Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Trịnh Công Sơn - Người của mọi người

Trịnh Công Sơn
Người của mọi người

LTS: Nhân kỷ niệm 21 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm (1-4-2001 - 1-4-2022), PLO xin trích đăng bài viết "Trịnh Công Sơn - Người của mọi người" của cố nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng (Bài viết năm 2010, 9 năm sau (2001-2010) ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - PV). 

Được sự đồng ý của nhà thơ, nhà báo Từ Nguyên Thạch (anh ruột của cố nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng), chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài viết này.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

“Bàn chân nhỏ bé. Hôm qua hôm qua. Chung vui hội hè. Bàn chân nhỏ bé. Hôm nay hôm nay. Đã quên đường về”. Đã tròn 9 năm (2001-2010) bàn chân ông không còn chung vui hội hè với cái nơi chốn mà trước đó hàng ba mươi, bốn mươi năm ông cũng đã tiên liệu “trong hội trần gian ôi bao ngày yêu dấu cũng không còn. Trong cuộc bể dâu ôi trăm ngày phố xá cũng trôi theo”.
Bàn chân nhỏ bé
Trong căn phòng nhỏ ở Hội Âm nhạc TP.HCM, ông nói như than cùng nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu: “Mình biết cả cái chân ni hắn cũng vô thường, nhưng trước khi tan rã thiệt, hắn hành mình đau quá không chịu nổi”.

Bàn chân ấy vốn rất nhạy cảm, dễ đau trước đường trần, “người đi chùng chân đã bao lần”, đã từng cảm giác “mệt quá đôi chân này tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi” và trong những ngày trước khi rời cõi tạm, nó đã... đau thiệt.

Cơn đau hành hạ ông cả trong ngày kỷ niệm sinh nhật cuối cùng hơn một tháng trước khi ông ra đi. Nó lan tỏa, làm đau đến cả những người bạn thân của ông: “Khuôn mặt và nụ cười của Sơn rạng rỡ và ấm áp giữa những người thân, bạn bè. Thỉnh thoảng Sơn nhăn nhó vì đau ở chân. Mỗi lần như thế, tôi rùng mình theo Sơn, theo cái chân của Người hát rong mà tôi thú thật không biết phải làm gì. Đơn giản vì tôi không phải là thượng đế...” (Sâm Thương).
Trước cơn đau của ông, người ta đã phải nhắc đến thượng đế như một lời oán trách, một niềm bất mãn, một bày tỏ bất công, đủ hiểu “người ta” đã thương yêu ông như thế nào.
Đừng tin tôi nhé
Vì sao ông được thương yêu như thế? Được trở thành người của mọi người như thế?
Nếu Trịnh Công Sơn còn ở lại với chúng ta, ắt hẳn nghe câu hỏi đó ông lảng tránh từ xa, tìm chỗ ngồi riêng tư trong bóng tối nhỏ nhoi nào đó. Nhưng chúng ta nên và cần thiết đi tìm câu giải đáp. Không phải cho ông mà là cho chúng ta, những người đang sống, khi bao lâu trần gian này mỗi ngày vẫn còn cảnh “bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm” dị hợm.
Dư luận và mọi người vẫn dễ dàng nhất trí với nhau rằng tài năng âm nhạc của ông, hay nói cách khác, là sự cống hiến của ông trong âm nhạc đủ khiến xã hội quý trọng, thương yêu ông lâu bền. Đó là điều hiển nhiên, song là sự hiển nhiên thời nào cũng có. Sự hiển nhiên dành cho một tài năng. Nhưng Trịnh Công Sơn đã bước qua cánh cửa tài năng - theo nghĩa thực tế là giữa thiên tài và nhân tài - để đứng vào một vị trí tót vời hơn nhưng vốn rất gần với mọi người mà vì nhiều lý do điên khùng vọng động, chúng ta chẳng chịu... đứng vào đó nên phải chịu cách xa ông.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly
người phụ nữ tương tri nhất của ông. Ảnh tư liệu
Đó là..., tôi phải mượn ngay lời của người phụ nữ tương tri nhất của ông để tạm thời lý giải: “Bởi vì ở ông Trịnh Công Sơn, điều vĩ đại nhất, vĩ đại hơn cả những tác phẩm của ông là nhân cách, nhân phẩm của ông. Ông là người duy nhất đã sống trong cuộc đời này với một tấm lòng không thù hận” (Khánh Ly).
Không hẳn ai trong chúng ta cũng “thấy” ông vĩ đại về tác phẩm hay về nhân cách, nhân phẩm, nhưng điều đáng ghi nhận nhất về Trịnh Công Sơn phải chăng là ở chỗ ông chọn tác phẩm (âm nhạc) để chuyển tải, rao truyền những giá trị về nhân cách, nhân phẩm, về tấm lòng không thù hận và trong khi làm thế ông cũng tự biết rằng hơn ai hết, chính ông, với tư cách là tác giả, người rao sứ điệp, phải mang trong mình một tâm hồn thuần khiết đứng cao trên giá trị (tiết tấu, ca từ, văn bản) một ca khúc, dù có lúc ông cũng đã tự “khiêu khích” mình về điều đó: “Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”; “Đừng tin tôi nhé vì lời nói. Đừng yêu tôi nhé vì tiếng cười”.
Sự hợp nhất
Trong cõi sống này đây, ít có một hiện tượng kỳ lạ như trường hợp của Trịnh Công Sơn, ấy là đã có một sự hợp nhất tròn trịa ngay từ thuở ban sơ giữa ý nguyện và sự thực hành của một con người khi chớm lọt thân vào đời. Ắt hẳn từ nỗi ám ảnh mang tính chất siêu hình (từ kiếp nào?) mà với ông, khi oe oe ra đời đã là một kiểu “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, dù kinh điển có gọi đó là “phúc âm” (tin mừng) thì ông cũng thêm vào: “phúc âm buồn” - một lối chơi chữ tài tình một cách nghiêm trọng.
Trước phúc âm buồn, buộc lòng ông phải vin lấy một cái gì đó để đỡ nâng cho sự hiện tồn mỏng manh của mình, và cái đó không phải là thần thánh nào, con người nào mà vốn là cái bình thường được cấu thành bởi âm thanh và tiếng nói do con người sáng tạo ra từ hàng nghìn năm nay, mệnh danh là bài hát, là ca khúc.
Ông “hợp nhất” với nó từ đó. Sự hợp nhất trải dài ngót 63 năm. Kể từ lúc mang nặng kiếp người ông đã thấy “số phận” của các ca khúc rồi sẽ song hành sinh tử với mình. Ông nói về điều đó rất sớm như một khế ước tiên thiên: “Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành.
Trên mảnh đất nhỏ nhắn này tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây, tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống”. Để rồi từ đó ông luôn ước mơ và cật lực thực hiện cho cái ước mơ “một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái”.
Ai dâng hiến trọn vẹn mình với cái gì sẽ được đáp trọn cái ấy. Vì thế, có cảm tưởng hơi cực đoan rằng không phải tài năng mà chính tấm lòng, chính sự hợp nhất giữa tác giả và bài hát đã khiến âm nhạc của Trịnh Công Sơn cất cánh. (Cất cánh có khi chưa phải là nhạc hay). Chính các học giả nhiều lần thảng thốt cất tiếng rằng không phải ông viết mà là một cái gì viết ra qua ông, điều đó trong ngôn ngữ đạo học gọi là sự mặc khải.
Điều đó cũng có thể lý giải e đây là một sự hạnh nguyện sâu xa ngân lên cùng lúc với phút giây ông cất tiếng chào đời, nên mới có một vị sư đã nói vui về ông: “Lúc ấy, trong tiếng khóc nghe ra đã có giai điệu trầm thống của những bài hát mang chất kinh kệ sau này”.
Mà quả thật, ngay từ những ca khúc đầu tay cho đến những bài cuối đời, từ tình ca cho đến nhạc phản chiến của ông, bàng bạc trong hầu hết là tính tự sự nặng trĩu không chỉ trong ca từ mà cả trong giai điệu, gần như trở thành một dạng kinh kệ đều đều dễ hát, dễ thuộc, dễ lan tỏa, thẩm thấu vào tâm thức nhiều người, nhiều giới...
Nhà thơ
Bài viết "Trịnh Công Sơn - Người của mọi người" 
đã in trong tập "Đoàn Vị Thượng - Thơ". Ảnh: N.TÝ
Nhà văn Nguyễn Tuân khi nói đến ca khúc Trịnh Công Sơn chỉ dùng có một từ: “Thơ!”. Chỉ với một từ ấy thôi ông đã đẩy ngót một trăm nhà thơ hay nhất của thế kỷ (được Hội Nhà văn Việt Nam tuyển chọn 2008) lâm vào cảnh bối rối và buộc chúng ta phải bình tâm rà xét lại cái gọi là thơ mà lâu nay chúng ta vẫn tự hào mình là tác giả của chúng.
Nói một cách khác, ca khúc của Trịnh Công Sơn đã giúp ta có cái hạnh phúc là biết thưởng thức thế nào là thơ thực sự. Nó giúp tìm thấy lại giá trị cao quý của thể loại này mà lâu nay đã bị tầm thường hóa đi rất nhiều. Nhưng tôi tưởng cũng nên nói thêm một chút về chữ “thơ” mà cụ Nguyễn Tuân dùng.
Như cụ đã có lần phân tích, trong ý niệm của cụ, “thơ” có dính líu đến tuổi thơ, đến sự thơ ngây và niềm thơ mộng. Và khi nói đến chất thơ trong nhạc Trịnh, hẳn cụ cũng đã nhận ra trong đó sự trong sáng, vẻ thuần khiết, niềm mộng mơ qua những ca từ, ý tưởng và giai điệu.
Và trong tinh thần đó, tôi buộc phải thêm một ý lý giải - phải chăng đông đảo người ta tìm đến nhạc Trịnh thì cũng là vì họ muốn tìm về bản chất thuần phác cổ sơ dễ vui dễ buồn dễ xúc động mộng mơ của tuổi thơ mình vốn đã bị phai nhạt từ lâu trong cõi sống đua chen của người lớn mà Trịnh Công Sơn là người ở một mức độ nào đó còn neo giữ được và cũng thể hiện được.
Rất nhiều người trong chúng ta từ lâu đã đánh mất nụ cười chân thiện của mình rồi. Như chính ông cũng từng đã nhận thấy và hằng cảnh báo: “Một ngày tiếng nói âu lo ra đời, nụ cười vội cất cánh bay. Một đời với những chen đua lâu dài, người người còn tiếp nối người”.
Người người còn tiếp nối người như là một dòng cộng sinh, nhưng là những sinh mệnh riêng rẽ, và là những phàm nhân không có “của cải” gì cứu chuộc mình. Chúng ta “nghèo nàn” quá. Trịnh Công Sơn chẳng đã từng dặn: “Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khung trời vắng chân mây địa đàng” sao?.
Tác giả bài viết - nhà thơ Đoàn Vị Thượng 
đã qua đời ngày 16-2-2021. Ảnh: LÊ VĂN DUY
Còn Trịnh Công Sơn, ông đã rời “cõi tạm” 9 năm, nhưng đã có vô số “sinh mệnh” ca khúc tiếp nối đời sống xương thịt của mình sau cuộc hóa thân kia. Và nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Lúc sinh thời, Sơn vắng mặt chỗ này chỗ kia, nhưng khi Sơn ra đi, Sơn có mặt khắp mọi nơi”.
Vậy thì rõ ông là người của mọi người, người của mọi thời rồi!.
1/4/2022
Đoàn Vị Thượng
Theo https://plo.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...