui về khu Ashran trên bờ sông
Yaharmati để di dưỡng linh hồn và thân thể. Theo ông, cuộc tranh đấu chính trị
của Ấn bấy giờ đang trải qua một thời kỳ hư ruỗng. Đó là thời kỳ lý tưởng để
không bận tâm về những vấn đề chính trị nữa.
Cam-Địa tổ chức một năm lặng tiếng. Cứ ngày thứ hai, thì ông
hoàn toàn nín lặng. Ai nói thì ông nghe, hỏi lắm thì ông trả lời bằng một mẫu
chữ nguệch ngoạc trên mảnh giấy con. Bởi thế, ngày thứ hai, ông đã được nghỉ
ngơi một cách hoàn toàn, để đắm trí não vào sự trầm tư mặc tưởng.
Còn những ngày khác thì ông nói. Duy ông không đi mà cũng
không nói trước công chúng, Song ông vẫn đàm luận cùng các khách khứa hoặc cùng
các đồ đệ, trao đổi thư từ với hàng ngàn nhân vật ở bốn phương thế giới.
Ngày mồng 1 tháng 4 năm 1926, Lord Irwin (về sau là Ngoại-tướng
Lord Halifax của Anh trong thời kỳ đại chiến thứ 2) sang Ấn làm Phó vương thay
Lord Reading. Cam-Địa không đả động gì việc đổi đó. Ông hoạt động trong dân
chúng, chứ không tiếp với nhà cầm quyền Anh. Tuy nhiên, ông cảm thấy người Anh
đang sửa soạn chia rẽ một lần nữa tình hữu nghị giữa người Ấn và người Hồi.
Hình như chính-phủ Anh có ý nâng đỡ người Hồi, để kéo dân Hồi về phe mình, làm
cho họ nghịch với người Ấn.
Cam-Địa đi tới kết luận là ngày nào mà người Anh còn có mặt ở
Ấn để xui nguyên dục bị, thì người Ấn và người Hồi còn chia rẽ nhau mãi mãi. Vậy
thì, trái với điều ông vẫn thường tuyên bố, sự hoà giải Ấn-Hồi đáng lẽ phải là
điều kiện thành công của nền tự trị, thì lại là kết quả của nền tự trị đó.
Cam-Địa vẫn thường khuyên người Ấn nên đối đãi với người Hồi
thiểu số một cách nhân nhượng hơn, Vì thế nhiều người Ấn có ý trách ông là thân
Hồi.
Năm 1925. ông cũng dự nhiều cuộc tranh biện về vấn đề sinh dục.
Ông công nhận rằng một nguyên nhân sự nghèo khổ thảm thương của dân tộc Ấn là
dân số hàng năm tăng gia quá nhiều (5 triệu một năm). Vậy phải kiểm soát sự
sinh đẻ. Nhưng ông cực lực phản đối phương pháp khoa học của người Âu. Ông chỉ
công nhận sự kiểm soát bởi chính mình, sự kiểm soát của tinh thần trên xác thịt.
Ông viết: «Chỉ có cách tập tự chủ được cõi
lòng cùng xác thịt mình là kiểm soát được sự sinh đẻ theo ý muốn».
Không có sự tự chủ ấy, loài người sẽ chẳng khác loài muông
thú. Ông lại đoan quyết rằng sự hãm mình lâu ngày hay vĩnh viễn không có chi là
hại cho sức khỏe cùng tinh thần, mà chỉ có lợi thôi. Nhưng tự chủ được mình mà
kim hãm dục tình không phải là không khó khăn.
«Tuy nhiên» - ông nói - «ích lợi
thu được không phải là nhỏ. Tinh khí nếu đừng phí phạm đi, mà giữ lại được trong
người sẽ biến thành ý chí kiên quyết và sức khang cường của thân thể».
Và ông lại nói thêm:
«Ví dụ các phương pháp kìm hãm sự sinh nở cùng phá thai
của người Âu-Tây mà có đem áp dụng ở bên Ấn ta cũng không được. Bởi vì dân ta
hàng triệu người, lấy đâu ra nhà chuyên môn, máy móc, thuốc men cần thiết để
phá thai».
