Những nhục thể biến dị và các động thái
chuyển vị của dục cảm
đồng tính
trong văn chương Việt Nam từ và về
thời Pháp thuộc (1858-1954)
Xuân Diệu mở đầu bài thơ "Tình trai" trong tập Thơ
Thơ (1938) bằng cách trưng dụng hai nhân vật đồng tính điển hình của thơ
văn lãng mạn Pháp:
Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine,
hai chàng thi sĩ choáng hơi men,
say thơ xa lạ, mê tình bạn,
khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.
Tuy rất táo tợn và bộc trực, dục cảm này thực ra lại được định
vị không chỉ trong một phạm vi biểu trưng cho sự Dị biệt văn hóa [cultural
Otherness] mà còn ngoài phạm vi của tình dục quy phạm [libidinal normativity],
qua đó thể hiện những động thái chuyển vị [dynamics of displacement] và một trạng
thái biến dị [condition of deviance] là những vấn đề cấp thiết để tìm hiểu
trong bài chuyên khảo này.
Chúng tôi xin đặt tụ điểm nơi cảm quan đồng tính [homoeroticism] thay vì nơi đồng
tính luyến ái [homosexuality], là để nhấn mạnh hơn vào tâm lý và mỹ quan thay
vì vào sinh thái và hành vi của sự khích thích hấp dẫn cùng phái. Bởi lẽ
"dục cảm" [desire] là một khái niệm hết sức trơn trượt, chúng tôi
đành tạm định nghĩa nó qua cách dùng trực giác để chỉ một trạng thái tương quan
mang đặc tính của động lực chiếm hữu [drive to appropriate] để xác định một Bản
ngã [Self] (là chủ thể mang dục cảm) qua một Phi ngã [Other] (là khách thể chịu
tác động của dục cảm). Định nghĩa của dục cảm theo dạng tương quan này cho phép
chúng tôi tìm hiểu một mô thức chuyển vị khá lý thú mà chúng tôi đã ghi nhận được
từ các biểu tượng về dục cảm đồng tính trong văn chương Việt Nam. Nói chung thì
chúng tôi để tâm nhiều vào tác động [effect] hơn là vào tác nhân [agency] của sự
chuyển vị, được định nghĩa như là thành quả luồn trượt [slippage] và đổi chỗ
[dislocation] ở xác điểm minh thị [locus of articulation] cho dục cảm -- trong
trường hợp này là dục cảm đồng tính -- trong không gian ngữ thoại [discursive
space] của hệ biểu tượng tính dục và xã hội [social and sexual symbolic]. Một
nguồn tư liệu ngày càng nhiều và khá đa dạng trong văn học Việt Nam từ thế kỷ
17 đến nay đã cho phép chúng tôi phác họa lại một số mô thức và loại hình chuyển
vị khá phong phú của dục cảm đồng tính, nhưng để tiện dàn bài cho phù hợp với
chuyên đề của tiểu ban, chúng tôi sẽ giới hạn bài chuyên khảo này vào những dẫn
chứng từ và về thời Pháp thuộc (1858-1954), và sẽ chú tâm đến các kết cấu định
hình [constructions] của nhục thể biến dị [deviant body] như là một cứ điểm
[site] để minh thị cho một dục cảm đồng tính bị chuyển vị.
Cho dù nguồn tài liệu y khoa Việt ngữ bàn về các dị thể tính dục [sexual
deviants] hầu hết đều được dịch và phóng tác từ ngoại ngữ trong những buổi đầu
mới xuất hiện, nhưng thỉnh thoảng trong báo chí hoặc tiểu thuyết cũng có nhắc đến
một vài biểu tượng về nhục thể bệnh hoạn vì mang dục cảm biến dị. Tuy dựa trên
một khung truyện đầy dẫy những lời cợt nhả về chuyện ái ân trong một đêm thù tạc
chỉ riêng cho bạn trai với nhau trước ngày tân hôn, truyện ngắn "Thân thể"
trong tập Phấn thông vàng (1939) của Xuân Diệu lại tỏ vẻ ghê ghét
tình dục và thậm chí cả nữ giới một cách lạ kỳ, cả về nội dung lẫn văn phong,
nhất là khi cao điểm của truyện ra tuyên ngôn lên án tất cả mọi hành vi tính
giao, nhất là với đàn bà, và coi đó như là nguyên nhân đưa nam giới vào con đường
sa đọa và bệnh hoạn về cả thể xác lẫn tâm hồn. Còn cụ thể và gớm ghiếc hơn thế
là chân dung của một kẻ "ái nam ái nữ" vừa dị hình dị dạng vừa thiên
nhiên bất túc trong tập phóng sự Vợ lẽ nàng hầu (1943) của Trọng Lang
Trần Tán Cửu. Bị trời đày đọa cho xấu xí như con vật, Cô Thộn, một người
"con gái của nàng hầu", tội nghiệp bị chồng bỏ này không tìm được cả
với đàn ông lẫn đàn bà thỏa mãn cho những ẩn ức tính dục của mình, và chỉ chuốc
lấy sự ghê tởm và sợ hãi nơi những người xem cô ta chẳng hơn gì "một con
cuồng vật, có thể là một con hổ cái nhớ rừng, hay có thể là một con lợn sề gặp
ngày 'nước"' (tr. 59-62).
