Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Thư của một người @XXXX

Thư của một người @

Tôi tên là Nguyễn Đức Thọ, 20 tuổi, hiện đang là sinh viên du học tại trường đại học Texas tại Austin, Hoa Kỳ. Nếu căn cứ theo định nghĩa của tác giả Mai Chi trong bài viết "Thế hệ A còng", thì tôi là một @ chính hiệu.
Cuối bài viết của mình, tác giả Mai Chi có đưa ra lời kết sau: "Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng giới trẻ hôm nay sẽ làm Việt Nam trở thành một chốn tốt đẹp hơn để sống? Chúng ta có bao nhiêu hy vọng rằng sẽ có thể nghe những giọng nói của chính giới trẻ trên diễn đàn này?". Cho tôi xin được nhắc lại, tên tôi là Nguyễn Đức Thọ, chứ không phải là Nguyễn Văn A, hay Nguyễn Thị B. Xin hiểu cho rằng tôi viết bài này với tư cách của cá nhân tôi, một cá nhân @, chứ không hề đại diện cho thế hệ @. Giọng nói của một cá nhân thì có thể lắng nghe được, nhưng giọng nói của một thế hệ thì không dễ có thể đánh đồng và phân loại như tác giả Mai Chi đã làm.
Mai Chi nói thế hệ @ là sự cộng hưởng của thế hệ thực dụng, thế hệ thờ ơ, và thế hệ bạo lực. Đọc đến đó tôi làm tôi mất ngủ. Tôi đã thử tưởng tưởng mình đang đóng vai một quan tòa, đang xét xử một tội nhân @:
"Này tên @ Nguyễn Đức Thọ kia, ngươi có thực dụng không?" Có, tôi có. Tôi là một người thực dụng. Tôi đang học ngành CNTT và Kinh Tế, tôi mong ước sau này về Việt Nam sẽ có việc làm tốt, tôi cũng mong sau này lương của tôi cũng gấp 10, 15 lần lương của bố mẹ tôi hiện giờ. Vâng, tôi là người thực dụng.
"Thế nhà ngươi có thờ ơ không?" Có, tôi có. Tôi thờ ơ với mọi người xung quanh, tôi không tham gia vào giàn nhạc giao hưởng của trường, tôi không xuống đường biểu tình chống chiến tranh Iraq, vâng, tôi thờ ơ với cả bữa ăn, giấc ngủ, vâng, tôi là người thờ ơ."
"Thế nhà ngươi có thích hưởng thụ không?" Có, tôi có. Tôi thích đi chơi với bạn bè, tôi thích có nhiều tiền để mua sắm, tôi thích sống gấp, thời gian đối với tôi không bao giờ đủ. Vâng, tôi có tội."
Nhưng nếu như tôi chỉ biết nói "tôi có tội" rồi rục đầu xuống nhận lỗi thì tôi chỉ là một tên @. Vâng, chỉ là một tên @. Không, tôi không phải là một @. Tôi là một thanh niên Việt Nam, trẻ, khỏe, lạc quan, mang nhiều niềm tin và trăn trở như bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác. Và quan trọng hơn hết, tôi là một con người, tôi không phải là một cái xe, dù đó là cái xe cao quý như thế nào đi nữa.
Tôi thích một cuộc sống tốt đẹp, nhưng đó không phải là một cái tội. Cuộc sống phải chăng đã rất khó khăn đó sao? Nhưng cuộc sống là những gì mà ta muốn nó trở thành. Quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền của mỗi cá nhân, miễn sao cá nhân đó không làm gì trái đạo đức xã hội và pháp luật. Xin đừng lấy những khó khăn, cực nhọc của thế hệ trước để chê bai thế hệ sau là luời biếng, là chỉ biết hưởng thụ. Tôi quan niệm cuộc sống là tốt đẹp, và tôi đang sống đúng với những gì mình quan niệm.
Tôi không thực dụng, tôi là người sống có mục đích. Vâng, tôi biết chứ, Diderot có nói rằng "Anh chẳng làm được gì lớn lao nếu mục đích tầm thường." Mục đích của tôi có thể tầm thường, nhưng đó là một mục đích lương thiện. Ngoài ra, tiêu chuẩn nào để đánh giá một mục tiêu là vĩ đại hay tầm thường, cao cả hay thấp hèn, bao la hay ích kỉ? Điều quan trọng không phải là những gì tôi nghĩ, mà là những gì tôi làm. Nhưng đó chỉ là một phần của tôi. Một phần khác cũng đang ấp ủ trong lòng những dự án, những công trình mà lợi ích không phải chỉ dành riêng cho tôi. Là một du học sinh, tôi luôn có bên mình một cuốn sổ tay, ghi chép lại những điều hay ở nước ngoài mà tôi nghĩ sẽ có ích cho Việt Nam. Trong mỗi giờ học trên lớp tôi đều liên tưởng đến những gì mình sẽ áp dụng khi tôi trở về Việt Nam. Những điều bình thường thôi, như làm thế nào để mọi người tôn trọng đèn giao thông, làm thế nào để những công tác từ thiện có tính hiệu quả hơn...Tôi nghĩ chắc tác giả Mai Chi không thể nào thấy được cái phần đó của tôi, vì chỉ cần biết tôi đang học ngành tin học là chắc tác giả sẽ reo lên: "A, A còng!"
Tôi không phải là người thờ ơ. Ngược lại, điều duy nhất mà tôi thờ ơ có lẽ là thờ ơ trong việc đi tìm một mẫu số chung cho thế hệ của mình. Cũng như bao nhiêu thanh niên Việt Nam khác, tôi đau nỗi đau nghèo đói và lạc hậu, tôi nhục nỗi nhục kém văn minh và dân chủ. Tôi có thể thờ ơ bên ngoài, nhưng trong lòng tôi là lửa đốt. Nhưng như vậy chưa đủ. Tôi, cũng như bao người trẻ khác, biết chỉ nói không là không đủ. Không thể đổ lỗi cho chiến tranh, cho thế hệ trước, cho cơ chế, cho bất lực, hay cho những thế lực bên ngoài mãi được. Tôi biết rằng đã đến lúc tôi phải góp một phần vào để tạo ra sự thay đổi. Phải làm một cái gì đấy. Vâng, một cái gì đấy!
Trở lại với bài viết của Mai Chi, bài viết ấy làm tôi mất ngủ liên tiếp hai đêm. Phản ứng đầu tiên của tôi là tức giận, sau nữa là ngộ nhận, và cuối cùng là cảm nhận. Tôi tức giận tại sao tác giả có thể cẩu thả trong việc đánh giá một thế hệ như thế. Tất cả thanh niên Việt Nam, hay như sự hạn chế của tác giả, những thanh niên thành thị, những du học sinh, đều là những @ sao? Những điều tác giả viết là có thật, nhưng không tiêu biểu. Cho dù có thật thì chỉ hiện tượng là có thật, còn bản chất của hiện tượng là không thật. Tôi đồng ý rằng có một bộ phận thanh niên đang có lối sống buông thả, hưởng thụ như tác giả nói, nhưng đó chỉ là một thiểu số. Đáng buồn thay, cái thiểu số này, cũng như cái xấu, luôn luôn là cái tự biểu hiện ra ngoài rõ ràng nhất. Những sinh viên, học sinh ngày ngày chăm chỉ đến trường, họ khó lòng lên được trang nhất của báo, vì họ bình thường quá, không chướng tai gai mắt. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người có lối sống không lành mạnh mà tác giả nêu đó, xin đừng chỉ nhìn vào hiện tượng mà quên đi bản chất. Sao không ai tự hỏi rằng gia đình, nhà trường và xã hội có vai trò gì? Sao không ai nghĩ đến cú sốc của một xã hội thay đổi quá nhanh chóng, nhanh chóng đến độ những giá trị cũ mất hoặc phai nhạt đi trong khi những giá trị mới chưa kịp hình thành? Sao không ai nghĩ đến nhưng khó khăn của một người thanh niên phải đối mặt trong thời đại mới, khi mà họ đứng trước vô vàn những chọn lựa mới mẻ trong khi kinh nghiệm và sự tư vấn của gia đình hay nhà trường không đầy đủ? Nghĩ đến đó, chúng ta nên cảm thấy thương họ hơn là trách họ.
Bài viết của Mai Chi có hiệu ứng gây hoang mang, đọc xong tôi cảm thấy tự nghi ngờ chính mình, nghi ngờ thế hệ của mình. Tác giả ngộ nhận, hay là tác giả đúng và tôi ngộ nhận, hay là cả hai đều ngộ nhận? Tôi có thể ngộ nhận, nhưng tôi không tin rằng tác giả đúng.
Tôi đối chiếu bài viết của Mai Chi với hai bài đăng cùng của Phan Khôi và Nguyễn Ái Quốc. Sau đó tôi thử đem bài viết của Mai Chi cho một số người bạn xem. Có lẽ tôi lầm, nhưng tôi có cảm nhận là cả ba bài viết đều có một điểm chung. Cả ba bài viết đều có tính thách thức. Nguyễn Ái Quốc thách thức lòng yêu nước và nỗi nhục mất nước của người Việt, Phan Khôi thách thức vào sự học cao của những người tri thức, còn Mai Chi thách thức cái tính trẻ của người thanh niên. Có điều, nếu Nguyễn Ái Quốc khiến người đọc thấy nhục mà sắn tay vào hành động, Phan Khôi khiến thấy tức mà hành động, thì Mai Chi chỉ khiến người đọc thở dài ngao ngán.
Tôi viết những dòng này hoàn toàn với tư cách cá nhân, tôi không đại diện một thế hệ nào cả. Hơn ai hết, tôi cho rằng một thế hệ quá đa dạng để có thể dễ dàng phân loại như vây. Nhưng tôi tin rằng có rất nhiều thanh niên khác cũng có ý nghĩ như tôi. Chúng tôi có thể khác nhau về nhiều mặt, nhưng chúng tôi đều có một điểm chung, chúng tôi không là những @. 
25/2/2003
Nguyễn Đức Thọ
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...