Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Nobel văn chương thế kỷ 20 - Từ năm 1901 đến năm 2000

Nobel văn chương thế kỷ 20
Từ năm 1901 đến năm 2000

NĂM 1901:
SULLY PRUDHOMME
(Pháp, 1839 - 1907)
 
Sully Prudhomme sinh ngày 16 tháng 3 năm 1839. Năm 1865 ông nổi tiếng với tập thơ Stances et Poèmes (Thơ tứ tuyệt) và những bài thơ khác. Lần lượt, ông xuất bản nhiều tác phẩm thơ, triết học và mỹ học. Nếu sự tưởng tượng của những nhà thơ khác chủ yếu hướng ngoại và phản ảnh cuộc sống và thế giới quanh chúng ta, thì Sully Prudhomme lại có cái nhìn hướng nội và nhạy cảm một cách tinh tế. Thơ của ông hiếm khi liên quan đến những hình ảnh và trạng thái bên ngoài được hiểu theo cách thông thường, nhưng chủ yếu là sự cô đọng đầy thi vị trong một chiếc gương soi mà người đọc có thể lặng ngắm mình trong đó. Tình yêu thần thánh, mối hoài nghi, nỗi phiền muộn của ông, không gì có thể xua tan được, đều là những đề tài quen thuộc trong tác phẩm của ông, bằng hình thức hoàn chỉnh và vẻ đẹp được đẽo gọt hoàn hảo, không một chữ vô dụng. Thơ của ông đầy màu sắc và hiếm khi mang âm điệu du dương, nhưng tất cả đều đậm nét sáng tạo về mặt hình thức nhằm phù hợp với cách diễn đạt cảm giác và ý tưởng. Thanh cao, thâm trầm và hướng về nỗi buồn, tâm hồn ông tự biểu lộ trong thơ ông, dịu dàng nhưng không ủy mị - một sự phân tích mang vẻ buồn phiền nó truyền cho người đọc sự cảm thương u uất. 
Qua sự quyến rũ của cách chọn từ thanh nhã và qua nghệ thuật tuyệt vời của ông, Sully Prudhomme là một trong những nhà thơ hàng đầu của thời đại chúng ta, và một số bài thơ của ông là những viên ngọc có giá trị miên viễn. Những bài thơ mang tính mô phạm hay trừu tượng của ông ít hấp dẫn Viện Hàn lâm Thụy Điển hơn những bài thơ trữ tình ngắn. Những bài thơ trữ tình này mang đầy cảm xúc và sâu lắng. Chúng mê hoặc người đọc nhờ vẻ trang nghiêm, thanh nhã và nhờ sự kết hợp độc đáo giữa tư duy tinh tế và tình cảm phong phú. 
Tác phẩm của Sully Prudhomme biểu lộ một trí óc quan sát và tìm tòi mà nó không tìm đến một sự yên nghĩ trong một tình thế gay go và, đối với ông hình như không thể biết nhiều hơn, tìm chứng cứ về số phận siêu nhiên của nhân loại trong lãnh vực đạo đức, trong tiếng nói của lương tâm và trong sự cao quý và những điều quy định không thể phủ nhận của bổn phận. Từ quan điểm này, Sully Prudhomme đại diện tốt hơn hầu hết những nhà văn mà người để lại di chúc gọi là ''một khuynh hướng duy tâm'' trong văn học. 
NĂM 1902 - THEODOR MOMMSEN
(Đức, 1817 - 1903) 
Một thư mục những tác phẩm đã xuất bản của Mommsen do Zangemeister biên soạn nhân dịp sinh nhật thứ 70 của ông (1887), gồm 920 đề mục. Một trong những công trình quan trọng nhất của Mommsen là bộ Corpus Inscriptionum Latinarum (1867 - 1959), đây là công trình đồ sộ của một “Vị thần Hercule”, mặc dù có sự trợ giúp của nhiều cộng tác viên uyên bác.
Mommsen không chỉ đóng góp 15 tập trong bộ sách khổng lồ này mà còn đảm trách vị trí chủ biên toàn bộ tác phẩm. Đây chính là thành tựu vĩnh cửu của ông. Là con chim đầu đàn trong lãnh vực nghiên cứu, Mommsen đã nghiên cứu nguồn gốc và sự ra đời Luật La Mã, văn bia, tiền đúc, biên niên sử La Mã, và lịch sử tổng quát La Mã. Ngay cả một nhà phê bình có thành kiến cũng thừa nhận rằng ông có đủ thẩm quyền nói về văn bia Lapygian, một đoạn văn Appius Caecus và nền nông nghiệp ở Carthage. Những người trí thức đều biết ông qua tác phẩm Lịch sử La Mã  - Romische  Geschichte) (1854-55, 1885), và đặc biệt cùng với tác phẩm đồ sộ này Viện Hàn lâm Thụy Điển tặng giải thưởng Nobel Văn chương cho ông. 
Bộ Lịch sử La Mã của ông, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ông nổi tiếng nhờ sự uyên bác và tỉ mỉ cũng như văn phong sinh động và hùng hồn. Mommsen đã kết hợp sự tinh thông tài liệu của ông với óc phán đoán sắc bén, phương pháp chuẩn xác, sinh lực trẻ trung và cách trình bày đầy nghệ thuật. Ông biết cách đãi cát tìm vàng, và thật khó để phân định, dù người ta càng tán dương và càng thán phục, vì kiến thức bao la và đầu óc tổ chức siêu việt hay vì khả năng sáng tạo của ông và khả năng biến những sự kiện được điều tra thành một bức tranh sống động. Trực giác và khả năng sáng tạo của ông làm cầu nối giữa nhà sử học và nhà thơ.  Mommsen cảm thấy mối quan hệ này khi trong tập V bộ Lịch sử La Mã, ông nói rằng trí tưởng tượng không chỉ là mẹ của thi ca mà còn là mẹ của lịch sử. Thật vậy, giữa hai lãnh vực này có điểm tương đồng rất lớn. 
Nhiều nhà phê bình đã phản đối Mommsen, cho rằng đôi khi ông bị tài năng cuốn theo những phán đoán chủ quan nông nổi, đặc biệt trong những lời bình phẩm thường thiếu thiện chí liên quan đến những nghĩa quân cuối cùng chết cho tự do và những địch thủ của Caesar, và liên quan đến những vấn đề giữa các đảng phái trong suốt thời kỳ khắc nghiệt này. Nói một cách khác, phải nhấn mạnh rằng Mommsen không bao giờ ca ngợi quyền lực tàn bạo. Khi đánh giá C. Gracchus, nhà cách mạng gây nhiều cảm hứng cho ông, lúc thì khen, lúc lại chê, ông cho rằng mỗi nhà nước sẽ sụp đổ như lâu đài trên cát trừ khi kẻ thống trị và tầng lớp bị trị có cùng một mối ràng buộc đặt trên nền tảng đạo lý chung. Đối với ông dân giàu là cốt lõi của một quốc gia. Ông nghiêm khắc chê trách hệ thống nô lệ đáng nguyền rủa của đế quốc La Mã.
Qua những khắc họa trên, nhà sử học Treitschke đã tuyên bố rằng bộ Lịch sử La Mã là một tác phẩm lịch sử chính xác nhất của thế kỷ 19 và rằng, Hannibal và Caesar của Mommsen đã đốt lên ngọn lửa nhiệt tình trong lòng mỗi thanh niên, mỗi người lính trẻ. 
Tuy là bộ sách nghiên cứu, nhưng tác phẩm không mất vẻ tươi mát. Nó là một tượng đài, mặc dù không sở hữu vẻ đẹp mềm mại của cẩm thạch, nhưng vĩnh cửu như đồng. Bàn tay của học giả có thể nhìn thấy khắp nơi trong tác phẩm, nhưng chính nó cũng là bàn tay của một nhà thơ. Và, thực vậy, Mommsen đã làm thơ hồi còn trẻ. Tập thơ Ca khúc của ba người bạn - Liederbuch dreier Freunde (1843) là bằng chứng của việc ông trở thành kẻ tôi tớ của thần Thi ca. 
Khoa học và nghệ thuật luôn luôn chứng tỏ khả năng gìn giữ tâm hồn tươi trẻ ở những người đang hoạt động trong lãnh vực này, Mommsen vừa là học giả, vừa là nghệ sĩ, nên ở tuổi 85 ông vẫn trẻ trung trong tác phẩm của mình.
NĂM 1903 - BIORNSTJERNE BJORNSON
(Na Uy, 1832 - 1910)
Biornstjerne Bjornson không những là nhà văn sử thi vĩ đại mà còn là nhà thơ trữ tình xuất chúng. Những tác phẩm như Synnove Solbakken, Arne (1858) và Cậu bé hạnh phúc - En glad gut (1860) đã đưa ông lên ngôi đầu bảng những họa sĩ vẽ cuộc sống đương thời. Trong những miêu tả mang màu sắc ảm đạm đó, ông đã tự bộc lộ mình như một anh nhà quê và người kể chuyện cổ tích vùng Bắc Âu. Thật vậy, như chúng ta biết, không phải không có lý do ông mô tả đời sống nông dân bằng giọng văn kể chuyện xưa. Và chúng ta cũng biết thêm rằng những nông dân mà ông biết rất rõ khi ông sống ở Romsdal - trong cách đánh giá của những người có đủ thẩm quyền - đã bảo tồn cách nói gọn gàng, súc tích mà nhà thơ đã sao chép lại bằng cách chọn câu chữ diễn đạt cho thích hợp. Mặc dù cách diễn đạt này được lý tưởng hóa và đậm đà chất thơ nhưng rất trung thực với thiên nhiên. 
Bjornson còn là một kịch tác gia, ông thường đề cập đến những đề tài lịch sử, ví dụ như: Kong Sverve (1861), Sigurd kẻ Thập tự chinh - Sigurd Jorsalafar (1872), tác phẩm nổi tiếng Sigurd Kẻ Bất lương - Sigurd Slembe (1862), trong đó tình yêu của Auhild mang nguồn sáng đến với một hoàn cảnh ảm đạm và ở đó hình bóng của Finnepigen đại diện cho vẻ huy hoàng của ánh bình minh phương Bắc, vở kịch sôi nổi Maria Stuart và Shotland (1864) và những sáng tạo đầy cảm hứng khác. Nhưng ông thường thành công trong việc chọn những đề tài đương đại như trong tác phẩm Viên chủ bút - Redaktoren (1874), Phá sản - En fallit (1874), v.v... Ngay cả lúc về già ông cũng tạo ra một chân dung tình yêu không vụ lợi trong tác phẩm Paul Lange og Tora Parsberg (1898). Trong tác phẩm Laboremus (1901) ông đã tán dương điều thiện của đời sống đạo đức chống lại những sức mạnh tự nhiên của những ham muốn vô độ. Cuối cùng, trong Ở Storhove - Pa Storhove (1902) ông tưởng nhớ sâu sắc đến lực lượng bảo vệ quê cha đất tổ mà đại diện là nàng Margareta, một cột trụ trung kiên của gia đình. Nói tóm lại, người ta có thể thấy rằng những nhân vật của Bjornson đều là những viên ngọc quý, tài năng của ông luôn luôn hướng đến mặt tích cực, không có hướng tiêu cực. Tác phẩm của ông không bao giờ giả trá, trái lại là thứ kim loại thuần khiết, và dù cho vật đổi sao dời, thời gian và kinh nghiệm động mạnh lên quan điểm của ông và quan điểm của người khác, ông không bao giờ ngừng tranh đấu được quyền đòi hỏi tri thức để chế ngự con người. 
Năng lực sáng tạo của con người 71 tuổi này quá lớn lao đến nỗi năm 1902 ông cho ra đời tác phẩm Ở Storhove rồi tiếp theo là nhiều tác phẩm khác cho thấy ông có khả năng duy trì một tinh thần trẻ trung sung sức. 
Như một nhà thơ trữ tình, Bjornson là mẫu mực của sự tinh giản và những tình cảm thâm sâu. Thơ của ông là nguồn cảm hứng dồi dào bất tận, và tính chất du dương của câu thơ đã lôi cuốn nhiều nhạc sĩ viết thành nhạc... Không có xứ sở nào có một bài tụng ca hay hơn ''Ja, vi elsker dette Landet'' - Vâng, chúng ta yêu đất nước của Bjornson, và khi người ta nghe bài tuyệt ca ''Arnljot Gelline'' mà nhịp điệu chẳng khác nào sự chuyển động tráng lệ của những cơn sóng. Người ta muốn nghĩ rằng trong tương lai, những cơn sóng kỷ niệm sẽ thì thầm ''i store maaneskinsklare Naetter'' - trong những đêm trăng sáng khi họ chơi một bản nhạc của một nhà thơ quốc gia vĩ đại trên bờ biển Na Uy.
NĂM 1904
1. FRÉDÉRIC MISTRAL
(Pháp, 1830 - 1914) 
Theo nhận định của Viện Hàn lâm Thụy Điển, thi hứng của bậc trưởng lão Frédéric Mistral còn trẻ trung hơn phần lớn những nhà thơ đương thời. Một trong những tác phẩm chính của ông là Bài ca sông Rhone - Lou pouèmo dóu rose, xuất bản vào năm 1897. 
Mistral sinh ngày 8/9/1830 tại làng Maiano (vùng Maillane, Pháp). Làng này nằm giữa đường đi Avignon và Arles trong thung lũng Rhone. Ông lớn lên giữa thiên nhiên hùng vĩ này cùng với những người nông dân ở đây và sớm làm quen với công việc đồng án của họ. Cha ông, Francois Mistral, là một phú nông, suốt đời tín thành tập tục của tổ tiên mình. Còn mẹ ông thì nuôi dưỡng tâm hồn con mình bằng những bài dân ca và truyền thống văn hóa nơi chôn nhau cắt rốn. Trong suốt thời gian theo học trường College Avignon, ông học những tác phẩm của Homer và Virgil, những tác phẩm này đã gây ấn tượng sâu sắc cho ông, và một trong những vị giáo sư của ông - nhà thơ Roumanille - đã truyền cảm hứng cho ông về tình yêu sâu xa tiếng mẹ đẻ miền Provence. 
Theo ước muốn của cha, Frédéric Mistral theo học luật ở Aix-en-Provence, nhưng sau đó, ông bỏ học để chọn nghề theo sở thích của mình. Sự chọn lựa này chẳng bao lâu được thực hiện: ông hiến dâng cuộc đời cho thi ca và mô tả vẻ đẹp của miền Provence bằng ngôn ngữ địa phương, một phương ngữ mà ông là người đầu tiên nâng lên thành ngôn ngữ văn học. Thể nghiệm ban đầu của ông là một trường ca viết về cuộc sống nông thôn, rồi xuất bản tuyển tập thơ Miền Provence - Li Prouvencalo (1852). 
Sau đó, ông đã bỏ ra bảy năm liên tục để viết tác phẩm Mirèio (1859) nổi tiếng khắp thế giới. Giá trị tác phẩm này không phải chỉ ở đề tài mà còn ở trí tưởng tượng được diễn đạt trong đó. Hình ảnh của Mirèio đáng quan tâm như thế nào không thành vấn đề, vấn đề là nghệ thuật liên kết giữa những tình tiết của câu chuyện và của sự lột trần trước mắt chúng ta tất cả miền Provence với cảnh quang, kỷ niệm, những tập tục cổ xưa và cuộc sống hàng ngày của dân chúng. Mistral nói rằng ông chỉ cất lời ca cho những người chăn cừu và dân quê, ông làm như thế bằng tâm hồn mộc mạc của Homer. Thật vậy, bằng vào sự thú nhận của chính mình, ông là một học trò của Homer vĩ đại. Nhưng thay vì bắt chước vị thầy một cách mù quáng, ông đã chứng tỏ tính chất sáng tạo riêng bằng kỹ thuật diễn đạt của mình. Một hơi thở của thời hoàng kim đã tạo sinh khí cho nhịp điệu những câu thơ mô tả của ông. 
Tập thơ được chào đón nhiệt tình ngay lần đầu xuất hiện. Nhà thơ Lamartine, kiệt sức với những âu lo riêng nhưng luôn luôn say mê những thi phẩm hay, đã viết ''một nhà thơ vĩ đại chào đời!''. Ông so sánh thơ của Mistral là một hòn đảo của một quần đảo, là một Délos (thánh địa của thần Apollon) trôi nổi mà tự nó tách rời khỏi quần đảo Cyclades để gia nhập, trong yên lặng, vào miền Provence thơm ngát. 
Bảy năm sau khi xuất bản tác phẩm Mirèio, Mistral cho ra đời tác phẩm thứ hai với tầm cỡ tương đương - Calendau (1867). Người ta cho rằng cảnh tượng của tập thơ này quá dị thường và không có thực. Nhưng nó phù hợp với tập thơ trước về sự quyến rũ trong cách diễn đạt. Người ta có thể nghi ngờ sự cao quý của những ý tưởng về tính thanh cao của của con người, thông qua cuộc thử nghiệm này sao? Trong khi Mirèio ca ngợi cuộc sống nông dân thì Calendau trình bày một hình ảnh hấp dẫn của biển cả và núi rừng. Nó giống như một giọt nước long lanh trong nhiều cảnh quang chính xác đáng nhớ về cuộc sống của ngư dân. 
Mistral không chỉ là một nhà thơ sử thi mà còn là một nhà thơ lãng mạn vĩ đại. Tập thơ Đảo vàng của ông  có nhiều bài mang vẻ đẹp bất tử. 
Trong những bài thơ lãng mạn khác Mistral với lòng nhiệt tình cố nài những quyền lợi  của ngôn ngữ Provence mới đối với sự tồn tại độc lập và tìm kiếm để bảo vệ nó chống lại mọi  toan tính loại bỏ hay nghi ngờ nó. Nerto (1884), một tập thơ văn xuôi có nhiều trang lôi cuốn người đọc. Nhưng truyện kể mang tính sử thi, Lou pouèmo dóu Rose, thâm thúy hơn. Nói tóm lại, những tác phẩm của Mistral đều là những tượng tài sừng sững mang vẻ huy hoàng của vùng Provence yêu dấu của ông. 
Trong quyển tân tự điển đồ sộ về ngôn ngữ vùng Provence, Tresor dóu Félibrige (1879 - 1886), Mistral đã bỏ ra hơn 20 năm ghi chép phương ngữ phong phú của miền Provence và xây dựng một tượng đài bất tử cho vùng đất vàng này.          
Hội Nhà thơ Provence (Association of Provencial Poets) đã tán dương ông bằng câu: ''Mặt trời khiến tôi cất lời ca''. Đúng vậy, thơ của ông như ánh sáng mặt trời miền Provence chiếu rộng khắp nhiều quốc gia, ngay cả những vùng Nam địa cầu, ở đó chúng đã làm cho nhiều con tim hoan hỷ.
NĂM 1904
2. JOSÉ DE ECHEGARAY
(Tây Ban Nha, 1832 - 1916)
José de Echegaray sinh năm 1833 ở Madrid, nhưng thời thơ ấu ông sống ở Murcia, nơi cha ông làm việc ở Viện nghiên cứu về Hy lạp. Nhận bằng tú tài năm 14 tuổi, chẳng bao lâu ông vào học Trường Kỹ sư Dân sự, ở đó ông nổi tiếng chuyên cần và kỹ năng sắc sảo. Năm năm sau, 1853, ông tốt nghiệp bằng kỹ sư với một luận án xuất sắc nhất. Toán và cơ khí vốn là những môn ông ưa thích nghiên cứu. Nhờ những kiến thức sâu rộng về hai môn này nên ông được mời làm giáo sư ở ngay trường mà mới một năm trước đó ông còn là sinh viên. Trong vài năm tiếp theo, cuộc vật lộn vì miếng cơm manh áo có vẻ như vô cùng khắc nghiệt đối với ông, ông phải dạy thêm để kéo dài cuộc sống bình dị nhất. Bất chấp hoàn cảnh, chẳng bao lâu ông trở thành một giáo sư lỗi lạc, nổi tiếng cả về đức hạnh lẫn toán học ứng dụng và trở thành một công trình sư tài ba. Cùng lúc này, ông chuyên tâm nghiên cứu kinh tế chính trị, bao gồm những quan niệm về tự do mậu dịch. Chẳng bao lâu ông vươn đến tột cùng sự nghiệp: ba lần ông làm bộ trưởng trong chính phủ. Ở những cương vị này, những ai quen biết ông, dù đối thủ hay bạn bè, ông đều chứng tỏ tài khôn khéo trong việc điều hành bộ máy mình quản lý. 
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng nhà học giả này, người đã xuất bản nhiều giáo trình về hình học giải tích, vật lý và điện, đã cống hiến năng lực bất tận của mình để viết kịch bản sân khấu. Người ta cho rằng những sáng tạo của ông dành cho sân khấu mang hình thức của những phương trình và những bài toán. Nếu tài năng của ông hiển lộ trên lãnh vực này được tán dương một cách nồng nhiệt bởi nhiều người ngưỡng mộ thì cũng gặp phải những lời phê bình nghiêm khắc. Tuy nhiên, người ta không thể chối cãi rằng những tác phẩm của ông nổi tiếng vì một ý thức đạo đức sâu xa. Một cách nào đó, những nhà phê bình không sai lầm cho rằng trong kịch của ông, theo cách so sánh của những nhà phẫu thuật, ông hiếm khi sử dụng phương pháp nào khác hơn là phương pháp ''cắt bỏ và kết nối''. 
Không màng đến những lời ca ngợi nhất thời mà chỉ lắng nghe nguồn cảm hứng sâu xa trong lòng, Echegaray âm thầm theo đuổi sự nghiệp của mình đến cùng, chứng tỏ khả năng viết kịch phi thường của mình khiến chúng ta  phải nghĩ đến một Lope de Vega (1) hay một Pedro Calderón: (2) 
Echegary đạt được vinh quang lần đầu vào tháng 11 năm 1874 với vở kịch La esposa del vengador (Vợ của Người báo thù), trong đó tài năng thực sự của ông được bộc lộ và trong đó, xen kẽ những tình tiết mang tính cường điệu là những vẻ đẹp cao quý nhất được ngợi ca. Công chúng có thể tưởng tượng rằng nó quay về thời hoàng kim của kịch Tây Ban Nha. Họ chào đón Echegaray như một ''cổ máy'' tái sinh của thời đại huy hoàng nhất trong nền kịch thơ quốc gia. Năm tiếp theo, vở En el puno de la espada (Chuôi gươm) được giới thiệu và cũng nhận được sự tán thưởng. Năng lực sáng tạo siêu phàm và quan niệm về cuộc đời của ông trong vở kịch này này đã khiến cho khán giả phấn khích đến nỗi họ không ngừng vỗ tay suốt buổi biểu diễn, và, sau khi cảnh cuối cùng kết thúc, Echegary phải xuất hiện trên sân khấu đến bảy lần để nhận lời tán dương của họ. Nhưng những cuộc tranh luận lớn lao đã nổ ra vào năm 1878 khi trong vở En el pilar y en la cruz (Chiếc cọc và Cây tháng giá), tác giả đã chứng tỏ mình là người bảo vệ tư tưởng tự do chống lại sự cố chấp, bảo vệ nhân tính chống lại sự cuồng tín. Nét đặc thù của Echegaray mà chính ông tuân thủ được thể hiện trong vở Conflicto entre dos deberes (Sự xung đột của trách nhiệm) giới thiệu vào năm 1882. Sự xung đột của trách nhiệm được nhìn thấy trong hầu hết kịch phẩm của ông, nhưng hiếm khi nó được đẩy lên đến cực điểm như trong vở kịch này. Hai vở kịch khác cũng làm cho tên tuổi của ông nổi tiếng là O locura ó santidad (Người điên hay vị Thánh) trình diễn vào tháng giêng năm 1877 và El gran Galeoto (Galeoto vĩ đại). Trong vở Người điên hay vị Thánh  ý tưởng hết sức phong phú và  nội dung đầy kịch tính. Nó cho ta thấy một người vì lòng trung thực mà hy sinh cả sự thành công và của cải vật chất của mình, vì thế bị bạn bè và người đời coi như một thằng điên. 
Vở Galeoto vĩ đại đã tạo nên một ấn tượng mạnh hơn. Trong tháng đầu tiên sau lần ra mắt, có ít nhất là năm bản in được phát hành rộng rãi trong cả nước đã mang vinh dự đến cho tác giả. Vở kịch có giá trị lâu dài vì tác giả đã miêu tả tâm lý các nhân vật một cách tài tình. Nó cho thấy sức mạnh của sự vu khống. Nét ngây thơ trong sáng nhất bị biến dạng và bóp méo một cách đáng kinh tởm bởi những chuyện ngồi lê đôi mách. Chủ nghĩa lãng mạn với vẻ đẹp nên thơ của nó rõ ràng có thể nhận ra trong vở kịch này, những chi tiết trữ tình hết sức lôi cuốn và cấu trúc không một tì vết. Echegaray đã cho một trong những nhân vật trong vở kịch Galeoto vĩ đại thốt ra những lời nói bi quan về thế giới này, thế giới mà ''không bao giờ nhận ra những phẩm chất tinh tế của một thiên tài cho đến ba thế kỷ sau khi ông ta chết''. Điều này có thể xảy ra, nhưng trường hợp của Echegaray thì không đúng. 
Chú thích:
(1) và (2): cả hai đều là nhà thơ, nhà viết kịch cổ điển Tây Ban Nha.
NĂM 1905
HENRYK SIENKIEWICZ
(Ba Lan, 1846 - 1916) 
Bất cứ khi nào nền văn học của một dân tộc phong phú vô tận thì sự hiện hữu của dân tộc được bảo đảm, vì loài hoa của một nền văn minh không thể lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi. Nhưng ở mỗi đất nước chỉ hiếm hoi vài thiên tài mà chính họ là tinh hoa của đất nước đó. Họ đại diện cho đất nước của họ với thế giới. Mặc dù, họ yêu mến những kỷ niệm về quá khứ của dân tộc họ, nhưng chỉ để tăng thêm sức mạnh niềm hy vọng cho tương lai. Cảm hứng của họ được cắm rễ sâu trong quá khứ giống như cây sồi baublis trong sa mạc Lithuania, nhưng những cành cây thì đong đưa theo cơn gió của thời hiện tại. Một người đại diện cho nền văn học và nền văn hóa trí tuệ của một dân tộc như vậy là người được Viện Hàn lâm tặng giải thưởng Nobel Văn chương năm 1905: Henryk Sienkiewicz. 
Tài năng đa dạng của Henryk Sienkiewic hiện rõ vào năm 1890 khi ông thay đổi chủ đề sáng tác, từ chân dung những chiến binh trong bộ tiểu thuyết ba tập gồm: Với Lửa và Gươm - Ogniem i mieczem (1884), Trận đại hồng thủy - Potop (1886 - 87) và Ngài Pan Wolodyjowski - Pan Wolodyjowski (1888 - 89) đến tiểu thuyết tâm lý hiện đại Không giáo điều - Bez domagtu - mà những nhà phê bình xem đây là tác phẩm chính của ông. Tiểu thuyết này mang hình thức một nhật ký, nhưng không giống như nhiều quyển nhật ký khác, người đọc không hề cảm thấy nhàm chán. Với một nghệ thuật viết khó ai có thể vượt qua được, tác giả giới thiệu cho chúng ta khuôn mẫu của một con người trần tục, một kẻ hoài nghi về đạo đức và tôn giáo, trở thành vô sinh vì hoàn cảnh bệnh tật để tự lý giải bản thân mình. Qua những do dự thường xuyên của anh ta, anh ta ngăn cản hạnh phúc riêng của mình, hy sinh hạnh phúc của những người khác, và cuối cùng không chịu nổi...        
Năm 1892 ông cho in truyện vừa Chúng ta hãy theo Người - Pojdzmy za nim, một phác thảo đơn sơ được tô vẽ bằng vẻ đẹp hết sức nên thơ về nữ bá tước Antea mang bệnh tật và đau đớn từ những ảo giác nguy hiểm và đau khổ, được chữa trị bởi Đấng Cứu thế phục sinh. Phải thừa nhận Chúng ta hãy theo Người tuy là một bản phác thảo, nhưng lại là một câu chuyện cảm động sâu sắc. Thật vậy, viên phấn ngẫu nhiên trong tay một bậc thầy khi phác họa ra thì thường gần bằng giá trị với những tác phẩm nhiều công phu hơn. Chúng ta hãy theo Người được viết với lòng mộ đạo cao quý, nó là một loài hoa thùy mị lớn lên dưới chân cây thánh giá và trong đóa hoa của nó có một giọt máu của Đấng Cứu thế. 
Sienkiewicz theo đuổi đề tài tôn giáo và chẳng bao lâu ông nổi tiếng khắp thế giới với tác phẩm đồ sộ Quo Vadis. Trong những năm 1895-96 ông viết Quo Vadis. Câu chuyện về những cuộc khủng bố đưới thời Nero này là một thành công ngoài sức tưởng tượng. Chỉ trong một năm 800.000 ấn bản tiếng Anh được bán ở Anh và Mỹ. Giáo sư Bruckner chuyên về văn học sử Ba Lan ở Berlin đã ước tính trong năm 1901 khoảng hai triệu ấn bản được bán ra ở hai quốc gia này. Nó được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng. Quo Vadis diễn tả một cách tuyệt vời sự tương phản giữa phe ngoại đạo giả hình thích ngụy biện với niềm tự hào của họ, và tín đồ Cơ đốc giáo trung thành, khiêm tốn, giữa tính ích kỷ và tình yêu, giữa sự xa hoa láo xược của triều đình và sự câm lặng của những người dân thấp cổ bé miệng. 
Sau tác phẩm chính này, Henryk Sienkiewicz trở lại đề tài về nước Ba Lan và năm 1901 ông viết tác phẩm Những Hiệp sĩ của Thập tự - Krzyzacy. Lần này, công việc sáng tác của Sienkiewicz không mấy dễ dàng như trường hợp ông viết tiểu thuyết bộ ba trước kia, vì có ít nguồn tài liệu hơn. Nhưng Sienkiewicz đã vượt qua những khó khăn và tạo cho tác phẩm của mình mang màu sắc đậm đà thời trung cổ. Chủ đề của tiểu thuyết là cuộc chiến đấu của hai dân tộc Ba Lan và Lithuania chống lại Những Hiệp sĩ Teutonic, những người từ xưa đã hoàn thành sứ mệnh ban đầu của họ, đã trở thành một thể chế áp bức, chiếm lĩnh quyền lực và những lợi lộc nhiều hơn từ đất đai bằng cây thập tự may trên chiếc áo choàng là huy hiệu giai cấp của họ... 
Rõ ràng Henryk Sienkiewicz là người đầu tiên nhận ra món nợ của mình đối với nền văn học cổ Ba Lan. Nền văn học này quả thực phong phú với những tên tuổi lớn như Adam Mickiewicz (1798 - 1855), Juliusz Slowacki (1809 - 1849), Zygmunt Krasinski (1812 - 1859). Nghệ thuật sử thi đã được thực hiện thành công bởi những nhà văn như Korzeniowski, Kraszewski và Rzewuski. Nhưng với Henryk Sienkiewicz nghệ thuật này đã chín mùi và đạt đến tột đỉnh vinh quang của nó.
NĂM 1906
GIOSUÈ CARDUCCI
(Ý, 1835-1907)
Để đánh giá chính xác sự phát triển tài năng và trí tuệ của Giosuè Carducci, điều quan trọng là chúng ta nên biết đến cha ông, bác sĩ Michele Carducci, một thành viên của Hội Carboneria (một đoàn thể chính trị bí mật hoạt động vì nước Ý thống nhất) và là nhà hoạt động trong nhiều phong trào chính trị cho một nước Ý tự do. Và chúng ta cũng nên biết đến mẹ ông là một phụ nữ thông minh và hào phóng. Ông Michele hành nghề bác sĩ ở Castagneto, nhờ vậy chàng thi sĩ trẻ tuổi đã trải qua thời thơ ấu ở Tuscan Maremma. 
Năm 1849, Carducci theo gia đình đến Florence. Tại đây, lần đầu tiên ông được đọc thơ của Leopardi, Schiller và Byron và chẳng bao lâu, ông bắt đầu làm những bài thơ sonnet (thể thơ 14 câu) châm biếm. Sau đó, ông theo học trường Cao đẳng Scuola (Scuola Normale Superore) ở Pisa, tại đây, năng lực sáng tạo của ông bộc lộ dần. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên dạy tu từ ở San Miniato. Vì những biểu hiện ý tưởng cấp tiến ông bị nhà cầm quyền đương thời loại bỏ việc ứng cử một vị trí ở trường tiểu học Arezzo. Tuy nhiên, sau đó, ông dạy tiếng Hy Lạp tại một trường trung học ở Pistoia. Cuối cùng ông giữ một chân ở Trường đại học Bologna và chính nơi này ông đã thành công trong sự nghiệp dạy học của mình. 
Nói tóm lại, có nhiều hoàn cảnh thường tình ảnh hưởng đến đời sống của ông. Nhiều cuộc đấu tranh trong nghề nghiệp. Chẳng hạn ông bị đình chỉ dạy ở Bologna trong một thời gian và trong nhiều trường hợp ông dính líu đến những cuộc bút chiến nảy lửa với nhiều tác giả Ý. Ông chịu đựng nhiều bi kịch cá nhân to tát, như chuyện tự tử của người anh trai Dante là nỗi đau khủng khiếp nhất. Nhưng cuộc sống gia đình và tình yêu dành cho vợ con đã cho ông niềm an ủi lớn lao nhất. Chính trong thời gian này, sự nghiệp thi ca của ông nở rộ. Mặc dù ông là tác giả của những bài phê bình văn học và lịch sử xuất sắc, nhưng chính thi ca đã đưa ông đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp văn chương. 
Tập thơ Juvenilia (1863), như tên gọi, là  những bài thơ thời trai trẻ của ông sáng tác trong thập niên 50 (của thế kỷ 19). Tập thơ gồm hai phần. Một phần có ngữ điệu và bố cục cổ điển, phần kia mang âm điệu yêu nước sâu xa đi đôi với lòng căm thù sâu sắc Nhà thờ Công giáo và uy quyền của Giáo hoàng - những trở ngại  kiên cố nhất đối với một nước Ý thống nhất. Tuyển tập thơ Nhẹ nhàng và Nặng nhọc - Levia Gravia (1868) gồm những bài thơ của những năm 60. Một nỗi buồn không tên phảng phất trong nhiều bài của tập thơ. Cuộc chinh phục thành Rome bị trì hoãn lâu dài khiến cho Carducci càng thêm đau khổ, nhưng cũng có quá nhiều điều khác nữa xảy ra trong đời sống chính trị đương thời mà ông hết sức hối tiếc. Carducci đã mong đợi nhiều từ những tình huống chính trị sẽ đến hơn là đang có. Vì vậy, chúng ta có thể gặp một vài bài thơ toàn mỹ trong tuyển tập này. Carducci quen thuộc với nền thi ca thế kỷ 14 nên có nhiều bài mang hơi hướm của thời đại này, chẳng hạn như trong bài Những nhà thơ của Đảng Trắng - Poeti di Parte Bianca và trong bài thơ về lời tuyên bố của Vương quốc Ý. 
Chỉ trong tập thơ Những bài thơ mới có vần - Rime nuove (1877) và trong ba tập Tụng ca Người man rợ - Odi barbare (1877- 89) mới thể hiện đầy đủ vẻ đẹp văn phong và chất trữ tình thuần thục của Carducci. Ở đây, chúng ta  không còn thấy một nhà thơ có thái độ khinh thị, chiến đấu với thanh gươm và ngọn lửa nhiệt tình dưới biệt danh Enotrio Romano nữa. Thay vào đó, tính cách của nhà thơ hình như thay đổi hoàn toàn, chúng ta được nghe những giai điệu êm ái hơn, dịu dàng hơn. Bài thơ mở đầu Về bài thơ có vần - Alla Rima  chẳng khác nào một bản nhạc cực hay, một bài thánh ca đúng nghĩa. Phần cuối bài thơ biểu thị tính cách của Carducci một cách tuyệt vời... Rõ ràng Carducci hiểu được khí chất của ông, cái khí chất mà ông so sánh nó với biển Tyrrhenian (một phần của Địa Trung hải, thuộc Ý). Nhưng sự lo lắng của ông không liên tục, và những âm điệu hân hoan thật sự vang lên trong bài thơ quyến rũ Thơ đồng quê tháng Năm - Idillo de Maggio. Buổi sáng - Mattinata - cũng là một bài thơ dễ thương khiến chúng ta nhớ đến những bài thơ mang tên Mùa Xuân Hy Lạp của Hugo. Sự lớn lao của nhà thơ bộc lộ đầy đủ hơn trong tác phẩm Tụng ca Những người man rợ, tập đầu xuất hiện năm 1877, tập hai năm 1882 và tập ba năm 1889. Tuy nhiên, có vài lời bào chữa cho những phê phán về hình thức tác phẩm. 
Mặc dù Carducci thông qua nhịp điệu thơ cổ, nhưng ông đã chuyển hóa chúng một cách trọn vẹn đến nỗi người đọc quen với thể thơ này sẽ không hề nghe những âm điệu cổ điển. Nhiều sự tương phản rõ ràng được tìm thấy trong một bản chất đầy thi vị và mạnh mẽ như bản chất của Carducci. Nhà thơ đã nhận được lòng ngưỡng mộ cũng như sự chê bai từ nhiều phía. Nhưng chắc chắn Carducci là một trong những thiên tài uy thế nhất của nền văn chương thế giới. Và sự chê bai như thế, cũng từ những ngươi đồng hương của ông, không được miễn trừ ngay cả những nhà thơ vĩ đại nhất. Làm người ai mà chẳng có nhược điểm.
1907
RUDYARD KIPLING
(Anh, 1865 - 1936) 
Sáu năm trước khi Rudyard Kipling được trao giải thưởng Nobel Văn chương, một tác giả người Pháp đã dành nhiều thời gian nghiên cứu văn học Anh đã viêt: “Những năm gần đây, trong lãnh vực văn học Anh đã xuất hiện một khuôn mặt sáng giá nhất, đó là Kipling”. 
Ở Thụy Điển, cũng như những quốc gia khác, Quyển sách Rừng của Kipling lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1894, được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích. Một kiểu mẫu căn bản của khả năng tưởng tượng đã gây cảm hứng cho người sáng tạo những câu chuyện hoang đường về loài vật như người sói Mowgli, báo đen Bagheera, gấu Baloo, con trăn đá láu cá và mạnh bạo Kaa, rắn mang bành trắng Nag và những con Khỉ ngốc nghếch, nói huyên thuyên. Những truyện kể trong Quyển sách Rừng đã giúp Kipling trở thành tác giả ưa thích nhất đối với trẻ em nhiều nước. Hơn thế nữa, người lớn cũng thích thú đọc nó để sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu. 
Trong số lớn những tác phẩm giàu tính sáng tạo của Kipling có quyển Kim (1901) đã gây sự chú ý đặc biệt. Tác phẩm mô tả một tu sĩ Phật giáo hành hương dọc theo những bờ con suối mà tín đồ thường tắm tẩy trần. Cách chọn từ cao nhã cũng như sự quyến rủ và thận trọng trong tác phẩm là đặc điểm nổi bật trong phong cách của nhà văn táo bạo này. Nhân vật chú nhãi ranh Kim, một chú tiểu, là mẫu người bao giờ cũng ở trong trạng thái phấn chấn, thích quậy phá. 
Thỉnh thoảng có lời kết tội Kipling đôi khi dùng ngôn ngữ có phần thô lỗ và cách sử dụng tiếng lóng của lính tráng trong những bài thơ gần như dung tục của ông. Mặc dù đó là những nhận xét đúng, nhưng bù lại, điều quan trọng trong phong cách của ông là tính nhiệt tình thẳng thắn và là tác nhân của sự kích thích đạo đức. Ông đã chiếm cảm tình của đa số quần chúng độc giả, không chỉ ở các nước Anglo-Indian xem ông như một bậc thầy văn chương vĩ đại, mà còn vượt xa những biên giới của đế quốc Anh rộng lớn.   
Vậy thì nguyên nhân nào khiến cho Kipling được mến mộ khắp nơi trên thế giới? Hay, đúng hơn, bằng cách nào Kipling tự chứng tỏ mình xứng đáng như thế? Vì sao mà người ta thấy ông xứng đáng được nhận giải thưởng Nobel Văn chương, một giải thưởng mà nhà văn phải đặc biệt chứng tỏ chủ nghĩa lý tưởng trong những quan điểm và nghệ thuật? Câu trả lời như sau: 
Về căn bản, Kipling có lẽ không xuất chúng vì tư tưởng uyên thâm hay vì những suy gẫm hơn người. Nhưng ngay cả người quan sát nhanh nhất cũng bất ngờ khi nhận ra tài quan sát độc nhất vô nhị của ông, khả năng tái tạo những chi tiết tỉ mỉ nhất từ hiện thực cuộc sống với độ chính xác đến kinh ngạc. Tuy nhiên, chỉ có tài quan sát, mà nó hết sức trung thực với thiên nhiên, sẽ không đáp ứng trình độ chuyên môn trong trường hợp cá biệt này. Có vài yếu tố khác mà nhờ nó tài năng thi ca của ông được bộc lộ. Khả năng tưởng tượng tuyệt vời của ông không chỉ giúp ông sao chép từ thiên nhiên mà còn cho chúng ta thấy cái nhìn nằm ngoài tiềm thức của ông. Những trang tả phong cảnh của ông hiện ra bất ngờ trước mắt. Ông chỉ cần dùng vài từ đầu tiên là phác thảo rõ ràng tính cách của nhân vật, những đặc điểm tiêu biểu của tính tình và nhân cách của con người đó. Tính sáng tạo không dựa vào nội dung bằng cách chụp ảnh đơn thuần những giai đoạn hiện có của các vấn đề, nhưng nó muốn thâm nhập vào tận cốt tủy và tâm hồn sâu kín nhất của sự vật và con người. Đó là nền tảng của hoạt động văn học. 
Nếu Kipling là một người theo chủ nghĩa duy tâm từ một quan điểm mỹ học vì trực giác thi ca, ông cũng là người theo chủ nghĩa duy tâm từ quan điểm tôn giáo trọng luân thường đạo lý, vì ý thức bổn phận của ông, mà nó gây cảm hứng cho một niềm tin ăn sâu trong sự nhận thức tội lỗi. Ông ý thức về sự thực một cách sâu sắc rằng, ngay cả những nhà nước hùng mạnh nhất cũng sẽ diệt vong trừ khi họ đặt nền tảng vững chắc trong lòng công dân biết tuân thủ luật pháp và biết tự kiềm chế hợp lý. 
Thế mạnh của Kipling rõ ràng là trí tưởng tượng cũng như sự quan sát do kinh nghiệm. Nó tiềm ẩn trong máu thịt của ông. Mặc dù ông không có được văn phong hoa mỹ gợi cảm và tinh tế của Swinburne, trái lại, ông thoát khỏi mọi khuynh hướng nhằm tôn sùng khoái lạc vì ý thích thấp hèn của một kẻ ngoại đạo. Ông tránh mọi tình cảm ủy mị trong nội dung và hoa hòe hoa sói trong hình thức. Kipling thích cụ thể và tập trung hơn. Trong tác phẩm của ông hoàn toàn không có những miêu tả trừu tượng và uẩn ngữ. Ông có sở trường tìm từ để diễn đạt trong cách kể chuyện, những tên gọi có ý nghĩa mang tính đặc trưng rất chính xác và chắc chắn. Có lúc người ta so sánh ông với Bret Harte, lúc thì với Pierre Loti, lúc thì với Dickens, tuy nhiên ông luôn luôn là chính mình và dường như năng lực sáng tạo của ông thì vô tận. 
Nếu Kipling hoàn toàn độc lập như một nhà văn, điều đó không có nghĩa là ông chẳng học được điều gì từ những nhà văn khác, ngay cả những bậc thầy vĩ đại nhất cũng thế thôi. Với Bret Harte, Kipling đã học cách nhìn đời sống sinh động của dân cù bơ cù bất. Với Defoe là sự chính xác trong cách miêu tả từng chi tiết và ý nghĩa của giá trị trong cách dùng thuật ngữ và đoạn văn một cách chính xác. Giống như Dicken, ông có mối thương cảm thấm thiết với những người bần cùng trong xã hội và có thể nắm được tính châm biếm trong những đặc điểm và những hành động tầm thường. Nhưng văn phong của ông rõ ràng là độc đáo, không lẫn lộn với ai. Nó hoàn thành mục đích nhờ gợi ý nhiều hơn là mô tả. Nó không hoàn toàn xuất sắc một cách đồng bộ nhưng nó luôn luôn diễn cảm và sinh động vô cùng.
1908
RUDOLF EUCKEN
(Đức, 1846 - 1926) 
Viện Hàm lâm Thụy Điển tặng giải thưởng Nobel Văn chương cho triết gia Rudolf Eucken vì “công nhận công lao tìm kiếm sự thực một cách nghiêm túc, khả năng tư duy sâu sắc, có cái nhìn bao quát trong nhiều lãnh vực và cách trình bày vấn đề sôi nổi, có sức thu hút mà ông đã chứng minh và phát triển triết lý duy tâm của cuộc sống trong nhiều tác phẩm”.    
Giáo sư Eucken đã in nhiều bài viết sâu sắc trong nhiều lãnh vực triết học. Với tư cách là nhà văn, ông đã cho ra đời nhiều quyển sách quan trọng về vấn đề triết học giúp chúng ta hiểu được toàn bộ tư tưởng của ông. Hơn thế nữa, công chúng rộng rãi đã đón nhận những quan điểm sáng suốt và có tính thuyết phục mà ông trình bày để cố gắng giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của nền văn minh đương đại. 
Ông xem lịch sử có một ảnh hưởng quyết định đến triết lý của ông, và những nghiên cứu về triết học và lịch sử đã đưa ông đến những vấn đề mà ông quan tâm giải quyết. Từ nhỏ, cuộc sống thực tế của con người và xã hội có ý nghĩa đối với ông nhiều hơn là những khái niệm trừu tượng của sự phân tích tư tưởng đơn thuần. 
Ngay từ thời trẻ, Eucken đã làm quen với mọi trường phái triết học ở Đức, nhưng lãnh vực chính của ông là nghiên cứu lịch sử và phê bình về sự nảy sinh và phát triển dòng tư tưởng chính thống liên quan đến sự tiến hóa và đổi thay nền văn hóa chung. 
Ông hiểu biết sâu sắc về lịch sử, và những cố gắng đầy ý nghĩa gắn liền với tư tưởng riêng ông về những tác động mạnh mẽ của cuộc sống đối với chứng cứ của lịch sử, đã đặt ông lên trên những quan điểm thiển cận mà chúng muốn cường điệu và hiểu sai ý nghĩa nội tại của lịch sử. Những quan điểm này, phải trả bằng giá  của lòng yêu sự thực khách quan, đã quá phổ biến trong lịch sử của thế kỷ này.
Xa hơn nữa, Eucken nhìn thấy mối đe dọa nền văn minh trong bức tranh biếm họa của chủ nghĩa lịch sử, một phần nó định kéo tất cả mục tiêu vững chắc và mục đích cao cả hơn vào vòng xoáy của một học thuyết tương đối được hiểu sai, một phần cổ vũ những cố gắng thường xuyên để hạn chế và làm tê liệt ý chí con người, bằng cách làm cho nhân loại với những phát triển và thành tựu ăn khớp vào một chủ nghĩa được coi là tự nhiên và quan hệ nhân quả theo thuyết định mệnh. 
Nhưng tương phản với Nietzsche, chẳng hạn như ông không tin vào quyền năng của một cá nhân quá tự phụ để duy trì ý chí  của chính mình, mặc dù có quyền định đoạt bổn phận đối với những quy luật đạo đức bất di bất dịch. Theo quan điểm của Eucken, không phải là cá nhân hay siêu nhân hiện hữu trong sự chia cắt, mà là nhân cách vững mạnh được hình thành trong ý thức của sự hài hòa thanh thoát với những sức mạnh trí thức về vũ trụ, vì vậy con người không phụ thuộc quá sâu, nên nhân cách này được đánh thức để giải phóng chúng ta ra khỏi sự cưỡng bức nông cạn của tạo hóa và sức ép không thể không thoát được một cách hoàn toàn của một chuỗi nguyên nhân và hiệu quả thuộc về lịch sử. 
Eucken không loại bỏ thuyết siêu hình nhằm diễn tả những sự kiện dễ ảnh hưởng đến chúng ta trong lãnh vực vô tận của chân lý và đời sống. Nhưng ông cũng không xây dựng một hệ thống vĩnh viễn mà chính ông cũng không muốn. Triết học của ông, mà ông gọi là triết lý hành động, chủ yếu điều khiển những ảnh hưởng của sự tiến hóa loài người và vì vậy nó năng động hơn là tĩnh tại. 
Chúng ta có thể xem ông là một triết gia văn hóa (Kulturphilosoph), một người đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn và nhu cầu trong thời đại chúng ta.
1909
SELMA LAGERLOF
(Thụy Điển, 1858 - 1940)  
Ngay từ những tác phẩm đầu tay, Selma Lagerlof đã gây sự chú ý trên văn đàn Thụy Điển và trong lòng công chúng. Quyển Truyện kể về giòng họ Gosta Berling - Gosta Berlings Saga - nổi tiếng không chỉ vì nó đánh đổ một cách dứt khoát thuyết duy thực giả dối và không lành mạnh mà còn tính chất độc đáo. 
Bà sớm bước vào lãnh địa riêng của mình mà đó chính là di sản của tổ tiên: thế giới mầu nhiệm của những truyện thần tiên và cổ tích. Chỉ có một tâm hồn đã được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện cổ tích từ thời thơ ấu và tâm hồn đó hết sức giàu tưởng tượng, luôn luôn nhìn thấy xa hay sâu hơn thế giới vô hình, mới dám chuyển dịch những bí mật của thế giới vô hình. Tài tưởng tượng, tính đặc trưng trong những tác phẩm của Lagerlof, thấm đậm trong máu thịt của bà hơn bất cứ ai khác từ thời đại của Nữ thánh Birgitta (*). Giống như những khúc xạ trong hơi nóng của sa mạc tạo nên những ảo tượng sinh động đối với người lạc bước trong đó, trí tưởng tượng đầy màu sắc và ấm áp tình người của bà đã ban cho bà một khả năng tuyệt vời với cái nhìn về ý nghĩa của thực tế sinh động mà bất cứ ai nghe thơ của bà cũng nhớ lại một cách rõ ràng. 
Như một họa sĩ chuyên vẽ tranh sinh hoạt nông thôn, bà là người độc nhất vô nhị và có thể tranh đua với những họa sĩ xuất sắc nhất ở các quốc gia khác. Trong tác phẩm Cô gái ở Marsh Croft - Tosen fran Stormytorpet (1908) không ai có thể bắt chước được cách miêu tả hiện thực và trung thực này. Nó chứa đựng một vẻ đẹp mới lạ và thâm sâu mang tính hấp dẫn không thể cưỡng lại được của một tình yêu vị tha làm nền tảng cho toàn bộ tác phẩm. Nhiều tác phẩm của bà cũng mang vẻ đẹp tương tự. Nhưng tài năng của Selma Lagerlof hiển lộ rõ ràng nhất trong tác phẩm nổi tiếng Thánh địa - Jerusalem (1901-1902). Những tình cảm thiêng liêng sâu xa thỉnh thoảng khuấy động người dân nông thôn ở đất nước Thụy Điển, hiếm khi được truy nguyên rạch ròi như cách miêu tả cuộc hành hương của người dân Dalekarlia đến thánh địa trong tác phẩm này. 
Văn phong của Selma Lagerlof xứng đáng với cách đánh giá Viện Hàn lâm Thụy Điển. Như một người con gái trung nghĩa, bà đã cai quản một di sản ngôn ngữ phong phú mà mẹ bà để lại, từ suối nguồn này đưa đến cách chọn từ trong sáng, cách diễn đạt sáng sủa và nhạc điệu êm ái là nét đặc trưng trong toàn bộ tác phẩm của bà. Cách chọn từ đơn giản và trong sáng, nét đẹp văn phong và tài năng tưởng tượng lại được kèm theo tình cảm tôn giáo sâu xa và mạnh mẽ mang tính đạo đức. Thật vậy, về mặt nào đó, nó không tồn tại với bất cứ ai mà cuộc đời họ là “sợi chỉ trong khung dệt của Thượng đế”. Điều khiến cho những tác phẩm của Selma Lagerlof quá đáng yêu là hình như chúng ta luôn luôn nghe trong đó có tiếng vọng của những điều tốt đẹp nhất, sôi nổi nhất và kỳ lạ nhất mà chúng luôn luôn lay động tâm hồn người dân Thụy Điển. Ít người hiểu được tâm can của người dân ở xứ sở này bằng một tình yêu như thế. Điều này biểu hiện trong tác phẩm Cô gái ở Marsh Croft  một cách chính xác, nét đặc trưng khốc liệt của nó sáng bùng lên ở cách nhìn về lòng hy sinh của cô gái trẻ, cuối cùng cô nói bằng một tình cảm sâu xa: “Đó là nhân dân tôi. Tôi sẽ không giận họ vì tình yêu và nỗi sợ trong sâu thẳm tâm hồn nhỏ bé của họ dành cho Thượng đế quá nhiều”. Một cái nhìn thân thiết và sâu xa như vậy chỉ có đối với một người mà tâm hồn họ cắm rễ sâu trong lòng đất Thụy Điển và đã hút chất dinh dưỡng của nó từ những câu chuyện thần thoại, lịch sử, dân ca và thiên nhiên. Thật dễ hiểu tại sao sự thần bí, luyến tiếc quá khứ và bóng tối kỳ diệu là tài sản riêng của thiên nhiên Bắc Âu được phản ánh trong toàn bộ tác phẩm của bà. Nghệ thuật vĩ đại của bà chính xác là ở điểm bà biết dùng trái tim cũng như tài năng thiên phú của mình để đưa ra những hình tượng từ nguyên mẫu mà chúng ta tự nhận ra mình trong đó. 
(*) Nữ thánh Birgitta: (1303 - 1373), góa phụ của một hoàng tử Thụy Điển, nổi tiếng với tác phẩm Revelations - Mặc khải. Hàng năm được nhân dân làm lễ tưởng niệm vào ngày 8-10.
Phụ lục:
NÀNG TIÊN CÁ
(SELMA LAGERLOF - Nobel Văn chương, 1909) 
Một hôm anh ngư dân sống trên đảo Liding, cách xa Salt Fiord, chèo thuyền đến hồ Lake Maler, vì mải mê đánh cá quên cả thời gian quay thuyền về nhà. Lúc bấy giờ trời đã tối, điều tốt nhất anh có thể làm là neo thuyền trên một đảo nhỏ và chờ đêm xuống, và ánh trăng sẽ hiện ra.
Cuối hè, khí trời ấm áp. Anh đẩy thuyền lên bờ, nằm cạnh thuyền, đầu kê lên một phiến đá rồi ngủ thiếp. Khi anh thức giấc, trăng đã lên tự lúc nào, sáng rực như ban ngày. 
Anh vùng dậy, định đẩy thuyền xuống nước thì thấy trên dòng nước một mảng màu đen lóm đóm trắng đang di chuyển. Một đàn hải cẩu bơi nhanh về phía đảo. Khi thấy chúng trườn lên bờ, anh cuối xuống cầm lấy cái xiên luôn mang theo trên thuyền. Nhưng lúc đứng lên, anh chẳng thấy con hải cẩu nào, thay vào đó, đứng trên bãi cát là một bầy tiên trẻ đẹp mê hồn, mặc váy sa-tanh dài màu xanh lục, đầu đội vương miện ngọc trai. Anh ngư dân hiểu rằng đó là những nàng tiên cá, sống trên các đảo đá xa, đã ngụy trang thành những những con hải cẩu, bơi đến hòn đảo xanh tươi này để thưởng ngoạn ánh trăng đêm.
Anh cẩn thận để cái xiên xuống thuyền, và khi những nàng tiên cá xinh đẹp kia đang vui chơi trên đảo, anh lén theo họ để quan sát. Anh đã nghe kể rằng những nàng tiên cá đẹp và quyến rũ đến nỗi không một ai trông thấy họ mà không bị mê hoặc. Quả điều này không ngoa.
Anh đứng dưới bóng cây nhìn họ nhảy múa một hồi rồi bước xuống bờ biển, nhặt lấy một tấm da hải cẩu ở gần đó rồi giấu dưới một phiến đá. Sau đó, anh trở lại mạn thuyền và giả vờ ngủ.
Chẳng mấy chốc, anh nhìn thấy những nàng tiên cá xinh đẹp chạy xuống bờ cát để mặc những chiếc áo da hải cẩu của họ. Thoạt đầu, tất cả đều vui đùa ca hát, nhưng đến khi biết một trong những người bạn đồng hội đồng thuyền của họ không tìm thấy chiếc áo da của mình, họ lại khóc lóc than van. Mọi người đều chạy ngược chạy xuôi đi tìm chiếc áo da cho bạn, nhưng chẳng thấy tung tích gì. Lúc bấy giờ, họ nhận ra trời sắp sáng, không thể nán lại lâu hơn, tất cả đều nhảy xuống nước và bơi đi, để lại người đẹp mất áo ngồi trên bờ than khóc.
Anh ngư dân cảm thấy buồn thương cho nàng, dĩ nhiên rồi, nhưng anh ta vẫn ép mình nằm yên chờ sáng. Sau đó, anh đứng lên, đẩy thuyền xuống nước, rồi bước đến chỗ nàng ngồi, giả vờ như tình cờ trông thấy nàng trước khi nâng mái chèo bơi đi.
“Cô là ai?” anh lên tiếng. “Cô bị đắm tàu phải không?”
Nàng chạy đến bên anh và hỏi anh có thấy mảnh áo da của mình ở đâu không. Anh làm bộ chẳng hiểu nàng đang nói gì. Nàng lại ngồi xuống và khóc. Lúc này anh quyết định đưa nàng xuống thuyền. “Hãy về nhà tôi,” anh nói. “Mẹ tôi chăm sóc cô. Cô không thể sống trên hòn đảo này, vì ở đây chẳng có thức ăn mà cũng chẳng có chỗ trú thân!”. Giọng anh thuyết phục đến nỗi nàng phải bước theo anh xuống thuyền.
Cả hai mẹ con chàng ngư dân đều tử tế với nàng tiên cá đáng thương, và dường như nàng đã tìm thấy hạnh phúc khi sống chung với họ. Càng ngày nàng càng mãn nguyện với cuộc sống ở đây, luôn luôn đỡ đần công việc với mẹ chàng ngư dân, hiếu thảo như những người con gái sống trên đảo, chỉ có điều nàng đẹp hơn họ nhiều. Một hôm, anh ngư dân ngỏ ý kết hôn với nàng. Nàng không từ chối, đồng ý ngay.
Lễ cưới được chuẩn bị. Nàng tiên cá ăn mặc như cô dâu trong bộ váy màu xanh lục và đội chiếc vương miện ngọc trai sáng lung linh giống như lần đầu tiên anh thấy nàng trên đảo. Lúc đó, trên hòn đảo này chẳng có nhà thờ mà cũng không có linh mục, vì vậy họ cùng nhau xuống thuyền chèo đến ngôi nhà thờ gần đó để làm lễ cưới.
Anh ngư dân cùng nàng tiên cá và mẹ đi trên chiếc thuyền của anh. Anh chèo nhanh đến nỗi bỏ xa những chiếc thuyền khác. Khi anh nhìn ra hòn đảo nhỏ, nơi anh gặp nàng lần đầu, anh không khỏi bật cười.
“Anh cười gì vậy?” Nàng hỏi.
“Ồ, anh đang nghĩ đến cái đêm mà anh giấu tấm da hải cẩu của em”, anh ngư dân  trả lời vì anh tin chắc rằng đến lúc này mình không cần giấu diếm điều gì với nàng nữa.
“Anh nói sao?”, nàng ngạc nhiên hỏi. “Em nghĩ chắc đêm qua anh đã có một giấc mơ khác thường”.
“Nếu anh cho em thấy tấm da hải cẩu của em có thể em sẽ tin anh”, anh ngư dân cười, nhanh chóng quay mũi thuyền về phía đảo nhỏ.      
Họ bước lên bờ và anh lấy tấm da giấu dưới phiến đá lên.
Trong nháy mắt, nàng tiên cá nhìn tấm da hải cẩu rồi chụp lấy và trồng lên đầu. Tấm da bó sát người nàng, như đã tìm lại được sinh khí, và bất thình lình nàng phóng mình xuống dòng nước.
Chú rể thấy nàng bơi ra xa vội lao theo, nhưng không thể đuổi kịp. Khi biết không cách nào để bắt nàng quay lại, trong nỗi thất vọng, anh chụp cây xiên phóng đi. Kết quả nằm ngoài dự tính của anh, nàng tiên cá đáng thương hét lên một tiếng thảm khốc, rồi chìm sâu trong lòng nước.
Anh ngư dân đứng trên bờ chờ nàng hiện lên lại. Anh nhìn thấy làn nước quanh mình khoác một màu phơn phớt sáng, mang một vẻ đẹp mà trước đó anh chưa từng thấy. Một màu hồng phấn lung linh như màu ruột sò.
Khi làn nước lấp lánh vỗ vào bờ, anh ngư dân nghĩ rằng nó cũng được biến chuyển, bắt đầu đơm hoa và thoang thoảng hương thơm. Một chút ánh sáng nhẹ nhàng lan tỏa trên những đóa hoa và mang một vẻ đẹp mà trước đó chưa hề có.
Anh hiểu rằng tất cả những điều này chỉ là lẽ vô thường. Với những nàng tiên cá cũng vậy: kẻ nào đã được ngắm nhìn họ đều phải công nhận rằng họ tuyệt đẹp, và chính dòng máu của nàng tiên cá kia đã hòa quyện trong nước thấm đẫm bãi bờ, đã khiến cho vẻ đẹp được nhân đôi. Tất cả những ai gặp họ, yêu họ, và thương cảm cho họ đều phải biết rằng đây là di sản từ nàng tiên cá để lại. (Dịch từ Anh ngữ).
1910
PAUL VON HEYSE
(Đức, 1830 - 1914)
Chúng ta có thể nói một cách chính xác rằng Paul Von Heyse là người sáng tạo ra loại tiểu thuyết ngắn (nouvella) tâm lý hiện đại. Ông ít có dụng ý trong loại tiểu thuyết này, và có lẽ đó là lý do mà chúng ta thích tính khách quan chúng hơn là những truyện dài của ông như Trẻ con Thế giới - Kinder der Welt (1872) và Trên Thiên đàng - Im Paradiese (1875) mà chúng đề cập đến nhiều vấn đề đạo lý. Tác phẩm trước bày tỏ vấn đề đạo lý không lệ thuộc vào những giáo điều hẹp hòi, tác phẩm sau nhằm bảo vệ nghệ thuật chống lại chủ nghĩa đạo đức khắc khổ. Cả hai tác phẩm đều cho chúng ta thấy rõ chủ nghĩa nhân đạo của tác giả. Trong Trên Thiên đàng ông còn miêu tả thế giới nghệ sĩ ở Munich. Với Ngược dòng - Gegen den Strom (1904), Heyse can đảm thách thức những thành kiến cố hữu bằng cách chống lại thông lệ tranh chấp tay đôi. Một năng lực sáng tạo trẻ trung một cách kỳ lạ hiện rõ trong tác phẩm Thần Vệ Nữ chào đời - Geburt der Venus (1909), qua đó ông kiên định và dứt khoát bày tỏ quan niệm thẩm mỹ của mình bằng cách bảo vệ tự do sáng tạo, chống lại chủ nghĩa khổ hạnh bằng cách bút chiến đồng thời chống lại kỹ thuật sao chép tư tưởng nông cạn, tầm thường và nghèo nàn theo chủ nghĩa tự nhiên. 
Tuy nhiên, Heyse không chỉ là nhà văn của tiểu thuyết và tiểu thuyết ngắn, ông còn là nhà thơ trữ tình nhất của nước Đức đương thời. Ông đã sáng tác những “tiểu thuyết ngắn” bằng thơ rất thú vị, trong số đó có tập thơ đáng ca ngợi là Salamander (1879). Mặc dù lãnh vực kịch nghệ không phải là tài năng thiên bẩm của ông, nhưng ông cũng viết nhiều vở kịch xuất sắc, có thể chọn hai trong tổng số trên năm mươi vở là: Kolberg (1865) - viết về những người yêu nước và Hadrian (1865) - vở bi kịch hấp dẫn, trong đó sự khôn ngoan và nỗi buồn phiền của nhân vật  Hadrian  trộn lẫn vào nhau được mô tả bằng một bút pháp cảm động nhất. 
Heyse là người có tư tưởng độc lập. Trong khi bạn ông là nhà viết kịch Ibsen ca ngợi hết lời tác phẩm Những người giả vờ và Những tên Viking cướp biển ở Helgeland của ông, thì ông, ngược lại chẳng những không thích vở Những con ma mà cả những vở kịch tượng trưng sau đó của ông này. Ông cũng hết sức mê nhạc, nhưng không quá xúc động khi nghe nhạc của Wagner cũng như của Beethoven, Mozart, Schubert, Chopin và Brahms. 
Thực sự mà nói rằng nhà văn có sức quyến rủ và hài hòa này đã được công chúng biết đến rất sơm, nhưng cũng phải công nhận có lúc tình thế thay đổi. Chủ nghĩa tự nhiên, nổ tung về phía trước trong những năm 80 và chiếm ngự quang cảnh văn chương nghệ thuật trong thập niên kế tiếp, nhắm vào sự chối bỏ thần tượng, đã không thương tiếc tấn công chống Heyse bởi những đối thủ sừng sỏ nhất của chủ nghĩa này. Ông cũng là người quá hòa nhã, quá yêu cái đẹp, quá đạo đức và cao thượng đối với những người mà họ phỉ báng ông bằng bất cứ giá nào, những người đòi hỏi cảm giác, ấn tượng, sự phóng túng kỳ quái và những mô phỏng đần độn của những sự thực xấu xa. Heyse không đầu hàng. Thái độ khôn ngoan của ông bị phỉ báng bằng những hành vi thô lỗ của họ. Ông đòi hỏi nhà văn nên nhìn cuộc sống trong một ánh sáng lý tưởng thì văn chương sẽ tôn lên vẻ đẹp thực tế. 
Heyse đã đi theo con đường riêng của mình. Về mặt thẩm mỹ ông tôn sùng sự thực, nhưng bằng thái độ đó, ông phản ánh cốt tủy sự thực qua cái nhìn thực tế bên ngoài. Một câu nói nổi tiếng của Schiller: “Cuộc đời thì trang nghiêm mà nghệ thuật thì trầm lặng”. Để hiểu một cách chính xác, nó diễn tả sự thực sâu xa có thể nhìn thấy được trong cuộc đời và tác phẩm của Heyse. Vẻ đẹp cần được phóng thích và tái tạo, nếu không nó không những mô phỏng thực tế một cách mù quáng mà còn bị  kéo xuống bùn đen. Nó mang tính giản dị thanh cao. Heyse biểu lộ vẻ đẹp trong phương diện này. Ông không giảng dạy đạo đức, thứ đạo đức cướp đoạt vẻ đẹp ngay tức thì, nhưng trong tác phẩm của ông chứa nhiều chất thông thái và cao thượng. Ông không thuyết giảng tôn giáo, nhưng người ta không thể tìm thấy bất cứ điều gì làm tổn thương tình cảm tôn giáo một cách nghiêm trọng trong tác phẩm của ông. Mặc dù ông chú trọng đến đạo đức hơn là giáo điều, ông đã diễn tả lòng ngưỡng mộ sâu xa của mình với mọi quan điểm nghiêm túc. Ông là người khoan dung nhưng không lãnh đạm. Ông tán dương tình yêu, nhưng đó là tình yêu thần thánh chứ không phải tình yêu trần tục tô son điểm phấn. Ông thích những ai tin vào bản tánh của mình, nhưng những cá nhân mà Heyse đồng cảm nhất là những người tôn trọng triệt để bản tánh cao quý của họ nhiều hơn là bản tánh thấp hèn.

1911
MAURICE MAETERLINCK
(Bỉ, 1862 - Pháp, 1949) 
Tác phẩm đầu tay của Maurice Maeterlinck là tập thơ mỏng mang tên Những móng vuốt nóng bỏng - Serres chaudes (1889). Tập thơ này mang tâm trạng dằn vặt nhiều hơn là điều mà người ta mong đợi từ tính tình trầm tư, điềm đạm của ông. Cùng năm (1889) ông in một vở kịch kinh dị, Công chúa Maleine - La Princesse Maleine. Đây là một vở kịch u sầu, khủng khiếp và đơn điệu vì nhiều cảnh cứ tái diễn nhằm tạo một ấn tượng kéo dài, nhưng nội dung là một câu chuyện thần tiên đầy sức quyến rủ, được viết bằng một sức sống mãnh liệt mà người ta không nghi ngờ ở tác giả Những móng vuốt nóng bỏng. Dù sao đây cũng là một tác phẩm nghệ thuật quan trọng. Vở kịch Công chúa Malein được nhà văn Octave Mirbeau (1848-1917) hết lời ca ngợi trên tờ Le Figaro, và kể từ đó Maurice Maeterlinck bắt đầu nổi tiếng. Sau đó, Maeterlinck viết tiếp một loạt kịch bản. Hầu hết những kịch bản này cho chúng ta thấy những thời đại không thể xác định và những nơi chốn không thể tìm thấy trên bất kỳ tấm bản đồ địa lý nào. Cảnh trí thường là một tòa lâu đài tưởng tượng với những lối đi dưới lòng đất, một công viên với nhiều chỗ có bóng râm dễ thương hay một ngọn đèn biển ngoài khơi xa. Những cảnh tượng u uất này, luôn luôn chuyển dịch mờ ảo như chính ý tưởng trong nhiều tác phẩm sân khấu hoàn hảo nhất của ông. Maurice Maeterlinck là người theo trường phái tượng trưng và thuyết bất khả tri, nhưng không thể kết luận rằng ông là người duy vật. Với bản năng và trí tưởng tượng của nhà thơ, ông cảm thấy rằng con người không chỉ thuộc về thế giới hữu hình, và ông xác quyết rằng thi ca không làm thỏa mãn chúng ta nếu nó không làm cho chúng ta lĩnh hội  được nhiều điều hơn là sự phản ánh thực tế  bí ẩn và sâu thẳm mà đó là suối nguồn của hiện tượng. Chủ đề tư tưởng luôn chiếm lĩnh trong những tác phẩm của ông, đặc biệt những tác phẩm hay nhất, là cuộc đời cao cả, chân chính, tâm phúc và sâu thẳm của con người, được biểu thị một cách chính xác trong những màn kịch thanh thoát nhất của ông, và xoáy sâu vào những lãnh vực vượt xa hơn ý nghĩ và lý lẽ lan man. Những màn kịch này Maeterlinck thường vượt trội hơn trong cách miêu tả bằng tài năng tưởng tượng hầu như bay bổng và tâm hồn mơ mộng của sức tưởng tượng nhưng với độ chính xác của một nghệ sĩ hoàn hảo. Cùng lúc sự biểu hiện được cách điệu hóa, tính đơn giản hóa của kỹ thuật được đẩy xa như có thể được mà không làm tổn hại đến nội dung của vở kịch. 
Vở kịch gây ấn tượng nhất của Maeterlinck là vở Aglavaine và Sélysette (1896), một trong những viên ngọc thuần khiết nhất trong văn chương thế giới.            
Với năng lực sáng tạo không bao giờ cạn kiệt, năm 1903 Maeterlinck soạn vở kịch kinh dị hấp dẫn Joyzelle. Nó cho chúng ta thấy tình yêu trải qua những thử thách cam go và những thời kỳ u ám là niềm hân hoan chiến thắng, thủy chung với chính bản chất của nó. Marie Magdeleine (1909) mô tả sự thay đổi trong tâm hồn của một người ăn năn tội lỗi và sự chiến thắng vượt qua mọi cám dỗ mà tất cả đều mạnh hơn khi nó chạm đến phần thanh cao nhất trong bản thân nàng một cách chính xác, hối thúc nàng cứu thoát Messiah bằng sự hy sinh của chính mình và của đời sống đạo đức mới mà chính anh ta đã tạo ra cho nàng, nói một cách khác, sự hy sinh hành động sống còn của Messiah. Cuối cùng chúng ta tán dương tác phẩm Con chim xanh -L’Oiseau bleu (1900), một câu chuyện thần tiên thâm thúy, lấp lánh chất thơ thời thơ ấu, cho dù có nhiều suy nghĩ hoàn toàn thanh thoát ngô nghê. Lạy Chúa! Con chim xanh hạnh phúc chỉ tồn tại bên kia bờ ranh giới của thế giới có thể bị diệt vong này, nhưng những người có trái tim trong trắng sẽ không bao giờ tìm kiếm nó vô ích, vì đời sống tình cảm và trí tưởng tượng của họ sẽ làm cho họ phong phú và làm cho họ trong sạch trong cuộc hành trình ngang qua những xứ sở cùa vùng đất mộng mơ. 
