Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Cô gái bán bánh mìXXXX

Cô gái bán bánh mì

The cặm cụi vuốt những tờ giấy bạc hai trăm đồng, năm trăm đồng xếp thành một ngàn, rồi xấp lại từng chục một. Đếm đi, đếm lại, The mỉm cười sung sướng. Trừ tiền vốn, The lời hơn sáu chục ngàn. Chưa bao giờ The kiếm được số tiền lớn như vậy trong ngày. Mai The sẽ cố gắng chèo xa hơn nữa, nhà nào cũng ráng ghé vô, phải bán cho được ba trăm ổ. Chẳng cần nấu nước sốt, pa-tê, thịt nguội, chỉ bánh mì không! Khỏe ơi là khỏe. Chỉ phải chèo mệt, những khi ngược nước, gió to, mưa dầm. Mặc! Miễn sao phải bán hết ba trăm ổ. Bánh mì lấy tại lò mỗi ổ sáu trăm rưỡi, bán một ngàn, lời ba trăm rưỡi. Vậy là nhiều rồi. Thời buổi bây giờ muốn lời hơn, họa chăng chỉ có buôn lậu.
 
Nước mỗi ngày một dâng cao. Vào mùa nước lụt rồi. Nhiều nhà đã phải kê kích lên ba bốn lần, đứng trong nhà phải cúi lom khom không sẽ va đầu vào nóc. Củi ướt nhèm, không đun nấu gì được, dân tình ăn bánh mì là tiện lợi nhứt. Nhiều người được cứu trợ mì gói cứ phải nhai đến mỏi miệng. The phát hiện được chuyện bán bánh mì vào vùng sâu này vào hôm về thăm má. Bánh mì, gặp trời mưa gió, ẩm, mềm, dễ nhai, dễ nuốt. Giá bán mỗi ổ một ngàn, mắc thiệt, vẫn cứ phải mua. Mua xong, có người xót xa chửi đổng: "Mẹ, quân gian thương, đục nước". Lời chửi! Gió bay.
 
The vẫn đều đặn chèo chống mỗi ngày, tối mịt mới về. Có hôm hai tay mỏi rã rời, như không phải tay của mình. Tối về những ngón tay tê cóng, nhức buốt lại cặm cụi vuốt, đếm từng tờ giấy bạc lẻ nhàu nát, ẩm ướt.
 
Hải, chồng The, nằm còng queo trên giường rên hừ hừ. The lại bên giường, đưa tay sờ vào trán chồng. Âm ấm chớ không nóng. The nhẹ nhàng hỏi:
- Nhức lắm hả? Anh uống thuốc chưa?
Hải không trả lời, hỏi lại:
- Hôm nay được bao nhiêu?
- Hơn trăm.
- Còn thiếu bao nhiêu nữa?
The thở dài ngước nhìn chồng với tâm trạng của một người có lỗi:
- Anh ráng chịu đựng thêm chừng tháng nữa, cũng phải kiếm thêm vài triệu, còn tiền thuốc men, ăn uống.
Hải chống tay ngồi dậy ôm lấy chân, quạu quọ:
- Nửa tháng sao được, bác sĩ bảo không đợi được lâu. Không khéo tiêu mẹ cái chân, thành thằng què.
The dịu dàng:
- Để em lấy muối đắp chân cho anh, sẽ bớt sưng, bớt nhức thôi.
Hải cố ghìm cơn đau:
- Bớt mẹ gì ba hột muối.
Biết tính chồng, The lặng lẽ xuống bếp lấy muối. Giá có thằng cu Tý ở nhà tè cho một bãi. Nước đái trẻ con xắp muối đắp vào chỗ sưng, nghe nói hiệu nghiệm lắm.
*
*             *
The lấy chồng muộn, hai mươi chín tuổi mới gặp được Hải làm nghề chạy xe Honda ôm ở dốc cầu Long Định. Hải ít hơn The hai tuổi, nhưng đã có một đời vợ. Cô vợ trước trẻ, nghe đâu xinh lắm nhưng không chịu nỗi cảnh nghèo, ly dị bỏ Hải lên thành phố bán cà phê. Còn The, dân miệt đồng, tận trong ấp Chà Là, xã Phú Nhuận, vừa xấu, lại vừa đen. Hồi má bịnh, The đưa đi bệnh viện Cai Lậy, tình cờ quen Hải rồi nên vợ, nên chồng. The sanh thằng cu Tý, tiền bạc Hải giành dụm bay vèo trong chuyện sanh đẻ nuôi con. Hội phụ nữ xã cho vay một triệu "xóa đói giảm nghèo", The có chiếc xe bán bánh mì dưới dốc cầu Long Định, tiền lời chỉ đủ để trang trải trong ngày và trả góp tiền vay của Hội. Còn mọi chuyện khác, phải trông chờ vào nghề chạy xe ôm của Hải. Cuộc đời như vậy theo The là đủ, khá lên chút đỉnh càng tốt.
 
Lam lũ từ nhỏ, cực khổ mấy The cũng chịu đựng được. Từ ngày lấy The, Hải đổi tính, trở nên hiền hơn, bỏ cả rượu và thuốc lá. Điều đó chứng tỏ Hải thương The nhiều lắm. Hạnh phúc của The, thử hỏi ai dám hơn? Có lẽ vì vậy ông trời mới ghen, mới bày chuyện Hải bị bịnh như thế này!
 
Ba tháng trước, đang bình thường mắt cá chân của Hải bỗng nổi một cục u rồi tấy sưng, nhức buốt. Lúc đầu Hải cố chịu đựng vẫn đi làm nhưng rồi không ráng nổi, phải nằm nhà, The chạy hết thầy, vẫn tiền mất tật mang. Chiếc xe Honda cà tàng làm cần câu cơm của Hải phải bán đi, lấy tiền cúng thầy, bệnh vẫn hoàn bệnh. Hết nước, The đành đưa thằng cu Tý gởi về bên nội rồi đưa Hải vô bệnh viện. Bác sĩ khám cho Hải trách The đã đưa Hải vào viện quá trễ. The cúi đầu nhận lỗi, cũng tại cô quá ngu dốt. Khối u ở mắt cá chân của Hải đã làm độc, phải mổ, càng sớm càng tốt. Nếu không, có nguy cơ phải tháo khớp bàn chân. Có khi phải cưa ngang ống quyển. The bàng hoàng còn Hải thì rụng rời: "Chân chạy mần ăn, cưa ngang ống quyển thành thằng què, cuộc đời coi như vứt bỏ". Khốn nỗi, chi phí cho cuộc phẫu thuật cũng trên ba triệu đồng. Ba triệu, lấy đâu ra?
 
Cơn lũ tràn về, mọi vật chìm trong biển nước. Đau thương, mất mát, thiệt hại không sao kể xiết. Trong nỗi đau của biết bao con người khốn khổ, tình cờ The tìm được cho mình chuyện mần ăn. Hằng ngày The lặn lội, chèo chống bán được ba trăm ổ bánh mì, lời hơn trăm ngàn đồng. The đem theo cơm trưa, nước uống, tiền lời còn nguyên. Đang mùa lụt lội dân tình không tính chuyện mắc rẻ gì cả, có cái ăn người ta mang đến là may rồi, kỳ kèo nỗi gì, ngày thường ổ bánh mì đã tám trăm, nay lụt lội lên một ngàn, có bao nhiêu đâu. Người mua thiệt mấy trăm bạc lẻ, bõ bèn gì. Nước ngập lưng nền, The bán mỗi ổ chín trăm. Nước lên vỗ ì oạp vào vách nhà, The nâng lên một ngàn. Công The chèo chống, ngược nước, ngược gió.
 
The chăm chắm làm sao kiếm tiền thiệt nhanh, đủ số tiền đưa Hải vô bệnh viện để mổ. Đắng cay nhiều, buồn tủi cũng không ít. Người ta mừng rỡ mua bánh mì The mang tới, ngay sau đó quay xuồng đi lại nghe tiếng chửi: "Cái quân ác độc, bán mắc như cắt cổ". The nghe hết thảy, đành chịu, vì cái chân của Hải, anh không thể để bị què.
*
*             *
The chèo ghe vào chỗ đám thanh niên đóng cọc cừ tràm, khiêng bao cát chắn dòng nước lũ, tất cả đều mình trần, quần đùi, nhìn thấy The từ xa đã la hét trửng giỡn. The cũng cười ngã ngớn trở lại. The biết thế nào họ cũng mua nhiều. Không ăn lấy sức đâu mà đóng cọc cừ tràm nặng nhọc như vậy, mỗi người ít ra cũng ăn hai ba ổ. Thường chỗ nào đông người The đều chèo xuồng đến như vậy. Quả nhiên chỉ trong phút chốc The đã bán hết ba trăm ổ.
 
Bán nhanh, The tranh thủ về thăm má. Anh Hai chống lũ chưa về, chị Hai đi giăng câu, thả lưới, chỉ có má ở nhà với mấy đứa cháu. Má trệu trạo nhai ổ bánh mì, vừa nhai, vừa hỏi:
- Thằng Hải sao rồi hả con? Liệu có phải… Khốn khổ, má nghèo, anh Hai con cũng nghèo, bên nội thằng Tý cũng nghèo. Con ráng chạy, mượn tạm ai đó được không? Phải mổ sớm, nó què, con gánh chịu chớ ai.
The thở dài:
- Hết cách rồi má ơi! Lụt lội kiểu này, ai dư mà cho vay.
- Vậy con tính sao?
- Con cũng không biết nữa, biết làm sao bây giờ.
Má nói sang chuyện khác:
- Con chèo chống ráng cẩn thận, gió to, nước lớn, sểnh một chút là chết. Mà này, con biết chuyện gì chưa?
The ngẩng lên:
- Chuyện gì?
- Khổ lắm con ơi, có chị gì ở trên thành phố xuống đây cứu trợ bà con nghèo bị lật xuồng chết, thương quá đi thôi.
- Ôi trời đất ơi!
- Dân mình bao đời vẫn thường "Lá lành đùm lá rách", tấm lòng rộng mở như vậy, bà Thủy không thương thì thôi, sao lại bắt tội người ta. Hơn tháng nay, các nơi đổ dồn về nhiều không kể xiết, hết đoàn này tới đoàn nọ xuống cứu đói cho bà con. Nghĩ mà thương, nước mình chỗ nào cũng nghe nói bị thiên tai bão lụt. Bà con các nơi cũng đâu có khấm khá gì hơn, vậy mà vẫn "Một miếng khi đói, bằng một gói khi no", nhường cơm, sẻ áo cho bà con mình ở đây. Mà sao nước đâu mà dồn về dữ vậy không biết, cứ cuồn cuộn, mênh mông... Chèo chống ráng cẩn thận nghe con.
The lặng người, mắt cay cay, nhói đau nơi lồng ngực.
*
*             *
Nước rút chậm, vườn tược, ruộng đồng vẫn còn mênh mông ngập chìm trong biển nước. Cái đói, cái nghèo kéo nhau về rình rập, bủa giăng. The đi nhiều thấy nhiều, không thể làm ngơ trước những cảnh đời nheo nhóc, cơ cực. Mà hoàn cảnh của The cũng đâu sướng gì hơn. Nước đổ dồn, gió thốc ngược, hai tay chèo của The rướn lên, kéo theo cái chân sắp bị què của Hải. Mười lăm ngày hứa với Hải đã trôi qua. Hải đau lắm, nhức lắm, sợ bị cưa giò nữa, làm sao The lại không biết. Làm vợ mà không lo được cho chồng trong lúc ốm đau, bệnh hoạn, The cảm thấy mình bất lực, có lỗi. Ngày mai phải ráng bán nhiều thêm nữa, bán cho được bốn trăm ổ.
- Bánh mì! Bánh mì!
Đám thanh niên đóng cừ tràm mình trần trùng trục, hét tướng lên khi thấy xuồng The đến gần. Chắc đã đói mèm, The nghĩ. Nhìn họ ăn, The thấy xót lòng. Công việc nặng nhọc thế kia, giá mà có thêm tí patê, mấy lát thịt.
- Sao, hạ giá hả? Sợ bà Thủy rồi phải hôn?
- Bánh cũ hả? Sao chỉ bán có tám trăm đồng?
- Quỷ mấy anh, bánh mới ra lò ăn không biết hả? Thương mấy anh cực nhọc bán rẻ đó thôi.
*
*             *
Chân Hải sưng tấy lên, chườm đá cho chồng nước mắt The cứ giọt vắn, giọt dài. Chuyện má kể, The về kể lại cho Hải nghe. Nghe xong, Hải xúc động lắm. Nhưng không thấy Hải đả động gì tới chuyện tiền nong, cũng không nhắc tới chuyện phải đi vô bệnh viện mổ sớm. Không hỏi, nhưng The biết Hải vẫn hy vọng chờ đợi The. The thấy xốn xang, thương Hải quá chừng. Có nên kể cho Hải nghe chuyện sáng nay? Liệu nghe xong Hải có còn hy vọng? Nhưng chuyện vợ chồng, The giấu mãi được sao?
 
Sáng nay, The cho xuồng ngược hướng Tân Hòa Thành, vừa mới sáng tinh mơ trên đê 19/ 5 người đã đông nườm nượp. Số The vậy mà còn hên. Đây là lần đầu tiên The nhận ở lò một lúc bốn trăm ổ bánh. Sáng The đi vội, không chú ý đã gặp ai. Chỉ cần ở đây đến trưa, khỏi phải bơi đi đâu hết, The cặp xuồng vào chỗ đông đúc nhất. Lúc đó The mới biết đêm qua, đê 19/ 5 bị vỡ. Ôi chao! Nghe sợ quá đi. Nhìn mực nước trong đê ngoài đê chênh nhau cỡ khoảng một mét rưỡi, The không khỏi giật mình. May mà hàn gắn kịp, không thì… Với mực nước chênh nhau như vậy, hàng ngàn héc-ta lúa, hoa màu, vườn tược, hàng ngàn hộ dân ở các xã Tân Hòa Thành, Phú Mỹ, Hưng Thạnh thuộc huyện Tân Phước; xã Tân Lý Đông, Tân Hội Đông thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang và các xã Lợi Bình Nhơn, Khánh Hậu thuộc tỉnh Long An sẽ bị ngập chìm trong biển nước.
 
Chưa hết bàng hoàng, The chợt nhìn thấy trên một gò cao gần đấy, một người nằm trùm mền, khói nhang nghi ngút. Bà Thủy bắt nhầm ai nữa đây? The dò hỏi, một bà dì cho biết: "Cậu Nhơn ở Tân Hòa Thành đấy cô ạ. Tội nghiệp! Đêm qua nếu không có cậu ấy và mấy người nữa, chắc giờ đây…" Dì không nói hết câu, đưa tay kéo vạt áo lên chậm nước mắt. "Cậu ấy đã lấy thân mình chống chọi với dòng nước lũ để cứu lấy sự sống cho hàng vạn con người".
 
The lặng người, cay xè mắt.
Con đê vẫn tiếp tục được gia cố. Những cái bụng hóp, những đôi mắt thâm quầng thỉnh thoảng liếc về chiếc xuồng của The. Họ đã làm việc cật lực từ đêm qua tới giờ. Mệt rã rời, họ vẫn cố gắng. Và như đang chờ lệnh của ai đó. The chợt cúi xuống xắn quần lên cao, xốc sọt bánh mì lên vai xen vào giữa dòng người, giọng lanh lảnh:
- Anh em, bà con cô bác dừng tay ăn bánh mì đi!
- Ăn không hả?
- Thì cứ ăn đi đã.
Chỉ một loáng bốn trăm ổ bánh mì đã hết sạch. The lặng lẽ trở lại xuồng. Chợt một bàn tay vỗ nhẹ vào vai The:
- Chú thấy hết rồi! Thay mặt bà con chú cảm ơn cháu nhiều. Nhưng chắc cháu nghèo lắm, cho không bánh mì như vậy cháu sống làm sao? Hết bao nhiêu tiền, ít hôm nữa cháu lên Ủy ban chú thanh toán cho.
The ngượng ngùng:
-Không sao đâu chú ơi, trời sinh voi sinh cỏ, tụi cháu rồi cũng sống được thôi à.
*
*             *
- The! Em đang nghĩ chuyện gì vậy?
The giật mình, nhìn thấy đôi mắt Hải chờ đợi, sau một chút lưỡng lự, giọng The buồn buồn:
- Đêm qua, đê 19/ 5 bị vỡ anh ạ. Anh Nhơn bên Tân Hòa Thành đã anh dũng hy sinh thân mình để cứu đê. Nên em đã…!
- Thôi được rồi, anh cũng đã nghe sơ qua rồi, lát tối kể kỹ lại cho anh nghe. Giờ, em cầm cái lon sữa bò qua bên nội bảo thằng cu Tý… cho anh một ít. Nước đái trẻ con xắp với muối đắp vào hết sưng, hết nhức liền thôi.
The biết chồng nói thế để an ủi mình thôi. Nhưng The cũng thấy ấm người. Một cơn lũ nước mắt tràn về, ứa ngập trong mắt The.
27/12/2005
Đậu Viết Hương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...