Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Thế hệ phản độngXXX

Thế hệ phản động

Trích tiểu luận "Hướng đến một văn hóa phát triển" trong "Văn hoá, giới tính, và văn học", NXB Văn Mới, California, sắp phát hành
Thế hệ trẻ có ý thức được rằng mình tỉnh táo và sáng suốt hơn thế hệ đi trước thì xã hội mới có cơ may tiến bộ. Háo thắng không phải là một tính tốt nhưng nếu một thế hệ cứ mãi khép nép với những mặc cảm hậu sinh thì có thể nói đấy chỉ là một thế hệ vứt đi. Một thế hệ phản động. Nghe thì có vẻ ngược ngạo và vô lý, nhưng, suy cho cùng, tiến bộ là gì nếu không phải là tiến trình thay thế giữa mới và cũ, giữa cái hợp thời và cái lỗi thời, giữa hôm nay và hôm qua, giữa trẻ và già? Thế hệ trẻ, động lực của thay đổi và phát triển, mà cứ khép nép e dè trong những quan hệ cân bằng rệu rã thì sẽ là gì nếu không là một thế hệ phản động? Ðấy không phải là lời kết án mà cũng không phải là một thái độ phủ nhận cạn láng, một trăm phần trăm. Phản động, đôi khi, cần được hiểu trong những ý nghĩa nguyên thuỷ như một phản động lực, một tác động ngược trì kéo dòng chuyển động chính chứ chưa biến thái. Từng thế hệ cần ý thức thật rõ vai trò của mình trong sự tiếp nối và kế thừa đầy sáng tạo, hướng đến một quan hệ mới, một hệ thống giá trị mới, cao hơn.
Chẳng hạn như cái "hơn" từng được cổ vũ trong văn hóa Mỹ một thời, nước Mỹ của thế kỷ 19. Nói tới văn hoá Mỹ thì sẽ có không ít người nhún vai, trề môi. Thì cũng được thôi, họ có thể nói bất cứ điều gì về Mỹ, thậm chí có thể nói những điều mâu thuẫn nhau. Nói nó khai phóng cũng được mà nói nó nghẹt thở cũng được. Nói nó nhân bản cũng được mà nói nó nặng vật chất, bất cận nhân tình cũng được. Nhưng, thử hỏi, có bao nhiêu người Việt Nam đang trăn trở với giấc mơ làm... người Mỹ, cho dù đa số vẫn chê bai, vẫn hằng ra bộ khinh miệt Mỹ? Chưa ai làm thống kê nhưng có lẽ con số không thấp lắm, và như thế thì, dù sao, xã hội hay văn hoá Mỹ cũng có cái gì đó đáng để nghiền ngẫm, và ở đây, vấn đề là tuổi trẻ Mỹ đã "hơn cha" như thế nào! Con hơn cha là nhà có phúc và, chắc chắn là, tuổi trẻ ở đó phải "hơn cha" lắm lắm nên mới có văn hoá Mỹ của hôm nay, thứ văn hoá đã vượt, đã băng qua thế kỷ ấy rất xa, cho dù vẫn còn vướng víu với chút di sản tồi tệ của thời kỳ hậu thuộc địa, chẳng hạn chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc.
