Một dấu cộng tốt đẹp
hơn cho xã hội
“Tất cả thế giới là một sân khấu
Và tất cả mọi đàn ông đàn bà đều là những diễn viên
Họ có các lối đi vào và các lối đi ra
Và một con người trong cuộc đời mình thủ rất nhiều vai diễn”
W. Shakespeare
(As You like it, Màn 2, Cảnh 7)
Sẽ là một sự tối dạ khủng khiếp nếu cho rằng những nguồn
thông tin mang lại kiến thức về những thay đổi cải tổ trên thế giới là một vấn
đề khó khăn phức tạp (và nguy hiểm?!) cho các nước lạc hậu với trình độ tổ chức
và ý thức xã hội thấp. Hầu như với các quốc gia như thế không có một chọn lựa
nào khác ngoài việc phải mở hết những cánh cửa đã bị khóa lại từ bao nhiêu ngàn
năm, trăm năm, chục năm để không những đón nhận tìm hiểu về những nguồn thông
tin ấy mà còn tham dự vào những thay đổi, gia nhập vào thế giới hiện đại để
không còn bị tụt hậu nữa. Từ chối công việc này chẳng khác gì việc một đứa bé sợ
hãi trường lớp không chịu đi học, tránh né sinh hoạt với tất cả những bạn bè
cùng lứa để phải mù chữ và thua sút cũng như mất đi mọi kỹ năng xã hội. Cảm
giác an toàn tạm thời trong căn nhà nhỏ bé cuả cha mẹ làm nó dễ chịu bao nhiêu
thì sẽ là nguyên do cho tâm lý sợ hãi cuả nó bấy nhiêu một khi phải bước ra
ngoài để giao tiếp với người khác.
Có nhiều người tỏ ra kinh sợ trước viễn ảnh Việt Nam sẽ biến
thành một nước Thái Lan thứ hai trong lãnh vực mua bán tình dục với khách ngoại
quốc. Nạn mãi dâm tồn tại và phát triển không chỉ ở những nước nghèo mà còn ở
những quốc gia sung túc nơi có vấn đề nghiện ngập ma tuý. Khi sự tôn trọng giưã
người và người còn bị chối bỏ, khi phụ nữ vẫn còn là đối tượng bị sử dụng cho
việc thoả mãn sinh lý cuả đàn ông, lúc ấy vấn nạn mãi dâm vẫn còn trầm trọng.
Mãi dâm là một vấn đề về kinh tế và quan hệ bất bình đẳng xã
hội, không phải là vấn đề cuả khuynh hướng khác nhau về tính dục. Mặc dù tệ nạn
này phổ biến rộng rãi hơn nhiều trong giới dị tính ái, không ai ấu
trĩ đến nỗi có thể qui kết rằng dị tính ái là hiểm hoạ cho một xã hội
nghèo đói trong vấn đề mãi dâm khi mở cưả giao dịch với các nước ngoài. Cái người
ta nên lưu tâm và thay đổi là thái độ cuả nhiều người đàn ông muốn sử dụng đàn
bà như một thứ đồ, vật, đồ chơi, một phương tiện mà họ có thể dùng tiền bạc lẫn
thủ đoạn để mua bán, song song với những tâm lý tự tôn khác xem nữ giới như một
hạng người có đẳng cấp kém cỏi dưạ trên khả năng và sức lao động, đúng hơn là sức
mạnh cuả bắp thịt.
Từ những cách nhìn có tính cách lợi dụng ấy dẫn đến quá nhiều
sai lầm trong vấn đề hôn nhân “truyền thống”. Ðó là cách người đàn ông thành lập
cho mình một tập thể nhỏ trong đó ông ta là một ông hoàng, một chủ nhân cai trị
và sau đó truyền ngôi truyền chức cho các ông hoàng và ông chủ tương lai. Cấu
trúc gia đình truyền thống như vậy là một sự sao chép hoàn hảo cuả những cấu
trúc xã hội phong kiến. Sự đập vỡ những nền quân chủ kéo theo nhiều thay đổi về
cấu trúc gia đình, rộng lớn nhanh chóng hơn ở một số quốc gia phương Tây, và chậm
chạp hơn ở phương Ðông với “truyền thống” vương quyền độc tài sâu đậm.
Khi đạo đức xã hội truyền thống“Trung thần bất sự nhị quân” ở
Trung Hoa và Việt Nam không còn, phụ nữ cũng không còn bị cạo đầu bôi vôi thả
bè trôi sông khi phạm tội ngoại tình và có thể tái giá sau khi chồng chết.
“Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” không còn, thì cũng không
còn “phu xướng phụ tuỳ” , không còn màn “Chồng giận thì vợ làm lành. Miệng cười
hớn hở thưa anh giận gì”, mà vợ có thể mang chồng ra toà vì tội đánh vợ, hành hạ
tinh thần vợ, hoặc ly dị khi đôi bên không cùng giải quyết được những mâu thuẫn.
Tuy nhiên, nhiều người đàn ông vẫn còn nuối tiếc những đặc quyền một thời cuả
cha ông và khư khư muốn bảo vệ những cái gọi là “truyền thống”; hệ quả:
tỷ lệ ly dị càng lúc càng cao, một số phụ nữ kéo dài thời gian để quyết định bước
vào hôn nhân, hoặc không còn cả ý muốn lập gia đình, tập trung vào việc xây dựng
nghề nghiệp để có thể sống được một cuộc đời độc lập dù có một người đàn ông
trong cuộc sống mình hay không. Ở vài nước phương Ðông nơi những luật lệ hoặc đạo
đức truyền thống bó buộc những cặp vợ chồng phải tiếp tục chung sống với nhau
cho đến chết mặc cho những xung đột quá lớn không giải quyết được biến gia đình
là một điạ ngục trần gian. Nạn nhân dĩ nhiên là những người chồng, vợ mà có lẽ
tác hại mạnh mẽ nhất là trên con cái họ, những đưá bé với sự chịu đựng mỏng
manh hơn hết.
Tại Việt Nam, truyền thống gia đình vẫn là sự hãnh diện đầu
môi, trong khi hiện nay rất ít quốc gia trên thế giới có thể cạnh tranh được với
Việt Nam về vấn đề chồng chuá vợ tôi. Với đa số gia đình, vị trí cuả người chồng
vẫn thường là ở những phòng khách, trong khi người vợ được giao phó toàn quyền
những xó bếp. Cảnh tượng cuả những buổi tiệc hay lễ lạc, khi những người đàn
ông nghiễm nhiên ngồi mâm trên và ăn trước trong khi cánh đàn bà làm
công việc nấu nướng phục dịch có thể làm xốn mắt những người ngoại quốc cấp tiến
nhưng đối với hầu hết đàn ông Việt Nam đó là truyền thống xã hội đáng giữ. Và mặc
dù xã hội Việt Nam vẫn làm ra vẻ tự hào về những người phụ nữ, vợ và mẹ đáng
yêu đáng quí cuả mình, câu chưởi thề thông dụng nhất, được phát ra hàng ngày
trong mỗi giây phút đồng hồ, qua tất cả âm ngữ điạ phương, vẫn là “Ðéo mẹ. Ðụ
má. Ðụ mạ.” từ những cái miệng cuả những đứa con trai, người chồng và người
cha. Ðiều này chưa bao giờ là một vấn đề bị phản đối trong xã hội Việt
Nam từ xưa nay. Người ta có thể dạy con không chưởi thề chung chung,
hoặc không chưởi thề chung chung, nhưng chưa bao giờ ý thức về sự khinh miệt tiềm
tàng sâu xa từ gốc rễ đối với những người mẹ. Trong những cuộc hôn nhân còn
tính “truyền thống” cao, người vợ vẫn là những người “bợ” , vẫn là những người
“em” bị xem như những kẻ nô dịch khi phải về làm dâu nhà chồng, hầu
hết đều bị đàn áp hay lạm dụng bởi gia đình chồng hay những người chồng “dạy vợ
từ thuở bơ vơ mới về”. Và người chồng, dù có thua vợ đến muời tuổi
đi nữa vẫn có quyền xưng “anh”, vẫn có thể ra oai như một con khủng long khạc lửa.
Ý nghiã và giá trị đích thực cuả tính truyền thống phụ thuộc
vào lợi ích cuả nó cho toàn thể xã hội. Một truyền thống không còn có thể được
chấp nhận hay chịu đựng nữa có thể bị xem là hủ tục, như tục mua bán thê thiếp,
tục tảo hôn, trong cái gọi truyền thống hôn nhân cuả Trung quốc và
Việt Nam một thời xa xưa. Luật hôn nhân cũng như những luật lệ khác trong mọi
quốc gia đều được thay đổi thêm bớt liên tục để càng lúc càng bảo đảm được sự
công bằng và an toàn cũng như các nhu cầu đa dạng cho tất cả những
công dân cuả họ. Hôn nhân, ở nhiều nước trên thế giới, không còn chỉ bó buộc
trong những lễ cưới và tờ hôn thú, đã có rất nhiều người “sống chung không hôn
thú” (common-law) và được luật pháp cũng như xã hội công nhận nhiều quyền lợi và
trách nhiệm tương tự như những cặp vợ chồng có giấy hôn thú. Từ trên dưới một
thập niên nay, đa số các quốc gia phương Tây đã công nhận sự sống chung hợp
pháp cuả hai người đồng tính như là một gia đình sống chung không hôn thú, hoặc
với các tên gọi như “civil unions” (tạm dịch “hôn nhân dân sự”),
partnership (tạm dịch “quan hệ hợp tác chung sống”) với những quyền lợi xã hội
và trách nhiệm về y tế, bảo hiểm, tài sản, thưà kế, v.v. Hoà Lan đã
dẫn đầu thế giới trong việc chính thức thực thụ công nhận hôn nhân giữa người đồng
tính ái, với tất cả quyền lợi và nghiã vụ y hệt hôn nhân dị tính; tiếp
đó là Iceland và Ðức, cũng như Hoà Lan, chính quyền hoàn toàn công nhận lễ kết
hôn cuả người đồng tính là hợp pháp tuy không cho phép họ nuôi con nuôi
(Iceland) hay hưởng quyền được giảm thuế (Ðức). Thuỵ Ðiển, Ðan Mạch, Na
Uy, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Hungary, Brazil, Tây Ban
Nha... đều đã và đang công nhận quyền lợi và trách nhiệm cuả người đồng
tính ái sống chung như những gia đình không hôn thú, hay hôn nhân dân sự, quan
hệ cộng tác chung sống với quyền nuôi con nuôi (Thuỵ Ðiển, Ðan Mạch, Na Uy,
Anh, và vài tỉnh bang Mỹ và Canada).
Cấu trúc truyền thống hôn nhân trên nhiều cường quốc trên thế
giới như vậy là đã được sửa chữa cộng trừ thêm bớt rất nhiều và chưa có một dấu
hiệu nào đe doạ cho nền tảng xã hội - kinh tế - chính trị - văn hoá vững chắc
cuả họ. Ngược lại ở những nước có truyền thống hôn nhân cũ kỹ nhất hiếm khi được
quét bụi qua một lần như một số quốc gia ở Ðông Âu, Trung Ðông, Á châu thì lại
có vô vàn những chao đảo bất ổn, gần như là truyền thống, về kinh tế,
chính trị lẫn xã hội.
Gia đình là một cách sống, một sự chọn lưạ, một nhu cầu.
Ngoài những bộ lạc kém văn minh và một vài quốc gia quá chậm phát triển, chưa một
quốc gia nào cưỡng bách bằng luật lệ một cá nhân phải lập gia đình. Ðiều này
cho thấy một mẫu hình hay cấu trúc gia đình truyền thống nhất định nào đó không
hề là điều kiện sống còn cho một quốc gia. Sinh đẻ là một bản năng không phải
chỉ cuả con người mà cuả cả hàng hà sa số những sinh vật. Người ta chỉ nên lo
ngại quả điạ cầu sẽ không còn đủ chỗ ở cho con người và tất cả mọi loài, chỉ
nên lo sợ về viễn ảnh cuả môi sinh bị tàn phá cùng những cuộc đại chiến trong
tương lai không phải chỉ là đẫm máu.
Xã hội là một tập hợp tổ chức chặt chẽ cuả nhiều cá thể với
những bản sắc khác nhau và những đơn vị gia đình đa dạng. Nó không phải là một
cái xưởng đẻ với tất cả công nhân là những con người máy được chế tạo y hệt
nhau, với hai giống phái nhất định là nam và nữ, mặc những bộ đồng
phục y hệt nhau dành cho nam hoặc nữ, và “làm việc” theo một cấu trúc chương
trình đã được thảo sẵn. Trong giới dị tính ái, có đông đảo những cặp vợ chồng dị
tính ái không thể có con, hoặc không muốn có con, những người đã ly
dị sống một mình trong thời gian rất dài, những người chỉ thích sống đời độc
thân, họ cũng như những cặp hoặc những cá nhân đồng tính ái, không thể bị phủ
nhận như là những kẻ không đóng góp gì cho xã hội, không ích lợi hay quan trọng
đối với xã hội.
Quan niệm cho rằng vai trò gia đình truyền thống bị đảo lộn bởi
hôn nhân đồng tính ái do đó sẽ làm lung lay cả cơ cấu xã hội hoàn toàn không có
một cơ sở vững chắc nào, nếu không nói là quá nông cạn và chật hẹp. Ðã từ lâu,
trước khi vấn đề hôn nhân đồng tính được mang ra trước những bàn họp, vai trò
truyền thống cuả chồng và vợ trong những gia đình dị tính đã được uyển chuyển đảo
lộn khi cần thiết. Chồng có thể bợ và vợ đã có thể chồng, trong phòng ngủ lẫn
ngoài phòng ngủ. Nhiều người vợ có thể đã thay thế vị trí trước kia cuả chồng
trong việc kiếm cơm nuôi cả gia đình, nhiều người chồng đã biết thay tả, cho
con bú, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Cũng như đã từ lâu, nhiều phụ nữ dị tính ái
đã cắt tóc ngắn, có thể lái máy bay, máy cày, chơi những môn thể thao trước đây
chỉ dành cho phái nam, nhiều đàn ông dị tính nấu bếp nhà hàng, buôn bán ngoài
chợ, hành nghề may vá, v.v... Sự đảo lộn vai trò của một số người đồng tính nào
đó, khi đóng vai nam, khi thủ vai nữ không có gì khác với sự đổi vai
của những cặp vợ chồng dị tính, ngoài vấn đề hoàn toàn riêng tư cuả họ bên
trong phòng ngủ. Nhắc lại lời tuyên bố của ông Pierre Trudeau, vị thủ tướng (đã
quá vãng) được dân Canada yêu quý nhất trong hầu hết những vị lãnh đạo của họ,
khi sửa đổi hình luật để bảo vệ cho người đồng tính ái vào năm 1969: “Không
có một chỗ nào dành cho nhà nước trong những phòng ngủ của dân tộc”.
Lại nhắc đến Việt Nam, bao giờ Việt Nam mới có được một vị
lãnh đạo có thể phát biểu một câu nói như thế, hoặc như thủ tướng Carl Bildt của Thụy Ðiển: “Chúng ta chấp nhận tình yêu đồng tính ngang bằng với tình yêu
dị tính”.
Có người cho rằng ở Việt Nam không ai công khai tự bạch mình
là đồng tính ái, và phần lớn chẳng biết đồng tính ái đầu cua tai nheo ra làm
sao, chỉ có một hai, người bác sĩ và không bác sĩ mới biết chẩn đấy là một căn
bệnh. Có lẽ những người tự cho mình “biết” này hoặc là có chui vào phòng ngủ của người đồng tính để khám lén nhưng vội vã quá nên nhòm không rõ. Tuy nhiên họ chỉ
là một thiểu số quá nhỏ để đại diện cho cả một xã hội. Phải có lý do để người đồng
tính ái tại Việt Nam phải sợ hãi che dấu mình đi: Cái người ta sợ nhất trong sự
sống là gì nếu không là sự độc ác và ngu dốt trong hình dạng của một thứ quyền
lực tập thể? Luật pháp Việt Nam chưa có một điều khoản nào được đặt ra để bảo vệ
người đồng tính trước thứ quyền lực đám đông này: một sự công nhận tình yêu,
hôn nhân (có hôn thú hay không hôn thú) hoặc kết hợp sống chung giữa hai người
đồng tính ái là hoàn toàn hợp pháp. Như thế, một cách gián tiếp, những
người nắm quyền lãnh đạo của Việt Nam, từ xưa cho đến nay, vẫn còn bao che cho
sự kỳ thị đủ mọi hình thức đối với người đồng tính?
Thế giới sẽ không vui vẻ, hạnh phúc hơn sao, nếu không còn những
mâu thuẫn không cần thiết và những khổ đau phi lý? Một quốc gia không mạnh mẽ
hơn sao, khi không còn những chia rẽ, khi người ta có được sự tôn trọng và tự
tin để sống hạnh phúc và mang hết khả năng ra làm việc phục vụ cho một xã hội
biết đối đãi công bình?.
28/5/2002 Trân Sa
28/5/2002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét