Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Khủng hoảng kinh tế thế giới 2003

Khủng hoảng
kinh tế thế giới 2003

Thế giới đang đứng trước khủng hoảng. Phải làm gì để tránh điều xấu nhất?
Hệ thống tài chính quốc tế đã hỏng, chỉ có giới lãnh đạo tài chính thế giới là chưa để ý thấy điều đó mà thôi. Từ sau cơn bùng nổ khủng hoảng thị trường phương Ðông những năm 1997-1998 thì luồng tư bản không còn chẩy vào các nước đang phát triển nữa, nơi đang rất cần những khoản tiền ấy và xứng đáng được nhận. Trừ Trung Quốc là ngoại lệ, hiện thu vào hầu hết những đầu tư trực tiếp của thế giới.
Thị trường tài chính bỏ quên vùng phụ cận, tập trung vào trung tâm. Trong lúc tiền bạc từ khắp thế giới ầm ầm đổ vào Hoa Kỳ, thì Brazil, dù là nước có chính sách kinh tế phù hợp, thừa ngân sách, thừa cán cân mậu dịch, lại không thể trả được nợ. Vì không đủ tiền. Vì tiền không chẩy vào đây. Các nhà đầu tư hàng năm trời quay lưng với Brazil vì sợ là khủng hoảng Argentina sẽ lây lan. Họ cũng không tin ứng cử viên tổng thống từ cánh tả - Luiz Inacio da Silvie, mới đắc cử hôm 27.X vừa qua. Trong lúc tôi viết bài này thì vẫn chưa rõ là thị trường sẽ phản ứng thế nào với kết quả bầu cử này. Một nước khác, ít phát triển hơn, tuân thủ các đề nghị của quĩ tiền tệ quốc tế, thì sa vào khó khăn vì giá hạ, xuất khẩu kém, và sức mua yếu. Nhìn chung thì từ năm 1997 bắt đầu xu hướng tư bản chảy ngược từ vùng phụ của nền kinh tế toàn cầu. Theo giới lãnh đạo tài chính thế giới thì đây chỉ là tình huống tạm thời và thị trường sẽ tự điều chỉnh. Theo tôi thì đây là biểu hiện bên ngoài của vấn đề sâu hơn từ trong cấu trúc. Mới cách đây không lâu thì quĩ tiền tệ quốc tế vẫn sẵn sàng giúp đỡ các nước ngoại biên. Người đóng thuế ở các nước nợ nần như Mehico sẽ phải đóng số tiền đó. Có thể xét đến cùng thì làm như thế không được sòng phẳng cho lắm, nhưng mà đảm bảo nguồn tiền chuyển đến các nước nghèo nhất.
Sau đó là cơn khủng hoảng 1997-1998. Chuyện này liên quan đến chính sách của quỹ tiền tệ, tạm gọi là mạo hiểm lòng tin. Họ bảo đảm với các quỹ tín dụng tư nhân chuyện thu lại tiền, đồng thời thuyết phục chậm cho vay. Từ năm 1997 quỹ tiền tệ bắt đầu tìm cách móc nối sự giúp đỡ của mình với việc chuyển một phần mạo hiểm cho vay sang các quỹ tín dụng tư nhân, và sẵn lòng cho phép các nước như Nga và Argentina không trả nợ cho các chủ nợ tư nhân. Vậy là họ đã loại trừ được vấn đề mạo hiểm lòng tin, nhưng đồng thời lại tăng độ mạo hiểm trong đầu tư vào các thị trường đang phát triển.
Chính sách hạn chế của quỹ tiền tệ khiến cho các khoản tín dụng với các nước đang phát triển ngày càng kém hấp dẫn (kém lời). Mức độ thu hồi vốn giảm, tăng độ mạo hiểm là nguyên nhân làm cho tư bản chẩy ngược từ các nước nghèo nhất ra ngoài. Sau năm 1997 những thiệt hại do khủng hoảng gây ra đã được bù đắp lại nhờ công nghệ mới. Thế nhưng bây giờ đà này đã hết tác dụng. Tình hình ở Nhật và châu Âu còn tệ hơn cả Hoa Kỳ. Cho dù tiêu thụ ở Mỹ vẫn còn giữ mức như cũ, thì đầu tư vào các doanh nghiệp không tăng rõ. Như vậy sẽ làm tăng mạo hiểm đầu tư, cho nên tiền mặt thường được dùng để trả nợ hơn là đặt dài hạn vào trong các doanh nghiệp mới. Và kinh tế toàn cầu đang nằm trên bờ vực lạm phát thừa và đổ vỡ.
