Ðạo đức mới và
nàng dâu để ria con kiến
Ðôi khi tôi suy nghĩ về đạo đức. Ðã có lúc tôi gần như tin chắc
rằng, các nền tảng và nguyên tắc đạo đức là yếu tố duy nhất quyết định số phận
của một xã hội. Các tiến bộ khoa học đã sinh ra và bị vùi dập trên đó, cả các
cuộc chiến và các thoả ước hoà bình. Ðiều cơ bản nhất chúng mang lại, bên cạnh
những quyền lợi nhất thời, có tính lâu dài hơn, là những nguyên lý đạo đức, những
qui tắc hành xử mới bổ sung cho những nền tảng cũ. Tất cả những vận động ấy, dường
như đều có mục đích. Và mục đích ấy là sự tồn tại, sự duy trì sự sống loài người
đấng tối cao đã sáng tạo.
Thế giới loài người đang tiến dần đến chỗ không vị, không mùi, và không giới
tính. Các món ăn nhanh, giầy Nike, và Hollywood đang tràn ngập cùng với sự lo
ngại đánh mất bản sắc truyền thống của các quốc gia đang phát triển. Ngày mai,
có thể thuốc lá sẽ nằm trong danh sách tấn công của toàn thế giới, giống như
thuốc phiện, trừ khi các công ty thuốc lá sản xuất ra thuốc không mùi, không vị,
không khói, phù hợp với các khái niệm về đạo đức mới. Mắm tôm sẽ bị cấm tại Việt
Nam, nhằm phù hợp với quan niệm mùi vị của một thế giới đại đồng. Và tiến bộ nhất:
một quan điểm mới sẽ thay thế cho những quan điểm đã lỗi thời về gia đình và
truyền giống. Ðó là các cặp vợ chồng nam-nam, nữ-nữ.
Họ, sẽ được xã hội thừa nhận như là một điều dĩ nhiên, như là sự trở về với cội
rễ đã từng được ghi trong Thánh kinh đạo Thiên chúa: Thượng đế tạo ra đàn bà từ
đàn ông. Họ, sẽ có những đứa con cấy từ tế bào ngực. Với sự phát triển của khoa
học sinh học và những quan điểm đạo đức đang chuyển dịch, loài người có lẽ sẽ
là động vật đầu tiên khép kín chu trình tiến hoá: từ nhân bản vô tính, đến hữu
tính, và quay trở lại nhân bản vô tính. Lần quay trở lại này là với sự trợ giúp
của hoá chất và ống nghiệm. Công cụ truyền giống sẽ trở thành công cụ thoả mãn
tâm sinh lý thuần túy. Ai dám bảo rằng điều đó không nằm trong dự tính của Thượng
đế ? Và phải chăng đây là điều kì diệu nhất: sự bình đẳng tuyệt đối giữa
nam và nữ, nếu như lúc đó vẫn có người nhớ được các định nghĩa về đàn ông và
đàn bà.
Ðiều bất hạnh duy nhất dành cho xã hội của những quốc gia ‘đang phát triển’ là quãng
cách giữa cung và cầu. Ðó là khoảng cách giữa giới hạn của một xã hội có khả
năng phát triển thấp hơn và những nguyên tắc xử sự, đạo đức, và thị hiếu được
nhập cảng từ một xã hội đã ở gần kề điểm cuối của sự lột xác.
Phát biểu của anh Ðặng Hoàng Giang về mức độ văn minh của một xã hội hoàn toàn
phù hợp trên nhiều khía cạnh. Câu hỏi đặt ra là liệu mức độ văn minh ấy có là mục
đích của một xã hội? Hay là sự tồn tại và phát triển của xã hội ấy như là một
xã hội mới là mục đích vận động của xã hội đó? Văn minh và văn minh như thế nào
là sản phẩm phụ của sự tồn tại mà thôi?
Dường như giữa đạo đức xã hội và trình độ tổ chức của một xã hội có một sự liên
quan mật thiết. Trình độ tổ chức của xã hội càng cao, mức độ an toàn của xã hội
trong sự vận động và tồn tại của xã hội đó càng cao, thì những nguyên tắc đạo đức
tập trung càng được giải toả. Những nguyên tắc đạo đức, cũng như mức độ tổ chức
là những chất keo gắn kết các phần tử, tạo nên nền tảng của sự tồn tại. Trong
tương quan tồn tại này, những nguyên tắc đạo đức có thể có xu thế hy sinh những
cá thể đơn lẻ cho sự tồn tại của cộng đồng. Sẽ là một hiểm hoạ nếu như trình độ
tổ chức chưa đủ mạnh để bù đắp cho sự giải toả của các nguyên tắc đạo đức xã hội?
Liệu chúng ta có thể phải làm gì hay không làm gì để một ngày nào đó con trai bạn
sẽ dẫn về giới thiệu một nàng dâu để ria con kiến?.
10/5/2002 Quốc Việt
10/5/2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét