Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

XXXXXBàn tròn Talawas về Ðồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại 2

Bàn tròn Talawas về
Ðồng tính luyến ái trong
xã hội hiện đại 2

Faith
Viết trên những câu hỏi của anh Nguyễn Anh Cơ
Xin được có 1 số ý kiến về đồng tính luyến ái (ĐTLA) sau 1 thời gian im lặng ở Bàn tròn vì đã không có thời gian để viết. Những ý kiến này được viết trên những câu hỏi của anh Nguyễn Anh Cơ.
ĐTLA là một hiện tượng tự nhiên tồn tại không những trong suốt lịch sử của loài người mà nó còn được thấy xuất hiện trong các loài vật. Ở thời gian này, thế giới đang ở trong giai đoạn vừa trải qua rất nhiều biến động trong một thời gian ngắn đi từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cho đến các biến động trong chính trị mà từ đó chế độ dân chủ được thiết lập tin rằng mọi người đều có quyền và cơ hội công bằng như nhau cấu trúc xã hội thay đổi, một số tiêu chuẩn đạo đức cũng thay đổi trong đó nhu cầu cá nhân được đề cao, rồi các phong trào đấu tranh nhân quyền nổi lên trong đó có phong trào đấu tranh cho ĐTLA. Xã hội trở nên cởi mở hơn, suy nghĩ của con người trở nên thoáng hơn và có nhiều người hơn biết đến và chấp nhận ĐTLA. Thử tưởng tượng trong xã hội phong kiến ngày xưa có mấy người biết đến khái niệm ĐTLA. Thực tế mà nói đại đa số trong xã hội ngày nay người ta vẫn chưa chấp nhận ĐTLA và thậm chí một số thù hằn ghét bỏ. Nhiều người cố gắng mổ xẻ vấn đề ĐTLA để đi tìm những lý do cho mình để ủng hộ hay bác bỏ. Không ai nhìn ĐTLA chỉ đơn thuần là sự luyến ái giữa 2 người đồng giới và không thể sinh sản mà nguời ta đem ra bao nhiêu là khía cạnh khác để mà quan sát từ sinh học, triết học cho đến các tiêu chuẩn đạo đức của xã hội.
Khía cạnh sinh học và triết học dường như đã đạt được 1 sự hiểu biết đối với ĐTLA. Nhiều thí nghiệm và nghiên cứu khoa học cho thấy ĐTLA không phải là bệnh, không lây lan, và người ĐTLA là bình thường như mọi người chỉ duy nhất khác ở chỗ người đó có xu hướng tình dục cho người đồng giới. Triết học thì tìm hiểu về quá trình hoà hợp của 2 cá thể từ thể xác đến tâm hồn và những lý thuyết được viết cho thấy một sự thông hiểu và chấp nhận trên vấn đề ĐTLA.
Các tiêu chuẩn đạo đức có lẽ là khía cạnh đem đến nhiều băn khoăn bối rối nhất cho người ta để có thể chấp nhận ĐTLA. Tại sao người ta chưa bao giờ thắc mắc rằng dị tính luyến ái (DiTLA) là đúng hay sai mà chỉ thắc mắc ĐTLA? Dĩ nhiên là vì DiTLA là yếu tố di truyền nòi giống nhưng bên cạnh đó còn bởi vì DiTLA là quá bình thường và được cho là hiển nhiên, người ta thường chẳng bao giờ thắc mắc về điều bình thường mà chỉ thắc mắc về điều gì đó khác thường ít phổ biến, trước Newton thì có ai thắc mắc là tại sao trái táo rơi xuống mà không rơi ngược lên đâu. Vậy thì tại sao con người lại thường không thắc mắc về những thứ được coi là bình thường? Bởi vì người ta đã quen với nó, nó trở thành quá hiển nhiên như là phải ăn khi đói và uống nước khi khát vậy.
Những thứ được cho là bình thường này làm thành 1 lối nghĩ, 1 văn hoá cho 1 cộng đồng. Và những lối nghĩ này đặt ra những tiêu chuẩn cho 1 cộng đồng. Những tiêu chuẩn này được truyền bá và trải rộng ra trong cộng đồng và được truyền từ đời này sang đời khác cũng qua quá trình "nó được làm cho trở nên quen thuộc và hiển nhiên" và cũng vì sự phát triển của con người chịu sự ảnh hưởng của nhau rất lớn. Những tiêu chuẩn này chính là những tiêu chuẩn đạo đức của 1 cộng đồng, cái được tin là đúng và nên làm theo. Vậy thì tại sao nó được tin là đúng và 1 cộng đồng luôn mong đợi từng cá thể trong nó thực hiện theo?
Mọi người đều có những tiêu chuẩn và niềm tin nhất định trong cuộc sống, người ta cần nó để mà sống, để biết phải làm gì khi đối mặt với 1 vấn đề nào đó. Bởi vì sống là 1 quá trình liên tục thực hiện các quyết định và giải quyết các vấn đề từ chuyện nhỏ nhặt cho đến chuyện lớn. Các tiêu chuẩn đạo đức và tôn giáo đã xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu đó của con người, và chúng được đặt ra dựa trên cảm xúc của con người nhằm giúp cộng đồng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Một số tiêu chuẩn đạo đức được xây dựng dựa trên cảm xúc bản năng của con người (nghĩa là yếu tố môi trường không ảnh hưởng) chẳng hạn như giết người bị coi là tội lỗi vì cảm xúc bản năng của đa số chúng ta là thương yêu nhau, có tính thiện ngoại trừ 1 số kẻ sinh ra với bản năng máu lạnh. Những tiêu chuẩn đạo đức này tồn tại trong mọi cộng đồng.
Một số tiêu chuẩn đạo đức khác những cái góp phần xây dựng nên văn hoá, những tiêu chuẩn này không phải tự nhiên mà có trong mỗi con người mà được hình thành qua sự giáo dục và sự ảnh hưởng của cộng đồng, vì thế những tiêu chuẩn này sẽ khác nhau giữa các cộng đồng. Ví dụ như, ở Việt Nam, hôn nhau ngoài đường là không nên vì người ta không thích nhìn thấy nó. Vì sao vậy? Vì họ không quen nhìn thấy nó từ nhỏ rồi và họ được dạy như thế là không nên, rồi thói quen của cảm xúc kiểu này được hình thành trong quá trình trưởng thành và già đi, nó dần trở thành tự nhiên. Nếu bị hỏi là vì sao không nên thì họ sẽ không trả lời được mà chỉ biết là nhìn thấy nó thì thấy chướng mắt. Trong khi đó hôn nhau ngoài đường ở phương Tây là tự nhiên chẳng có gì gọi là không nên. Hay 1 ví dụ khác, trong xã hội Việt Nam nói riêng hay xã hội châu Á nói chung, con cái được mong đợi là phải chăm sóc cho cha mẹ để đền ơn sinh thành và dưỡng dục nếu không sẽ bị xã hội lên án là bất hiếu. Còn trong xã hội phương Tây thì ai nấy tự lo, công sinh thành và dưỡng dục được coi là nhiệm vụ của bậc cha mẹ nên con cái không cần phải trả ơn.
Những tiêu chuẩn kiểu này hình thành trên yếu tố lịch sử của từng cộng đồng, khác nhau theo từng thời và thay đổi theo thời gian hướng đến mục đích làm cho cuộc sống ngày càng dễ dàng hơn cho mọi người trong cộng đồng. Chẳng hạn như trong xã hội châu Á ngày xưa thì kiểu mẫu đại gia đình rất phổ biến với 3, 4 thế hệ sống chung 1 nhà, từng cá thể sống gắn bó vào gia đình. Lối sống kiểu này mặc dù có cái lợi là các thành viên trong 1 gia đình có sự nâng đỡ của nhau nhưng hạn chế tự do cá nhân. Ngày nay tự do cá nhân được đề cao vì thế xã hội châu Á bây giờ ít có kiểu đại gia đình mà đang phát triển theo hướng hướng tới thoả mãn tự do cá nhân. Những tiêu chuẩn đạo đức kiểu này có tính tương đối, nghĩa là người này cho là đúng trong khi người khác cho là sai, và chúng có thể thay đổi được khi lối nghĩ thay đổi.
Tóm lại, tiêu chuẩn đạo đức có 2 loại như nêu trên. Vậy thì, ĐTLA va chạm với loại nào trong các tiêu chuẩn đạo đức? Khoa học nói rằng người ĐTLA không có gì khác biệt với người DiTLA ngoại trừ xu hướng tình dục, vậy thì họ không va chạm với những tiêu chuẩn đạo đức loại thứ nhất. Cái mà họ va chạm là các tiêu chuẩn đạo đức ở loại thứ hai, là những tiêu chuẩn được đặt ra từ nhu cầu phát triển của 1 xã hội có khi phù hợp với thời này nhưng trở nên lạc hậu ở thời khác.
Sự va chạm đầu tiên của ĐTLA trên những người DiTLA là "thật chướng mắt". Có lẽ không cần giải thích thêm về lý do vì sao người DiTLA lại cảm thấy như vậy, cũng chỉ tương tự như ví dụ hôn nhau trước công cộng ở VN. Người DiTLA không quen nhìn, họ không hiểu được và không sao hình dung ra được rằng làm sao 2 người đồng giới lại có thể có cảm xúc cho nhau khi mà bản thân họ là DiTLA và được giáo dục từ nhỏ và lớn lên trong nền văn hoá DiTLA. Đối với những người có tính khoan dung và đầu óc cởi mở, họ sẽ dễ đi đến sự chấp nhận hơn. Trong khi đa số những người còn lại vẫn cảm thấy không thể nào chấp nhận được. Có nhiều người DiTLA cố gắng tìm hiểu vấn đề ĐTLA, có sự hiểu biết nhưng chưa chắc có thể thay đổi ác cảm của họ trong 1 ngày 1 đêm. Điều này cũng là tự nhiên vì cảm xúc con người vốn có tính ỳ khá lớn. Cũng có những người DiTLA không muốn tìm hiểu và không muốn hiểu về ĐTLA. Ở 1 khía cạnh khác không xa, niềm tin tôn giáo là 1 yếu tố ngăn cản sự thay đổi trong lối nghĩ. Đa số các tôn giáo hiện nay vẫn chống đối ĐTLA. Niềm tin tôn giáo vốn khá mạnh và có thể coi là rào cản lớn cho bất cứ sự thay đổi nào. Lịch sử cho thấy khi xưa để thay đổi quan điểm trái đất là vuông thành trái đất là tròn, đã có nhiều nhà khoa học phải hy sinh vì đấu tranh với nhà thờ và nhân loại đã mất bao nhiêu thời gian để đi đến được sự thật.
Sự va chạm thứ hai đi xa hơn lý do "chướng mắt", đó là ĐTLA không thể sinh sản, không thể di trì nòi giống. Ở khía cạnh này, người ta ít nhìn vào những người ĐTLA như những người chẳng may bị bệnh vô sinh. Người ta thường nhìn ĐTLA dưới khía cạnh ác cảm chứ không phải thương hại như đối với những người vô sinh. Trên thực chất 2 hiện tượng ở khía cạnh này là như nhau. Vậy mà không ai bàn đến chuyện liệu những tiêu chuẩn đạo đức như loạn luân có áp dụng cho người vô sinh hay không. Thêm nữa, người ta thường di đến suy diễn nếu chấp nhận ĐTLA thì nhân loại sẽ bị tiệt chủng. Đây là sự ngoại suy của 1 số người. Nói trên khía cạnh này, tác hại của ĐTLA cũng tương tự như hiện tượng vô sinh. Xu hướng ĐTLA là 1 yếu tố tự nhiên, là 1 phần bản năng của những người ĐTLA. Nó không thể bị làm thay đổi, bỏ đi hay tạo ra được. Một người DiTLA không thể bị làm cho trở thành ĐTLA. ĐTLA lại là 1 hiện tượng hiếm (không là đa số), vậy thì cho dù với sự chấp nhận và phổ biến ĐTLA về mặt thông tin thì có muốn nhân loại bị tiệt chủng vì ĐTLA cũng không được.
Sự va chạm thứ ba là việc lập gia đình của người ĐTLA. Quyền được kết hôn là quyền có được sự công nhận của xã hội đối với sự gắn bó của 2 con người dựa trên tình yêu. Quyền này là 1 trong những quyền cơ bản của con người nhưng trong quá trình hoà nhập vào xã hội của những người ĐTLA, họ đã mất đi quyền này. Người ĐTLA muốn đòi lại quyền này như đòi lại cái mình bị đánh mất. Lý do cơ bản người DiTLA nêu lên ở khía cạnh này là nguy cơ cấu trúc gia đình sẽ bị lung lay trong khi gia đình là yếu tố cơ bản xây dựng nên xã hội. Trên thực tế, cấu trúc gia đình với cha mẹ con cái đã bị phá huỷ từ lâu với xu hướng càng ngày càng tăng với các kiểu gia đình chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ. Cấu trúc gia đình lý tưởng bị thay thế bởi sự đa dạng của các kiểu gia đình mới xuất hiện, nó là hệ quả tất yếu của sự phát triển xã hội, nó không thể là yếu tố làm lung lay xã hội. Cấu trúc gia đình của người ĐTLA cũng chỉ tương tự như 1 trong những kiểu gia đình mới trong xã hội hiện đại, và nó cũng sẽ luôn chỉ là thiểu số, không thể là yếu tố làm lung lay xã hội được. Điều duy nhất có thể làm lung lay xã hội có lẽ chỉ có thể là chính nỗi lo sợ và sự chống đối của người DiTLA dành cho những cặp ĐTLA. Thực tế là sự tồn tại của những gia đình ĐTLA với sự công nhận của pháp luật ở 1 số nước châu Âu đã không làm nguy hại gì đến sự tồn tại của xã hội.
Một yếu tố khác là việc nhận nuôi con của người ĐTLA là nên hay không nên. Người ta thường liên hệ đến vai trò không rõ ràng trong việc nuôi con của cặp đồng tính và lo ngại cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhưng liệu việc phân vai trò có cần thiết? Có lẽ chúng ta được sinh ra và chăm sóc trong gia đình dị tính nên quen với hình ảnh người cha người mẹ nên thường nghĩ rằng nếu khác đi kiểu mẫu này thì không được. Trên thực tế, vai trò cha mẹ bị đảo lộn trong 1 số gia đình dị tính. Và quan trọng hơn, sự phát triển của 1 đứa trẻ tuỳ thuộc vào tình thương và sự giáo dục mà trẻ nhận được. Tình thương thì không thể nói là cặp đồng tính không thương con bằng các cặp dị tính. Còn về sự giáo dục thì tùy thuộc vào trẻ được dạy cái gì chứ không phải là giới tính nào dạy trẻ. Mỗi giới tính vẫn có đặc trưng riêng, tuy nhiên yếu tố này không ảnh hưởng đến việc giáo dục và nuôi dưỡng 1 đứa trẻ trở thành 1 con người tốt. Ngoài ra, còn có khả năng là những đứa trẻ được nuôi lớn từ 1 gia đình đồng tính có xu hướng phát triển tính bao dung cao hơn những đứa trẻ khác.
Cho đến bây giờ, đa số nhiều xã hội vẫn chưa chấp nhận ĐTLA và còn nhiều những người ĐTLA sống trong bất hạnh, chịu đựng và hy sinh. Còn nhiều người ĐTLA phải che dấu chính bản thân mình, họ không thể công khai xu hướng tình dục của mình vì nhiều lý do phức tạp không phải chỉ vì thiếu can đảm, đặc biệt là ở xã hội châu Á. Chúng ta tất cả đều mong muốn được sống trong 1 xã hội tiến bộ mà nơi đó mọi thành viên đều có thể đạt được sự thoả mãn những nhu cầu chân chính của mình và tìm đến được hạnh phúc. Chỉ có 1 con đường để đi đến đó, mọi người được dạy để chấp nhận sự khác biệt. Ngày nay trong trường học người ta dạy không nên kỳ thị người da đen vì họ không có gì khác chúng ta ngoài màu da, nhưng ngày trước thì người da đen không bao giờ được nhắc đến trong một cách giống như trên bởi vì mặc nhiên họ bị coi là nô lệ, 1 loại người cấp thấp và khi đứng gần họ có người đã phải nhảy dựng lên vì họ nhìn quá khác biệt. Ngày nay sự kỳ thị đã giảm nhiều nhờ sự bảo vệ của pháp luật và qua giáo dục, người ta đã có sự hiểu biết đúng đắn về mgười da đen và những ác cảm vô lý đã mất dần đi bởi vì người ta đã quen với sự có mặt của họ. Hay 1 ví dụ khác đó là sự hiểu biết về các nền văn hoá được tuyên truyền để đi đến sự hiểu biết lẫn nhau, tránh xung đột văn hoá. Nếu ĐTLA được sự công nhận và bảo vệ của pháp luật, được thông tin nhằm phổ biến sự hiểu biết thì dần dần các thế hệ đi qua người ta sẽ không còn có ác cảm vô lý với hiện tượng này và kỳ thị sẽ không còn.
Lê Nghĩa Quang Tuấn
Lời-Thơ thay tiếng nói - tham dự của một nam đồng tính Việt Nam trong Bàn tròn hội thảo về "Hiện tượng đồng tính luyến ái"
Câm Lặng = Chết
tôi học giữ im lặng kể từ khi anh lên tiếng nói
ngôn ngữ của anh hùng hổ choáng ngợp hết mọi ý tưởng tôi
tôi đã uổng công cố gắng bọc gói gươm giáo anh bằng môi hôn, bịt đầu súng anh bằng tiếng hát, dạy cho anh biết thấy bằng tai nghe bằng mắt và nhìn bằng tấm lòng
tất cả như trở thành vô nghĩa khi giờ ngay chính anh không hiểu là
anh đang nói gì
cuộc đối thoại chỉ diễn ra sau khi cả hai cùng biết giữ im lặng
bây giờ thì cái quan trọng không còn là những điều anh muốn nghe mà là những gì tôi muốn nói
hãy
ngồi xuống
im lặng
...
và lắng nghe
05.08

