Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Quan niệm "Ước vọng ĐTLA" và kỳ vọng lý giảiXXX

Quan niệm "Ước vọng ĐTLA"
và kỳ vọng lý giải

Bạn Trịnh Thanh Thủy và bạn đọc thân mến,

Trước hết, tôi xin cám ơn bạn Thanh Thủy đã quan tâm trả lời bài viết của tôi, và cũng mong bạn hãy đừng vì vị nể ai đó mà từ bỏ nhanh chóng những cuộc bàn luận dân chủ về một chủ đề như thế này, nhất là đối với cộng đồng người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, trong sự tôn trọng lẫn nhau. Suy cho cùng thì tôi nghĩ chúng ta đã nhìn thấy khá rành mạch quan điểm của nhau, và ít ra, chúng cũng bổ ích vì mọi người có thể cùng khám phá ra những luận điểm khác biệt để cuộc sống của mỗi người trở nên đẹp hơn, ý nhị hơn. Có lẽ cũng do tính cách của bàn luận mà trong bài đầu tiên của mình, bạn Thanh Thủy còn cho rằng ĐTLA có nguyên nhân từ xã hội, thì đến bài trả lời tôi, bạn lại đề cập thêm “yếu tố bẩm sinh” trong hiện tượng ĐTLA, thế nên tôi muốn trao đổi tiếp về những điểm khác biệt căn bản tồn tại. Bạn Thanh Thủy cũng đã công nhận rằng am hiểu về nguyên nhân ĐTLA là một việc đành bó tay không chỉ đối với riêng bạn. Đối với tôi và đối với cả nhân loại cũng vậy. Nhưng xin đừng vì thế mà bạn buồn và trăn trở. Thú vị hơn, tôi chợt hiểu bạn tán thành phương pháp giáo dục tình dục trẻ một cách công bằng, tránh áp đặt mà tôi đưa ra. Tôi xin khẳng định rằng đó không chỉ là ý tưởng của riêng tôi, mà là kết quả của những tranh luận gay gắt, của cuộc đấu tranh kiên trì của tất cả mọi người nhằm xây dựng sự công bằng cho những xã hội dân chủ từ hàng thập kỷ nay, nơi mà việc nói về ĐTLA, gia đình ĐTLA, nhận con nuôi của các cặp ĐTLA không hề có trước đó trong hệ thống giá trị truyền thống văn hoá, đạo đức và tập tục sống. Thậm chí, mới chỉ cách đây rất không lâu, cũng ở những xã hội ấy, những khái niệm này còn hà khắc hơn ở Việt Nam nhiều. Thế nhưng việc đảo ngược về giá trị, hiện tượng suy đồi, băng hoại truyền thống văn hoá, nhoà nhạt cái ý niệm gia đình mà nhiều người vẫn coi trọng, đã không xảy ra. Quyền bình đẳng với người dị tính, chống kì thị ĐTLA dưới mọi hình thức, hôn nhân ĐTLA, quyền nhận con nuôi là vì một xã hội công bằng, văn minh hơn, nhân bản hơn, của tất cả, thay vì đi ngược lại những giá trị đã có.
Chúng ta cần nhận thức rằng đây là quá trình làm cho xã hội đa dạng hoá một cách lành mạnh chứ không phải là việc định hướng lại như ai đó vẫn tưởng tượng hoặc lợi dụng, lại càng không phải là “thứ dân chủ quá trớn” như phương tiện truyền thông tại Việt Nam nhận định. Nếu nhìn vào tình trạng quyền của ĐTLA thì chỉ có những xã hội hội đủ một thể chế pháp luật dân chủ, ý thức hệ tách biệt, giáo dục ý thức của cộng đồng mới có được kết quả như thế. Và tôi hy vọng rằng ý tưởng công bằng thực sự ấy sẽ được thực thi tại những nơi mà trong xã hội vẫn còn đầy dẫy khó khăn cho lối sống theo quan niệm riêng của cá nhân.
Bây giờ, tôi muốn trở lại việc nêu ý kiến của mình về những quan điểm khác biệt quan trọng với bạn Thanh Thủy và những người cùng quan điểm với bạn.
1. Như tôi đã trình bầy trong bài “Có chăng một ‘ước vọng’ ĐTLA?”, ý kiến tôi và cũng của rất nhiều nhà sinh học, di truyền học, bỏ ngỏ về việc đi tìm nguyên nhân của đồng tính luyến ái chính bởi vì việc này không có tính khoa học chân chính. Nó chỉ là vấn đề chính trị, lấy khoa học nhúng vào những chủ đề như vậy là xúc phạm giới khoa học di truyền. Tại sao?
     1a. Bản thân việc hiểu một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên rồi mới chấp nhận nó là một việc phi lý và rất chủ quan. Tôi chưa nói đến việc đây là một hiện tượng tự nhiên liên quan đến quyền mưu cầu hạnh phúc của không ít người.
Do tính cách tế nhị của vấn đề, cho phép tôi được ví dụ thế này có lẽ rõ ràng hơn: vì không hiểu tại sao trái đất tự quay, tôi không muốn nó quay. Kiến thức của loài người thật đồ sộ nhưng hiểu biết của loài người về thế giới thì chẳng thấm vào đâu, còn ít hơn muối bỏ bể, và sự hiểu biết đó chỉ là cái nhìn chủ quan của người quan sát. Thành ra tôi không thấy sự liên quan giữa việc am hiểu và sự tôn trọng khách quan. Áp đặt suy nghĩ chủ quan là rất thừa, không thể bao biện cho việc chấp nhận hay không chấp nhận.
     1b. Nếu bạn Thanh Thủy thực sự quan tâm lý giải nguyên nhân đồng tính luyến ái thoả mãn cho mình thì lý thuyết của bạn không thể chỉ được dẫn chứng bằng những số liệu thống kê xác suất, vì bản thân thống kê xác suất chỉ là khoa học ghi chép số liệu, mô tả mẫu để dự đoán trong quần thể. Bản thân nó không là một khoa học phân tích nguyên nhân hiện tượng. Hơn nữa, chính bạn cũng nhìn thấy sự thiếu chính xác do nhiều lý do mà bạn tự giải thích lấy thì kỳ vọng vào nó phỏng có ích gì đâu. Nếu bạn muốn đọc thêm về những quan niệm “khoa học” mới, ít tính thống kê hơn (tài liệu tham khảo mới nhất của bạn ghi năm 1986) thì bạn có thể tìm đọc về gen ĐTLA (gay gene) hay hộp đen ĐTLA (black box for gay) trên mạng. Nó cũng nhảm nhí chẳng kém nên tôi không dám gọi đấy là khoa học. Tiếc rằng chẳng có một tạp chí uy tín nào của giới sinh học, tâm lý học chấp nhận và đại đa số các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội chỉ ra những ý đồ chính trị thậm thụt trong đó, thế là nó lại rơi vào quên lãng. Tuy không dùng đến những dữ liệu đó, các nước tiên phong về bình quyền cho ĐTLA lại thực hiên rất tốt chính sách vì họ hiểu bản chất vấn đề [mục 1.a.]. Chính vì thế bạn Thanh Thủy đừng ngạc nhiên là tôi không giới thiệu bất cứ một chứng cứ khoa học sinh động nào mà chỉ dùng suy luận chỉ ra những mâu thuẫn trong hướng suy nghĩ của bạn, tuy rằng tôi có đọc khá nhiều tài liệu thế này hoặc thế kia song chỉ để tham khảo thôi. Tôi ngại có thể sẽ xúc phạm ghê gớm đối với xã hội và lại có cơ mất uy tín với giới đồng nghiệp.
2. Nếu bạn muốn có nhận xét mang tính hợp lý về lý thuyết bạn dẫn chứng: “ÐTLA là sự kết hợp của nhiều nguyên tố góp lại, gồm bẩm sinh, văn hoá, động lực tâm lý và cấu trúc xã hội. Ngoài yếu tố bẩm sinh và những yếu tố khác, ‘hành động ÐTLA’ còn là một ứng xử được điều kiện hoá theo một khuôn mẫu, hay dịch nôm na là ‘theo gương’ (a learned pattern of behavior). Nghĩa là một cá nhân có thể bắt chước một người dị tính hay đồng tính.”, tôi sẽ phân tích giúp bạn thấy được những mâu thuẫn tồn tại. Tôi cần nhấn mạnh với bạn rằng hiện có sự thống nhất trong quan điểm rằng ĐTLA không là một hiện tượng bệnh lý, nên tôi xin phép để trong ngoặc kép khái niệm “nguyên nhân” của bạn Thanh Thủy.
     2a. Đây không chỉ là sự liệt kê đơn thuần các “nguyên nhân của ĐTLA”. Bản thân các “nguyên nhân” này có thứ tự thời gian và mức độ tác động. “Nguyên nhân bẩm sinh” (ngoài cái ý muốn và theo đuổi suốt đời) có trước và các “nguyên nhân xã hội” (sinh ra từ môi trường, thay đổi theo môi trường) có sau. Thành ra vai trò của chúng cũng tựa như bạn Thanh Thủy phân tích tính quyết định của việc hình thành tập tính tình dục ở tuổi mới lớn và ảnh hưởng lớn về sau do “bắt chước”. Thế nên bạn phải thể hiện được tính nhất quán trong cách lập luận có hệ thống. Cuối cùng thì dù thế này hay thế kia, bạn sẽ lâm vào mâu thuẫn, và việc này cho thấy vấn đề “nguyên nhân xã hội” cần phải để xã hội giải quyết ổn thoả. Bản thân tôi cho rằng môi trường xã hội chỉ cho phép ĐTLA thực hiện đúng bản năng tình dục của mình ở mức độ nào nó trong khoảng từ vô thức đến có ý thức chứ nó không thể phát sinh ra định hướng tình dục.
Qua ảnh hưởng của lý thuyết Darwin sau khi được soi sáng bằng di truyền học hiện đại, tôi mới khai triển quan niệm này. Theo lý thuyết này, kiểu gen (một hoặc nhiều gen) qui định mức độ và giới hạn biểu hiện kiểu hình và kiểu hình quan sát mới chính là kết quả tương tác của môi trường với kiểu gen của cá thể nhưng nó không thể vượt qua được giới hạn mà kiểu gen cho phép. Sự biến đổi về kiểu hình do kiểu gen gọi là đột biến, còn sự biến đổi kiểu hình do môi trường là thường biến, không di truyền. Những gì mà bạn Thanh Thủy liệt kê như các kiểu đồng, dị tính cùng lúc hoặc thay đổi theo thời điểm làm tôi liên tưởng đến tính cách thường biến, nó chỉ làm biến dạng cách biểu hiện kiểu hình nhưng không thể thay đổi được bản chất kiểu gen. Dù sao chăng nữa, tập tính của họ cũng chẳng phiền toái ai. Kỳ vọng ngăn chặn nó cũng là việc vô nghĩa và vô ích.
     2b. Bạn Thanh Thủy có nói đến “nguyên nhân chuyển phái” ở thời kỳ trưởng thành làm tăng tỷ số ĐTLA. Đây là một thí dụ rất sinh động về sự thiếu nhất quán của bạn trong việc lập luận có hệ thống. Và như vậy tôi lại không thể hiểu ông Hooker (1972), Minton và Mc Donald (1984) và logic của bạn về lý thuyết “theo gương” (a learned pattern of behavior) là thế nào. Họ bắt chước ai bây giờ khi không còn kẻ dâm đãng nào làm gương cho họ? Hay những tấm gương của họ đã để quên dưới gậm giường? Sự ngoại tình của thế giới người lớn dị tính “hơi hơi đồng tính” với ĐTLA “không chính hiệu” nằm trong quan điểm nào của bạn và các nhà tâm lý đáng kính nói trên? Có chăng, ta phải nói đến những lỗi lầm của môi trường đã để họ chật vật trong việc tìm đến bản năng tình dục thực sự của mình thì mới sẽ không trở thành bất hợp lý.
Thành ra, thứ nhất, tin rằng có một “ước vọng ĐTLA”, và thứ hai, nói đến “nguyên nhân ngoài yếu tố bẩm sinh” rõ ràng là có mâu thuẫn trong nền tảng và chỉ có cái nhìn ở một phía.
3. Bạn Thanh Thủy cũng giải thích rõ hơn ý niệm của bạn về vai trò cha mẹ trong định hướng tình dục con cái, điển hình là quan hệ xấu của cha với con trai rất tồi tệ. Phải nói rằng, nếu bạn gộp tất cả những tồi tệ theo nghĩa rộng của quan hệ cha với con trai tuổi mới lớn thì bạn có thể yên tâm đưa ra 100%. Tính tình của trẻ ở tuổi dậy thì trải qua nhiều thay đổi đối với người lớn, đặc biệt là cha của chúng, người muốn có ảnh hưởng quyền lực đến con cái, hiển nhiên là một điều rất đơn giản. Công bằng mà nói, đa số những người cha của trẻ ĐTLA chắc chắn nhận ra sự khác biệt trong cách giao tiếp của trẻ ĐTLA ở thời điểm mà chúng rất cô đơn vì không có ai là người chia xẻ giúp chúng yên tâm với tập tính tình dục khác biệt vẫn thường được rao giảng hằng ngày. Vô tình hay hữu ý, do thói quen ý thức quyền lực, họ muốn làm việc “định hướng” thay cho chúng mà chúng thì lại không mong chờ những điều như thế. Thế là mâu thuẫn đã nẩy sinh. Những vấn đề muôn thủa này hầu như có thể được giải quyết khi nhà trường, cha mẹ và hiệp hội cha mẹ của ĐTLA cùng giúp đỡ giải quyết khủng hoảng giữa cha và trẻ.
4. Ngay cả khi cán cân logic và sự thuyết phục có nghiêng về bên nào đi chăng nữa, đặt ĐTLA với dị tính cùng một lúc vào tâm điểm nghiên cứu tình dục của bạn sẽ là cần thiết. Đó chính là cơ sở để so sánh vấn đề cần chứng minh nổi bật. Nhưng tôi thấy cũng cần nói với bạn trước về gian nan của việc lý giải nguyên nhân mà bạn muốn nêu. Áp dụng phương pháp so sánh, chỉ mới từ đầu thế kỷ 20, người ta đã biết bổ não dị tính và đồng tính và khám phá phần nào của não ĐTLA to hơn so với não dị tính. Hàng loạt hoc-môn sinh dục và sinh trưởng bị nghi ngờ là có liên quan tới giới tính sinh học và tập tính được đo và so sánh rất tỉ mỉ. Nhiều biện pháp điện não đồ cũng được thực hiện. Kết quả thường là làm nản lòng. Nhiều cặp sinh đôi cùng trứng bị chia lìa tình ruột thịt để các “nhà khoa học tiên phong” có cơ hội nghiên cứu những nguyên nhân ngoại cảnh khác nhau tác động lên định hướng tình dục. Thống kê về các nghiên cứu này là không ít. Bối rối vì bế tắc lý thuyết tập tính tình dục, họ lại quay sang tìm kiếm “cái hộp đen của ĐTLA”. Kết cục cũng thế thôi. Thế nhưng đến thế kỷ 21, loài người rối loạn về khái niệm định hướng tình dục mà ai đó đã do vô tình hay hữu ý đưa vào từ điển y học từ cuối thế kỷ 19 để rồi một thế kỷ quẩn quanh và lịch sử ghi nhận những biến cố đau lòng nhất của nhân loại. Ở đâu đó, nhân danh đạo đức và truyền thống, lý tưởng độc đoán, người ta cũng vào hùa với cơn sốt lý giải vô nghĩa không thể giúp xã hội xây dựng nổi một sự tôn trọng tối cần thiết. Nghĩ về quan niệm “ước vọng ĐTLA” và kỳ vọng lý giải một cách khoa học về ĐTLA của bạn Thanh Thủy, tôi chợt nhớ đến ông Pythagoras với phát biểu “hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất”. Pythagoras tài thật. Ông tưởng tượng ra được điểm tựa rồi tưởng tượng ra cái đòn bẩy ghê gớm, để rồi chỉ cần nhẩy lên nó là nâng được trái đất đang quay. Ngay cả một định luật vật lý rành rành cũng chỉ nằm trong viễn tưởng hóm hỉnh của ông mà thôi. Đây là điều mà tôi muốn nhắn gửi tới những ai quan tâm tới tính khoa học của nguyên nhân phát sinh ra ĐTLA, hiện tượng tự nhiên của sự sống phức tạp hơn nhiều so với thế giới nhận thức của con người bé nhỏ.
Thân mến.
27/6/2002
Nguyễn Việt Hà
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...