Cam-Địa còn hết sức công kích chế độ tảo hôn. Theo ông, nếu
không thể bắt chước được những bậc thánh hiền cùng những người có một dũng lực
tinh thần vô biên mà diệt được sức dục hòng giữ cho thân thể được hoàn toàn
trinh sạch, thì tuổi tốt nhất để thành hôn phải là từ 25 trở đi đối với con
trai, và 21 đối với con gái. Muốn tránh những sự kích thích về tình dục, ông
khuyên nên tránh các thức ăn nhiều gia vị, những áo quần lộ liễu, những tranh ảnh
cùng sách báo khiêu dâm. Trái lại, công việc chăm chú, thể thao, lòng sùng tín,
những buổi đọc kinh, đó là những phương pháp công hiệu nhất để kiểm soát dục
tình.
Tục tảo hôn bên Ấn còn gây ra một vấn đề xã hội đau thương là
có những trẻ gái góa chồng từ thủa còn thơ, đến nỗi sớm bắt buộc phải gác bỏ cuộc
đời trong khi còn tuổi xanh mơn mởn. Theo các bản thống kê của thời bấy giờ,
thì khắp nước có tới 11.892 trẻ em gái góa chồng từ khi chưa đến 5 tuổi. Số
«bà góa» từ lên 5 đến lên 10 là 83,057-329,147 thiếu nữ goá chồng từ
khi chưa đến 16 tuổi. Theo tục lệ Ấn thì bọn con gái này bắt buộc phải ở vậy suốt
đời. Cam-Địa cực lực phản đối thói tục dã man ấy. Ông cãi rằng: «Chúng
có goá đâu, vì chúng đã bao giờ thành những người đàn bà có chồng?»
Và ông dịu lời: «chúng đã biết thế nào là ái tình đâu?»
Ông cho sự ở vậy là một giải pháp phải để người trong cuộc tự chọn lấy, sau khi
cân nhắc kỹ càng, còn như bắt buộc những đứa trẻ thơ sau này lớn lên phải tự
nén lòng mình thì thực là cả một phương pháp trái với đạo Trời.
Bấy giờ danh tiếng của Cam-Địa đã lan tràn ra khắp Ấn và vang
động đến tận Mỹ-châu. Tại Pháp, văn sĩ Rolland xuất bản một cuốn sách nói về
ông. Từ Mỹ, ông nhận được rất nhiều thư từ, cùng là lời mời sang thăm Mỹ-quốc.
Nhưng ông đều từ chối.
Sau một năm im lặng, Cam-Địa trở lại chiến trường chính trị với
những quan điểm cũ y nguyên không thay đổi.
Thường thường, nói trước khán đài, ông giơ bàn tay trái lên
trước mặt xòe 5 ngón ra. Rồi dùng hai ngón tay phải nắm lấy ngón cái bên trái
mà lắc lắc, ông nói: «Ngón này tức là: hãy đối đãi với bọn tiện
nhân như người bình đẳng». Rồi ông nắm lấy ngón trỏ: «Đây là
ngón tay dệt cửi». Đoạn đến ngón ba, có nghĩa là đoạn tuyệt với rượu và
thuốc phiện. Ngón đeo nhẫn là tình thân mến giữa Ấn và Hồi. Ngón út chỉ sự bình
đẳng giữa các phụ nữ mọi giai cấp. Năm ngón ấy nối liền với thân thể bởi cổ
tay: đó là lời tự nguyện không dùng bạo lực. Năm điều tâm niệm ấy, nêu thực
hành được trọn vẹn sẽ hoàn hảo được bản ngã tốt đẹp của mỗi người, và nhờ đó, sự
giải phóng đất nước chỉ là kết quả dĩ nhiên.
Thường khi trước đám công chúng ồn ào đến vài chục vạn người,
ông nín lặng không cất lời cho đến khi mọi người im phăng phắc như tờ. Ông vẫn
im lặng. Mọi người liền ngồi cả xuống đất. Bấy giờ ông mới giơ hai bàn tay lên,
để phủ dụ mọi người, rồi mỉm cười mà lui gót. Đó là một cách ông truyền bá luồng
tư tưởng cho dân chúng. Chịu khó ngồi yên lặng để tiếp nhận ý nghĩ của ông, họ
đã tập tự kiểm soát mình, và tìm đọc trong thâm tâm để tự hiểu. Đó cũng là một
bước tập tành để đi dần đến tự lập.
Trong mọi điều Cam-Địa giáo huấn, duy có lời khuyên nhủ
của ông đối với hai phái Ấn, Hồi là không được ai nghe.
Bấy giờ Lord Irwin đã thay Lord Reading làm Phó-vương Ấn-Độ.
Ông là cháu một viên quan Anh tại Ấn-Độ, từ hồi thuộc địa mới khai phá, nên ông
tỏ ra rất am hiểu dân tình. Ngay hôm đầu tới Bombay, nhằm ngày thứ sáu, ngày lễ
của dân Ấn, ông đã cho xếp dọn hết các nghi trương tiếp đón dàn ra, để một mình
vào cầu kinh trong đền. Tuy nhiên, ông không chịu gặp Cam-Địa, lãnh-tụ độc nhất
được dân Ấn tôn-sùng hồi bấy giờ. Chỉ 19 tháng sau, giữa khi đang hô-hào dân
chúng ở Bengalore, Cam-Địa mới nhận được điện văn của Phó-vương ngỏ ý muốn gặp
ông ngày 5 tháng 11 tới. Ông vội vã vượt hơn 2 ngàn dặm đường về Delhi, để được
gặp Phó-vương vừa vặn một phút rưỡi đồng hồ. Vị quan Anh này chỉ trao cho ông một
bức điện văn báo tin một uỷ-ban Anh điều khiển bởi Sir Johu Simon sắp tới Ấn
nay mai để điều-tra về những điều-kiện áp-dụng một vài điều cải cách.
Sau khi đọc xong bức điện, Cam-Địa ngước mắt trông lên, chờ đợi.
Phó-vương vẫn im lặng:
- Ngài muốn gặp tôi chỉ để báo tin ấy thôi sao?
- Chính vậy.
Cuộc tiếp xúc thế là chấm dứt. Không nói một lời, Cam-Địa tiếp
tục cuộc hành trình đi khắp miền Nam Ấn-Độ để cổ võ phong-trào dùng hàng nội
hóa.
Phái đoàn Simon là một sáng kiến của viên Bộ-trưởng Ấn-Độ-Vụ
trong chính-phủ Anh, tức là Lord Birkenhead, một khối óc lạc hậu. Hãy nghe ông
tuyên bố trước Thượng nghị viện năm 1929:
«Tôi dám đoan quyết rằng hàng thế kỷ nữa, người Ấn cũng
chưa đủ sức đảm nhiệm lấy được việc cai trị, việc quốc phòng trong nước họ».
Bởi vậy, phải đoàn Simon tới Ấn đã bị tẩy chay tàn tệ. Nhất
là phái đoàn định tìm một giải pháp về chính thể tương-lai sẽ ban cho người Ấn
mà không có lấy một người Ấn nào ở trong. Tức thì một mệnh lệnh ban ra toàn
cõi: không ai được giúp đỡ phái đoàn bất cứ về phương diện nào. Tại
Bombay, phái đoàn Simon được tiếp đón bằng những hàng cờ đen, và những tiếng:
«Simon! Hãy cút về».
Không một lãnh-tụ chính-trị nào tiếp xúc với phái đoàn. Cam-Địa
còn quyết liệt hơn nữa. Suốt trong thời gian phái đoàn ở trên đất Ấn, ông không
thèm biết đến họ. Song dân Ấn không bình tĩnh như ông. Cuộc tẩy chay dữ dội đến
nỗi nhiều khi lính tuần Anh phải đàn áp. Lãnh-tụ xứ Pundjab là Laypat Rai, một
người được dân tình cảm mến, bị một viên cảnh binh dùng gậy bịt sắt đánh tử
thương trong một cuộc biểu tình phản đối tại Lahore. Lại Lucknow, Yaouaharlal
Nehru cũng bị hành hung. Dân chúng trả miếng tức thì. Ngay hai tuần sau khi
Laypat Rai chết, viên Cảnh-sát-trưởng Lahore là Saunders đã đền mạng dưới làn đạn
của một người Sikh là Bhagat Singh, mà từ đó chúng coi như một vị anh hùng dân
tộc.
Chính-phủ Ấn lợi dụng dịp để đàn áp luôn các phong-trào
chính-trị khác phong-trào quốc-gia như các nhóm Tổng công-đoàn, Xã-hội, cùng Cộng-sản.
Năm ấy, Đảng Quốc-hội họp đại hội thường nhiên ở Nagpour.
