Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

XXXVài trao đổi xoay quanh bài viết "Những tác động của hội nhập và toàn cầu hóa xét ở góc độ kinh tế - chính trị"

Vài trao đổi xoay quanh bài viết
"Những tác động của hội nhập và
toàn cầu hóa xét ở góc độ kinh tế - chính trị"

Nhân đọc bài Những tác động của hội nhập và toàn cầu hóa xét ở góc độ kinh tế-chính trị của tác giả Nguyễn Thục Nhi, tôi có đôi điều muốn trao đổi cùng tác giả.
Cách đặt vấn đề của tác giả gợi cho người đọc những suy ngẫm, những hi vọng. Tại sao lại nói như thế? Tại vì, toàn cầu hóa thực sự đã mang lại những trăn trở, những suy tư, thậm chí cả những tâm trạng “lo sợ” của một tầng lớp người đã quá phụ thuộc vào nền kinh tế quốc doanh, quá tin vào cơ cấu của nến kinh tế quan liêu, tập trung bao cấp. Chính vì thế, khi có người đưa ra một cách kiến giải hợp lí thì tâm tạng của “những người trong cuộc” cứ như “nắng hạn gặp mưa rào”.
Thế nhưng, cuối cùng chúng tôi đã thất vọng. Thất vọng không phải vì cách đặt vấn đề của tác giả mà thất vọng vì cách giải quyết vấn đề của tác giả.
Xin được dẫn lại lời của tác giả, tôi xin mạn phép chỉ tập trung vào đoạn sau:
Giai cấp nông dân-lực lượng chính trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, trong thời kinh tế thị trường chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Giai cấp công nhân đa phần gắn chặt với khu vực kinh tế tư nhân nội địa cũng như ngoại quốc, và xa rời dần tầm ảnh hưởng của hệ tư tưởng chính thống. Họ dần ý thức được rằng vai trò lịch sử mà Marx đặt lên vai họ là một sự nhầm lẫn tai hại.
Trước hết, xin chỉ ra những điểm không ổn trong cách suy ngẫm này của tác giả:
Tại sao giai cấp nông dân trong thời kinh tế thị trường lại chịu nhiều thiệt thòi hơn cả?
Tại sao khi gắn chặt với khu vực kinh tế tư nhân, giai cấp nông dân lại xa rời với hệ tư tưởng chính thống?
Thế nào là “chính thống”?
Marx đã đặt vai trò lịch sử gì lên vai người công nhân-nông dân? Thực chất vấn đề ấy là gì?
Xin thưa rằng, với cơ cấu kinh tế thị trường, người nông dân và tất cả những tầng lớp [1] khác trong xã hội đều được hưởng lợi, đều được tốt hơn chứ không thể nào “thiệt thòi” như tác giả suy nghĩ. Thực tiễn của cuộc sống chứng minh hùng hồn cho nhận định trên. Tại sao? Tại vì khi tiếp xúc với cơ cấu kinh tế năng động, người lao động buộc phải thay đổi cho phù hợp. Chính vì thế không chỉ năng suất lao động tăng lên mà cả trí tuệ của người lao động cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bởi vì để thích ứng với một yêu cầu, chỉ có năng lực thực sự mới bảo đảm được phúc lợi kèm theo; và cũng chỉ có cạnh tranh mới là điều kiện của sự phát triển. Ở đây, người đọc sẽ cảm nhận ngay tác giả Nguyễn Thục Nhi đối lập kinh tế thị trường với người nông dân. Đây là một suy nghĩ lầm lẫn tai hại. Xin đưa ra một minh chứng, nếu không chấp nhận kinh tế thị trường, nếu không có “khoán 10” chắc giờ này chúng ta phải “vác mặt” đi qua Cuba, Trung Quốc, Lào… để xin viện trợ lương thực chứ không nằm trong tốp đầu của thế giới về xuất khẩu lương thực.
Vấn đề thứ hai cũng tương tự. Bởi vì xuất phát từ cái nhìn đối lập, tác giả cho rằng người công nhân sẽ trở nên “thê thảm” hơn với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Từ đó, vì “đói ăn” nên họ mất dần lí tưởng, tư tưởng. Đây chính là một sự nhận thức lệch lạc đáng trách. Lệch lạc ở chỗ, người công nhân không phải cứ gắn với cơ cấu kinh tế tư nhân là xấu. Xin thưa rằng, chính kinh tế tư nhân đang là động lực phát triển của bất cứ nền kinh tế nào. Việt Nam không phải là trường hợp ngọai lệ. Bởi vì kinh tế thị trường là một thành tựu của nhân loại chứ không là “tài sản” riêng của chủ nghĩa tư bản. Chính thế, đừng bao giờ lấy cái thiển cận mà đo cái kì vĩ, lấy giới hạn mà nói về vô hạn (đặc biệt là khi ta chả hiểu gì về giới hạn cũng như vô hạn).
Về vấn đề chính thống. Đây là cách hiểu ấu trĩ của một bộ phận người tự cô lập mình trong quá trình tìm hiểu triết học nói riêng, và tư tưởng nói chung. Làm gì có cái gọi là chính thống? Và tương tự như thế, cũng làm gì có cái phi chính thống? Có lần K. Popper đã từng nói: một hệ tư tưởng chỉ có giá trị khi trong nó ẩn chứa khả năng sai lầm. Không có một thứ triết học, một hệ tư tưởng đúng cho mọi trường hợp, do vậy, cái gọi là chính thống là một sự lấp liếm, đánh tráo khái niệm và ngô nghê.
Cuối cùng Marx đặt vai trò gì lên người nông dân-công nhân? Thực chất vấn đề ấy là gì? Tác giả lại dẫn đến một vấn đề “vĩ mô” mà mình chưa kịp hiểu. Xin thưa rằng, Marx đặt sứ mệnh lịch sử cho giai cấp công nhân-nông dân là làm nên cuộc cách mạng, bẻ gãy ách áp bức bóc lột của tư bản để giành lại quyền làm người của mình chứ không phải là để “căm ghét”, xa rời nền kinh tế tư nhân (cái mà nhiều người cứ nghĩ nó gắn chặt với chủ nghỉa tư bản). Vậy thì, nói việc Marx đưa ra ý tưởng sai lầm khi đặt sứ mệnh lịch sử cho giai cấp công nhân-nông dân không chỉ là một sự xuyên tạc mà còn thể hiện sự ngây ngô trong tư duy. Thưa tác giả Nguyễn Thục Nhi, nếu muốn phê phán một tư tưởng nào đó, trước hết phải tìm hiểu và nghiên cứu nó đã, mà việc xem xét lại ý tưởng của Marx, nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại càng nên thể hiện sự cẩn trọng cần thiết.
Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Thục Nhi có cái nhìn đáng quý của mình là: đến một lúc nào đó một mô hình xã hội cũ sẽ sụp đổ và được thay bằng một mô hình tiến bộ hơn. Đây là một cái nhìn chuẩn xác nhưng cũng không có gì mới. Không cần phải nói đến một hệ thống tư tưởng nào ghê gớm, ngay từ thời xa xưa, các vị tiền bối đã từng khẳng định: Trường Giang sóng sau đè sóng trước!.
Cuối cùng để kết thúc bài viết này, tôi muốn nói với tác giả Nguyễn Thục Nhi, đây chỉ là những trao đổi mang tính xây dựng, và thể hiện tính chất của một diễn đàn. Hãy nhớ rằng: ngoài trời lại có trời (chữ của Vương Trí Nhàn), bể học là vô biên, và chấp nhận sự phê bình cũng là một cách học vậy!!!.
Chú thích:
[1] Ở đây tôi dùng khái niệm “tầng lớp” chứ không phải “giai cấp”, để minh định điều này cần có một cuộc trao đổi khác thích hợp hơn vì nó là một khái niệm khá phức tạp.
9/8/2004
Lê Trương
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...