Nhưng chết thì sao? Những vòng hoa của bao nhiêu kẻ ngưỡng vọng
không phải là một niền an ủi lớn à? Tôi hỏi Bửu Chi, người có mặt ở Hà Nội khi
bác Nguyễn mất, lúc anh sang Pháp làm triển lãm hè năm 88. Không đáp, Bửu Chi kể,
ông ấy nằm ở nhà xác chờ các thứ cơ quan như Hội Nhà Văn, Hội Liên Hiệp Nghệ
Thuật... họp để bàn giao xem nơi nào làm chủ lễ tang, kinh phí đào ở đâu ra, tri
trả thế nào... Ba ngày liền phải chờ, trời thì nóng, Hà Nội mất điện liên tục
nên xác ông ấy bắt đầu trương lên, chuột nó vào gặm cái tai trái cắn nát ra, da
mặt đã xám lại. Để trang điểm cho ông, người ta lấy phấn viết bảng nhà trường
ghiền ra bôi lên mặt. Còn môi ông, người ta thoa son, son loen ra cằm nhếch
nhác, trông chẳng khác gì hề trong những vở chèo. À, thì chết như vậy, hỏi có
não lòng, hở Trời!
8. Về Hà Nội, việc đầu là tôi đến thắp hương vái bác Nguyễn.
Vẫn căn phòng với giá sách bám bụi như xưa. Nhưng thôi, đâu rồi cái giáng gù
gù, mái tóc bạc xõa đến gần vai, và nhất là cái nhìn hóm hỉnh đèo nụ cười nửa
miệng. Nay, có khác là cái bàn thờ đặt ngay lối vào phòng. Nay, chỉ còn bức ảnh
bác lặng lẽ trang nghiêm đặt trước một bát nhang đầy tro rải xuống nhắc chuyện
về nơi cát bụi. Bác gái bật diêm cho tôi châm hương, thì thào, ông nhà tôi đi
sau ông bạn già đúng một năm, đôi lúc không còn tỉnh là hỏi tôi có tin gì từ
bên Mỹ không...Còn tôi, tôi chắp tay vái, tai văng vẳng câu ‘‘mình tồn tại được
cho tới nay bởi biết sợ”.
Như bác Nguyễn mà phải sợ thì hỏi có ai mà không sợ? Nhà văn
Kim Lân kể, trong một buổi họp hành gì ở Hội Nhà Văn, bác Nguyễn bực dọc kêu với
đồng nghiệp rằng gì cũng sợ, nhưng ngẫm lại thì chẳng biết sợ cái gì! Bác nói,
rồi uể oải chống batoong đi ra. Nhưng lần này, lần đi cuối, chắc bác chẳng cần
cái sợ theo chân. Sống chết thì cũng thế, vậy sợ gì tham gì, chắc
chắn người bạn già của bác cũng đã đọc cho bác nghe rồi. Nói chuyện với anh
Lân, ngày đưa bác đi Văn Điển quả bao nhiêu hoa ở Hà Nội đều là hoa tiễn bác.
Và từ thời đám tang cụ Hồ, chỉ lần này dân Hà Nội mới lại tự động xuống đường
đưa đám một người. Lại một người không quyền cao chức cả mà chỉ mang danh phận
nhà văn. Ai dám bảo bạc là dân nào?
Danh phận nhà văn? Trí thức phương Đông xưa ‘‘trung
quân”, và nay tiếp tục phò chính thống như một cái nếp tiềm thức bao che một
loài vi khuẩn mang tên vong nô. Thỉnh thoảng mới có một Nguyễn Hữu Chinh, một
Cao Bá Quát, hay một Hồ Xuân Hương, những người dám nổi loạn. Ngoài ra, phần
đông họ ngâm vịnh cho sướng miệng, đánh tráo nghĩa bằng chữ, và thường mang giấc
mơ tiến vi quan, dẫu cho quan thì nhất thời nhưng dân vạn đại vẫn cứ vạn đại là
loài thấp cổ bé miệng. Nhưng may thay, chính những kẻ thấp cổ bé miệng đó mới đồng
thanh tương ứng với những người cầm bút nói thay được ước vọng ngàn đời của họ
để âm vang của những con chữ có nghĩa sẽ truyền qua vách vực thời gian...
