Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Tại sao nhiều người Việt giàu thếXXX

Tại sao nhiều người Việt giàu thế?

Đọc bài Kinh tế là những câu chuyện đơn giản, độc giả Lê Đức Thụ có nhờ toà soạn talawas chuyển đến tác giả Ngô Nhân Dụng một thắc mắc. Sau đây là bài trả lời của tác giả Ngô Nhân Dụng. Talawas
Chúng tôi nhận được lá thư của một độc giả qua email, nêu một thắc mắc rất đáng quan tâm. Lá thư ký tên ông Lê Đức Thụ, ở Hà Nội. Xin trích đăng:
... "Câu hỏi của tôi như sau: Khi quan sát sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống ở Việt Nam, người ta thấy một hiện tượng rất khó hiểu. Mức thu nhập bình quân đầu người rất thấp (trên dưới 250 đô la một năm), tiền lương thực tế cũng rất thấp; các cơ sở sản xuất và kinh doanh làm ăn thực sự có lãi cũng rất ít. Công nghiệp kém phát triển. Sản phẩm chính làm ra vẫn là sản phẩm nông nghiệp. Hàng hóa trên thị trường nhiều phần là hàng nước ngoài, kể cả thực phẩm hay đồ dùng bình dân.
Tất cả vốn liếng, tài sản của cả nước rất ít ỏi, nhưng chi tiêu lại rất lớn, nhất là tại các thành phố. Giá nhà hiện nay ở các thành phố lớn đã lên tới mức hàng tỉ đồng một căn hộ. Xe cộ và mọi thứ đều quá đắt so với mức lương. Tiền ở đâu ra mà nhiều thế? Nếu tiền do nhà nước in ra vô tội vạ thì phải lạm phát, nhưng nói chung lạm phát ở Việt Nam không đáng kể lắm. Số tiền rất lớn ấy ở đâu ra? Nếu căn cứ vào mức chi tiêu thì tính trung bình thu nhập đầu người ở Việt Nam phải lên đến mức 2000-3000 đô la một năm là ít nhất. Vì sao người Việt Nam có nhiều tiền chi ra như vậy?
Không biết đó có phải là một bài toán kinh tế đơn giản không, thưa ông? ..."
Thắc mắc của ông Thụ rất chính đáng. Tôi xin nhắc lại câu hỏi: Vì sao người Việt Nam có nhiều tiền chi ra như vậy? Không biết ông Thụ có ý hỏi về "một số người Việt Nam" có nhiều tiền, hay ông muốn hỏi về "người Việt Nam" trong cả nước nói chung? Nhưng cũng không cần phân biệt như vậy. Vì nếu tài sản của 100 ngàn người ở trong nước tăng lên mỗi người 100 ngàn đô la thì tài sản chung cả nước Việt Nam cũng cao hơn mười tỷ đô la, nghĩa là nói chung nước mình giầu thêm 10 tỷ. Mười tỷ bạc đó ở đâu ra? Vì sao "người Việt Nam chúng ta" có nhiều tiền như vậy, trong lúc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp còn quá lạc hậu, nghèo nàn?
Xin thưa với ông là, một phần tài sản đó do tổ tiên để lại. Một phần nữa là do chúng tôi, người Việt từ nước ngoài đóng góp gửi về! Đó là cách trả lời đơn giản cho một bài toán có vẻ đơn giản! Thu nhập từ các tài sản đó không được phân bố đều cho tất cả mọi người mà dồn vào cho một số nhỏ, thí dụ trăm ngàn người; để họ ăn tiêu thong thả, có tiền mua nhà trị giá hàng nửa triệu đô la, mua xe ô tô Mercedes mới, Lexus mới, vân vân. Tại sao việc phân bố không đồng đều, người có nhiều, người có ít thì các cụ tổ tiên cũng như chúng tôi ở ngoài không ai cố ý gây ra cảnh đó, chính đồng bào mình ở trong nước chịu trách nhiệm.
Sau đây tôi xin phân tích kỹ hơn, dùng những số thống kê của tạp chí The Economist xuất bản ở Anh quốc, tờ báo này tôi đọc mỗi tuần và tôi rất tin. Tổng sản lượng nội địa của Việt Nam khoảng 33 tỷ mỹ kim một năm, đó là trị giá tất cả những hàng hoá, dịch vụ của cả nước có được và tiêu dùng trong một năm. Chia đều ra cho hơn 80 triệu đồng bào trong nước thì mỗi người có thu nhập khoảng 400 đô la, không lớn bằng con số 2, 3 ngàn mà ông ước đoán. Số tiền 400 đô la đó mọi người đem tiêu thụ hoặc để dành, đầu tư. Tờ Economist tính dân mình chi tiêu chừng 65 phần trăm số thu nhập, tức là mỗi người tiêu bình quân 240 đô la. Họ đóng góp cho các cấp chính phủ chừng 8 phần trăm. Phần còn lại là để dành và đầu tư. Riêng con số ngân sách nhà nước thì năm nay được biết khoảng 10 tỷ đô la, cao hơn tỷ lệ 8 phần trăm. Nhưng trong ngân sách đó có cả những khoản nhà nước đầu tư, như là làm đường xá, xây cơ xưởng máy móc, có thể tính chung vào mục đầu tư, số còn lại thuần túy tiêu dùng nhỏ hơn. Cho nên có thể dùng các số thống kê của tạp chí Economist, vì họ đã thu nhặt từ nhiều nguồn tài liệu đáng tin cậy.
Tất nhiên, nếu mỗi người ai cũng chỉ tiêu thụ 240 đô la một năm thì không ai có tiền mua xe Lexus cả, trông nước mình sẽ thấy nghèo lắm chứ không giầu sang như ông Thụ nhận xét. Vậy thì nếu có người lái se Mercedes tất phải có người chi tiêu ít đi. Thí dụ các nông dân, làm ruộng, đánh cá, đốn gỗ trên rừng, vân vân. Số chi tiêu hàng năm của họ chỉ có 100 đô la một năm chẳng hạn. Mấy năm trước ông Hoàng Minh Chính cho biết có nơi đồng bào miền núi chỉ tiêu có 50 đô la một năm, nhưng cứ tính đổ đồng là 100 cho tiện. Trong dân số nước ta 70 phần trăm là nông dân, khoảng 56 triệu người. Những người này tiêu 5,600 triệu, tính tròn là 6 tỷ trong tổng số 33 tỷ. Còn lại 27 tỷ chia cho 24 triệu người dân kia. Nhưng các người dân thành phố không phải ai cũng chi tiêu nhiều như nhau. Tôi không có số thống kê về thu nhập bình quân của người dân thành phố. Dân Sài Gòn có thể thu nhập bình quân hơn 1000 đô la. Thu nhập 500 đến 1000 đô la là thuộc loại khá giả rồi. Những người thu nhập hàng trăm ngàn đô la một năm cũng có. Tôi đã gặp mấy người từ Việt Nam qua California chơi, họ nói họ giầu như vậy. Nhưng tôi biết ở các thành phố cũng có những công nhân không có việc làm, có 100 đô la một tháng cũng mừng lắm. Giả dụ trong số 24 triệu người ở thành phố có 22 triệu thu nhập bình quân 500 đô la một năm, ta có 11,000 triệu, tức 11 tỉ trong số 27 tỷ kể trên. Vẫn còn 16 tỷ chia cho 2 triệu người còn lại. Nếu chia đều thì mỗi người được 8 ngàn; nhưng chúng ta biết có những người kiếm ra và chi tiêu nhiều hơn, có người ít hơn.
Nhiều người bạn tôi cho biết khi về nước gặp bạn cũ họ đãi đằng một đêm tốn cả ngàn đô la, uống rượu ngoại không cần tính toán và nhiều mục giải trí khác dân Việt kiều chịu thua! Tôi cũng là một người Việt Nam trung bình, tính rộng rãi với bạn bè nhưng cũng biết tằn tiện, tôi chưa bao giờ đãi bạn bè ở xa tới mà tiêu vài trăm đô la một buổi tối. Cho nên tôi nghĩ những người tiêu cả ngàn đô la thì chắc họ phải kiếm ra mỗi năm vài trăm ngàn đến nửa triệu mỹ kim. Số người kiếm nửa triệu đô la là bao nhiêu, phải hỏi các ngân hàng nơi họ gửi tiền. Hay là ông Thụ thử đếm số xe ô tô đắt tiền họ mua mấy năm gần đây thì đoán được một phần. Hỏi các đại lý xe chắc biết các con số. Biết một phần thôi, vì nhiều người thích giữ của chìm hơn đi khoe của nổi. Mà của chìm thì không phải chỉ để chìm trong nước mà còn ngâm ở tận nước ngoài nữa.
Bây giờ trở lại câu hỏi chính, là tiền ở đâu ra nếu trong cả nước dân ta sản xuất ít như vậy. Trong số 33 tỷ thu nhập chung cả nước có những món do đồng bào làm ruộng, người làm thợ sản xuất ra, đó là những thứ mà ông Thụ trông thấy, ông cho là không đủ cho dân mình giầu có như cách tiêu dùng của nhiều người. Như vậy thì ngoài ra, còn phải có những nguồn sinh lợi khác, đem về cho cả nước những món tiền lớn. Như ở trên tôi mới nói đến, có những thứ do tổ tiên để lại, di sản của tổ tiên chung cả nước chúng ta chứ không riêng gia đình nào, các di sản đó cũng sinh ra tiền. Thí dụ, đất đai; rừng, rừng núi có gỗ, có cả than, quặng mỏ, đá quý; biển, tôm cá và dầu lửa ngoài biển, vân vân. Những thứ như đất đai, đem cho công ty nước ngoài thuê, tiền thu vào là của chung. Có những thứ đem bán ra nước ngoài, tiền đem về cũng là tiền chung của cả nước. Hai nguồn thu nhập ngoại tệ lớn nhất của nước ta là xuất khẩu dầu lửa và gạo. Những món tiền lớn đó thu về rồi được đưa cho những ai chi tiêu, cái này quý vị ở trong nước có thể tính toán được. Nguồn thu nhập lớn thứ ba chính là những món do đồng bào ở nước ngoài gửi về và đem về chi tiêu. Năm ngoái con số kiều hối chính thức là 2 tỉ 700 triệu đô la, con số thật có thể lên tới 3 tỉ rưỡi. Ngoài ra còn những người Việt về nước cũng đem tiền về. Riêng dịp Tết vừa qua có 300 ngàn người, tính cả năm coi như gấp đôi lên thành 600 ngàn. Nếu mỗi người mang về 5 ngàn đô la, (họ còn mang về hộ người khác ngoài số tiền họ đem về để chi tiêu) thì cũng thành 3 tỷ. Như vậy thì đồng bào ở nước ngoài gửi về và đem về tới 6 tỷ, chiếm một phần năm tới một phần sáu tổng sản lượng nội địa. Nếu chỉ tính 3 tỷ rưỡi cũng là một phần mười! Thử tưởng tượng bây giờ chúng ta thấy số thu nhập của mình tăng lên 10 tới 20 phần trăm, mà mình không cần làm gì vẫn có được, cũng thấy dễ chịu lắm chứ? Nếu tính gồm cả số thu nhập nhờ cho thuê và xuất cảng những thứ di sản do tổ tiên để lại cộng với kiều hối thì tổng số có thể lên đến hơn mười tỉ, tức là một phần ba số thu nhập và tiêu dùng của cả nước. Khi chúng ta nhìn vào số sản xuất của các nông dân và các nhà máy, chúng ta không thấy số thu nhập đó. Nghĩa là dân mình giầu gấp rưỡi mà chính mình không biết!
Nhưng tất nhiên con số một phần ba tổng sản lượng nội địa đó không chia đều cho 80 triệu người. Những người nhận được tiền của thân nhân từ Mỹ gửi về, của những anh chị em đi lao động ở Hàn quốc hay lấy chồng Đài Loan gửi về, những người phục vụ cho các ngành du lịch, họ được hưởng một phần các món kiều hối.
Có những người được hưởng lợi trên những số tiền xuất cảng gạo, dầu lửa cũng như kiều hối mà không phải làm việc nhiều như người dân bình thường. Gạo do nông dân bán ra, người ta mua rẻ rồi bán đắt cho nước ngoài, họ hưởng lợi. Họ biết cách hưởng vì họ khôn hơn người hay vì có quyền thế hơn, cái đó bà con biết. Xuất cảng tôm, cá, quế, đá quý cũng vậy. Ai được hưởng nhiều, ai hưởng ít, đó là do cách tổ chức kinh tế mà ra. Trên nguyên tắc trong một nền kinh tế thị trường ai cũng bình đẳng, có cơ hội làm giầu như nhau. Nhưng cơ cấu kinh tế nước ta chưa hẳn là thị trường, nó có "định hướng xã hội chủ nghĩa." Như vậy thì chắc ai "xã hội chủ nghĩa" hơn thiên hạ, người đó phải "bình đẳng hơn," có cơ hội được chia phần nhiều hơn.
Biết tin tức trước người khác cũng là một cách sinh lợi. Thí dụ nếu họ biết trước tin về quy hoạch nhà đất, họ mua nhà trước; đến khi quy hoạch mới ban ra giá nhà đất tăng vọt, họ bán và hưởng lợi. Có những người biết trước một dự án lớn, như một khu chế xuất, một khu sẽ xây dựng nhà máy lọc dầu, họ cũng mua, bán như vậy. Số tiền họ kiếm được thì chúng ta người trần mắt thịt không tưởng tượng nổi. Cho nên có những người chi tiêu một ngàn mỹ kim một đêm để đãi bạn bè, có người đi Macao đánh bạc thua cả trăm ngàn mỹ kim. Lại có những sinh viên đến California du học, mới tới đã có nhà sẵn để ở, có xe mới để lái đi học và đi chơi, con số đó cũng không nhỏ. Nói chung, nếu cả nước giầu thêm lên gấp rưỡi mà số tiền mươi tỉ thêm đó được tập trung vào trong tay một trăm ngàn người thì những người đó phải giầu nứt đố đổ vách, kiếm thêm một năm 100 ngàn mỹ kim, ăn tiêu vô tư thoải mái, cũng không có gì lạ!
Tôi không biết những lời giải thích như trên có tạm giải quyết óc tò mò của ông Thụ hay chưa. Tôi xin ông cho tôi biết ý kiến.
Xin gửi ông thêm một bài để đọc, hy vọng nói rõ ràng hơn một chút.
*

Nông dân thiệt thòi như thế nào?
Nông dân chiếm 80 phần trăm dân số Việt Nam cũng như Trung Quốc. Nhưng trong thời kỳ đổi mới kinh tế ở cả hai nước, nông dân vẫn bị bóc lột để nuôi dân thành thị; trong đó guồng máy đảng và chính quyền được hưởng lợi nhiều nhất. Một bằng cớ là Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang cho quốc hội của họ sửa đổi hiến pháp, công nhận quyền tư hữu các phương tiện sản xuất. Nhưng một thứ quyền tư hữu quan trọng nhất là làm chủ ruộng đất thì vẫn chưa có. Đảng Cộng Sản Việt Nam thường đi sau nước đàn anh phương Bắc năm, mười năm, chắc rồi cũng sửa hiến pháp để chính thức hóa quyền sở hữu của các nhà tư bản đỏ, giai cấp đang lên ở cả hai nước cộng sản. Nhưng còn nông dân thì sao? Những người tranh đấu cho công bằng ở Việt Nam phải đòi hỏi giới lãnh đạo Đảng trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho người dân cầy. Vì nếu không, nông dân vẫn tiếp tục bị bóc lột để nuôi giai cấp đảng viên lớn và các nhà tư bản đỏ trong đám họ hàng, phe cánh, bạn bè của giai cấp đó.
Hình thức bóc lột rất tế nhị, nhưng nhìn vào tình trạng thay đổi trong đời sống và hoạt động của guồng máy kinh tế, người ta có thể nhận thấy ngay.
Trước hết, thay đổi kinh tế đã nâng sản lượng toàn quốc lên nhanh chóng, khi họ cởi trói cho phép các nông dân được bán các nông sản tự do, cho phép giới tiểu thương và tiểu công nghệ hoạt động lại, mở cửa cho ngoại quốc đầu tư. Nhưng khi sản lượng toàn quốc gia tăng lên thì ai được hưởng? Chỉ cần nhìn vào mức chênh lệch giữa đời sống của nông dân và dân thành thị thì chúng ta thấy phần lớn các lợi ích của con đường tư bản hóa được dành cho thành phố, nơi các cán bộ cao cấp, những kẻ phục vụ họ và gia đình của họ sống.
Chúng tôi không có các số thống kê của Việt Nam, nhưng biết vài con số ở Trung Quốc. Năm 1978 là năm ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu cởi trói kinh tế cho dân Trung Hoa, số thu nhập của người nông dân cao bằng gần 40 phần trăm của dân thành phố. Chỉ bốn năm sau khi được cởi trói, năm 1983 nhà nông Trung Quốc có lợi tức cao bằng 55 phần trăm của dân thành thị - đây là một sự tiến bộ rõ ràng. Nhưng chính sách tư bản hóa của Trung Quốc từ 20 năm nay đã nghiêng hẳn về phía các thành phố. Năm 2003, số thu nhập của nông dân Trung Hoa chỉ bằng 35 phần trăm của dân thành phố, tỷ lệ này thấp hơn 40% thời trước khi đổi mới. Tình trạng ở Việt Nam chắc cũng không khác bao nhiêu; nông dân đã tụt hậu trong quá trình phát triển kinh tế. Ở ngay Củ Chi, tức là thuộc thành phố Hồ Chí Minh, những gia đình nghèo quá phải bán con gái đi lấy chồng Đài Loan. Mà bà mẹ chỉ được gần 300 mỹ kim thôi, như tôi đã nghe cô dâu này nói. Cô có 4 đứa em nhỏ mà không có việc, gạo ăn không đủ; cô hy vọng ở Đài Loan mai mốt cô sẽ đi làm, gửi tiền về. Nhiều nơi ở miền Bắc Trung phần người nông dân có đủ gạo ăn là may, thức ăn thì đi mò cua, bắt ốc hay hái rau sam ngoài ruộng. Trẻ em ở nông thôn còi cọc, không lớn lên được. Trước kia, mức chênh lệch giữa đô thị và nông thôn không lớn như bây giờ vì cả nước nghèo, dân ở thành phố cũng nghèo, dù họ vẫn được đảng nuôi bằng các thành quả từ bàn tay của nông dân làm ra. Ngày nay, người ở thành phố có nhiều cơ hội làm giầu hơn nhờ có tiền bạc ở nước ngoài đem vào, nông dân vẫn bị bỏ rơi.

Sở dĩ các đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam ưu đãi dân thành phố, một phần vì chính giới lãnh đạo và bà con họ sống ở thành phố. Một lý do quan trọng hơn là họ cần phải mua chuộc dân thành phố để tránh rắc rối. Dân đô thị được thả lỏng tự do nhiều hơn vì chính sách mở cửa, còn chính các công an, cán bộ cũng bận lo làm ăn. Nếu các thanh niên đô thị được cha mẹ cho tiền tiêu xài, có xe gắn máy chạy đua nhiều hơn, có nhiều quán karaoke để giải trí hơn, thì nếu họ có bất mãn khi tốt nghiệp rồi không tìm được việc, họ cũng chỉ rủ nhau đi uống rượu hay đánh bài chứ không đi biểu tình như đã xẩy ra ở Thiên An Môn năm 1989. Còn người dân ở nông thôn thì vốn biết an phận từ nhiều thế kỷ rồi, nhà cầm quyền cũng không lo vì guồng máy đàn áp ở đó còn mạnh. Những vụ nông dân nổi lên ở Thanh Hóa, Thái Bình rồi cũng yên cả.
Nông dân Trung Quốc cũng như Việt Nam hiện đóng hai vai trò chính: thứ nhất là sản xuất ngũ cốc để nuôi dân thành thị; và thứ hai là cung cấp lao động rẻ tiền trong các chợ cơ bắp, làm công nhân lương thấp hoặc đi làm mướn. Riêng ở Việt Nam, có mấy trăm ngàn người, đa số là nông dân hiện đang được xuất khẩu qua các nước khác làm việc để mang ngoại tệ về. Số ngoại tệ đó trả cho các công ty dịch vụ của các cán bộ, các tay chạy chọt và các nhà tư bản đỏ, cho giai cấp lãnh đạo guồng máy đảng và nhà nước chia phần. Họ tích lũy vốn, một phần được gửi ra nước ngoài để dành cho con cháu. Khi nông dân làm ra gạo thì có các công ty xuất cảng ở thành phố mua, họ trả giá rẻ, đem bán lại giá cao. Đó cũng là một trong những cách chuyển tiền từ nông thôn ra thành thị.
Các nguồn thu nhập của quốc gia bao gồm các sản phẩm của nông thôn và của các thành phố làm ra; ngoài ra là những món bổng như tiền do người Việt ở nước ngoài gửi hoặc mang về (gần bằng một phần mười tổng sản lượng nội địa) và tiền đầu tư, tiền viện trợ từ nước ngoài. Nhưng các món bổng trên có về tới nông thôn hay không? Chắc là không. Những khoản tiền ngoại lai đó được dùng để nhập cảng những thứ hàng hóa cho dân thành phố dùng, từ rượu mạnh, thuốc lá, ti vi, xe gắn máy, cho đến xe hơi đắt tiền. Khi các công ty ngoại quốc đến Việt Nam thuê nhà, mướn đất, hoặc khi những người được thân nhân ở ngoại quốc gửi tiền về cũng mua nhà đất, thì giá nhà đất phải tăng lên. Và các xí nghiệp đua nhau xây cất làm khách sạn, làm khu giải trí. Những cơn sốt giá nhà, đất tạo thêm những tài sản khổng lồ cho một giai cấp ở thành thị, trong đó có các cán bộ được hóa giá nhà. Nhiều ngôi nhà tự nhiên lên giá nửa triệu mỹ kim! Chỉ riêng việc mua đi bán lại nhà, đất có thể tạo ra nhiều tỷ phú, mà họ chắc phải thuộc một giai cấp được ưu đãi. Còn nông dân được hưởng cái gì trong cơn sốt xây dựng này? Lâu lâu họ được đền bù chút tiền để nhà nước lấy đất làm sân cù cho khách du lịch Nhật Bản, Hàn quốc. Và giá tiền đền bù do nhà nước ấn định, được bao nhiêu cứ hỏi đồng bào ở Uy Lỗ, Thọ Đà thì biết.
Bây giờ lại đến vai trò của các ngân hàng quốc doanh. Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, các ngân hàng đó có nhiệm vụ cung cấp tín dụng cho các cơ sở kinh doanh, nhưng dành ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước. Một nửa số tiền cho vay đó không bao giờ đòi lại được. Tiền nằm trong ngân hàng nhà nước là ở đâu ra? Hiển nhiên, tiền do nhà nước trợ cấp làm vốn là tiền của toàn thể quốc dân, ngoài ra là tiền của những trương chủ gửi. Nhà nước thu các thứ thuế, như thuế giá trị gia tăng, đem cho các ngân hàng dùng, thì các nông dân cũng đóng góp trong đó. Những xí nghiệp ở thành phố mua sản phẩm của nông dân rồi đem bán lấy lời, họ gửi tiền vào các ngân hàng này, cũng là một hình thức chuyển chuyển tài sản của nhà nông ra thành thị. Các quỹ tiết kiệm ở nông thôn thu hút tiền dành dụm của nông dân, đưa cho các doanh nghiệp nhà nước chi tiêu.
Bây giờ thử hỏi những món tiền trong ngân hàng quốc doanh đem cho ai vay để họ sinh lời? Chúng tôi lại phải xin lỗi không có các số thống kê ở Việt Nam, nhưng ở Trung Quốc thì được biết số tiền cho nhà nông vay chỉ bằng 6 phần trăm tổng số các món cho vay của toàn thể hệ thống ngân hàng; trong khi số sản xuất của nông thôn lớn bằng 15 phần trăm của cả nước. Các nông dân mà vay tiền thì khó trốn nợ, còn các doanh nghiệp nhà nước thì đem tiền về xài để thua lỗ rồi không ai chịu trách nhiệm trả lại hết! Những ngân hàng đã cho các công ty vay xây cất nhà cửa, xuất nhập cảng, xây khách sạn, đó là tiền của người dân cả. Khi các công ty đó không trả lại được, cả nước bị thiệt, nhưng nông dân thiệt thòi nhất. Họ có bao giờ được đi giải trí ở các khách sạn có karaoke đâu?
Cho nên nếu muốn thay đổi đời sống của nông dân thì trước hết phải tư hữu hóa ruộng đất. Khi người cầy, người cấy chỉ có quyền sử dụng đất mà không được làm chủ đất, thì đất đai không thể được dùng đúng mức tối hảo trong kinh tế thị trường. Nông dân không có quyền bán, quyền thế chấp để vay tiền, quyền cho con cháu thừa kế. Nếu người dân muốn cải thiện đất ruộng, làm những nhà kính để trồng rau quanh năm, họ vay tiền ở đâu? Đầu tư tiền bạc và công sức rồi, sau phải trả lại quyền sử dụng đất cho nhà nước, thì đầu tư lâu dài làm gì? Cả một số vốn lớn của quốc dân là ruộng đất bị chôn một chỗ không tận dụng để được, cả nước bị thiệt chứ không riêng gì nông dân.
22/3/2004
Ngô Nhân Dụng
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những Điều Không Thể Hỏi trích trong tuyển tập khoảng cách của biệt ly Tôi cảm thấy hết sức xốn xang trong suốt buổi viếng nhà bà T....