Thế giới cần phải có động lực mới. Tôi đề nghị Quỹ tiền tệ quốc tế hãy phát hành một lần trong năm các cổ phiếu đặc biệt - gọi là SDR. Cùng với đề nghị của tôi, các nước giầu hãy góp phần giúp các nước nghèo hơn. Ðã đến lúc phải thực thi ý tưởng này. Nhờ vậy mới có thể kích hoạt các khoản quĩ mà hiện đang nằm yên. Như thế khoảng cách giữa trung tâm và vùng ngoại biên của kinh tế thế giới mới giảm bớt. Nó cho phép thực hiện mục tiêu của Liên hiệp quốc - tổ chức muốn đến năm 2015 sẽ loại trừ nghèo đói, bảo đảm tất cả mọi người được giáo dục cơ sở và cải thiện y tế. Tôi tự biết là giới lãnh đạo tài chính thế giới thậm chí không để ý đến kế hoạch của tôi, vì họ không muốn tin là hệ thống đã bị hỏng và cần phải sửa chữa. Vậy có nghĩa là kế hoạch của tôi là không tưởng? Không phải thế. Chẳng qua chỉ là những nhà lãnh đạo ngủ quên với cái điều khiển trên tay.
(Lê Hải dịch từ bản tiếng Ba Lan: System sie zepsul (hệ thống bị hỏng), tuần báo Newsweek Polska số đặc biệt cuối năm 2002, đặt tựa mới, và bổ sung)
Lê Hải
Bổ sung
Mặc dù bài viết của Soros tương đối dễ hiểu với bạn đọc bình thường, chỉ cần một chút hiểu biết về mối quan hệ giữa các khái niệm kinh tế như lạm phát, nguồn tư bản, thị trường tài chính, tín dụng..., thế nhưng đằng sau các nhận xét và đề nghị giải pháp của tác giả, là một hệ thống lý luận không phổ biến lắm kể cả trong giới kinh tế. Vì vậy, người dịch tự qui trách nhiệm cho bản thân phải bổ sung thêm một số khái niệm trong suy nghĩ mà George Soros đã trình bầy từ tháng 2 năm 1997 qua bài viết "Capitalist Threat" trên tạp chí "the Atlantic Monthly", và sau đó là tác phẩm Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thế giới, xuất bản năm 1998.
Như Soros đã trình bày trong phần giới thiệu, rằng quyển sách trình bầy hệ thống tư duy, lý luận của tác giả - vốn được giới truyền thông biết đến như một nhà tài phiệt rất thành công trên thế giới, một phần lớn là nhờ dự đoán được các khủng hoảng thế giới trước đó vài tháng. Lối suy nghĩ của Soros khác hẳn với lập luận của kinh tế học cổ điển. Nếu thông thường giới quan sát phân tích các hoạt động kinh tế trên một trục tuyến tính và một chiều, tìm ra điểm cân bằng, thì Soros lại áp dụng mô hình phản hồi, trong đó một phần kết quả được chuyển ngược về đầu vào tạo ảnh hưởng đến hệ thống chung trong mối quan hệ của một khái niệm cân bằng động. Như vậy, khi nhìn vào một hệ thống mà không phân biệt được đâu là tín hiệu đầu vào, còn đâu là tín hiệu phản hồi, thì sẽ nhận định sai hoạt động, xác định sau tính chất, dẫn đến đầu tư sai lầm. Mở rộng lối tư duy này cho thị trường tài chính thế giới, xem các nước thành viên là những hệ thống mở bên trong một hệ thống toàn cầu, Soros cho rằng các liên hệ tài chính đã tự tạo thành một mạng toàn cầu từ rất lâu, trong lúc giới chính khách và tư duy của dân chúng vẫn còn giới hạn trong phạm vi quốc gia hoặc các khối liên kết, và đó chính là cái bẫy của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đương đại. Khi mà từ một điểm do nhận thức sai mà người ta tác động sai vào mạng lưới tài chính toàn cầu sẽ khiến cho toàn bộ hệ thống bị mất cân bằng, dẫn đến khủng hoảng với mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tác động ban đầu và tính chất của hệ thống sẽ làm tăng cường độ của nó lên đến mức nào. Nếu so sánh, có thể thấy các mô tả của Soros là một phần của thuyết động học (dinamic system) trong ngành điều khiển học (cybernetic), phát xuất từ toán học (tuyến tính) cao cấp. Ðộng học là một trong những ngành học chủ đạo của đầu thế kỷ, được giới phân tích cho là có ảnh hưởng rất nhiều lên tư duy của Karl Popper trong nghiên cứu về Xã hội mở, mà sau này học trò của ông là George Soros trong thời gian học ở London School of Economics (and Politics) đã hấp thụ và phát triển thêm.