Cuồng Mộng
...
tôi thấy ai vung tay chém tôi một đường dao dài rạch từ trên mặt xuống dưới háng... những mạch máu rách tươm bùng vỡ... máu tươi đỏ ối từ mình văng ra thành những hạt gạo rớt vương vãi tứ lung tung... từng gáo máu ào ào liên tục tạt vào mặt... máu đỏ xối chảy từ trên đỉnh đầu xuống dưới hai chân và lan ra thành dòng thấm ướt dầm dề mặt đất... tôi lấy hai tay cầm vào hai lòng bụng đã rách nát và xé toang ra nhìn xuống ngó sâu vào ruột gan phèo phổi mình ... tôi thấy trái tim mình vẫn cứ tiếp tục thở phập phồng ra vào đều đặn... nhưng mỗi nhịp đập là mỗi nhát dao chém ngang mình đau hơn đạn xé... trước mặt tôi... từng đoàn người lê thê kéo nhau đi... những khuôn mặt đàn bà con nít việt nam lôi thôi lếch thếch tả tơi trong những bộ quần áo màu đất ướt... họ đi ngang và dừng lại nhìn thẳng vào mặt tôi... từng khuôn mặt một rã tan ngay trước mặt biến ra thành những bộ xương khô chỉ dính lại đôi chút thịt rệu rữa... tim tôi đập ngược trở lại... càng lúc càng mạnh... người tôi càng lúc càng nóng ran... hơi thở càng lúc càng dồn dập... tôi dạng hai chân... nâng hai tay... vai gồng lên... ghì xiết... bỏ súng xuống!... AAAAAAAAAAA !!!!!!... tôi ôm mặt ngã ra thức giấc...
(trích)
Người Ðàn Ông Tóc Rối

Mặt trời chói đỏ như xối lửa xuống dòng Sông Cửa Lấp. Cậu bé mồ côi 16 tuổi đứng sững giữa cát và gió nhìn theo những người đàn ông vật lộn với thuyền và sóng biển. Cậu không mơ mộng hải hồ hay xông pha sóng gió, chỉ muốn chiều chiều ra bến bãi nhìn những người đàn ông quăng lưới bung giây. Chỉ muốn đứng nhìn ngườì đàn ông tóc rối.
Một trời gió
Cậu bé đứng sững giữa nắng và cát
Gió thổi lồng lộng thốc cả cát và nắng vào quần áo vào tay chân vào mặt mũi
Gió bốc tâm hồn cậu bé tuốt lên mây
Cậu nếm mùi mặn của biển trên bờ môi và nuốt nước bọt ừng ực
Cậu đưa mũi tìm kiếm mùi nồng của người đàn ông tóc rối và thấy cả thân mình cũng bay lên quay cuồng theo gió
Một trời nắng
Người đàn ông tóc rối đi ngang dừng lại nhìn cậu và cười, rồi quăng cho cậu quả cam
Người đàn ông có đôi vai lồng lộng gió nồm
Người đàn ông có đôi tay cuồn cuộn nắng mưa
Người đàn ông có đôi mắt rực lửa
Người đàn ông có lồng ngực rồng bay
Người đàn ông có đôi chân thuồng luồng trăn quấn
Người đàn ông có mái tóc rối bời nồng khét mùi cá khô
Mặt trời chúi nhủi lăn xuống phía bên kia chân trời
Những người đàn ông cuốn lưới cuốn luôn cả nhưng tiếng cười ngạo nghễ để lại cậu bé mồ côi và một cồn cát nóng
Lồng lộng giữa trời chiều còn sót lại một hồn gió hoang
Ngày lại ngày người đàn ông tóc rối và những tiếng cười đuổi bắt nhau chạy theo quãng vắng cuối cồn cát
Cậu bé đứng sững nhìn theo
Khung trời chiều bất chợt chuyển sang màu máu
Cậu nghiến răng, bóp nát mặt trời trong tay lúc nào không hay biết.

Khúc Phim Không Ðược Chiếu
Ðạo diễn giơ tay lên
Buổi sáng
Trong một căn phòng rộng 8/12
Một cái giường đôi
Hai người đàn ông
Một cái bàn con
Hai cái ly không
Một chai rượu cạn
Áo quần văng vãi tứ phía cùng mấy vỏ áo mưa
Người đàn ông A thức dậy
Rón rén lượm áo quần
Rón rén mặc vào
Rón rén đi ra cửa
Người đàn ông B thức dậy
Giơ tay qườ quạng kiếm tìm
Mở hé nửa con mắt
Cười một mình
Rồi quay mặt vô tường ngủ tiếp
"Cắt!"
Ðaọ diễn giơ tay xuống

Bình Minh Câm
... sáng sớm... em thức giấc trước tôi không thèm mặc áo quần và bước ra cửa nhặt tờ báo... bình minh câm lặng buổi sáng chủ nhật không tiếng xe hay tiếng người lao nhao vọng lên từ đường phố... cái quần đùi lót màu xanh lơ có sọc vàng nhạt em mặc vẫn còn dính cứng chất nhờn đã khô sau cuộc giao hoan tối qua... em thủng thẳng đi vào phòng bếp mở tủ lạnh rót ly sữa tươi uống một hơi... sữa dính vào mép môi em làm thành đường râu rõ trông hấp dẫn... tôi hãy còn ngái ngủ không muốn dậy khỏi giường chỉ nằm chờø em như củi khô chờ lửa... em ngồi vào bàn cặm cụi đọc báo chỉ lâu lâu nhướng mắt lên nhìn tôi cười tủm tỉm... dậy đi cha nội... em nói... tôi lắc đầu... tôi muốn em xếp tờ báo lại và trở lại giường đọc thân thể tôi thay vì đọc báo... mở tôi ra và tìm kiếm tin tức sốt dẻo nhất cho cả ngày chủ nhật lười biếng này... mặt trời lùa gió vào trong phòng làm lay nhẹ mấy đóa hoa hồng đỏ em đem lại tối hôm qua... đứa em gái tôi bảo thời buổi ni ai mà tặng hoa hồng... quá sến... nhưng hoa của em thì có sến cũng chẳng sao... em đem cái thân em lại là đủ rồi... tôi cười cho ý nghĩ loạng quạng sáng chủ nhật của mình... cười gì cha nội... em hỏi... tôi lắc đầu... dấu nhẹm ý nghĩ mình trong chăn gối... nằm miên man nghĩ chỉ vài phút nữa chậm lắm thì một tiếng đồng hồ em sẽ đi vào phòng tắm làm việc vệ sinh... xong sẽ ra mặc áo quần vào... sẽ nói vài tiếng tiễn đưa thông lệ... và tôi sẽ có một buổi chủ nhật câm nín như thường lệ với đống báo đã bị nhàu nát lung tung... dấu tích của em chỉ còn là mùi đàn ông đượm lại trong mền... tôi sẽ tiếp tục vo tròn trên giường và chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài qua đường dây điện thoại... tất cả như thường lệ... y chang như mọi chủ nhật khác... em của tôi đêm thứ bảy nhưng là của người khác ngày chủ nhật... một lần làm tình xong em nói cứ phải như vầy hoài sao cha nội... đâu sao... em cứ là chồng của người ta mà là vợ của tôi là được rồi... em lấy chân đạp tôi một cái rớt từ giường xuống đất... mấy phút của bình minh giao tiếp này tôi không muốn rùng mình hay lên tiếng sợ sự giao động sẽ làm đứt mất sợi dây thiêng liêng quấn chặt hay đứa trong thời gian qua... em trở lại giường cúi xuống hôn vào môi tôi... tôi đưa tay níu em xuống... em cười giả lả... thôi đi cha... em kéo tay em ra... tôi mở lòng bàn tay nhìn em vụt mất... em nhặt mớ áo quần rồi biến mất sau cánh cửa phòng tắm... một lát em trở ra... áo quần chỉnh tề... em đứng bên cửa sổ nhìn xuống con đường phía dưới... hai đứa im lặng không nói nhau điều gì... tôi nằm nhìn nắng chiếu qua khung kính cửa sổ... qua bóng dáng em... và thiếp đi trong giấc mộng tưởng tượng về chủ nhật tuần tới... khi tôi thức giấc... em vẫn còn đứng đó nhìn xuống con phố bên dưới... căn phòng tĩnh lặng ôm lấy em và tôi... mọi thứ im lặng lười biếng... chỉ có mấy đóa hồng nhung trên bàn vẫn còn cười rực rỡ... em lặng lẽ quay mặt lại nhìn tôi... cái nhìn của một người đàn ông con trai trưởng tộc vừa làm trọn vẹn xong một đám tang ma chay cho người cha vừa chết... cái nhìn của một ông tướng vừa trở về nhìn lại đám tàn quân sau một trận chiến đấu can trường... cái nhìn của một vị tù trưởng già trước đóm lửa tàn và đám con dân leo lắt trơ trọi... tôi đưa tay ra thiết tha mời gọi...
... buồn quá... em nói...

Ðộng
Tôi tát vào mặt anh
Thằng đàn ông
Có vầng trán lầm lì ngoan cố
Mắt sáng thông minh lóe lửa hận thù
Há từng khuất phục
Miệng chỉ biết lảm nhảm những lời ca sặc mùi sinh tử
Trong đêm đỏ
Rậm rực rú rừng
Răng anh trắng
Ðã cắn cười vang qua bao nỗi nhọc nhằn
Nhưng trước mặt tôi
Hóa là ngạo mạn
Tôi trói chặt tay anh
Ðể hóa giải những gì u uất nhất
Ðể tháo mở những đam mê có thật
Nhắm mắt vào!
Há miệng ra!
Tôi vẫn là tôi đây
Và anh đó vẫn là anh tội nghiệp
Vét sạch mớ oan khiên
Ta vây quanh nhau làm thành trì vây quanh số kiếp
Trong vòng tay tôi, giữa cõi mông lung này
Tôi sẽ biến anh thành đứa trẻ
Có ngây thơ, có hé mở, có đợi chờ
Có cả những phút giây không dính liền quá khứ
Ði! Ði ngay!
Hãy bắt đầu với khoảng thời gian
Thay chào đón bằng vạn lời xin lỗi
Tôi xé toạc áo quần anh
Như xé đi
Một linh hồn rũ nát
Tháo banh ra những gì không cần che đậy
Giải thoát đi luôn những gì không cần khai mở
Bóng tối
Quyện bóng trăng
Loang loãng dần
Tan
Hoang
Mùi popper nồng nặc
Tiếng rít của những ngọn roi sẽ quất ngược anh về
Miền hương đồng cỏ cũ
Nơi có những đóa hoa không màu
Ðang nở rộ giữa vùng gai góc nhất
Ðây!
Những đóa hoa lóa lửa tang thương
Những đóa hoa được vun trồng bằng đạn bom và nước mắt
Sung sướng ứa lên...
Ðớn đau ào xuống...
Giữa không cùng anh chỉ thấy tôi
Hạnh phúc nhất lẫn cùng đau khổ nhất
Tôi đâm thẳng vào thân anh
Chỗ giấu ẩn trần gian chưa giáp mặt
Ðứng trước giáo tôi
Từ chối?
Ðón mời?
Hay hèn mạt để làm can đảm?
Dù gì thì tôi cũng sẽ tiến vào
Sẽ chiếm đoạt những gì không muốn lấy
Sẽ bắt dẫn anh về
Vùng khoái cảm trong tận cùng sâu thẳm
Xong rồi
Tôi sẽ vất trả lại anh
Một thằng đàn ông - Một xác thân - Một linh hồn
Lạc loài vô âm thế
...
Trong góc tối của một căn phòng đỏ/nhỏ có hai người đàn ông giành/cho nhau mộng

