Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Quan hệ đồng tính, đồng vănXXX

Quan hệ đồng tính, đồng văn

Trong xã hội loài người, một người ở văn hóa mặc quần áo không thể hiểu người đóng khố hay ở trần từ một nền văn hóa khác. Ngay trong phê bình thần học, Thiên chúa của triết gia không được coi là Thiên chúa của Cơ đốc giáo lịch sử [1]. Dường như người ta cũng không hiểu được một người đồng tính luyến ái. Ngày nay hiểm họa AIDS còn làm gia trọng thành kiến đối với người đồng tính luyến ái. Bài viết này không nhằm phê phán hay biện hộ cho đồng tính luyến ái, nhưng tìm hiểu cơ sở của vấn đề này về mặt triết lý.

Ðồng tính luyến ái là một hội chứng? Một bản chất? Hay phó sản văn hóa? Kể từ khi vấn đề dục tính được nói đến một cách công khai và thảo luận về mặt khoa học, ít ra là từ lúc phân tâm học ra đời. Tuy nhiên vấn đề đồng tính luyến ái không là một vấn đề phân tâm học vì mâu thuẫn với luận điểm mặc cảm Oedipe của Freud – nhưng đồng tính luyến ái là một cảm hứng văn chương cốt lõi ở André Gide, Genet, Colette, Julien Green, Mishima, chỉ kể một vài nhân vật tiêu biểu. Văn chương đồng tính luyến ái trải suốt chiều dài lịch sử con người, từ văn học Trung quốc, Hy lạp, qua Kinh thánh thiên chúa giáo...
Phân tích văn chương không phải là vấn đề của bài viết này. Tôi muốn nói đến quan hệ đồng tính / đồng văn, tác động biện chứng qua lại giữa homo/sexualité và homo/textualité. Ðể giới hạn vấn đề, tôi chỉ thảo luận qua bộ Lịch sử dục tính / Histoire de la sexualité ba tập của Michel Foucault và những tư liệu liên quan qua Roland Barthes [2], Philippe Ariès, Monique Wittig. Foucault, Barthes, Wittig là những người đồng tính luyến ái – văn tự của họ là những chứng từ nhưng cũng chính là kinh nghiệm sống/Erlebnis hợp đồng văn/tính.
Pausanias – người tình của thi sĩ Agathon trong thiên đối thoại Symposium của Plato nói đến Aphrodithe Ourania thuộc thiên giới phân biệt với Aphrodithe Pandèmos hạ giới. Tình yêu đến từ Aphrodithe đại chúng gắn liền với thân xác, không phân biệt phái tính, thiện ác còn tình yêu nơi Aphrodithe thiên giới gắn liền với nam giới là một thứ tình yêu cổ kính nhất, không biết tới bạo động. Ðời sống của những người tình cùng trang lứa ở bên nhau thay vì chạy theo những mối tình khác, cho nên tình yêu đồng tính luyến ái tự nó không xấu, không đẹp, nhưng tình yêu của đại chúng vì ưa thích nhục dục hơn tâm hồn nên xấu, còn tình yêu của một tâm hồn cao thượng thì chung thủy tuyệt vời.[3]
1974 – Tình yêu, thật vậy không phải là những ý tưởng trừu tượng mà thể hiện dưới những hình thức cụ thể. Yêu, là yêu một vật gì hay yêu một người nào đó. Sở dĩ phải hướng về đối tượng, chính là muốn kết hợp và hòa mình vào với đối tượng được yêu, không phải là vong thân mà là tìm về bản tính. Khởi từ đó, chúng ta có thể sẵn sàng nghe huyền thoại do Aristophane phát kiến ra: Xưa kia bản chất con người không như hiện tại mà có ba loại người: Người đàn ông kép, người đàn bà kép và con người lưỡng tính (âm dương), hình dạng tròn, có bốn cánh tay, cẳng chân, hai bộ mặt đối diện trên một cái đầu. Những con người đầy quyền lực toan tính lên trời chống nhau với các thần. Do đó Zeus và các thần phải hiệp nhau lại quyết định trừng phạt con người, nhưng không có ý tiêu diệt, bằng cách nhờ thần Apollon phân cách con người ra làm đôi, nhưng lại thương hại chuyển bộ phận sinh dục ra đằng trước để người nam và người nữ có thể giao hợp, sinh con đẻ cái mà duy trì nòi giống... Huyền thoại của Aristophane giải thính tình yêu tự nhiên của con người hai phái, và những tính bất thường về tình dục của những người đồng tính luyến ái là do sự thúc đẩy của bản năng xuất phát từ nguồn gốc bản tính con người. Thần Hèphaistos còn xuất hiện để đáp ứng ước nguyện của những người đồng tình ái là kết hợp họ lại như keo sơn, chung sống trong đời này mà cả sau khi chết, về với Diêm vương (Hadès) họ không còn là hai nữa mà là một, cùng chung về cõi chết. Con người, hữu-thể-hướng-về-cái-chết, phải chăng để thực hiện khát vọng này?