Toàn bộ hệ thống lý luận, khái niệm của Soros được trình bầy trong phần 1 của sách, bao gồm 5 chương. Chương một dành để dẫn nhập vào 2 khái niệm: Lỗi và Phản hồi, qua phân tích mối quan hệ giữa tư duy của con người và hiện thực, cho đến lý thuyết phản hồi. Tại một số chỗ, khái niệm Phản hồi của Soros còn được đánh đồng với khái niệm Ðiểm thay đổi của lịch sử, khi mà các xu hướng lại quay ngược chiều sau khi bước qua điểm này. Tuy nhiên, từ Ðiểm phản hồi đến chỗ mà ảnh hưởng của nó thể hiện rõ cần phải có một quãng thời gian, có thể ngắn hoặc dài. Ví dụ mà Soros đưa ra có thời điểm Chruszczow đưa ra bản báo cáo tại đại hội đảng lần thứ XX ở Liên Xô, và sau thời điểm đó xu hướng của lịch sử đã đưa đến những thay đổi của Liên Xô thập niên 90, mà Gorbaczow là một trong số những người từng được nghe báo cáo của Chruszczow. Sau nhiều minh hoạ nhỏ Soros tiếp tục hướng tu duy Phản hồi sang Kinh tế ở chương 2, và tiếp đó là Thị trường tài chính ở chương 3. Tác giả cho rằng có thể không chỉ dừng ở đó mà còn tiếp tục sang biện chứng lịch sử trong chương 4 và ý tưởng xã hội mở trong chương 5.
Trong phần 2, Soros dùng hệ thống khái niệm của mình để phân tích sâu hơn hệ thống tài chính toàn cầu - xương sống của chủ nghĩa tư bản đương đại. Chương 6 nhìn vào cơ cấu hoạt động của thị trường tài chính, các mối quan hệ, các dòng chẩy, tác động với tác nhân là tiền - tư bản, để nhận định tình thế không đồng bộ, bất cân bằng hay thống nhất của hệ thống. Chương 7 phân tích cơn khủng hoảng châu Á năm 1997 và khủng hoảng Nga năm 1998 để đưa ra các công thức dự đoán tương lai gần thông qua các tín hiệu thị trường hossa-bessa. Sang chương 8 Soros đặt vấn đề sâu hơn cho toàn bộ hệ thống trước một khủng hoảng còn lớn hơn cả 2 cuộc khủng hoảng cục bộ năm 1997-1998. Ở chương 9, khái niệm xã hội mở của Karl Popper được áp dụng và khai thác từ góc cạnh kinh tế, để đưa ra mô hình kinh tế chính trị thế giới trong chương 10. Chương kết của quyển sách dành chỗ cho các đề nghị của Soros với từng tổ chức kinh tế cụ thể, trọng điểm là Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc (quỹ tiền tệ quốc tế, ngân hàng thế giới). Bài viết cho tạp chí toàn cầu Newsweek cuối năm 2002 này là một tiếp nối của chương cuối của tư tưởng Soros năm 1998, nhưng đã được tác giả kiểm chứng và bổ sung thêm quá trình quan sát trong 4 năm qua, là kết quả của không ít công trình nghiên cứu từ khoản học bổng trên dưới nửa tỷ đô la Mỹ hàng năm của Soros. Cũng xin nói thêm là vài tháng trước biến cố chính trị ở Nga, cũng như khủng khoảng kinh tế Nga sau này, Soros có trình bày dự báo của mình về khả năng xẩy ra các sự kiện đó, nhưng không được mấy ai quan tâm.
(Dựa từ quyển Kryzys Swiatowego Kapitalizmu của George Soros xuất bản năm 1999, bản dịch tiếng Ba Lan từ bản gốc tiếng Anh xuất bản năm 1998 của US Public Affairs).
25/12/2002
George Soros
Lê Hải dịch
Nguồn: System sie zepsul (hệ thống bị hỏng), tuần báo 
Newsweek Polska số đặc biệt cuối năm 2002, đặt tựa mới, 
và bổ sung/ dựa từ quyển Kryzys Swiatowego Kapitalizmu 
của George Soros xuất bản năm 1999, bản dịch tiếng 
Ba Lan từ bản gốc tiếng Anh xuất bản 
năm 1998 của US Public Affairs
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...