Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Thung lũng tình yêu

Thung lũng tình yêu

Không biết ai cho địa chỉ của tôi mà anh tìm đúng phóc nhà tôi khi vừa về nước. Trông anh trẻ hơn tuổi sáu mươi của mình. Tôi ngắm anh trong chiếc quần jean, chân mang giầy thể thao, áo phông bỏ thùng. Còn anh thì nhìn tôi tủm tỉm cười. Anh nói:
- Trông cậu cũng vậy, không khác ngày trước mấy, có điều mập hơn một chút!
Tôi mời anh vào nhà, chưa vội ngồi ngay, anh nhìn quanh quẩn phòng khách rồi hỏi:
- Vậy chớ nhà cậu không treo ảnh gia đình hay bạn bè à?
Tôi trả lời trước kia em có treo nhưng năm rồi quét sơn lại em cất mấy tấm hình vào tủ không treo nữa. Anh hỏi sao vậy, treo hình gia đình mình cũng là một nét đẹp của người Đà Lạt mà, sao cậu lại cất đi, tiếc thật. Anh chậm rãi ngồi xuống bộ sa lông, tay anh mân mê tách trà nóng tôi vừa rót, anh nhấp một ngụm nhỏ rồi nói:
- Tôi có đem cho cậu một chút quà, để trong một cái túi xách nhưng xuống phi trường lại bị thất lạc mất, về đến mấy ngày mà vẫn không nghe hãng hàng không thông báo gì cả, cậu thông cảm.
Tôi nói anh về thăm quê là quý rồi còn quà cáp làm gì, của một đồng công một lượng. Tôi hỏi tiếp anh về được bao lâu, anh thấy quê mình giờ ra sao? Anh trả lời cậu cứ coi tôi như người xa lạ, cứ hỏi y như một công thức vậy, sao lại thế? Tôi ngạc nhiên anh ơi, ai về lại quê hương đều được người ta hỏi vậy mà, đâu riêng gì em? Anh cười, cậu biết không bên đó tôi tìm được hãng truyền hình có kênh VTV4, tôi không lạ thời sự trong nước đâu. VTV4 cũng chiếu cảnh Đà Lạt hoài, nhất là mấy kỳ Festival Hoa Đà Lạt, chà coi hoành tráng dữ. Mà thôi, tôi muốn rủ cậu đi chơi với tôi một chút được không? Tôi nói ô kê, anh chờ em xíu, em thay quần áo, anh em mình đi liền.
Con đường Thánh Mẫu trải bê tông nhựa nóng vòng vèo đưa tôi và anh đến Thung lũng Tình yêu. Anh cứ đòi đi chơi Thung lũng Tình yêu trước, các chỗ khác đi sau hoặc không đi cũng được, nhứt định phải đi Thung lũng Tình yêu thôi cậu. Tôi mua 2 chiếc vé, anh theo tôi đi qua cánh cổng và vào khu du lịch. Anh ngắm những loài hoa trồng trong những tiểu cảnh, anh nói ở Chicago hoa trên phố nhiều và đẹp hơn ở đây, họ trồng cũng nghệ thuật lắm nhưng hoa ở bên nhà thân quen hơn. Tôi hỏi  thân quen là sao anh? Anh đáp như là của mình vậy mà, tôi ngắm hoa không thấy xa lạ, còn bên kia hoa đẹp đó nhưng khi nhìn tôi thấy cứ như người dưng! Về lại Đà Lạt, anh nói thêm, tôi muốn cậu chỉ cho tôi vài loài hoa dại được không? Tôi nói em cũng biết vài loài hoa dại tỷ như Bồ công anh. Anh ngắt lời hoa Bồ công anh màu vàng phải không, tôi biết hoa này, nhưng tôi muốn cậu tìm cho tôi mấy loài hoa không tên kia. Tôi ngạc nhiên hoa không tên ở Đà Lạt cũng nhiều nhưng anh muốn biết loài hoa nào?. 
Anh kể “ngày trước, tôi hay lang thang trên đồi cỏ bằng chiếc xe 67, lúc mỏi tay lái tôi tắt máy ngồi xuống bãi cỏ xanh, bên dưới là Thung lũng Tình yêu. Cậu biết không tôi thấy nhiều loài hoa dại mọc rải rác trên đồi. Có một loài hoa màu vàng, cánh hoa chỉ nhỏ bằng móng tay út trẻ con, tôi hỏi một cậu chăn bò đi ngang qua đó là loài hoa gì? Cậu nhỏ nói chú không biết sao, cây này có củ ăn được nó dẻo lắm, tụi cháu kêu là củ dẻo. Tôi chỉ một loại hoa khác, màu trắng, thằng nhỏ trả lời chú nhổ lên đi củ này ăn cũng được nó giống như củ sắn vậy. Tôi nhổ cây hoa lên, quả vậy củ này ăn hơi giống củ sắn, nhưng nó nhỏ chỉ bằng hột đậu phụng. Thằng nhỏ nói chú coi, nó giống hột mưa đá, tụi cháu kêu là cây mưa đá. Còn chú thấy cây ăn ruồi không? Thằng nhỏ chỉ vào một cây, hoa của nó tựa như cái lạp xưởng, màu đỏ có nắp đậy. Thì ra là cây ăn thịt. Tôi nhìn vào bên trong  thấy một số bộ phận của ruồi và kiến đang bị tiêu hóa”. Anh tiếp:
- Đó, tôi muốn hỏi cậu mấy loại hoa đó?
Cũng là người Đà Lạt, nhưng tôi chịu chết không biết mấy thứ hoa lạ như anh kể. Anh và tôi đi lên đồi rồi theo con dốc xuống hồ, vừa đi chúng tôi vừa nhẩn nha ngắm cảnh, thỉnh thoảng anh lại bình luận vài câu. Đến cửa đập nước, hồ này nguyên là một con suối bị chận lại, nước dâng lên thành một cái hồ, anh ngừng chân:
- Tôi e cậu lầm mất rồi, đây là hồ Đa Thiện, còn Thung lũng Tình yêu bên kia kìa!
Tôi giải thích anh nói đúng, bây giờ hồ Đa Thiện nhập vào Thung lũng Tình yêu rồi, người ta gọi chung khu vực này là Thung lũng Tình yêu. Anh ngỏ lời muốn tìm lại Thung lũng Tình yêu ngày xưa kia. Tôi ngẫm nghĩ, muốn vậy anh và em phải qua Đất mới, mà chỗ đó giờ người ta làm vườn cả rồi anh ơi.
Anh ngồi xuống bãi cỏ xanh. “Hồi đó chiều thứ bảy tôi thường ra Thung lũng Tình yêu chơi. Tôi dựng xe trên đồi và đi bộ xuống Thung lũng. Tôi còn nhớ dưới thung lũng có một con suối nước trong veo thấy cả mấy con cá lòng tong đang bơi. Lau sậy mọc ken dầy ở một vài đoạn, trên bờ là những bãi cỏ xanh, trên đồi thông vi vu, khung cảnh hữu tình lắm….”. Tôi hỏi ngang anh đi một mình hay hai mình hả? Anh cười:
- Tôi đi chơi với bồ, ai lại đi một mình ra Thung lũng Tình yêu bao giờ, mà thôi cậu để tôi kể tiếp cho cậu nghe.
…Bữa đó tôi dựng chiếc 67 trên đồi khóa cẩn thận rồi dìu Hương đi xuống Thung lũng. Hương người Sài Gòn lên đây trọ nhà người bà con đi học, em học trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, còn tôi học trường nam trung học Trần Hưng Đạo. Chiều thứ bảy Hương mới được phép ra ngoài chơi. Tôi hay đưa Hương đi chơi và chở em về tận nhà trước bữa cơm chiều. Bấy giờ tôi mười chín tuổi, Hương thua tôi hai tuổi. Hai đứa tôi quen nhau từ năm tôi vào lớp đệ tam, tôi tình cờ gặp Hương tại nhà một người bạn. Đó là mối tình đầu của tôi và cũng là cuối cùng. Cậu ngạc nhiên ư? Bên Mỹ tôi cũng có bạn gái nhưng chỉ là bạn thôi, đến giờ tôi vẫn sống độc thân, ráng đi làm thêm mấy năm nữa rồi về hưu, chắc là lại nhờ cậu kiếm cho tôi một căn nhà nhỏ để tôi có chốn đi về.
Anh cười héo hắt nói tiếp “Cóc chết 3 năm quy đầu về núi, ông bà ta nói cấm có sai cậu à?”. Anh im lặng một chút, bỗng đâu tiếng chim hót véo von vang lên, một đôi chim te te tờ huýt vừa bay vừa hót. Anh nói tiếp, tôi kể đến đâu rồi nhỉ? Phải, bữa đó tôi dẫn Hương ra Thung lũng Tình yêu chơi, buổi chiều nắng vàng, trời trong mây xanh mà lại vắng người, rất hợp ý tôi. Cậu biết tôi rắp tâm làm điều gì không? Ai mà biết được, tôi nghĩ, trong đầu tôi xuất hiện một cảnh phong tình. Chắc là ổng lại rắp tâm làm hại đời cô thiếu nữ tên Hương chăng? Trong đầu tôi xuất hiện liền tù tì mấy tình huống. Chẳng là tôi ám ảnh bởi biết bao chuyện xấu xa diễn ra. Báo chí nói đầy, các ông nhà báo kể chi tiết những chuyện hảm hại đời con gái người ta cứ như là đang chứng kiến vậy. Chớp mắt thôi mà sao tôi lại nghĩ được nhiều chuyện đến vậy chứ? Chắc anh cũng vậy, chẳng là anh đang rắp tâm đó sao?
Anh hắng giọng. “Tôi rắp tâm tỏ tình với Hương bên bờ suối, chỗ con suối lượn lờ hình chữ S, chúng tôi gọi là hồ chữ S”. Chỉ vậy thôi sao, tôi nghĩ, có ghê gớm gì đâu, nhưng tôi không lộ ra mặt. Anh tiếp “tôi mất đến hai năm trời để nghiền ngẫm ba chữ thôi mà không nói được, chiều nay nhất định tôi phải nói với Hương, tôi nghĩ như vậy. Khi hai đứa ngồi xuống bờ suối, Hương đung đưa chân nghịch nước, nước bắn tung tóe ướt cả áo tôi. Tôi hít một hơi dài, nắm bàn tay em rồi nói:
- Hương, anh muốn nói với em một điều?
Hương ngước mắt nhìn tôi:
- Anh nói đi, em nghe?
Tôi nói:
- Anh…anh yêu em!
Hương cười:
- Em tưởng anh nói điều gì khác kia chứ chuyện ấy em biết từ lâu rồi!
Tôi sửng sốt nhìn Hương không nói tiếp được một tiếng nào. Hương lại cười, nụ cười của em làm tôi chết mệt. Em nói:
- Em đọc trong mắt anh điều đó từ lâu rồi, anh không tin sao?
- Không, anh tin chứ, có điều em…em có….
Hương nghiêm mặt:
- Em chưa biết, nhưng em đang chờ anh chứng tỏ tình cảm của mình đối với em!
- Anh phải làm sao để em hiểu tình cảm anh dành cho em?
Hương nói:
- Em không biết!”
Anh ngừng ngang câu chuyện đang kể. Nãy giờ tôi chú ý đến chuyện tình của anh, nó không nhạt phèo như cách vào chuyện. Cô Hương ấy cũng cá tính dữ, tôi nghĩ. Đề bài cô dành cho anh không hóc lắm nhưng chắc là phải có nhiều lời giải, tôi đâu biết được tính cách con người của cô Hương? Tôi giục:
- Anh kể tiếp đi?
“Cậu biết không, tôi dìu Hương lên đồi, chiếc 67 tôi khóa cẩn thận vậy mà không cánh mà bay. Tôi vừa tiếc của vừa bực tức và tội nghiệp Hương vì phải đi bộ về nhà, đâu ít gì gần bảy cây số! May mà tụi tôi vẫy được chiếc xe lam chạy từ Đa Thiện về phố. Xe ngừng ở bến đường Tăng Bạt Hỗ, tôi đưa Hương về nhà tận Xuân An cách bến chừng hơn cây số rồi lội bộ về nhà. Mới đi qua rạp Ngọc Hiệp, một toán cảnh sát áo trắng chặn tôi lại. Sau cái chào là màn hỏi giấy. Tôi làm gì có giấy Hoãn dịch nên méo mặt leo lên chiếc xe GMC chờ sẳn. Tụi nó tập trung đám thanh niên bị bắt lính ở một ngôi nhà to gần ngã ba chùa, đâu như trước kia là Hợp tác xã rau gì đó. Bọn cảnh sát phát cho mỗi người một ổ bánh mì và nói sáng mai sẽ thanh lọc, ai có giấy tờ gì thì nhắn người nhà mang xuống. Tôi nhìn ngang nhìn ngửa, cố tìm người quen qua cánh của chớp của ngôi nhà. Tin lành đồn xa, tin dữ cũng đồn xa, thân nhân của đám thanh niên bị bắt kéo đến tìm người nhà mình. Người thì đưa giấy tờ, người thì tiếp tế thức ăn hoặc đưa quần áo, chăn màn…. May quá, tôi nhìn thấy chú Sáu bạn của cậu tôi, chắc chú cũng có con bị bắt như tôi vậy! Sau này nghĩ lại, nếu hôm đó tôi đừng gặp chú Sáu thì đời tôi có lẽ không phải lang bạc tận xứ người….”
Tôi ngạc nhiên với lời tự sự của anh, định hỏi nhưng thôi. Đúng vậy, sau một chặp im lặng anh nói tiếp. “Tôi biết chắc mình dính chấu rồi, tôi 19 tuổi đang học lớp 12 thì ai cấp cho tôi Giấy Hoãn dịch chứ? Nếu chỉ có cái căn cước, tôi sẽ bị hốt xuống Trung tâm Huấn luyện Quang Trung ở Hóc Môn, 3 tháng sau thì ra trường tôi sẽ bị tống ra sư đoàn 22, 23 gì đó. Cậu à, tôi biết làm thằng lính khổ như chó, nên khi gặp chú Sáu tôi mừng lắm, tôi nhắn chú nói mẹ tôi tìm cho tôi cái bằng Tú tài 1 để mai tụi nó thanh lọc, tôi đưa ra chắc là được đi học Thủ Đức. Ở Thủ Đức tôi gởi thư cho Hương có đề địa chỉ KBC 31….đàng hoàng, vậy mà không nhận được hồi âm của em. Sáu tháng ở quân trường, tôi ra trường với cái lon chuẩn úy rồi bị đưa ra sư đoàn 23. Cậu phải biết, vùng Bình Định nơi tôi đóng quân chiến tranh ác liệt lắm, tôi chẳng muốn đánh đấm chút nào, nhưng guồng máy chiến tranh nó lôi nghiến tôi đi. Tôi cũng bị thương vài lần may mà nhẹ, còn mạng mang về. Mấy năm ở lính tôi biên thư cho Hương nhưng vẫn biệt vô âm tín. Hết chiến tranh tôi rã ngũ chạy về Đà Lạt, ra trình diện rồi đi Sông Mao học tập mất mấy năm. Cậu biết rồi đấy, những năm đó khó khăn quá, tôi không có một chút tin tức nào của Hương. Ra trại, tôi về nhà, làm nghề tự do. Tôi mua mấy cái tăng phô đèn nê ông đôi của Mỹ tháo ra mang xuống Nha Trang bán cho mấy tàu đi đánh cá đêm. Cứ vậy tôi sống cũng không đến nỗi nào. Hàng tháng tôi lên Đồn Công an trình diện, may gặp được ông Trưởng đồn thông cảm không làm khó. Rồi có chương trình HO, tôi đăng ký đi HO5, trước khi đi tôi có qua nhà chào cậu, nhưng cậu lại đang đi học ở Sài Gòn. Qua Mỹ, tôi đi học lại lấy được cái bằng kỹ sư cơ khí rồi đi làm đến giờ. Lần lữa mãi, năm nay tôi mới về…”.
Anh ngừng ngang câu chuyện, tôi cũng im lặng và nhớ lại cái lần quen anh cách đây cũng rất lâu. Chiều hôm đó tôi đang trên đường về, tôi đi băng ngang con đường xuyên mả thánh số 4 gần ấp Hà Đông. Tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa dòm hai bên đường. Trời mới mưa xong, cơn mưa đầu mùa xua đi bao nóng nực. Tôi không chú ý đến cái chuyện mát mẻ của không khí đầy hơi nước chung quanh, tôi chú ý đến…những con bọ rầy. Đầu mùa mưa, bọ rầy sinh sôi rất nhiều, chiều chiều chúng ưa bám vào những ngọn thông non để kiếm ăn. Kia rồi, một cây thông non bị bọ rầy bu kín. Tôi vứt chiếc xe đạp mặc cho nó ngã chỏng chơ, tôi bắt bọ rầy bỏ vào chiếc túi ny lông tái sinh màu xám nhờ nhờ tôi mang theo và cất trong cái túi vải treo trên đòn dông xe đạp. Tôi mê mải bắt bọ rầy, hết cây thông ngày đến cây thông khác, hết chỗ nhốt bọ rầy trong túi ny lông, tôi không ngần ngại mở nắp lon ghi gô đựng cơm trưa ra bỏ bọ rầy vào. Khi tôi ngẩng lên tôi thấy anh. Anh cười làm quen:
- Cậu bắt bọ rầy làm gì vậy?
Tôi cũng cười với anh, tôi nói “em đem thứ này về nuôi vịt”. Tôi giải thích thêm, bầy vịt của em tăng gia khoản chừng ba chục con, thứ này đem về cho vịt ăn, chúng mau lớn lắm. Anh biết không, em còn đi đào trùn cho vịt ăn nữa đó, đầu mùa mưa, trùn nhiều lắm. Vui miệng tôi nói “vịt cũng như người vậy anh à, lâu lâu cũng phải có chất tanh chúng mới lớn. Thỉnh thoảng chừng hai ba tuần, em mần một con để cải thiện”. Anh nói vậy sao, cậu có vịt ăn là nhất rồi. Tôi cười lặng lẽ không đáp, không lẽ tôi lại kể anh nghe cùng lắm tôi chỉ gặm được cặp chân, còn phần thịt lóc ra băm nhỏ dành cho thằng con ăn dần, nó cần thịt để lớn chứ trông vào 3 lạng thịt hàng tháng của tôi mang về sao được? Anh nói hay là cậu ghé nhà tôi, nhà tôi có cái hồ đang bỏ hoang cỏ mọc đầy nhưng rất nhiều ốc, cậu bắt về cho vịt ăn, mà món ốc bươu luộc cũng ngon lắm đó. Câu chuyện tôi quen anh chỉ có vậy, tôi đến nhà anh bắt ốc về nuôi vịt, có một lần anh và tôi cũng lựa những con ốc to hấp xả lai rai với nhau ly rượu khoai mì. Rượu nấu từ khoai mì nặng và uống xong thì nhức đầu kinh khủng, nên tôi không uống thêm với anh lần nào nữa, vậy là bầy vịt được hưởng lợi. Quả chúng có chất tanh nên mau lớn lắm, thằng con tôi cũng vậy, nó phổng phao nhờ bầy vịt tôi nuôi chứ cái thứ sữa con chim toàn đường là đường là tiêu chuẩn của trẻ con đâu làm cho nó lớn? Mới đó mà đã mấy chục năm, thằng con tôi đã vào đại học, ra trường, đi làm, có vợ và sắp có con. Vài năm nữa tôi cũng về hưu, vui tuổi già. Già rồi sao, nhanh quá vậy, đôi khi tôi tự hỏi mình như vậy. Tôi nhớ, có lần tôi ghé thăm anh, nói thăm cho ra vẻ chứ tôi muốn bắt ốc là chính. Tôi còn mang vài cái trúm trong đó đựng trùn thối, biết đâu trong cái hồ hoang của anh có lươn? Tôi tìm quanh không thấy anh đâu, cửa nhà không khóa, gọi anh không trả lời. Tôi đẩy cửa bước vào nhà. Anh nằm trên bộ phản, mắt nhắm nghiền. Tôi lay gọi, anh không trả lời, người anh lạnh ngắt. Anh bị trúng gió. Tôi lục tủ tìm chai dầu gió đánh gió cho anh. Lưng anh bầm đen, anh mở mắt nói “cám ơn cậu”. Tôi nấu cho anh nồi cháo hành, hối anh ăn nóng cho ra mồ hôi mau hết bệnh. Nhìn anh ăn nhỏ nhẻ như một đứa trẻ con tôi phì cười. Anh hỏi sao cậu lại cười. Tôi nói lý do, anh trả lời lắm khi tôi muốn mình là trẻ con mà cũng không được, trẻ con là khoảng thời gian sung sướng nhất đời đó cậu.
Vậy mà mấy chục năm trôi qua, giờ anh về, anh và tôi đã qua cái tuổi tri thiên mệnh. Tôi hơn anh một chút, tôi có một gia đình, không giầu gì nhưng cũng không đến nỗi. Còn anh, trơ trọi một mình, nghĩ cũng tội. Chúng tôi ra về, khi đi ngang qua cổng khu du lịch, tôi gặp chị Sáu, chị họ tôi đang bán củ bông huệ. Tôi chào chị, chị hỏi:
- Cậu đi đâu vậy, chà sung sướng dữ ra khu du lịch chơi à?
Tôi nói đâu có em đưa ông bạn bên Mỹ về thăm lại chốn xưa thôi chớ mấy khi mình ghé vô khu du lịch hả chị, Bụt chùa nhà không thiêng mà! Chị chép miệng:
- Cậu nói đúng ít ai ở thành phố du lịch mà đi chơi mấy khu du lịch, toàn người ở xa tới không hà!
Lúc đó anh đang hỏi mua cái mũ cao bồi bằng da, hình như anh thích thứ mũ này lắm. Lúc nãy anh mượn mũ của tay cho thuê ngựa rồi hối tôi chụp cho anh tấm hình. Giờ thì anh mua mũ chắc là đem về Mỹ. Anh đang chọn màu, anh lưỡng lự giữa mau đen và màu cam. Anh gọi tôi cậu ơi màu nào hợp với tôi? Bất ngờ anh buông cái mũ, anh hối hả bước tới chỗ tôi:
- Hương, Hương…
Anh nhìn sững, bà chị Sáu của tôi mặt như hóa đá. Chị Sáu cũng nhìn lại anh, đôi mắt chị long lanh, long lanh… Trong một cái chớp mắt, tôi vụt hiểu tất cả. Anh và chị Hương, câu chuyện trùng phùng của hai người yêu nhau xưa như trái đất! Tôi để mặc hai người, tôi ra về trước, sự có mặt của tôi giờ vô duyên quá. Bà chị Sáu của tôi chồng chết từ lâu, không con tự kiếm sống bằng nghề buôn củ bông ngoài cổng Thung lũng Tình yêu. Chị chắp nối lại với anh cũng là chuyện bình thường. Còn anh trở về Mỹ một mình cũng là chuyện bình thường hay anh có lấy chị Hương cũng là chuyện bình thường. Bình thường, bình thường… vừa chạy xe tôi nghĩ bình thường về họ như vậy đấy. 
Vậy mà chuyện của họ không bình thường chút nào. Anh không về Mỹ, không lấy chị Sáu, anh chết vì một cơn nhồi máu cơ tim! Anh rời xa Đà Lạt từ lâu, lang bạt kỳ hồ rồi về chết tại nơi anh sinh ra đúng như câu nói gỡ của anh “Cóc chết ba năm…”. Hôm mở cửa mả cho anh, chỉ có tôi với chị Sáu. Ngồi bên đống lửa trong chiều tà ở nghĩa trang Thánh Mẫu, chị Sáu và tôi chắc là ủ dột lắm. Bây giờ chị mới hỏi tôi:
- Em ơi, giờ mọi chuyện đã kết thúc, cái số chị vậy, không sống đời với ai được lâu, chị hỏi khi không phải, có phải thím không đưa thơ của anh cho chị?
Tôi lặng lẽ gật đầu, tôi kể, mẹ em nói để cho con Hương nó học, yêu thương sớm không tốt. Mẹ đâu biết em cũng đang yêu, em rình mẹ đi vắng lấy thư anh viết cho chị ra đọc. Ban đầu chỉ là tò mò, sau em chép lại gần như nguyên văn thư của anh gởi chị. Thư tình anh viết hay quá, Hương cứ như mất hồn khi đọc thư tình em viết, cô ấy đâu biết nỗi nhớ nhung ấy là của anh gởi chị. Mà em cũng mới biết chuyện hôm rồi ở Thung lũng Tình yêu, em ân hận quá!
Chị Sáu quay qua tôi nói:
- Thôi cậu, cái số chị nó vậy mà, cậu chép thư tình của anh gởi cho mợ phải không? Rồi chị tiếp:
- Cuối cùng bức thư cũng có người đọc, mà không phải chị. Bây giờ bọn nhỏ yêu nhau có viết thư tình không cậu?
Làm sao tôi biết được, tôi đâu phải là “bọn nhỏ”. Câu hỏi của chị lọt thỏm vào cái không gian hoang hoải của buổi chiều tà. 
7/6/2013
 Anh Cương
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tết Việt ngày xưa

Tết Việt ngày xưa Từ xưa Việt Nam cùng một số nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... sử dụng âm lịch là loại lịch được tính toá...