Cái thời mới thoát thai khỏi thân phận thuộc địa nước Mỹ chưa có cái gọi là văn hoá "true America" ngay đâu. Mà nó cũng không ở trên trời rơi xuống. Phải đợi đến nửa sau thế kỷ 19, sau khi Ralph Waldo Emerson khơi dậy những ý tưởng về một sự độc lập văn hoá trong bài diễn văn đọc trước Viện Ðại Học Havard năm 1837, và qua tác phẩm Nature xuất bản năm 1880, những hạt giống đầu tiên mới bắt đầu nẩy mầm. Emerson nói về vai trò của những đại học Mỹ trong việc "khơi lên ngọn lửa trong trái tim thế hệ trẻ". Emerson nói về sự xuất hiện của những nhân vật khổng lồ để đập nát những giá trị cũ và tạo dựng những giá trị mới. Emerson kêu gọi thế hệ mới hãy vứt bỏ những ám ảnh của quá khứ để "tận hưởng mối quan hệ tinh khôi với vũ trụ" và xây dựng một "thế giới của riêng mình". Trong "Cơn Sốt Vàng" và cơn chuyển mình kỹ nghệ hoá thời ấy, những ý tưởng của Emerson xuất hiện như là cái gì đó lạc loài nhưng cũng đã thổi lên niềm cảm hứng ở nhiều người đồng điệu, thế hệ cùng thời hay những thế hệ kế tục, từ Henry David Thoreau cho đến Walt Whitman, rồi Elizabeth Palmer, Margaret Fuller..., những tên tuổi đã chiếm lĩnh những vị trí trang trọng trong lịch sử nước Mỹ. Henry David Thoreau, chẳng hạn. Rời Havard, Thoreau trở thành người bỏ học nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ: thà ở tù còn hơn là đóng thuế để dung dưỡng chế độ nô lệ, thà ở tù còn hơn là góp tay nuôi dưỡng cuộc chiến bẩn thỉu tại Mexico. Những ý tưởng gói ghém trong tập tiểu luận Resistance to Civil Government của Thoreau đã gợi ý cho Mahatma Gandhi, ngay từ trong một nhà tù ngột ngạt ở Nam Phi, mường tượng nên con đường độc lập của tổ quốc Ấn Ðộ sau này. Ðến lượt, hành trình của Gandhi lại mở lối cho Martin Luther King, người đã bằng phương pháp bất bạo động mở ra một chương sử mới cho những thế hệ da đen Mỹ. Trong tập tiểu luận chống chính quyền ấy, Thoreau đã nói gì về tuổi trẻ của mình?
"Tôi đã sống hơn ba mươi năm trên hành tinh này nhưng chưa bao giờ nghe được một câu, một chữ ra hồn hay một lời khuyên có ý nghĩa từ thế hệ đi trước. Họ chẳng hề nói với tôi được điều gì cả, mà họ cũng không đủ khả năng để nói những lời như thế...[1]"
Ðấy chính là sự bất lực tinh thần của thế hệ già. Khi giới trẻ ý thức được điều ấy, ý thức được rằng mình sáng suốt hơn, tỉnh táo hơn và đủ sức vượt qua thì xã hội mới có hy vọng đi tới. Tuy vậy, thế kỷ 19 dù sao vẫn là một thế kỷ chậm chạp. Phải đến thế kỷ 20, nhất là nửa sau của thế kỷ này khi gia tốc thay đổi ở những lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị ngày càng cao dần thì sự phá sản tinh thần của những thế hệ lớp trên mới đậm nét hơn. Trong con mắt của tuổi trẻ thì họ, và những khung giá trị họ bám chặt, chỉ có thể đem lại chiến tranh, đói khát, bất công hay bần cùng v.v... Ðấy chỉ là một bọn đạo đức giả. Và như thế, tuổi trẻ vùng lên. Và như thế, tuổi trẻ ào ào chối bỏ. Văn hoá tuổi trẻ là một văn hoá chối bỏ, văn hoá của sự tìm kiếm, sự thích ứng và sự khẳng định mình. Thực nhạy và thực nhanh.
Thập niên 60 chẳng hạn, những năm tháng của mốt thời trang thiên tả khi tuổi trẻ chán ghét tư bản, chán ghét bất công. Họ ồn ào xuống đường. Họ hồ hởi phấn khởi tôn Mao tôn Ché làm thần tượng. Chán ghét chiến tranh, họ trở thành những nhà phản chiến đường phố, cũng không kém phần ồn ào. Không vậy thì họ cũng phản đối văn minh tư bản qua những hippy với đời sống hoang dã nguyên thuỷ, cái trào lưu lay lắt sống đến tận thập niên 70. Hẳn nhiên, không phải chọn lựa nào cũng đều tích cực cả, nhưng ít ra họ cũng đã phản ứng và nhìn trong suốt chiều dài lịch sử, những hành động như thế cũng có một tác dụng mở mắt nào đó đối với chọn lựa của thế hệ kế tiếp. Thập niên 80, khi chiến tranh Việt Nam đã trở thành quá khứ và đã phơi bày thực chất, tuổi trẻ đâm chán với những màn kịch thiên tả ồn ào. Thực tế hơn, họ hướng đến những hình mẫu yuppi, như những nhà chức nghiệp thành công.