Bác Nguyễn, thế là đâu đó đúng 18 năm bác đã thành người
thiên cổ. Năm kia, phúng bác dăm câu thơ. Năm nay, chép lại một đoạn,
Viết toạc trời xanh
chữ người tử tù
Những chữ ngoằn ngoèo
rạch mây nhỏ máu
Ô này,
một thời từng vũng...
Vũng nào vang bóng chốn thiên thu?
gửi bác với tấm lòng kẻ hậu sinh này ngày xưa đã đi tìm một
trăm cách khóc để khóc bác.
2. Những con voi không đẻ được
Tưởng nhớ Văn Cao
Bài này viết khi anh đang nằm bệnh, đã tưởng khó qua. Anh
lành bệnh, và in tập thơ Lá (nxb Tác phẩm mới, 1988), viết ‘‘Voi đã đẻ, gửi đứa
con để anh nuôi’’. Rồi năm 95, anh cũng đã về với cát bụi. Và cát bụi mệt
nhoài, trong hoàn cảnh những người làm văn hóa của thế hệ anh.
1. Ra khỏi nhà anh Lê Đạt, nắng Hà Nội hầm hập. Nắng đến rát mắt,
nắng sáng lóa, nắng lên đỉnh ngọn tre ở nhà quê. Nắng đổ xuống làm ướt nhem
nhép nhựa đường lòng phố thành thị. Cả Hà Nội ngủ trưa thì phải. Chỉ còn vài kẻ
gò người đạp xe đạp. Mồ hôi ứa ra ướt đẫm nách áo, lưng áo. Dăm ba đưa trẻ ngơ
ngác bước ven những căn nhà cũ, bẩn, nhưng vẫn còn chút bóng mát của những cái
liếp tre, liếp nứa treo hờ hững. Cái nóng từ mặt đường nứt nẻ, lỗ chỗ, đến những
bức tường gạch xám xịt, loang lổ cứ bốc hơi độ khó hít thở một cách tự nhiên.
Nắng quá, anh ơi. Lấy tờ báo mà che đầu, khéo cảm đấy. Nhanh
nhanh đi anh, bà chị em bà ấy đợi. Này, rẽ trái trên phố Lương Văn Can trước mắt
kia kìa. Nắng ráo, ráo cả cổ. Giá mà có một cốc nước chanh. Thật lạnh, là hết xẩy.
Hết xẩy là làm sao cậu? Là hết ý của Hà Nội ta đó. À, ra thế, hay nhỉ! Thế anh
có biết cái hết ý “hiện đại” của dân gian không? Mình đóng cửa đọc sách lâu rồi,
chịu không biết! Thế kể nhé “...Tiền là tiên là phật. Là sức bật của loài người.
Là nụ cười của tuổi trẻ. Là sức khỏe của cụ già. Là cái đà của danh vọng. Là
cái lọng của nịnh thần. Là cán cân của công lý. Tiền là... hết ý
Thế là cùng cười. Tôi nhìn sang anh, vẫn có một cái gì thật
đôn hậu trong cái con người đầy sóng gió này. Anh cũng đưa mắt nhìn lại. Nụ cười
không còn cái xuề xòa của một câu chuyện vui, hình như mắt đầu hơi mếu. Chúng
tôi bỗng dưng trở nên trầm ngâm. Và bước nhanh hơn. Eo ơi! Vẫn cứ nắng. Nắng bốc
lửa. Nắng xém tóc. Cứ thế này, trở thành Xuân tóc đỏ tất. Nắng bốc hơi, nắng
thui, nắng và ẩm, nắng làm ri rỉ mồ hôi. Nắng quá.
Chúng tôi bước vội vào căn nhà, số... phố... Đây là một hiệu
ăn sắp khai trương. Ông bà chủ là họ hàng gì đó với chủ cái gác ở Lý Quốc Sư,
cái gác ăn kiểu Âu nổi tiếng. Tôi nói bâng quơ “ Kiểu Âu nhưng cách Hà Nội đấy’’.
Món ăn Âu đã biến hóa, được thêm thắt bằng cái mùi vị rất ta. Nhất định
là có cả nước mắm. Anh Đạt hóm hỉnh “ Ta có cách của Ta’’.
Chị tôi vẫn chưa đến. Nói gẫu một lúc. Trời vẫn nóng. Bà chủ
bảo con dội nước lên cái vách tường hửng nắng, kêu “Cứ như nung như nấu thế
này thì ăn uống gì được’’ Những chiếc quạt giấy kêu phành phạch. “Không có điện
hả bà? Có quạt điện bây giờ thì tốt quá!”. “Cúp điện chú ạ! Chú chịu khó’’.
Anh Đạt cười rộng lượng, quạt đi cậu, quạt này là quạt “cải tiến’’. Ôi chao ơi,
hai chữ “cải tiến ” nó lại làm lộn ruột đến độ nóng mặt lên. Anh Đạt nhìn tôi
dò hỏi. Số là, anh ạ, một buổi tối em với Nguyễn Duy từ Thủ Đức về Sài Gòn, thấy
những đốm đỏ rơi lả tả xuống mặt xa lộ, lạ quá kêu lên, gì kia kìa, ma à? Duy
nó cười “ Xe than “cải tiến” đấy. Than hồng bò lổm ngốm trên đường là cách của
ta. Được huy chương sáng tạo của Thành Phố mang tên Bác đấy nhé. Đằng ấy xem có
nơi nào trên thế giới có được chiếc xe này không? Thật là cực kỳ...’’
Chị Băng vừa bước vào vừa kêu “Nóng quá, em nhỉ? Khi thấy
anh Đạt, chị sửng sốt“ À anh, chào anh...” rồi hỏi “Để xe đạp ngoài cửa có
sao không bà?” Bà chủ đon đả “Dạ, khóa thì không sao! Nhưng tôi bảo cháu nó
nom cho. Thời buổi này cứ sểnh ra là mất ngay... ”. Chị Băng ngồi xuống, tay cầm
lấy cái quạt giấy tôi đưa chị. Chị có vẻ hơi sượng sùng “Có lẽ đến hai mươi
năm không gặp lại anh’’. Anh Đạt cười “Vâng, trên hai mươi năm, từ năm năm
chín đến bây giờ...’’ Chị Băng cười, nét mặt có hơi đăm chiêu. Đấy, chị tôi, một
người đàn bà rất đẹp. Lại con tư sản, thứ thiệt. Chị yêu ông anh tôi, một chiến
sĩ cách mạng. Ông ấy thì thật đủ thứ tài. Đã từng lên võ đài đánh bốc. Đã hoạt
động thời Tây, nằm ở nội thành, trên cái bến cảng vào ra của miền Bắc. Đã lên
chiến khu khi cụ Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trêu chị, hỏi có phải chỉ vì
thế mà chị lấy anh không, chị hiền hậu cười mỉm mà không đáp...
Chúng tôi gọi một số món ăn thử. Chị Băng vui vẻ “ Nếu ăn được,
bà chủ ạ, chúng tôi sẽ đặt cưới để khai trương hiệu cho bà đấy”. Quí hóa quá,
ông bà với chú đây giúp cho thì thật là quí hóa quá. Nào, xin mời. À, cái món
xúp cua này ngon chị ạ. Thế có phải thật là Tây nó ăn như thế không? Em chịu. Đấy
anh, em gắp cho anh bồ câu quay này... Ăn được không? Được đấy, nhưng nóng.
Nóng quá. Thiếu quạt bà chủ ơi. Thôi, chị cầm lấy cái quạt này đi. Để em lấy
báo làm quạt.
Hà Nội ơi, cái nóng tháng bảy sao mà ngột ngạt thế này! Này,
đừng gấp tư, cứ mở ra, gấp hai rồi cầm cho chắc. Báo này mà làm quạt thì nhất rồi,
quạt mát lắm. Cậu còn trẻ, quạt đi nào. Nóng này, quạt lên làm gió này... Đó
cũng là biện chứng.
Thưa chị, anh đi công tác ở Cộng hòa Dân chủ Đức? Vâng, nhưng
mà đi chơi thôi chứ có công tác công tiếc gì đâu! Lần đầu được ra nước ngoài đấy
anh ạ. Nhà tôi đi cũng được hai tuần rồi. A, còn cái chuyện Quốc ca! Chẳng hiểu
cho anh ấy đi, rồi về người ta có đổi không nhỉ? Tôi cũng không biết. Anh Đạt
trầm ngâm, chuyện bụng đói thì chẳng lo... Vả lại Quốc ca là của cả nhân dân, của
một giai đoạn lịch sử và thuộc vào lịch sử... Cứ ra nghị quyết mà đổi được đâu.
Ôi thôi, rỗi hơi anh ạ! Nghị quyết kiểu này thì mặc nghị quyết. Nhà nước có cái
việc họp việc bàn việc ra nghị quyết, nhân dân có cái việc của nhân dân. Nhiều
cái phải lo ngay. Cứ bữa tối bữa sáng mà lo cho đủ cũng đã chết mệt rồi... Trước
hôm nhà tôi đi, tôi bàn để cho tôi đi vay vốn, ông ấy ra ngoài mua ít hàng về.
Dễ gì mà xuất ngoại. Các anh “ ấy ” cũng đã nhận cho vay, bán xong rồi chia.
Con cháu tôi nó làm cả một thư mục những cái mua được, bán được. Thế nhưng mà
ông ấy gắt nhắng lên, không chịu. Ông ấy bảo đi là đi cho tất cả anh em, ai lại
làm con buôn đi buôn lậu. Gàn thật... Tôi buột miệng, chẳng phải gàn đâu, chị
Băng ơi, sao chị lẩm cẩm thế! Chú không biết, chị không lo thì ai lo? Cái ăn,
cái uống... Chú ạ, khổ lắm! Lại sợ nữa. Chị nói, cho nên anh ấy chỉ vẽ thôi. Vẽ
nghệch ngoạc cho báo Văn Nghệ. Vẽ thì khó bắt tội. Người ta có ưa gì anh ấy. Rồi
quay sang anh Đạt, chị nói như xin lỗi “ Viết lách là tôi lo ngay ngáy, chỉ sợ...
chuyện cũ lôi ra...”. Anh Đạt thở dài, lặng lẽ. Tôi ồn ào nói vào “ Chị hay can
thiệp quá, can thiệp vào đến cả tâm thức của anh ấy...”. Rồi tôi nói đi nói lại,
chị Băng ơi, chị đừng bắt anh ấy cũng phải sợ như chị, cứ để anh ấy tự do...Chú
nói dễ lắm, nhưng còn các cháu nữa, còn cả nhà... chú ạ, khổ lắm, chú không biết
hết đâu...
Tôi cứ kêu trời, trời ơi đất ơi, một người có tài như anh,
thì phải để anh ấy viết văn, làm thơ, làm nhạc, vẽ... Cả trăm năm mới kết được
một thứ tinh hoa, không còn làm được gì thì phí phạm biết bao nhiêu cho mai
sau? Cái lỗ trũng đen ngòm trong nền văn hóa, ít hay nhiều, lớn hay bé đều là
những cái ta đáng lẽ có thể lấp đầy được cả! Tại sao ta cứ phải làm tội lấy
mình? Rồi tôi bắt chị Băng hứa. Chị hứa với em nhé, hãy để cho anh ấy tự do. Đừng
kìm hãm, giằng cái cọ anh đang vẽ, giữ cái bút anh đang cầm...Chị hứa đi...Chị
Băng cúi xuống, ứa nước mắt. Tiếc lắm chú ơi. Anh Đạt nhỏ nhẹ:
- Anh ấy là voi. Voi đẻ thì cần mười năm để thai nghén...
Chúng tôi xin đợi.
2. Tháng tám năm đó, Văn Cao ở Cộng hòa Dân chủ Đức về. Tôi đến
nhà anh. Chúng tôi ôm lấy nhau. Anh vẫn râu vẫn tóc. Vẫn cái giọng nói hơi ê a,
cái cười nửa xuề xòa nửa làm ra xuề xòa. Anh châm đèn, rít một điếu thuốc, mắt
như đê mê trong một khắc thời gian ở giữa cái không và cái có. Chị Băng giữ tôi
lại ăn cơm, kể lại chuyện cái đám cưới ngộ nghĩnh đó. Vui không? Vui lắm anh ạ!
Nhất là có cụ Tuân! Thiếp cưới in ở nhà in báo Nhân Dân, đỏ chét, buộc lạt mang
về. Nguyễn Duy rủ, đến ông cụ ngay. Em bảo, ông ấy “ kiểu cách ” chết. Không
sao đâu! Thế là đến, mở lạt, cộc lốc “ Thưa cụ, đám cưới “ tự phát ”, chẳng
phép tắc quái gì cả. Cụ là người đầu tiên được mời, mời ở cái nghĩa là ép buộc
cụ để nhậu cho vui... ‘’ “ À, ha ha...được, được rồi...’’ Anh Văn hồn nhiên “
Vui thế mà mình lại vắng mặt, phí quá...’’ “ Ta làm lại vậy, anh nhé ‘’.
Hai hôm sau, rủ rê nhau lại nhà anh Lân và chị Sâm. Nào uống
thêm một bữa. Uống mừng. Còn kể chuyện bên Đức nữa. Nào, rủ cụ Tuân. Uống rượu
Tây nhé. Anh Văn ơi, chẳng biết mừng gì đây? Hay là mình uống để mừng một ngày
vẫn còn sống, còn thở, còn tin rằng mình vẫn ít nhất còn chút ích lợi, dù đó chỉ
là cái tình với nhau? Hay là mình uống để chôn đi những hoài bão, ao ước, quên
đi cái chuyện “ Đời đi qua như một tiếng thở dài, ta chôn cả khát
khao vào bụng vợ ”? Nhưng cứ phải uống. Mỗi người say cho mỗi người! Mọi người
say cho mỗi người! Zô, zô đi anh, một trăm phần trăm! Zô à? Tại sao lại zô? Zô
là “ vào cuộc
Vào cuộc, xin mời anh một trăm phần trăm. Vào cuộc đi,
con voi khổng lồ phải thai nghén mười năm. Sau Thiên Thai, sau Suối Mơ sau Những
người trên cửa biển. Sau cú đấm, nặng chì của võ sĩ Văn Cao tuổi thanh
xuân. Sau Tiến quân ca, Không quân Việt Nam, Hải quân Việt
Nam. Sau bức vẽ Đặng Thái Mai u uẩn lắng đọng. Sau... rất nhiều. Nhưng đã từ một
thủa xa xưa rồi, con voi phục xuống nằm im nhăn nhó.
Ốm nghén quả là khó chịu. Bụng cồn cào axít. Muốn ăn, ăn cả
vôi, cả đất. Những quả nhót đỏ chua lè. Một bốc sung chát, thật chát. Ăn nữa,
ăn sống cả mướp đắng. Nếu có mạt cưa, cũng ăn. Ăn xong, ta hát. Hát khản cổ.
Hát những bài hát mang niềm tức tưởi của con người cổ sơ mới tìm được lửa ở họng
núi lửa nhưng không biết cách mạng lửa về được bản làng. Hát những bài hát thèm
muốn biển rộng, thèm muốn trời cao, thèm cơn gió lồng lộng ở chốn thinh không.
Hát nữa, hát mãi với tiếng đàn còn lại. Văn Cao xoài người ra như ôm lấy cây
đàn để cùng đàn lắng mình vào âm hưởng một thế giới chưa có thực. Chiếc đàn
piano đó, chị Sâm vẫn dùng để dạy đàn cho mấy lớp em, lớp cháu. Văn cao ngửng đầu
lên, dướn thẳng người. Những nốt nhạc nhảy nhót đến chín bậc thinh không. Văn
Cao cúi xuống, những nốt nhạc chìm dần vào những vực sâu tưởng sẽ mất hút. Văn
Cao gục xuống, tiếng đàn nghẹn lại tăm tích mơ hồ. Mắt anh đầy nước mắt. Bỗng
Văn Cao vùng dậy râu tóc dựng đứng. Râu tóc ấy đã bạc phơ, song cái xanh của
con người trong anh, dẫu có lẫn chút bóng đen của đêm tối, thì vẫn xanh. Tối
hôm ấy, khi nắm tay Văn Cao, tôi thấy ươn ướt. Thì ra Văn Cao đánh đàn thế nào
mà ngón tay ứa máu.
Khi đèo xe đạp anh về nhà, tôi vòng tay ra sau quàng lấy anh.
Anh chỉ mặc một cái áo mỏng. Tôi đau xót chạm vào xương vào da của anh. Cẩn thận
anh Văn ơi, anh ngã xuống thì chúng tôi đau khổ lắm. Còn nhiều người yêu anh,
anh ạ.
3. Xổ bụi
Tôi sinh ra dưới một ngôi sao trái nết nên đời có đôi phần vất
vả. Nhưng chị Liên, bà chị kết nghĩa của tôi, còn vất vả ít là gấp năm gấp bảy
lần. Trái nết nên khó dậy, riết thành trắc nết lêu lổng, mẹ tôi gửi tôi nhà
"hai bác” năm tôi mười hai tuổi. Thuở đó, cha tôi đi làm xa, mẹ tôi một
mình than khổ ơi là khổ, nhà không có đàn ông! Phần tôi, thật là thú vị. Trên
”hai bác” có mấy đứa loai choai cùng tuổi. Rồi mỗi nơi một chốc, mẹ hỏi ở đâu,
tôi đáp con ở trên nhà hai bác, bác hỏi đi đâu, tôi thưa con về dưới nhà cha mẹ
con. Cứ như thế, cuộc lêu lổng dẫu danh bất chính nhưng ngôn lại thuận.
Hai năm sau ngày tôi làm con nuôi hai bác tôi gặp chị lần đầu.
Chị mang đứa con trai bé tí về nhà. Khi ấy tôi mới biết chị cũng là con nuôi và
mù mờ nghe chị vào Nam vài ba năm trước cuộc di cư năm 54. Nhà bố mẹ nuôi lúc
nào cũng tấp nập khách ra khách vào. Bố nuôi tôi lúc đó là Chủ tịch Hội Đồng Kiểm
Duyệt thời Trần Chánh Thành còn làm Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin trong nền đệ
nhất Cộng Hòa của miền Nam. Khách có hai loại. Loại nòi tình chữ nghĩa, làm văn
làm báo, nhớ không xuể. Có Đái đức Tuấn, Lê văn Trương. Có Nguyễn mạnh Côn, những
con người đang hoàn thành Đem tâm tình viết Lịch Sử. Có Vũ hoàng Chương Đỗ
băng Đoàn, Bùi khánh Đản. Đám trẻ, Thanh Tâm Tuyền, thỉnh thoảng đến thăm bác
Kha, cha anh gần như trú ngụ thường xuyên trong nhà. Rồi Dương Hùng Cường, Mai
Thảo, Doãn quốc Sĩ, Nguyễn sĩ Tế, Trần thanh Hiệp... Nhà báo, có Phạm việt Tuyền,
Lý Thắng, Văn Giang. Ký giả, nào Lô Răng, Anh Tám Xạc Ne. Loại chính trị, không
ít. Phan huy Quát, ‘‘bác’’ Quỳnh, Vũ quốc Thông, thậm chí Trần kim Tuyến... Họ đến thế giới “trên gác” nơi bố tôi tiếp khách, xì xào to
nhỏ, và thường là im bặt khi bọn trẻ con chúng tôi, thế giới “dưới nhà” bưng nước,
rót trà. Họ giả tảng lơ đãng, rít thuốc lào, nhìn như giục như đuổi, và chúng tối
chỉ quay lưng là họ lại tụm đầu vào, lại nghiêm trọng hạ giọng, khi chép miệng,
lúc thở dài. Khách về, tôi để ý bố tôi xếp lại giấy tờ hồ sơ vào một cái tủ gỗ,
cửa kéo dọc xuống như một bức mành, và khóa lại, tiếng nghe một cái cách, đến
là kích thích. Ngày nọ qua ngày kia, sự tò mò khổ còn hơn là cơn ngứa mà không
được gãi. Tôi vê kẹo cao-su, nhét vào lỗ khóa, và đi đánh chìa. Đợi cả nhà đi vắng,
tôi mở tủ ôm chồng hồ sơ ngoài có chữ Mật, leo lên trần nhà tìm một nơi có ánh
sáng hắt vào. Năm 58, tôi đã đọc trên những tờ pơ-luya mỏng tanh Con ngựa
già của chúa Trịnh, vừa uất ức vừa ngậm ngùi. Tôi đã rưng rưng nước mắt lẩm nhẩm Tôi
vẫn đi, không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ.
Tôi đã hít cho căng lồng ngực lập đi nhắc lại bút giấy tôi ai cướp giật đi, tôi
sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét