Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

XXXThế hệ của quần ngáp, quần hở mông và quần xệ

Thế hệ của quần ngáp,
quần hở mông và quần xệ

Tôi có một người bạn sơ giao Việt kiều. Lần đầu quen, ông kể cho tôi nghe về người con trai đã lớn. Anh này cao to, thể thao và khỏe mạnh. Anh tốt nghiệp một trường Ðại học có tiếng (tất nhiên là một trường đại học nước ngoài), có việc làm lợi tức cao (tất nhiên là làm cho một công ty nước ngoài). Anh có một cô bồ (điều này không tất nhiên nhưng) cũng lại là người nước ngoài, và cô con dâu hờ hay tương lai này ông bố thấy vừa ngoan lại vừa đẹp. Nói tóm lại, người cha không những chẳng bất bình về việc con của ông ta: a) dinh dưỡng đầy đủ, cao hơn ông được một cái đầu, thường xuyên đi gym tập tạ và đánh banh khá; b) thu nhập cao hơn ông 100 lần vào lúc ông cùng tuổi và đeo lon trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa; c) sống một cuộc sống tiện nghi gấp ông 1000 lần khi ông đi học tập cải tạo ở Thanh Hóa; d) đã vậy còn hăm hở đi học thêm MBA trong khi bản thân ông bố mới lò dò một năm trường luật đã bị ném vào bộ binh Thủ Ðức; e) có hôn thê uống nhiều sữa lúc bé nên ngày nay bộ phận hô hấp nẩy nở hơn là chính mẹ của thằng bé, có calcium trong ngũ cốc ăn sáng nên bộ phận đi đứng lại được dài.
Không trách con hay là ghen tức mà ông còn lấy đó làm hãnh diện. Tuy vậy chẳng có gì là toàn hảo ở đời, ông cũng có một điều than thở là "Tôi không hiểu sao, nó lại cứ cạo trọc cả đầu!" Ông bố thì, tóc đã muối tiêu (và muối thì nhiều hơn tiêu) nhưng vẫn còn rất mượt và ông để dài đến cổ áo, che kín 2 tai theo cái kiểu mất dậy của Paul McCartney vào năm 1966.
Có lẽ vì tôi ở ngoài nước, cho nên tôi không cảm được chuyện (Mai Chi trên talawas) 3.000 sinh viên đi học ở nước ngoài là một biến cố vĩ đại cho dân tộc hay là một bất hạnh thứ nhì sau chiến tranh (có lẽ vì tôi lớn lên trước đây ở miền Nam, nơi từng có trong 3 thập niên liền mấy ngàn vị du học thành tài về nước không làm cho công ty nước ngoài mà làm thánh làm tướng). Chuyện của tôi chỉ là chuyện Việt kiều, và tất nhiên là ai đi học cũng đều học trường nước ngoài hết (nếu không Ðại học thì cũng Trung, Tiểu học, cái này có khi chẳng kém phần quan trọng) và ai đi làm thì cũng tất nhiên làm cho công ty ngoại quốc mà thôi. Nhưng nói đến trong nước, nhận diện thế hệ trẻ ngày nay là thế hệ "@" có lẽ cũng hơi vội khi mới chỉ có 150.000 máy nối mạng tuy 15 năm qua đã có những biến đổi ngỡ ngàng. Một triệu cái điện di động, tám triệu xe máy, tôi không rõ là bao nhiêu triệu TV hay là chảo bắt sóng, nhưng mấy chục triệu (?) đôi giày thể thao không thể nào trở lại với dép râu. Thế hệ Nike, thế hệ VTV, thế hệ 2-thì, 4-thì và có là gì đi chăng nữa, ở cả trong lẫn ngoài nước, giữa ông bạn tôi với những người đã đứng tuổi ở Hà nội và con em của họ ở Sài gòn hay Bolsa, có lẽ vấn đề vẫn (chỉ) là vấn đề "thế hệ" xuông.
Cái răng cái tóc là gốc con người và búi tó củ hành hẳn phải là anh thiên hạ nhưng khi lật những album sử cũ, tôi thấy Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đội nón nỉ Mossant lệch đúng 10( về một phía và ông cố vấn Ngô Ðình Nhu chải đầu tém kiểu tổ chim cẩn thận với hình như là brillantine Thượng Hải. Các ông này không có ai đóng khăn và đến đời tôi cũng vậy, tóc tai lại càng thêm rũ rượi, dài đến lưng và phải nói coi rất là dơ. Lật album riêng tôi thấy phải là tự thẹn cái thời chưa đua đòi thuốc gội đầu Paul Mitchell, cớ gì tôi dám trách những thanh niên ngày nay tóc miếng vàng miếng nâu. Hai mươi năm trước là thời kỳ tóc punk dựng ngược, miếng xanh miếng đỏ, các thiếu nữ ngày nay óng ánh màu trà (xuất phát từ phong trào chapati Nhật bản) tôi thấy lại càng kiều diễm ("Làm thân con gái em vẫn kiêu sa/ Vẫn chapati những chiều buồn tênh"). Ðông du thì có gì là lạ và mặc áo hở rốn là truyền thống ...Ấn độ mấy ngàn năm nhưng về đến Việt Nam phải len qua ải MTV hay là truyền hình Hàn quốc để cho người đi đường mát con mắt. Ở tư cách một người bàng quan (hay một người tham quan), thế hệ của tôi đã có cái may mắn váy ngắn, 20 phân cách đầu gối nói một cách chính xác hay tượng hình là lơ lửng sát bờ mông. Bờ mông đây là bờ mông dưới và bọn trẻ ngày nay đảo lộn cả thẩm mỹ lẫn luân thường của cha ông, bằng chứng là chúng nó không mặc váy ngắn mà bận quần "ngáp".
Mô đen quần ngáp, nhập từ Brazil, tức là len lỏi theo chủ nghĩa ngoại lai bóng đá, tiếng Anh gọi là "low cut" tức là quần "tai bát" (taille basse) theo lối nói của các cụ đời Tây. Ở đám con trai, nó phải rộng, tụt xuống ngang hông, đũng ngang đầu gối, và để lòi ra cái quần lót ở bên trong, loại "boxer" tức là võ sĩ quyền Anh. Cái quần lót này, ngày xưa các cụ chỉ mặc để trang nghiêm rung đùi trên tràng kỷ (đời Tây gọi là ghế "salon" cho nên chắc vậy nó trở thành cái quần xà lỏn, và mặc loại quần này lòi cái gì thì tôi sợ phạm thượng không dám nói). Ở đám con gái ngày nay, nó khít khao hơn, vải bó ("stretch") nhưng vẫn cách dưới rốn 10 phân và lúc ngồi xuống vẫn phải xệ, và lòi ra cái quần lót phía sau lưng, ở đây là loại "thong" (hay "string") và vẫn lại Brazil.
Ðiều quan trọng, là ngáp phải hở rộng để tận đến cái bờ mông trên, có đứa chữ nghĩa còn xâm cả một chữ nho ở ngay đốt chót của cột sống mà bố nó Tây học nên không đọc được là chữ gì. Tiên sư nhân bọn nó, láo, mẹ chúng mày ngày xưa tao đưa về (dưới mưa) cũng chỉ dám đứng thẹn thùng mà đong đưa mini cắt ngang đít dưới mà giờ chúng mày lại dám ngồi mà xệ quần cho tỏ cả đít trên, thế còn ra gì thể thống, nhất là (trời nắng) còn lất phất mấy sợi lông mịn nõn nà. Và nếu chỉ một việc mông trên và mông dưới hai thế hệ trước sau đã không đồng cảm thì vội vã bàn làm gì đến những a khởi nghĩa với lại a còng.
Mười lăm năm trước, ở Sài gòn áo thun quần bò giầy thể thao là để đi ăn đám cưới, giờ giầy thể thao đã về đến nông thôn (trong khi chờ đợi internet cao tốc?) Chuyện thế hệ ở Việt nam có lẽ không nên quên 30% người trẻ thất nghiệp, hệ thống giáo dục không những không đáp ứng được những biến đổi mới mà còn xuống cấp, sự kiện đô thị hóa vô tổ chức, tệ nạn xã hội theo đó mà gia tăng v.v... và là mẫu số quá quen thuộc của các nước đang (nhầm hướng) phát triển ở thế giới thứ ba. Toàn cầu hóa không phải là cầu toàn hóa và không chừa một ai cả, muốn đoán tương lai Vũng Tàu chỉ cần nhìn Pattaya, Baguio và chẳng bao lâu nữa Việt nam sẽ có được những núi rác to như ở Philipin để con nít từng đàn tha hồ đi lục đồ tái tạo cho thỏa chí học hỏi của tuổi trẻ. Ba ngàn sinh viên đi Tây du học ngày hôm nay, trong lúc vắng nhà đã có ba vạn người từ nông thôn lên đứng ở chợ người thay chỗ.
Trở lại nước ngoài, ngày 5.03 vừa qua là ngày sinh viên học sinh toàn thế giới tại Úc, tại Âu, bãi học để dự đám tang Phan Bội Châu, xin lỗi cho tôi nói lại, để chống chiến tranh sắp sửa xảy ra tại Iraq. Và ngay tại Mỹ tuy kém rầm rộ hơn nhưng cũng có trên 400 trường, sinh viên và học sinh (có người chỉ mới cấp 2), trèo ra khỏi cổng để dõng dạc xuống đường. Tóc nhuộm và quần ngáp, họ vẫn biết chiến tranh chẳng có gì là hay ho cả, là tiền nên để mua sách hơn là mua súng, là giọt máu đào vẫn hơn ao dầu hỏa. Tôi không rõ là trong số người này, có bao nhiêu đại diện của mấy ngàn sinh viên Việt Nam đang du học và bao nhiêu đại diện của mấy trăm ngàn sinh viên Việt kiều đang sinh sống tại đây hay là họ còn đang bận tập tành trong dàn nhạc giao hưởng (như là Mai Chi chờ đợi). Nhưng tôi chắc là cũng có (tuy trong bài viết tạp nham này của tôi chỉ có được 2 con số là chính xác, số 20 phân trên đầu gối và số 10 phân ở dưới rốn). Học thầy không tầy học bạn, ở Tây phương chắc chẳng chỉ có những bằng tiến sĩ hay lời khuyên của Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế là đáng giá, đáng bưng về khệ nệ đặt trên bàn thờ tổ. Vừa rồi, trong khi các đấng "chúa tể của vũ trụ" (masters of the universe) như họ từng tự gọi, Chủ tịch công ty và Tổng Giám Ðốc, giờ họp nhau ở Davos mà mặt mày nhợt nhạt, thì (cũng lại) tại Brazil, Tập họp Xã hội Thế giới (World Social Forum) lại có vẻ tấn tới với những người trẻ ở khắp nơi, ừ thì tóc nhuộm và quần xệ lại càng vui, hở mông ra và chổng mông lên mà tìm một tương lai khác hay đúng hơn là một lối thoát cho toàn nhân loại.
Chuyện thế hệ là chuyện muôn đời (khi mặc áo dài có nên mặc quần đồng màu?) và trở về phần chúng ta, thực trạng của đất nước ngày nay thiết nghĩ không cho phép cái thế hệ trước đằng hắng giọng mà lớn lối. Nếu thế hệ còng chữ a ngày nay có cần phải dẫn giắt, ắt không phải cha anh họ, những người từng bị kềm cặp trong cái còng số tám của chiến tranh và nghèo đói, lại là những người xứng đáng.
17/3/2003
Đỗ Kh.
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật Ký Hội Ngộ Vào lúc mười hai giờ trưa thứ năm ngày 19 tháng 8 năm 2010, Tuyết Lan, Tuyết Mai, Bạch Mai Anh và tôi co ro kéo kín cổ á...