Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Thở dài và thương cảm về thế hệ không có lý tưởng

Thở dài và thương cảm
về thế hệ không có lý tưởng

Đọc bài của Mai Chi tôi không có ý định viết nhưng rồi sau đó lại thấy Ngọc Thao xuất hiện với những nội dung rất đáng phải xem xét. Bởi thế, tôi xin được đưa ra một số lời bàn gửi talawas. Thực chất, đây chủ yếu là những ý kiến mà tôi đã tham gia vào Diễn đàn Thanh niên xa Mẹ và AVYS (www.avys.de), có chỉnh lại một chút cho đỡ... tục.

Thế hệ @ là khái niệm rất mới. Thực tế, những người đã khởi xướng nó trên báo Sinh Viên cũng không thể gọi nó đích xác là cái gì, một vài phác thảo về nội hàm cũng không có. Họ muốn ám chỉ một số đối tượng suốt ngày tán chuyện qua mạng, vì vậy mới có tên là "thế hệ @". Thường thì những người thích chatting là những người không đi làm nhưng tỏ ra sành điệu, thích hưởng thụ và nhìn chung, những người này thường thích xài, chí ít là cũng mơ mộng được xài điện thoại di động đời mới, đi xe Honda scooter mới nhất hiệu @, Dylan, SH. Tuy vậy, nếu gán ghép @ với tính cách là một ký hiệu thường dùng để thay thế chữ "at" trong công nghệ thông tin ngày nay với @ Honda scooter để tỏ ra là "hiểu đời" thì không cần, không nên, không đúng và không thể chấp nhận được. Hơn nữa, ngoài việc gán ghép cây đàn và cây vàng (vì cùng có "cây"), Mai Chi và Ngoc Thao còn quy chụp một số không nhiều (nhưng không phải là ít, tôi thừa nhận) với cả một thế hệ. Có thể đó là một hiện tượng phổ biến nhưng gọi là "thế hệ" thì không đúng. Cái này là đương nhiên, không bàn thêm.
Thực ra Mai Chi và Ngọc Thao không phải là tiên phong, họ cũng chỉ đi sau một lớp người (dùng theo nghĩa logic học, không phải là thế hệ) bất lực hoặc bất tài nhưng luôn muốn khẳng định mình bằng những khẩu hiệu mà bất thành. Thấy người khác không nghe thì "thở dài", "thương cảm", "lo lắng", "quan ngại" về "thế hệ không có lý tưởng". Phần đông chúng tôi cũng bất tài nhưng chúng tôi không phản ứng như vậy mà đâm đầu vào làm việc để đỡ xấu hổ với con cháu sau này. Có lẽ chỉ có mấy anh học trò lòi tói mới thích viết khẩu hiệu lên bia đá, bờ tường ở đình, đền, miếu mạo để khoe triết lý sống, quan điểm lập thân dị hợm... Có thể về sau, anh học trò ấy lại muốn tìm cách bôi xoá những dòng chữ ấy đi vì nhận ra mình không thể hiện đúng chỗ và xúc phạm đến cổ
nhân, thần thánh. Đáng tiếc là, có những người đến già vẫn không chừa được tật đó.
Tôi ba mươi hai tuổi, đã có gia đình, làm công việc bàn giấy nhưng đến cơ quan hầu như chỉ để lĩnh lương, chủ yếu ngồi ở nhà viết lách. Tôi thường xuyên liên lạc bằng thư điện tử với đồng nghiệp, lãnh đạo, bạn bè và rất thích tìm kiếm thông tin trên internet. Đối với tôi và các đồng nghiệp, internet và công nghệ thông tin nói chung là công cụ khá hoàn
hảo cho công việc của mình, không chỉ là một phương tiện liên lạc mà còn là một thư viện lớn nhưng không đắt (Đương nhiên, thông tin trên mạng không phải lúc nào cũng được coi là nguồn trích dẫn tin cậy).
Tôi cũng chat, cũng Webcam để liên lạc, thăm hỏi mọi người ở xa. Tôi cũng bị coi là @ chăng? Thích tìm kiếm thông tin nhưng tôi không thể ngồi hàng ngày ở những nơi ồn ào như cái trung tâm kia như Ngọc Thao "để đọc một bài báo". Nếu ngồi đó chắc tôi phát điên mất. Có lẽ vì tôi không có tham vọng ngồi một mình lặng lẽ để thu phục đám đông bát nháo. Tôi cũng không có thì giờ và cũng không đủ độ khiếm nhã để xem trộm thư tình của con trẻ, dù nó có phi vào mặt. Tôi cũng không bị vô vọng như Ngọc Thao
để không tin vào lớp trẻ, để không yêu tương lai. Những đồng nghiệp trẻ, những học trò của tôi vấn biết miệt mài đèn sách và vẫn biết lễ phép, kính trên nhường dưới, biết thể hiện khả năng, biết khắc phục thiếu thốn để vươn lên và họ cũng biết cả net, chat, biết đánh nhau để bênh vực người yếm thế, biết disco, biết rock 'n roll... họ đáng yêu lắm chứ.
Tôi tin lớp trẻ tức là cả tôi và những người trẻ hơn tôi. Tôi không nhìn chúng bằng cái bao dung nửa mùa. Tôi tát vào mặt đứa em hỗn láo để dạy cho nó biết tôn trọng người khác và tôi hy vọng nó sẽ tiến bộ, thành công trong tương lai.
Có lẽ sự dễ dãi trong chê bai, tán dương, những cơ chế thưởng phạt đã tạo ra những cách nhìn không đúng về cái hay, cái đẹp, cái tốt và cái xấu. Những hiện tượng mà ai đó đã gọi là khủng hoảng về lý tưởng, thẩm mỹ trong lớp trẻ, cá nhân tôi cho rằng, không hoàn toàn có nguyên nhân từ lớp trẻ. Có thể đó là chứng vĩ cuồng của người phê phán. Có thể đó là cách giáo dục của những người được coi là đi trước. Cũng có thể là một sản phẩm tất nhiên, cố hữu của mọi quá trình chuyển đổi.
5/6/2003
Poplar Ngo
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...