Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Những cái bóng lờ nhờXXXX

Những cái bóng lờ nhờ

Trong tin học, ký hiệu @ chỉ là ký hiệu để xác định địa chỉ.
Không biết thuật ngữ "Thế hệ @" xuất hiện bao giờ, có lẽ từ khi từ báo Sinh viên Việt Nam có chuyên mục "Thế hệ @" để chỉ những người trẻ tuổi, những sinh viên. Tại sao lại là @ mà không phải là các kí hiệu khác, các thuật ngữ khác. Có lẽ xuất phát từ chiếc xe Honda @ xuất hiện ở Việt Nam cách đây hai hay ba năm gì đấy. Nó là niềm mơ ước của giới trẻ vì nó "đẹp". Đơn giản là đẹp - vì theo quan niệm của những người trẻ tuổi, và không chỉ những người trẻ tuổi, cứ cái gì đắt thì là đẹp, và dĩ nhiên đã đẹp thì là mode.
Và sau đó chắc người ta nhớ ra @ là một ký hiệu sử dụng phổ biến trên internet (với nghĩa nguyên thủy là xác định địa chỉ). Và người ta gán cho những người trẻ tuổi là "Thế hệ @": vì đó là thế hệ biết dùng internet, thế hệ biết đi xe @, giầy Nike, điện thoại Nokia, thế hệ của tóc vàng hoe, thế hệ của quần ngáp trễ trên ngắn dưới...Nhẩy nhót, múa may trong vũ trường.
Tôi sinh năm 1977, tốt nghiệp ở một trường đại học công lập thuộc loại danh tiếng ở Việt Nam, hiện tại cũng là một trong số hàng ngàn thanh niên hàng năm sách vali đến các nước châu Âu, Mỹ...để học tiếp. Nơi tôi chọn đến là nước Nga. Và tất nhiên sau khi học xong quay về Việt Nam tôi cũng muốn kiếm được nhiều tiền, muốn được làm việc trong phòng máy lạnh ở thành phố lớn Hà Nội hoặc Sài Gòn...Tôi cũng dùng internet, cũng đi giầy thể thao Nike, cũng dùng điện thoại di động Nokia, cũng đến vũ trường nhẩy nhót, cũng ...cũng ...và cũng...Và như thế chắc tôi cũng được xếp loại vào thế hệ @ theo định nghĩa của tác giả Mai Chi và một số người khác đang tranh luận. Và tôi chấp nhận. Vậy cho phép tôi được đưa ra một vài suy nghĩ của mình.
Trong tất cả các bài tham gia vào tranh luận mới chỉ chỉ ra những biểu hiện bên ngoài của thế hệ @, chưa ai đi sâu vào bản chất, tại sao thế hệ @ lại như vậy, những suy nghĩ của họ.
Trong xã hội, bất kể loài người hay loài vật đều có sự kế thừa và tiếp nối, thế hệ @ cũng không loại trừ. Vậy có ai đặt ra câu hỏi thế hệ @ đã được giáo dục thế nào không? Tác giả Mai Chi có đưa ra câu hỏi: "Nếu bạn đang hay đã học ở nước ngoài tôi cá rằng bạn chưa từng có một đứa bạn Việt Nam nào chơi trong dàn nhạc giao hưởng sinh viên của trường, hay tham gia câu lạc bộ chụp ảnh, hay xuống đường biểu tình chống chiến tranh, hay viết bài cho Greenpeace."
Vâng tôi xin trả lời là đúng, tôi không tham gia vào dàn nhạc giao hưởng. Vì sao ư? Vì tôi mù nhạc lý. Tại sao? Tại vì tôi không được học. Vì thế hệ liền trước tôi, cụ thể là bố mẹ tôi cũng mù nhạc lý, và không coi trọng âm nhạc, từ bé tôi luôn được nhồi nhét phải học thật giỏi toán. Ngay đến cả văn học cũng không cần phải học nhiều. Còn âm nhạc thì dĩ nhiên là chưa bao giờ được đề cập đến trong các kiến thức cần được giáo dục của tôi. À có, chúng tôi có được học nhạc ở trường cấp 2, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc dậy vài bài hát thiếu nhi, vị trí các nốt nhạc trên khuôn nhạc, cách viết khóa son và ....chấm hết.
Và chúng tôi là thế hệ kế thừa của thế hệ đi trước, thế hệ đã quay lưng lại với âm nhạc - nghệ thuật. Thỉnh thoảng một vài tờ báo lại nêu ra câu hỏi: Khán giả Việt Nam hôm nay quay lưng lại với nghệ thuật múa, nghệ thuật truyền thống, quay lưng lại với điện ảnh. Thế còn khán giả của ngày hôm qua?
Vâng, ở đây nhiều người có thể phản bác lại là thế hệ trước tôi sống trong chiến tranh, đất nước khó khăn. Vâng điều đó đúng. Thế nhưng trước kia, những năm đầu của thế kỉ 20 âm nhạc và nghệ thuật hiện đại Việt Nam tương đối phát triển (Theo như nhận định của một số học giả, và ngay cả nhiều bài viết trong diễn đàn cũng có đề cập đến) và được tiếp nối thành công trong cuộc kháng chiến thứ nhất. Lúc đó cũng gian khổ, cũng khó khăn, nhưng vẫn để lại những tác phẩm âm nhạc, múa, thơ ca...được coi là bất hủ. Thậm chí điều này vẫn được tiếp nối trong cuộc kháng chiến thứ hai của dân tộc. Những bài hát "Tình ca", "Người Hà Nội", "Trường ca sông Lô", "Câu hò bên bờ Hiền Lương" ...những điệu múa "Cánh chim mặt trời"... Thậm chí đến cả opera "Cô Sao"...Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ", "Em Thúy"... vẫn được đánh giá là "đỉnh cao" của nền nghệ thuật đương đại. Vậy thế hệ trước tôi đã và đang làm gì cho cái nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Và chẳng hóa ra từ sau đó thì nền nghệ thuật đương đại Việt Nam đi xuống.
Cho tôi cũng xin được mở ngoặc thêm ở đây: Tôi đang sống ở nước Nga, một đất nước sau khi chế độ XHCN sụp đổ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có những mặt khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều. Nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng cho con cái họ đi học nhạc, theo học các khóa học về nghệ thuật, viện bảo tàng của họ ngày nghỉ và ngày chủ nhật vẫn đông nghẹt những ông bố bà mẹ dẫn con cái họ đi xem...Thử hỏi ở Việt Nam có ông bố bà mẹ nào dẫn con đi vào viện bảo tàng vào ngày chủ nhật không? Và tôi cũng không được dẫn đi.
Vế thứ hai của câu hỏi đặt ra là vì sao chúng tôi không xuống đường chống chiến tranh Iraq. Tại sao? Câu hỏi này có lẽ nên đặt ra cho những người đang lãnh đạo đất nước. Tại sao trong ý niệm của đại bộ phận thanh niên Việt nam, cứ xuống đường biểu tình, phản đối là không được phép,là không tốt? Dù là biểu tình phản đối một cái xấu như phản đối chiến tranh ở Iraq, chống toàn cầu hóa, phản đối việc Mỹ rút khỏi hiệp ước tên lửa đạn đạo IBM....
Và đặt câu hỏi này cũng đặt ra cho những gì chúng tôi đã được giáo dục. Bố mẹ, ông bà ta vẫn dậy "Một điều nhịn là chín điều lành...". "Cứ nhịn là hơn con ạ". Và vì thế chúng tôi là những cái bóng nhờ nhờ về quan điểm chính
trị.
Nếu ai hỏi một người trẻ tuổi thuộc thế hệ @: "Mục đích và lý tưởng sống là gì?" Tôi xin cam đoan là nhận được câu trả lời "Kiếm được nhiều tiền". Khi đấy người hỏi sẽ lắc đầu thở dài... Nhưng nếu hỏi ngược lại người hỏi cũng câu đấy, chắc chắn cũng không nhận được câu trả lời. Chẳng nhẽ lại trả lời "Chúng tôi đã hết thời tuổi trẻ, nên không cần lý tưởng sống". Còn những người trẻ tuổi thì hình như không bao giờ hỏi nhau câu này cả.
Vâng, chúng tôi nhận được một nền giáo dục như thế thì điều mà thế hệ trước nhìn thấy là điều tất nhiên.
Không hiểu được âm nhạc, chúng tôi thấy trên internet, trên MTV những bài hát này đang thịnh hành, đang mode, chúng tôi lao vào nghe, rồi chúng tôi cũng khen hay, chê dở. Chúng tôi hát theo, và cho thế là sành điệu.
Không được có được cái nhìn của mỹ thuật, chúng tôi thấy trên MTV, sách báo, phim ảnh các ca sỹ, diễn viên, các thần tượng của chúng tôi mặc cái quần ngáp, lòi cái quần lót boxer, mặc cái váy ngắn cách rốn 10 phân cách đầu gối 20 phân, chúng tôi cho là đẹp.Chúng tôi mặc theo. Rồi chúng tôi khen nhau là những người theo kịp mode thế giới.
Tuổi trẻ phải có một cái gì đấy say mê, để thỏa những khát khao, để giải tỏa những năng luợng đang chảy cuồn cuộn trong người. Vậy còn cách nào khác là lao vào những cuộc đua xe gào rú trên xa lộ, những đêm quay cuồng trong vũ trường...Còn những chuyện chống chiến tranh, chống toàn cầu hóa, chống thử tên lửa đất đối không...Ôi những chuyện tầm phào, nói ra người đồng trang lứa tưởng tôi rơi xuống từ cung trăng, hay nói một cách chính xác là "đồ Trâu Quỳ xổ lồng". Nhưng nếu nghiêm túc đặt ra những câu hỏi này thì chúng tôi biết làm gì với chúng khi chúng tôi thực sự chỉ là những cái bóng lờ nhờ.
Nhưng còn những điều chúng tôi đang làm thì sao?
Câu trả lời "Kiếm được nhiều tiền" có gì là xấu. Để kiếm được nhiều tiền tôi đã từng phải 17 năm học ở trường và giờ đây lại đang tiếp tục học. Để kiếm được nhiều tiền tôi đã từng làm việc 12h một ngày, 7 ngày trong tuần. Làm đến mức mẹ tôi phát khóc. Nhưng tôi không muốn ngửa tay xin những đồng tiền của bố mẹ. Tôi không còn là trẻ con nữa.
Chúng tôi học tiếng Anh, học vi tính, quản trị kinh doanh phải chăng là những điều không có ích cho xã hội.
Đúng là xã hội còn quá nhiều việc phải làm, nhưng ngay một lúc không thể giải quyết hết được và không chỉ có riêng thế hệ @ phải có tránh nhiệm giải quyết. Và nó cũng là những điều vượt khỏi tầm tay, bởi những việc đấy đang nằm trong tầm tay của thế hệ mà cách đây 20 năm, nếu tin học phát triển như bây giờ, họ cũng sẽ được gọi là thế hệ @.
Trong bài viết của tác giả Đỗ Kh. lại viết
Chuyện thế hệ là chuyện muôn đời (khi mặc áo dài có nên mặc quần đồng màu?) và trở về phần chúng ta, thực trạng của đất nước ngày nay thiết nghĩ không cho phép cái thế hệ trước đằng hắng giọng mà lớn lối. Nếu thế hệ còng chữ a ngày nay có cần phải dẫn giắt, ắt không phải cha anh họ, những người từng bị kềm cặp trong cái còng số tám của chiến tranh và nghèo đói, lại là những người xứng đáng.
Vậy thì ai dẫn dắt thế hệ @. Bài học Đông du của cụ Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh vẫn còn nguyên giá trị.
Trong cuốn "Người Trung Quốc xấu xí" có một đoạn tác giả Bá Dương viết:
"Tôi nhớ thuở bé thầy học bảo chúng tôi:" Hy vọng của nước nhà đặt nơi các em". Nhưng rồi chúng ta bây giờ thì sao? Lại đến lượt chúng ta hướng về đám thanh niên bảo: "Các em là hy vọng của tương lai Trung Quốc ". Cái kiểu cứ đùn đẩy trách nhiệm từ đời này xuống đời khác sẽ còn kéo dài cho đến bao giờ?"
Tôi xin lấy câu hỏi này của Bá Dương làm câu kết cho bài viết của mình. Thế hệ chúng tôi sẽ phải tự tìm cho mình con đường nào là đúng. Tất nhiên là có kế thừa, có phát triển, nhưng điều quan trọng phải biết nhìn nhận và tránh những sai lầm của thế hệ truớc. Và mong sao những người đi trước nhìn nhận chúng tôi với ánh mắt bao dung, độ lượng hơn và đừng chụp mũ cho cả một thế hệ khi chỉ nhìn từ một vài cá nhân.
19/3/2003
Socola
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...