Cơ hội cho @
1. Cơ hội cho mọi người
Cách đây vài năm, nếu ai đó không có dịp đi nước ngoài công tác (hoặc đi chơi)
thì sẽ khó có cơ hội ngồi xem TV mà ấn remote mãi không hết các kênh truyền
hình. Ở trong nước lúc đó người Hà Nội chỉ xem được mấy kênh VTV và một kênh
HTV. Người Sài Gòn thì khá hơn một chút vì Đài truyền hình thành phố có tới hai
kênh (HTV7 và HTV9). Nay thì tình hình đã khác, các hộ gia đình nào khá giả đã
có thể xem truyền hình cáp vô tuyến (MMDS), gia đình nào ở mấy quận nội thành
đã có thể xem truyền hình cáp giá rẻ (CATV). Thậm chí ở một số tỉnh nghèo ở miền
bắc (Thái Bình, Nam Định) cũng đã có truyền hình cáp CATV giá rẻ (khoảng
$2/tháng thuê bao).
Ở Việt nam trước đây truyền hình là hàng hóa công cộng thuần túy (pure public
good). Tức là người dân xem truyền hình không mất tiền và việc xem TV ở gia
đình này không ảnh hưởng đến việc xem TV ở gia đình khác. Ngược lại, sự lựa chọn
xem cái gì trên truyền hình của người dân lại bị giới hạn hết sức. Sự lựa chọn
của họ chỉ giới hạn loanh quoanh trong mấy kênh VTV và đài địa phương. Các
chương trình phát sóng dù dở hay hay đều được đón nhận. Nay thì tình hình đã
khác, người dân đã có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tiếp cận thông tin.
Hồi tôi còn là sinh viên thì việc tiếp cận thông tin về nhạc trẻ thế giới là hết
sức khó khăn. Lúc đó chỉ có giới con nhà giàu hoặc các bạn có bố mẹ anh chị đi
Tây nhiều mới có thông tin nhiều về nhạc trẻ quốc tế. Nay thì tình hình đã
khác. Nếu bạn thích một ca sĩ hay nhóm nhạc nào đó ở trời Tây thì chỉ cần mất
vài ngàn đồng để truy cập internet là bạn đã có thể có ảnh ca sĩ họăc lời bài
hát mà bạn thích. Khoảng cách giữa một sinh viên nghèo mê nhạc quốc tế và một
sinh viên con nhà giàu có cùng sở thích là không còn nữa. Nếu đẩy vấn đề xa hơn
nữa thì với công cụ internet, tất cả mọi người sẽ có cơ hội tiếp cận thông tin
ngang nhau. Khoảng cách địa lý và xã hội sẽ bị thu hẹp lại. Tức là xã hội sẽ trở
nên công bằng hơn về cơ hội tiếp cận thông tin.
2. Công bằng về mặt cơ hội
Sau một thời gian khá dài sống ở Sài Gòn tôi mới phát hiện ra một điều đơn giản,
và chính điều đó làm tôi thực sự yêu thích cái thành phố ồn ào này. Đó là: Sài
Gòn công bằng về mặt cơ hội hơn Hà Nội. Tức là bất cứ ai tới Sài Gòn sinh sống
sẽ có cơ hội tồn tại, phát triển và sống công bằng hơn ở bất kỳ địa phương nào
khác. Ở Sài Gòn, bất kể bạn là ai, xuất thân thế nào, trình độ học vấn ra sao,
chỉ cần bạn có nỗ lực phấn đấu để tiến lên (hoặc ít nhất là để tồn tại) thì chắc
chắn bạn sẽ có cơ hội. Khi bạn đã có cơ hội kiếm sống rồi thì chắc chắn bạn
cũng có cơ hội phát triển ngang với những người khác. Và khi bạn đã có cơ hội
phát triển rồi thì bạn cũng có cơ hội giải trí thư giãn như những người khác (bất
kể bạn giàu hay nghèo, thích xô bồ hay thanh lịch, bạn đều có thể kiếm chỗ vui
chơi vừa ý). Một cuộc sống đã công bằng về mặt cơ hội cho tất cả mọi người thì
điều tất yếu là mọi người phải nỗ lực cạnh tranh (bằng sức của mình, chứ không
phải bằng mưu mô thủ đọan) để tồn tại và phát triển. Những người được lợi nhất
từ cuộc sống cạnh tranh lành mạnh này chính là những người thuộc next-generation
hay còn được gọi là thế hệ @ trên internet (xin lưu ý là rất nhiều người nhầm
tưởng next-generation là thế hệ kế tiếp (tức là chưa có), thực ra nó chỉ đơn giản
là thế hệ mới (đang có) mà thôi).
3. Tội nghiệp thế hệ trước @
"Về đằng trí tục và tính tình thì người Việt Nam có cả các
tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học
chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính
hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức:
lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm năm đạo thường cho sự ăn ở.
Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi quỉ quyệt, và hay bài
bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa
bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ
luật."
"Việt Nam Sử Lược" - Trần Trọng Kim
Nếu coi như phát biểu trên đây là đúng (mà quả thực tôi thấy nó đúng) thì có thể
lấy nó làm assumption để giải thích cho sự yếu kém của nước Việt nói chung và sự
yếu kém đặc biệt của thế hệ cha chú @ nói riêng.
Người Việt Nam hiếu học, học nhanh nhưng sao ít thấy xuất hiện những nhà bác học,
công trình sư, triết gia, nhà văn… mà tầm trí tuệ của họ vượt ra ngòai bờ cõi của
tổ quốc (thâm chí nếu cực đoan hơn nữa thì chưa có ai như vậy cả). Lý do thì có
nhiều lắm, nhưng quan trọng nhất là con người hiếu học lại bị đặt vào môi trường
vừa ít cơ hội vừa không công bằng về mặt cơ hội để học thực sự. Những gì mà tất
cả chúng ta (những người được đào tạo hoàn toàn trong nước) được học hoàn toàn
giống nhau về kiến thức và phương pháp. Hoàn toàn giống nhau về cách thức phát
triển tư duy và nhận thức. Và cái quan trọng nhất là cơ hội bước vào đời rất ít
và không công bằng. (Tôi còn chưa đề cập đến giá trị của mớ kiến thức chúng ta
được học trong nhà trường. Nhiều kiến thức trong đó đã lạc hậu từ lâu lắm rồi,
thậm chí còn sai toét mà vẫn được dậy).
Không chỉ trong thời hiện đại mà từ xa xưa, đối với người Việt nam nói riêng và
các nước ảnh hưởng Nho giáo nói chung, học là con đường duy nhất để tiến thân.
Mà là tiến thân theo con đường rất mòn và duy nhất: làm quan. Con đường độc đạo
và khắc nghiệt này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của hầu hết mọi người dân, mà
người Việt nam có lẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đặc thù phát
triển của đất nước thời kỳ hiện đại. Cơ hội tiến thân ít nên chắc chắn phải
không công bằng. Không công bằng thì tất nhiên là không hiệu quả. Và trong cuộc
đấu tranh để tồn tại trên con đường này người ta buộc phải có mưu mô thủ đọan,
buộc phải triệt hạ nhau, buộc phải tham nhũng để có nguồn lực đi tiếp, buộc phải
hối lộ để có thêm cơ hội về tay mình. Còn những thanh niên trước khi bước vào đời
thì buộc phải học cái gì đó để có mảnh bằng trong tay vì không có bằng tức là mất
đi rất nhiều cơ hội vào đời. Một xã hội mà mọi thành viên trong đó đều chỉ có
cơ hội tiếp thu kiến thức và trưởng thành như vậy chắc chắn sẽ không có chỗ cho
cơ hội sáng tạo trí tuệ và cạnh tranh vươn lên lành mạnh.
Người Việt Nam còn có tính hiềm khích. Người thành thị thì khinh người nhà quê.
Người nhà quê thì chê người thành thị gian trá. Người các địa phương khác nhau
cũng ghét nhau. Nếu những người không ưa nhau này mà cùng sống trong một môi
trường (chuyện này xảy ra thường xuyên) thì chắc chắn là có xung đột. Nếu họ
cũng ở một môi trường cạnh tranh (ví dụ cùng tranh chức trưởng phòng hay giám đốc)
thì xung đột chắc chắn sẽ trở thành cuộc chiến tiêu diệt. Cơ hội ít quá mà, lại
không công bằng thì làm sao mà cạnh tranh lành mạnh được. Vô hình chung cả xã hội
đánh mất chữ "thỏa hiệp" (giống chữ compromise trong tiếng Anh), thậm
chí trong nhiều trường hợp "thỏa hiệp" còn bị coi là phản bội, là
tiêu cực. Xã hội mà không có thỏa hiệp (vì các lợi ích chung của các nhóm/cộng
đồng thành viên, vì các lợi ích của các cá nhân đối với nhau) thì không khác gì
thế giới hoang dã, nơi mà các lòai tồn tại bằng cách tiêu giệt lẫn nhau. Mà như
vậy thì cơ hội trỗi dậy của bạo lực và bản năng tiêu diệt kẻ thù trong mỗi cá
nhân sẽ tăng lên. Cơ hội cho sự sáng tạo và vươn lên lành mạnh sẽ ít đi.
Các thế hệ người Việt thực ra lại còn ít giao tiếp thông tin với nhau. Người bề
trên thì chỉ muốn chỉ bảo người bề dưới. Họ tạo ra mọi cơ hội cho mình để lên lớp
người khác và chối bỏ mọi cơ hội lắng nghe những người dưới mình. Những người
khác tầng lớp xã hội cũng vậy. Trong một gia đình, bố mẹ con cái hiểu nhau đã
khó, huống chi là cả một xã hội đều tìm cách triệt tiêu cơ hội giao tiếp giữa
những lớp người khác nhau. Một xã hội như vậy thì làm gì có cơ hội cho định hướng/giúp
đỡ/dìu dắt. Làm gì có chỗ cho các cơ hội cùng nhau sáng tạo, bù đắp chỗ yếu của
nhau, cùng nhau vươn lên. Thay vào đấy chỉ có chỗ cho cơ hội lên mặt/trịch thượng/giáo
điều. Cơ hội để giao tiếp thông tin ít thì kỹ năng giao tiếp cũng vì thế mà kém
đi. Kỹ năng giao tiếp kém dẫn đến khó giao tiếp với thế giới bên ngòai. Cơ hội
tấn công ra thế giới (ví dụ như xuất khẩu, thu hút du lịch, đầu tư) vì thế cũng
hạn hẹp đi rất nhiều.
Tóm lại là thế hệ cha chú của @ thiệt thòi đủ điều, mà thiệt thòi nhất là họ chẳng
có mấy cơ hội tốt đẹp trong suốt cuộc đời của mình. Cay đắng hơn nữa, họ không
biết là mình thiệt thòi như vậy. Và họ vẫn tiếp tục nhìn next-generation bằng
con mắt khắc nghiệt.
4. Thế hệ @ và tương lai của đất nước.
Mấy năm gần đây tình hình đã khá lên rất nhiều. Mọi người dân ít nhiều đều có
cơ hội tiếp cận thông tin. Thế hệ @ là những người có nhiều cơ hội tiếp cận nhất.
Đối với Thế hệ @ ngày nay, các cơ hội học hành, hướng nghiệp, lựa chọn tương
lai, thưởng thức văn hóa, và hưởng thụ cũng nhiều hơn thế hệ cha chú rất nhiều.
Các tật xấu muôn thủa của người Việt vẫn còn đó, trong tiềm thức của mỗi thành
viên thế hệ @ và trong cả những thế hệ sau này nữa. Nhưng khi mà cơ hội tiếp
thu kiến thức và phát triển cá nhân ngày một nhiều lên thì cơ hội để cho những
tính xấu kia trỗi dậy ngày càng ít đi. Nó giống như một quán ăn mà thực đơn
nghèo nàn, chỉ có vài ba món thì số người chọn món dở sẽ cao. Nếu quán ăn mà thực
đơn phong phú thì chắc là ít người chọn ăn món dở nhất. Thế hệ tiền @ đã hưởng
lợi phần nào từ xu hướng phát triển này của xã hội. Nhiều người xuất thân bình
dân nay đã vào được giới elite (tạm gọi là elite thì đúng hơn) đã có cơ hội làm
những công việc rất khác so với thế hệ trước đây, cách hưởng thụ và cách sống của
họ cũng rất khác. Đó là nhờ họ đã có cơ hội (dù chưa nhiều lắm) được đọc cái mà
họ muốn đọc, được phát biểu cái mà họ nghĩ (mặc dù cũng vẫn còn hạn chế), được
thử sức trong những lĩnh vực mới. Họ dần dần bớt cực đoan và học được cách thỏa
hiệp. Bản năng tiêu diệt đối thủ trong mỗi con người đang yếu dần đi, thay vào
đó là cách sống và làm việc trong môi trường cộng tác. Họ đã biết cách tiếp cận
khôn ngoan đến thế giới của những người xung quanh, và xa hơn nữa là thế giới rộng
lớn bên ngòai.
Thế hệ @ sẽ còn tốt hơn nữa. Khi mà cuộc sống có đầy sự lựa chọn xung quanh thì
con người buộc phải lựa chọn bằng trực giác. Lúc đó những lý thuyết giáo điều
và phức tạp sẽ trở nên vô nghĩa. Ngược lại, suy nghĩ đơn giản và đúng đắn sẽ có
tác dụng tích cực. Tính sáng tạo vốn ít có cơ hội bộc lộ trước đây thì nay sẽ
đua nhau bùng nổ trên diện rộng. Nó không chỉ thể hiện trong học tập, lao động
mà còn trong việc ăn chơi giải trí. Nhiều cơ hội ăn chơi hơn, tức là phải có
nhiều cơ hội kiếm tiền để ăn chơi. Nhiều người ăn chơi sẽ sinh ra nhiều cơ hội
sáng tạo cho giải trí. Cái vòng tuần hoàn nho nhỏ này bản thân nó đã tạo ra khối
GDP cho đất nước rồi. Đấy là chưa kế đến vai trò xã hội, có nhiều cơ hội ăn
chơi hơn thì tỷ lệ cơ hội ăn chơi không lành mạnh (ma túy chẳng hạn) sẽ ít đi.
Thế hệ sau @ thì sao: có lẽ sẽ còn tuyệt vời hơn nữa.
Tương lai của đất nước chắc chắn là nằm trong tay những @ và hậu @, chứ không
phải nằm trong tay những thế hệ cũ kỹ và già nua (cái này là hiển nhiên, khỏi
phải bàn cãi). Vấn đề là những bậc cha chú của @ phải nhận thức ra vấn đề, xóa
bỏ những rào cản cũ kỹ và giáo điều trong đầu mình đi. Xóa đi để có cơ hội giao
tiếp với lũ trẻ. Xóa đi để có thời gian tạo thêm nhiều cơ hội sống và vươn lên
cho lũ trẻ ranh @ đấy. Cái lũ trẻ ranh sẽ làm chủ đất nước trong tương lai.
Nhưng đây cũng chỉ là giả định với chữ Nếu mà thôi. Chẳng ai biết được tương
lai. Nhưng phải có được "cơ hội và công bằng về mặt cơ hội" cho tất cả
mọi thành viên của thế hệ @. Vì chỉ có thế thì đất nước mới lên được tầm cao.
16/5/2003 N.Xu
16/5/2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét