Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Tiền lương và giải pháp vết dầu loangXXX

Tiền lương và
giải pháp vết dầu loang

Quốc hội đã mấy phen họp bàn chuyện tăng lương, mỗi lần thêm đâu được dăm ba chục, một hai trăm. Chẳng giải quyết được chuyện gì. Ðiều này các đại biểu quốc hội, các thành viên chính phủ biết rõ hơn ai hết. Vậy mà vẫn làm, xem thế để thấy rằng hẳn là chưa tìm được lối ra.
Thỉnh thoảng trên báo này báo kia cũng có người nói đến chuyện tiền lương, tiếc là chỉ bàn thôi. Có nghĩa là các nhà kinh tế, các chuyên gia, các vị khoa bảng chỉ mới dừng lại ở cấp độ: tiền lương là phải thế nọ thế kia... Chưa thấy ai đưa ra giải pháp nào cho nan vấn này. Việc tìm ra cách giải quyết đúng là chuyện lớn nhưng không lẽ bó tay? Những đề xuất sau đây dĩ nhiên chỉ mới có tính gợi mở nhưng chí ít cũng làm được một chuyện: xóa bỏ một tiền lệ là chỉ bàn khơi khơi, khơi dậy một tinh thần dám xông vào cối xay gió ...
Ðể giải quyết vấn đề tiền lương xin bắt đầu bằng một loạt các câu hỏi và các phân tích như sau:
1. Có thể giải quyết chuyện tiền lương bằng tăng lương như lâu nay vẫn làm? Câu trả lời là KHÔNG. Tăng lương như lâu nay vẫn làm cũng không ai sống được bằng lương. Vậy vấn đề không phải ở chỗ cải cách tiền lương theo lối tăng lương chút đỉnh gọi là cho có, mà phải đi theo một cách giải quyết khác. Ðó là cách nào và tiền đâu để trả lương? Có thể nào tiếp tục nuôi một bộ máy ăn lương nhà nước khổng lồ đến thế không? Cùng với xây dựng chính sách lương mới chúng ta đồng thời phải giải quyết vấn đề gì? Chúng ta thường nghe nói: dân giàu nước mạnh. Từ thời mở cửa đến nay điều này có vẻ không còn đúng nữa. Nước thì ắt là chưa mạnh nhưng dân thì có vẻ giàu, hay đúng hơn một bộ phận không nhỏ thì có vẻ giàu, mà giàu thật. Họ là ai? Vì sao giàu? Làm giàu như họ sẽ kéo theo những tệ hại gì? Theo khảo sát của người viết bài này, có thể chia những người này làm ba loại.
Loại thứ nhất: gồm những nhóm người có một điểm chung, họ là người của nhà nước và giàu nhờ nhà nước. Ðây là những người có chức quyền. Sự giàu lên của họ là bất minh, cùng với sự giàu lên của họ là sự thất thoát tiền của cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, quốc gia – một số tiền khổng lồ. Một phần vào túi họ, phần còn lại – thường là phần lớn - rơi khỏi ngân sách nhà nước. Nhiều khi chỉ vì một chút lợi nhỏ cho riêng mình mà bọn này bất chấp sự thiệt hại khổng lồ cho nhà nước, dẫn đến chuyện số tiền tư túi thì chưa hẳn đã là nhiều đối với một quốc gia nhưng số tiền chúng làm thiệt hại thì quá lớn.
Loại thứ hai: những người có business của chính họ, bao gồm tiểu thương buôn bán ngoài chợ; các chủ cửa hàng cửa hiệu dọc hai bên đường phố; các nhà buôn lớn – tầng lớp thương nhân; các ông chủ của các cơ sở, tổ hợp, xí nghiệp, nhà máy, công ty, tập đoàn chuyên về sản xuất; các cơ sở, công ty cung ứng các dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, tổ chức biểu diễn, chăm sóc sức khỏe, quảng cáo, tư vấn, xây dựng, vận tải, trang trí nội thất... Chuyện né thuế, trốn thuế ở khu vực này rất trầm trọng. Ngân sách nhà nước bị mất một khoản tiền khổng lồ do hành vi né thuế, trốn thuế này. Thất thu thuế ở đối tượng này cũng vô cùng lớn. Nguyên do là mức thuế không hợp lý, có thể vì lý do khách quan, nhưng thường gắn với chuyện ăn chia với nhân viên tính thuế, thu thuế, hoặc nhiều khi chỉ là số tiền nhỏ mỗi tháng cho người trực tiếp tính và thu thuế chứ không hẳn là ăn chia. Số tiền thiệt hại do bị thất thu thuế cũng vô cùng lớn.
Loại thứ ba: những người hành nghề tự do hoặc làm thêm, có thu nhập cực cao song chưa phải đóng thuế, hoặc đóng với mức không hề tương xứng so với thu nhập của họ. Số này gồm họa sĩ vẽ tranh, làm bìa sách, thiết kế mỹ thuật, ca sĩ, bầu sô, bác sĩ, nha sĩ, giáo viên những môn có thể dạy thêm (toán, lý, Anh văn...)... Số tiền thất thu ở khu vực này tuy không nhiều như ở khu vực vừa đề cập song cũng không nhỏ.

2.
Với những người hưởng lương nhà nước không ai sống được bằng lương, và tiền lương cơ bản chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong thu nhập của họ. Ngoài lương, công nhân viên nhà nước còn có những khoản thu nhập khác, có thể minh bạch, cũng có thể không minh bạch. Các khoản ấy là khoản gì? Làm thế nào để có thể quy về một mối? Có thể thu để đưa vào lương được không? Thu như thế nào? Ðến đây thì buộc phải nhờ đến phương pháp thống kê thông qua điều tra xã hội về tiền lương. Sức một người không thể kham nổi, công việc này cần sự góp sức của nhiều người và quan trọng nhất là sự trung thực của những người trả lời phiếu thăm dò để có thể có số liệu chính xác qua đó khái quát các nguồn thu nhập minh bạch đến từ đâu, từ đó xem thử có cách nào thu được chúng không? Với các khoản không minh bạch, làm thế nào nắm được để phân loại, rồi tìm cách xử lý?
Như thế chúng ta đã thấy lộ ra câu trả lời cho câu hỏi: tiền đâu? Tuy nhiên để giải quyết rốt ráo vấn đề tiền lương, chúng ta buộc phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa: cắt giảm đến mức tối đa số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Số này bao gồm đội ngũ công chức hành chính các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, quân đội, công an. Riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước, ngoại trừ một số loại đặc biệt quan trọng nhà nước buộc phải nắm giữ, hãy để nền kinh tế thị trường định đoạt. Trước mắt giải thể ngay các doanh nghiệp thua lỗ triền miên. Ðể loại này lại chẳng ích gì, điều cần quan tâm là chế độ phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm cho số lao động mất việc này ra sao. Khi đó ngân sách nhà nước bớt phải gồng gánh thêm lỗ lã của các doanh nghiệp này và như thế tiền nhà nước chi cho việc duy trì chúng có thể dùng vào việc khác. Mặt khác cải cách doanh nghiệp nhà nước nếu làm triệt để, mặc dù sẽ có dôi dư lao động (ước tính khoảng 50%), nhưng tiền lương trong khu vực này được cải thiện. Ðiều này kích thích khả năng làm việc và do đó nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp này, tất nhiên còn phải kèm thêm nhiều biện pháp khác, chẳng hạn như thi tuyển giám đốc kèm theo chế độ lương bổng cho giới nhân viên quản trị cấp cao này cũng như trao trách nhiệm và quyền hạn cụ thể rõ ràng. Khi đó ngân sách nhà nước thu được từ thuế của khu vực kinh tế quốc doanh là đáng kể thay vì phải bù lỗ như trước đây.
Cũng tương tự như cải cách các doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính cũng sẽ có tác động tích cực, cụ thể là cải cách khu vực này tác động tốt đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân – khu vực vốn chịu nhiều o ép của các cấp hành chính. Ðiều này gián tiếp đem lại một khoản thu nhập từ thuế lớn hơn từ khu vực kinh tế tư nhân, do có sự tăng trưởng tốt hơn nhờ cải cách hành chính.
Qua cắt giảm như vừa trình bày, số người hưởng lương từ ngân sách đã ít đi nhiều. Vấn đề còn lại là công việc tính toán dự trù: tổng quỹ lương có được khoảng bao nhiêu? (sau khi đã dành một khoản đáng kể để chi trợ cấp xã hội cho số người bị mất việc do mạnh tay cải cách hành chính và cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhằm tránh sự bất ổn xã hội) – chưa tính đến toàn bộ số tiền khổng lồ sẽ có được từ phân tích ở trên, và con số cụ thể người hưởng lương là bao nhiêu?
Tính bình quân một người đi làm ngoài các khoản chi tiêu cho ăn uống, điện nước, mua sắm cho nhu cầu thiết yếu, tiền học hành cho con, trợ cấp bố mẹ, tiền lương còn phải dư một khoản cho mua xe, nhà trả góp, tổng cộng khoảng bao nhiêu? Với các con số cụ thể như trên bài toán tiền lương đã giải được chưa? Chắc chắn là chưa bởi nếu chia tổng quỹ lương cho toàn bộ số người ăn lương thì thương số hẳn còn nhỏ hơn nhiều so với tiền lương bình quân cần phải đạt. Vấn đề này cũng sẽ giải quyết được nếu sử dụng giải pháp “Vết dấu loang.”
Ðể giải pháp này có thể thực hiện được cần phải có một cuộc vận động, đả thông tư tưởng rộng khắp toàn xã hội vì lý do sau: mặc dầu tất cả những người ăn lương từ ngân sách nhà nước đều được hưởng lương mới kể từ ngày quyết định lương mới có hiệu lực, nhưng đợt đầu sẽ chỉ chọn ra một số đối tượng được nhận, phần đông vẫn tạm thời nhận mức lương cũ, sau một thời gian nhất định sẽ hưởng lương mới, đồng thời nhận truy lãnh phần nhà nước còn nợ. Thực ra nếu hiểu được vấn đề, nhân dân hẳn sẽ đồng thuận, bởi lợi ích đất nước không hề ảnh hưởng đến lợi ích của từng cá nhân, tính công bằng của chính sách tiền lương mới vẫn đảm bảo, chỉ có điều là không cùng một lúc mà thôi.
Nội dung của giải pháp vết dầu loang như sau: Vì muốn thay đổi tiền lương một cách triệt để trong khi không thể làm đồng thời, cho nên buộc phải thực hiện chế độ tiền lương mới theo kiểu vết dầu loang. Cụ thể chọn ra những ngành trực tiếp liên quan đến việc có thể đem lại các khoản thu khổng lồ như đã chỉ ra ở trên: THUẾ.
Như vậy lực lượng thuế vụ, hải quan nằm trong đợt đầu tiên hưởng lương mới. Tuy nhiên phải kèm theo biện pháp cứng rắn: đưa ra tòa với khung hình phạt đặc biệt cho những kẻ nào gian lận thuế hoặc giúp người khác né thuế, trốn thuế (Quốc hội thông qua điều luật mới).
Lực lượng kế tiếp hưởng lương mới là các cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ pháp luật: công an, tòa án, viện kiểm sát. Với mức lương cao, nếu ai không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, dung túng cho các tội phạm trong đó có tội phạm về kinh tế – loại tội phạm gây thất thoát một số tiền khổng lồ của nhân dân, sẽ bị trừng trị theo khung hình phạt đặc biệt (Quốc hội thông qua điều luật mới).
Có một thực tế là số tiền bị các quan chức biển thủ, tham nhũng, làm thất thoát, gây thiệt hại là rất lớn, lớn hơn cả trong số này là tiền bị thất thoát, bị thiệt hại trong các dự án lớn, các công trình xây dựng cơ bản. Rất nhiều dự án đầu tư mà mỗi cái tốn hàng trăm tỷ đồng, nhưng rồi kết cục hiệu quả kinh tế mà dự án đem lại rất thấp. Có không ít công trình xây dựng cơ bản mà mỗi công trình tốn cũng hàng trăm tỷ đồng, nhưng rồi hoặc là không sử dụng được, hoặc tệ hơn là nằm phơi nắng mưa. Tính tổng cộng, đây là số tiền lớn khủng khiếp; nếu tiếp tục để tình trạng này thì tiền thuế người dân đóng tiếp tục bị lãng phí, thậm chí mất luôn. Nhằm ngăn chặn chuyện này, bước đầu một số hạn chế các quan chức cao cấp có công việc liên quan trực tiếp đến việc lập, phê duyệt, thực thi các dự án lớn, các công trình xây dựng cơ bản có vốn đầu tư lớn sẽ hưởng lương mới, có thể kèm thêm tiền dưỡng liêm. Ðồng thời một điều luật mới cũng sẽ được Quốc hội thông qua với khung hình phạt đặc biệt cho tội biển thủ, làm thất thoát, gây thiệt hại, tham nhũng nhằm răn đe. Lẽ tất nhiên đi kèm với những điều này phải là các biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh tạo khe hở ...
Ðành rằng ba nhóm có thể trục lợi kể trên phạm pháp không phải chỉ vì lương chưa đủ sống, còn nhiều lý do khác nữa. Tuy nhiên việc được hưởng lương cao kết hợp với các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ cùng với hình phạt nghiêm khắc sẽ hạn chế được rất nhiều các tiêu cực có thể xảy ra bởi lúc đó những người thuộc các nhóm này:
không cần trục lợi cũng có thể sống ung dung;
khó có thể trục lợi;
ít dám trục lợi;
(Ý này đã có tác giả nêu – người viết sử dụng lại).
Tóm lại có ba nhóm được trả lương đủ sống ở mức khá, được hưởng lương đợt đầu tiên này, bao gồm :
Nhóm tính và thu THUẾ, nhằm thu đủ thu đúng;
Nhóm bảo vệ pháp luật, nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của việc thực thi pháp luật, gián tiếp bảo vệ tiền THUẾ do dân đóng.
Nhóm công chức cao cấp, nhằm tránh thất thoát thiệt hại tiền THUẾ người dân đóng.
Như thế bước đầu có một bộ phận hưởng lương đủ sống, thậm chí được ưu đãi, nhưng hình phạt nặng luôn lơ lửng trên đầu họ, và hoạt động của các đối tượng này luôn được giám sát, theo dõi quản lý chặt. Ðây là những vết dầu dần loang ra để rồi thổi bùng lên tính trách nhiệm và tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần công dân, tinh thần phục vụ mẫn cán. Khi đội ngũ này làm việc với tinh thần như vừa nói, thuế sẽ thu được khá đầy đủ (có thất thoát nhưng chắc không nhiều), tội phạm làm mất tiền của nhân dân sẽ không nhiều như trước, số tiền mất chắc chắn chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều.
Như vậy đến đây ta có thể đưa một phần số tiền nói trên vào việc trả lương mới cho các ngành nghề khác đồng thời trả tiền truy lãnh.
Khi đồng lương làm đúng chức năng của mình, nó sẽ phát huy hiệu quả tạo điều kiện để kinh tế tiếp tục đi lên, con người sống thanh thản hơn bởi thu nhập ngoài lương chỉ là chuyện của ngày hôm qua, họ không còn phải bận tâm để xoay xở sao cho đủ sống nữa.
11/8/2004
Nguyễn Thục Nhi
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhật Ký Hội Ngộ Vào lúc mười hai giờ trưa thứ năm ngày 19 tháng 8 năm 2010, Tuyết Lan, Tuyết Mai, Bạch Mai Anh và tôi co ro kéo kín cổ á...