Loãng
(tặng chị Huệ)
... giữa sự im lắng hoàn toàn của âm thanh và ánh sáng, tôi nằm nghe tiếng trái tim cho máu rượt bắt theo những tế bào đang chạy lung tung ngược theo từng phần thân thể ...
Ai đã đưa tôi về đây?
Ai lật mả đội mồ cho tôi leo lên?
Ai lại mang cả xác thân tôi tới thành phố này?
Trời mờ sáng. Ðường phố vắng. Một mình đi hoang. Phía trước chiếc xe dọn đường cào rác và kéo đi luôn những chiếc xe đậu lại từ đêm hôm qua. Sương mây lùa xuống từ núi. Vừa đi vừa nhìn xuống đường tìm lại những dấu tích của đêm, chỉ thấy hai bàn chân mình bước đi đều đặn trên mặt đường. Vài ba vật gì đó nằm trơ lạnh giữa lòng hai bàn tay trong túi quần. Cái quần quá là dơ!
Vào tiệm cà phê. Gọi một ly cà phê nóng. Gậm mẩu bánh mì, và chống cằm ngồi nhìn ra đường. Một cô gái da nâu gốc Mễ đang ì ạch đẩy một thùng rác cao bằng người băng ngang qua phố.
Mặt trời lóa đỏ. Sự tái sinh của một vài tế bào hồng đâu đó lại nổi lên, chảy rần rật từ hai đôi mắt đuổi theo máu xuống toàn châu thân nhưng lại nhảy vượt qua khỏi trái tim, làm nhói lên một cái thật là đau đớn.
Ðàn ông kéo vào từ bên ngoài. Ðẹp nhiều hơn xấu. Già nhiều hơn trẻ. Da trắng nhiều hơn da màu. Ði chơi hoang cả đêm chưa về nhà đánh răng, giờ mùi hơi thở làm miếng bánh mì trên miệng trở nên hôi thúi. Cái thân thể cường tráng và khuôn mặt đẹp trai đã hấp dẫn bao nhiêu người đàn ông đàn bà đêm hôm qua giờ thấy không đủ nguồn lực để viết lại được vài ba câu thơ làm thăng hoa đời sống. Bàn bên có ba thằng trai già một thằng trai trẻ đua nhau vung vít nói. Cái xứ sở chi mô mà ham nói. Gió luồn vào thổi tấp lạnh người. Rặn cho ra vài hàng chữ xong rồi đọc đi đọc lại lẩm nhẩm trong miệng nghe như đọc kinh. Ðám đàn ông bên kia lại lao nhao nghe điếc cả ráy.
Bước chân đi theo người ta. Một đám đàn bà dẫn một thằng bé con đi ngược, quay mình đi theo, lại thấy một chị phụ nữ dẫn một em bé gái đi ngược. Màu xanh của bộ đồ thằng bé kéo đôi chân đi mà màu hồng áo con bé lại bắt phải quay mặt lại.
Vào tiệm Tàu mua một bao kẹo me. Kẹo chi chữ thì chữ Thái làm thì làm tại Trung Hoa mà bỏ vào miệng ngậm thì thấy toàn mùi vị Việt Nam. Phát cho người qua lại mỗi người một viên, không dám nhìn lại xem ho cóï bóc vỏ ra ăn hay quăng mẹ luôn cả kẹo.
Thấy hình như mình đi ngược đường vì người đi lên nhiều hơn người đi xuống. Tạt ngay vô một cái tiệm. Vào mới biết khó mà đi ra. Con trai trên sách báo đẹp trai và hấp dẫn hơn con trai ngoài đường. Mở các báo nhìn hình cho đã mắt xong lại cúi mặt xuống và lẩm nhẩm trên miệng... Jaimé!... Jaimé!... Jaimé... Rồi đi nhanh ra khỏi tiệm sách như chạy.
Muốn quay trở lại tiệm cà phê mà nhìn lên răng thấy con dốc hơi cao. Bên đường, một thằng nghèo vô gia cư đang bày bán một đống ngổn ngang ba đồ tạp nhạp. Dừng lại và ngồi lựa trong mớ băng CD của nó coi thử coi trong đó có mấy cuốn băng bữa trước bị đứa nào đập bể cửa xe vào cắp mất.
Hai người thanh niên da đen thật đẹp trai dừng lại năn nỉ mua dùm cái ly sắt có nắp, thứ để đựng cà phê cho nóng lâu. Giá trong siêu thị là 15 đô, mua ngay tại chỗ là 5 đô. Cả ba thằng cùng phá ra cười hề hề. Quá rẻ. Cà phê thì đã uống. Nhưng cũng móc túi lấy tiền ra mua. Thôi cứ để dành uống trà.
Hai vợ chồng đang la một thằng bé lôi nó đi, mà thằng bé cứ rìn rịt ù lì dậm chân tại chỗ, má phụng phịu mặt gầm gừ nhìn xuống đất. Người lớn dữ sinh ra con nít cũng dữ.
Con trai đi qua đi lại rân cả đường phố. Cái xứ sở chi mô mà lắm con trai.
Tới một quãng đường vắng. Phố chiều. Nắng vàng rộn rã hắt như dát vàng lên trên tường những tòa nhà cao ốc. Sao hình như nắng ở chỗ ni hơi bị chói. Chợt thấy khoảng không gian chung quanh trệu xuống thật xa lạ. Nhớ lại những mùa hè. Những mùa hè xa xưa... Người đàn bà yêu dấu cũ... Xa xôi... Mất hút...
O Linh! ... O Linh! ... O Linh! ...
... tôi quay mặt đi theo hướng tìm về vầng trăng cũ... ngoảnh lại sau lưng... trần thế âm u... vọng giữa đêm sâu chỉ vài đôi mắt lóe lên giữa một trời sao lạc....

Người Tình Của Ðất
Khi tất cả những giai điệu thân quen đã đi ngủ
Tôi vẫn còn nằm hát cho em nghe
Bài ca của đất
Rồi sáng hôm mai khi thức giấc
Trên những ngọn ngành trú ẩn những bầy chim
Chúng sẽ tiếp tục hát cho em nghe những lời tình của núi
Hãy nhắm mắt đi em
Dù có mơ về nơi đâu chỉ một mình em rõ
Tôi thò tay bốc từng kỷ niệm ủ kín sâu trong đáy thời gian và thổi vào trong bóng đêm trong khoảng không gian phủ trùm những giấc mộng
Em có thấy được những gì tôi thấy
Hai chúng ta nắm chặt tay nhau
Chạy băng qua những thác ghềnh suối nguồn và đồng ruộng
Phóng vượt qua những hố bom còn sót lại sau vài cuộc chiến
Những lăng mộ hoang phế của hôm qua
Từng khuôn mặt trẻ thơ ốm đói thực tại
Những khuôn mặt mẹ già lay lắt
Vẫn hát mãi những câu hò gởi tới mấy đứa con trai tay túi tay đàn chỉ thích đi lang thang không biết khi mô quay đầu trở lại
Và em có thấy
Trên những cánh đồng mùa khô trơ đầy xác lúa cỏ tranh và rơm rạ
Niềm hoang mang ngơ ngác của bầy quạ đen
La hoảng hốt vì không còn con mồi để đuổi bắt
Chúng xúm lại châu mỏ hỏi nhau
Ði hết nơi đâu những loài giun dế
Mùa thu xác lá khô phơi đầy dưới những con đường hai ta đã từng bước qua
Gió thổi bay đi chỉ trơ lại những vết sẹo ăn sâu trong lòng bàn tay hai đứa
Nguồn ân sủng mưa móc có chăng chỉ làm mát được làn da
Khi em khóc, tôi xót xa đau tới dạ
Ôm hết đi em ôm hết vào lòng những lời ca tiếng hát
Ðể sáng mai này khi em trở mình thức giấc
Còn rớt lại trong em những đam mê ngọt ngào nhất của hôm qua
Trong bóng sáng lờ mờ tỏa ra từ chiếc đèn dầu xưa cũ ở một quán ăn nhỏ dọc bên xa lộ
Hai đứa ngồi húp hai tô cháo
Rồi hôn nhau
Mùi hành tỏi còn đọng trên môi mắt
Em có thấy
Dưới chân ta là những buôn làng
Chiều nắng xế trâu bò kéo người trở về từ muôn hướng
Khói ưỡn ẹo tỏa lên từ những mái nhà sàn
Rồi hòa lẫn với gió ngàn cùng những tiếng hát ngân nga của hồn thiêng sông núi
Ðấy em thấy không dưới chân chúng ta
Là xứ sở đã nuôi anh khôn lớn
Một đất nước sinh ra rất nhiều anh hùng
Mặt đất vẫn còn thấm đẫm oan khiên hận thù và chém giết
Không biết sao ngày nay còn sót lại những thằng đàn ông như hai đứa mình
Khi thế giới bung vây những trò chơi ác ôn côn đồ
Chỉ biết ngồi ôm nhau khóc lặng lẽ cùng bóng đêm
Dùng những tiếng nấc ngẹn ngào của nhau làm hành trang thổi vào sự sống
Chạy đi em chạy cho xong hết cuộc hành trình
Rồi hai đứa mình sẽ dừng chân khi mặt trời lóe dạng
Khi sa mạc trở mình và sông biển phì phào hơi thở
Khi nắng sớm và sương mai kéo ta trở về không gian của thực tế
Ở một nơi trên trái đất có mọi người chạy thi nhau
Ta sẽ ngồi thong thả nhìn nhau và cười ngô nghê như những thằng con nít
Em của tôi ơi
Người đàn ông của đêm
Trên từng vùng da thịt em bốc lên đầy mùi lúa mạ
Trong từng hang góc thân thể em mặn nồng mùi gừng, mùi đinh hương, mùi hồi, mùi quế
Dưới gáy tóc em tôi mê man mùi hoa chanh hoa khế
Trong hơi thở em
Nặc mùi hương đất
Tôi nhắm mắt mê mẩn hít vào
Ðể thấy cả quá khứ cả tương lai cả hiện tại
Cả quê hương cả thế giới cả vũ trụ cả muôn trùng
Cả những giọt nắng xuyên qua tàn cây đu đủ sau vườn nhà một buổi chiều hè của tuổi thơ không kẹo không đồ chơi không anh trai không mẹ
Em có thấy những gì tôi thấy
Mùa đông của chúng mình
Từng hạt si mê nẩy mầm trong bóng tối
Những đóa hoa quỳnh trắng ngát làm mê mẫn những hạt sương
Rồi giẫy chết khi mặt trời lóe dạng
Mùa đông của hai ta có những con phố nhỏ
Cuối con đường có người đàn bà chết chồng không con
Ngồi ủ gánh tro nóng dấu đầy những hạt dẻ
Nơi cuối làng trên con đê nhỏ dọc bờ sông
Có những người đàn ông ngồi một mình câu cá
Thở vào trong đêm khuya những ước mộng cuộc đời
Làm nước sông dâng cao
Rồi dào dạt chảy ào ra với biển
Phố biển mùa đông
Có em và tôi
Và hàng triệu sinh linh không trí nhớ
Ðêm đã dần tàn
Người đàn ông của tôi ơi sao vẫn còn mở mắt
Em không ngủ
Ngoài trời trăng của ai vẫn thức
Quanh chúng ta nhân loại vẫn mê man
Ta còn lại những gì khi mặt trời nứt bóng
Thôi tôi sẽ hát cho em nghe bài ca cuối cùng
Khúc tình ca của cát
Ðể khi em nhắm mắt
Em sẽ thấy không chỉ một mình tôi
Mà chung quanh có vạn người đàn ông cũng giống như chúng ta
Trong lúc vũ trụ đang hoang mang
Hát thay vì gào
Hôn nhau thay vì chém giết
Ðây, em hãy lắng nghe
Bài ca của những thằng đàn ông bị cướp mòn quá khứ

Quán Gió
Ðêm, có rượu và trăng vàng
Chàng tráng sĩ gác kiếm ngồi nhìn người đàn ông chập choạng hơi men rù rì ỉ ê với bóng mình phía góc bên kia của Quán Gió
Mỗi tháng một lần
Họ gặp nhau
Hai người hai góc
Chưa một lần chào hỏi
Chưa một lần cụng rượu chia lời
Cứ mỗi lần, chàng ngồi lặng lẽ uống rượu và nghe người đàn ông rên rĩ than van về biển và những bờ cát trắng, về một mối tình có vẽ hơi hoang đường đã mất, về một vùng ký ức xanh rêu nào đó chỉ có hắn mới đến được

1.
... tôi không cần em... tôi không cần em... tôi không cần em... mãi mãi không cần em... tôi không cần ai cả... tôi không cần vũ trụ này... tôi không cần con người... tôi không cần tôi... tôi không cần cả rượu... hahaha... cái đó thì cần phải xét lại... tôi không cần em... tôi không cần tôi... không cần cái quán khỉ ho cò gáy này... không cần cái thằng mặt mũi lầm lì ngồi bên kia ... (hắn hất mặt về phía bên chàng ngồi một cách ngạo mạn)... nó là ai tôi không cần biết...
Ðêm nay có rượu cùng trăng...
Có thằng phải gió... hmn...hmn... có thằng phải gió... ngồi ca một mình...
... hahaha...
Ðời người bắt đầu lặng lẽ và kết thúc cũng lặng lẽ
Chỉ có thế giới chung quanh lúc nào cũng ồn ào
...
Một chiếc lá rơi nghiêng ngang qua cửa sổ
Chiếc lá hãy còn xanh
Trời thì không gió
Và trăng thì vẫn cứ sáng mãi
...
Tại sao?
... em chả là cái con khỉ khô gì cả... tài lanh... em đẹp trai em thông minh con nhà giàu học giỏi thì mặc kệ em... tôi được cái giải gì... em đẹp em khôn ngoan dữ vậy sao em lại đi theo tôi... theo tôi làm gì... yêu tôi làm gì... phải em chỉ để tôi yêu em đừng có yêu tôi lại giờ có phải đỡ lộn xộn... tôi là một thằng bụi đời đá cá lăn dưa... yêu tôi chi giờ bắt tôi phải nhức đầu... rắc rối sự đời... phải mà em cứ ngồi yên một chỗ làm đẹp... chỉ biết hát biết chơi thể thao biết đàn biết nhảy... biết mấy cái cho vui làm đẹp cuộc đời được rồi... biết ba cái chuyện yêu đương làm gì... chuyện yêu đương sầu khổ là chuyện của mấy thằng đàn ông vô tích sự như tôi... em là người sinh ra để được yêu... được chiêm ngưỡng được tặng hoa được tặng thơ được bày trò múa hát... em sinh ra để làm đẹp cuộc đời... em bày đặt chuyện yêu đương chi làm xáo lộn trật tự thế giới... mà có yêu thì yêu những người cũng giống như em... yêu chi một thằng như tôi làm tôi rối loạn tinh thần... mà có yêu em yêu chút chút được rồi... yêu chút chút cho vui thôi... yêu chi dữ vậy... em yêu tôi còn hơn tôi yêu em... cái đó không được... em chơi kiểu đó không được... em được trời sinh ra ưu đãi cho em đẹp cho em tài ba hơn hết mọi người... sao lại cho em tài yêu đương nữa... em là thiên thần là người của cõi trên... sao đi làm chuyện yêu đương của người trần thế của chúng tôi làm gì... chuyện yêu đương trần tục ai cho em đụng tới... tài lanh... giờ đau khổ ráng chịu...
Ðất trời là bạn
Gió mưa là nhà...
Sự sinh tồn của mùa xuân nằm trong kỳ vọng từ từng chiếc lá nhỏ
Ảo vọng dương trần bức xúc phù sinh
Ði tìm
Ân huệ nhân gian
Vỗ vào mặt sự sống
Ði tìm
Âm vang của từng giọt nước rớt trên mặt hồ
Chỉ thấy vỡ tan vỡ tan vỡ tan một khuôn mặt...
Ði tìm
Mình
Thấy toàn
Tôi
... Em ồn ào lộn xộn quá... vô tích sự... khóc lóc tối ngày... phải mà em chỉ cho rơi vài giọt nước mắt thôi là đã đủ cho tôi làm dăm ba chục bài thơ... giờ tôi đã trở thành thi sĩ... em khóc lóc chi bù lu bù loa... khóc như cha chết mẹ chết... làm thơ tôi chết theo... em gào to hơn cả tôi... em rên xiết quằn quại ngó còn ngầu hơn tôi... học ở đâu ra... em quay quắt làm tôi chóng mặt... làm tôi thẫn thờ chỉ biết đứng trơ ra như trời trồng nhìn em đau khổ... giờ tôi mới biết là em đáo để... em khóc những tiếng khóc của tôi... gào những tiếng gào của tôi... giờ tôi biết chắc chắn trăm phần trăm là em cũng đã làm được ít ra vài ba trăm bài thơ... em đã là một Nhà Thi Sĩ... trả lại thơ cho tôi...
Trong sự tĩnh lặng không cùng của bóng đêm mọi thứ ánh sáng chỉ là những yếu tố nhỏ không quan trọng phát sinh từ những cuộc va chạm không chủ đích
...
Sự phẫn nộ của một cái chết
Ẩn mình trong những cuộc sinh sát bao quanh phủ trùm trái đất
Rút lưỡi gươm thời gian
Chém như múa
Làm tung bay hỗn loạn một trời hoa
Những cánh hoa tươi lẻ loi không màu của ký ức
Biển xanh
Vũ trụ thốc đầy bụi hồng
Lẫn lộn với hàng triệu triệu linh hồn trắng
Và vạn nỗi đam mê kéo thành chùm níu thời gian xám đậm
...
Cuộc đời là một khoảng thời gian được lồng giữa những khoảng thời gian khác trong đó cuối cùng cũng chỉ là những cuộc u mê săn tìm sựï thật về những niềm vui nỗi khổ bắt nguồn từ một nỗi ám ảnh - cái chết

... em là một tên lưu manh... côn đồ... xỏ lá ba que... em là một con quỷ mang mặt nạ da người... mười hai năm rồi mà em vẫn không buông tha tôi... tôi biết em sẽ theo ám ảnh tôi cho tới chết... em là giông bão là địa chấn là đói khát là những cơn tai ương hiểm họa là hiện thân của mọi sự đau khổ ở trên trái đất này... đồ khốn nạn...


2.
... tôi biết... tôi biết... tôi biết... tôi biết tôi đã làm em đau khổ... tôi không xứng đáng làm một thằng đàn ông trên trái đất này...
... tất cả đã được bắt đầu thật đẹp... lần đầu tiên gặp mặt em hôm đó hùng dũng hiên ngang như một trang kiếm sĩ (hắn quay mặt nhìn qua phía bên chỗ chàng ngồi rồi quay vội ngay lại nhìn lên vách tường nói tiếp)... một trang kiếm sĩ hùng dũng cười nói vang vang giữa một bầy con trai loàng xoàng không đáng để ý... nhóm bạn em tụm lại đốt nến trên bánh và ca bài Chúc Mừng Sinh Nhật... tôi lựa thời cơ chụm đầu và hát ké... em thổi đèn cầy... cắt bánh... và đưa cho tôi miếng bánh to nhất... góc phần bánh có cái hoa kem hồng trên mặt... tôi sách miếng bánh trở lại bàn mình và lặng lẽ ngồi yên liếm hết cái hoa kem... ăn hết miếng bánh mà miệng lưỡi cứ cứng đơ... chả tỏ tình được câu nào... em thì cứ tỉnh bơ cười cười nói nói giữa đám bạn bè rồi lâu lâu liếc mắt nhìn tôi tủm tỉm cười... đàn ông con trai mà có cặp mắt lẳng ơi là lẳng... hết tiệc... tôi đứng lên phủi đít tính đi về... em hỏi... bánh ngon không... tôi gật đầu... em nói... tôi còn cái bánh còn ngon hơn ở nhà... rồi nháy đuôi con mắt trái... tôi lái xe theo em về tới tận nhà... trong nhà em điện còn sáng... em nói ông già bà già em người Bắc làm tôi không dám vô... hai thằng rốt cuộc ngồi ngoài xe nói chuyện tâm sự chuyện cuộc đời từ thuở cố tổ cao tằng chuyện trên trời dưới đất chuyện ông bà ông vải chuyện đời em đời tôi đủ thứ chuyện mãi cho tới trời sáng...
... tôi là một thằng hảo ngọt... đúng ra bữa đó tôi chỉ nên ăn phần bánh... đúng ra bữa đó tôi đừng nên tham lam liếm sạch luôn cả phần kem trên dĩa...
...em nói em là một thằng dân kẻ biển nhưng lại có tính mơ mộng rừng núi... thích đi ngược thay vì đi xuôi... lớn lên với nước mà thích chơi với đất... tôi nói tôi chỉ là hạt cát... em cười ha hả... ừ đúng rồi... một hạt cát may mắn rớt vào trong lòng tôi chịu khó nằm yên vài ba chục năm nữa tôi sẽ biến cho thành hạt ngọc trai...
... ôi nhức cái đầu... phải mà lúc đó tôi bạo gan bạo phổi dám mở miệng ra nói... tôi không muốn làm hạt ngọc... tôi không muốn nằm yên một chỗ... tôi muốn nằm chung với những hạt cát khác cũng giống như tôi trên bãi biển được sóng xô lên xô xuống cạ cạ giữa đám cát mới đã... hay chỉ làm hạt bụi bay lung tung trong trần gian tới đâu hay tới đó bay vào nhà ai lấy chổi chà quét đi thì tôi bay ra ngoài đường chơi với mưa với gió cũng chẳng sao... làm hạt ngọc mất công... một đời nằm yên một chỗ tới khi được lên làm đồ trang sức bị nhét vô hòm lâu lâu chỉ được đeo lên tai lên cổ vài ba tiếng đồng hồ cho thiên hạ ngó rồi lại bị tống cổ lại vô tủ... không ham... nhưng phải mà tôi mạnh dạn nói vậy thì em đã đá tôi một cái bưng... cho tôi leo lên xe lam đi thẳng về quê ăn tết... cả bao nhiêu năm tôi ở với em chỉ biết nghe mà không biết nói... chỉ biết nhìn mà không biết cử động... em hớp hồn hớp xác tôi từng phần từng phần một... mà tôi thì chẳng thấy mình trở thành ngọc trai... mới đầu thì em nhã trên người tôi từng lời ngon tiếng ngọt... cái gì cũng hay cũng đẹp cái gì cũng sướng cũng đã... riết em cho tôi toàn là những lời rên rĩ than van những tiếng khóc lóc năn nỉ van xin táng tận trong những lần cãi lộn... hột cát không chịu nằm yên... cựa quậy đòi vượt thoát... nhưng bởi chỉ là một hạt cát tôi không tự giải phóng nổi mình nên hột cát hột ngọc đang biến hóa nửa chừng từ từ trở thành một hột sạn thận... thành một cục nhọt ung thư trong người em... càng ngày càng lớn... làm cả thân người em đau đớn ối rữa... biến em từ một đứa con trai sung mãn yêu đời thành một người đàn ông cay đắng khổ sở... để một đêm úp mặt giữa lòng hai bàn tay đầy máu của tôi hòa lẫn với nước mắt của em... em đã thốt... anh là người đã giết chết ngây thơ tôi...
... tôi là một thằng đàn ông khốn nạn... tôi chỉ biết yêu em nửa vời... tôi yêu tôi hơn tôi yêu ai hết... giờ tôi không biết tìm đâu ra một người như em trên trái đất này... tôi muốn...

3.
Mẹ tôi là một người đàn bà của trí tuệ
Cha tôi là một người đàn ông của kiến thức
Em tôi là kỳ vọng của con người thế giới tương lai
Tôi là một gã khờ
Khi còn là trẻ thơ người ta cãi nhau chưởi nhau đánh đấm vật lộn nhau tôi thấy tôi không hiểu nên tôi chỉ cười
Không ai có ý kiến
Khi lớn lên tôi thấy người ta giơ tay giơ chân cãi vã chưởi nhau đánh đấm tứ lung tung tôi thấy tôi cũng vẫn không hiểu nên tôi cũng chỉ cười
Nhưng những tiếng cười giờ trở thành những quả cà chua nhức nhối quăng vào mặt những diễn viên đang lột xác trong vở tuồng cuộc đời
Ai cũng thắc mắc
Và tôi học giữ im lặng
Từ đó tôi trở thành gã câm
Tôi sinh ra và lớn lên trong hai miền ngôn ngữ
Một miền ngôn ngữ ầu ơ dí dầu của những lời ru mẹ tôi ăn sâu trong tận cùng ký ức
Và ngôn ngữ của những người đàn ông đàn bà nói nhiều la nhiều thích tuyên bố thích phân tích thích bình luận thích phân giải
Bao nhiêu năm nay tôi vẫn cứ đi lang thang tới hang cùng hố tận lên núi xuống ngàn tới nơi đâu tôi cũng chỉ nghe văng vẳng bên tai những tiếng mẹ ru
Những âm hưởng trầm bổng trong tiếng ru của mẹ át hẳn những lời nói bóng bẩy xa xôi ý nghĩa kỳ diệu sâu xa của loài người tôi nghe tôi không hiểu gì cả
Và tôi học giữ im lặng
Từ đó tôi trở thành gã điếc
Chung quanh tôi là một thế giới phủ ngập đầy những hình ảnh chát chúa từ tivi từ phim ảnh báo chí toàn hình ảnh những người đàn ông đàn bà không mặc quần mặc áo ôm chụp nhau chơi những trò chơi kỳ quái tôi không hiểu
Mở mắt tôi bị ngộp bởi hình ảnh nhắm mắt tôi cũng bị ngộp bởi hình ảnh
Những hình ảnh rùng rợn tủa ra từ những con mắt tìm tòi lục lọi xoi mói
Những con mắt như gươm dao nhìn xoay xoáy vào mình làm tôi từ từ tránh tới chỗ đông người và có đi thì vừa đi vừa nhìn xuống mặt đất
Tôi sợ nhìn vào mặt người
Và tôi học giữ im lặng
Từ đó tôi trở thành gã mù
Giờ thì tôi là một người vừa khờ vừa câm vừa điếc vừa mù không còn có chút khả năng nào để theo dõi tham hiểu hay tận hưởng hầu vỗ tay khen ngợi khi vở tuồng tạo hóa thú vị của quý vị chấm dứt
Tôi không tham dự vào trò chơi ánh sáng và bóng tối
Tôi không biết và sẽ không bao giờ biết thượng đế phật thích ca chúa giê su khổng tử hồ chí minh là mấy ông nào
Tôi mãi mãi là một đứa trẻ
Chỉ biết đi lang thang giữa cuộc đời trong tiếng ru của mẹ
Xin đừng giết chết thơ ngây tôi

4.
... tôi biết em vẫn chờ đợi tôi... tôi chắc chắn em vẫn còn ở đó... em đừng đi đâu.. đừng theo ai đừng bỏ tôi giữa cuộc đời ô trọc này... không có ai yêu em hiểu em như tôi yêu em hiểu em... giữa những bãi dừa xanh mát và những cồn cát trắng hoang vu đầy gió... em vẫn chờ tôi... em là của tôi... mãi mãi là của tôi... em đợi tôi làm ăn khấm khá.. rồi tôi sẽ về... mình sẽ... mình sẽ... mình sẽ... mình sẽ...
Trong thế giới của những người điên, sựï im lặng vừa là niềm an ủi vỗ về vô biên vừa là cội nguồn đau khổ ray rứt nhất

Ðêm mây phủ
Ðứng ngần ngừ một mình thật lâu giữa đất trời lồng lộng
Chàng tráng sĩ buộc dây cương cột con ngựa hồng vào bên hông Quán Gió, chôn thanh kiếm vào dưới gốc cây thông xanh, rồi quảy túi vải lên vai một mình lần lủi đi theo hướng tìm ra biển.
Nguyễn Đức Tùng
Về những quan hệ tình dục phi tiêu chuẩn
Những quan hệ tình dục phi tiêu chuẩn, hay được gọi một cách phê phán hơn là những lệch lạc tình dục (sexual deviation), hoặc rối loạn quan hệ tình dục (sexual perversion), đuợc định nghĩa như là những "xâm phạm vào những nguyên tắc đạo lý" đã được xác lập lâu dài.
Các chứng cuồng dâm, khổ dâm, các chứng thích làm tình với trẻ em, làm tình với động vật... nói chung bị cấm đoán bởi hầu hết các xã hội. Chứng khổ dâm và làm tình với động vật được xem là sự thoái hóa về tâm lý và nhân cách, trong khi cuồng dâm và nhi dâm bị nghiêm khắc trừng phạt, vì chúng liên quan đến việc làm đau khổ về thể chất và tinh thần cho một cá nhân khác, hay trực tiếp hoặc gián tiếp đưa cá nhân đó và tình trạng nguy hiểm.
Từ hơn một thế kỷ nay - cùng với khẩu dâm, thủ dâm - hiện tượng ÐTLA không còn bị xem là một rối loạn bất thường nữa. Và do đó dĩ nhiên không cần phải được chữa trị, trừ ra trong một số trường hợp, như sẽ được nói đến trong bài này.
ÐTLA là "sự hấp dẫn tình dục hoặc giao hợp giữa hai cá nhân cùng phái". Ðịnh nghĩa này không loại trừ nhưng cũng không bao hàm quan hệ yêu thương thuần túy, phi tình dục, ví dụ như tình chị em, mà người Việt có khuynh hướng chú ý hơn, có thể là vì né tránh cách nói sỗ sàng hoặc vì quá bao dung, khi họ dịch ra một cách bay bướm là đồng tính luyến ái luyến ái có nghĩa là yêu đương.