Ca ngợi Eros, chính vì hạnh phúc lớn lao nhất ở trần gian này là gặp được người tri kỷ. Hữu thể tự nguyên ủy là một toàn thể đầy đủ, chính nỗi khát vọng và theo đuổi cái toàn thể này mang tên gọi là Tình yêu (193a).
...Khởi điểm với câu hỏi: Eros là gì? Quả thực là quan trọng. Như một vấn nạn siêu hình khác: Hữu thể là gì? Và câu hỏi tiếp theo của Agathon cũng thật là chủ yếu: Trong bản tính của Eros là yêu một cái gì hay không là gì cả? Trong lối vấn đáp biện chứng quen thuộc của Socrate, câu trả lời dẫn tới khẳng định là yêu một cái gì – tại hữu hơn là hư vô. Nhưng vấn đề không phải đơn giản ở chỗ đó; bởi vì cũng như khẳng định là có hữu thể, song câu hỏi về chính hữu thể vẫn còn treo lửng, nhận biết yêu là yêu một cái gì, song chính bản tính của tình yêu vẫn còn mở ngỏ.
Eros là gì? – Socrate, khác với những người đối thoại đã có những diễn ngôn ca ngợi Eros, quan niệm phải bắt đầu từ chân lý về đối tượng mà người ta ca ngợi, bởi vì chân lý phải là nền tảng (198d). Ông không ngần ngại đả kích việc gán cho chủ thể những phẩm tính lớn nhất và đẹp nhất, dầu đúng hay không, là phương pháp tốt – thực ra, chỉ dẫn đến sai lầm. Ông khẳng định phương cách thích hợp phải là chọn lựa chân lý làm nền tảng. Một diễn ngôn của Socrate phải là để nghe chân lý về Eros (199b).
Eros, Tình yêu, chân lý với những ngôn từ và phương cách đích thực rõ rệt là đi tìm Minh trí. Eros = Tình yêu. Chân lý rõ rệt là hướng về Minh trí, nếu muốn nói một cách đơn giản hơn, Eros là Triết lý (Eros = Philo-Sophia)... Con người khát vọng điều không là hiện tại, cũng không hiện diện: điều mà người ta không có, không là, còn thiếu, đó là những đối tượng của khát vọng và của tình yêu.
...Eros là ở nơi triết gia. Thực vậy bởi vì Minh trí ở giữa những điều gì đẹp nhất mà Eros là tình yêu những điều tốt đẹp, thiết yếu Eros là triết gia. Tình yêu là triết gia. Tình yêu là triết lý. Thế nhưng xuất phát từ một nguồn mẹ nghèo khó (Pénia), triết gia thường là kẻ nghèo, cứng rắn, khô khan, đi chân không, vô gia cư, lang thang đây đó, chiếu đất, màn trời, sống giữa không gian, bên quan môn, ngoài đường phố. Ðó là hình ảnh triết gia muôn đời, và nghèo khó là người bạn đường vĩnh cửu (203d).
Nhưng tình yêu nói chung là khát vọng chiếm hữu điều thiện, nên tình yêu gắn liền với dục vọng và sự thai nghén, sáng tạo. Quả thực con người có hai đường lối để yêu: thai nghén là hình thức sinh ra bằng thể xác và sáng tạo là hình thức sinh ra bằng tinh thần. Trong ngôn ngữ thân tộc của huyền thoại hy lạp, mỹ thể là thần Moire, nữ thần của sự sinh ra và chết đi, liên hệ với nữ thần Eileithyie, nữ thần hộ sinh. Nhưng tại sao lại sinh sản? Bởi vì con người muốn tạo ra một cái gì bất diệt và vĩnh cửu, và sự thèm khát bất tử không thể tách rời khỏi sự thèm khát điều thiện, cho nên thiết yếu tình yêu cũng là tình yêu sự bất tử (207a). Triết lý chính là đi tìm Vĩnh cửu. Tình yêu triết lý nhằm sáng tạo bằng tinh thần, bởi vì sự sáng tạo bằng thể xác (người đàn ông yêu người đàn bà vì tin là tạo ra sự bất tử khi tạo ra những đứa con) chỉ đạt tới một kỷ niệm bất tử, trong khi tinh thần suy tưởng, chống lại sự lãng quên là sự trốn chạy của tri thức, khôi phục lại một ký ức mới thay thế cái đã trôi qua, nhằm duy trì tri thức mãi mãi, cho nên sống triết lý (sự đam mê yêu đương bằng tinh thần nhằm sinh sản ra vô vàn những diễn ngôn, tư tưởng tuyệt diệu để tiến tới một khoa học của mỹ tính tuyệt đối, lý tưởng, vĩnh cửu) là đời sống duy nhất đáng sống: của người yêu triết lý, và như thiên đối thoại Phèdre xác định, trong tình yêu phải nhìn thấy có một loại mê cuồng ngất ngây. Có hai loại mê cuồng: một do những chứng bệnh của con người, còn một do sự thúc đẩy thiêng liêng đưa con người ra khỏi những tập quán thường lệ. Trong mê cuồng thần thánh lại chia ra làm bốn thứ: mê cuồng tiên tri gợi cảm hứng từ Apollon, mê cuồng thanh tẩy dẫn đến Dionysos, mê cuồng sáng tạo đưa các thi sĩ tới Nữ thần Muse và mê cuồng yêu đương dẫn những người tình tới Aphrodite và Eros. Chính loại yêu cuồng sau này mà Socrate coi là tốt hơn cả, bởi vì hình ảnh đam mê yêu đương dường như tiếp chạm với chân mà triết lý là tình yêu trong mô thức cao hơn cả.
...Nhưng Tình yêu chính là triết lý. Trong nguyên nghĩa của Triết lý – Philo-(Sophia), Sophia là cứu cánh, là chân lý xa vời để hướng tới, chỉ ý nghĩa của filew đủ để hàm ngụ triết lý, bởi Tình yêu luôn luôn phải xây dựng trên nền tảng triết lý. Tình yêu quả thực có tính phổ quát, là nỗi khát vọng theo đuổi cái toàn thể; vai trò của tình yêu là tạo lại cái Nhất thể đã bị phân chia, đó là vai trò triết lý.
...Ðến đây chúng ta có thể hiểu được diễn ngôn của thi sĩ, diễn ngôn thơ ca ngợi Eros. Quyền lực của Eros thật là vĩ đại và mầu nhiệm... Eros đã đem lại “bình an cho mọi người, trầm lặng cho biển cả, yên tịnh cho sóng gió, giấc ngủ cho sự lo âu. (Symposium, 197d). Ca ngợi Eros là ca ngợi Triết lý. Ở đó người ta có thể hiểu tại sao tình yêu cao thượng mà từ Phèdre, Pausanias, Eryximaque, Aristophane, Agathon hay Socrate nói đến, nếu chỉ nhìn qua tương quan nhục dục, là một thứ đồng tình ái bởi vì khuyến khích tình yêu của người đồng phái mời gọi đến nhau – thực ra chỉ là một thứ tình yêu thuần túy hướng về Toàn Mỹ, thứ tình yêu tinh thần bởi đó là tình yêu triết lý. Tình yêu đến với Triết gia. Tình yêu cao thượng là yêu Triết gia. Tình yêu cao thượng là yêu Triết gia. Hãy yêu Triết gia! Những con người đạt tới Sự Ðiên khùng và Cuồng nộ Triết lý (Symposium, 218b). Bởi vì hạnh phúc lớn lao nhất ở trần gian này là gặp được người tri kỷ, chính là triết gia. Ngược lại bản tính của Triết lý là Yêu. Ca ngợi Eros cũng như ca ngợi Socrate. Cho nên Socrate có rất nhiều người tình thanh niên và ông đã chết vì bị kết án là quyến rũ giới thanh niên này. Yêu nhà triết học với tất cả đam mê yêu đương, chính là một thứ đồng tình ái.[4]
1984 - Mở đầu chương IV tập hai Quyền sử dụng lạc thú / L’usge des plaisirs của bộ Lịch sử dục tính đã nói đến của Michel Foucault [5] là khoa Tình dục (Erotique) “như nghệ thuật ứng xử qua lại của người đàn ông và thiếu niên trong quan hệ tình yêu” (comme art de la conduite réciproque de l’homme et du garcon dans la relation d’amour.)
Quyền sử dụng lạc thú trong quan hệ với những thiếu niên trong tư tưởng hy lạp là một chủ đề về quan ngại – điều này thực nghịch lý trong một xã hội được coi như dung thứ điều mà chúng ta ngày nay gọi là “đồng tính luyến ái”. Nhưng ngay cả từ “tính dục” như Foucault nhắc nhở cũng chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX. Khi nghiên cứu về xã hội cổ hy lạp, Foucault dựa vào tư liệu của F. Buffière và K.J. Dover [6]. Quan niệm luyến ái lưỡng tính nơi người hy lạp là sự chọn lựa tự do giữa hai phái, có thể muốn một người đàn ông hay đàn bà chỉ là khoái vị mà tự nhiên đã cấy vào trong trái tim người đàn ông về những người được coi là đẹp, không phân biệt phái giống. Cho nên như Pausanias đã vạch ra đường ranh giới không phải giữa một tình yêu dị tính hay đồng tính mà là “tình yêu của những người thấp hèn”có đối tượng là đàn bà hay thiếu niên cũng được vì chỉ nhắm vào chính hành động (to diaprattesthai) và hoàn tất ngẫu nhiên để phân biệt với tình yêu cổ kính, quý phái và hợp lý gắn bó với lòng nhiệt thành và trí tuệ, dĩ nhiên ở nơi nam giới.
Khác với quan niệm ngày nay có xu hướng nghĩ đến những thực hành khoái lạc giữa hai người cùng phái từ một dục vọng có cấu trúc đặc thù, người hy lạp nghĩ cùng một dục vọng đối với đối tượng nam hay nữ với điều kiện sự thèm muốn càng cao thượng hướng về cái càng đẹp và danh giá hơn. Người hy lạp không nghĩ phải có một bản chất “khác” để yêu một người đàn ông, nhưng trong những khoái lạc này có một hình thái đạo đức khác với khi có quan hệ với phụ nữ.
Những suy nghĩ triết lý đạo đức về tình trai này trụ vào một quan hệ hàm ngụ khu biệt tuổi tác giữa hai bên cũng như một phân chia tình trạng nhất định, nghĩa là giữa hai người thuộc hai giai cấp tuổi tác phân biệt, một bên còn trẻ chưa thành niên hay có một thân phận nhất định. Tuy sự khu biệt này không tuyệt đối nhưng nó gắn liền với thực tiễn giáo dục và huấn hỗ triết học, hiện thể nơi nhân vật Socrate.
Trong quan hệ giữa người đàn ông và thiếu niên cũng có sự khác biệt với đời sống hôn nhân: Mở ra về mặt không gian, so với nghệ thuật tề gia có cấu trúc không gian nhị nguyên phân chia vị trí người chồng ở ngoài, người vợ ở trong, với thiếu niên cuộc chơi diễn ra ở một không gian chung như ngoài đường hay những nơi tụ họp. Không có bất kỳ quyền lực theo luật định có thể chi phối thiếu niên vì y tự do chọn, chấp nhận hay khước từ theo ý thích và quyết định của mình. Vấn đề thời gian cũng quan trọng, không phải là thời điểm cơ hội như trong khoa Ăn uống, hay duy trì thường xuyên một cấu trúc quan hệ như trong khoa Kinh tế, mà là vấn đề khó khăn của thời gian mong manh và khoảnh khắc phù du. Vấn đề này thể hiện như một giới hạn: vào lúc nào thiếu niên coi như quá già để không còn là bạn đường khả kính trong quan hệ tình yêu.
Mối quan tâm về thời gian cũng như những giới hạn là một yếu tố đặt nặng vào cảm tính của thể xác trẻ trung, vẻ đẹp đặc thù cũng như những dấu ấn khác nhau về tiến hóa. Trong đạo đức tình dục, thân thể trẻ trung với nét duyên dáng riêng có là một đối tượng tốt cho khoái lạc. Nơi người hy lạp thể hiện một mỹ học đạo đức về thân thể thiếu niên, phát hiện giá trị cá nhân của y cũng như giá trị của tình yêu khoác cho y.
Cùng với cảm tính ấy là mối quan ngại về những biến đổi quá nhanh cho vẻ đẹp phù du, gây nỗi sợ hãi thể hiện nơi người yêu thấy người mình yêu phai nhạt thanh sắc cũng như nơi người được yêu thấy những tình nhân bỏ đi. Vấn đề đặt ra là khả năng chuyển hoán, thiết yếu về mặt đạo đức cũng như hữu ích về mặt xã hội, từ liên hệ tình yêu thành một quan hệ về tình bạn - filia.  Tình bạn phân biệt với quan hệ tình yêu vì bền vững, không có thời khoảng nào khác hơn là chính đời sống, xóa bỏ những bất đối xứng trong quan hệ tình dục giữa người đàn ông và thiếu niên. filia  là đồng cảm giữa cá tính và hình thái của đời sống, chia xẻ những tư tưởng và hiện hữu, lòng nhân thiện hỗ tương, như Xenophon vẽ lên hình ảnh hai người bạn “không ngừng yêu mối thiện cảm lẫn nhau và hưởng thụ cho đến tuổi già.” [7]
Eros có thể hợp nhất hai con người không phân biệt phái tính, song đạo đức hôn nhân, hay chính xác hơn đạo đức tình dục nơi người đàn ông có vợ không nại tới sự hiện hữu của một quan hệ theo kiểu Eros. Ngược lại, để đạt tới hình thái đẹp và hoàn thiện nhất trong quan hệ của người đàn ông và thiếu niên, cũng như quyền sử dụng khoái lạc, thiết yếu phải nại đến Eros. Cho nên thiên Eroticos của Pseudo-Démosthène nói đến đối tượng được yêu như chủ thể của hành xử đạo đức, nói như Foucault, về danh dự của thiếu niên. Ðó là vấn đề về cái xấu và hổ thẹn (aischron) đối lập với cái đẹp và công chính. Thiếu niên là đối tượng của những người xung quanh, quan sát, rình rập, phê phán cư xử và những liên hệ của y, những lời nói xấu sẵn sàng gán cho y, những tâm hồn độc ác sẵn sàng khiển trách y nếu như y tỏ ra kiêu căng. Ðối với thiếu niên hy lạp, danh dự quan trọng không phải vì tương lai hôn nhân, nhưng là ngay thế giá, thân phận của y trong đô thị. Trong lĩnh vực hành xử tình yêu phân biệt cái danh giá với cái hổ thẹn. Y phải tỏ ra trội hơn những kẻ khác cả vế phẩm chất thể xác lẫn tinh thần. Y còn phải luôn luôn giữ giá trị tuyệt vời của y đối với những kẻ đến với y, lôi kéo y vào vòng thân mật riêng tư của họ (sunètheia có ý nghĩa đời sống chung và quan hệ tình dục), một uy lực trong tình bạn họ chứng tỏ với y. Không nhượng bộ, khuất phục, tỏ ra mãnh liệt, cứng rắn, sự tiết độ (sòphrosunè) chứng tỏ giá trị của y trong lĩnh vực tình yêu.
Vai trò của Triết lý trong việc giữ danh dự và ưu thế này không gì khác hơn bài học của Socrate là quan tâm đến tự thân / epimeleia heautou   và thiết yếu gắn liền tri thức với tập luyện / episteme-melete   - triết lý này không phải là nguyên lý dẫn một đới sống khác hay diệt bỏ mọi khoái lạc. Ðiều mà triết lý có thể làm được là chứng tỏ trở nên “mạnh hơn tự thân”, có khả năng thắng lướt tha nhân. Chính nó cũng là nguyên tắc dẫn đạo vì chỉ có nó mới điều khiển tư tưởng: “Trong mọi nhân sự, tư tưởng chỉ đạo tất cả và triết lý có thể chỉ đạo tư tưởng cũng như thực hiện tư tưởng.”
Ðồng tình ái (pédérastie) nơi người hy lạp trong lạc thú này nhằm triển khai một thực hành tán tỉnh, một phản tỉnh đạo đức và hơn thế, một chủ nghĩa khổ hạnh triết lý.
Khác với những nền văn hóa thiên chúa giáo và hiện đại, nơi người hy lạp, suy tưởng trên những giây liên lạc qua lại giữa việc đạt tới chân lý và khổ hạnh tình dục xem ra phát triển qua tình yêu thiếu niên. Trong những thiên đối thoại của Platon luận về tình yêu, có thể thấy khoảng cách phân biệt tình yêu với tình dục thông thường khi tự vấn về ứng xử qua lại của thiếu niên và kẻ theo đuổi y, cũng như phong cách thực hành trong danh dự. Ở đó người ta có thể thấy những vấn đề về chuyển hóa đạo đức này thanh một luân lý về hy sinh và cấu thành một thông diễn học về dục vọng.
Người ta có thể nghĩ đến diễn ngôn của Aristophane nói về sự phân cách con người ra làm đôi (đã nói đến ở trên), “yêu thiếu niên”, “luyến ái tình nhân” (paiderastes/filerastes ) là hai ngả cùng một hữu thể. Vấn đề của Platon-Socrate không phải là trả lời cho câu hỏi phải yêu ai và trong những điều kiện nào tình yêu vinh danh cho người được yêu cũng như cho người yêu, mà là trả lời câu hỏi tiên quyết và cơ bản; tình yêu là gì trong chính hữu thể?
Vấn đề ứng xử tình yêu trở thành đi hỏi về hữu thể của tình yêu, vì theo Socrate, trong tư tưởng của người phát ngôn, có một nhận thức về chân lý của chủ đề nói đến; vấn đề danh dự của thiếu niên trở thành đi hỏi về tình yêu chân lý vì không phải loại trừ xác thân là có thể biểu thị tình yêu thực, mà chính là qua những hiện tượng của đối tượng, xét quan hệ với chân lý; vấn đề từ chỗ không đối xứng giữa hai bên trở thành việc xét đến sự hội tụ của tình yêu, một biện chứng nói đến hai vận động hoàn toàn giống nhau bởi vì tình yêu là chính vận động mang chúng tới chân lý; vấn đề còn là từ đức hạnh của thiếu niên được yêu đến tình yêu của người chủ và minh trí, nghĩa là vận động của một con đường ở đó, người làm chủ chân lý dạy cho thiếu niên minh trí là gì. [8]
Ðồng tính / đồng văn – Từ ngữ homo/textuality đã được chở vào lý luận văn chương trong quan hệ người viết / người đọc / bản văn. Nói như Monique Wittig, đồng tính luyến ái là dục vọng về chính cái giống của mình, thì đồng văn là dục vọng trên bản văn của mình. Nhà văn là người viết và đọc (riêng mình).
Monique Wittig là một nhà văn đồng tính nữ (lesbienne), viết trong khi nghĩ/nhìn lại kinh nghiệm phụ nữ trong khi viết. Ðồng tính luyến ái như Wittig khẳng định nhằm phản kháng lại quy phạm. Khái niệm dị tính dục (hétérosexualité) chỉ được chế ra trong ngôn ngữ Pháp từ năm 1911, theo chiều hướng của phân tâm học để chỉ ra sự khác biệt phái giống không phải là một khác biệt văn hóa mà là một khác biệt tự nhiên. Khác biệt cơ bản giữa dị tính dục và đồng tính dục là một khác biệt theo mệnh lệnh ý thức hệ, kinh tế chính trị của chủ nghĩa duy tâm nhằm chứng nhận toàn bộ hệ thống cai trị xã hội dựa trên chức năng sinh sản bắt buộc của phụ nữ và quyềm chiếm hữu sự sinh sản này. Biểu hiện của văn hóa đồng tính dục nữ đã xuất hiện từ thế kỷ thứ sáu trước tây lịch tại Lesbos, tuy không rõ có nhằm để đối kháng lại chế độ phụ quyền vì những bản văn còn giữ lại được của Sappho và những nữ thi sĩ ở Lesbos không có dấu hiệu nào chống lại mà ở bên ngoài hay cùng tồn tại. Tuy nhiên việc triệt hủy có hệ thống những bản văn này chứng tỏ có một cuộc chiến nhằm thủ tiêu nền văn hóa đồng tính nữ này. Những tác phẩm của Wittig ở thế kỷ 20 như Les Guérillères, L’opoponax, Le corps lesbien xuất bản trong những năm 70s và 80s nhằm đạp phá diễn ngôn và huyền thuyết của nền văn hóa trọng nam. Quan điểm văn chương của Wittig rõ rệt: “Một bản văn của nhà văn thiểu số chỉ có hiệu quả nếu như nó thành công trong việc tạo quan điểm thiểu số thành phổ biến, cũng như phải là một áng văn quan trọng.” Ðồng quan điểm với Nathalie Sarraute (một nhà văn nữ khác trong nhóm “tiểu thuyết mới” Pháp) về một văn tự “trung tính” vì “phái tính là dấu chỉ ngữ học của đối kháng chính trị giữa các phái. Chỉ có một phái: phụ nữ, “đàn ông” không là một phái, vì mang tính chung. Ðó là điều khiến Nathalie Sarraute tuyên bố là bà không dùng phái nữ khi bà muốn khái quát hóa điều gì bà viết.” Nếu như Michel Foucault trong Les Mots et les Choses quan niệm “người” (đàn ông) là một hiện tượng có xu hướng biến mất, Wittig cũng mơ đến sự cáo chung của “phụ nữ”, một thời điểm tương lai khi phái nữ không có nghĩa là xác định từ những bản chất hay đối lập với “người” (đàn ông). Nhân loại phải tìm một từ khác cho mình cũng như một hệ thống ngữ pháp khác không còn liên hệ với phái tính, như một dấu chỉ của những đối lập chính trị.
Khi đó quan niệm về đồng tính luyến ái liệu còn hiện hữu trên phương diện hữu thể luận?
(*) Tiểu luận này là một trong những bài chính trong Chủ Đề số 9, mùa xuân 2002: "Dục tính và đồng tính luyến ái trong văn chương".
Chúng tôi chân thành cảm ơn tác giả Đặng Phùng Quân và chủ biên Chủ Đề, Nguyễn Trung Hối, đã cho phép đăng lại trong khuôn khổ chủ đề thảo luận của Talawas; đồng thời xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Talawas Giai phẩm Chủ Đề số 10, mùa hạ 2002: "Văn chương lưu vong". 
Chú thích:
[1] Chẳng hạn X. From rationalism to irrationality của C. Gregg Singer phê phán: Quan điểm của Heidegger về giác thức không phải là giác thức của Kinh Thánh...hay phê phán Jaspers: Hiển nhiên không phải đức tin của Kinh Thánh... như đề xuất trong chương thứ tám của thư gửi tín hữu Rô-ma, trong đó thánh Tông đồ Phao-lô tuyên xưng Thiên Chúa toàn năng làm mọi điều tốt lành cho những ai đặt niềm tin nơi Người. Thật hoài công tìm thấy loại đức tin này nơi Jaspers.
[2] Tập Fragments d’un discours amoureux (1977), Incidents (1987).
[3] X. Ðặng Phùng Quân, Platon với tình yêu, CÐ số ra mắt 1975.
[4] Chú thích dẫn trên.
[5] Dự án bộ sách viết nhiều tập, sau cùng khi xuất bản thông báo còn 4 tập: 1/ La volonté de savoir/ Ý chí kiến thức; 2/ L’usage des plaisirs/ Quyền sử dụng lạc thú; 3/ Le souci de soi/ Quan tâm bản thân; 4/ Les aveux de la chair/ Những tự thú của xác thân. Tập 4 chưa được viết ra. Tập 1 xuất bản năm 1976 (bản dịch sang tiếng Ðức giữ nguyên tiêu đề: Der Wille zum Wissen, trong khi bản dịch sang tiếng Anh của Robert Hurley chỉ đề: An Introduction có vẻ không nhận thức được cốt lõi quan điểm của Foucault trong tập 1, đặc biệt ở chương 5: Quyền chết và quyền năng về sự sống, trong đó Foucault nói đến việc mở ra kỷ nguyên của một “quyền-sống” (bio-pouvoir), quyền năng-tri thức là một tác nhân chuyển hóa của đời sống con người). Tập 2 và 3 chỉ được xuất bản sau khi Foucault chết vào năm 1984.
Trong khi đặt vấn đề đạo đức về nhưng khoái lạc, Foucault không nhằm thảo luận những lý luận khái quát về khoái lạc hay đức hạnh mà dực vào những thực tiễn như thể phong cách của con người trong khoa Ăn uống (Diététique) từ nguồn tư liệu về trường phái Hippocrate đến Platon, mối quan hệ giữa tập luyện và thực phẩm, hoạt động tình dục (giao cấu làm thân thể gầy mòn vì bài tiết, làm nóng vì tập luyện cọ sát và làm ẩm do tập luyện làm tan rã vật thể); trong khoa Kinh tế (Economique) xác định trong xã hội đánh dấu sự thống trị của những “con người tự do”, lấy nàng hầu để hưởng lạc thú, lấy thiếp để săn sóc hàng ngày, lấy vợ để có con nối dõi và làm nội trợ trung thành (dựa vào tư liệu của Démosthène), nghệ thuật tề gia trong khoa kinh tế của Xénophon, Aristote... Trong giáo trình tại Collège de France những năm 1980-1981, về vấn đề Chủ thể tính và Chân lý Foucault đã trình bày những kết quả chính trong tập sách này, đánh dấu sự chuyển biến từ những thực nghiệm: không luận về những công cụ quyền lực (dispositifs de pouvoir) như tập 1 đề ra, mà là vấn đề hóa đạo đức về những khoái lạc (problématisation morale des plaisirs) như aphrodisia (những vận động tạo hình thái khoái lạc), chrèsis (quyền sử dụng), enkrateia (khống chế) là điều kiện của tiết độ (sòphrosunè), tự do và chân lý. Trong quan niệm tự chủ (sophròn và enkratès) là một tự do tích cực như giữ gìn tinh khiết và trinh tiết trung thành với đính ước tạo thành mẫu đức hạnh khẳng định nam tính của tiết độ phân biệt con người nam nhi làm chủ được những khoái lạc với con người nữ hóa. Tuy nhiên “tuyến phân cách giữa con người nam nhi với con người nữ hóa không trùng hợp với đối lập như chúng ta về dị tính dục và đồng tính dục; cũng không giản lược vào đối lập giữa đồng tính dục tích cực và tiêu cực” (La ligne de partage entre un homme viril et un homme efféminé ne coincide pas avec notre opposition entre hétro- et homosexualité; elle ne se réduit pas non plus à l’opposition entre homosexualité active et passive.). Giáo trình những năm 1981-1982 tiếp tục khai phá những thành quả triển khai của tập 2 nói trên. X. L’herméneutique du sujet.Cours au Collège de France 1981-1982.
[6] F. Buffière, Eros adolescent. La pédérastie dans la Grèce antique; K.J. Dover, Greek Homosexuality.
[7] Trong Politiques de l’amitié, J. Derrida cũng nói đến giá trị bền vững trong quan niệm tình bạn nơi người hy lạp, như trong Symposium của Platon, một tình bạn kiên cường có thể thách đố và phá hủy bạo quyền, ý nghĩa của tuyên ngôn: “Các bạn hữu, không có bạn” (Freunde, es gibt keine Freunde!) khi Nietzsche hiểu về tình bạn hy lạp.
[8] X. Michel Foucault, Histoire de la sexualité, Volume 2: L’usage des plaisirs, tiếp tục khai phá những thành quả triển khai của tập 2 noí trên. X. L'herméneutique du sujet. Cours au College de France 1918-1982.
1/1/1990
Đặng Phùng Quân
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...