Toàn thể đảng viên đòi phải hành động ngay. Soubhas Chandra Bose và Yaouaharlal
Nehru, hai lãnh tụ thanh-niên, đòi tuyên-bố ngay Độc-lập, và khởi sự ngay sau
đó Cam-Địa yêu cầu hãy gửi tối hậu thư cho người Anh một hạn là hai năm để từ
giã đất Ấn. Đảng không chịu. Ông phải hạ kỳ hạn ấy một năm. Ông phát thệ rằng tới
ngày 31 tháng chạp năm 1929, nếu Ấn không thành một tự trị lãnh, thì ông sẽ
tình nguyện đi khắp nước để cổ võ phong-trào độc-lập.
Để dự bị cuộc hành-động sau này, ông dùng suốt năm 1929 để đi
khắp nơi hô hào dân chúng.
Trong khi ấy thì dân chúng tiếp tục tẩy chay phái đoàn Simon.
Ngày mồng 8 tháng 4, Bhafhat Singh, người Sikh đã giết viên Cảnh-sát-trưởng
Lahore để báo thù cho Laypat Rai đàng hoàng tiến vào Lập-pháp-viện bấy giờ đang
họp ở New Delhi, ném 2 trái bom vào các hàng đại-biểu rồi lăm lăm tay súng mà
rút lui. May không ai bị chết, trừ một đại biểu bị thương khá nặng. Sir John
Simon chính mắt chứng kiến vụ bạo động trên hàng ghế thính giả. Đó là kỷ niệm
cuối cùng của ông trên đất Ấn, vì phái đoàn vội vã về nước ngay trong tháng ấy.
Tháng 6 năm 1929, cuộc Tổng tuyển cử Anh kết liễu với sự đắc
thắng của Đảng Lao-động. Ông Ramsay Madonald lên cầm quyền chính. Cam-Địa hy vọng
sự thay đổi này sẽ đem lại một giải pháp để ổn định tình thế mỗi lúc một khẩn cấp.
Lord Irwin vội vã về ngay Anh để xin huấn lệnh mới. Đến khi
ông về Ấn với lời hứa sẽ triệu tập một hội nghị Bàn Tròn để quyết định về chính
thể tương lai của Ấn, thì các lãnh tụ ôn hòa như Cam-Địa, Matilal Nehru, Besant
buộc trước hết hãy vỗ an dân tình bằng cách ân xá cho phạm nhân chính trị cùng
là hứa sẽ nhận cho Đảng Quốc hội được hưởng một thành phần rộng rãi trong Hội
nghị Bàn Tròn. Nhưng các lãnh tụ quá khích như Soubhas Chandra Bose và
Yaouaharl Nehru, bấy giờ đang là chủ tịch đảng Quốc hội. phản kháng kịch liệt
việc hoà giải với người Anh. Mặc, các lãnh tụ ôn hòa cứ việc tự ý quyết định thảo
luận với Lord Irwin ngày 23 tháng chạp.
Ngày đó, Phó vương Anh vừa đi kinh lý miền Nam nước Ấn, về đến
ga New Delhi thì bị một quả bom gài sẵn trên đường sắt nổ ngay dưới toa ông.
May không ai việc gì. Nhưng một tin khác đánh đổ hết mọi xây dựng của ông ta.
Quốc hội Anh đã biểu quyết phản đối nguyên tắc thiết lập một hội nghị bàn tròn
mà Phó vương đã hứa cùng người Ấn. Cho nên cuộc thảo luận không đưa đến kết quả
nào. Khi các lãnh tụ Ấn xin ông nhắc lại một cách rõ rệt lời hứa trước kia thì
ông đành trả lời thoái thác.
Thế là một năm đã qua, mà người Anh chưa chịu trả lại tự do
cho Ấn-Độ. Đúng như đã sửa soạn từ trước, Đảng Quốc hội, dưới quyền chỉ đạo của
Yaouaharlal Nehru, năm ấy vừa 40 tuổi, trong phiên đại hội lịch sử ở Lahore, đã
công nhận tuyên bố Ấn-Độ hoàn toàn độc lập, và quyết nghị bắt buộc hết thảy mọi
đảng viên đều phải rút lui khỏi hết các hội đồng chính-phủ, phát động phong
trào bất hợp tác trong dân chúng, và thi hành ngay việc không đóng thuế. Ban chấp ủy lại giao cho Cam-Địa toàn quyền quyết định ngày giờ cùng nơi khởi sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét