Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

XXXXSự phát triển của Trung Quốc chỉ là cái bong bóng nước

Sự phát triển của Trung Quốc chỉ
là cái bong bóng nước?

Các viên chức quản trị thương nghiệp suốt từ Thung Lũng Điện Tử, Hoa Kỳ, cho đến Sydney, Úc Châu, đều nghẹt thở trước Trung Quốc. Đà phát triển của nước này đang lên đến gần hai hàng số. Các nhà máy Trung Quốc ào ạt tuôn ra đủ loại quần áo, hàng hóa điện tử, chất đầy trên các quầy của những hệ thống siêu thị Wal-Marts và chợ Fry's. Của cải Trung Quốc đang chảy vào các bất động sản, từ những khu kỹ nghệ cao cấp ở mỗi thành phố cho đến những tòa lâu đài dành cho các nhà giầu mới nổi.
Nhiều nền kinh tế khác cũng ăn nhờ vào sự phát triển nhanh chóng đột ngột của Trung Quốc, vì Trung Quốc đang thu hút nguyên liệu, máy móc, và các bộ phận rời để lắp ráp rồi xuất cảng.
Nhưng những người quan sát kinh tế Trung Quốc một cách chặt chẽ lại cho rằng Trung Quốc đang tạo nên một nền kinh tế bong bóng nước. Họ thấy đây là một nền kinh tế nóng máy quá độ bởi việc cho vay tiền một cách không kiềm chế và có tính đầu cơ, giống như quả "bong bóng nước" Nhật Bản từng khét tiếng thời thập niên 1980.
Nỗi e sợ đang gia tăng là cái bóng bóng ấy hoặc sẽ nổ tung trong một vụ khủng hoảng ngân hàng, hoặc sẽ thúc đẩy chính phủ Trung Quốc phải cố ý hãm chậm nền kinh tế lại để nhẹ nhàng hạ xuống.
Nếu điều ấy xảy ra, trong thế giới toàn cầu hóa này, ảnh hưởng sẽ nhanh chóng lan truyền khắp Á Châu, kéo vào Âu Châu, trải đến những ngưỡng cửa của người Mỹ. Một viên chức kinh tế quốc tế có giao thiệp với Trung Quốc báo động rằng "Việc hãm chậm ở Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng trong vùng".
Một cuộc nghiên cứu của cơ quan suy tưởng RAND Corporation, được bộ Quốc Phòng Mỹ tài trợ, đã chiếu cái nhìn vào các khả năng của "những đường nứt trong địa hình kinh tế Trung Quốc" - những yếu tố có thể hãm chậm hoặc ngay cả đảo ngược đà tăng trưởng của Trung Quốc. Một số những "đường nứt" chính là gồm có:
Thất nghiệp: Phúc trình của RAND nói con số thất nghiệp chính thức và được che giấu lên đến gần một phần tư lực lượng lao động, tức là vào khoảng 170 triệu người. Vào lúc Trung Quốc bị buộc phải hiện đại hóa để cạnh tranh toàn cầu, tỉ số thất nghiệp có thể gia tăng, sự nghèo khó ở vùng quê tệ hại hơn, có thể làm nổ ra những biến động xã hội.
Tham nhũng: Nạn tham nhũng trầm trọng hơn, hệ thống pháp lý yếu ớt không kiểm soát được, có thể gây suy thoái cho đà phát triển.
Bệnh dịch: Như chúng ta đã chứng kiến với bệnh SARS, và có thể giờ đây là cúm gà, bệnh dịch có thể lây lan rất nhanh chóng ở Trung Quốc. Tỉ số nhiễm HIV/AIDS cũng đang leo thang, gây nên những tổn hại lớn lao về kinh tế và xã hội.
Ô nhiễm: Trung Quốc có vấn đề lớn về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, và đã chạm mặt với nạn thiếu nước trầm trọng, nhất là tại miền bắc, vòng đai kỹ nghệ nặng của Trung Quốc.
Năng lượng: Đà phát triển của Trung Quốc tùy thuộc vào việc nhập cảng dầu lửa, khí đốt và than đá, do đó dễ bị tổn thương bởi sự gia tăng mạnh mẽ của giá cả năng lượng trên thế giới.
Nhưng đối với cơ quan RAND và nhiều chuyên gia khác thì nguy cơ tức thì nhất là sự mỏng manh của hệ thống tài chính do nhà nước Trung Quốc chi phối.
Tài chính: Bốn ngân hàng Trung Quốc do nhà nước làm chủ, chiếm gần ba phần tư tổng số tiền cho vay và tiền ký thác ở Trung Quốc, hiện đang ngồi trên một cái núi khổng lồ của những món nợ xấu. Cơ quan Standard & Poor (một cơ quan độc lập được tín nhiệm trên thế giới trong công tác đánh giá tín chỉ, đầu tư, thị trường) ước lượng rằng trong sổ sách các ngân hàng này đang có khoảng 850 tỉ đô la nợ không đòi được - nó vượt xa con số 175 tỉ đô la mà Hoa Kỳ đã phải bảo lãnh cho những món tiết kiệm và tiền cho vay trong thập niên 1980 và lớn hơn gấp đôi con số ước lượng chính thức của Nhật về những món nợ xấu của nước Nhật.
Các ngân hàng Trung Quốc không phải là những ngân hàng như chúng ta thường biết. Sự hiện hữu của chúng là để yểm trợ cho các chính sách của chính phủ. Khi một chính quyền địa phương Trung Quốc muốn một đặc khu kỹ nghệ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thì họ buộc các ngân hàng này cho vay tiền để thực hiện công tác ấy. Khi e ngại tỉ số thất nghiệp gia tăng, chính phủ yêu cầu các ngân hàng cho các xí nghiệp quốc doanh vay tiền, những xí nghiệp mà đáng lẽ chỉ nên cho phá sản.
Gần đây chính phủ Trung Quốc đã bơm 45 tỉ đô la từ quỹ dự trữ ngoại hối - thành quả của đà phát triển xuất cảng - vào hai trong số các ngân hàng lớn, và đang còn tiếp tục nữa. Nhưng việc này dường như chỉ là việc ném những đồng tiền tốt vào việc xấu.
"Tuyệt đối không có một bảo đảm nào là tiền này đang được sử dụng vào những mục tiêu có khả năng tốt," ông Nicholas Hope thuộc trường Đại Học Stanford, nguyên là một viên chức Ngân Hàng Thế Giới, cho biết.
Chừng nào tiền ký thác còn được tiếp tục gửi vào các ngân hàng nhà nước, thì các định chế dễ gãy đổ ấy vẫn còn đứng vững được trong một thời gian. Và chính phủ Trung Quốc đang cố làm chậm lạm phát và khuyến khích các công tác cải tổ ngân hàng. Nhưng khi người dân Trung Quốc được tự do hơn trong việc chuyển tiền, kể cả gửi ra nước ngoài, thì một cuộc khủng hoảng niềm tin vào các ngân hàng không phải là không thể có.
"Một khi họ bắt đầu ào ạt rút ra", ông Hope phát biểu, "thì đó là lúc người ta có vấn đề".
Các kinh tế gia đang báo động rằng hiện có hai thứ chống đỡ cho nền kinh tế thế giới - đó là số khiếm hụt khổng lồ của ngân sách Hoa Kỳ và sự bùng phát tài chính của Trung Quốc. Có thể đây sẽ là một cuộc chạy đua để xem cái bong bóng nào sẽ rơi xuống đất trước.
Daniel Sneider: Ký mục gia chuyên khảo các vấn đề nước ngoài của nhật báo Mercury News. Mục của ông xuất hiện trên các số báo ra ngày Chủ Nhật và thứ Năm.
2/3/2004
Daniel Sneider
Nguyễn Bá Trạc dịch
Nguồn: VietMercury, 13.2.2004
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...