Tuy họ thường được miêu tả như là thiếu chức năng về mặt tình dục, những người
ái nam ái nữ, hay đúng ra là những người lưỡng tính đồng cụ [hermaphrodites],
không phải là không có dục cảm giới tính, và lắm khi họ còn phải gặp đau khổ vì
không tìm được thỏa mãn cho những cơn khát vọng dục cảm đồng tính. Có thể nêu
ra đây một trường hợp cụ thể trong cuốn tiểu thuyết Khung rêu (1969)
của Nguyễn thị Thụy Vũ. Cậu con trai ái nam ái nữ tên là Chiêu của một ông phủ
đã về hưu kiêm chủ điền trong những ngày tàn của Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc phải
chịu khổ sở vì một dục cảm đồng tính ngày càng tăng đã thu hút cậu ta đến với một
chàng trai bảnh bao lực lưỡng đang ở trọ học trong nhà ông bà phủ. Ấm ức vì gia
đình cứ cố nuôi dạy cậu ta làm con trai, trái với bản năng nữ tính không đè nén
nổi của mình, Chiêu ngấm ngầm hành xử theo dục cảm bản năng của mình như là gái
trong khi vẫn tiếp tục lợi dụng cung cách xã giao với người cùng phái để kết
thân với đối tượng dục cảm của mình. Tuy nhiên cậu ta cũng biết rằng dục cảm của
mình là vô vọng trước sự cạnh tranh ráo riết của một người chị họ, và càng ý thức
được rõ rệt hơn nỗi khổ tâm về sự tật nguyền sinh lý hiển hiện của mình. Tiến
thối lưỡng nan trong sự bế tắc về cả tình dục lẫn xã giao, trong khi gia đình
mình càng ngày càng sa vào hố thẳm của một sự băng hoại đồi trụy, Chiêu quyết định
bỏ nhà ra đi vào chiến khu theo cách mạng với hy vọng có thể chuyển vị và giải
tỏa dục cảm giới tính bị ức chế của mình theo một lối thoát tích cực hơn. Nhưng
một khi đã không tìm được chỗ đứng trong không gian xã hội lẫn không gian tiểu
thuyết thì kết cục của nhân vật bất hạnh này chỉ là cái chết mất tích, nghe đồn
rằng bị Tây bắt và xử bắn ở đâu đó.
Hiện tượng ái nam ái nữ vẫn thường được quy kết cho các thái giám, bất kể là họ
do thiến hoạn hay bẩm sinh. Dù mang thể trạng ái nam ái nữ, các thái giám vẫn
được thừa nhận là có những tình cảm và dục cảm "bình thường như mọi người":
nhất là dục cảm sinh sản khi kết hợp với cảm giác nhạy bén về nỗi cô đơn đã khiến
họ đến với nhau để tìm an ủi và thế chấp cho hạnh phúc gia đình thông thường mà
họ không có được. Dục cảm đồng tính và hành vi đồng tính luyến ái của những
thái giám có sinh thể dị dạng và tính dục biến dị này nói chung, và hiện tượng
"thái giám cưới nhau" nói riêng, dù có được nhìn nhận thì cũng vẫn bị
chuyển vị và bài bác theo lẽ là "đồng cảnh luyến ái". Thế nhưng ngay
cả những vị thái giám năng động về tình dục như vậy cũng không tránh khỏi những
lời chê trách và châm biếm của xã hội, và nhục thể và dục cảm biến dị của họ phải
chịu tác động của các sách lược chuyển vị và quản chế [strategies of
displacement and containment] giới tính. Theo một câu chuyện điển hình, được lập
lại trong tập ký sự về Đời sống cung đình triều Nguyễn (1991) của Tôn
Thất Bình, thì vào ngày thành hôn của hai vị thái giám có vài ông hoàng đã xuất
khẩu thành chương chúc mừng cặp hôn phối này bằng một câu đối chữ Hán. Để lỡm
chủ nhà mua vui, mấy ông hoàng ranh mãnh này đã chơi chữ một cách hết sức vòng
vo và thâm hiểm bằng cách chẳng những đã chuyển ngữ sang chữ Hán mà còn nói lái
đi bản dịch bằng quốc âm. Đã vậy đôi câu chơi chữ lại còn được chuyển vị sang dạng
ngụ ngôn bằng thú vật. Nguyên tác của câu đối thoạt nghe thì có vẻ hiền hậu khi
đọc tiếp ý cho nhau thành "Vị sương tu dịch [làm sương cho sáo]", và
"Dĩ phát tu phùng [lấy tóc mà may]". Nhưng câu nói lái bằng quốc âm
quả là một lời phê phán móc họng bỡn cợt về thể trạng biến dị và biểu thị dục cảm
đồng tính của những vị "thái giám cưới nhau" này, khi câu hỏi hóm hỉnh
"Làm sao cho sướng" được chọi lại bằng câu trả lời xỏ xiên "Lấy
tay mà móc"!
Các căn cước giới tính [gender identities] và hệ hình phái tính nhị phân
[sexual dimorphism] có thể bị vi phạm không chỉ ở mức sinh thái như với các hiện
tượng lưỡng tính đồng cụ và thái giám, nhưng cả ở cấp độ y phục [sartorial
level] trong hiện tượng đảo trang [transvestism]. Trường hợp điển hình tiêu biểu
của sự đảo trang trong văn học Việt Nam hẳn phải là sự tích Quan Âm Thị Kính,
và đây cũng là khuôn mẫu cho một biến tác hiện đại khá lý thú đi đôi với sự đảo
vị giới tính [gender reversal] trong cuốn tiểu thuyết lãng mạn Hồn bướm mơ
tiên (1932) của Khái Hưng. Trên đường đi thăm người bác là sư cụ trụ trì tại
chùa Long Giáng, một cậu học sinh từ Hà Nội tên là Ngọc đã gặp gỡ Lan, một cô
gái trốn gia đình cải nam trang làm chú tiểu tại ngôi chùa, và họ sớm có cảm
tình thân mật với nhau ngay (tr. 23). Bị những linh tính và chi tiết dị đồng
làm cho thắc mắc, Ngọc mỗi lúc càng bạo gan lẳng lơ bóng gió với hy vọng sẽ dụ
ép Lan tiết lộ chân tướng giới tính của mình mà Ngọc vẫn đinh ninh phải là gái
(tr. 10, 32, 45, 66). Ngọc còn bỏ công trêu ghẹo Lan qua bức vẽ theo óc tưởng
tượng ly kỳ của chàng đã biến nàng thành một mỹ nữ theo phong cách tranh truyền
thần của danh họa Nhật Bản Utamaro (tr. 39-40). Tuy vẫn bị thái độ và hành vi dửng
dưng của Lan làm cho hụt hẫng, Ngọc cứ bám víu vào sự thăng hoa [sublimation] cảm
quan đồng tính của mình đã khiến chàng mường tượng ra những ảo ảnh về chú tiểu
kia trong trang phục nhà chùa bỗng hóa thân thành một tuyệt thế giai nhân trong
những mẩu chuyện hoang đường (thậm chí còn là dối trá) đầy mộng mị của mình
(tr. 29-30). Tuy nhiên mối nghi ngờ của Ngọc về chân tướng giới tính của Lan đã
được khẳng định một cách khá bất ngờ khi Ngọc lỡ tay, trong lúc hai người đang
tranh cãi xô đẩy nhau, đã xé bật khuy áo dài áo ngắn của Lan và chàng đã liếc
thấy bộ ngực đàn bà được nàng nịt chặt (tr. 87). Mặc dù theo lẽ thường thì sau
khi lớp ngụy trang đã bị lộ, và khi những động thái chuyển vị qua sự đảo trang
được đình chỉ, thì sẽ không còn ngăn trở gì nữa cho việc minh thị dục cảm giới
tính, dù là dục cảm dị tính chứ không còn là đồng tính, giữa hai người; nhưng
chung cuộc bất ngờ này lại chỉ đem lại sự thất vọng và nuối tiếc thay vì sự thỏa
mãn cho vọng tưởng dục cảm của Ngọc, và chàng lại rầu rĩ tự nhủ: "Đó, cố
tìm cho biết hắn là gái, phỏng có lợi ích gì? Để vậy còn thú chứ thế này thì
không biết chừng ..." (tr. 88). Và như để nhấn mạnh bản chất đồng tính
nguyên ủy của dục cảm của mình, Ngọc còn đối diện và thú nhận với Lan một điều
rất đáng kinh ngạc rằng: "Tôi xin thú thực với ni cô rằng tôi yêu ni cô,
tôi yêu ngay từ lúc còn tưởng ni cô là trai" (tr. 90). Và sau đó điều lý
thú hơn nữa là chàng lại van xin nàng hãy thăng hoa tình yêu của họ lên một
bình diện tinh thần mà thôi (tr. 111-112).
Trái lại, có một câu chuyện đáng ngạc nhiên về việc đảo trang đùa giỡn nhau được
nhà thơ Quách Tấn kể lại trong tập hồi ký Đôi nét về Hàn Mặc Tử (1962),
một bạn thơ tri kỷ đã cùng ông san sẻ một quan hệ thân thiết về tình cảm, nếu
không phải là nhục dục (vì Hàn Mặc Tử sau này bị bệnh phong hủi). Trong một buổi
đi chơi với nhau khi Hàn Mặc Tử vào thăm Nha Trang, Quách Tấn đã âu yếm vuốt
mái tóc Tử, nói đùa rằng: "Phải chi Trí [tên riêng của Hàn Mặc Tử] là giai
nhân!" Hàn Mặc Tử chỉ "cười ranh mãnh" mà không đáp. Sau khi trở
về Quy Nhơn, chàng gửi vào cho Quách Tấn "một tấm ảnh một thiếu nữ bỏ tóc
xỏa [ct] trông khá xinh": không phải ai khác hơn là chính Hàn Mặc Tử giả
gái! Nhưng vì tấm ảnh chụp khéo quá nên Quách Tấn vui vẻ nhớ lại rằng: "Tử
cải trang khéo quá, khéo đến nỗi, nếu không có mấy câu kèm theo đó, tôi cũng
khó nhận được dễ dàng." Ly kỳ nhất lại là mấy câu Hàn Mặc Tử viết kèm,
nghe rất khiêu khích và sặc mùi lả lơi của dục cảm đồng tính: " Ước giai
nhân, thì giai nhân của Tấn đó. Lòng ước mơ có thỏa tình ước mơ?" (tr. 34)
Tuy nhiên điều quan trọng cần chú ý ở đây là sự nhìn nhận một cách bỡn cợt
nhưng âu yếm một yếu tố rõ ràng có mang dục cảm đồng tính trong quan hệ của đôi
bạn tri âm tri kỷ này lại xảy ra trong phạm trù bị chuyển vị của một tấm ảnh biểu
thị cho một sự thỏa mãn đồng lõa về một dục cảm đồng tính được hai bên thừa hiểu.
Tuy tập hồi ký di cảo "Tình trong ngục tối" (1950) của Trần Huy Liệu,
một nhà cách mạng lão thành, đã được trích dẫn làm bằng chứng cho sự úy kỵ về
khía cạnh tình dục trong phép viết sử của những người Cộng Sản Việt Nam
(Zinoman, tr. 262), dẫn chứng này cũng rất đáng được xét lại theo hiện tượng
chuyển vị đa dạng của dục cảm đồng tính hướng về một đối tượng nhục thể đảo
trang. May mắn thay, ta có thể tìm ra thêm những mẩu chuyện hậu thuẫn chi tiết
hơn về việc này trong tập tiểu thuyết phóng sự dưới dạng thư tín mang tựa đề Thư
Côn Lôn (1937) của Nguyễn Đức Chính. Mặc dù đã tự chuyển vị và lên án dục
cảm đồng tính của mình như là những tình cảm tiểu tư sản, Trần Huy Liệu vẫn thú
nhận rằng đã có lần say mê một đồng chí cùng bị giam tên là Thọ ("anh
T") mà ông đã từng xem thủ vai gái làng chơi trong một buổi diễn kịch
trong nhà tù Côn Đảo. Điểm lý thú là các vở kịch được diễn trong tù này đều là
những bản dịch hay phóng tác Việt ngữ của các danh tác Pháp như "Người bệnh
tưởng" [Le malade imaginaire], "Những trò xỏ lá của Scapin" [Les
fourberies de Scapin] và "Lão hà tiện" [L'avare], của Molière, và
"Trà hoa nữ" [La dame aux camélias] của Alexandre Dumas người con.
Khi kể về các màn văn nghệ trong tù nhân dịp lễ Quốc khánh Pháp năm 1935, Nguyễn
Đức Chính đã không quên đem lời trêu chọc Trần Huy Liệu về đối tượng dục cảm đồng
tính chung của họ:
Ngoài buổi kịch tây, anh em còn tổ chức một buổi hát cải lương.
Diễn tích "Tơ vương đến thác" phỏng theo tiểu thuyết La dame aux
camélias. Trong đó có một cảnh nhà điếm, chị em với khách chơi ôm nhau nhẩy đầm.
Mình mà biết trước rằng Thọ đóng gái điếm thì mình cũng làm một vai công tử cho
xong: để được ôm cái người mà năm xưa ai đã đưa thư, lại ai nữa đã nói đùa:
"Nếu trong banh [phiên âm tiếng Pháp của chữ "bagne" = trại giam]
có vườn hoa, tôi xin hy sinh mấy ngày hầm ngắt một bông để tặng cô" . . .
(tr. 30)
Điều đáng chú ý là dục cảm đồng tính này đã bị chuyển vị nhiều
lần, trước hết là đến một nhà tù trên một cô đảo xa xôi, kế đó là vào một nhục
thể đảo trang, và sau nữa là đến một ảo vọng về một không gian mơ mộng chỉ hiện
hữu trong trí tưởng tượng mà thôi. Nhưng trường hợp này có thể tạm lý giải là
do hoàn cảnh bó buộc khi thiếu đàn bà thật, một mặt để làm đối tượng cho dục vọng,
và mặt khác để thủ vai nữ trong các buổi diễn kịch trong tù. Bằng không thì
khác với hí kịch Trung Quốc, hiện tượng vượt rào giới tính [gender crossing] rất
hiếm khi xẩy ra trên sân khấu truyền thống Việt Nam, đặc biệt là để cho diễn
viên nam thủ vai nữ.
Tuy nhiên thói lên đồng trong tín ngưỡng dân gian lại thể hiện tính sân khấu rất
đậm và thường xuyên có sự đảo trang và vượt rào giới tính. Theo tiếng nhạc và
câu hát chầu văn trước điện thờ, người đồng cốt ngồi nhập vai tuần tự theo thứ
bậc các vị thần thánh trong tín ngưỡng dân gian từ các Thánh Mẫu đến các Quan Lớn,
các ông Hoàng, các Chầu bà, các cô Công Chúa và các cậu Hoàng, lần lượt giáng hạ
rất ngoạn mục qua một loạt các hiện thân sống động với đầy đủ trang phục và vũ
điệu được phân định cụ thể đúng theo giới tính và vai trò của từng vị (Durand
1959). Bằng những lời khấn vái và nịnh nọt, thậm chí đôi lúc còn là tán tỉnh,
các tín đồ xung quanh chủ động tương tác để xin lợi lộc cả vật chất lẫn tinh thần
ở nơi những vị thần thánh khác nhau đang nhập đồng. Mặc dù một người đồng cốt
có thể nhập vai một loạt các vị thần thánh trong buổi hầu đồng, mỗi người bọn họ
đều xác định cho mình một căn cước tâm linh ngõ hầu chăm vun cho “căn đồng”
theo thiên hướng đặc biệt của vị thánh quan thầy mà lắm khi tính cách riêng được
thể hiện không ngừng tận ra đến ngoài đời. Đặc biệt “bốc đồng” là những căn đồng
vượt rào giới tính của các “đồng cô” và các “bóng cậu”. Suy rộng ra thì những
danh xưng như “đồng cô” và “bóng” đã trở thành tiếng lóng miệt thị những người
đảo trang và ngầm hiểu là đồng tính trong tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên danh
xưng “bóng” (chỉ hình bóng phản chiếu trong gương của vị thánh đang nhập đồng)
đã được cải biến đôi chút từ nghĩa gốc “bóng cậu” để chỉ các bà đồng cải nam
trang theo căn các các cậu Hoàng, thành tiếng lóng đại trà để chỉ những người đồng
tính nam ẻo lả, viết tắt từ “bóng lại cái” là một biến thức mang đặc thù giới
tính rõ rệt hơn.
Sang đến đầu thế kỷ 20 thì những khái niệm về sự tiến bộ của Tây phương đã khiến
cho nhiều người Việt khinh miệt thói lên đồng như là một hiện thân trơ tráo của
sự thô tục, mê tín và lạc hậu. Theo đà phát triển của thể loại tiểu thuyết
phóng sự là phương tiện phê phán xã hội, hủ tục này đã bị châm biếm không
thương tiếc bởi Lộng Chương trong cuốn tiểu thuyết trào phúng Hầu thánh xuất
bản năm 1942. Xung quanh câu chuyện tan cửa nát nhà của bà Hàn Sính, tác giả đã
cung cấp rất nhiều chi tiết đặc sắc về “cái xã hội đồng bóng với những nhúm người
dở dại dở điên”. Đặc biệt đáng lưu ý là những dẫn chứng về hiện tượng “vui vầy
đôi lứa” (hay “nôm na mà nói [là] ... kết nghĩa vợ chồng”) cùng giới của những
người đồng cốt “kết căn” với nhau. Trường hợp điển hình là bà giáo Đào, một góa
phụ đã rời bỏ gia đình và con cái để “tìm sự ve vuốt âu yếm của một cái tình
yêu kỳ dị với một người đàn bà khác”, bất chấp cả “những sự dằn vặt ghen tuông,
có khi cả sự hành hạ” của người “chồng cái” là bà đồng Châu. Phải chăng việc “kết
căn” nơi cửa thánh để “sánh đôi cho hai cõi lòng đỡ lạnh” với một người bạn đồng
cùng giới là một giải pháp tâm sinh lý để người góa phụ này có thể “tự ý chiều
cái thắc thỏm của lòng bà” khi xã hội không cho phép tái giá (ch. 7)? Một đôi lứa
“kết căn” bất hạnh hơn là bà Năm Khách và người quản gia là bà Hai, một kẻ lừa
lọc đã lợi dụng tình cảm và lòng tin của người góa phụ nhẹ dạ để ăn cắp tiền
(ch. 11). Mỉa mai thay, cái thế giới đồng bóng do phụ nữ chiếm đa số trong cuốn
tiểu thuyết này lại dành những lời phán xét nghiệt ngã nhất cho giới đồng nam,
“cái bọn đàn ông õng à õng ẹo, cũng múa may quay cuồng, cũng kết căn làm ‘vợ’
làm ‘chồng’, cũng ghen tuông và có khi lại ăn mặc làm đàn bà”: bởi lẽ “chúng nó
chỉ lấy nê thần thánh để lừa thiên hạ” (ch. 20, 7).
Trong các trường hợp cải trang được bàn đến ở trên, dục cảm đồng tính đã bị
chuyển vị sang một mô hình phái tính nhị phân tương hỗ [complimentary binarism]
của dục cảm dị tính [heteroerotic desire], trong đó vai trò giới tính đối lập
được tích xạ [projected] vào một trong hai thành viên có tương quan dục cảm đồng
tính, cho dù họ ở cương vị của chủ thể mang dục cảm hay khách thể chịu tác động
của dục cảm. Một mô thức khái quát hơn của sự chuyển vị xuyên giới tính
[transgendered displacement] của dục cảm đồng tính cũng có thể được nhận diện một
cách tương tự qua một thể loại hí lộng [role-playing] và tạo tác/kết định căn
cước [identity formation/attribution] không lệ thuộc vào bình diện y phục của sự
đảo trang. Hãy xem hiện tượng "tranh vợ" hãi hùng nơi trường lớp thuở
ấu thơ mà Tô Hoài đã kể lại trong tập hồi ký Cát bụi chân ai (1991):
Nhớ những tình yêu con trai với nhau, ở trong làng và ở lớp,
khi mới lớn. Học lớp nhất trường Yên Phụ, nói vỡ tiếng ồ ồ, mặt xùi trứng cá,
chúng nó cứ bảo tôi là con gái. Nhiều thằng cặp đôi với tôi, đòi làm vợ chồng.
Có hôm chúng nó tranh vợ đánh nhau lung tung. Có đứa xô vào ôm chặt, sờ soạng
toạc cả đũng quần tôi. Nhiều hôm đi học không dám đến sân trường sớm. Phải lần
vào trong ngõ Trúc Lạc, nghe trống mới chạy ù đến sắp hàng vào lớp (tr. 176).
Trái lại, có một trường hợp lý thú khác đáng lưu ý là sự chuyển
vị dục cảm dị tính theo một lối thoát đồng tính, theo lời kể của nhà văn miệt
vườn Hồ Trường An (là người đồng tính công khai) trong tập hồi ký Cõi ký ức
trăng xanh (1991). Một cậu bạn trai thuở thiếu thời tên là Khương Hữu Vi
(sau này tập kết ra Bắc và mang quân hàm thượng tá) đã yêu trộm nhớ thầm người
chị của Hồ Trường An (là nhà văn nữ Nguyễn thị Thụy Vũ) nhưng lại trút những dục
cảm bị ức chế vào bạn mình!
Trong một lần đi tắm, chỉ có nó và tôi vùng vẫy dưới nước, nó
ôm tôi thật chặt, nói như khóc: Mầy giống chị mầy quá! Nó hôn tôi khắp mặt mũi,
nước mắt nóng hổi chảy chan hòa khắp mặt tôi. Tôi chạnh lòng xô nhẹ nó ra, bảo:
Kỳ thấy mồ hà! Sau đó nó năn nỉ tôi đừng học lại cho chị tôi biết (tr. 23).
Khác với sự hí lộng và vượt rào giới tính mang tính tâm thần
phân liệt được thể hiện qua hiện tượng lên đồng (khi một cá nhân nhập vai nhiều
người khác), dục cảm đồng tính còn có thể được chuyển vị và do đó được quản chế
bằng sự tích xạ mang tính tự luyến [narcissistic projection] của một Bản ngã
[Self] vào một Phi ngã vô thực [disembodied Other]. Từ một dạng tiềm tàng trong
bài thơ tự kỷ [solipsistic] "Nói chuyện với bóng" (1925) của Tản Đà,
khả năng này đã được Xuân Diệu triển khai đến cao độ trong một chuỗi các bài
thơ và văn xuôi than van về tuổi trẻ sớm tàn phai nghe rất nặng tính tự luyến ấu
dâm [pederastic narciscism]. Thí dụ điển hình sinh động nhất về loại này có lẽ
là bài văn xuôi trữ tình "Giã từ tuổi nhỏ" trong tập tạp văn Trường
ca (1944), trong đó nhà thơ đắm chìm trong ảo tưởng về một cuộc gặp gỡ ban
đêm nặng nề dục cảm với chính tuổi thơ của mình.
