Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

XXXXNhững tác động của hội nhập và toàn cầu hóa xét ở góc độ kinh tế - chính trị

Những tác động của
hội nhập và toàn cầu hóa
xét ở góc độ kinh tế - chính trị

Ký kết Hiệp định thương mại Việt Mỹ, hội nhập tự do thương mại khu vực (AFTA), gia nhập WTO – sẽ gây ra những tác động hoàn toàn có thể dự đoán được. Trước hết là áp lực buộc phải có những thay đổi nhất định về môi trường pháp lý, chẳng hạn phải xây dựng mới và thay đổi nhiều bộ luật nhằm tương thích với luật chơi của Hoa Kỳ, của khu vực và của thế giới. Và như thế, ở góc độ kinh tế, sẽ có hai vấn đề quan trọng có tính quyết định như sau:
Khi nền kinh tế có nhiều thành phần, kinh tế quốc doanh không còn giữ vị thế độc tôn và do vậy khu vực kinh tế do nhà nước kiểm soát này sẽ không còn là chủ thể duy nhất đem lại công ăn việc làm cho người lao động.
Kết quả là người dân bớt lệ thuộc vào nhà nước trong nhiều chuyện. Họ có nhiều chọn lựa hơn trong tìm việc làm để mưu sinh, và do vậy, nhiều chọn lựa hơn trong đời sống chính trị, tư tưởng. Nói cách khác, người dân có điều kiện để độc lập về đời sống tinh thần, thoát ly khỏi tầm ảnh hưởng của hệ tư tưởng chính thống.
Nếu như trước đây, nhà nước độc quyền cung cấp việc làm, không được làm cho nhà nước đồng nghĩa với việc anh bị vất ra ngoài xã hội, nay thì dĩ nhiên là không. Nếu như trước đây, sau cách mạng giải phóng dân tộc, người mang lại cơm no áo ấm cho nhân dân, tạo công ăn việc làm cho toàn bộ các tầng lớp nhân dân là nhà nước cách mạng, thì nay còn có nhiều nhân tố mới khác chia sẻ vai trò này, và vì vậy, đương nhiên sẽ chia sẻ vị thế chính trị với chính nhà nước cách mạng. Không những tạo công ăn việc làm cho người lao động, các khu vực kinh tế mới này còn vượt trội khu vực kinh tế nhà nước về cách dùng người, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, lương bổng, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh tế tư nhân ở Việt Nam còn trong giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa, vì thế văn hóa quản trị công ty, văn hóa kinh doanh chưa hình thành. Trong một thời gian không lâu nữa, những kêu ca phàn nàn của người lao động về khu vực kinh tế này sẽ bớt dần, và một khi khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh cả về lượng lẫn chất thì sẽ có nhiều chuyện đổi thay. Một trong những đổi thay này là tạo ra hệ quả tích cực: xóa dần một thực trạng tâm lý lâu nay luôn ngự trị trong tâm thức người lao động – thích làm cho cơ quan nhà nước hơn. Khi đó người lao động vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước về kinh tế và do đó cả về tư tưởng. Việc phát triển đảng trong các doanh nghiệp tư nhân sẽ không mấy thuận lợi.
Khu vực kinh tế quốc doanh do nhà nước quản lý sẽ buộc phải từ bỏ những điểm tựa như độc quyền, bảo hộ, trợ giá, được giao đất, được chỉ định thầu... có nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước buộc phải chấp nhận cạnh tranh theo quy luật của kinh tế thị trường đúng nghĩa chứ không phải nửa vời như nhiều năm trước đây, và nhà nước buộc phải từ bỏ sự can thiệp của mình vào khu vực kinh tế này. Một khi phải từ bỏ những điểm tựa, chấp nhận cuộc chơi bình đẳng, cạnh tranh khốc liệt, khu vực kinh tế nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ở các doanh nghiệp này, đa phần trang thiết bị, máy móc cũ kỹ; tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân rất kém, việc sử dụng người hết sức tùy tiện, cung cách quản lý điều hành, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rất yếu kém, còn việc hoạch định chiến lược phát triển, quảng bá thương hiệu, mở rộng và phát triển thương hiệu, chính sách hậu mãi, tiếp thị và nghiên cứu thị trường, xây dựng văn hóa kinh doanh... vẫn còn là những khái niệm mơ hồ. Do vậy sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này rất yếu (giá thành cao, chất lượng sản phẩm thua kém, văn hóa kinh doanh chưa và khó có thể có). Hậu quả là nhà nước buộc phải đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, giải thể hàng loạt công ty quốc doanh yếu kém, thua lỗ, cho nghỉ việc một số lượng lớn lao động dôi dư trong các doanh nghiệp còn lại. Riêng lao động dôi dư này ước tính độ 50%.
Mặt khác cải cách doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy và kéo theo việc buộc phải cải cách hành chính và thế là cải cách hành chính cũng tham gia vào việc đưa đến tình trạng thất nghiệp cho một bộ phận không nhỏ công chức của hệ thống hành chính các cấp. Ðiều này đưa đến nhiều điều tệ hại về phương diện chính trị, xã hội: người lao động mất việc làm sẽ gây bất ổn cho xã hội, khu vực kinh tế quốc doanh bị thu hẹp đồng nghĩa với việc phạm vi phát triển đảng bị thu hẹp, lượng đảng viên ngày một giảm. Một vấn đề quan trọng nữa là: kinh tế quốc doanh bị thu hẹp có nghĩa là ngân sách nhà nước bị sút giảm, bởi trong số những doanh nghiệp phải giải thể có cả hàng loạt doanh nghiệp lâu nay làm ăn có lãi do độc quyền, do được bảo hộ, trợ giá hoặc những doanh nghiệp làm ăn có lãi khác, nhưng không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác, mà số tiền nộp ngân sách chiếm một tỷ trọng đáng kể. Ngoài ra còn phải kể đến sự thiếu hụt ngân sách do mất nguồn thu từ thuế đánh vào hàng nhập khẩu (chiếm ¼ ngân sách) khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Còn tiền thuế từ khu vực kinh tế tư nhân – mặc dù phát triển mạnh – vẫn bị thất thu nghiêm trọng do chính sách thuế bất hợp lý, do né thuế, trốn thuế, do sự trục lợi của nhân viên thuế vụ, hải quan.
Ðến đây hiệu ứng đô-mi-nô xảy ra: nhà nước sẽ không đủ tiền để duy trì bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, một lực lượng công an, quân đội quá lớn. Sẽ có sự cắt giảm mạnh mẽ, hậu quả là nhiều người bị thất nghiệp, xã hội thêm phần bất ổn. Một lần nữa phạm vi phát triển đảng lại bị thu hẹp rất đáng kể. Lượng đảng viên ngày một ít trong khi đó ý thức hệ vô sản có thể ngày một nhạt nhòa nếu như tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên không kịp thời ngăn chặn. Ðảng cộng sản sẽ phải chịu nhiều thách thức lớn.
Kinh tế tư nhân ngày một phát triển, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế, dĩ nhiên các doanh nhân – những người đại diện cho thành phần kinh tế này – không thể không đòi hỏi quyền tham gia quản trị đất nước. Giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất mới vươn mình dậy. Nạn thất nghiệp sẽ làm dấy lên phong trào phản kháng mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân lao động. Trong tình hình đó, khả năng duy trì các phúc lợi xã hội dành cho những người có công với cách mạng, những người hưởng lương hưu lại ngày một sút kém bởi ngân sách quốc gia eo hẹp. Lý do:
Chính sách thuế bất hợp lý, né thuế, trốn thuế, sự trục lợi của nhân viên thuế vụ như đã nói ở trên.
Thất thoát tiền bạc do tham nhũng.
Lãng phí tiền bạc vào những dự án vô bổ hoặc kém hiệu quả.
Ðóng góp cho ngân sách từ khu vực kinh tế quốc doanh ngày một ít đi.
Kinh tế quốc doanh thu hẹp đồng nghĩa với việc không còn nhiều chỗ dành cho ưu tiên diện chính sách trong công ăn việc làm. Trong bộ máy công quyền, tình hình cũng tương tự, do áp lực xã hội, do yêu cầu phát triển, chế độ thi tuyển buộc phải được thực thi. Ðiều này dẫn đến tình trạng khó có thể duy trì sự tuyển dụng xưa cũ dựa vào sự ưu ái có tính chính trị. Nhiều sĩ quan, binh sĩ trong quân đội, công an bị cắt giảm khó có thể tìm được việc làm, trong khi đó chế độ đãi ngộ khi xuất ngũ thì lại không còn được như ngày trước.
Giai cấp nông dân –lực lượng chính trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong thời kinh tế thị trường chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Giai cấp công nhân đa phần ngày một gắn chặt với khu vực kinh tế tư nhân nội địa cũng như ngoại quốc, và rời xa dần tầm ảnh hưởng của hệ tư tưởng chính thống. Họ dần dần ý thức được rằng vai trò lịch sử mà Marx đặt lên vai họ là kết quả của một sự lầm lẫn tai hại. Vị thế xã hội hiện tại buộc những người công nhân phải nhận thức lại vai trò của mình và suy ngẫm về thân phận của chính mình. Hậu quả là chính những người lâu nay có quyền lợi gắn chặt với chế độ, là chỗ dựa của chế độ (công – nông) cảm thấy bị bỏ rơi.
Trong bối cảnh như vậy, nhà nước vẫn cố níu kéo mô hình xã hội cũ, cố duy trì kinh tế quốc doanh đang ngày càng sa sút, hoặc chỉ thực hiện cổ phần hóa theo kiểu phong trào, trong khi đó xã hội đòi hỏi cải cách thể chế để đáp ứng nhu cầu phát triển. Lúc này các mâu thuẫn xã hội bùng phát, nhà nước hiện hữu trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của xã hội. Có ba kịch bản có thể như sau:
Những người cộng sản mất dần quyền kiểm soát đất nước một cách từ từ do phải chấp nhận thay đổi nhiều điểm mấu chốt trong Hiến pháp, chấp nhận sự tham gia của các lực lượng xã hội khác vào các thiết chế chính trị, chấp nhận một cuộc chơi mới với quyền lực trong môi trường dân chủ thực sự để rồi sẽ trở thành nhân vật phụ trên bàn cờ chính trị;
Những người cộng sản Việt Nam sẽ mất quyền lực kiểu như Liên Xô cũ, do rệu rã từ bên trong đảng, do áp lực của các lực lượng xã hội khác;
Một cuộc cách mạng sẽ nổ ra khi mâu thuẫn đối kháng trong xã hội lên đến đỉnh điểm, khả năng kiểm soát đất nước của chính quyền yếu ớt, lực lượng đối lập lớn mạnh đủ để gánh vác vai trò lịch sử, thời cơ cách mạng cũng đã chín muồi.
Tóm lại, hội nhập và toàn cầu hóa sẽ dẫn tới tự do hóa nền kinh tế và dân chủ hóa. Hệ quả là vai trò của Ðảng cộng sản ngày một mờ nhạt dần và biến mất. Mô hình xã hội cũ sụp đổ, một mô hình khác tiến bộ hơn, đáp ứng được các yêu cầu của xã hội, sẽ ra đời.
3/8/2004
Nguyễn Thục Nhi
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...