ÐTLA tồn tại lâu dài trong tất cả các giai đoạn lịch sử, chắc chắn phải có lí do của nó. Ví dụ như về mặt xã hội, nó góp phần giải quyết nạn trai thiếu gái thừa trong thời kì chiến tranh, v.v... Trong dòng chảy của tiến hóa, ÐTLA có thể chỉ là một phụ lưu. Trong cái cây nhân loại đại thụ, so với quan hệ tình dục "bình thường", ÐTLA cũng là một cành, nhưng là cành nhỏ. Cành cây nhỏ này có phải là kết qủa của một số các khiếm khuyết sinh học hay không thì chưa hề được chứng minh, nhưng rõ ràng hơn nhiều, chúng là kết qủa của những điều "được học" (learned) từ thuở ấu thơ. Ai cũng biết rằng người nam cảm thấy khóai cảm khi bộ phận sinh dục của họ được kích thích. Nhưng không chỉ âm đạo của người nữ mới làm được việc này. Một đứa bé trai nếu bị cấm đoán chơi với các bạn gái cùng tuổi sẽ có khuynh hướng di chuyển năng lượng tình dục về một hướng khác.
Một xã hội gồm toàn ÐTLA sẽ không thể tồn tại, nhưng khả năng này khó có thể xảy ra vì nhiều lí do. Còn lại ít nhất bốn trường hợp sau đây, mà ÐTLA trở nên nguy hiểm hay có hại, cần được quan tâm.
1
Một cá nhân có sinh hoạt ÐTLA hoàn toàn bị mắc kẹt về mặt tâm lí và xã hội, vào các mối liên hệ khép kín của thế giới ÐTLA, không thoát ra được để đi đến những quan hệ kiểu khác, mà họ muốn, đặc biệt nhất là quan hệ lưỡng phái (bisexual), trong đó họ vẫn có khả năng thành tựu mơ ước về sinh con đẻ cái, v.v...
2
Một cá nhân đang trong quá trình định hình nhân cách, còn quá sớm, ví dụ như lứa tuổi thiếu niên, nhưng đã bị thu hút vào các quan hệ ÐTLA, trong khi nếu để tự do phát triển cá nhân đó có thể bộc lộ các khuynh hướng khác, ví dụ lưỡng phái, trong tương lai.
3
Trường hợp thứ ba là các rối loạn định hướng tình dục (sexual disorientation), trong đó một người ÐTLA trải qua những xung đột nội tâm ghê gớm, có thể dẫn đến các chứng bệnh thực sự và trầm trọng như chứng bệnh trầm cảm (depression) hoặc bất an sợ hãi (anxiety), thậm chí dẫn đến tự tử. Các nguyên nhân của chúng rất phức tạp, có thể vì áp lực của xã hội và truyền thống, cũng có thể vì các xung đột tâm lí hoàn toàn đặc thù mà sự thay đổi quan niệm xã hội và luật pháp không giúp ích gì nhiều. Ở các nước Bắc AÂu, nơi đời sống tình dục rất cởi mở, các rối loạn định hướng tình dục kiểu này không hề giảm so với Bắc Mỹ.
4
Ngoài ra, ÐTLA thường dẫn đến các hệ qủa xã hội và pháp luật hết sức phức tạp như thói quen thay đổi bạn tình nhanh chóng, mặc dù những kẻ chung tình cũng có, nhưng có lẽ ít hơn. Cần nói thêm là những đôi ÐTLA nữ giới có khả năng chung tình khá cao so với các đôi nam giới. Thói quen cùng lúc có nhiều "quan hệ bừa bãi" (promiscuity), dẫn đến tỉ lệ nhiễm HIV, nhiễm siêu vi trùng viêm gan khá cao. Việc sử dụng ma túy cũng cao hơn so với các quần thể khác.
Cùng lúc với việc người dân của xã hội ngày càng quan tâm hơn đến hiện tượng ÐTLA, và đang dùng quyền dân chủ của mình, nghĩa là quyền của đa số, để kịp thời điều chỉnh một số quan niệm và cơ cấu của xã hội cho phù hợp với những hiểu biết mới về ÐTLA, thì các nhà khoa học và các nhà hoạt động xã hội cũng không hề lơ là thử xem trong trường hợp nào thì nên giúp đỡ một người ÐTLA trở thành một người có quan hệ tình dục nam nữ và sinh con đẻ cái, nếu như họ mong muốn làm điều đó.
Dù nhiều người sẽ không thích, điều sau đây vẫn đúng: lịch sử của xã hội là lịch sử của các bao dung và kềm chế đối với các ngoại lệ. Câu hỏi đặt ra là: ÐTLA có phải là một ngoại lệ không?
Hiệân tượng ÐTLA lại cần được xem xét trên bối cảnh của các nền văn hóa khác nhau. Nguời Việt nam ÐTLA có những biểu hiện rất khác với người ÐTLA các nước khác. (Tôi sẽ xin đi sâu vào vấn đề này trong một bài sau).
Cuối cùng... Gần đây do quá bận việc riêng, tôi chỉ kịp đọc lướt qua bài viết của các anh chị như Thy Vân, Trần Thiện Huy, Ðỗ Kh., Faith... - trong đó hai bài của các anh Nguyễn Anh Cơ và Trần Thiện Huy làm tôi chú ý hơn cả. Tôi viết bài này một cách vội vàng trong hai giờ đồng hồ, và không có tham vọng, và chưa chắc sẽ, làm cho anh Nguyễn Anh Cơ và những người như anh ấy bớt đi "sự lúng túng" của mình. Trái lại, có thể làm tăng thêm.
Vì ÐTLA thật ra là sự lúng túng của nhân loại, nói cho cùng là sự lúng túng của Thượng đế. Kẻ nào bỏ qua điều này, và tự cho mình đã giải quyết xong một cách rốt ráo mọi chuyện, hoặc hô hào cuồng nhiệt cho chủ trương ủng hộ tất cả hay phản đối tất cả, ngoài những lí do có tính cách tự vệ, đều không tránh khỏi bệnh giản lược thô sơ, hoặc thói mị dân bậy bạ.
Mong có thì giờ trao đổi tiếp với các anh chị trong và ngoài Bàn tròn...
Nguyễn Anh Cơ
"Chống Mao bằng phương pháp của Mao thì không thắng nổi Mao"
Chào các anh các chị,
Cảm ơn chị Tre Xanh, chị Thy Vân và anh Ðỗ Kh. đã trả lời một số câu hỏi của tôi. Có một số độc giả cũng viết thư riêng giải thích và nêu ra những vấn đề rất hay. Tôi có "nằn nì" xin phép được repost các lá thư đó lên đây cho rộng đường dư luận, thì chưa được sự đồng ý. Có một số lý do làm tôi vẫn càng ngày càng "lúng túng", nhân đây tôi muốân giải thích thêm các lúng túng đó nhờ các anh các chị phủ phê cho.
Tất nhiên tôi đã phải thử đặt mình vào vị trí người ÐTLA để tìm được sự cảm thông và phá bỏ các định kiến cố chấp của mình. Trái với giả thiết của anh Ðỗ Kh., tôi hoàn toàn không thấy "ghê bỏ mẹ" hay một sự nhờm tởm nào. Thậm chí tôi hình dung ra được sự thi vị và cám dỗ của ÐTLA. Có lẽ vì thứ gì trên đời người ta ăn được thấy ngon, tôi cũng chén được tuốt (Trở thành ÐTLA thì quả có hơi muộn, nên đối với tôi nó giống thú chơi thể thao điền kinh nặng nhiều hơn).
Theo tôi thì vấn đề của những người ÐTLA đặt ra không chỉ là vấn đề luyến ái. Nếu chỉ đặt vấn đề là quan hệ tình cảm, tinh thần và sinh lý (= luyến ái) giữa những người cùng giới thì vấn đề trở nên rất dễ, có thể không phạm tới hệ thống đạo đức xã hội gì. Nhưng tôi nghĩ rằng những người ÐTLA muốn đặt vấn đề một cách cơ bản hơn và muốn thay đổi hệ thống đạo đức xã hội với sự hiện diện của họ ở mọi tầng văn hóa, đạo đức, pháp lý, xã hội.
"Ðiểm chiến lược" đầu tiên trong "trận đánh" này là gia đình. Theo tôi đó là điểm hết sức quan trọng đối với những người ÐTLA muốn đạt được. Ai dám bảo cấu trúc gia đình chỉ là vấn đề như ăn thịt chó và không có ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội? Sở dĩ tôi hỏi câu hỏi đầu tiên là muốn xác định rõ tiến trình phát triển của ÐTLA trong xã hội. Trong xã hội luôn có những phương thức sinh hoạt tương đối "độc đáo" trong những nhóm người hạn hẹp, tuy cũng bị xã hội phê phán (đối với họ thì là "kỳ thị") như các phương thức quần hôn, ngoại tình, luyến ái vị thành niên, đồng tộc... Trong đó, giới hạn giữa đúng sai nhiều khi cũng mờ nhạt lắm, rất phụ thuộc vào góc nhìn và xã hội có thể chấp nhận như là những thăng giáng tất yếu, cho đến khi các sinh hoạt này không đòi hỏi một thiết chế xã hội đi kèm, thì đó chỉ là vấn đề như nhà sư ăn vụng thịt chó hay có nhân tình. Theo tôi nếu ÐTLA chỉ là luyến ái hay là một sở thích đặc biệt giống như cái dục vọng được đấm vào một thằng cha thô bỉ nào đó... thì việc thực hiện nó trong một phạm vi hẹp, giữ kín, ví như "tát vào mặt sếp" mà chỉ hai nhân vật biết với nhau, cũng hay ho ra phết.
Về đạo đức xã hội cũng vậy, tôn sư trọng đạo, yêu người, hiếu thuận là chuyện tốt, nhưng cũng có những ông bố, ông thầy bị ăn đòn đáng đời, những tên bất lương bị tiêu diệt đúng lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta có thể đưa vào hệ thống đạo đức xã hội cho phép trò đánh thầy, con nện bố hay người ta có thể tự ý bắn hạ người khác. Tiêu chẩn đạo đức, pháp lý là quy tắc toàn thể và luôn có ngoại lệ. Pháp quan là người chiếu theo quy toàn thể để bảo vệ xã hội. Nghệ sĩ là người thông cảm với các thân phân riêng tư. Xã hội sống trên sự cần bằng của hai cực đó.
Câu hỏi ÐTLA là ngoại lệ (tức là có thể thông cảm như những thăng giáng đặc biệt) hay cần đưa vào hệ thống quy luật? Nếu nói đến gia đình thì có nghĩa là không còn là ngoại lệ nữa. Sở dĩ tôi hỏi vấn đề ngoại tình, poligamy... là muốn xem hình thái gia đình ÐTLA là một chiến lược trong cuộc đấu tranh của người ÐTLA hay một ước vọng tự nhiên.
Theo tôi thì áp đặt những tiêu chuẩn đạo đức luân lý thông thường cho hệ tư tưởng ÐTLA dường như mâu thuẫn. Tôi có cảm giác đặt vấn đề "Gia đình ÐTLA có sắp xếp được vào hệ thống xã hội hiện nay được không?" cũng lớn chẳng kém gì "Cấu trúc gia đình có cần thiết hay không?", "Ngoại tình có chấp nhận được hay không?" (Hình như ông Jean Paul Sartre rất ủng hộ vợ ông đi chơi với mấy anh trẻ và còn khen vợ có thẩm mỹ trong chọn lựa!)
Vì vậy tôi càng lúng túng tợn khi chị Tre Xanh và chị Thy Vân lại đem các tiêu chuẩn đạo đức truyền thống ra một cách tương đối dễ dãi để làm tiêu chuẩn cho quan hệ gia đình ÐTLA. Người ta bảo "chống Mao bằng phương pháp của Mao thì không thắng nổi Mao".
Xin lỗi các anh chị vì các ý nghĩ không mạch lạc, lộn xộn, chẳng qua vì vẫn còn lúng túng.
Trân trọng
Châu Liêm
Về những bông hoa mọc trên đá
Người viết muốn đưa ra hình tượng trên để nói về những người đồng tính vẫn có mặt trong cuộc sống quanh đây, dù không phải là số đông, cũng như những bông hoa hiếm hoi nở ra trên đá.
Thật ra, hiện tượng đồng tính đã có từ xưa trong xã hội loài người, có điều nó bị chìm lấp dưới những tầng lớp thành kiến, nghi kỵ, ngộ nhận vaø cả thù ghét. Những người đồng tính, do đó, phải che giấu bản chất thật của mình, âm thầm chịu đựng những đau khổ dằn vặt, để được giống với mọi người chung quanh. Chỉ mới gần đây, hiện tượng đồng tính mới bộc lộ, và ở nhiều nơi trên thế giới, trở thành một làn sóng mạnh mẽ. Thế nhưng một số người vẫn không chấp nhận nó, và có khi chống lại nó. Họ cho như thế là đồi trụy, lai căng, bệnh hoạn, sống theo bản năng thú tính. Riêng tại Việt Nam, hiện tượng đồng tính luyến ái đang nổi lên trên bề mặt xã hội, và chính quyền đã phải lên tiếng báo động là "nó đang ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối đối với toàn xã hội". Có thật như thế không, hay đây cũng chỉ là một cái nhìn nghi kỵ, hoảng hốt và ngụ ý thù hằn?
Tất nhiên, ở hải ngoại, trong cộng đồng chúng ta cũng có những người đồng tính luyến ái, có điều con số là bao nhiêu thì chưa có thống kê nào ghi rõ. Thế nhưng, ở San Jose, theo báo Việt Mercury cho biết, trong một số đặc biệt dành cho chủ đề này, thì tại Thung Lũng Hoa Vàng có một đài phát trên băng tần AM 1500, mang tên Phát Thanh Sống Thật, đó là tiếng nói của những người đồng tính. Lúc đầu, nó gặp sự chống đối quyết liệt của một vài người trong cộng đồng, nhưng lâu dần có lẽ người ta đã hiểu và thông cảm, không nói tới nữa.
Ở đây, để có một cái nhìn rộng rãi, cần phải trích dẫn quan điểm của văn nghệ sĩ hải ngoại đối với vấn đề tình yêu đồng tính. Nhìn chung, suy nghĩ và thái độ các nhà văn, nhà thơ nghệ sĩ là đầy thiện ý. Vả lại, chúng ta từng biết trong văn giới cũng có vị là người đồng tính, thí dụ như nhà văn Hồ Trường An. Anh vui vẻ nói về nó, không hề mặc cảm. Trong lãnh vực báo chí, có lẽ Chủ Ðề của Nguyễn Trung Hối là tạp chí đầu tiên ở đây nói về đồng tính luyến ái (Giai Phẩm Số Mùa Xuân 2002). Cách đây một tháng, tờ Việt Mercury - như đã nói ở trên - cũng ra một số đặc biệt về đồng tính luyến ái và rất được hoan nghênh. Tạp chí trên lưới thì có Diễn đàn Talawas dành nhiều kỳ liên tiếp thảo luận về đồng tính luyến ái. Diễn đàn này đã cung cấp những bài viết rất phong phú, giá trị.
Trở lại với Ðài Phát Thanh Sống Thật ở San Jose, theo ghi nhận của Việt Mercury, quan điểm của đài này đã được nhiều nhà văn, nghệ sĩ chia sẻ. Tờ báo cho biết: Gần đây các nhà báo ở Cali như Vũ Ánh, Nguyễn Ðức Quang đã bắt đầu viết bài "để đưa ra cái nhìn đứng đắn về ÐTLA". Nhà văn Lê Thị Thấm Vân thì nhiệt thành ủng hộ người em ÐTLA là anh Lê Nghĩa Quang Tuấn, hỗ trợ tiền bạc để anh xuất bản một tạp chí chuyên cho những người đồng tính. Nhà văn Lê Thị Thấm Vân nói: "Phải vượt qua những thành kiến, những lập luận dựa trên sự hẹp hòi, ích kỷ, nông cạn, thiếu phân tích, không có cơ sở, thậm chí là độc ác do lòng ghét bỏ hoặc sợ hãi hoặc hẹp hòi gây rạ Phải chấp nhận sự dị biệt và tôn trọng quyền làm người của người khác". Các ca sĩ Hương Lan, Thùy Dương, Khánh Ly... cũng đưa ra quan điểm cởi mở và thông cảm. Hương Lan thì cho biết hồi nhỏ có người bạn ÐTLA làm gì cũng xuất sắc. Hương Lan nói cô dành rất nhiều tình cảm cho giới nàỵ Ca sĩ Thùy Dương cũng có cảm tình đặc biệt với những người đồng tính. Cách đây khá lâu, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cho biết anh cộng tác với Thùy Dương phát thực hiện một CD về những người nam đồng tính. CD có tên Tình Trai, và Nguyễn Xuân Hoàng rất đắc ý về nó. Thùy Dương thì cho biết lý do đã thực hieän CD Tình Trai: Cô có một người bạn đồng tính đã có lần tự tử vì quá đau khổ và cô muốn chia sẻ cùng bạn. Báo Việt Mercury cũng cho biết, ca sĩ Khánh Ly khi được chương trình phát thanh Sống Thật hỏi đến, đã trả lời như sau: "Thượng Ðế sinh ra như vậy. Là con người, dù trai dù gái, khi giữa hai người, không cần biết trai hay gái, nếu thật tình thương nhau thì đó cũng là do trời sinh ra. Tôi không có quyền phê phán. Tôi tôn trọng tự do yêu thương nhau của tất cả mọi người". Khánh Ly còn nói thêm: "Tôi mong tình yêu thiêng liêng mà Thượng Ðế, Thiên Chúa, Trời, Phật tạo ra cho chúng ta, giữa những con người với con người sẽ càng ngày càng tốt đẹp hơn... Hãy cứ sống thật với lòng mình, tình yêu nào cũng thiêng liêng cả".
Nói chung, giới văn nghệ không có thành kiến đối với những người đồng tính. Thậm chí, một vài nhà văn còn hết lòng bênh vực, bảo vệ họ. Rồi đây, hy vọng chúng ta sẽ còn được đọc những trang viết đầy tình người và hiểu biết của nhà văn, nghệ sĩ, trí thức và của nhiều giới trong xã hội. Trong cuộc sống, có thể tôi không thích cái này hay cái kia, nhưng tôi cần tôn trọng ý kiến và lối sống của người khác, miễn sao nó không phương hại đến phúc lợi chung. Và, xét cho cùng, rồi mọi cái cũng sẽ trôi qua chỉ duy cái tình ăn ở với nhau mới là đáng quý.
Châu Liêm

--------------
[- Bài đã đăng trên tạp chí Phố Văn (Texas;Bộ mới số 3; 01-08-2002). Cám ơn tác giả đã cho phép dùng trên Bàn tròn Talawas ÐTLA.
- Tạp chí Phố Văn (Chủ biên: nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp; Email: Tapchiphovan@aol.com) sắp có cuộc mạn đàm về Ðồng Tính Luyến Ái. Thân mời bạn đọc tham gia!)
Phạm Thị Thanh
Không phải là vấn đề của mình
Tôi không thể viết dài như Thy Vân (TV) được, vì không phải là vấn đề của mình, nên không có những trăn trở, thao thức như TV. Tôi có đọc qua hai bài của TV và bài trả lời của Nguyễn Anh Cơ. Tôi thấy TV thành thật, tuy nhiên hơi có bất thường (có lẽ vì là ÐTLA), type người như TV tôi không hợp ở ngoài đời. Bạn gái tìm đến nhau dễ dàng, và cảm thấy an toan vì dễ trút bầu tâm sự mà không sợ...mang bầu! Có lẽ vì thế mà dần dà trở nên ÐTLA chăng? Ở VN tôi quen biết và chơi nhiều với bạn gái, ngày còn bé không kể, chứ sang bên này chỉ nắm tay thôi đã thấy khó chịu, huống chi là "chuyện đó". Vậy là những người ÐTLA phải có một nhu cầu và cảm tính khác mà xã hội phải chấp nhận nhưng không khuyến khích. Ðại khái ý tưởng của tôi về vấn đề này là thế.
Ðồng tính luyến ái, hay cùng phái yêu nhau, là một bước đường cùng, một chọn lựa bất đắc dĩ của phần lớn những người giàu tình cảm nhưng yếu thể xác. Họ, nói chung, rất đa tài và phần lớn đều lương thiện. Có lẽ, bởi thế, về mặt pháp lý, riêng ở một vài tỉnh bang ở Canada, gần đây đã có đạo luật hợp thức hóa hôn nhân giữa những người cùng phái. Nghĩa là: cũng xe hoa, cũng dắt tay vào nhà thờ, cùng trao nhẫn cưới rồi cùng hôn nhau giữa những tiếng vỗ tay của mọi người tham dự. Họ được hưởng tất cả quyền lợi của những cặp vợ chồng bình thường khác như bảo hiểm sức khỏe, quỹ hưu bổng, tiền tử tuất, giảm thuế, v.v... Họ được quyền có con cái, hoặc con nuôi, hoặc con của một trong hai người, chỉ khác là đứa bé sẽ có hai cha hoặc hai mẹ.
Tuy nhiên, dưới cái nhìn của riêng tôi thì đây là một kết hợp phản thiên nhiên, một lứa đôi không đẹp mắt. Ðã gọi là luyến ái thì phải có làm tình, đúng không ạ? Vậy giữa hai người cùng "có" giống nhau như vậy thì làm cách nào, có "đến nơi đến chốn" được không?
Cho đến hôm nay, tôi đã đọc một số bài của Thy Vân, Trần Thiện Huy, Anh Cơ, Tre Xanh, Ðỗ Kh. và Faith. Và bài của Nguyễn Ðức Tùng: đúng, giải thích rất khoa hoc. Ngoài Ðỗ Kh. hơi lạc đề khi nói đến ăn thịt chó, còn phần lớn thì là bàn cãi một vấn đề đã gần như được bàn và giải quyết rồi trong xã hội Tây phương. Có lẽ chỉ còn lại vấn đề đối với người VN thôi. Dần dà chắc mọi người đều thấy là bình thường, tuy chưa quen "nhìn". ÐTLA là một thiểu số, có nhu cầu và sở thích khác mà xã hội không được kỳ thị.
Nhưng, xin hỏi: Thật nguy hiểm, nếu mà người phái Nữ mê người ÐTLA phái Nam thì sẽ ra sao? DịTLA mê ÐTLA thì sẽ phải... "nàm thao"? Ngày trước, các bà các cô mê Xuân Diệu, Huy Cận thì như thế nào nhỉ? Cùng quá thì thành " tình sầu" phải không?
Về văn chương: Ðúng đấy, đọc mãi văn chương tả mối tình nam-nữ bình thường đâm nhàm nên khi đọc văn Mai Ninh, hay thơ của Lê Nghĩa Quang Tuấn thì thấy lạ. Tuy nhiên, riêng tôi, không cảm thấy rung động mà thấy "nổi da gà gai ốc và dựng tóc gáy"! Tôi đọc quyển Ðêm của Ngô Nguyên Dũng, thấy những đoạn tả cảnh ân ái giữa hai chàng rất văn chưong, còn Lê Nghĩa Quang Tuấn thì lối hành văn khác, hiện thực hơn.
Nguyễn Đăng Thường
Dùi đục & bánh đa
Trước khi trở thành một tội ác (crime) hay thói xấu (vice) ở thời trung đại, đồng tính luyến ái là một dục tình hồn hậu chẳng dấu che, ít nhất là ở hai nền văn minh lớn Hy-La. Không kể các triết gia tên tuổi như Socrate, Platon và nhà thơ nữ Sappho, Hy Lạp thời cổ đại còn có Ðại đế Alexandre (356-323 B.C.) đẹp trai và oai hùng, đã chinh phục Ba Tư, Ai Cập (thành phố Alexandria mang tên ông) tạo một đế quốc rộng lớn từ Trung Ðông vươn tới biên giới Ấn Ðộ. Thật ra, xã hội cổ Hy Lạp không những cho phép mà còn khuyến khích chuyện tình dục giữa đàn ông và thanh thiếu niên, vì họ cho rằng ngoài khoái cảm, những người trẻ sẽ học hỏi được thêm được nhiều điều hay ở những kẻ từng trải. Các hoàng đế La Mã như Jules César (Caesar Julius, 100-44 B.C.,) thường lưỡng tính (bisexual). Sử truyền rằng César là "chồng của tất cả đàn bà và vợ của tất cả đàn ông". Tại châu Á thì có Ấn Ðộ (đồng tính trong Kama-Sutra), Trung Hoa (Hầu Lâu Mộng) và Nhật Bản (Samourai). Thời Phục Sinh Ý, với sự phục hồi văn hóa Cổ Hy và La Mã, ÐTLA đã dễ dàng hơn. Ba nhà danh họa đồng tính của thời kỳ này là: Michelangelo, Da Vinci và Caravaggio.
Ngày nay, ÐTLA không còn là vấn đề ở các nước dân chủ Tây phương. ÐTLA đã được công nhận như sinh lý tự nhiên của con người. Nhiều ông dân biểu người Anh đã xuất đầu lộ diện (coming out) và mới đây Hà Lan hình như xém có một thủ tướng đồng tính nếu ông ta không bị bọn khủng bố ám hại.
Trong thế giới của loài vật hình như cũng có vài trường hợp đồng tính hay lưỡng tính.
Nếu loại bỏ những người đồng tính thì văn nghệ thế giới sẽ thưa thớt. Các nam vũ công ba lê thường đồng tính (Vatslav Nijinsky, Rudolp Nureyev) cũng như các nhà vẽ kiểu áo (Christian Dior, Yves-Saint Laurent, Jean-Paul Gaultier, Calvin Klein). Siêu sao Liz Taylor nói: "Không có những người đồng tính nam thì không có Hollywood, không có kịch, không có Nghệ Thuật" (Without homosexuals there would be no Hollywood, no theatre, no Arts). Xin kể thử vài danh tên. Nam diễn viên: Rudolph Valentino, John Garfield, Emil Jannings, Tyrone Power, Errol Flynn, Robert Taylor, Rock Hudson, James Dean, Anthony Perkins, Montgomery Clift, Rupert Everett. Nữ diễn viên: Tallulah Bankhead, Greta Garbo, Marlene Dietrich, Barbara Stanwyck, Lily Tomlin. Ðạo diễn: Sergei Eisenstein (Nga), Jean Cocteau (Pháp) George Cukor (Mỹ), Lino Brocka (Phi Luật Tân), Lindsay Anderson (Anh), Rainer Werner Fassbinder (Ðức), Sergei Paradjanov (Georgia), Luchino Visconti (Ý), Pedro Almodóvar (Tây Ban Nha).
Ðỗ Kh. nói đúng khi ví đồng tính với món ăn. Như thịt chó hay gan rồng, đồng tính có thể không thơm miệng ông này nhưng khoái khẩu cậu kia. Richard Burton có nếm thử chuối xiêm nhưng vẫn hảo bánh bèo. Larry (Olivier) và Dany (Kaye) thì có "anh em mình" mí nhau chơi. Ava (Gardner) và Lana (Turner) cũng có "chị em ta" tả nhau thiệt.
Ôi chuyện trai gái "vui" ở mọi thời đại như bể nông tát hoài vẫn không cạn. Vậy xin kết thúc ngay với một bài dân ca:
Chị em ta bánh đa bánh đập
Anh em mình dùi đục đá nhau.
Nguyễn Việt Hà
Vài trao đổi với anh Nguyễn Anh Cơ và chị Phạm Thị Thanh
Tôi có đọc bài của các chị các anh trong forum nhưng vì bận quá nên ít có dịp góp lời, nay có dịp trao đổi với anh NAC và chị PTT.
Anh NAC có nêu vấn đề rất thẳng thắn về " hình thái gia đình ÐTLA là một chiến lược trong cuộc đấu tranh của người ÐTLA hay một ước vọng tự nhiên ". Sau đó anh có dẫn dắt tới vấn đề "Gia đình ÐTLA có sắp xếp được vào hệ thống xã hội hiện nay được không?" cũng lớn chẳng kém gì "Cấu trúc gia đình có cần thiết hay không?", "Ngoại tình có chấp nhận được hay không?". Và dường như anh cũng đã nhận định rõ ràng với đầu đề của mình.
1. Tôi cho rằng đa số cặp ĐTLA nam không lựa chọn " gia đình - khế ước " theo quan niệm tồn tại mà chúng ta chiếu từ gia đình hiện có sang. Rất có thể phần trăm số cặp ĐTLA nữ có mong muốn này nhiều hơn, mà tôi cũng chỉ nghiệm ra từ những người xung quanh tôi, nên anh có thể hiểu là võ đoán hay hấp tấp cũng không ngại gì. Điểm căn bản là cộng đồng ĐTLA muốn chứng minh và đòi lấy quyền bình đẳng trong sự lựa chọn đa dạng trong xã hội và nhất là một sự thanh thản tâm lý, ít ra là trong thực tế hiện tại. Thành ra đôi lúc, họ lên gân gần như là thách thức đẩy tất cả xã hội đến chỗ " lúng túng " để tìm ra một giải pháp ổn thoả. Bằng chứng nếu chúng ta chỉ nhìn vào cái lắt léo của cách đặt vấn đề thì cũng chưa hẳn đầy đủ, đành rằng nó không đừng chẳng được. Song le, nếu bình tâm thì tôi thấy không ít người, trong đó có chị Thy Vân, chị Tre xanh (và cả tôi nữa, xin anh đừng cười) cho rằng đó không phải là sự thách đố mà chỉ đơn giản là một giải pháp không chỉ bao hàm giải quyết được nghịch lý bình đẳng cho số đông ĐTLA, mà còn thoả mãn số ít hơn nữa thực sự muốn có gia đình, có con. Triệt để mà. Tận gốc cũng nên. Suy cho cùng, chẳng qua cũng chỉ là một sự cởi mở về cách nhìn, đa dạng hoá hơn. Ai cần rọ gì thì chui vào đấy, nếu họ muốn chứ cũng chẳng ai đi thách đố đánh đổ cái quan niệm cũ. Ngay kể cả dị tính cũng có thể sống ngoài giá thú hoặc có gia đình đấy thôi. Một số nhân vật chính trị ĐTLA nam còn bông đùa: "Thiếu gia đình, chúng tôi sẽ ngoại tình với ai sau này? Thế nên hãy cho chúng tôi ngồi vào cùng một con thuyền và đừng nghĩ chúng tôi lật thuyền". Thậm chí về vấn đề con nuôi, ĐTLA cũng theo ý tưởng ấy thôi. Bản thân tôi nghĩ nó vô thưởng vô phạt. Và để chấm dứt cuộc chơi, ở Bỉ người ta thông qua điều khoản "cho phép cặp ĐTLA nhận con nuôi có quốc tịch Bỉ để không có vấn đề pháp lý với các nước khác". Một quyết định cũng vô thưởng vô phạt nốt. Ai cũng hả hê.
2. Đấy là chúng ta mới đang chỉ tranh luận về lý thuyết, trên ý tưởng thôi. Nếu nhìn vào thực tế, cứ để nguyên trạng ĐTLA được chấp nhận như là một ngoại lệ thì sẽ gây rất nhiều rắc rối cho các nhà lập pháp về điều chỉnh luật về các quyền phúc lợi xã hội, thuế, kế thừa, đoàn tụ gia đình... Ví dụ như một ông nghị của Thuỵ Điển đặt chân đến làm việc ở Nghị viện Châu Âu ở Brussels và ông ấy rất bất bình vì ông xã của ông ấy không được mời như bà xã của đồng nghiệp, đi đâu cũng phải bỏ tiền túi mua vé máy bay, không được quyền miễn trừ Ngoại giao...Tóm lại là ông nghị ấy giận dữ chỉ vì họ cũng hợp pháp chuyện chăn gối như ai mà bị thiệt thòi đủ thứ... nhất là tiền bạc. Ông ấy hờn dỗi bỏ về xứ sở của mình và tuyên bố "không muốn vì hoà nhập mà đi giật lùi". Và trong tình thế này, để không phá vỡ những giá trị tự do bình đẳng sẵn có, việc tất yếu là thay một câu hoặc bỏ một số từ thay vì ra một đống bộ luật. Vâng, một lần nữa lobby những người ĐTLA rất hiểu những chuyện ấy. Cũng chẳng khác mấy về vấn đề nạo thai, thụ tinh nhân tạo với cặp dị tính.
3. Cả chị Thanh và anh Tùng mới chỉ hiểu, thông cảm ĐTLA đứng trên góc nhìn vai trò của nó giữa cộng đồng, rằng không phải là thừa, và không thể thiếu ; ĐTLA cũng do "tập nhiễm -learned", hoàn cảnh không lựa chọn... Thật chẳng còn gì tốt hơn đối với người ĐTLA nếu chỉ dừng ở đó. Âu cũng là một nguyên nhân tự nhiên xã hội "thông cảm", châm trước cho. Đấy chỉ là vế nhân văn, chuyện xã hội. Nhưng nguyên nhân xâu xa hơn, mà có lẽ chỉ có người trong cuộc mới bộc bạch hết được cái lý giải rất nội tâm tự nhiên mà chẳng yếu tố ngoại cảnh nào có thể kích thích hoặc kìm nén nó được.Tôi lại động đến tiên đề của cơ chế sự sống mất rồi. Nhà văn Nhật Yoko Mischima đã thổ lộ ước nguyện của ông muốn trở thành một người móc cống. Ông ấy kể là lúc ông mới có gần năm tuổi, một hôm nhà tắc cống và trước lúc mẹ đi làm để hai chị em ở nhà một mình có gọi điện đến công ty vệ sinh. Và cậu bé đã bám váy chị gái lúc ra mở cửa khi một người đàn ông lực lưỡng mặc quần đùi, ngực trần, người phủ đầy cứt và rác hiện ra trước khung cửa, nhoẻn cười lịch sự hỏi cô chị, để lộ hàm răng trắng bóng "Cô làm ơn xem cống ở bếp đã thông chưa?". Cả chị lẫn em cứ há hốc mồm ra mà nhìn. Và ông ấy còn lan man kể rằng nhiều ngày sau đó cậu Mischima cứ thích chơi ở cống sau nhà, cô chị thì thẫn thờ; cậu em thì nhắc về anh móc cống; cô chị mắng át đi "Cái loại người ấy không xứng với gia đình ta!". Cái giây phút ấy ám ảnh ông ta như là một định mệnh của đời mình.
Tôi lại sa đà vào dẫn chứng văn học, có lẽ không thuyết phục lắm. Quanh tôi, những người bạn ĐTLA còn kể ra nhiều những kỷ niệm trước ấu thơ của họ cũng ly kỳ chẳng kém: nào đi tắm truồng ở sông với bạn của anh trai, nào bất chợt tìm thấy playboy của bố trong tủ và cứ thích ngắm....một phái....Có người phức tạp hơn, nói rằng khi ngủ với vợ vẫn thấy thiêu thiếu, ngoại tình cững không giải toả nổt và một ngày kia khi đi leo núi, anh ta phải lòng chồng của cô bạn gái rất thân (đến là khổ). Sau đó thì tôi xin tạm không bộc bạch chắc anh chị hiểu. Tất cả họ rất xúc động khi kể, và họ rất gật gù cho rằng nó là một tiếng gọi bí ẩn cũng như những người bạn dị tính ngồi cũng bàn với tôi thổ lộ.
4. Chị Thanh viết :"Ðồng tính luyến ái, hay cùng phái yêu nhau, là một bước đường cùng, một chọn lựa bất đắc dĩ của phần lớn những người giàu tình cảm nhưng yếu thể xác". Tôi nghĩ chị Thanh biết ít thông tin đấy thôi. ĐTLA nam là nhóm người có hoạt động tình dục mạnh về cường độ và dễ thay bạn tình nhất. (Hiện tại họ thận trọng hơn). Nhiều nhà xã hội học có giải thích cho tôi rằng do sinh lý của nam giới có nhu cầu mạnh hơn, cộng với quan hệ đồng giới không có những ràng buộc gia đình nào cả (vợ con không có, lại thích sống xa gia đình ở thành phố lớn để nguỵ trang cuộc sống tình dục của mình).Thêm nữa, những cặp đồng tính cũng thường là những cặp đồng loã, "đồng chí" vì nhiều người cho rằng tính chất của các cặp này mang tính chất gần tình bạn hơn là một gia đình. Byron chẳng từng nói "Tình bạn là tình yêu không có cánh". Ông ấy thường hay chắp cánh cho những người bạn của mình.Cá nhân tôi nghe phần nào cũng thấy bùi tai. ĐTLA nữ lại có xu hướng "trầm" hơn và hình như là chung thuỷ hơn thì phải.
5. Chị Thanh có thắc mắc về cách làm tình của hai người đồng tính nam và nữ như thế nào. Tôi nghĩ một giải thích tốt nhất cho chị là chị thuê một băng video porno dị tính, một băng đồng tính nữ, một băng đồng tính nam chị sẽ thấy hết những trò chơi tình dục hiện đại của loài người. Nó không đến nỗi xa nhau lắm về công thức: lấp đầy lỗ trống. Hơn nữa xét về sinh học phát triển cá thể, cả cơ quan sinh dục đực và cái đều có nguồn gốc phát triển như nhau. Tuỳ hooc môn sinh dục tác động ở giai đoạn sớm của phôi thai mà chúng biến thành bộ phận sinh dục nữ hay nam. Chúng khác nhau về hình dạng nhưng lại đồng dạng về nguyên lý tổ chức cấu trúc. Chính thế những trò chơi tình dục thường nhằm vào đúng những bộ phận tương ứng ở cả hai giới. Chỉ có lạ là khi một ĐTLA luyến ái nam nhìn thấy của nữ hay ngược lại, họ đều lãnh đạm với trò chơi. (Xin lỗi anh chị tôi giải thích không được khoa học lắm). Nếu chị không chịu được hiện thực trần trụi thì những tập tranh của Nhật bản có lẽ hợp hơn chăng?
Thân mến
Bông cải tháng Mười
Vũ Quang biên dịch
"Trăm hoa đua nở tháng Giêng,
Có bông hoa cải nở riêng tháng Mười"
Shelley Harrison, nữ lưỡng tính luyến ái, chung sống với Mike - đàn ông bình thường, dị tính luyến ái. Sau đây là tâm sự của Shelley...
"Khi tôi lên 17, tôi có quen với một cô bạn trong hội bơi lội. Chúng tôi thường xuyên hàn huyên tâm sự trên đường tản bộ về nhà. Một đêm, khi chúng tôi ngồi trong phòng ăn ở nhà cha mẹ tôi thì cô ta nghiêng người qua và hôn tôi một cách trìu mến. Một khoảnh khắc sau đó, chúng tôi ôm ấp vuốt ve lẫn nhau. Tôi hoàn toàn không bị ngạc nhiên về chuyện này. Chúng tôi đã chờ đợi nó xảy ra từ rất lâu rồi, và tôi cũng thấy cảm hứng trào dâng đến tột cùng. Thế nhưng cô ta bỗng ngưng ngang và rút tay lại, miệng nói: "Mình không thể làm chuyện này được". Kể từ dạo đó, tôi luôn luôn suy tưởng đến việc được cận kề với phụ nữ.
Thế rồi tôi lên đại học và có vài cuộc tình thoáng qua với bạn trai. Tuy vậy, có một thiếu nữ vẫn thường làm tôi thắc mắc, để ý đến. Cô ta hơi có dáng vẻ đàn ông và rất rụt rè, ít nói. Vì thế, tôi làm quen với cô. Lúc ấy, tôi không hề nghĩ đến những động lực sâu xa tiềm ẩn đàng sau hành động ấy của tôi, cho đến một đêm khi tôi khám phá chuyện một thiếu nữ khác đã ngủ lại ở phòng của cô ta. Cơn ghen của tôi trào dâng và, trong cơn giận dữ, tôi đến phòng cô ta và gặng hỏi cho ra lẽ. Kết cuộc là chúng tôi ân ái với nhau. Ðấy là lần đâu tiên mà cả hai người chúng tôi ân ái với người cùng phái cho nên chúng tôi có phần lúng túng, vụng về. Lúc ấy, chúng tôi đạt được thống khoái nhờ vào sự cởi mở tình cảm tâm thần vốn bị đè nén từ lâu, hơn là nhờ vào sự cọ xát của cơ thể. Chúng tôi chỉ ở với nhau có 3 tháng, và mối quan hệ của chúng tôi không thiên nhiều về xác thịt, nhưng rất tuyệt vời bởi vì cô ta hiểu rất rõ về tôi, nhiều hơn bất kỳ một người đàn ông nào khác. Tôi giấu kín, không cho ai hay biết vì tôi sợ lời ong tiếng ve từ những cô gái khác, cho nên khi bắt đầu có lời đồn đại về mối tình của chúng tôi thì tôi tuyệt vọng hoàn toàn.
Sau khi rời đại học, tôi bắt đầu đến những hộp đêm dành riêng cho người đồng tính luyến ái, và đấy là lần đầu tiên trong đời mà tôi có thể hoàn toàn cởi mở về những ưa thích tình dục của mình. Không bao lâu sau đó tôi gặp Caroline, người phụ nữ duy nhất mà tôi có một mối quan hệ dài lâu với cô ta. Thời gian chúng tôi chung sống với nhau là một thời gian đầm ấm, nồng cháy vô cùng. Nàng là một người duyên dáng, vui tính, tự tin và hơi kiêu căng một tí. Tôi yêu nàng hết mực và 2 năm ấy là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi.
Sau 3 tháng, tôi cho mẹ tôi biết về cuộc tình của chúng tôi. Bà chỉ khóc ròng trong khi bố tôi thì cho rằng tôi bị ảnh hưởng xấu do sự quyến rũ của bạn bè chứ tôi không phải là một kẻ đồng tính luyến ái. Phản ứng của họ khiến tôi vừa buồn, vừa giận, bởi vì cha mẹ tôi không phải là những người kỳ thị có nhiều định kiến và tôi cứ tưởng họ sẽ có một thái độ hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, với thời gian, họ cũng dần dần chấp nhận.
Khi cuộc tình của chúng tôi chấm dứt, tôi thấy vũ trụ quay cuồng như muốn sụp đổ. Trong suốt mấy năm sau đó, tôi sống đời độc thân. Vì tôi vẫn còn yêu Caroline say đắm, cho nên tôi tự nhủ lòng rằng nếu tôi không được cùng nàng chung sống, tôi sẽ không sống chung với bất kỳ một phụ nữ nào khác.
Mike là bạn của gia đình và đã nhiều năm chúng tôi tán tỉnh nhau như một trò đùa cho qua ngày tháng. Khi gặp lại nhau trong một bữa tiệc thì chúng tôi thấy vẫn còn bị thu hút bởi sự quyến rũ của nhau, và lần này thì tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng cho một chuyện gì đó xảy ra. Tôi kể cho anh ấy nghe về quá khứ của tôi khi chúng tôi vừa bắt đầu yêu nhau. Anh rất thông cảm và muốn thảo luận về ảnh hưởng mà việc thích luyến ái lưỡng tính của tôi có thể ảnh hưởng đến mối tình của chúng tôi.
Chúng tôi chung sống với nhau đã 5 năm nay và tôi muốn sẽ trọn đời ở bên anh ấy, không phải chỉ vì đứa con gái của chúng tôi mà vì tôi thực sự yêu anh ấy. Tôi cũng muốn được cặp với những phụ nữ khác, hay ít nhất là đến những hộp đêm đồng tính luyến ái, nhưng tôi biết chắc rằng Mike sẽ không bao giờ đồng ý. Tôi hiểu tại sao anh ấy có thể cảm thấy bị đe doạ - tôi thực sự cần những sự vuốt ve trìu mến mà anh ấy không thể nào thoả mãn được. Bây giờ, chúng tôi thỉnh thoảng nói đùa về những người đàn bà mà cả hai đứa cùng thấy là "bắt mắt". Ðấy là phương cách mà ảnh cố gắng thông cảm với phần dục tính kỳ lạ kia của tôi.
Rất ít người thực sự hiểu được những ý nghiã thật sự của việc lưỡng tính luyến ái. Về một phương diện nào đó, cuộc sống lưỡng tính luyến ái khó khăn gấp bội đời sống của một người đồng tính luyến ái. Người ta vẫn thường hỏi tôi tại sao không chịu dứt khoát đồng tính luyến ái hoặc dị tính luyến ái mà thôi. Thế nhưng cả hai sự ưa thích tính dục ấy đều là một phần của con người tôi và tôi không thể nào chối bỏ cái này hay cái kia được.
Bàn tròn Talawas ÐTLA http://groups.yahoo.com/group/ta_round
© Talawas 2002
Nguồn: Bài đã đăng ở Việt Báo & tạp chí Phố Văn

