Ác mộng của phát triển
Ðiều gì sẽ xảy ra nếu nước nghèo tiến kịp nước giàu?
Hãy đắm mình chốc lát vào một kịch bản giả tưởng: Giả dụ sớm mai thế giới thức
dậy, và kỳ diệu thay, bỗng nhiên mọi nước đều có thu nhập trên đầu người giống
như nước Mỹ, hay khoảng 40.000 Mỹ kim một năm. Thu nhập hàng năm trên toàn cầu
như thế sẽ lên đến 300 ngàn tỷ, hay khoảng 10 lần hơn bây giờ. Và khi chúng ta
đạt được mức ấy, lại giả định rằng giáo dục quốc tế, mức tử vong của trẻ sơ
sinh, và tuổi thọ của mọi người cũng đạt mức như tại các nước giàu. Tóm lại,
cái gì sẽ xẩy ra nếu quỹ viện trợ nước ngoài hoạt động có kết quả và sự phát
triển kinh tế xẩy ra tức khắc thay vì phải mất nhiều thế kỷ?
Có lẽ đó là một ý nghĩ điên rồ. Nhưng đôi lúc tôi cũng muốn biết cử tri ở các
nước giàu nghĩ gì khi bầu cho các chính khách vì những người này đã cắt các
ngân sách ngoại trợ vốn đã bị cắt đến mức thảm thiết. Phải chăng, từ thâm sâu,
người giàu trên thế giới lo sợ những gì sẽ xẩy ra nếu các nước đang phát triển
thực sự tiến kịp các nước giàu, và nếu mọi đứa trẻ khác được chia sẻ những thuận
lợi mà con cái nhà giàu đang được hưởng? Giấc mơ như thế sẽ trở thành một cơn
ác mộng chăng?
Hãy xem những người giàu hôm nay có thiệt hại về mặt vật chất trong một kịch bản
như thế không? Như mọi việc đang diễn ra hiện nay, 290 triệu công dân Mỹ nhả ra
gần một phần tư lượng khí thải carbon dioxide của cả thế giới. Ðiều gì sẽ xẩy
ra nếu 1,3 tỷ người Trung Quốc và 1,1 tỷ người Ấn Ðộ bỗng chốc đều có ô-tô và bắt
đầu phun khói với mức độ khổng lồ của người Mỹ? Mặc dù mặt trời có thể không bị
tối đi và tầng ô-zôn không bị bốc hơi ngay tức khắc, nhưng về mặt môi trường
thì thật đáng lo ngại. Và giá xăng dầu sẽ như thế nào, một cái giá hiện nay đã
rất nhạy cảm đối với từng dao động nhỏ giữa cung và cầu? Thiếu các khám phá lớn
hay những phát minh xuất sắc, dầu có thể dễ dàng lên đến 200 Mỹ kim một thùng,
khi mức tiêu thụ và hao hụt gia tăng. Ðồng đô la Mỹ có sức mạnh hiện nay sẽ trở
thành một đồng tiền trang trí trong các tủ kính và đồng euro sẽ là đồng
tiền biểu diễn phụ. Các nhà đầu tư sẽ kêu la đòi đồng nhân dân tệ của
Trung Quốc hay đồng rúp của Ấn Ðộ. Thanh niên trên thế giới sẽ lớn
lên nghĩ rằng “Hollywood” chắc là một trò chơi chữ của “Bollywood” [1], và món hamburger của McDonald sẽ được
xem là món ăn của một sắc dân thiểu số. Và một quốc gia như Canada chẳng hạn, bỗng
chốc có nền kinh tế như của nước Luxembourg, với phần lớn dân số trong nước giảm
xuống để phục vụ khách du lịch quốc tế ngày xưa nghèo nhưng bây giờ đã sung
túc.
Chúng ta hãy đối đầu với vấn đề đó: Các nước giàu sẽ không còn cảm thấy mình
giàu nữa. Con người là những sinh vật xã hội; một khi chúng ta dẹp bỏ mọi chướng
ngại để phục vụ nhu cầu sinh tồn cơ bản của con người, tài sản trở thành một hiện
thực tương đối. Dù là một người lạc quan như cá nhân tôi cũng phải thừa nhận rằng
một thế giới bình đẳng giữa các nước giàu và nghèo sẽ khác một cách vô cùng
kinh ngạc - kể cả khi chưa nói gì đến tác động tới chính trị toàn cầu. Mặc dù vậy,
phát triển kinh tế nhanh như vậy vẫn mang lại một lợi ích rõ ràng cho các nước
giàu hôm nay. Sự phong phú và sự lan tỏa kiến thức có thể đẩy tốc độ gia tăng sản
xuất, nguồn tài sản cốt lõi của mọi người. Một khi đã được ăn, được học và được
tiếp xúc với thế giới bên ngoài, những nhà phát minh thiên tài từ Nam Á và Châu
Phi có thể đẩy nhanh và rút ngắn được hai thế hệ cho công cuộc phát triển năng
lượng hydro vừa sạch vừa an toàn. Và trong khi các nhà nghiên cứu y học thương
mại có thể bắt đầu dồn nhiều năng lực hơn vào việc phòng chống các bệnh tật nhiệt
đới, thì những công dân may mắn sống trong vùng khí hậu ôn hòa vẫn được hưởng
vô số phó sản công nghệ. Thật vậy, các lợi ích như thế của phát triển kinh tế
nhanh chóng có thể đền bù đầy đủ cho những mất mát của người giàu.
