Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Người trẻ với tình yêu nhạc Trịnh

Người trẻ với
tình yêu nhạc Trịnh

Trong tâm khảm của nhiều bạn trẻ, họ vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên được biết đến Cát bụi, Biết đâu nguồn cội, Để gió cuốn đi…

Nhạc Trịnh ôm ấp, chia sẻ với người nghe
Anh Nguyễn Minh Duy (26 tuổi, quận 3) nhớ lại thuở lên năm, những đêm ngủ với cha mẹ, tối nào cha cũng mở nhạc Trịnh cho anh nghe, cảm giác lúc ấy rất khó tả. Anh cũng là người thường xuyên tổ chức những đêm nhạc về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho nhiều đối tượng, đặc biệt là những người trẻ tại TP.HCM.
Anh Duy cho biết: “Tôi thấy nhạc Trịnh có khả năng ôm ấp, chia sẻ với người nghe, hệt như là kể chuyện. Bây giờ, khi đang được sống trong thời bình và nghe Bài ca dành cho những xác người hoặc Ta đã thấy gì trong đêm nay thì tôi có thể hình dung ra được chiến tranh nó khổ đau như thế nào, khiến tôi cảm thấy biết trân trọng cuộc sống này hơn”.
Nguyễn Ngọc Minh Tú biểu diễn các ca khúc 
Như hòn bi xanh, Ở trọ, Con mắt còn lại theo 
phong cách A cappella và nhận được tín hiệu tốt 
từ người nghe. Ảnh: TÚ NGÂN
“Thông thường đa số mọi người khi nói đến nhạc Trịnh thì sẽ nghĩ đến tượng đài là ca sĩ Khánh Ly hay ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Nên tôi nghĩ mình nên tạo cho giới trẻ bây giờ, thế hệ gen Z có cơ hội thể hiện được phong cách, cá tính của mình, cũng như là sự cống hiến cho âm nhạc. Vì tôi nghĩ âm nhạc không có giới hạn. Mong rằng thế hệ sau hãy lắng nghe nhạc Trịnh và mở lòng ra để đón nhận sự sáng tạo, sự cống hiến cho âm nhạc của những người trẻ” - anh Duy nói.
Nguyễn Ngọc Minh Tú (22 tuổi, quận Bình Thạnh) là cô nàng cá tính với giọng hát đầy sâu lắng. Minh Tú cùng người em song sinh là Nguyễn Ngọc Minh Thư đã mạnh dạn thể hiện lại một số ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo phong cách A cappella.
Được biết A cappella là phong cách hát không cần có nhạc đệm, người nghệ sĩ sẽ dùng giọng hát của mình để kết hợp, hỗ trợ cho nhau bằng hòa thanh, bè phối để tạo nên nhạc điệu. Khi thể hiện đòi hỏi người thực hiện phải có khả năng thẩm âm và kiến thức thanh nhạc tương đối tốt.
Minh Tú chia sẻ thêm: “Tôi yêu mến và kính trọng âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi mong muốn tiếp nối lời ca tiếng nhạc chân thật, như âm nhạc của bác Trịnh. Bởi tôi nghĩ khi nội tại của mình được chính mình lắng nghe, được nuôi dưỡng, được nếm trải đủ, nó sẽ học cách lớn lên. Đến một ngày, nó cứ là chính nó và cất lên tiếng nói bằng âm nhạc. Tôi sử dụng âm nhạc để kể chuyện, để kết nối mình với đời. Mà muốn kết nối được, mình phải hiểu và chân thật với chính mình, với những cảm xúc, suy tư và với tất cả mọi điều xảy đến”.
“Đối với những người yêu nhạc nói chung và yêu mến nhạc Trịnh nói riêng, tôi hy vọng các bạn thính giả sẽ mở lòng mình hơn, lắng nghe âm nhạc bằng cảm xúc và con tim, cũng đừng nên bó hẹp khuôn khổ cho âm nhạc: nhạc Trịnh phải hát y chang bản gốc hay bài này phải hát thế này, phải hát như thế kia... Hãy cứ lắng nghe cởi mở bằng chính con tim của mình” - Minh Tú bộc bạch.

Nhân kỷ niệm 21 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gia đình cố nhạc sĩ tổ chức đêm nhạc tưởng niệm ông.
Địa điểm: Đường sách TP.HCM. Thời gian: 16 giờ 30 ngày 1-4-2022.

Tìm thấy bản thân trong nhạc Trịnh
Còn với bạn Tăng Ngọc Châu Nhi, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, là người thường xuyên thể hiện rất tình cảm những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lại mang những nỗi niềm riêng. Với Nhi, lời ca của cố nhạc sĩ như thể đang nói hộ lòng mình, tìm thấy được sự đồng cảm, khiến cô nàng bồi hồi nhớ lại tháng ngày khi còn là một học sinh cấp 3 với những tình cảm đầu đời dở dang của chính mình.
Châu Nhi tâm sự: “Tôi thấy cái mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm được chính là thể hiện được góc nhìn của ông. Theo tôi, góc nhìn này rất đặc biệt, không phải đi tìm những cái gì đó nó mới, không phải đi làm những cái việc mà chưa ai làm, cũng không phải đi tìm những cái gì nó quá xa xôi. Ông nhìn những điều ở rất gần và ở ngay chính trong mỗi người. Đôi lúc người ta lại thường bỏ quên những điều đó nên khi ông viết lên những điều đó, người ta sẽ giật mình và nhận ra mình có cái này ở trong người mình, cảm xúc mà bấy lâu nay mình bỏ qua, mình không thật sự đối diện với nó. Tôi nghĩ khi mà những điều vốn đã có trong mỗi người được khơi dậy thì nó sẽ luôn ở đó thôi và đó là lý do tại sao nhạc Trịnh Công Sơn luôn luôn tồn tại lâu dài đến ngày nay. Đó cũng là giá trị của nhạc Trịnh Công Sơn đối với tôi”.
Bộc lộ và nuôi dưỡng khả năng âm nhạc từ những ngày bé, ngoài việc học, Phan Nguyễn Sang Sang còn tham gia ca hát tại một số CLB âm nhạc của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Cô nàng hào hứng chia sẻ: “Đối với tôi, nhạc Trịnh là một thứ gì đó rất kỳ diệu, nó giúp mình cảm thấy thật sự dễ chịu, giải tỏa được hầu hết áp lực, căng thẳng về cuộc sống bộn bề ngoài kia. Sự tinh luyện và tỉ mỉ trong từng câu chữ, từng thanh âm chính là điều khiến nhạc của Trịnh Công Sơn trở nên bất hủ”.
“Bản thân đang theo học chuyên ngành biên kịch điện ảnh truyền hình, sắp tới đây thị trường phim cũng cho ra mắt bộ phim Em và Trịnh. Đây thực sự là điều làm tôi cảm thấy rất hứng khởi và vô cùng đón chờ. Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi được kết hợp giữa thứ mình yêu thích với chuyên môn của mình cả” - Sang bày tỏ.
1/4/2022
Tú Ngân
Theo https://plo.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...