Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Xin góp thêm một suy nghĩ nhỏ với tác giả Mai Chi về "Thế hệ @"XXX

Xin góp thêm một suy nghĩ nhỏ
với tác giả Mai Chi về "Thế hệ @"

Vâng, có lẽ bài viết của ông (nếu thất thố, xin thứ lỗi) là sự khái quát khá đầy đủ và xúc tích về hiện trạng của thế hệ trẻ hôm nay. Hơn thế nữa, tác giả còn phác qua về mối liên hệ nhân-quả trong sự "thực dụng, thờ ơ và lạnh lùng về nhân tính" (xin phép thay cụm từ trên cho khái niệm bạo lực) giữa họ và thế hệ trên họ. Vâng, theo tôi đó mới là cái gốc của sự nổi loạn, thừa thãi vật chất và thiếu các giá trị nhân bản mà chúng ta đang chứng kiến và đau lòng về thế hệ @. Tôi cũng không có ý định bao che cho thế hệ trẻ theo kiểu "giống quýt Giang Nam...", vì chính họ sẽ phải chịu trách nhiệm, và hậu quả về sự buông thả hôm nay, khi cuộc đời còn biết bao biến cố không lường trước. Tôi chỉ muốn bàn thêm rằng, họ cũng đáng thương không kém gì đáng trách. Khi sinh ra và lớn lên trong một môi trường, gần nhất là gia đình, rộng hơn chút nữa là trường học, họ hàng, rộng nhất là xã hội (trong nước, cộng với một phần phiến diện về thế giói) toàn những định hướng vật chất, đầy rẫy những quan niệm giá trị ảo, lừa lọc, và nhất là không có niềm tin. Vâng, thế hệ trẻ ngày nay thiếu niềm tin, theo cả hai nghĩa - họ không có niềm tin nội tại và cũng không được ai tin tưởng. Cá nhân tôi không còn trẻ, song cũng chẳng già đến nỗi không thể thấy được bi kịch của sự thiếu niềm tin ở lớp trẻ. Vâng, thế hệ trẻ ngày nay nhạy cảm hơn lớp cha anh, nên họ không dễ dàng gì bị mê lụy vào những sự cuồng tín ảo. Nhưng mặt khác, họ cũng không tìm thấy các giá trị mới khả dĩ đáng theo đuổi, do hậu quả của nền giáo dục phiến diện, cải canh. Ðang phân vân với những suy tư đầu đời đó, thì sớm muộn, nhiều ít họ lại bị những đòn roi của bi kịch "không gây được lòng tin", từ xã hội, nhà trường, thậm chí gia đình (nếu không may mắn có được sự nâng đỡ nhờ thế lực gia đình, quan hệ). Có trải qua những đoạn trường đi xin việc, xin học nâng cao mới thấu hiểu tác động của những bi kịch loại này. Ðương nhiên, "chết đuối phải vớ cọc", trong mông lung, hoang mang của sự bất tín, họ không còn con đường nào khác là chiều theo những nhu cầu hưởng thụ hiện sinh, để tìm lấy chút hơi ấm của tình bạn, của sự chia sẻ - đó mới chính là những nhu cầu bất biến của tuổi trẻ - dù hình thức biểu hiện như chúng ta đang thấy ngày nay (đua xe, thuốc lắc, tình dục...) thật bọt bèo, phù du và độc hại.
Ðấy là chỉ nói về thế hệ trẻ theo nghĩa đại chúng, "average" chứ tôi không dám nói về đám thiểu số "ấm, chiêu" vốn còn được trang bị nhiều nguồn lực để lọc lõi lợi dụng hiện trạng này mưu đồ "vinh thân phì gia", mê hoặc, ru ngủ các bạn bè đồng lứa và biết đâu còn gây dựng cơ sở để đắc lợi dài dài, mặc mọi biến cố, "sống chết mặc bay".
Trên đây là vài thiển ý của một kẻ "chẳng già, nhưng không trẻ". Mong được nghe ý kiến của các bạn trẻ.
27/2/2003
Tran Hanh X
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những Điều Không Thể Hỏi trích trong tuyển tập khoảng cách của biệt ly Tôi cảm thấy hết sức xốn xang trong suốt buổi viếng nhà bà T....