Faith, Thy
Sơ kết & Chia tay
Sau 3 tháng thảo luận qua sự tham gia của 18 tham dự viên, với trên 50 trao đổi, tham luận trực tiếp, Bàn tròn Talawas về "Ðồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại" đã được ngưng hôm 30-9. Bài vở của Talawas đang được chọn lọc để làm Số đặc biệt về đề tài này cho tạp chí Hợp Lưu số Tân Niên tháng 2-3/2003. Các thảo luận về ÐTLA vẫn có thể tiếp tục trên Talawas như 4 tháng trước và như mọi đề tài khác.
Nay gửi lời chào tạm biệt của Bàn tròn ÐTLA qua hai bài sau của Faith và Thy Vân.
Talawas
Xin được gửi đến tất cả những ai đã tham gia thảo luận cũng như bạn đọc của Bàn tròn ÐTLA gần ba tháng qua vài dòng chia tay!
Qua các bài viết, ý kiến mặc dù việc thảo luận chưa được thực sự hiệu quả và chưa có chưa có một kết luận cụ thể được rút ra có tính thuyết phục cho mọi tham dự viên; nhưng bản thân mỗi chúng ta đều có thêm các hiểu biết về ÐTLA và biết thêm các góc nhìn xã hội dành cho ÐTLA. Và có lẽ đó cũng chính là mục tiêu của Bàn tròn.
ÐTLA là một hiện tượng được nghiên cứu trong rất nhiều lĩnh vực, từ khoa học, triết học cho đến xã hội học mà trong đó nó có sự va chạm lớn với khía cạnh xã hội. Dù còn nhiều tranh cãi, duy một điều có thể khẳng định rằng ÐTLA là một phần của tự nhiên và là một phần của xã hội dẫu xã hội có chấp nhận hay không. Nó không phải là một sự "lúng túng" của tự nhiên mà nó thuộc về tự nhiên. Chỉ có con người bị "lúng túng" bởi hiện tượng ÐTLA, và từ đó dẫn đến sự lúng túng trong sự vận động của cá nhân và cộng đồng. Mà cũng giống như thắc mắc nảy sinh trước các hiện tượng vật lý do sự thúc đẩy khoa học phát triển, chính sự lúng túng dành cho ÐTLA khi nó nảy sinh trong chúng ta là động cơ thúc đẩy xã hội đến mức hài hòa hơn.
Và chúng ta, những nguời đang trên đường đi tìm câu trả lời cho sự lúng túng của mình thì còn rất nhiều nghiên cứu cần phải học trước khi đạt được một sự hiểu biết phù hợp với tự nhiên. Trên con đường này, có thể nói thảo luận trên Bàn tròn và trên Talawas đã đóng góp một phần nhất định.
Vậy thì cám ơn Ban tổ chức đã tập hợp và tạo một nơi cho các thành viên từ nhiều nơi trên thế giới, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, được thảo luận bằng tiếng Việt một cách trực tiếp và cởi mở thông qua Bàn tròn về một vấn đề xã hội mà nó ít được bàn thảo ở Việt Nam cũng như trong các cộng đồng Việt ở nước ngoài - vấn đề Ðồng Tính Luyến Ái.
Thy Vân
Bài kết
Thưa các anh các chị Bàn tròn ÐTLA,
Ba tháng qua, tôi đọc tất cả các bài của các anh chị trong Bàn tròn và muốn tỏ lời cám ơn tất cả mọi người đã góp phần tiếng nói của mình trong Bàn tròn này. (Tiếc là tôi không ca cải lương được để xuống sáu câu mùi mẫn đánh dấu buổi tiệc tàn). Nhìn lại bài Khai mở của mình lúc ban đầu để xem ra thế nào, thì tôi có phần hơi lo là chắc phải đợi đến vài chục năm nữa mới có dấu hiệu tốt về hôn nhân đồng tính. Ai đã đọc bài "Ðồng Tính Luyến Ái và Thế giới" của anh Trần Thiện Huy lại càng nên ái ngại cho thân phận đồng tính của tôi. Trừ phi tôi khăn gói qua Thụy Ðiển ở. (Nghe anh Nguyễn Việt Hà nói thấy mà ham!)
Sau đây là các lời đúc kết trước khi mọi người tan hàng ra về:
Ðầu tiên là bài viết của anh Lê Quốc Tuấn kêu gọi mọi người hãy xử sự theo lương tâm, trong tình người với những người ÐTLA, chứ đừng dùng số đông để đè bẹp số ít. Theo sau, đó là chị Tre Xanh khơi mào sự ra mặt của một người ÐTLA, và tiếp với Lá thư đồng tính để trả lời câu hỏi của anh Nguyễn Anh Cơ, chị đã đề cập rõ ràng hơn đến vấn đề tại sao người Ðồng Tính cần kết hôn. Ðến bài của chị Faith nêu ra cách nhìn về người ÐTLA và kêu gọi mọi người nên được dạy về sự khoan dung, chịu đựng để chấp nhận tất cả những khác biệt hầu xử sự với nhau theo lẽ phải. Rồi - thay lời qua tiếng lại - là những lời thơ yêu đương của anh Lê Nghĩa Quang Tuấn. Anh Ðỗ Kh. đã khẳng định rằng cái tai hại không phải ở nơi người ÐTLA có hôn nhân hợp pháp, mà ở chỗ con người trong xã hội bị kỳ thị, áp bức, và cái nguy cơ này sẽ là cho tất cả mọi người. Vì hôm nay thì người ÐTLA bị áp bức, ai nói trước được là ngày mai người DiTLA sẽ không bị áp bức kế đó? Anh Nguyễn Ðức Tùng với thái độ chừng mực, đã viết khá rõ về những trường hợp khác nhau về quan hệ tình dục và cái lợi, hại của nhiều ca. Có lẽ điều anh Tùng nói về người ÐTLA là một "lúng túng" của Thượng Ðế cũng có phần đúng. Tôi xin bổ túc rằng có thể đấy là ý muốn của Thượng Ðế đặt ra để con người có sự lúng túng rồi từ đó mới học cách sống dung hòa với nhau. Về sau Bàn tròn có thêm một số những bài báo, dịch hoặc biên dịch... của các anh Châu Liêm, Nguyễn Ðăng Thường, Vũ Quang nói về người ÐTLA, với những hình ảnh về người ÐTLA: "hiếm hoi như hoa mọc trên đá", như "bông cải tháng Mười", v.v... Lại xin có một nhận xét riêng là có thể nào nếu xã hội càng cởi mở công khai thì biết đâu ÐTLA không còn là hiếm hoi mà thành ra ngàn hoa đua nở? Riêng chị Pham Thị Thanh có thắc mắc về tình cảm/tình dục của những người ÐTLA, tôi xin vắn tắt đáp rằng chỉ cần có xúc cảm lúc ban đầu thì đâu sẽ vào đấy thôi. Anh Nguyễn Việt Hà có những trao đổi về cái nguyên nhân sâu xa của người ÐTLA: theo anh "chỉ có người trong cuộc mới bộc bạch hết được cái lý giải rất nội tâm tự nhiên mà chẳng yếu tố ngoại cảnh nào có thể kích thích hoặc kìm nén nó được". Cuối cùng anh Ðỗ Kh. kết bằng một màn kịch phản khoa học để mọi người thấy rõ ràng hơn cái sự "nếu như ..." (What If...).
Không biết anh Nguyễn Anh Cơ đã có câu trả lời cho những vấn đề anh đưa ra hay chưa? Xin có một nhận xét muộn về vấn đề thẩm mỹ anh Cơ đưa ra: Tôi nghĩ giá trị thẩm mỹ của một thời đại nào cũng đều là một sự tương đối chứ không tuyệt đối. Nếu như tuyệt đối thì sẽ không bao giờ có chuyện đàn bà mặc quần, hay đi bỏ phiếu, hay tự do ngừa thai. Anh Nguyễn Anh Cơ nói rằng, "Nếu quả tình ÐTLA giống như nhai đùi heo thì phải chăng ta đang sống trong một cái nhà thờ Hồi giáo lớn của DiTLA?" Thú thật tôi vốn không thích bàn luận về tôn giáo nên chỉ xin hỏi với tính cách li ti (split hair): Trong tất cả những người theo đạo Hồi, có bao nhiêu người muốn sống trong cái nhà thờ Hồi giáo ấy? Nhân loại sẽ bị mất mát bao nhiêu nếu tất cả chúng ta đều là người Hồi giáo? Vẫn biết điều nên bàn đến không phải là cái mộng muốn biến toàn thế giới trở thành dân đạo Hồi. Nếu ở đây ta chỉ muốn nói về "niềm tin vào thánh Allah", thì có lẽ ta cũng nên đặt một câu hỏi khác: Tai sao thánh Allah đáng được bảo vệ? Nhìn lại quá trình lịch sử, loài người đã phải trải qua bao nhiêu sự đổi thay, từ tư tưởng, tôn giáo, đến khoa học? Nói chung là những gì không đáng tồn tại, những gì không dùng được nữa, cho dù đã được thử thách qua vài ngàn năm vẫn phải bị phá bỏ, cần được đổi mới; ví dụ điển hình là việc khám phá trái đất là hình tròn. Có phải con người chỉ có thể tiến tới nếu có thể chấp nhận sự đổi mới tân tiến? (Vì không theo đạo Hồi và những câu hỏi này sẽ làm mất hòa khí của những người thờ thánh Allah nên tôi xin dừng tại đây: Ðiều "Thánh Allah có đáng được bảo vệ hay không", tôi phải để người Hồi và thời gian trả lời).
Bàn về thịt và thẩm mỹ, tôi sẽ thưa thêm (xin nói trước tôi có bạn thích ăn thịt cầy nhưng tôi lại chưa có dịp thử qua nên không rõ là mình có thích hay không): Thuộc thành phần thiểu số không có nghĩa là mất thẩm mỹ, và đại đa số không có nghĩa là có giá trị thẩm mỹ tuyệt đối. Ăn thịt chó không có gì sai; không đồng ý với khẩu vị của những người ăn thịt chó cũng không có gì sai. Nhưng khẳng định rằng ăn thịt chó không có giá trị thẩm mỹ hoặc thua kém vấn đề thẩm mỹ hơn ăn thịt bò, thịt gà, thịt heo, là độc đoán (tất nhiên thiên hạ sẽ kéo nhau xuống đường biểu tình chống đối, đánh nhau lỗ đầu). Nếu những người ăn thịt chó không chê những người ăn thịt bò, thịt gà, thì tại sao mỗi người chúng ta không được toàn quyền tự do thưởng thức bất cứ loại thịt nào? Và thưởng thức ở bất cứ nơi nào? Toàn quyền bình đẳng thưởng thức thịt sẽ đem lại quyền bình đẳng làm người của mỗi người, không cần biết người đó theo Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo hay bất cứ tôn giáo nào. Tôi vừa nói qua là chuyện ăn thịt cũng có thể gây nên chiến tranh.
Tôi mới đọc xong một chuyện khoa học giả tưởng (Cũng đang tìm mua cuốn "Một thế giới không đàn bà" mà các anh chị vừa giới thiệu để đọc xem ra sao nhưng chưa ra). Xin tóm gọn là trong chuyện này có một giống dân từ hành tinh khác muốn đi tìm một hành tinh mới để nương náu. Giống này tiến bộ hơn loài người rất nhiều và tuy cách xa trái đất gần trăm năm bằng ánh sáng họ tìm ra được trái đất và họ gửi đi những câu trắc nghiệm để thử xem người trái đất ra sao, có chấp nhận họ không. Người trái đất sau khi cho giải đáp thì giống dân từ hành tinh kia cho rằng người trái đất là một giống chỉ biết đến mình chứ không rộng mở cửa ngỏ để đón tiếp những giống từ các hành tinh khác. Họ bèn kết luận như thế có hại cho vũ trụ, và nếu người trái đất có ý muốn thám hiểm những hành tinh khác thì sẽ tiêu diệt các giống khác vì tính ích kỷ này. Và loài người vì không tiến bộ để hòa đồng và đón tiếp những giống dân của những hành tinh khác, họ cần phải bị tiêu diệt trước hết. Chỉ là chuyện không thật và lẽ dĩ nhiên tôi không thích những chuyện không có hậu; chưa kể là làm gì lại có quyền độc đoán tiêu diệt cả trái đất. Vậy mà tôi vẫn thấy áy náy cho con người; vì đến sống hoà bình với nhau còn chưa xong, nói gì đến tiếp thu một giống từ hành tinh khác? Xin lỗi là tôi lại lằng nhằng đi xa vấn đề.
Trở lại Bàn tròn, tôi muốn được tóm tắt lại và ghi nhận rằng: Các anh chị nào có ít nhiều sự thông cảm với giới ÐTLA. Chúc các anh chị những giấc ngủ yên bình không bị ác mộng là người ÐTLA chiếm cứ hết quả điạ cầu và bắt mọi người ăn thịt cầy quanh năm. (Chẳng biết anh Ðỗ Kh. sẽ la to lên rằng "quel cauchemar" hay là "quel paradis"?!) Những lời nói tử tế của các anh chị đã đi sâu vào óc tôi và tôi sẽ nhớ hoài.
Các anh chị nào vẫn cứ một mực cho rằng ÐTLA là đồi bại, phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, không nên cho chung đụng với người dị tính sợ làm hư hại, tổn thương đến giá trị và thẩm mỹ của người dị tính, thì tôi không biết như thế nào mới vừa lòng quý vị? Cô lập chúng tôi vào ở một trại tập trung như người Do Thái bị thuở xưa? Hay là đày chúng tôi ra một hải đảo xa xôi để chúng tôi lập nghiệp riêng ở đấy? Mong các anh chị sẽ không bao giờ phải bị đau khổ và thất vọng khi có người thân quyến, những anh chị em, hoặc con cái trong gia đình "ra mặt" để phải đuổi họ đi cho khuất mắt mình. Những lời phê phán khó chịu này ví như gió thoảng qua tai tôi và tôi sẽ không để bụng lâu. Có thể tôi cũng sẽ không cần phải chứng minh và biện hộ là tôi cũng là người, có hỉ nộ ái ố tham sân si như ai kia. À, cuối cùng là một lời yêu cầu: tôi hay bị say sóng, nếu bắt tôi ra đảo bằng tàu bè e không tốt cho tôi, làm ơn mua vé cho tôi đáp máy bay).
Xin cám ơn Diễn đàn Talawas, các anh Moderators; và chào các anh chị trong cũng như ngoài Bàn tròn ÐTLA. Thân mến,
4/7/2002
Nhiều tác giả
Nguồn: Bàn tròn Talawas ÐTLA 
http://groups.yahoo.com/
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...