Giữa những thành công chói chang của kỷ nguyên dot.com, tuổi trẻ của thập niên 90 còn xa rời chính trị hơn nữa. Cái họ quan tâm là giá cổ phần, là những đời xe mới. Họ chú ý đến câu chuyện Clinton-Monica hơn bất cứ tin tức chính trị nào khác. Họ cảm thương cho sự "bạc mệnh" của Công nương Diana hơn bất kỳ số phận không may nào khác, những nạn nhân của chiến tranh hay của độc tài. Trong một thời đại như thế, cái thời mà những cuộc xuống đường đả đảo ngày càng hiếm hoi, ảnh hưởng của những nhà quản trị hay doanh nghiệp thành công tỏ ra lấn át hơn cả. Những khuôn mặt thành công như Bill Gates xuất hiện tràn trên trang bìa của đủ loại tạp chí và ai cũng lăm le làm nhà tiên tri để dẫn đường nhân loại, với những tác phẩm thực kêu, thực hãnh tiến, kiểu: "Con đường phía trước", kiểu: "Hướng về tương lai", kiểu: "Trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21" v.v... Thế hệ trẻ của thập niên dot.com là thế hệ của chủ nghĩa thương mại. Họ hối hả làm việc và họ hối hả thành công. Họ lao mình như cái chong chóng để rồi, đến một lúc nào đó, cảm thấy mệt mỏi, và chợt, những phương pháp chống stress hay thiền lại trở thành những thứ mốt thời trang. Hơn thế nữa, một cách đột ngột, kể từ thảm hoạ chấn động ngày 11.9.2001, con số thanh niên Mỹ chọn một lối sống thư giãn hơn chợt tăng lên gấp đôi, tới 50 phần trăm, so với con số 25 của chỉ một năm trước đó.[2]
Ðấy là Mỹ, hay bất cứ xã hội Tây phương nào cũng đại loại thế. Ðó là nơi mà tuổi trẻ tỏ ra nhạy bén với những thay đổi kinh tế - xã hội; nhạy bén với sự bất lực của thế hệ đi trước; điều mà, nhiều người sẽ cãi ngay rằng, rất khác so với Việt Nam. Mà cũng khác thực. Không kể cái thời của những thay đổi vùn vụt và chóng mặt ở mấy thập niên qua. Nó khác ngay trong thời kỳ phôi thai, cái thời hậu thuộc địa lúc Emerson đơn độc vận động cho một nền văn hoá "true America". Khi "văn hoá tuổi trẻ" hình thành lần đầu tiên tại Việt Nam, trong hoàn cảnh thuộc địa, nó chỉ hình thành như là kết quả trực tiếp của một vận động văn hoá - chính trị.[3]
Từng là cựu thuộc địa của Trung Hoa, từng bao phen chật vật đấu tranh để độc lập về mặt chính trị với Trung Hoa, chúng ta vẫn lấy làm hoan hỷ và mẫn cán để học hỏi những khuôn phép văn hoá khai sinh từ phương Bắc. Khi đã trở thành thuộc địa của Pháp và nhận ra rằng, trước sức mạnh của cơ khí Tây phương, ông thầy Trung Hoa cũng hèn và yếu, cũng nhục nhã không kém gì mình, chúng ta mới hối hả tính đến chuyện đoạn tuyệt để học theo ông thầy mới. Trước Tàu, sau thì Tây. Kể ra thì cũng đúng thôi: đấy là con đường duy nhất để tự cường và để thoát khỏi thân phận nô lệ. Chính nỗ lực duy tân của những nhà ái quốc ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã góp phần tạo nên một tầng lớp thanh niên tân học, và từ đó, lần đầu tiên trong lịch sử, hiện tượng "văn hoá tuổi trẻ" mới thực sự hình thành.
