Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Nhìn bằng đôi mắt bao dungXXX

Nhìn bằng đôi mắt bao dung

Tôi viết bài này sau khi đọc một số ý kiến của người đồng tính luyến ái được đăng trên báo Tuổi Trẻ [1]. Đây là lần đầu tiên một tờ báo trong nước đưa vấn đề này ra mà không có sự định kiến, với tiếng nói của chính những người trong cuộc.
Khoảng hai năm trở lại đây tôi bắt đầu tìm hiểu về luyến ái đồng giới, cả qua các tài liệu khoa học lẫn qua việc tiếp xúc với người trong cuộc. Quá nhiều điều khiến tôi ngạc nhiên: các dữ liệu nghiêm túc khẳng định sự tồn tại sinh học và xã hội của tình cảm cùng phái tính; cả một phong trào kiên trì, ở khắp nơi trên thế giới, từ phía người đồng tính ái lẫn dị tính ái, đấu tranh vì quyền bình đẳng của người đồng tính ái; sự bao dung ở nơi này và thái độ bảo thủ đến kỳ lạ ở nơi khác v.v…
Tôi gặp người đồng tính ái lớn tuổi chấp nhận cuộc sống đơn độc vì không tìm thấy đối ngẫu sống cả đời với mình, do những định kiến cộng đồng và sự không thừa nhận về mặt pháp lý. Tôi gặp những em trai mới lớn mất phương hướng về xu hướng tình cảm giới tính của mình. Em thì rơi vào vòng ảnh hưởng của những đàn anh đã quen sống buông thả. Em thì chỉ biết có cái nhìn cảm hứng nhưng đầy căng thẳng, kiềm nén hướng về người cùng phái. Tôi cũng gặp người cùng trang lứa dám sống trọn với xu hướng tình cảm của mình. Người thì đầy mặc cảm nhưng cũng đầy mong ước. Người thì luân phiên dằn xé với vài cuộc tình ngắn ngủi và những giai đoạn dằn vặt. Người thì hoàn toàn tự tin nhưng lại mất niềm tin về một đối ngẫu trọn đời. Không ít người đã không ít lần tính đến chuyện quyên sinh để trốn tránh kiếp người oái ăm này.
Tất cả mở ra trước mắt tôi một bộ phận đồng loại vẫn hàng ngày bên cạnh mà tôi chưa từng biết đến, đem lại cho tôi sự bao dung, đồng cảm mà trước đây tôi chưa từng có.
Ngày nay, luyến ái đồng giới đã được tiếp cận dưới nhiều khía cạnh khoa học (tâm lý, triết lý, pháp lý, lịch sử, văn hoá, chính trị…), làm cho việc nhận diện hiện tượng xã hội này ngày một đầy đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn, và cũng nhân bản hơn. Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association, APA) từ năm 1973 đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi Danh sách các triệu chứng và bệnh rối loạn tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders). Tổ chức Y tế Thế giới (Word Health Organization, WHO) cũng đã làm điều tương tự vào năm 1992, trong Phiên bản thứ 10 của Danh sách phân loại các chứng bệnh trên thế giới (International Classification of Diseases, 10th Edition).
Ở nước ta, hai ba năm trở lại đây cũng đã có những tiếng nói bênh vực cho người đồng giới luyến ái. Tuy nhiên, cũng có không ít những người lợi dụng nghề nghiệp, quyền hạn của mình, vô tình hay cố ý, chà đạp lên nỗi đau của người khác. Chính là cái qui chuẩn đã đi vào định kiến khi xem đồng tính luyến ái là "bệnh", là "bất bình thường" và "trái tự nhiên" vẫn còn chưa thay đổi, đã khiến cho tình cảm cùng phái trở nên bất bình thường, chứ bản thân nó không bất bình thường; khiến cho người đồng tính luyến ái cũng có mặc cảm bất bình thường, trong khi cũng như bao nhiêu con người bình thường khác, hàng ngày, bằng phần việc mà xã hội phân công, họ đóng góp vào sự tồn tại và phát triển chung của xã hội, họ quan hệ trong mọi quan hệ xã hội khác một các hoàn toàn bình thường.
Thật sự, những gì mà luyến ái đồng giới trước nay vốn phải hứng chịu chính là sự bất khoan dung xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và những định kiến thiếu sự đồng cảm trước đồng loại, sự bỏ mặc của các thế hệ trước đối với hiện tượng đang trở nên một thực tế bán công khai này ở phần giới trẻ có liên quan.
Tôi rất cảm kích khi Tuổi Trẻ đã đưa tiếng nói của người trong cuộc, cũng như những tiếng nói bao dung lên mặt báo. Nhưng vẫn còn đó sự thiếu thốn một mảnh đất thông tin thường trực để đánh động sự quan tâm của xã hội, đưa những thông tin, kiến thức cần thiết về vấn đề đến với mọi người (chứ không chỉ giới hạn trong những người đồng tính ái với nhau tại các forum online), để có những tư vấn định hướng cho một đời sống tình cảm, tâm lý, sức khỏe đúng mực và không nguy hại cho người đồng tính luyến ái, đặt biệt là lớp trẻ.
Viết những dòng này tôi mong muốn gởi lời kêu gọi đến các giới y học, tâm lý học, tâm thần học, xã hội học, luật học, và cả các nhà chính trị học, triết học, các nhà văn, nhà báo, các cấp chính quyền, các bậc phụ huynh, các bạn thanh niên…, mong rằng chúng ta sẽ dành sự quan tâm khoa học và nhân bản đến hiện tượng xã hội này, bằng sự bao dung vốn có của người Việt ta. Một khi ta còn định kiến, còn không chấp nhận sự tồn tại xã hội của luyến ái đồng giới, biết đâu chính ta đang dồn ép ai đó là con em, người thân, bạn bè, đồng nghiệp… vào tình trạng stress kéo dài do đời sống hai mặt, trạng thái giấu diếm, dằn vặt, khổ đau đầy những ảnh hưởng nguy hại trước mắt cũng như lâu dài lên đời sống tâm lý, công việc, quan hệ xã hội.
Sau hết, tôi muốn nói với các bạn đồng tính luyến ái ở cả hai phái rằng các bạn hoàn toàn không có tội lỗi gì trước khuynh hướng tình cảm giới tính của mình. Quá trình xã hội chấp nhận những tình cảm, tình yêu và gia đình loại này còn không ít gian nan, nhưng hãy tự tin vào chính mình, bằng những đóng góp xã hội mà hằng ngày các bạn vẫn làm. Hãy sống vui tươi, lành mạnh, không mặc cảm, không tự tạo thêm áp lực lên bản thân vốn đã quá nhiều từ xã hội. Không sống bằng những tình yêu hay tạo lập một gia đình khác phái ngụy tạo để đem thêm đau khổ cho người khác. Hãy cùng phấn đấu vì sự chấp nhận xã hội mà các bạn vẫn đau đáu mong chờ, và hãy hy vọng vào sự bao dung mà bao đời nay cha ông ta, dân tộc ta, và cả gia đình ta, những người quanh ta vẫn thể hiện.
Chú thích:
[1] Xin tham khảo Tuổi Trẻ Online:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=29966&ChannelID=92;
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=31921&ChannelID=7.

27/5/2004
Lê Trần Huy Phú
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...