Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Gửi Thanh niên Việt NamXXX

Gửi Thanh niên Việt Nam

Ông Đu-me, nguyên toàn quyền Đông dương đã viết: " Khi nước Pháp đến Đông dương, thì dân tộc Việt nam đã chín muồi để làm nô lệ". Từ đó đến nay hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua. Nhiều biến cố phi thường đã làm đảo lộn thế giới. Nhật Bản đã đứng vào hàng đầu các cường quốc trên thể giới. Trung Hoa đã làm cách mạng. Nga đã tống cổ lũ bạo chúa đi để trở thành một nước cộng hòa vô sản. Một luồng gió giải phóng mạnh mẽ đã làm cho các dân tộc bị áp bức vùng lên. Người Ai Rơ Lan, Ai Cập, Triều Tiên, Ấn Độ, tất cả những người chiến bại hôm qua và nô lệ hôm nay đó, đương đấu tranh dũng cảm cho nền độc lập ngày mai của họ. Riêng người Việt Nam, thì vẫn cứ thế: sẵn sàng làm nô lệ.
Hãy nghe đoạn văn khốn nạn này của một tên khách Việt Nam trong một bữa tiệc hai trăm người ăn, tổ chức ra để chiêu đãi bọn U-tơ-rây, Va-luy-dơ và bè lũ và để ngửi mùi bít tất thối của bọn "liên minh dân tộc" này. Anh chàng Việt Nam ấy đã không ngại bỏ ra 85 quan cho một bữa chè chén. Hắn đọc diễn văn tại bữa tiệc:
"Tôi lấy làm tự hào được thay mặt cho toàn thể cử tọa nói lên tấm lòng tôn kính sâu sắc, niềm vui mừng và lòng biết ơn của chúng tôi đối với các vị. Đối với con mắt khâm phục của chúng tôi, các vị thật là tiêu biểu cho chính phủ của dân tộc Pháp vinh quang. Tôi không tìm ra dược danh từ nào đủ đẹp để nói lên cho thật đúng ý nghĩa của tư tưởng sâu kín trong chúng tôi, nhưng thưa các vị, các vị hãy tin ở tình gắn bó thuỷ chung, ở lòng trung thành, ở sự sùng bái của chúng tôi đối với nước Đại Pháp, là người đỡ đầu và bảo hộ, đã coi chúng tôi như con, không phân biệt mầu da và chủng tộc. Mỗi người của chúng tôi đều đã tự mình nhận thấy tất cả những ân huệ mà Nhà nước chí tôn và những vị đại diện cho nước Đại Pháp đã ban cho chúng tôi bằng cách áp dụng đúng đắn và sáng suốt những luật pháp rộng rãi và khoan hồng".
Trong đám tang viên toàn quyền Lông, ông N.K.V., tiến sĩ luật, tiến sĩ khoa chính trị và kinh tế, làm việc tại toà biện lý Sài gòn, đã quả quyết rằng, nếu có thể phát biểu thay toàn thể nhân dân Đông dương, thì ông sẽ đau đớn nói lên lời cảm tạ thiết tha đối với quan toàn quyền về tất cả những gì mà Ngài đã làm cho dân tộc Việt nam. Rồi ông V. kêu to lên rằng:
"Những người mà nhờ những biện pháp bao dung của Ngài, ngày nay đang đựơc cùng các vị đại diện của Nhà nước bảo hộ góp phần vào sự phồn vinh không ngừng tăng lên của xứ Đông dương, những người ấy cảm tạ Ngài tự đáy lòng và sùng bái hình ảnh của Ngài. Kinh tế là vấn đề mà Ngài lo nghĩ đến nhiều nhất. Ngài đã muốn cho Đông dương có đủ trang bị kinh tế để trở thành một nước Pháp thứ hai, một nước Pháp hùng cường ở Viễn đông, một chi nhánh của nước Pháp Cộng hoà! Ngài đã đem hết tâm hồn, trí não vào sứ mệnh của Ngài là khai hoá cho một dân tộc bị ngăn cản trên con đường tiến bộ vì nhiều điều kiện lịch sử và khí hậu. Ngài là người chiến sỹ vô song của tiến bộ và sứ giả của văn minh..."
Còn ông Cao-văn-sen, kỹ sư, hội trưởng hội những người Đông dương tại Pháp, thì nói rằng việc ông Lông chết quá sớm là một cái tang cho Đông dương. Rồi ông kết thúc bài điếu văn bằng những lời sau đây:
"Thưa quan toàn quyền, chúng tôi chân thành thương tiếc Ngài vì đối với tất cả chúng tôi, Ngài là một ông chủ bao dung, khoan thứ như một người cha".
Từ việc trên, tôi xin kết luận rằng, nếu quả thật tất cả những người Việt Nam đều rạp mình sát đất như bè lũ tay sai ấy của chính quyền thì người Việt Nam có phải chịu số kiếp nô lệ, cũng là đáng đời!
Thanh niên ta cũng nên cần biết là hiện nay có hơn hai nghìn thanh niên Trung-hoa trên đất Pháp và độ năm vạn ở châu Âu và châu Mỹ. Hầu hết những thanh niên ấy đều đã tốt nghiệp Hán văn và tất cả đang là sinh viên - công nhân. Còn chúng ta, thì chúng ta có những sinh viên được học bổng và những sinh viên thường, nhờ ơn của nhà nước hay tiền của cha mẹ (hại thay, hai cái nguồn đấy đều không bao giờ cạn cả), mà đang dành một nửa thì giờ vào các việc... chơi bi-a, một nửa của nửa thì giờ còn lại để đến các chốn ăn chơi; số thì giờ còn lại, mà ít khi còn lắm, thì để vào trường đại học hoặc trường trung học. Nhưng sinh viên - công nhân Trung quốc thì lại không có mục dích nào khác hơn là nhằm thực sự chấn hưng nền kinh tế nước nhà; và họ theo châm ngôn: "Sinh sống bằng lao động của bản thân và vừa học hỏi vừa lao động".
Họ đã làm như thế này: vừa đặt chân lên đất nước người là tất cả những người có năng khiếu giống nhau và cùng muốn học một nghề thì tập hợp lại thành nhóm để vận động xin việc với bọn chủ. Khi được nhận vào xưởng thợ hay nhà máy thì cố nhiên là họ bắt đầu bằng cách học việc, rồi sau trở thành thợ. Đối với nhiều người đã được nuôi dưỡng trong cảnh giàu sang và được gia đình chiều chuộng, thì làm những viêc nặng nhọc là một điều gian khổ. Nếu họ không có một quyết tâm vững chắc, không được một sức mạnh tinh thần phi thường thúc đẩy thì phần lớn đã phải chùn bước. Nhưng cho tới nay tất cả vẫn tiếp tục làm việc. Một trở lực thứ hai là ngôn ngữ bất đồng, họ đã khắc phục được trở lực ấy nhờ biết lợi dụng khiếu quan sát, cái khiếu gần như là một bản năng đặc biệt của những người Viễn đông chúng ta. Nếu họ không hiểu được hay hiểu một cách khó khăn những lời chủ họ nói, thì họ chăm chú quan sát những cái mà chủ chỉ cho họ.
Họ kiếm không được bao nhiêu tiền. Với số tiền công ít ỏi, trước hết họ phải tính sao cho đủ sống. Và, họ coi việc không xin tiền chính phủ, không xin tiền gia đình là một vấn đề danh dự. Sau nữa, tuỳ theo số tiền kiếm được họ trích một phần để đóng vào quỹ tương tế do họ lập ra. Quỹ này nhằm hai mục đích: 1) giúp đỡ những sinh viên đau ốm có giấy chứng nhận của thầy thuốc, và những sinh viên thất nghiệp có giấy chứng nhận của chủ; 2) trợ cấp một số tiền trong một năm cho tất cả những người mới học nghề xong để giúp họ bổ túc nghiệp vụ.
Lao động ở nước nào, họ cũng xuất bản ở đấy một tờ tạp chí (luôn luôn là do sinh viên - công nhân đóng góp). Tạp chí ấy viết bằng chữ Hán, cung cấp tin tức của Tổ quốc và đăng những vấn đề lớn trên thế giới, v.v... Tạp chí dành một mục cho độc gỉa trao đổi những việc bổ ích cho việc học nghề của họ, báo cho nhau biết sự tiến bộ của từng người, khuyên nhủ và động viên nhau. Ban ngày họ làm việc, ban đêm họ học tập.
Kiên trì, quyết tâm và đoàn kết như thế, các "ông chủ trẻ tuổi" của chúng ta chắc chắn sẽ đạt mục đích. Với một đạo quân 50.000 công nhân dũng cảm đáng khâm phục, lại được đào tạo trong kỷ luật và kỹ thuật hiện đại, thì không bao lâu nữa, Trung quốc sẽ có địa vị trong hàng các cường quốc công nghiệp và thương nghiệp thế giới.
Ở Đông dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn như: hải cảng, hầm mỏ, đồng ruộng mênh mông, rừng rú bao la; chúng ta có những người lao động khéo léo và cần cù.
Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức! Bởi thế công nghiệp và thương nghiệp của chúng ta là một con số không. Thế thì thanh niên của ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: Họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thoả mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi!.
Hỡi Đông dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh.
25/2/1925
Nguyễn Ái Quốc
Nguồn: Phụ lục Bản án chế độ thực dân Pháp, 
nguyên tác tiếng Pháp Le Procès de la Colonisation 
Francaise, Librairie du Travail, Paris 1925, bản dịch 
tiếng Việt của xnb Sự Thật, Hà Nội 1960
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...