Ðó là nửa đầu thế kỷ 20. Là thời mà những thanh niên tuổi mới nhinh nhỉnh đôi mươi, như Nguyễn Thái Học chẳng hạn, đứng lên mưu tính xoay chuyển thời cuộc. Là thời mà những cây bút trẻ trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn hăm hở đả phá cái trật tự đã ăn sâu cả ngàn năm. Là thời mà những nhà thơ trẻ trong phong trào Thơ Mới băn khoăn vượt qua những mẫu mực cổ điển, cũng ăn sâu cả ngàn năm. Nếu thành công của một vận động cách mạng - chính trị tuỳ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan thì, có lẽ phần lớn kết quả của một vận động văn hoá lại phụ thuộc vào năng lực và nhiệt tình của người trong cuộc. Trên phương diện văn hoá, những nhà văn "tự lực" hay những nhà thơ phái Mới đã tạo nên những thành tích lẫy lừng. Trẻ, họ tin tưởng chắc chắn rằng mình sáng suốt hơn người đi trước. Sôi nổi, họ vượt qua một cách dứt khoát. Và một cách đĩnh đạc, họ chỉ ra sự bất lực của những bậc trưởng thượng: nếu những nhà Thơ Mới dứt khoát phủ nhận những quy phạm mỹ học của thi ca cổ điển thì nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, bằng một thứ văn xuôi mới, đã thẳng tay tấn công vào thành trì của trật tự phong kiến. Nhìn trên phương diện văn hoá, có lẽ đây là thành công rực rỡ nhất mà tuổi trẻ Việt Nam đã từng làm được.
Hình như phải có sự hiện diện của một kẻ thù đáng sợ nào đấy thì người Việt chúng ta mới làm được việc gì đó ra hồn. Hẳn nhiên, đây không phải là một quan hệ bất di bất dịch đã trở thành quy luật, nhưng cứ xem trên phương diện văn học, có phải thời kỳ Lý - Trần là một thời kỳ văn học rực rỡ hay không? Cũng thời đó, đất nước ta lại đối đầu với những kẻ thù dữ dằn nhất, từ quân binh nhà Tống cho tới quân binh nhà Nguyên. Cứ xem, "Bình Ngô Ðại Cáo" của Nguyễn Trãi có phải là áng thiên cổ hùng văn chưa ai viết được hay không? Và đó lại là sản phẩm hun đúc bằng mười năm chống chọi với quân Minh. Và cứ xem, có thành công, nền thơ văn xã hội chủ nghĩa cũng chỉ thành công chút đỉnh ở hai giai đoạn ngun ngút chiến tranh. Có lẽ là nếu tải đạo và tải tâm là con đường chính thống của văn chương Việt Nam, thì chính nỗi sợ hay lòng căm thù kia đã thổi bùng ở người cầm bút những cảm hứng có thực, những hào khí có thực. Kẻ thù hay nỗi sợ, như thế, đã hiện diện để trực tiếp hay gián tiếp nuôi sống thần sắc của tác phẩm văn chương.
Vào cuối thế kỷ 19, sau những kinh nghiệm thất bại liên tiếp của các phong trào Cần Vương rồi Văn Thân, những thế hệ ngày đó mới thực sự bàng hoàng trước sức mạnh cơ giới của Tây phương. Trước viên đạn đồng bay ra từ họng súng thép thì lưỡi gươm bén và cái tâm huyết sục sôi hào khí kia "phỏng có ích gì"? Vô ích! Và họ chợt nhận ra một kẻ thù mới, như là nguyên nhân của yếu hèn và nhược tiểu: đó là óc nệ cổ, đó là tâm lý sùng bái và rập khuôn Trung Hoa. Kẻ thù đang ẩn nấp trong hàng ngũ của mình là một kẻ thù đáng sợ, đằng này, nó hiện diện ngay trong não trạng của mình. Háo hức với nguồn cảm hứng khẳng định mình và vượt qua cái cũ, tuổi trẻ thời đó đã tạo nên những thành tích sáng chói, điều mà, có thể nói, bắt nguồn từ hai yếu tố: một, nhận diện được kẻ thù mai phục ngay trong não trạng văn hoá của mình, như là nguyên nhân của yếu hèn và nhược tiểu; và, hai, sự sôi nổi và dứt khoát của tuổi trẻ.
Tuy vậy, cùng lắm thì kẻ thù đó cũng chỉ hiện ra qua những va chạm choáng người với một kẻ thù thực mới thế thôi: những di sản cổ điển đã tiêm nhiễm cả ngàn năm mà sự nhận diện chỉ mới lộ ra qua sự cọ xát mấy mươi năm hẳn phải có cái gì đó thiêu thiếu, không trọn vẹn. Cái logic của thời đó là thế này: phải chống Pháp, để chống Pháp thì phải mạnh, để mạnh thì phải học theo Pháp, để học Pháp thì phải đoạn tuyệt với lối học của Trung Hoa. Trước, chúng ta yên tâm với Trung Hoa. Pháp đến, cái sự yên tâm đó bị thui chột và chúng ta báo động. Nhưng báo động thì báo động, vấn đề cũng chỉ đặt ra một cách phiến diện và phơn phớt bề mặt qua những chi tiết cụ thể vụn vặt bên ngoài: là những búi tó củ hành sau ót và những mái tóc ca-rê hay húi-cua, là những nghi thức quỳ lạy và những cái bắt tay hay lối ngả mũ kính chào, cao hơn là lối học thực dụng hay sự đoạn tuyệt với những tệ đoan phong kiến như hôn nhân sắp đặt v.v... Những điều mà, có thể nói, chỉ là một nỗ lực tự cường theo kiểu xoay xở, theo sự thúc đẩy của tình thế chứ không hề là một nỗ lực tự phản, tự tỉnh sâu sắc xuất phát từ tận gốc rễ.
Chính vì thế mà cung cách khẳng định mình, cung cách vượt qua hay cung cách tuyên chiến của thế hệ thời đó có cái gì đó lụp chụp, vội vàng. Trên phương diện chính trị, phương châm của Việt Nam Quốc Dân Ðảng rập khuôn hầu như y chang phương châm và lý thuyết của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng. Trên phương diện văn hoá, bản tuyên ngôn được cho là đanh thép nhất của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, cô đọng trong Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh qua lời người luật sư biện hộ cho Loan, cũng có cái gì đó vội vàng, lụp chụp. Khi Loan, nạn nhân của lễ giáo phong kiến, của tập tục hôn nhân sắp đặt được toà tha bổng trước bản án giết chồng, hành động này, cùng lời bào chữa nói trên, được xem như một sự tuyên chiến khá gay gắt.
Tuy nhiên, Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên, cùng lắm đấy cũng chỉ là một sự gay gắt tình cờ thế thôi, khó mà chấp nhận như một giải pháp xã hội hay một giải pháp văn hoá. Ðoạn tuyệt với một hệ giá trị cũ phải là một biện pháp chủ động, nhắm thẳng vào thực chất của vấn đề, trong khi Nhất Linh phải trông nhờ vào yếu tố ngẫu nhiên: thắt gút của câu chuyện chỉ mở ra khi Thân - người chồng và người con điển hình của lễ giáo phong kiến - trượt chân té vào con dao oan nghiệt trên tay Loan. Như Nguyễn Công Hoan đã từng chế diễu trên báo Ích Hữu ngày 3 tháng 3 năm 1936 [4], Nhất Linh rất muốn đoạn tuyệt với hệ giá trị cũ nhưng lại lúng túng, không biết phải đoạn tuyệt như thế nào nên mới mượn đến cái sự tình cờ.
Dường như đó không phải là lỗi riêng của Nhất Linh, dân tộc chúng ta đến là ưa trông đợi những sự tình cờ. Trông và chờ: Thuở chờ đợi, ôi thời gian, rét lắm. Trông chờ thay đổi nhưng lại thụ động, lại hành động theo quán tính, và thậm chí phản động. Cứ xem, ai cũng khao khát và chờ đợi một "chuyển biến lớn" nhưng lại chuộng những tuồng xưa diễn lại. Cứ xem, ai cũng mong mỏi một nền văn học lớn, cụ thể như một giải Nobel cho ai đó họ Nguyễn, họ Lê v.v... nhưng, nếu ai đó mày mò theo phong cách của bất cứ cây bút đoạt Nobel nào khác, nhất định sẽ có lời dè bỉu, khích bác. Trong chính trị, nếu chúng ta chỉ quen tai với những bổn tuồng trơn tru có hậu với "tâm đạo" và "nghĩa khí" thì trong văn học chúng ta lại quen tai với những gì điệu đàng êm ái. Cái êm ái điệu đàng thời tiền chiến với lá thu vàng, với gió heo may v.v... dường như đã trở thành mẫu mực của thi ca và văn chương, nếu đi chệch nhất định sẽ bị xem như những kẻ lập dị làm dáng.
Nhưng tuổi trẻ là lứa tuổi phải biết đi chệch như thế. Không phải đi chệch như một hành động phá phách mà là đi chệch như một cuộc phiên lưu đầy ý thức, biết hướng về đâu và biết bất chấp những tiếng la ó hay phỉ báng. Bởi sự chậm tiến của Việt Nam, có thể nói, còn là sự chậm tiến của tuổi trẻ và của văn hoá tuổi trẻ. Sau những năm tháng sôi động của nửa đầu thế kỷ 20 trở đi thì phần lớn, nếu không lố bịch như những kẻ bắt chước kém tài, họ cũng chẳng khác gì những đàn cừu ngoan với những bước chân đủng đỉnh gọi là "kế thừa", là "nối gót" hay "theo bước cha anh".
Mà kế thừa hay nối gót đâu đơn giản là một sự lập lại cũ mèm? Nó phải sáng tạo và dứt khoát. Nó phải hướng đến sự thích ứng với cái trước mặt lẫn cái sắp xảy ra, và nhất là phải hướng đến một "quan hệ mới". Tuổi trẻ mà chỉ máy móc lập lại cùng một khẩu hiệu với thế hệ trên mình, chỉ hân hoan chờ đợi những cái vỗ vai tán thưởng của những nhà đạo đức giả thì xét cho cùng, chỉ là một thứ tuổi trẻ vô phúc. Bởi như những thế hệ đầu tiên đã làm nên cái "văn hoá tuổi trẻ" Việt Nam, họ phải ý thức cho được đâu là những nguyên nhân của bế tắc chứ không thể yên tâm với lời rao giảng của những nhà đạo đức bất lực.
Tuổi trẻ mà cả quãng đời trẻ không dám nói khác người đi trước một câu thì chẳng khác nào một thứ tuổi trẻ nhai lại. Khi đã yên thân làm loài nhai lại, đấy chính là một thứ tuổi trẻ vứt đi. Một tuổi trẻ phản động.
Chú thích:
[1] Xem: www.lib.virginia.edu/.
[2] Theo J. Walker Smith, thuộc công ty nghiên cứu thị trường Yankelovich thì trước đó một năm, 25% số thanh niên cho biết sẽ sống "chậm" lại; sau ngày 11.9, con số tăng lên gấp đôi (50%).
Xem: www.msnbc.com/news/672455.asp
[3] Xem: Nguyễn Hưng Quốc, "Tính chất thuộc địa và hậu thuộc địa trong văn học Việt Nam", Việt 6, 2000, trang 19-29. [Sau in lại trong Văn học Việt Nam từ điểm nhìn hiện đại và h(ậu h)iện đại, Văn Nghệ, California, 2000, trang 301-322]
[4] Dẫn theo 13 năm tranh luận Văn học, tài liệu quay roneo của Ðại học Văn khoa Sài Gòn do Thanh Lãng sưu tập, Nhà xuất bản Văn Học xuất bản năm 1995.

5/5/2002
Nguyễn Hoàng Văn
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những Điều Không Thể Hỏi trích trong tuyển tập khoảng cách của biệt ly Tôi cảm thấy hết sức xốn xang trong suốt buổi viếng nhà bà T....