Tất nhiên là hiện tượng tự luyến không phải là trường hợp duy nhất khi dục cảm
đồng tính được chuyển vị sang những mẩu vụn vô thực mang tính chất mộng mị
[oneiric] và ma quái [spectral] của trí tưởng tượng bất kể đến mối tương quan
thăng hoa giữa chúng và hiện thực cuộc sống. Chẳng hạn như người bạn đời của
Xuân Diệu là nhà thơ Huy Cận đã kết tinh [crystalize] ký ức về dục cảm đồng
tính thuở học trò của mình trong bài thơ "Ngủ chung" trong tập Lửa
thiêng (1940) bằng cách thăng hoa nó lên một bình diện ma quái đầy dẫy những
"cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc/ trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang". Và
trong "đêm dày ướt rượi khí tha ma" khi họ bị đầy ải ra ngoài vòng
nhân thế thì những hồn ma bị chuyển vị này bâng khuâng nhớ về một quá khứ đã mất
hẳn khi những "tấm thân xương" thuở nào của họ đã từng hưởng lạc thú
của "ân ái xưa kia kiếp ngủ giường" khi còn có "tay choàng làm gối
ấm" trong những "giấc trần gian" với "nệm là hơi thở, da
chăn ấm" và "xương cọ vào xương bớt nỗi hàn".
Ta còn có thể tìm được một dẫn chứng còn đáng kinh ngạc hơn thế cho phương thức
chuyển vị thành ma quái [spectral displacement] này trong mẩu ký sự của Tô Hoài
về những kỷ niệm gặp gỡ đồng tính luyến ái với Xuân Diệu trong rừng thẳm Tây Bắc
trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-54). Nhưng dục cảm đồng tính xác thịt
[corporeal] này lại mãnh liệt đến nỗi không thể hoàn toàn chuyển vị và quản chế
được theo phạm trù ảo giác ma quái [spectral hallucination]. Và điều lý thú
đáng lưu ý là mẩu chuyện này, trích từ tập hồi ký Cát bụi chân ai (1991)
của Tô Hoài, cũng như di cảo hồi ký trong tù của Trần Huy Liệu, chỉ có thể được
công bố trong hoàn cảnh tư duy cởi mở hơn của những năm "Đổi Mới" gần
đây, và sau khi một số các nhân vật trong chuyện đã từ trần ít lâu (chẳng hạn
như Xuân Diệu đã mất từ năm 1985). Một số chi tiết táo tợn (có thể gần như là
mang tính khiêu dâm) của mẩu ký sự rất đỗi bộc trực này thật đáng được trích dẫn
dài đoạn ở đây:
Giọt gianh lách tách mái nứa gọi đêm về ma quái, rùng rợn,
say đắm. Bàn tay ma ở đâu sờ vào. Không phải. Tay người, bàn tay người đầy đặn,
ấm ấm. Hai bàn tay mềm mại xoa lên mặt lên cổ rồi xuống dần, xuống dần khắp
mình trần truồng trong mảnh chăn dạ. Bóng tối bập bùng lên như ngọn lửa đen
không có ánh, cái lạnh đêm mưa rừng ấm lên. Chẳng còn biết đương ở đâu, mình là
ai, ta là ai, hai cơ thể con người quằn quại, quấn quít, cánh tay, cặp đùi thừng
chão trói nhau lại, thít lại, dằng ra. Niềm hoan lạc trong tôi vỡ ra, dữ dội
lên, dằn ngửa cái xác thịt kia.
Rồi như chiêm bao, tôi ngã ra, thống khoái. Im lặng. Nghe mưa rơi xuống tàu lá
chuối trong đêm và cái mệt dịu dàng trong mình. Giữa lúc ấy, hai bàn tay mềm
như lụa lại vuốt lên mặt. Làn môi và hơi thở nóng như than bò vào mắt, xuống
vú, xuống rốn, xuống bẹn ... Cơn sướng lại cồn lên cho đến lúc ngã cả ra, rúc
vào nhau. Rồi bàn tay dịu dàng lại vuốt lên mặt. Lần này thì tôi lừ lả, tôi
nhuôi ra rên ư ử, như con điếm mê tơi không nhớ nổi người thứ mấy, thứ mấy nữa.
Trời rạng sáng. Xuân Diệu trở về màn mình lúc nào không biết. Tôi hé mắt nhớ lại
những hứng thú khủng khiếp. Những cảm giác nồng nàn kích thích trong bóng tối
đã trơ ra khi sáng bạch. Tôi chạy xuống cánh đồng giữa mưa.
Nhưng đêm mai lại vào cuộc kịch liệt hơn. Trong đêm quái quỉ lại thấy mình
không phải mình mọi khi, cũng không biết rồi trời lại sáng. Cho đến khi thật thấy
rạng sáng mới thấy rởn rợn (tr. 177-178).
Một hình thức khác cũng đáng lưu ý là sự chuyển vị theo chủng
tộc [racial displacement]. Vì hoàn cảnh đặc thù của chế độ thực dân, sự chuyển
vị dục cảm đồng tính sang những nhục thể dị chủng lại được diễn tiến chủ yếu là
trên bình diện tác nhân bị hoán đảo [reversed agency] thay vì đối tượng khách
thể được chọn lựa [object choice]. Trái với những dẫn chứng cập nhật hơn, các
biểu tượng từ và về thời Pháp thuộc của hiện tượng chuyển vị theo chủng tộc hầu
như không bao giờ đặt người Việt bản xứ trong cương vị của chủ thể mang dục cảm
mà lại chỉ là đối tượng khách thể được các chủ nhân ông dị chủng chọn lựa. Thực
quả là như vậy, không chỉ trong trường hợp dân Tây chơi bao "nhà thổ đực"
Việt Nam được nhắc qua trong tập phóng sự bốn phần về Hà Nội lầm than (1938)
của Trọng Lang, nhưng còn trắng trợn hơn nữa trong các trường hợp cưỡng dâm, dù
là một tên cai Tây say rượu hiếp dâm một phu xe kéo người Việt được Tô Hoài kể
lại trong tập ký sự Chuyện cũ Hà Nội (1986), hay những tên lính lê
dương "rạch mặt" đi càn quét trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi
chúng sẵn sàng cưỡng hiếp bất cứ ai hay vật gì: "đàn ông, đàn bà, bà già,
con nít, tuốt tuột . . . ," và thậm chí khi đã hết cả người và bò cái để
đem ra làm "nhà thổ bò" thì chúng còn "soay [ct] ra hiếp cả chó,
cả gà vịt, và cả những cây chuối nữa" (tr. 41-42, 49), như Trọng Lang đã kể
lại trong một tập phóng sự khác với nhan đề Những người điên thời đại (1964)!
Quả thật vậy, chuyện dục cảm biến dị được chuyển vị sang thú vật và vật thể
không phải là lạ thường, và trong trường hợp dục cảm đồng tính thì phương thức
chuyển vị này có thể xảy ra theo dạng tượng trưng [allegorization] hay biến thể
[transmogrification]. Trong tác phẩm tiên phong Giản yếu Hán Việt tự điển (1931),
soạn giả Đào Duy Anh đã nhấn mạnh một cách sinh động ngữ nghĩa thú vật [bestial
cognate] của từ "kê gian" mà ông ta chú giải là: "Con trai với
con trai, hoặc với con gái gian dâm nhau nơi lỗ đít như gà, thói ấy rất lưu
hành ở các nước văn minh." Trong một phụ chú có đánh ngoặc ở cuối mục, ông
ta còn đưa ra ngữ nghĩa tương đương bằng tiếng Pháp là "sodomie"
(1:470). Dĩ nhiên, "kê gian" (hay "jijian" theo cách phát
âm quan thoại) có nghĩa cụ thể là "gian dâm như gà" và đã lưu hành từ
rất lâu (có lẽ từ đời Đường bên Trung Quốc (Hinsch, tr. 88-89) là từ cổ nói
chung để chỉ sự "giao hợp nơi hậu môn" (không kể đến một biến nghĩa,
được lưu hành rộng rãi hơn ở phương Tây, là "thú dâm"), là đặc thù chủ
yếu, nhưng không tuyệt đối, của hành vi đồng tính luyến ái. Lời chú giải của
Đào Duy Anh quả là một thí dụ độc nhất vô nhị trong toàn bộ thư tịch từ điển Việt
Nam về chữ này, không chỉ lý thú vì nó ưu tiên đưa đồng tính luyến ái lên hàng
đầu cho định nghĩa, cũng không vì sự chuyển vị thông thường của dục cảm đồng
tính này sang một hiện tượng tương đồng trong thiên nhiên dựa trên hành vi tính
giao của gà vịt, nhưng vì câu phụ chú có vẻ hơi thừa thãi được gán ghép vào cuối
lời chú giải như là một suy nghĩ rơi vãi: "thói ấy rất lưu hành ở các nước
văn minh". Và kết quả là động lực toàn thể của dục cảm và hành vi đồng
tính hiển hiện trong từ Hán Việt "kê gian" ở đây (khác với tiền thân
chữ Hán của nó là "jijian") đã được chuyển vị ra khỏi bối cảnh xã hội
và văn hóa Việt Nam.
Tương tự như vậy, sự chuyển vị của dục cảm đồng tính có thể được chuyển đạt một
cách trừu tượng hơn qua dạng tượng trưng hay biến thể thành thú vật của nhục thể
biến dị. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng mượn lời "con chim non đến từ núi lạ"
đem tâm tình dễ bị ngộ nhận và hắt hủi của mình hót tặng các chàng trai và cô
gái trong bài thơ "Lời thơ vào tập Gửi hương [cho gió]" (1944).
Trong một dịp khác, Xuân Diệu còn chiếm hữu lấy nhục thể và ngôn từ của những
con vật cùng khốn như bọn "Chó mèo hoang" trong tập truyện ngắn Phấn
thông vàng (1939) để làm xuất phát điểm cho một lời kêu cầu khẩn thiết đòi
công lý cho những người mang tính dục biến dị như ông ta khi họ vẫn khó tìm được
sự yên ổn và an ủi lẫn nhau cho dù đã phải chui rúc lại như những con vật bị
khai trừ ra khỏi không gian xã hội quy phạm của nhân sinh:
Trong đôi giờ, chúng được quên rằng chúng là
"hoang". Cả năm sáu con ngửi lông nhau, liếm mặt nhau. Một con theo
đuôi một con, khác chi một người theo chân một người để xin tình ái. Chúng đứng
hai con với nhau; sau khi đã mơn lẫn nhau rồi, hai bên ngó ngẩn hai đường, mỗi
đằng một ý riêng . . . Họ không kể đến xã hội loài người; còn giữa bọn họ với
nhau, thì họ không biết mắc cỡ. Họ rất tự nhiên. Bởi thế mới bị người ta đến
quăng đá, ném đất cho, khuấy phá, làm rầy, phạm vào tự do của họ. Bảo họ vào giữa
sa mạc mà yêu nhau hay sao? (tr. 104-105)
Như chúng tôi hy vọng đã có thể minh họa được ra ở trên, cho
dù còn rất sơ sài, hiện tượng chuyển vị là một mô thức phổ cập thường tái diễn,
và được dùng một cách hữu hiệu để quản chế [contain] tiềm năng kháng phá
[subversive potential] của dục cảm đồng tính trong văn chương Việt Nam. Mô thức
này có vẻ hữu hiệu, không chỉ cho thời Pháp thuộc được xét đến trong khuôn khổ
của bài chuyên luận này, nhưng còn suốt trong một khoảng thời gian bao quát
hơn, ít ra là từ thế kỷ 17 cho đến ngày nay, theo ước lượng sơ bộ của chúng
tôi. Động lực kháng phá của dục cảm đồng tính trong một phạm trù kinh tế tình dục
[libidinal economy] của sự quy phạm dị tính [heterosexist normativity] dựa trên
một hệ hình giới tính nhị phân được quản chế một cách hữu hiệu qua sự tán xạ của
biểu tượng [representational diffusion] đến những phạm trù "sai vị
trí" của sự mập mờ về không gian và thời gian [spatial and temporal
liminality], sự vô năng của ngôn ngữ [linguistic incapacity], sự so le của ký tự
[semiotic disparity], và sự bất đồng của văn hóa [cultural incongruity], nói
cách khác, là đến những không gian ngữ thoại bị chuyển vị của sự biên thiểu
[marginality], thinh lặng [silence], hoang mang [confusion], và Dị biệt
[Otherness]. Nhưng chính những động thái chuyển vị này khi hoạt động trên nhiều
bình diện và qua nhiều phương thức khác nhau đã đem lại điều kiện khả thi để
minh thị, và có lẽ còn quan trọng hơn là để tái lập và tái minh thị, những trường
hợp hiện hữu của dục cảm đồng tính mà lẽ ra sẽ không có chỗ đứng trong không
gian ngữ thoại của hệ hình biểu tượng giới tính quy phạm. Qua khái niệm chuyển
vị theo dạng tương quan [relational] và phi kết yếu [non-essentializing], chúng
tôi hy vọng là đã triển khai được một sách lược đọc văn bản [strategy of
reading] có khả năng giao tiếp [engage] với những không gian của sự vắng mặt
[spaces of absence] và khoảnh khắc của sự thinh lặng [moments of silence] như
là những cứ điểm có tầm chiến lược [strategic sites], những cứ điểm bị chuyển vị,
trong một không gian ngữ thoại được định vị theo văn bản [textually-mapped
discursive space]. Qua việc khảo sát các hiện trạng và động thái thay vì thực tại
đơn thuần của sự chuyển vị dục cảm, có lẽ ta vẫn có thể đạt đến những tri thức
tích cực, không hẳn phải là những chứng cứ mang tính chất tài liệu [documentary
evidence] cho sự hiện hữu hay sự thiếu vắng hay thậm chí sự bất khả tưởng định
[inconceivability] của hành vi tính dục trên thực tế, nhưng là các khả năng biểu
tượng [representational possibilities] có thể tham gia vào những định hình tiềm
tàng ý nghĩa [potentially meaningful configurations] trong hệ biểu tượng giới
tính và văn hóa [sexual and social symbolic]. Tương tự như vậy, bằng cách đặt tụ
điểm [focus] vào nhục thể biến dị trong trường hợp này như là cứ điểm [site]
cho việc minh thị dục cảm đồng tính bị chuyển vị chúng tôi hy vọng đã tìm ra được
một xuất phát điểm hữu dụng để thâm nhập vào dự án lớn lao hơn đó là công cuộc
thám sát tư chất và vị trí của dục cảm đồng tính trong văn chương và văn hóa Việt
Nam, đồng thời định vị dục cảm này trong một cuộc đối thoại bổ ích với một mặt
là Đông phương học và mặt khác là Đồng tính học.
Chúng tôi đã bắt đầu bài chuyên khảo bằng cách trích dẫn những câu mở đầu của
bài thơ "Tình trai" của Xuân Diệu để làm nổi bật lên sự chuyển vị của
dục cảm đồng tính sang phạm trù Dị biệt xã hội và văn hóa [social and cultural
Otherness]. Và sau khi đã thám sát một loạt các dẫn chứng đa dạng về các động
thái này, có lẽ đây cũng là dịp thích đáng sau khi đi hết một vòng để chúng tôi
kết thúc bài chuyên khảo với những câu kết bất hủ của chính bài thơ này. Nếu
như hai nhà thơ Pháp "Rimbaud và Verlaine" đã được tưởng niệm và ca
ngợi vì họ đã "khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen" để đón nhận một quan
hệ đồng tính đối kháng với khuôn sáo quy phạm trong đời sống xã hội và tình dục
của nhân gian [normative human socio-libidinal existence], thì ly kỳ thay, họ
đã khích lệ cho một sự minh thị hùng hồn, tuy rằng vẫn bị chuyển vị, cho dục cảm
đồng tính trong văn chương Việt Nam hiện đại.
Những bước song song xéo dặm trường,
đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương,
họ đi, tay yếu trong tay mạnh,
nghe hát ân tình giữa gió sương.
Kể chi chuyện trước với ngày sau;
quên ngó môi son với áo màu;
thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả, họ yêu nhau.
(*) Tham luận tại:
Hội nghị thường niên thứ 49 của Hiệp hội Á Châu học Hoa Kỳ [AAS] (Chicago 1997)
Tiểu ban 103: "Kiến tạo nhục thể Đông Dương"
[Constructing the Indochinese Body] ngày 15 tháng 3 năm 1997
Hội thảo thường niên thứ 7 về Đồng tính học ở bậc Cao học (Trung tâm nghiên cứu về đồng tính học nam và nữ [CLAGS] - Trung tâm cao học của trường Đại học Thành phố New York [GCCUNY] 1997)
Tiểu ban về "Các phạm trù địa lý đồng tính" [Queer Geographies] ngày 5 tháng 4 năm 1997
Bản thảo: Xin đừng lưu hành nếu chưa có sự đồng ý của tác giả; ghi chú: nguyên
tác Anh ngữ, một bản lược dịch với khá nhiều lỗi kỹ thuật đã được đăng trên tập
san Hợp Lưu số 46 [8-9/1998], tr. 41-53) Nguyễn Quốc Vinh - Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Á Đông, Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ).
1/11/1990 Nguyễn Quốc Vinh
1/11/1990
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét