Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Shibuya và Nhật Bản trẻ

Shibuya và Nhật Bản trẻ

Shibuya là nơi người ta đi tìm hình ảnh một nước Nhật mới. Nó có văn hóa và phong cách riêng. Shibuya đầy thanh niên Nhật, từ những sinh viên đại học đĩnh đạc cho tới những tay đàn ông trẻ mượt mà đi săn những nữ quái tuổi dậy thì. Hầu như tất cả đều đang tìm kiếm ai đó hoặc cái gì đó, hoặc muốn mình được tìm thấy một cách tuyệt vọng. Liệu Shibuya có nắm giữ những bí mật của tương lai nước Nhật không?.

Nước Nhật đang trải nghiệm sự ngăn cách thế hệ đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử. Rõ ràng có một sự thay đổi đang diễn ra. Người ta thậm chí còn đặt một cái tên riêng cho những người ở độ tuổi dưới 30: shinjinrui (giống người mới). "Giống người mới" này đại diện cho nhiều thứ chứ không chỉ đơn thuần là quần áo quái dị và đầu tóc nhuộm mầu. Họ không vâng lời trong trường học, họ phá vỡ các nguyên tắc ứng xử ra bên ngoài cổ điển, và họ không còn theo đuổi cái kiểu việc làm cả đời, một tuần sáu ngày cho Công ty nữa. Nhiều người trong số họ bỏ học và đi làm bán công để đổi lấy thời gian và tự do. Điều thực sự làm thế hệ này trở nên cách biệt là họ từ chối đi theo con đường của cha anh, và không chia sẻ quan điểm thế nào là một tương lai hạnh phúc. Điều này báo hiệu một sự biến đổi văn hóa, không phải chỉ là sự nổi loạn của tuổi trẻ. Phần lớn những biến đổi này không diễn ra một cách công khai và ồn ào. Nhưng ở những chỗ nhất định, như ở Shibuya chẳng hạn, bạn sẽ bắt gặp những biểu hiện công khai của một thế hệ đang cố gắng đi tìm tiếng nói và bản sắc riêng.
Nhật Bản đã bị shock trong những năm gần đây bởi sự gia tăng các vụ tội phạm bạo lực trong giới trẻ. Trong đó bao gồm cả những vụ trọng án với những hành động không thể tả nổi của học sinh tiểu học. Còn ở cấp phổ thông trung học thì hình thức đĩ điếm không chuyên đang trở nên phổ biến đối với các nữ sinh. Phần lớn trong số đó thừa nhận rằng họ dùng tình dục để đổi lấy tiền và quà tặng. Có một thị trường tiềm tàng của các thương gia lớn tuổi sẵn sàng bỏ tiền để được ngủ với các cô gái trẻ, mà số các cô sẵn sàng làm điều đó thì rất nhiều.
Shibuya chính là sân khấu cho các màn kịch này phô diễn. Phần lớn những người bạn gặp ở Shibuya không sống, thậm chí không làm việc tại đây. Đây không phải là nơi các biến đổi thực sự xảy ra. Nhưng những biểu hiện công khai ở đây tạo nên những xu hướng lan tỏa vào trong xã hội và khúc xạ trở lại. Shibuya là nơi hội tụ của con người và các hoạt động. Ngầm dưới mặt đất, vô số đường tàu đi tới cùng lúc nhả ra không biết bao nhiêu hành khách vào trái tim của Tokyo. Khi đám hành khách ấy nhập lại ở Hachiko Crosing, họ đối mặt một ngã tư khổng lồ, nơi hàng ngàn người tràn qua phố mỗi khi đèn xanh. Họ là những nhà kinh doanh, sinh viên, người nước ngoài, người mua sắm, và những kẻ lớ ngớ dạo chơi đủ loại, đủ các lứa tuổi. Ở bên trên đám đông, chiếm gần hết mặt những tòa nhà, là những khuôn mặt của người mẫu, các thần tượng nhạc pop trên những màn hình khổng lồ chiếu video nhạc và quảng cáo, mặc dù khó mà phân biệt được cái nào là cái nào. Kiểu tóc và kiểu quần áo mới nhất của các thần tượng này sẽ được hàng trăm, hàng ngàn thanh thiếu niên ở đường phố bên dưới noi theo.
Nhật Bản trẻ tại Shibuya
Xét ở mức độ cá nhân, Shibuya đầy những người muốn gặp gỡ những người khác. Bức tượng con chó ở gần cửa ga là một chỗ hẹn hò rất được ưa chuộng. "Con Chó" thường xuyên được bao vây bởi hàng chục hay hàng trăm người đang chờ đợi, đang nói chuyện, đang vừa hút thuốc vừa ôm khư khư điện thoại di động. Số khác thì đang cố gắng thu hút công chúng. Những người này tới Shibuya để được chú í đến và được lắng nghe. Bạn gặp đủ loại các chàng trai bóng mượt mang kiếng màu và những cô gái đeo túi Lui Vuitton. Có ngày, những sinh viên cấp tiến đổ ra. Họ đến trên một cái xe buýt có hàng chữ sơn bằng tay "Hòa bình, Tình yêu". Các chàng trai thay phiên nhau ở trên nóc xe, hét vào loa những khẩu hiệu phản đối cuộc chiến tranh chống khủng bố: Boosh... Boosh… Boosh. Bạn sẽ phải tự hỏi không biết họ là những tín đồ thực sự hay đơn giản chỉ tham gia vào sô diễn.
Shibuya là nơi được ưa chuộng đối với những cô gái thích chưng diện mẫu thời trang mới nhất (thậm chí có cả một tạp chí dành cho họ). Hai năm trước, các cô gái ganguro (tối màu) ngự trị Shibuya. Họ hoặc là phơi nắng một cách quá mức, hoặc dùng kem làm nâu da rởm vào ban đêm. Họ rất nâu. Họ bôi son môi nhợt màu, đánh quầng mắt, đứng trên những đôi ủng cao 30 phân. Các cô gái Shibuya đương nhiên thu hút các tay quay video và thợ ảnh. Trong số này, có người đi săn những thước phim cho các sô TV, số khác đang làm một phim "tư liệu nghiêm chỉnh", số còn lại có lẽ chỉ muốn chụp cận cảnh các cô ăn mặc thoáng mát. Đối với ai thì các cô cũng sẵn sàng thiếu mỗi một việc là đeo biển ghi "Chụp tôi đi!".
Các cô gái Shibuya săn tìm 
sự chú ý và những tay thợ ảnh
Shibuya, giống như các địa điểm tụ họp được ưa thích trong và ngoài Nhật bản, đều đại diện cho một thế hệ đang cố gắng tự quyết định cuộc sống của mình: tự quyết định kiểu tóc, kiểu quần áo, thực hiện những phát ngôn công cộng to tát, và thách thức các nguyên tắc ứng xử. Nhìn qua, điều này giống như một vũ hội hoá trang hậu hiện đại náo nhiệt, gồ ghề, góc cạnh, và đầy sinh lực. Thế nhưng giới trẻ, trong sự nhiệt thành của họ, lại thường là ít triệt để và nhiều ảo tưởng hơn là họ nhận biết. Còn có những thế lực hùng mạnh khác trong cuộc chơi.
Dù mang màu sắc nổi loạn và tính cách mạng, chủ yếu Shibuya có vẻ giống như một cỗ máy thương mại khổng lồ mà khách hàng quan trọng nhất là giới trẻ Nhật (có thời gian, có tiền của bố mẹ, và một cảm quan rằng ý thích cá nhân và tự do đều là hàng hóa, có lẽ được nhập khẩu từ Mỹ). Giới trẻ cung cấp năng lượng còn cái bộ máy ấy thì cho họ những lựa chọn. Bạn làm gì ở Shibuya? Nhìn; Sắm sửa; Ăn. Rồi bạn về nhà và mua những mác hàng mà bạn đã nhìn thấy ở đó. Trên đất nước của những miếu thờ, Shibuya là miếu thờ sự tiêu dùng. Các "thần tượng" ngự trên những màn hình video. Lễ nhạc du dương. Và những đồ tế lễ được tiếp nhận.
Nhưng vũ hội/miếu thờ/cách mạng có thể chỉ là vẻ ngoài. Nhật là đất nước chậm chạp trong sự biến đổi, vả lại khó mà trông đợi nhiều ở một thế hệ. Bên ngoài Shibuya, giới trẻ vẫn còn đối mặt với cái viễn cảnh làm việc cả đời cho Công ty (với nam giới) và ngồi nhà một mình trông con (với nữ giới). Họ chưa chứng kiến một sự thay đổi đáng kể nào trong hệ thống giáo dục. Họ không có tiếng nói trong chính quyền. Nhiều người sống bằng tiền của bố mẹ, hoặc làm việc bán thời gian, hoặc bán dâm. Không phương án nào trong số này có một tương lai sáng sủa.
Thế hệ cha mẹ và ông bà của giới trẻ hôm nay đã hàn gắn lại đất nước sau cuộc chiến tàn khốc và đã làm nên sự thần kì Nhật bản bằng sự hi sinh và sức làm việc khủng khiếp. Họ đã nâng nước Nhật lên hàng đầu của thế giới hiện đại. Đó là câu chuyện của nước Nhật trong vòng 50 năm qua. Còn câu chuyện của thế hệ hôm nay? Họ là những người tiếp nhận một nền kinh tế hùng mạnh. Họ có mọi thứ mà các thế hệ trước không có. Tương lai đầy tiềm năng. Nhưng họ lớn lên trong một đất nước đã phải trả một giá đắt. Nhật Bản đã bỏ qua cả truyền thống lẫn bản sắc văn hoá trong sự vội vã đến với hiện đại. Mặc dù có vô số tôn giáo và giáo phái, đa số người Nhật không tin vào Chúa hay bất kì một thần thánh nào. Trong 50 năm qua, Nhật là nước dẫn đầu thế giới về các vụ tự tử.
Cuối cùng, thế hệ trẻ này đã được gọi là "thế hệ không có cha". Không phải vì hiện tượng li dị hay vì kiểu gia đình chỉ có cha hoặc mẹ. Trong một thời gian dài những người đàn ông Nhật coi như nghiễm nhiên phải làm việc sáu ngày một tuần. Mặc dù chế độ làm việc đang được chuyển dần sang năm ngày một tuần, việc rời nhà lúc bảy giờ sáng và trở về khi mười giờ đêm vẫn được coi là một điều bình thường. Rất nhiều đứa trẻ ít khi trông thấy mặt cha chúng.
Đối với tương lai và nước Nhật mới, thay đổi là điều không tránh khỏi. Xã hội Nhật đơn giản là không thể tiếp tục nếu không có những cải cách cơ bản trong giáo dục và nền văn hoá công nghiệp. Nhưng liệu thế hệ trẻ này có thoát khỏi cỗ máy công nghiệp và góp phần định hình một nước Nhật mới hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Đây là một phần của một tình thế lưỡng diện: văn hóa hậu hiện đại (mà có thể được thiết lập ở Nhật sâu xa hơn là ở Mỹ) là một cái gì đó giống như một hội hoá trang vĩ đại trên boong một con tàu. Có rất nhiều hoạt động, mọi người di chuyển về mọi hướng, nhưng con tàu thì đang trôi dạt. Để lái con tàu, cần hai điều: phải hạ bánh lái xuống, và phải xác định một đường chân trời hoặc một điểm chuẩn tuyệt đối nào đó để định hướng.
Đối với một xã hội hoặc nhóm người, chân trời có thể chỉ là một điều gì chung lớn hơn "cái tôi". Trong lịch sử, những câu chuyện làm chuyển dịch cả đất nước như vậy luôn có cả mặt phải và mặt trái. Hy vọng rằng thế hệ này ở Nhật sẽ tìm ra một câu chuyện lớn hơn bản thân. Khi đó họ có thể bắt đầu trả lời những câu hỏi khó khăn như họ là ai, và cái gì đáng để cho họ phải hy sinh.
Một đôi quay phim a-ma-tơ tới Shibuya 
để tìm những bí mật của thế hệ của mình
Góc phố nào cũng thấy những tay kinh doanh trẻ mở những salon thẩm mỹ. Qua những cửa kính lớn, người qua đường có thể thấy những khách hàng cool như thế nào và những tay cắt tóc còn cool hơn nữa. Nghề tạo mốt đầu tóc đang được ưa chuộng ở Nhật Bản.
Những học sinh trung học này đang tụ tập sau giờ học. Ở tuổi này, có lẽ họ đang ở trên đỉnh cao của quyền lực cá nhân. Họ là những kẻ tạo mốt, những kẻ làm người khác quay đầu nhìn. Họ biết điều đó và họ sẽ sử dụng quyền lực này tới giây phút cuối cùng.
2/4/2003
Andy Grey
Quốc Việt dịch
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...