Và vì thế, chúng ta trở lại nơi chốn khởi đầu, vùng đất mộng mơ. Có lẽ chúng ta sẽ không sai lầm nói rằng với Maurice Maeterlinck, mọi sự thực về thời gian và không gian, ngay khi nó không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, luôn luôn mang tấm mạng của những giấc mơ. Dưới tấm mạng này sự thực của cuộc đời được che dấu, và một ngày nào đó khi tấm mạng được nâng lên, thì bản chất của sự vật sẽ được phát hiện.

1912
GERHART HAUPTMANN
(Đức, 1862 - 1946) 
Người xưa nói rằng thời đại thay đổi thì con người thay đổi theo. Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ phát hiện ra chân lý này. Chúng ta, những người không còn trẻ nữa, trong cuộc sống hối hả của chúng ta đã có cơ hội để chiêm nghiệm sự thực của lời nói đó, và mỗi ngày chiêm nghiệm nó lại một lần nữa. Nhìn lại chiều dài lịch sử, chúng ta thấy rằng nhiều điều mới mẻ nảy sinh, nhưng trước tiên không được đón nhận mặc dù trong tương lai chúng giữ một vị trí quan trọng. Một hạt giống nẩy mầm và lớn thành một cây đại thụ. Có những tên tuổi trong ngành khoa học đương đại minh họa sự khác biệt giữa những cái khởi đầu khiêm tốn và sau đó thì phát triển mạnh. 
Điều này thật phù hợp với thể loại kịch thơ. Đây không phải là nơi lần ra sự phát triển của nó qua 25 thế kỷ. Tuy nhiên, có một sự khác biệt ghê gớm giữa dàn đồng ca của buổi lễ tế thần Dionysiac, gọi là bi kịch vì tất cả ca sĩ đều mặc áo da dê, và những nhu cầu của thời hiện tại tạo nên kịch thơ, và sự khác biệt này tỏ ra tiến bộ đáng kể. 
Trong thời đại chúng ta Gerhart Hauptmann đã là một tên tuổi lớn trong lãnh vực kịch nghệ. Trong hầu hết kịch bản của mình, ông đề cập đến tình cảnh của giai cấp hạ lưu mà ông đã hằng tâm nghiên cứu, đặc biệt tại quê nhà Silesia của ông. Những mô tả của ông dựa trên những quan sát sắc bén về con người và môi trường xung quanh. Mỗi một nhân vật đều bộc lộ cá tính đầy đủ - không có dấu vết ước lệ hay rập khuôn. Chẳng một ai mảy may nghi ngờ tính chân thật trong những nhận xét của ông. Họ xác nhận Haupmann là một nhà văn hiện thực vĩ đại. 
Hauptmann cũng nổi tiếng về thể loại kịch lịch sử và hài kịch. Ông chưa xuất bản một tập thơ trữ tình nào, nhưng những bài thơ ngẫu hứng trong kịch chứng tỏ tài năng của ông trong lãnh vực này. 
Thời kỳ đầu sự nghiệp văn chương, ông đã in một vài truyện ngắn, đến năm 1910, ông cho ra mắt tiểu thuyết Người bị phỉnh vì Chúa: Emanuel Quint - Der Narr in Christo Emanuel Quint. Truyện ngắn Der Apostel trong năm 1892 là phác thảo của tác phẩm này, trong đó chúng ta được biết về đời sống nội tâm của một con người nghèo khổ, anh ta không được hưởng bất cứ nền giáo dục nào khác hơn những điều học được trong Kinh Thánh, và không có bất cứ ý kiến phê bình  nào về những gì anh đã đọc được, cuối cùng đi đến kết luận rằng anh ta là hiện thân của Đấng Cứu thế. Thật không dễ dàng để giải thích đúng về sự phát triển linh hồn con người mà có thể được xem là bình thường, vì mọi quyền lực và tình huống đều ảnh hưởng đến sự phát triển của nó. Nhưng quả thật có nhiều khó khăn để đạt được chân lý nếu ta diễn tả sự phát triển chiều sâu của một linh hồn mà về phương diện nào đó là bất bình thường. Thử nghiệm là táo bạo, thể hiện được điều này phải mất nhiều thập niên làm công việc sáng tạo. Phán xét việc làm này là vô cùng khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng Emanuel Quint là cách giải quyết bậc thầy của một vấn đề nan giải. 
Ưu điểm của Hauptmann là ở cái nhìn sắc sảo và nghiêm khắc đi sâu vào tâm hồn con người. Tài năng này cho phép ông tạo ra những cá nhân có đời sống thật hơn là những mẫu người đại diện cho cách nhìn hay quan điểm cá biệt nào đó trong những kịch phẩm và tiểu thuyết của ông. Tất cả những nhân vật mà chúng ta gặp, ngay cả những nhân vật phụ, cũng có một đời sống trọn vẹn. Trong tiểu thuyết của ông, người ta thán phục những trang mô tả quang cảnh cũng như những phác họa con người có quan hệ ít nhiều với nhân vật chính của câu chuyện. Còn kịch thì chứng tỏ nghệ thuật bậc thầy của ông nhờ sự nội lực cô đọng của chúng, khiến người đọc hay người xem phải theo dõi từ đầu đến cuối. Bất cứ đề tài nào ông đề cập, ngay khi giải quyết mặt trái cuộc đời, ông luôn là người cao thượng. Đức tính cao thượng đó và nghệ thuật được tinh lọc của ông đã tạo cho tác phẩm của ông một sức mạnh tuyệt vời.

1913
RABINDRANATH TAGORE
(Ấn Độ, 1861 - 1941) 
Tập thơ tôn giáo Hiến dâng - Song Offerings (1912) của Tagore là một trong những tác phẩm đã gây sự chú ý đặc biệt của những nhà phê bình khó tính khi nó chào đời. Tác phẩm này đã thuộc về tài sản của nền văn học Anh theo đúng nghĩa, vì chính tác giả, người được giáo dục và rèn luyện là một nhà thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ, đã dành cho những bài thơ một vẻ hoàn hảo tân kỳ về hình thức và độc đáo trong cảm hứng. 
Người làm vườn, Những bài thơ Trữ tình về Tình yêu và Cuộc sống - The Gardener, Lyrics of Love and Life (1913) tập thơ thứ hai cùng chủ đề cũng được đánh giá như vậy. Tuy nhiên, trong thi phẩm này, như chính tác giả đã cho chúng ta biết, ông đã lập lại nhiều hơn là thăng hoa những cảm hứng ban đầu của mình. Ở đây, chúng ta thấy một giai đoạn khác nữa về tính cách của ông, lúc thì nói về kinh nghiệm hạnh phúc xen lẫn đớn đau của tình yêu thời trẻ, lúc thì day dứt những cảm giác thèm khát và hân hoan mà những thăng trầm của cuộc đời gây ra, tuy nhiên toàn bộ tập thơ thoáng hiện những ý tưởng mơ hồ về một thế giới cao xa hơn.
Trong năm 1913, Tagore xuất bản một tập thơ với tên Trăng lưỡi liềm - The Crescent Moon, mang tính tượng trưng, vẽ ra những bức tranh nên thơ của thời thơ ấu và đời sống quê nhà, và một số bài diển thuyết đọc trước cử tọa là sinh viên Anh và Mỹ mà ông đặt tên chung là Nhận thức cuộc đời - Sâdhanâ: The Realisation of Life. Cả hai tác phẩm này biểu hiện quan điểm của ông về những phương thức con người có thể đạt đến một niềm tin mà dưới ánh sáng của nó có thể thực hiện được để sống. Đây là một tìm kiếm riêng của ông về mối quan hệ đích thực giữa niềm tin và ý tưởng, làm cho ông nổi bật lên như một nhà thơ thiên phú, được biểu thị bằng tư tưởng uyên thâm, nhưng hầu hết những kết quả đạt được là do cảm xúc cao độ và do sức gợi cảm của thứ ngôn ngữ văn hoa mà ông sử dụng. 
Tuy nhiên, cũng như bất cứ ai trong chúng ta, ông càng xa lánh tất cả những gì mà chúng ta có thói quen chấp nhận được phân phối, và được cung ứng trên những thị trường như thị trường triết học Phương Đông, xa lánh những giấc mơ đau khổ về luân hồi và nghiệp chướng (karma) không dành riêng cho ai, xa lánh thuyết phiếm thần, thực tế là trừu tượng, xa lánh niềm tin luôn luôn được xem như  nét đặc thù của nền văn minh cao ở Ấn Độ. Ngay cả Tagore, cũng không chuẩn bị tư tưởng để thừa nhận rằng niềm tin như đã mô tả, có thể đòi hỏi bất cứ uy quyền nào từ những lời giáo huấn uyên thâm nhất của những nhà thông thái thời quá khứ. Ông nghiên cứu kỹ Kinh Vệ đà, Upanishads và cả giáo lý của Đức Phật, trong đó ông đã phát hiện ra cho mình điều mà ông gọi là chân lý không thể bác bỏ được. Nếu ông tìm kiếm thần linh trong thiên nhiên thì ông thấy ở đó một con người đang tồn tại với những nét đặc trưng của một vị thần có sức mạnh vô hạn, một đấng toàn năng toàn trí, mà sức mạnh tinh thần siêu phàm của họ hiện diện khắp thế gian này, đâu đâu cũng có, nhưng đặc biệt trong linh hồn của con người được vĩnh viễn định trước. Tán dương, cầu nguyện và hiến dâng hết mình là những yếu tố tinh thần lan tỏa khắp tập Thơ Hiến Dâng mà ông đặt dưới chân vị thần linh vô danh của mình. Khổ hạnh và ngay cả khắc khổ về mặt đạo đức có vẻ như xa lạ đối với mẫu thần linh mà ông tôn thờ, mẫu thần linh này có thể được đặc trưng hóa như một chủng loài của thuyết hữu thần hợp với nguyên tắc thẩm mỹ. Lòng ngưỡng mộ trong cách mô tả vị thần linh đó thật phù hợp với toàn bộ thi ca của ông, và nó đã ban cho ông sự bình an. Ông tuyên bố sự bình an đó sẽ đến với những linh hồn mệt mỏi và tiều tụy vì lo lắng ngay cả trong linh hồn của những người theo đạo Cơ đốc. 
Đây là chủ nghĩa  thần bí, nếu chúng ta thích gọi như thế, nhưng không phải là chủ nghĩa thần bí chối bỏ nhân cách, tìm kiếm để mải mê trong cái Toàn thể tiếp cận cái Hư vô, mà là thứ chủ nghĩa thần bí, với tất cả tài năng và năng lực của con người được tôi luyện đến mức độ cao nhất, háo hức tiến về phía trước để gặp Đấng Sáng tạo của muôn loài đang tại thế. Nhiều hạng người nhiệt tình theo chủ nghĩa thần bí này không phải hoàn toàn không được biết đến tại Ấn Độ trước thời Tagore, thật vậy trong số những triết gia và những nhà tu khổ hạnh thời xa xưa còn khắc khổ hơn nhiều dưới nhiều hình thức của bhakti (*), lòng sùng đạo của họ mà cốt lõi là tình yêu thâm sâu và tin tưởng vào Thượng đế. Ngay từ thời Trung cổ, những tu sĩ Du già chịu ảnh hưởng trong một chừng mực nào đó bởi tín đồ Ki-tô giáo và những tôn giáo xa lạ khác, đã tìm kiếm những lý tưởng của niềm tin trong những thời kỳ khác nhau của Ấn giáo, đặc điểm không giống nhau nhưng xét tổng quát đều mang khái niệm của thuyết nhất thần. Tất cả những dạng thức cao hơn của niềm tin này đã biến mất hay bị quá khứ đào thải, bị chết tức tưởi bởi sự phát triển quá sức dồi dào của sự pha trộn thờ cúng, mà đã lôi cuốn tất cả người dân Ấn Độ thiếu khả năng tương xứng, để đối kháng lại những lời tán tỉnh của nó. Ngay cả Tagore cũng phải vay mượn một hay nhiều âm điệu khác từ những dàn nhạc giao hưởng của các bậc tiền bối trên quê hương ông. Thật vậy, ông đã đặt chân lên mặt đất vững chắc hơn trong thời đại này, thời đại mà những cư dân trên trái đất cùng sát cánh bên nhau đi trên con đường hòa bình, mà cũng là con đường tranh chấp, để liên kết và chịu trách nhiệm chung, thơi đại tiêu phí những năng lực riêng của nó để gửi đi lời chúc mừng và thiện ý ra khỏi đất liền và biển cả. Thế nhưng, Tagore, bằng những hình ảnh mang tư tưởng tiên phong, đã cho chúng ta thấy những gì là trần tục bị nuốt chửng như thế nào trong thế giới vĩnh hằng... 
(*) Con đường tu hành bằng từ ái của các Du già.

1919
CARL SPITTELER
(Thụy Sĩ, 1845 - 1924) 
Tác phẩm Mùa Xuân Olympic - Olympischer Fruhling của Spitteler chỉ được dân chúng Thụy sĩ và Đức biết đến khi tái bản vào năm 1909. Nhưng mỗi năm và đặc biệt từ khi kết thúc chiến tranh (lần thứ I), nó càng lúc càng được mọi người chú ý và số lượng phát hành càng tăng không ngừng. Đây là một con số đáng lưu ý đối với một thiên sử thi 600 trang, được viết bằng thể loại thơ, nói về những vị thần ở Olympus, người đọc phải đọc hết tập đồng thời cũng gây sự nhàm chán cho họ. Nhà văn này, trong nhiều thập niên đã hiến dâng tất cả năng lực của mình cho một công trình đồ sộ như vậy. 
Ông đã không làm điều gì để làm suy yếu những tương phản này. Trái lại, ông đã cố tình chọn một đề tài và cách tiếp cận chắc chắn để gây hoang mang và gây cảm giác khó chịu cho những độc giả có thiên hướng khác nhau hay nền giáo dục và sở thích khác nhau, khi họ cố gắng hiểu được một thế giới đầy thi vị mà ông đã mở ra trước mắt họ. Từ đầu, ông đủ táo bạo để khiêu gợi đức tính kiên trì của người đọc phải đi theo ông đến cuối những con đường kỳ lạ của ông, những con đường không chỉ được soi sáng bằng chuỗi hành động liên tục và rõ ràng mà cả những độc thoại lẫn đối thoại của những vị anh hùng, tất cả đều mang kịch tính cao mặc dù cốt truyện là sử thi. Người đọc thành thạo nhận ra những dấu vết của Homer, nhưng điều bất ngờ là ông dẫn người đọc đến một mục tiêu không được biết trước và không bao giờ đoán được. 
Nhưng suy cho cùng thì giữa Olympus của Homer và thần thoại mang phong cách riêng của Spitteler có sự tương phản gay gắt và nổi bật! Không gì có thể bất công hơn là lời chỉ trích rằng ông thích lôi cuốn những nhà ngữ văn và những môn đồ uyên thâm khác bằng những ẩn dụ bí hiểm và những biểu tượng thâm thúy vay mượn từ tư tưởng và sự hiểu biết của họ. Cách mô tả những vị thần Olympic và những anh hùng, những huyền thoại và sấm truyền của ông họa hoằn lắm mới làm chúng ta nhớ lại một trong những văn phong hay lối diễn đạt của thi sĩ triết gia Hy Lạp lão luyện này. Có thể  chúng không những được bắt nguồn từ những tìm tòi mới nhất bằng sự uyên thâm về kinh điển, mà còn bằng cách trích dẫn những chứng cứ đáng tin cậy của nhà thơ vào bất cứ hình thức thể hiện nào mang tính phúng dụ. Spitteler không bắt chước bất cứ ai, không bắt chước ngay cả Goethe khi nhà thơ này cố gắng hóa giải sự đam mê của người theo chủ nghĩa lãng mạn và sự cân bằng kinh điển trong những chiếc mặt nạ của Faust và Helen trong tác phẩm Faust. 
Thần thoại của Spitteler là hình thức biểu hiện hoàn toàn cá nhân, nó phát triển một cách tự nhiên nằm ngoài sở học của ông và nó diễn đạt tình trạng lộn xộn đang tồn tại của những nhân vật sống chật vật mà ông gợi lên để miêu tả chúng theo mức độ của khả năng sáng tạo lý tưởng, miêu tả những nỗi thống khổ, những hy vọng, và những ảo tưởng tan vỡ của con người, những thăng trầm của từng vận mệnh khác nhau trong cuộc đấu tranh tự nguyện chống lại cảnh nghèo túng đã được an bài. 
Thật đầy đủ để nói rằng cuộc đời lỗi lạc của các vị thần Olympic và các thần vũ trụ, tự biểu thị niềm hoan lạc và những thử thách về sức mạnh, kết thúc trong nỗi tuyệt vọng mang khuôn mặt của kẻ vong ân bạc nghĩa, dâm loạn, ác đức và khốn khổ. Herakles, con trai của thần Zeus, được cha, người thân và bè bạn trang bị cho tất cả tài năng toàn hảo, nhưng cùng lúc mang gánh nặng bị Hera, hoàng hậu của các vị thần, nguyền rủa và ghen ghét, phải rời ngọn Olympic để hoàn thành nghĩa vụ bạc bẽo của lòng thương hại và can đảm trên mặt đất. 
Những vị thần Olympic, với những kỳ công và những cuộc phiêu lưu của họ, những cuộc chiến đấu thắng lợi và những cuộc cãi vả lẫn nhau, thực tế là những siêu nhân mà nhà thơ quý trọng vì họ có khả năng chế ngự những ý thích chớm nở và lòng khát khao của họ...
1920
KNUT HAMSUN
(Na Uy, 1859 - 1952)
Mặc dầu trong thời đại chúng ta, có nhiều quan điểm đang thịnh hành muốn tìm kiếm một nền văn học vượt qua bản sao trung thực của thực tế, nhưng vẫn phải đón nhận tác phẩm Sự phát triển của đất - Markens Grode (1917) của Knut Hamsun. Tác phẩm này tiêu biểu cho một cuộc sống mà nó thiết lập cơ sở của sự sống, và cho sự phát triển những xã hội ở bất cứ nơi nào mà con người đang sống và xây dựng. Những mô tả này không bị bóp méo bởi bất cứ ký ức nào của một quá khứ lâu dài, có nền văn minh cao. Nó tạo hiệu quả trực tiếp vì gợi lên sự đấu tranh khắc nghiệt mà tất cả những con người tích cực trong buổi ban đầu phải chịu đựng (trong những điều kiện ngoại giới khác nhau, dĩ nhiên) chống lại một thiên nhiên khó khuất phục. Thật khó diễn đạt về một tương phản nổi bật hơn với những tác phẩm thường được gọi là “kinh điển”. 
Tuy nhiên, tác phẩm này xứng đáng được gọi là kinh điển, nhưng trong một ý nghĩa thâm sâu hơn thì tên gọi này dùng để diễn tả một điều gì khác và nhiều hơn là lời ca tụng mơ hồ. Kinh điển, tài sản văn hóa mà chúng ta được thừa hưởng từ thời xa xưa, nó ít mang ý nghĩa mô phỏng thời quá khứ đã hoàn thành hơn là ý nghĩa có được trực tiếp từ cuộc sống, và được mô tả dưới hình thức có giá trị lâu dài, ngay cả trong những thời đại tương lai. Sự tầm thường, ngay bản thân nó không có gì quan trọng, trong khái niệm này không thể hiểu theo nghĩa khác hơn là chính thức hiểu theo nghĩa nhất thời hay khiếm khuyết. Nhưng ngoài cái đó ra, bất cứ điều gì được quý trọng trong đời sống con người, mặc dù nó có vẻ bình thường, có thể được đặt trong cùng phạm trù như khác thường và lỗi lạc, với ý nghĩa và hình thức có giá trị bằng nhau, khi mà lần đầu tiên nó hiện ra trong trạng thái chính xác của nó. Trong ý nghĩa này chẳng có sự cường điệu nào để xác nhận rằng qua tác phẩm Sự Phát triển của đất, Hamsun đã trao cho thời đại chúng ta một tác phẩm kinh điển, nó có thể đọ sức với những tác phẩm xuất sắc nhất mà chúng ta đã có. Chỉ riêng về khía cạnh này, những thế hệ tương lai khó mà hiểu được nó, bởi vì cuộc đời luôn luôn mới và bất tận nên nó luôn luôn được biểu thị trong những hình thái mới được sáng tạo bởi những tài năng mới. 
Tác phẩm của Humsun là một bản anh hùng ca lao động, mà tác giả đã cho chúng ta thấy những đường nét vĩ đại. Nó không phải là vấn đề lao động bình thường, mạnh ai lo thân người đó, mà là vấn về lao động cực nhọc tập trung, dưới hình thức thuần túy nhất nó định hướng phát triển con người một cách toàn diện, nó xoa dịu và mang tinh thần chia xẻ với nhau, nó bảo vệ và làm tăng lợi tức của họ bằng sự phát triển thường xuyên và liên tục. Lao động của người tiên phong và người nông dân đầu tiên với muôn vàn khó khăn, dưới ngòi bút của một nhà thơ, theo đó đảm nhiệm vai trò đấu tranh quả cảm mà không khuất phục điều gì, bằng đức tính hy sinh cao cả cho xứ sở và bạn bè cùng hội cùng thuyền với họ. Cũng giống như nhà thơ nông dân Hesiod (*) mô tả những người lao động trên đồng ruộng, Hamsun đã làm nổi bật hình ảnh người lao động lý tưởng cống hiến cả cuộc đời và sức lực của mình để khai khẩn đất đai và chiến thắng những trở ngại mà con người và sức mạnh của thiên nhiên cản phá. Nếu Hamsun đã bỏ lại sau lưng tất cả những ký ức nặng nề của nền văn minh, bằng tác phẩm của mình, ông đã góp phần cho việc hiểu biết chính xác về nền văn hóa mới, mà thời đại chúng ta mong đợi, phát sinh do sự phát triển của lao động vật chất như một tiếp diễn của nền văn minh cổ. 
Những dự tính này nọ của con người, thay vì suy giảm lại tăng cường cảm giác cho người đọc nhờ nội dung kinh điển của câu chuyện. Chúng xua tan nỗi e sợ mà người đọc cảm thấy ánh sáng của lý tưởng phải trả giá bằng sự thật, chúng bảo đảm tính chân thật ý đồ của tác giả, sự chính xác của những hình ảnh và nhân vật. Tính nhân đạo thông thường của chúng dành cho mọi người. Bằng chứng là những người có tâm tính, ngôn ngữ và phong tục khác nhau đều đón nhận tác phẩm này. Hơn nữa, qua lối hành văn hóm hỉnh, tác giả đã đề cập đến cả những điều buồn bả nhất mà ông đã trải qua, ông đã chứng tỏ lòng trắc ẩn của mình đối với số mệnh và bản chất con người. Nhưng trong truyện, ông luôn luôn giữ phong thái thâm trầm của một nghệ sĩ hoàn thiện nhất. Văn phong của ông không cầu kỳ hoa mỹ. Ông diễn tả thực tế sự việc chính xác và trong sáng. Người đọc có thể tìm gặp trong tác phẩm này màu sắc phong phú tiếng mẹ đẻ của tác giả... 
(*) Hesiod: nhà thơ Hy lạp, sinh ở Ascra (miền Trung tâm Cổ Hy lạp) khoảng giữa thế kỷ VIII trước Tây lịch.
ANATOLE FRANCE
(Pháp, 1844 - 1924)
 
Chỉ một vài tác phẩm của Anatole France đã xuất bản cũng đủ cho tên tuổi ông nổi tiếng khắp thế giới, điều mà ông chẳng ao ước nhưng không thể tránh khỏi. Ông được công nhận là bậc thầy kể chuyện nhờ ở sự uyên bác, trí tưởng tượng, văn phong trong sáng mà quyến rũ, và tính châm biếm thâm trầm cùng tình cảm nồng nàn kết hợp lại để tạo ra những hiệu quả kỳ diệu. 
Có lúc, France mở ra trước mắt chúng ta một hộp khảm ngọc trai đựng đầy nữ trang vô giá được chạm trổ bởi bàn tay của bậc thầy thời xa xưa. Chúng ta tìm thấy trong đó những truyền thuyết mang tính châm biếm nhẹ nhàng nhưng hết sức quyến rũ, của Cêlestin và d’Amyers - một nhà tu khổ hạnh già và vị thần Đồng án trẻ - cùng hát bài Ngợi ca lễ Phục sinh, một người tán dương sự trở về của Chúa còn người kia thì tán dương mặt trời lại mọc lên, những tín đồ có chung lòng mộ đạo vô nhiễm, cuối cùng tập hợp lại - dưới con mắt hoảng hốt của nhà viết sử - trong cùng một ngôi mộ thiêng. Câu chuyện này cho chúng ta thấy France sống trong một vương quốc mà ông say mê, một vương quốc giữa người ngoại đạo và tín đồ của Chúa Ki-tô, nơi vàng thau lẫn lộn, nơi những người cuồng dâm gặp những tông đồ của Chúa, nơi những con vật trần tục và linh thiêng đi lang thang, nơi những chất liệu phong phú được tìm thấy để thực hiện khả năng tưởng tượng của ông, dự tính của ông và tính châm biếm đầy trí tuệ của ông bằng mọi sắc thái của nó. Người ta thường không biết nên gọi nó là hư cấu hay hiện thực. 
Chúng ta hãy cùng ông tản bộ một cách thản nhiên, không chút sợ hãi, trong khu vườn của Epicurus. Ông sẽ dạy chúng ta tính khiêm tốn. Ông sẽ nói với chúng ta: thế giới thì vô cùng rộng lớn còn con người thì vô cùng nhỏ bé. Các bạn tưởng tượng ra điều gì? Lý tưởng của chúng ta là những chiếc bóng dễ nhận ra nhưng đi theo chúng, chúng ta sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc đích thực duy nhất của chúng ta. Ông sẽ nói rằng tính chất tầm thường của con người là phổ biến, nhưng ông sẽ không loại trừ nó. Chúng ta có thể trách cứ ông về thú nhục dục chiếm ngự một vị trí quá lớn trong vài tác phẩm và về quan điểm mang chủ nghĩa khoái lạc, chẳng hạn, được ông mô tả bằng dấu hiệu hoa huệ đỏ của miền Florence nước Pháp, mà không được thực hiện bằng những ý tưởng nghiêm túc. Ông sẽ trả lời, theo những câu châm ngôn của người cha tinh thần của ông, rằng những khoái lạc của tinh thần vượt trội hẳn những khoái lạc của thể xác, và sự thanh thản của tâm hồn là nơi ẩn náu cho người khôn ngoan lái chiếc thuyền của mình để trốn thoát những cơn bão của đời sống nhục dục. 
Theo khuynh hướng này, Anatole France từ bỏ tư tưởng ẩn dật mang tính thẩm mỹ của mình, cái “tháp ngà” của ông,  để lao vào cuộc xung đột xã hội trong thời đại ông, hò hét như Voltaire để khôi phục quyền con người bị lên án một cách bất công cũng như khôi phục chủ nghĩa yêu nước bị thương tổn của ông. Và ông đã đi vào những khu nhà ở của công nhân tìm kiếm biện pháp hòa giải giữa giai cấp và quốc gia. Kết cuộc có hậu cho ông. Sau khi được hưởng nhiều năm vui vẻ ở cung điện của ba chị em nữ thần Graces, ông vẫn ném tia sáng kiến thức vào cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa duy tâm, vào một thời đại tiến bộ, ông tiến hành chống lại thời kỳ suy đồi của những tầng lớp thượng lưu và chống lại chủ nghĩa duy vật cùng quyền lực của đồng tiền. Ông chẳng phải là người tham danh vọng. Tác phẩm của ông được bàn luận nhiều là tác phẩm viết về Jean d’Arc. Nó đã làm ông hao tốn không biết bao nhiêu công sức, với ý định xé tan màn bí mật của vị nữ anh hùng gây nhiều cảm hứng của nước Pháp để khôi phục nàng lại đúng với bản chất, với đời sống thực. Đó là việc làm khó khăn vô vụ lợi trong kỷ nguyên chuẩn bị phong thánh cho nàng. 
Những vị Thần khát nước - Les Dieux ont soif (1912) là vở kịch nổi tiếng về cuộc Cách mạng Pháp, giống như mặt trận tư tưởng, nó phơi bày những số phận tầm thường của con người được phản chiếu trong máu. Một thế kỷ là khoảng thời gian quá ngắn cho phép phác họa một cách rõ ràng bước đi của con người tiến đến lòng khoan dung và nhân đạo hơn. Nhiều sự kiện diễn ra thật ứng với những lời tiên đoán của ông làm sao! Nhiều năm sau khi tác phẩm này có mặt một tai ương khủng khiếp xảy ra. Hiện giờ biết bao vũ đài xinh đẹp đã được chuẩn bị cho những trò chơi của những kẻ hiếu chiến! Khói của những trận đánh vẫn còn lơ lửng trên mặt đất. Và hiện lên khỏi làn khói mờ là những nhà tài phiệt, những vị thần nham hiểm của quả đất. Phải chăng họ là kẻ trở về từ cõi chết? Nhà tiên tri u sầu thông báo một mặc khải mới. Một làn sóng dị đoan đe dọa cuốn trôi nền văn minh. Anatole France vận dụng vũ khí tinh vi và có khả năng phá hủy từ từ để truy đuổi những hồn ma và những ông thánh giả mạo. Trong thời đại chúng ta, niềm tin là vô cùng cần thiết, nhưng niềm tin đó phải được thanh lọc bởi sự ngờ vực lành mạnh, bởi tinh thần minh mẫn, một chủ nghĩa nhân đạo mới, một chủ nghĩa Phục hưng mới, một Phong trào Cải cách mới...
1922
JACINTO BENAVENTE
(Tây Ban Nha, 1866 - 1954) 
Jacinto Benavente đã cống hiến phần lớn tài năng sáng tạo của mình cho sân khấu, và có thể nói ông đã phát triển tài năng một cách có hệ thống thông qua nhiều trạng thái khác nhau của kinh nghiệm. Nhưng với nhà nghệ sĩ giàu sáng tạo này, phương pháp hình như là cách biểu hiện trực tiếp và phóng túng của con người ông. Chúng ta có thể nói rằng  không ai có thể đạt đến mục đích bằng ít nỗ lực và suy ngẫm so với giá trị thành đạt của ông. 
Cảm xúc điều khiển ông cũng là cảm xúc của một bản chất cực kỳ hài hòa và trọn vẹn: nó không chỉ là nghệ thuật kịch và không khí sân khấu mà ông yêu mến. Ông cũng yêu thương cuộc sống xã hội bằng một tình cảm nồng ấm, yêu thương thế giới thực tế mà nhiệm vụ của ông là đưa nó lên sân khấu. Nó không phải là vấn đề chỉ tôn thờ cuộc sống một cách thiển cận và thiếu suy xét. Ông đã quan sát thế giới của mình bằng đôi mắt cực kỳ sắc bén và sáng suốt, ông đã cân đo nó bằng một trí óc linh hoạt và tỉnh táo. Ông không cho phép mình bị lừa bịp không những bởi con người mà còn bởi những quan niệm, không những ngay cả quan niệm riêng mà còn cảm hứng chủ đạo riêng của ông nữa. 
Vì thế, văn phong của ông mang tính đặc trưng dễ phân biệt nhất - uyển chuyển. Văn phong như thế có một giá trị rất hiếm, đặc biệt trong thời đại chúng ta, mà trên thị trường thì nhu cầu quá ít còn mọi người thì hầu hết không nhận ra. 
Hoạt động của ông đặc biệt nằm trong lãnh vực hài kịch, nhưng đối với chúng ta thuật ngữ này ở Tây Ban Nha mang tính toàn bộ nhiều hơn, nó bao gồm điều mà chúng ta thường gọi là kịch dành cho giai cấp trung lưu, kết thúc không bi lụy. Nếu có một kết thúc bi lụy thì gọi là bi kịch và Benavante cũng viết nhiều vở kịch như thế, trong đó có vở Yêu lầm - La Malquerida (1913) xuất sắc và gây xúc động. Ông cũng soạn nhiều vở kịch lãng mạn và kinh dị đầy chất thơ. 
Nhưng sở trường của ông nằm trong những hài kịch, mà, như chúng ta đã biết, chúng đều nghiêm túc và đều gây cười cho khán giả, đồng thời ông cũng soạn những hài kịch ngắn, mà trong văn học Tây Ban Nha được phát triển thành một loại kịch đặc biệt với truyền thống cổ và hết sức thú vị. Với thể loại kịch ngắn này, Benavente là một bậc thầy làm say mê lòng người nhờ tính dí dỏm tự nhiên và cảm hứng tươi vui cũng như vẻ tao nhã mà ông tạo ra. Nói chung, Benavente không có ý định làm cho khán giả đau khổ, mục đích của ông là giải quyết những xung đột giữa u sầu và thất vọng một cách hài hòa. Sự hài hòa này thường đạt được bằng nhẫn nhục, không buồn chán mà cũng chẳng lâm ly bi đát và không có những hành động để tỏ thiện ý gì lớn lao. 
Những vở bi kịch khác lạ, đơn giản và trầm lắng tiêu biểu của ông như: Chinh phục linh hồn - Alma triumfante (1902), Lòng tự trọng - La propria estimacion (1915) và Tấm bảng tên màu trắng - Campo de armino (1916) đều mang đậm lòng nhân đạo thuần túy lạ thường.
Những truyền thống thi ca Tây Ban Nha bao gồm chủ nghĩa hiện thực kiên quyết, táo bạo, và hoàn chỉnh, phát triển khả năng sáng tác nhiều cùng sự quyến rũ không thể bắt chước được theo tinh thần giải trí cốt để vui và  dựa vào thực tế, không dựa vào lời thoại dí dỏm. Benavente đã chứng tỏ mình thuộc trường phái này, và theo cách riêng của mình, ông đã cho chúng ta thấy hài kịch hiện đại mang nhiều đặc điểm tinh thần cổ điển. Ông đã chứng tỏ mình là người trung thành đáng kính của nền thi ca cổ điển và có văn phong cao nhã.

1923
William Butler Yeats
(Ireland, 1839 - 1922) 

Ngay từ thời niên thiếu, William Butler Yeats đã nổi tiếng là một nhà thơ. Tự truyện của ông cho chúng ta biết rằng những thôi thúc nội tâm đã định đoạt mối quan hệ của ông với thế giới thi ca khi còn bé... 
Khi sân khấu kịch Ireland ra đời, Yeats đã tích cực tuyên truyền làm náo động cả sân khấu lẫn công chúng, và buổi trình diễn đầu tiên dành cho vở kịch Nữ Bá tước Cathleen - The Countess Cathleen (1892) của ông. Tiếp theo kịch phẩm hết sức giàu chất thơ này là một loạt kịch thơ, tất cả đều lấy chủ đề Ireland rút ra từ những truyện kể chiến công của các vị anh hùng thời xa xưa. Trong số này, có những vở  nổi tiếng như: Deirdre (1907) - một bi kịch về số phận của nàng Helen, người con gái Ireland; Mũ sắt xanh - The Green Helmet (1910) - một thần thoại vui về những vị anh hùng thời sơ khai hoang dã; và nổi bật hơn cả là vở Ngưỡng cửa của nhà Vua - The King’s Threshold (1904), ở đây tính thâm trầm và vẻ trang nghiêm hiếm có của tư tưởng  đã lan tỏa trong chất liệu đơn sơ của vở kịch. Cuộc tranh chấp về vị trí và đẳng cấp của nhà thơ ở cung đình đã gây ra vấn đề luôn cấp bách cũng như gây ra bao nhiêu vấn đề tinh thần được cho là đúng trong thế giới chúng ta, và không biết những vấn đề đó có được đón nhận bằng niềm tin đích thực hay giả dối. Với những yêu sách mà nhân vật chính trong vở kịch đánh cược cuộc đời mình lên đó, anh ta bảo vệ uy thế của thi ca mà chính nó làm cho đời người tốt đẹp và đáng trân trọng. Không phải nhà thơ nào cũng đề xuất những yêu sách như thế, nhưng Yeats thì có thể làm được: chủ nghĩa duy tâm của ông không bao giờ bị phai mờ mà cũng chẳng nghiêm khắc với nghệ thuật của ông. Trong những kịch phẩm này thơ của ông đạt đến vẻ đẹp hiếm có văn phong vững vàng. 
Tuy nhiên, điều làm cho người ta say mê nhất là nghệ thuật mà ông thể hiện trong tác phẩm Xứ sở Dục vọng - The Land of Heart’s Desire (1894). Nó có cả sức lôi cuốn của loại thơ mang chất thần kỳ và cả sự tươi mát của mùa xuân, sự trong sáng cũng như giai điệu kỳ ảo. Thật thú vị, tác phẩm này cũng là một trong những tác phẩm tinh tế nhất của ông. Nó có thể được xem như một đóa hoa trong vườn thi ca của ông khi ông chưa viết vở kịch thơ ngắn Cathleen ni Hoolihan (1902) - một vở kịch dân gian giản dị nhất và là một tác phẩm cổ điển hoàn hảo nhất của ông. 
Tác phẩm này có tác động mạnh hơn bất cứ tác phẩm nào khác khi ông chạm vào sợi dây của lòng yêu nước. Chủ đề là cuộc đấu tranh cho tự do của người Ireland qua nhiều thời đại, và nhân vật chính là người Ireland cải trang thành một người đàn bà ăn xin lang thang đây đó. Nhưng chúng ta không chỉ nghe tiếng nói của lòng căm thù, và tính chất cảm động sâu sắc của vở kịch được kiềm chế nhiều hơn bất cứ bài thơ nào có thể so sánh được. Chúng ta chỉ nghe phần cao cả nhất và trong sáng nhất của lòng tự ái  dân tộc, lời thoại thì ít và diễn biến kịch thì đơn giản đến mức cao nhất có thể được. Toàn bộ vở kịch thật lớn lao không có một chi tiết màu mè. Chủ đề, đến với Yeats trong một giấc mơ, đã giữ lại tính chất huyền ảo của nó dấu hiệu đặc trưng của một tài năng từ quan điểm nói trên mà không xa lạ với triết lý thẩm mỹ của Yeats. 
Những năm đầu thập niên 20, kịch của Yeats luôn luôn mang tính lãng mạn vì chất liệu khác thường của chúng, nhưng về mặt hình thức ông cố gắng cho chúng đạt tới sự giản dị kinh điển. Chủ nghĩa kinh điển này dần dần phát triển đến việc bắt chước dùng những từ cổ. Nhà thơ đã tìm tòi để đạt đến cách tạo hình nguyên thủy xuất hiện trong buổi ban đầu của nghệ thuật bi kịch. Ông đã dồn hết tâm trí vào công việc tự giải phóng mình khỏi sân khấu hiện đại, với cảnh phông sân khấu làm nhiễu loạn hình ảnh được đánh thức bởi khả năng sáng tạo, với những phạm vi diễn mà động tác của diễn viên cần được khuếch đại bằng đèn chiếu trước sân khấu, với yêu cầu của khán giả về ảo giác hiện thực. Yeats muốn làm nổi bật chất thơ như nó được sinh ra bằng trí tưởng tượng của nhà thơ, ông đã tạo ra hình thể cho trí tưởng tượng này theo mô hình kịch của Hy Lạp và Nhật Bản. Vì vậy ông đã làm sống lại cách sử dụng mặt nạ và đã tạo ra  một khoảng rộng thích hợp cho những động tác của diễn viên đi đôi với nền nhạc bình dị…

NĂM 1924
WLADYSLAV REYMONT
(Ba Lan, 1867 - 1925)
Những người nông dân (Chlopi - 1904-1909) là tác phẩm của trí tưởng tượng viết bằng tiếng Ba Lan, khởi đầu từ một cuốn tiểu thuyết theo trường phái tự nhiên, đặc biệt về hình thức mà thể loại đó tiếp nhận là từ nhà văn Zola của Pháp. Reymond đã thừa nhận rằng ý tưởng về tác phẩm của ông được gợi lên nhờ quyển tiểu thuyết La Terre của Emile Zola, không phải do lòng ngưỡng mộ của ông đối với cuốn sách mà do sự phẫn nộ và đối kháng kích động. Trong cuốn sách đó, ông nhận ra tính cách của tầng lớp xã hội mà ông lớn lên và yêu mến với tất cả tâm hồn, được nuôi dưỡng bằng những hồi ức tuổi thơ, được mô tả theo quy ước, bị bóp méo và thô lỗ. Ông từng có nhiều kinh nghiệm phong phú về tầng lớp này, ngay trong lòng nó, và với một sự hiểu biết đầy đủ về nó chứ không phải như Zola, chỉ đơn thuần thông qua những bài báo điều tra vội vàng cho phù hợp với một chủ đề được định trước và những kết quả sắp sẵn. Ông muốn mô tả tầng lớp này một cách trung thực, không vì một lý do gì mà làm sai lệch nó. Nhưng Zola lại có một ảnh hưởng quyết định đến tác phẩm theo một kiểu cách hoàn toàn khác và tích cực hơn. Tác phẩm Những người nông dân mà chúng ta biết dưới hình thức cuối cùng của nó, khó có thể hiểu được nếu không có những bài học mà Reymont rút ra được từ tác phẩm của Zola như một tổng thể - sự mô tả tinh tế về môi trường, tính chân thực không nhân nhượng của nó, và những hoạt động hài hòa với thiên nhiên bên ngoài và đời sống con người. Mặc dù, Những người nông dân, có khuynh hướng là một tiểu thuyết theo chủ nghĩa tự nhiên nhiều hơn về mặt phương pháp, nhưng lại là thiên anh hùng ca về mặt tầm vóc. 
Tác phẩm đạt được thành quả của nó chính là từ thực tế mà tất cả yếu tố xung đột và tình trạng náo động dần dần được giải quyết trước mắt chúng ta, giống như nhiều cơn sóng chống lại một con sóng; những vòng tròn không bao giờ trải dài tới tận chân trời bình lặng tiếp giáp với thi ca; tình trạng náo động không đặt câu hỏi và không còn gởi lời than van vượt qua giới hạn đó. Thế giới mà chúng ta có trước mặt chúng ta là một thế giới hữu hạn và những nền tảng của nó không thể lay chuyển; nhưng nó không phải là thế giới của sự cưỡng bách và giam hãm. Nó rộng lớn đủ cho con người có thể biểu lộ chính mình bằng hành động theo thước đo năng lực của họ. Đó chính là sự hài hòa của một vẻ đẹp nên thơ. Bất kể niềm hạnh phúc nào được ghi nhận, điều khổ đau nhất không thể chữa lành - sự khác biệt giữa thực tế đã quy định và những đòi hỏi lý tưởng - là không được tìm thấy ở đó, hoặc ít nhất nó cũng không đạt đến sự hiểu biết. Bi kịch cay đắng thường xuyên nhất, là bi kịch từ bên trong làm tiêu tan một sinh vật thành từng  mảnh, vẫn chưa được tái tạo; những hình thù mà chúng ta thấy là toàn vẹn và vừa bình dị vừa chuyển động... Dù cho những hình thù này lớn hay nhỏ, dù diện mạo chúng đẹp hay xấu, chúng vẫn khoác một vẻ đẹp tạo hình và một thứ  tượng đài bằng chất dẻo. Đó chính là điều mà nhà văn Ba Lan này muốn đạt tới trong tác phẩm Những người nông dân, và ông đã thành công. 
Tóm lại, quyển tiểu thuyết có tầm vóc sử thi này được viết  bằng một nghệ thuật thật cừ khôi, xác thực, có sức hấp dẫn đầy ma lực, mà chúng ta có thể tiên đoán rằng nó sẽ có giá trị và thứ hạng trường cửu, không phải chỉ trong nền văn học Ba Lan mà còn trong dòng văn học giàu tính sáng tạo.
25/2/2022
 Ký Thương 
 Nguồn: Biên dịch theo Tài liệu của 
Viện Hàn Lâm Thụy Điển
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...