Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Phản biện bài viết của Trịnh Thanh ThủyXXX

Phản biện bài viết
của Trịnh Thanh Thủy

Ðây là bài viết đậm sắc bảo thủ (conservative), không khác mấy những sản phẩm tuyên truyền đưa ra bởi những tổ chức Thiên chúa giáo cánh hữu ở Hoa Kỳ (The Family Research Council, Family Research Institute, Christian Coalition, v.v…), không phải nhằm để cung cấp thông tin một cách khách quan và trung thực mà để phục vụ cho một ý muốn chính trị đã có từ lâu.  Ðấy là chiêu bài áp đặt những giá trị đạo đức mang tính tôn giáo (thường là Thiên chúa giáo) lên xã hội ở diện rộng, lên cả những người không phải đạo Thiên chúa hoặc không tín ngưỡng.

Ðây là một bài viết khá rời rạc. Phần đầu không có liên quan đến phần sau. Phần đầu là một câu chuyện mang tính cá nhân.  Phần sau được trích dịch từ những cuốn sách mỏng (pamphlet) xuất bản bởi cái gọi là Family Research Institute ("Viện" Nghiên Cứu Gia Ðình), trụ sở là một cái PO Box nào đó nằm ở Colorado Springs, Hoa Kì, do ông “Dr. Cameron” sáng lập. Khỏi phải bàn nhiều về giá trị khoa học của những bài nghiên cứu của cái "viện" này -- đa số là những tiết mục tự biên, tự diễn. Có nghĩa là mình tự viết bài rồi tự xuất bản luôn, không thông qua hệ thống sàng lọc gắt gao của đồng nghiệp (a rigorous system of peer review) thường thấy ở những tạp chí có uy tín. Thật ra thì bài nghiên cứu mà tác giả Thanh Thủy chọn dịch chưa từng được xuất bản bao giờ. (But for a suggested donation of 50 cents, anyone can get one on the institute's website). 
Thủ thuật của “Doctor Cameron” biểu hiện trong việc chọn lọc những bài viết khoa học có lợi cho mình, xuyên tạc những lập luận khoa học đã trở thành nền tảng của y khoa hiện đại về vấn đề ÐTLA.Các bài này mang tính chất tuyên truyền, giống như là một cuộc thập tự chinh về đạo đức chống lại những người ÐTLA (a moral crusade against gay people).  Hơn nữa, website của cái "viện" này đã là ống khói ngày đêm thải hơi độc làm ô nhiễm môi trường lành mạnh, khách quan, và vị tha của những cuộc tranh luận về đề tài ÐTLA.  Vài nét sơ qua những tài liệu của họ, ta thấy có những chủ đề như: Có phải loạn luân gây nên ÐTLA? Tuổi thọ của những người ÐTLA.  Bạo lực và ÐTLA.  Thầy cô giáo ÐTLA có là mối nguy hiểm cho học sinh không?  v.v. và v.v. Thiết tưởng nói thế cũng đủ là “quảng cáo miễn phí” cho cái gọi là Family Research Institute của “Dr. Cameron”. 
<<<... Trong phim có chiếu những cảnh âu yếm và hôn nhau rất gợi dục của cô gái này và bà kia.... Tôi tự hỏi, nếu "chẳng may" những đứa bé đang ở tuổi vị thành niên hay trong giai đoạn dậy thì coi được thì sẽ ra sao? Ngay chính tôi - một người nữ đã trưởng thành - xem những cảnh này tâm hồn còn xao xuyến huống chi những đứa bé hoặc những thanh thiếu niên mới lớn chưa từng trải hoặc chưa xác định hay có lập trường vững chắc về một giới tính mình sẽ lựa chọn.... >>>
Bình luận: Nếu bạn mặc dù đã trưởng thành, có gia đình hẳn hoi mà vẫn còn cảm thấy rung động trước sự biểu lộ tình yêu đồng giới, bây giờ là lúc bạn nên nhìn lại chính đời sống tình cảm và tâm lý thật sự của mình. Phải chăng chúng ta tự để cho truyền thống trói buộc sự tự do cá nhân, đè nén những ước vọng cháy bỏng từ bên trong. Bản thân tôi biết một vài người ÐTLA từng có gia đình và con cái hẳn hoi nhưng cuối cùng đành phải li dị vì không chịu được một cuộc sống giả dối với hai bộ mặt đối lập nhau. Còn với những người vẫn lận đận trong cái vòng oan nghiệt ấy, chúc có nhiều can đảm và may mắn.
 <<< ... Ảnh hưởng của phim ảnh, sách báo và truyền thông rất lớn trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Tôi nghĩ nó có lực chi phối và góp phần vào việc quyết định chọn lựa giới tính của trẻ vị thành niên khi bắt đầu ngấp nghé trên ngưỡng cửa tình dục và yêu đương.... >>>
Bình luận: Trước hết, những bộ phim như thế hoàn toàn không có mục đích chiêu mộ "lính mơí" vào đội quân ÐTLA như nhiều người tưởng -- đặc biệt là lực lượng bảo thủ Thiên chúa giáo cánh hữu (conservative Christian right). Bằng chứng?  Xem lại vụ mục sư Jerry Falwell buộc tội nhân vật Twinky Winky trong phim thiếu nhi mấy năm trước là gay và “đầu độc” tâm hồn ngây thơ cuả trẻ em.  Nếu ở Mỹ, những phim như tác giả Trịnh Thanh Thủy đã xem  được xếp loại "R", cấm trẻ em xem dưới 18 tuổi.  Ngược lại trong nhiều phim trẻ em được phép xem, có nhiều cảnh chém giết rất man rợ, ít có cha mẹ nào phàn nàn so với phim có cảnh làm tình.  Qua đó, người lớn chúng ta muốn nói gì?  Bắn giết người đồng loại thì OK nhưng yêu thương đồng loại biểu hiện qua tình dục thì là điều "No, No!" Thật là quái lạ!
Tác động của những hình ảnh ÐTLA có thể ảnh hưởng một phần đến quyết định sống công khai (coming out) của những người ÐTLA, vì đó là dấu hiệu của một xã hội cởi mở, công bằng và vị tha.  Xã hội như thế cho phép các thành viên sống thật với chính họ, phát triển nhân cách một cách đàng hoàng chứ không phải sống gò bó và kiểu đạo đức giả theo một trật tự đã định sẵn.
<<< ... Ðó cũng là lý do tôi những muốn đưa ra câu hỏi “Ðồng tình luyến ái có phải là 'căn bệnh truyền nhiễm' hay không? Các phụ huynh có cần kiểm soát xem con em mình có bị lây lan hay không?” thành tựa đề của bài này; hầu nhắn những bậc phụ huynh nên theo sát hơn và chú ý đến con cái mình, nhất là trong thời kỳ những thanh thiếu nữ bước vào giai đoạn dậy thì, bắt đầu nhận biết và lựa chọn phái tính của chúng. ...>>>
Bình luận: Ở đây chắc có lẽ tác giả T.T. Thủy dùng nhầm chữ "phái tính" (sex) thay vì "định hướng tình dục" (sexual orientation) tức là chủ đề của bài viết. Ðây là hai khái niệm, dù có liên quan, hoàn toàn khác nhau. Khi đến giai đoạn dậy thì thì làm gì có chuyện "lựa chọn phái tính" nữa. Ðại đa số trong chúng ta, rất ít có ai có vấn đề với phái tính. Ðiều này ("con sò hay trái ớt") được xác định trong 99.99% các trường hợp trẻ vừa chào đời. Truớc đó tác giả lại dùng nhầm chữ giới tính thay cho chữ định hướng tình dục. Vả lại khác với phái tính, giới tính (gender) là một phạm trù xã hội--do xã hội tạo nên để phục vụ một mục đích định sẵn--không phải do tự nhiên mà có.  Do vậy ta mới có cụm từ nam-nữ, male-female (chỉ phái tính) khác với đàn ông-đàn bà, man-woman (chỉ giới tính). 
<<< ... Ngoài ra ở một điều kiện xã hội mà ÐTLA được công nhận, khuyến khích thì nó có hấp lực khêu gợi sự tò mò và phô bày hành động ÐTLA. Các trường hợp ở những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi tranh, phim ảnh ÐTLA từ thuở ấu thơ; hay bị thầy giáo "dụ" bằng hình ảnh ÐTLA khi họ là ÐTLA... là những điều không thể bỏ qua khi tìm hiểu vấn đề này. ...>>>
Bình luận: Thế ở những xã hội không có tự do, chưa bao giờ có xuất hiện tranh ảnh, phim ảnh ÐTLA thì không có người ÐTLA ư?
<<< ... Có lẽ vì thế, khi có dự luật cho người ÐTLA nhận nuôi con nuôi, phần lớn công dân Mỹ đã chống đối và dự luật đã không được thông qua ở phần lớn các tiểu bang. Theo tôi, người Mỹ không bảo thủ. Người Mỹ rất cởi mở và thông hiểu vấn đề của người ÐTLA. Họ chấp nhận và thông cảm với tình huống khó khăn của người ÐTLA. Nhưng đạo đức và cấu trúc xã hội Mỹ mà họ mong muốn đã ngăn ngừa họ đồng ý hay ủng hộ dự luật này. ...>>>
Bình luận: Có một câu nói khôi hài nhân dịp phong trào ÐTLA đòi quyền hôn nhân sôi sục ở nhiều tiểu bang của Hoa Kì mấy năm trước. Người ta kháo nhau rằng : "Lúc trước thì muốn đi vào quân đội, bây giờ lại đòi quyền hôn nhân. Mấy người Gay này chắc điên mất rồi. Không biết là họ muốn cái gì ở hai thể chế tồi tệ nhất nước Mỹ này nữa." (People quip with one another: Before they wanted to be in the military. Now they ask for the right to get married. These gay people must be out of their minds. What could they possibly want in these two worst American institutions?)
Ðùa tí thôi chứ năm mươi phần trăm các cặp vợ chồng Mỹ rốt cuộc đưa nhau ra tòa ly dị. Mỗi năm hàng ngàn trẻ em mồ côi cha mẹ tiếp tục bị bỏ rơi, không có người chăm sóc.  Nếu bạn tin rằng gia đình là nền tảng của xã hội v.v… và v.v…, mà bạn lại muốn ngăn cản những người ÐTLA xây dựng gia đình vững bền với nhau, không cho họ nhận con nuôi và đem laị hạnh phúc cho những đứa trẻ kém may mắn, hoá ra bạn là người… đạo đức giả mất rồi! 
<<< ... Thêm một nan đề đạt ra trước "bài toán ÐTLA": đó là sự liên đới mật thiết tới một căn bệnh nan y trên thế giới ngày nay, bệnh AIDS. Theo thống kê số người ÐTLA mắc bệnh này xác xuất rất cao. (Theo một nghiên cứu của FRI 1983, nếu có dịp tôi sẽ đề cập tới chuyện này trong một bài tiểu luận khác). Cũng theo các nghiên cứu, không phải chỉ những người ÐTLA mới mắc phải bệnh AIDS này. Người dị tính cũng bị và con số người ÐTLA mắc phải cao hơn. Tại sao? Như chúng ta đã biết, khi những người đồng tính nam có liên hệ tình dục với nhau, cơ hội bị truyền nhiễm bệnh AIDS cao hơn nếu có bất cẩn. Bệnh AIDS truyền từ người đồng tính qua người lưỡng tính từ lưỡng tính qua người dị tính theo nhiều ngả khác nhau, trong đó mãi dâm là một ngả truyền bệnh nhanh chóng nhất, khi mà hiện nay phong trào mãi dâm đang lên cao độ ở các nước nhược tiểu Á Ðông như Thái Lan, Ấn Ðộ, Việt Nam...>>>
Bình luận: Ðây là chuyện huyền thoại, thiếu cơ sở khoa học. (À, chi tiết nhỏ: Ấn Ðộ không phải là một nước Á Ðông (East Asia) mà là nước "Á Nam" - Nam Á (South Asia).
"... Tôi đưa ra những dữ kiện và nguyên nhân tạo nên ước vọng đồng tính luyến ái.  Sự lựa chọn là ở các bạn!..."
Bình luận: Tôi ước rằng tôi thật sự có quyền chọn lựa. (I wish I could actually choose).
Thay cho lời kết: Xã hội mà chúng ta đang sống ngày càng trở nên phức tạp. Hình ảnh ÐTLA trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể ảnh hưởng đến “sự lựa chọn” định hướng tình dục của một số người. Con người có thể lựa chọn định hướng tình dục được hay không, đó là điều giới khoa học đang tranh cãi và chưa đến hồi ngã ngũ. Nhưng chúng ta nên thận trọng khi đưa ra những nhận định như “đinh đóng cột” về ảnh hưởng của yếu tố này, tác nhân kia. Nếu không, chúng ta có thể kết luận rằng ăn nhiều khoai tây, bánh mì và sống ở khí hậu ôn đới sẽ tăng xác suất bạn trở thành người ÐTLA. Bằng chứng à? Dân Âu-Mỹ ăn rất nhiều khoai tây, bánh mì và sống ở nơi có khí hậu lạnh và người ÐTLA thì cứ nhan nhản ra đó. Kết luận: phụ huynh nên quan tâm đến khẩu phần ăn của con cái tuổi mới lớn. Ăn nhiều khoai tây và bánh mì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng giới tính. Và nếu có điều kiện thì nên di dân về miền nhiệt đới để sống “an toàn” hơn (!).
6/6/2002
Tâm Chính
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...