Bằng cách làm nổi bật những sự bất an tiềm ẩn ở các nước giàu, tôi hoàn toàn
không có ý ủng hộ hay kích động thêm cho chúng. Nhưng những lo sợ ngầm ẩn này
phải được nói đến. Nếu toàn cầu hóa thành công thì chúng ta sẽ có những gì ở cuối
ván cờ? Những thể chế chính trị nào có thể giúp chúng ta chuẩn bị - về mặt xã hội
cũng như tâm lý - cho sự thành công? Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tán đồng
chương trình MDG, tức Millennium Development Goals (Mục
tiêu phát triển thiên niên kỷ), của Liên Hiệp Quốc, một chương trình nhằm đáp ứng
các nhu cầu cơ bản của con người vào năm 2015. (Tiếc thay, các mục tiêu cụ thể
hạn chế đến mức MDG phải được coi là Minimum Development
Goals (Mục tiêu phát triển tối thiểu)). Tuy nhiên các nước giàu có thể chấp nhận
được phát triển đến mức độ nào? Và chúng ta đồng ý cho bao nhiêu?
Dĩ nhiên, chẳng ai đưa ra được một công thức mầu nhiệm để làm một quốc gia phát
triển, mặc dù các nhà nghiên cứu kinh tế đã phát hiện ra được một số độc tố.
Tham nhũng, sự can thiệp quá đáng của chính phủ và hàng núi nợ đã gây trở ngại
cho các nước đang nỗ lực phát triển (đây là một lý do tại sao phần lớn tiền viện
trợ nên được coi là viện trợ không hoàn lại, chứ không phải tiền cho vay). Mặc
dù các nhà phê bình có lý khi nói rằng viện trợ nước ngoài đã nuôi dưỡng tham
nhũng và làm què quặt các cơ sở doanh nghiệp tư nhân và do đó cản trở sự phát
triển, nhưng bằng chứng lại cho thấy rằng viện trợ có thể mang lại rất nhiều lợi
ích một khi nó đi đôi với các chính sách tốt. Thương mại có mang lại phát triển
không? Một lần nữa, theo cách tôi đánh giá các bằng chứng thì câu trả lời là
có: Nếu châu Âu và Nhật Bản chịu từ bỏ chính sách bảo vệ nông trại quá đáng của
họ và nếu Hoa Kỳ không tranh giành với Ấn Ðộ danh hiệu vô địch thế giới về việc
chống bán hàng phá giá thì các nước nghèo sẽ được lợi hơn so với việc bỗng
nhiên tăng viện trợ lên gấp đôi. Và luôn thể cũng phải nói rằng, nếu các nước
nghèo chịu từ bỏ chế độ bảo vệ thương mại của mình thì người dân thậm chí sẽ
còn lợi nhiều hơn nữa.
Kể cả vậy, các nước giàu vẫn có thể dễ dàng tăng gấp ba ngân sách viện trợ của
mình mà không sợ kịch bản “ác mộng” trở thành sự thực. Các nước giàu có thể đưa
tiền vào những dự án y tế ở châu Phi, vào giáo dục, và vào cơ sở hạ tầng và những
nhu cầu cơ bản khác mà không phải sợ sẽ bị đuổi kịp nhanh chóng. (Mặc dù thật
khó mà giải thích tại sao Ngân Hàng Thế Giới vẫn cho Trung Quốc vay, với số tiền
trên 350 tỷ đô la trong các quỹ dự trữ và còn thêm cả một chương trình thám hiểm
vũ trụ). Nhiều khoản viện trợ, chẳng hạn như việc Bắc Ý đổ tiền vào Nam Ý trong
gần 60 năm qua, đã giúp phần nào làm dịu bớt những đau khổ ngày càng lớn đi liền
với phát triển, nhưng tiến bộ thì ít khi diễn ra nhanh như mong muốn. Kinh tế
phát triển cho thấy, những vùng nghèo rất khó rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa
mình và các nước giàu ở mức hơn 2 phần trăm mỗi năm, ngay cả trong hoàn cảnh
thuận tiện nhất. Để đuổi kịp - nếu có đuổi kịp được - thì cũng phải mất nhiều
thế hệ.
Các nước giàu không cần phải phân vân hay keo kiệt. Dĩ nhiên, nếu sự phát triển
kinh tế nhanh và bất ngờ có khả thi và thành sự thật thì nhiều công dân trong
các nước giàu sẽ cảm thấy khó chịu, kể cả lo sợ. Và một ngày nào đó, nhưng chắc
chắn không phải trong một tương lai gần đây, sự phân bố thu nhập của thế giới sẽ
khác một cách cơ bản so với hôm nay. Các kịch bản ác mộng và nỗi sợ thành công
không cần phải chắn đường các chính sách phát triển hợp lý và hào phóng.
Kenneth Rogoff (1953) là Giáo sư kinh tế học tại Ðại học
Harvard. Ông thường viết bài cho Bản tin Foreign Policy (Chính sách
Ngoại giao).
Chú thích:
[1] Chú thích của talawas: Công nghệ điện
ảnh khổng lồ của Ấn Độ tập trung tại hai địa điểm chính: Bombay ở bờ biển Tây Ấn
với phim Hindi, được gọi là “Bollywood” (để so sánh với Hollywood của Mỹ), và
Kodambakkam gần Madras ở bờ biển Nam Ấn với phim Tamil, được gọi là
“Kollywood”.
14/7/2004Kenneth Rogoff Nguyễn Phương Linh dịchNguồn: http://www.foreignpolicy.com/
Kenneth Rogoff
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét