Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Khôi Vũ, hóa giải lời nguyền hai trăm nămXXXXX

Khôi Vũ, hóa giải
lời nguyền hai trăm năm

Đọc lại Lời nguyền hai trăm năm, tiểu thuyết của Khôi Vũ, Nxb. Thanh Niên tái bản, 2004. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1990.
Các cặp đối lập: thiện/ác, tốt/xấu, tình yêu/thù hận, hiện thực/huyền ảo, trần trụi/thi vị, quá khứ/hiện tại xâu chuỗi đan xen suốt hai lời nguyền: một người dân tộc đa số/một dân tộc thiểu số, trong giai đoạn sôi động của lịch sử đất nước/câu chuyện một làng nhỏ nhoi xa lắc lơ,… song hành tồn tại trong Lời nguyền hai trăm năm. Có đối kháng, có thỏa hiệp nhưng không loại trừ nhau. Chúng có mặt và tìm cách đỡ đần nhau trong thế chông chênh chết người, để cuối cùng – sau trải qua bao thử thách khắc nghiệt của định phận – các gút mắc được tháo gỡ theo chiều hướng tích cực. Lời nguyền được hóa giải và, như cái giá phải trả: nhân vật đẹp nhất đã chịu hy sinh.
 
Hai lời nguyền với hai tính chất khác nhau, nguyên động lực khác nhau, tầm vóc khác nhau, nhưng chịu đựng nó là hai con người đầy thiện tâm đang sống ở thời hiện đại. Ta thử làm cái đối sánh:
– Hai Thìn lãnh lời nguyền từ 200 năm trước / Tòng Út: vừa mới xảy ra.
– Hai Thìn chịu hậu quả lời nguyền của tổ tiên / Tòng Út là của chính hắn.
– Lời nguyền trước mang tính tộc họ, ý thức hệ, triều đại / trong lúc lời nguyền sau mang tính cục bộ địa phương của một bộ tộc.
– Xuất phát điểm của lời nguyền thứ nhất là lòng căm thù / ngược lại của lời nguyền sau: tình yêu.
 
Nhưng dù gì thì gì, hai sinh thể này đã chịu đựng bản án định mệnh dành cho mình – cho dù hình phạt của nó mang dáng dấp cổ thời của tập quán một dân tộc (Tòng Út) hay từ hệ quả của thứ suy luận biện chứng ngây ngô qua sự tiếp nhận bất cập ý hệ lịch sử hiện đại (Hai Thìn):
Hai Thìn – hậu duệ mấy đời của ông tổ họ Lê, kẻ trước khi giết cha con họ Vũ, đã bắt người cha “nhìn đứa con gái bị hành hạ” cho tới chết, để phải chịu lời nguyền – bị cha từ chối cuộc tình với Lài, bị “đày” đi “kinh tế mới”, bị trù dập, bị cấm hành nghề ruột, bị nghi kị, bỏ tù, nhà bị truất hữu, cái chòi tạm trú khi trở lại quê nhà cũng bị đốt rụi, …
Tòng Út – không được cô gái cùng làng đáp ứng tình yêu, đã hãm hiếp nàng – để bị bà Cả Mọi nghĩ cách trừng phạt cực kỳ khắc nghiệt: cấm nói tiếng dân tộc, bị đày biệt khỏi xứ sở Thần Rừng luân lạc tận đất Biển Cát với nếp sinh hoạt trái khoáy. Đế suốt đời phải sống trong nỗi nhớ khôn nguôi: nhớ tiếng nói, tiếng hát dân tộc, thèm một lần được trở lại làng bản sống cuộc sống quen thân.
 
Hai con người ấy bị số mệnh dun dủi gặp nhau tại làng Biển Cát trong giai đoạn đầy thách thức của lịch sử hiện đại Việt Nam: 1977-1988. Họ tìm cách tẩy rửa lời nguyền: bên này Tòng Út rửa sạch cho mình / bên kia Hai Thìn cho cả dòng họ. Hai Thìn, sau khi dùng tiền bạc của mình xây cất trường học và cung cấp dầu thắp (là nhu yếu phẩm tối cần) cho làng Đoàn Kết như là vật trao đổi (điều kiện mà bà Cả Mọi đặt ra) để giúp người bạn đồng cảnh ngộ là Tòng Út trở lại cuộc sống bình thường, vô hình chung anh đã nửa bước “bước qua lời nguyền” của chính mình. Cuối cùng, để hóa giải dứt điểm lời nguyền, tác giả giải quyết cho hai nhân vật chính của mình tìm đến cái chết.
Đó là một kết cục bi thương. Không! Bi tráng nên – rất đẹp.
 
Kết cục này khiến ta nhớ đến cái cảnh sông nước trên đê Yên Phụ ngày xưa trong đoạn kết truyện ngắn Anh phải sống của Khái Hưng. “Thằng Bò ! Cái Nhớn ! Cái Bé ! ... Không ... anh phải sống!”. Đức hi sinh của chị Lạc đã gây xúc động cho bao thế hệ người đọc “lãng mạn”.
Ở Lời nguyền hai trăm năm, giữa cơn giận dữ của Mẹ Biển – ngày thường là nơi chốn trú ngụ an toàn của Hai Thìn, là nguồn sống của làng anh, gia đình anh – Khôi Vũ đã xô ba nhân vật của mình đứng trước thách thức cuối cùng. Một miếng ván cứu nạn duy nhất tình cờ rơi vào tay Tòng Út. Tòng Út tìm chớp cơ hội để thoát nạn chăng? Không, anh cho Tòng Út “đẩy miếng ván về phía Hai Thìn”. Ừ, thì còn nghe được. Vì dẫu sao Tòng Út đã từng chịu ơn Hai Thìn, bấy lâu.
Tình tiết tiếp theo: “Hai Thìn buông mảnh ván cho Năm Mộc nổi lên”, thì nó có hiện thực? Chắc chắn chẳng hiện thực tí nào cả. Lãng mạn thì, đã hết thời rồi! Nhưng, lạ! Đây là cao trào của bi kịch đồng thời đó cũng là phân đoạn đẹp nhất của tiểu thuyết, có lẽ. Người đọc quên nhân vật Năm Mộc với một quá khứ đầy “thành tích” bất hảo của hắn, mà chỉ nhớ hiện tại, ngay lúc này đây: ba sinh mệnh đang vật lộn với “cơn giận dữ của Mẹ Biển”. Ba sinh mệnh, một ảnh ván cứu độ! Cuối cùng hai con người đã chịu hy sinh để rửa sạch lời nguyền. Cho một người sống sót, “kẻ không đáng sống trên đời”: Năm Mộc. Hắn phải sống: “Con Tám bị bệnh trời hành. Ráng sống mà tìm cho nó một tấm chồng!” (tr.188). Cơ hội cuối cùng tác giả dành cho kẻ sắp nhận lời nguyền thứ ba chăng? Không, đó là lời chúc phúc, một hi vọng thể hiện nhân tính, cứu độ linh hồn.
 
Hai Thìn làm xong phận sự với làng Đoàn Kết, đáp ứng ước nguyện của người cha: để lại giọt máu (con trai) nối dõi. Anh thanh thản “chìm vào vòng ôm tiếc thương của mình. Biển cả”. Còn Tòng Út:
“Anh thấy mình từ từ chìm xuống. Hai tay anh cố vươn cao, một tay cầm đàn, tay kia cố gẩy vào sáu sợi dây đàn, nghĩ là mình nghe những âm thanh cuối cùng của rừng núi. Anh hướng về phía bờ, đọc lời khấn Thần Rừng lần đầu tiên bằng tiếng người dân tộc kể từ khi bị trừng phạt. Cũng là lần cuối cùng của đời anh” (tr.187).
 
Tất cả đều mãn nguyện. Cả người đọc. Chúng ta không còn hỏi tại sao, tại sao có sự phi lí ở các tình tiết nữa. Có thể nó mang tính tượng trưng hay ẩn dụ hoặc, một hiện thực đầy huyền ảo, nếu có thể nói thế. Bởi trước đó, người đọc đã được nghe nhiều đoạn đối thoại của Hai Thìn và Gió Biển (tượng trưng cho linh giác, tình cảm), Hai Thìn và Con Ó (tượng trưng cho sự khôn ngoan, cho lí tính muốn tìm hiểu cái bất khả tri của cõi người), Hai Thìn và tia nắng hay căn chòi,…Cả Út Tòng với cây đàn ống tre. Không vấn đề gì cả!
 
Đấy là cái tài của Khôi Vũ.
Tài kể chuyện: Hai dòng lịch sử cận và hiện đại với các biến cố dồn dập của một câu chuyện xảy ra trong quá khứ/hiện tại đuổi theo nhau: 1977/1802, 1836-1978/1862-1979/1864, 1865-1985/1925-1985/1939-1987 … đan xen trùng lớp, đã tạo sức hấp dẫn đặc biệt của tiểu thuyết. Cho đến khi đoạn kết của quá khứ bắt kịp khởi đầu của hiện tại ở thời điểm 1939, lúc Hai xung phong thí phát quy y thành Thích Huệ Mẫn, chúng ta mới vỡ ra rằng: “vua biển” Hai Thìn chính là kẻ đang phải chịu án “lời nguyền” hai trăm năm trước. Từ đó câu chuyện hiện tại phát triển…
 
Cả tài dụng văn: anh đã thuyết phục được người đọc tin vào câu chuyện anh kể bằng câu văn ngắn, gân guốc, hơi văn nhanh, khỏe khoắn. Hãy nghe anh tả “ngọn lửa”, thứ ngọn lửa xuất phát từ căn “bệnh trời hành”, tưởng như lạ lẫm mà không xa lạ: góa phụ đang khao khát tình yêu chăn gối vợ chồng. “Ngọn lửa đang âm ỉ cháy trong cơ thể mình”, “Ngọn lửa lạ lùng vẫn bốc cao”, “Ngọn lửa vẫn hừng hực cháy”, “Ngọn lửa cháy nóng như thiêu”,… (tr.94-97).
 
Nhưng không phải vì thế mà Khôi Vũ không có những đoạn văn thi vị. Chúng ta thử đọc:
“Gió biển từ ngoài khơi được tin, bay đến tận nhà Hai Thìn để chia vui cùng vua biển. Rừng phi lao đứng chờ gió biển trở về, kể chuyện. Chuyện không ít. Gió biển phải lưu lại khá lâu. Chẳng ai lưu ý sự có mặt của nó, trừ con ó lửa đứng ở góc phòng. Gió biển cố ghi nhớ để còn kể lại cho rừng phi lao nghe…” (tr. 88) 
Thực và ảo, thực mà ảo. Có lẽ chỉ có loại văn ấy mới có khả năng hóa giải lời nguyền độc, thứ lời nguyền xuất phát từ sự xấu ác vẫn chưa rời bỏ phần mảnh đất u tối của tâm hồn của con người. Từ bao đời…
Sài Gòn, 8/5/2005
Inrasara
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...